Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận »» 2. Những thay đổi của Thích Nhất Hạnh khi dịch lại Tâm Kinh »»

Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận
»» 2. Những thay đổi của Thích Nhất Hạnh khi dịch lại Tâm Kinh

Donate

(Lượt xem: 2.955)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Bát-nhã Tâm kinh khảo luận - 2. Những thay đổi của Thích Nhất Hạnh khi dịch lại Tâm Kinh

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kể từ sau khi đọc bài viết của Jan Nattier vào năm 1992, tôi đã viết gần ba mươi bài tiểu luận về Tâm kinh và đã cố gắng để tóm lược tất cả. Khi khảo sát lại Tâm kinh sau hơn hai mươi năm nghiên cứu các thủ bản Sanskrit và các bản dịch trong Hán tạng, tôi rất hiếm khi muốn viết về các bản dịch hay chú giải Tâm kinh bằng Anh ngữ hiện nay. Các bản dịch Anh ngữ hầu như rất tồi tệ và chú giải thì tất cả đều là những gì tác giả muốn gán ghép cho Kinh điển chứ không phải về nội dung của chính bản kinh đó. Tuy nhiên, bài tiểu luận này là viết về một bản dịch [Anh ngữ] hiện đại mà trong một chừng mực nào đó cũng là một bản chú giải.

Năm 2014, Thích Nhất Hạnh (TNH), một thiền sư được nhiều người biết đến, đã đưa ra một bản dịch Tâm kinh mới. Quý vị có thể xem đối chiếu bản dịch mới này với bản đúng chuẩn hơn trước kia tại đây. Khi người như ông ta thực hiện một việc thế này thì vẫn thường dẫn đến sự hoan nghênh và một làn sóng xu nịnh ngợi ca quá đáng (điều này cũng xảy ra trong phong trào Phật giáo của chính tôi). Trang web riêng của TNH nói đến bản dịch này như là "sâu sắc và rất tuyệt". Điều này thực sự không đúng. Chỉ có những đệ tử nào của ông bị thiếu tầm nhìn mới nói như thế. Đối với một người khách quan thì bản dịch mới thật dài dòng và kỳ quặc. Trong chừng mực nào đó, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Tâm kinh là một tập hợp gắn bó các thuật ngữ Phật học không dễ chuyển dịch. Xem thêm ở phần phân tích nội dung Tâm kinh của David Chapman's.

Rất nhiều bản dịch mới [của Tâm kinh] được thúc đẩy từ sự kiêu mạn hoặc ý muốn xác lập uy tín của mình như một “thiền sư". Những bản dịch này không giúp ích gì thêm cho hiểu biết của chúng ta về Tâm kinh và cũng không đóng góp gì cho lĩnh vực văn học. Chúng thường là một kiểu “Anh ngữ hỗn chủng Phật giáo” tệ hại nhất. Chẳng hạn, nhiều dịch giả bao gồm cả TNH đã cố hàm ý Tâm kinh là thể văn vần, bằng cách trình bày nó như một bài thơ. Tâm kinh không thuộc thể văn vần. Nó không phải một bài thơ. Tâm kinh là thể văn xuôi. Trên thực tế chỉ có một văn bản trong văn hệ Bát-nhã (Prajñāpāramitā) thuộc thể văn vần và chỉ là phụ họa trong văn hệ này, đó là Ratnaguṇasaṃcayagāthā (thậm chí đến thế kỷ 10 vẫn chưa được Hán dịch).

Trong trường hợp này, bản dịch [của TNH] được thúc đẩy bởi một điều gì đó nghiêm túc hơn [những lý do vừa nêu trên]. Thông báo chính thức của TNH cho biết:

“Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm gần 2000 năm.”

Dĩ nhiên là không hề có chuyện Tâm kinh 2.000 năm tuổi, chỉ có thể vào khoảng 1300 năm tuổi. Rõ ràng TNH hoặc là không biết đến, hoặc là chối bỏ thuyết nguồn gốc Trung quốc của Jan Nattier, còn tôi thì ngược lại cho rằng thuyết này được xây dựng hết sức thuyết phục, không thể nghi ngờ. Phần quan trọng nhất của học thuyết hiện đại về Tâm Kinh chưa đến được với Làng Mai. Ý kiến cho rằng một “tổ sư”nào đó ghi lại Tâm kinh “đã không đủ khéo léo” rõ ràng chỉ là hư cấu và [theo đó] ta có thể nói về một bản Tâm kinh hoàn hảo nhưng đã bị ghi chép không hoàn hảo. Nhưng tôi muốn chuyển sang điểm chính. Vấn đề theo TNH là có sự mâu thuẫn trong Tâm kinh. Chỉ đến gần đây tôi mới tự mình xác định được mâu thuẫn này và xét từ phản ứng [thông thường] của hàng giáo phẩm cao cấp trong Phật giáo đối với bất kỳ ý kiến nào về sự khiếm khuyết trong Kinh điển của họ, tôi rất ngạc nhiên và tò mò khi thấy TNH thừa nhận khiếm khuyết này dù là thông qua một người phát ngôn. Vậy thì bất ổn [trong Tâm kinh] là gì?

“Cái lỗi không nằm ở công thức ‘sắc tức thị không’ mà nằm ở chỗ vụng về nơi câu ‘Thị cố không trung vô sắc’.”

Bất ổn ở đây là hai câu phát biểu mâu thuẫn nhau theo cách không thể nào bỏ qua như là một kiểu nghịch lý của trí tuệ ẩn mật. Nếu ta vừa nói rằng “không tức thị sắc” rồi ngay sau đó lại nói rằng “không trung vô sắc” thì đó không phải là nghịch lý, mà là hoàn toàn mâu thuẫn. Như TNH nói: “Câu kinh này có thể dẫn đến nhiều hiểu lầm tai hại.”.

Như vậy, phát hiện này được xem là của TNH. Ông ấy đã phát hiện sai lầm trong Tâm kinh và đã công bố. Thông thường thì người Phật tử phản đối mạnh mẽ, không chấp nhận những điều như thế. Chúng ta thực sự nên dừng lại một chút để suy ngẫm điều đó trước khi xem xét những gì mà TNH đã làm sau phát hiện này.

Trong khi việc phát hiện và thừa nhận sai lầm trong Kinh điển của TNH là cầu tiến, thì cách giải quyết của ông đối với việc này lại là một kết cục đầy thất vọng. Ông mô tả bất ổn như là một sự ghi chép bản kinh "không đủ khéo léo" bởi một "tổ sư" nào đó trước đây, và để giải quyết ông đã thay đổi kinh văn sao cho bất ổn đó hoàn toàn mất đi. TNH tỏ ra tin rằng ông ta có đủ tuệ giác sâu sắc về ý nghĩa [bản kinh] muốn nói và khả năng hiệu đính từ ngữ để truyền đạt ý nghĩa đó.

Và giờ thì TNH muốn trích dẫn văn bản Sanskrit vì ông vẫn tin rằng đây là phiên bản ban đầu, xác thực nhất của bản kinh. Như tôi đã nói, ông có vẻ như phủ nhận thuyết nguồn gốc Trung quốc. Nhưng rồi tôi sẽ chỉ ra rằng thực tế ông ta đã dịch từ bản Trung quốc và việc trích dẫn tiếng Sanskrit chỉ để tăng thêm tính trang trọng cho phát biểu của ông ta mà thôi. (So sánh với các bình luận của Nattier về những bản kinh Đại thừa (Mahāyāna texts) đã trở nên phổ biến trong giới WEIRD). Điều này có vẻ hơi thiếu trung thực, nhưng lại dường như là tiến trình chuẩn mực trong các bản dịch của giới Thiền gia.

Giống như các nhà chú giải khác, TNH cho rằng câu rūpam śūnyatā śūnyataiva rūpam là tâm điểm của Tâm kinh. Ông dịch câu này là (tôi giữ nguyên định dạng của ông):

“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.”

Có hai vấn đề cần nói về điều này. Đầu tiên, TNH đã đảo ngược thứ tự của những cặp phát biểu này trong văn bản T.251 của Trung quốc (phiên bản được biết đến nhiều nhất trong các văn bản Trung quốc, của ngài Huyền Tráng). Xem xét các điểm khác trong bản dịch của ông ta, thì rõ ràng là dịch từ bản Trung quốc, nhưng ở đây, ông ta đã sử dụng thứ tự dựa theo bản Sanskrit của Tâm kinh. Thứ tự trong T251 phản ánh thứ tự xuất phát từ văn bản T250 của Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch từ bản Sanskrit Pañcaviṃśatisāhasrikā-prajñāpāramitā-sūtra, từ đó phản ánh thứ tự các câu kinh trong phiên bản Sanskrit của văn bản đó mà ngày nay các thủ bản vẫn còn tồn tại. Vì vậy, trên thực tế T251 là phiên bản xác thực hơn của đoạn văn này và bản Sanskrit của Tâm kinh là một trong những phần lẻ bên ngoài. Không nhất thiết là xác thực hơn khi lựa chọn đọc từ bản Sanskrit, đặc biệt là khi người ta dịch từ bản Trung quốc.

Điều thứ hai cần nói, đó là việc dịch từ rūpa thành "body-hình hài", trong ngữ cảnh năm uẩn - skandha thì đó là một sự kỳ quặc. Rūpa (sắc) thường được hiểu là "hình thái" như một đặc điểm của các loại đối tượng mà năng lực các giác quan có thể xúc chạm để tạo ra kinh nghiệm. Chính Tâm kinh tự nó đã biểu thị điều đó khi nó xếp vị trí của “hình thái” bên cạnh âm thanh, hương thơm, vị nếm, xúc chạm và các đối tượng tâm lý (dharmas). Và "hình thái" là từ ban đầu được TNH sử dụng. Tôi không rõ tại sao bây giờ ông ta lại dịch nó là "hình hài". Sue Hamilton gợi ý rằng từ rūpa đề cập đến "trụ xứ của kinh nghiệm", tuy nhiên ý nghĩa này phức tạp hơn so với chỉ là "hình hài". TNH có vẻ như chệch hướng một cách bất thường với lựa chọn này vì những lý do hoàn toàn không rõ.

Đối với hầu hết mọi người, bao gồm cả TNH, công thức "sắc tức thị không, không tức thị sắc" là tâm điểm của Tâm kinh. Và công trình của TNH là biến chế lại Tâm kinh sao cho phần này nổi bật lên. Do đó, ông đã thay đổi từ ngữ trong phần có mâu thuẫn của Tâm kinh, từ:

“Cho nên trong Tánh Không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành, thức”.
(Sách nhật tụng Làng mai, 2000)

Chuyển sang:

“Chính vì vậy mà trong cái không,
năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác,
tâm hành và nhận thức
đều không có mặt như những thực tại riêng biệt”.

Bản Sanskrit chép là Tasmāc chāriputra śūnyatāyām na rūpam... nghĩa là "Vì vậy, Śāriputra, trong Tánh Không không có hình thái, v.v.." hoặc "đối với Tánh Không không có hình thái". Từ Sanskrit của “Tánh Không" (śūnyatā) sử dụng vị trí cách, số nhiều (śūnyatāyām) và có thể được hiểu là "trong Tánh Không" hoặc "đối với Tánh Không". Cả hai cách hiểu này đều nói lên rằng không có mối quan hệ nào giữa “sắc” và “không”, trong khi câu kinh trước đó lại nói rằng “sắc” và “không" là như nhau. Một sự mâu thuẫn hoàn toàn. TNH giải quyết mâu thuẫn bằng cách thay đổi kinh văn để đoạn kinh này trở thành “các skandha ‘không có mặt như những thực tại riêng biệt’”. Theo quan điểm Đại thừa thì câu kinh sửa lại này tuy hoàn toàn không phải là tà kiến nhưng cũng không phải là những gì mà Tâm kinh muốn nói. Vì vậy, “bản dịch” của TNH là những gì do ông biến chế ra để giải quyết một bất ổn hiển nhiên (một sự lý giải theo đuôi vấn đề).

Với tôi, điều hết sức thú vị là TNH tự thấy ông ta có thể thay đổi Kinh văn để giải quyết điểm mâu thuẫn này. Đây rõ ràng là chi tiết thú vị nhất trong tất cả những điều thú vị về Tâm kinh ở thời hiện đại mà tôi được biết, và có lẽ là điều duy nhất đáng chọn làm chủ đề để viết. Hiển nhiên là một khi Kinh điển không có ý nghĩa thì chúng ta có thể đơn giản là sửa đổi lại! Hầu hết các nhà chú giải thậm chí không nhận ra được sự mâu thuẫn [trong Tâm kinh], nên họ hoàn toàn không quan tâm đến. Tuy nhiên, cho dù đã chỉ ra được chỗ bất ổn, TNH không hoàn tất được hứa hẹn của mình vì ông ta ngay lập tức phớt lờ đi bất ổn đó. Nhưng ít nhất thì ông ta cũng thừa nhận rằng có sự bất ổn.

Phương thức của riêng tôi đối với vấn đề này đã được viết trên blog và một lúc nào đó tôi hy vọng sẽ cho xuất bản trên một tạp chí. (Xem Form is Emptiness. Parts I, II, and III). Tôi đã sử dụng một phương pháp do Jan Nattier và Nobuyoshi Yamabe phát triển, đó là lần dò ngược lại từ các trích dẫn đến các văn bản gốc của Tâm kinh, tức là các bản kinh Prajñāpāramitā. Khi làm như vậy, tôi phát hiện ra rằng có một ai đó trong thời xa xưa đã thay đổi văn bản Pañcaviṃśāsāhastikā tức Nhị vạn ngũ thiên tụng. Trong bản Aṣṭasāhasrikā tức Bát thiên tụng, có dòng này:

na hi anyā sā māyā anyat tad rūpam | rūpam eva māyā | māyaiva rūpam |

(Huyễn ảo và hình thái không phải hai điều khác biệt. Hình thái là huyễn ảo. Huyễn ảo là hình thái.)

Đây là một viện dẫn liên hệ đến lối so sánh cổ xưa của Phật giáo, đó là hình thái giống như huyễn ảo. So sánh này trở thành một phép ẩn dụ: hình thái là huyễn ảo. Và phép ẩn dụ này đã được cụ thể hóa thành: hình thái là một huyễn ảo. Vấn đề là người biên tập khi dùng chữ śūnyatā để thay thế cho chữ māyā đã tạo ra một lỗi ngữ pháp thô thiển. Dạng thức của câu này trong Tâm kinh hoàn toàn không có nghĩa: đó là một lỗi ngữ pháp tồi tệ và đã phá vỡ một phép ẩn dụ hoàn hảo. Còn có những ví dụ khác về việc biên tập lầm lẫn trong Tâm kinh mà tôi đã trình bày chi tiết trong phần III của bài tiểu luận “Form is Emptiness”. Vì vậy, lập luận của tôi là, nếu có bất ổn trong Tâm kinh thì chính là nằm ở phần này. Trong thực tế, câu: “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là vô nghĩa. Điều này không xóa bỏ đi thực tế là câu kinh này đã biểu trưng cho một điều gì đó quan trọng đối với Phật tử qua nhiều thế kỷ. Nhiều Phật tử đã và đang cảm thấy rằng những gì họ cố gắng thực hiện [trong tu tập] là bất khả tư nghị (nghĩa đen là vượt ngoài tầm nhận thức của tâm thức phàm phu). Và khi Phật giáo Đại thừa ngày càng trở nên bí ẩn, u huyền, thâm diệu hơn, câu kinh này giúp các nhà Đại Thừa vận dụng nghịch lý như là một sự biểu hiện của mục đích bất khả tư nghị này. Và công thức [“sắc tức thị không, không tức thị sắc”] hàm chứa nghịch lý này đã tạo điều kiện phát triển cho các nhà chú giải thuộc tất cả các trường phái, những người tuyên bố là hiểu được câu kinh này và có thể giải thích cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, điều tất yếu hiển nhiên là ta phải có đủ trí tuệ để hiểu được. Giờ đây tôi không còn thấy câu kinh lý giải này là hữu ích hoặc có ý nghĩa gì cả.

Ngược lại với TNH, tôi cho rằng mệnh đề thứ hai với từ śūnyatāyām (Tánh không) là để một tham chiếu đến śūnyatāvihāra (Không định) hoặc śūnyatāsamādhi (Không tam-muội), nghĩa là “một trạng thái không” (trong thiền định), được mô tả trong kinh điển Pāḷi (Trung Bộ, MN:121, 122) như là một trạng thái không có kinh nghiệm nào sinh khởi. Các skandha (uẩn) là những tiến trình mà theo đó kinh nghiệm được sinh khởi. Trong trạng thái không, các tiến trình này dường như bị ngăn dứt. Do đó, trong Tánh không, theo đúng nghĩa là không có rūpa (sắc), không có vedanā (thọ), không có saṃjñā (tưởng), không có saṃskāra (hành), và không có vijñāna (thức). Không có nghịch lý ở đây. Chỉ đơn giản là một mô tả về trạng thái thiền định. Và lưu ý rằng nếu từ rūpa có nghĩa là "hình hài" thì cách giải thích truyền thống sẽ đưa ra hàm ý rằng hình hài không tồn tại trong śūnyatāvihāra (Không định). Tất nhiên, từ góc độ của người đang hành thiền thì hình hài của họ quả thật là tan biến đi. Nhưng đó không phải là một thực tế khách quan. Người hành thiền trong Tánh Không không có cách nào để vượt ra ngoài kinh nghiệm để trở thành khách quan, bởi vì "bên ngoài" và "bên trong" không còn ý nghĩa gì nữa trong samādhi (tam-muội).

Vì vậy, giải pháp của tôi cho vấn đề này rất khác so với giải pháp của TNH. Tôi cho rằng câu “sắc tức thị không” là một sự vô nghĩa tạo ra bởi một người nhiệt tâm thiếu suy xét, đã làm phá vỡ một cấu trúc ẩn dụ hoàn hảo mà hiện vẫn có thể được tìm thấy nguyên vẹn trong Aṣṭasāhasrikā (Bát thiên tụng). Và tôi cho rằng câu “không trung vô sắc” là một sự mô tả về những gì diễn ra trong trạng thái (thiền định) tánh Không. Đây là điều trái với thông lệ, vì hầu hết các nhà chú giải thấy rất ít liên hệ giữa chữ Pāḷi suññatā, thường có nghĩa là "absence-vắng mặt", như khi vắng mặt kinh nghiệm, với chữ Sanskrit "śūnyatā" vốn mang nghĩa là một phẩm chất được gán cho các pháp, ví dụ như: sarvadharmāḥ śūnyatālakṣaṇā "Tất cả pháp đều có đặc điểm là Tánh Không", mặc dù nó cũng có thể chỉ đến sự vắng mặt của tự tính hay svabhāva. Tôi ngờ rằng lòng sùng kính sẽ giữ vai trò chính trong việc quyết định yếu tố nào là quan trọng nhất đối với vấn đề này, và điều này sẽ xác định giải pháp nào là hợp lý hơn.

Vì đang xem xét bản dịch này, tôi muốn đưa ra thêm một vài nhận xét về nó. Tôi sẽ tập trung đặc biệt vào đoạn văn đầu tiên. Đây là một phần của nguyên bản mà tôi hiểu rõ nhất và cũng là chủ đề của bài viết về Tâm kinh tôi đã xuất bản (Attwood 2015). Các bất ổn rõ ràng trong đoạn văn ngắn ngủi này sẽ làm sáng tỏ nhận định bao quát hơn của tôi về giá trị của bản dịch này, về mặt giáo lý cũng như về mặt văn chương. Đây là những gì mà TNH đã sáng chế ra cho một bản dịch:

“Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.”

Ở đây có rất nhiều điểm hết sức tệ hại về đoạn này. Giống như các “bản dịch” thiền ngẫu hứng gần đây, phương pháp được dùng ở đây có vẻ như là dùng các cụm từ dài để diễn tả ý nghĩa của từng chữ và làm kéo dài văn bản, do đó khiến cho nó trở thành khá dài dòng. Điều này biến kinh văn thành một bản chú giải. Cách trình bày hàm ý theo thể thơ tự do (nghĩa là các câu ngắn mà không có vần điệu hoặc tiết nhịp), tuy nhiên, như tôi đã nói, Tâm kinh không phải là một bài thơ. Đó là một đoạn văn ngắn được tách ra từ một tác phẩm dài hơn bằng văn xuôi.

Tâm kinh hoàn toàn không thể lãnh hội được đối với những người không thông thạo về ngữ cảnh. Ngay cả một số người sùng mộ nó cũng không làm được gì nhiều hơn là chìm đắm trong nhận thức rối rắm của họ đối với bản văn này. Không có bản dịch nào trung thành với văn bản gốc mà lại có thể là dễ hiểu. Trong Tâm kinh hầu hết là thuật ngữ. Việc kéo dài bản kinh ra với những cụm từ giải thích mà tự thân chúng cũng là những thuật ngữ sẽ không cải thiện được gì và thường làm cho nó càng trở nên dài dòng hơn (hoặc ngụy tạo nó thành một bài thơ hay bất kỳ điều gì khác).

Tôi cho rằng bản dịch này [của TNH] chủ yếu dựa vào bản chữ Hán. Làm sao tôi biết được? Vì không có chứng tích Sanskrit trong Tâm kinh dạng thủ bản hoặc khắc bản, cũng như bất kỳ văn bản Prajñāpāramitā nào của tiếng Sanskrit, tương đương với cụm từ 度 一切苦厄 -độ nhất thiết khổ ách "overcame all suffering-vượt qua tất cả khổ đau". Nó được ngắt thành: 度 -độ "vượt qua" (đôi khi được dùng để dịch pāramitā); 一切 -nhất thiết "tất cả", 苦厄 -khổ đau “duḥkhatā” hoặc trạng thái khổ não. Việc đưa thêm cụm từ trên vào cho chúng ta biết rằng TNH đã dịch từ bản chữ Hán. Một dấu hiệu khác cho thấy điều này có thể được tìm thấy trong phần cuối bản dịch của ông ta, trong cụm từ "most illuminating mantra- Là linh chú sáng nhất". Đó là dịch từ những chữ 大 明咒 - đại minh chú. Trong bản Sanskirt có từ vidyā-mantra không thể phiên dịch theo cách đó. Tôi có viết trên blog về lý do những cụm từ tương đương với các chữ này trong văn bản Prajñāpāramitā tiếng Sanskrit đều có chữ vidyā, được (ngài Cưu-ma-la-thập) dịch là 明咒 minh chú (Xem Roots of the Heart Sutra 15 Aug 2014). Về sau, khi Phật tử bắt đầu ưa chuộng sử dụng các thần chú (mantra) thì việc nhận hiểu hai từ [vidyā-mantra] là "shining mantra – thần chú rực sáng" có vẻ như tự nhiên hơn. Đây là bằng chứng khác ủng hộ thuyết nguồn gốc Trung quốc - sự khác biệt này rất khó để giải thích theo bất cứ cách nào khác.

Cụm từ "the Insight that Brings Us to the Other Shore- Sự quán chiếu sâu sắc đưa chúng ta qua đến bờ bên kia" với cách viết hoa kỳ quặc là được TNH dịch từ 般若 波羅蜜 多 Bát-nhã Ba-la-mật-đa trong bản Hán ngữ hoặc Prajñāpāramitā trong bản Sanskrit. Có nhiều điểm chúng ta có thể phê phán Conze, nhưng trong trường hợp này, [ông dùng] "perfection of wisdom-sự toàn hảo của trí tuệ" là rất thích đáng, có ưu thế được sử dụng và nhận hiểu rộng rãi. Từ Prajñā không có nghĩa là "insight-quán chiếu sâu sắc". Trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo sử dụng tiếng Anh thì từ "insight- quán chiếu sâu sắc" thường được dùng để dịch từ vipaśyanā. Prajñā do đó là kết quả của sự quán chiếu sâu sắc (‘insight). Lựa chọn một cách dịch đặc thù của riêng mình khi đã có một cách dịch khác được chấp nhận và sử dụng rộng rãi thường là lựa chọn không tốt cho một dịch giả vì nó gây khó khăn cho người đọc. Một cụm từ kỳ quặc như "quán chiếu sâu sắc đưa chúng ta qua đến bờ bên kia" chỉ làm cho bản văn trở nên tồi tệ hơn, bởi vì bấy giờ người đọc buộc phải phân tích cụm từ kỳ quặc này và dừng lại để cân nhắc xem nó có thể mang ý nghĩa gì. Hẳn nhiên là cuối cùng thì chúng ta cũng không thể dịch ngược nó lại thành một cụm từ quen thuộc. Vì như tôi đã nói, Tâm kinh không phải là một văn bản có thể làm cho trở nên dễ hiểu với những người không chuyên môn bằng cách sử dụng những giải thích dài dòng để thay thế cho các thuật ngữ. Hoặc là ta phải dành ra nhiều năm học hỏi để hiểu được các thuật ngữ, hoặc là cứ tiếp tục không hiểu. Trong trường hợp không hiểu được, người ta rất thường dựa vào lối tư duy huyền hoặc, là đặc điểm của bối cảnh ban đầu xuất phát Tâm kinh và là cách phản ứng hiện đại đối với một văn bản rối rắm.

Phần đầu tiên của bản Hán ngữ là: 觀 自在 菩薩 行 深 般若 波羅蜜 多時- Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời. Chúng ta ngắt chúng ra để đọc: 觀 自在 [Quán Tự Tại] Avalokiteśvara 菩薩 [bồ-tát] bodhisatva 行 [hành] thực hành 深 [thâm] sâu thẳm 般若 波羅蜜 多 [bát-nhã ba-la-mật đa] prajñāpāramitā. Tố từ ‘時 thời’ nằm ở cuối gợi ý rằng đây là một hành động đang diễn ra không gián đoạn và chúng tôi thường dịch nó là "while-trong khi" hoặc "when-khi đang". TNH hiểu từ ‘深 thâm’ như là một trạng từ của ‘行’ hành, do đó nó có nghĩa là "thực hành (một cách) sâu xa" [theo chính tả của người Mỹ] nhưng trái lại hầu hết các dịch giả đều hiểu ‘深 thâm’ như một tính từ phẩm định của prajñāpāramitā. Nghĩa là, chính prajñāpāramitā đó vốn là sâu thẳm (gambhīra) chứ không phải chỉ cho sự thực hành. Thông thường trong Hán cổ, chúng ta quen thuộc với việc trạng từ được đặt ngay trước động từ mà nó bổ nghĩa (các sách ngữ pháp của tôi nói vậy). Trong trường hợp này, từ 深 thâm’ xuất hiện ngay sau từ 行 hành. Vì vậy, hiểu nó như một trạng từ của 行 hành thì thật đáng ngờ. Trong bản Sanskrit là: gambhīrāṃ prajñāpāramitācaryāṃ caramāṇo. Ở đây, gambhīra rõ ràng là một tính từ, nhưng quả thật có vẻ như nó được áp dụng cho carya “thực hành”, nghĩa là sự thực hành sâu sắc của trí tuệ toàn hảo. Trong thực tế, trong bản Hán ngữ nó cũng có vẻ như một tính từ, nhưng là tính từ của 般若 波羅蜜 多 Bát-nhã ba-la-mật-đa hay prajñāpāramitā. Cũng như trong ngữ pháp tiếng Anh, trạng từ cũng thường đi trước động từ mà nó bổ nghĩa, do đó "practising deeply" lẽ ra phải viết là "deeply practising", nhưng điều này phụ thuộc vào sự quan sát rằng ở đây "deep" không có khả năng là một trạng từ.

THN đã diễn dịch rằng Avalokiteśvara không phải "thực hành prajñāpāramitā sâu thẳm", mà là ngài "thực hành sâu xa prajñāpāramitā". Vì vậy, ông biện luận rằng bản thân prajñāpāramitā không phải là một sự thực hành, mà là một trạng thái, và rằng Avalokiteśvara đạt được trạng thái đó. Bản Sanskrit nói ngược lại điều này với cụm từ prajñāpāramitācaryāṃ “sự thực hành trí tuệ toàn hảo”. Bản dịch của TNH tỏ ra không chính xác. Theo TNH thì Bồ Tát Avalokiteśvara “đang thực hành với prajñāpāramitā”. Thật kỳ lạ, ngay sau đó TNH thêm vào một trạng từ "suddenly-bỗng" không có trong bất kỳ phiên bản nào của Hán ngữ hoặc tiếng Sanskrit cả. Avalokiteśvara "suddenly discovered that that all of the five Skandhas are equally empty - bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không" Nhưng Avalokiteśvara là một vị Bồ-tát được tác thành hoàn hảo “với Bát-nhã Ba-la-mật-đa”, và vì thế khá lão luyện với Tánh Không của các skandha. Đó không phải là điều mà một vị Bồ-tát như Avalokiteśvara lại "bỗng khám phá ra", vì cùng với việc chứng quả Bồ Tát với prajñāpāramitā là vị ấy vốn đã biết rõ điều đó rồi. Thế nên, điều này hẳn sẽ là một sai lầm nghiêm trọng trong việc nhận hiểu những gì đang diễn ra. Avalokiteśvara là một vị Bồ Tát, hoặc ngài [là người] "bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không", nhưng không thể là cả hai. Trong cả Hán ngữ cũng như Sanskrit đều không cho phép động từ [ở đây] là “khám phá”. Bản Hán ngữ có từ ‘照見 chiếu kiến’ mà tôi sẽ thảo luận trong đoạn tiếp theo; bản Sanskrit có từ paśyati sma" vị ấy đã thấy".

Trạng từ "bỗng" này xuất hiện không có căn cứ. Bản Hán ngữ có cụm từ 照 見 chiếu kiến, khá là bất thường. Cho phép tôi trích dẫn đoạn thảo luận của chính tôi từ bài báo JOCBS (Attwood 2015: 119):

"照 見 chiếu kiến, một thuật ngữ khó hiểu, có lẽ là tương đương với vyavalokayati sma, nhưng có quan hệ chặt chẽ với paśyati sma, tức là cả quan sát và nhìn thấy. Từ 照 chiếu cũng có nghĩa là "suy ngẫm", "rọi sáng", hoặc là "đối chiếu", trong khi 見 kiến chỉ có nghĩa là "nhìn thấy", và tự nó thường tương ứng trực tiếp với paśyati. Cả hai từ này có thể được hiểu như một cụm động từ phức hợp "illuminate and see-chiếu sáng và nhìn thấy", hoặc 照 chiếu có thể là trạng từ, mang ý nghĩa đại loại như "thấy rõ ràng, phân biệt rõ". Trong Yu (2000), một số nhà chuyên môn về văn học Trung quốc với nhiều kiến thức về Phật học đã tiếp cận Tâm kinh (Hṛdaya) như một tác phẩm văn học và đã không đồng thuận về cách hiểu cụm từ này. Stephen F. Teiser (Yu 2000: 113) dịch 照 見 chiếu kiến là “illuminating vision” (照 chiếu là trạng từ), trong khi Stephen H West (116) chọn cách dịch "shining upon and making manifest" (‘照 見 chiếu kiến’ như là một cụm động từ). Michael A. Fuller không dịch nhưng bày tỏ sự ngờ vực: "Tôi đối mặt với một ẩn dụ khi lẽ ra vấn đề đã đơn giản hơn nếu không có nó: Tại sao là zhao [照 chiếu]? Kiến giải ở đây là gì? Trí tuệ có phát ra ánh sáng không? Nghĩa là, liệu có phải một trí tuệ như thế là cách dùng sinh động của một tâm thức đi sâu vào các hiện tượng của thế giới, hay chỉ đơn giản là lãnh hội?"

Như vậy, trong trường hợp này vị trí của từ ‘照 chiếu’ nằm ngay trước từ ‘見 kiến’ cho phép hiểu nó như một trạng từ. Vấn đề là từ ‘照 chiếu’ không có nghĩa là "bỗng" và từ ‘見 kiến’ không có nghĩa là "khám phá". Vì thế xin nhắc lại, TNH không chỉ đơn thuần là chuyển dịch Tâm kinh, ông đã thay đổi nó.

Tiếp theo, TNH dịch ‘五蘊 皆空 ngũ uẩn giai không’ thành: "all of the five Skandhas are equally empty- tất cả năm uẩn đều trống rỗng như nhau". Đây là một bất ổn khác nữa. Thật ra, ‘皆 giai’ là một trạng từ có nghĩa là "tất cả, toàn thể, mỗi, mọi..." và cụm từ [Hán ngữ] này có nghĩa là "năm uẩn đều trống rỗng", hoặc ít gặp hơn là "tất cả năm uẩn đều trống rỗng". Vì vậy, chúng ta rất có thể sẽ hiểu ‘皆 giai’ là một trạng từ, nhưng nó không phải là trạng từ mà TNH cần có. Thật vô nghĩa khi thêm “equally-như nhau” vào cụm từ "all the five skandhas are empty". Tánh Không không có vấn đề mức độ. Nếu cái gì đó trống rỗng thì nó là trống rỗng. Với sự hiện hữu dù là nhỏ nhất, có nghĩa là không trống rỗng.

Cuối cùng, TNH dịch ‘度 一切 苦厄 độ nhất thiết khổ ách’ là "He overcame all ill-being - Vị ấy vượt qua được mọi khổ đau ách nạn". Tôi rất ngạc nhiên khi biết được "ill-being" là một từ ngữ. Nó là một từ ngữ đặc Mỹ (có trong Merriam-Webster Dictionary, nhưng không có trong Oxford). Tôi cho rằng chúng ta không thể phàn nàn về từ ngữ đặc Mỹ khi mà số đông môn đồ của ông là người Mỹ. Nhưng với tôi đây là một cách diễn đạt thô thiển. Quan điểm thẩm mỹ nằm trong mắt người xem, nhưng hầu hết các phần còn lại của đoạn văn này đã được dịch rất tệ hại đến nỗi ít nhất cũng đáng để chỉ ra rằng một từ ngữ khó hiểu như "ill-being" cũng gây khó khăn cho người đọc không khác gì một thuật ngữ Phật học. Nó cũng khiến cho người đọc phải dừng lại để suy ngẫm tìm hiểu.

Có quá nhiều bất ổn trong chỉ một đoạn văn ngắn như vậy. Hầu như mọi cụm từ đều bị bóp méo theo cách nào đó. Những gì TNH đã làm ở đây không phải là một bản dịch, mà là diễn giải lại kinh văn. Là người quen thuộc với các văn bản Tâm kinh bằng tiếng Sanskrit và Hán cổ, ý kiến của tôi là TNH đã không làm được bất cứ điều gì để giúp văn bản trở nên rõ ràng hơn, và trong nhiều trường hợp ông ta đã làm cho mơ hồ hơn, hoặc vì những chỗ dịch không chính xác, hoặc vì những thêm thắt suy diễn vô ích, hay chỉ vì ngữ pháp tiếng Anh kém cỏi. Thành công của TNH có thể là đã làm rõ được những gì ông nghĩ là Tâm kinh muốn nói. Như vậy cũng là hợp lý, chỉ có điều ông ấy đã hiểu sai ý nghĩa Tâm kinh.

Tôi có thể tiếp tục phê bình các phần còn lại của bản dịch, nhưng tôi nghĩ rằng điểm chính đã được làm rõ và tôi không muốn nhọc sức thêm. Không có gì sâu sắc hay tốt đẹp trong bản dịch này. Thật tồi tệ ở nhiều mức độ.

Kết luận

Trong khi chẳng có mấy giá trị văn chương và bất chấp việc làm cho văn bản [của Tâm kinh] khó hiểu hơn, bản dịch mới của Thích Nhất Hạnh vẫn rất thú vị với sự liều lĩnh của dịch giả khi thay đổi kinh văn nhằm ứng phó với bất ổn về ngữ nghĩa, [nhất là] trong một thế giới mà hầu hết các bản dịch mới đều là những công trình vô bổ chỉ kéo dài bản văn mà không đóng góp thêm được gì. Một số thay đổi của TNH hầu như vô giá trị, chẳng hạn như kéo dài thêm văn bản với những trạng từ thừa thải, hoặc biến một từ thành một cụm từ diễn tả dài dòng để truyền đạt quan điểm của tác giả, nhưng khi giải quyết vấn đề hai câu kinh mâu thuẫn, TNH đã có nỗ lực đóng góp đáng kể hơn. Không chỉ vậy, ông ta còn phải cân nhắc giá trị của hai câu kinh mâu thuẫn để chọn lấy một. Vì Tâm kinh là sản phẩm của nhiều thế hệ [trước đây đã từng] can thiệp như thế vào các bản văn, nên điều thú vị là được thấy tiến trình này vẫn tiếp tục trong hiện tại.

Các nhà chú giải thường diễn giải Tâm kinh với một định kiến thiên lệch rất lớn. Với mỗi, hoặc gần như là mọi dịch giả, Tâm kinh là biểu tượng của một điển hình thu nhỏ từ thế giới quan hiện tại của họ, dù đó là Duy thức (Yogācārin), Trung quán (Mādhyamika), Tāthāgatagarbhikā hay Mật tông (Tantric). Tầm quan trọng của Tâm kinh trong lãnh vực này là vì nó là một bản kinh, do đó chứng thực và chính thống hóa quan điểm của nhà chú giải, bất kể quan điểm đó là gì. Tất cả Phật tử đều làm điều này, nhưng trong trường hợp của hầu hết các nhà chú giải hiện đại, họ đều ngần ngại trong việc chỉnh sửa kinh văn để phù hợp với quan điểm này. Chúng ta biết rằng Tâm kinh đã bị chỉnh sửa trong quá khứ. Tôi đã từng đưa ra các liên kết với những ví dụ cho điều này. Nhưng hãy lưu ý rằng không chỉ là mỗi thủ bản Sanskrit đều khác biệt so với tất cả những bản khác (mặc dù đôi khi điều này chỉ là do người ghi chép thủ bản hời hợp nên lầm lẫn), mà cả ba phiên bản của Tâm kinh lược bản trong Hán tạng cũng khác nhau theo nhiều cách đáng kể (xem thêm Variations in the Heart Sutra in Chinese).

Bản dịch mới của TNH còn thú vị ở chỗ nó minh họa cho tiến trình mà Phật tử thường áp dụng khi tìm ra một sự lầm lẫn trong các bản kinh của họ. Vấn đề được TNH nhận biết là có thật. Đó không phải là vấn đề phân tích hay chú giải, mà là có một sự mâu thuẫn hoàn toàn và rõ rệt trong Tâm kinh mà từ lâu không ai nhận thấy, nhưng TNH đã nhận thấy. Tôi cũng nhận thấy, nhưng ông ta hơn tôi vì đã công bố trước vài năm, do đó phát hiện này thuộc về ông ta. Phương thức của tôi đối với sai lầm này là nêu rõ và nhấn mạnh nó. Tôi muốn áp lực phát sinh để tạo ra một sự thay đổi quan điểm về các văn bản trong Phật giáo và điều này đòi hỏi phải duy trì áp lực hơn là tìm kiếm một giải pháp.

Theo như thực tế đã diễn ra thì sai lệch trong Tâm kinh dường như là kết quả của một chuyển đổi lịch sử trong sự nhấn mạnh của Đại thừa, dẫn đến sự thêm thắt một cách thô thiển vào các bản kinh văn đương thời, vào khoảng những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch (sớm nhất là vào năm 179, khi Lokakṣema dịch Pañcaviṃsati). Như vậy, mâu thuẫn này cũng quan trọng như là một dấu mốc cho thấy sự thay đổi các giáo nghĩa trong Phật giáo và thái độ quan điểm. Một lần nữa, chỉ thông qua việc thừa nhận sai lầm này và cho phép nó tồn tại mà những hiểu biết về lịch sử các tư tưởng Phật giáo mới được chú ý đến.

TNH thừa nhận sai lệch này [trong Tâm kinh] và sau đó "khắc phục" nó bằng cách biến chế ra một “bản dịch” không có bất ổn. Ông ta không chỉ chuyển dịch văn bản như một người quan sát khách quan, mà chủ động sửa đổi kinh văn để đảm bảo một nội dung phù hợp với quan điểm của ông về Phật giáo. Ông ta không hoàn toàn che giấu được lịch sử [sửa đổi] Tâm kinh, bởi vì trong một văn bản khác ông đã thừa nhận vấn đề này. Nhưng qua việc đơn thuần sửa đổi kinh văn, ông đã loại bỏ đi áp lực có thể thúc đẩy một sự thay đổi quan điểm. Ông đang duy trì tình trạng hiện tại. Nhưng đây đúng là những gì chúng ta chờ đợi ở các nhân vật độc đoán có quyền thế hoặc ngay cả với những dịch giả có khuynh hướng kỳ quái ngược đời.

Có một phương thức chính thống hóa khác được TNH sử dụng mà chúng ta cũng rất thường thấy ở các nhà chú giải Tâm kinh khác trong giới Thiền tông phương Tây, đó là sự viện dẫn tiếng Sanskrit để tạo ra độ tin cậy cho một bản dịch từ Hán ngữ. Điều này chỉ có thể được thực hiện trong điều kiện chối bỏ hoặc thiếu hiểu biết về thuyết nguồn gốc Trung quốc của Jan Nattier, và được hỗ trợ thêm bởi tình trạng mù chữ Sanskrit phổ biến trong giới Phật tử ngày nay. Phải thừa nhận rằng tiếng Sanskrit là một ngôn ngữ khó học, nhưng việc thiếu kiến thức về nó cũng có nghĩa là các nhà chú giải [Tâm kinh] có thể đưa ra các phát biểu về bản kinh tiếng Sanskrit mà hầu hết người nghe sẽ chẳng bao giờ đặt nghi vấn và cũng không có đủ khả năng để thẩm tra. Theo kinh nghiệm của tôi, các nhà chú giải như Red Pine và Kaz Tanahashi là những người nói rằng họ dịch từ tiếng Sanskrit nhưng thực ra là những người rất kém cỏi về tiếng Sanskrit và phụ thuộc rất nhiều vào một ngôn ngữ thứ ba không được nêu tên (có thể là tiếng Nhật) và kinh văn Hán ngữ. TNH cố tạo ra hàm ý rằng ông ta đã sử dụng văn bản Sanskrit, nhưng rõ ràng ông ta đã dịch từ bản Hán ngữ T251.

Tôi luôn nhấn mạnh vào bất kỳ bất ổn nào về mặt văn bản; cũng giống như thế, tôi muốn nhấn mạnh vào những phương thức giải quyết bất ổn này. Theo tôi, một nét đặc trưng của Đại thừa là, bất chấp việc các bản văn đã được đưa vào Kinh tạng họ vẫn mở rộng khả năng sửa đổi. Có chứng cứ khá rõ ràng trong Hán tạng cho thấy việc sửa đổi kinh văn đã xảy ra rất nhiều ở Ấn Độ. Ngược lại, tôi chưa biết đến điển hình tương tự nào trong lĩnh vực nghiên cứu [Kinh văn] Pāli. Vì thế, đây là một tri kiến lý thú trong phạm trù chế tác và truyền bá Kinh văn Phật giáo. Việc chủ động hiệu đính, chỉnh sửa các bất ổn được nhận ra trong Kinh văn đã từng được thực hiện [trong quá khứ] và [vẫn còn] cho đến hiện tại. Dù vậy, dĩ nhiên là TNH đã không chỉnh sửa được văn bản trong Kinh tạng, bản gốc Kinh văn vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng tiến trình chuyển dịch bản kinh [sang ngôn ngữ khác] đã tạo ra một cơ hội để chỉnh sửa mà sự truyền bá [Kinh văn] với một ngôn ngữ duy nhất không có được.

Phân tích cuối cùng là, bản dịch mới của TNH không phải bản dịch hay, dù là trên phương diện trình bày Kinh văn hay phương diện văn chương. “Bản dịch mới” này trong thực tế là một bản viết chồng: một văn bản mới được viết chồng lên một văn bản cũ [sau khi xóa nó đi]. Cũng không hẳn là một bản chú giải, vì văn bản mới này phản ánh những lời dạy của tác giả chứ không phải lời dạy của chư Phật Tổ.

Tâm kinh là một bản văn ngắn tách ra khỏi một ngữ cảnh [rộng hơn], bị sai lệch đi bởi những người sao chép, biên tập, và rồi phát triển vượt xa năng lực ban đầu [để trở thành] như một thần chú nhiệm mầu giúp bảo vệ [người đọc] khỏi ma quỷ và tai họa. Nội dung của nó vẫn tiếp tục gây khó hiểu [cho người đọc], nhưng chính sự khó hiểu này lại là biểu trưng của một điều gì đó thiết yếu đối với nhiều Phật tử: sự khó hiểu của họ đối với thế giới này, đối với Phật giáo, và với phương thức mà Phật giáo nhận hiểu (hoặc không nhận hiểu) về thế giới.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Bức Thành Biên Giới


Cảm tạ xứ Đức

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.19.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...