Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Thầy tôi - Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Thầy tôi - Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh

Donate

(Lượt xem: 3.450)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Thầy tôi - Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Để tưởng nhớ Bổn sư Thích Như Vạn

Đời tôi gần giống như cuộc đời của cậu bé mồ côi ở viện Dục Anh trong văn Vũ Trọng Phụng. Chúng tôi đều sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Từ những ngày còn bé tôi đã không có một cái gì để gọi là riêng tư. Đời tôi gắn liền với tập thể, lớn lên và nương tựa vào tập thể. Không có tập thể tôi không sống được. Không có tập thể, tôi sẽ cảm thấy trơ trọi và lạc lõng trong rừng đời. Tập thể là nước để tôi uống, là hơi để tôi thở, là gia đình, là niềm vui và cũng là chiếc dù che nắng trong hành trình nhiều đại hạn của đời tôi. Ngay cả bây giờ khi khôn lớn, tập thể vẫn đóng một phần quan trọng trong sinh hoạt tinh thần của tôi. Một trong những tập thể mà tôi luôn gắn bó: Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Hành trang đi vào cuộc đời của tôi là những vốn liếng tôi học được từ Gia Đình Phật Tử. Ngày bỏ làng Mã Châu ra đi, tôi không có gì để mang theo ngoài tinh thần Bi-Trí-Dũng, những hạt giống đầu tiên được gieo trồng trong tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ. Tôi học để thương yêu người và vật, để khai phóng và dung hòa với tha nhân, để chịu đựng và vượt qua các thử thách của cuộc đời. Hơn ba mươi năm sau, những hạt giống tốt kia đã mọc thành cây xanh, trái ngọt. Từ một mức độ rất giới hạn và nhiều chủ quan, tôi nghĩ mình đã học và hành theo đúng phần nào các châm ngôn của một người Phật tử.

Tôi gia nhập Gia Đình Phật Tử từ những ngày còn rất nhỏ. Buổi sáng mùng tám tháng Chạp, nhân ngày lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, tôi hồi hộp theo cha đến chùa Ba Phong, ngôi chùa làng nho nhỏ nằm bên bờ sông Thu êm đềm chảy ra Cửa Đại, để ghi tên vào Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Hôm đó là một trong những ngày trọng đại của đời tôi.

Sau một thời gian sinh hoạt như một đồng niên, vào dịp lễ Phật Thích Ca Thành Đạo năm sau, cả đoàn chúng tôi được Đại Đức Thích Như Vạn từ Hội An về làm lễ quy y. Thầy bổn sư tôi có pháp hiệu là Như Vạn, với chữ “Như” trong câu kệ truyền thừa “Ấn Chơn Như Thị Đồng” của tổ Minh Hải, được truyền qua nhiều thế hệ tăng sĩ. Trong lễ phát nguyện quy y Phật-Pháp-Tăng và thọ ngũ giới, đoàn chúng tôi quỳ sát nhau sau lưng Đại Đức Thích Như Vạn. Mỗi khi thầy đọc tên một đoàn sinh thì thầy cũng đọc thêm Pháp Danh mà thầy đặt cho đoàn sinh đó. Phe con gái thì không cảm thấy gì lạ với những tên đạo Thị Diệu, Thị Trang, Thị Từ, Thị Hạnh... của họ nhưng khi thầy đọc pháp danh của tôi thì cả đoàn, cả trai lẫn gái cùng bật tiếng cười ồ, dù đang làm lễ trước chánh điện. Còn tôi thì dĩ nhiên khi nghe tên đạo của mình tôi ngượng đến điếng người. Khóc không được nhưng cười cũng không xong. Ở lại thì không muốn chút nào mà bỏ đoàn ra về thì không dám. Lý do vì thầy đặt cho tôi một cái tên rất là con gái: Thị Nghĩa.

Đám bạn tôi và cả tôi vẫn nghĩ chữ Thị chỉ dành độc quyền cho đàn bà con gái dùng mà thôi. Đàn ông con trai phải được lót bằng những chữ văn hoa như Tâm, Từ hay hùng tráng như Trung, Nguyên,v.v... chứ không ai đặt chữ lót là Thị bao giờ. Không chỉ riêng tôi mà tất cả nam đoàn viên hôm đó đều “bị” thầy đặt tên con gái. Thông thường, pháp danh các thầy ban xuôi nghĩa với tên thật. Chẳng hạn tên thật tôi là Nhơn thì thầy ban pháp danh là Nghĩa, bạn tôi tên là Phúc thì thầy ban cho pháp danh là Thị Hồng. Hồng Phúc thì không sao nhưng Thị Hồng lại càng có vẻ con gái hơn cả pháp danh của tôi. May là trong đám con trai bọn tôi không có đoàn viên nào tên Sắc, nếu có thì biết đâu thầy lại chẳng đặt cho cái tên là Thị Mầu, xuôi theo chữ “mầu sắc” thì chỉ còn nước trốn đoàn, bỏ xứ mà đi.

Tôi buồn vì cái tên Thị Nghĩa này lắm. Buồn mấy năm trời. Trong truyền thống của Gia Đình Phật Tử, từ huynh trưởng đến đoàn viên, đều gọi nhau bằng pháp danh thay vì bằng tên thật. Thật khó chịu biết bao khi nghe các anh các chị gọi tôi là Thị Nghĩa. Nhiều lần tôi định sẽ quy y lại một lần nữa và với một thầy khác. Mục đích duy nhất là để được đặt một pháp danh dễ nghe hơn là pháp danh Thị Nghĩa quê mùa và con gái mà tôi đang có.

Gia đình Phật Tử ở quê tôi coi như tan rã kể từ sau khi Cộng Sản mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Các anh chị huynh trưởng, một số đi theo Cộng Sản, một số đi lính Cộng Hòa, một số khác bỏ làng ra Đà Nẵng tìm cách sinh sống, làm ăn. Đám đoàn sinh chúng tôi từ đó như chim non bay tán loạn đầy trời. Tôi bay lạc xuống thị xã Hội An và đậu dưới gốc đa chùa Viên Giác.

Trong những ngày ở Hội An, tôi may mắn gặp lại bổn sư Thích Như Vạn trong một dịp thầy tới thăm chùa. Câu đầu tiên, sau khi vấn an thầy, là tôi phàn nàn ngay việc thầy đã ban một pháp danh rất đàn bà con gái không thể nào chấp nhận được. Tôi bạch với thầy rằng, thầy là bậc tu hành nên không thể hiểu được nỗi khổ đau của một kẻ có tên mà không muốn ai gọi.

Thầy cười và giải thích các triết lý sâu xa của từng chữ, từng câu trong bài kệ tám câu của tổ Minh Hải mà chúng tôi được vinh dự kế thừa. Theo thứ tự mỗi chữ trong câu “Ấn Chơn Như Thị Đồng” có nghĩa là các đệ tử của Đại Đức Thích Như Vạn, dù nam hay nữ, dù xuất gia hay tại gia đều được bắt đầu bằng chữ Thị. Tôi hiểu được một phần nào, nhưng thú thật, đối với một thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi, không phải dễ dàng chấp nhận cái tên của một cô con gái quê mùa Thị Nghĩa.

Tôi rời Hội An vào năm 1972 để vào Đại Học. Ở Sài Gòn tôi gần gũi với các tổ chức thanh niên sinh viên Phật tử, có dịp học hỏi dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Đối với nhiều người, việc được làm đệ tử của các tôn đức trong Hội đồng lãnh đạo của Giáo hội là một điều khó khăn nhưng với tôi có lẽ không phải là một điều quá khó. Tuy nhiên, cái toan tính trẻ con thay tên đổi họ, quy y thêm một lần nữa ngày xưa cũng đã thật sự chết đi khi tuổi trưởng thành.

Thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên giữa mùa bão lửa, đi trong những điêu tàn đổ nát của quê hương, lắng nghe những nỗi đau ngất trời không thể nào câm nín được của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi ôm ấp trong lòng một hoài bão lớn lao là kết hợp các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh thành một tập hợp của những người Việt Nam trẻ có lý tưởng quốc gia, yêu nước, yêu tự do dân chủ. Tuy nhiên, thành thật mà nói, trong hoàn cảnh phân hóa chính trị và chiến tranh trước 1975, chúng tôi là những kẻ cô đơn, yếu thế và bị lãng quên. Tre đang tàn nhưng không bao nhiêu người biết lo cho măng mọc. Chính quyền không hiểu chúng tôi. Cha mẹ không hiểu chúng tôi. Thầy tổ không hiểu chúng tôi. Chúng tôi lớn lên trong một giai đoạn lịch sử bi thảm, trong đó các giá trị tự do, dân chủ, độc lập, hòa bình, dân tộc... đều bị các phe phái, các quyền lực trong và ngoài nước, lạm dụng và nhân danh.

Về phía Phật Giáo, từ ngày được chính thức thành lập vào đầu năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã phải chịu đựng quá nhiều sóng gió. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày thống nhất, cửa chùa đã nghe thoang thoảng mùi phấn son chính trị. Các tổ chức trực thuộc Giáo hội vừa được thành lập, chưa có cơ hội để kiện toàn và ổn định đã phải đương đầu với các nhu cầu chính trị đoản kỳ. Số phận của Phật Giáo, cùng với dân tộc, giống như một quả cầu trong một trận banh quốc tế với dã tâm chia rẽ. Bất cứ một thế lực nào muốn chiếm đoạt, muốn thực dân, muốn cai trị Việt Nam, trước hết, phải nghĩ đến chuyện làm phân hóa Phật Giáo Việt Nam.

Một điều đáng buồn là hàng ngũ Phật tử trong giai đoạn đó, một số vị chẳng những không góp phần vào việc bảo tồn chánh pháp và bảo vệ đất nước, trái lại đã cố ý hay vô tình góp phần vào việc làm nát tan đất nước và phân chia giáo hội. Không ít “cư sĩ” theo chân các thầy chỉ vì thời thế lợi danh, một số khác theo thầy để núp dưới bóng chiếc áo vàng của thầy làm chính trị, một số theo thầy chỉ để chờ cơ hội hại thầy mà thôi.

Thời đại của các ngài Tâm Minh Lê Đình Tám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền không còn nữa. Chung quanh các thầy, các trung tâm Phật Giáo là các ông quan văn bị thất sủng, các ông nghị sĩ, dân biểu thất thế, các ông tướng võ thất thời. Họ là những món hàng ế ẩm, những sản phẩm sai mùa không một cường quốc nào muốn mua, không một thế lực nào để mắt tới. Họ là phe thất bại của những cuộc chỉnh lý, đảo chánh tranh quyền đoạt lợi triền miên sau 1963.

Họ từng là những tay cầm cờ, chạy lệnh cho Thực Dân, nay thời thế đổi thay quay sang Phật Giáo để được đóng vai những người yêu nước thương nòi. Họ đi chùa còn siêng năng hơn cả những Phật Tử thuần thành nhất, mặc dù suốt đời chưa hẳn đã thuộc được một câu kinh Phật chứ đừng nói chi đến những bước khó hơn của tâm đạo, trí đạo. Và mai đây khi cơn bão lửa tàn đi, chiếc vòng danh lợi không còn nữa, họ sẽ là những người đầu tiên bỏ chùa, bỏ thầy ra đi và sẽ không bao giờ trở lại. Và đúng như thế, đại đa số nếu không muốn nói là tất cả đã quay lưng, đã bỏ đi, và thậm chí đã đồng lõa với bạo quyền khi giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lâm vào Pháp nạn 1975.

Một buổi chiều tháng mười năm 1973, một người bạn và cũng là người lãnh đạo của một tổ chức sinh viên Phật Tử ghé qua thăm. Cậu ấy rủ tôi vào mùng Một tháng sau đi làm lễ Quy Y ở Viện Hóa Đạo. Cậu đưa cho tôi xem một danh sách những thành viên trong tổ chức của cậu đã phát nguyện và khuyên tôi nên quy y để bạn bè làm theo. Nhìn sơ qua, tôi rất ngạc nhiên vì danh sách khá dài. Tôi hỏi người bạn: “Chẳng lẽ chừng này Phật tử chưa có một người nào đã quy y trước hay sao?” Bạn tôi đáp: “Dù một số đã quy y rồi nhưng họ xin quy y lại vì đây là dịp may mới có một vị tôn đức lãnh đạo Trung ương của Giáo hội làm lễ thu nhận đệ tử.”

Tôi bỗng dưng cảm thấy một nỗi buồn đang thấm sâu vào trong từng mạch máu. Tôi tự hỏi, Giáo hội Phật Giáo, từ một dòng suối tình thương đã biến thành một trung tâm quyền lực từ bao giờ thế nhỉ? Phật giáo đã bị những nhiễu nhương suy đọa của thế gian ảnh hưởng nặng nề đến thế hay sao? Tôi nhìn người bạn thân đầy nhiệt huyết của tôi mà thầm lo sợ cho chính tôi và thế hệ chúng tôi. Phải chăng chúng tôi đã mất đi những nhiệt tình hồn nhiên của tuổi trẻ? Phải chăng chúng tôi không còn yêu nước một cách vô tư và trong sáng như trước nữa?

Chiến tranh, phân hóa, lợi danh đang đục khoét mỗi ngày một sâu hơn vào thế hệ chúng tôi, vào tương lai của đất nước chúng tôi.

Tôi nghiêm khắc trả lời bạn tôi: “Mình quy y từ hồi nhỏ và không có ý định quy y lần nữa vì làm như thế là không nên.” Người bạn hỏi tôi về pháp danh, tôi trả lời cho cậu ấy biết pháp danh của tôi là Thị Nghĩa. Không giống như hồi nhỏ, khi nhắc đến pháp danh mình là mỗi lần mặt tôi đỏ bừng vì mắc cở, đêm đó tôi nói về pháp danh của mình một cách trang nghiêm và hãnh diện. Tôi kể với người bạn về thầy tôi, một ông thầy tu quanh năm chỉ biết tu hành, làm ruộng, làm tương, gánh nước tưới rau ở Tổ Đình Phước Lâm thuộc thị xã Hội An. Thầy tôi không tăm tiếng, không quyền lực. Thầy tôi không bận tâm đến chuyện trung ương hay địa phương, thầy Bắc hay thầy Trung. Không ai biết gì về Đại Đức Thích Như Vạn ngoài các đệ tử của Ngài và tôi cũng chẳng cần ai biết đến thầy tôi. Với tôi, Ngài là hình ảnh của một ngôi trong Tam Bảo mà tôi mãi mãi tôn thờ. Với tôi, Ngài là trưởng tử của Như Lai, đi gieo hạt giống tình thương giữa lòng thế gian đau khổ này.

Phật tánh bao giờ cũng bình đẳng, không có trung ương hay địa phương, không có sang hay hèn, không có giàu hay nghèo. Thái Tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để đi vào cuộc đời khổ đau bằng một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Bài học giáo lý đầu tiên của ngành Oanh Vũ cách đây mấy chục năm tôi vẫn còn ghi nhớ.

Cách đây ba năm, tình cờ nơi đất khách tôi hân hạnh làm quen với Đại Đức Thích Hạnh Tuấn, là một trong các đệ tử xuất gia của thầy Thích Như Vạn. Thầy Hạnh Tuấn báo tôi biết rằng bổn sư của chúng tôi đã viên tịch. Tôi cảm thấy buồn. Có thể thầy chẳng hề nghĩ đến tôi, một đệ tử trong hàng ngàn đệ tử tại gia của Thầy. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Với tôi, điều quan trọng vì Ngài là một trong Tam Bảo mà mỗi người Phật Tử phải tôn kính. Thầy trò chúng tôi đã nối nhau bằng một mối dây đạo tình thiêng liêng. Sợi dây đó đứt đi trong kiếp này, tự nhiên tôi cảm thấy đau buồn. Thầy Hạnh Tuấn tặng tôi tấm hình của bổn sư chúng tôi. Tôi thỉnh bức hình về thờ để nhớ đến thầy, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên trong thời thơ ấu ở quê hương.

Tôi viết lại những điều này không phải để ca ngợi đạo tình chung thủy của mình nhưng là để nhắc lại một quá khứ đáng quan tâm và ghi nhớ của Phật Giáo Việt Nam trong một giai đoạn đầy khó khăn của dân tộc và đạo pháp.

Phật Giáo, trong cũng như ngoài nước, đang đứng trước một kỷ nguyên mới, nhưng với những thử thách và đe dọa cũ. Quá khứ vẫn còn đó và luôn luôn là một bài học quý giá cho tương lai. Chư tôn đức lãnh đạo Phật Giáo trong và ngoài nước chắc đã có nhiều thời gian nhìn lại một chặng đường dài mà Giáo hội đã đi qua và từ đó chọn một con đường dung hòa, thích hợp cho đạo Phật trong lòng dân tộc và nhân loại thời đại toàn cầu hóa.

Mới đây, trên đường từ Philadelphia về, tôi ngồi chung xe với anh Thiện Hải và may mắn nghe anh kể lại vài mẩu chuyện đạo. Một trong những câu chuyện anh kể có liên quan đến đời sống và đạo hạnh đẹp như ánh trăng rằm của Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Một ngày trước 1975, anh Thiện Hải không nhớ rõ ngày nào, phái đoàn giáo phẩm trung ương từ Sài Gòn ra Huế để thỉnh an đức Đệ Nhị Tăng Thống. Trong lúc chư tôn đức đứng ngoài cửa chùa Thuyền Tôn, chờ ngài cho phép vào, thì đức Tăng Thống lại đang bận cùng chúng điệu coi sóc mấy luống khoai lang trong vườn chùa. Mãi một lúc sau ngài mới ra tiếp phái đoàn, trên tay ngài vẫn còn mang một thúng khoai nhỏ. Đạo từ của đức Tăng Thống ban cho phái đoàn chỉ vỏn vẹn một câu ngắn: “Ra chi mà đông rứa hỉ” và quay lại dặn các đệ tử đi rửa khoai nấu cho phái đoàn giáo phẩm trung ương dùng trai. Năm đó đức Tăng Thống đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của tất cả Phật giáo đồ toàn quốc, đức Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã sống cuộc đời của một tăng sĩ đạm bạc và thanh cao như thế đó.

Phật Giáo đã đến Việt Nam và đã đi vào lòng lịch sử dân tộc Việt Nam bằng những bước chân và bằng những tấm lòng hiến dâng cao quý như đức Đại Lão Hòa Thượng Tăng Thống Thích Giác Nhiên, chứ không phải bằng những cuộc tranh giành, thắng thua. Tinh thần Phật Giáo không phải thể hiện từ những con số, những khẩu hiệu nhưng từ những củ khoai còn dính đầy đất mà đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên đã trồng được. Dân tộc Việt Nam là đất, Phật giáo Việt Nam là nước, và Phật tử Việt Nam là những củ khoai được nuôi dưỡng và lớn lên từ trong lòng đất nước.




TƯỞNG NHỚ HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THANH

Tôi đến với đạo Phật khi còn rất nhỏ qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử.

Buổi sáng mùng tám tháng Chạp, nhân ngày lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, tôi hồi hộp theo cha đến chùa Ba Phong, ngôi chùa làng nho nhỏ nằm bên bờ sông Thu êm đềm chảy ra Cửa Đại, để ghi tên vào Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Tôi không nhớ chính xác năm nào nhưng những hình ảnh còn lại trong ký ức, tôi biết hôm đó là một trong những ngày trọng đại của đời tôi.

Nhà tôi nghèo, cha tôi tính may cho tôi một bộ đồ đoàn GĐPT, nhưng thật ra chỉ may nổi một chiếc áo lam, thiếu đi chiếc quần ngắn màu xanh có hai dây treo chéo nhau mà đoàn sinh nào cũng có. Tôi không có. Ngày đi chùa phát nguyện vào đoàn, tôi phải mượn quần của người anh họ. Mãi một thời gian sau cha tôi mới dành dụm tiền may được chiếc quần, không biết bây giờ gọi là gì nhưng trước đây gọi là quần sọt. Anh họ tôi cao lớn hơn tôi nhiều nên quần sọt ngắn mà mặc dài quá gối. Các bạn trong đoàn chọc tôi mặc đồ bính (khín).

Là một đứa bé mồ côi mẹ, tôi đến với đạo Phật chưa hẳn vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo, nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương.

Tôi kính yêu Đức Phật vì biết Ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người, gần gũi với tôi và thông cảm với những khổ đau của đứa trẻ mồ côi như tôi.

Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, để lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất.

Tháng 2 năm 2012, tôi có dịp viếng thăm Vườn Lộc Uyển (Sarnath) và xúc động đứng trước nền gạch cũ, nơi đức Bổn Sư đã từng ngồi nhập định.

Khu vực Sarnath quá nghèo. Tôi chợt nghĩ, bây giờ còn như vậy, hai ngàn năm trăm năm trước, khi đức Phật đến đây giảng pháp lần đầu, xứ này còn nghèo nàn đến mức nào. Ngày đó, vài tuần sau khi Thành Đạo, chưa có tăng đoàn, chưa có một đệ tử nào, đức Phật phải vừa khất thực để sống, đêm ngủ dọc đường, ngày một mình đi bộ trên đoạn đường đầy gai góc dài hơn hai trăm cây số từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) ở Gaya đến Vườn Lộc Uyển (Sarnath) gần Varanasi.

Tại sao đức Phật đến khu vực này mà không đi nơi khác?

Nhiều người đặt ra câu hỏi đó nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng ngoài việc vào năm trăm năm trước công nguyên Varanasi đã là một trung tâm văn hóa lớn của Ấn Độ.

Trong mảnh da thịt mong manh của đức Cồ Đàm chứa đựng một trí tuệ vượt không gian và thời gian, để lại cho muôn đời những lời khuyên nhẹ nhàng như lời ru nhưng cần thiết như hơi thở.

Đối với tôi, đức Phật trước hết là một nhà đại giáo dục. Tôi đọc những bài kinh, những bài pháp không phải để giải thích niềm tin tôn giáo huyền bí, không phải để cầu ơn phước và sau khi chết sẽ được sinh ở cõi an lạc nào, nhưng để lắng nghe những lời dặn dò từ một bậc thầy lớn của nhân loại và cố gắng áp dụng những lời dạy của Ngài vào đời sống hôm nay, ngay tại cõi Ta-bà ô trược này.

Lời khuyên “Tự thắp đuốc lên mà đi” đức Phật giảng trong những ngày cuối của hành trình Ngài đi trên thế gian, không chỉ đúng với một Phật tử nhưng với tất cả, từ mỗi con người cho đến toàn dân tộc. Không một người nào khác có thể cứu mình nếu chính mình không tự cứu.

Ai cũng có thể ít nhất một lần nghe lời khuyên đó của đức Phật, vâng, nhưng giá trị đích thực của lời khuyên không phải ở nội dung thâm thúy, triết lý cao siêu mà là sự chứng nghiệm từ chính cuộc sống, từ chính bản thân. Tôi đã sống những tháng ngày rất khổ và trong những lúc gần như tuyệt vọng, tôi nhớ đến lời khuyên của đức Phật, lại cố đứng lên và đi giữa cuộc đời.

Đêm tháng Hai ở Varanasi, tôi hồi hộp khi nghĩ đến ngày mai, sẽ đến thăm Sarnath, nơi nền tảng của đạo Phật với Chuyển Pháp Luân, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo được xây dựng lần đầu, nơi năm anh em ông Kiều Trần Như gặp lại người bạn tu đã là Như Lai.

Ngày mới phát nguyện vào Gia Đình Phật Tử, nghe các anh chị trưởng kể chuyện Vườn Lộc Uyển, tưởng chừng như chuyện cổ tích thuộc vào một cõi nào đó xa xôi, không nằm trong thế giới này và sẽ không bao giờ đến được. Đêm tháng Hai bên bờ sông Hằng, tôi hẹn với chính mình như hẹn với cậu bé mồ côi một dạo quét lá đa ở chùa Viên Giác: “Ngày mai tôi sẽ đưa em đến thăm Vườn Lộc Uyển.” Tôi nói với chính mình mà nghe lòng hồi hộp như ngày xưa cha tôi bảo tôi đi ngủ sớm để sáng mai đi chùa gia nhập Gia Đình Phật Tử.

Khi đứng bên Phật tích, tôi chợt hiểu ra một điều vô cùng hệ trọng, tôi không đến thăm mà là tôi vừa trở về. Chiếc lá đa chùa Viên Giác Hội An, chiếc lá bồ đề ở Vườn Lộc Uyển Sarnath hay giọt nước sông Hằng Varanasi cũng chỉ là một, một tâm hồn, còn và mất, ra đi và lại trở về.

Khi chuyến xe rời Sarnath để ra phi trường đi New Delhi, tôi ngoái đầu nhìn lại Tháp Dhamekha và âm thầm thưa nhỏ như chỉ để mỗi đức Phật nghe thôi: “Con cám ơn đức Bổn Sư.”

Hôm đó, tôi có viết bài thơ, xin trích ra đây một đoạn:

Tạm biệt Varanasi
Tôi đi
Tạm biệt Sarnath, Jaipur, Mysore, Bangalore, Chennai, Agra, Delhi
Tạm biệt Ấn Độ văn minh và huyền bí
Quê hương của Tất Đạt Đa Cồ Đàm, của Gandhi và Sardar Vallabhbhai Patel, của Maharshi Valmiki và Tagore

Tôi đi
Sông Hằng chảy như cuộc đời tôi đang chảy
Từ đâu tôi không biết
Về đâu tôi không hay
Giấc mơ của một hạt cát
Đã nở thành hoa

Khi tôi đặt tay xuống dòng nước
Sông Hằng êm như dải lụa Duy Xuyên.

Buổi sáng ở Sarnath
Nhìn tảng đá nơi Đức Phật có thể đã từng ngồi nhập định
Nghe như có tiếng chân vọng lại
Từ hai ngàn năm trăm năm
Đôi bàn chân đất, mảnh y vàng, đức Cồ Đàm đi bộ 247 cây số từ Bodhgaya

Vườn Lộc Uyển là đây
Tăng đoàn là đây
Chuyển Pháp Luân là đây
Tứ Diệu Đế là đây
Bát Chánh Đạo là đây

Tất cả bắt đầu từ nơi tôi đang đứng
Rất linh thiêng và rất mực bình thường.
Đứng bên cây bồ đề thuộc thế hệ thứ ba ở Sarnath
Nghe trong lòng một giọt nước mắt đang rơi

Niềm vui khi chiếc lá trở về
Cám ơn Đức Bổn Sư và lời dạy của ngài
“Thắp đuốc lên mà đi”

Thưa vâng, con đã đi nhiều năm như thế
Qua những nắng và mưa
Qua con đường lửa máu
Qua bất hạnh trầm luân.

Chiều nay tôi đi
Chặng đường tới là đâu tôi chưa biết
Và cũng chưa có một nơi nhất định để trở về
Nên quê hương tôi là mênh mông
Quê hương tôi là Việt Nam linh thiêng nhưng cũng là Varanasi huyền bí
Quê hương là tôi là Thu Bồn trong xanh nhưng cũng là sông Hằng mát dịu.
Và một ngày tôi sẽ trở lại thăm
Sông Hằng Varanasi
Có thể không còn là con người xương thịt như hôm nay
Mà chỉ là giọt nước
Từ mây trời phương tây xa xôi

Hãy đón giọt nước như đón tôi hôm nay
Hãy cho tôi cùng chảy với sông
Trong tiếng đàn Sitar và tiếng trống Tabla
Trong một đêm huyền diệu
Trong buổi sáng lặng yên
Tạm biệt.

Như đã viết, tôi đến với đạo Phật qua cánh cửa của Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh mà đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên.

Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy hãy thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình.

Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác.

Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.

Một vị thầy có nhiều liên hệ với tôi, cùng lớn lên ở làng Mã Châu tơ lụa, cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Ba Phong, cùng là đệ tử của sư phụ trụ trì Viên Giác, đó là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh.

Hòa Thượng thế danh là Lê Thanh Hải, sinh năm 1932 tại làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hòa Thượng từng là một trong những cấp Huynh trưởng đầu tiên của Gia Đình Phật Tử chùa Ba Phong chúng tôi.

Trong nhiều câu chuyện về lịch sử Gia Đình Phật Tử, các anh chị cấp trưởng ở Quảng Nam vẫn còn giữ theo thói quen trong Gia Đình và gọi Hòa Thượng là Trưởng Lê Thanh Hải.

Tôi không biết chính xác mối liên hệ họ hàng giữa chúng tôi nhưng cha tôi luôn nhắc tôi phải gọi thân phụ của Hòa Thượng, cụ Lê Nghiêm, bằng ông. Cha tôi gọi cụ bằng ông bác.

Nhà của cụ Lê Nghiêm cách nhà tôi một đoạn đường ngắn. Cụ Lê Nghiêm trước đây là Chánh Tổng và thông thái Nho học. Bà con trong làng ai cũng kính trọng cụ và có chuyện gì quan trọng đều đến thỉnh ý kiến cụ. Tôi theo cha đến thăm cụ rất nhiều lần. Nhà cụ là một ngôi chùa nhỏ, có đủ ba gian thờ. Mỗi tháng hai lần, chúng tôi đến tụng kinh. Cụ Lê Nghiêm dạy chúng tôi đánh chuông, đánh mõ và học thuộc các kinh nhật tụng.

Tôi may mắn có nhiều duyên với Hòa Thượng Thích Tâm Thanh trong đời sống này.

Khi tôi vừa gia nhập Gia Đình Phật Tử, anh Liên Đoàn Trưởng Lê Thanh Hải đã được sư phụ chúng tôi xuống tóc xuất gia tại chùa Viên Giác với pháp hiệu Tâm Thanh, và năm năm sau đó, tôi cũng rời chùa Ba Phong đến trọ học tại chùa Viên Giác.

Điểm khác nhau chính là, tôi đi trong cuộc đời như một người Việt Nam đơn độc, trong lúc Liên Đoàn Trưởng Lê Thanh Hải của chúng tôi đã vượt qua mọi thường tình của cuộc sống để dấn thân cho một lý tưởng cao cả: trở thành một trưởng tử của Như Lai.

Ngày còn ở chùa Viên Giác, sư phụ chúng tôi kể, thầy Tâm Thanh đã vào Sài Gòn tu học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm, phân khoa Phật Học thuộc đại học Vạn Hạnh, sau đó xây dựng các cơ sở Phật giáo quận Tân Bình như xây trường Trung học Bồ Đề Hạnh Đức và chùa Phổ Hiền ở Ngã Tư Bảy Hiền.

Thầy Tâm Thanh về thăm chùa Viên Giác vài lần. Mỗi khi thầy về, chúng tôi quây quần ngồi nghe thầy kể chuyện. Sư phụ chúng tôi tổ chức những buổi thuyết pháp cho đồng bào Phật Tử đến nghe thầy giảng.

Khoảng năm 1969, thầy Tâm Thanh được giáo hội công cử làm Giảng sư Viện Hóa Đạo, một chức vị dành riêng cho các thầy có tuổi đời còn khá trẻ, có trình độ nội điển và ngoại điển cao để đi các nơi khai triển các quan điểm, các đường lối của Giáo hội về đạo cũng như về đời.

Có thể nói, trong hàng lãnh đạo Phật Giáo cấp giảng sư thời đó, các Đại Đức Hộ Giác, Đại Đức Giác Đức, Đại Đức Liễu Minh, Đại Đức Tâm Thanh là những vị có khả năng thu hút đông đồng bào Phật Tử đến nghe pháp nhất. Thầy Tâm Thanh đi từ miền Nam đến miền Trung, và ở đâu cũng thế, đồng bào đến nghe pháp chật kín sân chùa.

Giống như sư phụ chúng tôi, thầy Tâm Thanh có một giọng nói rất thuyết phục và lôi cuốn. Thầy giảng kinh như đọc thơ, nhẹ nhàng, trầm bổng. Trong những buổi thuyết pháp Thầy dùng những ví dụ rất bình thường trong cuộc sống để giải thích các lời dạy rất sâu sắc của đức Phật, thích hợp với nhận thức của phần đông quần chúng nên rất được đồng bào kính mộ.

Mặc dù xuất gia khi tuổi đã ngoài ba mươi nhưng nhờ thiên tư xuất chúng và vốn sở hữu trình độ ngoại điển cao, thầy Tâm Thanh am tường một cách sâu sắc các kinh điển Phật Giáo trong thời gian rất ngắn. Thầy rất ốm và thường không được khỏe.

Trong các cuộc đấu tranh của Phật Giáo, thầy Tâm Thanh là người đứng đầu sóng gió. Những lần bị bắt, bị đánh đập, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy.

Sau khi rời Viên Giác vào tháng 8 năm 1972, tôi vào Sài Gòn sống với người chú họ giàu có ở Ngã Tư Bảy Hiền. Nhà chú tôi ở cách chùa Phổ Hiền do thầy Tâm Thanh trụ trì một đoạn đường ngắn. Thỉnh thoảng tôi đến đảnh lễ thầy. Nhiều hôm tôi ở lại với thầy đến khuya.

Vì được xây ngay giữa khu dân cư đông đúc, chùa Phổ Hiền không có đất rộng như các chùa khác ở ngoại ô. Hai bên tam cấp vào chánh điện, thầy Tâm Thanh đúc bằng xi-măng hai câu thơ nổi tiếng của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông

Tôi trưởng thành rất sớm nên dù việc đạo không biết nhiều, việc đời tôi lại rất rành. Chuyện gì cũng biết dù không chuyện gì biết rõ. Thầy trò chúng tôi ngồi trong phòng sau chùa Phổ Hiền trò chuyện, từ chuyện những ngày ở Viên Giác cho đến các chuyện thời sự nóng bỏng vừa mới xảy ra.

Ngày đó quan điểm của tôi về Phật Giáo và Dân Tộc đã có nhiều điểm không được các thầy chia sẻ. Tôi cũng nhìn về hành trình đấu tranh của Phật Giáo từ 1963 đến 1972 khác với cách nhìn của nhiều thầy. Hai thầy trò chúng tôi đều ảnh hưởng sư phụ chúng tôi về cá tính, cách diễn tả và nhất là cũng mang đậm tính Quảng Nam trong người nên những gì không đồng ý nhất định phải nói ra cho bằng được. Cũng may, tôi còn quá nhỏ để các thầy khiển trách nặng nề.

Đầu tháng 9 năm 1972, tôi vừa ghi danh học năm thứ nhất tại đại học Luật vừa thi vào ban Kinh Tế ở đại học Vạn Hạnh. Tôi thưa với chú cho tôi được ở trọ nhà chú để đi học. Thật ra tôi chỉ cần chỗ ngủ vì chỗ ăn không phải quá lo. Tôi có thể ăn ở quán cơm sinh viên trên lầu đại học Vạn Hạnh với giá rất rẻ. Chú tôi không trả lời, bảo phải chờ hỏi ý thiếm tôi.

Thiếm tôi suy nghĩ. Vài tuần sau, thím không đồng ý và lạnh lùng bảo tôi phải dọn đi nơi khác. Thím tôi bảo nhà toàn là thợ dệt, những người ở đây phải lo đi làm, không ai chỉ ăn rồi đi học như tôi mà chẳng làm lụng gì.

Tôi không có nơi nào khác để đi. Bà con tôi ở Sài Gòn chỉ có chú thím tôi thôi.

Tôi đến chùa Phổ Hiền bạch với thầy Tâm Thanh tôi đang cần chỗ ở. Thầy không hỏi lý do mà chỉ bảo tôi ở lại Phổ Hiền để ăn học giống như thời còn ở Viên Giác vậy. Tôi mừng lắm. Giữa lúc đang lang thang đi tìm chỗ ở nên tôi nhận lời ngay. Để giữ thể diện cho chú, tôi không bạch với thầy việc thím tôi đuổi tôi đi. Tôi biết tánh Quảng Nam của thầy, nếu biết sự thật, có thể thầy đến tận nhà trách móc chú thím tôi ngay.

Tôi ở chùa Phổ Hiền được gần một tháng thì thầy Tâm Thanh quyết định rời Sài Gòn đi Đại Ninh, thuộc tỉnh Lâm Đồng xây một cái cốc nhỏ để tu. Buổi sáng trước khi ra đi thầy bảo tôi đi tìm chỗ khác ăn học vì không có thầy, ban trị sự chùa có thể sẽ không đồng ý cho tôi tiếp tục ở lại chùa Phổ Hiền nữa. Thầy nghĩ việc đi tìm một chỗ ở trong một khu toàn là người Quảng là chuyện dễ dàng nhưng với tôi lại là chuyện gian nan. Thầy Tâm Thanh cho tôi một ngàn đồng và ra đi. Mười phút sau, tôi cũng khăn gói ra đi.

Tôi bắt đầu một hành trình mới trong cuộc đời đầy sóng gió của mình cho đến khi gặp được người đàn bà có trái tim Bồ Tát và là nguồn thôi thúc để tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười hai chục năm sau, nhận làm con nuôi.

Sau năm 1975, được tin thầy Tâm Thanh về lại Ngã Tư Bảy Hiền, tôi đưa một số bạn sinh viên đến đảnh lễ thầy. Thầy trò chúng tôi ngồi nói chuyện đất nước. Tôi nhớ rất rõ thầy giảng chúng tôi nghe về “tướng và dụng” trong hoàn cảnh chính trị mới.

Về mặt tư tưởng, thầy không đồng ý với những gì đang đổi thay ngoài xã hội dù không chống đối công khai. Thầy biết con đường dân tộc đang đi sẽ có nhiều chông gai, khó nhọc nhưng hoàn cảnh nay đã khác với thời kỳ thầy dấn thân tranh đấu vào những năm 1960.

Năm 1978, tôi về thăm quê Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam và ghé chùa Ba Phong lạy Phật. Tôi thật mừng vì gặp thầy cũng vừa về thăm chùa vài hôm trước. Tôi không nói rõ ý định ra đi nhưng linh tính đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Cũng như những ngày còn ở Ngã Tư Bảy Hiền, thầy khuyên tôi nên cố gắng và kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn.

Nơi đây, từ ngôi chùa làng Ba Phong đầy kỷ niệm này, chúng tôi đã bắt đầu Gia Đình Phật Tử và cũng dưới mái cong của ngôi chùa thân yêu đó chúng tôi chia tay nhau.

Khoảng 20 năm sau, trong thời gian ở Mỹ, tôi nghe nhiều người ca ngợi một bậc cao tăng Việt Nam giảng pháp rất hay và Ngài có pháp hiệu là Tâm Thanh. Tôi rất mừng, và dù không xem hình ảnh, tôi cũng biết ngay đó chính là thầy Tâm Thanh của tôi ngày nào. Không thể có một Hòa Thượng Tâm Thanh nào khác được.

Chỉ âm thanh phát từ một tâm từ bi trong sáng tựa thiên hà mới có thể vang ra khỏi đại ngàn Lâm Đồng sang tận phương Tây xa xôi như thế.

Trong một dịp ghé thăm một người bạn, anh ta tặng tôi một CD những bài giảng về Phật Pháp. Anh bảo nội dung của CD là pháp âm của Hòa Thượng Tâm Thanh. Tôi nôn nóng và vừa bước lên xe là mở nghe ngay. Không phải chỉ muốn nghe kinh điển thôi nhưng thôi thúc hơn, được nghe lại giọng nói của một bậc cao tăng tôi may mắn có một thời gần gũi.

Nghe giọng thầy tôi cảm thấy ấm áp trong lòng. Giữa phố người đông đúc, hình ảnh sư phụ, thầy và quê hương chợt thức dậy. Mấy chục năm nhưng lời giảng trầm bổng, nhẹ nhàng như đọc thơ của thầy làm thức dậy trong tâm hồn tôi những lời giáo huấn chân thành của người anh cả trong gia đình Viên Giác.

Những năm sau này thầy là Cố Vấn Giáo Hạnh của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, bởi vì, dù là một bậc cao tăng, Ngài không quên chiếc ghe Gia Đình Phật Tử đã đưa Ngài đến gần bờ Đạo Pháp, và cũng giống như sư phụ chúng tôi luôn dặn dò, chấn hưng Phật Giáo và phục hưng Dân Tộc phải bắt đầu từ tuổi trẻ.

Mục đích hoằng dương chánh pháp là tâm nguyện không thay đổi của Hòa Thượng Tâm Thanh, nhưng trong mỗi giai đoạn có những việc cụ thể để làm. Những năm sau này, thầy muốn dành hết thời gian để gầy dựng tăng tài và thuyết giảng kinh điển.

Hòa Thượng Thích Tâm Thanh xả báo thân trong an nhiên ngày 02 tháng 4 năm 2004 để lại bài thi kệ:

Hơn bảy mươi thu đã suy già
Mây nước tham phương đã trải qua
Tay trắng thuyền không về Phật độ
Lòng thanh tánh tịnh ngộ Di Đà
Luân hồi ba cõi từ đây dứt
Sông núi muôn nơi vẫn cảnh nhà
Thân huyễn ngày nay xin trả lại
Mặt trời Tam muội sáng tinh hoa.

Được thầy Như Tịnh báo tin thầy Tâm Thanh viên tịch, tôi nhẩm tính thời gian, tưởng như vừa mới hôm qua, nhưng đã gần 30 năm tôi chưa gặp lại thầy.

Những lời dạy của thầy cho chúng tôi biết sống có nguyên tắc, có chuẩn mực, kiên nhẫn với công việc mình làm vẫn là những giọt nước đạo vị cho cây đời tôi thêm xanh lá hôm nay.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Kim Cang


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Phúc trình A/5630


Chắp tay lạy người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.40.148 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...