Phan Tống là người huyện Ngô Hưng, tỉnh Triết Giang. Gặp lúc Tôn Ân làm loạn, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Phan Tống sống với người cha già đã hơn 70 tuổi, đi lại rất khó khăn. Trong cơn hỗn loạn, Phan Tống phải cõng cha chạy nạn. Vì cõng cha trên lưng nên không thể chạy nhanh theo kịp mọi người, xem ra rất dễ rơi vào tay bọn giặc cướp.
Người cha già liền bảo Phan Tống:
– Cha tuổi già sức yếu không thể chạy trốn được, nhưng tuổi con còn trẻ, sức khỏe dồi dào, nếu chạy một mình thì có thể thoát khỏi tay giặc cướp. Nếu cõng cha theo thì con sẽ chạy rất chậm, nhất định sẽ bị bọn giặc cướp làm hại. Thế thì cả hai cha con ta đều gặp nạn, chi bằng con cứ chạy một mình đi, như vậy sẽ bảo toàn được tính mạng cho con.
Phan Tống tuy nghe cha hết lời khuyên nhủ như thế nhưng vẫn nhất định không chịu bỏ cha lại để thoát thân một mình. Chàng cõng cha theo trên đường chạy loạn, kết quả là bị bọn giặc cướp bắt được. Thấy chúng hùng hổ tiến đến, chàng quỳ xuống van xin:
– Cha tôi đã hơn 70 tuổi, xin các người hãy thương tình buông tha, bảo toàn tính mạng cho ông ấy!
Nghe con nói vậy, người cha cũng cũng quỳ xuống cầu xin:
– Con trai của tôi tuổi còn trẻ, lẽ ra đã có thể chạy thoát được rồi, nhưng vì không nỡ bỏ tôi nên quyết định ở lại. Tôi đã già, dù chết cũng không có gì đáng nói, chỉ cầu xin các người hãy tha cho tính mạng của nó.
Khi ấy, có một tên cướp vung đao định chém người cha, Phan Tống lập tức lao tới nhanh như tên bắn, ôm chặt lấy cha, đưa lưng nhận lấy lưỡi đao hung hãn đó. Tên cướp bị bất ngờ hơi chùng tay lại nên đường đao lệch sang chém xuống bả vai Phan Tống, máu tuôn lai láng, khiến chàng trai nhất thời hôn mê bất tỉnh. Ngay khi ấy có một tên cướp khác chạy đến, nói với đồng bọn:
– Người thanh niên này liều chết cứu cha, là hiếu tử rất đáng quý, sao có thể giết anh ta được? Giết hiếu tử là việc làm báo hiệu điềm xấu, trời đất không tha, chúng ta nhất định không được giết.
Nghe vậy, cả bọn liền vội vàng lo cứu chữa, băng bó vết thương cho Phan Tống. Sau đó, họ còn cử người đưa hai cha con trở về nhà an toàn.
(trích Đức Dục Cổ Giám)
NÀNG DÂU HIẾU THOÁT HỎA HOẠN
Vào năm Canh Tý, niên hiệu Càn Long nhà Thanh, trên đoạn đường Trúc Tà ở Bắc Bình xảy ra hỏa hoạn. Trận hỏa hoạn này làm thiệt hại hơn trăm ngôi nhà, số người chết và bị thương có hơn ngàn người, hết sức thê thảm, còn số tài sản bị tổn thất càng không thể kể xiết.
Trong khi lửa cháy phừng phừng, thiêu rụi tất cả, khắp nơi nhà cháy tường ngã trông thật kinh người, nhưng lạ thay có một ngôi nhà cũ kỹ rách nát lại vẫn bình yên trong biển lửa.
Vì sao lại có chuyện lạ kỳ đến ngoài sức tưởng tượng như thế? Theo lời người dân ở đó kể lại thì trong ngôi nhà cũ kỹ rách nát đó chỉ có hai người sống. Một lão bà đã hơn 60 tuổi và đứa con dâu mới hơn 20 tuổi. Mẹ chồng và nàng dâu cùng nương nhau để sống từ nhiều năm qua, từ khi con trai của bà lão không may qua đời vì tai nạn. Mọi người đều khuyên cô vợ trẻ nên tái giá, nhưng cô kiên quyết chối từ vì thương mẹ chồng già yếu lại có bệnh, không thể thiếu sự chăm sóc của cô. Vì hiếu thảo với mẹ chồng mà chấp nhận hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, quả thật là một nàng dâu hiếm có trên đời!
Suốt mấy năm dài, cô gái trẻ hết lòng chăm sóc dưỡng nuôi bà mẹ chồng già yếu bệnh hoạn mà không một lời than oán, nét mặt không biểu lộ vẻ mệt mỏi. Thật là một việc làm không khỏi khiến cho tất cả mọi người đều kính phục.
Trong khi xảy ra trận hỏa hoạn, người mẹ vì bệnh hoạn không thể chạy ra, đứa con dâu sức yếu cũng không biết làm sao đưa mẹ đi tránh lửa, nhưng cũng quyết không bỏ mẹ chồng lại để chạy thoát thân. Chẳng bao lâu, họ nhìn ra chung quanh thấy lửa dậy phừng phừng không còn biết nơi nào có thể trốn tránh được nữa. Hai mẹ con chỉ còn biết ôm nhau chờ chết. Kỳ lạ thay, vào lúc ngọn lửa dữ đang phừng phừng thiêu rụi những ngôi nhà xung quanh và kéo đến gần sát nhà của hai mẹ con cô thì bỗng có cơn gió mạnh thổi đến, đẩy ngọn lửa sang một hướng khác. Nhờ đó ngôi nhà cũ kỹ rách nát mới thoát được cơn hỏa hoạn và cả hai mẹ con đều được an toàn trong đó.
Sau chuyện này, mọi người chung quanh đều bảo nhau rằng đó chính là do lòng hiếu thảo của cô con dâu đã cảm động thấu trời xanh, khiến cho xảy ra điều kỳ diệu cứu thoát cả hai mẹ con trong biển lửa.
(trích Loan Dương Hạ Lục)