Kinh Duy-ma-cật nói: “Tâm thanh tịnh thì cõi Phật được thanh tịnh.” (隨其心淨則佛土淨 - Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh.) Cõi Phật ở đây chính là chỉ cho một thế giới lý tưởng, hay trạng thái giải thoát rốt ráo mà thiền nhắm đến. Tinh thần được nêu lên trong câu kinh này chính là cách nhìn nhận của thiền về sự chuyển hóa trong cuộc sống. Thiền không đi tìm một thế giới lý tưởng ở nơi này hay nơi khác, không dựa vào những yếu tố bên ngoài để cầu tìm sự giải thoát, mà luôn hướng về nội tâm. Cốt lõi vấn đề ở đây là giữ tâm thanh tịnh không ô nhiễm. Vậy, thế nào là tâm thanh tịnh?
Những trạng thái trong sạch và ô nhiễm trong phạm trù đối đãi nhau đều được nhà thiền xem là chưa đạt đến tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh được hình dung như là trạng thái vượt lên trên những mức độ ấy, không rơi vào cả sự ô nhiễm cũng như trong sạch. Làm thế nào để hình dung ra một trạng thái như thế? Đó là khi loại bỏ tất cả mọi điều kiện ra khỏi tâm thức để đạt đến sự rỗng không vắng lặng và trong sạch. Ngay trong trạng thái rỗng không vắng lặng và trong sạch này, cũng không khởi lên bất cứ ý niệm nào về nó, hành giả vượt ra khỏi sự trong sạch, nhưng không rơi vào ô nhiễm. Ngay khi đạt đến trạng thái vượt trên cả sự trong sạch, cũng không khởi nên bất cứ ý niệm nào về nó, hành giả đạt đến tâm thanh tịnh chân thật.
Nhưng sự mô tả như thế thật ra cũng chỉ là một việc làm gượng ép, cố gắng sử dụng cái đã biết để nói về cái chưa biết. Và điều đó chỉ có ý nghĩa dẫn dụ, gợi ý mà hoàn toàn không thể đạt đến khả năng truyền đạt. Vì thế, vẫn chỉ có một cách duy nhất để hiểu trọn vẹn vấn đề là phải dựa vào sự trải nghiệm của tự thân.
Việc đạt đến tâm thanh tịnh chân thật hoàn toàn không mang ý nghĩa phủ nhận tất cả như nhiều người lầm tưởng do ảnh hưởng của những nỗ lực ban đầu nhằm đạt đến một “tâm không”. Thật ra, đây không phải là phủ nhận mà là một sự khẳng định tuyệt đối, bởi vì hành giả không phủ nhận hai trạng thái trong sạch và ô nhiễm như đã mô tả, mà là vượt lên trên tất cả để đồng thời kết hợp cả hai vào trong một trạng thái hợp nhất.
Ở đây không còn tồn tại sự phủ nhận, cũng không có cả sự mâu thuẫn. Mục tiêu nhắm đến của thiền chính là đạt được và thể nghiệm trạng thái này ngay trong cuộc sống hiện thực hằng ngày của mỗi người. Và vì thế thiền trong cuộc sống hằng ngày không bao giờ có thể xem là một dạng lý thuyết siêu hình hay trừu tượng không thể nắm bắt. Chính trong sự soi sáng của trạng thái này mà mọi vấn đề của đời sống được quan sát, ngôn ngữ thiền được giải mã để hiển bày ý nghĩa trong tương quan với đời sống. Không thể có ở đây sự ngụy biện hay những trò đùa ngôn ngữ. Tất cả đều là những nỗ lực chân thật nhắm đến việc giải thoát tự thân khỏi mọi sự ràng buộc và gánh nặng tinh thần do những thói quen cố hữu và nhận thức sai lệch về đời sống mang lại. Thiền luôn biểu hiện một tính cách nghiêm túc và chân thật mà không gì khác có thể so sánh được.
Để làm rõ thêm những gì vừa trình bày, chúng ta hãy đọc một đoạn trích trong lời giảng của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一 709 - 788) như sau đây:
“Đạo không cần tu, chỉ cốt không ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm? Mang tâm sanh tử thì mọi việc làm ra, mọi chỗ hướng đến đều là ô nhiễm. Nếu muốn trực nhận được đạo: tâm bình thường là đạo. Nói tâm bình thường đó, vốn không có chỗ làm ra, không phải cũng không trái, không lấy cũng không bỏ, không đoạn diệt cũng không thường tồn, không phàm cũng không thánh. Kinh nói rằng: ‘Không phải hạnh của kẻ phàm phu, không phải hạnh của bậc hiền thánh, ấy là hạnh Bồ Tát.’ Chỉ như hiện nay đang đi, đứng, nằm, ngồi, ứng xử tiếp xúc với sự vật, hết thảy đều là đạo.” (道不用修但莫污染。何為污染。但有生死心造作趣向皆是污染。若欲直會其道平常心是道。謂平常心無造作無是非無取捨無斷常無凡無聖。經云。非凡夫行非賢聖行是菩薩行。只如今行住坐臥應機接物盡是道。- Đạo bất dụng tu, đãn mạc ô nhiễm. Hà vi ô nhiễm? Đãn hữu sanh tử tâm, tạo tác, thú hướng giai thị ô nhiễm. Nhược dục trực hội kỳ đạo: bình thường tâm thị đạo. Vị bình thường tâm vô tạo tác, vô thị phi, vô thủ xả, vô đoạn thường, vô phàm, vô thánh. Kinh vân: ‘Phi phàm phu hạnh, phi hiền thánh hạnh, thị Bồ Tát hạnh.’ Chỉ như kim hành trụ tọa ngọa, ứng cơ tiếp vật tận thị đạo.)
Lời giảng ở đây không mang sắc thái thường gặp ở các thiền ngữ, mà thể hiện một nỗ lực sử dụng ngôn ngữ thông thường để giảng giải điều “không thể giảng giải”. Chúng ta thấy được qua những chỉ dẫn của thiền sư một tính chất siêu việt vượt trên bình diện đối đãi của những khái niệm thông thường như phải, trái, đoạn diệt, thường tồn, phàm, thánh... Nhưng đồng thời cũng không có bất cứ sự phủ nhận nào thực sự được đưa ra, mà tất cả đều dung hợp trong những hành vi cử chỉ rất thông thường hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi... Bởi vì, thật đơn giản, hết thảy đều là đạo!