Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Lời kinh xưa buổi sáng này »» Mùa thu bếp hồng »»

Lời kinh xưa buổi sáng này
»» Mùa thu bếp hồng

Donate

(Lượt xem: 5.518)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lời kinh xưa buổi sáng này - Mùa thu bếp hồng

Font chữ:


Tôi biết trời vào thu khi những buổi sáng có nhiều sương mù. Ngoài sân có những hạt sương đóng thành băng phủ trắng màu cỏ. Mây như khói trôi vướng trên đỉnh rừng, trên những ngọn đồi có vài khoảng đã chuyển màu vàng nhạt. Hình như mùa thu nào cũng vậy, bắt đầu bằng những ngày mưa ướt át. Chiều qua ra sân sau quét lá, tôi thấy ánh nắng hoàng hôn để lại những dấu vết miên viễn trên khu rừng nhỏ sau nhà. Thu về rồi đó. Có một chiếc lá đỏ rơi nhẹ xuống sân cạnh chỗ tôi đang đứng. Trời đã trở lạnh tự một sáng nào. Không hay.

Đứa con gái tôi mùa thu năm nay được ba tuổi. Có lẽ đây là lần đầu tiên nó biết mùa thu. Tôi sẽ đi với nó ra sân, giúp nó nhặt những chiếc lá màu thật đẹp đem về bỏ vào chiếc cặp đeo lưng đi học của nó. Có mấy hôm đến đón nó ở trường, vào mùa hè, thấy tôi nó chạy lon ton lại từ chiếc xích đu nhỏ ở giữa sân, mỗi tay cầm một chiếc lá khô héo lượm được đâu đó trên sân. Nó cho tôi một cái, còn một cái để dành cho em nó. Nó có vẻ thích hoa lá lắm.

Mùa thu lá đổi màu rộ như hoa, thật huyền diệu. Ngày xưa hay có những thiền sư chống gậy lên núi nhìn mùa thu. Một buổi chiều đứng nhìn đồi núi mùa thu, tôi tưởng chừng như tất cả những tia nắng hoàng hôn trong vũ trụ cùng nhau về đây nghỉ ngơi trên chuyến du hành miên viễn của chúng.

Chiều qua có một người bạn cũ ghé qua thăm. Chúng tôi ra sau nhà uống trà. Trời lành lạnh, tách trà thơm ấm. Anh nhắc cuộc đời trôi nhanh quá. Hình như càng bận rộn bao nhiêu, ngày tháng lại qua mau bấy nhiêu. Chúng tôi ngồi yên. Mây trôi trong tách trà thơm. Anh bạn kể cho tôi nghe những mệt mỏi trên hành trình đã đi. Tu tập cũng không phải là chuyện dễ. Tôi có cảm tưởng như anh là một tráng sĩ, chợt một ngày dừng lại bên rừng thấy chuyện đời là vô nghĩa. Ngay cả cái lý tưởng ban đầu của mình kia cũng là vô nghĩa, dầu có là cao thượng đến đâu. Tách trà của anh đã chứa đựng bao nhiêu mùa thu rồi nhỉ?

Những lời anh nói làm tôi suy nghĩ. Việc anh làm có thật sự cần một lời giải thích nào không? Cuộc sống này có cần phải có một ý nghĩa chăng? Tôi không rõ. Tôi thấy mùa thu lang thang về theo không gian lành lạnh, phảng phất trên một bầu trời ít mây, thấp thoáng trong những chòm lá đang đổi sang màu trái chín. Có hay không thì ý nghĩa ấy mấy ai có thể nói được!

Ngày xưa đọc những câu chuyện về thiền tôi vẫn thường cảm thấy ngẩn ngơ. Những câu chuyện ấy khó hiểu không phải vì chúng quá bí hiểm, mà có lẽ vì chúng quá rõ ràng. Bạn thấy không, đôi khi sự rõ ràng cũng lại có thể là một “chướng ngại” lớn cho tri thức của mình nữa.

Một hôm, có một ông quan ghé thăm thiền sư XuanSha. Cả hai người ngồi nói chuyện ngoài vườn. Ông quan hỏi ngài: “Thưa thầy, tôi vẫn thường nghe người ta nói ‘Chúng ta ai cũng sử dụng NÓ’, nhưng tôi suy nghĩ mãi vẫn chưa hiểu NÓ đó là cái gì?” Thiền sư XuanSha không trả lời, đưa dĩa đựng hạt dưa lên mời ông quan. Ông ta lơ đãng đưa tay bốc lấy một hạt đưa lên miệng cắn, rồi hỏi tiếp: “Thưa thầy, thầy vẫn chưa trả lời cho tôi biết NÓ là cái gì?” Vị thiền sư chỉ những hạt dưa trong dĩa và đáp: “NÓ chính là những CÁI NÀY đây, ông tiếp xúc với nó mỗi ngày mà có biết đâu!”

Một câu chuyện khác. Một người học trò của thiền sư NiaoWo một hôm vào lạy từ giã ngài: “Kính thưa thầy, con xin đội ơn thầy đã bỏ công dạy dỗ con suốt mấy năm nay, nhưng con thấy bây giờ đã đến lúc con phải lên đường.” “Thế con định sẽ đi đâu thế?” Người học trò đáp: “Dạ thưa thầy, con định sẽ đi khắp nơi để tu học Phật pháp.” Thiền sư NiaoWo nói: “Thế sao con không hỏi ta, ta có giữ Phật pháp nơi đây này!” “Ở đâu thầy?” Người đệ tử mở to mắt hỏi. Thiền sư NiaoWo kéo ra một sợi chỉ trong tay áo ngài, nói: “Đây này! Cái này nếu cũng không phải là Phật pháp thì là gì?”

Một câu chuyện thiền khác. Có ba người đệ tử đứng ngoài sân chùa nhìn thấy thầy mình đang đứng một mình trên đồi. Cả ba rủ nhau đi lên đồi hỏi xem thầy mình đứng đấy làm gì. Người thứ nhất hỏi: “Thưa thầy, thầy đứng chờ ai vậy?” “Ta không chờ ai hết.” Người đệ tử thứ hai nói: “Trời đẹp quá, chắc thầy đứng đây để ngắm phong cảnh?” “Không phải.” Người thứ ba hỏi tiếp: “Hay là thầy lên đây để hít thở không khí trong lành?” “Không!” Vị thầy đáp. “Thế thầy đứng đây để làm gì?” Vị thầy nhìn ba người đệ tử, mỉm cười đáp: “Ta đứng đây là vì ta đứng đây. Chỉ có vậy thôi!”

Việc chúng ta làm có cần phải có một ý nghĩa nào không hở bạn? Tôi cũng không rõ! Câu hỏi ấy tưởng chừng như đã trả lời nhưng nhìn cho sâu thì nó không giản dị như ta nghĩ.

Tôi mới đi tham dự một khóa tu học về. Lên núi lá cây trên đường vẫn còn xanh. Sau mấy ngày trở về, trên đường xuống núi lá đã đổi màu, vàng, đỏ, tím ửng tươi. Mấy ngày tu tĩnh trên núi tôi đã học rất nhiều về hạnh phúc, về an lạc. Trên con đường thiền hành, hai đứa con tôi chạy lăng xăng chỉ cho tôi những bông hoa dại, nó ngạc nhiên chăm chú ngồi nhìn những con sâu, con kiến như một phép lạ, một kỳ quan. Nó chưa thắc mắc gì về sự sống. Nó chưa hỏi tôi về ý nghĩa của cuộc đời này. Có lẽ những em bé chỉ biết sống, đơn giản như vị thiền sư đứng một mình trên núi kia. Thiền sư Đạo Nguyên gọi đó là sơ tâm, một bản tâm chân thật sơ nguyên mà tự nó có đầy đủ tất cả. Chưa bao giờ có một câu hỏi.

Xóm mới


Nếu bạn có dịp ghé qua miền này một lần, bạn hãy chọn mùa thu. Không bao giờ có hai mùa thu giống nhau. Cũng như chưa từng bao giờ có hai chiếc lá giống nhau. Người ta thường cho rằng mùa thu biểu hiện cho sự tàn úa, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi thấy một sự sống nhiệm mầu biểu hiện trong mùa thu. Bạn có bao giờ đi dạo trong rừng thu chưa? Nhất là vào những buổi hoàng hôn lộng gió, nắng và lá hòa nhập vào nhau biến hóa trùng trùng màu sắc. Âm thanh của lá lào xào trên cao, dưới chân như tiếng sóng trùng dương.

Có một vị thiền sư, đêm đông bước chân ra về từ nhà người bạn. Tuyết mới bắt đầu rơi. Ngước mặt nhìn những bông tuyết mới tinh, ngài quay sang bảo người bạn: “À, nhìn những bông tuyết ngoan hiền kia, mỗi hạt tuyết đều rơi xuống đất đúng theo vị trí đã định sẵn của chúng!” Bạn có thấy vậy không, mỗi chiếc lá đều có một vị trí, sự sống riêng biệt và đặc thù của nó. Thật kỳ diệu!

Chúng tôi rót thêm trà. Khói bốc lên ấm một khoảng không gian nhỏ bé. Vì sao chúng ta lại làm những chuyện mình đang làm! Tôi không nghĩ đó là một câu hỏi, nên có lẽ không cần một câu trả lời. Ta hãy trở về với hơi thở của mình để tìm lại ngọn lửa ấm trong tâm, để sưởi ấm đôi bàn tay. Tôi nhớ có đọc một bài thơ rất đẹp nói về bếp hồng lửa ấm.

Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi
bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh
tác phẩm dở dang còn đó
tôi sang nhà láng giềng xin lửa
(hồi bé chúng ta thường hai đứa chạy xin)
em hỏi tôi sẽ làm sao nếu nhà láng giềng không còn lửa
- chúng tôi sẽ họp hai người hát ca
nhớ lời em dặn ‘là những bông hoa’
chúng tôi sẽ cầm đuốc đi bên nhau hướng về xóm mới
em cũng cứ hát ca đi, trong khi chờ đợi,
thế nào trong xóm ta cũng có nhà còn lửa.

Thôi tôi xin mọi người đưa tay nói thực: có phải tất cả chúng ta đang tin ở điều đó như đang tin hôm nay ở hiện hữu nhiệm mầu?

Tôi biết có những nhà nghèo, nhưng trấu hồng ngún cháy ngày đêm trong bếp hồng âm ỉ
tôi sẽ nhớ lời em không quấy động bếp lành
một nắm rơm đặt vào
đợi khói tỏa màu xanh,
em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi
cũng đủ gọi về lửa đỏ.
Anh về, người lữ khách hôm nay thấy lòng ấm áp
một buổi chiều nhìn khói lam ấp ủ mái tranh thơ
về xóm mới chúng tôi đi!
Tất cả vẫn mong chờ
em tôi vẫn còn trông nom chút lửa hồng bếp cũ
Mái chèo xuôi nước sông
thuyền về không do dự
sao đêm an lành thuyền anh đi mãi
nhìn bóng chiều sa không ngại
vì biết tình thương hôm nay còn đủ sưởi ấm ngày mai
Bếp tôi ấm rồi, mời anh về với chúng tôi thôi
công phu của ai ngàn năm bắc một nhịp cầu nối liền xa cách
tác phẩm còn tươi nét mực
lấy giọng trong lành,
em tôi sẽ đọc
cho chúng mình nghe,
bên tiếng nổ tí tách của những
cành lửa reo vui.

Có lẽ một đôi khi chúng ta cũng cần phải đi tìm một chút lửa về đun ấm lại bếp hồng của nhà mình. Bạn hãy nhớ trông nom chút lửa hồng trong bếp cũ. Chỉ khi nào bếp ta nguội lạnh, ta mới bắt đầu có những thắc mắc về cuộc sống. Trong những ngày tu học, chúng tôi tập có ý thức về hơi thở, về sự sống; chúng tôi tập mỉm cười, săn sóc lại ngọn lửa ấm trong bếp hồng nhà mình...

Ngày xưa có một vị lương y trong quân đội. Vào thời có chiến tranh ông phải tháp tùng quân lính ra trận và có nhiệm vụ săn sóc, cứu thương cho binh sĩ. Năm này sang năm nọ, ông nhìn thấy những binh sĩ mà ông mới vừa cứu sống, lại leo lên ngựa xông ra chiến trận, rồi lại bị thương hoặc có đôi khi tử trận.

Vị lương y đâm ra chán nản, không biết những việc mình làm thật sự có ích lợi gì. Ông tự hỏi: “Nếu số phận của họ là phải chết thì ta cứu sống họ làm gì? Nếu nghề thầy thuốc của ta là hữu ích thì tại sao ta không cứu được họ?” Một ngày nọ, ông bỏ đi một mình lên núi theo học đạo với một vị thiền sư, mong tìm một câu trả lời. Sau nhiều năm tu tập, ông xuống núi và trở lại làm lương y cho quân đội. Ông tiếp tục săn sóc, chữa lành cho những binh sĩ bị thương, để rồi lại nhìn họ ra trận, bị thương hoặc tử trận. Nhưng ông vẫn cứ vui vẻ với việc làm của mình. Nếu có ai thắc mắc hỏi ông, ông chỉ giản dị trả lời: “Vì tôi là một lương y!” Thế thôi. Đâu còn một câu trả lời nào chân thật hơn, phải không bạn?

Bây giờ là đầu mùa thu. Chúng tôi ngồi yên nhìn mây trôi với lá. Trời mùa thu ướt lạnh. Bạn hãy thở để làm ấm hiện hữu nhiệm mầu. “Em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi, cũng đủ gọi về lửa đỏ...” Mùa thu về với chiếc lá màu đỏ thẫm trong tay bé Khánh Như. Nó lăng xăng chạy khắp sân chọn lựa những chiếc lá đủ màu. Được nhìn một đồi núi rừng cây chín lá mùa thu, có ai còn tìm được một ý nghĩa nào khác chân thật hơn nữa đâu bạn nhỉ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phát tâm Bồ-đề


Những tâm tình cô đơn


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.227.81.32 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...