Câu hỏi: Dhamma Giri đang phát triển rất nhanh, Ngoài những khóa thiền, hiện nay chúng ta có viện nghiên cứu Vipassana, một nơi dành cho công nghệ, một nơi dành cho tiếng Pali và rất nhiều sự xây dựng. Xét về tất cả những điều này. Thưa Thầy chức năng quan trọng nhất của một trung tâm Dhamma là gì, điều gì sẽ được ưu tiên và ai là những người quan trọng nhất tại một trung tâm.
Thầy Goenka: Hoạt động chính tại tất cả những trung tâm thiền của chúng ta khắp thế giới là giảng dạy Vipassana, tuy nhiên Dhamma Giri là tâm điểm, một trung tâm quan trọng nhất, nơi chúng ta có những hoạt động khác trong việc nghiên cứu về pariyatti – pháp học - những lời của đức Phật. Có rất nhiều lầm lẫn đối với phương diện lý thuyết của Dhamma ví dụ có những quyển sách do những người không hành thiền viết, có những sự chuyển dịch không đúng về những lời của đức Phật và chúng ta nhận ra rằng những diễn dịch sai lầm sẽ tạo ra sự bối rối trong tâm của thiền sinh. Đối với những thiền sinh đã thực hành thiền và có 100% tin tưởng về những gì được dạy thì không cần thiết phải tìm tới pháp học để có sự hứng khởi hay sự hướng dẫn. Nhưng nếu một thiền sinh gặp một quyển sách mà có sự diễn giải hoàn toàn khác với lời dạy và giáo huấn của đức Phật thì chắc chắn có sự phân vân nảy sinh trong tâm của thiền sinh đó và thiền sinh đó sẽ thấy khó tiến bộ trong Dhamma.
Vì mục đích này chúng ta nhận thấy rất thiết yếu để thành lập trung tâm nghiên cứu Vipassana để hỗ trợ, gia tăng sự thực dụng về những lời dạy của đức Phật. Viện nghiên cứu sẽ làm sự nghiên cứu toàn diện về những lời dạy của Đức Phật và lời bình luận cùng những bình luận phụ, và viện cũng sẽ phát hành những lời giải thích liên quan đến sự thực hành. Viện nghiên cứu này không có mục đích gì khác hơn là làm sáng tỏ phương pháp vipassana và để giúp thiền sinh hiểu rõ về pariyatti – pháp học là gì. Điều này không có nghĩa rằng hoạt động của trung tâm để dạy thiền vipassana sẽ yếu đi trong mọi trường hợp, sự hành thiền sẽ luôn luôn là sự hoạt động quan trọng nhất, sự nghiên cứu không nên làm ở mọi trung tâm. Dhamma Giri ở một vị thế đặc thù, trung tâm có những cơ sở thích hợp và có một khu đất lớn và một phần đã được dành cho việc nghiên cứu.
Về việc chỉ ra điều gì quan trọng tại một trung tâm thì sự thực hành phương pháp luôn luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng và sự quan trọng thứ hai là sự phục vụ. Tuy nhiên nếu có người muốn hiến tặng để giúp cho một dự án đã được công bố, ví dụ như phát hành một quyển sách hay là làm việc nghiên cứu đặc biệt nào đó hoặc xây dựng tòa nhà tại trung tâm, thì tiền sẽ được dùng cho mục đích đó. Tổ chức chúng ta sẽ không bao giờ cố ép người khác bằng cách nói rằng tiền của bạn sẽ nên ở đây hay kia, chỗ nào quan trọng hơn, chỗ kia quan trọng hơn. Chủ ý phải do người hiến tặng, tương tự như thế sự phục vụ phải tùy theo chủ ý của người phục vụ Dhamma. Một người có thể cảm thấy thoải mái hơn hay vui hơn khi phục vụ ở nơi dạy hành thiền thì ta nên phục vụ ở đó, nhưng nếu ta cảm thấy thoải mái hơn trong vấn đề làm việc với sách vở thì chúng ta nên phục vụ ở đó.
Sự hành thiền sẽ luôn luôn là giữ vai trò quan trọng nhất của tổ chức. Do đó những người phục vụ là những người quan trọng nhất. Chúng ta ở đây để phục vụ những người hành thiền, nếu không có người hành thiền thì sẽ không có những cuộc hội thảo này, và tất cả những cơ sở này sẽ vô dụng. Do đó người quan trọng nhất là người hành thiền.
Câu hỏi: Duy trì sự tinh khiết của Sila trong đất Dhamma là quan trọng như thế nào thưa thầy. Nếu Sila được cho phép lơi lỏng ở trung tâm thì có đủ không để nói rằng Dhamma sẽ lo liệu?
Trả lời: Dhamma sẽ không xử lý. Dhamma chỉ săn sóc những người đã săn sóc Dhamma, nếu ai đó không có săn sóc Dhamma thì Dhamma sẽ không săn sóc người này. Điều tối quan trọng là mọi người sống trong đất Dhamma sẽ bảo vệ Dhamma trong chính họ và rồi Dhamma sẽ bảo vệ họ. Nếu các con phá giới ở đâu đó, điều đó là sai trái, các con sẽ bị trừng phạt bởi luật tự nhiên. Nhưng khi các con phá giới trong đất Dhamma thì sự trừng phạt mà các con nhận được sẽ nặng hơn rất nhiều bởi vì các con không chỉ phá giới mà các con còn phá quấy sự thanh tịnh của bầu không khí Dhamma ở chung quanh các con và các con đã làm hại rất nhiều người bằng cách tạo ra chướng ngại trên đường tiến bộ của họ.
Theo lời đức Phật. Người sống cuộc đời Dhamma thì được Dhamma bảo vệ chứ không phải người không chăm sóc Dhamma, Dhamma giống như con dao hai lưỡi. Đối với những người sống cuộc đời Dhamma, Dhamma sẽ cắt đứt tất cả những chướng ngại, mọi khó khăn và tất cả những kẻ thù. Nhưng đối với những người không thực hành Dhamma chính lưỡi dao này sẽ bắt đầu đâm chém người này. Ta phải hết sức cẩn thận, Dhamma phải được bảo vệ tại đất Dhamma.
Câu hỏi: Có vẻ như nhiều thiền sinh không tiếp tục thực hành sau khóa thiền đầu tiên. Vậy thì rõ ràng là họ đã phí phạm những cơ hội tuyệt vời khi tiếp xúc với Dhamma tinh khiết. Chúng ta có thể làm gì được về điều này không thưa thầy?
Trả lời: Đó là một điều bất hạnh lớn cho những ai đã nhận được một châu bảo vô giá và rồi không sử dụng nó trong suốt cuộc đời, nhưng chúng ta có thể làm gì được. Với tất cả lòng từ bi và tình thương, chúng ta đã trao tặng món quà vô giá này cho thiền sinh. Châu bảo này là để cho thiền sinh sử dụng để tiếp tục thực hành và phát triển trong Dhamma và nhận được thành quả tốt đẹp từ Dhamma. Chúng ta chỉ có thể tiếp tục khuyến khích người khác.
Câu hỏi: Nhiều tổ chức tài chính trong đó tiền bạc được đầu tư và sử dụng bởi những nhóm người có những công việc có hại như chế tạo vũ khí, chế tạo thuốc trừ sâu, hay là thử những hóa chất trên động vật… Trong những năm gần đây, những sự đầu tư sẽ được hình thành cho những ai sử dụng nó trong những giới hạn được đặt ra bởi những người cho vay. Thù lao cho giới hạn luật lệ này có thể bằng những số tiền được đầu tư vào những cơ sở lớn hơn, nếu tiền Dana được đầu tư chúng ta có thể chọn đầu tư ở những nơi có giới luật, mặc dù điều này có nghĩa rằng sẽ có lợi nhuận ít hơn. Hay là tiền Dana sẽ được cho mượn chỉ để tạo ra lợi nhuận nhiều nhất để ngày càng có nhiều tiền hơn trong việc xóa bỏ những đau khổ bám rễ sâu bằng cách thực tập vipassana.
Trả lời: Vào lúc này thầy nghĩ rằng chúng ta không có tiền để đầu tư ở bất cứ đâu. Tất cả tiền chúng ta nhận được đã được sử dụng trong rất nhiều hoạt động đang diễn ra. Nhưng sau này có tình huống sẽ xảy ra khi các con có tiền và có lợi nhuận từ tiền đó để bảo quản cho những cơ sở của chúng ta. Dĩ nhiên là khi đó câu hỏi này sẽ cần thiết. Trong Dhamma chúng ta nên hết sức cẩn thận, đương nhiên nếu chúng ta biết rằng chúng ta đang đầu tư tiền trong một công ty về thương mại hay kĩ nghệ để tham gia vào công việc bất chính ví dụ như chế tạo vũ khí đạn dược hay rượu thì chắc chắn là chúng ta sẽ lấy tiền lại, chúng ta không bao giờ nên khuyến khích những điều như thế.
Nhưng có những cơ sở hay những công ty tài chính cho rất nhiều người khác nhau vay tiền, một số có thể tham dự vào việc bất chính và điều đó rất khó để kiểm tra tất cả những người có sự liên hệ với công ty mà chúng ta đầu tư tiền. Hiển nhiên sự chọn lựa để đầu tư tiền của chúng ta với những công ty hoặc những người sẽ sử dụng số tiền này làm công việc lương thiện chứ không phải bất chính. Chắc chắn mục đích chính không phải chỉ để kiếm tiền mà còn để khuyến khích về Dhamma. Nếu chúng ta đã làm hại Dhamma một cách rõ ràng và nếu chúng ta khuyến khích người khác phạm giới thì đó không phải là Dhamma mặc dù chúng ta đang kiếm ra tiền. Do đó nếu chúng ta thấy rằng tiền chúng ta đầu tư trong một cơ sở hoặc tổ chức làm hại người khác thì chúng ta phải lấy tiền lại. Nhưng mặc khác chúng ta không nên đi đến chỗ cực đoan, vì nó không thực dụng.
Câu hỏi: Chúng con cảm thấy rằng metta là hữu hiệu, đối với kinh nghiệm chung là khi chúng ta gặp người thánh thiện hay thánh nhân thì ta cảm thấy bình an và hài hòa. Điều này liên quan gì đến niềm tin rằng bằng cách cúng dường sẽ giúp ích một người ở cảnh giới thấp hơn, có thể là ông bà tổ tiên hay bạn bè, thầy sẽ giải thích như thế nào về hiện tượng này trên phương diện của Dhamma.
Trả lời: Khi con nói rằng metta hữu hiệu, nó sẽ hữu hiệu bằng cách nào? Nếu tâm được thanh tịnh và ta tạo ra những rung động metta, những rung động này có thể đi tới bất cứ nơi nào cho dù là cảnh giới này hay cảnh giới kia, cảnh giới thấp hơn hay cao hơn, bất cứ nơi nào. Nếu chúng ta chuyển sự rung động của chúng ta đến với một chúng sinh nào đó thì chắc chắn nó sẽ đi tới chúng sinh đó và khi nó tới với chúng sinh đó thì chúng sinh đó tiếp xúc với rung động này và cảm thấy hạnh phúc bởi vì những rung động này là những rung động Dhamma, bình an và hài hòa. Khi các con hiến tặng gì đó cho một người nào đã mất với ước nguyện, nguyện cho những công đức và sự hiến tặng của tôi đi tới ai đó, và rồi chủ ý của metta, sự rung động này sẽ đi tới người đó và người đó sẽ được giúp bởi những rung động này bởi vì những rung động này dựa trên nền tảng của Dhamma, một cái gì đó, cái này hay cái khác sẽ xảy ra sẽ dẫn dắt người đó đến với Dhamma cho dù ở trong kiếp này hay kiếp tương lai. Nó sẽ giúp người đó đến với Dhamma, đây là cách làm sao chúng ta giúp những người trong cảnh giới cao hơn.
Và giờ chúng ta dâng hiến những gì? Các con dâng hiến cái điều tốt đẹp nhất mà các con có, và cái tốt đẹp nhất các con có là sự hành thiền của chính các con. Do đó sau buổi hành thiền, sau một khóa thiền hay sau một buổi ngồi thiền hàng ngày, các con nhớ tới ai đó rất thân thích với các con đã mất – tôi xin san sẻ công đức với quý vị. Đây là metta của các con và sự rung động đi tới người đó sẽ mang một sức mạnh của Dhamma rất nhiều bởi vì các con đã hành thiền và các con đã san sẻ sự hành thiền của mình cho người này, tự nhiên điều này sẽ rất hữu ích.
Câu hỏi: Trong Dhamma rất nhiều sự chú trọng được đưa ra để sống một cuộc sống giản dị và không bị ràng buộc, trong thế giới ngày nay làm sao một người tu sĩ có thể đạt được những mục tiêu này?
Trả lời: Các con thấy rằng quan trọng hơn nên chú trọng vào sự không ràng buộc, sự giản dị sẽ theo sau, nhưng đó không phải là mục đích, nếu không Dhamma sẽ hư hỏng. Có một người chỉ làm ra vẻ rằng: Hãy xem tôi sống giản dị như thế nào nhưng bên trong lại có sự ràng buộc về sự giàu sang … Điều này không dẫn tới sự giải thoát do đó mục đích của Dhamma nên là để phát triển sự không ràng buộc, một khi sự không ràng buộc được phát triển thì không có bất cứ điều gì như thế này bị lôi cuốn. Đương nhiên sự giản dị sẽ phát triển nhưng nếu điều này trở thành mục đích chính thì nó sẽ trở thành sự phô diễn. Sự thanh lọc tâm qua sự không bị dích mắc quan trọng hơn.
Câu hỏi: Thưa thầy, rất nhiều lần thầy đã nói rõ ràng sự khác biệt giữa Dhamma và tông phái, xin thầy vui lòng nói rõ một lần nữa. Có vẻ như là sự độc hại của những người thủ lãnh của những tôn giáo gần như đã hủy hoại toàn thể văn minh của nhân loại, thưa thầy điều này có thể tránh được không ?
Trả lời: Đúng thế, đây là nhiệm vụ của chúng ta để tiếp tục giải thích cho người khác Dhamma là gì và tông phái là gì? Thật là bất hạnh khi Dhamma đã bắt đầu dưới hình thức tinh khiết và rất nhanh chóng nó đã xuống cấp và trở thành tông phái. Nếu sự khác nhau giữa cả hai được làm sáng tỏ để giúp tránh sự tai hại trên khắp thế giới và đặc biệt ở quốc gia như Ấn Độ, nơi có rất nhiều sự chia rẽ tông phái và có rất nhiều khác biệt. Nhưng những vấn đề này xảy ra ở mọi nơi dưới hình thức này hay hình thức khác.
Đối với những người thực hành Vipassana nó trở nên rất rõ ràng Dhamma là luật tự nhiên. Dhamma luôn luôn phổ quát, luật tự nhiên luôn luôn phổ quát những điều về tông phái không bao giờ có thể là phổ quát, tông phái khác nhau, từ tông phái này sang tông phái khác, đối với những người đã thực hành Vipassana nó sẽ trở nên mỗi lúc một rõ ràng hơn. Hãy xem: ngay khi tôi làm ô uế tâm mình, thiên nhiên sẽ bắt đầu trừng phạt tôi ngay đây và ngay bây giờ mà không phải là tôi phải chờ trong kiếp kế tiếp để bị trừng phạt, tương tự như thế khi tôi thanh lọc tâm tôi được thưởng ngay tại đây và ngay bây giờ, đây là luật tự nhiên, đây là Dhamma.
Nếu chúng ta có những hành động lành mạnh bằng lời nói , ý nghĩ hay việc làm thì chắc chắn là chúng ta đang đi trên con đường Dhamma và chúng ta được tưởng thưởng và bắt đầu giúp người khác, trái lại chúng ta bị hại và chúng ta cũng hại người khác. Đây là sự khác nhau rất giản dị giữa Dhamma và tông phái. Sự khác biệt rất giản dị giữa Dhamma và tông phái phải mỗi lúc một rõ ràng hơn. Đối với những người hành thiền nó trở nên rõ ràng rằng một thước đo để đo ta có được thật sự tiến bộ trong Dhamma hay không là chúng ta có bị ràng buộc về những đức tin tông phái, về lý thuyết, những nghi thức và nghi lễ tông phái, những lễ hội tôn giáo, … sẽ bắt đầu bị tiêu trừ. Nếu sự ràng buộc càng mạnh ta có thể nghĩ rằng ta đang tiến bộ trong Dhamma nhưng thật sự người này không tiến bộ trong Vipassana, nếu ta tiến bộ trong Vipassana thì đương nhiên không cần một nỗ lực nào, mọi sự ràng buộc sẽ mất đi bởi vì ta hiểu được rằng Dhamma phổ quát đích thực là gì, điều này không thể áp đặt vào người khác.
Chúng ta không thể trông đợi toàn thể thế giới thực hành Vipassana, giải pháp thiết thực chỉ tới khi người ta bắt đầu chứng nghiệm được luật tự nhiên, nó sẽ chỉ nên dễ dàng bằng cách thực tập, về phần chúng ta, ta nên tiếp tục giải thích cho người ta hiểu rằng Dhamma là gì, tông phái là gì và khuyến khích họ thực hành và tự họ thấy được.
Câu hỏi: Thưa thầy nguyên tắc căn bản để chắc rằng sự liên hệ hòa hợp giữa thiền sư phụ tá, tín viên và người phục vụ Dhamma trong sự lớn mạnh tổ chức Dhamma là gì?
Trả lời: Cách tốt nhất và duy nhất cho những thiền sư phụ tá tín viên và người phục vụ là tất cả phải hành thiền, hành thiền là câu trả lời duy nhất, không gì khác. Nếu người ta ngưng hành thiền, ít chú trọng hơn vào hành thiền thì họ sẽ chú trọng hơn vào quyền hạn thì sự hủy hoại của Dhamma sẽ bắt đầu làm hại toàn thể tổ chức. Ai đó đã được bổ nhiệm làm thiền sư phụ tá hay là thiền sư phụ tá kì cựu nên luôn luôn cảm thấy khiêm nhường: “Tôi đã được trao cho việc này chỉ để phục vụ Dhamma và để phát triển parami cho chính tôi, tôi ở đây không phải để chỉ huy người khác, không phải để nói rằng tôi vượt trội hơn quý vị bởi vì tôi được ngồi một chiếc ghế cao hơn người khác một chút.”
Các con ngồi ở ghế cao hơn một chút chỉ để phục vụ người khác chứ không phải để thổi phồng bản ngã. Mỗi một thiền sư phụ tá và thiền sư phụ tá kì cựu nên cảm thấy biết ơn những người tới tham dự khóa thiền bởi vì họ đang giúp các con phát triển parami của chính các con, nếu họ không tới thì chúng ta phục vụ như thế nào, làm sao mà chúng ta có thể dâng hiến Dhamma. Do đó luôn luôn rất biết ơn họ, điều này nên luôn luôn phải là thái độ của những người người ngồi trên chỗ của Dhamma.
Những thiền sinh khác được làm tín viên, phục vụ hay thiền sinh, đối với họ điều tối quan trọng là họ phải có lòng kính nể đối với những người ngồi trên chỗ Dhamma bởi vì những người này đại diện cho thiền sư. Các con biết ơn thiền sư, người đã cho con cái gì đó và thiền sư phụ tá là đại diện cho thiền sư. Nếu các con không biết ơn thiền sư cũng không sao, ít nhất là các con biết ơn Dhamma. Người này ngồi trên chỗ của Dhamma, là đại diện cho Dhamma. Do đó các con luôn luôn nên có cảm tưởng biết ơn và lòng kính trọng đối với những ai đang đại diện Dhamma. Đây là thái độ của thiền sinh, của tín viên và người phục vụ.
Nhưng không bao giờ là thái độ của thiền sư hay là thiền sư phụ tá, nếu thiền sư nghĩ rằng: “Tôi là đại diện cho Dhamma bây giờ mọi người phải kính trọng tôi.” Một người như thế không bao giờ có thể tiến bộ để trở thành một thiền sư trong tương lai.
Hiện tại, một sự thử nghiệm đang được xảy ra, chỉ là một sự thử nghiệm. Càng ngày càng nhiều người được đào tạo để trở thành thiền sư và dĩ nhiên là chúng ta không muốn họ mất đi quyền này. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta thấy những khuyết điểm này, với đầy từ bi chúng ta sẽ cố giúp người này thoát khỏi khuyết điểm. Nhưng một điểm rất rõ ràng rằng: Nếu người nào đó ngồi trên chỗ Dhamma và trông đợi điều gì đó từ tín viên hay người phục vụ thì người này không bao giờ có thể trở thành một thiền sư Dhamma, điều này rất rõ ràng.
Không trông đợi bất cứ điều gì, chỉ cảm thấy lòng biết ơn: “Tôi có cơ hội giúp thầy tôi và sứ mệnh của ngài, hay thầy của thầy tôi và sứ mệnh của ngài. Đơn giản tôi chỉ làm công việc này để tôi có cơ hội để phát triển parami của chính tôi.” Nếu các con làm việc theo cách này chắc chắn sẽ tới lúc các con trở thành một thiền sư lí tưởng và phương pháp Dhamma tuyệt vời này sẽ tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Do đó thiền sư phụ tá phải rất cẩn thận không để thổi phòng bản ngã trong lúc hướng dẫn và cùng một lúc thiền sinh nên luôn luôn kính trọng thiền sư hoặc thiền sư phụ tá mặc dù chúng ta không muốn truyền thống này trở thành một tổ chức tôn giáo.
Từ sau một vài thế kỉ Dhamma sẽ trở thành một tổ chức tôn giáo. Chúng ta không thể làm gì được. Tuy nhiên vào lúc này phải có một tổ chức nào đó, nơi nào có một trung tâm nơi đó phải có một ban điều hành. Một phần vì để điều hành khóa thiền và trung tâm. Nhưng trong truyền thống này khi một thiền sư phụ tá được bổ nhiệm chúng ta không thể nói rằng người đó được bổ nhiệm trong một năm và năm tới người khác sẽ trở thành thiền sư phụ tá như là chúng ta có những tín viên, điều này không áp dụng được. Một thiền sư ngồi trên chỗ Dhamma phát triển sự liên hệ với thiền sinh và sự liên hệ này sẽ được nới rộng, do đó điều quan trọng rằng những ai được giao cho công việc của một thiền sư phụ tá sẽ tiếp tục trừ khi có những ai phạm một lỗi rất nặng và ngay cả những lúc như thế người đó cũng sẽ không bị bãi nhiệm. Chúng ta sẽ cố sửa chữa sai lầm để giúp người đó thoát khỏi những sơ suất.
Do đó thiền sư phụ tá sẽ tiếp tục làm việc, tuy nhiên đối với những tín viên sẽ không tiếp tục. Họ sẽ chỉ được bổ nhiệm trong một năm mà thôi. Năm kế tiếp họ có thể hoặc không thể được bổ nhiệm trở lại. Không phải vì có lỗi lầm từ người đó, mà vì để ngày càng có nhiều cơ hội trao cho những thiền sinh khác phục vụ Dhamma theo những cách khác nhau. Do đó càng ngày càng có nhiều người sẽ trở thành tín viên, chủ tịch, thư kí hay thủ quỹ của ban điều hành, hay là nhận chức vụ này để họ có thể phục vụ. Có rất nhiều người phục vụ hoàn toàn xứng đáng để trở thành thiền sư phụ tá nhưng vì hoàn cảnh gia đình hay những lí do cá nhân, họ không thể nhận được việc này. Điều này không có nghĩa rằng họ yếu kém. Nhưng mỗi người phải hiểu rằng: “Ta có thể tiếp tục phục vụ, nhưng nếu ta trở thành một tín viên chỉ một hoặc hai năm; điều này sẽ luôn luôn thay đổi.”
Những thiền sư phụ tá sẽ phục vụ không ngừng, họ sẽ biết những hoàn cảnh của tín viên cũ, biết những khó khăn trong những năm vừa qua và họ tiếp tục theo dõi hoạt động của ban điều hành. Do đó những nhận xét của họ sẽ hữu ích cho ban phục vụ, cho tín viên. Bằng cách này sự quan trọng sẽ được trao cho thiền sư phụ tá.
Dĩ nhiên thiền sư phụ tá sẽ không bao giờ được ra lệnh cho người khác. Tất cả những quyết định về sự điều hành của trung tâm sẽ dành riêng cho ban điều hành. Tuy nhiên thầy muốn thấy được rằng điều này bây giờ phải được thực hành - rằng khi nào có một cuộc họp của ban điều hành thì thiền sư phụ tá phải được mời tham dự. Nhưng họ không tham dự vào cuộc thảo luận, họ chỉ quan sát những gì đang xảy ra. Nếu họ được yêu cầu có ý kiến, được, họ sẽ có ý kiến, hoặc nếu họ tham gia vào công việc trong một ban đặc biệt nào đó, họ sẽ tham dự. Bằng không hãy để họ quan sát những gì đang xảy ra để họ biết được điều gì đang tiến hành. Nếu họ thấy có điều gì đó hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của Dhamma thì họ sẽ can thiệp một cách hết sức lịch sự: “Tôi cảm thấy quyết định này của quý vị hay ý nghĩ này của quý vị không phù hợp với Dhamma, tôi nghĩ rằng nó nên như thế này.” Dĩ nhiên trong những quyết định quan trọng của ban điều hành thì kinh nghiệm của thiền sư phụ tá phải được tận dụng. Nhưng trong những công việc hàng ngày trong việc điều hành của ban điều hành thì họ chỉ quan sát.
Một trở ngại khác có thể nảy sinh giữa những tín viên hay giữa tín viên và người phục vụ hoặc giữa thiền sư phụ tá và tín viên mà thầy đã gặp những điều này trong một số trường hợp là có những người có thói quen tìm lỗi của người khác. Họ tiếp tục viết và nói với người khác: “Hãy xem thiền sư phụ tá này như thế này, hãy xem thiền sư phụ tá kia như thế này.” Họ không nhận ra rằng có những kamma bất thiện mà họ đã tích lũy. Nếu họ thấy điều gì sai trái trong một thiền sư phụ tá họ nên gặp người đó và nói một cách lịch sự rằng: “Tôi không thích hành động này của ông, hay những quan điểm này của ông, tôi cảm thấy điều này sai trái, hãy để chúng ta thảo luận và làm sáng tỏ ra.”
Thay vì nói trực tiếp với những người mà các con đã cảm thấy họ có lỗi lầm, các con bắt đầu viết thư hay nói về chuyện đó với người khác thì điều này đi ngược lại với sila. Đây là nói xấu sau lưng, nói đâm thọc, là điều rất sai trái. Do đó trước khi nói với ai khác về lỗi lầm của người bạn hành thiền, cho dù người bạn hành thiền đó là một người phục vụ, một tín viên hay là một thiền sư phụ tá. Trước tiên hãy gặp họ trực tiếp và thảo luận vấn đề và nếu các con không thể đồng ý, nếu các con vẫn còn nghi ngờ, nếu đó là sự khác biệt ý kiến giữa những tín viên thì sẽ đi gặp thiền sư phụ tá. Nếu sự khác biệt giữa thiền sư phụ tá và tín viên thì tốt hơn nên đi gặp thiền sư phụ tá kì cựu để giải quyết vấn đề. Và nếu vẫn không thể giải quyết được thì tốt hơn nên đi gặp thiền sư. Bây giờ chúng ta nghĩ rằng - có lẽ trong cuộc họp này ta có thể công bố rằng những thiền sư phụ tá kì cựu nào đó sẽ có trách nhiệm để cai quản một trung tâm. Tất cả những khó khăn liên quan đến trung tâm sẽ do thiền sư phụ tá kì cựu này giải quyết, nếu có những khó khăn mà không thể giải quyết thì phải được đưa đến thiền sư.
Cho dù ta là một tín viên hay là một thiền sư phụ tá hay là một người phục vụ Dhamma, ta phải có cái nhìn như thế này: “Ta là một người rất ích kỉ.” Đức Phật muốn chúng ta trở thành người ích kỉ, ích kỉ theo nghĩa là chúng ta nên biết quyền lợi của chính mình nằm ở đâu, nó nằm trong việc thanh lọc tâm của mình. Nếu bởi vì quá khích mà các con cảm thấy rằng: “Tôi đang truyền bá Dhamma, tôi đang giảng đạo,” nhưng nếu các con tiếp tục làm ô uế tâm mình và phát triển sự tức giận và bất tịnh thì các con bắt đầu làm hại chính mình. Dhamma muốn mọi người ích kỉ, nhưng ích kỉ theo nghĩa đích thực rằng tất cả mọi hành động của các con đều lợi ích và nó thực sự giúp các con tiến bộ trên con đường giải thoát. Nếu nó làm hại các con và các con nghĩ rằng: “Nếu nó làm hại tôi cũng không sao cả, tôi đang giúp rất nhiều người.” thì các con đã không hiểu Dhamma một chút nào. Do đó mọi thiền sư, mọi tín viên và người phục vụ phải tự xét mình: “Tất cả những sự thảo luận của tôi về người khác, tôi có đang giúp tôi hay tôi đang hại chính tôi. Tôi có đang giận dữ không? Tôi có đang tạo ra thù ghét và ác ý đối với người này không? Tôi có làm gì để làm ô uế tâm của tôi không?” Nếu điều này xảy ra thì Dhamma của chính họ đã bị tàn phế. Không ai muốn làm hại chính mình. Nếu các con thấy một cách rõ ràng rằng: “Hành động của tôi đang làm hại tôi, tôi phải hết sức cẩn thận thì rồi sự liên hệ sẽ tự động trở nên hài hòa.”
Câu hỏi: Người phục vụ có thể rời phạm vi của khóa thiền để tập thể dục như chạy bộ nếu họ bảo đảm rằng họ không có quấy rầy thiền sinh khi làm như thế và nếu như họ đã hoàn thành nhiệm vụ của họ không?
Trả lời: Chắc chắn rồi, người phục vụ nên tập thể dục, thiền sinh hành thiền từ 4 giờ, 4h30 sáng đến 9h – 9h30 tối và nếu họ chỉ đi bộ một chút cũng đủ nhưng đối với những người đang phục vụ thì đó giống như đời sống hàng ngày. Do đó họ có thể tập thể dục, dĩ nhiên là phải không làm phiền thiền sinh. Họ có thể chạy bộ nhưng họ phải rất cẩn thận. Ví dụ tại Dhamma Giri, nếu có ai đang bắt đầu chạy và chạy xuống phố, điều này sẽ tạo ra những phản ứng khó chịu đối với dân chúng ở đó, và nếu có người chạy phía sau trung tâm, nơi không có ai ở, ở trong một nơi hẻo lánh như thế, một điều có hại có thể xảy ra. May mắn thay chúng ta có nơi ở dưới đồi, khoảng tám đến mười mẫu, ở đây các con có thể làm hai đường chạy - một cho nam, một cho nữ, nơi họ có thể chạy. Các con có thể làm như thế ở các trung tâm khác. Nơi nào có thể thì luôn luôn tạo cơ hội để người phục vụ có thể tập thể dục mà không làm phiền thiền sinh.
Câu hỏi: Vai trò nào mà thầy có thể thấy dành cho người hành thiền Vipassana trong lãnh vực hoạt động xã hội như giúp người khác trên thế giới, người nghèo đói, vô gia cư và người bệnh.
Trả lời: Giúp người là tuyệt đối quan trọng trong Dhamma. Đối với những ai đang hành thiền, dĩ nhiên mục đích chính là để thanh lọc tâm. Và một dấu hiệu cho thấy tâm có trở nên thanh tịnh không là chủ ý phát sinh khi giúp người khác. Một tâm thanh tịnh sẽ luôn luôn tràn đầy tình thương và lòng từ bi. Ta không thể thấy những người khác ở xung quanh và nói rằng: “Tôi không cần biết, tôi không quan tâm, tôi đang tập cho sự giải thoát của chính tôi.” Thái độ này cho thấy sự thiếu phát triển trong Dhamma. Nếu ta đã phát triển trong Dhamma thì đương nhiên trong mọi điều kiện mà ta có, trong bất cứ lãnh vực nào mà ta đang phục vụ thì ta nên phục vụ. Nhưng khi các con đang phục vụ trong lĩnh vực xã hội khác, như trong trường học, trong bệnh viện, trong những cơ sở khác các con có thể phát triển sự điên rồ này: “Bây giờ tôi đã thực sự được thanh lọc tâm và tôi đang dành hết thì giờ của mình để phục vụ người khác, tiến trình thanh lọc sẽ tự nó tiếp tục, tôi nên ngừng không hành thiền mỗi sáng và mỗi tối vì tôi làm việc quá nhiều bây giờ, tôi đã làm những công việc xã hội vĩ đại như thế.” Đây là một lỗi lầm nghiêm trọng.
Khi tâm thật sự được thanh lọc, bất cứ sự phục vụ nào của các con đều rất mạnh, hữu hiệu và đưa đến kết quả. Hãy tiếp tục thanh lọc tâm và tiếp tục kiểm tra tâm mình có được thanh lọc hay không, tiếp tục phục vụ người khác mà không trông đợi được đền đáp.
Câu hỏi: Thưa thầy, có những lực nào để hỗ trợ chúng ta khi chúng ta phát triển parami của mình?
Trả lời: Chắc chắn rồi, những lực hữu hình, những lực vô hình. Ví dụ: Người ta thường có khuynh hướng liên kết với những người có cùng một phẩm chất. Khi chúng ta phát triển những phẩm chất tốt của chúng ta, chúng ta đương nhiên bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những người có những phẩm chất đó. Khi chúng ta tiếp xúc với những người tốt như thế thì đương nhiên chúng ta được sự hỗ trợ của họ. Khi chúng ta tạo ra tình thương, lòng từ bi và thiện ý chúng ta sẽ hòa nhập với tất cả những chúng sinh hữu hình hay vô hình và có những rung động tốt lành, và chúng ta sẽ bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của họ. Nó giống như việc chỉnh radio để nhận được một làn sóng của một sóng đặc biệt nào đó từ xa. Tương tự như thế chúng ta sẽ hòa nhập với những rung động cùng loại mà chúng ta tạo ra. Và do đó chúng ta nhận được sự lợi ích của sự rung động này.
Đó không phải là việc tìm kiếm sự can thiệp của một chúng sinh mạnh mẽ hơn để đạt được mục đích của mình. Các con phải làm việc một cách tích cực với sự hiểu biết rằng các con làm việc để các con có thể có lợi ích từ sự rung động tốt lành của người khác. Như người ta thường nói: Trời sẽ giúp những ai tự giúp mình.
Câu hỏi: Thưa thầy metta có mạnh hơn khi samadhi mạnh hơn không?
Trả lời: Chắc chắn rồi! Không có samadhi thì metta không phải thực sự là metta. Khi samadhi bị yếu đi và tâm dao động thì nó tạo ra những bất tịnh thuộc loại này hay loại khác về thèm muốn hay chán ghét. Với những bất tịnh này các con không thể trông đợi để tạo ra những phẩm chất tốt lành. Những rung động của metta là tình thương yêu và lòng từ bi, nó không thể được.
Ở mức độ lời nói các con có thể luôn nói rằng: “Hãy hạnh phúc.” Nhưng điều này không hữu hiệu. Nếu các con có samadhi thì tâm của các con sẽ tĩnh lặng và bình an, ít nhất là giây phút đó. Không cần thiết là tất cả những bất tịnh sẽ mất đi, nhưng ít nhất là giây phút đó. Khi các con ban phát metta, tâm của các con tĩnh lặng và yên bình, không tạo ra bất cứ bất tịnh nào thì bất cứ metta nào mà các con ban phát sẽ mạnh, có kết quả và hữu hiệu.
Câu hỏi: Thưa thầy, sự quan trọng của buổi metta lúc 9h tối là như thế nào?
Trả lời: Ồ, metta là metta. Nó luôn luôn tốt, bất cứ giờ nào, nó luôn có ích. Buổi metta đặc biệt này là một phần của thiền sư đang cố để giữ cho tâm được hết sức thanh tịnh và với sự thanh tịnh đó, sẽ cố hòa nhập với những rung động của những thánh nhân. Và việc của người thiền sư là hòa nhập với những rung động này và truyền ra để thiền sinh đang ngồi ở đó sẽ nhận được chúng. Trong nhiều trường hợp người phục vụ Dhamma làm việc mệt nhọc cả ngày và sau mười phút metta này, họ tới và nói: “Bây giờ con cảm thấy thư giãn.” Điều này xảy ra bởi họ có khả năng hòa nhập với những rung động này.
Dĩ nhiên là có những người không nhận được gì. Chúng ta không thể xét đoán ai có khả năng hay không có khả năng nhận metta. Nhiệm vụ của chúng ta là ban phát càng nhiều metta càng tốt. Sayagyi thường nói rằng: “Ta là một máy biến thế, ta có thể thu nhận 11000vol và rồi sẽ phân phát 1100vol, 440vol, 220vol. 110vol. Tùy theo khả năng của một người, họ sẽ thâu nhận được nó.” Đây là công việc của một thiền sư và thiền sinh sẽ nhận được tùy theo khả năng của họ.
Câu hỏi: Tới một mức độ nào, phương pháp và cách thầy giảng dạy là của thầy hay của Sayagyi U Ba Khin và tới một mức độ nào là của Đức Phật - bậc giác ngộ?
Trả lời: Sự giảng dạy chắc chắn là sự giảng dạy của ngài U Ba Khin và của Goenka. Nó có thể khác với sự giảng dạy của Đức Phật nhưng riêng về phương pháp mà nói, mọi Đức Phật đều giảng dạy một phương pháp. Nếu một vị Phật không thay đổi phương pháp của vị Phật trước đó thì Ubakhin hay Goenka là ai mà thay đổi nó? Tất cả những thiền sư Dhamma khác là ai mà thay đổi nó, phương pháp không bao giờ thay đổi. Không một ai nên thay đổi nó - nhưng sự truyền đạt thì thay đổi.
Trong một bài nói chuyện, Sayagyi U Ba Khin nói rằng: “Tôi đã phát triển ra một phương pháp để có thể thích ứng cho những người không phải là phật tử, cho những người nói tiếng anh. Mọi người có thể tập với nó và có cùng một lợi ích. Hãy tới và thử, quý vị sẽ có cùng một kết quả.” Và phương pháp của ngài là gì? Nó không phải là một phương pháp thiền đặc biệt, chỉ là một cách để giải thích. Tất cả những thiền sư trước thời ngài U Ba Khin và những người cùng thời với ngài đang giảng dạy đã giảng dạy cho những phật tử người Miến Điện, và những phật tử người Miến Điện có cách riêng để hiểu. Truyền thống của họ giải thích satipatthāna bằng cách đặc biệt với những lời nào đó và những ví dụ nào đó. Tất cả những vị sư và những thiền sư cư sĩ giải thích nó cùng một kiểu cách. Tuy nhiên ngài U Ba Khin dạy những người nói tiếng anh không phải là Phật tử. Do đó ngài phải phát minh ra cách để diễn tả Dhamma để họ hiểu và có thể tu tập một cách đúng đắn. Sayagyi đưa ra những ví dụ cụ thể và khoa học, dùng những từ ngữ hiện đại, khoa học mà Đức Phật hoặc những thiền sư khác trong một dòng những thiền sư đã không dùng.
Cùng một điều xảy ra khi thầy tới Ấn Độ, đối với quốc gia rộng lớn này, với rất nhiều tông phái, truyền thống và đức tin. Vào thời buổi này chúng ta phải tiếp xúc với thế giới; và khắp thế giới có rất nhiều nhóm người khác nhau với tất cả những ý nghĩ đặc biệt.
Ngay như tại Ấn Độ, có những lối suy nghĩ và giảng dạy khác nhau vào thời Đức Phật. Đã có rất nhiều người giảng dạy khác nhau. Sau thời của Đức Phật, giáo huấn của ngài bắt đầu bị suy yếu và trộn lẫn với những thứ khác.
Hoàn cảnh bây giờ ở đây và lúc này, hiển nhiên khi thầy nói với mọi người thầy cần phải biết là ai đang nghe thầy nói. Thầy cần diễn tả mọi điều theo một cách mà họ có thể hiểu tùy theo nền tảng của họ. Nếu họ không hiểu thầy đang nói gì thì toàn thể mục đích thầy nói với họ bị mất đi. Họ không thể thực hành Dhamma trừ khi họ được thuyết phục rằng những điều thầy nói có một ý nghĩa nào đó. Khi thầy giảng những bài pháp thoại cho người ở phương tây, hay khi thầy nói bằng tiếng Hindi đối với người Ấn, có vẻ như thầy nói những điều khác nhau bởi vì những ví dụ và những câu chuyện được đưa ra thay đổi tùy theo người nghe. Nhưng thực chất thì vẫn giữ nguyên. Đúng thế, ta có thể nói rằng phương pháp bị thay đổi vì cách giải thích thay đổi. Tuy nhiên điều này đã xảy ra ngay vào thời của Đức Phật. Nếu các con đọc qua những lời của Ngài các con sẽ thấy rằng khi Ngài nói với một cộng đồng đặc biệt nào đó - ví dụ như cộng đồng người Bà la môn thì ngài nói theo cách để họ có thể hiểu được. Và khi ngài nói với cộng đồng người Sramana thì ngài nói theo cách để cộng đồng người Sramana có thể hiểu được.
Có những từ trong ngôn ngữ Pali: vohāra-kusala – cách thức linh hoạt. Đối với Đức Phật, Ngài có kĩ năng tuyệt vời này trong sự giảng dạy. Trong những câu chuyện về Đức Phật, khi Ngài là một Bodhíatva – Bồ tát, ta thấy sự hoàn hảo trong sự linh hoạt này suốt khoảng thời gian đó. Trong nhiều tình huống khác nhau, Ngài khéo léo để giúp chính ngài không phạm sila và ngài khéo léo để giúp người khác. Khi Ngài trở thành một vị Phật, Ngài càng giỏi hơn nữa. Vì vậy mọi người khi đang bước đi trên con đường của Đức Phật và đang truyền bá giáo huấn của Đức Phật phải rất khéo léo, và sự khéo léo này phải được dùng trong nhiều tình huống khác nhau từ thời này qua thời khác. Trong mỗi một tình huống sự khéo léo trong việc giải thích Dhamma được dùng theo một cách và trong tình huống khác thì dùng theo một cách khác.
Hiện nay một điều gì khác đã bắt đầu nảy sinh trong tâm của mọi người: “Đây là phương pháp của U Ba Khin, đây là phương pháp của Goenka, …” Một lần nữa đây là vấn đề về sự phù hợp trong việc diễn đạt Dhamma cho người khác. Ngài U Ba Khin dùng từ “quét” và bây giờ ở phương Tây người ta nói: “Đây là phương pháp quét của U Ba Khin, của Goenka; Và đây là phương pháp satipatthana của Mahási Sayadaw.”, vân vân …
Hãy hiểu điều này xảy ra như thế nào. Khi ta tới giai đoạn toàn thể thân tâm tan rã, giai đoạn bhanga, không có một cảm giác thô thiển bất cứ đâu. Ta bắt đầu từ đầu và sự chú tâm xuống chân hết sức nhanh chóng mà không bị một ngăn trở nào. Hay khi ta bắt đầu từ chân và rất nhanh chóng quay trở lại. Nó như một dòng chảy. Để diễn tả điều này cho người khác hiểu, Sayagyi dùng từ “sweep - quét” điều đó có nghĩa rằng từ đầu tới chân, các con di chuyển sự chú tâm một cách nhanh chóng mà không gặp trở ngại. Nếu các con đạt tới giai đoạn quét đó thì các con quét. Đối với người Ấn, thầy dùng từ Dhārāpravāha nghĩa là “Free-flow: sự luân lưu thông suốt”. Đối với người phương Tây thầy cũng nói luân lưu thông suốt. Điều này không có nghĩa rằng thầy đã thay đổi phương pháp, thầy phải giải thích làm sao, với không có sự ngăn trở nào, tâm của các con có thể duy chuyên trôi chảy từ đầu tới chân và từ chân lên đầu. Khi các con tới giai đoạn đó thì các con có sự luân lưu thông suốt.
Bằng lời của chính mình, Đức Phật nói cùng một điều: Sabbakāya-patisamvedi assasissāmi, ti sikkhati sabbakāya - patisamvedi passasissāmi ti sikkhati ta – ta biết rằng khi ta thở vào trong một hơi thở ta cảm thấy toàn thể cơ thể. Bây giờ làm sao ta cảm thấy toàn thể cơ thể khi có những chướng ngại ở chỗ này hay chỗ kia? Điều này xảy ra chỉ khi ta đạt giai đoạn tan rã. Khi đó sự chú tâm sẽ di chuyển trong một hơi thở từ đâu tới chân và trong một hơi thở từ chân lên đầu. Các con hít vào các con cảm thấy toàn thể cơ thể, các con thở ra các con cảm thấy toàn thể cơ thể. Đức Phật dùng từ bhanga.
Ngài U Ba Khin dùng từ “sweeping – quét”, và Goenka dùng từ “free-flow: luân lưu thông suốt.” Điều này không có nghĩa rằng chúng ta thay đổi phuong pháp dưới bất cứ hình thức nào. Phương pháp vẫn là thế. Phương pháp để giải thích Dhamma dĩ nhiên khác nhau từ thời này qua thời khác, từ nơi này qua nơi khác, từ nhóm người này qua nhóm người khác. Tuy nhiên phương pháp hành thiền không bao giờ thay đổi.