Càng về khuya xe càng leo núi lên cao và trong xe càng lạnh. Tôi co ro
trong hai lần áo. Càng ngày càng ho khúc khắc và bị đờm. Tôi không hiểu
vì sao mà trong xe lạnh quá mức như thế. Vừa lạnh vừa ẩm. Tôi quen khí
hậu lạnh nhưng khô của Canada, nên không chịu được cái loại rét ẩm ướt
thấu vào trong lục phủ ngũ tạng. Phải gọi là rét mướt. Rét và ẩm nên gọi
là mướt. Đôi khi tôi phải chui đầu vào trong cái áo bành tô để giữ hơi
thở ấm áp của mình trong lần áo, sưởi ấm cho thân một chút hơi nóng.
Mà tôi vẫn thắc mắc tại sao mà trong xe lại lạnh kinh khiếp như vậy. Mãi
cho đến khi tới Dharamsala và nói chuyện với một chú bé Tây Tạng mà
chúng tôi nuôi cho ăn học, ra đón tôi tại trạm xe buýt thì mới hiểu. Chú
bé này có đi học trường trung học ngoài đời tại Ấn nên khả năng Anh ngữ
khá khá một chút. Lý do, chú giải thích là vì các tăng sĩ không quen đi
xe hơi, nhất là xe đò, bị xóc nhiều, cho nên các vị đều bị say sóng nôn
mửa. Và để tiện việc nôn mửa, gần như cả xe đều mở toang cửa sổ để sẵn
sàng thò đầu, nôn qua cửa kính, ra ngoài xe. Thảo nào mà tôi thấy trong
xe quá lạnh như vậy, lạnh và gió mà tôi cứ tưởng là đến từ sàn xe.
Do đó tôi càng ho, nhiễm trùng cổ họng và xoang mũi nhiều hơn. Khi xe
đến bến xe tại Dharamsala, quận McCleod Ganj, nơi trú ngụ của đức Đạt
Lai Lạt Ma thì đã hơn 9 giờ sáng. Chuyến xe rút cục mất gần 16 tiếng
đồng hồ. Mười sáu tiếng tôi chịu trận, vừa đói vừa lạnh run!
Khi xuống được xe và gặp chú bé, tôi vẫn run lập cập, vì hôm đó thời
tiết rất lạnh tại McCleod Ganj. Chú bé thì mặc phong phanh có cái áo
bông vải. Còn tôi thì mặc cả áo bông lẫn bành tô mà lại run vì lạnh. Chú
bé cười ngất và hỏi, sao người Canada mà chịu lạnh kém thế. Tôi cũng
không giải thích nhiều, lo lấy hành lý ra và đi về khách sạn. Nhìn cảnh
chư tăng chụp hành lý do lơ xe đứng từ trên mui thảy xuống mà tôi ngao
ngán lắc đầu. Quả là xứ Ấn Độ. Nói vậy chứ có vài va-li nặng quá thì lơ
xe cũng phải thòng dây mà thả xuống. Tôi mau mau ra phụ các tăng sĩ chụp
hộ hành lý để sang một bên cho mọi người rồi bảo chú bé dẫn về khách
sạn.
Từ trạm xe buýt đến khách sạn chỉ khoảng 15 phút đi bộ. Nhưng đường sá ở
đây thì quá lầy lội, hỏi chú bé thì hóa ra trời đêm hôm qua vừa trải một
cơn mưa lớn. Đi về đến khách sạn thì đôi giày ba-ta của tôi đã lấm đầy
bùn đỏ quạch.
Ngồi trong phòng rửa ráy mặt mũi tay chân và rửa giày ba-ta, tôi mừng
thầm là chuyến đi cực kỳ khó khăn đã trải qua rồi. Bây giờ, được nghỉ
ngơi, nhưng tôi sẽ phải đối phó với vần đề nhiễm trùng cổ, ho và viêm
xoang mũi. Chú bé rủ tôi đi ăn sáng. Tôi nhận lời và chúng tôi ra quán
ăn nhỏ góc đường. Tôi kêu một món trứng chiên và cà phê, còn chú bé và
Tenzin Kelsang thì ăn điểm tâm món ăn Ấn Độ và uống trà sữa.
Hôm nay theo chương trình thì chúng tôi được nghỉ một ngày. Nhưng chú bé
và Tenzin Kelsang thì nói rằng chờ khi thầy viện trưởng đến sẽ rủ tôi đi
đến thăm ngài. Tôi gật đầu và nói là bây giờ tôi sẽ về phòng nằm nghỉ.
Khi nào thầy viện trưởng đến thì cứ ghé phòng tôi mà gọi.
Về đến phòng, tôi xem xét. Căn phòng nhỏ thôi, có hai giường đơn kê sát
nhau, nhưng cũng được lắm. Nước nóng có, nhưng thời tiết rất lạnh khoảng
4 hay 5o C gì đó. Chẳng thể nào tắm nổi cho dù có nước nóng. Tôi chỉ đi
rửa mặt mũi tay chân, rồi lên giuờng nằm ngủ một giấc vì cả đêm qua tôi
đã quá cực nhọc với chuyến xe. Phải thu hết can đảm mà chui vào trong
chăn, dùng hơi nóng thân mình để sưởi ấm chăn đệm. Nhưng một khi đã cảm
thấy ấm áp rồi thì lại không còn có can đảm chui ra khỏi giường.
Khi ngủ dậy và thấy khỏe khoắn hơn, tôi tọa thiền và hành trì các phần
tu tập hứa nguyện, sau đó tôi ra ngoài phố đi tản bộ và xem xét đường
sá.
Thành phố Dharamsala nằm giữa thung lũng Kangra và bao gồm một diện tích
khoảng 29 cây số vuông. Tuy nằm giữa thung lũng, nhưng Dharamsala khá
cao, ở độ cao trung bình 1.457 mét (4.780 bộ anh). Vì nằm giữa thung
lũng và có núi lớn bao quanh, nên khí núi và hơi nước đọng lại khó thoát
ra được. Mùa đông, lạnh và ẩm, khoảng thời gian tôi đến là lúc lạnh
nhất, nhiệt độ xuống gần 0o C, và có những hôm tuyết rơi rất nhẹ. Khó
khăn nhất là những hôm mưa, vì vừa lạnh lại vừa ướt át khó chịu.
Người dân ở đây nói với tôi là mùa hè cũng khó khăn lắm vì tuy khí hậu
nóng, nhưng vô cùng ẩm thấp đến độ quần áo giặt xong mang phơi không khô
nổi mà chỉ lên mốc kim. Cách đi đến Dharamsala thường là bằng xe lửa,
xuống trạm Pathangkot (tuy viết vậy, nhưng tiếng Ấn đọc là
Pa-tăng-cốt-ti, cách 120km đường xe hơi) hay trạm Chakki Bank (150km
đường xe).
Dharamsala bao gồm Dharamsala thượng (upper Dharamsala, gọi đúng tên là
quận McLeod Ganj, độ cao là 1.700 mét hay 5.580 bộ anh) và Dharamsala hạ
(lower Dharamsala, thấp hơn 460 mét). Hai miền thượng và hạ cách nhau
9km đường xe, và miền hạ có thành phố đông đảo sầm uất hơn.
Tư dinh của đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong Tây Tạng nằm tại
Dharamsala thượng, nối liền với ngôi chùa chính (main temple), là nơi
ngài thuyết pháp cho chư tăng và Phật tử. Chỉ riêng chư tăng về dự cũng
đã khoảng 6.000 vị, và tổng số các Phật tử Tây Tạng cũng như ngoại quốc
mọi nơi về tham dự ước lượng sơ khởi cũng phải đến 5.000 hay 6.000
người.
Tôi không có đủ thì giờ xuống thăm Dharamsala hạ, chỉ có một vài lần đi
ngang qua thành phố chính thì thấy ở đấy rất sầm uất. Phần lớn thì giờ
tôi tu học tại McLeod Ganj (Dharamsala thượng), tại ngôi chùa chính.
Quận McLeod Ganj rất là nhỏ, chỉ gồm vài cây số đường, và có hai đường
song song dẫn đến ngôi chùa chính nơi Phật tử đến ngồi nghe pháp.
Tôi cũng chưa biết là nơi ngồi nghe pháp được sắp đặt ra sao, nên đi bộ
và hỏi thăm đường đến ngôi chùa chính để xem trước. Khi vào đến ngõ đưa
vào chùa thì thấy có dán giấy trên tường, thông báo chương trình thuyết
pháp sẽ bắt đầu vào ngày 22 tháng 2 và chấm dứt ngày 2 tháng 3 (tổng
cộng là 10 ngày). Tôi đi vào trong chùa, xem xét chỗ ngồi của thính
chúng. Đó là một cái sân rất lớn (hình 6), chia làm nhiều khu vực. Khu
bên trái dành cho người Tây phương, có được chút mái hiên che mưa nắng.
Khu chính giữa dành cho người Tây Tạng và chừa một khoảng đường cho đức
Đạt Lai Lạt Ma đi lên tòa giảng. Khu bên phải, một phần dành cho người
Đài Loan, một phần dành cho người Nhật và Đại Hàn. Hai khu còn lại này
không có một chút mái hiên nào.
Lúc tôi đến sân để xem xét thì đã có khá đông người. Họ vạch một khoảnh
ô vuông trên sân, và ghi tên lên trên để dành chỗ ngồi cho những ngày
đến nghe pháp.
Nhìn lại khoảng sân thì hơn hai phần ba diện tích đã có ghi tên, và
nhiều chỗ họ còn dán cả nệm mỏng lên trên để ngồi nghe cho ấm bàn tọa.
Điều này rất cần thiết vì sân bằng xi măng lạnh lắm, ngồi thẳng lên trên
sẽ bị khí lạnh thấm vào cột xương sống lưng, thành bệnh. Tôi thấy họ làm
như vậy thì cũng đi tìm bút và vạch một ô cho mình.
Đang loay hoay làm thì nghe bên cạnh có ai nói mấy câu tiếng Pháp. Tôi
quay ngang xem thì có hai vợ chồng người da trắng đang bàn nhau vạch ô
ngồi. Tôi quay lại nhìn họ cười, hỏi họ từ đâu đến. Hóa ra họ đến cùng
tỉnh của tôi ở Canada. Bắt tay chào đồng hương xong, tôi hỏi thăm họ
tình hình và tin tức. Họ nói có một số người Canada đến dự và cho tôi
biết một thông tin khá quan trọng là đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ bắt đầu
thuyết pháp buổi sáng hôm sau (21 tháng 2), chứ không phải là ngày 22
tháng 2 như đã thông báo. Tôi hỏi họ làm sao biết được như thế, họ giải
thích là đã lên phía bên trên sân và nói chuyện với nhóm chuyên môn quay
phim cho đức Đạt Lai Lạt Ma cho nên biết được tin này. Tôi mừng quá, vì
đã đến đây thì phải nghe học đầy đủ, thiếu một ngày (nhất lại là ngày
đầu) thì uổng quá.
Sau khi vạch chỗ ghi tên cho có thôi (chứ tôi không hy vọng gì vì khi
đông quá thì khó mà còn giữ được chỗ như vậy), tôi thấy đói bụng nên đi
ăn trưa. Sau đó, tôi đi tìm tiệm thuốc mua nước súc miệng cực mạnh để
tiệt trùng miệng mỗi sáng và tối trước khi đi ngủ, hy vọng sẽ giảm ho và
đờm trong cổ họng và xoang mũi.
Sau buổi trưa, tôi về phòng để ngủ vì tôi vẫn chưa lại sức sau chuyến đi
mệt mỏi. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa. Chú bé Tây
Tạng ghé qua kêu tôi đi chung qua thăm thầy viện trưởng. Ngài ở khách
sạn Shiwali, cách khách sạn Shambala nơi tôi đang tạm trú một đoạn đường
ngắn và một con dốc. Khi đến nơi thì thầy đang ngồi ngoài sân thượng
trước của phòng trên lầu ba. Thầy vui mừng hỏi thăm chuyến đi xe buýt về
Dharamsala của tôi và cảm thông với tôi nỗi niềm khổ nhọc trên chuyến
đi. Sau đó thầy thăm hỏi chú bé Tây Tạng, cũng là một cháu họ xa của
ngài và cho chú bé ít tiền sinh sống. Ngồi với thầy chưa được bao lâu
thì có phái đoàn tăng sĩ đến thăm hỏi thầy. Vì thầy là viện trưởng nên
rất nhiều tăng sĩ cũng như Phật tử ghé đến thăm hỏi hoặc xin ngài làm
lễ. Chúng tôi cũng gặp thầy phụ tá Geshe Norbu Chopel, trụ trì tại ngôi
chùa ở Westminster, California, nơi mà tôi đã giúp thầy viện trưởng xây
cất năm 2003. Thầy phụ tá dẫn cô con dâu của anh chị bạn đạo chúng tôi
(hiện trú ngụ tại Toronto) đi hành hương các Phật tích trong suốt hai
tuần nên có vẻ khá mệt mỏi. Thăm hỏi thầy phụ tá xong, chúng tôi chào
thầy viện trưởng và ra về.
Buổi chiều hôm đó, tôi ghé lại ngôi chùa chính một lần nữa để tham bái,
và sau đó đi ăn tối rất nhẹ tại một tiệm ăn Tây Tạng nhỏ xíu có tên là
Drasang House (nhà ăn Drasang). Tôi thích ăn mì tại tiệm này vì là món
ăn tương đối nhẹ và dễ nuốt trước đi ngủ. Mì, tạng ngữ gọi là “thukpa”.
Tiệm này nhỏ nhưng nấu cũng tạm ăn được nên chư tăng ghé vào đây ăn
đông, có khi vào mà không còn chỗ. Khi đến ăn nhiều lần rồi thì khi hết
chỗ, các thực khách quen sẽ tự động nhích sát vào nhau cho mình ngồi,
rất là thân thiện và hiếu khách. Tiệm ăn chỉ làm vài món: cơm chiên, mì
chay rau cải, gọi là “veg-thuk”, hoặc mì bò yak gọi là “ya-thuk” và
mô-mô chay hay mặn (là món hoành thánh “wonton” của Tây Tạng). Nói là mì
bò (yak), nhưng chỉ là mì chay rắc thêm vài mảnh thịt băm rất là dai.
Cho nên cứ ăn mì chay là hay nhất. Còn cơm chiên chay hay mặn cũng y
vậy, chỉ toàn là cơm chiên dầu, trộn thêm ít trứng gà, chút rau cải xắt
nhỏ hoặc vài ba mảnh thịt băm. Tôi chỉ ăn thử một lần, không thấy ngon
lắm.
Ăn xong cơm tối, tôi đi gửi điện thư báo tin cho vài người bạn, xong là
trở về phòng ngay, tọa thiền và đi ngủ rất sớm lúc 8 giờ tối. Đang ngủ
thì cửa phòng lại gõ ầm ầm. Hóa ra là vị thầy trẻ Tenzin Kelsang cùng đi
xe buýt với tôi, xin về phòng ngủ chung vì căn nhà lớn dành cho chư tăng
Sera Mey không còn chỗ. Lúc đó là khoảng 9 giờ 30 tối. Thầy Tenzin nhất
định bắt tôi phải lấy thêm chăn của thầy mà đắp thêm vì trong phòng khá
lạnh, còn thầy đã có tấm áo choàng nỉ của chư tăng rất ấm. Tôi không
chịu và nói là chăn dày lắm, đã đủ ấm rồi. Nhân tiện, tôi báo cho thầy
biết là đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ thuyết pháp sáng mai. Thầy nhất định nói
là không có, không tin vào tin tức của tôi có và nói là hãy để mai tính
xem sao.
Đêm hôm đó, tôi ngủ một giấc thật là ngon lành, phần vì mệt, phần vì
thầy Tenzin Kelsang rất an tĩnh, ngủ khá yên lặng, không hề ngáy chút
nào. Tôi rất thích chia phòng với thầy.