Sáng sớm thức dậy, cảm thấy thật là lạnh. Cả đêm qua tôi vẫn bị ho thật
nhiều và có đờm, dù sáng sớm cũng như đêm tối trước khi ngủ, tôi đã súc
miệng cẩn thận bằng thuốc rửa miệng tiệt trùng cực mạnh “Listerine”.
Thời tiết buốt giá vì mấy hôm liền mưa liên miên và gió rét thổi rất
mạnh. Trong phòng trên lầu 3, suốt đêm gió thổi đùng đùng tứ phía. Phòng
không có lò sưởi nên chỉ nhờ ánh mặt trời để sưởi ấm được chút nào hay
chút ấy, mà mấy hôm nay vì không có mặt trời nên nhiệt độ trong phòng hạ
xuống rất thấp. Lạnh đến mức mà tôi không dám thả mép mền ngoài thành
giường vì hơi lạnh từ sàn bốc lên trong đêm làm tôi không ngủ được. Kinh
nghiệm cho biết là muốn giữ hơi ấm trong giường ở đây, tôi phải quấn mép
chăn chung quanh người để thân nhiệt được giữ lại trong chăn, như thế
ban đêm tôi mới ngủ được, mặc dù cả đêm không dám thay bộ quần dài và áo
bông cho thoải mái.
Tuy vậy, sáng nay tôi vẫn thức sớm để thiền tọa. Thân và tâm cũng đã
huân tập phần nào với cái lạnh buốt xương, thịt da đã cảm thấy quen
thuộc dần với cái lạnh cắt buốt, các cảm giác của thân thể đã bớt than
vãn kêu la. Tất cả chỉ là huân tập, chỉ là tập khí, và tạng thức chứa
các tập khí ấy. Rửa sạch tập khí đi để mà an tĩnh...
Sau khi rửa ráy sạch sẽ, tôi an ổn thiền tọa. Lòng hướng về đức Đạt Lai
Lạt Ma, với tâm niệm an bình, với một ngày mới, như sự sống khởi sinh –
sinh và diệt – chuyển hóa. Vô thường chẳng phải là vô thường, vô thường
chỉ là chuyển hóa giữa các sinh khởi và diệt. Dòng chuyển hóa không
ngừng là đặc tính nhất thiết của luân hồi.
Tôi tự nhiên khởi lên, làm trong tâm bài thơ:
Chuyển hóa
Giữa giòng chuyển hóa,
Sinh và diệt không ngừng.
Tịch mặc an nhiên.
Dòng sống bình thản,
Thường chuyển buông trôi.
Mỉm cười,
Giăng tâm ôm vòng vũ trụ,
vuốt ve dòng chuyển hóa.
Sự sống,
Ôi, niềm nhiệm mầu sáng ngời...
Sau đó tôi đi vào hành trì thiền quán các pháp môn hứa nguyện. Niềm mầu
nhiệm vẫn ngời sáng trong tâm như ánh sáng mặt trời. Dòng sống đang khởi
sắc trong bài cầu nguyện nghi thức hành lễ cho đến khi có tiếng gõ cửa.
Theo lệnh của thầy viện trưởng, vị thầy phụ tá mang cho tôi ít nước sôi
để uống cà phê bột sáng sớm cho tỉnh, miếng bánh mì phô mai và ít mứt
gừng giúp chống ho. Hôm qua, khi tôi ghé phòng thầy để vấn an, ngài đã
dặn tôi đừng làm việc quá sức vì lớp học ôn giảng kéo dài đến hơn 6 giờ
tối. Ngài muốn tôi nghỉ ngơi vì các điều kiện ẩm thực ở Dharamsala không
cho phép phung phí sức khoẻ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất thích đi học lớp
ôn giảng vì Geshe Tamdul rất uyên bác.
Rời phòng lúc 7 giờ 45 sáng, tôi ghé sang phòng thầy cảm ơn và lên đường
đi đến chùa chính sau đó.
Buổi sáng, đức Đạt Lai Lạt Ma mở đầu bằng bài học: “đừng làm bạn với
người ác, mà hãy gần gũi với thiện tri thức”. Mặc dầu vậy, ngài dặn thêm
là đừng phân biệt, hãy mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả mọi người, đối xử
với mọi chúng sinh như nhau. Nhưng khi học hỏi thì hãy chọn gần gũi các
thiện tri thức, chọn các bậc thầy chứ đừng theo bạn xấu.
Sau đó ngài giảng sang kinh Pháp cú, phẩm 24 – Bỉ dụ
[40]
cho đến phẩm cuối cùng là phẩm 33 – Bà-la-môn. Như vậy đức Đạt Lai Lạt
Ma đã giảng hết kinh Pháp cú.
Buổi chiều, đức Đạt Lai Lạt Ma giảng kinh Hiền ngu, phẩm 1 – Hổ mẫu,
[41]
cho đến phẩm 7 – Ajastya, vị tu sĩ khổ hạnh.
Sau đó tôi đi học lớp ôn giảng. Buổi chiều hôm nay, Geshe Tamdul tiếp
tục ôn lại phần đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về đề tài chấp ngã. Chúng sinh
khổ vì phiền não khởi sinh. Chấm dứt mọi phiền não là Niết-bàn tịch
tĩnh. Phiền não đến từ 4 tà kiến (những cái nhìn điên đảo, sai lầm), có
thể tóm gọn như sau:
1. Thấy cái bất tịnh, mà cho là tịnh.
(Thân xác của mình vốn bất tịnh, mà mê đắm vào thân xác, cho là thơm tho
sạch sẽ.)
2. Thấy cái khổ, mà cho là sướng.
(Cảm thọ luôn luôn đưa đến khổ đau, trừ cảm thọ vô ký.)
3. Thấy cái vô thường, mà cho là thường còn mãi mãi.
(Tâm thức thay đổi, mới sướng đây đã thành khổ, nhưng lúc sướng thì cứ
nghĩ là sướng mãi, còn lúc khổ thì thấy quá khổ, không thoát ra được,
phát điên luôn.)
4. Thấy cái vô ngã mà cho là có tự ngã.
(Thấy thân mình có thật, có cái tôi, thấy mọi sự vật có thật, chẳng biết
là người và vật đều tùy duyên mà sinh, cho nên chấp vào ngã, chấp vào
pháp, chẳng biết là nhân vô ngã, pháp vô ngã.)
Nhưng tựu trung lại thì tà kiến nặng nhất vẫn là chấp ngã, cho rằng cái
tự ngã của mình là có thật, rồi từ đó mà suy nghĩ hành động ích kỷ để
thỏa mãn những đòi hỏi của tự ngã. Chính nơi đó mà tạo tâm phiền não
biến kế.
[42] Bản chất tâm biến kế có 3 đặc điểm:
1. Là tâm khái niệm: tà kiến cho là mọi sự vật đều có thật, từ ngã đến
chư pháp đều thấy có. Không hiểu mọi sự vật đều là do duyên hợp, cho nên
giả huyễn. Còn cái thấy có thật đó chỉ là sự gán ghép sai lầm của tâm
thức. Như khi nhìn đóa hoa trên mặt bàn, thấy hoa có thật, khởi tâm tham
ái chiếm đoạt.
2. Là tâm phóng đại (hoặc hạ thấp): khi ưa thích thì phóng đại, khi ghét
thì hạ thấp, thí dụ là nhìn đóa hoa trên bàn thấy là đẹp vô cùng mà thực
ra hoa chỉ tương đối.
3. Là tâm cố chấp: tâm này đưa đến hành động và tạo nghiệp. Khi ưa thích
thì tìm cách thủ hữu, khi ghét thì tìm cách tống khứ đi hoặc hãm hại.
Như vậy, tiến trình của phiền não khởi lên trong tâm và gây nghiệp là:
1. Nhận thức và quy kết (gán ghép), (perceive and impute),
2. Ngộ nhận và biến kế, (misconceive and mental fabrication),
3. Phóng đại, (exaggerate),
4. Tạo tác, (create action),
5. Tích nghiệp, (accumulate karma).
Gốc rễ của tất cả các phiền não trên là vô minh.
Geshe Tamdul nhắc lại, hôm qua đức Đạt Lai Lạt Ma giảng về chấp ngã có
nói là “quý vị thấy tôi có thực quá”. Thầy giải thích thêm là khi thấy
đức Đạt Lai Lạt Ma là có thật, quý vị khởi tâm tham ái được gần bên ngài
và quý vị bon chen, giành giựt để được diện kiến, để được ngài ban phép
lành hay là nắm tay ngài. Tất cả đều đến từ cái nhìn sai lầm điên đảo,
thấy có, và chấp là có thực. Không hiểu là tất cả như trong mộng huyễn:
như khi ngủ mơ, quý vị thấy bị hại, khởi tâm vô cùng sợ hãi, giật mình
tỉnh giấc, thấy là không thật.
Khi nghe đến đây, tôi lại không khỏi nghĩ là thực tâm, tôi không ưa
thích bon chen, và nhớ đến lần tôi được mời sang vùng Đông Hoa Kỳ để
diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma. Lúc đầu thì tôi nhận lời, nhưng sau đó tôi
đã từ chối không đi. Lý do là vì tôi không có nhiệm vụ gì thiết thực
trong buổi họp, mà thấy số người xin được về diện kiến quá đông, ban tổ
chức phải lo liệu chỗ ăn ở. Sau này, có vài người bạn hỏi tại sao tôi
“gàn” thế, có dịp được diện kiến đức Đạt Lai Lạt Ma mà bỏ qua. Tôi chỉ
cười và nghĩ là, nếu cứ lấy tâm đời mà xét thì quả là tôi kỳ cục thật.
Tôi nhớ đến chuyện của ngài Tu Bồ Đề:
“...Tương truyền một hôm Tu Bồ Đề đang ngồi vá áo trong động Kỳ Xà trên
núi Linh Thứu thì bỗng nhiên ngài quán thấy Phật du hóa phương xa đang
trên con đường trở về. Ngài định rời động xuống núi đón Phật, nhưng lại
nghĩ rằng Phật dạy không có cái ta, cũng không có cái của ta. Đã không
có cái ta và cái của ta thì tướng các pháp vốn không tịch vắng lặng.
Phật đã chứng được thật tánh không tịch vắng lặng tuyệt đối ấy mà thực
hiện tự ngã vô ngã siêu tuyệt không hai trong nhân loại, thì không có
cái gì mà không phải là Phật, không ở đâu mà không có Phật. Vậy hà tất
phải xuống núi mới gọi là đi đón Phật. Nghĩ như thế xong, ngài bình thản
ngồi tiếp tục vá áo.
“Bấy giờ Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nhờ đã chứng được thần thông như Mục
Kiền Liên, biết được Phật sắp về, liền xuống núi nghênh đón. Bà lấy làm
tự hào nghĩ rằng trong Thánh chúng chỉ có mình bà hay tin Phật về và đi
đón Phật trước hơn ai hết. Phật nhìn Liên Hoa Sắc mỉm cười bảo rằng:
Trước nhà ngươi đã có Tu Bồ Đề đón ta rồi...”
[43]
Tôi nhớ thêm đến kinh Kim Cang, đức Phật đã dạy:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã;
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai”
Dịch nghĩa là:
(Nếu nhìn ta qua sắc tướng,
Nếu cầu ta qua âm thanh,
Những kẻ đó hành tà đạo,
Không thể thấy được Như Lai)
Ngày hôm nay, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhắn nhủ: “quý vị thấy tôi có thực
quá..., chấp vào thân tôi qua hình danh sắc tướng. Mà đó chỉ là thân giả
duyên, sinh diệt ngũ uẩn.”
Ngay ở Dharamsala đây, tôi cũng đã thấy một lần, cô Phật tử đòi chỗ ngồi
hôm trước, đột nhiên đứng dậy và đẩy mọi người ra, đạp lên cả giày dép
của mọi người mà chạy lại phía hàng rào nơi mọi người đang sắp hàng chờ
đức Đạt Lai Lạt Ma đi ngang... Hoặc trong chùa, tôi cũng thấy những mẫu
người bon chen tu học, trong các buổi tụng kinh, họ thường đóng các kinh
sách lại để trước mặt để kín đáo khoe rằng, tôi thuộc kinh gốc bằng
tiếng Tây Tạng, tôi hành trì giỏi nhất, trong khi thầy Geshe Tây Tạng
chính gốc, thuộc lòng kinh như cháo, thì vẫn mở cuốn kinh để trước mặt
và lật từng trang để đọc tụng. Nhìn những cảnh tượng như vậy, tôi thường
rút lấy bài học cho bản thân, sờ lên gáy mình và tự nhắc nhủ: cẩn thận
nhé, hãy cẩn thận... hãy nhìn cho kỹ cái bản ngã của mình xem nó đang
làm gì...
Và chính như là bài giảng “hãy thấy mọi chuyện như mộng huyễn” của đức
Đạt Lai Lạt Ma dạy, trong kinh Kim Cang, đức Phật cũng nói:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Dịch nghĩa là:
(Tất cả các pháp hữu vi, sanh diệt
Đều như mộng huyễn, bọt, ảnh
Như sương mai, và cũng như ánh chớp
Hãy nên luôn quán chiếu như thế.)
Thật tình, đức Phật đã dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ
thành.” Tất cả rồi sẽ tuần tự thành tựu Phật quả mà thôi, vậy thì có gì
mà phải bon chen? Chẳng qua là mạt-na thức
[44] của
mình thúc đẩy, muốn làm thỏa mãn tâm tự ngã. Cho nên mình cần nhìn kỹ
lại mình trong hành động của đời sống hằng ngày. Cần giữ chánh niệm
(awareness), và tỉnh giác (alertness), đâu phải chỉ cứ trong lúc thiền
tọa mới chánh niệm.
Trước khi dứt buổi học ôn, thầy Tamdul nhắc lại lời của tổ Long Thọ, nói
là “Vị hành giả nào, khi nhập vào được tánh không mà vẫn tôn trọng, tuân
thủ luật nhân quả, thì mới thực sự chứng ngộ Tánh Không.” và kể câu
chuyện lý thú như sau:
Một vị học trò theo lời dạy của thầy mình, ngồi thiền định vào Tánh
Không. Khi hết sức chú tâm vào Tánh Không, vị học trò thấy mình bị mất
tiêu luôn, sợ quá, ngồi khóc hu hu vì đã đánh mất mình. Vị thầy đi ngang
qua, hỏi chuyện gì? Học trò vừa khóc vừa nói “Con bị mất tiêu rồi (không
còn tồn tại)”. Thầy liền hỏi: “Vậy ai đang khóc thế?” Học trò nói “Con
đang khóc.” Thầy trả lời ngay “Ồ, vậy thì con làm gì có mất tiêu hồi nào
đâu!”
Mọi người đều cười ồ lên vui vẻ, và sau đó ra về.