Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Công đức phóng sinh »» PHẦN II: NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÓNG SINH - A. PHÓNG SINH ĐƯỢC PHƯỚC BÁU »»

Công đức phóng sinh
»» PHẦN II: NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÓNG SINH - A. PHÓNG SINH ĐƯỢC PHƯỚC BÁU

Donate

(Lượt xem: 20.495)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Công đức phóng sinh - PHẦN II: NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÓNG SINH  -  A. PHÓNG SINH ĐƯỢC PHƯỚC BÁU

Font chữ:


TÂM TỪ BI CHUYỂN HÓA CÔN TRÙNG

Câu chuyện sau đây được ghi lại theo lời kể của Đại đức Thích Nhuận Châu. Thầy hiện nay đang tu học tại Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm.

Đại đức Thích Nhuận Châu từ khi mới xuất gia theo học với Thượng tọa Thích Quảng Hạnh, cùng với một số huynh đệ khác tu tập tại chùa Đức Sơn, thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vào những năm cuối thập niên 1980, chùa được xây dựng trong vùng dân mới lập nghiệp, điều kiện kinh tế nói chung còn rất khó khăn. Dân cư trong vùng đa số chỉ sống nhờ vào nông nghiệp. Nhà chùa cũng có được một khoảnh đất khá rộng để trồng tỉa, tự túc một phần lương thực cho đồ chúng.

Vụ mùa năm ấy, cũng như thường lệ, quý thầy trồng đậu phộng để ép dầu ăn quanh năm. Khi đậu vừa lên xanh tốt, bỗng thấy bắt đầu xuất hiện nạn sâu rầy ăn lá, khiến cho những cây đậu đang tươi tốt chẳng bao lâu trở thành vàng vọt, không phát triển. Những người nông dân quanh đó liền lập tức sử dụng thuốc trừ sâu phun xịt liên tục. Vì thế, đám đậu phộng của nhà chùa trở thành nơi trú ẩn của đám côn trùng. Trong khi những ruộng đậu chung quanh ngày càng xanh tốt trở lại thì ruộng đậu của chùa vẫn cứ vàng vọt, tưởng như sắp chết cả.

Mấy chú tiểu trong chùa thấy vậy nóng lòng, muốn sử dụng thuốc trừ sâu để cứu lấy ruộng đậu, nhưng thầy Nhuận Châu và các thầy khác đều ngăn lại. Quý thầy nói: “Vì sự sống của mình mà diệt sự sống của muôn loài, như vậy đâu có hợp với lòng từ bi của nhà Phật? Huống chi, ruộng đậu này có mất sạch thì chúng ta cũng chưa đến nỗi phải chết, vậy sao lại nỡ dứt đi con đường sống của muôn vạn côn trùng?”
Tuy nói thì nói vậy, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn khi ấy, phần thu hoạch mỗi năm của đám đậu phộng này là một phần chính yếu cho sự sống của tăng chúng trong chùa, nên quý thầy cũng không khỏi lo lắng. Vì thế, mấy hôm sau thầy Nhuận Châu liền mời thêm mấy thầy nữa cùng đi lên đám đậu phộng. Thầy đứng ở đầu đám đậu phộng, lâm râm khấn nguyện rằng: “Hết thảy các chúng sinh côn trùng xin hãy nghe đây. Quý vị cũng vì sự sống mà nương náu nơi đây. Chúng tôi cũng vì sự sống mà phải gieo trồng đám đậu phộng này. Nay chúng tôi không đành lòng làm hại quý vị, chỉ mong quý vị hạn chế sự tàn phá, để tăng chúng trong chùa còn thu hoạch được đôi chút.” Khấn nguyện như vậy rồi, các thầy cùng nhau trì chú Đại bi ngay tại đám đậu phộng, cầu sức gia hộ của thần chú để chuyển hóa tình trạng bế tắc này.

Thật kỳ diệu! Khoảng vài tuần sau đó, khi ra thăm lại đám đậu phộng, quý thầy đều ngạc nhiên khi thấy sự tàn phá trên đám đậu phộng dường như không còn nữa. Đám đậu phộng tuy vẫn chưa hết màu vàng vọt nhưng đã thấy đâm lá non và phát triển đôi phần.

Kỳ lạ hơn nữa, đến vụ thu hoạch thì mỗi gốc đậu của nhà chùa đều sai trái, chắc hạt, dù cây đậu rất vàng vọt, ốm yếu. Trong khi đó, những đám đậu quanh đó tuy xanh tốt, rậm rạp nhưng khi nhổ lên lại chẳng được mấy trái! Năm ấy, chùa Đức Sơn được một mùa bội thu kỳ diệu, và cũng được một bài học thực tế vô cùng quý giá rằng lòng từ bi có thể chuyển hóa được tất cả.

THỰC HÀNH PHÓNG SINH CHUYỂN HÓA ĐƯỢC GIA ĐÌNH

Cách đây ít lâu, tôi lại có dịp ghé thăm thầy Nhuận Châu và vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy đang sử dụng một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất! Là những người làm công việc biên khảo và dịch thuật kinh điển, chúng tôi ai cũng ao ước có được một chiếc máy tính xách tay cấu hình mạnh, vì như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc, nhất là những khi có việc phải đi lại nhiều nơi. Tuy nhiên, với một tăng sĩ sống đời đạm bạc như thầy Nhuận Châu mà có tiền để mua chiếc máy tính xách tay này thì quả là điều khác lạ. Dù được quen biết thầy đã lâu, nhưng tôi cũng thấy khó hiểu được sự kiện này.

Khi tôi đánh bạo thưa hỏi, thầy bật cười vui vẻ rồi nói: “Chuyện dài lắm, nhưng nói tóm một điều là tôi làm gì có tiền để ‘xài sang’ đến thế! Chiếc máy tính này là của một người Phật tử mua gửi cúng dường cho tôi. Còn nhân duyên vì sao mà có sự cúng dường này tôi sẽ kể cho anh nghe. Tôi nghĩ, khi nào có dịp anh cũng nên kể lại cho nhiều người cùng biết.”

Và rồi thầy chậm rãi kể lại cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện.

Số là, cách đây khoảng một năm, có một nữ Phật tử là Việt kiều về thăm quê, được một người đệ tử của thầy Nhuận Châu giới thiệu về thầy nên sau khi trở về nhà ở nước ngoài liền viết cho thầy một bức thư khá dài. Trong thư, bà than vãn về vô số những chuyện rắc rối gần đây liên tục xảy ra với gia đình bà, nhất là những bất đồng giữa mọi người trong gia đình mà hầu như chẳng bao giờ có thể thấy được nguyên nhân rõ ràng. Cuối cùng, bà khẩn thiết xin thầy một lời chỉ dạy, một lời khuyên bảo, rằng bà phải làm gì để có thể sớm giải tỏa được những khó khăn trong cuộc sống như thế này?

Thầy Nhuận Châu nói: “Thú thật, có lẽ đây là yêu cầu khó nhất đối với tôi từ xưa nay. Tôi chưa từng biết qua người nữ Phật tử này cũng như gia đình của bà, càng không thể hiểu được nội tình những sự rắc rối, khó khăn mà bà đang gánh chịu. Như vậy làm sao có thể giúp bà ấy một lời khuyên cụ thể? Nhưng bà cứ một mực đặt niềm tin nơi tôi, khẩn thiết cầu mong tôi chỉ giúp cho bà một lối thoát trong hoàn cảnh bế tắc hiện tại. Vì thế, tôi nghĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là phải tạo phước đức để hóa giải những tội nghiệp từ trước. Mà muốn tạo phước đức một cách nhanh chóng nhất thì không gì bằng thực hành phóng sinh. Thế là tôi viết thư cho bà ấy, khuyên bà hãy kiên trì thực hành hạnh phóng sinh trong 6 tháng, sau đó hãy viết thư cho tôi biết kết quả. Ý tôi là sau thời gian này, với hạt giống thiện căn đã gieo trồng, hy vọng bà ta có thể sẽ sáng suốt hơn trong việc nhìn lại vấn đề. Và như vậy tôi mới có thể giúp bà đưa ra một lời khuyên, một giải pháp cụ thể nào đó...”

Sáu tháng sau, quả nhiên thầy nhận được thư trả lời của người nữ Phật tử này. Kết quả hoàn toàn bất ngờ. Thầy không cần phải đưa ra thêm bất cứ một lời khuyên nào khác, vì bà ta không còn đòi hỏi gì hơn nữa ngoài việc hết lời cảm ơn sự chỉ dạy của thầy. Mọi vấn đề đều đã được giải quyết một cách tốt đẹp đến không ngờ. Và hiện tại bà ta vẫn tiếp tục thực hành việc phóng sinh như một phần trong cuộc sống hằng ngày. Câu chuyện được bà kể lại như sau.
Với sự hướng dẫn chi tiết trong thư của thầy Nhuận Châu, người nữ Phật tử này lập tức kính cẩn làm theo. Bà dành nhiều thời gian và tiền bạc để tìm mua các loài vật như chim, cá... và thả cho chúng trở về với tự nhiên. Chồng bà là một người nước ngoài, thấy bà làm như vậy thì lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do. Theo lời dạy của thầy, bà nói rằng làm như vậy để được phước đức, cầu sự an ổn trong gia đình. Chồng bà không tin lắm, nhưng cũng không có ý cản trở. Không ngờ chỉ ít lâu sau đó, ông ta chợt nhận ra một điều lạ là mỗi khi họ dừng xe ở đâu đều có những bầy chim bay đến đậu quanh đó, cất tiếng kêu ríu rít. Khi xe lăn bánh rồi chúng vẫn còn bay theo một đoạn xa như tiễn biệt. Rồi ít lâu sau nữa, sáng nào khi họ chạy xe ra khỏi nhà cũng đều có những con chim bay đến chào mừng.

Người chồng bắt đầu tin rằng việc phóng sinh không phải là vô ích. Ông đã nhận ra rằng loài vật cũng có những tình cảm và sự biết ơn không khác loài người. Vì thế, ông cũng bắt đầu cùng tham gia vào việc mua chim phóng sinh với vợ mình. Khi cùng nhau làm việc này, tình cảm của họ đối với nhau bắt đầu thay đổi rõ rệt. Cả hai đều trở nên hòa nhã và biết lắng nghe, luôn tôn trọng và cảm thông với nhau. Những bất đồng giữa họ hóa ra chẳng có gì là phức tạp và khó giải quyết cả. Nhờ có dịp tìm đến tiếp xúc với những con vật trong điều kiện bị bắt nhốt, bị giam cầm, bị đe dọa mạng sống, nên họ mới nhận ra rằng cuộc sống tự do của họ là đáng trân quý biết bao nhiêu. Và những va chạm xích mích hằng ngày trước đây đều trở nên vụn vặt không đáng kể khi so với sự may mắn lớn lao là họ đang được sống khỏe mạnh và tự do, không bị giam cầm hay đe dọa đến mạng sống. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó thì hai người đã trở nên một cặp vợ chồng hạnh phúc, hòa thuận.

Dần dần, có những con chim tìm đến làm tổ quanh nhà họ, vì dường như chúng cảm thấy rằng sẽ được an ổn, được che chở. Thế là họ liền nghĩ đến việc mua thực phẩm để cho chúng ăn vào mỗi buổi sáng. Sân nhà của họ không bao lâu trở thành một sân chim vào mỗi sáng, và cả hai đều không ngờ rằng việc “nuôi chim” lại có thể mang đến cho họ niềm vui vô cùng lớn lao như vậy. Chỉ cần nhìn những con chim thật dễ thương nhảy nhót vui vẻ và vô tư trên sân, không một chút lo lắng hoảng hốt, họ cảm thấy như mọi sự mệt nhọc của công việc đều tan biến.

Một thời gian sau, công việc đòi hỏi họ phải chuyển đi một nơi xa, đành phải bán căn nhà đang ở. Lúc này, với tâm từ bi đã được nuôi dưỡng trong thời gian qua, họ thực sự lo lắng cho đàn chim khi không có họ nơi đây. Vì thế, họ đã đưa ra một điều kiện trước khi chấp nhận bán nhà là người chủ mới phải cam kết bảo vệ đàn chim quanh nhà. Ngoài ra, họ còn trích từ tiền bán nhà ra một số tiền lớn và để lại cho người chủ mới để mua thực phẩm cho chim ăn. Người mua nhà hết sức ngạc nhiên trước những yêu cầu của những người bán nhà mà ông ta cho là quá kỳ lạ, nên cố gạn hỏi nguyên do. Sau khi nghe hai vợ chồng người “nuôi chim” này kể lại cặn kẽ mọi việc xảy ra kể từ khi họ thực hành phóng sinh, thật bất ngờ là người mua nhà liền phát tâm sẽ bỏ tiền mua thực phẩm cho chim ăn mà không cần hai vợ chồng người kia phải để lại số tiền ấy.

Sau khi viết thư kể lại cho thầy Nhuận Châu nghe về mọi sự chuyển biến trong thời gian thực hành phóng sinh theo lời dạy của thầy, vị nữ Phật tử kia cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong muốn được kính biếu thầy một món quà nhân dịp này. Được nghe nói về công việc biên khảo và dịch thuật của thầy, bà quyết định mua gửi tặng thầy một chiếc máy tính xách tay đời mới nhất.

Có một điều thú vị là, cho đến nay thầy Nhuận Châu vẫn chưa từng gặp mặt vị nữ thí chủ kia!

THẢ CÁ ĐƯỢC THOÁT NẠN

Có một người đáp thuyền đi xa. Lên thuyền, nhìn thấy có hai con cá đang bơi lội rất vô tư trong một cái thùng, có thể đến trưa sẽ bị giết để nấu nướng. Người ấy động lòng mới nói với chủ thuyền: “Anh bán hai con cá này cho tôi đi!” Chủ thuyền đáp: “Được, nhưng giá 2 con cá này rất đắt, đến 300 đồng. Lúc nào anh muốn ăn, tôi sẽ làm thịt nấu nướng giúp anh.” Người ấy vui vẻ lấy ra 300 đồng tiền đưa cho chủ thuyền để mua hai con cá, lại nói rằng: “Hôm nay tôi không thích ăn cá, xin ông đừng nấu.”

Cách một ngày sau, chủ thuyền lại hỏi: “Hôm nay nấu cá cho anh ăn nhé?” Người ấy lúng túng trả lời: “Đừng! Đừng! Hôm nay tôi ăn chay!” Thật ra anh ta không ăn chay, nhưng chẳng qua muốn viện lý do để không phải giết chết hai con cá đang bơi lội trong thùng, nên mới nói dối rằng mình ăn chay. Rồi anh ta thả cá xuống sông, trả lại mạng sống và sự tự do cho chúng.

Lại cách một ngày sau, thuyền đang giong buồm trên sông, bỗng cuồng phong nổi dậy, sóng cao ngút trời, cả thuyền đều sợ khiếp vía. Đang lúc mọi người hốt hoảng quỳ lạy khẩn cầu Trời Phật cứu mạng, bỗng nhiên thấy từ trên mây hiện ra hai chữ “giả chay”. Mọi người ai cũng thấy rất rõ. Có người liền hỏi lớn: “Trên thuyền chúng ta có người nào giả chay?” Hỏi đến mấy lần như thế thì người ấy nghĩ thầm: “Chắc là mình giả ăn chay, xúc phạm luật trời. Nếu giấu không nói ra ắt là làm hại tất cả mọi người.” Nghĩ vậy rồi lập tức lớn tiếng trả lời: “Là tôi, là tôi đây!” Mọi người đều nói: “Vậy ông nhảy xuống nước đi.” Rồi hè nhau xô đẩy anh ta xuống nước. Bỗng đâu trên mặt sông trôi đến một tấm ván lớn. Người ấy vừa bị đẩy xuống sông, bắt được tấm ván liền bám chặt vào một cách an toàn. Ngay khi ấy, một trận gió lớn đẩy anh tấp vào bờ và được người cứu sống. Nhìn lại chiếc thuyền kia không chịu nổi sóng to gió lớn đã lật úp, toàn bộ những người trên thuyền đều chết chìm, làm mồi cho cá.

Chúng ta thử nghĩ xem, người giả ăn chay này, chính nhờ khởi lên một niệm từ bi làm việc phóng sinh mà hóa ra đã cứu được mạng sống của chính mình!

DÙNG VOI CHỞ NƯỚC

Từ khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáng sinh nơi cõi đời ô trược này, thuyết pháp giáo hóa muôn loài, chúng sinh mới hiểu được lý nhân quả báo ứng, sát sinh, phóng sinh. Trong kinh Kim Quang Minh, phẩm Lưu thủy trưởng giả tử có nói về tiền thân của ngài khi còn hành đạo Bồ Tát, đã trải lòng từ bi dùng voi chở nước cứu mạng chúng sinh. Câu chuyện như sau.

Thuở xưa, ở Ấn Độ có một hiền giả, là con của một vị trưởng giả, có lòng nhân từ. Ngày kia, nhân có việc ra ngoài, nhìn thấy bên cạnh núi có một ao nước rộng lớn đang bị khô cạn. Trong hồ, có một đàn cá đến hàng vạn con đang sống. Trên trời thì nắng gắt, còn dưới ao lại cạn khô dần trong nay mai, tất cả những con cá đều đang nằm thoi thóp chờ chết.

Vị hiền giả thấy rồi liền sinh lòng thương xót, lập tức về triều, vào cung yết kiến quốc vương, xin vua mở rộng lòng từ bi cấp cho 20 con voi trắng lớn để vận chuyển nước về đổ vào ao, giúp cho những loài động vật kia thoát nạn khô cạn. May thay! Vị quốc vương này là đệ tử Phật, trước đã quy y Tam bảo. Sau khi nghe lời cầu thỉnh của vị hiền giả, quốc vương hoan hỷ chuẩn tấu.

Sau đó, hai cha con hiền giả cùng đi đến quán rượu, mượn nhiều bình chứa rượu lớn, cho nước vào đầy rồi dùng voi chở đến đổ vào ao khô. Cứ mang nước đến rồi trở về lấy nước, nhiều lần qua lại mà không cảm thấy mệt nhọc chút nào, chỉ nghĩ đến sự sống còn của bầy cá dưới ao mà cố gắng không ngừng. Ông trời hình như cảm động tấm chân tình đó, nên đã bắt đầu rưới xuống những trận mưa lớn, thấm nhuần muôn loài cùng vạn vật, ban sự sống cho muôn vạn sinh linh. Cuối cùng, hàng vạn mạng sống trong hồ đã được cứu sống. Vị hiền giả thấy thế lòng vô cùng hoan hỉ, lại còn vì đàn cá nói pháp vô thường, khổ, không, vô ngã... Đàn cá số đông đến mười ngàn con, đã có phúc duyên được cứu sống lại nhờ nghe pháp, hiểu rõ lý nhân quả báo ứng, phát tâm bỏ ác làm lành, nên ngay trong ngày cùng bỏ thân cá, thần thức thác sinh lên cõi trời Đao-lợi, hưởng phước vô cùng.

SA DI CỨU ĐÀN KIẾN

Chuyện kể rằng có chú sa-di là đệ tử của một bậc cao tăng. Vị này đã tu chứng Túc mạng thông, biết đệ tử của mình sẽ bị chết yểu và thời gian sống chỉ còn 7 ngày thôi. Ngài bèn gọi chú sa-di đến cho phép về gia đình thăm mẹ và người thân, dặn đến ngày thứ tám hãy trở lại chùa. Bổn ý của ngài là muốn chú sa-di khi từ giã trần gian này được chết trong vòng tay ấm cúng của gia đình, bên cạnh người thân.

Khi thăm mẹ và người thân xong, chú sa-di trở về chùa đúng thời hạn quy định. Vị thầy thấy đệ tử chẳng những không chết mà dung mạo lại thêm tươi tắn, trong lòng cảm thấy kỳ lạ. Ngài liền nhập định tìm xét lý do. Hóa ra, chú sa-di trên đường trở về thăm nhà gặp một trận mưa lớn, nên tìm nơi trú. Sau khi hết mưa, chú định tiếp tục lên đường, chợt thấy bên hè nhà có một đàn kiến rất đông đang bị nước cuốn trôi. Chúng cố dùng chân quờ quạng tìm chỗ bám víu, cố chống chọi với cơn đại nạn. Có con vì yếu sức đành buông xuôi, mặc cho dòng nước cuốn trôi số phận nhỏ nhoi của mình. Thấy rồi, chú sa-di chạnh nghĩ: “Bầy kiến kia nào có khác chi người, cũng đang cố gắng giành giật lấy sự sống trong tự nhiên. Trong lúc gian nan nguy cấp này, sao ta lại không cứu giúp?” Thế là, chú sa-di nhặt một cành cây bên cạnh bắc qua làm cầu, lần lần cứu đàn kiến ra khỏi dòng nước.

Khi ấy, vị thầy liền gọi chú sa-di đến và nói: “Ta cho con về quê thăm mẹ là vì biết mạng sống của con chỉ còn không quá 7 ngày. May nhờ con biết khởi lòng từ bi cứu sống cả đàn kiến đông đảo, nên công đức lớn lao ấy đã giúp con được kéo dài tuổi thọ, được thêm tướng tốt”.

Quả nhiên, về sau chú sa-di ấy thọ đến 80 tuổi. Và sau sự việc đó chú càng tinh tấn tu hành, chứng được quả A-la-hán, vĩnh viễn dứt mọi nỗi khổ trôi lăn trong sáu đường.

THẦY ĐỒ THẢ CÁ LÝ NGƯ

Ở tại địa phương kia có một thầy đồ họ Khuất. Một hôm đang đi dạo bên bờ sông, thấy ngư phủ câu được một con cá lý ngư màu đỏ, định đem ra chợ bán. Khi nhìn con cá đang giãy giụa, thầy Khuất bỗng khởi lòng từ bi, thấy như ánh mắt đau đớn của nó đang hướng về thầy cầu cứu. Lòng không nỡ nhìn thấy cảnh ấy, thầy liền bỏ tiền mua lại con cá, xong đem đến chỗ vắng thả lại xuống sông.

Về sau, thầy mang chứng bệnh trầm trọng, sắp phải qua đời. Một đêm, đang nằm thoi thóp trong phòng, bỗng mơ thấy có một người tướng mạo oai phong lẫm liệt, tự xưng là Long vương. Long vương bảo thầy Khuất: “Thọ mạng của tiên sinh lẽ ra đến đây đã dứt, song vì thầy có lòng từ bi cứu mạng con ta là thái tử Long cung nên được phước báu, có thể sống thêm 12 năm nữa.” Nói xong biến mất. Năm ấy, Khuất tiên sinh mới được 48 tuổi.

Thầy Khuất tỉnh dậy, bệnh tật dường như tiêu mất, trong người khỏe khoắn bình thường. Từ đó tiếp tục sống cho đến 60 tuổi, rồi không bệnh mà chết, con cháu đông vầy, nhiều đời vinh hiển.

BẦY CHIM CHÔN CẤT ÂN NHÂN

Tôn Lương vốn là người quê mùa nhưng lòng dạ rất nhân hậu, tuy cảnh nhà nghèo túng nhưng thường làm việc cứu vật phóng sinh.

Mỗi lần đi đâu, thấy những con chim bị người giăng bẫy bắt nhốt trong lồng, ông liền đem tiền dành dụm mua chim rồi thả chúng bay đi. Lúc mở cửa lồng để thả chim, nghe tiếng chim kêu ríu rít, rồi bay lượn vòng trên hư không trông rất tự do tự tại, lòng ông cảm thấy vui thích, khoan khoái. Và như thế, ông cũng không biết là mình đã thả được bao nhiêu bầy chim rồi, cho dù cuộc sống của ông vẫn nghèo thiếu.
Ông mất vào năm 70 tuổi. Do không có người thân cũng không có bằng hữu, lại thêm gia cảnh nghèo khó nên không có tiền của để lại lo việc tang ma, không người chôn cất. Cuối cùng, người ta đem thi thể của ông bỏ nằm ở vùng núi ngoài thành, trông rất thê thảm.

Bỗng dưng, có một bầy chim cả ngàn vạn con cùng bay đến, đông rợp cả bầu trời. Trong miệng mỗi con ngậm một cục đất, bay nhả thành hàng trên thi thể của Tôn Lương. Không quá một ngày đã chất đầy đất lên như một ngọn đồi lớn.

Tôn Lương đã được an táng một cách hy hữu như thế. Mọi người chung quanh thấy việc kỳ lạ, họ cố tìm nguyên nhân. Cuối cùng mới hiểu, do vì lúc sanh tiền Tôn Lương thường mua chim phóng sinh, bầy chim cảm ơn cứu mạng nên ngậm đất đắp mộ để báo đáp.

PHÓNG SINH TĂNG TUỔI THỌ

Niên hiệu Đạo Quang nhà Thanh (1821-1850), có vị Thái thú Đồ Cầm Ô, trước lúc làm quan đã từng bệnh rất nặng, lại thêm uống nhầm thuốc nên suýt phải mất mạng. Trong lúc nguy ngập sắp từ trần, Thái thú phát nguyện: “Nếu được tai qua nạn khỏi, nguyện sám hối nghiệp chướng đã gây tạo, làm tất cả việc lợi ích cho mọi người.” Công danh phú quí đối với ông giờ đây như nước chảy mây bay, không còn vướng bận nữa.

Đêm nọ, Thái thú nằm mộng thấy đức Quán Âm Đại sĩ hiện ra nói rằng: “Đời trước ngươi đã từng làm quan ở nước Sở, do xử lý công việc quá nghiêm khắc nên tổn thương đến lòng nhân hậu. Tuy công tâm làm việc nhưng cũng bị quả báo giảm mất tước vị và bổng lộc, thêm nữa là hay sát sinh hại vật nên đời nay quả báo phải bị chết yểu. May sao trong lúc bệnh ngươi đã phát thệ nguyện kiên cố, niệm niệm đều mong được làm lợi ích cho chúng sinh, không mảy may có tâm oán trách, nên thay đổi được nghiệp báo, có thể tạm qua được cơn bệnh này. Nhưng chỉ có mỗi một việc phóng sinh mới có thể tăng thêm phúc lộc và tuổi thọ, ngươi cần phải cố gắng.

Sau khi tỉnh giấc, Thái thú ghi nhớ rõ ràng từng lời trong giấc mơ và hối hận về những lỗi lầm của mình đã tạo từ trước, nên càng quyết tâm sửa ác tu thiện và cùng gia đình đồng giữ giới không sát sinh, lại thường xuyên làm việc phóng sinh.

Mùa đông năm ấy, vua ban chiếu lệnh đưa ông đến nhậm chức Thái thú Cửu Giang - Viên Châu. Phước báo đến với ông quá bất ngờ, ân đức vượt trội, khiến ông càng tích cực làm lành hơn nữa. Sang mùa đông năm sau, ông lành bệnh, lại còn khỏe mạnh hơn xưa. Đó là do phước báo phóng sinh cảm nên vậy.

ĐƯỢC PHƯỚC SỐNG LÂU

Trước kia, ở Tô Châu có một người tên Vương Đại Lâm, cả đời rất thương mến loài vật. Bất kể là loài vật nào ông cũng yêu thương và thường mua những con vật bị bắt đem phóng sinh.

Khi thấy trẻ em trong thôn làng bắt các loài vật như cá, chim để vui chơi, ông liền dùng lời nhẹ nhàng khuyên răn, giải thích là làm như thế sẽ giảm lòng từ bi. Sau đó còn đem tiền cho bọn trẻ để đổi lấy con vật, rồi tìm chỗ an toàn thả chúng đi.

Ông thường khuyên nhủ thanh thiếu niên: “Khi còn trẻ, các con cần rèn luyện đức tính nhân từ, thương mến sinh mạng chúng sinh, các con không nên nuôi dưỡng thói quen tàn nhẫn, giết hại chúng nó.”

Đám trẻ trong làng đều nghe theo lời khuyên dạy chân tình của ông, nên trở thành những đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu thảo, thương người. Cha mẹ, người thân của chúng, ai cũng vui mừng khôn kể. Cho đến các bậc phụ huynh của những làng lân cận thấy thế, cũng bắt chước phương pháp ấy mà dạy dỗ con mình.

Có thời gian, Vương Đại Lâm bệnh nặng sắp chết, trong cơn mê sảng bỗng nghe có người nói với ông: “Ông cả đời thương vật phóng sinh, phước báu và công đức vô lượng, nên được tăng tuổi thọ, sống thêm 36 năm nữa”.

Sau đó, ông được lành bệnh. Sống thọ đến năm 97 tuổi mới từ biệt cõi đời. Con cháu năm đời đều vinh hiển và cùng sống chung trong một đại gia đình, thật hạnh phúc.

ĐÀO AO PHÓNG SINH

Vào thời Trần - Tùy, Đại sư Trí Khải là Tổ sư của tông Thiên Thai. Vua Tùy Dạng Đế kính ngài là bậc đạo hạnh, nên ban hiệu là Trí Giả.

Đại sư cảm thương cho sự tàn ác của người đương thời, giết hại muôn vạn sinh linh chỉ vì tìm cầu chút vị ngon nhất thời của cái lưỡi. Ngài muốn khuyến hoá mọi người phát triển tâm từ bi, nên đã cùng với nhiều đệ tử đi quyên góp khắp nơi. Số tiền xin được, ngài mua một miếng đất rộng dài, ra sức đào ao thả cá, lại khuyên dạy người đời giữ giới không sát sinh và phóng sinh. Đồng thời, ngài tâu lên triều đình xin vua hạ lệnh cấm không được bắt cá trong ao. Đến niên hiệu Trung Quán nhà Đường vẫn còn giữ nguyên lệnh ấy.

Sang các đời vua khác, đều là các vị minh quân cùng các bậc cao tăng đồng xướng đạo dẫn đường dạy mọi người tu Mười điều lành. Niên hiệu Càn Nguyên, đời vua Đường Túc Tông, triều đình từng hạ chiếu ra lệnh cho các châu, huyện đều phải đào ao phóng sinh. Niên hiệu Thiên Hi năm đầu, đời Tống Chân Tông, cũng hạ chiếu lệnh bắt mọi người mở rộng việc đào ao thả cá. Tây Hồ ở Hàng Châu trước kia cũng là một ao phóng sinh, hiện nay là một thắng cảnh danh tiếng tại Trung Quốc.

Khi nhà Minh lên ngôi, Đại sư Liên Trì đã từng ở nơi đây tạo thêm hai ao phóng sinh, còn lập bia ghi chép sự lợi ích của việc phóng sinh hộ vật, và truyền rộng khắp thiên hạ. Từ đó cho đến nay, phong tục hay đẹp này đã ảnh hưởng sâu rộng trong nhân gian, người có lòng nhân, phát tâm từ bi thật vô số kể.

THƯƠNG CON ĐỨT RUỘT

Đời Tấn bên Trung Hoa, tại xứ Nhữ Nam có một người tên Hứa Chân Quân, thuở thiếu thời có thú vui săn bắn. Ngày kia, anh vào rừng săn thú, bắn trúng một nai con. Vừa định buông cung đến bắt nai, bỗng đâu có bóng con nai lạ từ xa phóng lại gần xác nai con, dùng miệng liếm trên vết thương của con vật. Nó không màng đến kẻ thù đang đứng bên cạnh, bao nguy hiểm đang rình chờ, chỉ cất lên tiếng kêu sầu não và bày tỏ cử chỉ yêu thương với con vật đã chết.
Hứa Chân Quân nghĩ chắc đây là con nai mẹ, mới có cử chỉ trìu mến với chú nai nhỏ như thế, nên cũng chạnh lòng thương cho tình mẫu tử của chúng nó. Chỉ lát sau, nai mẹ ngã xuống đất chết. Hứa Chân Quân mang hai con nai trở về nhà, định xẻ thịt nấu thức ăn, phần còn lại sẽ đem phơi khô làm lương thực khi cần. Anh dùng dao mổ bụng nai mẹ trước, mới thấy là lá gan của nó đã nát ra, còn ruột thì đứt thành từng đoạn nhỏ. Thấy rồi, Chân Quân cảm động cho tình mẫu tử sâu đậm của loài vật, càng nghĩ càng thương đến ứa nước mắt. Từ đó, Quân vô cùng hối hận, bẻ gảy cung tên và từ bỏ nghề săn bắn.
Tất cả loài vật đều có tình mẫu tử thiêng liêng như con người không khác. Giây phút sinh ly tử biệt, người mẹ nào không thương xót con mình. Hơn nữa, người mẹ còn bất chấp cả nguy hiểm đang chờ, chỉ một bề muốn cứu con thoát khỏi hoạn nạn.

Nai mẹ kia nào khác với con người, thương con đến tan nát cả ruột gan. Ôi! Trên đời còn có gì sâu nặng hơn tình mẫu tử ư! Người ta sao nỡ vì miếng ăn ngon mà gây ra sự chia lìa sinh ly tử biệt?

Về sau, Hứa Chân Quân được tiến cử làm quan. Nhân ý thức cuộc danh lợi chỉ như sương trên đầu ngọn cỏ nên đã sớm từ quan, lui về ở ẩn, theo thầy học đạo. Sau đó, ông chu du khắp nơi cứu dân độ thế, dạy người làm lành, lánh dữ. Sau khi tạ thế, vẫn còn hiển linh giúp dân. Vua Tống truy phong là Thần Công Diệu Tế Chân Quân, người đời gọi là Hứa Chân Quân hay Hứa Tinh Dương.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Những Đêm Mưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.89.89 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...