Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đức Phật và chúng đệ tử »» Những đệ tử tại gia nổi tiếng »»

Đức Phật và chúng đệ tử
»» Những đệ tử tại gia nổi tiếng

Donate

(Lượt xem: 4.773)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Đức Phật và chúng đệ tử - Những đệ tử tại gia nổi tiếng

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Mọi người thường nhầm tưởng rằng công việc của những Tăng Ni là thực hành và giảng dạy Giáo Pháp, trong khi đó, phần việc của các nam nữ cư sĩ là thực tập năm giới và hỗ trợ, chu cấp những gì thiết yếu cho hàng Tăng Ni. Đây là một niềm tin thiếu chính xác và thật sự nguy hiểm. Điều đó đã dẫn đến sự sai lạc về Giáo Pháp ở những quốc gia, mà niềm tin trên được phổ biến và chấp nhận rộng rãi. Mục tiêu của Đức Phật là phát triển một hội chúng đệ tử gồm xuất gia và tại gia, nam cùng với nữ, những người đã được học tập Giáo Pháp tường tận, thực hành Giáo Pháp trọn vẹn cũng như là biết chia sẻ và học hỏi Giáo Pháp lẫn nhau.1 Trong khi Đức Phật ca ngợi Anathapindika (Cấp-Cô-Độc), vì sự bố thí rộng khắp của ông, thì Ngài đã dành riêng lời khen ngợi cao nhất cho Citta của Macchikasanda và Hatthaka của Alavi bởi vì cả hai đều đã khéo léo và không ngừng bố thí một thứ quý giá hơn những thứ vật chất rất nhiều -đó chính là Giáo Pháp.2

Citta là mẫu người Phật tử mà sự hiểu biết và cách hành xử của ông, đã được Đức Phật thường khuyên mọi người nên noi theo. Vào một dịp, Đức Phật đã dạy các Thầy Tỳ Khưu rằng:

“Nếu một người mẹ tận tụy muốn khuyến khích người con trai yêu dấu duy nhất của mình một cách thích hợp, thì cô ấy nên nói với anh ta rằng: “Con hãy cố gắng trở thành như nam cư sĩ Citta và nam cư sĩ Hatthaka của Alavi.””3

Citta là một thương gia giàu có và là một địa chủ ở thị trấn Macchikasanda, không xa Savatthi. Bài Pháp đầu tiên mà ông được nghe dường như là từ Thầy Mahanama. Sau bài Pháp, ông đã dâng cúng đến Tăng chúng một khu vườn, mà trên đó ông cho xây dựng một tịnh xá vô cùng rộng lớn. Về sau, bất kỳ vị Tăng Ni nào du hóa đến Macchikasanda, đều luôn được đón chào nồng nhiệt và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ. Đức Phật xem Citta là người hiểu biết và sáng suốt nhất trong hội chúng giáo thọ cư sĩ. Sau khi thọ lãnh Giáo Pháp, ông đã giảng giải lại cho những người trong thị trấn và hướng dẫn được năm trăm người trong số họ phát tâm vào đạo. Nhân một dịp, ông đã đưa tất cả những người mới đó đến Savatthi để gặp Đức Phật. Các bài kinh trong Tipitaka được giảng, và bởi Citta đã cho thấy sự thông hiểu sâu sắc của ông về các khía cạnh tinh tế nhất của Pháp, và thực sự về sau ông đã đạt được thánh quả Bất Lai.

Có một lần, khi một nhóm các Thầy đang ngồi thảo luận về Pháp tại một gian nhà trong tịnh xá mà Citta đã xây dựng. Một số Thầy cho rằng chính các đối tượng của tri giác (Sáu Trần) trói buộc tâm trí, trong khi những thầy khác lại nghĩ rằng các căn (Sáu Căn) mới chính là nguyên nhân của các vấn đề. Citta đi đến tu viện, và khi nhìn thấy các Thầy, ông hỏi họ đang thảo luận điều gì, và các Thầy đã kể lại cho ông. Khi đó Citta đã nói rằng:

“Bạch chư Đại Đức, hai thứ: các căn và các trần, là khác nhau. Con sẽ dùng một sự so sánh để các Thầy có thể hiểu ý của con. Giả sử một con bò đen và một con bò trắng được buộc lại với nhau bằng một cái ách hoặc sợi dây thừng. Bấy giờ liệu có đúng không nếu nói rằng con bò đen là sự ràng buộc của con bò trắng hoặc con bò trắng ràng buộc con bò đen?”

“Hẳn là không”, các Thầy trả lời. “Con bò đen không phải là xiềng xích trói buộc con bò trắng và con bò trắng cũng không phải là sự trói buộc của con bò đen. Cả hai đều bị trói buộc bởi cái ách hay sợi dây thừng.”

Citta đồng ý và nói: “Vâng, thưa các Đại Đức, cũng như thế, mắt không phải là gông cùm của các đối tượng thị giác và các đối tượng thị giác cũng không phải là gông cùm trói buộc mắt. Mà đúng hơn, chính dục nảy sinh từ sự tiếp xúc của cả hai mới là sự trói buộc. Và cũng tương tự như vậy với các căn (giác quan) và các đối tượng của chúng.”

Các Thầy đã rất hài lòng với sự giải thích và trả lời câu hỏi một cách sáng suốt và dễ hiểu của cư sĩ Citta.4

Vào một dịp khác, Thầy Kamabhu bị lúng túng bởi một trong những lời dạy của Đức Phật, đã đem hỏi Citta rằng liệu ông có thể giải thích ý nghĩa của nó không. Lời dạy đó là:

“Bộ phận được tinh thuần,
Mái trần che màu trắng,
Chỉ có một bánh xe,
Cỗ xe liên tục chạy.
Hãy xem vị đang đến,
Không vi phạm lỗi lầm,
Chặt đứt được dòng nước,
Không còn bị trói buộc.”

Từ cái thấy sâu sắc của mình, Citta đã giải thích bài kệ trên một cách chi tiết. Ông nói: “Bộ phận được tinh thuần” có nghĩa là giới hạnh, “mái trần che màu trắng” là sự giải thoát, “chỉ có một bánh xe” là chánh niệm, “liên tục chạy” là đến và đi. “Cổ xe” có nghĩa là thân thể, “vị đang đến” là người chứng ngộ, “dòng nước” là sự khát ái, “không vi phạm lỗi lầm”, “người chặt đứt được dòng nước” và “không còn bị trói buộc” nghĩa là người đã đoạn tận tất cả lậu hoặc.” Khả năng diễn giải những Giáo Pháp sâu sắc từ một bài kệ, mà thoạt nhìn dường như chỉ là một bài kệ với những từ ngữ đẹp của Citta, đã làm Thầy Kamabhu ngạc nhiên và hoan hỷ.5

Nhưng Citta không những chỉ có thể giảng dạy Giáo Pháp, mà ông còn có thể chứng tỏ sự vượt trội của nó so với các giáo lý khác. Một lần, Nigantha Nataputta, người sáng lập của Jaina giáo (Kỳ-Na-Giáo) và là một trong những vị Thầy tâm linh nổi tiếng nhất thời bấy giờ, đã đến Macchikasanda cùng với hội chúng đông đúc các đệ tử của mình. Khi Citta đi gặp Nataputta, vị Đạo sư ấy biết rằng Citta là đệ tử của Phật nên đã hỏi ông rằng:

“Ông có tin lời Đức Phật dạy rằng: Trạng thái thiền định mà mọi ý nghĩ đều dừng lại là có thể chứng đạt được?”

“Không”, Citta đã trả lời, “Đức Phật có dạy điều này nhưng tôi không tin vào nó.”

Ngạc nhiên và hài lòng khi thấy Citta dường như đang nói rằng ông nghi ngờ một số lời dạy của Đức Phật, Nataputta nhìn quanh tất cả các đệ tử của mình và nói:

“Hãy xem Citta thật là một người chính trực và thông tuệ. Bất cứ ai tin vào một trạng thái thiền định, trạng thái mà mọi suy nghĩ đều dừng lại tức là tin rằng có thể bắt trọn được tâm với một cái lưới hoặc là dùng tay chặn đứng dòng chảy của sông Hằng.”

Khi ông kết thúc, Cư sĩ Citta đã hỏi: “Điều gì tốt hơn, thưa tôn giả, là trí hay lòng tin?”

“Trí thù thắng hơn nhiều so với niềm tin”

Nataputta trả lời: “Vâng, tôi có thể đạt được trạng thái thiền định mà ở đó mọi ý nghĩ đều chấm dứt. Vậy thì tại sao tôi còn cần phải tin điều Phật nói là sự thật. Tự tôi đã biết nó là sự thật.”

Bực mình vì bị mất mặt, Nataputta một lần nữa nhìn quanh các đệ tử của mình và nói: “Hãy xem Citta này thật là một kẻ xảo quyệt, lừa lọc và không chân thật.”

Vẫn giữ vẻ bình tĩnh và thản nhiên trước cơn giận dữ, Citta nói: “Nếu lời nói đầu tiên của Tôn giả là đúng, thời lời tuyên bố thứ hai sẽ là sai, và nếu lời nói thứ hai của Tôn giả là đúng thời tuyên bố đầu tiên sẽ là sai lầm.” Nói xong, Citta đứng dậy và rời đi trong khi Nataputta khó khăn cố tìm cách trả lời.6

Về lúc cuối đời, Citta bị ốm nặng và gia đình ông biết chắc rằng ông không còn sống bao lâu nữa. Khi nằm trên giường bệnh của mình, chư thiên đã tụ hội lại quanh ông và khuyên ông nên hướng tâm mình tái sinh vào nơi giàu có và quyền thế. Biết rằng mình đã chứng đạt thánh quả Bất Lai (không còn trở lại) và đã định sẵn sẽ tái sinh về một trong những cõi trời cao, ông đã trả lời với chư thiên rằng: “Cái ấy là vô thường nên cần phải bỏ đi và vượt qua.” Không thể nhìn thấy chư thiên nên gia đình và bạn bè của Citta cho rằng ông đã mê sảng. Citta cho họ biết rằng ông đang nói chuyện với chư thiên và sau khi khuyến khích những người xung quanh trở về nương tựa Tam Bảo, ông đã nhẹ nhàng ra đi.7

Một người đệ tử tại gia xuất sắc khác là Hatthaka của Alavi, con trai của vua xứ Alavi. Hatthaka lần đầu gặp Đức Phật khi ông đang đi dạo trong một buổi tối mùa Đông. Ngạc nhiên khi thấy một người khổ hạnh chỉ khoác trên mình một tấm y mỏng và nằm nghỉ trên nền đất cứng, Hatthaka đã hỏi Phật: “Ngài có thấy hạnh phúc không?”

Đức Phật trả lời, “Này gia chủ, ta hạnh phúc.”

“Nhưng thưa Ngài”, Hatthaka hỏi, “Mặt đất thì cứng và gió thì lạnh, sao Ngài có thể thấy hạnh phúc được?”

Đức Phật hỏi lại ông: “Mặc dù sống trong một căn nhà được khéo lợp, ấm cúng, cùng với một chiếc giường thoải mái và được hai người vợ chăm sóc, có thể nào do tham lam, sân hận, sợ hãi hay tham vọng mà một người đàn ông có thể cảm thấy không vui không?”

“Có”, Hatthaka trả lời, “điều đó là hoàn toàn có thể.”

“Vậy thì” Đức Phật nói, “Ta đã thoát khỏi mọi tham lam, sân hận, sợ hãi và tham vọng, nên cho dù ta ngủ ở đây hay trong một ngôi nhà ấm cúng, ta luôn hạnh phúc, luôn rất hạnh phúc.”8

Hatthaka không nổi tiếng nhiều vì sự hào phóng hay những hiểu biết của ông về Pháp, mà là khả năng thu hút mọi người thích thú Giáo Pháp. Có một lần, ông dẫn năm trăm người, tất cả đều rất tha thiết được thực hành Giáo Pháp, đến để gặp Phật. Khi ấy Phật đã hỏi ông:

“Làm sao con có thể khiến cho nhiều người thích thú với Giáo Pháp như vậy?”

Hatthaka trả lời: “Bạch Thế Tôn, con làm điều đó bằng cách sử dụng bốn nhiếp pháp mà chính Ngài đã dạy con. Khi con biết rằng người này có thể thâu nhiếp nhờ bố thí, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng người này có thể thâu nhiếp nhờ ái ngữ, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết rằng người đó cần phải thâu nhiếp nhờ lợi hành (làm việc tốt cho họ), thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành và khi con biết rằng người đó có thể thâu nhiếp nhờ đồng sự (đối xử với họ bình đẳng), thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự.”

Rõ ràng khi mọi người tham dự các buổi chia sẻ về Giáo Pháp do Hatthaka tổ chức, họ luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt khiến cho họ cảm thấy được yêu mến và được tôn trọng. Chính vì vậy họ sẽ trở lại và dần quan tâm nhiều hơn đến Giáo Pháp. Đức Phật đã ca ngợi sự khéo léo của Hatthaka:

“Lành thay, Hatthaka, lành thay, đây là cách để thâu nhiếp mọi người.”

Sau khi Hatthaka rời đi, Đức Phật nói với các Thầy: “Hãy thọ trì rằng Hatthaka của Alavi thành tựu được tám phẩm chất vi diệu và tuyệt vời này. Ông ấy có lòng tin, đức hạnh, tận tâm và biết xấu hổ, ông nghe nhiều, hào phóng, có trí tuệ và khiêm tốn.”9

Đức khiêm tốn là nét nổi bật trong tính cách của Hatthaka. Trong khi một số người tự hào về sự giàu có của họ hoặc bị thúc đẩy bởi sự tự đề cao mình trong việc khuyến dụ người khác vào Giáo Pháp, Hatthaka luôn giữ im lặng và không tự phụ. Ông làm tất cả những gì có thể để giúp mọi người thích thú với Giáo Pháp, và điều đó hoàn toàn xuất phát từ lòng quan tâm của ông đến họ, chứ không phải để tạo nên danh tiếng cho bản thân. Vào một dịp khác, khi Hatthaka nghe các Thầy cho biết rằng Đức Phật đã ca ngợi nhiều phẩm chất tốt đẹp của ông, ông nói:

“Con hy vọng rằng không có người cư sĩ nào có mặt lúc Đức Phật khen con.”

Các Thầy đã chắc chắn với ông rằng khi đó không có người cư sĩ nào khác và sau đó, khi các Thầy về thưa lại điều này với Đức Phật, Ngài đã nói:

“Lành thay, lành thay. Thiện nam tử đó thật là một người khiêm tốn. Ông ấy không muốn các thiện pháp của mình được người khác biết đến. Khiêm tốn là một phẩm chất tốt đẹp khác của Hatthaka.”10

Khi Hatthaka mạng chung, ông được tái sinh làm một thiên tử, và vào một đêm, ông đã đến thăm Đức Phật. Đức Phật hỏi liệu ông có hối hận điều gì hay không và thiên tử Hatthaka trả lời:

“Con chết đi và chỉ hối hận vì cảm thấy rằng mình chưa bao giờ được thấy đức Thế Tôn đủ, được nghe Giáo Pháp đủ và được phụng sự cho Giáo Pháp đủ.”11

Vào thời của Đức Phật, phụ nữ ít có vai trò trong xã hội ngoại trừ làm vợ hoặc mẹ. Nhưng khi Ni đoàn được thành lập, phụ nữ ngay lập tức có một con đường để phát triển tâm linh và cơ hội để chứng minh mình cũng là những bậc thầy giỏi giang. Đức Phật đã khen ngợi Ni sư Khema là người đệ tử Ni trí tuệ đệ nhất, Patacara (Ba-La-Già-Na) là đệ nhất thông luật (vì sự tinh thông giới luật tu viện) và Dharmadinna (Đạt-Ma-Đề-Na) là thuyết pháp đệ nhất vì năng lực và khéo léo của bà trong việc dạy Pháp.12 Và không chỉ các nữ tu mới trở thành những đệ tử mẫu mực mà các nữ cư sĩ cũng vậy. Một trong những nữ đệ tử quan trọng nhất của Phật là Samavati (Sa-Mã Ngõa-Đế), người có một câu chuyện dài và thú vị.

Trước kia có một người đàn ông sống cùng vợ mình trong một ngôi làng ở Vamsa, với cô con gái đặc biệt xinh đẹp của họ tên là Samavati. Đó là một gia đình rất hạnh phúc, cho tới khi một trận đại dịch bùng phát ở làng vào một mùa hè, đã giết chết nhiều người và buộc những người khác phải tháo chạy khỏi làng. Samavati và cha mẹ cô cùng nhiều người khác đã đến Kosambi, thủ đô của Vamsa với hy vọng sẽ tìm được sự cứu giúp. Thành phố khi ấy đầy dẫy những người tị nạn, và những người dân có lòng quan tâm ở đó đã thiết lập các trạm tế bần, để cung cấp thức ăn cho người tị nạn. Khi thức ăn được phân phát vào mỗi buổi trưa, cảnh xô đẩy và xáo trộn đã xảy ra, khi những người tị nạn tuyệt vọng cố gắng giành lấy về mình càng nhiều càng tốt, với nỗi sợ rằng ngày mai sẽ không còn. Lần đầu khi Samavati đến nhận thức ăn, cô ấy hỏi xin đủ cho ba người, ngày hôm sau cô ấy xin đủ cho hai người và cuối cùng chỉ xin cho một người. Mitta, người chịu trách nhiệm phân phát thức ăn ở nơi mà Samavati đến, đã để ý điều này và ông đã châm biếm cô ấy rằng: “Vậy là cuối cùng cô đã biết được dạ dày của mình có thể chứa được bao nhiêu rồi phải không?” “Không”, Samavati giải thích, “Lúc đầu, tôi cần xin đủ cho bản thân và bố mẹ. Sau đó cha tôi qua đời, nên tôi chỉ cần đủ cho hai người. Hôm nay mẹ tôi đã chết, vì vậy bây giờ tôi chỉ cần đủ cho bản thân mình.” Khi Mitta nghe vậy, ông cảm thấy rất xấu hổ vì đã châm biếm cô nên đã xin lỗi Samavati. Cô chia sẻ với Mitta về những thời điểm khó khăn mà cô đã gặp phải, và bị xúc động bởi sự thương cảm, Mitta đã hỏi Samavati rằng liệu ông có thể nhận cô làm con gái của mình hay không - một lời đề nghị mà cô đã rất biết ơn và chấp nhận.

Bấy giờ, hoàn cảnh của cô đã được tốt hơn, Samavati bắt đầu giúp đỡ để cải thiện tình trạng của rất nhiều người tị nạn khác. Cô đã đưa trật tự và kỷ luật vào những trại tế bần, kết quả là thay vào những đám đông xô đẩy và ồn ào là những hàng đợi trật tự, được đảm bảo rằng mọi người đều có phần như nhau mà không ai phải rời đi tay không.

Một ngày nọ, Ghosita, một thương gia giàu có được bổ nhiệm trông coi ngân khố của hoàng gia, đang du hành quanh thành phố và ông nhận thấy sự hiệu quả của công việc phân phối thực phẩm, nên ông ta đã hỏi Mitta về người chịu trách nhiệm của công việc này. Samavati được giới thiệu tới Ghosita và ngay khi gặp cô, ông đã ấn tượng bởi vẻ đẹp của cô và cũng bởi sự kiên nhẫn trong cách cô thực hiện công việc của mình. Ông hỏi Mitta rằng liệu ông có thể nhận nuôi Samavati hay không. Khi ấy Mitta đành miễn cưỡng đồng ý vì biết rằng Samavati bây giờ sẽ là người kế thừa một khối tài sản vô cùng lớn.

Thế là, trong vòng vài tháng, Samavati từ cảnh nghèo túng đã trở nên giàu sang và có địa vị. Nhưng ngay sau đó cô thậm chí còn vươn lên cao hơn nữa. Bấy giờ cô giao thiệp với những nhóm người cao quí trong xã hội và Vua Udena của Kosambi đã bắt đầu để ý đến cô. Nhà vua khi ấy đã có hai người vợ, Vasuladatta và Magandiya, cả hai mặc dù đều rất xinh đẹp nhưng lại có những tính nết không dễ thương khiến Vua Udena cảm thấy buồn và cô đơn. Ngay khi nhìn thấy Samavati, vua đã yêu cô và nhất quyết sẽ cưới cô làm vợ. Vua thông báo cho Ghosita về mong muốn của mình, một yêu cầu mà đã khiến cho Ghosita buồn rầu vì ông rất yêu thương và xem cô như là con gái ruột của mình. Mặc dù biết rằng vua Udena có tiếng là dễ nổi cơn thịnh nộ khi không có được điều mình muốn, Ghosita vẫn quyết định từ chối yêu cầu của nhà vua. Đúng như dự tính, nhà vua đã vô cùng giận dữ. Vua đã cho bãi nhiệm tất cả chức vụ của Ghosita, trục xuất ông khỏi Kosambi và tịch thu tất cả tài sản của ông. Samavati rất buồn vì điều này, và để cứu cha nuôi của mình, cô đã đến gặp Vua Udena và thưa với vua rằng mình sẵn sàng làm vợ ông. Chính vì thế nên sau đó nhà vua đã dừng sự hành hạ Ghosita. Samavati kiên nhẫn và biết chấp nhận hoàn cảnh nên cô nhanh chóng ổn định cuộc sống mới của mình trong hoàng cung. Cô đã học cách chịu đựng những khi vua Udena nổi cơn giận dữ, và vua dần yêu thương cô vô cùng.

Trong số những người hầu của Samavati có một tỳ nữ tên là Khujjuttara, người ta gọi cô như vậy là vì cô này có cái lưng bị gù. Giống như bao phụ nữ khác trong hoàng gia, Samavati cũng bị hạn chế phải ở trong cung điện. Vì vậy, mỗi khi muốn có hoa để cài tóc, cô đều sai người hầu đi mua về. Mỗi ngày, cô đều đưa tám đồng tiền cho Khujjuttara, nhưng cô tỳ nữ này chỉ dùng bốn đồng để mua hoa và lén bỏ túi riêng bốn đồng còn lại. Một ngày nọ, đang trên đường đi mua hoa như thường lệ, Khujjuttara thấy một nhóm người đang ngồi lắng yên nghe Phật thuyết pháp và bởi tò mò, cô đã dừng lại để nghe xem Phật đang nói gì. Đức Phật nhận thấy người nữ này từ phía sau đám đông và mặc dù bề ngoài cô trông có phần xấu xí nhưng Phật biết rằng cô có tuệ căn mau lẹ đặc biệt với Giáo Pháp. Ngài đã thay đổi ý chính bài Pháp của mình thành một chủ đề mà Ngài biết có liên hệ với cô và kết quả là vào cuối bài Pháp của Phật, cô đã chứng được thánh quả Nhập Lưu (Tu-Đà-Hoàn). Mặc dù không biết chuyện gì đã xảy ra với mình, nhưng bây giờ Khujjuttara cảm thấy hối hận về việc đã ăn cắp tiền của Hoàng hậu Samavati nên khi trở về cung điện, cô lạy xuống trước hoàng hậu và thú nhận lỗi của mình. Cô cũng kể cho hoàng hậu nghe về Đức Phật và bài Pháp của Ngài. Hoàng hậu Samavati bị cuốn hút bởi cả sự thay đổi đột ngột nơi Khujjuttara và những gì bà được nghe về những lời dạy của Đức Phật. Sau khi tha thứ cho Khujjuttara, bà giục cô tỳ nữ tìm hiểu thêm về Giáo Pháp. Thế là mỗi ngày, Khujjuttara đi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp và sau đó về thuật lại những gì đã được nghe cho Hoàng hậu Samavati. Hoàng hậu về sau đã phát nguyện quy y Tam Bảo và còn khuyến khích những nữ nhân khác trong cung làm theo mình.

Một ngày nọ, trong tâm trạng đặc biệt tốt và hài lòng với hoàng hậu Samavati, Vua Udena đã ban cho bà một đặc ân rằng sẽ toại nguyện cho bất cứ điều gì bà mong muốn. Đã từ lâu rồi bà vẫn luôn mong rằng sẽ có ngày được trực tiếp nghe chính Đức Phật thuyết pháp nên ngay lúc đó, bà đã xin vua được thỉnh Phật vào cung và vua đã ra lệnh cho người đi thỉnh Phật. Đức Phật đã từ chối lời mời và dạy tôn giả Ananda đi thay Ngài. Đại Đức Ananda đã vào cung thuyết pháp cho nhóm người hoàng gia và kết thúc bài Pháp của Ngài, hoàng hậu Samavati đã chứng quả thánh Nhập Lưu. Với sự khuyến khích của Samavati, nhiều thành viên trong hoàng tộc đã trở thành những người Phật tử nhiệt thành. Ngay đến Vua Udena, một người vốn cố chấp và ít hứng thú với bất kỳ tôn giáo nào, nhất là tôn giáo yêu cầu sự điều phục tâm sân giận. Nhưng dần dần, nhờ sự kiên nhẫn và sự thuyết phục nhẹ nhàng của Hoàng hậu Samavati, ông đã bắt đầu thực tập thiền. Mặc dù ban đầu có phần miễn cưỡng nhưng cuối cùng thì tính khí nhà vua cũng trở nên tốt hơn.

Trong lúc đó, một trong những người vợ khác của vua Udena, Thứ hậu Magandiya, ngày càng ghen tị với Samavati. Magandiya không bao giờ bỏ lỡ cơ hội đưa ra những lời bình phẩm mỉa mai, cả trước mặt và sau lưng Samavati, nhằm chế giễu niềm tin và xem thường sự thực hành Pháp tinh tấn không xao nhãng của bà, và còn để làm xấu bà trong con mắt của nhà vua. Mặc dù vậy, Samavati vẫn từ chối trả đũa mà vẫn cư xử nhã nhặn, hiền hậu với Magandiya như cách mà cô đối xử với tất cả mọi người. Điều này càng khiến cho Magandiya trở nên thù địch hơn. Tiếp đó, Thứ hậu cố gắng làm cho nhà vua trở mặt với Samavati bằng cách dựng lên mọi việc trông như thể Samavati đang âm mưu chống lại vua, nhưng cách này cũng không thành công. Cuối cùng, bà quyết định sẽ giết Hoàng hậu Samavati.

Với sự giúp đỡ của người thân, Thứ hậu Magandiya toan tính sẽ châm lửa thiêu rụi căn phòng nơi những nữ nhân trong cung thường tụ hội. Bị lấp đầy bởi thù hận, Thứ Hậu sẵn sàng đánh đổi mạng sống của tất cả những cung nga, thể nữ khác chỉ hòng giết được đối thủ của mình. Tay sai của Thứ Hậu đã thực hiện phần việc của họ và kết quả là Hoàng hậu Samavati, cùng với gần năm trăm người khác, đã chết trong ngọn lửa ấy. Vua Udena suy sụp bởi cái chết của Samavati và buồn thương bà suốt một khoảng thời gian rất dài.

Khi vua bắt đầu tỉnh táo để suy nghĩ về nguyên do vì đâu mà thảm kịch xảy ra, thì ông dần nhận thấy rõ ràng rằng đó không phải là một tai nạn. Ông nghi ngờ Thứ hậu Magandiya, nhưng ông biết là không thể ép bà thú tội nên ông đã quyết định dùng cách khác. Một ngày, với sự có mặt của Magandiya, nhà vua nói với một trong những vị quan cận thần của mình:

“Ta đã luôn nghi ngờ rằng Samavati đang âm mưu chống lại ta. Bây giờ bà ấy đã biến mất, ta lại có thể ngủ an giấc rồi. Bất kể người nào đã trừ khử bà ấy thì đều đã giúp ta một việc lớn và nếu ta biết người đó là ai, ta sẽ ban thưởng trọng hậu cho họ.”

Luôn muốn giành được sự ưu ái của nhà vua, Magandiya ngay lập tức đã tiến lên và tâu với nhà vua rằng chính nàng cùng với sự giúp sức của người thân, đã đốt cháy cái cung lầu đó. Vua Udena giả vờ vui thích và lệnh cho bà gọi những người thân đó vào cung để vua có thể trọng thưởng họ. Sau đó, khi Magandiya dẫn những người đồng phạm của mình vào diện kiến nhà vua thì ngay lập tức qua những biểu hiện trên khuôn mặt của vua, bà biết rằng mình đã trúng kế và phạm phải một sai lầm khủng khiếp. Trong cơn thịnh nộ mất kiểm soát, vua Udena ra lệnh bắt lấy Magandiya cùng tất cả đồng phạm của bà và đưa ra ngoài thiêu sống. Mọi người đều vô cùng kinh hoàng trước hành động của nhà vua nhưng hầu hết họ đều tin rằng Magandiya đã lãnh lấy những gì thích đáng.13


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới cội Bồ-đề


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Phật giáo và Con người


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.72.44 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...