Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Kim Cang »» PHẦN DỊCH NGHĨA »»

Kinh Kim Cang
»» PHẦN DỊCH NGHĨA

Donate

(Lượt xem: 27.538)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Kim Cang - PHẦN DỊCH NGHĨA

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa

(Dao Tần, Tam Tạng Pháp Sư Cưu-ma-la-thập vâng chiếu dịch)

Tôi nghe như thế này: Có một lúc đức Phật ở thành Xá-vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng các vị đại tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Vào trong thành, [chư tăng] theo thứ tự khất thực rồi trở về tinh xá. Thọ trai xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, trải tòa ra ngồi.

Lúc ấy Trưởng lão Tu-bồ-đề từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối phải, cung kính chắp tay bạch Phật rằng:

“Thế Tôn, thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát.

“Thế Tôn! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ-đề, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?

Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Tu-bồ-đề, đúng như ông vừa nói. Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo dặn dò các vị Bồ Tát. Nay hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà giảng thuyết.

“Nếu có kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Bồ-đề, nên trụ tâm như thế này, nên hàng phục tâm như thế này.”

“Bạch Thế Tôn! Con nguyện được lắng nghe.”

Phật dạy Tu-bồ-đề: “Các vị Đại Bồ Tát nên hàng phục tâm [bằng cách nghĩ] như thế này:

‘Đối với tất cả các loài chúng sanh: hoặc sanh từ bào thai, hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh nơi ẩm thấp, hoặc do biến hóa sanh ra, hoặc có sắc, hoặc không có sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều độ cho nhập vào Vô dư Niết-bàn.

Như vậy diệt độ vô số chúng sanh, nhưng thật không có chúng sanh nào được diệt độ.’

“Vì sao vậy? Tu-bồ-đề, nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thì chẳng phải là Bồ Tát.

“Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ Tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí.

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng.

“Vì sao vậy? Nếu Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức ấy chẳng thể suy lường.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không phương đông có thể suy lường được chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”

“Tu-bồ-đề! Hư không các phương nam, tây, bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới có thể suy lường được chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.”

“Tu-bồ-đề! Bồ Tát bố thí với tâm không trụ tướng, phước đức cũng như vậy, chẳng thể suy lường.
“Tu-bồ-đề! Bồ Tát chỉ nên trụ tâm theo như cách đã chỉ dạy.

“Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?”

“Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai. “Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng thân tướng thật chẳng phải là thân tướng.”

Phật dạy Tu-bồ-đề: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng thật chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai.

Tu-bồ-đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Liệu có chúng sanh nào nghe lời thuyết dạy này được sanh lòng tin chân thật chăng?"

Phật bảo Tu-bồ-đề: "Chớ nên nói thế! Như Lai diệt độ rồi, năm trăm năm sau sẽ có những người tu phước giữ theo giới luật, đối với lời thuyết dạy này thường sanh lòng tin, nhận là chân thật. Nên biết những người này chẳng phải chỉ ở nơi một, hai, ba, bốn, năm... đức Phật gieo trồng căn lành, mà thật đã ở nơi vô số ngàn vạn đức Phật gieo trồng căn lành. [Những người ấy] nghe lời thuyết dạy này, dù chỉ một niệm cũng sanh lòng tin trong sạch.

"Tu-bồ-đề! Như Lai tất sẽ thấy biết những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức.

Vì sao vậy? Những chúng sanh ấy không sanh khởi lại các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, không khởi pháp tướng, cũng không khởi phi pháp tướng.

"Vì sao vậy? Những chúng sanh ấy nếu tâm chấp giữ tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu giữ lấy pháp tướng tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Vì sao vậy? Nếu giữ lấy phi pháp tướng, tức mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
"Vì thế, chẳng nên chấp giữ lấy pháp, cũng chẳng nên chấp giữ lấy phi pháp.

"Do nơi nghĩa này, Như Lai thường nói: Các vị tỳ-kheo nên biết, pháp Phật thuyết dạy như cái bè qua sông. Pháp còn nên xả bỏ, huống chi những gì chẳng phải pháp?

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật đã dạy, không có pháp xác định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp xác định nào Như Lai có thể thuyết.

"Vì sao vậy? Chỗ thuyết pháp của Như Lai thảy đều chẳng thể chấp giữ lấy, chẳng thể nói ra, chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải phi pháp.

"Vì sao vậy? Tất cả các bậc thánh hiền đều dùng pháp vô vi, nhưng có chỗ sai biệt nhau."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy món báu đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí, được phước đức nhiều chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Vì sao vậy? Phước đức, thật chẳng phải là tánh phước đức, nên Như Lai nói là nhiều phước đức."

"Nếu lại có người thọ trì chỉ bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác mà giảng nói, phước này hơn hẳn phước bố thí kia.

"Vì sao vậy? Hết thảy chư Phật và giáo pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của các ngài đều từ nơi kinh này mà ra.

"Tu-bồ-đề! Vì vậy mà nói rằng: pháp Phật tức chẳng phải là pháp Phật.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tu-đà-hoàn có được khởi niệm: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, chẳng thể được.

Vì sao vậy? Tu-đà-hoàn gọi là nhập vào dòng, nhưng thật không có chỗ nhập. Chẳng nhập vào hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng, nên mới gọi là Tu-đà-hoàn."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị Tư-đà-hàm có được khởi niệm: Ta được quả Tư-đà-hàm chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, chẳng được.

Vì sao vậy? Tư-đà-hàm gọi là một lần trở lại, nhưng thật không có trở lại, nên mới gọi là Tư-đà-hàm."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A-na-hàm có được khởi niệm: Ta được quả A-na-hàm chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, chẳng được. Vì sao vậy? A-na-hàm gọi là không trở lại, nhưng thật chẳng phải là không trở lại, nên mới gọi là A-na-hàm."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vị A-la-hán có được khởi niệm: Ta được đạo A-la-hán chăng?

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, chẳng được.

Vì sao vậy? Thật không có pháp gọi là A-la-hán.

Thế Tôn! Nếu vị A-la-hán khởi niệm rằng: Ta được đạo A-la-hán, tức là vướng mắc vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Thế Tôn! Phật dạy rằng con được phép Tam-muội Vô tránh, cao quý nhất trong loài người, là bậc A-la-hán cao quý nhất đã lìa bỏ tham dục. Con chẳng khởi niệm này: Ta là bậc A-la-hán lìa bỏ tham dục.

"Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi niệm: Ta được đạo A-la-hán, Thế Tôn tất chẳng nói: Tu-bồ-đề ưa thích hạnh A-lan-na.

Vì con đây thật không vướng mắc ở chỗ làm, nên mới nói rằng: Tu-bồ-đề ưa thích hạnh A-lan-na."

Phật hỏi Tu-bồ-đề: "Ý ông nghĩ sao? Như Lai trước kia ở nơi Phật Nhiên Đăng có chỗ được pháp chăng?"

"Bạch Thế Tôn, chẳng có. Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng thật không có chỗ được pháp."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật chăng?"
"Bạch Thế Tôn, chẳng có. Vì sao vậy? Việc trang nghiêm cõi Phật đó, thật chẳng phải trang nghiêm, gọi là trang nghiêm."

"Tu-bồ-đề! Vì vậy mà các vị đại Bồ Tát nên sanh tâm thanh tịnh như thế này: Chẳng nên trụ nơi hình sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà sanh tâm.

Nên ở nơi không chỗ trụ mà sanh tâm.

"Tu-bồ-đề! Như người kia có thân hình như núi chúa Tu-di.

Ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất lớn.

Vì sao vậy? Phật thuyết chẳng phải thân, gọi là thân lớn."

"Tu-bồ-đề! Như trong sông Hằng có bao nhiêu là cát, mỗi hạt lại là một sông Hằng. Ý ông nghĩ sao? Số cát trong tất cả những sông Hằng ấy là nhiều chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Chỉ số sông Hằng như thế còn nhiều không kể xiết, huống chi là cát trong những con sông ấy!"

"Tu-bồ-đề! Nay ta dùng lời chân thật bảo cho ông biết. Như có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng bảy món báu đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới nhiều bằng số cát của những sông Hằng ấy mang ra bố thí, được phước nhiều chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất nhiều."

Phật dạy Tu-bồ-đề: "Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì dù chỉ bốn câu kệ trong kinh này, vì người khác giảng nói, phước đức này hơn cả phước đức bố thí kia.

"Lại nữa, Tu-bồ-đề! Theo như kinh này mà thuyết dạy, cho đến chỉ bốn câu kệ, nên biết là nơi ấy hết thảy thế gian, trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu Phật. Huống chi có người đem hết sức mà thọ trì, đọc tụng. Tu-bồ-đề! Nên biết là người này thành tựu được pháp cao quý bậc nhất ít có.
"Nếu kinh điển này ở tại nơi nào, tức như có Phật hoặc bậc đệ tử cao quý đáng tôn trọng ở đó."

Lúc ấy Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Kinh này gọi tên là gì? Chúng con phải vâng giữ như thế nào?"

Phật dạy Tu-bồ-đề: "Kinh này gọi tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Nên theo như tên kinh mà vâng giữ.

Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Phật thuyết Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng?"

Tu-bồ-đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, Như Lai không có chỗ thuyết pháp."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Số vi trần trong tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất nhiều."
"Tu-bồ-đề! Những vi trần ấy, Như Lai thuyết chẳng phải vi trần, gọi là vi trần. Như Lai thuyết thế giới chẳng phải thế giới, gọi là thế giới.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai chăng?"

"Bạch Thế Tôn, chẳng thể được. Chẳng thể dùng ba mươi hai tướng để thấy Như Lai.

Vì sao vậy? Như Lai thuyết ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, gọi là ba mươi hai tướng.

"Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, dùng thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Lại có người thọ trì kinh này, cho đến chỉ bốn câu kệ, vì người khác giảng nói, phước ấy rất nhiều."

Bấy giờ, Tu-bồ-đề nghe thuyết kinh này, hiểu sâu nghĩa thú, cảm động đến rơi lệ, bạch Phật rằng: "Thật ít có thay, Thế Tôn! Phật thuyết kinh điển này rất sâu xa, con từ trước đến nay dẫu được huệ nhãn nhưng chưa từng được nghe kinh như vậy.

"Bạch Thế Tôn! Nếu có người cũng được nghe kinh này, đem lòng tin tưởng trong sạch, liền khởi sanh tướng chân thật. Nên biết là người ấy thành tựu được công đức cao quý bậc nhất ít có.

"Bạch Thế Tôn! Tướng chân thật ấy tức là chẳng phải tướng, nên Như Lai gọi là tướng chân thật.

"Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển này, tin hiểu thọ trì chẳng lấy chi làm khó. Nhưng nếu năm trăm năm sau nữa, có chúng sanh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy quả là bậc nhất ít có.

Vì sao vậy? Người ấy không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Vì sao vậy? Tướng ngã chẳng phải là tướng; tướng nhân, chúng sanh, thọ giả cũng chẳng phải tướng.

Vì sao vậy? Lìa hết thảy các tướng gọi là chư Phật."

Phật bảo Tu-bồ-đề: "Đúng vậy, đúng vậy! Nếu có người được nghe kinh này mà chẳng thấy kinh sợ hoảng hốt, nên biết người ấy rất là ít có.

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Như Lai dạy rằng bậc nhất Ba-la-mật, tức chẳng phải bậc nhất Ba-la-mật, gọi là bậc nhất Ba-la-mật.

"Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai nói là chẳng phải nhẫn nhục Ba-la-mật.

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Như ta xưa kia bị vua Ca-lợi cắt xẻo thân thể từng phần. Lúc bấy giờ, ta không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Vì sao vậy? Trong lúc ta bị cắt xẻo từng phần thân thể, nếu có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tất phải sanh lòng sân hận."

"Tu-bồ-đề! Lại nhớ đến quá khứ năm trăm đời trước, ta làm một vị tiên nhẫn nhục. Lúc ấy ta cũng không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Bởi vậy, Tu-bồ-đề, Bồ Tát nên lìa hết thảy các tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Chẳng nên trụ nơi hình sắc sanh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng sanh tâm.

Nên sanh tâm không có chỗ trụ. Nếu tâm có chỗ trụ tức là chẳng trụ.

"Vì thế, Phật dạy các vị Bồ Tát chẳng nên trụ tâm nơi hình sắc mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ Tát vì lợi ích cho tất cả chúng sanh nên bố thí như vậy.

"Như Lai dạy rằng hết thảy các tướng tức chẳng phải tướng. Lại dạy rằng hết thảy chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh.

"Tu-bồ-đề! Lời nói của đấng Như Lai là chân chánh, đúng thật, như nghĩa, không hư dối, không sai khác.

"Tu-bồ-đề! Như Lai có chỗ được pháp, pháp ấy không thật, không hư.

"Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, cũng như người vào chỗ tối, không thể nhìn thấy.

"Nếu Bồ Tát chẳng trụ tâm nơi pháp làm việc bố thí, như người có mắt, khi ánh sáng mặt trời chiếu soi thấy đủ các màu sắc.

"Tu-bồ-đề! Về sau nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, thường hay thọ trì đọc tụng kinh này, Như Lai dùng trí huệ Phật thấy biết những người này đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.

"Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, vừa lúc đầu ngày dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến giữa ngày lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí, đến cuối ngày cũng lại dùng thân mạng nhiều như cát sông Hằng mà bố thí. Cứ như vậy trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp, dùng thân mạng mà bố thí. Nếu có người nghe kinh điển này, trong lòng tin theo chẳng nghịch, được phước nhiều hơn cả những người dùng thân mạng mà bố thí kia. Huống chi là sao chép, thọ trì, đọc tụng, vì người giảng giải!

"Tu-bồ-đề! Nói tóm lại một lời quan trọng nhất: Kinh này có vô lượng vô biên công đức, chẳng thể suy lường. Như Lai vì người phát tâm Đại thừa mà thuyết dạy, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà thuyết dạy. Nếu có người thường hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác mà thuyết giảng, Như Lai tất sẽ thấy biết những người này đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên chẳng thể suy lường. Những người như vậy có thể đảm đương gánh vác đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Như Lai.

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Nếu kẻ ưa pháp nhỏ, vướng mắc vào những kiến giải: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức chẳng thể thọ trì đọc tụng, vì người khác mà giảng giải kinh này.

"Tu-bồ-đề! Bất cứ nơi nào có kinh này, hết thảy thế gian, các hàng trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường. Nên biết nơi ấy tức là tháp Phật, nên cung kính đi quanh lễ bái, dùng các thứ hương hoa rải lên nơi ấy.

"Lại nữa, Tu-bồ-đề! Những kẻ nam người nữ lòng lành, thọ trì đọc tụng kinh này, nếu bị người khác khinh chê, thì người trì kinh ấy dù cho đời trước đã tạo nghiệp ác lẽ ra phải đọa vào các đường dữ, nay nhân bị người khinh chê, nghiệp ác đời trước liền tiêu diệt, được thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp trước Phật Nhiên Đăng, ta đã được gặp tám trăm bốn ngàn vạn ức na-do-tha đức Phật, và đều cung kính phụng sự không chút lỗi lầm. Nếu có người đời mạt pháp sau này thường thọ trì tụng đọc kinh này, người ấy được công đức so với công đức cúng dường chư Phật của ta vượt hơn bội phần, trăm phần ta chẳng theo kịp một, ngàn vạn ức phần, cho đến tính toán, thí dụ cũng chẳng thể theo kịp.

"Tu-bồ-đề! Những kẻ nam người nữ lòng lành vào đời mạt pháp thọ trì đọc tụng kinh này được nhiều công đức, nếu ta nói ra đầy đủ sẽ có người nghe qua sanh tâm cuồng loạn, nghi ngờ chẳng tin.

"Tu-bồ-đề! Nên biết rằng, nghĩa kinh này không thể nghĩ bàn, quả báo cũng không thể nghĩ bàn."

Bấy giờ, ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?

Phật dạy Tu-bồ-đề: "Những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên khởi tâm như thế này: 'Ta nên diệt độ hết thảy chúng sanh; diệt độ hết thảy chúng sanh, nhưng thật không có chúng sanh nào diệt độ.'

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức không phải Bồ Tát.

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?"

"Bạch Thế Tôn, chẳng có. Như con hiểu theo nghĩa Phật thuyết, Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng trước kia không có được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác."

Phật nói: "Đúng vậy, đúng vậy! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Nếu như có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Phật Nhiên Đăng hẳn đã không thọ ký cho ta: Ông về sau sẽ thành Phật hiệu Thích-ca Mâu-ni.

"Vì thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta rằng: Ông về sau sẽ thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

"Vì sao vậy? Nói Như Lai đó, tức là nghĩa như của các pháp.

"Nếu có người nói: Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Như Lai có chỗ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong chỗ ấy không thật, không hư.

"Vì thế, Như Lai dạy rằng: Hết thảy các pháp đều là Phật pháp.

"Tu-bồ-đề! Nói là hết thảy các pháp, tức chẳng phải pháp, vì thế gọi là hết thảy các pháp.

"Tu-bồ-đề! Ví như thân người dài lớn."

Tu-bồ-đề nói: "Bạch Thế Tôn, Như Lai nói rằng thân người dài lớn tức chẳng phải là thân lớn, gọi là thân lớn."

"Tu-bồ-đề! Bồ Tát cũng lại như vậy. Nếu nói rằng: Ta đang độ cho vô lượng chúng sanh, tức chẳng gọi là Bồ Tát.



"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Vì thế Phật thuyết hết thảy các pháp đều không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát nói rằng: 'Ta đang làm trang nghiêm cõi Phật', như vậy chẳng gọi là Bồ Tát.

Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, gọi là trang nghiêm.

"Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó thật là Bồ Tát.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?"

"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có nhục nhãn."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có thiên nhãn."
"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có huệ nhãn chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có huệ nhãn."
"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có pháp nhãn."
"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai có Phật nhãn."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Trong sông Hằng có cát, Phật nói đó là cát chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như Lai nói đó là cát."
"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như trong một con sông Hằng có bao nhiêu cát, lại có số sông Hằng cũng nhiều như số cát ấy, lại có số cõi Phật nhiều như số cát trong tất cả những con sông Hằng đó, như vậy là nhiều chăng?"

"Bạch Thế Tôn, rất nhiều."

Phật bảo Tu-bồ-đề: "Hết thảy chúng sanh trong số cõi Phật nhiều như vậy, nếu khởi tâm suy nghĩ, Như Lai đều biết. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, các tâm đều là không phải tâm, nên gọi là tâm.

"Vì sao như thế? Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ chẳng thể nắm bắt. Tâm hiện tại chẳng thể nắm bắt. Tâm vị lai chẳng thể nắm bắt.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy món báu đầy trong cõi tam thiên đại thiên thế giới để bố thí. Do nhân duyên ấy, được phước nhiều chăng?"

"Bạch Thế Tôn, quả đúng như vậy. Người ấy do nhân duyên bố thí, được phước rất nhiều."

"Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói là được nhiều phước đức.

Vì phước đức là không, nên Như Lai nói là được nhiều phước đức.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy sắc thân đầy đủ thấy đó là Phật chăng?"

"Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng nên lấy sắc thân đầy đủ thấy là Như Lai. Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, sắc thân đầy đủ tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, gọi là sắc thân đầy đủ."

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể dùng các tướng đầy đủ thấy là Như Lai chăng?"

"Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng nên dùng các tướng đầy đủ thấy là Như Lai.

Vì sao vậy? Như Lai dạy rằng, các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, gọi là các tướng đầy đủ."

"Tu-bồ-đề! Ông đừng cho rằng Như Lai có ý nghĩ này: 'Ta đang có chỗ thuyết pháp.' Chớ nghĩ như thế.

Vì sao vậy? Nếu có người nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là hủy báng Phật, chẳng thể hiểu được chỗ ta thuyết dạy.

"Tu-bồ-đề! Người thuyết pháp, chẳng pháp nào có thể thuyết, gọi là thuyết pháp."

Bấy giờ, ngài Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật: "Thế Tôn! Liệu có chúng sanh nào ở đời vị lai nghe thuyết pháp này sanh lòng tin theo chăng?"

Phật dạy: "Tu-bồ-đề! Đó chẳng phải là chúng sanh, chẳng phải không là chúng sanh.

"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Chúng sanh đó Như Lai dạy rằng chẳng phải chúng sanh, gọi là chúng sanh."



Tu-bồ-đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Phật được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là không có chỗ được sao?"

Phật dạy: "Đúng vậy, đúng vậy! Tu-bồ-đề! Ta đối với quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng có lấy một phần nhỏ pháp có thể được, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Lại nữa, Tu-bồ-đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, gọi tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trừ bỏ các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mà tu hết thảy pháp lành, tức thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Chỗ nói là pháp lành, Như Lai dạy rằng chẳng phải pháp lành, gọi là pháp lành.

"Tu-bồ-đề! Như trong tam thiên đại thiên thế giới có các núi chúa Tu-di, có người dùng bảy món báu tích tụ nhiều như các núi ấy mà bố thí. Lại có người lấy kinh Bát-nhã Ba-la-mật này, thậm chí chỉ bốn câu kệ, thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói. Phước đức của người bố thí, so với người trì kinh thật trăm phần chẳng bì được một, trăm ngàn vạn ức phần, cho đến tính toán, thí dụ cũng chẳng thể theo kịp được.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Các ông đừng cho rằng Như Lai có ý nghĩ này: 'Ta đang độ chúng sanh.

"Tu-bồ-đề! Chớ nghĩ như thế. Vì sao vậy? Thật không có chúng sanh nào được Như Lai độ. Nếu có chúng sanh được Như Lai độ, Như Lai tất có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

"Tu-bồ-đề! Như Lai dạy rằng có ngã tức chẳng phải có ngã, nhưng phàm phu cho là có ngã.

"Tu-bồ-đề! Phàm phu, Như Lai dạy rằng chẳng phải phàm phu.

"Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Đúng vậy, đúng vậy. Lấy ba mươi hai tướng mà quán, đó là Như Lai."

Phật bảo Tu-bồ-đề: "Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai, vậy Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai."

Tu-bồ-đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Theo như chỗ con hiểu nghĩa Phật thuyết dạy, chẳng nên lấy ba mươi hai tướng mà quán đó là Như Lai."

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

"Nếu dùng sắc thấy Ta,
Dùng âm thanh cầu Ta.
Là người theo tà đạo,
Chẳng thể thấy Như Lai."

"Tu-bồ-đề! Nếu ông khởi ý nghĩ rằng: Như Lai chẳng dùng các tướng đầy đủ mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Chớ nghĩ như thế. Chớ nghĩ rằng Như Lai chẳng dùng các tướng đầy đủ mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

"Tu-bồ-đề! Nếu ông khởi ý nghĩ rằng: 'Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thuyết giảng tướng đoạn diệt của các pháp.' Chớ nghĩ như thế. Vì sao vậy? Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp chẳng thuyết tướng đoạn diệt.

"Tu-bồ-đề! Nếu Bồ Tát dùng bảy báu đầy trong những thế giới nhiều như cát sông Hằng mang ra bố thí. Lại có người hiểu biết hết thảy các pháp là vô ngã nên thành tựu được hạnh nhẫn nhục. Công đức của người này vượt hơn vị Bồ Tát làm việc bố thí.
"Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Là vì các vị Bồ Tát chẳng thọ nhận phước đức."

Tu-bồ-đề bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát chẳng thọ nhận phước đức?"

"Tu-bồ-đề! Bồ Tát có làm việc phước đức đều chẳng nên tham trước, nên nói là chẳng thọ nhận phước đức.

"Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: 'Như Lai có đến, hoặc có đi, hoặc có ngồi, hoặc có nằm.' Người ấy thật chẳng hiểu nghĩa ta thuyết dạy.

Vì sao vậy? Như Lai đó, chẳng từ đâu mà đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

"Tu-bồ-đề! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, lấy cả cõi tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát thành vi trần. Ý ông nghĩ sao? Số vi trần ấy là nhiều chăng?"

Tu-bồ-đề thưa: "Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

Vì sao vậy? Nếu những vi trần này là thật có, Phật tất chẳng nói là vi trần.

Vì sao như thế? Phật dạy rằng các vi trần, tức chẳng phải vi trần, gọi là vi trần.

"Thế Tôn! Chỗ Như Lai nói tam thiên đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới, gọi là thế giới.

"Vì sao vậy? Nếu thế giới là có thật, tức là một tướng hòa hợp. Như Lai dạy rằng một tướng hòa hợp tức chẳng phải một tướng hòa hợp, gọi là một tướng hòa hợp."

"Tu-bồ-đề! Một tướng hòa hợp tức là chẳng thể nói ra. Chỉ vì kẻ phàm phu tham chấp nơi sự việc.

"Tu-bồ-đề! Nếu có người nói rằng Phật thuyết dạy những kiến giải ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Người ấy có hiểu được nghĩa ta thuyết dạy chăng?"

"Bạch Thế Tôn, người ấy chẳng hiểu được nghĩa Như Lai thuyết dạy. Vì sao vậy? Thế Tôn dạy rằng những kiến giải ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, chẳng phải là những kiến giải ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, gọi là những kiến giải ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả."

"Tu-bồ-đề! Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với hết thảy các pháp, nên thấy biết như thế này, tin hiểu như thế này, chẳng sanh khởi pháp tướng.

"Tu-bồ-đề! Chỗ nói là pháp tướng đó, Như Lai dạy rằng chẳng phải pháp tướng, gọi là pháp tướng.

"Tu-bồ-đề! Nếu có người dùng bảy món báu đầy khắp trong vô số a-tăng-kỳ thế giới mà bố thí. Lại có những kẻ nam người nữ lòng lành phát tâm Bồ-đề, giữ làm theo kinh này, thậm chí chỉ bốn câu kệ, thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết, phước đức này hơn phước bố thí kia.

"Thế nào là vì người diễn thuyết? Chẳng chấp giữ nơi tướng, như như chẳng động. Vì sao vậy?

"Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước,
Như sương sa, điện chớp.
Nên quán sát như vậy."

Phật thuyết kinh này rồi, Trưởng lão Tu-bồ-đề cùng các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hết thảy thế gian, trời, người, a-tu-la nghe Phật thuyết dạy đều hết sức hoan hỷ, tin nhận, vâng làm theo.

KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

    « Xem chương trước «      « Sách này có 3 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Cho là nhận


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.24.166 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...