Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Chuyển họa thành phúc »» Tu sửa lỗi lầm »»

Chuyển họa thành phúc
»» Tu sửa lỗi lầm

Donate

(Lượt xem: 10.080)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Chuyển họa thành phúc - Tu sửa lỗi lầm

Font chữ:


Các quan đại phu thời Xuân Thu khi quan sát hành vi, lời nói của một người thường dựa theo đó mà suy đoán về những điều tốt xấu, họa phúc của người đó, bao giờ cũng ứng nghiệm cả. Ngày nay, chúng ta có thể xem lại những việc này trong các sách Tả truyện, Quốc ngữ...

Nói chung, điềm báo những điều tốt lành hay tai họa đều khởi lên từ trong tâm người, rồi biểu hiện ra bên ngoài thành hành vi, lời nói. Những người hết sức nhân hậu phóng khoáng, tử tế với người khác thường được phước lành, những kẻ hết sức khắt khe hẹp hòi, bạc đãi người khác thường cận kề tai họa. Người phàm mắt thịt bị nhiều che chướng [không nhìn thấy được, do đó] cho rằng [vận số] chưa xác định nên không thể suy lường biết được.

Lòng người hết sức chân thành thì phù hợp với đạo trời. Khi phước lành sắp đến, quan sát việc làm thiện của người thì có thể biết trước được. Khi tai họa sắp xảy ra, quan sát việc làm xấu ác của người ắt cũng có thể biết trước. Nay muốn được phước lành, tránh xa tai họa, hãy khoan nói đến việc làm thiện mà trước tiên là phải lo tu sửa lỗi lầm.

Bàn về việc tu sửa lỗi lầm, điều cốt yếu trước tiên là phải khởi tâm biết xấu hổ. Hãy nghĩ đến các bậc hiền thánh từ xưa, sao cũng là thân người như ta nhưng lại có thể làm bậc thầy của muôn thuở? Còn ta vì sao suốt một đời kém cỏi, vô dụng như gạch vụn, ngói bể? Ấy chỉ vì ta mê đắm trong tình đời, lén lút làm những điều trái nghịch đạo nghĩa, lại cho rằng người khác không ai biết nên thản nhiên cao ngạo, không chút hổ thẹn, ngày sau sa đọa vào loài cầm thú mà không hề tự biết. Việc đáng xấu hổ trong đời này thật không gì lớn hơn thế nữa. Mạnh tử nói: “Biết xấu hổ là [đức tính] quan trọng của con người. Giữ được tâm tính ấy là thánh hiền, đánh mất đi thì chẳng khác gì cầm thú.” Cho nên, khởi tâm biết xấu hổ là nền tảng cốt yếu nhất trong việc tu sửa lỗi lầm.

Điều [quan trọng] tiếp theo là phải biết khởi tâm sợ sệt [không dám làm điều sai trái]. Trời đất từ trên soi thấu, quỷ thần không dễ dối lừa. Nay ta làm điều sai trái, tuy là ở nơi ẩn khuất [không ai thấy biết], nhưng trời đất quỷ thần thật soi xét thấy rõ. Nếu là tội nặng, ắt sẽ giáng xuống trăm tai ngàn họa; nếu là tội nhẹ, ắt sẽ hao tổn phước đức hiện có; như thế làm sao có thể không lo sợ?

Không chỉ ở nơi vắng vẻ khuất tất là như thế, mà giữa những chốn đông người qua lại cũng như thế, cho dù ta cố che giấu thật kín đáo, biện bạch thật khéo léo, nhưng những điều giấu trong gan ruột rồi cũng sẽ sớm lộ ra, rốt cuộc cũng không thể tự dối lòng mình. Đến khi bị người khác phát hiện biết rõ [việc xấu mình làm, thì nhân cách tự thân] thật chẳng đáng một xu! Như vậy có thể không sợ được sao?

Hơn nữa, chỉ cần chúng ta còn một hơi thở thì dù tội lỗi lớn đến đâu cũng có thể hối cải. Xưa có người suốt đời làm việc xấu ác, đến khi sắp chết mới tỉnh ngộ hối lỗi, phát khởi một niệm lành, liền được kết quả tốt đẹp. Cho nên nói rằng, khởi một niệm lành hết sức mạnh mẽ có thể đối trị được những điều xấu ác trong cả trăm năm. Cũng giống như hang sâu tăm tối ngàn năm, chỉ một ngọn đèn vừa chiếu sáng thì bóng tối ngàn năm lập tức bị phá trừ. Vì thế, những việc lỗi lầm bất luận là phạm vào đã lâu hay chỉ mới gần đây, phải lấy việc biết tu sửa là điều đáng quý nhất.

Cuộc đời vô thường, thân người hết sức mong manh dễ mất, chỉ một hơi thở dừng lại không tiếp nối thì dù muốn hối cải tu sửa cũng không còn kịp nữa. Khi ấy thì trên chốn dương gian phải cam chịu tiếng xấu ngàn năm, cho dù con thảo cháu hiền cũng không thể thay ta rửa sạch; lại dưới cõi u minh ắt phải trầm luân ngàn kiếp trong địa ngục cam chịu nghiệp báo, cho dù là các vị thánh hiền hay Phật, Bồ Tát cũng không thể dẫn dắt cứu ta ra khỏi. Ôi, như thế có thể nào không sợ được sao?

Điều [quan trọng] thứ ba là phải phát tâm [tu sửa] thật dũng mãnh. Người đời đa phần không thể tu sửa lỗi lầm là vì cứ quen theo nếp cũ mà sa đọa, chúng ta cần phải phấn chấn mạnh mẽ vươn lên, không được phân vân trì trệ, không được chậm trễ dùng dằng. Đối với lỗi nhỏ nhặt phải xem như bị gai đâm vào thịt, cần nhanh chóng lấy ra. Đối với lỗi nặng nề nghiêm trọng, phải xem như bị rắn độc cắn vào ngón tay, lập tức chặt bỏ không chút chần chừ. Đó là nói đến lợi ích của [sự phát tâm dũng mãnh, nhanh chóng như] sấm chớp, như gió mạnh.

Phát khởi đầy đủ 3 tâm niệm như trên, [biết hổ thẹn, biết sợ sệt lỗi lầm và quyết tâm tu sửa thật dũng mãnh] thì mỗi khi mắc phải lỗi lầm liền sửa đổi được ngay. Ví như lớp băng mùa xuân gặp ánh mặt trời, lo gì không tan chảy?

Tuy nhiên, lỗi lầm xấu ác của con người có thể theo nơi sự việc biểu hiện mà tu sửa, cũng có thể dựa trên sự suy xét đạo lý mà tu sửa, lại cũng có thể ngay từ trong tâm ý mà tu sửa. Mỗi phương cách tu sửa như vậy đòi hỏi công phu khác nhau, mà hiệu quả cũng khác nhau.

Chẳng hạn như ngày trước thường giết hại sinh mạng, nay giữ giới không giết hại; hoặc như ngày trước thường nóng giận, nay cố ngăn giữ không còn nóng giận. Những sự tu sửa như thế là theo nơi sự việc biểu hiện mà tu sửa. Tu sửa theo cách như vậy là cố sức kiềm chế [sự việc đã biểu lộ ra] bên ngoài, nên thật hết sức khó khăn, nhưng cội gốc của những lỗi lầm ấy rốt cuộc vẫn còn nguyên đó, trừ bỏ nơi này lại nảy sinh nơi khác, thật không phải phương cách rốt ráo để tu sửa triệt để mọi lỗi lầm.

Người khéo léo hơn trong việc tu sửa lỗi lầm thì khi sự việc còn chưa biểu lộ ra bên ngoài đã sớm suy xét đạo lý của sự việc ấy. Chẳng hạn như đối với việc giết hại sinh mạng, liền suy xét theo đạo lý rằng: “Trời đất luôn có đức hiếu sinh, muôn loài đều tham sống sợ chết, nay ta giết hại loài vật để nuôi dưỡng thân mình, làm sao có thể tự thấy an ổn trong lòng? Hơn nữa, con vật bị giết kia, đã bị đâm chém cắt xẻo, rồi lại bị cho vào nồi nước sôi, chảo dầu nóng, đau đớn thống khổ thấu tận xương tủy, ta lại dùng thân xác nó để nuôi dưỡng mình, dẫu có bày ra thành trăm món ngon lạ, ăn qua khỏi miệng cũng đều tiêu mất. Trong khi đó, chỉ cần canh rau đơn sơ cũng đủ no bụng, vì sao phải giết hại sinh mạng của muôn loài, làm tổn hại đến phước đức của mình?”

Lại suy xét đến việc hết thảy muôn loài có máu thịt, khí chất, cũng đều có linh tính, tri giác. Đã có linh tính, tri giác thì đối với [loài người] chúng ta cũng là cùng một bản thể. Nay tự thân ta đã không thể tu tập thành bậc chí tôn chí đức để muôn loài phải tôn kính, gần gũi nương cậy ta, lẽ nào lại còn xuống tay giết hại sinh mạng của chúng, khiến chúng phải đem lòng oán hận, căm thù ta không sao nói hết?

Suy xét được thấu đáo những điều như thế thì khi nhìn thấy món ăn [do giết hại mà có] ắt phải hết sức đau lòng, không thể nào nuốt trôi qua khỏi cổ.

Hoặc như trước đây vốn thường nóng giận, liền suy xét rằng: “Đối với người có chỗ [cư xử kém cỏi] chẳng bằng ta, xét về tình thì nên khởi lòng thương xót họ mới đúng; đối với người làm việc trái lý lẽ [xúc phạm ta] thì đó là sai trái của họ, nào có liên quan gì đến ta?” Nghĩ như thế thì thấy thật không có gì để giận dữ cả.

Lại suy xét rằng, trong thiên hạ chẳng có bậc hào kiệt nào lại tự mãn luôn cho mình là đúng, cũng không có học thuyết nào dạy ta oán ghét người khác. Công hạnh có điều chưa đạt được đều là do phước đức tự thân ta chưa tu tập đúng mức, chưa đủ cảm hóa người khác, ta cần phải lấy những điều đó để tự phản tỉnh, suy xét về bản thân mình. Như vậy thì khi có người đến phỉ báng, làm nhục, liền xem đó như sự cọ xát, rèn luyện [giúp đá thô] thành ngọc quý, như thế ắt phải vui mừng đón nhận, làm sao có thể nổi giận?

Hơn thế nữa, nếu ta bị phỉ báng mà không nổi giận, thì những lời xúc phạm ấy dù có nhiều đến đâu cũng chỉ như kẻ đốt lửa giữa khoảng không, rốt cuộc cũng phải tự lịm tắt. Bằng như nghe lời phỉ báng mà nổi giận thì cho dù hết lòng khéo léo biện bạch cũng chẳng khác nào con tằm mùa xuân nhả tơ làm kén, ngày càng tự trói chặt lấy chính mình. Như vậy, sự nóng giận chẳng những là vô ích mà còn gây hại nữa.

Đối với với hết thảy những lỗi lầm xấu ác khác cũng đều dựa theo đạo lý mà suy xét như thế. Nếu sự suy xét đạo lý đã được rõ ràng sáng tỏ thì mọi lỗi lầm xấu ác đều sẽ tự chấm dứt.

Thế nào là tu sửa lỗi lầm ngay từ trong tâm? [Đó là tự xét rằng], lỗi lầm xấu ác của con người có vô số nguyên nhân, nhưng hết thảy đều do tâm tạo tác. Nếu trong tâm mình an nhiên bất động thì lỗi lầm dựa vào đâu mà sinh khởi? Người tu học [phương pháp sửa lỗi này] đối với những lỗi lầm xấu ác như háo sắc, tham danh, tham tiền của, dễ nóng giận v.v... không cần thiết phải truy đuổi tìm kiếm đối trị từng loại, chỉ cần một lòng chuyên chú làm thiện, lúc nào cũng duy trì ý niệm chân chánh, thì bao nhiêu ý niệm tà vạy xấu ác sẽ tự nhiên không thể khởi lên làm ô nhiễm. Ví như khi mặt trời rực sáng giữa không trung, các loài yêu ma quỷ quái thảy đều trốn mất. Đây là [phương pháp sửa lỗi] chân truyền tinh tế nhất. Mọi lỗi lầm đều do tâm tạo tác, nên cũng do nơi tâm mà sửa đổi. Ví như việc đốn trừ loài cây độc, phải trực tiếp chặt phá ngay vào gốc rễ, đâu cần phải đốn tỉa từng cành nhánh, ngắt bỏ từng chiếc lá?

Nói chung thì phương pháp đối trị [lỗi lầm] ngay từ trong tâm là vượt trội và [hiệu quả] hơn hết. Đang khi tu tập giữ tâm thanh tịnh, nếu trong tâm vừa khởi động niệm [xấu ác] liền tức thời rõ biết; rõ biết rồi thì niệm [xấu ác đó] liền tự nhiên không còn nữa.

Bằng như chưa đủ sức để tu tập theo phương pháp trị tâm, thì nên dùng phương pháp suy xét rõ ràng theo đạo lý để trừ bỏ lỗi lầm.

Nếu vẫn chưa đủ sức dùng phương pháp suy lý, thì nên dùng phương pháp đối trị theo sự việc [sai trái] đã biểu hiện.

Nếu như sử dụng phương pháp trị tâm cao nhất, đồng thời kèm theo những phương pháp còn lại, như vậy cũng chẳng có gì sai lầm. Nhưng nếu chỉ biết sử dụng những phương pháp kém hiệu quả mà không biết đến phương pháp vượt trội hơn thì thật là khờ dại.

Cho nên, khi phát nguyện sửa đổi lỗi lầm xấu ác, thì giữa nơi sáng rõ nên cầu được bạn tốt nhắc nhở, ở chỗ u tối khuất lấp nên nguyện có quỷ thần soi xét chứng minh. Hết lòng sám hối [những tội lỗi đã qua], ngày đêm không chút giải đãi buông lung, trải qua một tuần, hai tuần, cho đến một tháng, hai tháng, ba tháng... ắt phải có hiệu quả ứng nghiệm. Chẳng hạn như cảm thấy tinh thần điềm nhiên, thư thái khoáng đạt; hoặc cảm thấy như trí tuệ khai mở, hốt nhiên sáng suốt; hoặc có những lúc rơi vào cảnh rối ren phiền nhiễu nhưng cảm xúc, suy nghĩ đều suốt thông không vướng mắc; hoặc có những lúc gặp kẻ oán thù nhưng có thể bình tâm đổi giận làm vui; hoặc mơ thấy nôn mửa ra vật đen tối; hoặc mộng thấy các bậc hiền thánh ngày trước hiện đến dắt dẫn ân cần; hoặc mơ thấy mình đi lại nhẹ nhàng trên hư không, hoặc mộng thấy những thứ như cờ phướn, lọng quý, đủ mọi cảnh tượng thù thắng tốt đẹp... Hết thảy những điều như thế đều là biểu hiện của việc đã dứt trừ được lỗi lầm xấu ác. Tuy nhiên, không được bám chấp vào những thành tựu như thế mà vội khởi tâm cao ngạo tự mãn, vì như thế sẽ ngăn trở ta không thể tiến bộ thêm nữa.

Xưa có người tên Cừ Bá Ngọc, khoảng năm 20 tuổi đã thấy rõ được những lỗi lầm xấu ác trước đây của mình và dứt trừ sửa đổi được hết thảy. Sang đến năm 21 tuổi mới biết những sự cải hối trước đây của mình thật ra vẫn chưa dứt hết [được lỗi lầm]. Sang năm 22 tuổi thì ông nhìn lại năm 21 tuổi, [quan sát những việc đã qua] như trong giấc mộng, [lại tiếp tục sửa lỗi]. Cứ như thế năm này sang năm khác, ông vẫn kiên trì tuần tự sửa lỗi. Cho đến năm 50 tuổi vẫn còn [nhìn lại] thấy được lỗi lầm của năm 49 tuổi.

Việc học sửa lỗi của người xưa là như thế. Chúng ta đều là những kẻ phàm tục tầm thường, những điều lỗi lầm xấu ác tích tụ dẫy đầy không kể xiết, thế mà khi nhìn lại những việc đã qua lại thường chẳng thấy được lỗi lầm chi cả! Ấy là bởi tâm mê muội nên mắt bị che mờ.

Tuy nhiên, con người khi lỗi lầm xấu ác quá sâu nặng cũng có những biểu hiện có thể thấy được. Chẳng hạn như tinh thần u ám, bế tắc, nói trước quên sau, hoặc không duyên cớ gì nhưng trong tâm vẫn thường phiền não, bực dọc; hoặc đối diện với người hiền lương quân tử thì cảm thấy hổ thẹn ngượng ngùng; hoặc được nghe những lời bàn luận chân chánh nhưng lại không vui thích; hoặc thường bị rơi vào cảnh làm ơn mắc oán; hoặc đêm nằm mộng thấy những chuyện điên đảo trái nghịch... Nếu nặng nề quá có thể sinh ra nói năng lộn xộn, tâm thần bất định... Hết thảy những điều như vậy đều là biểu hiện của việc làm xấu ác. Nếu thấy có một trong những biểu hiện như thế thì phải lập tức phát tâm mạnh mẽ phấn chấn, quyết lòng dứt bỏ lỗi cũ, dựng xây đời mới.

Mong sao người đọc [hiểu đúng được những điều như trên để] không tự dối mình.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Giải thích Kinh Địa Tạng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.69.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...