Mục tiêu đích thực cuộc hành trình của đời bạn
Tôi thấy những gì ông nói là đúng. Nhưng tôi cho rằng ta cần có mục đích cho đời mình, nếu không thì chỉ như một cánh bèo trôi dạt, lênh đênh; mà đã nói đến mục đích tức là nói đến tương lai, đúng không? Làm sao mà chúng ta có thể dung hòa chuyện sống có mục đích với chuyện sống trong phút giây hiện tại?
Trong một cuộc hành trình, nếu biết mình sẽ đi đâu hoặc ít ra biết được sẽ đi hướng nào là một điều rất hữu ích, nhưng đừng quên: Điều thực nhất cuối cùng về cuộc hành trình của đời bạn chính là những gì bạn đang làm trong phút giây này. Tất cả chỉ có vậy thôi.
Cuộc hành trình của đời bạn có một mục đích bên ngoài và một mục đích bên trong. Mục đích bên ngoài là nhằm đạt được mục tiêu, hoàn thành những gì bạn đã đặt ra, dĩ nhiên điều này ám chỉ đến tương lai. Nhưng nếu mục đích bên ngoài, hay những gì bạn sẽ làm trong tương lai thu hút quá nhiều sự chú tâm của bạn đến nỗi những chuyện đó trở nên quan trọng hơn những gì mà bạn đang bạn làm ngay trong phút giây này, thì lúc đó bạn đã đánh mất hoàn toàn mục tiêu bên trong của cuộc hành trình đời bạn. Mục tiêu nội tại này không liên quan đến “cái nơi” mà bạn hướng đến, hoặc “những gì” mà bạn sẽ làm, mà chỉ có liên quan mật thiết đến “phương cách mà bạn làm” như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Điều này không có liên quan gì đến tương lai, mà chỉ liên quan đến chất lượng của sự tỉnh thức ở trong bạn khi bạn đang làm bất kỳ một công việc gì trong phút giây này. Mục tiêu bên ngoài của đời bạn thuộc về chiều ngang của không gian và thời gian, còn mục tiêu bên trong liên quan đến chiều sâu của Bản Chất chân thật của bạn; mục tiêu đó có liên quan đến chiều dọc của thứ Hiện Tại vô thời gian.
Hành trình bên ngoài của bạn có thể có một triệu bước; nhưng hành trình bên trong của bạn chỉ có một bước: cái bước – được biểu hiện qua bất kỳ công việc gì – mà bạn đang làm. Khi bạn ý thức được sâu sắc về bước đi này, bạn sẽ thấy rằng trong nó đã có tất cả những bước khác cũng như cả mục tiêu mà bạn sẽ đến. Lúc đó, bước đi này(22) sẽ trở thành một nghệ thuật đưa bạn đến với biểu hiện của sự hoàn hảo: một hành vi nghệ thuật có chất lượng và nét đẹp tuyệt vời. Những gì bạn đang làm trong hiện tại với ý thức sáng tỏ ấy sẽ đưa bạn đến với Hiện Hữu, và ánh sáng của Hiện Hữu sẽ chiếu soi qua bước đi đó của bạn. Đây vừa là mục đích vừa là thành tựu của hành trình bên trong của đời bạn, hành trình đi vào trong chính mình.
Vậy có gì quan trọng không khi chúng ta đạt được những mục đích bên ngoài, có gì quan trọng không khi chúng ta thành công hay thất bại trong đời sống?
Điều này vẫn quan trọng đối với bạn chừng nào bạn vẫn còn chưa nhận thức được mục tiêu bên trong của mình. Sau đó thì mục tiêu bên ngoài của bạn chỉ còn là một trò chơi mà bạn vẫn tiếp tục chơi vì bạn thích chơi. Rất có thể là bạn hoàn toàn thất bại trong những mục tiêu ở bên ngoài, trong khi lại rất thành công đối với những mục tiêu ở bên trong. Hoặc ngược lại, là điều thường xảy ra hơn: là bạn rất giàu có bên ngoài nhưng lại rất nghèo nàn ở bên trong, như Chúa Jesus đã từng nói: “Con được cả thế gian nhưng lại đánh mất linh hồn”. Dĩ nhiên là rốt cuộc mọi mục tiêu bên ngoài, chẳng chóng thì chầy, rồi cũng đi đến chỗ “thất bại”, đơn giản chỉ vì nó phải chịu tác động của quy luật Vô Thường(23) của mọi sự, mọi việc. Nếu bạn càng sớm nhận ra rằng những mục tiêu bên ngoài sẽ không mang lại cho bạn sự thỏa mãn lâu dài thì càng tốt cho bạn chừng ấy. Khi thấy được những hạn chế của những mục tiêu ở bên ngoài, bạn sẽ không còn trông mong hão huyền rằng những thứ đó sẽ mang lại cho bạn sung sướng, lúc đó bạn sẽ cho những mục tiêu ngoại vi ấy trở thành phụ thuộc cho những mục tiêu bên trong của bạn.
Quá khứ không thể “sống dậy” khi bạn thực sự cảm nhận được hiện tại
Ông đã nói rằng nghĩ hay nói về quá khứ một cách không cần thiết là một trong những cách ta trốn tránh hiện tại. Nhưng ngoài những quá khứ mà ta nhớ và nhiều khi còn đồng hóa với nó, không phải còn có một tầng lớp quá khứ khác đã bám rễ sâu hơn ở trong ta? Tôi muốn nói đến cái quá khứ mà bây giờ ta vẫn chưa ý thức rõ, thứ quá khứ đã định đoạt cuộc đời của ta, đặc biệt là những quá khứ mà ta đã trải qua vào thời thơ ấu, hay ngay cả những gì ta đã trải qua ở kiếp trước. Cộng thêm những tác động của nền văn hóa liên quan đến vị trí địa lý và thời đại lịch sử mà chúng ta sống và lớn lên. Những điều này quy định cách mà ta nhìn thế giới, cách chúng ta suy nghĩ, phản ứng, và những kiểu quan hệ mà chúng ta sẽ có, cách chúng ta sống như thế nào. Làm sao chúng ta ý thức được hết những điều đó hay loại bỏ chúng? Sẽ mất bao lâu chúng ta mới làm được việc này? Cho dù có làm được, thì chúng ta sẽ còn lại gì khi những quá khứ khổ đau kia không còn nữa?
Khi ảo tưởng của bạn chấm dứt thì bạn còn lại gì?
Bạn thực sự không cần phải tìm hiểu về những quá khứ thiếu hiểu biết ở trong bạn ngoại trừ những lúc nó biểu hiện ra vào lúc này, dưới dạng một ý nghĩ, một cảm xúc, một sự thèm khát, một phản ứng hay là một sự kiện bên ngoài xảy ra cho bạn. Những thử thách trong giây phút hiện tại sẽ cho bạn biết những gì bạn cần biết về những quá khứ thiếu hiểu biết ở trong mình. Nên nếu bạn có ý muốn lục lọi quá khứ, nó sẽ trở thành một cái hố không đáy: sẽ luôn có thêm một điều gì đó của quá khứ. Có lẽ bạn cho rằng mình cần thêm thời gian để hiểu về quá khứ hay để thoát khỏi nó, nói một cách khác, rốt cuộc thì bạn nghĩ rằng tương lai mới là cái giải thoát bạn khỏi quá khứ. Đây chỉ là ảo tưởng. Chỉ có phút giây hiện tại mới giải thoát bạn khỏi quá khứ. Có thêm thời gian không thể giải thoát ta khỏi thời gian. Chỉ có sự tiếp xúc với năng lực của phút giây hiện tại. Đây là chìa khóa của bạn.
Không có gì khác ngoài chính năng lực của sự hiện diện ở trong bạn, chính ý thức của bạn mới giải thoát bạn khỏi mọi khuôn mẫu suy nghĩ miên man của chính bạn.
Cho nên hãy giải quyết quá khứ trên cơ sở của hiện tại. Khi ta càng chú tâm đến quá khứ, ta làm cho nó càng mạnh hơn, càng dễ dàng làm cho cái “tôi” ở trong bạn được tạo dựng ra. Đừng hiểu lầm: Chú tâm là điều rất cần thiết, nhưng bạn đừng chú tâm đến quá khứ như thể quá khứ vẫn đang còn xảy ra. Quá khứ đã xảy ra và đã chấm dứt rồi. Bạn hãy chú tâm đến hiện tại; để ý cách bạn cư xử, phản ứng, tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, sợ hãi, và những ham muốn ở trong bạn khi nó đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Đó chính là quá khứ ở trong bạn. Nếu bạn có mặt đầy đủ và toàn vẹn chỉ để nhận diện và quan sát mà không cần phê phán, không cần phân tích, lúc đó bạn đối diện với quá khứ và hóa giải nó bằng năng lực của chính sự có mặt của mình. Bạn không thể tìm ra chính bạn bằng cách đi sâu vào quá khứ, bạn tìm ra chính bạn bằng cách đến với phút giây hiện tại.
Thế không phải rất có ích để hiểu thêm về quá khứ, qua đó ta hiểu tại sao ta làm một việc gì đó, tại sao ta phản ứng theo một cách nào đó, hay tại sao ta đã mê lầm tạo ra những tấn tuồng nào đó, tạo ra khuôn mẫu trong những mối quan hệ nào đó của ta với người khác, v.v.?
Khi bạn ý thức hơn về tình trạng hiện thời, bỗng nhiên bạn có một sự hiểu biết sâu xa về những thói quen hành xử của ta. Ví dụ, tại sao quan hệ của ta luôn luôn đi theo một khuôn mẫu nào đó, hoặc có thể bạn nhớ lại những chuyện đã xảy ra trong quá khứ và nhìn thấy chúng rõ hơn. Đó là một điều tốt và có ích nhưng không phải là điều trọng yếu. Điều trọng yếu là sự có mặt tỉnh thức của bạn. “Đó” là cái hóa giải được quá khứ, là tác nhân chuyển hóa. Đừng tìm hiểu thêm gì về quá khứ mà chỉ cần bạn có mặt với phút giây hiện tại càng nhiều càng tốt. Quá khứ không thể tồn tại trong sự hiện diện đích thực của bạn. Quá khứ chỉ tồn tại khi bạn vắng mặt.
Chú thích Chương 4:
1) Ung dung tự tại (hay an nhiên tự tại) là trạng thái tâm bạn Có Mặt một cách sâu sắc, an lạc với những gì đang xảy ra chung quanh mình. Nhưng không bị những thứ đó làm chao đảo mình.
2) Tìm về quá khứ để tạo cho mình một tấm căn cước: Vì không biết mình thực sự là ai, chúng ta chối bỏ phút giây hiện tại, và có nhu yếu đi tìm một tấm căn cước cho chính mình qua những huy hoàng, thành công cũ của quá khứ để tự hào rằng tôi đã từng là ông này, bà nọ, từng giữ chức vụ này, chức vụ kia, là một người giàu có hay nổi tiếng,… Hoặc đi tìm mình qua những thất bại, bất hạnh, bệnh tật: tôi là một nạn nhân, một người bị vợ (hay chồng) ngoại tình, tôi là một kẻ bất tài, một người tàn phế,… Tất cả những thứ đó chỉ là nỗ lực vô vọng trong chúng ta để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng vì không biết câu trả lời căn bản đó nên chúng ta phải đi tìm chính mình qua một cái tôi, một bản ngã, một tấm căn cước của những vai trò mình đã đóng trong quá khứ.
3) Trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc: là trạng thái tâm thức Có Mặt sâu sắc với phút giây hiện tại, không bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai.
4) Khi đồng nhất mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ... xảy ra ở trong bạn: Nghĩa là khi có một suy tư hay ý tưởng phát sinh ở trong đầu, như “Ồ tôi sẽ bị mất việc”,… bạn trở thành một, hay đồng nhất với ý tưởng đó và trở nên hoảng hốt, lo sợ. Hoặc giả dụ, khi có một cảm giác giận dữ phát sinh ở trong lòng, vì một người đối diện lỡ nói một điều gì phật ý mình,… bạn lập tức cho rằng mình là cảm giác giận dữ ấy, nghĩa là bạn trở thành sự giận dữ ấy, mà không hề biết, do đó bạn đánh mất chính mình, không còn tự chủ và bị sai sử bởi cơn giận đang có mặt ở trong mình.
5) Khi khối khổ đau sâu dày ở trong bạn bị kích thích và bạn đồng nhất với khối khổ đau đó: tức là khi bạn trở thành một, hay thiếu hiểu biết cho rằng “tôi chính là nỗi khổ ở trong tôi”. Nếu khối khổ đau của bạn là biểu hiện của cảm giác bất lực, thì lúc đó bạn sẽ tự nói thầm một cách thiếu hiểu biết với chính mình:“Ừ, tôi là cảm giác bất lực này” và bạn trở nên một người bất lực, không còn khả năng hành động.
6) Thực tập nuôi lớn ý thức sáng tỏ trong đời sống hằng ngày: Sự nuôi lớn những hiểu biết sáng tỏ ở trong ta, giúp ta biết rõ những gì đang xảy ra ở bên trong và chung quanh mình, khiến ta tự biết chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm.
7) Những người da trắng (thời những di dân từ châu Âu mới đến lục địa Bắc Mỹ lập nghiệp, khoảng đầu thế kỷ 17) này luôn luôn muốn một cái gì đó. Họ luôn luôn bứt rứt, không yên. Chúng tôi không biết họ muốn gì: Nhận xét này của vị thủ lĩnh người da đỏ không những đúng cho những người da trắng mà ông đã tiếp xúc, mà còn đúng cho những người đang sống trong thời đại này. Chúng ta cũng luôn luôn như muốn một cái gì, luôn cảm thấy bứt rứt, bất an, và không biết rõ ta đang muốn cái gì.
8) Loại nhiễu nền của tâm thức: là trạng thái bất an, không yên, thường nằm lẫn ở phía sau hậu trường của tâm thức.
9) Vô thức: hay vô minh, nghĩa là ta không có ý thức rằng mình đang làm gì.
10) Chịu trách nhiệm cho không gian bên trong: tức là chịu trách nhiệm cho sự ô nhiễm ở trong lòng mình do những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin,… tiêu cực của mình.
11) Cái tôi biệt lập: là ấn tượng ở trong ta, có vẻ rất thật, nhưng sai lầm rằng có một bản ngã, một cá thể, một con người… ở trong ta, biệt lập, không dính dáng gì đến thế giới chung quanh, ta phải tự lo liệu chuyện sinh kế, sống còn…
12) Một mớ phản xạ bị định đặt: những cách, những khuôn mẫu mà chúng ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một thói quen lâu đời, đã cố định, đã đi theo một lối mòn quen thuộc trong tâm thức, mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ khi giận ai thì ta bị nghẹn cổ, muốn phân giải, nhưng cảm thấy bất lực, vì lúc đó ta không thể nói được gì cả, chỉ biết khóc; có người khi có chuyện bất đồng với người khác thì không muốn nói chuyện với người kia cả tuần, cả tháng… Có người khi gây gổ với ai thì chỉ muốn tuyệt giao với người đó ngay, không muốn nghe người kia phân trần gì cả.
13) “Quân Đội Thế Giới và Những Tổn Thất của Xã Hội”, trang 7, ấn bản thứ 16 của Ruth L. Sivard, do nhà xuất bản World Priorities ở Washington, DC, năm 1996.
14) Loài hữu tình: chim muông, cầm thú, gia súc,…
15) Phóng chiếu những vấn đề tình cảm chưa ổn thỏa của mình trong quá khứ lên người khác: ví dụ ta có một vấn đề chưa ổn thỏa với bố mình trong quá khứ, như có sự bất mãn, không nể phục nhân cách của bố. Thì khi ta vào công sở, ta rất dễ có vấn đề với cấp trên. Vì trong sự thiếu hiểu biết, ta xem người cấp trên của mình như là bố mình, và ta có khuynh hướng cư xử rất kỳ cục, và quá đáng với những chuyện bất hòa nhỏ nhặt ở sở làm. Những vết thương quá khứ này vẫn còn đau đớn nên ta không muốn đối diện với vết thương này. Do đó phóng chiếu, hoặc đổ lỗi cho người khác là một cách chúng ta làm trong sự thiếu hiểu biết vì trong ta vẫn còn sự chống đối với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta không muốn nhận trách nhiệm những vấn đề của ta.
16) Sự cách biệt là cơ sở cho bản ngã ở trong bạn nhận diện chính nó: Tự ngã ở trong bạn luôn bận tâm suy nghĩ, và phân biệt: “À, cái này là tôi, cái này không phải là tôi, cái này của tôi, cái này không phải của tôi…”. Nó luôn cảm thấy cách biệt với thế giới và với mọi người chung quanh. Đó là một cảm nhận rất căn bản của tự ngã ở trong ta. Vì tự ngã luôn luôn ở trong trạng thái phân ly này và luôn cảm thấy lo sợ chuyện sinh tồn, nó nghĩ nó phải tự lo liệu cho chính nó. Nếu bạn có ý thức rõ, bạn sẽ thấy rằng cuộc đời của bạn luôn luôn bị chi phối bởi một năng lượng đấu tranh, sống còn ngấm ngầm này của tự ngã mà bạn cứ lầm tưởng đó là cái lo sợ của chính bạn.
17) Mọi chuyện đâu đã vào đấy, ta không có vấn đề gì phải bận tâm cả: Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng vạn pháp đã luôn an trú trong tự tánh niết bàn của chúng, nghĩa là mọi chuyện trong đời đã ổn thỏa, đâu vào đấy cả rồi, chỉ vì tự ngã phân biệt, vô minh ở trong ta nhìn thế giới bằng nhãn quan sai lạc nên mới có lo, có sợ, luôn phóng tâm muốn làm chuyện này, thay đổi chuyện kia,… Những bậc đắc đạo thực tập hạnh vô vi, vô hành là vì họ đã có cái thấy sâu sắc này.
18) Những mô thức chống đối của lý trí – cảm xúc: những khuôn mẫu, thói quen chống đối trong cách ta cư xử, phản ứng trong tình cảm và suy tư đã thành một cái nếp mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ: khi không đồng ý với người khác, chúng ta bắt đầu rơi vào thói quen chê bai, nói xấu, cảm thấy ghét bỏ, giận hờn người đó. Có những chuyện người ấy đã làm trước đây, ta chẳng có vấn đề gì, mà bây giờ sau khi có sự bất đồng với họ, tự nhiên ta chỉ muốn tìm lỗi, vạch lá tìm sâu,… chê bai, phê phán những chuyện đã qua.
19) Những mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân của bạn: Khi một biến cố gì xảy ra, chúng ta thường không nhìn sự việc chính xác, đúng đắn, khách quan. Trái lại, chúng ta có khuynh hướng nhìn sự việc rất lệch lạc và thích xem mình là nạn nhân của biến cố đó. Khi làm một nạn nhân như thế, chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm phần của mình trong biến cố và do đó đánh mất cơ hội hiểu mình hơn, cơ hội nhìn ra và chữa lành những khiếm khuyết và thương tích của mình được bộc lộ ra trong biến cố đó. Chúng ta thích làm nạn nhân của cuộc đời và thường có rất nhiều mẫu chuyện với tâm thức nạn nhân được chúng ta chứng minh, kể đi, kể lại nhiều lần.
20) Sự sống chính là Bản Thể nội tại sâu xa nhất của bạn: Trong bài thơ “Hãy Gọi Đúng Tên Tôi” của thầy Nhất Hạnh (trang 64 trong cuốn Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát của Sư Cô Chân Không– Lá Bối), thầy nói rằng chúng ta không chỉ giới hạn trong tấm hình hài nhỏ bé này, mà chúng ta cũng là tất cả, ta chính là sự sống thênh thang, ngay trong phút giây này đang diễn ra khắp mọi nên trên vũ trụ; ta chưa từng đến, chưa từng đi, chưa từng sinh và cũng chưa từng diệt.
21) Tâm thức nhiễu nền của sự bất bình muôn thuở: Tức là đằng sau nền móng của tâm thức của chúng ta có một sự nhiễu xạ của những cảm giác bất bình, không hài lòng từ bao đời, bao kiếp.
22) Bước đi này: tức là bất kỳ một việc gì mà ta đang làm, ví dụ như pha trà chẳng hạn, có thể trở thành một nghệ thuật. Trong khi pha, người pha trà để hết tâm ý của mình vào từng động tác. Tất cả mỗi cử động đều được người ấy làm trong ý thức sáng tỏ về những gì mình đang làm, làm mà không có một chút hấp tấp vội vã nào. Trái lại, mỗi động tác được làm nhẹ nhàng, có sự thưởng thức những động tác đang làm với mức độ tập trung cao. Những gì ta làm (quét nhà, rửa chén, làm vườn, hay ngay cả công việc ta thường làm ở công sở,…) nếu được làm với ý thức sáng tỏ, tất cả đều trở thành một nghệ thuật. Cái đẹp và niềm vui được biểu hiện trong ta khi ta làm động tác ấy.
23) Vô Thường: Tính không bền vững, tạm bợ của mọi sự, mọi vật. Ngày hôm nay ta đang khỏe nhưng ngày mai chưa chắc ta còn khỏe như ngày hôm nay. Ngày hôm nay ta còn sống nhưng ngày mai chưa chắc ta còn sống. Cho nên những gì ta quan trọng mà ta có thể làm được trong ngày hôm nay thì ta hãy làm cho xong. Thực tập sống với ý thức sáng tỏ ngày hôm nay như là một ngày cuối cùng trong đời sống của chúng ta, và chúng ta chu toàn mọi việc.