"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bản đồ tu Phật - Tập 2 »» Luật tông »»

Bản đồ tu Phật - Tập 2
»» Luật tông

Donate

(Lượt xem: 2.344)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Bản đồ tu Phật - Tập 2 - Luật tông

Font chữ:

CON ĐƯỜNG TU PHẬT THỨ NHẤT TRONG 10 TÔNG

Luật tông

1. Duyên khởi lập tông

Tông này dùng Luật làm chỗ căn cứ, nên gọi là Luật tông. Đức Phật khi còn tại thế, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chế ra nhiều loại giới luật để răn dạy đệ tử, hóa độ chúng sinh. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn, các đại đệ tử của Ngài, như Ưu-ba-li là vị tinh thông về giới luật, đứng lên pháp tọa trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, để tụng đọc lại những giới luật mà đức Phật đã chế ra. Lần kết tập này chưa biên chép thành kinh điển, nên ngài Ưu-ba-li phải đọc đi đọc lại đến 80 lần, đến nỗi mỗi người trong hội nghị đều thuộc lòng. Do đó, mới có tên gọi là “bát thập tụng luật”. Về sau, tuần tự theo thời gian, nguyên thủy Phật giáo lần hồi chia ra làm nhiều nhánh, hay bộ phái. Mỗi bộ phái đều theo một bộ luật riêng. Trong số các bộ luật này, bộ được nói đến và áp dụng nhiều nhất là các bộ: Thập tụng, Tứ phần, Tăng ký, Ngũ phần.

Những bộ luật này được truyền sang Trung Hoa và phiên dịch ra Hán văn. Đến đời Đường, ngài Trí Thủ luật sư chú giải các bộ ấy, và đệ tử của ngài là Đạo Tuyên luật sư, nhận thấy trong các bộ ấy, bộ luật Tứ phần là thích hợp với căn cơ người Trung hoa, nên đã căn cứ vào bộ luật này để lập ra Luật tông. Ngài ĐạoTuyên là người ở Chung Nam sơn, nên người đời cũng gọi tông này là “Chung Nam sơn tôn”, để phân biệt với các Luật tông khác, như của các ngài Pháp Lệ bên phái Hữu tướng bộ, hay ngài Hoài Tố ở Đông Pháp.

Trong các tông này, chỉ có Luật tông của ngài Chung Nam sơn là thạnh hành hơn hết và được truyền bá cho đến bây giờ, vì nó dung hòa cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa.

2. Tông chỉ và đặc điểm của Luật tôn

Phàm một tổ chức, một công việc gì đúng đắn cũng đều phải tuân theo những quy luật nhất định. Hơn tất cả, sự tu hành lại càng phải tuân theo những giới luật nghiêm minh. Như chúng ta đã biết trong giáo lý căn bản, nghiệp là động lực chính của vũ trụ nhân sinh. Nghiệp định đoạt tất cả đời sống của chúng ta. Nghiệp có ba loại: nghiệp của hành động, nghiệp của lời nói và nghiệp của ý nghĩ. Nếu những nghiệp ấy được thanh tịnh, không tạo ra các ác, thì ta không thọ quả báo sanh tử luân hồi. Không có quả báo sanh tử luân hồi thì tất nhiên là được giải thoát. Muốn các nghiệp được thanh tịnh thì ta phải giữ gìn giới luật. Giữ gìn giới luật, chính là một phương pháp tu hành trong nhiều phương pháp mà Phật đã chế ra. Phương pháp này rất thiết thực và rất hiệu nghiệm đối với Phật tử chúng ta:

Giữ giới không sát nhơn hại vật, hiện đời không làm người hung dữ, khỏi bị tù tội, về sau khỏi đọa trong ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và khỏi bị người giết hại, đó là tu.

Giữ giới không trộm cướp, thì hiện đời làm người lương thiện, khỏi bị giam cầm xiềng xích, đời sau không mắc quả báo, bị người giựt của cướp đồ, đó là tu.

Giữ giới không tà dâm, hiện thời thành người tốt, gia đình mình và người không bị rầy rà đánh đập, khổ sở vì ghen tương, đó là tu.

Giữ giới không nói dối, không nói láo xược, thèo lẽo, thêm bớt, đâm thọc, không nói hung ác và thô tục, thì không bị người khinh khi, lại được sự kính trọng, đó là tu.

Giữ giới không cờ bạc, hút xách, rượu chè, thì khỏi mất tiền, thiếu nợ, khỏi say sưa, làm điều tội lỗi và khỏi bị người khinh bỉ, trí huệ tăng trưởng, đó là tu.

Nói một cách tổng quát, giữ một giới là ngăn ngừa một điều tội lỗi, và thêm một điều tốt; giữ nhiều giới là ngăn ngừa được nhiều điều tội lỗi và thêm được nhiều điều tốt. Bởi thế, nên giữ giới luật là phương pháp tu không xa thực tế và rất cần thiết cho các Phật tử cầu đạo giải thoát.

Nhờ giữ giới luật không làm các việc tội lỗi, nên tâm được “định”; do tâm định nên phát sanh ra trí tuệ sáng suốt. Nhờ có trí huệ sáng suốt nên phá trừ được vô minh, si ám và minh tâm kiến tánh thành Phật.

Người tu tại gia có giữ giới, mới thành Phật tử chơn chánh. Người xuất gia thọ Sa-di, có giữ giới mới là chơn tu. Thầy tỳ-kheo có giữ giới mới là Tỳ-kheo thanh tịnh. Bồ-tát có giữ giới mới là chơn Bồ Tát. Bởi thế nên trong ba môn vô lậu học (giới, định, huệ), “giới” là đứng đầu hết cả.

Tông này sở dĩ lập ra là nhằm vào lợi ích thiết thực và chắc chắn của giới luật, như đã trình bày ở trên.

3. Các loại giới luật

Giới luật có nhiều từng bực, tùy theo căn cơ, tùy theo giới tu sĩ, tùy theo sự phát nguyện của kẻ tu hành mà áp dụng. Nhưng nói một cách tổng quát thì giới luật có thể phân chia làm hai loại lớn là: giới luật của Tiểu thừa và giới luật của Đại thừa.

Những giới luật nào có tánh cách tiêu cực, tư lợi, chỉ có mục đích chính là tránh tội lỗi cho riêng mình là thuộc về giới Tiểu thừa. Tất nhiên trong khi giữ giới cho riêng mình, thì người khác cũng được lợi, như giữ giới không trộm cướp, thì mình được lợi là kềm giữ lòng tham, mà người khác cũng được lợi là khỏi phải bị cái khổ vì tiếc của đã mất. Mặc dù thế, giới không trộm cướp cũng chỉ liệt vào giới Tiểu thừa, vì trong khi giữ cho mình; còn cái lợi cho người chỉ là ảnh hưởng gián tiếp của người ấy. Những giới như: Ngũ giới (năm giới chế cho người tại gia); Bát quan trai giới (tám giới chế cho người tại gia tập sống như người xuất gia); Sa-di và Sa-di-ni giới (10 giới chế cho người mới xuất gia); Thức-xoa (sáu điều nữ học giới); Tỳ-kheo giới (250 giới) và Tỳ-kheo-ni giới (348 giới) là những giới thuộc về Tiểu thừa.

Những giới luật nào có tánh cách tích cực, nhằm vào mục đích lợi tha hơn tư lợi thì thuộc vào Đại thừa giới. Những giới thuộc Đại thừa như: 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát; Tam tụ tịnh giới (gồm có: Nhiếp luật nghi giới là không làm các việc ác; Nhiếp thiện pháp giới là làm những việc lành; Nhiêu ích hữu tình giới là làm ích lợi cho chúng sinh, như làm các việc có tánh cách từ thiện, xã hội, v.v...)

Nếu đứng về phương diện hành trì mà phân loại, giới luật lại có thể chia làm hai phần lớn: một thuộc về chỉ trì, nghĩa là ngăn dứt các ác nghiệp; một thuộc về tác trì, nghĩa là hành động theo các thiện nghiệp.

Về chỉ trì, có hai bộ giới bổn:

Tỳ-kheo giới bổn, gồm có 250 giới, chia làm tám nhóm là: 1/ Ba-la-di (bốn giới), 2/ Tăng tàn (13 giới), 3/ Bất định (hai giới), 4/ Xả đọa (30 giới), 5/ Đơn đọa (90 giới), 6/ Đề-xá-ni (bốn giới), 7/ Chúng học (100 giới), 8/ Diệt tránh (bảy giới). Hai trăm năm mươi giới này, có thể chia thành tám nhóm như trên, nhưng cũng có thể tùy nghi chia là năm nhóm (ngũ thiên), sáu nhóm (lục tụ), hay bảy nhóm (thất tụ).

Tỳ-kheo-ni giới bổn gồm có 348 giới chia làm bảy nhóm là: 1/ Ba-la-di (tám giới), 2/ Tăng tàn (17 giới), 3/ Xả đọa (30 giới), 4/ Đơn đọa (178 giới), 5/ Đề-xá-ni (tám giới), 6/ Chúng học (100 giới), 7/ Diệt tránh (bảy giới). Ba trăm bốn mươi tám giới này, có thể chia làm bảy món như trên, nhưng cũng có thể tùy nghi chia thành năm nhóm, sau nhóm hay bảy nhóm như bên tăng.

(Ghi chú: Chúng tôi chỉ giới thiệu những danh từ của các giới luật tăng, ni chứ không nói rõ hơn, vì theo luật Phật, người thọ giới ở cấp bực nào thì chỉ biết giới luật của cấp bậc ấy mà thôi.)

Giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trên này gọi là Cụ túc giới, nghĩa là những giới đem lại người thọ vô lượng giới hạnh phước đức. Nhưng 250 hay 348 giới chưa phải nhiều. Đó chỉ là mới tóm thâu những giới luật chính, làm giềng mối cho sự trì phạm mà thôi. Nếu kể cho hết giới luật thì về “lượng” sánh đồng hư không, về “cảnh” lại lan khắp cả pháp giới. Nếu kể về bực trung, thì bên Tăng có đến 3.000 oai nghi, 80.000 tế hạnh; bên Ni có đến 80.000 oai nghi 120.000 tế hạnh.

Vì sao Phật lập ra nhiều giới như thế? Vì mỗi một giới là ngăn ngừa một điều tội lỗi, mà con người chúng ta là phàm phu, từ tâm niệm cho đến hành vi, có không biết bao nhiêu điều tội lỗi, nên Phật phải chế ra có vô số giới luật để ngăn ngừa.

Về tác trì, gồm có 20 kiền-độ. Kiền-độ nghĩa là phẩm loại, điều luật (Khanda). Hai mươi kiền-độ là: Thọ giới kiền-độ, Thuyết giới kiền-độ, An cư kiền-độ, Tự tứ kiền-độ, v.v. Sự chia ra Chỉ trì và Tác trì là cốt cho dễ phân biệt trong khi giữ giới, chứ thật ra nói một cách rốt ráo thì trong chỉ có tác, trong tác có chỉ, không thể nói một cách dứt khoát được.

4. Các danh từ và phương pháp thực hành cần biết

Như chúng ta đã thấy ở trên, giới luật của Phật chế ra rất nhiều; do đó, danh từ chuyên môn và cách thức giữ giới cũng rất phức tạp. Vậy muốn giữ giới được kết quả, trước tiên phải biết những điều sau đây:

Sao gọi là “danh, chủng, tánh, tướng”? Danh là tên (danh từ) nghĩa là tên mỗi giới, như “bất sát sinh, bất thâu đạo”, v.v. Chủng là chủng loại, hay nhóm; như chúng ta đã thấy ở phần chia các giới của Tăng, Ni: Ba-la-di, Tăng tàn, v.v. Tánh là tâm tánh, là tánh chất ở bên trong; như người giữ giới, trong tâm niệm không nghĩ tưởng đến việc sát, đạo, dâm, vọng, v.v., hoặc thấy người phạm cũng không sanh tâm vui mừng hay liên tưởng đến. Giữ gìn tâm tánh ở bên trong được thanh tịnh như vậy, gọi là “tánh giới”. Tướng là hình tướng ở bên ngoài; như bên trong đã không nghĩ đến sát sanh, trộm cướp (tánh giới) v.v., mà bên ngoài cũng không thực hiện những điều tội ác ấy, gọi là “tướng giới”.

Tóm lại, mỗi khi phạm một điều tội lỗi, người giữ gìn giới phải biết tội ấy tên là gì (danh), sát hay đạo, v.v., thuộc về loại nào (chủng) Ba-la-di hay Tăng tàn, v.v., thuộc về nội tâm (tánh) hay ngoài thân (tướng), và cuối cùng hành giả phải biết tội ấy, theo luật, phải trị phạt như thế nào mới được thanh tịnh?

Sao gọi là “khai, giá, trì, phạm”? Khai là mở, cho làm. Giá là ngăn cấm, không cho làm. Như khi Phật còn tại thế, Ngài cấm các vị Tỳ-kheo leo cây; đó là “giá”. Nhưng về sau, có vị Tỳ-kheo đi vào rừng, bị ác thú rượt, mà không dám leo lên cây để tránh, vì sợ phạm giới, và cuối cùng phải bị ác thú hại. Từ đó Phật dạy “nếu có duyên sự thì được leo cây” như thế gọi là ‘khai’. Một thí dụ thứ hai: người Phật tử phải giữ gìn không uống rượu; đó là “Giá”. Nhưng khi bị bịnh nặng, nếu cần rượu hòa vào thuốc, uống mới lành bệnh, thì tạm được dùng; đó là “Khai”. Nhưng trước khi uống, phải bạch với chư Tăng.

Trì là giữ gìn; như khi đã thọ giới mà giữ gìn cho được thanh tịnh thì gọi là “Trì”. Phạm là phạm giới; như đã thọ giới rồi mà không giữ gìn giới thì gọi là “Phạm”.

Tóm lại, trong khi tu hành giữ giới luật, hành giả luôn luôn quan sát mỗi một hành vi hằng ngày của mình, xét xem một cách sáng suốt thế nào là “Trì”; thế nào là “Phạm”; trong trường hợp nào, và giới nào được “Khai”; trong trường hợp nào và giới nào không được “Khai”, v.v... Nói một cách tổng quát, khi đã thọ giới thì phải “Trì”. Nếu không “Trì” là “Phạm”. Tuy thế, nếu vì lòng từ bi, vì lợi ích chung, hay vì trí tuệ thúc đẩy, thì có thể “Khai” mà không phạm tội. Nhưng nếu vì tâm nhiễm ô, vì phiền não thúc đẩy mà “Khai” thì là “Phạm”.

Sao gọi là “chỉ trì, tác phạm và tác trì, chỉ phạm”? Chỉ trì là nói về phương diện các điều ác quyết giữ gìn không gây tội lỗi. Tác phạm là nói về phương diện các điều ác, đáng lẽ phải giữ gìn, mà lại không giữ được, cho nên phải phạm tội lỗi. Tác trì là nói về phương diện các điều thiện cần phải làm, mới là giữ giới. Chỉ phạm là nói về phương diện các điều thiện, nếu đình chỉ không làm, là phạm giới. Thí dụ: Về tội ăn trộm, nếu không làm là chỉ trì, nếu làm là tác phạm. Trái lại, về hạnh bố thí, nếu làm là tác trì, nếu không làm là chỉ phạm.

Sao gọi là tánh tội và giá tội, hay tánh giới và giá giới? Tánh tội là tội sẵn có trong bản tánh chúng sanh, như sát, đạo, dâm, vọng. Bổn tánh này có sẵn trong tâm tánh chúng sanh từ vô thỉ đến nay, hễ có chúng sanh là có chúng nó. Mỗi người, không cần ai dạy bảo, không cần học tập, đều biết sát, đạo, dâm, vọng. Vì thế cho nên gọi là tánh tội.

Giá tội là tội không sẵn có trong bản tánh, nhưng do hoàn cảnh, do tập nhiễm mà phát sinh; như tội uống rượu chẳng hạn. Nói một cách tổng quát, ngoài bốn tánh tội là sát, đạo, dâm, vọng, còn bao nhiêu tội khác đều thuộc giá tội cả.

Tánh giới là giới từ bản tánh, để ngăn ngừa bổn tánh tội là sát, đạo, dâm, vọng. Giới này rất quan trọng, nhưng cũng rất khó giữ. Giữ được bốn giới này thì sự tu hành tất sẽ kết quả và con đường giải thoát chắc chắn sẽ chờ đón hành giả.

Giá giới là để ngăn ngừa tội lỗi do hoàn cảnh huân tập mà phát sinh. Những giới này ít quan trọng hơn những giới trên. Nhưng muốn giữ được tánh giới một cách ít khó khăn, phải cần giữ giá giới. Như người muốn đốn cây đại thụ, trước tiên phải chặt dần ngành ngọn; như người dụng binh giỏi, trước khi muốn chiếm một đô thị lớn, phải ngăn chận các con đường đi vào đô thị ấy.

5. Kết luận

Như chúng ta đã rõ, mục đích của giáo pháp mà đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta là để được minh tâm, kiến tánh và thành Phật. Tất cả các tông phái, mặc dù có chủ trương và đặcđiểm khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng cũng đều là một: Giác ngộ và thành Phật.

Luật tông cũng không đi ra ngoài mụcđích trên, mặc dù phương pháp có khác. Phần nhiều các tông khác thì phải hiểu rồi mới tu; Luật tông, trái lại, chủ trương: hãy tu đi rồi sẽ hiểu, hãy giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, thì tâm sẽ định tĩnh, thanh tịnh; tâm đã thanh tịnh, thì trí huệ sẽ sáng suốt, chân tâm sẽ hiện bày, Phật tánh sẽ phát lộ.

Thật là một chủ trương rất thiết thực, mà kết quả lại chắc chắn! Những kẻ học rộng biết nhiều mà không giữ giới cũng chẳng khác gì ngọn đèn trước gió, có thể sáng lắm, nhưng không biết sẽ tắt khi nào. Trái lại, kẻ học ít biết hẹp mà giữ giới một cách chân thành, thì cũng như ngọn đèn có ống khói, khi mới thắp còn lu, nhưng không tắt, và càng cháy lâu càng sáng tỏ.

Vì những lý lẽ trình bảy ở trên, Luật tông đều thích hợp với mọi căn cơ, nhất là với những căn cơ chậm lụt. Ở đời chúng ta thường thấy phần nhiều những người có căn trí lanh lẹ, hiểu nhanh biết lẹ, nhưng vì hay ỷ vào sức mình, không chịu đặt mình vào khuôn phép kỷ luật, nên cuối cùng, chẳng thu hoạch được kết quả gì tốt đẹp cả. Trái lại, những kẻ có căn trí tầm thường, nhiều khi chậm lụt nữa, nhưng lại dễ thành công trên đường đời cũng như trên đường đạo, vì họ biết thủ phận, chịu khó khép mình vào kỷ luật, không tự mãn, tự cao. Những đệ tử của Phật, có ai có một địa vị xã hội hạ tiện (đi gánh phân) và một căn trí thấp thỏi như ngài Ưu-ba-li? Thế mà ngài Ưu-ba-li đã trở thành một đại đệ tử của Phật, đã thành một bậc hiền thánh, chỉ nhờ nghiêm trì giới luật! Chúng ta đây, địa vị xã hội và căn trí chắc chắn không kém ngài Ưu-ba-li, lẽ nào chúng ta không thu hoạch được thành quả tốt đẹp như ngài, nếu chúng ta cũng tập nghiêm trì giới luật như ngài?

Trước khi chấm dứt về tông này, chúng tôi xin mời quí Phật tử hãy suy xét kỹ lưỡng và tự trả lời mấy câu hỏi giản dị sau đây: Tu như thế này có cầu kỳ, xa thực tế không? Đối với mình, con đường tu về Luật tông trong “Bản đồ tu Phật” này có cần thiết, thích hợp với mình không?

HẾT PHẦN LUẬT TÔNG


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết-bàn


Hạnh phúc là điều có thật


Giọt mồ hôi thanh thản


Tôi đọc Đại Tạng Kinh

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.144.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...