Chim khôn kêu tiếng rỗng rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
(Ca dao)
Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta đã sớm biết được rằng “dịu dàng dễ nghe” là
biểu hiện của người khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói. Quả thật, nếu bạn
nói ra toàn những lời hợp tình đúng lý, sâu xa hàm súc, nhưng lại bằng
một cách nói “khó nghe” thì chắc chắn là sẽ không mấy ai lắng nghe bạn,
và vì thế mà hiệu quả của những lời nói ấy sẽ chẳng đạt được bao nhiêu.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sự cần thiết của nội dung
lời nói, là muốn nói sao thì nói, bất kể chuyện đúng sai, phải quấy. Ở
đây chỉ là nhấn mạnh việc bạn nói năng như thế nào cũng có vai trò quan
trọng không kém, thậm chí còn có thể là quan trọng hơn, so với nội dung
những điều muốn nói.
Khi bạn đưa ra một ý kiến, điều tất nhiên mà bạn chờ đợi ở sự thẩm định
của người khác là ý kiến ấy có thể đúng hoặc sai, chứ không thể tin chắc
là bao giờ cũng hoàn toàn chính xác. Nếu là một ý kiến đúng, bạn sẽ được
tán thành. Nếu là một ý kiến sai, bạn sẽ nhận được sự giải thích về
những điểm không đúng trong đó, và ý kiến ấy bị bác bỏ. Sự bác bỏ ý kiến
của bạn hoàn toàn không có nghĩa là người nghe đã mất đi thiện cảm với
bạn, mà chỉ có nghĩa là nội dung của ý kiến ấy không phù hợp, không
chính xác...
Tuy nhiên, cách trình bày ý kiến của bạn lại thực sự có giá trị mang lại
hoặc đánh mất đi thiện cảm của người nghe dành cho bạn. Khi bạn biết
“nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, thì cho dù bạn nói sai, bạn vẫn nhận được
cảm tình của người nghe. Ngược lại, nếu bạn nói năng theo cách “khó
nghe”, thì cho dù những điều bạn nói ra là chính xác và được chấp nhận,
nhưng cảm tình của người nghe dành cho bạn có thể là sẽ không còn nữa.
Vì thế, người khôn ngoan chưa hẳn đã có thể luôn nói ra những điều hoàn
toàn chính xác, không sai lầm, nhưng chắc chắn là bao giờ họ cũng biết
trình bày ý kiến của mình theo cách rất “dịu dàng dễ nghe”.
Sức mạnh của lời nói dịu dàng, êm ái là có thể hàn gắn được những tổn
thương tinh thần và tạo ra được thiện cảm nơi người nghe. Ngược lại, lời
nói thô lỗ, cứng rắn và xúc phạm bao giờ cũng có khả năng gây tổn thương
cho người khác và tạo ra những định kiến, ác cảm nơi người nghe.
Vì thế, chúng ta cần phải biết phân biệt giữa nội dung điều muốn nói và
cách nói ra những điều ấy. Trong khi chúng ta hoàn toàn không nên chủ
quan về tính chính xác của những gì mình nói ra, cần phải biết cởi mở
lắng nghe và chấp nhận ý kiến sửa sai của người khác, thì chúng ta lại
hoàn toàn có thể tin chắc được rằng việc trình bày ý kiến của mình theo
cách êm dịu, hòa nhã và không xúc phạm đến người khác bao giờ cũng là
một quyết định chính xác và sáng suốt.
Sự va chạm bằng lời nói là điều xảy ra thường xuyên nhất trong cuộc
sống. Hầu hết những ai có chút tri thức đều không tán thành việc giải
quyết vấn đề bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, và vì thế mà
cách giải quyết bất đồng tất nhiên là phải thông qua việc “đấu khẩu”.
Nhưng ngay cả đối với những người ít học thì không phải ai cũng thích
chọn giải pháp “đấm đá”, bởi vì họ biết chắc rằng khi đã đánh nhau thì
chuyện thông thường là “bên lỗ đầu, bên sứt trán”, chẳng dễ gì giữ được
vẹn toàn. Vì thế, chỉ trừ những trường hợp hết sức căng thẳng, quá đáng,
bằng không thì đa số vẫn chuộng phương thức “đấu khẩu” hơn là “đấu võ”.
Và do đó mà chúng ta luôn có thể thấy sự va chạm bằng lời nói hầu như
xảy ra ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong cuộc sống.
Vì là một thứ “vũ khí” cực kỳ đơn giản và rất dễ “khai hỏa”, nên những
trận “đấu võ mồm” có thể diễn ra ở rất nhiều mức độ khác nhau. Từ một sự
chỉ trích nhỏ nhặt cho đến những phê phán gay gắt, từ những lời qua
tiếng lại trong sự gặp gỡ thoáng qua mỗi ngày cho đến những luận điệu
công kích nhau một cách có hệ thống, được ghi chép cẩn thận để có thể
phổ biến cho thật nhiều người biết đến... Tất cả đều là những biểu hiện
khác nhau của việc sử dụng lời nói trong giao tiếp. Chúng có thể mang
lại sự hòa hợp, tiến bộ, nhưng cũng có thể dễ dàng gây ra những tổn
thương, đổ vỡ...
Hầu hết mọi trường hợp lời nói gây ra thương tổn đều là do người nói
muốn tranh lấy phần ưu thế, phần đúng, phần phải về mình. Những trao đổi
mang tính cách giải thích hoặc chia sẻ thường không bao giờ gây ra
thương tổn cho người nghe. Vì thế mà nguyên tắc thứ hai trong sáu pháp
hòa kính nhấn mạnh là “lời nói hòa hợp, không tranh cãi”.
Nói năng hòa nhã, êm dịu đã là biểu hiện của sự khôn ngoan, nhưng nếu
biết tránh đi sự tranh cãi mới là người thực sự khôn ngoan nhất. Bởi vì
những gì mà sự tranh cãi mang đến cho chúng ta thật ra hoàn toàn không
bù đắp được cho những gì chúng ta phải mất đi vì nó. Cảm giác thích thú
của người “chiến thắng” - nếu có - chỉ thoáng qua trong chốc lát, trong
khi những bất hòa và sự tổn thương tình cảm do sự tranh cãi tạo ra lại
có thể còn mãi, thậm chí có khi còn được nuôi lớn thêm mãi nếu không sớm
chấm dứt.
Cũng cần phân biệt rõ giữa sự tranh cãi với tranh luận. Mọi cuộc tranh
cãi đều nhắm đến việc giành lấy phần thắng, chứng minh rằng những gì
mình đưa ra là đúng đắn, hợp lý, còn những gì đối phương đưa ra đều là
sai trái, nhầm lẫn. Ngược lại, một cuộc tranh luận luôn để ngỏ khả năng
đúng sai của mỗi người, và luôn chấp nhận lắng nghe những người khác để
nhận lấy những điều nào là hợp lý, đúng đắn.
Tranh luận chỉ nhằm làm rõ vấn đề, tìm ra chân lý, lẽ phải, bất kể là
chân lý hay lẽ phải đó thuộc về ai, và cũng có thể là thuộc về tất cả
mọi người, trong trường hợp mỗi người chỉ nói đúng một phần nào hoặc một
khía cạnh nào đó của vấn đề mà thôi.
Vì thế, cuộc tranh cãi chỉ được kết thúc khi có sự phân định thắng thua
rõ rệt, còn một cuộc tranh luận thì kết thúc khi tất cả mọi người tham
gia đều đạt được mục đích của mình, đều hài lòng với kết luận cuối cùng.
Chính do sự khác biệt như trên mà một cuộc tranh cãi thường bao giờ cũng
chia thành hai “phe”. Tất cả những ai tham gia tranh cãi đều phải thuộc
về một trong hai phe đó, và càng có nhiều người tham gia thì sẽ càng
căng thẳng, gay gắt hơn, đôi bên dễ dàng trở nên hằn học, đối địch nhau.
Và phe chiến thắng - nếu có - bao giờ cũng trở thành thù nghịch với phe
thất bại.
Tranh luận thì khác hẳn, có thể chấp nhận sự tham gia của bất cứ ai quan
tâm đến vấn đề, và người tham gia không phải thuộc về phe nào cả. Mỗi
người chỉ cần khách quan trình bày quan điểm, ý kiến của riêng mình,
đồng thời biết lắng nghe quan điểm, ý kiến của những người khác. Vì thế,
một cuộc tranh luận càng có nhiều người tham gia thì ý kiến càng thêm
phong phú, đa dạng, và vấn đề được tranh luận càng dễ được làm sáng tỏ
hơn, kết luận cuối cùng càng được chính xác hơn. Bất cứ ai đưa ra ý kiến
được nhiều người chấp nhận nhất sẽ nhận được sự hoan nghênh của mọi
người khác chứ không phải là sự thù nghịch.
Vì tiền đề của một cuộc tranh cãi bao giờ cũng là những định kiến bảo vệ
lập luận của “phe ta”, nên nó thực sự không mang lại được gì cho những
người tranh cãi. Như một tách trà đầy không thể rót thêm vào được nữa,
những người thích tranh cãi cũng không thể học hỏi thêm được điều gì từ
người khác vì họ luôn cho rằng những quan điểm, ý kiến của mình đã là
hoàn toàn đúng đắn. Vì thế, xét cho cùng thì những cuộc tranh cãi là
hoàn toàn vô ích nếu không muốn nói là có hại.
Ngược lại, tiền đề của một cuộc tranh luận chính là sự khát khao kiến
thức, truy tìm chân lý, nên những người tham gia tranh luận luôn có thể
học hỏi được nhiều điều từ những người khác cùng tham gia tranh luận. Và
sự chia sẻ kiến thức càng giúp họ gần gũi nhau hơn, không hề có sự đối
đầu, thù nghịch. Vì thế, tuy không cần thiết phải thường xuyên tranh
luận, nhưng nếu có cơ hội tham gia những cuộc tranh luận đúng đắn thì
chúng ta sẽ có khả năng học hỏi được rất nhiều.
Mặt khác, tránh xa sự tranh cãi bao giờ cũng là cách tốt nhất để hạn chế
những bất hòa trong cuộc sống. Bởi vì như đã nói, những va chạm trong
lời nói là thuộc loại va chạm thường xuyên xảy ra nhất trong cuộc sống
hằng ngày. Không ai trong chúng ta lại thích nói chuyện với một người
hay tranh cãi, luôn chỉ trích và bắt bẻ sai lầm của người khác. Vì thế,
chỉ cần bạn có thể loại bỏ được thói quen hay tranh cãi - nếu có - bạn
sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi người chung quanh đều thích nói chuyện
với bạn nhiều hơn, gần gũi và chia sẻ với bạn nhiều hơn. Và đó chính là
biểu hiện của một cuộc sống hòa hợp với mọi người.
Ngoài việc tránh xa sự tranh cãi, lời nói hòa hợp còn có nghĩa là phải
biết quan tâm đến những gì mình nói ra để không gây thương tổn cho người
khác. Ngay cả khi cần phải nói lên những sự thật cứng rắn và đụng chạm
đến ai đó, cũng cần phải chọn cách diễn đạt sao cho sự căng thẳng của
vấn đề có thể được giảm nhẹ đến mức thấp nhất.
Một ý nghĩa quan trọng khác của việc thực hành hòa hợp qua lời nói là
phải cố gắng nói ra những lời tốt đẹp, tạo ra sự hòa hợp, đoàn kết giữa
những người khác, cũng như khuyến khích mọi người khác thực hiện những
điều tốt lành và tránh xa những điều xấu ác. Được như vậy thì mỗi một
lời nói ra của bạn đều sẽ xứng đáng để được gọi là: “Lời lời châu ngọc,
hàng hàng gấm thêu.”
Mặc dù “lời nói chẳng mất tiền mua”, nhưng nó lại thực sự là một sức
mạnh quan trọng trong giao tiếp. Lời nói có khả năng xây dựng, làm cho
mọi quan hệ ngày càng trở nên gắn bó, tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời lời
nói cũng có thể có tác dụng phá hoại, làm cho các mối quan hệ giữa người
và người trở nên căng thẳng và thù nghịch. Những công năng tốt hay xấu
đó đều là phụ thuộc vào cách “lựa lời mà nói” của chúng ta.
Mặt khác, lời nói là biểu hiện của tâm ý. Trong lòng nghĩ sao thì ngoài
miệng biểu lộ ra như vậy. Tâm ý ngay thẳng, hiền thiện thì lời nói cũng
thật thà, hòa nhã; tâm ý gian trá, hiểm độc thì lời nói cũng quanh co,
hung dữ. Trong lòng không có sự tu dưỡng thì không thể nói ra được những
lời thực sự ôn hòa, êm dịu; trong lòng không nuôi dưỡng tình cảm chân
thành tốt đẹp thì không thể nói ra được những lời cảm thông chia sẻ; và
nếu trong lòng đầy sự thù hận ganh ghét thì chỉ có thể nói ra toàn những
lời hung hãn, cay độc...
Cho nên, có thể nói là tâm ý tạo ra lời nói. Nếu không tu dưỡng tâm ý mà
chỉ gắng gượng nói ra những lời dịu dàng êm ái để lấy lòng người khác
thì cũng chỉ là sự giả dối, ngụy tạo, người nghe sớm muộn gì cũng sẽ cảm
nhận được điều đó. Tuy nhiên, nếu thật lòng muốn tu dưỡng tâm ý thì lại
có thể bắt đầu từ việc chú ý tu dưỡng lời nói. Nếu có thể tránh nói ra
những lời xấu ác thì tâm ý sẽ nhờ đó mà có thể quay về gần với sự hiền
thiện, thương yêu.
Lời nói xấu ác tuy rất đa dạng, nhưng cũng không đi ngoài những ý nghĩa
sau đây.
Thứ nhất là nói dối, không đúng sự thật. Nguyên nhân và động lực của
việc nói dối có thể bao gồm hết thảy những ham muốn, toan tính của con
người, nhưng nói chung thì một khi đã dùng cách nói dối để đạt được mục
đích của mình đều không phải là điều tốt. Vì thế, bản thân việc nói dối
chẳng những đã là một điều xấu, mà nó còn có thể là nguyên nhân dẫn đến
rất nhiều điều xấu ác khác nữa.
Thứ hai là nói lời trau chuốt, không thành thật, chỉ nhằm lấy lòng người
khác vì mục đích có lợi cho mình. Lời nói trau chuốt không xuất phát từ
những suy nghĩ chân thật trong lòng, mà là dựa theo ý muốn của người
nghe, nhằm làm cho người ấy phải tin theo điều gì đó. Tuy lời nói trau
chuốt không có vẻ là xấu ác, nhưng nó thường có những động lực không
chính đáng nên sẽ nuôi dưỡng và tạo điều kiện phát triển cho những tâm
niệm xấu ác. Hơn thế nữa, việc nói trau chuốt rất thường có khuynh hướng
trở thành nói dối.
Thứ ba là những lời nói thô tục, hung hăng, thường gây thương tổn cho
người khác một cách không cần thiết. Lời nói thô tục, hung hăng thường
không do những động lực khác thúc đẩy, mà là xuất phát từ tâm ý hung dữ,
thiếu sự tu dưỡng, tạo thành thói quen luôn nói ra những lời hung hăng,
xúc phạm, bất kể đối tượng là ai.
Thứ tư là nói những lời vô nghĩa, vô ích. Những lời nói loại này có vẻ
như chẳng gây hại đến ai, nhưng thực tế là tạo thành thói quen ăn nói
bừa bãi, thiếu cân nhắc. Như cỏ dại làm hại ruộng vườn, những lời vô
nghĩa cũng làm hại chúng ta vì làm mất đi cơ hội nói ra những lời tốt
đẹp, hữu ích.
Thứ năm là lời nói đâm thọc, cũng gọi là nói hai lưỡi, thường là để gây
chia rẽ giữa những người khác. Nói hai lưỡi có nghĩa là nói ra những lời
không chân thật, nhất quán. Khi gặp mỗi bên lại nói theo một cách khác
nhau nhằm tạo ra sự hoài nghi, mâu thuẫn lẫn nhau giữa mọi người, nhằm
đạt được mục đích cho riêng mình. Lời nói loại này luôn hướng đến gây ra
sự chia rẽ, ghét bỏ hay thù nghịch lẫn nhau, xuất phát từ tâm niệm tham
lam, xấu ác, muốn đạt được mục đích của riêng mình.
Thứ sáu là những lời nói độc ác, gây thương tổn cho người khác. Những
lời nói loại này thường không nhằm mục đích gì khác, mà chỉ là sự biểu
lộ của tâm ý nóng nảy, hung dữ. Tuy nhiên, khi thường xuyên nói ra những
lời độc ác, gây thương tổn cho người khác thì cũng chính là tạo điều
kiện để nuôi dưỡng và làm phát triển sự nóng nảy, hung dữ trong tâm ý.
Vì thế, việc kiềm chế những lời nói loại này cũng là cách rất tốt để tu
dưỡng tâm ý.
Tất cả những lời nói xấu ác như trên đây đều tạo ra những nghiệp xấu ác,
gọi chung là khẩu nghiệp - nghiệp tạo ra bởi lời nói - là một trong ba
cách tạo nghiệp của chúng ta, đó là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý
nghiệp.
Mặc dù lời nói không có hình dạng, tướng mạo, không thể làm người khác
tổn thương, đau đớn về thể xác, nhưng lại có sức mạnh tinh thần cực kỳ
lớn lao. Lời nói tốt đẹp có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho chính bản
thân ta và mọi người chung quanh, trong khi lời nói xấu ác lại có thể dễ
dàng hủy hoại hạnh phúc của bản thân và người khác. Vì thế, muốn sống
hòa hợp giữa mọi người, chúng ta không thể không quan tâm đến lời nói
của mình, phải luôn tránh nói ra những điều xấu ác, chỉ nói những điều
hướng đến sự hòa hợp, tốt đẹp và tránh xa sự tranh cãi.