Hầu hết chúng ta không ai có được một ký ức đủ mạnh để ghi lại tất cả
những gì ta đã từng trải qua. Đó là cách làm việc hoàn toàn hợp lý của
bộ não, vì nó giúp ta luôn có được những khoảng trống cần thiết trong
“bộ nhớ” để có thể tiếp tục đời sống. Cho dù có sống đến trăm tuổi hoặc
lâu hơn thế nữa, chúng ta cũng chẳng bao giờ bị báo lỗi “disk full” hay
“out of memory” như vẫn thường xảy ra với các máy vi tính!
Thật ra, tất cả mọi việc mà ta đã từng trải qua trong đời sống đều được
ghi vào ký ức với những cường độ khác nhau, tùy theo ấn tượng của sự
việc đó đối với ta như thế nào, để rồi sau đó lại tiếp tục được phân
loại theo một cơ chế hoàn toàn tự động. Nhưng các phần ký ức ít được sử
dụng đến nhất sẽ dần dần bị đẩy lùi vào khoảng sâu kín nhất, và dần dần
mờ nhạt đi theo thời gian cho đến khi gần như mất hẳn. Bằng cách đó,
những sự kiện mới lại tiếp tục được ghi vào ký ức mà không bao giờ xảy
ra hiện tượng “thiếu bộ nhớ”.
Ưu điểm tự nhiên của cơ chế “ghi và xóa” theo cách này là chúng ta không
cần quan tâm đến hoạt động của ký ức. Chúng được diễn ra một cách hoàn
toàn tự động. Những gì quan trọng hơn thường tạo ra ấn tượng mạnh hơn và
vì thế sẽ được ghi nhớ kỹ hơn, lâu hơn. Nhưng nếu quá lâu không được
“truy cập” đến thì chúng cũng sẽ dần dần phai nhạt, được “xóa” đi. Cứ
như vậy, dòng ký ức của ta tự nhiên trôi chảy mà chẳng bao giờ bị đầy ắp
bởi vô vàn những chuyện “trăm năm trong cõi người ta”!
Nhược điểm của cơ chế làm việc này là đôi khi có những chuyện chúng ta
không muốn nhớ mà vẫn cứ nhớ dai, nhớ kỹ. Và lại có lắm chuyện “muốn
quên đi sao lòng vẫn nhớ”! Bởi vì chúng được “ghi và xóa” một cách tự
động, nên có đôi khi chúng ta hoàn toàn không làm chủ được quá trình
“ghi xóa” đó, thậm chí có khi ta chẳng hiểu được vì sao lại có lắm
chuyện oái ăm ngoài ý muốn! Vừa mới phỏng vấn xin việc ngày hôm qua chưa
có kết quả, hôm nay tình cờ gặp ngay vị trưởng phòng đã phỏng vấn mình
mà lại quên khuấy mất cái tên ông ta! Quên hẳn đi thì cũng còn tạm chấp
nhận được, đằng này lại... nhớ lộn mới dễ chết! Thật không dễ chịu chút
nào khi có ai đó chào hỏi mình mà lại gọi tên một... người khác!
Hiểu được điều này, đôi khi chúng ta cũng cần phải quan tâm đôi chút đến
những việc “nhớ gì” và “quên gì”, để tránh không phải rơi vào tình trạng
oái ăm như vừa nói. Bởi vì thật ra thì cơ chế “tự động” của ký ức là một
kiểu hoạt động tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể làm chủ
được nó nếu có sự chú tâm và rèn luyện để kiểm soát được phần nào những
gì “cần phải nhớ” và những gì “cần phải quên”! Quá trình học tập xét cho
cùng cũng chính là một quá trình liên tục chọn lọc những điều cần phải
nhớ!
Điều mà hầu hết chúng ta đều quên đi một cách tự nhiên là những tâm
trạng mà ta đã từng trải qua trong những giai đoạn khác nhau của đời
sống. Một chút bâng khuâng mơ mộng của tuổi mới lớn nếu không được các
văn nhân thi sĩ tốn ít nhiều giấy mực ghi lại thì thường là chẳng mấy ai
nhớ đến. Vì thế mà cô bé tuổi mười lăm phải chịu một roi đau điếng khi
đang ngồi học bài bên cửa sổ lại gửi hồn lên tận đám mây trắng đang trôi
trên trời xa, đến nỗi ông bố đã đứng sát bên mà vẫn không hề hay biết!
Ông bố nghiêm khắc kia chắc chắn là đã quên khuấy mất cái “bâng khuâng
mơ mộng” của chính mình vào thuở mười lăm tuổi, nên không thể nào hiểu
được vì sao con bé lại có thể “mơ mơ màng màng” như thế trong lúc đang
học bài!
Phần lớn những trường hợp thường được gọi là “khoảng cách thế hệ” thật
ra lại chính là sự “không hiểu nhau” do những người đi trước đã “quên
khuấy đi” tâm trạng ngày trước của chính mình. Bà mẹ chồng nếu vẫn chưa
quên tâm trạng của ngày mới về làm dâu, chắc chắn sẽ rất dễ dàng cảm
thông được với những khó khăn, bất ổn của người con dâu mới. Tiếc rằng
điều đó rất ít khi xảy ra. Vì thế, thay vì một tâm trạng cảm thông để
giáo huấn, chúng ta lại thường gặp hơn là những xét nét và nghiêm khắc
đến lạnh lùng! Cha mẹ nếu vẫn chưa quên những tâm trạng bồng bột, nhiệt
thành của chính mình khi còn trẻ, chắc chắn sẽ rất dễ dàng hiểu được
những cách ứng xử “lạ lùng” của con cái. Và tương tự như thế, những thế
hệ đàn anh, đàn chị chắc chắn sẽ dễ dàng cảm thông và dẫn dắt được các
em nếu như có thể chấp nhận sự đối thoại chân thành để tìm hiểu thay vì
là luôn lên lớp giáo huấn!
Hơn thế nữa, chính vì những tâm trạng khác nhau mà chúng ta đã từng trải
qua thường không được nhớ lại một cách thích hợp, nên chúng ta rất dễ
dàng đánh mất đi những cơ hội cảm thông cùng người khác. Chúng ta ai
cũng đã từng có lúc sai lầm, vấp váp, cũng đã từng thất bại chua cay
hoặc buồn đau thảm thiết... nhưng không mấy ai có thể hiểu được một cách
sâu sắc tâm trạng của người khác khi rơi vào những hoàn cảnh tương tự
như thế.
Đến đây, bạn đọc chắc hẳn có thể nêu ra một câu hỏi: “Đúng là tôi đã
quên đi rất nhiều tâm trạng mà mình đã từng trải qua. Nhưng sự quên đi
đó, như đã nói là hoàn toàn tự nhiên, vậy thì liệu tôi có thể làm gì
khác hơn được chứ?”
Vâng, đúng vậy. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên, và cho dù chúng ta có
muốn nhớ lại cũng không thể nào nhớ hết! Nhưng vấn đề quan trọng không
nằm ở điểm này, mà chính là ở chỗ chúng ta cần phải nhận biết rằng có
một sự khác biệt giữa bản thân ta và người mà ta đang giao tiếp. Nếu
chúng ta không nhận biết là có sự khác biệt này, ngay lập tức sẽ có một
khoảng cách được tạo ra giữa ta và người ấy. Bởi vì khi ấy ta sẽ luôn có
khuynh hướng áp đặt những suy tư, tình cảm, quan điểm của chính mình vào
cho người khác, và do đó mà trong hầu hết trường hợp ta đều sẽ vấp phải
một sức phản kháng nhất định từ đối tượng.
Con cái phản đối cha mẹ, vợ phản đối chồng, các em phản đối anh chị...
hầu hết đều là do khi người ta cảm nhận được một sự áp đặt về tư tưởng,
tình cảm... Ngược lại, nếu cha mẹ nhận biết được và chấp nhận rằng có
những khác biệt nhất định giữa con cái với mình, họ sẽ biết lắng nghe
nhiều hơn để tìm hiểu và dẫn dắt thay vì là áp đặt quan điểm của mình
một cách cứng nhắc lên con cái. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một môi
trường giao tiếp cởi mở hơn, bởi vì đôi bên đều cảm thấy thoải mái hơn
khi ý kiến của mình được phía bên kia lắng nghe và tôn trọng.
Mặt khác, mỗi con người luôn là một cá thể riêng biệt và hoàn toàn độc
đáo, không ai có thể giống hệt như một người khác! Chính vì thế, chúng
ta không thể chỉ dựa vào cảm nhận của riêng mình để suy diễn về tâm tư,
tình cảm hay suy nghĩ của người khác, ngay cả khi tưởng chừng như đó là
những trường hợp hoàn toàn tương tự. Ngoài những điểm giống nhau về đại
thể, mỗi trường hợp riêng của mỗi con người đều có những khác biệt nhất
định. Vì thế, cách tốt nhất để hiểu được người khác bao giờ cũng là sự
chân thành lắng nghe và sẵn sàng cảm thông, chia sẻ.
Khi chúng ta tự cho rằng những suy nghĩ, tình cảm hay quan điểm của mình
là hoàn toàn đúng đắn và dựa vào đó làm khuôn mẫu để bắt buộc người khác
phải tuân theo, chúng ta sẽ tạo ra những khoảng cách trong giao tiếp. Và
vì đây là khuynh hướng tự nhiên xuất hiện ở hầu hết mọi người, nên chúng
ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao luôn có sự hiện hữu của những khoảng
cách như thế này giữa những con người. Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta chấp
nhận việc có sự khác biệt giữa đôi bên trong giao tiếp, chúng ta sẽ ngay
lập tức mở ra khả năng vượt qua khoảng cách ấy để đạt đến sự cảm thông
và hòa hợp.
Khoảng cách giữa những con người là một khuynh hướng tự nhiên không lấy
gì làm tốt đẹp, vì nó cản trở sự hòa hợp giữa tất cả chúng ta. Nhưng sự
vượt qua những khoảng cách ấy là điều hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần
chúng ta nhận biết và chấp nhận ứng xử theo một cách hợp lý hơn, biết
tôn trọng người khác hơn. Đây chính là chiếc chìa khóa đầu tiên để mở ra
cánh cửa đi vào tâm hồn người khác, xóa bỏ đi cảm giác cô đơn khi đang
sống chung giữa những con người.