Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vua Là Phật, Phật Là Vua »» Chương 4. Vua Trần Nhân Tông »»

Vua Là Phật, Phật Là Vua
»» Chương 4. Vua Trần Nhân Tông

Donate

(Lượt xem: 4.314)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vua Là Phật, Phật Là Vua - Chương 4. Vua Trần Nhân Tông

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Một ông vua, vừa làm vua vừa làm Phật, vừa làm thiền sư, vừa làm thi sĩ v.v… quả thật trong lịch sử nước Nam ta chưa có vị vua nào được như vậy. Dẫu cho Thánh Đăng Ngữ Lục có nhân cách hóa một vài sự kiện khi Thượng Hoàng sắp băng hà, hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư muốn ghi rõ lại việc của triều đình, của Anh Tông và ngay cả Minh Tông sau này nữa, phải lấy công hạnh của Vua Ông, Vua Cha của mình mà noi theo để cho dân được nhờ và nước được cậy. Để từ đó Thiền học của Việt Nam lại bắt đầu có một chỗ đứng riêng so với thế giới cũng như Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Thiền duy nhất có tính cách Việt Nam do vị vua triều Trần thiết lập. Đây là điều đáng hãnh diện cho dân tộc và cho nước nhà Lạc Việt. Vì lẽ Đạo Phật không phải chỉ cho những người dân quê chân lấm tay bùn tin theo, mà ngay cả trên từ vua chúa, dưới cho đến quan quân đều một lòng tín sự phụng hành. Đây là một tấm gương sáng ngời cho hậu thế soi chung vậy.


 
Viết về vị vua anh hùng này đã có hàng trăm hàng ngàn bài viết, và sách vở xưa nay đã trình bày quá đầy đủ. Ngay cả những luận văn hay luận án tốt nghiệp cử nhân, cao học, tiến sĩ của chư tăng ni, cư sĩ ở trong và ngoài nước viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau rồi và ngay cả bản thân tôi khi viết sách “Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa” cũng đã dành một chương trang trọng để viết về vị Vua Phật này. Lần này tôi sẽ đi sâu về cuộc đời của ông từ khi xuất gia, nghĩa là sau khi lên làm Thái Thượng Hoàng và sau 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông năm 1285 và 1288. Đồng thời những thơ văn, bài giảng, những bài phú cũng như văn thơ ngoại giao sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ hơn, vì lẽ lâu nay đa phần các sử gia hay học giả hoặc những nhà nghiên cứu chỉ chú trọng đến vai trò của ông trong hai trận đại chiến với quân Nguyên Mông nhiều hơn là mặt tích cực sau khi xuất gia học đạo.

Chương sách này hầu hết tôi dựa vào sách “Toàn tập Trần Nhân Tông” của Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát và sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng như một số tư liệu trên Wikipedia hay trang nhà quangduc.com v.v… để làm rõ tâm tư, tình cảm, quan điểm của vị vua này, vốn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Điều Ngự Giác Hoàng, Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử v.v… Nhưng dẫu cho gọi ông bằng cách nào đi nữa cũng không nói lên hết được tầm quan trọng của ông, vì ông là người đã làm vẻ vang cho Đại Việt cũng như mở rộng bờ cõi về phương nam qua việc hứa gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân vào năm 1300 và chính thức làm lễ vu quy vào năm 1305.

Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258 và băng hà vào ngày 16 tháng 12 năm 1308, thọ 50 tuổi, là vị vua thứ 3 của nhà Trần. Ông trị vì 15 năm (1278-1293) và lên làm Thái Thượng Hoàng. Như vậy khi ông 20 tuổi đã được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi và ông lên làm vua vào giai đoạn quan trọng của lịch sử Đại Việt. Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông vào năm 1293, ông làm Thái Thượng Hoàng chừng 2 năm thì đi xuất gia ở chùa Chân Giáo cho đến ngày viên tịch vào năm 1308. Trong 15 năm này ông vẫn làm Thái Thượng Hoàng và vẫn học Phật, tu hạnh đầu đà, cho nên Pháp Hiệu của ông được người đời sau gọi là: Đầu Đà Giác Hoàng Điều Ngự.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 2, tờ b, dòng 2 - 4 ghi: “Bấy giờ Thượng Hoàng đến Vũ Lâm, vào chơi hang đá. Cửa núi đá hẹp. Thượng Hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Thái Hậu Tuyên Từ ở đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên mũi thuyền, chỉ cho một phu chèo thuyền thôi. Đến khi xuất gia, lúc xe vua sắp ra, cho mời Văn Túc vào Điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ ngồi ăn các món hải vị…”

Đoạn văn này nằm trong phần chép việc của tháng 7 năm 1294, mới đọc qua thì có vẻ như vào năm Giáp Ngọ (1294) vua Trần Nhân Tông đã đi xuất gia. Tuy nhiên, đọc kỹ toàn văn thì nhận ra ở đây là người chép sử đang lồng vào câu chuyện về lòng ưu ái của Thượng hoàng [Trần Nhân Tông] dành cho Văn Túc Vương Đạo Tái. Do đó, trong văn nói “及出家時 - cập xuất gia thời” (đến lúc [vua] xuất gia) là chỉ nói chuyện lúc xuất gia, không nói chính xác thời điểm xuất gia là lúc nào. Hơn nữa, cũng tại bộ sử này, ngay trong trang 3, tờ a tiếp theo lại chép rằng:

八月,上皇親征哀牢,生擒人畜不可勝數。

Bát ngoạt, Thượng hoàng thân chinh Ai Lao, sinh cầm nhân súc bất khả thắng số.

“Tháng 8 [năm 1294], Thượng hoàng đích thân cầm quân đánh Ai Lao, bắt sống người và súc vật nhiều không kể xiết.”

Như vậy, càng rõ hơn ý nghĩa của đoạn văn kể chuyện trên, vì nếu Thượng hoàng xuất gia trong tháng 7 rồi qua tháng 8 mang quân đánh Ai Lao (tức nước Lào), lại “bắt sống người và súc vật nhiều không kể xiết” thì e rằng không hợp lý.

Tiếp theo, cũng trong trang 3, tờ a sách này có đoạn:

夏六月,上皇回京師,出家居武林行宫,而復回也。

Hạ lục ngoạt, Thượng hoàng hồi kinh sư, xuất gia cư Vũ Lâm hành cung, nhi phục hồi dã.

“Mùa hạ, tháng 6 [năm 1295], Thượng hoàng về lại kinh đô, xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, nhưng sau lại quay về [cung].”

Tổng hợp ba đoạn sử trích từ nguyên bản Hán văn như trên, chúng ta có thể xác định việc Trần Nhân Tông xuất gia vào tháng 6 năm 1295 tại hành cung Vũ Lâm, là nơi trước đó ông đã từng du ngoạn và có thiết lập hành cung.

Để củng cố thêm cho kết luận này, chúng tôi đã tìm đọc trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, phần Chính biên, quyển 8, và thấy các sự kiện trên lần lượt được ghi chép như sau:

- [Tháng 7, mùa thu, niên hiệu Hưng Long thứ hai (1294)] Thượng hoàng tự làm tướng đi đánh nước Ai Lao.

- [Ất Mùi, niên hiệu Hưng Long thứ ba (1295), mùa hạ, tháng 6, Thượng hoàng từ Ai Lao trở về, rồi xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, sau lại trở về kinh sư.

Như vậy, việc xuất gia của Thượng hoàng Trần Nhân Tông là vào tháng 6 năm 1295, và được thực hiện ngay sau khi thân chinh đánh nước Lào quay về, “bắt sống người và súc vật nhiều không kể xiết”. Phải chăng những hình ảnh chém giết thương tâm trên chiến trường đã có tác động đến tâm thức nhà vua, một người từng dày công nghiên cứu rất sâu về Phật điển, cho nên ngài mới quyết định xuất gia ngay sau khi đã hoàn thành trọng trách với đất nước?

Trước khi xuất gia, nhà vua đã nghiên cứu kinh Phật rất nhiều và người ấn chứng tâm Thiền cho ông chính là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung. Vị này là bác ruột của vua Trần Nhân Tông. Hơn nữa, mẹ Nhân Tông, Thiên Cảm Hoàng Hậu là em ruột của Tuệ Trung Thượng Sĩ, nên ông cũng gọi Tuệ Trung là cậu.

Vua Trần Nhân Tông lúc còn trẻ đã có sự giáo dục đầy đủ về nhiều loại tri thức khác nhau của thời đó và xuất phát từ truyền thống gia đình, nên vua đã sớm tiếp xúc với giáo lý nhà Phật. Nhưng bài thơ Xuân vãn (春晚) sau đây đã xác nhận rằng vua cảm thấy mình lúc trẻ chưa thâm nhập vào giáo lý nhà Phật nhiều:

年少何曾了色空,

一春心在百花中。

如今勘破東皇面,

禪板蒲團看墜紅。

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Tuổi trẻ sao từng hiểu sắc không,
Cả xuân hoa nở ngất ngây lòng.
Đến nay rõ được mặt xuân ấy,
Nệm cỏ giường thiền ngắm rụng hồng.

(Lê Mạnh Thát)

Thời gian tuổi trẻ qua mau,

Làm sao rõ biết mặt mày có không.
Trong xuân hoa cỏ rộn lòng,
Trăm hoa đua nở còn mong hơn gì.
Bây giờ rõ biết như nhiên,
Mắt tai mũi lưỡi chỉ phiền ta thôi.
Cái gì cũng chỉ một thời,
Giường thiền nệm cỏ nhìn đời trôi qua.

(Thích Như Điển dịch thơ lục bát)

Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung mất, vua Trần Nhân Tông đã viết tiểu sử của thầy mình, đồng thời cũng là bác của mình. Nhân lúc viết tiểu sử ấy, vua Trần Nhân Tông đã kể lại kinh nghiệm ngộ đạo của mình như sau:

“Trước đây khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó đi mời Thượng Sĩ. Người trao cho ta hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên. Ta thấy Thượng Sĩ sống rất thế tục, nên sinh ngờ vực, bèn giả bộ ngây thơ hỏi: Chúng sanh quen nghiệp uống rượu ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo? Thượng Sĩ giải rõ: Giả sử như có người đứng quay lưng lại, bỗng có nhà vua đi qua sau lưng, người kia bất ngờ ném một vật gì đó trúng vào người vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như vậy phải biết hai việc không liên quan với nhau.” Bèn mới viết hai bài kệ để chứng tỏ:

無常諸法行,

心疑罪便生。

本來無一物,

非種亦非萌。

Vô thường chư pháp hành,
Tâm nghi tội tiện sanh.
Bản lai vô nhất vật,
Phi chủng diệc phi manh.

Vô thường các pháp hành
Lòng nghi, tội liền sanh
Xưa nay không một vật
Chẳng giống cũng chẳng mầm.

Lại nói:

日日對境時,

境境從心出。

心境本來無,

處處波羅密。

Nhật nhật đối cảnh thời,
Cảnh cảnh tùng tâm xuất.
Tâm cảnh bản lai vô,
Xứ xứ ba-la-mật.

Ngày ngày khi đối cảnh,
Cảnh cảnh từ tâm ra.
Tâm cảnh xưa nay chẳng,
Chốn chốn đều ba-la.

Ta hiểu ý, chặp lâu mới nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phước đã rõ thì sao?” Thượng Sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:

喫草與喫肉,

衆生各所属。

春來百草生,

何處見罪福。

Khiết thảo dữ khiết nhục,
Chúng sinh các sở thuộc.
Xuân lai bá thảo sinh,
Hà xứ kiến tội phúc?

Ăn cỏ với ăn thịt
Chúng sanh mỗi có thức
Xuân đến trăm cỏ sinh
Chỗ nào thấy họa phúc?

Ta nói: “Chỉ như thế thì công phu giữ sạch phạm hạnh không chút xao lãng để làm gì?” Thượng Sĩ chỉ cười mà không đáp. Ta lại thỉnh ý, Thượng Sĩ lại làm thành hai bài kệ, để ấn chứng cho ta:

持戒兼忍辱,

招罪不招福。

欲知無罪福,

非持戒忍脣。

Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phúc.
Dục tri vô tội phúc,
Phi trì giới nhẫn nhục.

Trì giới với nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Chẳng trì giới nhẫn nhục.

Lại nói:

如人上樹時,

安中自求危。

如人不上樹,

風月何所為。

Như nhân thượng thọ thời,
An trung tự cầu nguy.
Như nhân bất thượng thọ,
Phong nguyệt hà sở vi?

Như người lúc leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Như người không leo nữa,
Trăng gió làm việc gì?

Lại kín đáo dặn ta: “Chớ bảo cho người không đáng.”

Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát là bậc thầy về ngôn ngữ học. Ông rành về Hán cổ, Anh văn, Pháp văn và ngay cả cổ ngữ Sanskrit nữa. Do vậy những gì ông đã dịch sang Việt ngữ chúng ta có quyền tin tưởng về mức độ chính xác và đầy đủ so với tất cả các bản dịch trước đây hay cả những bản văn chưa dịch, mà ông đã tìm tòi, khám phá cũng như dịch hết ra Việt ngữ để lại cho đời, cho Phật giáo là một công đức thật vô lượng vô biên. Phía sau quyển Toàn Tập Trần Nhân Tông, từ trang 489 đến trang 586, cả 99 trang chữ Hán cổ là bút tích của vua Trần Nhân Tông được khắc lại trên các bản gỗ gồm 35 bài thơ cũng như bài phú Cư Trần Lạc Đạo, cho đến bài văn Thượng Sĩ hành trạng, rồi An Nam hành lý v.v… đều được ông dịch một cách thông suốt. Ở đây chỉ trích ra mấy câu đối đáp giữa Thái Hậu Thiên Cảm em ruột Tuệ Trung Thượng Sĩ trong Thượng Sĩ hành trạng như sau:

...太后怪問:阿兄談禪食肉,安得佛耶?上士笑 曰:佛自佛,兄自兄,兄也不要做佛,佛也不要做兄。不見古德道:文殊自文殊,解脫自解脫。

… Thái Hậu quái vấn: “A huynh đàm thiền thực nhục, an đắc Phật da?” Thượng Sĩ tiếu viết: “Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật. Phật dã bất yếu tố huynh. Bất kiến cổ đức đạo: ‘Văn Thù tự Văn Thù, giải thoát tự giải thoát.’”...

Lời đối đáp này có thể dịch sát nghĩa như sau:

…Thái Hậu lấy làm lạ hỏi:

- Anh nói chuyện Thiền mà ăn thịt, làm sao thành Phật được?

Thượng Sĩ cười đáp:

- Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Không nghe bậc cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao.

Đây là thiền ngữ. Đây là Phật ngữ mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đáp lại lời nghi ngờ của người em gái mình. Đó là Thiên Cảm Hoàng Hậu, vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của Trần Nhân Tông. Lúc ấy chắc chắn có cả Thánh Tông và Nhân Tông cùng dự tiệc. Và Tuệ Trung Thượng Sĩ là một thiền sư cư sĩ đã liễu đạo thiền, nên việc ông dùng chay hay dùng mặn cũng thế thôi. Chay và mặn không khác nhau đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, vì lẽ ông biết ông là ai và Phật là ai. Việc làm của ông chịu trách nhiệm với chính mình, chứ Phật sẽ không thay thế cho ông được, nên ông đã trả lời cho Thái Hậu như vậy. Ông lại còn giải thích thêm về lời người xưa có dạy rằng: Trí tuệ của Ngài Văn Thù là của Ngài Văn Thù, còn giải thoát là giải thoát, hai việc không tương quan lẫn nhau, tại sao Thái Hậu thắc mắc làm gì?

Trần Nhân Tông lúc ấy cũng thắc mắc, nên sau này khi ông viết tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ông vẫn nhắc lại 5 bài thơ khuyên răn dạy bảo như trên.

Vô thường xưa nay là thế, với tất cả các pháp thế gian có hình tướng và ngay cả những pháp không hình tướng đều bị sự vô thường chi phối, không loại trừ bất cứ một vật gì. Khi lòng mình có nghi ngờ thì tội lỗi phát sinh từ đó. Từ xưa đến nay chẳng có cái nào giống cái nào, mà cũng chẳng có cái nào không có nguyên nhân mà được sanh ra cả. Do vậy Đạo Phật chọn nhân duyên hay pháp duyên sanh làm tiêu chí cho những hành xử trong cuộc sống. Đó là: “Cái này có, cho nên cái kia có. Cái này không nên cái kia không. Cái này sanh nên cái kia sanh. Cái này diệt nên cái kia diệt.” Không có cái nào tự sanh ra cả, nên gọi là nhân duyên hay nhân duyên sanh.

Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta dối diện trước không biết bao nhiêu là cảnh. Tất cả cảnh ấy từ tâm mình mà ra, như: vui, buồn, giận, hờn, thương, ghét v.v… Xưa nay giữa cảnh và tâm thật ra không liên quan với nhau, vì lẽ ở đâu cũng là vắng lặng trạm nhiên cả, chỉ vì tâm ta phân biệt nên cảnh mới sinh. Tâm là chủ, tâm tạo tác. Tâm này khởi lên tốt xấu, vọng động, còn cảnh chỉ bị động mà thôi. Ví dụ như khi tâm ta vui thì cảnh ấy cảm thấy như vui và khi tâm ta buồn thì cảnh ấy cảm thấy như buồn, nhưng trên thực tế thì cảnh ấy chẳng vui mà cũng chẳng buồn.

Với Tuệ Trung Thượng Sĩ thì thịt là thịt, mà rau cỏ là rau cỏ. Rau cỏ không phải là thịt. Tuy là mỗi chúng sanh đều có tình thức, nhưng khi ta ăn nó, ta chẳng khởi tâm phân biệt ăn gì, cái ăn ấy không thuộc về sự chấp trước, thì đó mới chính là cái ăn đúng nghĩa. Còn ăn mà phân biệt ngon dở hay chay mặn, thì cái ăn đó chưa phải là cái ăn của người giác ngộ. Khi mùa xuân đến thì cây cối rau quả sinh ra, điều đó do thiên nhiên mang lại. Vậy thì họa hay phúc làm sao biết được mà lo. Cho nên phải rõ biết cái chân thật tánh của nó, mới là điều đáng nói ở nơi đây.

Khi vua Trần Nhân Tông còn nghi ngờ nơi việc không giữ giới thì làm sao giữ được phạm hạnh thì Thượng Sĩ chỉ rõ cho thấy chỗ chứng ngộ của mình rằng: Nếu người trì giới mà nghĩ rằng mình đang trì giới. Người thực hành hạnh nhẫn nhục chấp rằng mình đang tu Lục Ba La Mật thì sự chấp vào hình tướng ấy chỉ có tội chứ không sinh phước. Nếu muốn không có cả tội phước thì phải vượt lên khỏi sự trì giới và nhẫn nhục. Điều này có nghĩa là giữ giới cũng như không giữ giới, ấy mới chính là sự giữ giới. Hành hạnh nhẫn nhục mà không thấy mình thực hành hạnh này, thì đó mới chính là sự nhẫn nhục vậy.

Cũng giống như người đang yên ổn mà lại muốn tâm mình bị loạn động nên khởi ý niệm leo cây là ý niệm động rồi, khi ý niệm ấy khởi lên, làm cho tâm mình động. Rõ ràng là tâm mình đang an ổn, tự nhiên mình làm cho nó khuấy động lên. Nếu ai biết an phận không leo lên cây thì tâm ấy làm sao loạn động được. Bài kệ này ám chỉ tâm và ý luôn thường an, nhưng vì chúng ta cứ bị ngũ dục sai khiến, nên tâm ấy lăng xăng chạy nhảy, khiến cho chơn tâm của mình bị lu mờ và tìm cách chạy nhảy theo những gì không phải là tánh chơn như ấy, nên chúng sanh chỉ tự chuốc khổ vào thân là vậy.

Như vậy, những lời khuyên dạy ấy của Tuệ Trung Thượng Sĩ là những mật ngôn, ý nói chỉ riêng cho vua Trần Nhân Tông biết thôi, còn bây giờ nếu mang tư tưởng ấy ra đây đó cũng chẳng ai hiểu. Đây chính là thiền ngữ, thiền chỉ, thiền quán mà nhà vua đã đắc pháp với bác của mình. Cũng chính nhờ sự đón nhận, sự chứng đắc của Tuệ Trung Thượng Sĩ qua việc đến dự đám tang của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu là mẹ của ông đã qua đời và ông đã tỏ ngộ tâm thiền này từ năm 1289, nghĩa là sau hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288. Tư tưởng này là tư tưởng dẫn đạo để sau này ông viết nên bài phú “Cư Trần Lạc Đạo”.

Khi xuất gia rồi Thượng Hoàng đã làm gì? Thánh Đăng Ngữ Lục chép như sau:

“Sau ở chùa Phổ Minh của phủ Thiên Trường, Thượng Hoàng mời đến các danh Tăng, mở lớn các trường giảng, trải mấy năm bèn du phương ngoại, đến trại Bố Chính, chọn am Tri Kiến để ở.”

Tháng 8 năm 1299 (niên hiệu Hưng Long thứ 7), Thượng Hoàng vào núi Yên Tử tu khổ hạnh. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 7, tờ a ghi rõ việc này:

八月上皇自天長府復出家入安子山苦行。

Bát ngoạt, Thượng hoàng tự Thiên Trường Phủ phục xuất gia nhập Yên Tử sơn khổ hạnh.

“Tháng 8 [năm 1299], Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia, vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.”

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 16, tờ b cũng nói việc Thượng hoàng sang Chiêm Thành như sau:

三月,上皇遊方,幸占城城。冬,十一月,上皇至自占城。

Tam ngoạt, Thượng hoàng du phương, hạnh Chiêm Thành thành... ...Đông, thập nhất ngoạt, Thượng hoàng chí tự Chiêm Thành.

“Đến tháng 3 [năm Tân Sửu (1301)], Thượng Hoàng đi chơi các địa phương, xa đến Chiêm Thành... Mùa đông, tháng 11 [năm ấy] mới từ Chiêm Thành trở về.”

Cũng trong sách này, trang 17, tờ a, tờ b chép việc mở Pháp hội Vô lượng:

癸卯[十一年,元大德七年]春,正月,十五日,上皇居天長府,建無量法會於普明寺,施金銀錢帛,賑給天下貧民,及授戒施經。

Quý mão [thập nhất niên, Nguyên Đại Đức thất niên] xuân, chính ngoạt, thập ngũ nhật, Thượng hoàng cư Thiên Trường phủ, kiến Vô lượng Pháp hội ư Phổ Minh tự, thí kim ngân tiền bạch, chẩn cấp thiên hạ bần dân cập thụ giới thí kinh.

“Năm Quý Mão (1303 - niên hiệu Hưng Long thứ 11, nhà Nguyên là niên hiệu Đại Đức thứ 7), mùa xuân, ngày rằm tháng giêng, Thượng Hoàng ở phủ Thiên Trường, mở Pháp hội Vô Lượng tại chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa, chẩn cấp cho người nghèo trong thiên hạ và giảng kinh thí giới.”

Như trên đã nói, Thượng hoàng có vào núi Yên Tử tu khổ hạnh từ năm 1299, nên mới gọi là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng. Biết đâu những năm khổ hạnh này của nhà vua Trần Nhân Tông cũng là nhằm điều phục 6 căn gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cho nên khi soạn Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, ngài đã căn cứ vào việc tu sám 6 căn. Đây cũng là sự lập luận có căn cứ. Chúng ta nên trân quý việc này.

Đến năm 1301, Thượng Hoàng đã đầy đủ tư duy khi tu khổ hạnh rồi mới xuôi nam đến tận Chiêm Thành, chuyến đi kéo dài 8 tháng. Vì sự yên bình cho nhân dân hai nước Chiêm, Việt nên Thượng hoàng đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Lúc ấy, nàng mới 14 tuổi (sinh năm 1287). Lúc về lại Đại Việt, hơn một năm sau Thượng hoàng lại chọn chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường để mở Pháp hội, thỉnh chư Tăng giảng kinh thuyết pháp. Lúc đó hẳn nhiên có Anh Tông đến nghe và cả những vị tướng tài như Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Quang Khải và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nữa. Lúc bấy giờ, Thượng Hoàng Nhân Tông đem tiền bạc vải lụa ra bố thí cho những người nghèo để thể hiện tinh thần “cứu khổ độ sanh” của Bồ Tát vào đời.

Thượng Hoàng Nhân Tông sang Chiêm Thành có thể là mục đích truyền giáo. Vả lại lúc bấy giờ Phật Học Viện Đồng Dương khá nổi tiếng, nên Thượng Hoàng muốn ghé thăm chăng? Chuyến đi này, theo Trần Chí Chính trong lời đề từ bức tranh “Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ” đã viết: “Có lúc Ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở Chiêm Thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi tượng, thân hành tiễn Ngài về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho Ngài. Ấy là Thần Châu, Hóa Châu ngày nay vậy.” Dĩ nhiên đây là một lời được ghi trên bức tranh “Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ” nên không thể ghi hết tất cả các chi tiết, nhưng chúng ta có thể hiểu như sau:

Năm 1283, Thượng Hoàng đã gởi chi viện cho Chiêm Thành 2 vạn quân và 500 chiến thuyền để giúp vua Chiêm là Chế Mân chống lại quân Nguyên do Toa Đô cầm quân đánh phá. Do vậy, sau khi chiến thắng 2 lần quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288 rồi, nhà vua lại đi xuất gia, khiến cho Chế Mân lại càng có cảm tình hơn. Lúc đi, có thể là đi ngựa hay đi bộ từ trại Bố Chính, qua đèo Hải Vân rồi mới đến Đồ Bàn. Đi đến đâu Thượng Hoàng cũng đi khất thực để gần gũi dân chúng và dạy Kinh Thập Thiện cho họ, nên tin đồn đến tai của Chế Mân. Chế Mân và triều đình Chiêm Thành mới thỉnh cầu Trúc Lâm Đại Sĩ vào thành để cúng dường trai tăng.

Sau khi những pháp sự xong xuôi đâu đó, trong lúc chuyện vãn với Chế Mân, thấy người này cũng bản lĩnh và xứng đáng, nên Thượng hoàng mới bảo rằng: “Ta có người con gái út mới 14 tuổi, nay đem gả cho ngươi, mặc dầu ta đã biết ngươi có Chánh cung Hoàng Hậu người Nam Dương rồi.” Thế là trong lòng Chế Mân cứ tơ tưởng đến việc này, nên đã tìm mọi cách để làm hài lòng Thượng hoàng. Tuy rằng khi hứa gả như vậy, Điều Ngự Giác Hoàng chẳng đòi hỏi gì cả, có thể vì cảm mến Chế Mân đã đối xử tốt với mình trong những tháng ở đây cũng như đi xem phong cảnh hữu tình của Chiêm Thành khắp nước nên Thượng hoàng mới nghĩ vậy và hứa như thế, còn việc dâng đất Thần Châu và Hóa Châu lúc ấy không đề cập đến. Việc này mãi đến mấy năm sau này, ít nhất là năm 1304, 1305 khi Phái bộ Chiêm Thành sang Đại Việt ta xin làm lễ đính hôn, thì lúc ấy các tướng tài như Hưng Đạo Vương, Trần Khắc Chân, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài mới tâu với vua Trần Anh Tông rằng phải ra điều kiện nộp sính lễ 2 châu như vậy mới cho cưới Huyền Trân.

Sau đó Phái bộ trở về lại Chiêm Thành mới tâu lên Chế Mân việc này và Chế Mân đã thuận, nên cuộc rước dâu về bến Thị Nại ở Bình Định năm 1306 mới được tiến hành.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) Huyền Trân Công Chúa chính thức về làm vợ Chế Mân và tháng 5 năm Đinh Mùi (1307) Chế Mân mất. Như vậy bà về làm vợ vua Chế Mân có 11 tháng và đã sinh ra thái tử Chế Đa Da trước khi Chế Mân qua đời. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi và Đại Việt chúng ta lại có thêm 2 Châu Ô và Châu Lý. Cuộc tình này sử sách đã ghi lại rõ ràng và cũng có ý trách vua Trần Nhân Tông đã đem con gái của mình là “lá ngọc cành vàng” gả cho “thằng mán thằng mường” không xứng đôi vừa lứa. Nhưng biết đâu đó là nhân duyên của Đại Việt mà cũng là nghiệp lực của vua Chiêm.

Sau khi Công Chúa Huyền Trân về lại triều đình thì bao nhiêu tiếng gièm pha lại nổi lên, nên bà đã vào núi Yên Tử để gặp cha mình và xin quy y Tam Bảo cũng như thọ Bồ Tát giới với Pháp danh Hương Tràng vào năm 1308, trước khi Điều Ngự Giác Hoàng viên tịch. Riêng phần bà, vào năm 1309 đã đi xuất gia ở chùa Nộn Sơn tại Nam Định và ở đó cho đến năm 1340 mới viên tịch. Nay ở Nam Định, chùa Nộn Khê có thờ bà chung với Thụy Bà Công Chúa cũng đã đến xuất gia và tu đạo ở chùa này. Lịch sử vẫn còn đây, nhưng không biết tại sao những người viết sử không tìm cho ra lai lịch rõ ràng để mô tả cuộc đời còn lại của bà cho phải đạo mà gượng ép cho rằng bà đã tư thông với Thượng Tướng Trần Khắc Chung ở trên thuyền lúc từ Chiêm Thành trở lại Thăng Long. Xét về tuổi tác của nàng con gái 20 làm sao tương xứng với Khắc Chung lúc ấy cùng tuổi với ông ngoại bà là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn? Nghĩ cho cùng, đây có thể là một việc thêu dệt về sau này để có một câu chuyện tình gay cấn mà thôi. Nếu ai muốn nghiên cứu thêm thì hãy về thăm đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế sẽ thấy tượng của bà đang thờ tại đó là hình ảnh của một sư cô đầu tròn áo vuông chứ không phải là một Hoàng Hậu đương triều.

Vào năm Giáp Thìn (1304), mùa đông “Anh Tông dâng biểu thỉnh Thượng Hoàng về đại nội, xin thọ tại gia Bồ Tát tâm giới. Ngày Thượng Hoàng vào thành, Vương Công bắt quan chuẩn bị đầy đủ lễ nghi đón rước. Vương Công bắt các quan cùng thọ giới”.

Như vậy, từ cuối đời nhà Lý chúng ta thấy vua Lý Huệ Tông xuất gia với Pháp hiệu là Huệ Quang và 4 đời vua nhà Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông (xuất gia cuối đời), Trần Nhân Tông (xuất gia gần 15 năm) và Trần Anh Tông bây giờ cũng thọ Bồ Tát Giới tại gia. Như vậy cả 5 ông vua này đều đã làm vua và cai dân trị nước giống như những vị Bồ Tát hay những vị Phật. Bồ Tát vào đời để cứu khổ độ sanh, nên 10 giới chính và 48 giới phụ vẫn là “Đạo tục thông hành giới” của người cư sĩ tại gia lẫn xuất gia và vua quan đã thọ giới này, nên dân chúng cũng ảnh hưởng không ít. Vì vậy cả gần 200 năm lịch sử, từ năm 1225 đến năm 1400 của triều Trần, chúng ta thấy có việc hôn nhân cận huyết, nhưng về truyền thống Đại Thừa tu tập theo Bồ Tát Giới, nên đây là một điểm son đẹp nhất trong mọi thời đại của dân tộc Việt Nam, kể từ quá khứ cho đến hiện nay. Những người đi sau không nên vì bất cứ một lý do nào khác mà quên đi công đức của tiền nhân chúng ta đã dày công dựng nước và giữ nước theo con đường thực hành giới Bồ Tát này.

Không những chỉ có vua Anh Tông thọ giới, mà vua cũng khuyến khích những quan lại của triều đình thuở ấy cùng thọ giới Bồ Tát nữa. Đất nước Đại Việt ta thuở ấy từ vua đến quan, từ quan đến dân đều là Phật tử, nên trong chuyến đi sứ qua Đại Việt năm 1293, khi về nước Trần Phu đã viết bài phú An Nam tức sự, chép trong Trần Cương Trung thi tập, 2 tờ 24a3 - 37b2, cho ta biết triều đình nhà Trần “tuy có đền miếu, nhưng không có lễ cúng kỵ hằng năm, chỉ có cúng Phật là rất kính thành”, còn “dân hết thảy đều là thầy tu” (dân tất tăng). Ngay cả như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Phu cũng không quên ghi nhận Hưng Đạo Vương “rất chuộng Phật, nên đặt tên Châu là Vạn Kiếp” và Thiếu Bảo Đinh Củng Viên trong thơ tiễn Trần Phu, cũng đưa tư tưởng Phật giáo vào.

Theo Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát thì bài thơ này chưa được sách vở nước ta chép vào, ngay cả như Việt âm thi tập, Trích diễm thi tập, Toàn Việt thi lục cho đến các sưu tập thơ văn Lý Trần ngày nay cũng không thấy ghi lại. Bài thơ này, Giáo sư cho dịch ra âm và nghĩa như sau:

使星飛下擁祥煙,

不憚崎嶇路九千。

雙袖拂開南海瘴,

一聲喝破下乘禪。

妙齡已出終軍上,

英論高居陸賈前。

歸到朝端須為說,

遠氓日夜祝堯年。

Sứ tinh phi hạ ủng tường yên,
Bất đạn kỳ khu lộ cửu thiên.
Song tụ phất khai Nam hải chướng,
Nhất thanh hát phá hạ thừa thiền.
Diệu linh dĩ xuất Chung Quân thượng,
Anh luận cao cư Lục Giả tiền.
Qui đáo triều đoan tu vị thuyết,
Viễn manh nhật dạ Chúc Nghiêu niên.

Sao sứ bay qua bám khói lành,
Chín trời đường khó chẳng ngại lên.
Miền Nam chướng khí vung tay mở,
Cấp thấy đạo thiền hét tiếng rền.
Tuổi trẻ Chung Quân hơn một bước,
Bùn hay Lục Giả đứng bề trên.
Triều đình về tới nơi tâu báo,
Vua thọ, dân xa chúc những đêm.

(Lê Mạnh Thát)

Sứ kia như ánh sao băng,
Bay qua xứ ấy như tăng khói lành.
Trời cao chín bậc cũng nên,
Ngại chi đến đó để đem tin mừng.
Nam bang khí hậu chửa từng,
Vung tay mở lấy như chừng chẳng lo.
Thiền cơ một tiếng hét to,
Rền vang muôn lối soi cho tỏ tường.
Chung Quân ấy ngày nay đây,
Tuổi trẻ như vậy ai tày mới hay.
Lục Giả đứng trên chỉ bày,
Bàn tay ai đó luận tày thấp cao.
Hôm nay trở lại triều ca,
Tâu lên Thánh Thượng thương mà chứng cho.
Dân nơi ấy, chúc thế này,
Cầu cho vua thọ, đêm ngày hơn Nghiêu.

(Thích Như Điển dịch theo thể thơ lục bát)

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 17, tờ b ghi nhận rằng: “Thượng Hoàng đã ở chùa Sùng Nghiêm từ năm 1303 và Đoàn Nhữ Hài trước khi đi sứ Chiêm Thành đã đến đó gặp Thượng Hoàng để xin ý kiến.”

Trong Thánh Đăng Ngữ Lục cũng đã ghi lại bài giảng của Thượng Hoàng tại chùa Sùng Nghiêm như sau:

“Lúc đầu khai đường, Thượng Hoàng lên tòa giảng, niệm hương báo ân xong, bèn đến tòa giảng. Thượng Thủ đánh bảng v.v… xin mời Điều Ngự: Bèn nói: Đức Thích Ca Văn Phật vì một việc lớn mà xuất hiện ở đời, 49 năm, nhúc nhích đôi mép môi mà chưa nói một chữ. Ta nay vì các ngươi mà lên tòa giảng này, thì nói cái gì? Rồi Thượng Hoàng ngồi xuống giường thiền, một chốc bèn nói:

Đỗ Quyên rền rỉ, trăng ngày sáng,
Đừng để tầm thường xuân luống qua.

Lại đánh xuống một cái: “Chẳng có chi cả, hãy đi ra đi, đi ra đi…”

Như vậy một buổi giảng của Thượng Hoàng chắc chắn có chư tăng, ni và cả hoàng thân quốc thích nữa. Vì ở chùa này đã có bậc Thượng Thủ, có nghĩa là lớn hơn cả chức vị Hòa Thượng ngày nay, cung nghinh Thượng Hoàng lên pháp tòa để giảng kinh, nhưng trước khi thăng pháp tòa, Thượng Hoàng đã niệm hương để báo ân Phật và đảnh lễ Phật để tỏ lòng tôn kính, sau đó mới đến tòa giảng. Đoạn, vị Thượng Thủ đánh bảng để thỉnh mời Thượng Hoàng thăng tòa, giống như cử hành 3 hồi chuông trống Bát Nhã ngày nay vậy. Sau khi Thượng Hoàng thăng pháp tòa, Ngài lặp lại câu mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh Pháp Hoa là: ‘Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên. Đó là: Mở bày cho tất cả chúng sanh vào tri kiến Phật.’ Sau 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật nói rằng: Ngài đã chẳng nói lời nào cả. Vì sao vậy? Vì quá khứ Phật đã từng nói, hiện tại Phật đang nói và vị lai Phật cũng chỉ nói chừng ấy thôi. Đó là pháp sanh diệt. Kẻ nào sống đến cả một trăm năm mà không thấy được pháp sanh diệt, thì chẳng bằng người sống trong một ngày mà nhận chân ra được pháp sanh diệt. Do vậy Thượng Hoàng có nói gì hôm nay đi nữa thì chư Phật trong quá khứ cũng đã nói rồi. Cho nên Thượng Hoàng rời pháp tòa và trở lại giường thiền ngồi đó để nói Thiền ngữ cho đại chúng nghe. Đó là: “Trăng sáng như ban ngày và Đỗ Quyên lại rền rỉ.” Việc này mới lạ, vì Đỗ Quyên chỉ kêu xót về đêm và trăng vì sao sáng như ban ngày? Đây là cái nghi tình. Những điều thật vô lý như vậy Thiền Sư thường hay dùng để cảnh tỉnh, thiền sinh nào rõ lý thì sẽ đốn ngộ. Còn ai không tỏ ngộ được thiền cơ thì có nghe cũng chỉ để mà nghe thôi. Nên Ngài khuyên rằng: “Mùa xuân quý lắm, đẹp lắm. Xuân ấy là tâm Phật đã nở rộ rồi đấy, hãy đừng để cho những việc tầm thường ngự trị nơi tâm này nữa.” Đó là lời dạy, lời nhắc nhở cho những người nghe pháp phải rõ mặt mũi của pháp là gì. Đoạn Ngài dùng thủ xích đánh xuống bàn một cái. Tiếng vang dội lên và Ngài bảo: “Chẳng có gì cả, hãy đi ra đi, đi ra đi…” Thế là chấm dứt một buổi giảng. Đây là một trong những buổi giảng đặc biệt mà Thiền Sư đã để lại trong tâm những Thiền sinh có mặt hôm đó nhiều suy nghĩ ở những ngày sau đó, khi họ trở lại chùa của mình.

Tuy là Thượng Hoàng đánh thủ xích xuống giường thiền và đuổi các thiền sinh “hãy đi ra đi, đi ra đi...”, nhưng ít nhất theo Giáo sư Lê Mạnh Thát cũng có 3 thiền sinh đứng lên hỏi như sau:

Một vị Tăng hỏi: “Thế nào là Phật?”

Đáp: “Hiểu theo như trước là chẳng phải.”

Lại tiến lên hỏi: “Thế nào là Pháp?”

Đáp: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải.”

Lại đứng lên hỏi: “Rốt ráo là thế nào?”

Đáp:

Tám chữ mở toang trăng trối hết,
Chẳng còn gì nữa để trình ông.

Lại đứng lên hỏi: “Thế nào là Tăng?”

Đáp: “Hiểu theo lối trước lại chẳng phải.”

Lại đứng lên hỏi: “Rốt ráo là sao?”

Đáp:

Tám chữ mở toang trăng trối hết,
Chẳng còn gì nữa để trình ông.

Lại đứng lên hỏi:

“Thế nào là một việc hướng thượng?”

Đáp: “Đứng đầu gậy khêu trời trăng.”

Lại đứng lên hỏi: “Dùng công án cũ để làm gì?”

Đáp: “Mỗi lần nêu ra mỗi lần mới.”

Lại đứng lên hỏi:

“Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?”

Đáp: “Ễnh ương nhảy không ra khỏi đấu.”

Lại đứng lên hỏi:

“Hiện ra rồi chìm mất là thế nào?”

Đáp: “Còn tùy dài ngắn bước cát bùn.”

Tiến lên hỏi: “Thế còn nhảy không ra?”

Điều Ngự bèn lên tiếng: “Tên mù kia thấy cái gì?”

Bèn đứng lên nói: “Đại tôn đức lừa người để làm gì?”

Điều Ngự bèn thở dài.

Vị tăng ngẫm nghĩ.

Điều Ngự liền đánh.

Vị tăng lại định đi ra khỏi. Điều Ngự liền hét. Vị tăng cũng hét.

Điều Ngự nói: “Lão Tăng bị ông hét một tiếng, hét hai tiếng rốt ráo để làm gì? Nói mau, nói mau.”

Vị tăng ngẫm nghĩ. Điều Ngự lại hét một tiếng, nói: “Con dã hồ tinh kia vừa đến láu lỉnh, nay ở chỗ nào rồi?”

Vị Tăng vái, rút lui.

Khi Đức Thích Tôn còn tại thế, trong một lần tại Pháp Hội Linh Sơn, Ngài cầm cành hoa sen lên, cả chúng hội cả mấy ngàn người chẳng ai hiểu ý của Đức Phật muốn nói gì. Chỉ có Ngài Đại Ca-diếp (Maha Kasapa) sau khi nhìn mỉm cười. Nụ cười này gọi là “Niêm hoa vi tiếu”. Ngài Ca-diếp đã hiểu được điều của Đức Phật muốn ấn chứng. Trong Thiền ngữ gọi là “lấy tâm truyền tâm”, nghĩa là từ tâm này truyền qua tâm khác. Hai tâm ấy phải tương ưng với nhau. Đức Phật cũng đã dạy cho thiền đến hơi thở, rồi thiền chỉ và thiền quán hay gọi là Tuệ Minh Sát hay Minh Sát Tuệ. Cốt yếu chỉ rõ trí tuệ là thật có sau khi đã chứng thật thiền cơ. Nhưng khi thiền đã được đi về phương bắc xứ Ấn Độ, rồi thiền của Bồ Đề Đạt Ma mang qua Trung Quốc là thiền:

教外別傳,

不立文字,

直指人心,

見性成佛。

Giáo ngoại biệt truyền,
Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.

Truyền ngoài giáo điển,
Không lập văn tự.
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.

Sau đó Tổ Huệ Khả được ấn chứng trở thành Nhị Tổ, rồi Tam Tổ là Tăng Xán, Tứ Tổ là Đạo Tín, Ngũ Tổ là Hoằng Nhẫn và Lục Tổ là Huệ Năng. Tất cả đều lấy tâm truyền tâm, nhưng sau đó Thiền đã bắt đầu thay đổi nhiều khi tạo thành quán thoại đầu, Thiền mặc chiếu của phái Tào Động hay Thiền công án của phái Lâm Tế v.v… Tất cả đều thay đổi theo thời gian năm tháng. Khi Thiền đến Việt Nam vào thế kỷ 6, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi là Sơ Tổ và đến thế kỷ 13, 14, Thiền được liên tục truyền qua Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam… Đến đâu Thiền tông cũng khế hợp với văn hóa và phong tục bản địa, nên Thiền dễ xâm nhập vào tận gốc rễ phong hóa và tập tục của những nước sở tại. Khi đến Việt Nam chúng ta, những thiền sư cũng lặp lại cách hét của Lâm Tế vào thế kỷ 9 bên Trung Quốc hay cách đánh để cảnh tỉnh thiền sinh của những thiền sư sau này, đều là những phương pháp để thiền sinh dụng công hơn nữa, nhằm tập tung vào đề mục quán niệm của mình.

Ở đây, những câu hỏi và trả lời như trên chẳng liên hệ gì nhau cả, nhưng không có nghĩa là chẳng có nghĩa lý gì. Kết quả là chỉ có giữa thầy và trò hiểu được mà thôi. Việc này nếu trở lại với Phật giáo Nguyên Thủy thì Phật đã từng dạy rằng: Khi khát nước, người kia lấy một gáo nước để uống thì chính người đó mới biết được rằng sự đã khát như thế nào, còn người bên ngoài nếu có hỏi người kia sự đã khát ra sao, thì người kia làm sao trả lời được. Do vậy cái cảm nhận được nơi nước khi khát và người không uống nước thì sẽ không bao giờ cảm nhận được sự đã khát như thế nào. Do vậy sự nóng lạnh là do tự thân tâm mỗi người cảm nhận được, chứ người bên ngoài tuyệt nhiên không thể hiểu mà diễn tả ra bằng lời nói được.

Buổi giảng thiền tại chùa Sùng Nghiêm vào cuối năm Giáp Thìn bên trên ít nhiều cho ta thấy về sinh hoạt Phật giáo của dân tộc ta nói chung, đồng thời cũng cho thấy hoạt động Phật giáo của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông.

Sách Tam Tổ thực lục do Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm tập hợp các tư liệu đời Trần để viết nên, đã ghi lại cho ta một buổi giảng khác có sự tham dự của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Đó là buổi giảng tại Viện Kỳ Lân vào ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Ngọ (1306). Tam Tổ thực lục ghi lại buổi giảng này như sau:

Ngày mồng 9 tháng giêng nhuận năm Bính Ngọ, Trúc Lâm Đại tôn giả đến Viện Kỳ Lân khai đường, bèn chỉ pháp tòa nói: “Tòa này là giường mây khúc lục, là tòa báu kim nghê. Ngồi đây đoán định lời lẽ Phật Tổ thì thật rất chật hẹp.” Bèn niệm hương:

“Một nén hương này, khói lành thơm phức, khí tốt bay lên, ngưng đọng năm phần pháp thân, biến khắp mười phương lễ diệu. Sức nóng lò hương dâng lên mười phương ban phúc, chín miếu ứng thiêng, tuổi vua lâu bền, ngôi trời vững chãi.

“Một nén hương này, trong sạch rễ mầm, hiếm lạ giống tính, không mượn sức bón vun, chỉ nhờ thấm thấy hết. Sức nóng lò hương, vâng xin mưa thuận gió hòa, nước thái dân yên, Trời Phật thêm sáng, xe pháp thường quay.

“Một nén hương này, nướng cũng không chín, đốt cũng không cháy, gõ vào không mở, kéo lại không đến, ngó trộm thì con ngươi khô kiệt, ngửi thử thì cửa não toác đôi. Sức nóng lò hương dâng lên Vô Nhị Thượng Nhân (tức vua Trần Thánh Tông), Tuệ Trung Đại Sĩ, mưa pháp ơn nhuần, cháu con đều gội.”

Thượng Hoàng đến tòa giảng, khi lên tòa giảng Thượng Thủ đánh bảng, xin mời. Sư nói: “Đại chúng, nếu nhắm vào chân lý thứ nhất mà nói, động niệm tức sai, mở miệng là bậy, thì làm sao hiểu chân lý, làm sao hiểu quán tưởng? Hôm nay, hãy căn cứ vào chân lý thứ hai mà nói, thế có được không nào?”

Rồi Sư ngoảnh nhìn tả hữu, nói:

“Ở đây chẳng có người nào có được con mắt to lớn hay sao? Nếu có, hai đóa lông mày không mất một mảy may. Nếu không, bần đạo không khỏi cái miệng lầm rầm, đưa ra những lời thừa rách nát sáo mòn. Nhưng vì các người, xin lấy ra một phần hổ lốn. Hãy lắng nghe, lắng nghe.

“Này xem, đạo lớn trống rỗng, đâu buộc đâu ràng, bản tính sang trọng, chẳng lành chẳng dữ. Bởi do chọn lựa, lắm ngả sinh ngang, một nháy thoáng mờ, dễ thành trời vực. Thánh phàm cùng chung một lối, phải trái há được phân ranh. Nên biết tội phước vốn không, nhân quả rốt ráo chẳng thật. Người người vốn đủ, ai nấy tròn đầy. Phật tính, pháp thân như hình với bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng dính chẳng rời. Lỗ mũi thẳng xuống cửa mặt, lông mày vắt ngang hố mắt, há dễ tìm thấy được đâu?

“Nên hãy đi tìm cái đạo không thấy. Ba ngàn pháp môn cùng về tấc dạ. Hà sa diệu dụng thảy tại nguồn tâm. Cái gọi là giới môn, định môn, tuệ môn, các người không thiếu. Nên trở về mà tự suy nghĩ. Phàm những tiếng ho hắng, mày giương mắt nháy, tay cầm chân bước, đó là tính gì? Biết được tính đó là tâm gì? Tâm tính rõ thông thì cái gì đúng, cái gì không đúng?

“Pháp tức là tính, Phật tức là tâm. Tính nào chẳng phải là pháp? Tính nào chẳng phải là Phật. Tức tâm tức Phật, tức tâm tức Pháp, Pháp vốn chẳng pháp. Tức pháp tức tâm, tâm vốn chẳng tâm, tức tâm tức Phật.

“Này các người, thời gian dễ trôi qua, mạng người không dừng lại. Cớ sao ăn cháo ăn chay, mà không rõ việc cái bát cái tô, chiếc thìa đôi đũa để tìm hiểu?”

Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt quá rõ ràng, khúc chiết như vậy, không có chỗ nào chê được. Vậy ta hãy tìm hiểu thêm về nội dung của buổi giảng này của Điều Ngự Giác Hoàng vào ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Ngọ (1306) và trong Tam Tổ thực lục đã ghi chép đầy đủ. Vừa làm Vua, vừa làm Thái Thượng Hoàng, vừa làm Phật Hoàng, vừa làm Thiền Sư nên văn phong lời nói đỉnh đạc, chỉ nhắm vào tánh của người nghe để “đả mê khai ngộ”. Vì ông vốn là một thiền sư, học trò của Vô Nhị Thượng Nhân (Thánh Tông) và cháu của Tuệ TrungThượng Sĩ, nên ông đã lãnh hội được cốt lõi của thiền một cách rõ ràng và sâu thẳm.

Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, tuy Ngài vừa là một Quốc Vương, một Tăng Vương, một Pháp Vương, nhưng khi đến bất cứ chùa nào, Ngài cũng đều đảnh lễ Tam Bảo 3 lạy trước khi thăng tòa thuyết giảng. Cũng có nơi Ngài đảnh lễ xong, bảo chư Tăng Ni và các Phật Tử Việt Nam tụng một bài Chú Đại Bi hay một bài Kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt, sau đó Ngài tụng một bài kinh ngắn bằng tiếng Tây Tạng, đoạn Ngài thăng tòa, đưa mắt nhìn đại chúng mỉm cười, bắt đầu giảng pháp, đôi khi đến một hoặc hai tiếng đồng hồ và sau đó Ngài cho đặt câu hỏi. Ở đây Điều Ngự Giác Hoàng cũng thực hành nghi lễ không ngoài những gì mà các bậc Đại Sư ngày xưa và ngày nay đã, cũng như đang thực hiện. Nghĩa là quỳ xuống trước Tam Bảo dâng hương cúng dường và khấn nguyện. Cầu cho mưa thuận, gió hòa, chánh pháp lan truyền khắp muôn nơi và tuổi thọ của vua lâu dài, ngai vàng vững chãi. Đồng thời Phật Hoàng cũng cầu nguyện đến các bậc trưởng bối của mình là Trần Thánh Tông, tức Vô Nhị Thượng Nhân cùng Tuệ Trung Thượng Sĩ, ban pháp vũ để cho con cháu tộc họ đều được nhờ và sau đó mới bắt đầu nghi thức giảng pháp. Nhưng Ngài cũng đắn đo, bây giờ phải nói gì đây nữa? Nói ra sợ mọi người hiểu lầm về thật tướng của vạn pháp, nhưng không nói thì làm sao hiểu được điều ấy để mà quán tưởng. Cho nên hôm ấy Ngài đã căn cứ vào chân lý thứ hai để nói, tức là chân lý có sự phân biệt để dẫn đến sự vô phân biệt.

Ngài nhìn quanh giảng đường và nghĩ rằng chưa có người nào thượng căn, thượng trí, mà nếu có thì không cần giảng giải Phật lý làm gì. Nếu không, Ngài sẽ dùng ngôn từ hiện đại để giãi bày cho chúng sanh tỏ ngộ.

“Đạo lớn rỗng không, đâu buộc đâu ràng, bản tính sáng trong, chẳng lành chẳng dữ.” Đạo lớn ở đây là sự giải thoát sanh tử, nguyên thủy của nó là trống không, không có gì cả. Nó không bị trói buộc bởi bất cứ cái gì, vì bản lai diện mục của nó vốn trong sáng, nhưng vì vô minh, nên con người tự dấn thân vào và bị phiền não trần lao che khuất. Chứ thật ra đạo ấy vốn không lành, không dữ. Chỉ có con người mê mờ nên mới nhìn đạo như vậy.

“Thánh phàm cùng chung một lối, phải trái há được phân ranh.” Thánh và phàm không khác nhau. Chúng ta mê là phàm, khi chúng ta ngộ sẽ là thánh. Cho nên cả hai đều dùng con đường ấy cả. Sở dĩ có phải, có trái là do mình phân biệt, chứ cánh cửa của sự giải thoát thì nó chẳng vào chẳng ra, chỉ có con người còn sanh tử, nên phải ra vào mà thôi.

“Nên biết tội phước vốn không, nhân quả rốt ráo chẳng thật.” Khi giác ngộ rồi thì các vị thiền sư đều như thế cả. Khi còn mê thì nhân và quả là hai, nhưng khi ngộ rồi thì thấy rằng: Trong nhân có quả và trong quả có nhân, không có cái nào tự có được. Tại sao nhân quả rốt ráo chẳng thật? Vì lẽ khi còn đối đãi thì có và không là hai phạm trù rõ ràng như đúng và sai, nhưng khi không còn phân biệt bỉ thử, đó đây v.v… thì nhân quả đâu có thể chi phối tâm mình được. Do vậy, một thiền sư ngộ đạo rồi thì thấy nhân quả là điều không có thật.

“Phật tính, pháp thân như hình với bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng dính chẳng rời.” Phật tính hay Như Lai Tạng hay Pháp thân vốn chỉ là một, nó giống như hình và bóng luôn theo sát bên nhau, nhưng tùy theo lúc và theo nơi chốn mà thế này hay thế khác, chứ thật ra chân như diệu dụng vốn không hai.

“Lỗ mũi thẳng xuống cửa mặt, lông mày vắt ngang hố mắt, há dễ tìm thấy được đâu?” Lời giảng này gần giống với Thiền ngữ của Ngài Đạo Nguyên, người Nhật Bản. Khi Ngài sang Trung Quốc học Thiền xong, trở lại Nhật Bản để dạy thiền. Có nhiều đệ tử hỏi rằng: Thầy sang Trung Quốc đã học được những gì? Ngài đáp rằng: Thì lỗ mũi thẳng xuống cái miệng, lông mày nằm trên hai con mắt. Những thiền sinh bảo rằng: Việc ấy ở Nhật cũng biết được, đâu cần gì phải sang Trung Quốc? Ngài bảo rằng: Nhưng ai là người rõ được thật tướng ấy? Sau đó mọi người lãnh hội được ngay ý của Ngài.

Ở đây Điều Ngự Giác Hoàng cũng hỏi như thế. Cả hai vị đều sinh ra đồng thời ở thế kỷ 13 và thế kỷ 14. Cả 2 Ngài ở xa nhau nhiều ngàn cây số, nhưng tư tưởng lại gần nhau như trong gang tấc vậy.

“Pháp tức là tánh, Phật tức là tâm.” Thiền ngữ này rất tuyệt vời, nên tức tâm tức Phật là vậy. Tức pháp tức tâm. Pháp ấy cũng như thế. Tánh và tâm hay tâm và tánh vốn là hai phạm trù đối đãi khi dùng đến lời nói, nhưng thực tướng của tâm, tánh và pháp vốn chỉ là một chứ không có hai, ba. Sở dĩ có khác nhau là do con người phân biệt, chứ tự tánh của các pháp không có sự phân biệt này.

Đoạn cuối Ngài dạy về vô thường, mọi người hãy nắm vững. Bởi vì không có cái gì trên thế gian này là vĩnh cửu cả. Chỉ có tánh giải thoát, tánh Niết Bàn, tánh ấy mới an trụ được nơi chơn tâm mà thôi. Khi ăn cháo, ăn chay người ta chỉ biết cháo nóng, cháo nguội, chay ngon, chay dở, chứ ít ai quán niệm về sự hình thành của cái bát đựng cháo ra sao, cái thìa, đôi đũa v.v… Chẳng ai quan tâm đến, nhưng phải biết rằng nếu không có những cái này thì làm sao đựng cháo, đựng thức ăn. Đấy mới là cách quán rốt ráo nhất để chúng ta rõ biết Phật tâm, Phật tánh của mình.

Ở tuổi 50, trong đó có 15 năm làm Thái Thượng Hoàng và 14 năm xuất gia hành đạo, đến ngày mồng một Tết năm Mậu Thân (1308) Thượng Hoàng về lại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, cho gọi Pháp Loa đến trụ trì chùa, mở trường giảng và làm người nối dõi mình trong dòng Thiền Trúc Lâm.

Tới tháng 4, Thượng Hoàng về kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang. Lần này, Thượng Hoàng lại gọi Pháp Loa đến giao nhiệm vụ trụ trì chùa Báo Ân và mở trường giảng. Trong 3 tháng an cư ở đây, Thượng Hoàng đã giảng Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, còn Quốc Sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho đại chúng. An cư xong Thượng Hoàng vào núi Yên Tử và cho các hoạn quan và Tam Bảo nô trở về nhà. Rồi bèn trở lại am Tử Tiêu giảng Truyền Đăng Lục cho Pháp Loa. Những người hầu dần dần xuống núi gần hết. Chỉ có thượng túc đệ tử Bảo Sát ở lại hầu bên cạnh.

Như vậy việc sắp đặt cho Pháp Loa trụ trì chùa Báo Ân, tức là Thượng Hoàng đã chuẩn bị sẵn người và thời điểm để ra đi rồi. Sau này Pháp Loa kế thế Nhân Tông làm Đệ Nhị Tổ phái Trúc Lâm và Huyền Quang Lý Đạo Tái làm Tam Tổ của phái này. Việc này xưa nay vẫn vậy. “Tổ Tổ tương truyền” là đây. Việc Thầy truyền cho trò để người học trò đệ tử lo kế thế trụ trì giúp cho ngọn đèn chánh pháp không bị ngưng trệ mà mãi mãi sáng ngời cho đến hậu thế. Đó là bổn phận của người đi trước.

Ngày xưa hay ngày nay cũng thế, chư tăng ni mỗi năm đều phải có 3 tháng an cư kiết hạ để thúc liễm thân tâm, tu hành giới đức. Còn bổn phận làm học trò, đệ tử thì phải đi tham cứu ở những trường hạ như vậy để học hỏi thêm về kinh, luật cũng như luận. Đức Phật đã nhập diệt từ thế kỷ 6 trước Tây lịch, đến thế kỷ 14 của vua Trần Nhân Tông là gần 2.000 năm và từ đó đến nay 6, 7 thế kỷ nữa, chư tăng ni khắp nơi trên quả địa cầu này, dầu là Nam hay Bắc Tông, Đại Thừa hay Kim Cang Thừa cũng đều thực hành việc tịnh tu này. Quả là một điều đáng ngưỡng vọng biết bao và hy vọng rằng cả ngàn năm sau nữa khi giáo pháp đã đến thời kỳ không phát triển như thời Chánh huy Tượng Pháp nữa, cũng mong chư Tăng Ni hãy cố gắng hành trì an cư kiết hạ mỗi năm 3 tháng như thế, thì ngọn đèn pháp vẫn luôn rạng tỏ đến muôn nơi trên quả địa cầu này.

“Từ đó trở đi, Thượng Hoàng đã đi khắp hang núi và thường sống ở trong nhà đá. Bảo Sát thấy thế, thưa với Thượng Hoàng: ‘Tôn đức tuổi tác đã cao mà cứ xông pha sương tuyết, thì mạng mạch của Phật Pháp sẽ thế nào?’ Thượng Hoàng đã trả lời rằng: ‘Thời ta đã đến, ta muốn làm kế trường vãng.’

“Ngày mồng 5 tháng 10, gia đồng của Công Chúa Thiên Thụy, vốn là chị ruột của người, lên núi tâu: ‘Thiên Thụy đau nặng, xin gặp tôn đức để chết.’ Thượng Hoàng bùi ngùi nói: ‘Thời tiết đã đến rồi.’ Rồi chống gậy xuống núi, chỉ đem theo một người hầu. Đi 10 ngày mới tới Thăng Long. Đó là hôm rằm tháng mười. Sau khi dặn dò chị mình xong, bèn trở về núi. Ngủ đêm tại chùa Báo Ân của Siêu Loại. Sáng tinh mơ hôm sau, bèn lại ra đi. Đến chùa thôn hương Cổ Châu, Thượng Hoàng tự đề lên vách chùa bài kệ:

世數一息墨,

時情兩海銀。

魔宮渾管甚,

佛國不勝春。

Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.

“Số đời hơi thở lặng,
Tình người đôi biển ngân.
Cung ma chật hẹp lắm,
Nước Phật khôn xiết xuân.

“Ngày 17, Thượng Hoàng ngủ đêm tại chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh. Thái Hậu Tuyên Từ mời đến am Bình Dương đãi chay. Thượng Hoàng vui vẻ nói: “Đây là bữa cơm cúng dường cuối cùng.” Rồi nhận lời.

“Ngày 18, Thượng Hoàng lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở núi Kỳ Đặc của vùng Yên Sinh, thì thấy nhức đầu. Bèn gọi hai tỳ-kheo Tử Doanh và Hoàn Trung bảo: “Ta muốn lên núi Ngọa Vân mà sức chân đi không nổi, biết làm sao bây giờ?” Hai vị tỳ-kheo nói: ‘Hai đệ tử có thể giúp vậy.’ Vừa đến núi Ngọa Vân, Thượng Hoàng cám ơn hai vị tỳ-kheo và bảo: ‘Xuống núi gắng tu hành, chớ cho sống chết là chuyện chơi.’

“Ngày 19, sai Thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu núi Yên Tử gọi Bảo Sát về gấp.

“Ngày 20, Bảo Sát ra đi, đến suối Doanh thấy một dải mây đen từ núi Ngọa Vân qua tới Lỗi Sơn, rồi phủ xuống suối Doanh. Nước lớn dâng lên mấy trượng, chốc lát lại hạ xuống, thì thấy hai đầu rồng lớn như con ngựa đang cất cao hơn một trượng, đôi mắt sáng như sao, giây lát rồi biến mất. Đêm ấy Bảo Sát ngủ qua đêm tại sơn điếm, lại nằm mơ thấy chuyện không lành.”

Sau khi đọc đoạn này ở Thánh Đăng Ngữ Lục, chúng ta thấy hành trạng của Điều Ngự Giác Hoàng gần giống với trường hợp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni viên tịch, Ngài thường hay đau lưng và sau khi nhận bát cháo nấm rừng của Thuần-đà (Cunda) thì Ngài bị đau bụng và biết trong cháo có nấm độc, nên chỉ một mình dùng, không cho các đệ tử khác ăn. Trong khi đó Ngài A-nan nằm trong rừng bỗng nhiên thấy một cây cổ thụ tàn lá sum suê đang bị héo dần và những hiện tượng lạ cũng bắt đầu xuất hiện tại Kushinagara cũng như các địa phương như Tỳ-xá-ly v.v… Không biết người xưa chép lại hành trạng của Thượng Hoàng có ý gì không? Chứ xét ra thì có nhiều điểm tương đồng giống như 6 năm tu khổ hạnh của Trúc Lâm Đầu Đà Giác Hoàng vậy (1295 - 1300, 1301).

“Ngày 21, Bảo Sát đến núi Ngọa Vân, Thượng Hoàng thấy đến, mỉm cười nói: ‘Ta sắp đi rồi, ngươi sao đến muộn thế. Trong Phật pháp, ngươi có điểm nào chưa rõ, mau đem ra đây.’ Bảo Sát đứng lên hỏi: ‘Khi Mã đại sư không khỏe, Viện chủ hỏi: Gần đây tôn đức thế nào? Mã nói: “Ngày gặp Phật, tháng gặp Phật”, ý chỉ thế nào? Thượng Hoàng nói lớn: ‘Năm đế ba vua là vật gì?’ Sát lại đứng lên hỏi:

“Chỉ như:
Hoa phơi phới chừ gấm phới phơi,
Trúc đất Nam chừ cây đất Bắc.
Thì làm sao?

“Thượng Hoàng nói: ‘Mắt ngươi mù rồi chăng?’ Sát thôi không hỏi nữa. Từ đó bốn ngày trời đất tối tăm, gió lốc thổi mạnh, mưa tuyết phủ cây, khỉ vượn đi quanh am khóc la. Chim rừng buồn bã hót.”

Đọc đoạn này ta thấy cũng tương tự như Ngài A-nan gặp Phật lần cuối và Phật hỏi A-nan rằng: Có gì thưa hỏi nữa chăng? Ngài A-nan thưa: Bạch Thế Tôn! Khi Ngài còn tại thế, Ngài là Thầy của nhân thiên. Vậy khi Ngài nhập Niết Bàn rồi, chúng sanh lấy ai làm Thầy?

Đức Phật bảo: Hãy lấy giới luật làm Thầy. Ở đây Thượng Hoàng cũng có ý chỉ ấy và dặn Bảo Sát rõ ràng theo tâm thiền mà ông muốn trao, cho nên cả hai Thầy trò đều nương theo chuyện của Mã Tổ để đàm đạo. Rồi tiếp theo là những hiện tượng lạ cũng tương tự như khi Đức Thế Tôn chuẩn bị thị hiện Niết-bàn.

“Ngày mồng một tháng 11, vào lúc nửa đêm, sao mai sáng rực, Thượng Hoàng hỏi: ‘Lúc này mấy giờ rồi?’ Bảo Sát trả lời: ‘Giờ Tý.’ Thượng Hoàng dùng tay mở cánh cửa sổ ra nhìn rồi nói: ‘Đây là giờ ta đi.’ Bảo Sát hỏi: “Tôn Đức đi đâu?” Thượng Hoàng nói:

一切法不生 ,

一切法不滅。

若能如是解,

諸佛常現前 ,

何去來之有。

Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu?

Tất cả pháp không sanh,
Tất cả pháp không diệt.
Nếu hay hiểu như vậy,
Chư Phật thường hiện tiền,
Sao có chuyện đến đi?

“Bảo Sát đứng lên hỏi: ‘Nếu không sanh không diệt thì thế nào?’ Thượng Hoàng bỗng nhiên lấy tay che miệng nói: ‘Đừng có mớ.’ Nói xong, Thượng Hoàng nằm theo thế sư tử, rồi lặng lẽ ra đi. Đến đêm ngày mồng 2, Bảo Sát theo di chúc đem hỏa táng ở tại am Thượng Hoàng ở. Hương thơm bay ngào ngạt, nhạc trời vang dội cả hư không. Có mây ngũ sắc phủ lên giàn lửa. Đến ngày mồng 4, Tôn giả Phổ Tuệ mới từ núi Yên Tử lật đật mà đi đến. Đem nước thơm tưới giàn lửa. Làm lễ thu ngọc cốt, lại lượm được xá lợi ngũ sắc, loại lớn hơn trăm viên, loại nhỏ như hạt thóc, hạt cải thì không thể kể xiết.

Đọc đoạn này chúng ta liên tưởng đến việc nhập Niết Bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi đó Ngài Ca-diếp và 500 đệ tử về muộn, thì trường hợp Tôn Giả Phổ Tuệ ở đây cũng vậy. Khi thiêu thì hương thơm ngào ngạt và sau khi thiêu có xá lợi. Lúc thời Đức Phật thì có Tứ Thiên Vương và 8 vị vua các nước lân cận đến thỉnh về quê hương xây tháp để thờ. Còn ở đây thì có vua Anh Tông và Quốc Phụ Thượng Tể, tức Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải cũng đã đem triều đình cùng thuyền ngự đến vái lạy từ chân núi khóc vang. Sau đó bèn rước ngọc cốt và xá lợi xuống thuyền ngự đưa về kinh đô Thăng Long, triều đình và dân chúng buồn thương khóc lóc vang động cả đất trời và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, rồi đem ngọc cốt vào trong khám báu, phân chia xá lợi làm hai phần. Mỗi phần đều đựng trong hộp vàng bảy báu. Việc chung xong rước ngọc cốt nhập vào đức lăng, miếu hiệu là Nhân Tông. Lấy một phần xá lợi đưa vào bảo tháp đặt ở đức lăng của Long Hưng. Còn một phần thì gói đưa vào tháp vàng đặt ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.

Những ngày cuối cùng của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông là như thế theo sách Thánh Đăng Ngữ Lục. Còn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 23, tờ b và trang 24 tờ a chép ngắn gọn hơn và khác đi đôi chút:

三日上皇崩于安子山卧雲庵。時上皇出家居安子山之紫霄峯自號竹林大士。其姊天瑞病革下山徃視之謂曰。姊若時至自去見冥㝠間問事則應之曰願少待我弟竹林大士且至。言訖還山嘱侍者法螺以後事奄然坐化天瑞亦以是日薨。法螺燒得舍利三千餘粒奉至京師資福寺。帝疑之。群臣多請罪法螺。皇太子奣年九嵗侍側懷忠忽有舍利數粒出以示之檢匣内已有缺數。帝感泣意乃解。

Tam nhật, Thượng hoàng băng vu Yên Tử sơn Ngoạ Vân am. Thời, Thượng hoàng xuất gia, cư Yên Tử sơn chi Tử Tiêu phong, tự hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ. Kỳ tỷ Thiên Thụy bệnh, cách hạ sơn vãng thị chi, vị viết: Tỷ nhược thời chí tự khứ, kiến minh gian vấn sự tắc ứng chi viết: Nguyện thiểu đãi ngã đệ Trúc Lâm Đại Sĩ thả chí. Ngôn ngật, hoàn sơn, chúc thị giả Pháp Loa dĩ hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy diệc dĩ thị nhật hoăng. Pháp Loa thiêu đắc xá lợi tam thiên dư lạp, phụng chí kinh sư Tư Phúc tự. Đế nghi chi. Quần thần đa thỉnh tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh, niên cửu tuế, thị trắc hoài trung hốt hữu xá lợi số lạp xuất dĩ thị chi kiểm hạp nội dĩ hữu khuyết số. Đế cảm khấp ý nãi giải.

“Ngày mồng 3 [tháng 11, niên hiệu Hưng Long năm thứ 16 - 1308], Thượng Hoàng băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Bấy giờ, Thượng Hoàng xuất gia, tu trên ngọn Tử Tiêu của núi Yên Tử, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Người chị ngài là [công chúa] Thiên Thụy bị bệnh, ngài gấp rút xuống núi đến thăm, bảo chị rằng: “Nếu đến lúc đi thì chị cứ tự đi, gặp nơi cõi âm hỏi chuyện gì thì cứ trả lời: “Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm Đại Sĩ sắp đến.” Nói xong, [Thượng Hoàng] quay về núi, dặn dò Pháp Loa việc hậu sự rồi lặng lẽ ngồi mà mất. [Công chúa] Thiên Thụy cũng mất trong ngày hôm ấy. Pháp Loa thiêu [di thể] được xá-lợi hơn 3.000 hạt, cung kính mang về chùa Tư Phúc ở kinh đô. Vua [Anh Tông] nghi ngờ việc ấy. Quần thần đa số muốn buộc tội Pháp Loa. [Khi ấy,] Hoàng Thái Tử Mạnh vừa được 9 tuổi, đứng hầu một bên, bất chợt thấy trong người có mấy hạt xá-lợi, liền lấy đưa ra cho mọi người xem. Xem lại trong hộp [đựng xá-lợi] thì có mất đi mấy hạt. Vua cảm động rơi lệ, không còn nghi ngờ nữa.”

Như vậy, so sánh 2 nguồn tư liệu, ta thấy có nhiều điểm sai khác. Thánh Đăng Ngữ Lục là do đệ tử của Nhân Tông soạn và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì do các Nho sĩ và người của triều đình soạn, nên có nhiều điểm rất dị biệt. Ví dụ, Thánh Đăng Ngữ Lục nói rằng Thượng Hoàng viên tịch ngày mồng một tháng 11 năm 1308, nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nói ngày là mồng 3 tháng 11 năm 1308. Một bên thì Ngữ lục nói Ngài nằm theo dáng sư tử rồi viên tịch, Sử ký thì nói Ngài ngồi mà mất. Điều đáng nói ở đây là, Thượng Hoàng là người đã tỏ ngộ đạo Thiền, nên không thể nói với Thiên Thụy: “Khi gặp cõi âm có hỏi việc gì thì cứ trả lời: Xin đợi một chút em tôi là Trúc Lâm Đại Sĩ sắp đến.” Như vậy hóa ra Đại Sĩ chưa giải thoát được sao mà phải đi xuống cõi âm? Hay là chị mình bị đi xuống cõi âm, nên phải đi theo để giúp đỡ? Điều này vô lý, vì trước đó Thượng Hoàng đã nói với Thiên Thụy Công Chúa là “Nếu đến lúc đi thì chị cứ tự đi.” Chuyện này có vẻ như ma mị, dị đoan, không phải thuyết của Phật giáo. Còn một điểm khác nữa là khi nghe Thượng Hoàng viên tịch thì Anh Tông là con và triều đình không thể chỉ ở Thăng Long chờ, mà phải thân hành đến Yên Tử để dự lễ trà tỳ, sau đó thỉnh xá lợi về để thờ ở chùa Tư Phúc và ở lăng Long Hưng như Thánh Đăng Ngữ Lục viết là hợp lý hơn, còn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lại bảo: “Anh Tông có ý nghi ngờ Pháp Loa.” Do vậy khi đứa cháu tên Mạnh mới 9 tuổi, con của Anh Tông, tự nhiên thấy có xá-lợi xuất hiện trong người và lấy ra cho mọi người xem, mà xem lại trong hộp đựng xá-lợi thì mất đi mấy viên, cho nên Anh Tông mới cảm động đến rơi lệ mà không còn nghi ngờ nữa. Đồng thời kiểm lại thấy trong hộp đựng xá-lợi mất đi mấy hạt. Điều này có thể tin được, nhưng Thánh Đăng Ngữ Lục hoàn toàn không đề cập đến.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 25, tờ b đến trang 27, tờ a kể lại việc đưa xá-lợi Thượng Hoàng đi nhập tháp khoảng gần hai năm sau đó (tháng 9 năm 1310):

庚戌十八年元至大三年秋九月十六日奉引上皇梓宮塟龍興府歸㱕德陵舍利藏卧雲庵寶㙮廟號仁宗謚曰法天崇道應世化民隆慈顯惠聖文神武元明睿孝皇帝。以欽慈保聖太皇太后祔玄宮。先是人宗殯宮權安延賢殿。将發引時刻已至而官僚士庶填塞宮殿。宰相執鞭驅辟竟不䏻開。

Canh Tuất thập bát niên, [Nguyên Chí Đại tam niên] thu cửu nguyệt, thập lục nhật, phụng dẫn Thượng hoàng tử cung táng Long Hưng phủ, Quy Đức lăng, xá lợi tàng Ngoạ Vân am bảo tháp, miếu hiệu Nhân Tông, thụy viết Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hoá Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Dĩ Khâm Từ Bảo Thánh Thái Hoàng Thái Hậu phụ huyền cung. Tiên thị, Nhân Tông thấn cung quyền an Diên Hiền điện. Tương phát dẫn thời khắc dĩ chí nhi quan liêu sĩ thứ điền tái cung điện. Tể tướng chấp tiên khu tích cánh bất năng khai.

“Mùa thu năm Canh Tuất (1310), [niên hiệu Hưng Long] thứ 18, [nhà Nguyên là niên hiệu Chí Đại thứ 3], ngày 16 tháng 9 rước thánh quan Thượng Hoàng đưa về táng ở lăng Quy Đức thuộc phủ Long Hưng, xá-lợi thì thờ nơi bảo tháp ở am Ngọa Vân, [dâng] miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Lại đưa [phần mộ] Khâm Từ Bảo Thánh Thái Hoàng Thái Hậu về hợp táng ở đó. Trước đó, thánh quan Nhân Tông đã tạm quàn tại điện Diên Hiền. Sắp đến giờ đưa [thánh quan] đi mà các quan chức, sĩ phu cùng dân chúng đứng chật cả cung điện. Tể Tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không thể mở đường [di quan].”

Điểm này thì Thánh Đăng Ngữ Lục không ghi rõ. Đây có thể chỉ là phần tro cốt còn lại sau khi hỏa táng và một năm sau Anh Tông cùng triều đình mới mang đi, đặt trong thánh quan. Cả hai tài liệu trên đều xác định là Nhân Tông là sau khi mất được hỏa táng, nên việc cải táng từ điện Diên Hiền về lăng Quy Đức chỉ có thể là phần tro cốt, còn phần xá-lợi đã được phân chia trước đó rồi, thờ phụng ở bảo tháp tại am Ngọa Vân, tức là nơi Trúc Lâm Đại sĩ viên tịch. Nhưng cũng trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trước đó lại nói rằng: “Pháp Loa thiêu [di thể] được xá-lợi hơn 3.000 hạt, cung kính mang về chùa Tư Phúc ở kinh đô.” Như vậy, phần xá-lợi thờ ở am Ngọa Vân hẳn phải được chia ra trước đó, rồi phần còn lại mới mang về kinh đô.

Nhìn lại sự kiện này, việc đưa Thái Hoàng Thái Hậu Khâm Từ về hợp táng có lẽ chỉ để thỏa lòng của nhà vua và hoàng tộc, nhưng không thích hợp lắm với cương vị đã xuất gia, “ly gia cát ái” của một bậc Đại Sĩ. Xá-lợi thờ ở chùa Tư Phúc hay Báo Ân hoặc Phổ Minh ở phủ Thiên Trường thì hợp lý hơn.

Về chi tiết sắp đến giờ đưa thánh quan đi mà dân chúng, quan chức, sĩ phu vẫn còn tụ họp đứng chật cả điện Diên Hiền, không có đường di quan, chứng tỏ rằng quan dân thời ấy đều rất cung kính Thượng Hoàng, lúc còn sống cũng như khi đã viên tịch. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 6, trang 26, tờ a và tờ b thuật lại phương thức của triều đình giải quyết vấn đề này vào lúc đó hết sức thú vị:

帝召祗候正掌鄭重子曰梓宮将發而人眾填咽如此奈何爾其辟之。仲子即就天墀呼海口虎翊仲子所領軍列坐墀中使唱龍吟曲數聲眾皆驚訝相率徃官殿遂竟即奉引㱕德陵。仲子慮經途必有高下旋轉之勢如肅靜無譁則患在傾側傳呼報告則嫌於宣閙乃以行止縱横之語編入龍吟曲使人唱聲相語告焉。時人美之。

Đế triệu Chi hậu chánh chưởng Trịnh Trọng Tử viết: Tử cung tương phát nhi nhân chúng điền yết như thử nại hà? Nhĩ kì tích chi. Trọng Tử tức tựu thiên trì, hô Hải Khẩu, Hổ Dực [Trọng Tử sở lĩnh quân] liệt toạ trì trung, sử xướng long ngâm khúc sổ thanh, chúng giai kinh nhạ, tương suất vãng quan, cung điện toại cánh, tức phụng dẫn Quy Đức lăng. Trọng Tử lự kinh đồ tất hữu cao hạ toàn chuyển chi thế, như túc tĩnh vô hoa tắc hoạn tại khuynh trắc, truyền hô báo cáo tắc hiềm ư tuyên náo, nãi dĩ hành chỉ tung hoành chi ngữ biên nhập Long Ngâm khúc, sử nhân xướng thanh tương ngữ cáo yên. Thời nhân mỹ chi.

“Vua cho gọi Chi hậu Chánh chưởng Trịnh Trọng Tử đến bảo: “Thánh quan sắp đưa đi mà người đông nghẹt như thế thì biết làm sao? Ngươi hãy làm sao xô đuổi họ ra.” Trọng Tử lập tức ra bên ngoài thềm cung điện, gọi quân Hải Khẩu, Hổ Dực (là những đội quân dưới quyền Trọng Tử) đến ngồi dài theo bậc thềm [cung điện], lệnh cho họ cùng nhau hát lớn mấy điệu Long Ngâm. Mọi người đều ngạc nhiên kéo nhau ra xem, trong cung điện trống trải, mới rước [thánh quan] về lăng Quy Đức. Trọng Tử lo lắng rằng trên đường đi ắt có những chỗ địa thế lên cao, xuống thấp hoặc xoay chuyển, nếu giữ nghiêm trang không to tiếng nhắc nhở thì sợ [những người khiêng thánh quan sẽ để] nghiêng lệch, còn nếu hô hoán gọi bảo thì sợ gây ồn náo, liền đem những câu hiệu lệnh lúc đi, lúc dừng, lúc quay ngang, bước dọc v.v... phổ vào trong điệu Long Ngâm, sai người xướng lên [từng lúc thích hợp để làm hiệu lệnh]. Người thời ấy đều khen ngợi.”

Như vậy là tài ứng xử khéo léo của Trịnh Trọng Tử. Ông này chắc điều khiển dàn nhạc của triều đình Anh Tông nên hay hát cho vua và hoàng hậu nghe. Những khúc hát này gọi là Long Ngâm. Cũng chỉ cần ai đó xướng lên những câu hát nổi bật thì dân chúng sẽ quay về phía đó, bên này mới làm lễ di quan được. Quả là một diệu kế. Còn việc điều khiển những người khiêng thánh quan đi cũng không phải dễ dàng. Nếu nghiêm trang im lặng mà đi thì gặp lúc mặt đường lên cao xuống thấp, chắc chắn không thể tránh khỏi sự nghiêng lệch, vì mỗi người khiêng thánh quan không thể nhìn thấy toàn bộ mặt đường. Nên biết, theo quan niệm của người xưa, lúc di quan tuyệt đối không được để quan tài nghiêng lệch, bên thấp bên cao. Vì thế, có nhiều nơi còn đặt bát nước hay ly rượu bên trên quan tài để chắc chắn rằng trong suốt thời gian di chuyển quan tài luôn được giữ thăng bằng, vì nếu nghiêng lệch sẽ thấy nước hoặc rượu đổ ra bên ngoài. Chính vì điểm này nên trong các đám tang thường dân luôn phải có một người điều khiển, quan sát mặt đường và hô hiệu lệnh để những người khiêng quan tài có thể biết được là cần nâng cao hay hạ thấp đòn khiêng của mình, hoặc ở những chỗ khúc quanh thì bên nào sẽ bước nhanh, bên nào dừng lại v.v... Nhờ có những hiệu lệnh này mà quan tài khi di chuyển luôn giữ được sự thăng bằng, không nghiêng lệch. Nhưng sự di chuyển thánh quan của hoàng đế thì khác, nếu cũng làm theo cách của dân thường sẽ mất đi sự tôn nghiêm, khiến cho việc đưa tang trở nên ồn náo. Do vậy, sáng kiến của Trịnh Trọng Tử là chuyển những hiệu lệnh điều khiển này thành câu hát, và sai người tùy theo từng lúc thích hợp trên mặt đường để hát lên, nhằm thông báo cho những người khiêng thánh quan biết được phải đi tới hay dừng lại, nâng cao hay hạ thấp v.v... Như vậy vẫn có hiệu quả điều khiển được những người khiêng thánh quan, mà không làm mất đi sự tôn nghiêm cần phải có, bởi những hiệu lệnh bằng âm nhạc như vậy thì không gây ồn náo mà ngược lại còn êm tai, dễ chịu. Có thể sau khi tang lễ xong, Trịnh Trọng Tử phải được Anh Tông ban thưởng đặc biệt.

Cũng trong quyển 6 của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trang 27, tờ a ghi chép thêm về việc phụng thờ xá-lợi:

仁宗舍利之藏寶塔也有僧智通奉侍焉。初仁宗出家時超類寺僧智通燃臂自掌至入肘儼然無變容。仁宗臨觀智通設坐而拜曰臣僧燃燈也。燈畢回院熟睡睡覺火腫旋愈。至是仁宗崩乃入安子山奉侍舍利寶㙮。明宗時燒身死。

Nhân Tông xá-lợi chi tàng bảo tháp dã hữu tăng Trí Thông phụng thị yên. Sơ Nhân Tông xuất gia thời, Siêu Loại tự tăng Trí Thông nhiên tí tự chưởng chí nhập trửu nghiễm nhiên vô biến dung. Nhân Tông lâm quan, Trí Thông thiết tòa nhi bái viết: Thần tăng nhiên đăng dã. Đăng tất hồi viện thục thụy, thụy giác hỏa thũng toàn dũ. Chí thị Nhân Tông băng nãi nhập Yên Tử sơn phụng thị xá lợi bảo tháp. Minh Tông thời thiêu thân tử.

“Xá-lợi của Nhân Tông đưa vào bảo tháp, có vị tăng Trí Thông lo việc thờ phụng. Trước đây, vào lúc Nhân Tông xuất gia, vị tăng Trí Thông ở chùa Siêu Loại tự đốt cánh tay [cúng dường], cháy từ bàn tay vào đến khuỷu tay mà vẫn nghiêm trang, mặt không biến sắc. Nhân Tông đến xem, Trí Thông xếp chỗ mời ngồi rồi vái chào nói: “Lão tăng bề tôi này thắp đèn thôi. Đèn cháy hết rồi thì quay về phòng ngủ say, lúc thức dậy chỗ bỏng đã lành rồi.” Lúc này, Nhân Tông băng, [Trí Thông] liền vào núi Yên Tử lo việc thờ phụng bảo tháp xá-lợi. Đến triều Minh Tông thì [ông] tự thiêu mà chết.”

Khi Nhân Tông xuất gia, là lúc vị tăng Trí Thông phát tâm đốt cánh tay cúng dường Tam bảo. Đây là sự phát tâm mãnh liệt có ghi trong kinh điển Phật giáo, khi hành giả có một tâm nguyện mạnh mẽ đến mức vượt qua mọi cảm thọ đau đớn thông thường lúc tự mình đốt cháy một phần thân thể. Trường hợp vị tăng Trí Thông này còn đặc biệt là sau khi đốt tay, ngủ một giấc dậy lại thấy chỗ bỏng đã lành. Điều này cũng giống như trong kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 23, Dược Vương và Dược Thượng Bồ Tát cũng đốt tay cúng dường, sau đó liền lành, vì lời nguyện của các ngài quá vĩ đại nên chư Phật đã chứng giám. Ở đây cũng vậy, tâm nguyện của sư Trí Thông phải hết sức mãnh liệt nên mới chiêu cảm được sự việc như vậy. Sau khi xá-lợi của Nhân Tông được đưa vào bảo tháp thì chính sư là người vào núi Yên Tử ở lại để lo việc thờ phụng. Và sau này, đến thời Minh Tông làm vua thì sư đã tự thiêu để cúng dường chư Phật.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép lại rõ ràng chuyện này nên chúng ta có thể tin đây là sự thật. Nhưng Thánh Đăng Ngữ Lục không thấy ghi chép việc này, nên việc sử dụng cả hai tài liệu này có thể bổ sung cho nhau, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự viên tịch của Điều Ngự Giác Hoàng.

Một ông vua, vừa làm vua vừa làm Phật, vừa làm thiền sư, vừa làm thi sĩ v.v… quả thật trong lịch sử nước Nam ta chưa có vị vua nào được như vậy. Dẫu cho Thánh Đăng Ngữ Lục có nhân cách hóa một vài sự kiện khi Thượng Hoàng sắp băng hà, hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư muốn ghi rõ lại việc của triều đình, của Anh Tông và ngay cả Minh Tông sau này nữa, phải lấy công hạnh của Vua Ông, Vua Cha của mình mà noi theo để cho dân được nhờ và nước được cậy. Để từ đó Thiền học của Việt Nam lại bắt đầu có một chỗ đứng riêng so với thế giới cũng như Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Thiền duy nhất có tính cách Việt Nam do vị vua triều Trần thiết lập. Đây là điều đáng hãnh diện cho dân tộc và cho nước nhà Lạc Việt. Vì lẽ Đạo Phật không phải chỉ cho những người dân quê chân lấm tay bùn tin theo, mà ngay cả trên từ vua chúa, dưới cho đến quan quân đều một lòng tín sự phụng hành. Đây là một tấm gương sáng ngời cho hậu thế soi chung vậy.

Về tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông thì chúng ta đã thấy qua những bài giảng hay những bài kệ đối đáp giữa thầy và trò, giữa thầy và đệ tử. Nay ta đi sâu, khảo sát về buổi giảng vào ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Ngọ (1306) và thấy rằng Vua Trần Nhân Tông đã cảm ơn Vô Nhị Thượng Nhân cũng như Tuệ Trung Thượng Sĩ và nói là: “Ơn mưa pháp đã thấm tới cho cháu con được tắm gội.” Vô Nhị Thượng Nhân không ai khác hơn là Vua Trần Thánh Tông, thân phụ của Vua Trần Nhân Tông, còn Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Ông Bác của ông, nếu đứng về phía cha, hay Ông Cậu của ông, nếu đứng về phía mẹ.

“Vua Trần Thánh Tông là người đã sanh thành ra Vua Trần Nhân Tông, như vậy có một ảnh hưởng quyết định đối với sự hình thành và phát triển của Trần Nhân Tông. Thế thì tư tưởng của Trần Thánh Tông là gì? Một lần nữa, các tác phẩm của vua Trần Thánh Tông như: Thi tập, Thiền tông liễu ngộ ca, Chỉ giá minh, Phóng Ngưu và Cơ cầu lục ngày nay đã tán thất hết. Tuy nhiên căn cứ một số bài thơ và đoạn văn còn lại tới ngày nay trong các tác phẩm như: Thánh Đăng ngữ lục, Việt Âm thi tập, Toàn Việt thi lục … ta có thể rút ra một số nhận định về tư tưởng của Trần Thánh Tông như sau:

Thứ nhất, trong thơ văn Trần Thánh Tông thường xuất hiện tư tưởng thiền của Lý Cao. Chẳng hạn bài thơ đầu tiên do Thánh Đăng Ngữ Lục, tờ 12a8-b3 chép lại của Vua Trần Thánh Tông như thế này:

Bốn chục năm hơn một tấm lòng
Muôn trùng cửa ngục vượt ra xong
Động như hang trống gào vang gió
Tĩnh tựa hồ yên trăng sáng trong
Câu nọ năm huyền mình hiểu biết
Đường kia mười chữ mặc áo xông
Có người hỏi tớ tin gì mới
Mây tại trời xanh nước ở thùng.

Câu cuối nguyên văn chữ Hán là:

Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.

Câu này nguyên nằm trong bài tứ tuyệt do Lý Cao (772-841) viết để tặng cho Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm (751-834):

煉得身形似鶴形,

千株松下兩函經。

我來問道無餘說,

雲在青天水在瓶。

Luyện đắc thân hình tợ hạc hình,
Thiên chu tùng hạ lưỡng hàm kinh.
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,
Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.

Điều này chứng tỏ Trần Thánh Tông rất tâm đắc với những gì Lý Cao thể hiện trong thơ văn mình. Với nhân vật Lý Cao này, tuy là một Phật Tử, đã có những bài điều trần lên án việc độ Tăng và làm chùa to đúc Phật lớn, cho rằng những việc làm đó chẳng có công đức gì mà chỉ là những việc làm hút máu mỡ của dân. Đối với việc độ tăng, Lý Cao cho rằng: “Những môn đồ đạo Phật không chăn tằm mà quần áo đầy đủ, không cày bừa mà ăn uống sung túc, ngồi rỗi mà kẻ phục dịch có đến mấy nghìn trăm vạn người. Suy ra đủ biết tất có bao nhiêu người đói rét...” Đối với việc làm chùa, ông lý luận những việc làm ấy tốn kém hơn xây dựng cung A Phòng và đặt vấn đề: “Đó há chẳng phải đều lấy từ nhân tài vật lực của trăm họ mà ra đó sao?”

Nếu Lý Cao sanh vào thế kỷ 8 (772) và mất vào năm 841, tức giữa thế kỷ 9, Đại Việt chúng ta vẫn còn bị Bắc thuộc lần thứ nhất, mãi cho đến năm 938, nghĩa là giữa đầu thế kỷ thứ 10, Ngô Quyền mới giành lại độc lập cho nước Nam ta. Có lẽ đó là chuyện bên Trung Quốc, chứ thời ấy Đại Việt làm gì có Tăng đồ đâu mà nhiều vậy và dân chúng cũng không xây cung điện cho vua chúa nào cả. Đây là chuyện ở cuối thời nhà Đường thịnh hành bên Trung Hoa chăng? Nếu Lý Cao là một Phật Tử thuần thành và nói rằng:

“Ta đến hỏi đạo chẳng nói ngoài
Mây tại trời xanh, nước ở bình.”

Thì đã là người hiểu tâm thiền rồi. Ông hỏi Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm và được trả lời như thế. Vì không có gì để hỏi cả. Tại sao vậy? Vì lẽ mây thì ở trên trời xanh và nước vẫn đựng trong bình. Tại sao phải hỏi làm gì? Đó là tâm Phật và là tâm giác ngộ. Còn ở đây Lý Cao trách rằng: “Người xuất gia không chăn tằm mà có vải mặc, không cày ruộng mà có cơm ăn.” Điều này không phải đến thế kỷ 9 - 10 bên Trung Hoa mới có người nói lên ý tưởng ấy, mà khi Đức Phật còn tại thế, các Bà La Môn đã trách cứ Tăng đoàn của Đức Phật cũng như vậy và Ngài đã từ tốn trả lời rằng: “Tại sao lại không? Ta lấy cày tinh tấn, hằng ngày cày trên mảnh đất tâm để gieo những hạt mầm giác ngộ giải thoát và ta cũng như Tăng đoàn đã dệt nên những tấm vải từ bi và trí tuệ để cho nhân thế mặc vào.” Như vậy, người xuất gia đâu phải là người làm biếng, mà người xuất gia còn phải siêng năng hơn người tại gia nữa. Như vậy mới xứng đáng là bậc xuất trần thượng sĩ.

Ta thấy những từ vừa nêu đã xuất hiện trong nhận xét của Lê Văn Hưu (1230 -?) về việc làm chùa và độ tăng của Lý Thái Tổ, do Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 2, tờ 3b5 - 4a5 như sau:

Lê Văn Hưu đã nói thế này: “Lý Thái Tổ lên ngôi vua mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, xã tắc chưa xây, mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ, độ cho hơn 1.000 người ở kinh đô làm sư, thì việc tiêu phí sức lực của cải không thể kể xiết. Của không phải do trời mưa xuống, sức không phải của thần làm cho, há chẳng phải là khơi vét máu mỡ của dân ư? Khơi vét máu mỡ của dân mà có thể gọi là làm phước được ư? Vị chúa sáng nghiệp tự mình cần kiệm còn sợ con cháu ngày sau xa xỉ lười nhác. Thế mà Thái Tổ để phép lại như vậy, trách gì con cháu đời sau chẳng xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa bằng đá chạm, chùa Phật lộng lẫy hơn cả cung vua. Đám dưới học theo, đến nỗi có kẻ hủy hoại thân thể, thay đổi y phục, bỏ cả sản nghiệp, trốn cả bà con, trăm họ quá nửa là sư, trong nước đến đâu cũng có chùa, nguồn gốc há chẳng phải từ đó mà ra sao?”

Vua Lý Công Uẩn tức là Lý Thái Tổ lên ngôi năm 1010, sáng lập triều đại nhà Lý của nước ta và triều đại này kéo dài đến năm 1225 thì chấm dứt. Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ cửa chùa, là con nuôi của Thiền Sư Vạn Hạnh và là học trò của Thiền Sư Lý Khánh Vân. Như vậy, Lý Công Uẩn ảnh hưởng tư tưởng của hai vị này không ít. Nghĩa là sau khi lên làm vua, cung điện chưa xây đã lo xây đến 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức và tu bổ nhiều chùa hư dột, cũng như cho xuất gia cả hàng ngàn người. Như vậy là đáng mừng. Vì lẽ đạo đức được phát triển rộng rãi trong dân gian. Còn việc cúng chùa đắp tượng, đúc chuông là việc tùy hỷ của mọi người, chứ không phải là việc đóng thuế, nên không có tánh cách bắt buộc. Vả lại có người đi xuất gia là có người nối dõi hạt giống thánh, tại sao lại lo xa như vậy? Vì lẽ thế gian này dẫu cho có phân nửa là người xuất gia đi chăng nữa, thì cũng không vì thế mà sơn hà xã tắc lại bị ngưng trệ việc phát triển xã hội được. Hãy xem Tây Tạng, Bhutan, Thái Lan ngày nay thì rõ.

Lê Văn Hưu sinh vào đầu nhà Trần và ông mất lúc nào không rõ. Sau này Ngô Sĩ Liên đã ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lời nhận xét của ông về thời nhà Lý dưới cái nhìn của một Nho sĩ. Như vậy, sự nhận xét ấy há có quá đáng chăng?

“Ta phải thấy Lê Văn Hưu viết bộ Đại Việt Sử Ký theo lệnh và dưới sự chỉ đạo của vua Trần Thánh Tông, như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 5 tờ 33a8 - b1 đã ghi: “Mùa xuân tháng giêng năm Nhâm Thân (1272) Hàn Lâm Viện học sĩ kiêm Quốc Sử Viện Giám Tu Lê Văn Hưu vâng lệnh viết xong Đại Việt Sử Ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển, dâng lên, Vua xuống chiếu khen thưởng.” Đại Việt Sử Ký như thế là một bộ sử chính thức của nhà nước Đại Việt, cụ thể là nhà nước do vua Trần Thánh Tông lãnh đạo (1254-1271), (1271-1278) tất nhiên phải phản ảnh quan điểm và lập trường viết sử của nhà nước này. Vì vậy ta không có gì ngạc nhiên khi tư tưởng và văn cú của Lý Cao đã xuất hiện trong thơ văn của Trần Thánh Tông và Lê Văn Hưu.”

Ta biết rằng năm 1271 (1278) là năm vua Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho Trần Nhân Tông, ông lên làm Thái Thượng Hoàng và sống đến năm 1290 thì băng hà. Vậy trong thời gian Lê Văn Hưu dâng toàn tập Đại Việt Sử Ký Toàn Thư lên cho triều đình nhà Trần thì có cả Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chứng giám. Hai vị Vua này đều là 2 thiền sư, hai vị vua Phật tử chấp nhận cách phê bình của Lê Văn Hưu vào thời nhà Lý như thế, quả là một tư tưởng thông thoáng lạ thường. Vì các ông vua này không phải chỉ bênh vực cho Đạo Phật, mà còn lắng nghe sự nhận định của các Nho sĩ thời bấy giờ như thế nào, để từ đó có một cái nhìn đích thực về Phật giáo và Nho Giáo hơn.

“Lớn lên và được giáo dục trong một môi trường văn hóa của gia đình, tất nhiên vua Trần Nhân Tông cảm thấy tính bức xúc của việc đề ra một giải pháp vừa có lợi cho nước cho dân, vừa có ích cho đạo. Chính ở nơi đây vai trò của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung trở nên quan trọng. Trong đoạn văn ghi lại kinh nghiệm ngộ đạo của mình qua cuộc đối thoại vào năm 1287 đã trích ở trên, vấn đề đặt ra hết sức cụ thể và thường gặp, đó là: “Chúng sanh quen với việc uống rượu ăn thịt thì làm sao tránh được tội báo?” Đây là một thực tế ta có thể gặp ở bất cứ thời nào và ở bất cứ địa phương nào, chứ không phải chỉ có một thực tế của thời đại Trần Nhân Tông và tại quốc gia Đại Việt. Cách giải quyết thực tế này hết sức giản dị theo quan điểm của Tuệ Trung. Đó là đừng đặt nó thành vấn đề. Bản thân của việc uống rượu ăn thịt chẳng có gì là tội phúc trong đó cả. Đúng như Tuệ Trung đã trả lời:

Ăn cỏ với ăn thịt,
Chúng sanh mỗi có thức.
Xuân về trăm cỏ sinh,
Chỗ nào thấy tội phúc.

Đến sau này, khi viết bản Cư Trần Lạc Đạo phú, Trần Nhân Tông đã diễn tả lại quan điểm ấy một cách dễ hiểu hơn:

居塵樂道且隨緣,

饑則飧兮困則眠。

家中有宝休尋覓,

對境無心莫問禪。

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.
Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm,
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.

Tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ là tư tưởng liễu ngộ thiền của một Thiền Sư cư sĩ. Vì ông đã chứng đạo, nên ăn rau cỏ hay ăn thịt cũng chỉ thế thôi. Vì rau sẽ sinh khi mùa xuân đến và vạn vật muôn loài cũng sinh sinh diệt diệt như vậy, đâu có gì là lạ. Nếu đừng tìm hiểu nguyên nhân và cũng đừng phân tích kết quả thì tội hay phúc cũng chỉ như hai mặt của một bàn tay thôi. Thật ra không có gì đáng nói cả.

Đến lúc vua Trần Nhân Tông lên làm vua (1278-1293) ông vua này cùng với vua cha Trần Thánh Tông đã trải qua 2 cuộc chiến tranh lẫy lừng, chiến thắng 2 lần quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288 với sự tham dự của Tuệ Trung Thượng Sĩ, với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, với Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật v.v… thì tất cả đều là những sự kiện “có có không không”, không có gì đáng quan tâm cả và nhất là khi vua Trần Nhân Tông đã đi xuất gia vào năm 1295 rồi thì dưới mắt ông tất cả chỉ là những sự vô thường trong nhân thế mà thôi.

Bài phú Cư trần lạc đạo đã nói lên được tất cả sự việc của thế gian. Đó là: Chuyện đạo xưa nay vốn là như vậy. Hãy an vui với nó và tùy theo nhân duyên đưa đẩy, chứ đừng có gượng ép. Ví dụ như: đói thì ăn, mệt thì nghỉ. Việc ông đánh giặc, chiến thắng quân Nguyên Mông cũng chỉ thế thôi. Giặc tiến thì mình lui. Giặc mệt thì mình công, giặc thua thì mình tiến. Nó giống như một bàn cờ mà người đánh cờ phải biết lúc nào tiến và lúc nào thối. “Có báu vật trong nhà” có nghĩa là có Phật tâm, Phật tánh sẵn đó, tại sao cứ giong ruổi khắp bốn phương trời để đi tìm kiếm của mình đang có làm gì? Phải uổng công nhọc sức không? Thiền là gì, nếu không phải là khi đối cảnh phải dùng “tâm không” để đối đãi? Cũng đừng bảo có mà cũng đừng bảo không. Có không chỉ là sự đối đãi bề ngoài. Hãy để cho nó đến và đi tự nhiên như nó đang là, thì ta chẳng thắc mắc gì cả.

“Bài viết về tư tưởng ‘ở đời mà vui đạo’ này có tên chính thức là Cư Trần Lạc Đạo phú, gồm 10 hội. Cho nên trong bản thư mục của An Thiền viết vào đầu thế kỷ 19 ở Đạo Giáo Nguyên Lưu quyển thượng tờ 5a6, nó được gọi là Trần Triều Thập Hội Lục. Ngay câu mở đầu của hội thứ nhất. Trần Nhân Tông đã xác định cho ta biết phạm trù đời và đạo ở đây có nghĩa là gì:

Mình ngồi thành thị,
Nết dụng sơn lâm.

(Hội thứ nhất)

Thành thị ở đây chính là nơi đô hội, nơi kinh đô Thăng Long, nơi có văn minh, văn hiến, văn học, nơi mà nam thanh nữ tú ngày đêm rộn ràng với học vấn, với nghề nghiệp với công danh. Chính những nơi ấy, vua Trần Nhân Tông đang ngồi đó để xem thế sự xoay vần. Kẻ được người mất, kẻ tốt người xấu, kẻ hiền người dữ v.v… Nhưng tâm của ông giống như là đang ở trong núi rừng, với vẻ u tịch của thiên nhiên, sự trầm tư của vạn vật. Ông không bị dao động bởi những thị phi nhân ngã hay những việc tấu trình hằng ngày của bá quan văn võ triều đình, mà tâm ông rất nhẹ nhàng thanh thoát. Vì tuy thân ông ở đây, mà tâm của ông đang ở trong cảnh giới yên lặng thảnh thơi. Nơi đó không bị những chướng duyên ràng buộc.

Cho nên để giác ngộ, họ chỉ cần:

Dứt trừ nhân ngã,
Thì ra tướng thực kim cương.
Dừng hết tham sân,
Mới lảu lòng mầu viên giác.

(Hội thứ hai)

Nhân, ngã, bỉ, thử xưa nay vốn là chuyện thường tình của nhân thế. Bởi vì mỗi chúng sanh đều có tự ngã và muốn cái ngã của mình được tồn tại, nên mình mới khổ công bảo vệ nó. Nhưng ngã là gì? Thực ra nó chỉ là âm thanh của hai bàn tay vỗ lại với nhau và cái bóng của mình soi trên kiếng. Có đó nhưng không thật, vì nếu không có 2 bàn tay thì sẽ không có tiếng vỗ. Nếu không có kiếng thì sẽ không thấy bóng hình mình trong đó, vì lẽ khi lấy tấm kiếng đi thì hình bóng kia không còn nữa. Nên chấp ngã, chấp nhân để làm gì? Nếu rõ được như vậy thì thực tướng chân như sẽ được hiển bày. Đây mới chính là vàng thật, là chân tâm, là Phật tánh vậy. Muốn thấy rõ được tướng của mình, hãy dừng lại tất cả mọi sự bám chấp, mọi sự tham sanh úy tử, mọi hận thù, si mê tội lỗi ở đời này cũng như trong nhiều đời khác nữa. Khi tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến và tà kiến đã dứt bặt rồi, thì viên giác tánh lại hiện ra. Đó mới là tánh chân thật nhất. Đây chỉ là sự gạn đục khơi trong mà thôi. Nếu ai cố công sẽ thấy được tánh viên giác của chính mình.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc.
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công.

(Hội thứ ba)

Ở chốn bụi trần mà vẫn an lạc như nhiên. Đó là do phúc báu vậy. Ông giác ngộ đạo mầu ngay khi mẹ ông là Thiên Cảm Hoàng Hậu từ trần vào năm 1287. Trong lúc sửa soạn chống trả lại quân Nguyên Mông lần thứ 3, nhưng ông đã ngộ được đạo và trong cái bận rộn ấy, ông vẫn thấy là phước báu vô cùng. Do vậy nên ông càng yêu mến non sông hơn. Xét về thân phận khi mất mẹ, ai lại không lo, không buồn, không sầu, không khổ… nhưng với ông, trong cái sâu kín của tâm hồn ấy, Trần Nhân Tông đã rõ biết nhận ra được chân lý, nên không cần phải vào trong rừng sâu tìm những nơi vắng vẻ để tu hành, há chẳng uổng công sao? Tuy nói vậy để răn đời và dạy người, vì ông đã chứng thực được việc này, nhưng khi ông đi xuất gia, ông cũng đã vào non thiêng Yên Tử và Vũ Lâm để xuất gia và hành đạo. Đây là cái dụng sau khi ngộ đạo mà thôi.

Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca.
Cầm giới hạnh, đoạn xan tham, chỉn thực ấy là Di Lặc.

(Hội thứ tư)

Hãy tích chứa công đức từ đời này qua đời khác và làm những việc thiện lương để cứu nhân độ thế, giúp đời, cứu người v.v… thì những việc làm ấy chẳng khác nào Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm khi còn là Thái Tử và đã chứng khi vào quả vị Niết-bàn. Đó là gì? Phải giữ gìn giới đức trang nghiêm. Vì giới là sự bảo hộ quan trọng cho mỗi người chúng ta để từ đó có thể đoạn trừ tham sân tật đố một cách dễ dàng hơn. Khi thực hành được những việc như vậy thì Di Lặc là đây, chứ không đâu khác nữa.

Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể.
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.

(Hội thứ năm)

Mặc chỉ là việc che thân cho khỏi giá rét. Dầu đồ ấy do chằm nhiều lớp hay vá lại nhiều nơi cốt cũng chỉ làm cho ấm qua mùa đông lạnh lẽo. Không phải để khoe của với thiên hạ. Còn ăn uống chỉ để cho no lòng, dầu là cơm hay cháo cũng cho qua bữa thôi. Dầu ít dầu nhiều, khi cơm khi cháo, nuốt qua khỏi cửa họng đều giống nhau cả. Không có gì để phải so sánh hơn thua, tốt xấu.

Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm.
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

(Hội thứ sáu)

Giữ giới trang nghiêm thanh tịnh, dầu là 5 giới, 10 giới hay Bồ Tát 10 giới trọng, 48 giới nhẹ đi nữa thì người Phật Tử cốt trang nghiêm giới thân huệ mạng. Bên ngoài là tướng, bên trong là tánh. Nếu trong ngoài đều trang nghiêm, điều ấy có nghĩa là tướng tánh đã vẹn toàn. Đó là việc Đạo phải rõ ràng, trong sạch như vậy thì mới thực hành tư tưởng Bồ Tát vì đời một cách trọn vẹn được.

Còn việc đời thì sao? Nếu là Nho sĩ thì trung với vua, hiếu với nước là bổn phận của những Nho sinh. Học hành thi đỗ ra làm quan và sống đời sống cương trực. Đó là một bậc trượng phu quân tử vậy. Bậc trượng phu của Nho giáo là: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.” Nghĩa là: Giàu sang không thể mê hoặc, nghèo khó không thể lay chuyển và uy quyền không thể khuất phục. Nhưng ở Phật giáo thì trượng phu không nhất thiết chỉ cho đàn ông mà người đàn bà cũng có Phật tánh, cũng có thể thành những bậc trượng phu được. Đó là những người có giới hạnh thanh cao. Biết mình, biết người và vì đời, nên gọi là những bậc Đại Sĩ hay Đại Trượng Phu vậy.

Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ Thầy học đạo.
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

(Hội thứ bảy)

Những tướng tài như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, họ vừa là những Phật Tử thuần thành, vừa là những công thần tướng giỏi của nhà Trần, nên họ vừa trung với vua và hiếu với cha mẹ. Do vậy nên những cuộc nổi dậy đã được dẹp yên. Những loạn quân loạn tướng như: Vũ Thành Vương Doãn, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc v.v… tuy là em dòng họ của vua nhưng công ra công và tội ra tội, nên trong hội thứ bảy này vua Trần Nhân Tông đã nhắc nhở cho muôn dân, trong đó có Nho sĩ nữa, chứ không phải chỉ khuyên răn những người Phật tử. Họ mến cái đức của Cồ Đàm từ ngàn xưa đã để lại, nên họ không phung phí của dân của nước, mà giữ giới ăn chay để cả thân và tâm được thanh tịnh cũng như tôn trọng sự sống của muôn loài.

Dựng cầu đò, dồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Sẵn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh Lòng hằng đọc.

(Hội thứ tám)

Sau chiến tranh chống quân Nguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288, nước Đại Việt đổ vỡ rất nhiều. Từ kinh đô Thăng Long cho đến những chùa tháp gần đó, nên vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng lại những đường sá, cầu cống đã bị hư hại qua 2 trận chiến. Chùa viện khắp nơi cũng kinh qua tang thương chiến cuộc, nên ai là Phật tử, không thể làm ngơ với việc này. Nên tu cũng có nghĩa là tu sửa lại chùa tháp để trang nghiêm sự tướng vậy. Hãy mở rộng tình thương, siêng năng tinh tấn thực hành lời Phật dạy. Vui với những gì đang hiện có và thực hành hạnh từ bi ban vui cứu khổ một cách thật nhuần nhuyễn, thì đó là nhiệm vụ của kẻ Tăng người tục trong thời hậu chiến của quê hương Đại Việt. Bên trong thì an nhiên tự tại qua bài kinh Bát-nhã (kinh Lòng) thường tụng hằng ngày. Vì “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” (có chẳng khác không, không chẳng khác có; có tức là không, không tức là có). Ai cũng thuộc làu kinh này, nhưng nếu nhìn sự việc qua nhãn quan của trí tuệ siêu việt Bát-nhã, được kinh nằm lòng này thì đó mới chính là trí tuệ vậy.

Vương lão chém mèo, rạt thảy lòng ngừa thủ tọa.
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.

(Hội thứ chín)

Cho nên dầu thể hiện cách nào đi chăng nữa, theo lời chư Tổ đã hiển bày, tuy có nhiều phương cách khác nhau và có nhiều lối để trở về diện kiến với chính mình, nhưng giữa mê và ngộ chỉ cách nhau trong gang tấc. Nếu mê là chúng sanh mà ngộ, chính là Phật vậy.

Tượng chúng ấy
Cốc một chân không
Dùng đòi căn khí
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông,
Há cơ tổ nay còn thửa bí
Chúng tiểu thừa cốc hay chửa đến
Bụt xá ngăn bảo sở hóa thành
Đấng thượng sĩ chứng thực mà nên
Ai ghẻ có sơn lâm thành thị

(Hội thứ mười)

Nói chung thì tất cả đều không, nhưng là diệu hữu. Bởi vì không ấy không phải là không hoàn toàn, mà là chân không và hữu ấy là diệu hữu, chứ không phải là cái có, cái không bình thường. Khi dụng công thì do căn tánh của mỗi người, chứ Phật pháp lâu nay vốn là vậy. Do sự chấp ngã chấp tướng mà có đến, có đi, có còn, có mất. Còn thật tướng của vạn pháp vốn chỉ là một cái không to tướng mà thôi. Việc không rõ pháp là do ta, chứ không phải do chư Tổ hay chư Phật. Bởi vì căn tánh của chúng ta còn quá sơ cơ và chấp chặt vào lý lẽ nhị nguyên nên mới vậy. Xe nhỏ, xe lớn gì rồi cũng sẽ đến Bảo Sở, nhưng trước khi đến Bảo Sở thì Phật hóa ra thành tạm để nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Do vậy mới chia ra thượng, trung, hạ hay đại, tiểu là vậy.

Bậc Hạ Sĩ là bậc vì mình không vì người. Bậc Trung Sĩ là vì người không vì mình và bậc Thượng Sĩ là bậc không vì mình mà cũng không vì người, nghĩa là vượt lên trên tất cả thế gian, nên gọi là Thượng Sĩ. Kẻ ấy dầu ở trong rừng sâu để tu thiền niệm Phật trì chú, hay ở ngay nơi thị tứ chốn phồn hoa để làm Vua, làm Bồ Tát, làm Tổ Sư v.v… tất cả đều giống nhau, không có gì khác cả, vì tâm của họ đã là tâm nhập vào Chánh Định rồi.

Sau thời Trần Nhân Tông, Phật giáo đã phát triển theo hướng “cư trần lạc đạo” này. Phật giáo không còn dành riêng cho bất cứ một bộ phận nào của xã hội, dù bộ phận đó có ưu tú tới đâu. Nó lan khắp mọi tầng lớp nhân dân. Đúng như văn bia do Lê Quát viết cho chùa Thiệu Phúc ở thôn Bái thuộc lộ Bắc Giang và Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 7 từ trang 36, tờ a dòng 2 đến tờ b dòng 4 như sau:

佛氏之禍福動人何其得人之深且固矣。上自王公以至庶人凡施於佛事雖竭所有顧無靳嗇。苟今日託付於寺塔則欣欣然如持左卷以取明日之報。故自内京城及外州府窮村僻巷不令而从不盟而信有人家處必有佛寺廢而復興壞而復修鍾皷樓臺與民居殆半其興甚易而尊崇甚大也。余少讀書志於古今粗亦明聖人之道以化斯民而卒未能信於一鄕。常遊覧山川足跡半天下求所謂學宮文廟未嘗一見。此吾所以深有愧於佛氏之徒遠矣輒暴吾以書。

Phật thị chi họa phúc động nhân hà kì đắc nhân chi thâm thả cố hỹ. Thượng tự vương công dĩ chí thứ nhân phàm thí ư Phật sự tuy kiệt sở hữu cố vô cận sắc. Cẩu kim nhật thác phó ư tự tháp tắc hân hân nhiên như trì tá quyển dĩ thủ minh nhật chi báo. Cố tự nội kinh thành cập ngoại châu phủ cùng thôn tịch hạng bất lệnh nhi tòng, bất minh nhi tín, hữu nhân gia xứ tất hữu Phật tự, phế nhi phục hưng, hoại nhi phục tu, chung cổ lâu đài dữ dân cư đãi bán, kỳ hưng thậm dị nhi tôn sùng thậm đại dã. Dư thiếu độc thư chí ư cổ kim thô diệc minh thánh nhân chi đạo dĩ hóa tư dân nhi tốt vị năng tín ư nhất hương. Thường du lãm sơn xuyên, túc tích bán thiên hạ, cầu sở vị học cung văn miếu vị thường nhất kiến. Thử ngô sở dĩ thâm hữu quý ư Phật thị chi đồ viễn hỹ, triếp bạo ngô dĩ thư.

“Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động đến lòng người, không biết sao mà được người ta tin theo sâu vững thế! Trên từ vua quan xuống đến dân thường, mỗi khi bố thí cúng dường Phật sự thì dù cạn kiệt tiền của cũng không dè tiếc. Ví như hôm nay phó thác hết [tiền của] vào chùa tháp thì hân hoan vui thích như đã cầm chắc chứng thư được hưởng phúc báo ngày mai. Vì thế, từ trong kinh thành ra ngoài châu phủ cho đến tận làng xa ngõ vắng, [người dân] không sai khiến mà phục tùng, không thề ước mà tin theo, nơi nào có dân cư ắt có chùa Phật, đổ nát rồi lại xây lên, hư hỏng rồi lại tu sửa, lầu chuông gác trống chiếm đến nửa phần so với dân cư, sự hưng thịnh rất dễ dàng mà sự tôn sùng [của người dân] thật rất mực. Ta đọc sách từ khi còn trẻ, để tâm vào chuyện xưa nay, dẫu không tinh tường cũng sáng tỏ được đạo Thánh nhân, lấy đó làm chỗ dạy bảo người dân, nhưng rốt lại còn chưa tạo được niềm tin trong một làng. [Ta cũng] từng dạo khắp núi sông, dấu chân in khắp nửa thiên hạ, tìm những nơi gọi là trường học văn miếu mà chưa một lần được thấy. Điều này khiến ta hết sức hổ thẹn với tín đồ nhà Phật, liền viết ra đây để tỏ lòng.”

Lê Quát là một Nho sĩ làm quan dưới thời Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đã nói rõ được nét độc đáo của đạo Phật, nên mới viết tư tưởng của mình lên bia chùa Thiệu Phúc ở thôn Bái như vậy. Dĩ nhiên, đời nhà Lý đặc biệt là vua Lý Thánh Tông, đã cho mở trường Quốc Tử Giám và đền thờ Khổng Tử đã được lập nên từ đó, nhưng có lẽ kinh qua các cuộc chiến tranh bị tàn phá, đổ nát và hàng trăm năm sau đến thời của Lê Quát năm 1270 vẫn chưa được trùng tu lại những văn miếu bị đổ nát kia. Trong khi đó chùa viện hư hại lại được tu bổ và tháp miếu lại được dựng lên do sự cúng dường không điều kiện của vua quan và thứ dân từ thành thị cho đến thôn quê, nên làng nào cũng có chùa và chùa nào cũng trang nghiêm, nhiều khi đẹp hơn cung điện của vua chúa ngày trước. Không ép buộc ai cả, nhưng đạo Phật đã làm cho người tin mà tìm đến. Trong khi đó đạo Nho, như Lê Quát nói, đã đọc hết chữ của Thánh hiền, chủ yếu vẫn là giáo hóa dân chúng, nhưng rốt cuộc trong một làng cũng chưa tạo được niềm tin theo cái thuyết Tam Cương Ngũ Thường và Tam Tòng Tứ Đức ấy. Do vậy, chính ông phải lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật, nên viết ra văn bia để tỏ lòng.

Đó là sự thật được Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Nếu ai cũng giống như Lê Quát thì Phật giáo đâu có cần đi chiêu dụ người nào và sau này Phật giáo đã đi vào thời suy sụp cũng không phải là do ai phá hoại, mà chính những người đã xây dựng nên nó tự hủy hoại bản thể của Tăng già cũng như người cư sĩ không còn hiểu đạo Phật một cách đúng nghĩa nữa, nên họ đã xa rời Phật giáo và từ đó Phật giáo đã tự đi vào sự lãng quên của quần chúng Phật tử. Rồi nhân duyên hội ngộ, Phật giáo lại phát triển hơn xưa. Cứ thế, việc “thành, trụ, hoại, không” xưa nay vốn dĩ là vậy. Nên hãy tin vào nhân duyên và thuyết duyên khởi để chúng ta hiểu rõ Phật giáo hơn vào lúc thịnh cũng như lúc suy, để tâm ta được an lạc tự tại, dầu cho sống ở thời đại hay hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì tâm không ấy đem ra đối đãi với mọi loài và mọi sự kiện đổi thay thì ta sẽ không bao giờ bị thay đổi.

Viết về tư tưởng cũng như những phương diện khác, như thành tích đánh giặc hay vai trò văn hóa của vua Trần Nhân Tông, đã có rất nhiều người viết rồi và đặc biệt, nếu quý độc giả muốn hiểu biết nhiều tư liệu đáng tin cậy về sử học thì nên chọn cuốn “Toàn tập Trần Thái Tông” và “Toàn tập Trần Nhân Tông” của Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát để nghiên cứu thì đầy đủ hơn. Riêng trong tác phẩm này, tôi chỉ muốn giới thiệu với quý độc giả xa gần những gì xưa nay các tác giả ít viết đến thì tôi lại cố công làm sáng danh những vị “Vua là Phật, Phật là Vua” này, để chúng ta có thêm tài liệu nghiên cứu hơn. Đó cũng là lý do chính mà tôi đã cố công hình thành tác phẩm này.

Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát chia thơ văn của vua Trần Nhân Tông ra làm 6 bộ phận. Đó là: thơ, phú, bài giảng, ngữ lục, văn xuôi và văn thơ ngoại giao.

1. Thơ: Dựa vào Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên và Chu Xa. Trong Việt âm thi tập sưu tầm được 25 bài. Ngoài ra còn có một số bài thơ được thu thập từ nhiều nguồn tư liệu khác.

2. Phú: Về phú, ta hiện có hai bài viết bằng tiếng Việt biết dưới tên: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú Lâm tuyền thành đạo ca, mà bản in xưa nhất hiện còn là do Sa Di Ni Diệu Thuần thực hiện theo sự chỉ đạo của Thầy là Thiền Sư Liễu Viên vào năm Cảnh Hưng thứ 6 năm Ất Sửu (1745) tại chùa Liên Hoa ở Kinh thành Thăng Long. Đây là bản in xưa nhất và in sau bản Thiền Tông bản hạnh của Thiền Sư Chân Nguyên (1647-1726) từ tờ 22a1 đến 31a2 gồm 10 tờ. Mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng có 17 chữ. Những dòng có lời chú in bằng cỡ chữ nhỏ thành hai dòng, nhưng số chữ mỗi dòng không thay đổi, nên mỗi dòng có ghi chú lên tới 34 chữ. Chữ khắc đẹp, chân phương, rõ ràng và dễ đọc.

3. Bài giảng: Về bài giảng, ta hiện có hai bài, được giảng vào hai lần khác nhau. Đó là bài giảng vào năm Giáp Thìn (1304) tại chùa Sùng Nghiêm và bài giảng năm Bính Ngọ (1306) tại viện Kỳ Lân. Bài giảng trước được ghi lại trong Thánh Đăng Ngữ Lục và không ai bàn cãi về tác quyền của vua Trần Nhân Tông đối với bài giảng này. Nhưng bài giảng ở viện Kỳ Lân, vì được chép chung trong sách Thiền đạo yếu học, mà người ta giả thiết là một tên khác của Tham Thiền Yếu Chỉ do Pháp Loa viết, nên có người cho rằng bài giảng này, ngoài phần niêm hương, là do Pháp Loa giảng. Nói cách khác, đây là bài giảng của Pháp Loa. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ bài giảng ấy, ta thấy có những câu trả lời gần giống câu trả lời có trong bài giảng của năm 1304, thậm chí có những câu hoàn toàn đồng nhất… Vì vậy, chúng tôi đề nghị xếp bài giảng ấy vào hệ tác phẩm của Trần Nhân Tông.

4. Ngữ lục: Ngữ lục là những phát biểu của vua Trần Nhân Tông trong các cuộc đón tiếp sứ giặc do sứ giặc ghi lại. Những ghi lại này không hoàn toàn trung thực, điều ấy là chắc chắn. Tuy nhiên, chúng có thể cung cấp một cái nhìn về phong khí của một thời và cách ứng xử của vua Trần Nhân Tông dưới con mắt của kẻ thù. Đồng thời, chúng cũng có thể cho ta thấy quan điểm của vua theo quan điểm đối phương. Vì thế, trong phần ngữ lục, chúng tôi chỉ trích hai đoạn phát biểu của vua Trần Nhân Tông trước và sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc 1285 và 1288. Ta sẽ thấy quan điểm nhất quán của vua là đấu tranh không nhân nhượng, không bao giờ chịu khuất phục vào chầu Hốt Tất Liệt, dầu cho bên Trung Quốc có đòi hỏi bao nhiêu đi nữa.

5. Văn xuôi: Về văn xuôi của vua Trần Nhân Tông, ta hiện có bản tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, biết dưới tên Thượng Sĩ hành trạng in vào cuối sách Thượng Sĩ Ngữ Lục cùng với những bài tán tụng của môn nhân Thượng Sĩ như bài tán của chính vua Trần Nhân Tông, của Pháp Loa, Bảo Phác (寶樸), Tông Cảnh, Thiên Nhiên, Pháp Cổ, Huệ Nghiêm và Pháp Đăng với lời bạt của tướng Trần Khắc Chung. Bản hành trạng này không để tên người viết, nhưng căn cứ vào nội dung, nó dứt khoát phải do vua Trần Nhân Tông chấp bút, vì đã nói tới việc gặp tang của Nguyên Thánh mẫu hậu và tác giả phải chính thức đi mời Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhờ việc đi mời này, tác giả đã có một cuộc nói chuyện với Thượng Sĩ và sau đó thì được ấn chứng...

6. Văn thư ngoại giao: Về văn thư ngoại giao, ta hiện có 4 nguồn chính. Đó là An Nam truyện của Nguyên Sử 209, Biểu Chương của An Nam Chí Lược 6, Thiên Nam Hành Ký và phần phụ lục của Trần Cương Trung thi tập.

Nguyên Sử còn giữ cho ta 8 đoạn phiến của 8 lá thư mà vua Trần Nhân Tông đã viết cho Hốt Tất Liệt và các thuộc hạ của y. Lá thư sớm nhất do Nguyên Sử ghi lại là vào tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 15 (1278) khi Sài Thung đến Ung Châu, để phản đối việc dùng con đường Ung Châu đến nước ta và yêu cầu phải trở về dùng con đường Vân Nam cũ. Đây rõ ràng là một đoạn trích trong lá thư chắc chắn dài hơn, nhưng ngày nay đã mất. Những lá thư sau của vua Trần Nhân Tông trong Nguyên Sử cũng có dạng như thế. Chủ yếu cũng chỉ là những đoạn trích. Tuy nhiên, phải nói đây là những đoạn trích tương đối trung thành. Ta biết được điều này, vì có một số lá thư chỉ được trích trong Nguyên Sử, nhưng được giữ lại trọn vẹn trong An Nam Chí Lược...

7. Khảo vị và chú thích: Tác phẩm của vua Trần Nhân Tông tồn tại nhiều truyền bản khác nhau như đã thấy trên. Cho nên, về mặt văn bản học, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Điều may mắn là đa số các tác phẩm này xuất hiện trong các truyền bản tương đối xưa. Chúng đa số được chép hoặc in vào thế kỷ 18. Cụ thể về thơ, ta có bản in của Việt Âm thi tập năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Về Phú, bản in Thiền Tông bản hạnh của Sa-di ni Diệu Thuần thực hiện vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Về bài giảng, nằm trong bản in năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) của Thánh Đăng Ngữ Lục. Về ngữ lục, văn thư ngoại giao chúng tôi cơ bản sử dụng các tư liệu Trung Quốc như Nguyên Sử, Trần Cương Trung thi tập, Thiên Nam hành ký và An Nam chí lược. Những tác phẩm này, chủ yếu là những bản in xưa hay là những bản chép tay ở thế kỷ thứ 18 trở về trước. Vì thế về mặt khảo dị, chúng tôi giới hạn tối đa khi sử dụng những bản in hay chép tay của những thế kỷ sau. Nói thẳng ra, trừ những trường hợp cần thiết, chúng tôi mới sử dụng những bản in chép tay hậu kỳ này khi phiên âm hay dịch nghĩa các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông công bố trong toàn tập.

Về chú thích, chúng tôi chỉ chú thích những từ cổ và một số điển tích ngữ học. Còn các điển tích khác như về địa danh, nhân danh lưu hành trong các kinh điển trong hay ngoài Phật giáo, chúng tôi sẽ không chú thích. Lý do nằm ở chỗ, nếu giải thích các điển cố ấy, sẽ có một lượng từ rất lớn mà không gian toàn tập này không cho phép. Thực tế, chỉ riêng với tiếng Việt như 2 bài phú. Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền, ta có thể làm một cuốn từ điển nhỏ cỡ 300 trang. Chúng tôi hy vọng sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông trong tương lai theo từng cụm một. Khi đó những loại điển cố trên sẽ được chú thích chi tiết và đầy đủ.

Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát trước năm 1975 đi du học và tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại học Wisconsin, Madison, Hoa Kỳ. Ông là tăng sĩ có bằng cấp cao của Phật giáo lúc bấy giờ. Ông thông thạo Phật học và ngôn ngữ học gồm nhiều thứ tiếng. Khi ở Hoa Kỳ nhờ có nhiều khả năng về ngoại ngữ nên ông đã tra cứu những tài liệu bằng Hán cổ về các sử liệu đời nhà Nguyên, nhất là thời nhà Trần từ năm 1226 đến 1400, viết nên những tác phẩm như Toàn tập Trần Thái Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông rất có giá trị và được các sử gia cũng như các văn kiện của nhà nước đương thời đánh giá cao.

Ở Pháp cũng có một người như vậy. Đó là Bác Sĩ Yên Tử Trần Đại Sĩ. Ông cũng là người thông thạo nhiều ngoại ngữ và đã lặn lội khắp Trung Hoa, Đại Hàn để tìm ra những sử cũ của Đại Việt chúng ta do nhà Nguyên hay nhà Kim viết. Do vậy chúng ta có thêm được những sử liệu thật là hữu ích vô cùng cho những ai muốn nghiên cứu về lịch sử Đại Việt ở vào những giai đoạn này.

Khi Giáo sư Lê Mạnh Thát trở về Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và mãi cho đến bây giờ (2019), hơn 45 năm như thế, ông hiện thân là Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Duy Ma Cật để đi dạy học và viết sách, dịch kinh. Dĩ nhiên tất cả đều do ông tự chọn lựa như thế để phù hợp với tư tưởng của mình lúc đương đại bởi thời thế nhiễu nhương, những kẻ sĩ như Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ, Thích Nữ Trí Hải hay nhiều người đặc biệt nữa, không có cơ hội để thi thố tài năng của mình, nên họ chọn sự ẩn dật hay lúc ẩn lúc hiện, tùy lúc, tùy thời để giữ tròn tiết tháo của mình. Những vị này, đã có lần Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ gọi họ là những viên kim cương quý giá của Phật giáo Việt Nam.

Đúng là như vậy, dầu Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải bị tai nạn xe hơi đã ra đi vĩnh viễn ở cõi trần này, nhưng những tác phẩm và những dịch phẩm của Ni Trưởng từ tiếng Anh sang tiếng Việt như: Ghandi tự truyện, Thanh Tịnh Đạo Luận v.v… vẫn còn sáng ngời với văn học Phật giáo và văn học Việt Nam. Còn Thầy Tuệ Sỹ với mình hạc xương mai nhưng tư tưởng của Thầy thì cao hơn núi Thái và vững hơn bàn thạch, sáng giá hơn kim cương, dầu cho Thầy có sống dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Những bộ kinh như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Duy Ma Cật sở thuyết v.v… là những tài liệu, dịch phẩm có giá trị muôn đời về sau này cho Phật giáo cũng như cho Dân Tộc.

Riêng Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, trí tuệ như là một ngọn hải đăng cháy mãi không bao giờ tắt lịm, dầu cho có phong ba bão tố bao nhiêu đi chăng nữa thì viên kim cương ấy vẫn tỏa rạng hào quang soi sáng cho bao nhiêu thế hệ Tăng Ni cũng như Phật Tử ở đời sau này, nếu ai đó muốn nghiên cứu về sử học.

Về thơ Trần Nhân Tông, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát có dịch ra tất cả 35 bài đăng đầy đủ trong Toàn tập Trần Nhân Tông và tôi chỉ mạo muội căn cứ theo thể lục bát để diễn tả cho rõ hơn những sự kiện đã được xảy ra. Dầu ở dưới hình thức nào đi nữa thì đây cũng chỉ là muốn làm tăng thêm ý nghĩa của các bài thơ, chứ không phải múa rìu qua mắt thợ.

Riêng trên trang nhà quangduc.com, ông Nguyễn Lương Vị có trích ra chỉ 10 bài có liên quan đến xuân mà vua Trần Nhân Tông đã sáng tác, lại có kèm theo chữ Hán nữa, nên việc so sánh lại dễ dàng hơn. Do vậy cách sắp bài và thứ tự không giống nhau. Ví dụ như bên trên Toàn tập Trần Nhân Tông của Giáo sư Lê Mạnh Thát bài 1 là bài Tức Sự, nhưng bên quangduc.com bài này nằm vào thứ tự thứ 6. Do vậy tôi sẽ ghi vào xuất xứ cả 2 nơi để quý độc giả tiện theo dõi.

Bài 1

饋張顯卿春餅

柘枝舞罷試春衫,

況值今朝三月三。

紅玉堆盤春菜餅,

從來風俗舊安南。

Dịch nghĩa

Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh
Múa bài múa Giá Chi xong rồi, (mặc) thử tấm áo ngày xuân,
Huống nữa hôm nay lại gặp tiết (hàn thực) mồng 3 tháng 3.
Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày biện đầy mâm,
Đó là phong tục của nước An Nam (ta) từ xưa

Tức sự

Xong múa Giá Chi thử áo xuân,
Hôm nay huống gặp tiết Thanh Minh.
Đầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc,
Phong tục từ xưa của Việt Nam.

(Lê Mạnh Thát)

Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh

Giá Chi điệu múa thanh tao
Áo xuân thử lại mặc vào thêm duyên
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Hôm nay hội ngộ thật là quý thay
Đầy mâm bánh được trải bày
Long lanh như chuỗi ngọc màu sáng trong
Việt Nam từ thuở xa xưa
Nay đem bánh ấy tặng người phương xa.

(Thích Như Điển dịch theo thể lục bát)

Giải thích từ ngữ

- Trương Hiển Khanh tức là Trương Lập Đạo, sang sứ nước ta hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1265 để “tuyên dụ” chiếu chỉ của vua nhà Nguyên (Vua Trần Thái Tông đã làm thơ tiễn trong dịp này). Lần thứ hai, vào năm 1291 (dưới triều vua Trần Nhân Tông) nhằm dụ vua nước ta qui phục và buộc vua Trần Nhân Tông phải sang chầu Bắc triều nhà Nguyên. Do kết quả 3 lần nước ta chiến thắng oanh liệt giặc Nguyên Mông, do thái độ mềm mỏng nhưng đĩnh đạt, kiên quyết của các vua nhà Trần, Trương Hiển Khanh buộc phải có thái độ kính nể. Trong bài thơ họa đáp với vua Trần, Trương Hiển Khanh đã viết:

An Nam tuy tiểu văn chương tại,
Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.

(Nước An Nam tuy nhỏ, nhưng có văn chương
Chưa thể nói một cách nông cạn họ là ếch ngồi đáy giếng.)

- Giá Chi vũ (柘枝舞): Có thể là một điệu múa cổ của dân tộc Việt Nam.

- Tam nguyệt tam (三月三): Ngày mồng ba tháng ba, thường gọi là tiết Thanh Minh, cũng gọi là Tết hàn thực, là ngày tảo mộ sau Tết âm lịch.

- Thái bính (菜餅): bánh rau. Một loại bánh bột làm với rau. Có thể là một loại bánh khúc ở thôn quê miền Bắc ngày xưa.

Bài 2

送北使李仲賓,蕭方崖

坎坎靈池煖餞筳,

春風無計駐歸鞭。

不知兩點軺星福,

幾夜光芒照越天。

Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân - Tiêu Phương Nhai

Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên,
Xuân phong vô kế trụ quy tiên.
Bất tri lưỡng điểm thiều tinh phúc,
Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.

Tiễn sứ Bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai

Thăm thẳm Linh Trì ấm tiệc đưa,
Người về khôn cách gió xuân ngừa.
Nào hay sao sứ hai ngôi phúc,
Sáng rọi trời Nam mây tối bưa.

(Lê Mạnh Thát)

Tiễn sứ Bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai

Linh Trì thăm thẳm tình thâm,
Rượu nồng đưa tiễn tri âm thuở nào.
Người nay về đến phương nao,
Gió xuân ngăn cách có rào được chăng.
Phúc kia đã rõ ràng rằng,
Sứ đi một nước cho bằng hai nơi.
Sáng soi cõi nước phương trời,
Nam phương lạc lối mây ngời tiễn đưa.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 3

送北使麻合,喬元朗

軺 星兩點照天南,

光引台躔夜繞三。

上國恩深情易感,

小邦俗薄禮多慚。

節凌瘴霧身無恙,

鞭拂春風馬有驂。

鼎語願溫中統詔,

免教憂國每如惔。

Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng

Diêu tinh lưỡng điểm chiếu Thiên Nam,
Quang dẫn đài triền dạ nhiễu tam.
Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,
Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.
Tiết lăng chương vụ thân vô dạng,
Tiên phất xuân phong mã hữu tham.
Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,
Miễn giáo ưu quốc mỗi như đàm.

Tiễn sứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng

Trời Nam, sao sứ rọi hai ngôi,
Dẫn lối ba vòng đêm sáng soi.
Bên ấy ơn sâu tình dễ cảm,
Nơi đây tục bạc, lễ thẹn tồi.
Mù xông cờ tiết thân mừng khỏe,
Roi vút gió xuân ngựa kết đôi.
Trung thống vạc lời xin hãy nhớ,
Nỗi lo đất nước khỏi nung sôi.

(Lê Mạnh Thát)

Tiễn sứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng

Trời Nam một chốn phương nao,
Hai nơi soi rọi sứ trao lời vàng.
Ba vòng đèn sáng dẫn đàng,
Đến nơi mới biết rõ ràng thâm ân.
Người ta hành sự thanh tân
Sao mình tỏ ý ngại ngần tránh xa.
Nơi đây tục lệ đó mà,
Sanh ra lễ bạc thật là khó coi.
Xa trông sương khói mịt mờ,
Mà sao vẫn cứ phất cờ nơi nơi.
Roi kia giục ngựa liên hồi,
Gió xuân ngựa cỡi kết đôi hài hòa.
Lời soi ý hợp giao thoa,
Chiếu soi rõ lối đường hoa nhất thời.
Lo sao đất nước rạng ngời,
Nơi nơi bền vững như lời ước giao.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 4

和喬元朗韻

飄飄行李嶺雲南,

春入梅花只兩三。

一視同仁天子德,

生無補世丈夫慚。

馬頭風雪重回首,

眼底江山少駐驂。

明日瀘江煙水闊,

葡萄嫩綠洗心惔。

Họa Kiều Nguyên Lãng vận

Phiêu phiêu hành lý lĩnh vân nam,
Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.
Nhất thị đồng nhân thiên tử đức,
Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.
Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ,
Nhãn để giang san thiểu trụ tham.
Minh nhật Lô Giang yên thủy khoát,
Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm.
Họa thơ Kiều Nguyên Lãng
Non nam hành lý nhẹ mây tưng,
Xuân đến cành mai mới mấy bông.
Khắp thấy cùng thương thiên tử đức,
Sống không giúp thế trượng phu buồn.
Ngựa xông sương tuyết đầu còn ngoái,
Mắt ngắm non sông xe chút ngừng.
Sông Nhị ngày mai mờ khói nước,
Rượu đào tươi mát rửa lòng trung.

(Lê Mạnh Thát)

Họa thơ Kiều Nguyên Lãng

Trời nam một mảnh chinh y,
Nhẹ như dải lụa bay đi phương nào.
Xuân đến lại có gởi trao,
Mấy bông tươi thắm như nào mới đây.
Xa trông bốn bể chiều mây,
Đức Vua chói sáng đêm ngày thương thay.
Sống bây giờ, chết ngày mai,
Ai đâu hiểu hết nỗi hoài trượng phu.
Ngựa kia chiến bụi mịt mù,
Tuyết sương giá buốt thiên thu còn chờ.
Bây chừ dừng lại nơi đây,
Xe kia còn chở ngàn ngày nhớ mong.
Nhị Hà đây cũng chờ trông,
Mai kia khói nước trên không mơ màng.
Rượu nho cạn chén mấy lần,
Lòng trung rửa sạch còn mong những gì.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 5

早梅其一

五出圓芭金撚鬚,

珊瑚沉影海鱗浮。

箇三冬白枝前面,

些一辨香春上頭。

甘露流芳癡蝶醒,

夜光如水渴禽愁。

姮娥若識花佳處,

桂冷蟾寒只麼休。

Tảo mai - Kỳ nhất

Ngũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh,
Dạ quang như thủy khát cầm sầu.
Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ,
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu!

Dịch nghĩa

Năm cánh hoa tròn thơm, nhụy hoa điểm sắc vàng,
(Như) bóng san hô chìm, (như) vảy cá biển nổi.
Cành hoa trắng xóa suốt ba tháng đông,
Sang đầu xuân, chỉ còn loáng thoáng một vài cành thơm nhẹ.
Sương ngọt chảy mùi thơm, làm con bướm tỉnh giấc say đắm,
Ánh sáng ban đêm như nước, khiến con chim khát nước buồn bã.
Nếu Hằng Nga biết được dáng vẻ xinh đẹp của hoa mai,
Thì chẳng ưa gì cây quế với cung thiềm lạnh lẽo.

Giải thích từ ngữ

- Hằng Nga (姮娥): Theo sách cổ Hậu Hán Thư (後漢書), trong tích Hậu Nghệ (后羿) có vợ là Hằng Nga (姮娥) còn có tên là Thường Nga (嫦娥) lấy trộm thuốc của chồng rồi bay lên cung trăng, bị đọa thành con cóc (thiềm thừ), do đó cung trăng cũng có tên là “cung Thiềm”.

- Quế (桂): Theo sách cổ Dậu Dương Tạp Trở (酉陽雜爼) chép rằng: Trong mặt trăng có cây quế, cao 500 trượng. Vì thế, mặt trăng cũng được gọi là cung quế.

Hoa mai sớm (Bài 1)

Vàng điểm tua hoa năm cánh tròn,
San hô chìm bóng vẩy phô tuôn.
Ba đông cành trắng hoa khoe trước,
Một nén hương xuân nhánh hãy còn.
Cam lộ ngát thơm say bướm tỉnh,
Dạ quang tựa nước khát chim buồn.
Hằng Nga nếu biết đây hoa đẹp,
Quế lạnh cung Thiềm thôi ở luôn.

(Lê Mạnh Thát)

Hoa mai sớm (Bài 1)

Nhụy hoa lại điểm sắc vàng,
Bông hoa năm cánh lại càng đẹp xinh.
San hô ngập nước trong xanh,
Cá kia bơi lội long lanh phơi bày.
Mùa Đông ba tháng phủ đầy,
Màu hoa cũng trắng như ngày tuyết rơi.
Mùa Xuân lại đến nơi rồi,
Cành hoa khoe sắc sáng ngời ánh dương.
Bướm kia bay lượn vấn vương,
Hút thêm nhụy ngọt tà dương đẫm màu.
Đêm về ánh sáng canh thâu,
Chim kia kêu tiếng canh sầu suốt đêm.
Hằng Nga ở tận cung Thiềm,
Xem ra mai đẹp dịu hiền tán dương.
Bỏ nơi ấy, xuống trần luôn,
Vì sao nên nỗi, chớ buồn làm chi.
(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 6

早梅其二

五日驚寒懶出門,

東風先已到孤根。

影橫水面冰初泮,

花壓枝頭暖未分。

翠羽歌沉山店月,

畫龍吹濕玉關雲。

一枝迷入故人夢,

覺後不堪持贈君。

Tảo Mai - Kỳ nhị

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn
Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn).
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn,
Hoa áp chi đầu noãn vị phân.
Thúy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,
Họa long xuy thấp Ngọc Quan vân.
Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,
Giác hậu bất kham trì tặng quân.

Dịch nghĩa

Năm ngày sợ rét, lười ra khỏi cửa,
Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn.
Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan,
Cành hoa trĩu xuống đầu cành, hơi ấm chưa phân định rõ.
Giọng ca chim thúy vũ lắng chìm (theo) ánh trăng ở quán trọ trong núi.
Tiếng sáo họa long ẩm ướt đám mây Ngọc Quan.
Một cành hoa lạc vào giấc mộng người xưa,
Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng bạn được.

Giải thích từ ngữ

- Thúy vũ (翠羽): Tức “thúy vũ ngâm”, tên một từ khúc nổi tiếng ngày xưa. Cung điệu của khúc ngâm này còn thấy ở bài Trúc Sơn Từ (竹山祠) của Tưởng Tiệp (槳捷). Lời đề tựa của ông nói: “Vương Quan Bản trao cho ta một khúc hát theo Việt điệu có tên là Tiểu Hoa Mai Dẫn, bảo ta lấy ý bay lên tiên, bước trong cõi hư không mà làm lời cho khúc hát…”

- Họa long (畫龍): Có thể là một loại sáo hay tù và có vẽ hình con rồng. Từ điển Từ Hải (辞海) dẫn lời của Thẩm Ước (沈約) và Từ Quang (徐廣) nói rằng: “Tù và của người Hồ, chỗ tay cầm vẽ con giao long có chân năm sắc.”

- Ngọc Quan (玉關): Tên một cửa ải trên đường đi sang Tây vực (西域) thuộc tỉnh Cam Túc (甘肅), Trung Hoa. Ở đây, tác giả mượn cảnh để miêu tả tiếng sáo họa long làm ẩm ướt đám mây trên cửa ải.

- Hai câu cuối lấy ý trong điển tích “nhất chi xuân” (一枝春) rút từ câu thơ Lục Khải (陸啟) tặng Phạm Diệp (范曄): 折梅逢驛使。寄與隴頭人。江南無所有。聊贈一枝春 。(Chiết mai phùng dịch sứ. Ký dữ Lũng Đầu nhân. Giang Nam vô sở hữu. Liêu tặng nhất chi xuân - Dịch nghĩa: Bẻ cành hoa mai, gặp được người đưa thư trạm, gửi cho người ở Lũng Đầu. Giang Nam chẳng có gì cả, chỉ tặng bạn một cành xuân.

- Trong bài thơ “Tảo mai - Kỳ nhị” này, tác giả mượn ý trên, nhưng đã chuyển ý vào trong cõi mộng rất độc đáo: 一枝迷入故人夢,覺後不堪持贈君。- Nhất chi mê nhập cố nhân mộng. Giác hậu bất kham trì tặng quân. Dịch nghĩa: Một cành hoa lạc vào giấc mộng người xưa. Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng bạn được.

Hoa mai sớm (Bài 2)

Ngại rét năm ngày cửa biếng ra
Gió xuân trước đã đến cây già
Bóng giăng mặt nước băng vừa vỡ
Hoa trĩu đầu cành ấm chửa pha
Xóm núi trăng chìm, lời hát Việt
Ải quan mây đẫm tiếng tiêu Hồ
Một cành lạc tới giấc mơ bạn
Tỉnh dậy tặng người chẳng nỡ đưa.

(Lê Mạnh Thát)

Hoa mai sớm (Bài 2)

Năm ngày trốn lạnh chẳng ra,
Cửa kia khép kín rời nhà chẳng mong.
Gió xuân vừa ghé bên lòng,
Cây già gốc ấy không trong chẳng ngoài.
Mặt ai rọi dưới nước kia,
Bóng lung linh nhảy, băng lìa xa khơi.
Cành hoa trĩu nặng kia rồi,
Mùa xuân chưa đến như ngồi đó trông.
Chim vờn báo hiệu hoàng hôn,
Trăng kia ló dạng trên hòn núi cao.
Cành mai lạc đến nơi nao,
Giấc mơ của bạn chìm vào thuở xưa.
Tỉnh ra mới biết là thừa,
Làm sao trao bạn như vừa chiêm bao.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 7

春景

楊柳花深鳥語遲,

畫堂簷影暮雲飛。

客來不問人間事,

共倚欄杆看翠微。

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Dịch nghĩa

Trong khóm hoa dương liễu rậm rạp, tiếng chim hót lời chậm rãi,
Dưới bóng hiên nhà trưng bày tranh vẽ, bóng mây chiều lướt bay.
Khách đến chơi không hỏi việc đời,
Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh biếc trên trời.

Cảnh Xuân

Chim hót nhởn nhơ, hoa liễu dày,
Bóng thềm nhà vẽ mây chiều bay.
Chuyện đời khách đến thôi không hỏi,
Cùng tựa lan can ngắm núi mây.

(Lê Mạnh Thát)

Cảnh Xuân

Liễu kia rậm rạp vào xuân,
Tiếng chim chậm rãi hót vang suốt ngày.
Trong nhà tranh vẽ trưng bày,
Bóng mây chiều lướt qua ngay bên thềm.
Khách xa ghé lại chiều êm,
Chuyện đời gác lại hỏi thêm chi phiền.
Tựa lan can với bạn hiền,
Lặng yên cùng ngắm xanh tuyền trời mây.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 8

紅 濕 剥 龜 脚

黄 香 炙 馬 鞍

山 僧 持 淨 戒

同 坐 不 同 飧。

Dịch nghĩa

Món quy cước bóc rồi đỏ mọng,
Món mã yên nướng xong vàng thơm.
Sư ở núi giữ giới chay tịnh,
Tuy ngồi cùng bàn nhưng không cùng ăn.

Dự yến với Văn Túc Vương

Chân rùa bóc đỏ mọng,
Yên ngựa nướng vàng thơm.
Sơn Tăng giữ giới sạch,
Cùng ngồi chẳng cùng ăn.

(Lê Mạnh Thát)

Dự yến với Văn Túc Vương

Chân rùa bóc vỏ đỏ tươi,
Mới nhìn đã thấy như người xưa nay.
Món “yên ngựa” đã sẵn bày,
Nướng vàng thơm phức liền tay chuốc mời.
Sơn tăng giữ giới trọn đời,
Cơm chay thanh tịnh, thảnh thơi đã từng.
Ngồi đây tiếp đãi có chừng,
Chung vui nhưng chẳng ăn cùng tục nhân.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 9

大覽神光寺

神光寺杳興偏幽,

撐兔飛烏天上遊。

十二樓臺開畫軸,

三千世界入詩眸。

俗多變態雲蒼狗,

松不知年僧白頭。

除卻炷香參佛事,

些餘念了總休休。

Đại Lãm Thần Quang Tự

Thần Quang tự yểu hứng thiên u,
Sanh thố phi ô thiên thượng du.
Thập nhị lâu đài khai họa trục,
Tam thiên thế giới nhập thi mâu.
Tục đa biến thái vân thương cẩu,
Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.
Trừ khước chú hương tham Phật sự,
Tá dư niệm liễu tống hưu hưu.

Chùa Thần Quang trên núi Đại Lãm

Bát ngát Thần Quang gợi tịch u,
Trời trăng ôm cỡi đến ngao du.
Lâu đài một tá bày tranh vẽ,
Thế giới ba ngàn lọt mắt thơ.
Lắm đỗi thói đời mây thương cẩu,
Đâu hay tùng cỗi trắng đầu sư.
Thắp hương lễ Phật trừ đôi việc,
Hết thảy suy tư mặc bỏ lờ.

(Lê Mạnh Thát)

Chùa Thần Quang trên núi Đại Lãm

Thần Quang chùa cổ xưa nay,
Non cao ẩn hiện hiển bày nơi đây.
Cao thời chót vót từng mây,
Ngao du sơn thủy chốn này cũng xa.
Lâu đài điện Phật nguy nga,
Bày như tranh vẽ tiên sa cá ngừng.
Ba ngàn thế giới tưng bừng,
Hiện ra trong mắt như mừng thấy thơ.
Xưa nay cõi tục thường mơ,
Nhìn mây thương cẩu ngẩn ngơ lời này.
Cội tùng trơ gốc cao gầy,
Nhà sư đầu bạc từ đây dãi dầu.
Thắp hương khấn nguyện kinh cầu,
Lắng tâm tỉnh ý nhiệm mầu thanh cao.
Không còn tạp niệm lao xao,
Âu lo dứt bặt tiêu dao một đời.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 10

題普明寺水榭

薰盡千頭滿座香,

水流初起不多涼。

老榕影裡僧關閉,

第一蟬聲秋思長。

Đề Phổ Minh Tự thủy tạ

Huân tận thiên đầu mãn tòa hương,
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.
Lão dung ảnh lý tăng quan bế,
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.
Đề nhà thủy tạ chùa Phổ Minh
Xông hết nghìn hương thơm ngát nhà,
Mới dâng dòng nước mát đâu xa.
Cửa chùa dưới bóng đa già khép,
Đầu tiếng ve thu ý đậm đà.

(Lê Mạnh Thát)

Đề nhà thủy tạ chùa Phổ Minh

Hương thơm xông ngát đó đây,
Đầy nhà đủ cả nghìn cây chiên đàn.
Nước khơi dòng mát suối ngàn,
Đến đây để thấy vô vàn tòa xưa.
Bóng đa ẩn hiện sân chùa,
Sư đà khép cửa duyên xưa dứt rồi.
Tiếng ve vọng đến chỗ ngồi,
Ý thu tràn ngập khắp trời râm ran.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 11

天長晚望

村後村前淡似煙,

半無半有夕陽邊。

牧童笛裡歸牛盡,

白鷺雙雙飛下田。

Thiên Trường vãn vọng

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Ngắm cảnh chiều Thiên Trường

Thôn trước thôn sau tựa khói nhòa,
Nửa không nửa có mé chiều sa.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi ruộng xuống sà.
(Lê Mạnh Thát)

Ngắm cảnh chiều Thiên Trường

Thôn sau thôn trước mơ màng,
Khói mây vây phủ ngút ngàn xa trông.
Chiều buông như có như không,
Nửa như rơi xuống nửa bồng bềnh trôi.
Mục đồng thổi sáo về rồi,
Lưng trâu vắt vẻo bên trời tịch liêu.
Đồng xa ngọn cỏ liêu xiêu,
Kìa đôi cò trắng dắt dìu nhau bay.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 12

西征道中

錦帆輕趁浪花開,

篷底厭厭首不抬。

三峽暮雲無鴈到,

九灘明月有龍來。

淒涼行色添宮夢,

撩亂閒愁到酒杯。

漢武藩招窮黷謗,

男兒得得若為哉。

Tây chinh đạo trung

Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,
Bồng để yêm yêm thủ bất đài.
Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo,
Cửu Than minh nguyệt hữu long lai.
Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.
Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,
Nam nhi đắc đắc nhược vi tai.

Trên đường Tây chinh

Hoa sóng tung lên buồm gấm bay,
Dưới mui đầu mệt chẳng buồn quay.
Mây chiều Tam Giáp nhạn không đến,
Trăng sáng Cửu Than rồng có đây.
Lạnh lẽo đường đi cung mộng cũ,
Ngổn ngang sầu vướng rượu ly đầy.
Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến,
Vội vã nam nhi chi lắm vậy.

(Lê Mạnh Thát)

Trên đường Tây chinh

Bên thuyền sóng vỗ dập dồn,
Tung lên buồm gấm những chòm sóng cao.
Đầu ta chẳng cất được nào,
Mui kia thấm nước, len vào bên trong.
Mây chiều Tam Giáp mênh mông,
Nhạn ơi ta vẫn chờ mong tin mừng.
Cửu Than trăng sáng lạ lùng,
Bóng rồng ẩn hiện đâu chừng không xa.
Hành cung nuối tiếc bóng ai,
Nhớ nhung để lại canh dài thâu đêm.
Rượu này uống để cố quên,
Mình ta đối ẩm đêm đêm dặm trường.
Hán Vũ đế, vẫn còn vương,
Chiến chinh tang tóc ai thường hiểu cho.
Ta nay cũng lại đắn đo,
Nam nhi chi chí khéo lo cho đời.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 13



半窗燈影滿床書,

露滴秋庭夜氣虛。

睡起砧聲無覓處,

木樨花上月來初。

Nguyệt

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

Trăng

Đầy sách, giường song chếch bóng đèn,
Sân thu sương bủa thoáng hơi đêm.
Tiếng chày thức dậy đâu hay biết,
Hoa mộc trên cành trăng mới lên.

(Lê Mạnh Thát)

Trăng

Đêm nay đọc sách bên đèn,
Bóng trăng chiếu dọi thân quen đầu giường.
Sương khuya lạnh buốt sầu vương,
Sân thu vắng vẻ cảnh thường xưa nay.
Giấc nồng tỉnh lại mắt cay,
Đâu đây giã gạo tiếng chày khua vang.
Ta trông hoa quế bên đàng,
Trăng non phủ kín như nàng chúa tiên.
(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 14

登寶臺山

地僻臺逾古,

時來春未深。

雲山相遠近,

花徑半晴陰。

萬事水流水,

百年心語心。

倚欄橫玉笛,

明月滿胸襟。

Đăng Bảo Đài Sơn

Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận,
Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngứ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.

Dịch nghĩa

Đất (nơi đây là nơi) hẻo lánh, (nên) đài (càng) thêm cổ kính,
Theo thời tiết, mùa xuân (nơi đây) về chưa lâu.
Núi mây (nhìn) như xa, như gần,
Ngõ hoa nửa rợp bóng, nửa nắng chiều.
Muôn việc như nước tuôn (theo) nước,
Trăm năm lòng lại nhủ lòng.
Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo quý như ngọc,
Ánh trăng sáng rơi đầy trước ngực.

Giải thích từ ngữ

Bảo Đài sơn (寶臺): Núi Bảo Đài. Địa danh này trùng tên rất nhiều nơi, còn có tên khác là Long Đại, thuộc châu Ái, ở Bảo Lộc cũng có, ở xã Động Mạc, huyện Vọng Danh, huyện Đông Triều, Hải Dương cũng có. Núi Bảo Đài trong bài thơ này, nhiều nhà nghiên cứu cho là thuộc dãy núi ở Yên Tử, huyện Đông Triều, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Lên núi Bảo Đài

Đất vắng đài thêm cổ,
Ngày qua xuân chửa nồng.
Gần xa, mây núi cuốn,
Râm nắng, ngõ hoa lồng.
Muôn việc nước theo nước,
Trăm năm lòng bảo lòng.
Tựa hiên nâng sáo ngọc,
Ngực áo, đầy trăng trong.

(Lê Mạnh Thát)

Lên núi Bảo Đài

Đài xưa đất vắng hoang vu,
Phải chăng chốn cũ sa mù là đây.
Xuân qua xuân lại chốn này,
Rượu xuân chuốc lấy hơi cay chửa nồng.
Gần xa xưa vẫn còn mong,
Mây bay nước biếc mà lòng vấn vương.
Nắng đầu xuân đượm hơi hương,
Hoa kia trước ngõ còn thương nhớ người.
Nước non muôn việc cho đời,
Nước kia theo mãi sáng ngời trong ta.
Trăm năm giấc mộng vèo qua,
Dặn lòng hai chữ mặn mà thủy chung.
Tựa bên hiên đứng ngại ngùng,
Nâng ngang sáo ngọc tiếng lòng chơi vơi.
Ngoài kia trăng sáng ngập trời,
Trăng đầy trước ngực, trăng rơi quanh thềm.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 15



鐵膽石肝凌曉雪,

素裙練帨迓東風。

人間儉素漢文帝,

天下英雄唐太宗。

Mai

Thiết đảm, thạch can lăng hiểu tuyết,
Tố quần, luyện thuế nhạ đông phong.
Nhân gian kiệm tố Hán Văn Đế,
Thiên hạ anh hùng Đường Thái Tông.

Cây mai

Sắt đá gan lì khinh tuyết sớm,
Khăn xiêm mộc mạc gió đông luồn.
Trần gian kiệm ước Hán Văn Đế,
Thiên hạ anh hùng Đường Thái Tông.

(Lê Mạnh Thát)

Cây mai

Giữa trời sắt đá chẳng thay,
Lòng gan sớm tối tuyết tày sá chi.
Quần là áo lượt thiếu gì,
Khăn đầu lụa trắng đón kỳ gió đông.
Hán xưa Văn Đế chạnh lòng,
Là người kiệm ước hãy còn lưu hương.
Thái Tông ngày ấy đời Đường,
Anh hùng thiên hạ còn vương chốn này.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 16

二月十一日夜

歡伯澆愁風味長,

桃笙竹簞穩龍床。

一天如水月如晝,

花影滿窗春夢長。

Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ

Hoan bá kiêu sầu phong vị trường,
Đào sanh trúc đan ổn long sàng.
Nhất thiên như thủy nguyệt như trú,
Hoa ảnh mãn song xuân mộng trường.

Đêm mười một tháng hai

Rượu chuốc sầu vơi vị đậm đà,
Giường rồng, chiếu trúc trải yên ra.
Cả trời tựa nước, trăng ngày sáng,
Hoa phủ đầy song, xuân mãi mơ.

(Lê Mạnh Thát)

Đêm mười một tháng hai

Vui thay chén rượu đêm nay,
Đậm đà hương vị nâng tay uống cùng.
Giường rồng chiếu trúc tương phùng,
Trải ra ta đến mặn nồng bên nhau.
Trời xanh mây nước một màu,
Ánh trăng sáng tỏ như ngày đang lên.
Màu hoa ảnh hiện bốn bên,
Mơ xuân một giấc không tên thật dài.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 17

閨怨

睡起鉤簾看墜紅,

黃鸝不語怨東風。

無端落日西樓外,

花影枝頭盡向東。

Khuê oán

Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng,
Hoàng ly bất ngữ oán đông phong.
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,
Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông.

Niềm oán hận của người khuê phụ

Ngủ dậy vén rèm, hồng thấy rơi,
Hoàng ly không hót giận xuân rồi.
Lầu tây vô cớ vầng dương lặn,
Bóng ngã về đông hoa lẫn chồi.

(Lê Mạnh Thát)

Niềm oán hận của người khuê phụ

Hôm nay ngủ dậy khó khăn,
Vén rèm hé cửa thấy hàng lá bay.
Chim oanh không hót báo ngày,
Xuân kia chẳng đến đêm này là đêm.
Mặt trời lặn xuống bên thềm,
Lầu tây chẳng hiểu lại thêm lệ sầu.
Bóng kia đã ngã về đâu,
Hoa kia tan nát nỗi sầu nhớ mong.
(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 18

諒州晚景

古寺淒涼秋靄外,

漁船蕭瑟暮鐘初。

水明山靜白鷗過,

風定雲閒紅樹疏。

Lạng Châu vãn cảnh

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ

Cảnh chiều ở châu Lạng

Chùa cổ đìu hiu khuất khói mờ,
Thuyền câu chiều quạnh tiếng chuông đưa.
Nước quang non lặng vờn âu trắng,
Gió lặng mây đùa cây đỏ thưa.

(Lê Mạnh Thát)

Cảnh chiều ở châu Lạng

Cảnh chùa dấu cũ đìu hiu,
Cây xanh phủ bóng khói chiều mênh mông.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Tiếng chuông chiêu mộ chạnh lòng khách đây.
Nước xanh phủ kín nơi này,
Núi cao chim nhạn từng bầy bay ngang.
Gió chiều như giục mây ngàn,
Cỏ cây đỏ lá càng tan tác buồn.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 19

春晚

年少何曾了色空,

一春心在百花中。

如今勘破東皇面,

禪板蒲團看墜紅。

Xuân vãn

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Giải thích từ ngữ

- Đông Hoàng (東皇) cũng gọi là Đông Quân (東君), (ông vua của mùa xuân). Trong bài thơ Lập xuân hậu thi (立春後詩) của Vương Sơ (王初) có câu: 東君 珂 珮響 珊 珊,青馭多時下九關 。 (Đông quân kha bội hưởng san san, thanh ngự đa thời hạ cửu quan. Dịch nghĩa: Chúa Xuân đeo ngọc lêu leng keng, cưỡi ngựa xanh nhiều lúc đi xuống chín cửa quan).

- Bồ đoàn (蒲團): tấm lót để ngồi bằng cỏ bồ, hình tròn. Ngày xưa, các vị sư thường dùng trong lúc ngồi thiền hay lễ bái.

Xuân muộn

Tuổi trẻ sao từng hiểu Sắc Không,
Cả xuân hoa nở ngất ngây lòng.
Đến nay đành rõ mặt xuân ấy,
Nệm cỏ giường thiền ngắm rụng hồng.

(Lê Mạnh Thát)

Xuân muộn

Ngày xưa tuổi trẻ hăng say,
Có không cứ mãi đổi thay chưa dừng.
Xuân kia nở nhụy tưng bừng,
Ngất ngây tấc dạ như chừng chưa nguôi.
Đến nay tuổi đã chín muồi,
Cũng là xuân ấy nhưng lùi vào trong.
Giường thiền gối cỏ khi nằm,
Ngắm xem xuân rụng qua năm tháng ngày.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 20

武林秋晚

畫橋倒影蘸溪橫,

一抹斜陽水外明。

寂寂千山紅葉落,

濕雲和露送鐘聲。

Vũ Lâm thu vãn

Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.
Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,
Thấp vân hòa lộ tống chung thanh.

Chiều thu ở Vũ Lâm

Lòng khe vắt ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng ngoài khe, vệt nắng tà.
Vắng vẻ nghìn non, rơi lá đỏ,
Như mơ mây đẫm tiếng chuông xa.

(Lê Mạnh Thát)

Chiều thu ở làng Vũ Lâm

Suối kia nước chảy trong veo,
Cầu treo vắt bóng cheo leo lưng trời.
Bóng chiều che khuất lưng đồi,
Nắng thu vương vấn lá rơi ngập đường.
Cả xanh lẫn đỏ tang thương,
Còn đâu phong sắc lạ thường kiêu sa.
Mây kia vần vũ gần xa,
Chuông chùa buông nhẹ như là tiễn chân.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 21

春日謁昭陵

貔虎千門肅,

衣冠七品通。

白頭軍士在,

往往說元豐。

Xuân nhật yết Chiêu Lăng

Tì hổ thiên môn túc,
Y quan thất phẩm thông.
Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Ngày xuân thăm Chiêu Lăng

Lính thị vệ như cọp, đứng nghiêm túc trước ngàn cửa,
Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm.
Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay,
Thường nhắc lại chuyện Nguyên Phong đã qua rồi.

Giải thích từ ngữ

- Chiêu lăng (昭陵): Lăng vua Trần Thái Tông (陳太宗 - 10/7/1218 - 5/5/1277) tên thật là Trần Bồ (陳蒲) sau đổi thành Trần Cảnh (陳焸), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái Thượng Hoàng trong 19 năm. Trần Thái Tông là cha của Trần Thánh Tông và là ông nội của Trần Nhân Tông.

- Chuyện Nguyên Phong (元豐): Khi lên làm vua năm 1226, Trần Thái Tông đổi niên hiệu là Kiến Trung, năm 1232 đổi là Thiên Ứng Chính Bình và năm 1251 lại đổi là Nguyên Phong.

Ngày 12/12/1257 (niên hiệu Nguyên Phong thứ 7) quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ). Trần Thái Tông chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tả: “Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn…”

Ngày 24/12/1257, Trần Thái Tông cùng Thái tử Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, tiếp tục chiếm lại Thăng Long. Mồng một tháng giêng năm 1258, vua trở lại ngự nơi chính điện để trăm quan vào chầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Trần Thái Tông đã đi vào lịch sử như một vị vua anh hùng cứu nước. Chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông được sử sách đời đời ghi nhớ như một điểm son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm đầy oanh liệt của dân tộc ta.

Ngày xuân thăm Chiêu Lăng

Hùm gấu nghiêm nghìn cửa,
Áo mũ bảy phẩm đầy.
Lính bạc đầu còn đó,
Nguyên Phong mãi kể say.

(Lê Mạnh Thát)

Ngày xuân thăm Chiêu Lăng

Lính hầu đứng gác nơi nơi,
Uy nghiêm như cọp suốt đời đứng đây.
Chức phong áo mão đủ đầy,
Quan cao bảy phẩm như ngày xa xưa.
Lính già bạc trắng khẽ thưa,
Chiến công hiển hách ngày xưa thuộc làu.
Nguyên Phong ngày ấy còn đâu,
Nhưng người tri kỷ dãi dầu chẳng than.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 22

春曉

睡起啟窗扉,

不知春已歸。

一雙白蝴蝶,

拍拍趁花飛。

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.

Buổi sớm mùa xuân

Ngủ dậy mở cánh cửa,
Xuân về đã chẳng hay.
Bươm bướm một đôi trắng,
Phơi phới nhắm hoa bay.

(Lê Mạnh Thát)

Buổi sớm mùa xuân

Sáng mai thức giấc ngỡ ngàng,
Mở toang cánh cửa sáng toan lọt vào.
Xuân đà đến đấy hay sao,
Mà ta chẳng biết ra vào chẳng hay.
Bướm kia bay lượn suốt ngày,
Báo cho ta biết xuân này vui chung.
Hoa kia là chốn trùng phùng,
Để ta theo với như cùng cánh tiên.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 23

洞天湖上

洞天湖上景,

花草減春容。

上帝憐岑寂,

太清時一鐘。

Động Thiên hồ thượng

Động thiên hồ thượng cảnh,
Hoa thảo giảm xuân dung.
Thượng đế liên sầm tịch,
Thái thanh thì nhất chung.

Dịch nghĩa

Trên hồ Động Thiên

Quang cảnh hồ Động Thiên,
Hoa cỏ (có vẻ) giảm sút nét xuân tươi.
Trời thương xót nỗi hiu quạnh (nơi này),
Thỉnh thoảng điểm một hồi chuông giữa tầng biếc.

Trên hồ Động Thiên

Cảnh hồ Động Thiên nọ,
Hoa cỏ kém vẻ xuân.
Thượng Đế thương hiu quạnh,
Chuông Thái thanh bỗng ngân.

(Lê Mạnh Thát)

Trên hồ Động Thiên

Động Thiên hồ ấy bây giờ,
Tuy là xuân đến nhưng xơ xác sầu.
Vì đâu cỏ úa hoa rầu,
Xuân kia hết dáng kiêu cầu nay mai.
Niềm riêng ai tỏ cùng ai,
Trời kia có mắt đoái hoài đấy chăng.
Chuông đâu buông tiếng dài ngân,
Phải chăng chùa Thái cũng gần đâu đây.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 24

天長府

綠暗紅稀倍寂寥,

霽雲吞雨土花銷。

齋堂講後僧歸院,

江館更初月上橋。

三十仙宮橫夜榻,

八千香剎動春潮。

普明風景渾如昨,

彷彿羹墻入夢饒。

Thiên Trường phủ

Lục ám hồng hi bội tịch liêu
Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.
Trai đường giảng hậu tăng quy viện,
Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều.
Tam thập thiên cung hoành dạ tháp,
Bát thiên hương sát động xuân triều.
Phổ Minh phong cảnh hồn như tạc,
Phảng phất canh tường nhập mộng nhiêu.
Dịch nghĩa

Màu xanh sẫm, màu đỏ thưa, cảnh đêm vắng vẻ,
Mây quang, mưa tạnh, ngấn bùn đất cũng mất sạch.
Trên trai đường, giảng kinh xong, các sư về viện.
Quán bên sông, mới canh đầu trăng đã lên cầu.
Ba mươi cung tiên đặt giường ngủ la liệt,
Tám nghìn ngọn tháp thơm
khua động nước triều mùa xuân.
Phong cảnh chùa Phổ Minh vẫn như trước,
Phảng phất trong chiêm bao hình dáng vua cha
như trông tường thấy bóng, ăn canh thấy hình.

Giải thích từ ngữ

Canh tường (羹墻): Theo sách Hậu Hán thư (後漢書), sau khi vua Nghiêu mất, vua Thuấn ngày đêm tưởng nhớ, ngồi thì thấy hình vua Nghiêu hiện ra trên tường, ăn cơm thì thấy bóng vua Nghiêu trong bát canh. Ở đây tác giả mượn điển tích này để nói lên lòng thương nhớ vua cha đã mất, tức Trần Thánh Tông.

Phủ Thiên Trường

Rậm lục thưa hồng thêm quạnh hiu,
Mây quang mưa tạnh ngấn bùn tiêu.
Nhà trai giảng đoạn sư về viện,
Quán bến canh đầu cầu nguyệt treo.
Ba chục cung tiên giường tối đặt,
Tám nghìn bóng tháp triều xuân reo.
Phổ Minh phong cảnh y như cũ,
Phảng phất hình cha mộng thấy nhiều.

(Lê Mạnh Thát)

Phủ Thiên Trường

Màu xanh màu đỏ quanh đây,
Phủ đầy đêm trắng canh chầy vắng tanh.
Mây không còn sắc thiên thanh,
Cơn mưa vừa tạnh nhìn quanh sạch bùn.
Trai đường ngọc nhả châu phun,
Sư về dứt tiếng tịch không trong ngoài.
Bên sông hàng quán sơ sài,
Trăng lên trời rộng bóng phai dưới cầu.
Giường ai xếp đặt từ lâu,
Ba mươi tiên nữ vào chầu thiên cung.
Tám nghìn tháp báu ung dung,
Như khua động nước triều dâng xuân về.
Phổ Minh chốn cũ sơn khê,
Trước sau như một chẳng hề đổi thay.
Trong mơ như tỉnh như say,
Bóng cha ẩn hiện những ngày ấu thơ.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 25

竹奴銘

傲雪心虛,

凌霜節勁。

假爾為奴,

恐非天性。

Trúc nô minh

Ngạo tuyết tâm hư,
Lăng sương tiết kính.
Giả nhĩ vi nô,
Khủng phi thiên tính.

Bài minh đề trúc nô

Ruột rỗng, tuyết giải,
Đốt cứng, sương phơi.
Mượn ngươi làm tớ,
E trái tính trời.

(Lê Mạnh Thát)

Bài minh viết về cây trúc

Xưa nay ruột rỗng đó mà,
Trúc xanh phủ kín một tòa thiên nhiên.
Dầu cho tuyết có triền miên,
Đốt kia càng cứng là thiên anh hào.
Nay ta mượn vật tự trào,
Dẫu cho có khó, lẽ nào băn khoăn.
Sợ rằng trái ý ngươi chăng,
Tự nhiên là thế chẳng ngăn được nào.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 26

山房漫興-其一

誰縛更將求解脫,

不凡何必覓神仙。

猿閑馬倦人應老,

依舊雲庄一榻禪。

Sơn Phòng mạn hứng - Kỳ nhất

Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Dịch nghĩa

Ai trói buộc mà phải tìm phương giải thoát,
Phẩm cách chẳng phàm tục cần gì tìm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già,
Vẫn một chiếc giường thiền ở am mây cũ.

Mạn hứng ở sơn phòng (Bài 1)

Ai buộc mà đi giải thoát tìm?
Không phàm sao phải kiếm thần tiên?
Vượn mòn, ngựa mỏi, ta già phải,
Như cũ am mây một sập thiền.

(Lê Mạnh Thát)

Mạn hứng ở sơn phòng - Bài một

Trói làm chi vậy người ơi,
Mở ra tìm lối nay thời có chăng.
Phàm phu tục tử biết rằng,
Thần tiên đâu phải khó khăn kiếm tìm.
Vượn lười buông thỏng tay vin,
Ngựa đà mỏi vó sức mình mỏng manh.
Giường thiền một chiếc chênh vênh,
Nương nơi mây nước bên thềm thanh cao.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 27

山房漫興其二

是非念逐朝花落,

名利心隨夜雨寒。

花盡雨晴山寂寂,

一聲啼鳥又春殘。

Sơn Phòng mạn hứng - Kỳ nhị

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Dịch nghĩa

Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm.
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch,
Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn.

Mạn hứng ở sơn phòng (Bài 2)

Phải trái tâm theo hoa sớm rơi
Lợi danh lòng lạnh mưa đêm rồi
Hoa tàn, mưa tạnh non im ắng
Một tiếng chim kêu xuân hết thôi.

(Lê Mạnh Thát)

Mạn hứng ở sơn phòng - Bài hai

Thị phi nhơn nghĩa xưa nay,
Sớm ra hoa rụng phơi bày thiệt hư.
Lợi danh nào có thật chăng,
Đêm qua mưa tạnh như hằng chưa tan.
Bây giờ hoa rụng hết rồi,
Núi kia lặng tiếng nơi nơi an lành.
Còn chăng chỉ một tiếng chim,
Hót lên tíu tít như in mộng tàn.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 28

贈北使李思衍

雨露汪洋普漢恩,

鳳啣丹詔出紅雲。

拓開地角皆和氣,

凈挾仟河洗戰塵。

盡道璽書十行下,

勝如琴殿五絃薰。

乾坤兼愛無南北,

何患雲雷復有屯。

Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn

Vũ lộ uông dương phổ Hán ân,
Phụng hàm đan chiếu xuất hồng vân.
Thác khai địa giác giai hòa khí,
Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.
Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,
Thắng như cầm điện ngũ huyền huân,
Càn khôn kiêm ái vô nam bắc,
Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.
Dịch nghĩa

Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,
Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ
xuất hiện nơi đám mây hồng.
Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí,
Kéo sông Thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh.
Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,
Nhưng hơn hẳn tiếng hòa âm
của chiếc đàn cầm năm dây.
Trời đất vốn một lòng yêu thương
không phân biệt nam, bắc,
Còn gì lo gặp bước gian truân gió mưa sấm sét.

Giải thích

Năm 1289, sau một năm Đại Việt chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Nguyên Mông lần thứ 3 (từ tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288), Hốt Tất Liệt sai sứ giả Lý Tư Diễn mang chiếu sang phong vương cho vua Trần, nhưng thực chất là thương lượng để đón bọn tướng sĩ bị bắt, và nhà Nguyên cũng đem trả sứ bộ Nguyễn Nghĩa Toàn của ta. Cuộc tiếp sứ lần này diễn ra ôn hòa. Chuyến đi sứ suôn sẻ, nhưng Lý Tư Diễn không thể thuyết phục vua Trần thân sang triều phục.

Trong tiệc thết đãi sứ giả, Lý Tư Diễn làm một bài thơ, Trần Nhân Tông họa lại, ý từ chối sang triều phục, và làm tiếp bài thơ này tặng, ý ca ngợi không khí hòa ấm sau chiến tranh, đồng thời ý tứ nhắc rằng lẽ trời đất là yêu thương con người không phân biệt nam bắc. (Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học Xã hội, 1988.)

Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn

Ơn Hán tràn trề mưa móc tuôn,
Chiếu son phượng ngậm khỏi mây hồng.
Khí hòa góc đất đều lan tới,
Bụi chiến sông trời rửa sạch trơn.
Thảy bảo thư vua mười lối viết,
Còn hơn đàn Thuấn năm dây đờn.
Đất trời thương hết không nam bắc,
Sấm sét sao lo lại phải bươn.
(Lê Mạnh Thát)

Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn

Ơn vua lộc nước xưa nay,
Khắp nơi đều biết ân này Hán ban.
Phượng hoàng ngậm lấy bay sang,
Chiếu kia xuất hiện muôn ngàn ơn vua.
Đất này vốn hưởng ân thừa,
Nhân dân trăm họ cũng vừa hoan ca.
Sông Thiên tưởng đã hiện ra,
Thương vong rửa sạch những là hồn oan.
Chiếu kia chỉ có mươi hàng,
Giúp cho thiên hạ an bang như vầy.
Đờn kia dù gảy năm dây,
Không bằng tờ chiếu thuở này vua ban.
Bắc Nam nay đã một đàng,
Thương nhau như một chẳng màng chiến chinh.
Lo gì nạn nước đao binh,
Sấm kia có nổ tâm bình an vui.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 29

贊慧忠上士

望之彌高,

鑽之彌堅。

忽然在後,

瞻之在前。

夫是之謂,

上士之禪。

Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ

Vọng chi di cao,
Toàn chi di kiên.
Hốt nhiên tại hậu,
Chiêm chi tại tiền.
Phù thị chi vị,
Thượng sĩ chi thiền.

Dịch nghĩa

Nhìn lên càng thấy cao,
Khoan vào càng thấy cứng.
Bỗng nhiên ở phía sau,
Nhìn lại thấy ở phía trước.
Cái đó gọi là:
Đạo thiền của Thượng sĩ.

Bài này lấy ý từ lời của Nhan Uyên trong sách Luận ngữ xưng tán đạo học của đức Khổng tử: “仰之彌高,鑽之彌堅,瞻之在前,忽焉在後 - Ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu.” (Ngẩng nhìn càng thấy cao tột, nghiền ngẫm càng thấy bền chắc, ngắm nhìn thì thấy phía trước, bỗng dưng lại ở phía sau.)

Ca ngợi Thượng Sĩ Tuệ Trung

Nhìn lên càng cao,
Dùi càng bền cứng.
Chợt ở phía sau,
Thấy liền trước đứng.
Cái đó gọi là,
Thiền Thượng Sĩ vững.

(Lê Mạnh Thát)

Ca ngợi Thượng Sĩ Tuệ Trung

Càng nhìn lên càng thấy cao,
Càng nghiền càng ngẫm càng vào càng sâu.
Bỗng nhiên xuất hiện phía sau,
Thoắt nhìn phía trước rực màu thiền quang.
Trước sau phương tiện rõ ràng,
Là thiền Thượng Sĩ hòa quang đồng trần.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 30
題古州鄉村寺
世數一息墨,
時情兩海銀。
魔宮渾管甚,
佛國不勝春。

Đề Cổ Châu hương thôn tự

Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thắng xuân.

Dịch nghĩa

Số đời hoàn toàn mờ mịt,
Tình người đổi thay qua đôi mắt.
Khi cung ma bị quản chặt,
Thì cõi Phật tràn ngập mùa xuân.

Giải thích

Theo Thánh đăng ngữ lục, tháng mười năm Mậu Thân (1308), Trần Nhân Tông được tin Công chúa Thiên Thụy ốm nặng bèn từ Yên Tử về thăm. Đến ngày 15 tháng mười âm lịch, sau khi dặn dò xong, Nhân Tông lại trở về Yên Tử. Giữa đường ông nghỉ lại trong một ngôi chùa làng ở hương Cổ Châu, sáng hôm sau trước khi lên đường ông đề bài kệ này lên vách chùa để ngỏ ý mình. Sự việc Nhân Tông từ Yên Tử về thăm Công chúa Thiên Thụy lúc bà sắp mất, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng có chép.

Đề chùa thôn hương Cổ Châu

Số đời một màn kéo,
Tình đời đôi mắt ngân.
Cung ma chật hẹp lắm,
Cõi Phật khôn xiết xuân.

(Lê Mạnh Thát)

Đề chùa thôn làng Cổ Châu

Cuộc đời thoáng chốc ai hay,
Kéo qua kéo lại như ngày và đêm.
Tình đời cũng thế chênh vênh,
Mắt kia ngấn lệ gập ghềnh sơn khê.
Cung ma vây chặt tứ bề,
Làm sao giải nổi tỉ tê cõi lòng.
Xưa nay cõi Phật thong dong,
Chi bằng đến đó hưởng ròng mùa xuân.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 31

示寂偈

一切法不生 ,

一切法不滅。

若能如是解,

諸佛常現前 ,

何去來之有。

Thị tịch kệ

Nhất thiết pháp bất sanh,
Nhất thiết pháp bất diệt.
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền,
Hà khứ lai chi hữu.

Kệ thị tịch

Hết thảy pháp không sanh,
Hết thảy pháp không diệt.
Nếu hay hiểu như vầy,
Chư Phật thường trước mặt,
Đến đi sao có đây.

(Lê Mạnh Thát)

Kệ thị tịch

Muôn pháp thoạt có thoạt không,
Chẳng sanh chẳng diệt chớ mong chớ cầu.
Nếu luôn hiểu thấu một câu,
“Bất sanh bất diệt”, niệm đầu không quên.
Chư Phật vốn thường hiện tiền.
Sao còn phân biệt hai miền đến đi?

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 32

身如
身如呼吸鼻中氣
世似風行嶺外雲
杜鵑啼斷月如晝 ,
不是尋常空過春。

Thân như

Thân như hô hấp tỵ trung khí,
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân.
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt như trú,
Bất thị tầm thường không quá xuân.

Thân như

Thân như hơi thở ra vào mũi,
Thế tựa gió luồn mây núi xa.
Đỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng
Đừng để tầm thường xuân luống qua.

(Lê Mạnh Thát)

Thân như

Thân như hơi thở vào ra,
Mũi kia chẳng thở thật là họa bay.
Cuộc đời cũng dễ đổi thay
Tựa như gió thoảng mây bay trên ngàn.
Đỗ quyên thổn thức canh tàn,
Sáng trăng như thể ngày đang lên rồi.
Ngày xuân tợ áng mây trôi,
Chớ nên buông thả một đời luống qua.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 33

君須記

會稽舊事君須記,

驩愛猶存十萬兵。

Quân tu ký

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Ái do tồn thập vạn binh.

Giải thích

Sử chép ngày mồng 6 tháng giêng năm Ất Dậu (tháng 2 -1285), tướng giặc Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Trước sức tiến quân ào ạt của 50 vạn quân Nguyên, thế quân ta bất lợi. Hưng Đạo Vương vâng mệnh chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào không đến tập hợp. Vua làm hai câu thơ này đề ở đuôi thuyền, nhằm khích lệ tinh thần tướng sĩ.

Ngươi nên nhớ

Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,
Hoan, Ái đang còn chục vạn quân.

(Lê Mạnh Thát)

Ngươi nên nhớ

Cối Kê còn đó chuyện xưa,
Người người nên nhớ vẫn chưa phai nhòa.
Hai châu Hoan, Ái dẫu xa,
Hãy còn mười vạn quân ta sẵn sàng.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 34

即事

社稷兩回勞石馬,

山河千古奠金甌。

Tức sự

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

Dịch nghĩa

Trên nền xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc,
Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu vàng.

Giải thích

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Bản kỷ, quyển 5, trang 54, tờ b - trang 55, tờ a, vào ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tí (18/4/1288), sau chiến thắng Bạch Đằng, triều đình đem các tướng giặc bị bắt đến làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông), trông thấy chân mấy con ngựa đá ở đây đều lấm bùn. Vào lúc cử hành lễ bái yết, vua Trần Nhân Tông liền làm hai câu thơ này. Tiêu đề là của người sau đặt.

Tức sự

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

(Lê Mạnh Thát)

Tức Sự

Sơn hà xã tắc bấy lâu,
Ơn vua lộc nước dãi dầu sớm hôm.
Non sông một mối hoan ca,
Nghìn năm sử Việt muôn nhà an vui.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

Bài 35

和李思衍韻

自顧不財慙賜土

只 緣多病欠朝天。

Họa Lý Tư Diễn vận

Tự cố bất tài tàm tứ thổ,
Chỉ duyên đa bệnh khiếm triều thiên.
Họa thơ Lý Tư Diễn
Tự xét không tài thẹn đất nước,
Chỉ vì nhiều bệnh thiếu chầu trời.

(Lê Mạnh Thát)

Họa thơ Lý Tư Diễn

Tài hèn thẹn mặt thiên nhan,
Chẳng hơn còn kém Nam bang bây giờ.
Chỉ vì bệnh tật nguy cơ,
Chưa dám diện kiến còn chờ buổi sau.

(Thích Như Điển dịch theo lối thơ lục bát)

***

Ngày nay viết sách, nếu có chỗ nào không hiểu có thể lên máy tính, đánh vào Google để dò tìm thì mọi thông tin đều hiện ra, nhiều vô số kể. Cho nên phải cảm ơn “ông Google” về sự tra cứu thuận tiện này. Nhưng quan trọng hơn là những tác giả, dịch giả đã dùng rất nhiều thời gian quý báu của mình, cống hiến tâm lực cũng như sự hiểu biết nên mới có được những tư liệu quý giá và chuẩn xác để chúng ta sử dụng. Quả là điều vạn hạnh vô cùng. Tôi xin niệm ân tất cả.

Riêng 35 bài thơ này do Giáo sư học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát cho đăng vào trong sách Toàn Tập Trần Nhân Tông từ trang 383 đến trang 399. Khi tra cứu phần chữ Hán phía sau sách từ trang 576 đến trang 585, ở phần Nhân Tông - Đức Lăng thì chỉ có 24 bài theo thứ tự như trên, 11 bài còn lại Giáo sư đã dịch ra loại thơ thất ngôn tứ tuyệt của tiếng Việt và không kèm theo Hán Việt. Đây là những bài có lác đác trong 7 loại văn, thơ, phú v.v… mà giáo sư đã trích ra.

Riêng tôi muốn đi tìm cả chữ Hán để người sau tham cứu dễ dàng hơn thì đã vào trang nhà quangduc.com ở Úc tìm được 10 bài thơ của vua Trần Nhân Tông liên quan về xuân có cả chữ Hán và Hán Việt cũng như Việt ngữ hoàn toàn, đôi khi lại còn giảng giải thêm nhiều điển tích nữa. Nhưng chừng ấy bài vẫn chưa đủ, nên tôi đã vào trang nhà viengiac.de để tra cứu phần thơ văn Lý Trần thì cũng tìm được thêm mấy bài, và vào thuvienhoasen.com để có thêm về Thơ Thiền đời Lý Trần và đọc thơ Trần Nhân Tông của Nguyễn Lương Vỵ qua trang nhà Đồng Hương Kontum. Như vậy, gần như tôi đã tìm được đầy đủ cho 35 bài này, nhưng ở trang nhà của đồng hương Kontum cũng chỉ tìm được phần âm Hán Việt, Việt ngữ, giải thích điển tích, chứ không có chữ Hán đi kèm. Cuối cùng, trang đầy đủ nhất là trang: Thơ Trần Nhân Tông gồm 46 bài do nguồn Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học Xã hội, 1988, thì khá đầy đủ cho 3 nhu cầu mà tôi muốn tìm. Tuy nhiên cũng có mấy bài cách sắp xếp và dịch theo Giáo sư Lê Mạnh Thát thì không có Hán văn đi kèm, nên tôi đã phải nương theo cách dịch Hán Việt mà viết thành chữ Hán như các bài thứ 31, 32 và 35. Như vậy tổng cộng 35 bài này đều đầy đủ cả 3 ngôn ngữ theo như nhu cầu tôi cần phải đạt đến. Xin niệm ân tất cả quý giáo sư, học giả đã cung cấp trực tiếp hay gián tiếp để tôi có thể thực hiện được việc này.

Cách đây chừng vài năm tôi đã tập dịch thơ Đường của Bạch Cư Dị, Thôi Hộ, Lý Bạch, Trương Kế v.v… Tôi chuyển từ thất ngôn bát cú thành thể lục bát của Việt Nam và đã đăng trên báo Viên Giác trong mấy năm nay. Gần đây tôi lại nảy thêm ý là nên dịch thơ văn của các vua Lý, Trần, nhất là những ông vua Phật tử, từ chữ Hán sang tiếng Việt có lẽ có ý nghĩa hơn. Do vậy cả 35 bài này tôi đã thực hiện việc chuyển từ thể thơ 4 câu hay 8 câu 7 chữ, hoặc câu 5 chữ, thành thể thơ lục bát của Việt Nam. Như vậy có lẽ dễ nhớ hơn. Dĩ nhiên là tôi tôn trọng tác giả nên đã dựa theo bản Hán cổ và Hán Việt cũng như việc giải thích nghĩa đen của bài thơ, để đặt thành bài thơ lục bát ấy. Đôi khi vì muốn gieo vần cho đúng, nên có nhiều câu hơi gượng ép một chút. Vì lẽ tôi không muốn đi xa ý của tác giả quá nhiều. Phần chỉnh sửa theo vần điệu, tôi sẽ nhờ đạo hữu Phù Vân, Chủ bút báo Viên Giác, xem lại giùm.

Khi còn học Trung Học ở Việt Nam, tôi đã có cơ hội học thuộc lòng thơ của: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tế Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm v.v… tất cả không dưới 600 bài như vậy, kể cả Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu nữa. Đó là chưa kể đến những nhà thơ trong Đạo như: Huyền Không, Tịnh Đức, Trần Trung Đạo v.v… nghĩa là trong đầu tôi còn giữ lại rất nhiều bài. Vì sợ năm tháng dài lâu và tuổi đời chồng chất khiến mình quên đi, nên tôi đã cố gắng ghi lại một số bài còn nhớ, khi viết đến nơi nào cần cho thêm vào đó để làm rõ ý đoạn mình muốn nói và muốn viết thì tôi đã cho lồng thơ vào.

Bây giờ thì tôi đã mãn nguyện khi bắt đầu chuyển được từ ý thơ và lời thơ của vua Trần Nhân Tông, nên tôi rất hoan hỷ cho việc làm này. Tuy còn gò bó, hạn hẹp lắm, nhưng mong những vị rành thơ Việt xin góp ý thêm cho. Có điều hơi lạ là khi học lịch sử hay thơ văn, ngay cả thời trước năm 1975 chứ không nói bây giờ, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã không cho học sinh Trung học Đệ nhất và Đệ nhị cấp có cơ hội học đến thơ của Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý, Mãn Giác Thiền Sư đời Trần. Thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, thơ Thiền của vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông v.v… hầu như học sinh không được học. Đôi khi tôi nghĩ họ kỳ thị, nhưng chắc không phải, nhiều khi hỏi các giáo sư rằng Tuệ Trung Thượng Sĩ là ai? Quan hệ thế nào với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thì người ta chỉ nhướng mắt lên nhìn, rồi cười… thế thôi. Đến nỗi Huyền Trân Công Chúa gọi Hưng Đạo Vương là gì nhiều người cũng không biết và Thiên Cảm Hoàng Hậu là gì của Tuệ Trung Thượng Sĩ v.v… cũng có rất nhiều người không biết.

Do vậy, viết tập sách này, tôi cũng có ý gợi lại chuyện xưa của những ông vua vừa làm vua vừa là Phật. Tuy là Phật như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhưng cũng là ông vua lẫy lừng của Đại Việt đã đánh tan quân Nguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288. Trên thực tế đoàn quân của Hốt Tất Liệt đã xâm chiếm khắp Á, Úc và Âu Châu, đi đến đâu họ cũng thắng trận. Chỉ có đi đến Việt Nam là họ bị thua tơi tả. Tướng Toa Đô đã bị chém đầu vào năm 1285. Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ đã bị chết thê thảm vào năm 1288. Thoát Hoan chạy trối chết về Tàu. Chỉ chừng đó việc thôi, nếu không phải nhờ vào tinh thần của Hội Nghị Diên Hồng, Hội Nghị Bình Than và nhất là tinh thần nhất quán của Phật giáo, của Bồ Tát Hạnh mà các vua đã thọ lãnh, mang ra ứng dụng cho đời, thì không thể được như vậy. Nếu không có Phật giáo trong hai triều đại Lý-Trần kéo dài gần 400 năm (1020-1400) thì dân tộc Việt Nam chúng ta không biết bây giờ đã ra sao rồi?

Vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1278 và chính thức nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông năm 1293, như vậy ông có 15 năm làm vua và năm 1295 ông đi xuất gia đồng thời cũng làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi viên tịch vào năm 1308. Ông sinh năm 1258, là năm Thái Tông và Thánh Tông vừa đại phá quân Mông Cổ lần thứ nhất, ông ở ngôi 15 năm và 15 năm làm Thái Thượng Hoàng cũng như xuất gia đầu Phật và ông đã ra đi vào năm ông 50 tuổi. Trong thời gian này, ông đã có 22 văn thư ngoại giao viết cho nhà Nguyên. Đại khái các văn thư đều nói về nội dung của việc triều cống cho nhà Nguyên, việc các sứ giả đi sứ không về, việc Chiêm Thành đánh phá biên giới phía Nam, việc trách cứ các tướng ở biên giới v.v… Đặc biệt với văn thư thứ 22 trong quyển Toàn Tập Trần Nhân Tông của Giáo sư Lê Mạnh Thát dịch có liên quan đến Phật giáo Việt Nam, mà lúc đó Trần Nhân Tông đang làm vua của Đại Việt. Nội dung như sau:

“Tờ biểu xin Đại Tạng Kinh

“Họ Trần nước An Nam dâng biểu xin Đại Tạng Kinh.

“Thần ở Viêm hoang, lâu theo đấy Giác, mãi nhớ bối diệp, truyền tự Trung Hoa. Vào thời Đường, Tống, từng có ngựa trắng chở sang. Ngày đại binh kéo đến thì đã hóa nên tro tàn. Thở than chẳng thấy văn kinh, ý sâu rốt cuộc khó tìm, như vào nhà tối mà không đuốc tuệ, như vượt bể khổ mà thiếu thuyền từ. Nghĩ đến tiểu quốc thiếu kinh Đại Tạng, nếu không cầu thỉnh ở thượng quốc, thì lấy đâu mở lối cho quần sanh.

“Kính nghĩ, Hoàng đế bệ hạ là vua Nghiêu Thuấn đương thời, là Phật Thích Ca tái thế, lấy sự độ người giúp vật làm tâm, cho việc rộng ban cứu chúng là lòng. Tiếng ngọc may không giữ kín, tạng báu mong được mở toang. Từ trời mà xuống, ban cho một vạn năm trăm ngàn hơn cuốn kinh, vượt biển về nam, cứu ức triệu người dân khốn khổ. Công đức ấy hơn công đức trước, quảng đại vô biên. Thánh nhân nay là thánh nhân xưa, lưu truyền có thế.”

Bên chữ Hán thì viết Nguyên Trinh năm thứ nhất, tức năm 1295, nghĩa là sau khi vua Trần Nhân Tông đã xuất gia mới viết tờ biểu để xin Đại Tạng Kinh này. Theo nội dung thì chúng ta thấy Đại Việt đã có Đại Tạng Kinh từ triều Tống của Trung Hoa. Đó là nói lần thỉnh kinh do vua Lê Long Đĩnh sai người sang Tống vào năm 1007. Nhưng khi “đại binh kéo qua”, ý nói những cuộc chinh chiến của năm 1258, 1285 và 1288, những kinh sách ấy đã bị đốt phá hết rồi. Nay vua Trần Nhân Tông viết biểu để xin Đại Tạng Kinh khác.

Đại Tạng ngày đó, cách đây 700 năm, chắc không đầy đủ như Càn Long Đại Tạng hay Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bây giờ, nhưng chắc rằng những bản dịch kinh, luật, luận và các sớ giải cũng đã đầy đủ, và kể từ đó đến nay Việt Nam chúng ta, nhất là thời Hán học còn phát triển, ít nhất là đến đầu thế kỷ 20, ít ai nghĩ là kinh điển ấy cần dịch ra Việt ngữ để đọc tụng, thọ trì.

Mãi đến những năm sau này khi ngưòi Pháp đến, chữ Pháp và chữ Việt thay dần chữ Hán thì các bậc tôn túc trong Phật giáo mới bắt đầu dịch sang văn vần hay văn xuôi để người Việt đọc tụng, trong đó có kinh Di Đà, kinh Phổ Môn, kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Dược Sư, kinh Địa Tạng v.v… rồi từ từ những bộ kinh lớn như: Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Đại Bát Nhã, Đại Bát Niết Bàn v.v… cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Dần dần có thêm những sách giáo khoa được biên soạn để dạy cho Tăng Ni cũng như Phật tử, ví dụ như bộ Phật Học Phổ Thông 12 cuốn của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, biên soạn vào giữa thế kỷ 20, rất hoàn chỉnh và giúp cho bao thế hệ sau này dễ tiếp nhận được giáo lý căn bản của Đạo Phật và sự phân chia Tông Phái ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, Nhật Bản v.v…

Rồi những bộ Luật đã được Hòa Thượng Hành Trụ, Hòa Thượng Đỗng Minh, Hòa Thượng Minh Thông cũng đã dịch hoàn toàn ra Việt ngữ rất dễ tụng đọc. Hay nghi truyền giới cho Ngũ giới, Thập thiện, Bát quan trai, Bồ Tát giới, Sa-di, Sa-di ni, Tỳ-kheo, Thức-xoa, Tỳ-kheo ni đã được Hòa Thượng Thích Thiện Hòa soạn thành Giới Đàn Tăng và Giới Đàn Ni để làm kim chỉ nam cho các vị giới sư có cơ sở truyền đạt đến thế hệ sau này. Thật là tiện lợi vô cùng.

Đến năm 1969 Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh được Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cho sang Đài Loan du học, hơn 10 năm sau Hòa Thượng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đài Loan và tâm nguyện của Ngài là làm sao phiên dịch hết Đại Tạng Kinh từ chữ Hán sang tiếng Việt. Bắt đầu từ năm 1994 Ngài đã trở lại Việt Nam để thực hiện hoài bão ấy. Mãi cho đến những năm sau này, Ngài một lòng đi vận động khắp nơi ở Âu, Mỹ, Úc để về Đài Loan tổ chức in ấn qua khâu dịch thuật tại Việt Nam và Ngài viên tịch cách đây chừng 4 năm (ngày 10/4/2015), trụ thế 81 năm, 65 năm tuổi Đạo và ở ngoại quốc gần 50 năm. Trước khi Ngài viên tịch, 187 tập Đại Tạng Kinh tiếng Việt đã được xuất bản, mỗi tập dày từ 500 đến 1.000 trang, còn 16 tập nữa chưa xuất bản, nhưng bản điện tử thì đã xong hoàn toàn. Hy vọng trong tương lai không xa, các đệ tử của Ngài sẽ thực hiện con đường của Thầy mình đã chủ trương để sớm hoàn thành bộ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh này, vốn được dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) của Nhật Bản.

Thiết nghĩ ngày xưa khi Việt Nam chúng ta còn vua chúa đương quyền, đất nước thanh bình mà chúng ta vẫn chưa tự in ấn hay dịch thuật hoàn toàn Đại Tạng kinh này ra Việt ngữ được. Thế mà ngày nay ở ngoại quốc này, có một vị Đại Sư đã làm nên việc lớn như thế, chúng ta cũng nên góp sức chung lòng. Mặc dầu nội dung còn cần phải chỉnh sửa nhiều hơn nữa, nhưng lần đầu mà đã được Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh bắt đầu tốt như thế, thì mong rằng Phật giáo Việt Nam trong tương lai sẽ rực rỡ hơn nữa, vì thế hệ trẻ có tài liệu để nghiên cứu và học tập, tu trì.

Quyển sách Vua là Phật, Phật là Vua sẽ được chấm dứt ở phần này. Nếu quý vị muốn tham cứu đầy đủ hơn nữa thì nên đọc những Toàn tập của Giáo sư học giả Lê Mạnh Thát như Toàn tập Trần Thái Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông v.v… hay những văn thơ Lý Trần hiện có mặt khắp nơi trên các trang nhà, quý vị có thể vào đó để ngắm nhìn non sông gấm vóc của Đại Việt một thời đã là như vậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.239.1 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (42 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...