Tại Ấn Độ, vào thời cổ đại có vị hoàng hậu tên Mạt-lợi, là hoàng
hậu của quốc vương Ba-tư-nặc. Quốc vương thường nói với hoàng hậu:
– Ái khanh! Ngày nay nàng có được vận số tốt đẹp, được làm hoàng hậu,
tất cả đều nhờ có trẫm! Cho nên nàng phải biết ơn trẫm.
Hoàng hậu Mạt-lợi tuy không nói gì, nhưng thật lòng bà không nghĩ như
vậy. Một hôm, quốc vương hỏi bà:
– Trên thế gian này, người nàng yêu thương nhất là ai?
Khi hỏi như vậy, trong lòng vua thầm nghĩ: “Vợ yêu của mình nhất định sẽ
nói mình là người nàng yêu thương nhất.” Nhưng thật bất ngờ khi hoàng
hậu đáp:
– Tâu bệ hạ! Người thiếp yêu thương nhất chính là bản thân mình.
Quốc vương vừa nghe đã cảm thấy khó chịu vô cùng, ông nói một cách hằn
học:
– Nàng có được cuộc sống tốt như vậy, vật dụng tốt như vậy, tất cả đều
nhờ vào sự cung cấp của trẫm.
Nhưng hoàng hậu nói ngược lại:
- Không phải như vậy! Thiếp từng nghe Đức Phật dạy rằng: Đây là phước
báo đời trước do chính thiếp đã tạo ra, chứ không phải nhờ bệ hạ ban
cho.
Vua Ba-tư-nặc tức giận vô cùng. Ông muốn tìm cách để cho hoàng hậu biết
rằng tất cả mọi thứ bà có được đều do quốc vương ban cho. Ông liền cố ý
tặng bà một chiếc nhẫn kim cương vừa lớn vừa sáng; sau đó nhân lúc hoàng
hậu ngủ say, ông sai người lén lấy vứt xuống sông. Trong lòng ông hậm
hực nghĩ thầm: “Trẫm sẽ chứng minh rằng vận số tốt đẹp của nàng đều là
của trẫm ban cho.”
Sáng sớm hôm sau, hoàng hậu đi tìm quốc vương. Ông vờ như không biết gì,
cố ý hỏi:
– Ủa! Chiếc nhẫn kim cương trẫm tặng cho nàng đâu rồi, sao không thấy
đeo?
Hoàng hậu vô tình đáp:
– Tối qua lúc thiếp đi ngủ không biết đã để nó đâu rồi, tìm mãi không
thấy.
Vua cười nói:
– Nàng xem, nếu như đây là phước báo của nàng, thế thì hiện tại chẳng
phải nàng không có đó sao? Rõ ràng trẫm có thể ban cho nàng kia mà?
Nhưng hoàng hậu thản nhiên đáp:
– Tất cả cũng là tùy duyên thôi! Những gì thuộc về thiếp thì sẽ là của
thiếp, những gì không thuộc về thiếp thì tìm cầu cũng vô ích thôi.
Biết là hoàng hậu vẫn hy vọng tìm lại được chiếc nhẫn, vua Ba-tư-nặc
cười thầm trong bụng.
Qua vài ngày sau, hoàng hậu Mạt-lợi chiêu đãi khách nước ngoài, do đó
sai thị vệ ra chợ mua mấy con cá lớn về làm thức ăn. Lúc người hầu làm
cá, phát hiện trong bụng của một con cá lớn có chiếc nhẫn kim cương,
liền mang đến dâng lên hoàng hậu.
Hoàng hậu xem xong vô cùng vui mừng:
– Đây chẳng phải là chiếc nhẫn của ta hay sao?
Thế là hoàng hậu liền đeo nhẫn vào tay, đi tìm quốc vương Ba-tư-nặc:
– Thưa bệ hạ! Chàng xem, chiếc nhẫn kim cương đã trở về rồi!
Vua Ba-tư-nặc rất ngạc nhiên và khó chịu, vì chiếc nhẫn kim cương đó do
chính tay ông đã ném xuống sông! Tuy vậy, cuối cùng ông cũng phải tin
rằng: “Không phải do ta ban cho nàng ấy, mà chính là phước báo của riêng
nàng đã giúp nàng được hưởng.”
Quốc vương Ba-tư-nặc đối với con gái cũng giống như vậy, ông thường nói
với con:
– Hiện tại con được làm công chúa, có cuộc sống sung túc giàu sang, đều
là do phụ vương ban cho cả, cho nên con phải cảm ơn phụ vương.
Nhưng công chúa nghe xong liền lễ phép thưa:
– Kính thưa phụ vương! Đức Phật không nói như vậy, ngài dạy rằng tất cả
những việc tốt đẹp này đều nhờ vào phước báo bố thí của chính con đã
từng tạo ra trong đời trước. Do đó hôm nay con mới được làm công chúa!
Vua Ba-tư-nặc nghe xong cũng hết sức bực tức, liền nói với con gái:
– Công chúa! Tuổi con không còn nhỏ nữa, phải đi lấy chồng rồi. Trẫm sẽ
tìm người cho con!
Thế là, quốc vương cố ý tìm một người thanh niên hết sức bần cùng và gả
công chúa cho anh ta. Quốc vương Ba-tư-nặc nghĩ bụng: “Sau khi xuất giá,
đợi lúc ngươi bần cùng, chán nản, ta sẽ tìm đến cứu giúp, lúc ấy tự
nhiên sẽ biết được tất cả đều do ta ban cho, không còn dám nói là phước
báo của cá nhân mình.”
Công chúa biết rằng người tu tập giáo pháp giải thoát của đức Phật thì
phải tùy duyên nghiệp, nên vui vẻ kết hôn với người thanh niên nghèo khó
kia mà không hề oán thán.
Thật ra, anh thanh niên nghèo khó này trước kia vốn là hoàng tử, và là
người thừa kế của một vương quốc nhỏ đã suy sụp. Sau khi kết hôn, anh
liền đưa công chúa trở về quê hương mình. Hai người cùng chung sức sửa
sang lại ngôi nhà cũ của chàng. Đột nhiên, họ tình cờ tìm thấy bên dưới
nền nhà có chôn giấu một cái rương rất lớn, bên trong toàn là châu báu.
Họ liền dùng số châu báu đó xây dựng lại cơ nghiệp, kiến tạo một tòa
cung điện còn lớn hơn cả cung điện nhà vua Ba-tư-nặc.
Đợi đến khi tất cả mọi việc đã ổn định, công chúa mới trở về thưa với
quốc vương:
– Thưa phụ vương! Gần đây cuộc sống của chúng con cũng không tệ lắm, mời
cha đến nhà chúng con thăm chơi!
Vua Ba-tư-nặc đến thăm nhìn thấy cung điện và cuộc sống hạnh phúc của họ
thì vô cùng kinh ngạc. Một lần nữa, ông buộc phải tin vào giáo lý nhân
quả do đức Phật chỉ dạy. Ông tự nghĩ: “Thì ra phước báo của vợ con mình
đều là do chính họ tạo ra, chẳng phải do ta làm chủ!”