Lúc ấy, Phật bảo Văn-thù Sư-lỵ: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi
bệnh ông ấy.”
Văn-thù Sư-lỵ bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật khó mà đối đáp với vị
thượng nhân đó. Ông ấy thấu suốt sâu xa thật tướng, thuyết diễn rành
mạch yếu lý của pháp, biện tài, trí huệ không ngăn ngại. Ông ấy biết hết
pháp thức của tất cả chư Bồ Tát. Ông ấy đắc nhập tạng bí mật của chư
Phật. Ông ấy hàng phục chúng ma, du hý thần thông. Huệ và phương tiện
của ông ấy đều đến mức vẹn toàn. Tuy nhiên, vâng lãnh thánh chỉ của
Phật, con sẽ đến thăm hỏi bệnh của ông ấy.”
Lúc bấy giờ trong đại chúng, chư Bồ Tát, đại đệ tử, Thích, Phạm, Bốn
thiên vương đều có ý nghĩ rằng: “Nay hai vị đại sĩ Văn-thù Sư-lỵ và
Duy-ma-cật cùng nhau đàm luận, ắt thuyết diệu pháp.”
Tức thời, tám ngàn Bồ Tát, năm trăm Thanh văn, trăm ngàn chư thiên và
người ta, đều muốn đi theo. Thế là, chư Bồ Tát và đại đệ tử cùng chư
thiên, người ta cung kính vây quanh Bồ Tát Văn-thù Sư-lỵ, cùng đi vào
thành lớn Tỳ-da-ly.
Khi ấy, trưởng giả Duy-ma-cật tự nghĩ rằng: “Văn-thù Sư-lỵ cùng với đại
chúng sắp đến đây.” Liền đó, ông dùng thần lực làm cho cảnh thất của ông
trở nên trống trải, dẹp bỏ hết các đồ đạc cùng những kẻ hầu hạ, chỉ còn
để một chiếc giường mà thôi. Lấy cớ bệnh, ông nằm trên đó.
Văn-thù Sư-lỵ vào nhà, thấy cảnh trống trải, duy chỉ có một chiếc giường
nằm, ngoài ra không có món chi nữa cả.
Lúc ấy, Duy-ma-cật nói: “Lành thay, Văn-thù Sư-lỵ mới đến! Đó là tướng
chẳng đến mà đến. Tướng chẳng thấy mà thấy.”
Văn-thù Sư-lỵ nói: “Như vậy đó, cư sĩ. Nếu đã đến rồi, chẳng còn đến
nữa. Nếu đã đi rồi, chẳng còn đi nữa. Tại sao vậy? Đến, chẳng từ đâu
đến. Đi, chẳng có chỗ nào tới. Chỗ mà mình có thể thấy, cũng chẳng còn
thấy được nữa.
“Nhưng thôi, hãy tạm gác lại việc đó. Bệnh của cư sĩ đây, có chịu nổi
chăng? Việc điều trị có bề nhẹ bớt hay nặng thêm? Đức Thế Tôn ân cần
chuyển lời tận tình thăm hỏi.
“Bệnh này của cư sĩ, do nhân nào mà phát khởi? Bệnh sinh ra lâu chưa?
Nên dứt trừ bằng cách nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Do si mê và ái luyến mà bệnh tôi sinh ra. Nhân vì tất
cả chúng sinh bệnh, cho nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sinh được khỏi
bệnh, bệnh tôi sẽ dứt. Tại sao vậy? Bồ Tát vì chúng sinh, nên vào chốn
sinh tử. Có sinh tử, ắt có bệnh. Nếu chúng sinh được lìa khỏi bệnh, ắt
Bồ Tát sẽ không còn bệnh. Thí như một người trưởng giả kia, chỉ có một
đứa con trai mà thôi. Đứa con ấy mắc bệnh, cha mẹ cũng mang bệnh. Nếu
đứa con lành bệnh, cha mẹ cũng lành bệnh. Bồ Tát cũng như vậy. Người yêu
các chúng sinh như con một của mình. Nếu chúng sinh bệnh, Bồ Tát cũng
bệnh. Nếu chúng sinh lành bệnh, Bồ Tát cũng lành bệnh.
“Nhân giả lại có hỏi: ‘Bệnh này do nhân nào mà phát khởi?’ Bệnh của Bồ
Tát do lòng đại bi mà phát khởi vậy.”
Văn-thù Sư-lỵ hỏi: “Thất này của cư sĩ tại sao lại trống trải, không có
kẻ hầu hạ?”
Duy-ma-cật đáp: “Các cõi nước của chư Phật cũng đều trống không vậy
thôi.”
Lại hỏi: “Lấy gì mà cho là trống không?”
Đáp rằng: “Lấy không làm không.”
Lại hỏi: “Không, sao lại dùng không?”
Đáp rằng: “Là vì không phân biệt cái không, cho nên không.”
Lại hỏi: “Cái không, có thể phân biệt sao?”
Đáp rằng: “Phân biệt cũng là không.”
Lại hỏi: “Làm sao tìm cái không?”
Đáp rằng: “Nên ở trong sáu mươi hai tà kiến mà tìm.”
Lại hỏi: “Làm sao tìm sáu mươi hai tà kiến?”
Đáp rằng: “Nên ở trong các phép giải thoát của Phật mà tìm.”
Lại hỏi: “Làm sao tìm các phép giải thoát của Phật?”
Đáp rằng: “Nên ở trong tâm hạnh của tất cả chúng sinh mà tìm. Nhân giả
lại có hỏi: ‘Tại sao không có kẻ hầu hạ?’ Tất cả chúng ma và những thầy
ngoại đạo đều là kẻ hầu hạ tôi. Tại sao vậy? Chúng ma ưa thích sinh tử,
Bồ Tát chẳng bỏ sinh tử. Các thầy ngoại đạo ưa thích kiến giải, Bồ Tát
chẳng lay động đối với những kiến giải.”
Văn-thù Sư-lỵ hỏi: “Bệnh của cư sĩ, đó là những tướng gì?”
Duy-ma-cật đáp: “Bệnh của tôi không có hình tướng, không thể thấy.”
Lại hỏi: “Bệnh ấy hiệp với thân hay hiệp với tâm?”
Đáp rằng: “Chẳng phải thân hiệp, vì tướng của thân là lìa. Chẳng phải
tâm hiệp, vì tâm như ảo hóa.”
Lại hỏi: “Trong bốn đại: đất, nước, lửa, gió, cái nào là bệnh?”
Đáp rằng: “Bệnh này chẳng phải đất, cũng chẳng lìa đất. Đối với các đại
như: nước, lửa, gió, lại cũng như vậy. Nhưng bệnh của chúng sinh là
nương theo bốn đại mà khởi. Bởi họ có bệnh, cho nên tôi bệnh.”
Lúc ấy, Văn-thù Sư-lỵ hỏi Duy-ma-cật rằng: “Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có
bệnh như thế nào?”
Duy-ma-cật đáp: “Nên nói thân là vô thường, chẳng nói chán lìa cái thân.
Nói thân có khổ, chẳng nói ưa thích Niết-bàn. Nói thân là vô ngã, nhưng
khuyên dạy dìu dắt chúng sinh. Nói thân là không tịch, chẳng nói tất
cánh tịch diệt. Nói ăn năn tội trước, mà chẳng nói trở vào quá khứ. Nhân
bệnh mình, thương xót bệnh người. Nên nhớ các khổ não từ vô số kiếp của
mình. Nên tưởng việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhớ chỗ tu phước
của mình. Tưởng tới đời sống trong sạch. Đừng sinh lo buồn. Thường khởi
tinh tấn. Nên làm vị vua thầy thuốc, liệu trị các bệnh. Bồ Tát nên an ủi
Bồ Tát có bệnh như những cách ấy, khiến người bệnh được vui vẻ.”
Văn-thù Sư-lỵ hỏi: “Cư sĩ! Bồ Tát có bệnh làm cách nào để điều phục tâm
mình?”
Duy-ma-cật đáp: “Bồ Tát có bệnh nên nghĩ như thế này: Bệnh này của ta
hôm nay là do các phiền não vọng tưởng điên đảo đời trước mà sinh ra.
Không có pháp thật thì ai là người thọ bệnh. Tại sao vậy? Do bốn đại
hiệp lại, tạm gọi là thân. Bốn đại không có chủ, thân cũng không có ta.
“Lại nữa, bệnh này phát khởi là do sự chấp trước cái ta. Vậy nên đối với
cái ta, chẳng nên sinh ra chấp trước. Đã biết gốc bệnh, liền trừ bỏ cái
tư tưởng có ta và tư tưởng có chúng sinh. Nên phát khởi tư tưởng có các
pháp, nên nghĩ như thế này: Chẳng qua do nhiều pháp hiệp lại nên thành
cái thân này thôi. Chỉ vì các pháp khởi, nên thân khởi, chỉ vì các pháp
diệt, nên thân diệt.
“Lại nữa, các pháp ấy đều chẳng biết nhau. Khi khởi, chẳng nói rằng ta
khởi. Khi diệt, chẳng nói rằng ta diệt. Vị Bồ Tát nào bệnh, muốn diệt
cái tư tưởng có các pháp, nên nghĩ như thế này: Cái tư tưởng có các pháp
này cũng là tư tưởng điên đảo. Nếu điên đảo, tức là hại lớn, ta nên lìa
nó.
“Thế nào là lìa? Ấy là lìa cái ta và vật của ta. Thế nào là lìa cái ta
và vật của ta? Ấy là lìa hai pháp. Thế nào là lìa hai pháp? Ấy là chẳng
nghĩ nhớ những pháp trong và những pháp ngoài, thi hành lẽ bình đẳng.
Thế nào là bình đẳng? Ấy là cái ta với Niết-bàn là bình đẳng. Tại sao
vậy? Ta với Niết-bàn, hai thứ ấy đều là không. Tại sao vậy? Vì chỉ là
danh tự cho nên không. Như hai pháp ấy không có tánh nhất định. Khi mình
được lẽ bình đẳng này rồi, chẳng còn bệnh nào khác nữa. Chỉ còn cái bệnh
chấp lẽ không mà thôi. Bệnh chấp ấy cũng là không. Bồ Tát ấy có bệnh, vì
lẽ không có sở thọ, bèn thọ lãnh các món. Khi mình chưa có đủ Phật pháp,
cũng chẳng dứt bỏ các cảm thọ mà giữ lấy chỗ chứng đắc.
“Ví như cái thân có khổ, nên nghĩ đến những cảnh ác lụy của chúng sinh,
khởi lòng đại bi. Đã điều phục cái ta rồi, cũng nên điều phục tất cả
chúng sinh. Chẳng qua là trừ bệnh của mình mà thôi, chứ chẳng trừ pháp.
Vì lẽ dứt tuyệt gốc bệnh, nên dạy dỗ dắt dẫn về lẽ ấy vậy.
“Sao gọi là gốc bệnh? Ấy là phan duyên. Do theo việc có phan duyên, ắt
nảy ra gốc bệnh. Phan duyên với những cảnh nào? Ấy là ba cõi: Dục giới,
Sắc giới, Vô sắc giới. Làm sao dứt trừ phan duyên? Nên dùng lẽ không có
chỗ chứng đắc, không thấy mình được quả vị nào cả. Nếu là không có chỗ
chứng đắc, ắt không có phan duyên. Sao gọi là không có chỗ chứng đắc? Ấy
là lìa hai kiến. Hai kiến là gì? Ấy là nội kiến, kiến chấp có thân tâm
nơi mình và ngoại kiến, kiến chấp có chúng sinh và cảnh vật ngoài mình.
Như vậy đó gọi là không có chỗ chứng đắc.
“Văn-thù Sư-lỵ! Như vậy là Bồ Tát có bệnh điều phục tâm mình. Dứt được
những nỗi khổ của già, bệnh, chết, đó là Bồ-đề của Bồ Tát. Nếu chẳng
được như vậy, sự tu tập của mình không có lợi ích về trí huệ. Tỷ như
mình thắng được kẻ oán thù, mới đáng gọi là dũng. Cũng như thế, nếu mình
trừ được cả già, bệnh, chết, mới xứng đáng là Bồ Tát.
“Vị Bồ Tát kia có bệnh, lại nên xét nghĩ thế này: ‘Như bệnh của ta đây,
chẳng phải thật, chẳng phải có. Bệnh của chúng sinh cũng chẳng phải
thật, chẳng phải có.’ Khi xét nghĩ như vậy, nếu người khởi đại bi ái
kiến đối với chúng sinh, tức thời nên lìa bỏ chỗ khởi niệm ấy đi. Tại
sao vậy? Bồ Tát đoạn trừ xong phiền não khách trần, bèn khởi lòng đại
bi. Còn lòng bi của ái kiến thì đối với cuộc sinh tử ắt có tâm mỏi mệt
chán ngán. Nếu lìa được lòng bi ái kiến ấy, ắt không còn mỏi mệt chán
ngán. Dầu sinh ra ở chốn nào, người cũng không bị cái ái kiến che ngăn.
Mình sinh sống không bị trói buộc, mới có thể thuyết pháp với chúng sinh
lẽ cởi mở dây buộc trói. Như Phật có dạy: ‘Nếu tự mình bị buộc trói, mà
cởi mở được sự trói buộc cho người khác, không có lẽ như vậy. Nếu tự
mình không bị buộc trói, mà cởi được trói buộc cho người khác, mới là
điều có lý.’ Vậy nên Bồ Tát không nên khởi ra việc tự trói buộc.
“Sao gọi là trói buộc? Sao gọi là cởi mở? Tham trước mùi vị thiền định,
đó là sự trói buộc của Bồ Tát. Dùng phương tiện mà sinh ra, đó là sự cởi
mở của Bồ Tát.
“Lại nữa, có bốn lẽ: Vô phương tiện huệ phược, là sự trói buộc không có
trí huệ phương tiện; Hữu phương tiện huệ giải, là sự cởi mở có trí huệ
phương tiện; Vô huệ phương tiện phược, là sự trói buộc không có phương
tiện trí huệ; Hữu huệ phương tiện giải, là sự cởi mở có phương tiện trí
huệ.
“Sao gọi là sự trói buộc không có trí huệ phương tiện? Ấy là Bồ Tát dùng
lòng ái kiến mà trang nghiêm cõi Phật, thành tựu cho chúng sinh. Đối với
ba pháp: không, vô tướng, vô tác, tự mình điều phục. Đó gọi là sự trói
buộc không có trí huệ phương tiện.
“Sao gọi là sự cởi mở có trí huệ phương tiện? Bồ Tát chẳng dùng lòng ái
kiến mà trang nghiêm cõi Phật, thành tựu cho chúng sinh. Đối với ba
pháp: không, vô tướng, vô tác, tự mình đã điều phục, mà chẳng mỏi mệt
chán ngán. Đó gọi là sự cởi mở có trí huệ phương tiện.
“Sao gọi là sự trói buộc không có phương tiện trí huệ? Ấy là Bồ Tát trụ
nơi các phiền não: tham dục, sân nhuế, tà kiến, mà trồng những cội lành.
Đó gọi là sự trói buộc không có phương tiện trí huệ.
“Sao gọi là sự cởi mở có phương tiện trí huệ? Bồ Tát đã lìa khỏi các
phiền não: tham dục, sân nhuế, tà kiến, mà trồng những cội lành, hồi
hướng quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó gọi là sự cởi mở có phương
tiện trí huệ.
“Văn-thù Sư-lỵ! Vị Bồ Tát kia có bệnh, nên quán các pháp như vậy.
“Lại nữa, nên quán cái thân là: vô thường, khổ, không, vô ngã. Đó gọi là
trí huệ. Tuy cái thân có bệnh, nhưng nó thường ở chốn sinh tử, làm lợi
ích tất cả chúng sinh, mà chẳng mỏi mệt chán ngán. Đó gọi là phương
tiện.
“Lại nữa, nên quán cái thân: thân chẳng lìa bệnh, bệnh chẳng lìa thân.
Bệnh này, thân này chẳng phải mới, chẳng phải cũ. Đó gọi là trí huệ. Ví
dầu cái thân có bệnh, nhưng nó chẳng diệt độ mãi mãi. Đó gọi là phương
tiện.
“Văn-thù Sư-lỵ! Bồ Tát có bệnh, nên điều phục tâm mình như thế này:
chẳng trụ nơi chỗ điều phục tâm, cũng chẳng trụ nơi chỗ không điều phục
tâm. Tại sao vậy? Nếu mình trụ nơi chỗ không điều phục tâm, đó là pháp
của kẻ ngu. Nếu mình trụ chỗ điều phục tâm, đó là pháp của Thanh văn. Vì
vậy, Bồ Tát chẳng nên trụ ở chỗ điều phục tâm, cũng chẳng nên trụ ở chỗ
không điều phục tâm. Lìa khỏi hai pháp ấy, đó là hạnh Bồ Tát.
“Ở tại sinh tử, chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn, chẳng diệt độ
mãi mãi. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Chẳng phải hạnh phàm phu, chẳng phải hạnh hiền thánh. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Chẳng phải hạnh cấu uế, chẳng phải thanh tịnh. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy vượt khỏi hạnh của ma, nhưng thị hiện hàng phục chúng ma. Đó là
hạnh Bồ Tát.
“Cầu cái trí biết tất cả, mà chẳng cầu không đúng lúc. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Tuy quán các pháp chẳng sinh, nhưng chẳng vào chánh vị, Niết-bàn của
Tiểu thừa. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy quán mười hai duyên khởi, nhưng cũng vào các tà kiến. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Tuy nhiếp phục tất cả chúng sinh, nhưng chẳng luyến ái chấp trước. Đó
là hạnh Bồ Tát.
“Tuy ưa mến cuộc xa lìa, nhưng chẳng nương theo lẽ thân tâm dứt hết, Đó
là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành lẽ ba cõi, nhưng chẳng bỏ tánh pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành lẽ không, nhưng trồng các cội lành. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành lẽ vô thường, nhưng độ các chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành lẽ vô tác, nhưng thị hiện thọ lấy thân sống. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Tuy hành lẽ vô khởi, nhưng khởi tất cả nết lành. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành sáu ba-la-mật, nhưng mở rộng ra các pháp về tâm, tâm số của
chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành sáu thần thông, nhưng chẳng dứt hết phiền não. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Tuy hành bốn tâm vô lượng: đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, nhưng chẳng
ham muốn sinh nơi cõi Phạm thiên. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành Thiền định giải thoát Tam-muội nhưng chẳng nương theo thiền
định mà sinh nơi cõi trời. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành bốn niệm xứ, nhưng chẳng rốt ráo lìa khỏi bốn chỗ: thân, thọ,
tâm, pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành bốn chánh cần, nhưng không bỏ sức tinh tấn của thân tâm. Đó là
hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành bốn như ý túc, nhưng tự mình được các phép thần thông tự tại.
Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành năm pháp căn bản, nhưng phân biệt được các căn tánh chậm lụt
hoặc lanh lợi của chúng sinh. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành năm sức, nhưng vui cầu mười lực của Phật. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành bảy phần giác, nhưng phân biệt được trí huệ của Phật. Đó là
hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành tám chánh đạo, nhưng ưa hành Phật đạo vô lượng. Đó là hạnh Bồ
Tát.
“Tuy hành pháp chỉ quán trợ đạo, nhưng cuối cùng chẳng rơi vào nơi tịch
diệt. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hành lẽ các pháp chẳng sinh chẳng diệt, nhưng dùng những tướng
chánh và những tướng phụ mà trang nghiêm thân mình. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy hiện oai nghi của Thanh văn, Bích chi Phật, nhưng chẳng bỏ Phật
Pháp. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy nương theo tướng cứu cánh thanh tịnh của các pháp, nhưng cũng nương
theo chỗ ứng hợp mà thị hiện thân mình. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy quán các cõi Phật yên lặng vĩnh viễn như cõi không, nhưng cũng hiện
ra các cõi thanh tịnh của Phật. Đó là hạnh Bồ Tát.
“Tuy đắc Phật đạo, quay bánh xe pháp vào Niết-bàn, nhưng chẳng bỏ đạo
của Bồ Tát. Đó là hạnh Bồ Tát.”
Duy-ma-cật nói những lời ấy rồi, trong đại chúng đi theo Văn-thù Sư-lỵ
có tám ngàn vị thiên tử, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu
Tam-bồ-đề.