Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma »» Chương VI. Chương cuối »»

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma
»» Chương VI. Chương cuối

Donate

(Lượt xem: 5.996)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma - Chương VI. Chương cuối

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm nay tại Âu Châu có nhật thực, mưa nắng lại thất thường. Có nhiều ngày nhiệt độ lên 35 độ C và cũng có nhiều ngày chỉ còn 20 độ C. Có nhiều cơn mưa giông và bão tố. Những cơn mưa bất chợt như trút hết giận hờn lên đất đai cây cỏ. Không biết như thế thiên nhiên đã hả dạ chưa? Hay vẫn còn gầm gừ với con người và với sự sống ở trên quả đất này?

Cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 này nhân loại sẽ hứng chịu không biết bao nhiêu là tai ương do mưa gió, lụt lội, động đất, đói kém, bệnh tật và chiến tranh, thù hận gây nên. Đó chẳng qua cũng vì con người còn ham sống sợ chết, nên phá hoại thiên nhiên để bảo vệ tự ngã của mình và bây giờ thiên nhiên lại trừng phạt con người đấy thôi. Ví dụ người ta đã lấy cây, lấy củi quá nhiều nơi núi cao, mà không trồng cây con kịp, do đó khi một cơn mưa đến, bao nhiêu thác lũ đều tuôn tràn vào sông ngòi, rồi từ đấy nước dâng cao lên, khiến cho lụt lội, tai ương v.v... Người ta cũng đã thải ra hằng ngày không biết bao nhiêu là lượng chất độc từ các nhà máy, từ khói xe hơi, từ các hãng chế tạo hóa học, cây cối cũng chết, thức ăn lại nhiễm độc. Cuối cùng con người ăn vào, sanh bệnh rồi cũng bị chết theo với sự cuồng nộ của thiên nhiên. Người ta nuôi vội vàng gia súc bằng những chất kích thích cho mau lớn, để có lợi nhuận nhiều, con người ăn vào cũng bị độc tố bao trùm và sự chết không chừa ai cả. Rồi những bệnh văn minh của thời đại như tự do luyến ái, bệnh liệt kháng, bệnh ung thư v.v... đã là những nan đề với những nhà khoa học, nhưng phương pháp giải khổ cứu nguy vẫn chưa tìm ra và giúp đỡ con người một cách hữu hiệu được.

Rồi văn minh tiến bộ. Con người ngày nay có thể vượt ra ngoài không gian để chinh phục thiên nhiên, nhưng mấy ai tự chinh phục mình được và mấy ai làm đẹp cho quả địa cầu này đâu? Những chất liệu dầu lửa, hầm mỏ, quặng sắt, than đá v.v... mỗi ngày bị đào xới luôn luôn, chỉ nhằm phục vụ cho ước muốn cũng như sự tiêu xài của con người một cách không giới hạn và dĩ nhiên ở thế kỷ 21, có một ngày nào đó nguồn tài nguyên thiên nhiên lại hết sạch đi. Lúc ấy không biết nhân loại sẽ sống bằng gì?

Thế giới ở đầu thế kỷ 20 mới 2 tỷ người, đến đầu thế kỷ 21 đã lên 6 tỷ và con số này còn gia tăng nữa, trong khi đó diện tích đất đai cũng chỉ bằng chừng ấy chứ không tăng. Việt Nam ở đầu thế kỷ 20 này cũng chỉ 20 triệu dân và bây giờ ở thời điểm 1999 này đã lên con số 76 triệu. Mức tăng dân số thật khủng khiếp. Đó là qua Đệ nhất, Đệ nhị thế chiến cũng như chiến tranh Quốc Cộng từ 1954 - 1975 đã chết đi cả mấy triệu người, rồi vượt biển tìm tự do, trong rừng sâu, trên biển cả cũng đã chết đi cả triệu người, nhưng dân số vẫn tiếp tục tăng, đói nghèo vẫn ngự trị.

Nhìn về Á Châu, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia lớn về diện tích mà cũng lớn về dân số. Họ luôn luôn tìm cách mở mang bờ cõi về phương Bắc và phương Nam, mà Tây Tạng là nước bị thiệt hại không nhỏ. Những gỗ quý, những đồi xanh đã bị đốn chặt, di dân bất hợp pháp đã làm cho thế giới lưu tâm. Lưu lượng sông Mékong càng ngày càng giảm, nhưng quốc gia nào cũng muốn chủ quyền kiểm soát thuộc về mình, chẳng ai nghe ai. Có lẽ chiến tranh không sớm thì muộn cũng sẽ bộc phát ở những vùng biên giới này.

Nhìn về Phi Châu nạn nghèo đói lại còn thê thảm hơn Á Châu, chỉ vì thiên nhiên rất khắc nghiệt. Nắng cháy mọi cánh đồng, mùa màng thu hoạch không khả quan, nhưng sinh trưởng lại nhiều. Từ đó sinh ra thất học, thiếu dinh dưỡng và chết trẻ. Thế mà sự sinh sản ở lục địa này vẫn không ngừng lại ở đó. Nếu có vị Bồ Tát nào đem đại từ tâm đến để cứu vớt nhân sinh trong hiện tại, ở Phi Châu hay bất cứ nơi nào trên thế gian này, chắc chắn cũng khó mà nhiếp phục hết được. Chỉ trừ một điều căn bản là mỗi người phải tự tu nhân tích đức, mỗi người phải tự phản tỉnh, phải tự biết rằng mình nên làm gì và không nên làm gì thì chính mỗi người mới không còn khổ đau dằn vặt nữa và sự sống của con người cũng như muôn vật trên vũ trụ này mới có giá trị. Bằng ngược lại, sự phá sản vật chất lẫn sự phá sản của tâm linh sẽ không có phương pháp nào cứu chữa nổi.

Từ những lý do như trên, con người, nhất là người Âu Châu và người Mỹ Châu, trong hiện tại đang đi tìm một giá trị tâm linh thiết thực hơn. Các nhà Khoa học, các Triết gia, các nhà Bác học lâu nay đã bỏ công nghiên cứu, tìm tòi những giá trị vật chất và những giá trị tâm linh, nhưng vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát là - con người từ đâu đến? Và sau khi chết sẽ đi về đâu? Vũ trụ này do đâu mà có? Rồi nó sẽ bị tan vỡ hay tồn tại vĩnh cửu? v.v... Một số Tôn Giáo khác tại Âu Châu và Mỹ Châu có thể giải thích một số hiện tượng của thế gian này qua con mắt của Thiên Nhãn hoặc Đạo Nhãn, chứ chưa có được con mắt Tuệ Nhãn của Bồ Tát và Phật nhãn của chư vị đã thoát ly sanh tử luân hồi, nên các vị này đã tìm đến Phật Giáo. Nơi Phật Giáo sẽ cung ứng được tất cả những khát vọng này.

Phật Giáo đã có mặt tại Á Châu từ hơn 2.500 năm nay, nhưng Phật Giáo mới có mặt tại Âu Châu này sớm nhất là 200 năm. Trong 200 năm qua Phật Giáo từng bước, từng bước theo các bước đường tiến hóa của nhân loại mà phát triển tại Âu Mỹ. Bước đường đầu tiên là các nhà học Phật người Âu Mỹ sang tận Ấn Độ, Tích Lan, Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn để học hỏi giáo lý căn bản của Phật Giáo, sau đó mang về quê hương mình để thành lập những tổ chức Phật Giáo. Ở Đức, Hội Phật Giáo tại Leipzig được thành lập cách đây hơn 100 năm. Rồi tiếp theo con đường thứ hai, các nhà học Phật Âu Mỹ hướng đến con đường Thiền Học của Nhật Bản qua nhà Phật học Daietsu Suzuki. Nguồn thiền này đã sưởi ấm Âu Mỹ suốt đầu thế kỷ 20 đến giữa thế kỷ 20 này. Nguồn Phật học thứ ba đến từ Phật Giáo Tây Tạng, hay nói đúng hơn là đến từ cá nhân của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Phải thành thật mà nhận định rằng: Nếu Tây Tạng mà không có những vị như Đức Đạt-lai Lạt-ma thì Phật Giáo Tây Tạng cũng giống như các nước Phật Giáo khác mà thôi.

Chính nơi Ngài đã biểu trưng trọn vẹn con đường của Bồ Tát thừa và ở nơi Ngài lòng từ bi chất ngất, không hận thù, không trả oán, nên thế giới đã ca tụng Ngài như một bậc Pháp Vương sáng giá nhất nhì mang lại hòa bình cho thế kỷ này. Không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp có thể ca ngợi Ngài cho trọn vẹn được, không biết bao nhiêu lời lẽ có thể tán dương Ngài cho xứng đáng, và từ đó cũng có không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ đã quy ngưỡng nơi Ngài. Cũng đã có không biết bao nhiêu triết gia, học giả, khoa học gia quy y với Ngài, khiến cho Phật Giáo của Tây Tạng càng ngày càng sáng chói khắp muôn phương. Vì vậy những gì thuộc về Tây Tạng người ta đều trân quý. Điều ấy hẳn có lý do và chỉ vì Đức Đạt-lai Lạt-ma là biểu tượng và giáo lý giác ngộ giải thoát của Đức Như Lai giờ đây đã được thể hiện trọn vẹn nơi Âu Mỹ này.

Những bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già, Dược Sư v.v... đã được dịch ra Đức ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ v.v... mọi người nơi đây đang say mê tìm hiểu giáo lý bình đẳng có một không hai ấy. Chắc rằng không lâu Tam tạng Kinh điển Bắc và Nam Tông cả hơn 250.000 trang sách sẽ được dịch hết ra tiếng địa phương và lúc ấy Phật Giáo có cơ hội phát triển tại đây nhiều hơn nữa. Phật Giáo giống như một dòng nước trong lành, mang hương vị ngọt ngào đến tắm gội quần sanh, trong khi tôn giáo và triết học tại những địa phương này đang thay đổi từ cội rễ.

Đọc quyển “Deutsche Buddhisten” (Phật Giáo Đức) của Tiến sĩ Martin Baumann, hiện là Giáo sư của Đại Học Hannover và Bremen, sách này do Diagonal xuất bản lần thứ hai năm 1995 và sách dày 465 trang, qua những phân tích, làm thống kê sác xuất, chúng ta thấy được sự phát triển của các truyền phái Phật Giáo riêng tại nước Đức này, mà theo tôi nghĩ có thể tiêu biểu cho cả Âu Châu lẫn Mỹ Châu. Theo sách đã dẫn trang 425, chúng ta thấy thập niên 70, tại nước Đức này:

Nguyên Thủy Phật Giáo chiếm 16%
Đại Thừa chiếm 42%
Kim Cang Thừa chiếm 23%
Phật Giáo Á Châu 3%
và các truyền thống khác chiếm 16%.

Đến năm 1980 :

Kim Cang Thừa hay nói đúng hơn là Phật Giáo Tây Tạng tăng lên 41%
Trong khi đó các truyền thống khác giảm xuống còn 7%
Đại Thừa Phật Giáo giảm còn 29%
Nam Tông Phật Giáo cũng giảm xuống còn 12%
và Phật Giáo Á Châu tăng lên 7%.

Đến năm 1985 :

Phật Giáo Nam Tông giảm xuống còn 10%
Các truyền thống Phật Giáo khác tại Đức chiếm 11%
Đại Thừa Phật Giáo còn 26%
Truyền thống Phật Giáo Á Châu giảm còn 6%
Trong khi đó Kim Cang Thừa lên đến 47%

Đến năm 1991 :

Phật Giáo Nam Tông lại tăng lên trở lại 13%
Phật Giáo Bắc Tông tiếp tục giảm còn 30%
Phật Giáo Á Châu vẫn giữ nguyên vị trí cũ 7%
và Phật Giáo Kim Cang Thừa hay Tây Tạng cũng còn hơn 40% mà thôi.
Các truyền thống Phật Giáo khác còn 10%

Căn cứ theo bảng thống kê này thì Phật Giáo tại Đức thay đổi tùy theo sự ngưỡng mộ đối với mỗi truyền thống, nhưng nếu so Nam Tông và Bắc Tông thì truyền thống Bắc Tông kể cả Tây Tạng bao giờ cũng gấp đôi, hoặc gấp ba truyền thống Nam Tông. Như vậy con đường phát triển Đại Thừa giáo tại các nước phương Tây có nhiều cơ hội hơn là con đường của Phật Giáo Nam Tông.

Mới đây, năm 1999 nhà xuất bản Lutherisches Verlagshaus tại Hannover của Giáo sư Tiến sĩ Peter Antes cho ra đời quyển Kompass Buddhismus (Kim Chỉ Nam Phật Giáo) do ông Dr. Martin Baumann soạn. Sách không dày lắm, chỉ 70 trang, gồm 2 thứ tiếng Đức và Anh, nhưng cũng đã giới thiệu hầu hết những nét đặc thù của Phật Giáo tại Đức như lịch sử, kinh điển, sự sinh hoạt hằng ngày, đời sống gia đình, sự giáo dục, bệnh tật, sự điều dưỡng, sống và chết. Ngoài ra ông ta cũng có đề cập đến kinh tế và đời sống chính trị của người Phật Tử nữa.

Qua sự phân tích, tra cứu tìm tòi, tác giả Tiến sĩ Baumann đã cho biết rằng hiện tại ở xứ Đức này có hơn 500 cơ sở Phật Giáo của người Đức và được chia ra là 4 dạng thức như sau:

- Những người Phật Tử không thuộc một tông phái nào gồm 7%
- Nam Tông Phật Giáo 15,3%
- Đại Thừa Phật Giáo 35,6%
- Phật Giáo Tây Tạng 42,1%

Như vậy ở đầu thập niên 90 này, Phật Giáo Tây Tạng vẫn dẫn đầu. Tuy nói rằng Phật Giáo Tây Tạng chứ thực ra hầu hết là người Đức. Vì cả xứ Đức này chỉ có chưa được 100 người Tây Tạng hiện đang sinh hoạt tại đây. Đến bản phân tích này thì ông Baumann không còn liệt kê Phật Giáo gốc Á Châu riêng như quyển sách trước nữa. Có lẽ ông ta nghĩ rằng Phật Giáo Á Châu mà đa phần là Phật Giáo Đại Thừa, nên ông đã sát nhập vào sự phát triển của Đại Thừa cũng như một số ít bên Nam Tông Phật Giáo.

Mới đây vào ngày 14 tháng 8 năm 1999 chính tác giả của quyển sách, ông Tiến sĩ Baumann đã gặp tôi tại chùa Phật Bảo tại Barntrup, có thảo luận về một số đề tài có liên quan về sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam vào những năm của thập niên 1980 tại xứ Đức này. Ông ta là một nhà khoa học về Tôn Giáo, nên những nhận định rất khách quan, không phải là một Phật Tử đôi khi lại hay hơn là một người Phật Tử. Vì nếu là một Phật Tử, phải nói tốt về đạo của mình. Do đó tính trung thực sẽ dễ bị thiên lệch. Ông ta sinh sau tôi 11 năm nên sức sáng tạo còn mạnh. Ông cũng đã tham dự mấy lần Lễ Thọ Bát Quan Trai tại chùa Viên Giác tại Hannover để tìm hiểu về sự tu học của Phật Tử Việt Nam tại đây.

Mới đây, vào tháng 5 năm 1998 có một luận án Cử Nhân (Magisterarbeit) liên quan đến sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam ở xứ Đức này nhan đề là “Vietnamesischer Buddhismus in Deutschland - Darstellung der Geschichte und Institutionalisierung” - Nghĩa là: Phật Giáo Việt Nam tại nước Đức - Giới thiệu về lịch sử và sự hình thành các cơ cấu tại đây - của Phật Tử Đức-Thụ Hồ-Lộc. Em này cũng đang chuẩn bị một luận án Tiến sĩ tại Đại Học Hannover nhan đề là: Leben in fremdkulturellem Kontext gestalten: Vietnammesische Buddhisten in Deutschland und den USA. Ein analytischer Vergleich von Kontinuitảt im Wandel“ - Nghĩa là: Cuộc sống trong sự liên hệ mới lạ - một sự so sánh phân tích về sự liên hệ môi trường thay đổi giữa Phật Tử Việt Nam tại Đức và Hoa Kỳ. Luận án này có thể vài ba năm sau mới xong, nhưng vào tháng 10 năm 1999 này Đức Thụ sẽ xuất gia tại Chùa Viên Giác và hy vọng trong tương lai, những gì thuộc về Phật Giáo Việt Nam tại Đức và tại Hoa Kỳ, Đức Thụ có khả năng thuyết trình cũng như phân tích về những sự phát triển trong thời gian qua tại đây.

Con đường mà Phật Giáo đã đến Âu, Mỹ Châu ngày nay ngoài 3 con đường chính bên trên, còn một con đường của người tỵ nạn Việt Nam mang đến hay của những người Phật Tử Á Châu lấy vợ hay lấy chồng tại đây mang vào. Con số Phật Tử này ở thời điểm cuối thế kỷ 20 này phải tính là trên 100.000 người Phật Tử ở dạng này. Phật Giáo Việt Nam có những đặc thù riêng của nó. Thầm lặng hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng đã đi vào lòng người Việt Nam và người ngoại quốc không ít, do Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh v.v... Tất cả đều là vì sự lợi ích của chúng sanh mà giáo lý Đại Thừa Phật Giáo đã được triển khai qua tinh thần của Phật Giáo Việt Nam vậy. Sách vở liên quan đến Phật Giáo Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Pháp ngày nay không thiếu và những người Mỹ như Ni Sư Karuna, đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân tại Mỹ, đã tiếp nối con đường Thiền Lâm Tế Việt Nam qua Trung tâm Quốc tế Thiền Viện tại Los Angeles. Qua Sư Cô Pháp Đăng người Đức y chỉ với Hòa Thượng Thích Mãn Giác tại Mỹ hay vô số người Pháp, Mỹ đã quy y với Hòa Thượng Thích Huyền Vi cũng như Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.

Riêng tôi có 2 chú đệ tử xuất gia người Đức, Pháp danh là Thiện Nam và Thiện Bình. Cả 2 chú đều nói tiếng Việt rất rành. Hiểu và biết nhiều về phong tục tập quán của người Á Châu, nhất là những người Việt Nam. Nhưng chú Thiện Nam sau khi xuất gia một thời gian vì không kham nhẫn nổi cách lễ bái hằng ngày trong mùa An Cư Kiết Hạ của chùa Viên Giác, nên đã ra đời. Thế nhưng thỉnh thoảng chú vẫn muốn lại chùa xưa, thăm Thầy bạn cũ. Riêng chú Thiện Bình sau khi ở chùa 2 năm thì xuất gia và sau khi thọ giới Sa Di, tôi cho Pháp tự là Hạnh Hảo. Chú này đã xuất gia được 3 năm, như vậy kể chung là 5 năm ở chùa và tu học theo truyền thống Phật Giáo Việt Nam. Chú này ngoài tiếng Việt, tiếng Anh ra, chú còn nói và viết rành tiếng Trung Quốc. Do vậy đi vào các nền văn hóa Á Châu này không khó mấy, miễn là người ấy có tâm nguyện và ý chí. Chú học về Ngôn ngữ học tại Đại Học Hamburg. Năm 1998 vừa qua chú đã trình luận án Cử Nhân (Magisterarbeit) về đề tài “Thập Mục Ngưu Đồ Tụng“ bằng cổ ngữ Hán văn dịch sang Đức ngữ và bình chú của Hòa Thượng Quảng Trí người Việt Nam ở vào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh tại Việt Nam. Đây là một việc làm rất khó, nhưng chú đã thành tựu. Bây giờ thì chú đang nỗ lực cho triển lãm EXPO năm 2000 về các đề tài có liên quan về Phật Giáo sẽ được tổ chức tại chùa Viên Giác từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2000.

Khi một người Đức hoặc một người Mỹ học về Phật Giáo, dĩ nhiên là không cần học văn hóa của nước Phật Giáo mà mình theo đó, nhưng nếu hiểu rành rẽ hơn thì vẫn có lợi như thường. Ví dụ những vị Đại Sư Tây Tạng rất ít vị rành về ngoại ngữ. Khi các Phật Tử Âu Châu muốn học về Phật Giáo Tây Tạng đa phần đã phải học tiếng Tây Tạng. Tại Trung Tâm Tây Tạng Phật Giáo Hamburg là điển hình. Các vị như Tăng sĩ Oliver, Ni cô Carola, hay cựu Tăng sĩ Christoph v.v... đều rất giỏi tiếng Tây Tạng, để từ đó mới có thể học hỏi kinh điển Phật Giáo qua ngã Tây Tạng được.

Chúng tôi chỉ là những chiếc cầu văn hóa bắc qua sông biển Đại Tây Dương để đến những xứ Âu Mỹ này. Rồi đây những hạt nhân là người địa phương này sẽ phát triển mãi mãi về sau trên những mảnh đất mấy ngàn năm có ảnh hưởng văn minh của các tôn giáo khác rồi. Việc “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân“ để làm hưng long hạt giống giác ngộ chúng tôi đã mang tới, đã gieo vào những đám ruộng tâm linh ở đây rồi. Vậy chỉ còn gặt hái và tiếp tục vun xới, để rồi một mai đây hoa trái sẽ tiếp tục đâm chồi nảy lộc tại xứ sở này, nhằm điểm tô thêm cho vườn hoa tâm linh tại đây phát triển càng ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nhân đã tốt như vậy thì quả chắc chắn sẽ không xấu về sau. Vì nơi đây hạt giống đã được gieo rồi. Người trồng vườn tâm và cấy cây trên ruộng phước ấy, chắc chắn sẽ gặt hái được những thành quả tuyệt vời ở những thế kỷ sau. Có thể là một hay hai trăm năm sau, cây giác ngộ này mới phát triển nhanh so với trong hiện tại, nhưng những người đến đây vào cuối thập niên 1970 tại xứ Đức này như Hòa Thượng Thubten Ngawang và tôi có quyền hy vọng như thế và chắc chắn như thế, để mọi người có được lợi ích về sau này.

Có người gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma thì rưng rưng nước mắt, vì quá cảm động. Có người thì quá tươi cười hớn hở. Trong khi đó có người say sưa chiêm ngưỡng pháp tướng của Ngài. Cũng có người chỉ muốn gặp Ngài để lắng nghe tiếng cười dòn tan để khuây đi niềm tục lụy. Cũng có nhiều người không thích Ngài vân du đây đó, nhất là Trung Cộng, nhưng một điều phải thừa nhận rằng trên thế giới này ít ai có một lòng từ bi vị tha cao cả như Ngài. Một bậc quân vương, một bậc Thánh nhân, một vị Bồ Tát, nhưng luôn luôn khiêm cung, hạ mình với tất cả mọi người, dầu cho khi Ngài tiếp xúc với các vị Tổng Thống, như Bill Clinton, Mitterrand, Chirac, Nữ hoàng Anh hay Tổng Thống Đài Loan v.v... tất cả đều cùng một cung cách, một nụ cười. Hay ngay cả khi tiếp xúc với những người tỵ nạn Việt Nam như chúng tôi, hay cả những em bé bị bệnh hoạn cần sự trợ lực của Ngài, Ngài vẫn tươi cười hỏi han, chở che, an ủi như một từ mẫu luôn luôn săn sóc đến mọi chúng sanh.

Viết đến đây tôi nhớ đã đọc trong luật tạng về một câu chuyện của Đức Phật đối với đệ tử của Ngài cũng tương tự như thế. Đức Phật cũng bận rộn suốt ngày với bao nhiêu công việc tọa thiền, giảng đạo, kinh hành khất thực v.v... nhưng Đức Phật một hôm đi thăm một vị Tỳ Kheo bị bệnh. Vị Tỳ Kheo này theo đúng luật Phật chế nên đã dùng giẻ rách của một tử thi để băng bó vết thương. Vì lẽ vải có độc, nên đã làm cho vết thương lở lói thêm. Từ nguyên nhân này Đức Phật đã phương tiện cho phép các Thầy Tỳ Kheo nên dùng vải mới để băng bó vết thương để khỏi nhiễm trùng. Vị Tỳ Kheo ấy y lời và quả nhiên vết thương ấy chóng bình phục. Đây là một hành vi thật nhỏ thôi, nhưng nó đã đánh động được biết bao nhiêu tấm lòng từ của mọi người chung quanh lúc bấy giờ. Có thể nhiều người nghĩ, Đức Phật đâu cần phải thân hành làm những việc ấy, nhưng đây là hình ảnh của từ bi, Ngài không bao giờ quên ai cả. Đức Đạt-lai Lạt-ma là một Bồ Tát hiện thân, Ngài cũng đã thể hiện được trọn vẹn những điều như vừa nói trên.

Vào ngày 18 tháng 6 năm 1995 vừa qua, khi tôi đảnh lễ Ngài trước cổng chùa Viên Giác Hannover, Ngài đã đem đầu của Ngài cụng vào đầu tôi. Đây là một lối chào thân thiện của các vị tu sĩ Tây Tạng. So ra tôi đâu có xứng giá gì, nhưng Ngài đã thể hiện tâm từ như thế. Hoặc hai lần đã thân hành bắt tay Ngài tại Hamburg và Schneverdingen năm 1998 vừa qua đã làm cho tôi thêm một năng lực nhiệm mầu. Tôi không khóc vì cảm động, tôi không cười vì quá hoan hỷ, mà tôi ghi sâu những dấu ấn ấy vào lòng, để làm một hành trang trên đoạn đường thiên lý giải thoát của chính mình trong kiếp nhân sinh này.

Ai sinh ra trong đời này rồi cũng phải chết cả. Người trẻ thì cho rằng tương lai còn nhiều, nhưng những người ở ngoài tuổi 50 như tôi trong hiện tại thì con đường đi đến sự chết chóc không còn xa mấy. Do vậy mà phải chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững vàng để đường về Tây Phương không còn bị ngăn lối. Thời gian trôi qua nhanh lắm, mới đó mà đã hơn 20 năm ở Đức rồi. Trong hơn 20 năm qua tôi đã thể hiện lòng mình trên mọi lối và đã cùng với học trò, đệ tử cùng những người cộng sự thực hiện bổn phận lợi tha của mình. Giờ đây hạt giống đã đâm chồi nảy lộc, tôi được quyền nói rằng: những nhân mình đã gieo trong hơn 20 năm qua không phụ chút nào.

Hôm tháng 8 năm 1999 vừa qua tại Troisdorf gần Bonn, Ủy Ban Cap Anamur do Tiến sĩ Neudeckt điều hành đã tổ chức kỷ niệm 20 năm vớt người tỵ nạn Việt Nam trên biển Đông. Đây cũng là một hành động của Bồ Tát. Nếu ông không có từ tâm lo từ bước ban đầu, thì nhân dân Đức cũng không ủng hộ và hơn 10.000 người Việt Nam kia không biết đi về đâu? Có thể đi vào lòng đại dương. Cũng có thể được một nước khác cho tỵ nạn, nhưng dầu sao đi nữa những người này vẫn là những người có nhân duyên với nước Đức. Đến dự hôm đó có gần cả ngàn người Việt Nam, đặc biệt phía Đức có cựu Thủ Tướng của Tiểu Bang Niedersachsen, ông Dr. Albrecht, và Tổng Thống Rau cũng như Bà Süßmuth cựu Chủ Tịch Quốc Hội Đức cùng đông đảo các chính trị gia và các nhà từ thiện khác. Dr. Albrecht đã gợi lại chuyến tàu Hải Hồng ngày xưa vào ngày 10.12.1978, ông đã là một trong những vị Thủ Tướng đầu tiên của nước Đức chịu nhận người tỵ nạn Việt Nam vào tiểu bang mình và từ đó chính phủ Đức mới tiếp tục nhận những người tỵ nạn Việt Nam cho đến ngày nay. Con số hiện tại năm 1999 gần đến 100.000 người. Trong 100.000 người này biết bao nhiêu người đã mang ơn cứu tử của ông và của nhân dân Đức, nên tôi gọi đó là một vị Bồ Tát đã vì tha nhân mà cứu khổ khỏi những tai ương trên cõi đời này. Dr. Albrecht cũng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về hình ảnh của ngôi Chùa Viên Giác tại Hannover, nơi hướng dẫn tâm linh của người con Phật và nơi đó đã nằm trọn trong Tiểu Bang Niedersachsen, nơi ông đã làm Thủ Tướng hai nhiệm kỳ. Ông ta cũng đã nhắc nhở đến sự lãnh đạo tinh thần của tôi qua những khó khăn lúc ban đầu và cho đến ngày nay, sau một thế hệ 20 năm đã có không biết bao nhiêu nhân tài ra giúp nước Đức. Đây là bổn phận và trách nhiệm của người Việt Nam, không ai trong chúng ta là không nhớ đến câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây“. Do vậy mà người tỵ nạn Việt Nam tại Đức luôn luôn biết ơn nước Đức, biết ơn chính phủ và nhân dân Đức. Tuy nước Đức rất ít Phật Tử, nhưng con đường Bồ Tát đạo đã được quý vị đã xiển dương một cách hùng tráng tại quê hương này.

Kể từ năm 1979 đến nay cũng đúng 20 năm trôi qua, chính quyền Liên Bang Đức đã giúp những sự sinh hoạt cụ thể của Chùa Viên Giác qua việc xuất bản sách, báo Viên Giác và những lễ hội khác, nhằm tạo điều kiện cho người Việt Nam hội nhập vào xã hội này một cách nhanh chóng hơn và 20 năm một thời gian đó chúng tôi cũng đã nỗ lực cộng tác với chính quyền. Nếu không có những sự giúp đỡ này, chắc chắn rằng người Việt Nam tỵ nạn tại nước Đức còn gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi cũng chỉ là một hạt cát trong biển cả mênh mông thôi và mong rằng hạt cát đó sẽ tạo một chút nhân duyên cho sự hình thành của vũ trụ vạn hữu vậy. Vì như kinh Hoa Nghiêm đã nói: Trong một hạt cát có vô lượng thế giới và trong thế giới bao la có chứa đựng nhiều hạt cát như thế. Đây là trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện của kiếp nhân sinh này vậy.

Tôi khởi đầu viết tác phẩm thứ 27 này vào ngày 9 tháng 6 năm 1999 và hôm nay là 19 tháng 8 năm 1999, cũng đúng ngày giỗ thứ 14 khi thân phụ tôi qua đời. Như vậy là 2 tháng 10 ngày. Trong 2 tháng 10 ngày ấy, trên thực tế tôi chỉ viết chừng 45 ngày thôi. Mỗi ngày nhiều lắm là 3 tiếng đồng hồ và ít nhất cũng nửa tiếng. Tôi thường viết vào buổi mai và rất ít khi viết buổi chiều. Những tác phẩm này của tôi trong hiện tại có thể không có giá trị gì mấy, nhưng 100 năm sau nếu có người tìm đến sự sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam tại xứ Đức này, thì đây là những tài liệu cần phải có để tham khảo.

Năm nay 1999, vào ngày 19.7 vừa qua tôi đã tổ chức một cuộc họp mặt sau 31 năm xa cách gia đình. Có hai bà chị ruột ở Việt Nam sang và tôi cũng đã mời Thượng Tọa Thích Bảo Lạc từ Úc sang để dự lễ. Người chị cả năm nay đã 74 tuổi, chị thứ năm đã 66 tuổi và chắc rằng chúng tôi không còn có cơ hội để gặp nhau nữa. Vì quê hương vẫn còn trong ngàn trùng xa cách. Đây cũng là những ơn lớn mà những người xuất gia như chúng tôi không quên được. Vì nếu không có gia đình thì làm sao có tôi được. Đức Phật ngày xưa khi vua cha băng hà Ngài còn về để lo phận sự làm con, còn tôi suốt gần 30 năm nơi chân trời góc biển này chưa một lần về thăm quê hương và gia đình thì đây là cơ hội vậy. Ngày hôm nay 19 tháng 7 năm 1999 này khi chấm câu tác phẩm này cũng là lúc tôi lên điện Phật để cúng kỵ cho phụ thân tôi, năm nay có hai bà chị lạy thế cho tôi. Vì bao nhiêu năm trước những người đệ tử tại gia của tôi đã làm việc này. Vì lẽ người xuất gia thọ giới rồi, chỉ làm những gì giới luật cho phép mà thôi.

Tôi xin cảm ơn tất cả, mọi người đã vì tôi mà dành cho tôi nhiều thì giờ để hoàn thành tác phẩm này. Nếu không có được những nhân duyên như thế trong mỗi mùa An Cư Kiết Hạ thì 20 năm qua cũng trôi đi một cách nhạt nhẽo, không có một bút tích gì ghi lại với đời cả thì những người đi sau không biết đâu mà lần về dĩ vãng.

Tôi chắc rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma, Ngài cũng sẽ mỉm cười với tác phẩm này viết về Ngài, để tán dương Ngài và dĩ nhiên dầu cho có hay hoặc dở, đối với Ngài cũng chỉ là một sự như như ấy thôi. Con xin thành kính tri ân và đảnh lễ Ngài đã cho con cơ hội này, viết lên tâm tư của một người có nhân duyên đã gặp Ngài trong kiếp này và mong rằng dầu ở cõi nào đi chăng nữa, con cũng luôn luôn gặp được những vị Bồ Tát hóa thân như Ngài.

Kính nguyện Tam Bảo gia hộ cho tôi và mọi người được trọn vẹn sở cầu ấy.

Viết xong ngày 19 tháng 8 năm 1999
nhằm ngày mồng 9 tháng 7 năm Kỷ Mão
tại thư phòng chùa Viên Giác
Thích Như Điển


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.0.20 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...