Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Triết lý nhà Phật »» I.Những chuyện tích triết lý »»

Triết lý nhà Phật
»» I.Những chuyện tích triết lý

Donate

(Lượt xem: 18.254)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Triết lý nhà Phật - I.Những chuyện tích triết lý

Font chữ:

Tuy là những tích xưa, chuyện cổ, nhưng đối với người có óc quan sát sẽ rất là bổ ích, vì trong ấy chứa đựng những tư tưởng cao xa thâm thúy về triết lý đạo đức.

Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn. Sau khi xem những chuyện tích được sưu tập trong phần này, hy vọng độc giả sẽ có thể dễ dàng thấy được những ý nghĩa đạo lý đã có tự ngàn xưa, được ghi lại qua những câu chuyện rất thú vị, làm cho chúng ta vui thích.

Những ai đã từng suy nghĩ về đạo lý, nhưng tâm trí vẫn còn có điều ngờ vực, sẽ thấy được nơi đây có những điểm tương hợp suy nghĩ của mình. Những ai đã từng nghiêng về chủ nghĩa thần quyền, cho rằng mọi sự thành bại đều không phải tự nơi mình, mà do bởi nơi trời, nơi Phật, sẽ thấy rõ ra rằng nhân quả, nghiệp báo, thật sự là tự mình gây ra và nhận lãnh lấy, dù đó là khổ đau hay an lạc. Cho đến thông hiểu đạo lý, giác ngộ, giải thoát cũng đều do nơi chính mình. Nếu tự thân không có sự nỗ lực, thì không một vị Phật, Thánh nào có thể cứu độ cho mình được.



1. TỨ ĐẠI

(Trích từ kinh Kevaddha-Sutta)



Ngày kia, đức Phật thuyết pháp với cư sĩ Kê-hoa-đa rằng:

Này Kê-hoa-đa, lúc trước có một vị tỳ-kheo suy nghĩ rằng: “Không biết bốn đại là đất, nước, gió, lửa, tới đâu là cùng tột?”

Lúc ấy, vị tỳ-kheo liền nhập định. Khi tinh thần và tư tưởng đã yên định, vị ấy dùng thần thông đã chứng đắc để bay lên cõi trời.

Này Kê-hoa-đa, bấy giờ vị tỳ-kheo gặp chư thiên theo hầu bốn vị Thiên vương, hỏi rằng:

“Các ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”

Chư thiên theo hầu bốn vị Thiên vương nghe hỏi như vậy, bèn đáp rằng:

“Bạch đại đức, anh em chúng tôi không biết bốn chất ấy đến đâu là cùng tận. Nhưng còn có bốn vị Thiên vương trí đức cao hơn chúng tôi, có lẽ các ngài biết được.”

Vị tỳ-kheo liền đến ra mắt bốn vị Thiên vương và hỏi rằng:

“Các ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”

Bốn vị Thiên vương nghe hỏi như vậy, bèn đáp rằng:

“Bạch đại đức, chúng tôi không biết bốn chất ấy đến đâu là cùng tận. Nhưng còn có các vị thiên tử ở trên cõi trời Đao-lỵ trí đức cao hơn chúng tôi, có lẽ các ngài biết được.”

Vị tỳ-kheo đến viếng các vị thiên tử ở cõi trời Đao-lỵ, nhưng kết quả cũng không tốt hơn. Vị ấy lần lượt đi dần lên, tìm đến đức vua trời Đế-thích. Rồi vị tỳ-kheo lên đến đến cảnh trời Dạ-ma, tìm gặp vị Thiên chủ ở cảnh ấy, đến cảnh trời Đâu-suất, tìm gặp vị Thiên chủ ở cảnh ấy, đến cảnh trời Hóa-lạc và tìm gặp vị Thiên chủ ở cảnh ấy, đến cảnh trời Tha hóa tự tại và tìm gặp vị Thiên chủ ở cảnh ấy. Vị tỳ-kheo đến đâu cũng lập lại câu hỏi trước, nhưng không có ai trả lời được. Cuối cùng, vị ấy nhận được câu trả lời rằng:

“Bạch đại đức, chúng tôi không biết bốn chất ấy đến đâu là cùng tận. Nhưng có đức Đại Phạm thiên trí đức lớn hơn cả, có lẽ ngài biết được.”

“Các ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”

Này Kê-hoa-đa, lúc ấy vị tỳ-kheo liền hỏi đến nơi ngự trị của đức Đại Phạm thiên, nhưng không ai biết nơi ngài ngự. Người ta nói khi nào thấy có hào quang chiếu sáng rực rỡ là khi ấy ngài ngự đến.

Vị tỳ-kheo quan sát và chờ đợi, đến khi thấy được hào quang chiếu sáng rực rỡ, vị ấy liền tìm đến và gặp được đức Đại Phạm thiên. Vị tỳ-kheo đến gần bên ngài và hỏi rằng:

“Thưa ngài, ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”

Đức Đại Phạm thiên đáp rằng:

“Phải, ta là Đại Phạm thiên, là đấng Chí tôn, Đấng cao cả, thông hiểu mọi vật, trông nom mọi vật, là đấng tạo hóa, cha chung của muôn loài.”

Vị tỳ-kheo liền nói với Đại Phạm thiên rằng:

“Tôi không hỏi rằng ngài có phải là Đại Phạm-thiên, là đấng Chí tôn, Đấng cao cả, thông hiểu mọi vật, trông nom mọi vật, là đấng tạo hóa, cha chung của muôn loài hay không? Tôi chỉ muốn hỏi ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”





Đức Đại Phạm thiên lại đáp rằng:

“Phải, ta là Đại Phạm thiên, là đấng Chí tôn, Đấng cao cả, thông hiểu mọi vật, trông nom mọi vật, là đấng tạo hóa, cha chung của muôn loài.”

Vị tỳ-kheo lại hỏi lần thứ ba rằng:

“Thưa ngài, tôi không hỏi rằng ngài có phải là Đại Phạm-thiên, là đấng Chí tôn, Đấng cao cả, thông hiểu mọi vật, trông nom mọi vật, là đấng tạo hóa, cha chung của muôn loài hay không? Tôi chỉ muốn hỏi ngài có biết đất, nước, gió và lửa tới đâu là cùng tột hay chăng?”

Bấy giờ, đức Đại Phạm-thiên nắm tay vị tỳ-kheo, dẫn đi sang một bên và nói nhỏ rằng:

“Bạch đại đức, hết thảy chư thiên đều ngỡ rằng ta đây thấy biết mọi việc, thấu hiểu mọi việc. Cho nên trước mặt họ ta không thể đáp ngay lời của đại đức hỏi. Thật ra, chính ta đây cũng không biết bốn chất ấy đến đâu là cùng tột. Tại sao đại đức không đem việc này đến hỏi đức Phật, lại phải lặn lội khắp nơi xa xôi khó nhọc như thế. Xin đại đức cứ trở về hỏi đức Phật, ngài sẽ giảng giải cho đại đức.”

Này Kê-hoa-đa, vị tỳ-kheo liền rời khỏi cung Đại Phạm thiên, nhanh chóng trở về trước mặt ta. Vị tỳ-kheo lễ bái ta một cách cung kính, rồi lui lại, ngồi xuống một bên, hỏi rằng:

“Bạch Thế Tôn, các chất đất, nước, gió và lửa đến đâu là cùng tột?”

Khi tỳ-kheo ấy hỏi xong, ta đáp rằng:

“Này tỳ-kheo, thuở xưa có mấy người lái buôn cùng vượt biển trên một chiếc thuyền, đem theo một con chim. Khi thuyền đi ra rất xa, không còn trông thấy đất liền, họ bèn thả con chim. Chim bay về các phương đông, tây, nam, bắc, và cả bốn phương phụ, tìm chỗ có đất liền để bay đến. Nhưng không thấy ở đâu có đất liền, chim đành bay trở lại thuyền. Tỳ-kheo ơi, ngươi cũng giống như vậy, đã đi khắp nơi, đến tận cõi trời của Đại Phạm thiên, nhưng không ai đáp được câu hỏi ấy, buộc lòng mới phải trở về hỏi ta.

“Này tỳ-kheo, câu hỏi ấy không phải hỏi như vậy. Ngươi nên hỏi như thế này mới đúng:

‘Bốn chất đất, nước, lửa và gió đến đâu là không còn vững chắc? Hết thảy những tính chất dài ngắn, tốt xấu, thiện ác và hình sắc, tên gọi có thể cùng tận và hoại mất đi chăng?’

“Và nên đáp lại như thế này:

‘Trong tâm thức không xao động, sáng suốt và bao la, các chất nước, đất, lửa và gió đều không còn vững chắc. Cũng ở trong tâm thức ấy, những sự dài ngắn, tốt xấu, thiện ác và hình sắc, tên gọi đều tan biến hết thảy. Vì vậy cho nên khi tâm đã dứt thì các món kia cũng đều tự nhiên hoại mất hết.”

Sau khi nghe Phật thuyết pháp như vậy, cư sĩ Kê-hoa-đa trong lòng hết sức vui mừng, hoan hỷ, liền thành kính lễ Phật mà lui ra.


2. NÓI NHIỀU CÓ HẠI

(Trích từ kinh Bổn Sanh)



Lúc ấy, Phật đang ở tại thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Nhân chuyện tỳ-kheo Cổ-cát-ly-ca vừa bỏ mình, Phật dạy rằng: “Tỳ-kheo ấy mạng vong cũng là do lời nói. Trong nhiều đời trước, tỳ-kheo ấy cũng đã từng phải chịu cái chết tương tự như vậy.”

Liền đó, đức Phật thuật lại chuyện tiền thân đời trước như thế này:

“Thuở xưa, lúc vua Phạm-ma-đạt-đa đang trị tại thành Ba-la-nại, có vị Bồ-tát giáng sanh vào nhà một quan cận thần có thế lực. Khi lớn lên, ngài được phong chức tể tướng, trở thành một đại thần chuyên lo những việc về chánh trị và tôn giáo. Lúc ấy, vua có thói quen nói quá nhiều. Khi vua đã nói thì không còn biết nhường lời cho ai nữa. Bồ-tát muốn làm cho vua bỏ thói quen xấu ấy đi. Ngài suy nghĩ để tìm một phương cách.

Thuở ấy, tại miền Hy-mã-lạp-sơn có con rùa ở dưới một cái hồ. Một hôm, có hai con vịt trời nhân khi đi kiếm ăn, làm quen và thành ra thân thích với rùa. Đã làm bạn với nhau rồi, hai con vịt mới nói với rùa rằng: “Chị ơi! Trong vùng Hy-mã-lạp-sơn có một đỉnh núi đẹp gần cái hố vàng. Đó là chỗ bọn em ở. Chỗ đó ở sướng lắm. Chị hãy lên đó với hai em.” Rùa đáp: “Chị đây nặng nề, chậm chạp, làm sao đi với hai em được?” Vịt trả lời: “Chúng em sẽ đem chị đi. Nhưng chị phải ngậm miệng không được nói năng gì hết.” Rùa nhận: “Được, chị sẽ biết giữ gìn, hai em cứ đem chị cùng đi với.”

Hai con vịt đưa một cái cây cho rùa ngậm. Rồi chúng dùng mỏ cắn chặt hai đầu cây và bay trên không. Có một lũ trẻ thấy rùa nhờ hai con vịt đưa đi, cùng nhau la rằng: “Xem kìa, hai con vịt dùng một khúc cây mà đem con rùa đi.” Rùa nghe vậy, liền buộc miệng nói: “Hai em ta đưa ta đi như thế nào, can hệ gì tới bọn bay, lũ trẻ ác độc kia.” Nhưng nó vừa mở miệng thì, ôi thôi, đã rơi ra khỏi khúc cây rồi.

Hai con vịt bay nhanh quá, nên lúc ấy đã tới thành Ba-la-nại, ngang bên trên cung vua. Rùa rơi vun vút từ trên cao xuống, ngay trước sân của vua, mu nó đập mạnh xuống sân gạch bể ra làm hai miếng, chết ngay lúc ấy.

Mọi người nhìn thấy đều lấy làm lạ, gọi nhau nói rằng: “Có một con rùa rơi từ trên không trung xuống trước cung vua và bể ra làm hai mảnh.” Vua liền ngự đến xem cùng với cả quần thần. Vua hỏi quan tể tướng là Bồ-tát rằng: “Này hiền khanh, con rùa ấy vì sao mà từ trên không trung rơi xuống chết ở đây?” Bồ-tát tự nghĩ: “Lâu nay ta đang tìm lời thích hợp để thức tỉnh nhà vua. Đây quả là dịp tốt rồi. Ta quan sát biết con rùa này đã làm bạn với hai con vịt. Hai con vịt ấy rủ nó đi chơi lên vùng Hy-mã-lạp-sơn. Nó nghe theo và ngậm vào một khúc cây, nhờ vịt cắn hai đầu cây đưa đi. Khi nghe tiếng lũ trẻ la, nó không ngậm được, mở miệng ra nói nên rớt từ trên không trung xuống mà chết trước sân cung vua.”

Ngài liền tâu rằng: “Tâu Bệ hạ, những kẻ không biết giữ gìn lời nói, thường hay gặp nạn chết người.” Rồi ngài đọc một bài kệ rằng:



Rùa kia số chết chỉ vì mình,

Hay nói làm chi, chẳng nín thinh!

Trước đã miệng ngậm cây chắc chắn,

Sau vì ngứa lưỡi phải tan thân.





Lấy đó làm gương để giữ mình,

Hoặc là khéo nói, hoặc lặng thinh,

Thân rùa đã nát, còn tiếng xấu,

Những ai hay nói hãy xét mình.



Vua nghe xong, nghĩ rằng: “Lời nói này là hướng về ta đó.” Vua liền nói với Bồ-tát: “Hiền khanh muốn cảnh tỉnh ta đó chăng?” Bồ-tát nói: “Tâu bệ hạ, dầu cho là bệ hạ hay bất cứ người nào khác, nếu nói quá nhiều mà không cẩn thận lời nói, cuối cùng đều phải gặp nạn như thế cả.”

Từ đó về sau, vua bỏ được thói quen hay nói nhiều, và rất thận trọng trong lời nói.



Phật thuyết xong chuyện tích này, nói với chư tỳ-kheo rằng: “Con rùa thuở ấy, nay là ngươi Cổ-cát-ly-ca vừa chết đó. Hai con vịt là hai người đệ tử lớn của ta. Nhà vua nay là A-nan, và quan tể tướng là Bồ-tát ngày đó, nay chính là ta đây.”


3. CHUYỆN BẦY KHỈ

Trích từ cuốn “Năm trăm truyện xưa”

của Chavannes

Thuở xưa, nơi vùng ven biển, có một cụm rừng chạy dài hàng mấy mươi dặm. Trong rừng có hơn năm trăm con khỉ sinh sống. Một hôm, trên mặt biển nổi lên một hòn núi bọt cao đến mấy trăm thước, giống như một hòn núi tuyết. Hòn núi bọt ấy trôi theo chiều sóng, tấp vào gần bờ.

Bầy khỉ nhìn thấy, nói với nhau rằng: “Nếu ta nhảy lên hòn núi đó để chạy chơi khắp nơi thì thú vị lắm nhĩ?” Một con khỉ nhảy lên trước tiên, lún tuột rất nhanh vào đống bọt nước và chìm mất xuống đáy biển. Những con khỉ khác thấy vậy đều lấy làm lạ: “Quái, sao nó ở lâu quá không chịu ra, chắc là nó vào phía sau hòn núi bọt ấy có nhiều sự vui thích lắm, nên mới ham mê mà không chịu ra.”

Cả bọn nhảy nhót, rồi tranh nhau đến gần hòn núi bọt. Rồi chúng kéo nhau nhảy ào vào đám bọt nước khổng lồ ấy. Tất cả đều chết chìm dưới đáy biển sâu.

Nhân chuyện ấy, đức Phật thuyết giảng rằng:

“Biển kia là biểu hiện của vòng sanh tử trầm luân. Hòn núi bọt là thân thể hợp thành bởi ngũ uẩn Bầy khỉ tức là tâm mê vọng của con người. Vì không nhận biết rằng thân thể ngũ uẩn chẳng phải là có thật, nên con người luôn bị những tình dục và sự ham muốn làm cho tối tăm, u ám, chìm mãi vào biển khổ luân hồi mà không thể thoát ra được.”

4. KHÔNG AI KHỎI CHẾT

Trích từ cuốn “Năm trăm truyện xưa”

của Chavannes



Thuở xưa, có một bà già chỉ có một đứa con trai. Rủi ro, đứa con trai ấy mang bệnh mà chết. Bà đem con vào nghĩa địa và để xác con nơi đó. Buồn rầu quá mức, bà không thể nào khuây khỏa đi được, tự nói một mình rằng: “Tôi chỉ có một đứa con để nó săn sóc tôi trong lúc tuổi già. Thế mà nó chết, bỏ tôi lại một mình. Tôi còn sống mà làm gì? Tôi không làm cho con tôi sống lại được, thà tôi thác luôn với nó tại chỗ này.” Rồi bà không thiết đến việc ăn uống gì nữa. Như vậy cho đến bốn năm ngày sau.

Đức Phật biết việc ấy, ngài liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo đi đến chỗ bà già tội nghiệp kia.

Bà già nhìn thấy Phật từ xa, hào quang chiếu sáng rạng ngời và dáng vẻ hết sức oai nghiêm. Bà đang nằm vùi trên mặt đất, liền lồm cồm ngồi dậy. Bà đến trước Phật và lạy chào. Đức Phật hỏi rằng: “Tại sao bà đến ở nơi nghĩa địa này?” Bà già liền thuật lại chuyện của mình: “Bạch Thế Tôn, tôi chỉ có một đứa con trai mà thôi, nó chết bỏ tôi lại. Tôi vì thương tiếc nó quá nên muốn thác theo nó ở nơi đây.”

Phật nói với bà lão rằng: “Bà muốn con bà sống lại chăng?” Bà nói: “Được vậy thì còn chi hơn nữa, tôi muốn con tôi sống lại lắm.”

Phật bảo: “Bà đi tìm được hương và lửa, tôi sẽ giúp cho con bà sống lại.” Phật lại dặn rằng: “Khi bà xin lửa, nhớ hỏi xem nhà nào từ trước đến giờ không có người đã chết thì hãy xin, còn nếu có thì thôi.”

Bà lão hớn hở ra đi xin lửa. Vào nhà nào, cũng hỏi rằng: “Nhà này từ trước đến giờ đã có khi nào có người chết hay chăng?” Ai cũng đáp rằng: “Nếu tính từ trước đến nay, những tổ tiên trước nhất của chúng tôi đều đã chết, và trong dòng họ chúng tôi ai ai rồi cũng đều chết cả.” Bà đi khắp nơi và hỏi như trước, mọi người đều trả lời như câu trên. Đi khắp hết cả các thôn xóm, bà vẫn không thể nào tìm được nhà để xin lửa.

Cuối cùng, bà phải trở lại gặp Phật, thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, tôi đã đi khắp nơi để xin lửa. Nhưng không nhà nào là chẳng có người đã chết. Nên tôi phải trở về tay không.”

Phật dạy bà lão rằng: “Từ vô thủy đến nay, không có ai sống mà khỏi chết. Vậy nếu mọi người đều phải chết, thì những kẻ còn sống sao lại nuối tiếc gì nữa? Bởi bà tối tăm mê muội nên mới tiếc con cho đến nỗi quyết lòng chết theo.”

Bà già bỗng chợt hiểu ra, tâm trí bừng sáng, biết rằng hết thảy mọi vật đều tan rã, không có gì là bền chắc. Nhân đó, đức Phật liền thuyết pháp cho bà nghe. Bà đắc quả Tu-đà-hoàn, phiền não được dứt đoạn. Lúc ấy, trong nghĩa địa có mấy ngàn người chứng kiến việc ấy, đều phát tâm vô thượng Bồ-đề, phát nguyện tu hành cho đến khi được quả Phật.


5. THAY HÌNH ĐỔI XÁC


TRÍCH TỪ CUỐN “NĂM TRĂM TRUYỆN XƯA”

của Chavannes



Thuở xưa, có một người kia gặp việc phải đi xa. Trên đường đi, trời tối, người ngủ lại một mình trong một cái nhà bỏ hoang.

Đến nửa đêm, có một con quỷ vác một cái xác chết trên vai, đến bỏ trước mặt người. Lại có một con quỷ khác rượt theo, trách mắng con quỷ trước một cách giận giữ rằng: “Cái xác chết kia vốn thuộc về ta, sao ngươi lấy mà đem đến đây?” Hai con quỷ nắm lấy tay xác chết, cố dành giật nhau. Con quỷ đến trước nói: “Ở đây có một người, ta có thể hỏi xem, trong hai ta ai đem xác chết này đến trước.” Người kia nghe vậy, nghĩ rằng: “Hai con quỷ này mạnh mẽ lắm, dầu ta nói thật hay nói dối cũng đều phải chết, thế nào cũng không tránh khỏi. Vậy ta chẳng nên nói dối làm gì?” Ông liền nói thật, rằng con quỷ đến trước kia đã mang xác chết đến.

Liền đó, con quỷ đến sau chộp lấy tay ông, xé xác ông ra và quăng xuống đất. Nhưng con quỷ kia liền lấy một cái tay của xác chết mà ráp vào thân ông và làm cho liền lại. Dần dần, đến hai chân, đầu, cổ và xương cốt của ông cũng đều bị con quỷ đến sau giật lấy, và cũng nhờ con quỷ đến trước dùng xác chết kia mà gắn vào lại. Rồi hai con quỷ chia nhau mà ăn thịt của ông, lúc ấy đã chuyển đổi cả qua cho cái xác chết ban nãy. Ăn xong, chúng chùi miệng và bỏ ra đi.

Người kia khi ấy nghĩ rằng: “Thân thể mà cha mẹ ta sanh ra, nay đã bị hai con quỷ ấy xé ra mà ăn hết rồi. Ta tuy còn sống đây, nhưng trọn cả thân hình đều là xương thịt của người khác. Nay ta còn có thân thể hay không? Hay là ta không còn thân thể nữa? Nếu nói rằng ta có thân thể, thì xét ra toàn là xương thịt của người khác. Còn nếu nói rằng không có, thì thân thể nào mà ta đang sống rõ ràng đây?” Người ấy suy nghĩ như vậy, trong đầu óc lấy làm lộn xộn, hoang mang, như người đã mất trí khôn.

Sáng hôm sau người ấy thức dậy và lên đường. Đi đến một xứ kia, nơi ấy ông phải ghé vào vì công việc, ông thấy gần một ngôi tháp Phật có nhiều vị tỳ-kheo đang hội họp. Ông chẳng biết hỏi chuyện chi khác hơn là muốn biết xem thân thể của mình là có hay không. Mấy vị tỳ-kheo hỏi ông rằng: “Ông là người ở đâu?” Ông đáp: “Thật ra, tôi cũng không biết được tôi có phải là người hay không phải là người nữa.”

Rồi ông thuật lại với chư tỳ-kheo chuyện đã xảy ra. Chư tỳ-kheo nói với nhau rằng: “Người này đã hiểu được rằng thân thể vốn không phải là có thật. Chắc ông ta sẽ được giải thoát rất dễ dàng.”

Chư tỳ-kheo mới nói với người ấy rằng: “Từ đời vô thủy đến nay, thân thể của ngươi vốn vẫn thường do nơi cái không thật của bản ngã mà thành ra có, chẳng phải đến ngày nay mới như vậy đâu. Chẳng qua chỉ là bốn chất đất, nước, lửa, gió kết hợp với nhau, làm cho người lầm tưởng là thân thể của mình đó thôi.”

Người kia chợt hiểu ra, liền xin được quy y thọ pháp xuất gia, dứt bỏ những nhân duyên làm cho con người mê muội. Không bao lâu, người thông hiểu đạo lý, chứng quả A-la-hán.

Chuyện này cho thấy, bất cứ ai hiểu được rằng tự ngã vốn là không thật, biết tham thiền về sự không thật của tự ngã, thì người ấy đã đến gần được sự giải thoát.


6. SỨ GIẢ THẦN CHẾT


KINH TĂNG NHẤT, TẬP ANGUTTARA-NIKYA

Phật dạy chư tỳ-kheo rằng:

Này chư tỳ-kheo, cõi chết có ba vị sứ giả đem tin. Ba vị ấy là ai vậy?

Này chư tỳ-kheo, tỷ như có người dùng thân thể mà làm việc ác, dùng lời nói mà phạm điều ác và dùng tâm ý mình mà suy tính việc ác. Người ấy phạm tội như vậy, sau khi cơ thể tan rã, sau khi đã chết, phải đi đến chỗ trừng trị, chỗ hành khổ, chỗ nạn nguy, chỗ địa ngục.

Bấy giờ, những kẻ giữ ngục nắm lấy tay người ấy, lôi kéo đến chỗ Diêm vương, tâu rằng:

“Tâu bệ hạ, người này không xử tròn phận sự với bè bạn, cha mẹ, các thầy sa-môn, không thờ phụng tổ tiên trong thân tộc... Xin bệ hạ xử phạt.”

Này chư tỳ-kheo, Diêm vương bèn gọi người ấy đến trước mặt, gặn hỏi về vị sứ giả báo tin chết trước nhất:

“Này người kia, ngươi có thấy vị sứ giả báo tin chết trước nhất hiện ra giữa loài người chăng?”

Người ấy đáp:

“Tâu Bệ hạ, tôi không thấy.”

Này chư Tỳ-kheo, Diêm vương lại hỏi người ấy rằng:

“Này người kia, ngươi có thấy trong loài người, có người đàn bà nào hay đàn ông nào đến tám mươi, chín mươi hay một trăm tuổi, lưng khòm, gối mỏi, mình phải cúi xuống, tay nương gậy, đi đứng run rẩy, khốn cùng tiều tụy, tóc bạc răng thưa, trán nhăn da sạm. Có như vậy chăng?”

Người ấy đáp:

“Tâu bệ hạ, tôi có thấy.”

“Này người kia, ngươi là người có tri thức, vậy ngươi có bao giờ suy nghĩ như thế này chăng: Kìa cái già nó luôn chực giết hại tôi cũng như tất cả mọi người, không ai tránh khỏi. Nó cứ đến, tôi sẽ dùng thân thể, lời nói và tâm ý tôi mà làm việc tốt đẹp, việc thiện. Như vậy tôi chẳng cần phải lo sợ nó.”

Người kia đáp:

“Tâu Bệ hạ, tôi chưa từng nghĩ được như thế.”

Diêm vương lại hỏi rằng:

“Này ngươi, bởi không suy nghĩ được như thế, nên ngươi không chịu làm điều tốt, điều thiện bằng thân thể, lời nói và tâm ý. Nay xét đúng lẽ, ngươi phải chịu lấy sự khổ vì sự ngu muội của ngươi. Điều ấy không phải lỗi tại cha mẹ ngươi, cũng không phải tại anh chị ngươi, cũng không phải tại bè bạn, bà con của ngươi, cũng không phải tại thần thánh, các thầy sa-môn hay các bà-la-môn. Ấy là tại ngươi, chỉ một mình ngươi tự làm việc ác, và cũng chỉ có một mình ngươi chịu lấy tội báo mà thôi.”

Này chư tỳ-kheo, khi Diêm vương đã gạn hỏi về vị sứ giả thứ nhất đem tin chết rồi, ngài bèn hỏi tiếp về vị sứ giả thứ nhì.

“Này người kia, ngươi có thấy vị sứ giả thứ nhì đem tin chết hiện ra giữa loài người chăng?”

Người ấy đáp:

“Tâu bệ hạ, tôi không thấy.”

Diêm vương lại hỏi rằng:

“Này người kia, ngươi có thấy trong loài người, có người đàn bà hoặc đàn ông nào bệnh hoạn, khổ não, rên xiết, thân thể dơ nhớp tanh hôi, lăn lộn mãi, khi ngồi phải có người vịn, khi nằm phải có người đỡ. Có như vậy chăng?

Người ấy đáp:

“Tâu bệ hạ, tôi có thấy.”

Diêm vương nói:

“Này người kia, ngươi là người có tri thức, vậy ngươi có bao giờ suy nghĩ như thế này chăng: Kìa sự bệnh khổ nó luôn chực giết hại tôi cũng như tất cả mọi người, không ai tránh khỏi. Nó cứ đến, tôi sẽ dùng thân thể, lời nói và tâm ý tôi mà làm việc tốt đẹp, việc thiện. Như vậy tôi chẳng cần phải lo sợ nó.”

Người kia đáp:

“Tâu Bệ hạ, tôi chưa từng nghĩ được như thế.”

Diêm vương lại hỏi rằng:

“Này ngươi, bởi không suy nghĩ được như thế, nên ngươi không chịu làm điều tốt, điều thiện bằng thân thể, lời nói và tâm ý. Nay xét đúng lẽ, ngươi phải chịu lấy sự khổ vì sự ngu muội của ngươi. Điều ấy không phải lỗi tại cha mẹ ngươi, cũng không phải tại anh chị ngươi, cũng không phải tại bè bạn, bà con của ngươi, cũng không phải tại thần thánh, các thầy sa-môn hay các bà-la-môn. Ấy là tại ngươi, chỉ một mình ngươi tự làm việc ác, và cũng chỉ có một mình ngươi chịu lấy tội báo mà thôi.”

Này chư tỳ-kheo, khi Diêm vương đã gạn hỏi về vị sứ giả thứ nhì đem tin chết rồi, ngài bèn hỏi tiếp về vị sứ giả thứ ba.

“Này ngươi, ngươi có thấy vị sứ giả thứ ba đem tin chết hiện ra giữa loài người không?”

Người ấy đáp:

“Tâu bệ hạ, tôi không thấy.”

Này chư Tỳ-kheo, Diêm vương lại hỏi người ấy rằng:

“Này người kia, ngươi có thấy trong loài người, có người đàn bà hay đàn ông nào đã chết một ngày, hoặc hai ngày, thân thể sình lên, đen nám, hôi thối. Có như vậy chăng?”

Người ấy đáp:

“Tâu bệ hạ, tôi có thấy.”

“Này người kia, ngươi là người có tri thức, vậy ngươi có bao giờ suy nghĩ như thế này: Kìa cái chết nó luôn chực giết hại tôi cũng như tất cả mọi người, không ai tránh khỏi. Nó cứ đến, tôi sẽ dùng thân thể, lời nói và tâm ý tôi mà làm việc tốt đẹp, việc thiện. Như vậy tôi chẳng cần phải lo sợ nó.”

Người kia đáp:

“Tâu Bệ hạ, tôi chưa từng nghĩ được như thế.”

Diêm vương lại hỏi rằng:

“Này ngươi, bởi không suy nghĩ được như thế, nên ngươi không chịu làm điều tốt, điều thiện bằng thân thể, lời nói và tâm ý. Nay xét đúng lẽ, ngươi phải chịu lấy sự khổ vì sự ngu muội của ngươi. Điều ấy không phải lỗi tại cha mẹ ngươi, cũng không phải tại anh chị ngươi, cũng không phải tại bè bạn, bà con của ngươi, cũng không phải tại thần thánh, các thầy sa-môn hay các bà-la-môn. Ấy là tại ngươi, chỉ một mình ngươi tự làm việc ác, và cũng chỉ có một mình ngươi chịu lấy tội báo mà thôi.”

Này chư tỳ-kheo, khi Diêm vương đã gạn hỏi về ba vị sứ giả đem tin chết rồi, thì ngài không nói nữa.

Liền đó, bọn quỷ đem người ấy ra mà hành hình.



Lời bình

Ở đời, ta thường có rất nhiều dịp nhìn thấy cái già, cái bệnh, cái chết, mang đến cho loài người những đau đớn, khổ sở. Ở giữa cảnh ấy, nếu ta không giữ mình cho thanh cao, làm việc chánh đáng thì ta thường bị ba cái khổ ấy, ba vị thần ấy hành hạ ta, rồi đến lúc lâm chung, nghiệp lực lại dắt dẫn ta trải qua nhiều sự đau đớn khác nữa.

Vậy ở đời, ta hãy nên sống cho thanh cao, trong sạch, tránh dữ làm lành, cứu giúp người cơ khổ. Được vậy thì chẳng những trong lúc sống ta dễ tránh khỏi các nỗi khổ về sự lo lắng những nỗi già, bệnh, chết, mà đến khi ta từ giã cõi này thì cũng được sanh đến những nơi an nhàn, vui vẻ khác.


7. BA CỖ XE



Phật nói với tôn giả Xá-lỵ-phất rằng:

Này Xá-lỵ-phất, ai đã trở nên hiền đức đều tin vào đức Như Lai, cha chung của cõi thế, và thích hành xử theo giáo pháp của Ngài.

Trong những người ấy, có người vì muốn giữ theo giáo pháp chân chánh, bèn tuân theo lời dạy của đức Như Lai, thấu hiểu được Tứ diệu đế và mong muốn được nhập Niết-bàn, đoạn dứt phiền não. Đây là những người nương theo giáo pháp đã được nghe mà được giải thoát, nên gọi là Thanh văn. Cổ xe Thanh văn này có thể đưa người ta ra khỏi ba cõi.

Có những người khác, vì hiểu rằng vạn vật là giả dối, hư huyễn, muốn dứt bỏ những sự giả tạm ấy mà cầu lấy sự thanh tịnh, bèn quán xét theo lý Thập nhị nhân duyên, theo đó mà được nhập Niết-bàn, đoạn dứt phiền não. Đây là những người nương theo lý nhân duyên mà giác ngộ, nên gọi là Duyên giác. Cổ xe Duyên giác này cũng có thể đưa người ta ra khỏi ba cõi.

Lại có những người khác nữa, vì muốn được giác ngộ hoàn toàn, muốn được trí tuệ hoàn toàn, muốn được trí tuệ của Phật, nên tuân theo lời dạy của đức Như Lai, phát tâm tu tập không mệt mỏi, cho đến khi nào chứng đắc được quả vị Phật mới thôi. Những người này chẳng những cầu lấy sự hạnh phúc, an lạc cho mình, lại cũng vì thương xót hết thảy chúng sanh, ra sức cứu độ, dẫn dắt, muốn cho ai ai cũng đều được lợi lạc yên vui, tình thương trải khắp muôn loài, đều muốn độ cho được trọn vẹn nhập vào cõi Niết-bàn, đoạn dứt phiền não. Những người này tâm địa rộng lớn vô biên, nên gọi là Đại thừa. Chính là nương theo đạo Bồ-tát mà ra khỏi ba cõi. Đây là cỗ xe lớn nhất, vừa giải thoát cho chính mình, vừa cứu độ được cho vô số chúng sanh nữa.


8. TRUNG ĐẠO

Kinh Phạm-võng

Đức Phật dạy đạo cho một tỳ-kheo tên là Xô-na rằng:

“Này Xô-na, khi ngươi chưa xuất gia, ngươi có biết đàn không?

“Bạch Thế Tôn, con đã biết khá rồi.”

“Này, ngươi nghĩ thế nào? Nếu dây đàn của ngươi thẳng quá thì ngươi đàn ra tiếng có hay không?”

“Bạch Thế Tôn, dây đàn căng quá thì đàn nghe không hay.”

“Này, ngươi nghĩ thế nào? Nếu dây đàn của ngươi chùng quá thì ngươi đàn ra tiếng có hay không?”

“Bạch Thế Tôn, dây đàn chùng quá thì đàn nghe không rõ.”

“Nếu dây đàn của ngươi không thẳng lắm, cũng không chùng lắm, nếu nó ở mức trung bình, vừa phải, thì ngươi đàn ra tiếng có hay không?”

“Bạch thầy, dây đàn được căng vừa phải đàn nghe tiếng hay nhất.”

“Này Xô-na, sự nỗ lực của người tu cũng như thế đó. Nếu căng quá thì là gắt gao, thân tâm không thể nào chịu đựng lâu dài được. Nếu chùng quá thì mềm mại, yếu đuối, không thể đạt đến sự tiến bộ. Vì vậy, bao giờ ngươi cũng phải giữ cho sự nỗ lực tu tập của mình ở mức trung bình, vừa phải. Ngươi nên khéo quan tâm và lấy đó mà làm chuẩn mực vậy!”


9. TRÍ HUỆ



Trí huệ là gì? Trí huệ bao gồm nhiều phương diện, nhiều điểm khác nhau, và muốn định nghĩa chỉ bằng một câu cho hoàn toàn đầy đủ thì chẳng những không thể được, mà lại còn làm cho vấn đề trở nên mơ hồ hơn nữa. Vậy ta nên tạm hiểu theo nghĩa dưới đây: Trí huệ hiệp lại là sự thông hiểu trong việc phân biện; sự thông hiểu ấy hòa hiệp với những tư tưởng chánh đáng, thơm lành.

Kinh Visudhhi-Magga



Này chư tỳ-kheo, trí huệ thanh cao thì trật tự, đạo hạnh như thế nào?

Này chư Tỳ-kheo, ai đã hiểu trí huệ thanh cao thì biết chân lý sự khổ, chân lý về nguồn gốc sự khổ, chân lý về việc dứt nạn khổ, và chân lý về phương thế để dứt nạn khổ. Tức là hiểu biết Tứ diệu đế. Chính do những chỗ ấy mà người ta gọi là trật tự, đạo hạnh trong sự hiểu thấu trí huệ thanh cao.

Kinh Tăng-nhất-tập





Này chư Tỳ-kheo, nếu người ta rèn luyện sự phân tích, biện luận cho chính xác thì sẽ được lợi ích như thế nào?

Trí huệ sẽ được cao rộng thêm.

Và khi trí huệ được cao rộng thêm thì người ta sẽ được lợi ích thế nào?

Sự dốt nát, mê tối bị diệt mất đi vậy.

Kinh Tăng-nhất-tập


10. NGHIỆP BÁO

Trích từ cuốn “Một trăm chuyện

tích nhân duyên”




Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Trong thành có một nhà buôn lớn, cùng với 500 người khác cùng chở hàng hóa đi buôn xa bằng đường biển. Thuyền ra biển cả bị sóng đánh chìm, may mắn sống được mà về. Người ấy liền ngày đêm cầu khấn, cúng vái các vị thần linh để cầu sự che chở. Rồi sắp xếp ra biển, lại bị chìm thuyền. Đến ba lần như vậy, cũng không có lần nào an ổn.

Khi ấy, người thương chủ nhờ may mắn mà sống sót mấy lần, trở về được nơi thành Xá-vệ, trong lòng sanh ra âu sầu áo não, liền suy nghĩ rằng: “Ta nghe có đức Phật Thế Tôn là bậc sáng suốt, trong cõi trời người chẳng ai bằng, lòng thường thương xót cứu hộ hết thảy chúng sanh. Nay ta nên chí thành xưng danh hiệu ngài, nguyện rằng nếu được đi về bình an thì sẽ lấy một nửa số châu báu kiếm được mà cúng dường ngài.”

Nghĩ như vậy rồi, liền sắp đặt thuyền ra khơi lần nữa. Lần này, ông chí thành niệm danh hiệu Phật mà cầu được an ổn trở về. Quả nhiên, lần ấy ông đi về bình an vô sự, mang về được rất nhiều trân bảo, châu báu.

Về nhà rồi, ông mang những của báu kiếm được ra ngắm nghía, tâm tham lam nổi lên, không thể dứt lòng mà mang phân nửa số châu báu đi cúng Phật. Ông liền nghĩ rằng: “Nếu không mang phân nửa số châu báu này đi cúng Phật thì trái lời đã hứa. Chi bằng ta mang phân nửa số châu báu này mà bán cho vợ ta, lấy hai đồng bạc, rồi mang hai đồng bạc ấy mua hương mang đến tinh xá Kỳ Hoàn mà đốt lên cúng dường Phật, cũng xem như giữ được lời hứa trước.”

Nghĩ rồi làm y như vậy. Người ấy mua hai đồng bạc hương và đi đến tinh xá Kỳ Hoàn, đốt hương cúng dường Phật. Khi ấy, Phật dùng thần lực làm cho khói hương bay lên hóa thành những đám mây hương lớn, che phủ khắp vùng tinh xá Kỳ Hoàn.

Người thương chủ ấy thấy sự thần biến như vậy, lòng tự hối trách, suy nghĩ rằng: “Đức Như Lai Thế Tôn thật có thần biến, hiện phép mầu nhiệm xưa nay ta chưa từng được thấy. Nhờ sức thần hộ niệm của ngài mà ta được yên ổn đi về, thâu hoạch nhiều châu báu. Nay ta lại sanh lòng tham tiếc nhỏ nhen, không muốn mang châu báu đến cúng dường ngài, thật đáng xấu hổ.”

Nghĩ như vậy rồi, ông liền quỳ xuống chí thành thỉnh Phật và chư tăng cùng đến thọ lễ cúng dường ở nhà ông. Phật nhận lời.

Ngày hôm sau, ông chuẩn bị mọi thứ chu đáo, lại sai người đến mời thỉnh một lần nữa. Phật và chư tăng cùng đến nhà ông thọ lễ cúng dường. Xong lễ, Phật lại vì ông mà thuyết pháp cho nghe. Ông nghe pháp rồi lòng tham lam trừ dứt, liền mang những trân bảo quý báu ra mà ném lên hư không để cúng dường Phật. Những trân bảo quý báu ấy bỗng nhiên tụ lại trên hư không thành một cái lọng báu rất lớn, bay che bên trên đức Phật.

Người thương chủ thấy sự biến hóa kỳ diệu như vậy, liền chí thành lễ Phật, phát lời nguyện lớn rằng: “Nhờ công đức cúng dường hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện sẽ có thể vì những chúng sanh mù lòa mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sanh chẳng quy y Phật mà độ cho quy y, những chúng sanh không người cứu hộ sẽ được cứu hộ, những chúng sanh không được an ổn sẽ được an ổn, những chúng sanh chưa nhập Niết-bàn sẽ được nhập Niết-bàn.”

Phát nguyện vừa xong, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.

Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng: “Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho được biết.”

Phật bảo A-nan: “Ngươi có nhìn thấy người thương chủ đây phát tâm hối hận, tự trách rồi cúng dường ta chăng?” A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, con đã thấy.”

Phật nói: “Người thương chủ này nhờ công đức cúng dường ta, không còn phải đọa vào trong ba nẻo ác: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Thường sanh nơi cõi trời, hưởng nhiều sự khoái lạc. Trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa sẽ thành Phật hiệu là Bảo Thạnh, hóa độ chúng sanh nhiều vô số. Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.”

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.


11. ĐỨC NHẪN NHỤC

Kinh Divyvadna



Khi đức Phật đang ở tại thành Xá-vệ, vị đệ tử lớn thông hiểu kinh luật của ngài là Phú-lâu-na muốn đi giáo hóa ở xứ Xô-na-bản-tác-ca.

Đức Phật liền hỏi ngài Phú-lâu-na rằng:

“Này Phú-lâu-na, người Xô-na-bản-tác-ca xưa nay chưa từng được giáo hóa. Nghe nói rằng bản tính họ hung dữ lắm, họ hay nóng giận, cộc cằn và lỗ mảng. Nếu như khi ngươi đến đó, họ giận ngươi, chửi mắng, nhục mạ ngươi, thì ngươi nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu họ chỉ dùng lời nói dữ tợn, cộc cằn và lỗ mãng với con, nếu họ giận dữ mà chửi mắng con, thì con sẽ nghĩ như thế này: Quả thật họ còn là người tử tế, là người hiền lành, nên chỉ dùng lời dữ tợn, lỗ mảng và cộc cằn với con thôi, chưa đến nỗi dùng tay mà đánh hay lấy đá mà ném con.”

“Này Phú-lâu-na, người Xô-na-bản-tác-ca xưa nay chưa từng được giáo hóa. Nghe nói rằng bản tính họ hung dữ lắm, họ hay nóng giận, thô bạo. Nếu như khi ngươi đến đó, họ giận ngươi, dùng tay mà đánh hoặc lấy đá ném vào ngươi, thì ngươi nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng tay mà đánh hay lấy đá mà ném con, thì con sẽ nghĩ như thế này: Quả thật họ còn là người tử tế, là người hiền lành, nên chỉ dùng tay mà đánh hay lấy đá mà ném thôi, chưa đến nỗi dùng cây gậy mà đánh hay lấy dao bén mà chém con.”

“Này Phú-lâu-na, người Xô-na-bản-tác-ca xưa nay chưa từng được giáo hóa. Nghe nói rằng bản tính họ hung dữ lắm, họ hay nóng giận, thô bạo. Nếu như khi ngươi đến đó, họ giận ngươi, dùng cây gậy mà đánh hoặc lấy dao bén mà chém ngươi, thì ngươi nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng cây gậy mà đánh hay lấy dao bén mà chém con, thì con sẽ nghĩ như thế này: Quả thật họ còn là người tử tế, là người hiền lành, nên chỉ dùng cây gậy mà đánh hoặc lấy dao bén mà chém thôi, chưa đến nỗi giết chết con.”

“Này Phú-lâu-na, người Xô-na-bản-tác-ca xưa nay chưa từng được giáo hóa. Nghe nói rằng bản tính họ hung dữ lắm, họ hay nóng giận, thô bạo. Nếu như khi ngươi đến đó, họ giận ngươi, muốn giết chết ngươi, thì ngươi nghĩ thế nào?”

“Bạch Thế Tôn, nếu họ thật sự muốn giết chết con, thì con sẽ nghĩ như thế này: Có nhiều vị Thanh văn nghe đức Thế Tôn thuyết pháp về thân thể bất tịnh, không còn muốn mang thân người đầy những sự ô trược. Các vị liền tự hành khổ thân mình, tự lấy làm xấu với thân mình, cho đó là sự nhục nhã, là nguồn cội của khổ não. Có người tự lấy gươm đao mà đâm vào thân mình, có người thì uống thuốc độc, có người dùng dây thắt cổ, có người lại nhảy xuống hố sâu để tự hủy mạng. Quả thật, những người Xô-na-bản-tác-ca này vẫn còn là người tử tế, là người hiền lành, nên chỉ dùng cách không mấy đau đớn mà giúp con thoát khỏi cảnh đời ô trược này.”

Đức Phật khen ngợi rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Này Phú-lâu-na, ngươi đã có được đức nhẫn nhục hoàn toàn rồi! Ngươi có thể đủ sức đến giáo hóa cho người Xô-na-bản-tác-ca rồi. Thôi, ngươi hãy đi đi. Ngươi đã được giải thoát rồi, hãy giải thoát cho người khác. Ngươi đã được qua bờ bên kia, hãy giúp cho người khác cũng được qua. Ngươi đã được an ổn rồi, hãy độ cho người khác cũng được an ổn như ngươi. Ngươi đã tìm được đường đến Niết-bàn, hãy cứu độ cho người khác sẽ cùng được hưởng Niết-bàn như ngươi.”


12. NHỤC DỤC

Trích từ cuốn “Năm trăm truyện xưa”

của Chavannes




Thuở xưa, có một vị hiền triết vào nhà người kia mà xin cơm. Chủ nhà bảo vợ dọn thức ăn lên đãi ngài. Ăn xong, chủ nhà cùng vợ đến trước mặt nhà hiền triết mà nói rằng: “Thưa ngài, ngài là bậc hiền triết hiểu đời, đi khắp đó đây. Xin ngài dạy cho tôi biết cuộc đời này là thế nào.”

Vị hiền triết mỉm cười nói với anh ta rằng: “Có gì đâu, ấy chỉ là tham đắm nhục dục, chịu đựng khổ nạn và cuối cùng giải thoát ra đó thôi.”

Chủ nhà mờ mịt không hiểu gì cả, liền nói: “Thưa ngài, xin ngài giảng giải cụ thể giúp cho tôi được hiểu.”

Vị hiền triết nhanh nhẹn đưa tay nắm lấy tay người vợ của anh ta, kéo mạnh cho ngã vào lòng mình rồi cúi xuống hôn lấy hôn để vào má cô ta. Vừa hôn, ông vừa nói rằng: “Tham đắm nhục dục là như thế này đây.”

Chủ nhà tức giận lắm, chạy tìm một cây gậy đến mà đánh vị hiền triết. Ông vừa chạy quanh tránh né vừa nói: “Chịu khổ nạn là như thế này đây.”

Chủ nhà đuổi riết tới, vị hiền triết không tránh được nữa, liền vọt qua cửa sổ mà thoát ra bên ngoài. Ra đến ngoài đường, ông dừng lại và nói vọng vào: “Cuối cùng được giải thoát ra là như thế này đây.”

Người chủ nhà khi ấy liền hiểu ra. Ông quỳ lạy xin lỗi nhà hiền triết và mời vào nhà, giữ lại khoản đãi cho đến mấy hôm sau.

Câu chuyện này cho ta hiểu rằng, khi con người không thể hiểu được những ý nghĩa sâu xa về đạo lý, thì cách tốt nhất là chỉ ra cho họ thấy những việc thật trước mắt mà giúp họ chiêm nghiệm được ra.

Thế nào là tham đắm nhục dục, và sự tham đắm ấy dẫn đến khổ nạn như thế nào, và sự sung sướng của kẻ đã thoát khỏi khổ nạn là ra sao. Chỉ trong một vở kịch rất ngắn, vị hiền triết kia đã diễn đạt được đủ hết cả rồi vậy.


13. NGƯỜI NGHỆ SĨ

Trích từ cuốn “Năm trăm truyện xưa”

của Chavannes


Thuở xưa, có một người nghệ sĩ tài tử, thông thạo hết thảy các loại nhạc cụ và âm nhạc.

Ngày kia anh tìm đến một ông nhà giàu, xin một con bò cái. Ông nhà giàu không muốn cho nên nói rằng: “Nếu anh có thể chơi đàn suốt ngày đêm không nghỉ, ròng rã trong một năm, thì tôi sẽ đem bò mà cho anh.”

Anh nghệ sĩ đáp: “Tôi có thể đàn được.” Rồi anh hỏi ông nhà giàu rằng: “Nhưng tôi đàn cần phải có người nghe. Ông có thể ngồi nghe tôi đàn chăng?” Ông nhà giàu đáp là được.

Nghe như vậy, anh nghệ sĩ rất hài lòng, liền mang đàn ra đàn một cách rất hứng thú.

Ròng rả ba ngày ba đêm, quả thật anh đàn không ngưng tay. Ông nhà giàu không sao chịu đựng lâu hơn nữa, liền sai người hầu dẫn bò ra mà cho anh nghệ sĩ.


14. NGƯỜI TRỐN DƯỚI GIẾNG

Trích từ cuốn “Năm trăm truyện xưa”

của Chavannes


Người đời tham đắm cuộc vui trần thế, thường không suy xét rằng vạn vật là vô thường, sẽ tan rã, không có gì bền chắc, và họ không nghĩ rằng những nạn khổ của cuộc đời là ghê gớm, đáng sợ. Câu chuyện sau đây sẽ chỉ ra điều ấy.

Thuở xưa, có một người bị phạm tội phải đưa ra xử tử. Lúc còn bị giam trong ngục, người ấy sợ chết lắm, tìm cách trốn thoát ra được. Khi ấy, quan binh thả một con voi dữ để rượt theo mà đạp chết. Voi rượt gần tới, người ấy liền trốn xuống dưới một cái giếng sâu. Dưới giếng có một con rồng độc rất lớn, ngóc đầu nhìn lên và hả miệng chực nuốt ông ta. Bốn bên vách giếng, có bốn con rắn độc khác, cũng lè lưỡi mà ngắm nghía ông. Trong lòng giếng có một cái rễ cây thòng xuống. Người tội nhân vì sợ quá, phải hết sức mà bám lấy cái rễ cây. Nhưng cái rễ cây ấy lại bị hai con chuột, một con đen, một con trắng, thi nhau mà gặm mòn dần.

Bấy giờ, trên miệng giếng có một cây to, có ong làm tổ. Có một giọt mật rơi xuống, lọt vào miệng tên tội phạm. Ngay khi ấy, vị ngọt của mật ong làm cho người cảm thấy sung sướng đến cùng cực. Người ấy chỉ còn nghĩ đến mật chứ không còn lo nghĩ gì đến những nạn khổ vây quanh. Thậm chí người ấy không còn muốn thoát ra khỏi giếng nữa.

Ba cõi luân hồi này chính là ngục tù giam hãm hết thảy chúng sanh. Con voi dữ là luật vô thường của vạn vật. Giếng sâu là nơi trú ngụ của chúng sanh. Rồng độc dưới đáy giếng là địa ngục. Bốn con rắn độc là bốn đại hợp lại thành thân thể. Rễ cây là mạng sống con người. Hai con chuột trắng và đen chính là ngày và đêm liên tục rút ngắn mạng sống.

Nhưng dù vậy, chúng sanh vẫn tham đắm vào những cuộc vui mong manh ở trần thế, chỉ giống như giọt mật nhỏ nhoi rơi vào miệng người tử tội sắp chết. Sự tham đắm ấy làm cho họ không còn nhớ đến những nguy hiểm, nạn khổ lúc nào cũng dồn dập vây quanh.


15. NIỀM VUI Ở ĐÂU

Kinh Samyutta-Nikaya

Một vị tỳ-kheo kia, trong khi tu tập hết sức tự chủ lấy mình và nhiếp phục tâm ý. Người không hề nản lòng, cố gắng sức tu tập tinh tấn.

Khi tỳ-kheo ấy tự thấy mình đang vui, người liền suy xét rằng: “Mới vừa rồi, ta thấy trong người có cảm giác vui. Như vậy phải có một nhân duyên nào đó sanh ra niềm vui ấy. Nhân duyên ấy là ở đâu? Hẳn nó phải ở trong thân ta. Mà cái thân ta đây thì vô thường và vốn dĩ sanh ra bởi rất nhiều nhân duyên. Thân ta đã là vô thường và sanh ra bởi nhiều nhân duyên, nay ở trong đó lại sanh ra cái niềm vui, thì sự vui ấy nào có bền chắc gì?”

Rồi do sự quán xét về niềm vui như vậy, tỳ-kheo ấy lại tham thiền về sự vô thường, mong manh, dễ tan rã của vạn vật, về đạo giải thoát, sự tịch diệt và đức thí xả.

Trong khi tham thiền quán xét những điều ấy, tỳ-kheo thấy mình không còn ham chuộng thân thể và không còn khởi lên niềm vui giả tạo như trước nữa.


16. THÂN THỂ VÀ TINH THẦN

Kinh Samyyutta-Nikya

Lúc ấy, Phật đang ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc. Phật dạy chư tỳ-kheo rằng:

“Này chư tỳ-kheo, cho dù là những người dốt nát hay không nhập đạo, cũng có thể chán lìa cái thân thể tứ đại này, không tham đắm nó, và có thể dứt bỏ nó. Vì sao vậy? Vì cái thân thể tứ đại này nó lớn lên, tồn tại một thời gian, rồi thì phải mòn mỏi, già cỗi, và sau rốt thì phải hoại mất đi vậy. Đó là bốn sự tướng hiển nhiên. Cho nên dù là người dốt nát hay không nhập đạo cũng có thể nhàm chán nó, không tham đắm nó và có thể dứt bỏ nó.

Này chư Tỳ-kheo, nhưng về phần mà ta gọi là tinh thần, tri thức, tâm ý, thì người dốt nát hay không nhập đạo, không thể biết được mà nhàm chán, không thể biết được mà chẳng tham đắm, và không thể biết được mà dứt bỏ nó. Vì sao vậy? Vì từ xưa đến nay, người dốt nát hay không nhập đạo vẫn thường ưa thích và nhìn nhận lẽ này: “Cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tôi.” Bởi thế cho nên người dốt nát hay không nhập đạo, không thể biết được mà chán, không thể biết được mà chẳng tham đắm, và không thể biết được mà dứt bỏ nó.

Nhưng tốt hơn là người dốt nát hay không nhập đạo nên nhận rằng cái thân thể tứ đại này như một cái ta, chớ không nên nhận nó như tinh thần, tâm ý. Vì sao vậy? Vì ta có thể biết rằng thân thể tứ đại này hoặc sống một năm, hai năm, ba năm... cho đến năm mươi năm, một trăm năm... hoặc lâu hơn nữa. Còn cái mà ta gọi là tinh thần, tri thức, tâm ý, thì chỉ trong một ngày đêm, hoặc trong mỗi thời khắc, luôn luôn, nó hiện ra thế này rồi lại biến đổi sang thế khác.

Này chư tỳ-kheo, người học đạo chân chánh và cao thượng phải xét thật kỹ vấn đề nhân quả: “Cái này có thì cái kia có, do cái này sanh cái kia mới sanh, cái này không có thì cái kia cũng không có. Này chư tỳ-kheo, do xúc chạm với những gì ưa thích, nên sanh ra cái thọ cảm ưa thích. Nhưng đến khi không còn xúc chạm với vật ưa thích nữa, thì cái thọ cảm sanh ra bởi sự xúc chạm kia cũng mất đi. Bởi xúc chạm với vật mình không ưa thích, nên sanh ra cái thọ cảm chán ghét. Nhưng khi không còn xúc chạm với vật mình không ưa thích, thì cái thọ cảm chán ghét kia cũng phải mất đi. Bởi xúc chạm với vật mình không ưa không ghét, nên sanh ra cái thọ cảm không ưa không ghét. Nhưng đến khi không còn xúc chạm với vật ấy, thì cái thọ cảm kia cũng mất đi vậy.

Này chư tỳ-kheo, như hai miếng cây cọ xát vào nhau nên mới sanh ra thành lửa. Đến khi người ta tách hai miếng cây ra, để cách xa nhau, thì lửa sanh ra bởi hai miếng cây kia cũng phải mất đi. Cái thọ cảm ưa thích cũng thế, nó sanh ra là bởi xúc chạm với vật mình ưa thích. Nhưng đến khi không còn xúc chạm với vật ấy nữa, cái thọ cảm ưa thích cũng mất đi.

Cái thọ cảm chán ghét và cái thọ cảm không ưa không ghét cũng hiện ra và mất đi như vậy. Khi còn xúc chạm với vật thì còn thọ cảm, hết xúc chạm thì hết thọ cảm.

Này chư tỳ-kheo, người học đạo chân chánh và cao thượng đã hiểu như vậy, thì lấy làm nhàm chán cái thọ cảm, nhàm chán cái tâm ý, trí thức. Hễ nhàm chán thì không còn tham đắm. Và nhờ không còn tham đắm nên mới dứt bỏ được và tiến đến giải thoát. Đến khi được giải thoát thì biết mình đã được giải thoát, biết mình đã hết tái sanh, biết mình đã sống một cách thanh tịnh, biết mình đã làm xong việc đáng làm và biết mình không còn bị trói buộc với cõi trần này nữa.


17. PHÉP HUYỀN DIỆU

Kinh Udna

Lúc ấy, Phật ở gần thành Vương-xá, trong rừng Trúc Lâm. Lúc ấy, đại đức Xá-lỵ-phất và đại đức Mục-kiền-liên đều ở tại một tinh xá khác.

Một đêm kia, nhằm khi trăng tỏ, đại đức Xá-lỵ-phất ngồi nhập đại định ngoài trời, để trần cái đầu mới vừa cạo. Có hai hung thần kia làm bạn với nhau, vì có việc nên đi trên không trung, từ phương bắc xuống phương nam. Hai vị hung thần nhìn thấy đại đức Xá-lỵ-phất đang ngồi nhập đại định ngoài trời, để trần cái đầu mới vừa cạo. Vị hung thần thứ nhất thấy người, bèn nói với bạn rằng: “Này anh bạn, để tôi xuống gõ cái đầu trọc của sa-môn này một cái chơi.”

Vị hung thần thứ hai cản lại rằng: “Không nên, anh bạn chớ nên quấy phá người tu hành. Vị ấy là một đại sư có phép mầu nhiệm, mạnh mẽ lắm.”

Hung thần thứ nhất cũng lập lại lời nói như trước, hung thần thứ hai cũng cản lại. Cho đến lần thứ ba, hung thần thứ nhất cũng muốn xuống đánh và hung thần thứ hai cũng cản lại nữa.

Nhưng hung thần thứ nhất không nghe lời khuyên can của bạn, liền giáng một cú đánh thật mạnh trên đầu ngài Xá-lỵ-phất. Cú đánh đó sức mạnh có thể làm ngã một con voi lớn, hoặc có thể làm lở cả đỉnh núi. Nhưng vừa khi ấy, hung thần la lớn rằng: “Cháy chết tôi rồi! Cháy chết tôi rồi!” Và ông ta ngay lập tức từ trên chỗ đứng mà rơi ngay xuống địa ngục.

Khi ấy, đại đức Mục-kiền-liên nhờ có thiên nhãn nên nhìn thấy đức Xá-lỵ-phất bị hung thần đánh trên đầu như vậy. Ngài liền đi đến chỗ ngài Xá-lỵ-phất, thăm hỏi rằng:

“Đại đức có được khỏe chăng? Có điều gì tai hại xảy ra chăng?”

Ngài Xá-lỵ-phất đáp rằng: “Thưa đại đức, tôi vẫn được khỏe. Nhưng hiện giờ tôi có hơi đau đầu một chút.”

Ngài Mục-kiền-liên nói rằng: “Hay thay đó, đại đức. Lạ thay đó, đại đức. Pháp lực và thần thông của đại đức thật lớn thay! Có một hung thần vừa mới đánh trên đầu đại đức. Cú đánh đó mạnh lắm, có thể làm cho một con voi to lớn phải ngã, hoặc có thể làm cho một đỉnh núi phải lở. Thế mà đại đức lại bảo rằng vẫn khỏe, chỉ có hơi đau đầu một chút mà thôi.”

Ngài Xá-lỵ-phất đáp:

“Vậy thì pháp lực của đại đức cũng cao lắm thay. Đại đức có thể nhìn thấy được hung thần và sự việc ấy. Còn tôi thì không thấy được gì cả.”

Bấy giờ, đức Phật nghe biết được lời nói của hai vị đại đức. Phật dạy rằng:

“Người nào có tinh thần vững chắc như núi đá, lòng không xao động, gặp vui không thích, gặp rủi không lo, kẻ nào biết rèn luyện tinh thần thì không còn phải sợ khổ não gì nữa cả.”


18. PHƯỚC BÁU

Kinh Mahmangala-sutta

Lúc ấy, đức Thế Tôn đang ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Vào lúc đêm tối, có một vị thiên tử cõi trời, hình dung tốt đẹp, hiện đến lễ Phật, hào quang chiếu sáng khắp vườn Kỳ thọ. Vị thiên tử đến gần Phật, đảnh lễ Phật, rồi đứng qua một bên và bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có biết bao nhiêu chư thiên và nhân loại đều muốn được hưởng phước báu. Muốn như thế, họ đều phải giữ lấy những hạnh phước cao thượng. Vậy xin đức Thế Tôn giảng giải cho: Thế nào là hạnh phước cao thượng?

Phật dạy:

Biết tránh xa kẻ ngu si, gần gũi người hiền đức, thờ kính những bậc đáng thờ kính, ấy là hạnh phước cao thượng.

Ở một nơi được hưởng nhiều phước lạc do làm được nhiều điều lành trong đời trước, phải tự hiểu lấy mình, ấy là hạnh phước cao thượng.

Học cao hiểu rộng, cư xử khéo léo, giữ nghiêm phép tắc, đạo hạnh, nói lời thích hợp, ấy là hạnh phước cao thượng.

Thờ kính cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, chọn được nghề nghiệp yên ổn, ấy là hạnh phước cao thượng.

Từ bi bố thí, ở trong đạo pháp, khuyến dụ cả gia đình làm việc ngay thật, ấy là hạnh phước cao thượng!

Bỏ điều tội lỗi, tránh xa điều tội lỗi, không uống rượu, theo như giáo pháp mà làm lành, ấy là hạnh phước cao thượng!

Biết kính trên nhường dưới, tự khiêm nhượng phần mình, biết đủ mà an phận không bon chen, ghi nhớ ơn nghĩa người khác làm cho mình, ưa chuộng việc nghe giảng thuyết đạo lý, ấy là hạnh phước cao thượng!

Kiên tâm bền chí, nói lời vui vẻ hiền hòa, thường lui tới chỗ người xuất gia, giảng luận đạo lý đúng lúc, ấy là hạnh phước cao thượng!

Tự biết hối lỗi, ăn ở trong sạch, hiểu rõ và phân biệt bốn chân lý, nhập cảnh Niết-bàn, ấy là hạnh phước cao thượng!

Tinh thần không xao xuyến vì sự tiếp xúc với nhân vật ở đời, chẳng nhiễm các điều phiền não, uế trược, giữ được sự vững vàng, thanh bạch, ấy là hạnh phước cao thượng!

Ai làm theo được như các điều ấy, cư xử cho vẹn toàn mọi lẽ, thì dù đi đứng nơi đâu cũng được vững vàng, chắc chắn. Ấy là người có hạnh phước cao thượng, chắc chắn sẽ được hưởng đầy đủ phước báu về sau.


19. AI CŨNG THƯƠNG THÂN

Kinh Udna

Lúc ấy, Phật đang ở gần thành Xá-vệ, kinh đô nước Câu-tát-la, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc.

Khi ấy, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cùng đi với hoàng hậu Mạt-lỵ vào cung.

Vua hỏi hoàng hậu rằng:

“Này ái khanh, ái khanh có thương ai hơn thân mình chăng?”

“Tâu thánh thượng, thần thiếp không thương ai hơn chính thân mình. Còn thánh thượng, chẳng hay thánh thượng có thương ai hơn thương thân mình không?”

Vua đáp:

“Trẫm cũng vậy, trẫm cũng không thương ai hơn thương chính mình.”

Vua Ba-tư-nặc ra khỏi cung, đi đến chỗ Phật. Vua đến gần Phật, đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Kế đó, vua bạch với Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn, vừa rồi đây con và hoàng hậu Mạt-lỵ vừa trò chuyện với nhau. Chúng con đều cho rằng, trên đời này không có ai thương người khác hơn chính thân mình.

Phật dạy rằng:

“Dù có đi khắp hoàn cầu này, cũng không thể gặp được một người nào khác đáng thương hơn chính thân mình. Vì vậy mà ai ai cũng đều thương lấy chính mình. Đã biết thương mình thì chớ bao giờ gây phiền não kẻ khác.”


20. CỦA ĐỜI LÀ GIẢ DỐI

Kinh Udna

Lúc ấy, Phật đang ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc.

Lúc ấy, có một số tỳ-kheo, sau khi đi khất thực và đã dùng cơm giờ ngọ, bèn hội hiệp nhau và ngồi theo chỗ của mỗi người trong giảng đường ở tinh xá, cùng nhau tranh cãi về vấn đề này:

“Này các huynh, trong hai nhà vua, một là vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà, hai là vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, ai là người giàu có, nhiều tiền của, kho lẫm và xe cộ hơn? Ai mạnh mẽ, cường thạnh và oai thế hơn?”

Các tỳ-kheo tranh cãi hoài quanh vấn đề ấy, cho đến suốt cả buổi chiều.

Bấy giờ, đức Phật từ tịnh thất đi đến giảng đường. Phật đến ngồi trên tòa cao rồi, gọi chư Tỳ-kheo mà hỏi rằng:

“Này chư tỳ-kheo! Các ngươi hội hiệp tại đây, tranh cãi nhau về chuyện gì?”

Các tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con đang tranh cãi nhau về việc trong hai nhà vua, một là vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà, hai là vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, ai là người giàu có, nhiều tiền của, kho lẫm và xe cộ hơn; ai mạnh mẽ, cường thạnh và oai thế hơn.”

Phật quở trách rằng:

“Này chư tỳ-kheo, các ngươi hầu hết đều là con nhà sang trọng, vì mộ đạo lý nên bỏ nhà mà đến đây sống theo cách sống không nhà. Nay các ngươi lại tranh cãi nhau về vấn đề ấy, quả thật không xứng đáng chút nào.

Mỗi khi các ngươi hội hiệp nhau, hãy đem việc đạo lý ra mà bàn giải. Như không được vậy, thì hãy lặng thinh để giữ lấy sự cao thượng.”

Phật lại dạy rằng:

“Dù cho những sự vui vật chất ở cõi người hay cõi trời có sung sướng, khoái lạc đến mức nào đi chăng nữa, cũng không bằng một phần nhỏ so với sự thỏa thích trong tâm ý của người đã diệt được luyến ái.


21. CÁI ĐẦU NGƯỜI

Thuở ấy, vua A-dục ngưỡng mộ đạo Phật chưa được bao lâu, nhưng mỗi khi gặp các vị tỳ-kheo trong đám đông, vua đều cúi đầu sát chân lạy chào.

Có một vị quan tên Da-xá cũng tin theo đạo Phật, nhưng ông tâu với vua rằng:

“Tâu bệ hạ, hạ thần nghĩ rằng bệ hạ không cần phải hạ mình trước những kẻ khất thực thuộc những giai cấp hạ tiện.”

Thật vậy, thuở trước Phật đã mở lòng bình đẳng thu nhận người xuất gia thuộc tất cả các giai cấp.

Vua không đáp lại lời khuyên ấy. Nhưng mấy hôm sau, nhân lúc nghị triều, vua phán rằng: “Ta muốn biết xem đầu của mỗi con thú giá là bao nhiêu. Vậy hiền khanh này hãy tìm dâng nạp cho ta đầu con thú này. Và khanh, khanh hãy nạp cho ta đầu con thú kia...”

Vua ra lệnh cho từng vị quan như thế, đến quan Da-xá, vua nói rằng: “Còn khanh, khanh hãy nạp cho ta một cái đầu người.”

Quan Da-xá liền truyền lấy đầu của một tên tử tội mà dâng cho vua.

Khi các thứ đầu đều đã được dâng nạp, vua truyền rằng:

“Các khanh hãy đi bán những cái đầu đó đi, và báo cho ta biết giá bán được bao nhiêu.”

Tất cả những đầu thú đều bán được hết. Duy có cái đầu người không thể bán được, vì chẳng ai mua cả.

Vua lại phán với quan Da-xá rằng:

“Ngươi không bán được, vậy hãy mang đi tìm xem có ai muốn thì cho họ.”

Nhưng cũng không ai muốn nhận cái đầu người ấy. Da-xá trở về tâu vua và thuật việc đã xảy ra rằng:

“Đầu bò, đầu lừa, đầu dê, đầu nai, đầu chim, đều có người này hoặc người kia đưa tiền ra mua. Duy chỉ có đầu người ta là món vô giá trị. Không ai muốn, dù đem cho không cũng chẳng ai thèm nhận.”

Vua phán hỏi rằng: “Tại sao họ không chịu nhận cái đầu người?”

Da-xá đáp: “Vì nó là một vật ghê tởm, chẳng dùng được vào việc gì, nên họ chê bỏ không nhận.”

Vua hỏi:

“Chỉ có một cái đầu đó là họ chê bỏ, hay bao nhiêu đầu người khác, họ cũng đều chê bỏ như thế?”

Quan Da-xá đáp:

“Nếu là đầu người, dù bao nhiêu cái họ cũng đều chê bỏ hết.”

Vua nói:

“Vậy cái đầu trẫm đây cũng là một vật đáng chê bỏ, phải không?”

Quan Da-xá sợ quá, không dám nói thật. Vua nói:

“Trẫm cho phép khanh cứ nói thật, không sợ tội.”

Quan Da-xá tâu rằng:

“Tâu bệ hạ, quả thật dù là cái đầu của bệ hạ, họ cũng chê bỏ như vậy.”

Vua đã dùng cách ấy mà làm cho quan Da-xá phải nói ra đúng theo ý tưởng của mình. Khi ấy, vua mới dạy rằng:

“Này hiền khanh, khanh đã vì tánh tự cao, vì lòng mê muội, vì chấp vào những danh vọng chức quyền, nên mới ngăn cản không cho trẫm cúi đầu mà lạy chào dưới chân các bậc đức hạnh. Cái đầu của trẫm đây, vẫn là món mà mọi người chê bỏ, ví như đã gặp cơ hội mà được làm điều trong sạch, làm điều phước đức, như vậy lại có trái với đạo lý chỗ nào chăng?

“Khanh chỉ lấy mắt thịt mà phân biệt những giai cấp trong các vị tỳ-kheo, nhưng khanh không thấy được đức hạnh của các vị ấy. Bởi thế cho nên khanh lấy làm tự cao vì cội rễ, dòng tộc của mình. Khanh vì lầm lạc mà không thể biết mình, biết người. Người ta dù có phân biệt dòng tộc, giai cấp trong những lúc dự tiệc vui, hay trong việc hôn nhân, cưới hỏi, chứ hoàn toàn không nên áp dụng những chuẩn mực ấy với đạo đức.

“Nhờ có hạnh lành, người ta giữ trọn đạo đức, và đã có hạnh lành thì không cần gì đến giai cấp, dòng tộc. Một người thuộc giai cấp sang trọng mà bị nhiễm lấy những sự xấu xa thì vẫn đáng chê trách trong đời. Còn đức hạnh, nó đã làm cho người có nguồn gốc thấp hèn trở nên cao thượng, há không đáng kính phục lắm hay sao?

“Vì vậy, hãy nên xét về tinh thần mà chê trách hay kính phục con người. Tâm hồn của các vị tỳ-kheo rất đáng tôn trọng, vì là những tâm hồn mà đức Phật Thích-ca đã độ cho trở nên trong sạch. Một người thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ mà thiếu đức, thì người ta vẫn nói rằng ấy là kẻ ác, họ sẽ chê cười. Còn đối với người thuộc giai cấp thấp hèn mà có đức hạnh thì ai chẳng kính trọng?”

Vua lại dạy tiếp rằng:

“Khanh không nghe lời dạy của đức Phật Thích-ca sao? Hiền nhân biết tìm giá trị trong những vật vô giá trị. Lời chân thật ấy, mọi người đều nghe biết và tin nhận. Trẫm đã vâng theo lời Phật, thì khanh không nên ngăn cản trẫm. Khi thân thể trẫm rồi sẽ bị lấp vùi dưới đất như khúc gỗ mục kia, nó đâu còn có thể đi đứng, chào hỏi và lễ lạy gì được nữa? Bấy giờ dầu trẫm có muốn dùng nó mà làm điều lành cũng không được. Vậy cái thân thể đến chỗ cuối cùng là nơi nghĩa địa, ta có cần trân trọng nó mà làm gì? Nó không bằng cái nhà bị hỏa hoạn, không bằng châu ngọc chìm mất dưới đáy biển. Những ai đã mang lấy cái thân rồi đây phải hoại mất mà không biết phân biệt giá trị, những kẻ ấy thật không nhìn biết chỗ cần yếu và không biết được vật nào có giá trị, vật nào không. Những kẻ vô tâm ấy, đến khi đưa mình vào huyệt lạnh thì phải tiêu mất hết đi vậy.

“Khi nào người ta vào lấy hết những đồ dùng được trong một cái bình, như là sữa, đề-hồ... và trong bình chỉ còn ít bọt thôi, thì cái bình ấy nếu có bể, người ta không tiếc bao nhiêu. Cái hình thể của con người cũng thế, khi người ta đã dùng nó mà làm lành, đến ngày nó hoại mất, người ta cũng không tiếc bao nhiêu. Nhưng rủi nạn chết đánh đổ thân thể kẻ kiêu ngạo khi chưa làm được điều gì lành, những điều mà nếu muốn kẻ ấy có thể làm được, bấy giờ lòng kẻ ấy buồn bã lắm, có khác nào cái bình đang đựng sữa tốt, mà bình và sữa đều hư nát hết đi.

“Này hiền khanh, trẫm nghiêng mình trước các tỳ-kheo, khanh không nên ngăn cản. Kẻ nào không chịu học hiểu mà vội nói rằng: “Ta là kẻ cao thượng hơn hết”, kẻ ấy phải chìm đắm trong sự mê lầm. Còn kẻ nào nương theo đuốc trí huệ của Phật mà tự soi mình, kẻ ấy là người hiền trí, không thấy chỗ khác nhau ở thân thể của một ông hoàng với thân thể của người nô lệ. Da, thịt, xương, đầu, phổi và các phần cơ thể khác... đều giống như nhau ở tất cả mọi người, duy chỉ có sự trang sức bên ngoài làm cho chúng trở nên có vẻ khác biệt nhau mà thôi. Điều cần yếu ở đời, là nên biết nhìn thấy điều tốt trong một cái thân thể xấu. Được như vậy, chư hiền thánh đều tôn kính và tán trợ.”

Như vậy đó, người hiền đức mà xuất thân hèn hạ cũng được kính trọng như vua chúa. Và vua chúa lễ lạy người hiền đức hoàn toàn không phải là tự hạ thấp mình.


« Sách này có 7 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn


Cho là nhận


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.112.243 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...