Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Phần I: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Phần I: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm

Donate

(Lượt xem: 12.725)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Phần I: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển - Xuất gia học đạo - Chùa Phước Lâm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày 15.05.1964, ngày trọng đại nhất của đời tôi là ngày tôi được Cha Mẹ cũng như gia đình cho phép rời xa cuộc sống đời thường, vào chùa xuất gia học đạo. Hôm đó cũng là ngày đám giỗ của ông Nội, nên gia đình và tất cả mọi người đều có mặt, kể cả các anh rể của tôi. Năm ấy tôi 15 tuổi, giã biệt đời sống thôn dã đầy mộng mơ lên đường đến Phố cổ Hội An, nơi có ngôi chùa Viên Giác.

Trong khi tôi rất mừng với sự ra đi của mình thì ngược lại mọi người trong gia đình rất buồn vì biết rằng sẽ vắng thêm một người trong bữa cơm chiều. Bảy năm trước đó, vào ngày mùng 8 tháng 2 năm 1957, bào huynh tôi, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc bây giờ, cũng đã ra đi với những bức thư để lại rằng xin gia đình cho phép được xuất gia tại chùa Linh Ứng, Non Nước, Đà Nẵng.

Không ai trong gia đình muốn cho tôi đi nữa. Tuy nhiên, thấy ước nguyện của tôi thiết tha quá, nên cuối cùng hai đấng sanh thành của tôi cũng đành nuốt lệ chiều ý con. Thế là tôi được thong dong lên đường với chiếc xe đạp tương đối đã cũ, với ba-ga phía sau đèo theo một valise bằng sắt bên trong có mấy bộ đồ vạt hò, vài quyển tập học.

Trong túi tôi vỏn vẹn chỉ có 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa thuở ấy. Không biết giá trị bao nhiêu so với đồng Mỹ Kim lúc bấy giờ, nhưng hình như cả năm 1964 tôi xài chưa hết số tiền gia đình cho ấy. Lúc ấy trong tôi suy nghĩ đơn giản rằng, tài sản của tôi suốt đời chỉ có chừng này tiền thôi và không hề có một ý niệm tương lai sẽ còn nhiều và nhiều thứ khác nữa, như là lớn lên phải cần nhiều phương tiện hơn để mua sách vở đi học chẳng hạn.

Dừng trước cổng Tam Quan chùa Viên Giác Hội An, tôi xuống xe và nghiêm trang từng bước dắt xe vào chùa. Dựng xe một nơi bên hữu nhà đông, tôi bước vào gặp Thầy thưa ý định xuất gia của mình.

Rõ ràng lúc ấy tôi là đứa trẻ bạo gan nhất trong số những đứa trẻ bạo gan. Gặp Thầy, tôi thành kính đảnh lễ và thưa: “Bạch Thầy con muốn xuất gia học đạo.” Thuở ấy, Thầy tôi còn trẻ, chừng trên 30 tuổi, trông rất trang nghiêm hảo tướng.

Thầy nhìn tôi, một cậu bé nhà quê, tuy không ra vẻ thông minh, nhưng cũng không đến nỗi khó xem lắm. Thầy chấp nhận và bảo rằng: “Thầy phải đi Sài Gòn chữa bệnh một thời gian, chưa biết bao giờ về. Con ra chùa Phước Lâm ở tập sự xuất gia.” Thầy lấy một bộ đồ vạt hò đưa tôi và nói: “Đây là bộ đồ vạt hò mang theo để mặc. Thầy sẽ viết một lá thơ cho Thầy Như Vạn.”

Thầy dạy vậy, tôi xin vâng và có lẽ Thầy không biết rằng tôi đã có hai bộ vạt hò màu nâu rồi. Tuy nhiên, Thầy cho tôi cứ nhận. Vì theo tôi, đó là ân huệ của Thầy và cũng là kỷ niệm mà cho tới bây giờ tôi vẫn không quên. Thầy cho tôi một bộ đồ vạt hò màu trắng đã cũ, tôi quý vô cùng. Mặc dầu lúc ấy tôi mặc chẳng vừa nhưng tôi giữ lại trong rương của mình cho đến hai năm sau mới mặc được. Kỷ niệm lần đầu tiên gặp Thầy ngắn ngủi chỉ trong một ngày như thế! Dĩ nhiên, trước đó tôi có gặp Thầy tại chùa Hà Linh ở Duy Xuyên rồi. Tôi quy y cùng với rất đông các Oanh Vũ Gia Đình Phật Tử trong lễ Quy Y vào năm 1963. Tôi có pháp danh Như Điển từ ngày ấy.

Cầm phong thơ gởi Thầy Như Vạn và bộ đồ vạt hò trên tay, tôi nghe Thầy chỉ đường đi đến chùa Phước Lâm và sau đó tôi hân hoan tiếp tục hành trình lên đường sang chùa Phước Lâm. Thuở ấy, chùa Phước Lâm vẫn còn là một chùa xưa cũ, mái ngói rêu phong và trông tối tăm lắm. Mái thấp xuống, hình như chẳng có cửa sổ nào. Trong chùa vốn u tịch càng thêm u tịch lạ thường.



CHÙA PHƯỚC LÂM

Đến Phước Lâm trình thư của Thầy cho Thầy Như Vạn, tôi được chấp nhận ngay. Thầy Như Vạn gọi chú Hạnh Thu đến hướng dẫn tôi nơi để đồ đạc và những công việc phải làm hằng ngày. Với chú Hạnh Thu, tôi vâng lời như đứa bé lên ba. Vì lẽ đối với tôi, bấy giờ cái gì cũng mới lạ. Từ việc ăn uống, lễ bái, học hành, hội họp, làm việc v.v... chuyện gì được chú phân công, tôi chẳng từ nan.

Đầu tiên, tôi được phân công làm vườn và tưới cây. Đất ở chùa Phước Lâm là đất cát, không biết tưới bao nhiêu nước trên cát cho đủ, do đó chú Hạnh Thu quy định mỗi cây dương liễu được uống hai thùng nước mỗi ngày mới có thể sống được. Hằng ngày vào buổi chiều sau khi đi học về, tôi phải gánh 40 đôi nước từ một cái ao ở phía tây của chùa tưới những cây dương liễu và những luống rau trồng gần dãy tháp các Hòa Thượng.

Trước chùa Phước Lâm có một cây bàng rất lớn. Lá bàng làm bổi thay củi nấu cơm. Khi hữu sự, nhặt lá bàng tươi bán để mua thực phẩm cần thiết khác cho chùa. Năm đó là năm Thìn, hình như Giáp Thìn thì phải. Mà Thìn nghĩa là rồng. Rồng đi đâu cũng mang mưa gió theo, cho nên vào tháng 10 năm 1964 có một cơn lụt thật khủng khiếp, cả tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có không biết bao nhiêu người chết và nước dâng lên đến bốn thước là ít. Những nhà lầu cổ Hội An hai tầng cũng bị ngập lên cao. Do vậy, lá bàng lúc ấy thật là hữu dụng. Thầy Trụ Trì bảo chúng tôi trèo lên cây bàng hái lá và đem ra chợ Hội An đổi lấy thực phẩm.

Đối diện với cây bàng là cây me và cây xoài rất lớn. Có lẽ chúng hiện diện bên cạnh miễu Bà này từ lâu lắm rồi. Chúng điệu chúng tôi kháo với nhau bên trong miễu có cặp rắn thần lớn lắm, rất linh thiêng. Ai phá phách, leo trèo hái trái cây sẽ bị Bà quở. Đối với chúng tôi, xoài chua lè còn me thì trái lép cho nên không chú nào phạm vào lỗi leo trèo ở trước nơi thiêng liêng cả. Phải như xoài ngọt và me ngon, chắc chúng tôi cũng chẳng kiêng nể gì những lời răn đe đó, dù mỗi khi hình dung hai con rắn thần ấy cũng hơi rợn người. Thật ra chúng tôi chưa có ai thấy được cặp rắn này cả.

Lúc ấy, ở chùa có chú Hạnh Thu, chú Hạnh Đức, chú Hạnh Chơn, chú Vinh, bác Thông, cô Sáu, chú Phong, chú Mạnh, tôi và một số người xuống làm công quả để chuẩn bị dỡ chùa cũ xây lại chùa mới. Về sau, trong số những người làm công quả ấy, có hai vị phát tâm xuất gia nữa đó là: Chú Thị Việt và chú Huân. Chú Thị Việt bây giờ là thầy Hạnh Thiền, trụ trì chùa Vạn Đức và chú Huân pháp danh Thị Tập bây giờ là Thầy Hạnh Trí, trụ trì chùa Ân Triêm ở Chợ Chùa, gần thị trấn Nam Phước. Chú Hạnh Thu ra người thiên cổ từ lâu, chú Hạnh Đức bây giờ là Hòa Thượng Hạnh Đức đang ở Đà Lạt. Còn một số chú khác nữa tôi không liên lạc được.

Ở chùa Tỉnh Hội lúc đó có chú Phấn, chú Điểm, chú Duyên, chú Hạnh, chú Kỉnh cũng thường hay theo xe Hòa Thượng Như Huệ ra thăm chùa Phước Lâm, tôi có cơ hội làm quen với quý chú từ thuở đó. Thỉnh thoảng quý chú ở lại chùa dùng cơm chung hoặc tụng Kinh hay kháo nhau nhiều chuyện trẻ con, nghĩ lại cũng thấy vui vui. Thuở ấy, trò chơi của chúng tôi chỉ là đá kiệu, dây cao su và sỏi đá. Ngoài ra chẳng có một thứ gì khác đặc biệt hơn cho nhu cầu của tuổi thơ ở trong chùa cả.

Từ 15 tháng 5 đến 19 tháng 6 âm lịch năm 1964, tôi phải vừa phụ việc chùa, vừa học Kinh Lăng Nghiêm và làm những công việc lặt vặt, theo kiểu sai đâu chạy đó, thật hồn nhiên! Mục đích duy nhất của tôi là xuất gia mà thôi. Vào ngày 19 tháng 6 âm lịch năm ấy, lễ vía Đức Quán Thế Âm tại chùa Viên Giác, hay tin Thầy tôi đi chữa bệnh ở Sài Gòn đã về, và được tin gọi về chùa Viên Giác để làm lễ xuất gia, tôi mừng hết lớn. Dĩ nhiên là điều ấy tôi chờ đợi từ lâu và nay là ngày trọng đại đã đến. Tôi xin phép Thầy Như Vạn, cưỡi xe đạp băng băng qua một cồn cát nóng trước mả Thanh Minh, chùa Chúc Thánh, miễu Ông Cọp, nhà thờ, qua ao rau muống chùa Tỉnh Hội về chùa Viên Giác.

Chùa Viên Giác nằm sâu vào bên trong các rặng cây. Đặc biệt có hai cây đa rất lớn. Nhà thơ Trần Trung Đạo đã có bài thơ rất nổi tiếng về hai cây đa này. Hai bên đường vào chùa là hai ao rau muống xanh um trước cổng Tam Quan. Sau cổng Tam Quan là hồ sen và hai sân, tả hữu có hai dãy nhà Đông, Tây. Ngay chính giữa là Chánh Điện, phía sau thờ Tổ và Thập Điện Minh Vương.

Chùa tôi trước đây là đình Cẩm Phô. Quý thân hào nhân sĩ cung thỉnh Thầy tôi về trụ trì, ngôi đình biến thành ngôi chùa vào thập niên 1950 nên cũng tối om, vì chung quanh không có một cửa sổ nào cả. Chỉ trừ hai nơi lầu chuông lầu trống ở gần tượng Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ là có cửa sổ. Tường xây dày độ 60 cm. Độ ẩm càng cao khi mùa mưa lụt ở lâu trong nhà, không chịu rút nước. Do vậy mà lúc nào ở đó cũng thấy lạnh, dẫu cho là mùa hè đi chăng nữa.

Bà Chín dạo đó là một tịnh hạnh nhơn làm công quả của chùa. Lúc ấy bà chừng 70 tuổi, trông tròng mắt mom mem, mặt mũi không còn sáng tỏ nữa, chỉ được cái là lo miếng ăn cho Thầy rất chu đáo, nhất là khi Thầy bị bệnh. Thật ra, Thầy bị mật vụ ông Ngô Đình Diệm đánh năm 1963, thân thể Thầy bị chấn thương rất nhiều. Sau khi vào Sài Gòn khám bệnh về, Thầy cần thời gian để dưỡng bệnh nhiều hơn.

Sau khi làm lễ xuất gia, cạo đầu xong, tôi lên chánh điện lễ Phật, thế là xong. Lễ xuất gia của tôi vào ngày lễ vía Quán Thế Âm đơn giản đến như vậy nhưng tôi nhớ suốt đời. Dù không giống như những lễ xuất gia long trọng trong 45 lễ xuất gia tôi chủ trì cho những đệ tử của mình sau này, nhưng với tôi thật là ý nghĩa. Sau này tôi nghe nhiều vị Thầy cho rằng lễ xuất gia trang trọng quá đệ tử của mình khó tu. Tôi nghĩ đó chỉ là lý luận mà thôi, việc tu được hay không, không tùy thuộc vào lễ xuất gia, mà do duyên nghiệp của mỗi người. Tôi cho rằng quan hệ Thầy Trò, được làm đệ tử của Thầy này, không đệ tử của Thầy kia, cũng là nhân duyên, không thể cho rằng Thầy nào giỏi hay dở hơn. Có Thầy không giỏi lắm song đệ tử tại gia và xuất gia quá nhiều, trong khi đó nhiều Thầy quá giỏi nhưng chẳng có ai đến tu. Do vậy mọi việc thành tựu hay không thành tựu đều quy vào hai chữ nhân duyên là đúng nhất.

Sau lễ xuất gia, tôi đảnh lễ Thầy và xin Thầy chỉ dạy những điều cần làm. Thầy bảo: “Gần ngày khai giảng, nên chuẩn bị sách vở để đi học.” Tôi hỏi lại: “Bạch Thầy, đi tu rồi còn phải học để làm gì nữa.” Thầy xoa đầu và nói: “Tại sao không học, không học làm sao biết mà tu?”

Tôi ngoan ngoãn vâng lời và đạp xe trở lại chùa Phước Lâm. Lúc ấy, có một số chú đã đi học trước như chú Như Lệ, chú Hạnh Thu, chú Hạnh Đức, chú Hạnh Chơn v.v... Do vậy tôi dò hỏi đường và hỏi cách đi học cần phải sắm sửa những gì.

Chú Đức, chú Phong và tôi cùng học chung lớp, nhưng tôi lớn tuổi hơn. Mỗi ngày đi về hai bận, đạp xe từ chùa Phước Lâm đến trường Diên Hồng gần chợ Hội An bây giờ để học đệ thất. Trường này là một trường trung học tư thục, do ông Ngô Thống làm Hiệu Trưởng, nhưng không thâu tiền học phí hằng tháng của quý chú dù họ là Thiên Chúa Giáo. Niên học 1964-1965, tôi học với Thầy Hiến dạy Pháp văn và Công Dân Giáo Dục, Thầy Thống dạy Sử Địa v.v... Mới đầu vào học còn ngớ nghếch, vì lẽ ba năm sau khi đậu tiểu học tôi chẳng đến trường, nên bây giờ ở tuổi 15 học đệ Thất, so với những học sinh khác tuổi 12, 13 tôi lớn hơn quá nhiều. Mỗi lần bị hỏi bài, không thuộc là bị Thầy Hiến la cho một trận. Lại còn đem mấy ông Thầy ra giễu nữa. Thầy ấy bảo rằng: Đâu phải như tụng Kinh thuộc lòng thôi. Quý chú phải hiểu nghĩa những gì quý chú trả bài nữa.

Trong lớp có chú Chín, tức Hòa Thượng Thích Như Phẩm, hiện giờ đang ở chùa Long Tuyền tại Hội An, học giỏi nhất lớp. Tôi quan sát tại sao chú học giỏi vậy. Sau đó, tôi rút kinh nghiệm cho chính mình. Hóa ra chẳng có gì khó cả. Đó là, những bài học của hôm qua chú ôn lại sau khi đi học về và những bài học cho hôm nay, chú đã chuẩn bị trước rồi. Do vậy, Thầy giáo hỏi đâu chú đáp đó, trúng phong phóc, khiến ai cũng phải nể. Thời ấy có làm toán chạy. Nghĩa là thầy giáo cho đề và trong 5 hay 10 phút đầu, nếu có ai đó làm xong có đáp số đem lên nộp, Thầy cho điểm vào sổ. Nếu ai nhanh nhẹn, mỗi tháng có từ 2 đến 4 lần được điểm toán chạy là đứng cao. Có thể đứng nhất, nhì v.v... Còn những ai rụt rè, chỉ có đội sổ. Tôi học được phương pháp ấy nên tự chọn cho mình một lối đi. Kể từ đó tôi học rất khá, và cuối cùng là giỏi. Nghĩa là, mới nửa năm đệ thất đứng gần cuối lớp, đến giữa năm tôi đứng giữa lớp, và gần cuối niên khóa ấy, tôi đứng thứ 7 trong số 40 học sinh.

Ngày trước, đa phần học đạo hay học văn hóa ngoài đời cũng vậy, quý Thầy, Cô giáo ít ứng dụng phương pháp giáo dục có sư phạm, dạy cho học trò cách làm bài, cách học, đa phần Thầy Cô bắt học trò mình học thuộc bài và trả bài đúng theo các câu hỏi trong sách là được. Nếu ú ớ, trả lời không xong, đôi khi bị đánh, bị bạt tai, bị mắng, bị chửi nữa. Thật ra, đó không phải là phương pháp giáo dục đúng. Đa phần, những học sinh người Á Châu của chúng ta chỉ cần học những gì Thầy Cô dạy và tiếp nhận những gì Thầy Cô hiểu là đủ. Ngoài ra, chẳng có chút gì gọi là tác động đến óc sáng tạo của trẻ em cả. Trẻ em rất cần sự đánh thức óc sáng tạo này. Có như thế trẻ em mới có thể làm chủ được vận mệnh của cuộc đời về sau. Giáo dục Âu Mỹ hoàn toàn khác với giáo dục của Á Châu chúng ta. Nghĩa là ngay từ Tiểu học, Thầy Cô giáo đã cho học trò tập quan sát sự kiện, sau đó đem ra thảo luận và tìm câu trả lời đúng nhất của vấn đề, sau quá trình tranh luận biện hộ ý kiến của mình. Còn học trò Á Châu đa phần là sợ Thầy Cô. Nhưng cái sợ ấy vô lý, vì Thầy Cô không có gì để mình phải sợ cả. Chỉ những học sinh làm biếng hoặc không có thì giờ ôn bài vở mới kẹt, còn phần nhiều không có vấn đề.

Có nhiều trò tội lắm, phải giúp cha mẹ buôn bán, coi sóc cửa tiệm, hoặc làm ruộng v.v...do vậy bài vở chểnh mảng, thế là bị chửi mắng thậm tệ ở trong lớp và nhiều trò mặc cảm nên nghỉ học luôn. Trong trường hợp này, theo tôi trách nhiệm chẳng phải ở nơi người học trò, mà do phương pháp giáo dục của Thầy Cô giáo. Họ không có hoặc có ít kinh nghiệm, không lôi cuốn được học trò, nên mới để xảy ra những vấn đề đáng tiếc như thế.

Ngày ấy, có nhiều học trò đến từ vùng quê, nơi mà chiến tranh du kích hằng ngày vẫn tiếp diễn. Ban ngày lính quốc gia đến bảo dân phải lấp hầm, làm đường. Ban đêm quân du kích về bảo đào hầm tránh bom, tránh đạn. Do vậy, nhà nào có con cái cũng muốn cho con đi học để khỏi phải đi lính, mà muốn thế phải gởi con đi xuống Hội An hoặc ra Đà Nẵng, chứ ở lại làng quê thì trước sau không bị nạn này cũng bị nạn khác. Do vậy mà làm người dân thuở ấy gọi là “một cổ hai tròng”. Con trai sinh ra trong thời loạn quả thật cũng là một vấn đề rất đau đầu nhức óc. Nếu thi Tú Tài I không đậu phải đi lính, vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nếu Tú Tài II không đậu cũng phải đi lính, vào Thủ Đức để ra Chuẩn úy. Có nhiều người lúc ấy không muốn con đường rủi nhiều hơn may này, ở lại nhà làm ruộng và tiếp tay với du kích. Cuối cùng, lại bị đẩy xô hay tự nguyện vào con đường mà mình phải dấn thân theo, hoặc không theo lý tưởng của mình. Dĩ nhiên là do chính mình chọn, nhưng con đường của quốc gia hay của giải phóng quân, cũng chỉ thế thôi. Trong hai chọn lựa ấy, họ phải tìm một để theo. Con trai trong thời loạn là vậy, chẳng còn cách nào hơn.

Học sinh nào may mắn hơn đậu Tú Tài II, khỏi bị động viên, có thể tiếp tục con đường đèn sách tại các trường Đại Học trong Sài Gòn hay ngoài Huế. Sau đó, tốt nghiệp hoặc làm Thầy Giáo ở các trường Trung Học hay ở văn phòng tại phố thị, khỏi bị phanh thây nơi chiến trường vô nghĩa. Dầu ở bất cứ phía nào cũng chỉ vậy thôi. Người con trai trong thời chinh chiến hầu như không có quyền được chọn lựa. Riêng các Tăng sĩ như chúng tôi thuở bấy giờ nếu ai trên 18 tuổi phải có một giấy hoãn dịch do Bộ Quốc Phòng cấp. Xin thưa, giấy hoãn dịch chứ không phải miễn dịch. Điều ấy có nghĩa là khi nào chính phủ cần động viên, Tu sĩ cũng phải lên đường cầm súng. Tuy nhiên điều này thuở ấy chưa xảy ra.

Mỗi tháng ở chùa Phước Lâm họp chúng hai lần. Mỗi lần chừng một tiếng đồng hồ sau thời sám hối vào tối 14 và tối 30 âm lịch. Nếu tháng thiếu, họp vào tối ngày 29. Nguyên tắc chú Hạnh Thu đưa ra là tất cả phải dựa theo tinh thần lục hòa để kiểm điểm. Đầu tiên là tự phê và sau đó là phê bình. Theo tinh thần lục hòa như sau:

Thân hòa cùng ở chung
Miệng hòa không tranh cãi
Ý hòa cùng vui vẻ
Thấy nghe cùng chia sẻ
Giới hòa cùng tu học
Lợi hòa đồng chia đều

Chúng tôi nói và thảo luận rất hăng say về nội dung của bản nội quy cũng như về lục hòa. Dạo đó tôi rất thích, vì thấy phương pháp giáo dục của Phật Giáo thực tế. Đến phần tự phê, mình tự nói về lỗi của mình, nói rất ít, bởi vì có thấy đâu mà nói. Nhưng đến mục phê bình, không khí thật căng thẳng, bởi vì mình lại nói nhiều hơn về lỗi người khác. Một phần vì mình chủ quan, một phần vì cái ngã quá lớn. Ngã này đụng ngã kia, đến nỗi mỗi khi họp xong, có người rất bực. Nhiều chú hờn mát, bỏ ăn hoặc không chịu chấp tác. Thế là chú Hạnh Thu phải nghiêm nghị, nhỏ nhẹ, từng lời nói, lắm khi chú cũng ra oai với cái roi trên tay, vừa nhịp vừa la vừa quát. Dáng người chú cao ráo, chân đi đôi guốc và hai con mắt bao giờ cũng sắc bén. Chúng tôi ai ai cũng đều e dè, mà e dè cũng phải, bởi vì chú Hạnh Thu rất gương mẫu. Đi tụng Kinh bao giờ cũng đúng giờ, ngược lại chúng tôi đã được đánh thức bao nhiêu lần mà vẫn còn làm biếng chưa muốn dậy.

Phía sau nhà bếp của chùa Phước Lâm có một cây dừa rất cao nhưng ít trái và nếu có thì cũng chẳng có nước. Có lẽ vì dừa mọc trên đất cát. Dẫu cho bên cạnh đó có một cái giếng rất nhiều nước, có lẽ vì rễ dừa hút không sâu xuống đất.

Phía sau nhà Tổ lại có thêm cây nhãn và cây xoài. Hai cây này rất nhiều trái và đây cũng là đề tài đem ra bàn cãi nhiều nhất với chúng điệu của chúng tôi lúc bấy giờ. Khi bị hỏi ai là thủ phạm leo cây, ai hái xoài và ai hái nhãn, chỉ thấy câu trả lời là sự im lặng. Vì chú nào mà chẳng có. Do vậy, phần này chẳng thấy bị phê bình.


« Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.235.177 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...