Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chương XII: Cái tang chung »»
Trong khung cảnh thê lương ảm đạm của cung thành Đồ Bàn khi Vua Chế Mân vừa mới băng hà vào tháng 5 năm 1307, thọ mạng 50 tuổi, là cái tuổi vẫn còn nhiều nhiệt huyết đối với quê hương và dân tộc, nhưng đúng là nghiệp lực không ai có thể cưỡng lại được thần chết. Do vậy mà cả triều đình cùng bá quan văn võ trong thành cũng như dân chúng ngoại thành, hay nói đúng hơn là cả nước, ai ai cũng bi ai sầu thảm cho cái tang chung này. Hoàng hậu Paramecvari đang nằm cô đơn và xót xa với đứa con còn trong bụng, bỗng nghe vang vọng tiếng hò của một cung nữ gốc Quảng Nam với giọng tha thiết như sau:
“Con chim Đa Đa nó kêu thất tha thất thểu
Con chim Chèo Bẻo nó đậu nhánh măng già
Nó kêu cô Sáu ơi! Cô Sáu hỡi! Ở hoài rứa răng?
Trên trời có một cái trăng, khi tròn khi khuyết chị Hằng chả lo.
Chứ ôm duyên mà giữ bo bo, hồi mua không bán, hồi cho cũng chẳng thèm…”
Nghe tiếng hò buồn thiu, lại có thêm mấy chữ Đa Đa là cái tên mà Vua Chế Mân và Hoàng hậu chọn đặt cho con, khiến cho Hoàng hậu như nhớ lại thân phận mình “chưa vui sum hợp, đã sầu chia ly” rồi và từ đây về sau con mình sẽ ra sao, khi không có Hoàng thượng Chế Mân chăm sóc? Nàng thấy buồn tủi xót xa và hai dòng lệ cứ tuôn chảy ra khỏi khóe mắt lúc nào chẳng hay biết. Cứ thế và cứ thế, nàng được nghe những câu hò não nuột cứ vọng về nơi cõi lòng trống vắng của một Hoàng hậu tuổi mới vừa 20 mà trên đầu đã phải chít khăn tang cho chồng. Nỗi niềm này có ai thấu hiểu cho chăng?
Chim đa đa, chim chèo bẻo là những loại chim bình thường thôi, ít ai để ý đến, nhưng qua giọng hò xứ Quảng này nó làm cho Công chúa Huyền Trân đau xót vô cùng và ngẫm nghĩ lại thì nàng đã nghe lời hứa gả của Phụ hoàng Trần Nhân Tông cho Chế Mân khi Ngài sang đây cả mấy năm về trước, khi nàng mới 14 tuổi, chứ đâu phải nàng cãi lệnh của song đường đâu. Ở cái tuổi ấy, là tuổi mới lớn khôn của người con gái, nó giống như ánh trăng trong vào thượng tuần, không một vầng mây che khuất. Mặc dầu nàng chưa thấy được dung nhan của Chế Mân ra sao, nhưng nàng vẫn an phận, vì biết rằng khi Phụ hoàng đã “chọn mặt gởi vàng” rồi thì chắc hẳn rằng người ấy phải là người “xứng đôi vừa lứa” với mình, nên Huyền Trân đã chờ đợi cả 5 năm trường để học tiếng Chiêm Thành và những lễ nghi trong cung đình của nhà chồng, chứ đâu phải nàng ôm duyên tình ấy để chờ người khác, nếu có khác chăng thì đó là khác nòi giống, khác ngôn ngữ, khác văn hóa và tập tục truyền thống v.v… nhưng con tim và nhịp đập của hai người không khác.
Duyên nợ của nàng sau này có nhiều sử gia chê trách, nhưng cũng lắm người biểu đồng tình, vì nếu không có sự cảm thông của Phụ hoàng Trần Nhân Tông sau 9 tháng vân du tại Chiêm Quốc và đã được Chế Mân cùng triều đình tiếp đãi một cách ân cần, thì có lẽ Phụ hoàng cũng chưa nghĩ tới chuyện gả đứa con gái cưng của mình về một nơi xa lạ như thế này. Nhưng chắc rằng việc ra đi làm dâu của nàng, hơn ai hết, Vua Trần Nhân Tông biết để làm gì rồi. Mục đích chính là tạo sự thân thiện giữa hai quốc gia, nếu không làm vậy thì Chiêm Thành có thể cấu kết với quân Nguyên Mông thôn tính Đại Việt lúc nào chẳng được và quê hương Tổ Quốc này sẽ về đâu? Còn lăng miếu của tiên vương cũng như nhân dân trăm họ nữa.
Lý do thứ hai là với tư cách của một Thái Thượng Hoàng của triều đại Trần Anh Tông, một vị Sơ Tổ của Thiền Phái Trúc Lâm với Pháp danh là Điều Ngự, Ngài đã hai lần đại thắng quân Nguyên Mông vào năm 1285 và năm 1288 thì với Chế Mân, Thượng Hoàng đã rõ biết hết về tác phong, đạo đức cũng như được lòng dân, nên Thượng Hoàng mới hứa gả Huyền Trân Công chúa cho chứ không đơn thuần là lấy vật này đem đổi một vật khác, trao qua bán lại giống như là một mặt hàng vậy. Hai Châu Ô và Lý là do sau này có sự cố vấn của Trần Hưng Đạo, Đoàn Nhữ Hài, Trần Khắc Chung và Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi cùng với Vua Trần Anh Tông ra điều kiện, chứ khi hứa gả 5 năm về trước, Thượng Hoàng đã không có một ý tưởng đổi chác như thế giữa Chế Mân và Huyền Trân Công chúa.
Nghĩ đến những điều trên Hoàng hậu Paramecvari ấm lòng vì biết rằng Phụ hoàng của mình có cái thấy xa nhìn rộng như vậy. Tuy nhiên khi ngẫm lại câu: “Chưa vui sum hợp đã sầu chia ly” khiến cho nàng càng thổn thức nhiều hơn nữa. Tuy tuổi tác giữa nàng và Chế Mân cách nhau 30 niên kỷ, nhưng người chồng lịch lãm ấy đã sống mặn nồng bên nàng suốt hơn 365 ngày như thế, nàng cảm thấy hạnh phúc vô cùng, nhất là khi biết rằng trong mình đã mang được giọt máu của Quân vương là kết quả của mối tình tuyệt hảo ấy. Mặc dầu lúc bấy giờ Chế Mân đã có con trai là Thái tử Chế Chí con của Hoàng hậu Tapasi người Java ở Indonésia, nhưng với mối duyên tình nồng này, Chế Mân đã say mê Hoàng hậu Paramecvari hơn là Hoàng hậu Tapasi. Có thể người con gái Đại Việt ấy đã chiều chuộng chồng mình hết mực và ngôn ngữ Champa người cũng rành hơn Hoàng hậu Tapasi, nên đấng Quân vương lúc nào ngày cũng như đêm đều muốn cận kề bên nàng, ngay cả khi thăng đường để giải quyết những vấn đề chính trị. Cái duyên hội ngộ chỉ trên dưới một năm, mà sự chờ đợi hơn 5 năm trời mới có lễ Vu quy về Chiêm Quốc. Quả là một thời gian vô tận đối với nàng. Những tưởng rằng để bù đắp cho nỗi chờ mong lâu dài ấy, nàng sẽ ở mãi mãi bên chàng để làm người bạn đầu ấp tay gối cho vẹn chữ tào khang, nhưng chẳng may người đã ra đi, không biết bây giờ nàng phải làm sao đây?
Nghe đâu tục lệ của Chiêm Thành khi Quân vương băng hà thì Chánh hậu phải lên giàn để hỏa thiêu cùng chồng, đây là tục lệ của Bà La Môn và Ấn Giáo. Mãi cho đến ngày nay sông Hằng bên Ấn Độ vẫn còn chuyên chở tục lệ hỏa thiêu này cho những tín đồ nào tin rằng: Nước sông Hằng có công năng rửa sạch đi bao tội lỗi, nên trong suốt cuộc đời của mình, ít ra phải có một lần đến đó để tắm gội dưới dòng sông này, hay ít nhất khi chết đi, tro cốt sau khi hỏa thiêu sẽ được thả trôi trong dòng sông mầu nhiệm này xuôi về biển cả. Khi nghĩ đến điều này Hoàng hậu Paramecvari lo âu, nhưng suy đi tính lại thì nàng chẳng phải là Chánh cung, mà là Đệ Nhị Hoàng hậu của Chế Mân mà thôi, nên chắc rằng sẽ không bị lên hỏa đàn để chết cùng Quân vương. Tuy nhiên Hoàng hậu cũng cho báo hung tin này về với triều đình Trần Anh Tông và mong rằng sẽ có một quyết định nào đó để cứu nàng ra khỏi sự lo toan này. Nhưng khi nghĩ đến con thì nàng không thể bỏ nơi này, vì dẫu cho chỉ sống trong một ngày, một buổi đi nữa thì nghĩa phu thê đâu ai nỡ đành lòng, lại còn có con bên cạnh nên nàng cứ gắng vui cho có lệ và chờ đợi ngóng trông một cái gì đó trong vô vọng.
Kinh đô Đồ Bàn bây giờ đang phủ đầy một màu tang chế. Tất cả đều một màu trắng. Trên từ điện cửu trùng, dưới cho đến cỏ cây hoa lá trong vườn Ngự Uyển, đâu đâu cũng thấy được thắt khăn tang. Riêng về hai vị Hoàng hậu thì có áo mão cân đai màu trắng khác với cung tần mỹ nữ. Ngày thường nơi cung điện này ở đâu cũng chỉ nghe toàn tiếng đàn ca hát xướng với những vũ khúc vui tươi nhộn nhịp, nhưng bây giờ thay vào đó là những ca khúc buồn, nghe ra ai oán làm sao! Ngày ba buổi vào sáng, trưa và tối đều có ban nhạc lễ của Hoàng cung tấu lên những bản nhạc bi ai để hòa âm cho những vị Giáo sĩ Ấn Giáo làm lễ cúng cơm. Trong suốt một tuần lễ như vậy các vị Hòa Thượng của Phật giáo Đại Thừa cũng như Phật giáo Nam Tông cũng được thỉnh vào Hoàng cung để chứng trai và tham dự những buổi lễ cầu siêu cũng như trai đàn bạt độ. Mỗi ngày đều có giảng pháp từ các vị Pháp sư của nhiều Tông phái khác nhau. Có khi những vị này nói bằng tiếng Champa, tiếng Sanskrit, tiếng Việt, tiếng Khmer v.v… Hoàng hậu lắng nghe để cho tâm tư của mình lắng đọng xuống. Một hôm có vị Hòa Thượng người Đại Việt giảng về Vô Thường khiến cho Hoàng hậu tỉnh ngộ hơn nữa. Ngài nói rằng:
“Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, Ngài có hỏi Ngài A Nan rằng:
- Vật này có hình tướng không?
- Bạch Thế Tôn! Dạ có.
- Cái gì có hình tướng thì cái ấy có bị vô thường chi phối không?
- Kính bạch Ngài! Tất cả cái gì có hình tướng thì đều bị vô thường chi phối.
- Vậy căn bản của vô thường là gì?
- Bạch Thế Tôn! Đó là khổ.
- Muốn dứt trừ nguồn gốc của khổ đau thì phải làm sao?
- Bạch Thế Tôn! Muốn chấm dứt việc này thì không chấp ngã, không chấp ái và không chấp thủ.
- Thế nào là ngã các ngươi có biết chăng?
- Bạch Ngài! Chúng con xin Ngài giảng giải tỉ mỉ cho.
- Này A Nan ông hãy nghe đây và chú tâm theo lời ta dạy. Ông hãy lấy hai bàn tay vỗ vào nhau, ông có nghe gì chăng?
- Bạch Thế Tôn! Con có nghe âm thanh của hai bàn tay va chạm vào nhau
- Vậy thì trước khi va chạm, sau khi va chạm và trong khi va chạm, âm thanh ấy ở đâu và sẽ đi về đâu?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng đi về đâu cả. Vì do duyên mà hợp, do duyên mà thành tựu và do duyên mà tan rã vậy.
- Như thế đó! Chẳng có cái gì gọi là ngã cả. Ngã là cái ta tự dựng lên như âm thanh của hai bàn tay va chạm vào nhau mà thôi.
- Bạch Ngài! Con đã rõ.
- Một thí dụ khác để thấy cái ngã là không thật có.
- Ông hãy nghĩ về một người đang đứng trước một tấm gương phản chiếu. Vậy hình trong gương là của người kia, hay không phải của người kia?
- Bạch Thế Tôn! Phải mà cũng không phải. Khi đứng trước tấm kính, ta thấy hình của ta phản chiếu đó, nhưng đó không phải là ta nếu ta lấy tấm kiếng đi khỏi người đối diện.
- Ngã sở cũng như thế thôi! Lâu nay chúng ta chấp cái này của ta, cái kia của người, cái nọ của hắn v.v… nhưng thực sự ra chẳng có cái nào thuộc về ta cả. Ví như một đống củi có hình thù to tướng ấy ông có thấy chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chúng con có thấy.
- Nhưng nếu ông lấy lửa đốt hết củi kia đi thì còn lại những gì?
- Chỉ còn lại một đống tro tàn. Bạch Thế Tôn!
- Đúng vậy! Những gì có hình tướng đều hư vọng và bị Vô thường, Khổ, Không chi phối. Nó có đó rồi mất đó! Hợp đó rồi lại tan đó! Chẳng có cái nào chắc thật cả và cũng chẳng có cái nào thuộc về mình cả. Nếu ai buông bỏ được những sự chấp ngã, chấp ái và chấp thủ thì người ấy sẽ chứng vào hàng Thánh giả của chư Phật
- Chúng con xin “y giáo phụng hành”.
Hoàng hậu Paramecvari cũng như Hoàng hậu Tapasi và những cung nữ trong cung, trước linh cữu của Vua Chế Mân luôn phủ phục để lắng nghe những lời Pháp nhũ của chư vị Pháp sư, nhưng có lẽ thời pháp được nghe hôm nay là hữu hiệu nhất, vì nó đã gõ đúng vào nhịp tim của mọi người khi phải chứng kiến cảnh khổ đau tang tóc này.
Một tuần lễ sau là lễ trà tỳ của Quân vương Chế Mân. Mọi người dân khắp nơi đều đổ về kinh đô Đồ Bàn ở Bình Định để chia sẻ sự mất mát to lớn này của hoàng gia. Hoàng hậu Paramecvari và Hoàng hậu Tapasi đi sau chiếc Kim quan của Đức vua và đi theo sau đó là con cháu trong hoàng tộc cũng như những vị cận thần của triều đình. Trên đầu của họ, ai nấy đều đội một dải khăn tang, nối tiếp nhau sau Kim quan cho đến tận cuối cùng. Hoàng hậu Paramecvari quan sát thật kỹ lễ hỏa táng của Đức vua hôm đó như sau:
Bên trên giàn hỏa người ta đặt Kim quan của Hoàng thượng Chế Mân và Kim quan này đặt dưới một cái vòm vòng cung, rồi phủ quần áo đẹp lên đó. Một cái nhà bằng giấy thật đẹp đủ cả màu sắc gọi là “Thang Thuơr” đặt trên cái cung đó, thi hài nằm trong lòng cái cung và dưới vòm “Thang Thuơr”. Trên đỉnh cái nhà giấy này có một con bò ngũ sắc, tức là bò Thần, người Champa gọi là Limov–Kapil; tiếng Phạn gọi là Kapila. Con bò Thần Limov-Kapil chỉ đưa một linh hồn duy nhất cho một lễ hỏa táng. Linh hồn của người chết được con bò Thần Limov-Kapil đưa qua sông Khawphar (dòng sông ngăn cách giữa trần gian và thế giới bên kia) để qua một thế giới vô tận khác. Hôm đó tuyệt nhiên không có hỏa thiêu thêm ai nữa, ngoài Đức vua Chế Mân. Hoàng hậu Paramecvari thở phào nhẹ nhõm, vì nàng nghe rằng Chánh hậu phải lên giàn hỏa để thiêu sống cùng Đức vua, nhưng việc ấy cuối cùng đã không xảy ra. Nàng mừng cho chính nàng thì ít mà mừng cho Chánh hậu Tapasi thì nhiều hơn.
Ngựa chạy báo tin từ kinh đô Đồ Bàn ở Bình Định ra đến kinh đô Thăng Long đúng một tháng trời. Đây là loại tín lịnh đi nhanh nhất, nên mới được như vậy, chứ bình thường thì phải mất đến hai tháng đường bộ, còn đường thủy thì còn tùy theo gió Nồm nữa, có khi 3 hay 5 tháng mới cập bến và đến được Thăng Long. Khi đến được Thăng Long các quan quân của Chiêm Thành ở lại nơi Chùa Quán Sứ để chờ hôm sau Vua Anh Tông lâm triều mới có cơ hội mang quốc thư đến trình thưa. Khi mở phong thư niêm ấn của Hoàng hậu Paramecvari ra xem thì Vua Anh Tông mới hay được là Vua Chế Mân đã băng hà tại Đồ Bàn vào tháng 5 năm 1307, nghĩa là cách đó đã hơn một tháng về trước rồi.
Lúc bấy giờ Vua Trần Anh Tông cho người lên núi Yên Tử để báo tin cho Điều Ngự Giác Hoàng hay, đồng thời Anh Tông cũng đã báo tin cho ông Ngoại là Trần Hưng Đạo biết, nhưng cả hai vị này bây giờ đã già bịnh, nên cũng chẳng chờ được hồi âm. Chỉ có Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Vân (Đặng Thiệu) được cử sang Chiêm Thành để phúng điếu tang lễ và bên trong họ đã chuẩn bị một kế hoạch khi đến được Kinh Đô Đồ Bàn. Trần Khắc Chung bây giờ tuy đã lớn tuổi nhưng cũng rất thương cảm cho phận gái thuyền quyên lấy chồng nơi xứ lạ của Huyền Trân Công chúa, mà nay lại còn gặp nạn tang chế nữa, nên ông đã bàn mưu tính kế rất kỹ với Vua Trần Anh Tông trước khi dùng thuyền sang Chiêm Quốc.
Sau khi đến cửa biển Thị Nại rồi, những công sứ như Trần Khắc Chung, Đặng Vân cùng với hơn 200 người gồm quan quân tướng sĩ vào cung vua diện kiến tân vương Chế Chí, con của Chế Mân cũng như Hoàng tộc họ Chế cùng với bá quan văn võ triều đình, Trần Khắc Chung thưa:
- Muôn tâu Tân vương điện hạ. Chúng hạ thần mới nghe tin Hoàng thượng Chế Mân đã băng hà, nên đương kim Hoàng Đế của Đại Việt là Đức vua Trần Anh Tông, vốn là anh ruột của Hoàng hậu Paramecvari của quý quốc đã đau buồn và sai chúng hạ thần mang Quốc thư này để dâng lên Tân vương cũng như những lễ vật này để dâng cúng Đức vua đã băng hà.
- Ta mới lên nhiếp chính. Lẽ ra ta phải thân chinh đến Đại Việt để diện kiến Đức vua Anh Tông, nhưng vì lẽ Phụ hoàng của ta đã ra đi quá sớm và để lại cho Hoàng gia này một gánh nặng không ít, kể cả đối nội cũng như đối ngoại, nên ta xin hẹn một dịp khác sẽ thân chinh đến Đại Việt để triều kiến vậy.
Nói xong, Vua Chế Chí mở quốc thư của Vua Anh Tông ra xem thì thấy nội dung như thế này.
“Em của trẫm là Huyền Trân Công chúa đã về làm Hoàng hậu xứ Chiêm Thành được hơn một năm nay và Hoàng hậu đã mang thai, ta biết được tin rất vui, vì biết rằng mối tình Chiêm-Việt sẽ bền vững muôn đời. Nào ngờ đâu tin vui mới đến, tin buồn lại sang. Đó là việc Phụ hoàng Chế Mân của Ngài đã băng hà. Nay ta cho Thượng thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung cũng là Thượng tướng của triều đình Nhà Trần và An Phủ sứ Đặng Vân (Đặng Thiệu) cùng với số đông quân dân đến Kinh Đô Đồ Bàn để làm lễ an điếu cho tiên vương, đồng thời có một đề nghị là Tân Vương cho phép Hoàng hậu Paramecvari ra cửa biển Thị Nại để làm lễ chiêu hồn Tiên Vương theo nghi lễ của Đại Việt. Mong Ngài sẽ không từ chối việc này.”
Sau khi đọc quốc thư, Chế Chí suy nghĩ một hồi lâu rồi khoác tay cho các Sứ Thần lui bước để cả triều đình nghị hội về những điều mà trong Quốc Thư đã nêu ra. Có vị Đại Thần dang tay nói:
- Đây là một kế sách. Tâu Quân vương.
- Kế sách gì?
- Đại Việt muốn gây chiến.
- Tại sao?
- Vì lẽ Hoàng hậu Paramecvari đã lấy chồng thì phải theo tục lệ của Chiêm Quốc. Tại sao phải theo lễ nghi của Đại Việt?
- Nhưng việc ấy có hệ lụy gì giữa người sống và người chết chăng?
- Dĩ nhiên là không đơn giản như vậy. Một vị Đại Thần tâu như thế.
- Chắc rằng họ đã có một hậu ý gì đây?
- Hãy thử xem!
- Chính Hoàng thượng đã lầm ý đồ của Đại Việt, nên đã dâng cho họ hai châu Ô và châu Lý, bây giờ họ lại còn có kế sách gì nữa đây?
- Dẫu sao thì việc cầu nguyện cũng nên làm, vì Đức vua của chúng ta tin cả Thần Brahman, Phật và các Chúa Tể khác.
- Nhưng hạ thần thì có ý nghi ngờ. Nếu chỉ đi điếu tang của Tiên Vương thì đâu có cần đem theo cả đoàn quân như vậy.
- Biển cả mênh mông, ai biết được sự sống chết ra sao? Nên phải chuẩn bị kỹ càng lúc ra khơi chứ!
- Nói gì thì nói, chúng ta nên y lời đề nghị để Hoàng hậu Paramecvari được hài lòng.
Đó là lời kết của buổi hội nghị ngắn do Tân Vương Chế Chí, con của Chế Mân quyết định.
Thông báo này được đưa ra và truyền cho Thượng thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung cũng như An Phủ Sứ Đặng Vân (Đặng Thiệu) hay mà chuẩn bị lễ nghi để cúng bái. Sau khi hay được tin này cả Thượng Thư và An Phủ Sứ đều hoan hỷ cho người bắt tay vào việc và họ chọn ngày làm lễ vào ngày mồng một tháng 8 năm 1307 lúc trăng thượng tuần chưa có. Ngày mồng một vốn là ngày Sóc của các dân tộc theo Phật giáo, nên triều đình nhà Chế không nghi ngờ gì cả, nhưng ở hai vị Sứ Giả của triều đình Vua Trần Anh Tông họ đã chuẩn bị một kế hoạch thật là chu đáo. Đó là: Một giàn cung điện làm toàn bằng giấy to lớn và cao ngất như kinh thành Đồ Bàn và những phẩm vật cúng tế ngoài cơm, cháo, bánh, trái, hoa, quả là những thực phẩm thường dùng ra, họ đã chủ mưu tạo nên những lễ vật cúng khác đều là những chất liệu dễ cháy cả. Sau khi các vị Hòa Thượng và chư Tăng tụng đến bài chú “Vãng Sanh quyết định Chơn Ngôn” thì bắt đầu châm lửa những vật dễ bắt cháy đó và đây cũng chính là thời điểm của Yết Kiêu và Dã Tượng đã biến hóa vào nước cũng như vào lửa bên cửa biển Thị Nại để bồng Công chúa Huyền Trân lên thuyền nhỏ đã cập bến gần đó.
Hoàng hậu chẳng biết ất giáp gì cả và cũng chẳng hiểu tại sao. Trong lúc đó bà nhớ lại Chế Đa Đa đã giao cho một người nhũ mẫu ẵm bồng vì sợ rằng đêm tối trẻ nhỏ không nên rời cung cấm bởi ngại gió sương một phần, mà cũng lo cho vận mệnh của trẻ nữa, nên giờ đây Hoàng hậu lưỡng lự là nên thuận theo hai người này để lên thuyền con, hay la lớn để cho Yết Kiêu và Dã Tượng biết đến ý nghĩ này. Hoàng hậu mới vừa mở miệng ra để nói về ý định của mình thì Yết Kiêu đã ra dấu cho bà không nên lớn tiếng trong lúc này và nói thầm vào tai bà rằng: “Đây là kế hoạch của triều đình Đại Việt. Kính mong Hoàng hậu an tâm”. Hai người vẫn chèo thuyền lướt sóng một hồi lâu mới thấy một chiếc thuyền khác to lớn hơn thuyền này mấy chục lần, Hoàng hậu được Yết Kiêu và Dã Tượng đưa lên thuyền lớn. Việc “cướp người” này cũng mưu trí và dũng lược như việc hai ông đã lặn sâu xuống đáy biển để đục thuyền quân Nguyên Mông của những năm 1285 và 1288 vậy. Mặc dầu bây giờ hai ông đã lớn tuổi rồi nhưng tài trí cũng như mưu lược của những trận đánh ở Chương Dương vẫn còn truyền tụng. Do vậy Vua Trần Anh Tông đã chọn họ đi trong lần này cũng là điều không phải nghi vấn gì cả.
Trên thuyền đèn đuốc sáng trưng, Hoàng hậu gặp Thượng tướng Trần Khắc Chung trước và sau đó là An Phủ sứ Đặng Vân cũng như một số người thân quen cũ khi bà còn ở Phủ Thiên Trường với Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông và Mẫu hậu. Trong khi họ hàn huyên tâm sự thâu đêm thì thuyền cũng đã rời xa cửa biển Thị Nại cả hằng mấy chục hải lý rồi. Như thế sự kiện đánh cướp Hoàng hậu đã thành công theo kế hoạch của Vua Trần Anh Tông cũng như Thượng Tướng Trần Khắc Chung. Anh Tông và Khắc Chung nghe rằng: Theo tục lệ của Chiêm Thành thì Hoàng hậu phải lên hỏa đài cùng bị thiêu sống với đấng Quân vương đã mất, nhưng đó chỉ là một tin đồn, nếu quả như vậy thì dù Anh Tông và Khắc Chung có cho ngựa hay thuyền đi theo chiều gió, thì khi đến Đồ Bàn việc hỏa thiêu Chế Mân cũng đã xong từ lâu rồi. Bây giờ đã an ổn họ bắt đầu hỏi han Hoàng Hậu.
- Hạ thần bấy lâu nay vẫn theo dõi gót ngọc của Hoàng hậu, không biết lệnh bà bây giờ ra sao? Trần Khắc Chung lên tiếng trước.
- Thượng Tướng đó sao! Xin cảm ơn Ngài, tôi vẫn như xưa. Nghĩa là khi ở Phủ Thiên Trường như thế nào thì bây giờ vẫn vậy.
- Nghĩa là…
- Nghĩa là vẫn hướng về cố quốc lo báo hiếu cho Phụ Vương, vẫn kinh kệ khi ngày rằm hay mồng một trong mỗi tháng. Nhưng có một điều không biết rằng Thượng Tướng có giúp được chăng?
- Xin lệnh bà cứ bảo.
- Hoàng tử Chế Đa Đa mới mấy tháng tuổi. Ta đã giao cho một tỳ nữ trông coi để ta tiện việc lễ bái nguyện cầu. Bây giờ làm sao ta có được con ta. Không lẽ vừa mất chồng, lại phải mất con nữa hay sao?
- Lệnh bà hãy để chúng tôi lo liệu.
An Phú sứ Đặng Vân vốn cũng là người không xa lạ khi Hoàng hậu Paramecvari ở Phủ Thiên Trường cũng như tại kinh thành Thăng Long thuở nào, nên ông ta bắt đầu gợi chuyện.
- Một mình lệnh bà ở nơi cung cấm nước Chiêm là người Việt có buồn lắm không? Nhất là khi nhớ về cố quốc?
- Tại sao ông đoán đúng tâm sự của ta như vậy. Mới chỉ hơn một năm xa Đại Việt để đi lấy chồng nơi xứ lạ mà lòng ta lúc nào cũng trông vời về cố quốc, nơi đó có cha mẹ ta, anh chị em ta và nhất là những món ăn thuần túy của Đại Việt mà nơi Chiêm Quốc không thể nào có được. Ta biết khi ta đi lấy chồng như thế đã có không biết bao nhiêu chuyện đồn đoán xa gần, có người thương và cũng lắm kẻ chê, nhưng ta vì quê hương Đại Việt nên đã ngậm đắng nuốt cay suốt cả dòng thời gian ấy. Không biết bây giờ ta trở lại quê hương, rồi chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây?
- Kính mong lệnh bà cứ yên tâm. Người xưa thường nói: “Tự mình có thể lấy hai tay để bịt hai lỗ tai lại, để không phải nghe những chuyện thị phi của thiên hạ, nhưng không ai có thể lấy tay của mình để bịt miệng của họ được.” Chuyện họ nói họ có quyền nói, chuyện mình làm mình cứ làm. Vả lại việc này đâu phải ý riêng của lịnh bà muốn thế, mà đây là ý của Thái Thượng Hoàng. Mặc dầu bây giờ Ngài đã xuất gia và tĩnh tu thiền định nơi Yên Tử Sơn, nhưng cái nhìn của Ngài, trước khi cho gả lệnh bà về với Tiên Đế Chế Mân chắc phải là sâu sắc lắm và về sau này Vua Anh Tông cũng như triều đình Đại Việt có thêm cả một dải giang sơn xa tít tận phía Nam, chứ không còn giới hạn ở bên ngoài Đèo Hải Vân nữa.
- Điều ấy ta hẳn đã biết, nhưng đây cũng là đề tài mà các quần thần bên Chiêm Quốc hay đề cập đến. Riêng Tiên Đế Chế Mân vì thương mến ta, nên việc sính lễ kia xem như là một sự hiến dâng, còn giờ đây thân ta lại nổi trôi theo vận nước, ngồi trên thuyền của Đại Việt, bỏ con, bỏ chồng ở lại đằng sau, trong tâm ta không biết bao nhiêu là điều giày vò muốn bày tỏ, nhưng biết nói cùng ai đây để cho họ rõ được tấm chân tình này.
- Không sao đâu! Khắc Chung chen vào và nói tiếp. Dĩ nhiên là bây giờ họ đã mất tất cả, mất Vua, mất Hoàng hậu và mất cả đất đai, chắc rằng họ sẽ phục thù, nhưng xét ra Chế Chí mới lên ngôi, chưa củng cố được địa vị của mình trong triều đình cũng như ngoài dân chúng, liệu ông ta có dám mang quân sang đánh Đại Việt để đòi lại đất năm xưa chăng?
- Dĩ nhiên là sẽ có – Theo hạ thần nghĩ vậy. Đó là câu đáp của An Phủ sứ Đặng Vân.
- Nhưng ta lo lắng quá. Dẫu sao đi nữa thì cái xuân xanh của một người con gái không còn nữa, thân đã trao, tâm đã nguyện làm vợ người ta suốt đời chung thủy, nay đứt gánh giữa đường, chồng chết, con mất, cha mẹ ở đâu, làm sao con có thể sống với hoàn cảnh này được. Lẽ ra vào lúc này ta phải quyên sinh mới đúng. Có như thế mới trọn đạo tào khang; nhưng con ta chưa tìm ra được và cha mẹ cùng anh ta chưa gặp lại sau bao nhiêu ngày xa cách. Bây giờ ta phải chọn cách nào đây?
Mối tơ vương này ta phải tỏ cùng ai và ai sẽ là người có thể gỡ rối được mối tơ vò này trong tâm khảm của ta?
Sau khi ngọn lửa vừa tàn, ban kinh sư Đại Việt lo thu dọn những nhạc cụ đã bày biện ra để làm lễ thì lúc ấy cả toán cung nữ của Chiêm Thành lẫn Đại Việt mới hô hoán lên rằng: Hoàng hậu Paramecvari bà ở đâu rồi? Hay bà đã theo tiên đế nên giờ đây không tìm thấy Đức Bà ở đâu cả. Thế là tiếng khóc la, kêu réo inh ỏi cả một góc trời ở cửa biển Thị Nại Bình Định vào tối ngày mồng Một tháng Tám năm 1307. Đó là một đêm lịch sử mà cả hai dân tộc không bao giờ quên. Không biết rằng Tiên Đế Chế Mân giờ đã ở đâu? Nếu Ngài có đoái nhìn về cố quốc, cảm nhận được những điều mất mát quá to lớn cho dân tộc Chiêm Thành như thế này, liệu Ngài có an nhiên được nơi cõi Phúc chăng? Hay Ngài sẽ giúp con mình là Chế Chí để đòi lại châu Ô và châu Lý? Cả triều đình Chiêm Quốc ai ai nhìn nhau cũng châu sa lệ đổ và không biết đổ lỗi cho ai bây giờ. Nếu đổ lỗi cho Chế Mân cũng không phải, vì vận nước phải như thế. Nhớ lại thuở xa xưa từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13, 14 này một dải giang sơn của Chiêm Quốc trải dài từ Thanh Hóa đến Nha Trang ngày nay, nhưng đất đai của Chiêm Thành càng ngày càng thâu hẹp lại, qua bao cuộc chinh Đông phạt Tây của các vua Nhà Lý của Đại Việt và việc dâng đất mới đây làm sính lễ cho Huyền Trân Công chúa nên bây giờ đất Chiêm Thành chỉ còn ngự trị ở phía nam Quảng Nam chạy dài đến Lâm Ấp mà thôi. Điều này Chế Chí biết và sau này con của Chế Chí, cháu nội của Chế Mân là Chế Năng cũng rõ biết điều đó, họ quyết không chịu thua và quyết chí trả thù bằng nhiều cách khác nhau để rửa mối hận cho Tiên đế vừa mới băng hà.
Trên thuyền rồng đưa Hoàng hậu Paramecvari đi từ cửa Thị Nại ghé qua cửa Đại ở Hội An rồi Cù Lao Chàm và những cửa biển tiếp theo suốt đoạn đường đi dài cả hơn 1.000 cây số ấy. Lẽ ra nếu thuận gió Nồm thì chỉ cần có hai tháng là thuyền có thể cập bến gần Thăng Long, nhưng trời xui đất khiến như thế nào chẳng biết, nhiều khi thuyền trôi ngược chiều về đất Chiêm, dường như Tiên đế Chế Mân không muốn Hoàng hậu trở về lại Đại Việt, vì con thơ vẫn còn đó và bà vẫn còn được người dân Chiêm Quốc trọng vọng, nể vì. Trên thuyền nhiều khi không biết tâm sự cùng ai, nên có lần bà đã hỏi một cung nữ rằng:
- Nếu là con thì con sẽ xử sự như thế nào trong hoàn cảnh của bà?
- Lệnh bà hỏi gì khó quá! Con chỉ là nô tì tầm thường thôi. Xin lệnh bà hỏi người khác vậy.
- Ta vốn không có hai lòng, quyết chung thủy cùng chồng khi sống cũng như khi chết. Đấy là lời hứa trước thần Siva khi chúng ta cử hành hôn lễ.
- Nhưng việc ấy vốn không phải là quyết định của bà, mà chỉ là một tập tục, một lời hứa.
- Vâng! Đúng là một lời hứa, nhưng bây giờ thì người ta đã làm cho ta sai lời thề chung thủy ấy.
- Nhưng mấy ai chung thủy ở đời! Thưa lệnh bà!
- Không lẽ con người ai cũng vậy sao?
- Dĩ nhiên là không phải vậy, nhưng không thể loại trừ những kẻ có nhiều mưu kế và những toan tính tầm thường.
- Ý ngươi nói là…
- Thưa lệnh bà! Đó là những kẻ thừa lúc tối để trộm cướp và chờ lúc khổ đau thì tìm cách an ủi hững hờ, nhưng thật tâm của họ thì…
- Con nói gì, ta chẳng hiểu.
- Thưa lệnh bà, trước khi lệnh bà sang Chiêm Quốc làm dâu, Ngài Điều Ngự có lần đem Đại Trí Độ Luận ra dạy cho bà đấy. Lúc đó con hầu bà, con nghe lén và mãi cho đến ngày nay, con vẫn còn nhớ những lời này. Đó là: Việc của kẻ ác và của người hiền. Nếu chúng ta luôn thân cận và gần gũi người lành cũng giống như là chúng ta đi vào rừng trầm. Tuy chúng ta không bẻ một nhánh trầm nào cả, nhưng khi bước ra khỏi rừng trầm, thì mùi trầm hương vẫn còn phảng phất đó đây, trong nếp áo. Còn nếu chúng ta luôn gần kẻ ác, chẳng khác nào chúng ta đi vào trong chợ cá, chợ tôm. Tuy ta không mua tôm mua cá, nhưng khi rời khỏi những chợ này mùi tanh của tôm cá vẫn còn dính sót lại nơi nếp áo của mình.
- Nhưng đó là chuyện trong Kinh Điển của ngày xưa, còn ngày nay người ví dụ câu chuyện này để làm gì?
- Không lẽ lệnh bà không biết chủ đích của Thượng tướng? Ông ta là một người mà Hưng Nhượng Đại Vương ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì Ngài mắng phủ đầu. (Thằng này là điềm chẳng lành đối với nước nhà. Họ tên nó là Khắc Chung thì Nhà Trần rồi đây cũng sẽ mất vì nó chăng?)
- Nhưng ta nghe Thượng tướng Trần Khắc Chung cũng là một người tu Thiền với Thân Phụ ta. Ông đã có lần đề bạt cho tập “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục” vốn là Ông cậu của ta, do Pháp Loa biên tập và Phụ thân của ta phụ đính. Như vậy ông ta đâu phải là người xấu, nếu là người tệ hại thì anh ta là Anh Tông đâu có đề nghị ông ta sang Chiêm Quốc lần này để đi điếu và cướp ta về lại với Đại Việt như thế này!
- Dĩ nhiên là trong cái tốt bao giờ cũng có hàm chứa những cái xấu đi kèm và trong những cái xấu ấy cũng luôn ẩn chứa nhiều cái tốt trong đó. Lệnh bà cứ ẩn nhẫn chờ xem.
Sau khi nghe nữ tỳ trình bày như vậy thì Hoàng hậu mới nhớ đến những động thái của Thượng Tướng ở trên thuyền này, nhất là những lúc đêm thanh cảnh vắng khi nàng một mình ngồi tựa mạn thuyền để ôn lại những kỷ niệm của năm xưa khi cùng chồng mình là Chế Mân lúc lửa hương mặn nồng, thì ông ta đến gần và có ý nói bóng gió nhiều lời, nhưng bà không quan tâm. Bà tâm sự với người tỳ nữ: Ta nghĩ rằng ông là thế hệ của cha mình, làm quan cả mấy triều và danh vọng thật cao ngất trời xanh, tuổi đã lớn, còn ta chỉ xứng hàng con cháu thì quan tâm đến những việc nhỏ nhặt ấy làm gì. Vả lại theo tục lệ của Đại Việt cũng như của Chiêm Quốc, người con gái đã lấy chồng rồi thì phải thực hiện câu “Tam tòng, tứ đức” chứ ta đâu có phải là kẻ lang bạt giang hồ mà ông ta lại chẳng hiểu. Chồng ta bây giờ đã không còn thì ta vui chi với những lời hoa nguyệt, dầu cho đó là những người có tuổi tác bằng ta, hơn nữa chồng ta mới về chầu Tiên đế chưa giáp năm thì làm sao ta có thể vui riêng với lòng ta được. Ngay cả những việc hát xướng, ca ngâm ta vẫn chối từ không tham dự, và rồi còn con ta nữa, đâu có người mẹ nào nhẫn tâm xa con không một lời từ giã mà không muốn gặp lại con đâu. Ngoài ra Phụ hoàng của ta là một bậc tu hành đắc đạo, sẽ trách ta là không trọn đạo vợ chồng. Có lẽ ta sẽ đi xuất gia cho trọn cả hiếu lẫn tình, chứ nếu ta vẫn còn tiếp tục con đường thiên lý này thì cuộc đời của ta sẽ tan vỡ mất. Vả lại anh ta rất nghiêm khắc, thay thế Phụ hoàng để cai trị muôn dân và vào năm 1296 lúc ta còn nhỏ đã biết được rằng Thượng Phẩm Nguyễn Hưng chỉ có tội đánh bạc mà đã bị anh ta ra lệnh đánh chết vào tháng 3 năm ấy. Khi ấy Phụ hoàng ta đã đi xuất gia rồi. Lẽ nào Thượng tướng Trần Khắc Chung không nhớ những việc này.
- Biết là biết vậy! Nhưng cái tình là cái chi chi.
- Bởi vì nó là chi chi cho nên mối tơ vương này ta mấy đời mới gỡ được đây?
- Nếu lệnh bà không tự gỡ được, thì ai gỡ cho mình đây?
- Ngươi nói phải. Thôi đêm đã khuya, ta đi ngủ đây.
Sóng cứ vỗ vào mạn thuyền và giấc mơ vẫn kéo theo mãi cho đến khi Hoàng hậu nghe có tiếng gõ cửa và bà thuật lại cho nữ tỳ nghe rằng:
“Đêm qua ta nằm mơ, thấy mình làm Ni Cô, đầu cạo nhẵn, tay cầm tràng hạt, mình mặc áo nâu sồng và luôn ở bên cạnh Phụ Vương ta ở Am Mây Ngủ. Ngày đêm ta kinh kệ để nguyện cầu cho quốc thái dân an và cho chồng ta được vãng sanh về Phật quốc. Cứ thế và cứ thế cho đến khi con gõ cửa phòng của ta đó”.
- Thưa lệnh bà! Nhưng người đã có gia đình và con cái rồi, cũng có thể xuất gia sao?
- Ngươi không thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sao, Ngài cũng có gia đình con cái, sau đó Ngài rời cung cấm vào núi Hy Mã Lạp Sơn tu khổ hạnh và cuối cùng Ngài đã chứng thành đạo quả đấy! Và gần đây nữa không phải Phụ thân của ta cũng đã bỏ tất cả vào núi Yên Tử để tu và trở thành Sơ Tổ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam chúng ta hay sao?
- Nhưng lệnh bà còn đẹp lắm!
- Người xưa nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”, như vậy sự đẹp đẽ nó đâu có ý nghĩa gì, nó chỉ là sự chướng ngại của đường tu mà thôi.
- Nếu vậy thì lệnh bà sẽ theo giấc mơ này mà thực hiện ý định của mình?
- Tất cả đều do nhân duyên vậy. Chờ khi ta về đến Thăng Long, sau khi yết kiến Hoàng huynh và Mẫu hậu, ta sẽ lên Yên Tử Sơn để gặp Phụ Vương ta. Bây giờ chắc Người đã già lắm rồi và trên non cao Yên Tử ấy chỉ có rau rừng, nước suối và phương trời cao rộng với gió mây, chắc rằng cha ta đã có những ngày thật là an vui, nên mới có được những vần thơ như:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền
Có báu trong nhà thôi tìm kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền.
Phụ hoàng ta liễu ngộ tâm thiền đến độ này rồi, nếu ta xin xuất gia để trọn nghĩa hiếu tình, chắc rằng Người cũng không từ chối. Từ ông Nội ta là Trần Thái Tông, đến Ông cậu của ta là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Phụ hoàng của ta nữa, họ đã là những bậc xuất trần thượng sĩ từ chốn triều đình cho đến sự tu tập miên viễn và họ đã trở thành Tổ Sư của môn phái Trúc Lâm, lẽ nào khi ta xin xuất gia mà Phụ hoàng ta cản ngăn sao?
- Lệnh bà hãy bình tâm và chờ khi chúng ta đến kinh thành Thăng Long và phủ Thiên Trường rồi thì sẽ tính tiếp.
Đó là vào một ngày lành của tháng 8 năm 1308 Huyền Trân đã về đến Thăng Long, cả triều đình bá quan văn võ đều tung hô cung đón Hoàng hậu hồi quy mẫu quốc. Ai ai cũng lộ rõ niềm vui trên nét mặt. Sau khi gặp Mẫu hậu và Vua anh rồi, Hoàng hậu Paramecvari xin về lại phòng xưa an nghỉ.
Những ngày sau đó Hoàng hậu của xứ Chiêm Thành đến yết kiến Thái hậu Khâm Từ, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng như đến thăm Vua anh là Trần Anh Tông cũng như ông anh ruột khác là Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn. Đến đâu Hoàng hậu cũng được đón tiếp một cách long trọng và hỏi han đủ mọi việc ở Chiêm Quốc cũng như những ngày tháng lênh đênh trên biển cả, trước khi về lại Thăng Long. Nhưng giờ này với nàng Công chúa của Đại Việt thuở xưa muốn gặp ngay Phụ Vương đang tu hành trên núi Yên Tử, nên nàng đã tâu ý định này với Vua anh, và Vua Anh Tông đã chuẩn bị chuyến đi này cho Huyền Trân thật là chu đáo.
Đầu tháng 9 năm 1308 mùa Thu đã đến với núi đồi Yên Tử, nơi đây cây cối bạt ngàn và sắc lá thu đã bắt đầu đổi màu, trông thật là đẹp nhưng xen lẫn một chút ảm đạm. Trên cành những con chim non đang ríu rít ca hát như không để ý đến sự hiện diện của con người đang ở dưới mặt đất. Gió thu hây hây lay động khiến cho búi tóc của Huyền Trân đổ xòa trên hai bờ vai nàng, các cung nữ vội chạy lại búi lên, nhưng nàng khoác tay bảo để yên như vậy, biết đâu đây lại là một điềm lành khiến bảo nàng nên “buông xả”. Nàng biết rằng Phụ hoàng đang tu Thiền và chủ trương của Ngài lâu nay đã được nhiều người quan tâm đến, trong đó kể cả Ngài Pháp Loa là người được nối truyền tâm Thiền này. Nàng nhớ lại tuổi của Phụ hoàng cũng không lớn hơn Chế Mân là bao, nhiều khi có thể cùng trang lứa là khác. Chế Mân mất lúc gần 50 tuổi và Thái Thượng Hoàng Nhân Tông năm nay cũng tròn 50 tuổi (1258-1308), cái tuổi đối với những bậc Quân vương như thế là thọ lắm rồi, vì lẽ ban ngày lo việc triều chánh, giải quyết không biết bao nhiêu việc khó khăn của triều đình và dân chúng; còn đêm về nơi hậu cung không biết bao nhiêu chuyện phiền toái của các giai nhân, mỹ nữ khiến cha ta phải đau đầu. Tuy ông đã giác ngộ và xuất gia từ năm 1294, nghĩa là cách đây hơn 12 năm về trước, sau hai trận đại thắng quân Nguyên Mông vào năm 1285 và 1288, nhưng năm ông sinh ra cũng là năm mà Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất và năm này Ngài cũng nhường ngôi cho Nội Tổ của ta là Thánh Tông lên ngôi Hoàng Đế. Tất cả những niên đại trong lịch sử Nhà Trần này đều gắn liền với vận nước, lúc thịnh cũng như lúc suy. Lúc dân tộc và đạo pháp suy vi thì vua tôi cũng như Phật giáo cùng chịu chung số phận ấy và cố gắng phát huy tinh thần nội tại cao hơn, để khi ngoại xâm từ phương Bắc đến, thì có cơ hội để hợp lực cùng nhau đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi nước Nam. Những khi thắng trận như thế vua tôi Nhà Trần này không tự kiêu, tự mãn mà biết “an bần lạc đạo” nên đã tìm đường đến các chùa xưa cổ ở Bắc Ninh để xuất gia rồi lần dò đến Yên Tử để thâu thần tịch diệt. Đó là hảo ý của người xưa, còn người đời nay đa phần bị danh lợi, tiền tài chi phối, nên Huyền Trân rất chán cảnh phú quý vinh hoa giả tạo này và nàng cố tìm tòi nơi nội tâm mình những điều cần phải làm là gì…
Đang suy nghĩ đến đó thì bỗng dưng có tiếng động từ trên cao vang dội lại, Huyền Trân ngẩng mặt lên thì thấy một chú Tiểu đồng, đầu cạo nhẵn chỉ còn chừa lại một chùm tóc ở phía trước, trông thật ngộ nghĩnh và dễ thương, khiến cho nàng phải nhớ đến Chế Đa Đa, không biết bây giờ đã ra sao rồi, sau gần một năm mẹ con xa nhau cách biệt, không có tin tức nào đáng tin cả. Nàng hỏi chú Tiểu:
-Tại sao Chú biết ta lên núi mà xuống tận dưới này?
- Ai lại không biết lệnh bà! Là một Công chúa của Đại Việt đi lấy chồng ở Chiêm Quốc, sau đó thành Hoàng hậu do Chế Mân ban cho và bây giờ tiểu Tăng này nên gọi là lệnh bà, Công chúa hay Hoàng hậu?
- Việc này đâu có quan trọng gì, điều ta muốn hỏi Chú là Phụ hoàng ta đang ở đâu, ta muốn gặp liền, Chú có giúp cho ta được chăng?
- Muôn tâu! Dạ quên – thưa… thưa nữ cư sĩ, Điều Ngự Giác Hoàng đang chờ tín chủ ở Ngọa Vân Am đó.
- Có phải am năm xưa mà ta đã đến đây?
- Tín chủ đến lúc nào, Tiểu Tăng này đâu có biết.
- À ta quên, lúc ấy Phụ hoàng ta mới xuất gia đầu Phật, nên chưa nhận Chú làm Đệ tử, thì làm sao Chú biết được. Thôi ta hãy cùng đi.
Đến trước thềm Ngọa Vân Am, Huyền Trân phủ phục trước Giác Hoàng Điều Ngự, đảnh lễ ba lạy rồi tự tình thưa.
- Thưa Đại sư! Đây là đứa con bằng xương bằng thịt của Đại sư đã từ Chiêm Quốc về lại Thăng Long được mấy hôm, nay con đến đây để diện kiến Ngài.
- Ôi! Thế sự phù du!
- Vậy ra Ngài đã rõ mọi ngọn ngành?
- Dĩ nhiên là mọi việc ta đều được tâu báo, nhưng có mấy điều ta muốn hỏi riêng con.
- Mô Phật! Xin Ngài cứ tự nhiên.
- Cách đây mấy năm ta thăm viếng Chiêm Quốc đến 9 tháng và trong thời gian ấy Chế Mân đã hướng dẫn ta đi khắp nơi trong Chiêm Quốc. Còn con, sau khi về làm dâu xứ ấy, con đã sống như thế nào và con đã được đi đến đâu?
- Mô Phật! Bạch Ngài! Chế Mân là một người chồng tốt, thương vợ thứ còn hơn vợ cả nữa. Lúc nào chàng cũng nhắc đến đức hạnh của cha, nhất là khi chàng trùng tuyên lại Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” mà cha đã dạy cho dân chúng, không sai một mảy may nào. Nhờ vậy mà dân Chiêm Thành sống rất đạo đức. Con còn được đi thăm Tu Viện Đồng Dương nữa. Đây là một kinh đô cũ ở miền rừng núi của Quảng Nam, cũng còn gọi là Mỹ Sơn. Nghe kể lại vào thời Vua Indravarman Đệ nhị, Ngài là một vị vua sùng bái Đạo Phật, vì thế vào năm 875, Ngài đã cho xây một Phật Học Viện vĩ đại tại đấy và còn lấy tên là Laksmindra-Lokesvara. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Champa, có vô số kinh điển Phật học và nhiều nhà Sư nổi tiếng người Ấn Độ đến trụ trì tại trung tâm này. Nghe nói ngày trước cha cũng đã đến nơi đây?
- Đúng vậy! Ta muốn nghiên cứu thêm tiếng Sanskrit và tiếng Pali, vì ở quê hương Đại Việt lúc đó chưa phổ biến nhiều. Trong khi đó tại Phật Học Viện hay nói đúng hơn là Tu Viện Đồng Dương này có rất nhiều nhà Sư giỏi về Phật Học và Phạn ngữ cũng như Pali.
- Bạch Ngài! Giữa một Tu Viện và một Phật Học Viện khác nhau như thế nào?
- Tu Viện là nơi vừa học và những người xuất gia cũng có thể trú ngụ tại nơi đó, nên gọi là một Tu Viện. Còn Phật Học Viện là nơi chỉ chuyên dạy học, đào tạo, chứ không có người ở lại đó qua đêm sau khi học. Tuy nhiên sau này vì phương tiện cho những vị Tăng Sĩ ở xa không về lại chùa mình được, cho nên nhiều Phật Học Viện cũng có cho Tăng Ni sinh ở thường trú tại đó.
- Hôm nay con có nhiều điều trăn trở. Kính mong Ngài giúp con sáng tỏ vấn đề.
Việc thứ nhất là con được Vua anh cũng như Thượng tướng Trần Khắc Chung cho đón con về lại Đại Việt, vì sợ con bị thiêu sống cùng chồng, nhưng việc ấy đã chẳng xảy ra tại Chiêm Quốc, mà nay con bị đưa lên thuyền để hồi cố quốc như thế này, biết đâu nay mai Chế Chí, con của Chế Mân sẽ đem quân sang đánh nước ta để đòi lại châu Ô và châu Lý, vì chúng ta đã bội ước lời giao kết ngày xưa. Không biết điều ấy có xảy ra chăng?
Việc kế tiếp, con đã suy nghĩ kỹ càng trước khi thưa cha việc này. Đó là con muốn thế phát xuất gia để tìm đường giải thoát cho chính mình. Con xin chờ ý kiến của Phụ thân.
Điều Ngự Giác Hoàng sau khi trầm ngâm một lúc, đoạn Ngài từ tốn bảo:
- Cả hai việc đều là vấn đề hệ trọng cho bây giờ và mai hậu. Ngày xưa sau khi xuất gia, ta đã sang Chiêm Thành chỉ với một mục đích duy nhất là đi vào nhân gian và dạy đạo cho nhân gian để cho họ biết đâu là nẻo chánh đường tà để họ lánh dữ làm lành, tu tập theo thiện pháp và khi đến được đất Chiêm, sau khi gặp Chế Mân, ta rất có cảm tình, nên đã hứa gả con cho y và lúc ấy con mới 14 tuổi. Ta nhận diện được con người anh hùng ấy, nên mới đem con là “lá ngọc cành vàng” của triều đình Đại Việt gả cho Chế Mân. Thiết nghĩ điều ấy ta chẳng lầm, nhưng sau khi lễ cầu hôn vào năm con 18 tuổi, ta được biết ông của con, rồi anh con và nhất là Thượng Tướng luôn đòi hỏi họ phải giao nộp đất đai để làm sính lễ cầu hôn thì mới được đón con về Chiêm Quốc. Vì lẽ qua lời của ta giới thiệu, Chế Mân rất thương yêu con, mặc dầu cả hai chưa gặp nhau trước khi hôn lễ cử hành nên đã hy sinh, bất chấp sự can ngăn của triều đình Chiêm Quốc đã đồng ý cống nạp cũng như sáp nhập hai châu ấy vào đất đai Đại Việt của ta. Nay việc ấy đã qua rồi, nhưng chẳng may chồng con mất sớm. Anh con và Thượng Tướng lại có ý rước con về lại Đại Việt. Như vậy cuộc hôn ước trước đây, chính chúng ta đã bội phản lại họ, chứ họ đâu có tội lỗi gì và việc Chế Chí, con của Chế Mân chắc chắn một ngày nào đó sẽ mang quân sang Đại Việt, lúc ấy chắc ta cũng không còn để mà cản ngăn việc này, vì ta đã lớn tuổi rồi.
Còn việc thứ hai con cũng nên chín chắn suy nghĩ lại và con hãy ôn lại cuộc đời của Đức Phật để tự tin rằng mình sẽ làm được gì trong hiện kiếp và các kiếp lai sanh. Khi Đức Phật thành đạo rồi, Ngài liền nghĩ đến Vua Tịnh Phạn và Hoàng tộc Thích Ca tại xứ Ca Tỳ La Vệ. Sau đó Ngài đã trở lại kinh thành trong không khí hòa vui của dân chúng và nhất là Tịnh Phạn Vương cũng như Công chúa Da Du Đà La. Điều làm Vua Tịnh Phạn không vui là Đức Phật sống đời phạm hạnh, an bần lạc đạo, sống nhờ vào của tín thí cúng dường, nhưng cuối cùng với trí tuệ cao viễn của Đức Phật, Ngài đã chinh phục cả Đức vua cho đến Hoàng thân quốc thích họ Thích Ca. Đầu tiên là Nan Đà xin xuất gia, sau đó là A Nan. Chỉ có Đề Bà Đạt Đa là người anh em họ ngỗ nghịch, lúc nào cũng muốn đối chọi lại với Đức Phật. Dĩ nhiên do nghiệp lực nhiều đời sai xử, nhưng bà mẹ Mangala đã ảnh hưởng những đức tính xấu xa, ganh tị, giúp cho Đề Bà Đạt Đa không ít. Đức Phật đã rõ biết điều này cả nhưng Ngài vẫn im lặng. Ngay cả lần đầu tiên khi Đức Phật về lại kinh thành, Da Du Đà La và Ma Ha Ba Xà Ba Đề cũng có ý xuất gia, nhưng thuở ấy Phật chưa chấp nhận. Còn bây giờ thì lại khác, như con thấy đó từ Ông cố đến Ông nội, Ông cậu và cả ta nữa cũng có nhân duyên với Phật Pháp từ bao đời nay nên mới bỏ ngôi vua quyền quý đi xuất gia học đạo và nay con muốn thế phát xuất gia sau khi đã trải qua biết bao nhiêu cay đắng và thử thách của cuộc đời, làm sao ta không mở cửa phương tiện được. Con hãy nghe tiếp đây.
Ông Cố nội của con là Ngài Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã chán ngấy cảnh cung son và Trần Thủ Độ vì nhiều lý do, chắc con đã rõ rồi, nên Ngài mới tìm vào núi Yên Tử lúc đêm khuya để gặp Quốc Sư Phù Vân để xin xuất gia học đạo. Lúc đó Ông của con chỉ muốn làm Phật chứ không muốn là vua, nhưng cuối cùng phe của Trần Thủ Độ mạnh quá nên Quốc Sư khuyên Ông cố nội của con nên trở lại cung son để chăn dân trị nước. Đức Ông nghe lời và cả 20 năm ở cung cấm trong thời gian từ năm 1238 cho đến 1258, Ông Cố Nội của con ban ngày lo việc triều chánh, còn ban đêm chỉ chong đèn đọc sách, cho nên quyển Thiền Uyển Tập Anh và quyển Khóa Hư Lục mới được biên soạn ra đấy! Quả thật là một con người tuyệt vời. Đến Ông nội con lên ngôi từ năm 1258 đến năm 1278 cũng 20 năm, nhưng trong 20 năm ấy yên bình không có giặc giã và Ông nội con tuy không đi xuất gia học đạo, nhưng cũng đã hưởng một gia tài phước báu từ Tiên đế quá nhiều nên nước nhà mới được thịnh trị như vậy.
Đến phiên Ông cậu của con là Tuệ Trung Thượng Sĩ, cũng là Thầy dạy đạo cho ta đã có câu nói bất hủ, mà trong Thiền gia cũng như ngoài nhân gian vẫn còn truyền tụng cho đến ngày nay: “Phật không phải là anh, anh không phải là Phật, Phật không muốn thành anh, anh không muốn thành Phật; Văn Thù là Văn Thù giải thoát là giải thoát”. Ông cậu của con cũng đã cùng ta chiến thắng quân Nguyên Mông nữa. Ông vừa là một nhà tu mà cũng là một quân sư đại tài.
Đến phiên ta sau khi đại thắng quân Nguyên Mông hai lần vào năm 1285 và 1288, ta thấy đời vô thường quá, chẳng có gì là chắc thật hết ngoại trừ cái chết. Cho nên vào năm 1293 ta đã nhường ngôi cho Anh con là Anh Tông và sau đó đến chùa Thiên Phúc để xuất gia. Trong hai cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông này nếu không có Ông ngoại Trần Hưng Đạo Đại Vương của con làm chủ soái, thống lĩnh quân đội thì chắc rằng ta cũng chẳng làm được gì cả. Tuy Ông con không tin Phật nhiều như Ông cậu Tuệ Trung Thượng Sĩ hay mẹ con là Khâm Từ Hoàng hậu, nhưng cũng là những bậc lương đống của triều đình và Phật Pháp. Nếu không có họ, người xuất gia trong thời đại này cũng gian nan lắm đó!
Bây giờ tuổi ta đã lớn, chắc không còn sống được bao lâu nữa nên ta có mấy lời khuyên con, nếu sau này con có xuất gia học đạo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ Đề, Ngài quán Nhân Duyên và biết điều gì nên làm và điều gì chưa nên làm. Do vậy mà giáo lý mới có cao và thấp hay trung đạo khác nhau là vậy. Nhưng tựu chung thì giáo lý của Ngài khi truyền dạy có thể gặp phải một trong ba hạng người sau đây:
Hạng người thứ nhất nghe xong rồi hiểu, hiểu rồi thực hành và sau khi thực hành xong thì chứng được đạo quả giác ngộ giải thoát.
Hạng người thứ hai nghe xong lại hiểu, hiểu xong chẳng thực hành và cuối cùng là không chứng được đạo.
Hạng người thứ ba là nghe xong rồi chẳng hiểu gì cả, vì chẳng hiểu nên chẳng thực hành và cuối cùng là chẳng chứng được đạo quả nào cả.
Nhưng tin và hiểu như thế nào vào giáo lý của Đức Phật để đạt đến giác ngộ giải thoát? Lại có 3 cách để giải quyết việc này.
Đầu tiên là cứ tin tuyệt đối vào lời dạy của Đức Phật, sau đó thực hành một cách miên mật, mặc dầu chẳng hiểu gì cả.
Kế tiếp là lý giải cho thật thông suốt về những lời dạy của Đức Phật, sau đó tin và thực hành. Cuối cùng sẽ được an lạc giải thoát.
Điều thứ ba là ta tin một cách chân chính, thực hành một cách miên mật, sáng suốt trong nhiều đời, đến một lúc nào đó tự nhiên ta sẽ tỏ ngộ được giáo lý chân chánh này và sẽ chứng thành đạo quả.
Nhưng dẫu có là Nam Truyền, Bắc Truyền hay Kim Cang Thừa đi nữa thì những lời dạy đầu tiên của Đức Phật như Tứ Diệu Đế và 37 Phẩm trợ đạo sẽ không khác nhau, mà còn là căn bản của Đạo, chúng hỗ tương vào nhau để nâng cao nhận thức và việc chứng đạo của mỗi hành giả khi thực hành giáo lý của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Ba Mươi Bảy phẩm ấy như sau:
- Tứ Niệm Xứ
- Tứ Chánh Cần
- Tứ Như Ý Túc
- Ngũ Căn
- Ngũ Lực
- Thất Bồ Đề Phần
- Bát Thánh Đạo Phần
Hôm nay ta chỉ cố gắng nói cho con nghe về “Tứ Niệm Xứ” mà thôi. Còn những điều còn lại con sẽ tự tìm hiểu, hoặc giả phải trực tiếp hỏi Thầy của con trong tương lai.
Vậy “Tứ Niệm Xứ” là gì? Tứ là bốn, Niệm là nhớ nghĩ đến và Xứ là nơi chốn. Bốn loại này gồm có:
Quán thân bất tịnh
Quán tâm vô thường
Quán pháp vô ngã
Quán thọ thị khổ.
Quán có nghĩa là xem xét. Xem xét ở đây nó chẳng có nghĩa bình thường như nhìn một vật bằng mắt rồi lờ đi, khi vật ấy trôi qua khỏi tầm mắt của mình, mà phải thực nghiệm nhìn thật sâu, hiểu thật rõ điều mình muốn quán tưởng đến. Quán này dùng bằng trí chứ không phải chỉ thuần là cái thấy bình thường. Chúng ta sẽ dùng trí tuệ để phân biệt đúng, sai, phải, trái, chân, giả v.v… Mình phải nhìn vào sự thật và cái nhìn ấy phải có chánh kiến. Như con biết đó, chúng ta nhờ phước báu nhiều đời của Tổ tiên nên được sinh ra trong dòng dõi vua chúa, chúng ta được sống trong nhung lụa với chăn ấm, nệm êm, phú quý vinh hoa, nhưng con phải biết rằng ngoài trời bao la kia đang có không biết bao nhiêu người bị lạnh giá cơ hàn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Họ cũng giống như mình. Chúng ta dầu thân này có được thoa son giồi phấn, ướp xạ xông hương đi nữa, thì chúng cũng chỉ là những tấm thân dơ bẩn mà thôi. Bên ngoài chúng ta khoác lên những lụa là gấm vóc, vàng bạc đá quý v.v… nhưng tất cả những thứ ấy không phải là ta mà cũng không phải là của ta, ta đã vay mượn của người khác, thuế má của dân để làm nên cái tự ngã cho chính mỗi con người quyền thế này, rồi chúng ta cho đó là ta và của ta, nhưng trên thực tế khi quán thật sâu như vậy, chẳng có cái gì được gọi là ta cả, ngay cả tấm thân ngũ uẩn này.
Tấm thân này được cấu tạo bởi bốn loại đất, nước, gió, lửa và khi bốn loại này hòa hợp, nó tạo thành năm chỗ che đậy như sắc, thanh, hương, vị, xúc hay sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi thứ có một nhiệm vụ khác nhau, khi hợp thì nó tụ tập lại, khi nhân duyên đã mãn thì nó tan ra, di chuyển đến nơi khác để tạo thành một vòng quay như thế nữa.
Không có cái gì sạch sẽ cả, cho nên gọi là bất tịnh. Nếu sạch thì gọi là thanh tịnh. Mà thanh tịnh ấy từ đâu mà có, nếu không phải từ bất tịnh mà ra? Hạnh phúc cũng như thế. Hạnh phúc không có thật. Hạnh phúc chơn thật là sự nhận chân thật rõ ràng từ sự bất hạnh trong cuộc sống mà ra. Tất cả đều do quan niệm và sự cảm thọ mà có. Lạnh, nóng, mừng, vui, giận, hờn, oán, ghét, thương, yêu v.v… tất cả chỉ là những sự cảm thọ mà thôi. Vì ta không làm chủ được chúng và ta không biết quán sát thật sâu về ý nghĩa này cho nên chúng ta bị nó đánh lừa. Sắc đẹp cũng vậy thôi! Con thấy đó! Ngày xưa con là “lá ngọc cành vàng”, “con vua cháu chúa”; còn bây giờ ở tuổi ngoài 20, con đã trải qua bao nhiêu sự khổ não với chồng, con, với mọi người chung quanh mình. Như vậy cái đẹp ấy đâu có làm mình khỏi khổ đau, mà nếu không khéo chúng sẽ mang ta vào chốn tục lụy muôn đời. Thân này nhìn cho thật kỹ từ mắt, tai, mũi, lưỡi, tim, óc, nước đờm, nước dãi, những chất thừa thải ra ngoài v.v… đâu có loại nào có thể dùng liền lại được, chỉ có những con vật ở đẳng cấp thấp hơn, cho đó là ngon nên nó dùng lại vật thừa thải đó, nhưng đó cũng chỉ là những cảm thọ mà thôi, như cá thấy nước, giống như nhà của nó, nhưng con người thì không thể sống mãi trong nước được. Chư Thiên sống ở thượng giới, ít thấy cảnh khổ đau hơn loài người, nếu đổi cho loài người lên cảnh giới của chư Thiên để ở hay ngược lại chư Thiên xuống làm người thì họ sẽ không thích nghi với môi trường sống này được. Những gì chúng ta cho là ngon, chúng ta ăn vào miệng rồi nuốt xuống bao tử, thải ra nơi ruột non rồi ruột già thành phân hôi thối. Ngày mai khi những chất này được tống khứ ra khỏi cơ thể này chúng ta còn không dám nhìn lại, làm gì có chuyện dùng lại những món ấy. Thế đấy! Ngày hôm qua chúng ta cho là ngon, mà bây giờ thức ăn kia lại trở thành vật ghê tởm như vậy.
Rồi tóc, râu, cứt ráy, ghèn, mủ v.v… tất cả đều ở trong thân của ta và cả bao tử này nữa, hằng ngày ta đã chứa đựng không biết bao nhiêu là đồ dơ tanh hôi bẩn thỉu từ động vật và thực vật mà chúng ta đã đầu tư vào. Chúng có thể giúp chúng ta sống tốt hơn, mà chúng cũng có thể làm cho chúng ta chết đi lúc nào không hay biết. Do vậy những thứ bất tịnh này ta phải quán thật sâu để chúng ta nhàm chán thân này. Chúng ta tu hành làm sao phải chứng được một thân Kim Cang bất hoại. Đó là điều quý hóa, còn thân thể vật lý vốn được cấu tạo bởi những chất bị che khuất này thì một ngày nào đó ắt sẽ bị tan rã. Chắc chắn là như vậy. Tuy là vậy, nhưng nếu không có một thân ngũ uẩn này thì ta cũng không thể đạt được đạo giác ngộ giải thoát. Ngày xưa khi Đức Thế Tôn còn tu khổ hạnh trong núi Hy Mã Lạp Sơn, mỗi ngày Ngài chỉ dùng một hạt mè và một ít nước, sau sáu năm liên tục như vậy Ngài nhận thấy rằng, không thể có một tinh thần minh mẫn trong một thân thể đói khát được, nên Ngài đã chọn ra con đường Trung Đạo để thực hành. Điều này có nghĩa là chúng ta cũng không nên chiều chuộng thân thể này quá mức, mà chúng ta cũng không nên hủy hoại chúng, khi mà đạo quả của chúng ta chưa thành tựu.
Bây giờ đến quán tâm vô thường. Tâm là một biểu tượng của sự hiểu biết không có hình tướng. Thân thể chúng ta còn có thể thấy được và nhận biết ngay việc dơ sạch, nhưng tâm thì làm sao để nhận biết mà nghĩ rằng nó là vô thường? Vô thường ở đây là không thường hằng. Vậy thì cái gì luôn hằng hữu với sự suy nghĩ của mình? Đó là chơn tâm hay vọng tâm? Vọng từ đâu sanh ra và chơn từ đâu mà có? Ta đi tìm tâm thì không thấy tâm ở đâu cả, nhưng ta biết chắc rằng ngoài thân này, tâm khó tồn tại; nếu không có thân thì tâm nương vào đâu để diễn tả ý nghĩ của mình? Vậy trong cái này nó có chứa cái kia và trong cái kia lại có tồn tại cái này. Cho nên Ngài Dogen, một Thiền sư phái Tào Động của Nhật Bản có nói rằng:
Kino naka ni hana ga aru
Ishi no naha ni hi gaaru
Nghĩa:
Trong cây có hoa
Trong đá có lửa
Nghe đơn giản quá phải không con? Nhìn một cây vào mùa Đông, chúng ta thấy nó trụi lá trơ cành, nhưng khi Xuân sang thì hoa lá trổ ra từ thân cây ấy. Vậy khi Đông đến, hoa ấy ở đâu mà khi Xuân sang hoa kia lại đâm chồi nảy lộc? Lửa cũng vậy, bình thường nhìn những viên đá chúng ta thấy nó không có gì cả, nhưng nếu đem hai viên đá cọ sát vào nhau thì chúng ta thấy có lửa phát sanh. Vậy lửa ấy chắc không phải từ ngoài vào mà phải từ trong, nhưng tại sao bình thường lại không phát sinh, mà chờ cho khi cọ sát vào nhau thì lửa mới sinh?
Hoa và lửa kia có thể ví như tâm mình được chăng? Khi nào thì Phật tâm phát khởi hiện hình và khi nào tâm ác hiện hữu? Và làm sao để khử trừ được những tâm ác hại kia đi? Đây chính là pháp tu và những pháp dừng tâm thì Phật đã dạy nhiều lắm rồi, chỉ có chúng ta không chịu thực hành đấy mà thôi! Có nhiều người nói rằng “Phật tại tâm”. Điều ấy hẳn không sai, nhưng làm sao để cho cái tâm ấy hiện hữu, phát khởi biến thành tâm Phật giống như hoa ra khỏi thân cây, lửa hiện hữu ngoài cục đá kia, để chứng minh cho mọi người thấy rằng tâm ấy là có thật. Nhưng trong thực tế thì tâm này nó không giản đơn chút nào cả. Khi vui, khi buồn, khi giận, khi hờn, khi nóng, khi lạnh v.v… tâm này nó đâu có chịu ở yên một chỗ, nó vui, buồn, giận, hờn theo những gì mà thân chúng ta đang sở hữu. Cho nên Đức Phật dạy rằng: Tâm này vô thường là vậy. Nó cũng giống như hoa sen, tuy từ trong bùn dơ nước đọng, nhưng khi trổ hoa, sen thơm ngát lạ thường. Đó là Phật tánh, là chơn như, là trí tuệ vậy. Những thứ này không phải từ trên không trung đưa đến, cũng chẳng phải từ một cõi nào bay lại, mà nó phát xuất ngay từ trong chốn bùn dơ nước đọng ấy. Nếu ta quan sát thật kỹ, mình sẽ thấy chính mình. Nếu không là vậy thì suốt đời ta mãi đi tìm cầu mà không thấy ông chủ ở đâu cả.
Đức Phật dạy tiếp về phép quán thứ 3 đối với các pháp đều không có một cái ngã thực tế tồn tại. Đây cũng là bài học mà Ngài A Thuyết Thị (Ashita) đã truyền đạt lời Phật dạy cho Ngài Xá Lợi Phất và khi Ngài Xá Lợi Phất nghe được điều này, Ngài đã chứng được quả Dự Lưu. Đó là:
Các pháp đều do nhân duyên sanh
Các pháp đều do nhân duyên diệt
Tự tánh của các pháp là không.
Thuyết “Duyên Sanh” là thuyết rất quan trọng trong Phật giáo. Cái này sanh nên cái kia sanh. Cái này diệt nên cái kia diệt. Sự còn và mất của các pháp chỉ là sự biến đổi cho thích hợp với hoàn cảnh, với không gian và thời gian của vạn pháp, chứ nó không không mà cũng không có. Phải hiểu rõ tự tánh của vạn pháp vốn không có thật tướng, vì cái gì có hình tướng đều bị vô thường và khổ chi phối. Cho nên tướng thật của các pháp là không tướng. Từ cái không nó biểu hiện ra cái có. Ví như luồng gió tự nhiên biến thành trôn ốc, mắt chúng ta vừa thấy rõ ràng đấy, nhưng thoạt một cái, nó đã biến mất. Vậy nó đi về đâu? Nó còn hay nó mất? Nó chỉ thay ngôi đổi chỗ mà thôi. Nó luôn hiện hữu nhưng ở nhiều dạng thái khác, không nhất thiết chỉ nằm nhất định trong một điều kiện nào đó. Đức Phật cũng từng dạy rằng: Vô ngã là Niết Bàn. Thật vậy! Niết Bàn không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái hoàn toàn dứt sạch mọi trần cấu của thế gian này. Trạng thái ấy không còn chấp thủ, chấp ái và chấp ngã nữa. Nếu ai đạt được trạng thái ấy, người đó mới là một Phật tử chơn chánh, kể cả người xuất gia lẫn tại gia đều nên cố gắng quán sát đề mục này cho thấu đáo vậy.
Bây giờ đến đề tài quan sát thứ tư đó là: Quán thọ thị khổ. Thọ ở đây là cảm thọ. Tất cả đều có cái khổ đi kèm. Ví dụ như khi mắt nhìn thấy sắc, cho là đẹp, vì người kia hợp với cái nhìn và cái chấp thủ của mình, nhưng cũng người đó mà con khỉ hay con cọp nhìn thì người kia sẽ trở thành một sự cảm thọ khác rồi. Với con người thì sắc đẹp kia sẽ đáp ứng cho cái dục của hai con người và sự so sánh giữa người này với kẻ kia và mình cho rằng đẹp, nhưng rồi cái đẹp này nó cũng không dừng lại ở đó. Nó sẽ bị thời gian và không gian chi phối, nó sẽ già và sẽ xấu đi. Như vậy sự cảm thọ về sắc của những năm về trước, so với bây giờ nó khác xa nhiều lắm qua sự phân biệt bởi nhãn quan của mình. Do vậy cái thấy này nó không thường và sự cảm thọ của cái thấy này nó nằm ở dạng chấp thủ, vì lẽ mình cho là đẹp, còn kẻ khác thì không, hoặc biến đổi, hoài nghi, không thấy rõ được chân thực tướng của sự nhận biết của việc cảm thọ kia.
Cảm thọ của tai cũng thế. Ta cho rằng nhạc Đại Việt hay, vì mình là người Việt Nam, nhưng người Chàm dĩ nhiên là họ khó chấp nhận. Ngược lại người Việt mà nghe âm nhạc của Champa thì sao? Bởi vì lấy chấp thủ làm chính cho nên cả người Việt lẫn người Champa không thể thấy được cái tánh của âm nhạc, mà chỉ chấp vào cái tướng nghe mà thôi. Đó là sắc tướng và âm thanh khi cảm thọ. Còn mùi vị hương thơm, sự va chạm cũng như các pháp cũng giống như trên thôi. Tất cả đều do chấp thủ và chấp ngã mà ra. Nếu dùng chữ “tùy duyên” như trong bài Cư Trần Lạc Đạo của ta để hiểu, thì con sẽ rõ tại sao nó như vậy và ta phải đối cảnh như thế nào, khi tâm ta bị những cảm thọ nó chi phối. Nếu biết nguyên nhân của sự khổ rồi thì việc diệt khổ không khó. Chỉ trừ những kẻ nào chỉ nói biết, mà thực tướng của vạn pháp không rành thì đời đời kiếp kiếp sẽ mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, còn sự giải thoát khỏi khổ đau triền phược thì còn lâu lắm. Nếu kiếp này không xong, phải chờ đến kiếp khác, mà kiếp khác liệu ta có thể tái sinh lại làm thân người được chăng? Nếu không được thì bao giờ chúng ta mới có cơ duyên liễu ngộ được đạo? Cho nên sau khi con nghe phần đầu của 37 phẩm trợ đạo này rồi, con nên cố gắng tìm hiểu những phần còn lại nơi những vị Pháp Sư khác, nếu con có ý chí xuất trần. Giờ ta đã lớn tuổi và ngày về với Phật chắc không còn xa, con hãy chọn một vị Thầy để quy y Tam Bảo, sau đó hãy “tùy duyên”, nhưng nếu con có đi tu thì đây am tranh này chính là chỗ nên dừng chân lại với một cuộc đời sóng gió như con sau bao nhiêu năm thăng trầm trong cuộc sống, mà giờ đây chồng cũng không còn, con thơ thì chẳng biết nơi đâu mà tìm kiếm.
Từ xa xưa chắc con đã nghe và hiểu câu “Đất Vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” rồi, hôm nay ta sẽ giao phó cho con núi rừng Yên Tử này, nơi có Ngọa Vân Am và cũng chính là nơi mà năm xưa ta đã ngộ tâm Thiền. Do vậy nếu sau này đầy đủ nhân duyên thì con hãy về đây tu niệm. Đây cũng chính là hoài bão của ta vậy. Thời đại quân chủ này vua là trên hết. Tuy ta đã xuất gia đầu Phật từ hơn 10 năm nay, nhưng dân chúng và Phật tử vẫn quý mến nên tôn xưng ta bằng nhiều danh hiệu khác nhau như: Giác Hoàng Điều Ngự, Trúc Lâm Đại Sĩ, Phật Hoàng Trần Nhân Tông v.v… dầu họ gọi ta là gì đi chăng nữa thì ta vẫn là ta trong muôn thuở. Ta của núi rừng, của chim muông, của bao la vũ trụ. Cái ta ấy ta đã hòa quyện vào với trúc, với cây với cỏ, với suối, với trăng ở đây tự thuở nào rồi. Con hãy nhận nó làm lời di chúc nếu sau này ta đã theo Phật về Tây. Đất này là của con và của anh con, của dòng họ Nhà Trần này. Nơi nào người dân không làm chủ, thì nơi đó là của vua chúa. Núi rừng không có ai cai quản và không giới hạn bởi không gian, nên rừng núi bạt ngàn này là của con đấy. Hãy vui thú với cỏ cây nơi núi đồi này. Còn chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử này là do dân làng dựng lên, đây là một ngôi chùa nhỏ thôi, nhưng rất linh thiêng và bao nhiêu điều mầu nhiệm đã xảy ra tại nơi này. Còn phong cảnh ở đây thì quá hữu tình rồi. Cho nên có người khi lên thăm Yên Tử đã đặt cho cái tên là “Nam Thiên Đệ Nhất Cảnh”, quả điều ấy không ngoa chút nào. Giang sơn Đại Việt này có từ thời Hùng Vương dựng nước và kể từ đó đến nay cũng đã nhiều ngàn năm lịch sử rồi, tuy dân tộc ta đã bị Bắc phương đánh chiếm, chinh phục nhiều lần, nhưng dân tộc Lạc Việt này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay quả là điều hy hữu. Thôi con hãy về đi kẻo đường xa ngựa kéo khó đi, khi ánh thái dương đã lặn khuất về Tây chỉ trong chốc lát nữa đây thôi.
Huyền Trân Công chúa sau khi nghe Phụ hoàng Trần Nhân Tông giảng giải một cách cặn kẽ về lý vô thường và nhất là “Tứ Niệm Xứ” trong 37 phẩm trợ đạo, nàng như bừng tỉnh qua một cơn mê dài trong nhiều thế kỷ và nàng đã hồi tưởng lại quãng đời niên thiếu của mình, nếu lúc ấy đã đi xuất gia thì giờ này đâu phải chịu cảnh chia ly tang tóc như thế này, và chữ nếu này nếu biết sớm cũng như tự làm chủ được vận mệnh của mình thì có lẽ cái nghiệp ái này đã xoay chiều đi nơi khác rồi, chưa chắc gì đã xoay về phía Chiêm Thành làm chi để rồi bao nhiêu những hệ lụy vẫn còn vấn vương? Liệu rằng mối tơ vương này sẽ được cắt đứt, khi ta đã thế phát xuất gia chăng? Thôi việc này để ta sẽ trình lên với Mẫu thân ta, chắc Mẹ ta sẽ không từ chối.
Tiếng vó ngựa đã dừng ngay trước cổng Phủ Thiên Trường, lệnh bà từ từ được đỡ xuống bởi các cung nữ và khi Hoàng hậu Paramecvari ngước mắt nhìn lên thì thấy Thái Hậu Khâm Từ, mẹ của mình đã đứng đó chờ mình từ lâu rồi. Nàng vội thưa:
- Muôn tâu Thái Hậu! Con đã về.
- Con không khách sáo đó chứ? Con thấy Phụ vương con như thế nào sau mấy năm cha con không gặp mặt?
- Thưa Mẹ! Phụ hoàng vẫn như xưa, nhưng con thấy Người già đi nhiều so với thời gian và năm tháng. Tuy rằng mọi việc quan trọng của chính sự và triều đình, anh con đã thay thế đảm đang, nhưng dường như việc nước Phụ hoàng vẫn còn cưu mang khi sơn hà xã tắc cần đến sự góp ý của người. Còn giáo lý Phật Đà mà Phụ hoàng con chứng thực được, quả là điều vi diệu vô cùng. Con nghe hoài không thấy chán và nhận ra một trong nhiều chân lý nhiệm mầu vô cùng, đó là con đường xuất gia học đạo. Thưa Mẹ! Việc ấy con có thực hiện được không?
- Tại sao con lại ra nông nỗi này? Chồng mới mất, con trai lưu lạc nơi đâu, nay cũng chưa có tin tức, tại sao con lại có ý nghĩ như vậy?
- Thưa Mẹ! Chồng mà chi! Con mà chi! Giang sơn gấm vóc này Phụ hoàng còn bỏ lại sau lưng thì với con đâu có ý nghĩa gì.
- Để mẹ trình bày việc này với anh con thử xem sao.
Mấy ngày sau đó Vua Anh Tông và Huyền Trân Công chúa đã gặp nhau ở cung thành Thăng Long và hai anh em đã trao đổi với nhau một cách chân thành về mọi việc của hai nước, trong đó ý chí đi xuất gia cầu Thầy học đạo lại mãnh liệt hơn cả và bà đã tâu với Vua anh rằng:
- Như Hoàng huynh thấy đó! Sau khi Đức Phật về cung thành Ca Tỳ La Vệ để thăm Vua Tịnh Phạn. Da Du Đà La nghĩ rằng sau 7 năm chờ đợi, giờ người đã về và sẽ nối lại duyên xưa, nhưng không phải vậy, với lòng từ của Đức Phật, Ngài đã độ cho cả La Hầu La và Nan Đà cùng theo dấu chân của Ngài để xuất gia học đạo nữa. Da Du ngạc nhiên hết sức, nhưng với uy lực và trí tuệ của Đức Phật đã khuất phục nàng và hình như ngay lúc ấy, nàng cũng đã có ý xuất gia theo Phật. Còn muội muội này sau khi nghe Thượng hoàng thuyết giảng về vô thường, khổ, vô ngã v.v… muội muốn đi tu liền để cắt đứt bao nỗi oan khiên nghiệp chướng trong nhiều đời mà em đã vướng bận, không biết Hoàng huynh nghĩ như thế nào?
- Đi tu, tại sao phải đi tu?
- Đi tu để báo đền ơn sơn hà xã tắc và cho tất cả chúng sanh. Ý nghĩa này không cao cả và giải thoát sao? Tại sao một người nữ khi được sinh ra không dám thực hiện ý chí của một bậc đại trượng phu là lìa đời tìm đạo mà vướng chi vào chốn bụi hồng như muội này, Hoàng huynh thấy như thế có bất công chăng?
- Mẫu hậu nghĩ sao?
- Mẹ không quyết định mà bảo chờ ý kiến của Hoàng huynh.
- Nếu muội đã quyết định chọn một con đường cao cả như Thượng hoàng đã chọn cách đây hơn 10 năm về trước thì huynh cũng sẽ làm người hộ độ hết mình cho muội, dầu cho muội tu ở đây hay bất cứ nơi nào.
- Xin niệm ân Hoàng huynh đã tạo ra cho muội một cơ hội, một tia sáng ở cuối đường hầm, vì với muội cả tình lẫn hiếu khó bề trọn đạo, chỉ có con đường xuất gia mới có thể chấm dứt được nỗi băn khoăn này.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.107.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập