Trước khi đi vào kinh Bát-nhã, chúng ta sẽ thảo luận về những điểm liên quan. Ví dụ: thế giới là gì?
Người ta thường tưởng rằng, bên ngoài là thế giới, bên trong là tôi. Tôi và thế giới bên ngoài là hai thực tại khác biệt nhau. Không phải vậy, thế giới là gồm tất cả cái đang hiện hữu bên trong chúng ta với toàn thể cái hiện diện bên ngoài. Chữ Loka trong Pāli là thế gian, nó mang toàn bộ nghĩa này: bên trong cũng Loka mà bên ngoài cũng Loka. Nội tại và ngoại tại chỉ là một. Nếu có ai chưa rõ thì tôi xin được hỏi, cái gì ở bên ngoài? Bên ngoài có phải bên ngoài toàn bộ cái tôi đây không? Không phải, mình tạm nói, thế giới toàn bộ cái tôi và bên ngoài. Nhưng trên thực tế chẳng có gì là bên trong, chẳng có gì là bên ngoài cả. Tôi xin ví dụ: khi tôi nói cái tay rồi tôi đưa tay lên thì cái tay bỗng trở thành đối tượng của mắt, vậy nó là sắc, là thuộc lục trần. Mà lục trần thì nó đã trở thành bên ngoài mất rồi, phải không?
Bây giờ mình ví dụ cái tâm chứ gì? Tôi đang sân, tôi thấy cái sân. Vậy cái sân đã trở thành đối tượng của ý. Sân là pháp, đối tượng của ý cũng thuộc lục trần. Vậy thì sân bên trong đã chạy ra bên ngoài rồi. Vậy tâm cũng không phải bên trong. Thật ra chẳng có gì là trong, chẳng có gì là ngoài cả. Xin quý vị nhớ cho điều đó.
Tôi nói vậy không phải là lý luận. Đây là sự thật. Sở dĩ tôi nói thế là phá bỏ cái biết quy định về sự phân biệt trong ngoài.
Thế giới là gì? Thế giới là toàn bộ lục căn, lục trần và lục thức, tức là 18 giới:
Giới là lãnh vực riêng biệt.
Bây giờ chúng ta sẽ xem nó vận động như thế nào mà phát sanh lắm chuyện như vậy.
Pháp là một sự vận động liên tục, miên tục, luôn luôn mới lạ nên chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng với một cái nhìn tinh tường mới thấy nó được. Không phải chỉ đơn giản như ta viết lên bảng: “khi mắt thấy sắc thì một cái biết của mắt phát sanh, đó là nhãn thức”. Không máy móc như vậy. Con mắt nó cứ chớp chớp liên tục, có cái thấy nào của nó mà giống nhau đâu, phải không? Không phải pháp, khi mà nó đã “nhậm trì tự tánh” rồi, là nó cứ đứng yên một chỗ đâu. Nó luôn luôn uyển chuyển, biến đổi và sinh động. Thế đấy!
Trong kinh Bát-nhã có đoạn: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nãi chí vô ý thức giới.” Đó chính là 18 giới, là cái chỗ mà chúng ta đang xét sự vận động của nó đây.
Trong các bộ kinh chính thống của cả Nguyên Thủy, Tiểu Thừa và Đại Thừa đều chỉ nói sáu thức. Mãi đến 900 năm sau Đức Phật Niết-bàn, luận sư Thế Thân mới đề cập đến Mạt-Na Thức và A-Lại-Da Thức trong môn Duy Thức Luận của Ngài.
Ở đây tôi xin nói thêm một tí rằng, sở dĩ truyền thống Abhidhamma Nguyên Thủy không nói đến 2 thức này, vì không xem đó là những tâm riêng mà chỉ là những giai đoạn đóng vai trò tác dụng trong tiến trình của một tâm mà thôi.
Khi một tâm sinh khởi, luôn luôn sinh khởi theo một tiến trình. Trong tiến trình của tâm đó lại có nhiều yếu tố duyên khởi mang một tác dụng khác nhau. Mạt-na không phải là một tâm (thức) mà nó là một phần của Javana trong tiến trình tâm. Còn A-lại-da cũng không phải là một tâm (thức) mà chỉ là vai trò Tadālambana và Bhavanga ở cuối tiến trình tâm mà thôi. Điều này tôi sẽ xin trình bày kỹ trong những buổi hội thảo sau. Ở đây tôi chỉ xin lưu ý một điểm là khi xem Mạt-na như một tâm, người ta dễ lầm nó như một thành phần có sẵn, trong khi Javana có thể khởi, có thể không khởi tùy duyên, tùy mỗi người. A-lại-da cũng vậy, khi xem đó là một tâm, mà lại căn bản tâm nữa người ta dễ lầm với một bản thể luận thường kiến, và mặc dù luận sư đã cố tránh, người sau vẫn chấp lấy nó như là bản tâm, một ý niệm khác về Đại Ngã hay, linh hồn này bất biến. Đó là điều chúng ta cần phải lưu ý để khỏi rơi vào ngoại đạo tà kiến.
Trong kinh Lăng Nghiêm, khi có người hỏi làm thế nào để thoát ra khỏi những điều trói buộc. Đức Phật bảo lấy cái khăn, gút 6 gút, rồi dạy Ngài A-Nan: “Làm sao người ta có thể gỡ ra được 6 cái gút này?” Ngài A Nan đáp: “Bạch Đức Thế Tôn, mình gút như thế nào thì mình tuần tự gỡ ra như vậy thôi!”
Sáu cái gút ấy chính là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cột với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bằng sự trung gian của nhãn thức... ý thức. Nói là 18 nhưng thật ra chỉ có 6. Sáu cái này khi mà cột lại thì nó tùm lum hết trơn, phải không? Cho nên người ta nói là:
“Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện
Lục căn tài động thị vân già.”
Nếu mà lục căn mà bị vọng động, bị loạn lên một cái thì liền lập tức thế giới thân-tâm-cảnh bị mây vô minh, ái dục che phủ hết trơn. Còn nếu mặt trời tuệ mà sáng suốt chiếu soi thì: “Chơn giác vô công, căn trần hà tội?” Cái mà mình gọi là giác ngộ thì nó chẳng có công lao gì hết và cái căn trần (lục căn, lục trần) nó chẳng có tội lệ gì. Mắt tiếp xúc với sắc có tội gì đâu? Mắt tiếp xúc với sắc sở dĩ gọi rằng tội là vì do mình vọng khởi tùm lum mà thôi.
Bây giờ chúng ta cùng nhau xem xét sự vận động của thế giới ấy. Mình tạm coi thế giới ấy có bên trong và bên ngoài. Con người mình đây là bên trong và xung quanh là bên ngoài, tạm gọi là thế giới thân-tâm-cảnh đi cho dễ nói.