Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Thức tỉnh mục đích sống »» Chương 8: Khám phá không gian bên trong »»

Thức tỉnh mục đích sống
»» Chương 8: Khám phá không gian bên trong

Donate

(Lượt xem: 13.439)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Thức tỉnh mục đích sống - Chương 8: Khám phá không gian bên trong

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Theo một câu chuyện Sufi (1) cổ, ngày xưa ở Trung Đông có vị vua luôn cảm thấy khổ sở vì những cảm xúc vui buồn thất thường trong lòng. Một điều nhỏ nhặt nhất cũng làm cho nhà vua cảm thấy quá thất vọng hoặc tạo nên những kích động, những phản ứng mạnh mẽ ở nơi ông và vì thế niềm vui mà nhà vua đang có trước đó bỗng biến thành cảm xúc buồn chán, thất vọng. Một ngày kia, khi đã quá mệt mỏi với chính mình và với cuộc sống, nhà vua cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng đó. Vua cho mời một nhà thông thái có tiếng là một bậc giác ngộ đến. Nhà vua nói với ông: "Ta muốn được giống như ông. Ông có thể cho ta điều gì đó có khả năng mang lại sự quân bình, yên tĩnh và sáng suốt cho cuộc sống của ta không? Ta sẽ trả cho ông với bất cứ giá nào".

Nhà thông thái trả lời: "Thần có thể giúp bệ hạ, nhưng giá cả thì chắc cả vương quốc của ngài cũng không thể trả nổi. Thần sẽ tặng cho bệ hạ nếu ngài hứa là sẽ tôn trọng nó". Nhà thông thái ra đi sau khi nhà vua hứa sẽ làm theo lời ông dặn.

Vài tuần lễ sau, ông ta quay trở lại và trao cho nhà vua một chiếc hộp lộng lẫy, trên mặt có khảm ngọc bích. Nhà vua mở chiếc hộp ra và thấy bên trong chỉ vỏn vẹn một chiếc vòng bằng vàng nhỏ. Chiếc vòng có khắc dòng chữ: "Chuyện này rồi cũng sẽ qua". Nhà vua thắc mắc hỏi: "Điều đó có nghĩa là gì?". Nhà thông thái không trả lời, mà chỉ bảo: "Ngài nhớ luôn mang chiếc vòng này, dù có chuyện gì xảy ra, trước khi ngài cho rằng chuyện đó là tốt hay xấu, hãy nhớ đưa tay chạm vào chiếc vòng và đọc lên những chữ này. Ngài sẽ luôn được bình yên”.

"Chuyện này rồi cũng sẽ qua", câu nói đơn giản này là gì mà có sức mạnh đến như vậy? Mới nhìn thoáng thì câu nói ấy có vẻ như tạo cho ta sự thoải mái, nếu ta vừa gặp phải một tình huống xấu, hoặc nó làm cho ta không quá mừng vui khi gặp một điều nào đó mà ta cho là tốt lành trong đời sống.

Nhưng ý nghĩa của câu nói này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta nhìn lại bối cảnh của hai câu chuyện trước đây. Câu chuyện thứ nhất về vị thiền sư luôn trả lời về những điều mà người ta vu khống cho ngài bằng câu nói giản dị: "Thật thế ư?", thể hiện thái độ bất phản kháng trong nội tâm của ngài trước mọi tình huống, tức là chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra. Câu chuyện thứ hai về người đàn ông luôn trả lời gọn lỏn "Có lẽ thế" cho thấy cái khôn ngoan, thông thái khi trong lòng không hề có sự phán xét. Còn câu nói “Chuyện này rồi cũng sẽ qua” khắc trên chiếc vòng trong câu chuyện này đề cập đến tính chất tạm thời của mọi chuyện xảy đến cho bạn trong đời sống, để giúp bạn có thái độ không tham đắm, không vướng mắc2. Không chống đối, không phán xét và không tham đắm (hoặc vướng mắc) là ba khía cạnh của thứ tự do chân thật của một lối sống tỉnh thức.

Những chữ khắc trên chiếc vòng này không hẳn là khuyên ta không nên vui mừng về những điều tốt lành xảy đến cho ta trong đời sống, chúng cũng không cố ý tạo ra niềm an ủi cho bạn trong những lúc bạn lâm vào một tình huống khó khăn. Chúng có một mục đích sâu hơn: Giúp bạn nhận thức được tính chất ngắn ngủi, tạm thời của mọi tình huống, bởi mỗi tình huống (tốt cũng như xấu) đều có tính chất nhất thời; khi nhận ra được tính nhất thời của mọi tình huống, bạn sẽ bớt vướng mắc hơn và tránh được thói quen tự đồng nhất mình với những biểu hiện tạm bợ đó. Không vướng mắc không có nghĩa là bạn không còn tìm thấy niềm vui với những điều tốt lành trên thế gian này; mà thật ra thái độ không vướng mắc làm cho chúng ta cảm nhận được niềm vui của mỗi sự việc sâu sắc hơn. Khi đã thấy được và chấp nhận tính chất tạm thời của mọi sự vật và những đổi thay không thể tránh khỏi trong cuộc sống thì lúc đó ta có thể tận hưởng niềm vui khi niềm vui ấy thể hiện mà không lo sợ bị mất mát hay cảm thấy âu lo về tương lai khi niềm vui ấy không còn. Khi đã tách mình ra khỏi sự vướng mắc đó, bạn tự nhiên ở một chỗ đứng cao hơn, từ đó mà quan sát các sự kiện trong đời sống, thay vì mắc kẹt vào đó. Bạn giống như một nhà du hành nhìn quả đất được bao bọc bởi không gian bao la và bạn chợt nhận ra một chân lý ngược đời: Trái đất vừa rất quý giá mà đồng thời lại chẳng có ý nghĩa gì. Bạn bỗng nhận thức rằng “những thứ này rồi cũng sẽ qua đi”, điều này mang lại cho bạn sự thoát ly và cùng với sự thoát ly là một chiều không gian khác đi vào đời sống của bạn: Đó là chiều không gian bên trong. Qua thái độ thoát ly, không phán xét và không phản ứng, bạn mở ra cho mình một lối đi vào chiều không gian đó.

Khi không còn hoàn toàn đồng nhất mình với hình tướng nữa thì nhận thức về bản chất chân thật của bạn được thoát ly khỏi sự tù túng của hình tướng. Đây là lúc trỗi dậy của khoảng không gian bên trong, như một niềm an bình, tĩnh lặng ở sâu bên trong, ngay cả khi bạn gặp phải điều gì có vẻ như là một điều bất hạnh. Nhưng "chuyện này rồi cũng sẽ qua", làm cho bạn cảm thấy bỗng dưng như có một khoảng không gian rộng thoáng bao bọc quanh các sự kiện. Bạn cũng cảm thấy có không gian quanh những nỗi thăng trầm của đời sống, ngay cả trong niềm đau của bạn. Nhưng trên hết là bạn có một khoảng không giữa các ý nghĩ. Từ khoảng không gian này, có một sự im lắng “không thuộc về thế giới này", vì thế giới là sự biểu hiện của hình tướng, trong khi sự im lắng là biểu hiện của không gian. Đây là niềm an bình của Thượng Đế.

Bây giờ thì bạn có thể thưởng thức và trân trọng mọi thứ trên thế gian này mà không gán cho nó một vẻ quan trọng hoặc gán cho nó những ý nghĩa mà tự nó không hề có. Bạn có thể tham dự vào điệu múa của Sáng tạo và tích cực hoạt động mà không bị vướng mắc với thành quả của những việc bạn làm và không có những đòi hỏi bất hợp lý với đời sống như là: “Hãy làm cho tôi cảm thấy toàn vẹn, vui tươi, cảm thấy an toàn, hãy cho biết bản chất chân thật của tôi là gì". Đời sống không thể cho bạn những thứ đó, và như thế bạn chẳng còn trông đợi gì ở đời sống, và khi bạn không còn trông chờ thì tất cả nỗi khổ mà bạn tự tạo ra sẽ biến mất. Tất cả những khổ đau như thế đều do bạn quá chú trọng đến những thứ bên ngoài mà không nhận thức được chiều không gian bên trong. Khi chiều không gian đó hiện diện trong đời sống của bạn, bạn có thể thưởng thức mọi thứ, mọi khoái cảm mà không đánh mất mình trong đó, không bị vướng mắc với những thứ đó, tức là bạn không trở nên "nghiện" thế giới này.

Câu nói "chuyện này rồi cũng sẽ qua" là ngọn hải đăng đưa bạn đến với thực tại bằng cách chỉ ra tính vô thường, không bền vững của mọi sự vật, nhưng đồng thời nó cũng ngụ ý nhắc chúng ta về cái Bất Động, cái Vĩnh Hằng. Vì chỉ có cái Bất Động ở trong bạn mới có thể nhận ra được cái chuyển động, cái đổi thay, cái vô thường trong đời sống.

Khi chiều không gian ở bên trong bạn đã biến mất thì mọi chuyện trên thế gian này thường tỏ ra quá nghiêm trọng, một vẻ nghiêm trọng, nặng nề mà thật sự chúng không hề có. Khi thế giới không được nhìn từ cái nhìn của Vô Tướng thì đời sống trở thành một nơi đầy hiểm nguy, tuyệt vọng. Những tông đồ viết kinh Cựu Ước chắc đã cảm nhận được điều này khi họ viết "Mọi thứ trong đời sống đều đầy vẻ đọa đày đến độ con người không thể thốt nên thành lời".

Tâm thức bận rộn bởi đồ vật và tâm thức rộng thoáng có không gian

Cuộc sống của mọi người đều bừa bộn những sự vật, những việc phải làm, hay là những điều cần phải suy nghĩ. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như lịch sử loài người mà theo Winston Churchill thì: "Hết thứ vớ vẩn này lại đến thứ vớ vẩn khác". Trí óc chúng ta luôn đầy rẫy những ý nghĩ nối tiếp nhau liên miên, không ngừng nghỉ. Đây là thứ tâm thức bận rộn bởi sự kiện hay đồ vật và cũng là thực tế chủ yếu của rất nhiều người, và đó là lý do đời sống của họ thiếu quân bình đến mức trầm trọng. Chiều tâm thức bận rộn bởi sự kiện hay đồ vật cần phải được quân bình bởi chiều tâm thức rộng thoáng, có không gian ở bên trong để làm cho sự sáng suốt ở trong đời sống và trong ta được phục hồi và để cho nhân loại có cơ hội hoàn thành sứ mệnh của mình. Sự phát triển của thứ nhận thức rộng thoáng, có không gian là bước kế tiếp trong quá trình phát triển của tâm thức loài người.

Thứ nhận thức rộng thoáng, có không gian có nghĩa là ngoài nhận thức về những những cảm xúc, ý nghĩ,... đang xảy ra ở trong bạn, bạn còn có một dòng nhận thức im lắng, âm thầm. Nhận thức ở đây có nghĩa là bạn không chỉ nhận biết được những sự vật chung quanh mà bạn còn ý thức được rằng mình đang nhận biết. Đó là khi bạn nhận ra được một vẻ tĩnh lặng, đầy sáng suốt nằm ở đằng sau tâm thức bạn, trong khi ở đằng trước tâm thức bạn là những gì đang xảy ra. Chiều không gian này luôn hiện diện ở trong mỗi người, nhưng hầu hết chúng ta thường không nhận ra. Thỉnh thoảng tôi nói về điều này bằng câu hỏi "Bạn có đang cảm nhận được sự Có Mặt của mình không?".

Nhận thức rộng thoáng, có không gian không những tiêu biểu cho trạng thái vượt thoát khỏi sự kiềm chế của bản ngã mà còn làm cho con người không còn bị lệ thuộc vào những sự vật trên thế gian này, không bị vướng vào chủ nghĩa vật chất hoặc những trào lưu thiên về vật chất. Đó là chiều không gian tâm linh mà chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ giúp bạn thoát ly được thế giới này, hoặc mang lại một ý nghĩa thật sự cho thế giới này.

Khi bạn cảm thấy buồn bực về một sự việc, một người, hay một tình huống nào đó thì nguyên nhân không phải là ở sự việc, ở con người, hay tình huống đó, mà do bạn chưa có một cách nhìn đúng đắn. Điều này thì chỉ có chiều nhận thức rộng thoáng, có không gian mới có thể mang lại cho bạn.

Khi bạn bị kẹt vào thứ tâm thức bận rộn bởi đồ vật, bạn không ý thức được khoảng không gian phi thời gian ở bên trong, khoảng không gian của chính tự thân nhận thức, thì câu nói: "chuyện này rồi cũng sẽ qua" có thể là bó đuốc soi đường, giúp bạn khôi phục lại nhận thức về chiều không gian đó.

Tình trạng tâm thức chìm đắm và khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong

Khi quá mệt mỏi, bạn có thể cảm thấy thư giãn hơn so với lúc bình thường. Đó là do tâm thức bạn đã bị rơi vào trạng thái chìm xuống dưới mức của suy nghĩ và vì thế mà bạn không còn nhớ đến cái Tôi đầy những lo lắng, ưu tư do trí óc bạn tạo ra. Và bạn đang tiến vào trạng thái ngủ mê. Khi uống rượu hay dùng thuốc an thần, bạn cũng có thể cảm thấy thư giãn, ít phiền muộn hơn và trở nên hoạt bát hơn trong một thời gian. Lúc đó bạn có thể cảm thấy thích ca hát hay những cách biểu đạt niềm vui thường thấy. Đó là vì lúc ấy đầu óc bạn ít vướng bận vào suy tưởng, bạn sẽ thoáng thấy niềm vui của đời sống. Có thể đây là lý do tại sao rượu có khi giúp cho người ta cảm thấy lên tinh thần. Nhưng cái giá mà bạn phải trả khi bạn uống rượu cũng cao: chính là sự đánh mất nhận thức. Thay vì vượt lên khỏi suy nghĩ, bạn rơi xuống dưới mức suy nghĩ. Chỉ cần vài cốc nữa, hẳn bạn sẽ lui về tâm thức của loài cỏ cây.

Nhưng nhận thức về không gian rộng thoáng ở bên trong bạn chẳng liên quan gì đến chuyện chìm đắm vào trạng thái suy tư đến độ bạn trở nên khờ khạo. Điểm tương đồng là cả hai trạng thái đều nằm ngoài suy nghĩ. Điểm khác biệt căn bản là nhận thức về không gian rộng thoáng đưa bạn vượt lên trên suy nghĩ còn việc chìm đắm vào trạng thái suy tư thì đưa bạn xuống dưới mức suy nghĩ. Nhận thức về khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong là bước tiếp theo trong quá trình tiến hóa của nhận thức con người còn cái kia là sự thoái lui trở về giai đoạn mà chúng ta đã đi qua cách đây hàng triệu năm.

Xem vô tuyến truyền hình

Xem ti-vi là một hoạt động lúc bạn rảnh rỗi hay đúng hơn là hoạt động mà như không-có-hoạt-động-gì-cả đối với hàng triệu người trên thế giới. Trung bình một người Mỹ khi đến tuổi 60 đã trải qua 15 năm ngồi trước màn hình ti-vi. Ở nhiều nước khác, con số cũng tương tự như thế.

Nhiều người cảm thấy xem ti-vi là được "thư giãn". Nhưng khi quan sát kỹ chính mình, bạn sẽ nhận thấy nếu màn hình ti-vi thu hút sự chú ý của bạn càng lâu thì hoạt động suy tư của bạn càng trở nên đình trệ. Trong một quãng thời gian dài bạn xem các buổi trình diễn, các cuộc nói chuyện, chơi trò chơi điện tử hay xem phim, xem quảng cáo, lúc đó đầu óc bạn không tạo ra thêm một ý nghĩ nào. Không những là bạn không còn nhớ đến những vấn đề của mình đang có, mà bạn còn tạm thời thoát khỏi gánh nặng của chính bản thân mình, vậy còn điều gì thư giãn hơn thế nữa?

Nhưng xem ti-vi có thể tạo ra một khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong không? Nó có làm cho bạn có mặt hơn không? Quả thực là không, dù trong một thời gian dài trí óc bạn không bị rơi vào thói quen suy nghĩ3, nhưng nó cũng làm cho bạn bị nhiễm cách suy nghĩ theo thứ trí năng tập thể của những người ghiền xem ti-vi. Tuy trí năng của bạn không hoạt động theo nghĩa là nó không tạo thêm ý nghĩ, nhưng bù lại thì nó liên tục tiếp thu những ý nghĩ và hình ảnh từ màn máy vô tuyến. Đây là một trạng thái nhạy cảm cao độ đầy tính thụ động như một người đang bị rơi vào trạng thái lên đồng, lại có phần giống như là đang bị thôi miên. Điều này giải thích tại sao ti-vi lại phù hợp trong việc lôi kéo "công luận". Các nhà chính trị, các tập đoàn kinh tế mưu cầu lợi nhuận, các nhà quảng cáo biết rất rõ điều này và họ sẵn sàng trả rất nhiều tiền để cuốn hút bạn khi bạn đang ở trong trạng thái mất nhận thức có tính chất thụ động như thế. Họ muốn những suy nghĩ của họ trở thành những suy nghĩ của bạn, và thường thì họ rất dễ thành công.

Vì thế khi xem ti-vi thì tâm thức bạn có xu hướng rơi xuống dưới mức độ của suy nghĩ hơn là vượt lên trên. Trong khía cạnh này thì ti-vi cũng giống như rượu bia và các chất gây nghiện khác. Trong lúc xem ti-vi, trí óc bạn như được nghỉ ngơi phần nào nhưng ngược lại thì bạn phải trả một giá rất cao: Đánh mất nhận thức. Cũng giống như thuốc phiện, khi bạn xem ti-vi càng nhiều thì bạn càng bị nghiện. Khi đưa tay với lấy cái dụng cụ điều khiển ti-vi từ xa với chủ ý là để tắt máy thì bạn lại thấy tay mình đang đảo khắp các kênh. Cái nút "tắt" dường như là cái nút duy nhất mà tay bạn không thể bấm được. Và mắt bạn cứ dán chặt vào màn ảnh của chiếc ti-vi không phải vì trên ti-vi đang có một chương trình gì hấp dẫn, đáng xem, mà chỉ vì những gì bạn đang xem thực ra không có gì hay ho để đáng cho bạn xem tiếp. Khi đã bị mắc kẹt vào trạng thái đó, những gì đang được trình chiếu trên ti-vi càng tầm thường vô nghĩa thì bạn lại càng dễ nghiện và không thể tự mình dứt ra được. Nếu quả thực ti-vi là một điều thú vị và làm cho bạn phải suy gẫm thì hẳn ti-vi đã kích thích làm cho bạn suy gẫm thêm, tức là làm cho bạn trở nên có nhận thức hơn và sự chú ý của bạn vì thế mà không còn hoàn toàn bị chi phối bởi những hình ảnh trên màn hình. Nhưng không may, xem ti-vi chỉ làm cho bạn đi vào trạng thái mê mẩn, bạn sẽ như một người đã bị hớp hồn khi bạn xem ti-vi quá nhiều.

Để nội dung các chương trình ti-vi có chất lượng cao thì nhà sản xuất phải giảm thiểu và hóa giải tác động thôi miên, làm tê liệt đầu óc của phương tiện truyền thông độc hại này.

Tuy vậy, cũng có một số chương trình truyền hình có lợi ích thiết thực. Những chương trình đó đã giúp con người thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tốt đẹp hơn, mở rộng lòng họ, làm họ có nhiều nhận thức hơn. Ngay cả một số phim hài, dù thoạt nhìn thì chúng chẳng đặc biệt đề cập đến cái gì, nhưng lại có thể trở thành những bài học về tâm linh bằng cách nêu lên một bức biếm họa về sự thiếu khôn ngoan của con người và bản ngã ở trong họ. Chúng dạy ta đừng quá nghiêm trọng, dạy ta tiếp cận đời sống một cách nhẹ nhàng hơn, và trên hết, chúng dạy ta biết mỉm cười. Tiếng cười rất có tác dụng trị liệu và giải thoát. Tuy nhiên, hầu hết các đài truyền hình đều bị kiểm soát bởi những người đang bị chi phối hoàn toàn bởi bản ngã của họ, vì thế mà động cơ bên trong của các chương trình truyền hình là để kiểm soát bạn bằng cách ru ngủ bạn, tức là làm cho bạn trở nên mất nhận thức hơn. Hiện tại vẫn còn các tiềm năng lớn mà phần nhiều chưa được khám phá ra trong lĩnh vực vô tuyến truyền hình.

Bạn nên tránh xem các chương trình và quảng cáo có các chuỗi hình ảnh thay đổi quá nhanh sau mỗi hai hoặc ba giây, hoặc nhanh hơn. Việc xem ti-vi quá độ và đặc biệt là các chương trình kiểu như thế này chịu phần lớn trách nhiệm cho căn bệnh thiếu tập trung, một chứng bệnh đang ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Sự thiếu chú tâm làm cho tất cả các cảm nhận và các quan hệ của bạn trở nên nông cạn và không được thỏa mãn. Dù có làm điều gì, hoặc hành động gì trong trạng thái thiếu chú tâm đó, thì chúng đều thiếu chất lượng vì chất lượng đòi hỏi sự chú tâm cao.

Xem ti-vi nhiều giờ, hoặc xem nhiều lần, không những làm bạn trở nên mất nhận thức mà nó còn tạo ra sự thụ động và làm cạn kiệt nguồn năng lượng ở trong bạn. Vì thế, thay vì xem một cách ngẫu nhiên bất kỳ một chương trình nào đang trình chiếu, bạn hãy chọn một hay hai chương trình hữu ích mà bạn muốn xem. Khi làm được như thế, bạn sẽ cảm nhận một cảm giác sống động ở trong mình trong khi xem, nhớ chú ý đến hơi thở của mình. Trong khi xem, thỉnh thoảng bạn nên đưa mắt mình ra khỏi màn hình để cảm giác cái nhìn của bạn không bị thu hút hoàn toàn vào ti-vi. Cũng đừng nên vặn âm lượng cao hơn mức cần thiết để tai của bạn không bị chi phối quá nhiều vì phải luôn nghe âm thanh phát ra từ ti-vi. Dùng nút câm khi đang có quảng cáo và nhớ đừng đi ngủ ngay sau khi tắt máy, hoặc tệ hơn là ngủ trong khi ti-vi vẫn còn bật.

Nhận ra khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong

Khoảng không gian giữa các ý nghĩ ở trong bạn có thể đã xuất hiện chỗ này chỗ nọ trong đời sống của bạn mà bạn chưa nhận ra. Khi một người có tâm thức hoàn toàn bị cuốn hút bởi những kinh nghiệm hay sự việc đang xảy ra hoặc bị điều kiện hóa để sai lầm tự đồng nhất mình với hình tướng (thứ nhận thức bận rộn bởi đồ vật, bởi sự kiện) thì người đó luôn luôn thấy rằng hầu như họ không thể nhận ra được khoảng không gian rộng thoáng trong tâm mình. Điều này có nghĩa là bạn không ý thức được chính mình, vì tâm bạn luôn bận rộn để ý đến những thứ khác. Bạn luôn luôn bị chi phối bởi hình tướng. Ngay cả lúc bạn dường như nhận biết được mình thì bạn cũng tự biến mình thành một vật thể, một đối tượng của suy tư, vì thế mà những gì bạn nhận biết chỉ là một ý nghĩ về bạn, mà không phải là bản thân bạn.

Khi bạn nghe người khác nói về không gian rộng thoáng ở trong tâm bạn, có thể bạn sẽ bắt đầu muốn tìm kiếm nó; nhưng vì bạn muốn tìm nó như tìm kiếm một vật gì ở ngoài mình hay tìm một kinh nghiệm nên bạn không thể tìm ra được. Đây là điều nan giải cho tất cả những ai muốn khám phá bản chất chân thật của mình, hay muốn có sự giác ngộ về tâm linh. Vì thế mà Chúa Jesus đã nói: "Thiên đường không đến bằng những dấu hiệu mà con người có thể nhìn thấy được, người ta không thể nói 'Ở đây này' hay 'Ở đằng kia kìa'. Lạ chưa! Vì Thiên đường đang ở ngay trong chính con".

Nếu bạn không uổng phí đời mình trong lo âu, bất bình, buồn bực, chán nản, hoặc bị cuốn theo những trạng thái tiêu cực khác; nếu bạn có thể cảm thấy vui khi nghe tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi; nếu bạn thấy được vẻ đẹp của một đám mây đang bay trên trời, hoặc khi phải ở một mình, bạn không cảm thấy cô đơn hay phải cần một thứ gì để giúp bạn thư giãn tinh thần; nếu bạn nhận thấy mình đang cư xử với một người lạ với một tấm lòng ưu ái, chân thành mà không mưu cầu một điều gì ở họ… thì nghĩa là có một không gian rộng thoáng đã mở ra ở trong bạn, dù rất ngắn ngủi, thay chỗ cho dòng suy tư không ngừng nghỉ của con người. Khi điều này xảy ra, có một thoáng của cảm giác an ổn, thanh bình, sống động xảy đến trong lòng bạn. Cường độ của sự an lạc ấy có thể chỉ là một cảm giác hài lòng rất mơ hồ ở đằng sau hậu trường của tâm thức bạn, hoặc mạnh mẽ như điều mà các nhà hiền triết cổ Ấn Độ gọi là ananda - phút giây ân sủng của an nhiên tự tại. Vì bạn đã bị điều kiện hóa để chỉ chú ý đến hình thức, có thể bạn không trực tiếp nhận ra điều đó. Nhưng bạn có thể nhận ra nó gián tiếp, chẳng hạn như qua một yếu tố chung khi bạn cảm nhận cái đẹp, cảm kích một điều gì tốt lành khi chung vui với bè bạn, hoặc khi trao đổi, giao tiếp với những người khác với lòng yêu thương. Yếu tố chung đó là cảm giác hài lòng, bình yên và sống động nằm phía sau tâm thức bạn, và nếu không có cái hậu cảnh này thì những điều trên không thể xảy ra.

Khi bạn đang tiếp xúc với cái đẹp, với lòng tốt, hoặc nhận ra nét đẹp của những điều rất đơn giản trong cuộc sống, hãy lắng lòng chú tâm đến phần hậu trường của tâm thức của bạn. Nhưng đừng tìm kiếm như thể là tìm một cái gì. Bạn không thể chộp lấy nó và nói "giờ thì tôi bắt được nó rồi" hay nắm bắt bằng trí óc hoặc cố gắng mô tả cái đó. Nó giống như một bầu trời khoáng đạt, không mây. Nó không có hình tướng. Nó chỉ là một khoảng không, là sự tĩnh lặng, là hương vị rất ngọt ngào của trạng thái an nhiên tự tại và rõ ràng là nó giàu có hơn những gì mà cụm từ này có thể biểu đạt. Khi bạn có thể cảm nhận trực tiếp điều đó ở trong mình, nó trở nên sâu đậm hơn. Vì thế, khi bạn đang thưởng thức những gì rất đơn giản như một âm thanh, một quang cảnh, một cảm giác, khi thấy được vẻ đẹp, khi thấy được một tình cảm trìu mến đối với người khác thì lúc đó bạn hãy cảm nhận cái khoảng không gian bên trong bạn, đó là Cội Nguồn, là hậu trường rất cần thiết của những gì mà bạn đang trải nghiệm.

Nhiều nhà thơ và nhà hiền triết ở nhiều thời đại đã nhận ra thứ hạnh phúc thật sự đó – thứ hạnh phúc mà tôi gọi là niềm vui của an nhiên tự tại. Nó được tìm thấy trong những thứ rất đơn giản, những thứ mà ta không để ý đến. Hầu hết mọi người thường lao vào cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ một cái gì đó mà họ nghĩ rằng có ý nghĩa sẽ xảy đến với họ, cho nên họ luôn bỏ lỡ những thứ không có ý nghĩa, nhưng thực chẳng vô nghĩa tí nào. Triết gia Nietzsche trong một phút tĩnh lặng sâu sắc và hiếm hoi đã viết: "Để có hạnh phúc, những gì ta cần thực là ít ỏi biết bao!... Những thứ ít ỏi nhất, nhẹ nhàng nhất, hiền lành nhất: là tiếng sột soạt của con tắc kè chạy trong đám lá khô, là một hơi thở, một cái liếc mắt, là những cái nhỏ mà làm nên hạnh phúc lớn lao. Hãy tĩnh lặng".

Tại sao những "thứ nhỏ nhoi" mà lại có thể làm nên "hạnh phúc lớn lao" cho bạn? Vì hạnh phúc chân thực không đến từ một vật hay một biến cố nào cả, dù thoạt đầu ta cứ tưởng là như thế. Một vật, hay một biến cố nào đó, thực ra là rất bé; bé đến độ nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tâm thức của bạn, và phần còn lại chỉ là khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong, là phần nhận thức không bị ngăn trở bởi hình tướng. Nhận thức về khoảng không gian bên trong và bản chất chân thật của bạn, hai thứ chỉ là một. Từ không gian đó tự toát ra thứ nhận thức chưa bị điều kiện hóa, tức là hạnh phúc thật sự - là niềm vui của an nhiên tự tại. Tuy thế, để nhận biết được những thứ nhỏ nhoi yên lặng đó, bạn cần phải có sự yên tĩnh ở trong mình. Bạn phải tỉnh giác cao độ. Hãy im lắng. Nhìn ngắm. Lắng nghe. Và có mặt.

Có một cách khác để tìm ra không gian ở bên trong: Bạn hãy ý thức rằng bạn đang có ý thức. Hãy nghĩ, hoặc nói: "Tôi đang hiện diện" và nhận ra sự tĩnh lặng đi theo sau cụm từ Tôi đang hiện diện. Cảm nhận sự có mặt, trần trụi, không che đậy của an nhiên tự tại cho dù bạn già hay trẻ, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, bất cứ thuộc tính nào. Sự tĩnh lặng ấy là nơi sản sinh ra mọi hình tướng, mọi sáng tạo.

Con có nghe tiếng suối reo ở đằng kia không?

Có vị thiền sư đang đi trong im lặng với học trò của mình dọc theo đường mòn dẫn lên sườn núi. Khi đi ngang qua một cội tùng cổ, cành lá xum xuê, họ quyết định ngồi xuống nghỉ ngơi và ăn trưa. Bữa ăn chỉ gồm cơm và một ít rau luộc. Khi ăn xong, người đệ tử trẻ phá vỡ sự im lặng bằng câu hỏi: "Thưa thầy, làm thế nào để con thể nhập Thiền?".

Dĩ nhiên là vị sư trẻ đó có ý muốn hỏi cách làm thế nào để đi vào trạng thái nhận thức gọi là Thiền.

Vị thiền sư vẫn còn quắc thước ở tuổi gần 70 chỉ im lặng. Đã gần năm phút trôi qua, người đệ tử chờ đợi trong sự bồn chồn mà vẫn chưa nhận được câu trả lời của thầy. Đến khi vị sư trẻ sắp buột miệng hỏi tiếp thì bất ngờ vị thiền sư hỏi lại: "Con có nghe tiếng suối reo ở đằng kia không?".

Người đệ tử trẻ chưa nhận thấy dòng suối nào quanh đó cả, vì tâm cậu còn quá bận rộn về ý nghĩa của Thiền. Thoạt đầu, vị sư trẻ chẳng nghe được gì cả. Nhưng khi dòng suy tư của cậu rút lui nhường chỗ cho sự tỉnh giác cao độ, bất ngờ vị sư trẻ nghe ra tiếng rì rào rất mơ hồ của dòng suối xa xa.

"Vâng, giờ thì con nghe được rồi", vị sư trẻ nói.

Vị thiền sư giơ một ngón tay lên và trong mắt ông lóe lên những một cái gì đó vừa dữ dội vừa hiền lành, ông nói "Hãy đi vào Thiền từ chỗ đó".

Người đệ tử sửng sốt. Đó là giây phút tỉnh thức của cậu ta. Trong phút giây đó, cậu trực nhận được Thiền là gì dù trí óc cậu không thể diễn tả được điều cậu biết là như thế nào.

Hai người tiếp tục đi trong im lặng. Người đệ tử rất kinh ngạc trước vẻ sống động của thế giới chung quanh. Cậu cảm nhận mọi thứ như thể đây là lần đầu cậu nhận thấy thế giới quanh mình. Nhưng dần dà, trí óc cậu bắt đầu trở về với thói quen suy tư. Cái tĩnh lặng đầy tỉnh thức trước đây đang bắt đầu bị che phủ bởi sự náo động của dòng suy tư ở trong đầu cậu, nên một lát sau, người học trò lại buột miệng hỏi: "Thưa thầy, con đang nghĩ, giá như lúc nãy con không nghe được tiếng suối reo thì thầy sẽ khuyên con phải làm gì". Vị Thiền sư dừng lại, nhìn cậu, rồi đưa một ngón tay lên và nói: "Hãy đi vào Thiền từ chỗ đó".

Hành động đúng đắn

Bản ngã hỏi: “Làm thế nào để ‘Tôi’ khiến cho tình huống này thỏa mãn những yêu cầu của tôi?”, hay “Làm thế nào để ‘Tôi’ có được một tình huống mà tình huống ấy sẽ thỏa mãn được những yêu cầu của tôi?”.

Sự có mặt là một trạng thái rộng thoáng, có nhiều không gian ở bên trong. Cho nên khi có mặt thì bạn sẽ hỏi: Có điều gì cần làm để đáp ứng được những đòi hỏi của tình huống này, của giây phút này? Thậm chí bạn không cần phải đặt câu hỏi nào cả. Bạn tĩnh lặng, sáng suốt và vồn vã với những gì đang hiện diện. Bạn mang một chiều không gian mới vào trong tình huống đó: chiều không gian ở bên trong. Rồi bạn nhìn và lắng nghe. Như thế bạn sẽ hòa làm một với tình huống đó. Vì vậy, thay vì phản ứng, bạn hãy hòa nhập với tình huống đó, và giải pháp sẽ phát sinh từ trong tình huống đó. Thật ra không phải là bạn, một con người đang nhìn và lắng nghe, mà chính là sự tĩnh lặng đang nhìn và lắng nghe. Sau đó, nếu cần hành động thì bạn sẽ hành động, hay đúng hơn là hành động đúng đắn qua bạn mà thể hiện. Hành động đúng đắn là một hành động phù hợp với tất cả, với Tổng Thể. Khi hành động ấy hoàn tất, thì chỉ còn lại sự sáng suốt và tĩnh lặng. Chẳng có ai giơ tay lên tuyên bố: "Xong rồi!", cũng chẳng có ai cần phải nói: "Xem nầy, điều ấy là do chính tôi làm đấy!".

Tất cả mọi sáng tạo đều đến từ khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong. Một khi sáng tạo diễn ra và một cái gì đó được thể hiện ra thành hình tướng, bạn phải cảnh giác, không để cho khái niệm "Tôi" hay "của Tôi" ở trong bạn trỗi dậy, tranh lấy công sức của việc làm ấy. Nếu bạn cho rằng bạn có công với những gì vừa được hoàn thành, thì lúc đó bản ngã của bạn đã trở lại và khoảng không gian rộng thoáng ở trong bạn bắt đầu bị che mờ.

Cảm nhận nhưng không cần phải đặt tên

Hầu hết mọi người đều chỉ nhận thức được vẻ bên ngoài của thế giới chung quanh, đặc biệt khi thế giới đó quá quen thuộc với họ. Đó là vì tiếng nói liên miên ở trong đầu họ4 đã thu hút phần lớn sự chú tâm của họ. Người ta chỉ cảm thấy phấn chấn khi có dịp đi tham quan những nơi họ chưa từng đến, vì vào những lúc đó, những cảm nhận qua giác quan chiếm lấy nhận thức của họ nhiều hơn là thói quen suy nghĩ. Họ trở nên có mặt nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang hoàn toàn bị khống chế bởi tiếng nói vang vang ở trong đầu của họ. Cảm nhận của họ về những gì đang xảy ra đã bị bóp méo bởi những phán xét nhất thời. Họ thực sự chẳng đi đâu. Chỉ có cơ thể họ là đi, trong khi tâm hồn của họ vẫn còn ở chỗ cũ: suy tư luẩn quẩn ở trong đầu.

Đây là hiện thực của hầu hết mọi người: ngay khi vừa cảm nhận được một điều gì, họ liền đặt tên, suy diễn, so sánh với cái khác, cảm thấy thích hay không thích, cho rằng điều ấy tốt hay xấu…, thông qua cái “Tôi” ma quái, bản ngã của họ. Họ bị cầm tù trong thói quen lo nghĩ vẩn vơ5, trong thứ tâm thức bận rộn bởi đồ vật, bởi sự kiện.

Bạn chỉ có được sự tỉnh thức tâm linh khi xu hướng muốn đặt tên mọi thứ một cách vô thức ở trong bạn dừng lại hẳn, hoặc ít ra là bạn có ý thức về thói quen đó và có thể quan sát thói quen đó khi nó đang xảy ra. Qua quá trình đặt tên liên tục những gì bạn nhìn thấy này mà bản ngã của bạn mới có thể hiện diện với tư cách như là phần suy tư không được bạn nhận biết. Khi xu hướng đặt tên này ngưng hoạt động, hoặc thậm chí chỉ cần bạn có ý thức về nó thì khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong bạn sẽ phát sinh và bạn không còn bị suy tư của bạn chiếm hữu.

Hãy chọn một vật - cây bút chì, chiếc ghế, ly nước, hoặc một chậu hoa - và quan sát nó, chú ý nhìn vật ấy với sự tò mò. Tránh dùng những vật khiến bạn liên tưởng đến những gì đã qua: bạn mua vật ấy ở đâu, ai cho bạn,… Cũng tránh những thứ có viết chữ trên đó như là một cuốn sách hay lọ thuốc tây, vì những chữ ấy kích thích thói quen suy nghĩ ở trong bạn. Không cần phải căng thẳng, bạn thư giãn nhưng tỉnh táo và hoàn toàn chú tâm đến vật đó với mọi chi tiết. Nếu có một ý nghĩ nào xuất hiện, đừng để cho mình chạy theo ý nghĩ đó6. Đừng chú ý tới ý nghĩ mà chỉ chú ý đến chính sự nhận biết đang xảy ra ở trong bạn. Bạn có thể nhận biết một điều gì mà không cần phải suy tư? Bạn có thể nhìn ngắm mà không có tiếng nói ở trong đầu bạn luôn bình phẩm, kết luận, so sánh, hay gắng giải quyết một việc gì? Sau vài phút, hãy đảo mắt chung quanh phòng hay bất cứ nơi nào chung quanh bạn. Sự chú tâm đầy tỉnh táo của bạn khi hướng vào một vật gì đó sẽ làm cho vật đó sáng lên.

Sau đó, bạn lắng nghe bất cứ âm thanh nào đang xảy ra. Lắng nghe như cách bạn nhìn vật ấy. Có những âm thanh của thiên nhiên như: tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng chim hót; trong khi những âm thanh khác là nhân tạo. Có những âm thanh nghe rất dễ chịu, có những âm thanh thì rất khó nghe. Tuy nhiên, đừng phân biệt âm thanh đó là tốt hay xấu. Cứ để cho tai bạn nghe một cách tự nhiên, không suy diễn, phán xét. Cũng như ở trên, điều mấu chốt ở đây là thực tập lắng nghe với sự chú tâm, thoải mái nhưng cảnh giác.

Khi nhìn hoặc nghe như thế, bạn có thể nhận ra một cảm giác im lặng rất tinh tế mà lúc đầu bạn rất khó nhận ra. Tuy nhiên, có người cảm nhận nó như là vẻ tĩnh lặng ở đằng sau hậu trường của tâm thức. Người khác cảm nhận đó là một cảm giác thanh bình ở trong lòng. Khi nhận thức của bạn không còn hoàn toàn bị chi phối bởi thói quen suy tư thì một phần nhận thức ấy vẫn còn ở trong trạng thái nguyên sơ, không hình tướng, chưa bị điều kiện hóa. Đây là khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong bạn.

Ai là người đang trải nghiệm?

Những gì mà bạn nghe, thấy, nếm, sờ hay ngửi dĩ nhiên là các đối tượng của giác quan. Nhưng đó cũng là những gì bạn trải nghiệm. Nhưng ai là chủ thể của những trải nghiệm đó? Nếu bạn nói rằng: “Dĩ nhiên là tôi, Jane Smith, kế toán trưởng, 45 tuổi, người Mỹ… là ‘chủ thể’ đang trải nghiệm” thì bạn đã lầm. Jane Smith hoặc bất cứ ai đã tự đồng nhất mình với khái niệm ở trong đầu rằng tôi là Jane Smith (hay là gì gì đó) đều chỉ là đối tượng của sự trải nghiệm, mà không phải là chủ thể của sự trải nghiệm.

Mỗi trải nghiệm đều có ba thành phần: cảm nhận do giác quan, ý nghĩ hay hình ảnh ở trong tâm thức bạn, và cảm xúc. Ví dụ, tôi tên là Jane Smith, kế toán trưởng, 45 tuổi, người Mỹ... đều là những ý nghĩ và vì thế trở thành một phần của những gì bạn trải nghiệm khi bạn nghĩ đến những điều này. Tất cả những gì bạn nói hay nghĩ về mình đều là đối tượng trải nghiệm, chứ không phải là chủ thể đang trải nghiệm. Bạn có thể thêm vào một ngàn định nghĩa về bản thân bạn và khi làm như thế, bạn chỉ làm tăng thêm tính phức tạp cho việc trải nghiệm về mình. Nhưng dù có làm như thế thì bạn cũng không thể nào tìm ra được chủ thể, cái làm ra những gì bạn trải nghiệm, mà nếu không có chủ thể đó thì sẽ không có sự trải nghiệm xảy ra được.

Vậy thì ai là chủ thể? Chính bạn. Bạn là ai? Là Tâm, là Ý thức. Vậy, Ý thức là gì? Ta không thể dùng ngôn từ và khái niệm để trả lời câu hỏi này, vì khi trả lời như thế là ta sẽ làm sai lệch nó đi, biến nó thành một vật khác. Ý thức, hay từ thường dùng là linh hồn, là điều bạn không thể hiểu theo nghĩa của từ này, và việc tìm ra ý nghĩa của nó là một chuyện vô ích. Tất cả những hiểu biết nông cạn của trí năng đều nằm trong thế giới nhị nguyên có đối lập chủ thể và khách thể; cái biết và cái được nhận biết. Chủ thể, tức là ý thức, phần nhận biết ở trong bạn, Nếu không có sự nhận biết đó thì không có cái gì có thể được nhận biết, được cảm nhận, được nghĩ ra,... Chủ thể nhận thức ấy mãi mãi là một điều bí mật, bất khả tư nghị7. Sở dĩ như vậy là vì chủ thể nhận biết ấy không nằm trong thế giới của hình tướng. Bạn chỉ có thể biết những gì nằm trong thế giới của hình tướng, nhưng nếu không có chiều không gian Vô Tướng thì thế giới hữu hình sẽ không thể nào thể hiện ra được. Đó là khoảng không gian sáng chói trong đó thế giới hiện tượng của chúng ta xuất hiện và ẩn tàng. Khoảng không gian đó chính là Đời Sống và Tất Cả Những Gì Đang Hiện Hữu. Hiện Hữu ấy là miên viễn. Những gì xảy ra trong chiều không gian đó chỉ là những cái tương đối và tạm thời: những vui và buồn, được và mất, sống và chết...

Trở ngại lớn nhất ngăn cản bạn khám phá ra chiều không gian rộng thoáng ở bên trong, trở ngại lớn nhất trong việc tìm ra chủ thể của tất cả những gì bạn trải nghiệm là sự mê đắm đến mức tự đánh mất mình của bạn vào những trải nghiệm đó. Điều này có nghĩa là Tâm tự đánh mất mình trong giấc mơ của hình tướng. Bạn bị vướng mắc vào mỗi ý nghĩ, mỗi cảm xúc và mỗi trải nghiệm đến độ bạn như đang ngủ mơ. Đây cũng là trạng thái bình thường của nhân loại trong hàng ngàn năm.

Dù bạn không thể nhận biết được Tâm, nhưng bạn vẫn có thể có ý thức về nó qua chính bản thân mình. Bạn có thể cảm nhận được nó một cách trực tiếp trong bất kỳ tình huống nào, hay bất kỳ ở đâu. Bạn có thể cảm thấy nó ở đây và ngay bây giờ qua chính sự Hiện Hữu của bạn, nó là khoảng không gian bên trong mà qua đó những dòng chữ trên trang giấy này đang được nhận biết và trở thành những ý nghĩ. Đó là Những Gì Đang Hiện Hữu. Những chữ bạn đang đọc và đang nghĩ là ở tiền cảnh còn Những Gì Đang Hiện Hữu là cái lớp ở phía dưới, là hậu cảnh nằm ẩn sau mọi trải nghiệm, mọi ý nghĩ, mọi cảm xúc.

Ý thức về hơi thở của bạn

Bạn khám phá không gian ở bên trong bằng cách tạo ra các khoảng hở trong dòng suy nghĩ của bạn. Không có những khoảng hở đó thì dòng suy nghĩ của bạn cứ lặp đi lặp lại, không có gì gây cảm hứng và hoàn toàn không có một chút sáng tạo nào. Đó là tình trạng chung của hầu hết mọi người trên trái đất này. Tuy nhiên, bạn không cần phải quan tâm đến độ dài của các khoảng hở. Chỉ cần vài giây là đủ. Dần dần những khoảng hở đó trong dòng suy nghĩ của bạn sẽ kéo dài ra mà bạn không cần phải cố gắng gì cả. Điều quan trọng ở đây là hãy thường xuyên tạo ra các khoảng hở trong dòng suy nghĩ của bạn, để cho dòng suy tư đó được xen kẽ bởi các khoảng hở.

Mới đây, có người cho tôi xem tờ quảng cáo của một tổ chức tâm linh lớn. Khi xem qua, tôi bị ấn tượng bởi quá nhiều những buổi hội thảo và các khóa học hằng năm. Nó gợi cho tôi liên tưởng đến một bữa ăn có quá nhiều món. Người đó muốn tôi cho lời khuyên là nên chọn học những lớp nào. Tôi trả lời "Ồ! Những lớp này có vẻ rất thú vị, nhưng tôi nghĩ thế này: Tốt hơn hết là bạn hãy thường xuyên có ý thức về hơi thở của mình. Bạn càng có ý thức về hơi thở càng tốt. Thực tập thở như thế trong một, hai năm, nó sẽ có tác dụng cải biến tâm thức bạn mạnh mẽ hơn là tham gia tất cả các khóa học này. Và bạn cũng chẳng phải mất đồng nào".

Ý thức về hơi thở giúp bạn bớt cuốn hút vào thói quen suy nghĩ và giúp bạn tạo ra không gian ở bên trong. Đây là một cách làm cho bạn có ý thức hơn. Dù vốn là thứ có sẵn trong đời sống, trong mọi vật, nhưng hiện nay ý thức vẫn còn chưa được hiển lộ trong thế giới này, và nhiệm vụ của chúng ta là đưa ý thức vào trong đời sống này.

Hãy có ý thức về hơi thở của mình. Để ý đến cảm giác ở trong bạn về hơi thở. Cảm nhận hơi thở vào, ra qua cơ thể mình. Chú ý đến sự giãn ra và co lại của ngực và bụng khi bạn thở vào và thở ra. Chỉ cần bạn thở một hơi thở có ý thức là đủ để tạo ra ở trong bạn một khoảng không gian mà trước đó chỉ là một chuỗi suy nghĩ tiếp nối nhau, không dứt. Một hơi thở, hoặc hai, hoặc ba, được thực hiện nhiều lần trong một ngày là cách rất tốt để đưa không gian vào trong cuộc sống của bạn. Dù bạn có ý dành ra nhiều tiếng đồng hồ để thực tập chú tâm vào hơi thở thì thực ra điều mà bạn cần làm chỉ là thở và để ý đến hơi thở ấy. Phần còn lại chỉ là ký ức và sự phỏng đoán, tức chỉ là những ý nghĩ. Hơi thở tự nó sẽ xảy ra, chỉ cần bạn chứng kiến chứ không cần bạn phải làm gì cả. Hơi thở của bạn được phát sinh do sự thông thái sẵn có ở trong cơ thể của bạn. Điều bạn cần làm là quan sát hơi thở của mình khi nó đang xảy ra. Hơi thở không cần bạn phải cố gắng hay nỗ lực gì cả. Bạn chú ý đến những khoảng ngưng ngắn của hơi thở, đặc biệt là khoảng lặng cuối của hơi thở ra, trước khi bạn bắt đầu hít vào.

Hơi thở của nhiều người nông cạn đến độ bất thường. Nhưng khi bạn càng có ý thức về hơi thở của mình thì chiều sâu tự nhiên của hơi thở sẽ được phục hồi.

Vì hơi thở không có hình tướng nên từ xưa nó đã được xếp ngang hàng với linh hồn - Đời sống duy nhất, vô hình. Kinh Thánh viết: "Thượng Đế sinh ra con người từ cát bụi và thổi vào lỗ mũi hơi thở của sự sống. Nhờ đó mà con người mới trở thành một tạo vật có sự sống". Từ thở trong tiếng Đức (atmen) có nguồn gốc từ chữ Atman trong tiếng Ấn Độ cổ (tiếng Sanskrit), có nghĩa là "linh hồn thánh thiện" hay "Thượng Đế ở bên trong", ý nói bản chất thiêng liêng của Thượng Đế luôn có sẵn trong mỗi con người.

Vì hơi thở không mang hình tướng nên đó cũng là một trong những lý do tại sao ý thức về hơi thở là một trong những cách rất hiệu quả để giúp bạn mang không gian vào trong đời sống, để tạo ra nhận thức. Ý thức về hơi thở là một đối tượng thiền tập rất tuyệt vời vì hơi thở không phải là một vật thể, không có hình tướng. Một trong những lý do khác là do hơi thở là một trong những hiện tượng vi tế nhất và có vẻ như ít có ý nghĩa nhất - nó là một cái gì "nhỏ nhoi nhất", theo Nietzsche - nhưng lại làm nên cái "hạnh phúc lớn nhất".

Ý thức về hơi thở giúp bạn đi vào phút giây hiện tại - chiếc chìa khóa mở ra tất cả những khả năng chuyển hóa ở nội tâm. Bạn có mặt tuyệt đối bất cứ khi nào bạn ý thức được hơi thở của mình. Bạn nên biết rằng bạn không thể vừa suy nghĩ mà lại vừa có ý thức về hơi thở. Thở có ý thức giúp bạn ngừng lại những suy tư ở trong mình. Nhưng điều này rất khác với trạng thái mê mẩn xuất thần hay ngủ gật, vì bạn hoàn toàn tỉnh táo khi có ý thức về hơi thở của mình. Bạn không bị rơi xuống dưới mức suy nghĩ, mà trái lại là vượt lên trên nó. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy rằng việc hoàn toàn có mặt trong phút giây hiện tại và sự sáng suốt chẳng vướng bận một suy tư nào giống nhau ở chỗ: Đó là sự trỗi dậy của không gian rộng thoáng ở nội tâm bạn.

Nghiện ngập

Nghiện ngập là một thói quen bó buộc lâu đời. Nó có ở trong bạn như là một thực thể hay là một em bé khổ sở, đầy thương tích ở trong bạn8 hoặc một trường năng lượng có thể thỉnh thoảng chiếm hữu bạn hoàn toàn. Khi nó chiếm lĩnh đầu óc bạn, cái tiếng nói luôn vang vọng ở trong đầu bạn lúc đó sẽ trở thành là tiếng nói của cơn nghiện. Nó có thể nói với bạn: "Hôm nay vất vả quá. Mình phải tự thưởng cho mình một cái gì đi chứ. Tại sao lại không cho phép mình huởng một chút vui thú duy nhất còn lại này?". Và thế là bạn trở nên mất nhận thức khi tự đồng hóa mình với tiếng nói đó, và bạn sẽ thấy mình đang tiến dần đến cái tủ đựng thức ăn, đưa tay với lấy cái bánh hay một thức gì đó bỏ vào miệng và ăn một cách ngấu nghiến. Nhiều lúc, cơn nghiện hoàn toàn vượt ra khỏi sự kiểm soát của lý trí bạn, và bạn ngạc nhiên bắt gặp mình đang phì phèo điếu thuốc lá hay đang cầm một cốc bia trên tay. Có thể bạn sẽ tự hỏi: "Ủa, ai vừa đốt điếu thuốc này cho mình vậy kìa?” hoặc “Ủa, ly bia này ai đưa cho tôi vậy? Sao tôi chẳng hề hay biết gì cả?". Nhưng chung quanh bạn không có ai khác và chẳng có người nào đưa những thứ này cho bạn. Chính bạn đã đưa tay rút một điếu thuốc và bật lửa lên đốt, hay tự rót cho mình một cốc bia,... và bạn làm những hành động này hoàn toàn trong vô thức9.

Khi một cơn ghiền ma túy, thuốc lá, ăn uống, rượu bia, dục tình... xảy đến với bạn thì bạn hãy nhớ: Ngừng lại mọi thứ và thở ba hơi thở thật sâu. Bạn thở thật chậm rãi và có ý thức về cơn nghiện ngập này của mình. Điều này sẽ giúp bạn trở nên có ý thức về những gì đang xảy ra ở trong bạn. Hãy chú tâm vài phút đến cảm giác ham muốn, thôi thúc mà lúc này đang hiện diện như một trường năng lượng thèm khát ở trong bạn. Hãy cảm nhận một cách có ý thức rằng thói quen này đang có nhu cầu hấp thụ một cái gì đó, hoặc là phải tiêu hóa một chất gây nghiện, hoặc phải làm một hành động nào đó không cưỡng lại được. Khi bạn thở và ý thức được như thế, bạn có thể cảm thấy nỗi ham muốn ấy bỗng dưng tan biến, nhưng cũng có khi bạn sẽ bị cơn nghiện đó chiếm hữu khiến bạn phải chiều theo nó. Xin đừng quá nghiêm khắc với chính mình khi điều này xảy ra. Hãy coi chuyện nghiện ngập như là một phần của việc thực tập giúp bạn nâng cao nhận thức, tương tự như phương pháp thực tập tôi đã nêu ở trên. Khi nhận thức ở trong bạn được phát triển, lớn mạnh hơn thì sức mạnh của những thói quen nghiện ngập cũ ở trong bạn sẽ yếu dần và rồi sẽ biến mất. Tuy nhiên, hãy sáng suốt để tóm lấy bất kỳ một ý nghĩ nào đang xảy ra ở trong đầu bạn10, những ý nghĩ có dụng ý biện minh cho thói quen nghiện ngập đó. Đây là những ý nghĩ rất lém lỉnh và khôn ngoan. Khi có một tiếng nói vang lên ở trong đầu, bạn hãy nhớ thường xuyên tự hỏi mình: “Ai là người đang nói đây?”. Và bạn sẽ thấy rằng “Ồ cơn nghiện và bản ngã ở trong tôi đang lên tiếng đây”. Chừng nào bạn còn biết được điều đó, chừng nào bạn còn có mặt để quan sát những suy tư của bạn, thì cơn nghiện sẽ ít có cơ hội gạt gẫm bạn làm theo những gì nó muốn là tiếp tục nuôi dưỡng thói quen nghiện ngập ở trong mình.

Ý thức về cơ thể bên trong của mình

Trong cuộc sống hàng ngày, cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để tìm ra không gian rộng thoáng ở bên trong là tiếp xúc một cách sâu sắc với hơi thở của mình. Bạn sẽ nhận thấy rằng, bằng cách cảm nhận luồng không khí vào, ra trong cơ thể cũng như chuyển động lên, xuống của buồng ngực và bụng mà bạn ý thức được phần cơ thể bên trong của mình. Sự chú ý của bạn có thể sẽ chuyển dần từ hơi thở sang việc cảm nhận sức sống luôn có mặt khắp nơi trong cơ thể.

Hầu hết mọi người đều bị phân tán bởi thói quen suy nghĩ và thường tự đồng nhất mình với tiếng nói vang vang ở trong đầu, họ không còn cảm nhận được vẻ sống động ở trong mình. Bất hạnh lớn nhất xảy đến là khi bạn không còn cảm nhận được sự sống động đang điều hành chính cơ thể của mình và bạn chính là sức sống đó. Lúc đó bạn không những sẽ luôn đi tìm một cái gì đó để thay thế cho trạng thái an nhiên tự tại có mặt rất tự nhiên ở trong mình mà còn tìm kiếm những thứ để giúp bạn tìm quên, để che đậy nỗi bất an luôn hiện diện khi bạn không còn tiếp xúc được với sự sống động đó. Sự sống động đó của cơ thể vẫn luôn có ở đó, nhưng bạn luôn làm ngơ. Những thứ người ta hay tìm quên với nó có thể là những thứ gây phấn chấn nhất thời như ma túy, hay những thứ gây kích thích thái quá như vặn nhạc với âm lượng cực lớn, hoặc những hành vi mạo hiểm, những mê đắm trong tình dục,... Thậm chí có khi bạn còn cố ý tạo ra những bi kịch trong quan hệ luyến ái để che đậy những bất an luôn luôn có mặt ở hậu trường tâm thức bạn. Vì thế nên bạn thường đặt hết sự trông đợi vào những quan hệ luyến ái, tức là với người mà bạn nghĩ rằng sẽ đem lại cho bạn niềm vui. Nhưng dĩ nhiên, đó cũng là những mối quan hệ thường làm cho bạn cảm thấy buồn nhất. Và khi nỗi bất an ngấm ngầm ấy xuất hiện thì người kia chắc chắn là người phải chịu trách nhiệm cho nỗi bất an ấy của bạn.

Bây giờ chúng ta hãy thở hai, hoặc ba hơi có ý thức. Thử xem mình có nhận ra được cảm giác sống động rất nhẹ nhàng, lan tỏa lấy toàn thân của mình không. Bạn có thể cảm nhận được cơ thể năng lượng bên trong của bạn không? Cảm nhận trong chốc lát các bộ phận như tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân. Bạn có cảm nhận được ngực, lưng, cổ, đầu của mình không? Còn khuôn mặt, đôi môi của mình ? Có sức sống ở đó không? Sau đó bạn cảm nhận lại toàn bộ cơ thể của mình. Lúc đầu có thể bạn cần phải nhắm mắt để luyện tập, nhưng khi bạn đã cảm nhận được sức sống trong toàn cơ thể của mình rồi thì bạn có thể mở mắt ra. Cùng một lúc, bạn đưa mắt nhìn chung quanh và cảm nhận cơ thể của mình. Có những người không cần phải nhắm mắt, vì họ thực sự có thể cảm nhận được sức sống ở trong cơ thể của họ khi đang đọc những dòng chữ này.

Không gian bên trong và không gian bên ngoài

Cơ thể của bạn không phải là một cái gì đậm đặc mà thực ra là đầy những khoảng không. Không gian không phải là phần cơ thể có tính chất vật lý mà chính là cái làm nên cơ thể vật lý đó. Đó cũng là cái thông minh sáng tạo đã tạo nên và duy trì cơ thể đó, cùng một lúc phối hợp rất nhịp nhàng hàng trăm chức năng rất phức tạp mà trí năng bạn không thể hiểu hay làm được. Khi bạn nhận thức được điều này thì có nghĩa là cái thông minh sáng tạo đó đang nhận thức được chính nó. Đó cũng chính là "sự sống" luôn lẩn khuất mà không một nhà khoa học nào có thể tìm ra, vì cái nhận thức mà nhà khoa học đang dùng để làm công việc tìm tòi ấy cũng chính là “sự sống” đó.

Các nhà vật lý đã phát hiện ra rằng tính đậm đặc hiển nhiên của vật chất chỉ là một ảo tưởng do giác quan của ta tạo ra. Kể cả cơ thể vật lý của chúng ta mà ta cảm nhận và cho đó là một hình tướng thì thật ra 99,99% cơ thể đó chỉ là những khoảng không. So với kích thước nguyên tử thì khoảng cách giữa các nguyên tử là cực lớn và trong mỗi nguyên tử thì cái khoảng cách cũng bao la như thế. Cái cơ thể vật lý mà bạn cho là của bạn cũng chỉ là một cảm nhận sai lầm. Về nhiều phương diện, cơ thể của bạn chính là một phiên bản thu nhỏ của vũ trụ10. Để bạn có một hình dung về khoảng không gian bao la giữa các thiên thể, ta hãy tính như thế này:

Với vận tốc 300.000km/giây, ánh sáng đi từ trái đất tới mặt trăng phải mất hơn 1 giây, phải mất 8 phút để ánh sáng có thể đi từ mặt trời đến trái đất, phải mất 4 năm rưỡi ánh sáng để đi từ ngôi sao gần ta nhất gọi là Proxima Centauri (tức là một mặt trời của một thiên hà gần mặt trời của ta nhất) để đến trái đất. Đó là một khoảng không gian bao la chung quanh ta. Còn khoảng không gian nằm giữa các thiên hà thì quả là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Phải mất 2,4 triệu năm, ánh sáng mới đi từ thiên hà gần nhất là Andromeda đến trái đất của chúng ta. Vậy bạn có ngạc nhiên khi cơ thể bạn cũng chứa đầy không gian bao la như thế?

Cho nên cơ thể hữu hình của bạn sẽ cho bạn thấy rằng nó cơ bản là vô hình tướng khi bạn đi sâu vào bên trong nó. Vì vậy, cơ thể của bạn trở thành một cánh cửa để giúp bạn đi vào không gian bên trong. Dù không gian bên trong là một cái gì không có hình tướng, nhưng không gian ấy rất sống động. Cái "không gian trống rỗng" đó lại chính là sự sống với vẻ trọn vẹn nhất, là Cội Nguồn Vô Tướng, nơi phát xuất của tất cả thế giới hữu hình. Người ta hay dùng chữ Thượng Đế để nói về Cội Nguồn này.

Ý tưởng và ngôn từ thuộc về thế giới của hình tướng, chúng không thể diễn đạt cái vô hình tướng. Vì thế khi bạn nói "Tôi có thể cảm nhận phần cơ thể bên trong" thì đó là sự sai lầm trong tư duy. Những gì thực đang xảy ra là nhận thức - dưới dáng vẻ của một cơ thể con người - đang nhận biết về chính nó. Khi bạn không còn nhầm lẫn bản chất chân thật của mình với cơ thể vật lý, cái hình tướng tạm bợ này, thì chiều không gian vô hạn và vĩnh hằng - Thượng Đế - có thể hướng dẫn bạn và diễn đạt qua bạn. Nhận thức đó cũng giúp bạn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào hình tướng. Tuy thế, nếu chỉ đơn thuần tin tưởng một cách mù quáng rằng "Tôi không phải là hình tướng này" thì niềm tin này cũng không giúp ích gì cho bạn. Câu hỏi thiết yếu là: Trong lúc này, bạn có cảm nhận được sự có mặt của khoảng không gian bên trong, tức là bạn có thể cảm nhận được sự Hiện Hữu của chính mình không, hay nói đúng hơn, là bạn có thể cảm nhận sự Hiện Hữu mà bạn đang thể hiện ra không?

Chúng ta có thể tiếp cận chân lý này bằng một cách khác. Hãy tự hỏi chính mình: "Trong lúc này tôi không những có ý thức về những gì đang xảy ra mà còn ý thức được phút giây hiện tại – tức là khoảng không gian sống động, miên viễn, qua đó mà mọi thứ có thể xảy ra?”. Dù câu hỏi này có vẻ không liên quan gì đến phần cơ thể bên trong, bạn sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên là khi bạn ý thức được không gian của phút giây hiện tại thì bất ngờ bạn sẽ cảm nhận sự sống động đó rõ nét hơn ở trong bạn. Bạn đang cảm nhận sức sống của cơ thể năng lượng bên trong của bạn. Vẻ sống động đó là bộ phận nội tại của niềm vui an nhiên tự tại. Ta phải đi vào cơ thể để vượt ra khỏi cơ thể và thấy được rằng ta không phải là cơ thể đó.

Trong sinh hoạt hằng ngày, hãy có ý thức về cơ thể năng lượng ở bên trong của bạn để tạo ra những khoảng không gian ở nội tâm. Khi phải chờ đợi ai, khi đang lắng nghe ai nói, khi ngắm nhìn bầu trời, nhìn một cành cây, một bông hoa, khi nhìn vợ (hoặc chồng), nhìn con…, bạn hãy cảm nhận sự sống động ở bên trong bạn. Điều này có nghĩa là một phần của sự chú tâm hay nhận thức của bạn vẫn còn tiếp xúc với cõi Vô Tướng, còn phần kia là dành cho thế giới của hình tướng ở bên ngoài. Khi bạn thực tập an trú trong cơ thể của mình như thế thì nó trở thành một chiếc neo giúp bạn có mặt trong phút giây hiện tại. Ý thức về cơ thể năng lượng ở bên trong làm cho bạn không bị mất hút trong những suy nghĩ, những cảm xúc miên man, hoặc bị lôi cuốn hoàn toàn vào trong những tình huống nhiêu khê ở bên ngoài.

Khi bạn suy nghĩ, cảm nhận, khái niệm, hay trải nghiệm một điều gì thì ý thức, tức là Tâm, đang từ cõi Vô Tướng bị tái sinh vào thế giới của hình tướng. Tâm hóa thân thành một ý nghĩ, một cảm giác, một sự nhận biết, một sự trải nghiệm. Vòng sinh tử luân hồi này liên tục xảy ra khi bạn vô thức tự đồng hóa mình với một ý nghĩ hay một cảm xúc. Bạn chỉ có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi này bằng con đường duy nhất: Đó là qua giây phút này - qua năng lực của phút giây hiện tại. Khi bạn chấp nhận hoàn toàn những gì đang biểu hiện12 trong phút giây này thì bạn có sự điều hợp nội tại đúng đắn với không gian ở bên trong, tức cũng là bản chất của phút giây hiện tại. Qua sự chấp nhận hoàn toàn mà trong bạn có rất nhiều không gian. Sự điều hợp đúng đắn với không gian bên trong, thay vì với hình tướng ở bên ngoài, sẽ mang lại cho bạn cách nhìn đúng đắn và quân bình trong cuộc sống.

Để ý đến khoảng hở của im lắng ở bên trong

Trong ngày, bạn qua đi một chuỗi những sự kiện thay đổi liên tục mà bạn nhìn hoặc nghe thấy. Thoạt đầu khi nghe hay nhìn một điều gì - đặc biệt là với những gì mới lạ đối với bạn - thì trước khi đầu óc bạn có thể đặt tên và suy diễn về những thứ ấy, bạn sẽ nhận ra có một khoảng trống sáng tỏ của ý thức. Đó là khoảng không gian im lắng ở nội tâm. Độ dài của khoảng hở này thay đổi tùy theo từng người. Khoảng hở im lắng ấy rất dễ bị bỏ qua vì ở nhiều người khoảng hở ấy rất ngắn, khoảng 1 giây hay ngắn hơn.

Quy trình đó có thể mô tả như sau: Khi một quang cảnh hay âm thanh vừa xảy ra, giây phút đầu tiên khi giác quan của bạn vừa tiếp thu thì dòng suy tư, lo lắng quen thuộc ở trong bạn được lắng xuống. Lúc đó ý thức của bạn bị tách ra khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ vì nó bị chi phối bởi đòi hỏi của các giác quan. Cho nên một cảnh tượng hay âm thanh lạ kỳ có thể làm cho bạn "lặng im" ở bên trong, tức là tạo một khoảng hở của im lắng dài hơn, trong lúc không hề có hoạt động của suy tư hay lo sợ gì trong tâm thức bạn.

Số lần xảy ra và độ dài của những khoảng hở im lắng đó quyết định khả năng thưởng thức đời sống của bạn, giúp bạn cảm thấy gần gũi, thân thiện với người khác và với thiên nhiên. Nó cũng quyết định mức độ bạn bị bản ngã chi phối, vì càng bị chi phối, bạn càng không ý thức được chiều không gian im lắng này.

Nếu bạn có ý thức về những khoảng hở của vô niệm13 ấy khi chúng xảy ra thì chúng sẽ tự kéo dài một cách tự nhiên, và như thế càng ngày bạn sẽ càng có thêm nhiều niềm vui trong lúc cảm nhận được những gì xảy ra ở chung quanh mà không có, hoặc có rất ít, sự can dự của suy nghĩ. Thế giới chung quanh bạn lúc đó sẽ mang vẻ tươi mát và sống động. Trái lại, khi bạn chỉ cảm nhận cuộc sống qua tấm màn khái niệm và sự trừu tượng hóa của suy tư thì thế giới chung quanh bạn càng trở nên thiếu sinh khí và nhàm chán.

Đánh mất mình để tìm lại được chính mình

Không gian bên trong sẽ phát sinh khi bạn buông bỏ nhu cầu coi trọng tư cách bên ngoài của mình14. Đó chỉ là một nhu cầu của bản ngã chứ không phải là một nhu cầu chính đáng. Chúng ta đã đề cập sơ lược về vấn đề này ở phần trước. Khi bạn từ bỏ được một thói quen cư xử bó buộc15 thì khoảng không gian bên trong của bạn sẽ phát sinh. Bạn thực sự đúng là mình hơn, tuy đối với bản ngã thì dường như bạn đang tự đánh mất chính mình. Chúa Jesus đã dạy là phải đánh mất chính mình16 để tìm lại được con người chân thật của mình. Khi buông bỏ được một khuôn mẫu cư xử bó buộc17 thì bạn sẽ bớt coi trọng tư cách bên ngoài của mình và bản chất chân thật, vô hình tướng ở trong bạn sẽ được hiện ra một cách rõ nét hơn. Tức là bạn trở nên ít hơn để trở thành nhiều hơn18.

Có nhiều cách mà người ta dùng để làm mạnh thêm tư cách ở bên ngoài của mình (tất nhiên đây là một điều nằm ngoài ý thức của họ). Và nếu bạn có đủ tỉnh táo, bạn có thể phát hiện ra một khuôn mẫu hành vi nào đó ở ngay trong bản thân mình, chẳng hạn như đòi hỏi người khác phải thừa nhận thành quả của những gì mình đã làm và cảm thấy tức giận hay bực bội nếu bạn không được người khác công nhận; hoặc bạn thích phát biểu ý kiến của mình khi không được yêu cầu, và những điều mà bạn nêu lên thường chẳng có tác dụng gì hữu ích cho người khác; hoặc bạn chỉ thích phô trương những thứ mà bạn sở hữu, những kiến thức mà bạn có, khoe khoang về ngoại hình, địa vị, sức khỏe,…; bạn coi trọng việc người khác nghĩ gì về mình, tức là dùng người khác để phản ảnh cái bản ngã của bạn hay dùng họ để làm công cụ củng cố bản ngã của bạn; bạn trở nên giận dữ, kêu ca, hay phàn nàn để chứng tỏ là người khác sai, còn mình thì đúng; bạn thích quan trọng hóa một vấn đề,…

Khi phát hiện ra một khuôn mẫu hành vi nào đó ở trong mình, tôi đề nghị bạn hãy làm một thí nghiệm nhỏ. Thử xem nếu bạn buông bỏ những cung cách cư xử như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra, và việc đó sẽ đưa lại cho bạn cảm giác như thế nào. Chỉ cần bạn thử buông bỏ và xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Làm giảm bớt tư cách bên ngoài của mình là một cách khác để giúp cho bạn có ý thức hơn. Hãy khám phá năng lực lớn lao ở trong bạn khi bạn không còn chú trọng đến tư cách bên ngoài của mình.

Sự tĩnh lặng

Có người đã nói: "Tĩnh lặng là ngôn ngữ của Thượng đế và mọi thứ khác đều là thứ diễn dịch tồi". Tĩnh lặng thật ra là cách nói khác để chỉ không gian ở bên trong. Bất cứ khi nào ý thức được sự tĩnh lặng, bạn sẽ tiếp xúc được với chiều không gian vô hình tướng, vô thời gian ở bên trong, chiều không gian này vượt ra ngoài suy nghĩ, vượt ra ngoài bản ngã của bạn. Đó có thể là sự tĩnh lặng bao trùm khắp thiên nhiên, hay là sự tĩnh lặng của buổi sớm mai trong căn phòng của bạn, hay là cái khoảng lặng giữa những âm thanh. Tĩnh lặng không có hình tướng, và đây là lý do tại sao ta không thể dùng suy nghĩ để cảm nhận được nó. Vì suy tư là hình tướng. Để nhận ra sự tĩnh lặng nghĩa là bạn phải trở nên tĩnh lặng. Tĩnh lặng là nhận thức sáng tỏ mà không hề có một chút suy nghĩ nào. Bạn chỉ có thể trở thành sâu sắc hơn, trở thành chân thật hơn khi bạn thực sự tĩnh lặng. Khi bạn tĩnh lặng, thì bạn mới trở về với bản chất nguyên sơ của mình, trước khi tạm thời mang cái hình hài này, tấm hình hài vật chất và tinh thần mà ta gọi là một con người này. Cái bản chất nguyên sơ đó vẫn sẽ còn tiếp diễn khi hình hài, cơ thể này tan rã. Khi tĩnh lặng, bạn mới chính thực là bản chất thực của mình, vượt thoát những giới hạn của thế gian. Bạn chính là nhận thức, là Tâm, không bị định đặt, vô hình tướng và vĩnh hằng.



CHÚ THÍCH



1. Sufi: Tên gọi những nhà huyền học của Hồi giáo.
2. Đưa bạn đến thái độ không tham đắm, vướng mắc: Tức là khi bạn đang có tài sản hay địa vị, bạn vẫn hiểu tính chất không bền vững của những thứ này để khi không còn những thứ đó nữa thì bạn hiểu “ồ, đây là lúc tan rã của nó”, mà không quá quay quắt khổ đau hay đi đến chỗ tự hủy mình vì mất mát.
3. Thói quen suy nghĩ: Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng bạn rất ghiền những ý nghĩ ở trong đầu bạn. Mỗi ý nghĩ xuất hiện ở trong đầu, bạn đều cả tin vào ý nghĩ đó và nó luôn kéo bạn đi theo, như thể bạn đang rảnh rỗi và có một người bạn thân đến rủ bạn đi chơi, và bạn đi ngay không do dự hay suy xét gì. Nhưng ý nghĩ nguy hại nhất mà bạn cả tin vào là ý nghĩ: “Tôi là một con người, một cá thể tách biệt với đời sống và thế giới chung quanh”.
4. Tiếng nói liên miên ở trong đầu họ: Là tiếng nói ồn ào của bản ngã mỗi người, luôn phê phán người này, chỉ trích người kia, ngay cả phê phán chính họ.
5. Bị cầm tù trong thói quen lo nghĩ vẩn vơ: Suốt ngày bạn bị giam hãm trong những ý nghĩ lo sợ miên man, không thể thoát ra được.
6. Nếu có một ý nghĩ nào xuất hiện, đừng để cho mình chạy theo ý nghĩ đó: Nếu bạn có mặt thì khi một ý nghĩ xuất hiện, bạn sẽ nhận ra: “Ồ, có một ý nghĩ đang xuất hiện ở trong mình”; và nhờ bạn có ý thức về sự xuất hiện của ý nghĩ đó, bạn sẽ không bị cuốn theo, cả tin và tự đồng hóa mình với ý nghĩ đó.
7. Chủ thể nhận thức ấy mãi mãi là một điều bí mật, bất khả tư nghị: Nghĩa là cái Biết ở trong bạn có khả năng nhận biết những gì đang xảy ra chung quanh bạn, nhưng tự thân nó vẫn là một điều bí mật, không thể nghĩ bàn gì được.
8. Một em bé khổ sở, đầy thương tích ở trong bạn: Những thói quen nghiện ngập ở trong ta như một em bé rất khổ sở vì mang nhiều thương tích chưa được chữa lành nên em bé này luôn kêu gào, vật vã ở trong ta. Bạn đi vào con đường nghiện ngập là cách, dù tiêu cực, để bạn giúp mình tạm thời làm tê dại hoặc để quên đi nổi khổ, niềm đau sâu kín ở trong lòng. Nhưng bạn không thể trực tiếp chữa trị chứng nghiện ngập ở trong bạn. Điều thiết thực mà bạn cần làm ở đây là nhận diện những vết thương mưng mũ này ở trong nội tâm bạn, hãy vỗ về, chăm sóc và thương yêu em bé thương tích đó như bạn đang vỗ về một đứa con của bạn. Khi những khổ đau này được lắng dịu và bình phục thì bạn sẽ thoát ra được thói quen nghiện ngập ở trong mình.
9. Bạn làm những hành động này hoàn toàn trong vô thức: Có những khuôn mẫu vô thức rất sâu đậm đến độ bạn không hề ý thức rằng mình đã làm như vậy. Có trường hợp những người lính đã từng tham dự vào các trận đánh lớn, dù nay không còn phục vụ trong quân ngũ nữa nhưng nếu chẳng may bị một tai nạn xe hơi và được trực thăng cấp cứu đến đưa vào bệnh viện thì họ vẫn có thể rơi vào một trạng thái vô thức và phản ứng như thể họ đang ở trong chiến trận. Đó là vì tiếng ồn của động cơ, ánh đèn chớp nháy của trực thăng,... đưa họ trở về những ám ảnh cũ trong chiến trận. Đây là một vấn đề về tâm lý, một căn bệnh về tâm thần mà phương Tây gọi là Post Traumatic Stress Disorder (viết tắt: PTSD), tức là sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người sau khi đã đi qua một kinh nghiệm kinh hoàng. Để chữa trị hội chứng này, điều cần làm là giúp cho người bệnh nhận thức rằng ở trong họ có những cảm giác sợ hãi, giận dữ, u sầu,...về biến cố đó; rằng chuyện ấy có thể xảy ra cho bất kỳ một ai chứ không phải cho riêng gì một cá nhân; điều quan trọng là không quy lỗi cho một ai trong biến cố đó. Người ấy cần được nói ra những gì đang ám ảnh họ, tiếp xúc và hóa giải những cảm xúc ấy, nhận diện những suy luận, diễn dịch không xác thực về biến cố ấy,... giúp cho họ nhận thức rằng đó chỉ là những ám ảnh tâm lý đã thuộc về quá khứ vì trong giây phút này, không có chuyện gì đáng sợ đang xảy ra cho họ hoặc cho người thân của họ cả. Hiểu,chấp nhận và tha thứ cho những gì đã xảy ra là cách duy nhất để hóa giải vết thương của quá khứ.
10. Hãy sáng suốt để tóm lấy bất kỳ một ý nghĩ nào đang xảy ra ở trong đầu bạn: Khi bạn là người mắc phải những thói quen nghiện ngập như rượu, thuốc lá, cần sa, ma túy, tình dục... thì trong thời gian cai thuốc, thói quen của bạn sẽ ngày đêm rủ rỉ bên tai bạn những lời dụ ngọt, cố thuyết phục bạn bằng những lý lẽ rất hay ho, chỉ cốt để kéo bạn trở về con đường nghiện ngập. Do đó, bạn phải rất khiêm tốn và sáng suốt để nhận ra khi có một ý nghĩ dụ hoặc này xảy ra ở trong bạn và đừng để mình cả tin vào ý nghĩ đó. Nếu bạn không ý thức và lỡ cả tin mà làm theo những ý nghĩ đó thì chỉ cần xác nhận “Ồ, mình vừa bị ý nghĩ nghiện ngập ấy đánh lừa một lần nữa!”, không cần phải tự dằn vặt mình về thất bại này, mà chỉ cần bạn tiếp tục thực tập nhận diện những ý nghĩ này khi chúng phát sinh ở trong mình.
11. Cơ thể của bạn chính là một phiên bản thu nhỏ của vũ trụ: Theo nguyên lý Âm Dương ngũ hành, thì con người là vũ trụ nhỏ, là một phiên bản của Trời Đất, vũ trụ lớn.
12. Khi bạn chấp nhận hoàn toàn những gì đang biểu hiện: Dù có những điều bất hạnh lớn đang xảy ra trong giây phút này, bạn vẫn sẽ tiếp xúc được với năng lực của vũ trụ và bạn biết mình cần làm gì trong lúc đó.
13. Những khoảng hở của vô niệm: Đây là trạng thái tự do, khoáng đạt ở trong bạn khi tâm bạn không bị cuốn vào những ý nghĩ lo sợ, những suy nghĩ miên man không chủ đích hoặc những lo sợ vẩn vơ ở trong mình.
14. Không gian bên trong sẽ phát sinh khi bạn buông bỏ nhu cầu coi trọng tư cách bên ngoài của mình: Trong xã hội, bạn có thể là một người rất có tiếng tăm và địa vị, đó là vai trò, tư cách ở bên ngoài của bạn. Nếu bạn muốn tiếp xúc với không gian bên trong của bạn thì hãy tự xem mình là một người không có tiếng tăm, không có chức vị gì quan trọng cả.
15. Một thói quen cư xử bó buộc: Nếu bạn là một người thiếu tự tin, cả tin vào ý nghĩ “Tôi không thể tự nuôi sống mình”, thì bạn luôn cảm thấy bị thu hút bởi những người mà bạn cho là có quyền chức, hoặc giàu có để “trao thân, gửi phận”. Ngược lại, người kia thích bạn vì họ cần những người yếu đuối, nương tựa vào họ để họ cảm thấy “Tôi là một người quan trọng”, rằng “Có những người khác cần đến Tôi!”. Cả hai người đều tin vào một ý nghĩ tương tự như nhau: “Tôi là một cá thể, tách biệt với đời sống và với thế giới chung quanh” cần tựa vào nhau để sống.
16. Phải đánh mất chính mình: Tức là buông bỏ tất cả những hình tướng gì bên ngoài mà mình đã từng cho đó là mình để tìm ra được bản chất chân thực bên trong của mình. Nếu bạn mắc phải chứng trầm uất mà nguyên nhân không phải là do bạo hành hay ngược đãi, thì có thể là bạn hoàn toàn cả tin 100 phần trăm rằng “Thế giới này hiện hữu chỉ vì Tôi và cho Tôi”. Mọi người làm chuyện gì cũng vì bạn cả. Rằng bạn là trung tâm của vũ trụ. Trong trường hợp này, điều có thể giúp bạn là bạn hãy ghi ra những ý nghĩ mà bạn cả tin về đời sống và tham vấn với những người xung quanh để nhận ra rằng những điều bạn tin thực ra không xác thực như bạn vẫn thường nghĩ. Ví dụ, hôm nay bạn nhìn thấy một người quen, nhưng người ấy không chào hỏi gì bạn cả. Bạn tin chắc rằng: “Hôm nay anh ấy không niềm nở với em là vì anh ấy không còn thích em nữa!”, hãy ghi vào nhật ký điều này và đối chất với người kia để tìm xem tại sao người ấy có thái độ như vậy. Đánh mất chính mình là buông bỏ niềm tin “Thế giới này hiện hữu chỉ vì Tôi và cho Tôi”, thì bạn sẽ tiếp xúc được với một cái gì rộng lớn, khoáng đạt hơn.
17. Một khuôn mẫu cư xử bó buộc: Lối cư xử đầy tính vị kỷ trong quan hệ của bạn với người khác; trong mỗi quan hệ, bạn chỉ luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Bằng mọi cách, bạn luôn giành phần hơn cho mình. Dù không yêu thương gì những người ái mộ bạn, nhưng bạn vẫn thích để dành những quan hệ đó kiểu như “nhỡ khi trái gió, trở trời”. Bạn không thẳng thắn cho họ biết rằng bạn không thể hồi đáp lại cảm tình, lòng ái mộ của họ dành cho bạn, để họ có thể đi tìm một quan hệ khác.
18. Bạn trở nên ít hơn để trở thành nhiều hơn: Ít ở đây là ít chất vị kỷ của bản ngã, do đó có nhiều chất thánh thiện, sáng đẹp hơn.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cẩm nang phóng sinh


Vì sao tôi khổ


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.51.49 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...