Dù đang ở đâu, bạn hãy an trú trong phút giây hiện tại
Tôi thường cho rằng không thể có giác ngộ đích thực ngoại trừ qua tình yêu nam nữ. Không phải điều này làm cho ta cảm thấy toàn vẹn ư? Nếu điều này không xảy ra thì làm sao ta có được cuộc sống thỏa mãn?
Theo kinh nghiệm của bạn thì điều này có đúng không? Điều đó đã xảy ra cho bạn?
Chưa, nhưng làm sao mà có thể khác đi được? Tôi biết rằng nó “sẽ” phải xảy ra.
Nói một cách khác, bạn đang trông đợi một điều gì đó xảy ra trong tương lai để cứu vớt bạn kịp lúc. Đây không phải là một sai lầm căn bản mà ta đã nói trước đây ư? Sự cứu rỗi không thể xảy ra ở một nơi chốn, hay thời gian nào khác. Giải thoát chỉ có thể xảy ra ở đây và ngay bây giờ.
Câu nói “giải thoát chỉ có thể xảy ra ở đây và ngay bây giờ” có nghĩa là gì? Tôi không hiểu gì cả. Giải thoát có nghĩa là gì, tôi cũng không biết nữa.
Hầu hết mọi người tìm kiếm sự thỏa mãn về mặt tâm lý qua những thú vui xác thịt hay những thú vui nào đó vì họ tin rằng những thú vui này mang lại cho họ hạnh phúc hay giúp họ thoát khỏi cảm giác sợ hãi hay thiếu thốn. Họ cảm nhận hạnh phúc như là một cảm giác sống động mạnh mẽ đạt được bằng sự khoái cảm về thể xác hay là cái cảm giác yên ổn và toàn vẹn hơn với bản thân mình, qua một hình thức thỏa mãn tâm lý nào đó. Đây là một sự tìm cầu được giải thoát vì tự thân họ cảm thấy bất toàn hoặc bất như ý. Dĩ nhiên, những cảm giác thỏa mãn như thế dù có được đi nữa thì thường cũng chỉ nhất thời, vì vậy những gì con người cảm thấy cần được thỏa mãn, một lần nữa, lại được phóng chiếu về một tiêu điểm tưởng tượng ở trong tương lai, không có ngay ở đây và bây giờ. Sự tìm cầu như thế sẽ dễ dẫn dắt ta đến lối suy nghĩ: “Khi tôi có được cái này hay không vướng bận bởi cái kia, thì tôi sẽ được thong dong”(1). Đây là lối suy nghĩ mê lầm tạo nên bởi ảo tưởng rằng có thể có một sự giải thoát nào đó trong tương lai.
Nhưng sự giải thoát đích thực chính là sự hài lòng, sự yên bình trong nội tâm mà không do những thành tựu ở bên ngoài mang lại. Đó là đời sống của bạn với tất cả những thành công và thất bại của nó. Đó là khi bạn dám sống với con người chân thật của mình, là khi bạn cảm nhận cái thánh thiện, luôn sẵn có ở bên trong, mà không có sự đối nghịch; đó là niềm an vui từ thái độ sống an nhiên tự tại với mọi sự, mọi hoàn cảnh trong đời bạn, mà không bị phụ thuộc vào bất cứ cái gì ở bên ngoài. Sự cứu rỗi đích thực được cảm nhận như là một sự có mặt vững bền, hơn là một cái gì chóng qua. Nói theo người Cơ Đốc, đó là “nhận thức được bản chất Thượng Đế”, không phải là một cái gì ở bên ngoài mình, mà đó cũng chính Phật Tánh, là bản chất sâu lắng nhất của chính bạn. Cứu rỗi đích thực là biết được ta chính là một phần bất khả phân ly của Sự Sống Duy Nhất, vĩnh cửu, không hình tướng, chỗ mà từ đó, tất cả mọi vật trên thế gian này được phát sinh.
Sự cứu rỗi đích thực là thoát ly khỏi mọi sợ hãi, khổ đau, không còn cảm thấy mình chưa toàn vẹn, chưa đầy đủ hay chưa tốt, và vì thế mà bạn thoát ra khỏi mọi ham muốn, mọi nhu cầu thu giữ và bám víu. Đó là sự thoát ly khỏi lối suy nghĩ có tính chất bó buộc, thúc bách, thoát ly khỏi những thái độ tiêu cực, và trên hết thoát ly khỏi nhu cầu tâm lý về quá khứ và tương lai. Lý trí của bạn luôn cho rằng, trước khi bạn có thể đi từ chỗ này đến chỗ kia, bạn cần phải làm một cái gì đấy, hay bạn phải là cái này hay cái nọ trước khi bạn có thể đạt được tự do mỹ mãn. Thật ra trí năng bạn đang ám chỉ rằng bạn cần thời gian, rằng bạn phải tìm tòi, sắp xếp, thực hiện, thu hoạch, thay đổi hay học thêm về một cái gì đó trước khi bạn có được tự do trọn vẹn. Bạn xem thời gian là phương tiện của sự cứu rỗi, trong khi thực sự thời gian là trở ngại lớn nhất của bạn. Bạn cho rằng bạn không thể đến đó từ nơi này và từ chính con người bạn vào lúc này vì bạn chưa hoàn thiện hay chưa tốt lắm. Sự thật là ở đây và bây giờ là điểm xuất phát duy nhất để đến đó. Bạn “đến” đó bằng cách nhận ra là bạn đã ở đó rồi. Lúc nào bạn cảm thấy bạn không cần phải đi tìm kiếm Thượng Đế nữa là lúc bạn tìm ra Thượng Đế. Vì vậy con đường đến với sự cứu rỗi không phải chỉ có một con đường, có nghĩa là có rất nhiều cách, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể đưa ta đến giải thoát, không cần phải có một hoàn cảnh, điều kiện đặc thù nào. Tuy nhiên chỉ có một điểm tiếp cận, một lối vào: Đó là phút giây hiện tại. Không có sự cứu rỗi nào bên ngoài phút giây này. Bạn đang cô đơn vì không có người kết bạn? Hãy đi vào phút giây hiện tại từ chỗ đó(2). Bạn đang sẵn có một quan hệ với một người khác phái(3)? Hãy đi vào phút giây hiện tại từ chỗ đó. Nói một cách khác: Hãy an trú, và chấp nhận tất cả những gì đang có mặt trong quan hệ của bạn trong phút giây này.
Không có điều gì khác mà bạn có thể làm được để đưa bạn đến gần sự giải thoát hơn là phút giây này. Rất khó cho trí năng của bạn để hiểu được điều này vì trí năng thường quen với lối suy tưởng rằng những gì có giá trị đối với bạn chỉ có ở tương lai. Ngược lại, dù cho những gì bạn đã làm hay những gì đã xảy đến cho bạn trong quá khứ cũng không thể ngăn cản được bạn chấp nhận tất cả những khó khăn đang có mặt trong đời sống của bạn và giúp bạn chú tâm sâu sắc hơn vào phút giây hiện tại. Bạn đâu thể làm được điều này trong tương lai. Bạn chỉ có thể làm điều này ngay bây giờ hay bạn sẽ không bao giờ làm được cả.
Những quan hệ yêu/ghét tầm thường
Cho đến khi nào bạn tiếp xúc được với tần số rung của tâm thức của sự có mặt đích thực ở trong bạn, thì tất cả những quan hệ của bạn với người khác, đặc biệt là các quan hệ thân mật giữa nam nữ đều có sẵn nhiều bất toàn và rốt cuộc sẽ dẫn đến sự tha hóa, phân rã. Trên bề mặt, chúng có vẻ hoàn hảo trong một thời gian nào đó, như trong khi bạn “đang yêu”, nhưng cái vẻ hoàn hảo hiển nhiên đó luôn luôn dễ bị phá vỡ khi những tranh cãi, xung đột, bất mãn, thậm chí bạo hành thể xác hoặc tinh thần(4) xảy ra ngày càng nhiều. Dường như là hầu hết những “quan hệ yêu đương” đều nhanh chóng trở thành những quan hệ yêu/ghét tầm thường. Lúc đó tình yêu đã biến thành sự đả kích tàn nhẫn, cảm giác hận thù, hay hoàn toàn dửng dưng chỉ trong một thoáng chốc. Hiện tượng này vẫn được cho là bình thường. Quan hệ lúc đó chỉ dao động trong một thời gian, vài tháng hay vài năm, giữa hai thái cực của “yêu” và “ghét”, và quan hệ đó cho ta nhiều khoái cảm dễ chịu cũng như nhiều hệ lụy, khổ đau. Nhiều cặp thường đâm ra ghiền những quan hệ luẩn quẩn như thế. Vì những bi kịch trong những quan hệ loại ấy có lẽ làm họ cảm thấy như là họ đang thực sự sống. Nhưng sớm muộn gì rồi cũng có lúc sự mất quân bình giữa hai thái cực tích cực và tiêu cực, và khi chu kỳ có tính tiêu cực và hủy hoại xảy ra ngày càng nhiều và mạnh mẽ hơn, lúc đó quan hệ của họ sẽ nhanh chóng đi đến chỗ đổ vỡ.
Thoạt tiên, bạn nghĩ có lẽ ta chỉ cần loại bỏ chu kỳ tiêu cực hay hủy hoại kia thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa thôi và quan hệ đó sẽ mặn nồng trở lại. Nhưng than ôi, điều này không bao giờ xảy ra được vì hai đối cực yêu/ghét kia phụ thuộc lẫn nhau. Bạn không thể có cái này mà không có cái kia. Cái tích cực đã chứa đựng sẵn trong nó cái tiêu cực chưa hiển lộ. Cả hai đều là hai khía cạnh của cùng một sự tha hóa trong tự thân. Ở đây tôi đang nói đến loại quan hệ có tính chất lãng mạn thông thường, không phải là thứ tình yêu đích thực, vì tình yêu đích thực không thể có đối nghịch do nó xuất phát từ một chỗ sâu hơn ở trong bạn, vượt lên trên lý trí. Thứ tình yêu lâu bền như thế thường rất hiếm, hiếm hoi như những con người đã có được sự tỉnh thức. Tuy nhiên, những thoáng yêu thương ngắn ngủi như thế cũng có thể xảy ra khi có sự gián đoạn trong dòng suy nghĩ miên man ở trong bạn, nhưng những thoáng yêu thương như thế rất ngắn ngủi và rất khó duy trì.
Dĩ nhiên là trong một mối quan hệ, khía cạnh tiêu cực thường dễ dàng được nhận ra hơn là khía cạnh tích cực. Ta cũng thường dễ dàng nhận ra những tiêu cực xuất phát từ người mình yêu hơn là những tiêu cực có gốc rễ ở trong chính mình. Tiêu cực có thể được thể hiện dưới nhiều dạng: khuynh hướng chiếm hữu, tính ghen tuông, sự lấn quyền, thái độ lạnh nhạt, lòng oán hận không hề nói ra, sự cố chấp, khuynh hướng thích tranh phần đúng về mình, sự thô lỗ, thái độ chỉ biết lo cho riêng mình, thói quen đòi hỏi và toan tính trong tình cảm, thích gây hấn, phê bình, phán xét, đổ lỗi cho người khác, đả kích, giận dữ, báo thù một cách thiếu hiểu biết vì những khổ đau của cha mẹ mình đã gây ra cho mình trong quá khứ, hoặc thịnh nộ và đi đến khuynh hướng bạo hành về thể xác(5).
Về mặt tích cực, đó là cảm giác “đang say đắm trong tình yêu” với người bạn gối chăn của mình. Thoạt đầu, đây là một trạng thái cực kỳ thỏa mãn. Bạn cảm thấy sống động một cách mãnh liệt. Sự có mặt của bạn trên cuộc đời này bỗng nhiên trở nên có ý nghĩa hơn vì có một người đang cần đến bạn, đang ham muốn bạn, và điều này làm bạn cảm thấy mình rất đặc biệt và bạn cũng làm như vậy đối với người kia. Những khi bạn có nhau, bạn cảm thấy như toàn vẹn và đầy đủ hơn. Cảm giác ấy có thể mạnh đến nỗi thế giới lúc ấy đối với bạn không còn quan trọng như trước đây nữa.
Tuy nhiên, hẳn bạn cũng nhận thấy rằng có sự phụ thuộc và đeo cứng lấy nhau trong cơn đắm say đó. Bạn trở nên nghiện người kia. Người ấy tác động đến bạn giống như một chất gây nghiện. Bạn cảm thấy phấn khởi khi bạn có thuốc. Nhưng khi bạn chỉ thoáng nghĩ, hoặc khi có một khả năng là bạn sẽ bị mất người kia thì bạn sẽ trở nên ghen tuông, muốn chiếm hữu, dọa nạt, uy hiếp trong tình cảm, trách móc và tố cáo. Nói chung là vì bạn sợ đánh mất mối quan hệ này. Nếu bạn bị ruồng bỏ, bạn sẽ cảm thấy thù hằn hoặc khổ đau và thất vọng không cùng. Trong phút chốc, tình yêu dịu ngọt bỗng nhiên trở thành một sự công kích không chút xót thương hoặc là nỗi đau buồn kinh khủng. Tình yêu nồng thắm đó bây giờ đi đâu mất? Tình yêu nồng cháy đó có thể nào trong phút chốc trở thành một thái cực đảo ngược? Đó có phải là tình yêu chân chính ngay từ thuở ban đầu, hay chẳng qua đó chỉ là sự vồ vập có tính nghiện ngập và vướng mắc?
Lòng đam mê và sự tìm về trạng thái hợp nhất
Tại sao ta trở nên “nghiện ngập” với một người khác phái?
Lý do tại sao quan hệ tình yêu lãng mạn của nam nữ là một trải nghiệm mạnh mẽ và được mọi người tìm kiếm là vì một quan hệ như thế dường như đưa người ta đến cảm giác thoát ra khỏi tình trạng sợ hãi, nhu cầu cần có một người khác phái để bù đắp cảm giác cô độc và thiếu thốn; đây là một phần của lối sống của nhiều người trong điều kiện chưa có sự cứu rỗi và giác ngộ đích thực. Trạng thái này có chiều sâu về thể chất và tâm lý.
Về mặt thể chất, rõ ràng bạn chưa toàn vẹn, và cũng không bao giờ cảm thấy thực sự toàn vẹn cả: vì bạn hoặc là đàn ông, hoặc là đàn bà, tức là một nửa của cái toàn thể. Về phương diện này, cảm giác mong muốn để trở thành một cái gì toàn thể – trở về với nhất thể – được thể hiện dưới lực hấp dẫn giữa người đàn ông và người đàn bà, nhu yếu của người đàn ông cần có một người đàn bà, và nhu yếu của người đàn bà cần có một người đàn ông. Đây là một sự đòi hỏi hầu như không thể cưỡng lại được để tiến tới sự hợp nhất giữa hai thái cực có năng lượng đối nghịch. Lòng ham muốn thể xác này còn có gốc rễ trong lĩnh vực tâm linh: Đó là sự mong muốn chấm dứt sự phân cách giữa hai đối cực ở trong bạn, để trở về trạng thái hợp nhất. Về mặt thể chất thì sự giao hợp trong tình dục là cách ngắn nhất để đạt đến tình trạng hợp nhất này. Cho nên kinh nghiệm tình dục này mang lại cho ta nhiều khoái cảm nhất trong thể xác, trong cảnh giới vật chất này. Nhưng sự giao hợp trong tình dục chỉ là một thoáng của trạng thái hợp nhất, một khoảnh khắc quá ngắn ngủi của niềm hạnh phúc sâu xa. Chừng nào mà bạn còn thiếu hiểu biết, xem tình dục như là một phương tiện cứu rỗi cho bạn, chừng đó bạn còn cố tìm cách chấm dứt sự phân cực trên bình diện hình tướng, và đó là một điều không bao giờ có thể xảy ra được. Đời sống cho bạn cảm nhận một thoáng hợp nhất ngắn ngủi như được lên thiên đàng, nhưng bạn không được phép ở lại đó lâu, và sau đó, bạn lại tìm thấy mình trong một hình hài riêng biệt, không còn cảm thấy hợp nhất với mọi thứ chung quanh mình.
Về mặt tâm lý, cái cảm giác thiếu thốn và chưa trọn vẹn ở trong bạn ít nhiều còn mãnh liệt hơn so với mặt thể chất. Khi nào bạn còn đồng nhất mình với lý trí, bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm chính mình qua những gì ở bên ngoài. Tức là bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm chính mình qua những thứ mà rốt cuộc không liên quan gì đến những gì chân thật của bạn như: địa vị xã hội, của cải, ngoại hình, thành công hay thất bại, tín ngưỡng, v.v. Cái bản ngã sai lầm do lý trí tạo ra, cái bản ngã luôn cảm thấy dễ bị thương tổn, thiếu an toàn, và luôn tìm kiếm một cái gì mới để bám vào, cho mình chính là cái đó và tạo ra cảm giác là nó vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, không một thứ gì có thể tạo cho bản ngã ở trong bạn một cảm giác đầy đủ, trọn vẹn và vững bền.
Rồi một quan hệ luyến ái nào đó của bạn bỗng dưng xuất hiện. Quan hệ đó có vẻ là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề của bản ngã bạn đang có, và đáp ứng được mọi yêu cầu của bản ngã, ít ra là lúc ban đầu. Lúc này mọi thứ trước đây được dùng để tạo ra cảm giác về một cái tôi, một cá thể ở trong bạn không còn quan trọng đối với bạn nữa. Giờ đây bạn có một tiêu điểm thay thế cho mọi cái khác, làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn, và qua đó mà bạn xác định tư cách của chính mình: đó là người mà bạn “đang yêu”. Bạn bây giờ không còn là một mảnh rời rạc trong một vũ trụ lạnh lẽo, ít ra bạn cũng tưởng như thế. Thế giới của bạn giờ đây có một tâm điểm mới: người mà bạn đang yêu. Sự kiện là tâm điểm đó vốn ở bên ngoài bạn và do đó cảm nhận về tự thân bạn cũng xuất phát từ bên ngoài, thoạt đầu chưa trở thành vấn đề đối với bạn. Vấn đề là bạn không còn cảm thấy các đặc điểm của bản ngã như là nỗi sợ hãi, hay cái cảm giác thiếu thốn, bất toàn ở trong bạn nữa — nhưng chưa chắc. Chúng thực sự đã biến mất hay vẫn còn tồn tại bên dưới cái vỏ hạnh phúc bề ngoài?
Nếu trong quan hệ luyến ái của mình, bạn vừa cảm thấy cả “yêu” và cả những điều trái nghịch như đả kích nhau, dày vò, tra tấn nhau, v.v. thì rất có thể bạn đang lẫn lộn tình yêu với sự vướng mắc của bản ngã và sự bám víu đầy tính nghiện ngập. Bạn không thể lúc này thì rất yêu người bạn gối chăn của mình, còn lúc khác thì chỉ muốn làm tổn thương người đó. Tình yêu đích thực không thể có điều trái nghịch đó. Nếu “tình yêu” của bạn có điều trái nghịch thì đó không phải là tình yêu mà chỉ là một nhu yếu mạnh mẽ của bản ngã, đòi hỏi một cảm nhận về bản ngã toàn diện và sâu sắc hơn, một ham muốn mà người kia tạm thời đang đáp ứng được. Loại “tình yêu” này là cái mà bản ngã muốn dùng để thay thế cho sự giải thoát đích thực, và thoạt tiên thì bạn cảm thấy nó rất giống với sự giải thoát mà bạn đang tìm kiếm.
Nhưng rồi sẽ đến lúc người tình của bạn có cư xử khiếm khuyết với bạn, không còn đáp ứng được nhu cầu của bạn, đúng hơn là nhu cầu của bản ngã ở trong bạn. Lúc đó những cảm giác sợ hãi, đau khổ và thiếu thốn ở trong bạn lâu nay thường bị che đậy bởi “quan hệ yêu đương” bỗng trỗi dậy. Cũng như những cơn nghiện khác, khi sẵn thuốc thì bạn rất phấn khởi, nhưng rồi sẽ đến lúc chất thuốc đó mất tác dụng. Khi những cảm giác đau khổ tái xuất hiện thì bạn sẽ thấy nó còn mạnh hơn trước đây, và thậm chí bạn còn xem người kia là nguyên nhân gây ra đau khổ của bạn. Đó là lúc bạn sẽ không thừa nhận khổ đau ấy vốn của bạn, và bạn sẽ phóng chiếu những khổ đau sẵn có ấy ở trong tự thân ra bên ngoài và đả kích người kia không một chút xót thương, để phát tiết bớt nỗi khổ đau của bạn. Sự công kích này có thể đánh thức khối khổ đau sâu nặng có sẵn trong người kia và họ có thể phản ứng lại sự công kích của bạn. Lúc này, bản ngã của bạn vẫn còn mê mờ vì hy vọng rằng bằng cách thao túng hay công kích như thế sẽ có tác dụng buộc người kia phải thay đổi thái độ, qua đó nỗi đau của bạn lại được che lấp thêm lần nữa.
Mỗi sự nghiện ngập đều phát sinh từ cố gắng trong sự thiếu hiểu biết của bạn để chối từ việc đối diện, và đi qua nỗi đau của mình. Sự nghiện ngập nào cũng bắt đầu bằng khổ đau và chấm dứt bằng khổ đau. Dầu bạn nghiện thứ gì: rượu, thức ăn, thuốc men, ma túy, hay một người nào đó – bạn đang dùng thứ đó để che đậy nỗi đau ở trong lòng. Điều này giải thích tại sao, sau những phấn chấn lúc ban đầu, quan hệ luyến ái mà bạn đã đặt rất nhiều kỳ vọng ấy bây giờ lại có quá nhiều bất hạnh và khổ đau. Tự thân của quan hệ luyến ái ấy không hẳn tạo ra nỗi bất hạnh và khổ đau cho bạn. Nhưng một quan hệ luyến ái thực ra chỉ làm bộc lộ rõ ra nỗi đau và bất hạnh đã có sẵn ở trong bạn. Sự nghiện ngập cũng vậy. Bất kỳ sự nghiện ngập nào rồi cũng đến lúc không còn tác dụng nữa, và lúc đó bạn sẽ cảm thấy nỗi đau càng sâu sắc hơn bao giờ.
Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người đều cố gắng trốn tránh phút giây hiện tại và tìm kiếm một sự cứu rỗi nào đó trong tương lai. Có lẽ vì biết rằng điều trước tiên họ phải đối diện khi chú tâm vào phút giây hiện tại là tiếp xúc với nỗi đau cũ ở trong mình. Và đây chính là điều mà họ rất sợ phải đối mặt. Ước gì họ biết rằng, chuyện này rất dễ dàng, vì từ phút giây hiện tại, họ có thể tiếp xúc với năng lực của sự có mặt của chính mình, xua đi quá khứ và những nỗi đau cũ, tiếp xúc được một thực tại có thể làm tiêu tan mọi ảo tưởng mê lầm.
Trốn tránh tất cả mọi quan hệ luyến ái để xa lánh khổ đau cũng không phải là một giải pháp đúng đắn. Dầu sao nỗi đau của bạn cũng vẫn còn đó. Đôi ba lần thất bại trong từng ấy năm thì cũng dễ khai mở cho bạn được tỉnh thức hơn là sống ba, bốn năm trên một hoang đảo hay trong một căn phòng đóng kín. Tuy vậy, một khi bạn để sự có mặt sâu sắc của mình tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình(6) thì sự thực tập này chắc chắn sẽ giúp cho bạn chuyển hóa được nỗi cô đơn của mình.
Chuyển hóa một quan hệ nghiện ngập sang một quan hệ đích thực
Chúng ta có thể chuyển hóa một quan hệ nghiện ngập sang một quan hệ đích thực không?
Vâng, được chứ. Bằng cách bạn hãy có mặt và làm mạnh thêm sự có mặt của mình khi bạn chú tâm sâu sắc vào phút giây hiện tại. Điều này rất thiết yếu dù cho bạn sống một mình hay đang sống chung với một người bạn khác phái. Để tình yêu của bạn được nẩy nở, ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn phải đủ mạnh để cho bạn không còn bị chiếm hữu bởi con người hay suy tư ở trong bạn hay nỗi đau sâu dày cũ ở trong bạn và nhầm lẫn chúng với chính bản thân bạn. Khi bạn biết được mình chính là sự ung dung tự tại nằm đằng sau con người hay suy nghĩ; biết được mình chính là sự tĩnh lặng đằng sau tiếng ồn ào của lí trí; biết được mình chính là tình yêu và niềm vui sống luôn nằm phía dưới tất cả khổ đau mà bạn đã cưu mang, lúc đó bạn sẽ có tự do, cứu rỗi và giác ngộ. Biết tách mình ra khỏi những nỗi đau sâu dày ở trong mình tức là mang sự hiện diện của bạn vào trong những nỗi đau đó, qua đó, bạn sẽ chuyển hóa được những khổ đau ấy. Biết tách mình ra khỏi những suy tư, và chỉ làm một người quan sát trong tĩnh lặng tất cả những ý tưởng và hành vi của mình, đặc biệt là những kiểu suy nghĩ lặp đi lặp lại ở trong mình(7) và biết những vai tuồng, nhân vật(8) của bản ngã mình trong những hành vi đó.
Nếu bạn thôi không cung cấp cho lý trí những cái để tạo nên “một tư cách, một cái Tôi”(9), thì lý trí của bạn sẽ không còn tiếp tục những lối hành xử một cách cưỡng bách(10) ở trong bạn nữa. Những lối hành xử cưỡng bách này có thể được biểu hiện như là nhu yếu cần phán xét ở trong bạn(11), qua đó, bạn chống đối những gì đang có mặt trong đời bạn và tạo ra nhiều mâu thuẫn, tạo ra những tấn tuồng(12) và tạo thêm đau khổ cho chính tự thân và cho những người chung quanh. Thực ra, lúc mà bạn thôi phán xét người khác vì đã chấp nhận được những gì đang hiện hữu, bạn đã thoát ra khỏi sự kềm tỏa của lý trí. Bạn đã tạo ra một chỗ đứng cho tình yêu, cho niềm vui và cho niềm an bình ở trong bạn. Trước tiên là bạn thôi không còn phán xét chính mình, và sau đó bạn thôi không còn phán xét kẻ khác. Chất xúc tác tạo thay đổi lớn lao nhất cho bạn, trong một mối quan hệ luyến ái, chính là sự chấp nhận vô điều kiện tất cả những gì liên quan đến người bạn gối chăn của mình, nhất là chấp nhận bản tính, và những khiếm khuyết mà người ấy đang có. Bạn sẽ thực tập để không còn phán xét hay muốn thay đổi người ấy dù chỉ một phần nhỏ. Thực tập đó sẽ lập tức đưa bạn thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã của bạn ngay. Tất cả mọi trò chơi lý trí và tất cả mọi bám víu, nghiện ngập ở trong bạn rồi sẽ qua đi. Bạn sẽ không còn muốn làm một nạn nhân trong quan hệ luyến ái này cũng như không muốn truy tìm một thủ phạm, không có người tố cáo cũng như kẻ bị cáo. Đây là hồi kết thúc của sự phụ thuộc lẫn nhau trong quan hệ luyến ái của bạn. Bạn sẽ không còn bị cuốn hút vào những mê lầm, vô minh của người kia và làm cho những mê lầm, vô minh ấy tiếp tục tồn tại. Lúc đó, nếu cần chia tay, bạn sẽ chia tay trong tình bạn, hoặc là sẽ đến thực lòng với nhau trong tình yêu chân chính, cùng nhau tiến sâu vào phút giây hiện tại – vào trạng thái an nhiên tự tại. Đơn giản vậy ư? Vâng, chỉ đơn giản vậy thôi.
Lòng trắc ẩn là một trạng thái của ung dung tự tại. Lòng trắc ẩn của bạn không phải ở bên ngoài, mà ở sâu trong bạn. Bạn không bao giờ đánh mất lòng trắc ẩn đó và nó cũng không thể rời xa bạn. Lòng trắc ẩn đó không phụ thuộc vào một thân thể hay một hình tướng bên ngoài nào khác. Trong tĩnh lặng của sự có mặt của bạn, bạn có thể cảm nhận được một thực tại không hình tướng và vượt thoát thời gian của chính bạn như là sự sống Vô Tướng, cái làm chuyển động tấm hình hài vật chất của bạn. Từ đó bạn có thể cảm nhận sự sống đó sâu lắng trong người khác và mọi sinh vật khác. Bạn nhìn vượt lên trên tấm màn che của hình tướng và sự phân cách. Đây là sự chứng ngộ về Nhất Thể(13). Đây chính là lòng trắc ẩn.
Thượng Đế là gì? Là Đời Sống Nhất Thể bất diệt, ẩn sau tất cả mọi thể sống. Lòng trắc ẩn là gì? Là cảm nhận sự có mặt của Đời Sống Nhất Thể đó nằm sâu ở trong bạn và trong tất cả những sinh vật khác. Hãy là sự sống đó. Do đó, tất cả lòng trắc ẩn chính là tình yêu Thượng Đế.
Lòng trắc ẩn - Đại Bi Tâm - không có sự phân biệt, cũng như ánh sáng mặt trời không phân biệt một ai. Nó không làm người nào, vật nào đặc biệt hơn. Nó cũng không phải là thứ tình yêu chỉ dành riêng cho một người. Lòng trắc ẩn dành riêng cho ai đó không phải tình yêu của Thượng Đế mà là tình yêu của bản ngã. Tuy nhiên, tình yêu đích thực có thể được cảm nhận với mức độ mạnh mẽ khác nhau. Có thể tình yêu của bạn được phản ảnh bởi một người nào đó rõ ràng và mạnh mẽ hơn so với những người khác và nếu người đó cảm nhận giống như thế đối với bạn thì có thể nói rằng bạn có một mối quan hệ yêu đương với người đó. Ở đây mối liên hệ ràng buộc bạn với người đó cũng giống như mối liên hệ ràng buộc bạn với một người bạn ngồi chung trên một chuyến xe buýt, với một con chim, với một bụi cây hay với cành hoa. Điều khác biệt chỉ là cường độ cảm nhận của bạn sẽ có mức độ khác nhau trong mỗi quan hệ.
Ngay cả trong một mối quan hệ nghiện ngập, sẽ có lúc có một cái gì đó rất thực chiếu xuyên qua những hệ lụy của loại quan hệ này, điều đó có thể vượt lên trên những nhu cầu gây nghiện cho nhau. Đó là lúc lý trí của cả hai người tạm thời lắng xuống và khối khổ đau sâu đậm trong mỗi người tạm thời ngủ yên. Điều này thỉnh thoảng xảy ra trong khi bạn đang âu yếm, thân mật với nhau, hay trong khi bạn chứng kiến phút giây sinh nở kỳ diệu, hoặc đứng trước sự hiện diện của cái chết, hay trong một cơn bệnh ngặt nghèo, hay bất kỳ những gì làm cho lý trí của bạn chịu đầu hàng. Khi điều này xảy ra, Bản Chất chân thực của bạn, thường bị chôn sâu dưới những hoạt náo của lý trí, bỗng nhiên được phơi bày ra, làm cho sự truyền thông chân thật có cơ hội được xảy ra.
Sự truyền thông chân thật chính là sự hòa đồng để trở thành một – sự nhận thức được tính Nhất Thể đó cũng chính là lòng trắc ẩn. Thường thì điều này bị biến mất nhanh chóng trừ phi bạn có khả năng hiện diện đủ mạnh để không bị lý trí và những kiểu hành xử theo thói quen cũ của trí năng chi phối. Ngay khi trí năng và thói quen cho rằng tôi chỉ là những ý nghĩ hay cảm xúc tiêu cực ở trong tôi trở lại, bạn sẽ không còn là chính mình nữa mà chỉ là một hình ảnh tượng trưng của lý trí của mình mà thôi, và bạn lại bắt đầu những trò chơi, hay đóng những vai tuồng để đáp ứng những nhu cầu của bản ngã bạn. Lúc đó bạn lại trở thành một khối suy tư mang dáng dấp của một con người, giao tiếp với những khối suy tư khác để diễn tuồng kịch gọi là “yêu đương”.
Dầu có những phút giây thoáng qua ngắn ngủi, tình yêu sẽ không thể nẩy nở được ngoại trừ khi bạn thoát ly vĩnh viễn khỏi sự khống chế của trí năng và có sự hiện diện đủ mạnh của mình để hóa giải hết khối khổ đau sâu dày – hoặc ít ra, bạn cũng làm một chứng nhân, yên lặng quan sát những gì đang xảy ra ở trong mình. Lúc đó khối khổ đau sâu kín ở trong bạn mới không còn chế ngự được bạn nữa và không biến bạn thành một kẻ phá hoại tình yêu.
Hãy dùng quan hệ luyến ái để rèn luyện tâm linh
Khi lối nhận thức vị kỷ và tất cả những cấu trúc xã hội, chính trị, kinh tế… mà bản ngã của chúng ta đã tạo ra đi vào giai đoạn sụp đổ cuối cùng thì quan hệ giữa đàn ông và đàn bà sẽ phản ảnh trọn vẹn tình trạng khủng hoảng sâu sắc mà con người đang phải đối mặt. Vì nhân loại càng ngày càng đồng nhất mình với lí trí(15), hầu hết những quan hệ luyến ái giữa nam và nữ thường không có gốc rễ trong trạng thái an nhiên tự tại, cho nên những quan hệ luyến ái thường là nơi phát sinh ra khổ đau, càng ngày càng gặp phải nhiều vấn đề và mâu thuẫn.
Giờ đây hàng triệu người đang sống một mình, hoặc đơn thân làm bố hoặc mẹ. Họ không thể xây dựng được một quan hệ luyến ái hay không mong muốn lập lại những tấn tuồng(16) qua những quan hệ luyến ái một cách điên rồ như trong quá khứ. Nhiều người khác thì đi từ quan hệ luyến ái này đến quan hệ luyến ái khác, từ chu kỳ khoái-lạc-rồi-khổ-đau này đến chu kỳ khoái-lạc-rồi-khổ-đau khác, mong đạt được một mục tiêu quá mông lung, để mong có sự hợp nhất với năng lượng đối cực với người khác phái. Một số khác thì chịu thỏa hiệp và tiếp tục chung sống lê thê với nhau trong một quan hệ đã bị tha hóa, với nhiều sự thắng thế của những năng lượng tiêu cực; họ tiếp tục sống một cách chịu đựng với nhau chỉ vì con cái, hay chỉ để được yên ổn, hoặc do áp lực của thói quen, vì sợ phải đối diện với cô đơn, hay phải ở một mình, hay do một sự sắp xếp nào đó để đôi bên cùng “có lợi”, hay ngay cả do sự nghiện ngập nhau, một cách không ý thức, nghiện ngập những cảm xúc mạnh mẽ gây ra bởi những tấn tuồng cảm xúc và khổ đau(17).
Tuy nhiên, khủng hoảng nào cũng đưa đến nguy cơ và đó cũng chính là một cơ hội tốt. Nếu quan hệ luyến ái nào cũng làm gia tăng sức mạnh và phóng đại những khuôn mẫu phản ứng đầy tính lý trí và bản ngã(18), hay kích động nỗi đau sâu kín ở trong ta, thì tại sao chúng ta không chấp nhận sự thực hiển nhiên này thay vì tìm cách chạy trốn chúng? Tại sao ta không tìm cách hợp tác với nó thay vì trốn tránh các quan hệ luyến ái này hay tiếp tục mơ mộng, đeo đuổi một ảo tưởng rằng, ở đâu đó, có một người bạn gối chăn rất lý tưởng, đang đợi chờ mình, chỉ để mong tìm ra một câu trả lời cho tất cả những vấn đề mình đang gặp phải, hoặc coi sự đeo đuổi đó như là một phương tiện để cho mình cảm thấy thỏa mãn? Mỗi cơ hội, ẩn giấu đằng sau mọi cuộc khủng hoảng của bạn, sẽ không lộ diện cho đến khi nào tất cả các sự kiện, của bất kỳ tình huống nào bạn đang gặp phải, được thừa nhận và chấp nhận một cách hoàn toàn. Chừng nào mà bạn còn chối bỏ, còn cố chạy trốn hay ước mong mọi việc sẽ khác đi,… cánh cửa cơ hội của bạn sẽ không được mở ra, và bạn vẫn bị mắc kẹt trong tình huống đó, một tình huống mà sẽ không có hy vọng gì để thay đổi, thậm chí có thể ngày càng trầm trọng hơn.
Khi bạn thừa nhận và chấp nhận các sự kiện, lúc đó bạn sẽ thoát khỏi chúng.Ví dụ, khi bạn biết bạn đang có bất hòa và bạn duy trì “cái biết” đó, khi đó sẽ có một nhân tố mới xuất hiện và sự bất hòa đó không thể không đổi thay. Khi bạn biết mình đang có sự bất an, cái biết đó tạo nên một khoảng không tĩnh lặng bao quanh cái không bình an của bạn bằng một vòng ôm dịu dàng và trìu mến rồi chuyển hóa sự bất an đó thành sự bình an. Khi nói về sự chuyển hóa ở bên trong, bạn không thể làm được gì cả ngoài việc thực tập chuyển hóa cho chính mình, vì chắc chắn bạn sẽ không thể chuyển hóa người bạn gối chăn của mình hay một ai khác. Điều mà bạn có thể làm là tạo ra không gian cho sự chuyển hóa đó có thể xảy ra, cho ân sủng và tình yêu đi vào.
Vì vậy, khi nào quan hệ luyến ái của bạn không được xuôi thuận, khi nào quan hệ đó chỉ làm bạn hay người kia “nổi điên” thì bạn cũng đừng lấy đó làm chuyện buồn lòng. Vì những gì mê lầm của bạn trước đây đang được đưa ra ánh sáng. Đó là cơ hội để bạn được giải thoát. Trong mỗi phút giây, lúc nào bạn cũng phải biết là, trong phút giây đó, tâm trạng của bạn ở bên trong đang như thế nào. Nếu bạn đang có cảm xúc giận dữ, hãy biết rằng bạn đang có cảm xúc giận dữ. Nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông, chống chế, thích tranh cãi, muốn tranh giành phần đúng về mình, hay có một đứa bé ở trong bạn đang vòi vĩnh, đòi hỏi bạn hay người khc phải chú tâm đến nó, hay bạn đang có một cảm xúc khổ đau – hoặc bất kỳ trạng thái tình cảm nào – hãy biết rằng bạn đang có một cảm xúc như thế ở trong lòng và bạn hãy cố duy trì nhận thức rõ ràng về tình trạng đó. Lúc đó quan hệ luyến ái của bạn sẽ trở thành “sadhana”, một thực tập giúp bạn rèn luyện tâm linh. Khi bạn quan sát những hành vi mê mờ ở người bạn gối chăn của mình, hãy giữ nhận thức đó trong một sự hiểu biết đầy bao dung ở trong bạn để bạn không còn thấy cần thiết để phải có một phản ứng. Mê mờ và hiểu biết là hai thứ không thể cùng tồn tại lâu dài với nhau ở trong bạn, cho dù sự hiểu biết ấy chỉ nằm ở một trong hai người. Thứ năng lượng nằm đằng sau sự thù địch và sự đả kích luôn cảm thấy sự có mặt của tình yêu và lòng bao dung ở trong bạn là một điều mà những năng lượng tiêu cực ấy không thể nào chấp nhận được. Do đó nếu bạn đi phản ứng lại với những sai lầm của người kia, thì chính bạn cũng trở nên mê mờ. Nếu lúc đó bạn, vì thiếu ý thức, bạn đã lỡ phản ứng, thì bạn chỉ cần nhận ra rằng “ồ, mình vừa có một phản ứng ngoài ý muốn của mình” thì bạn sẽ lấy lại được ngay sự quân bình ở trong mình.
Nhân loại đang ở dưới một áp lực lớn để phải tiến hóa vì đây là cơ hội duy nhất cho loài người có thể tồn tại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống của bạn, đặc biệt là những quan hệ luyến ái gần gũi. Chưa bao giờ các quan hệ luyến ái lại lắm vấn đề và đầy rẫy những xung đột như bây giờ. Hẳn bạn đã thấy, những quan hệ ấy có mặt không phải để làm cho bạn vui hay thỏa mãn. Nếu bạn mong dùng một quan hệ luyến ái để giúp mình đeo đuổi một mục tiêu giải thoát hay cứu rỗi, bạn sẽ bị vỡ mộng. Nhưng nếu bạn chấp nhận rằng một quan hệ luyến ái thực ra là chỉ để giúp cho bạn nhận thức rõ hơn về chính mình, thay vì làm cho bạn được hạnh phúc, thì lúc đó quan hệ luyến ái mới có thể giúp cho bạn đến với sự cứu rỗi và lúc đó bạn mới phù hợp với tầng nhận thức cao hơn, tâm thức ấy đang bắt đầu đến một giai đoạn cần phải được sinh ra trong thế giới này(19). Đối với những người vẫn còn cố bám vào những khuôn mẫu cũ, hay cách hành xử cũ,… càng ngày họ sẽ càng gặp phải nhiều đau khổ, bạo lực, rối ren và điên cuồng hơn.
Tôi cho rằng phải cả hai người cùng thực tập thì mới đưa một quan hệ luyến ái thành một thực tập tâm linh như ông đã đề nghị. Ví dụ, người bạn trai của tôi vẫn còn hành xử theo những kiểu cách ghen tuông và trấn áp trước đây. Nhiều lần tôi đã nêu ra vấn đề này, nhưng anh ấy vẫn không thể hiểu được.
Bạn cần mấy người thì mới chuyển đổi được cuộc sống của bạn thành một thực tập tâm linh? Bạn đừng lo rằng người bạn gối chăn của mình sẽ không chịu hợp tác. Sự tỉnh thức sẽ từ chính bạn mà đi vào thế giới này. Bạn không cần phải đợi đến lúc cả thế giới tỉnh thức, hay một ai đó trở nên có ý thức, thì bạn mới đạt được giác ngộ. Vì như thế có thể bạn sẽ phải chờ đợi mãi mãi. Đừng nên cáo buộc nhau là người kia đang mê lầm. Khi nào bạn bắt đầu một cuộc tranh luận, là bạn đã bám vào một quan điểm, đồng nhất và cho rằng bạn chính là quan điểm nào đó của lý trí bạn, và bạn không những đang bảo vệ cho quan điểm đó mà còn bảo vệ cho cảm nhận về một cái Tôi - bản ngã của mình. Lúc đó bản ngã của bạn đang thao túng. Và bạn đã trở nên thiếu hiểu biết, không còn biết mình đang nói gì, làm gì. Những lúc khác, có khi sẽ thích hợp cho bạn để nêu ra những khía cạnh khiếm khuyết nào đó trong hành vi của người bạn gối chăn của mình, nếu bạn thực tỉnh táo, và có mặt một cách sâu sắc mà không để bản ngã của bạn can dự vào – tức là không có sự trách cứ, cáo buộc, hay cho người kia là sai.
Khi người bạn gối chăn của mình cư xử một cách thiếu hiểu biết, xin bạn đừng phán xét. Vì phán xét tức là bạn hoặc lẫn lộn hành vi thiếu hiểu biết của người ấy với con người chân thực của họ, hoặc bạn phán xét tức là phóng chiếu sự thiếu hiểu biết của chính mình lên trên người kia và nhầm lẫn khi cho “cái đó” chính là con người chân thực của họ. Từ bỏ sự phán xét đối với người khác không có nghĩa là bạn sẽ không còn khả năng nhận ra được sự tha hóa hay thiếu hiểu biết của người khác khi bạn gặp phải những hành vi như thế. Đây chỉ là bạn “chọn làm một con người hiểu biết” hơn là một “con người hay phản ứng” hay một vị quan tòa. Lúc ấy, bạn sẽ hoàn toàn thoát ly khỏi mọi phản ứng hoặc bạn vẫn còn một ít phản ứng, nhưng vẫn duy trì được trạng thái tỉnh thức, tức là không gian trong đó mọi phản ứng được quan sát và cho phép được diễn ra. Thay vì phải chiến đấu với bóng tối, ta mang ánh sáng vào. Thay vì phản ứng với giả dối, bạn nhìn ra sự giả dối và đồng thời nhìn xuyên qua nó. Là sự hiểu biết, bạn tạo ra một không gian khoáng đạt cho sự hiện diện đầy yêu thương của bạn có mặt, qua đó, bạn cho phép mọi vật và mọi người được hiện hữu với bản chất đích thực của mình. Điều này sẽ tạo nên một chất xúc tác cho sự chuyển hóa, không thể nào mạnh hơn thế nữa. Nếu bạn làm được điều này, người bạn gối chăn của bạn, không thể vừa tiếp tục quan hệ luyến ái với bạn, mà lại vừa tiếp tục hành xử trong sự thiếu hiểu biết.
Nếu cả hai người chịu dùng quan hệ luyến ái của mình để thực tập tâm linh thì càng tốt. Khi bạn có một ý tưởng, cảm xúc, hay phản ứng nào vừa nảy sinh, bạn có thể bày tỏ cho nhau ngay. Làm thế này, bạn sẽ không tạo ra một khoảng trống thời gian cho những xúc cảm hay những bất bình, không được thừa nhận hay không được nói ra này, có chỗ để đâm chồi và nảy nở ở trong bạn. Hãy học cách bày tỏ những gì mình cảm nhận mà không cần phải trách móc(20). Hãy học cách lắng nghe nhau một cách cởi mở và không e dè. Hãy để cho người bạn gối chăn của mình một cơ hội để người đó tự bày tỏ mình. Hãy có mặt. Lúc ấy những cáo buộc, chống chế, đả kích – tất cả những kiểu cách cư xử mà bạn thường dựng nên để củng cố hay bảo vệ bản ngã hay để đáp ứng những nhu cầu của nó đều trở nên thừa thãi. Không gian là điều tối cần cho người kia, và cho chính bạn. Tình yêu không thể nẩy nở được nếu không có không gian. Khi bạn loại trừ được hai nhân tố thường gây nên đổ vỡ trong quan hệ luyến ái – tức là:
1) Chuyển hóa được khối khổ đau sâu nặng của quá khứ ở trong mình, và
2) Bạn thôi không còn cho rằng mình chính là lý trí và những quan điểm của mình.
Và khi cả hai người cùng làm được như thế, khi đó bạn sẽ kinh nghiệm được niềm hoan lạc lớn lao, và sự nở hoa trong quan hệ luyến ái của mình. Thay vì phản hồi nỗi đau và sự mất nhận thức của nhau, thay vì thỏa mãn những nhu cầu có tính gây nghiện của bản ngã ở trong nhau, bạn sẽ phản hồi cho nhau tình yêu được cảm nhận sâu xa từ bên trong, thứ tình yêu xuất phát từ nhận thức về sự hợp nhất của bạn với hiện hữu. Đấy là thứ tình yêu không có sự đối nghịch.
Nếu người bạn gối chăn của mình vẫn còn đồng nhất chính họ với lý trí và khối khổ đau sâu nặng của quá khứ(21), thì sẽ có một thử thách lớn – không phải cho bạn mà là cho người kia. Sống với một người đã tỉnh thức thực chẳng dễ dàng gì, hay nói đúng hơn, là bản ngã của bạn sẽ gặp phải sự đe dọa lớn lao khi phải sống bên cạnh một người đã tỉnh thức. Hãy nhớ rằng bản ngã của bạn luôn cần có những rắc rối, xung đột và “kẻ thù” để bản ngã được tự củng cố cảm giác chia cách ở bên trong, trong đó nhân cách của nó được phụ thuộc vào. Tâm trí của người bạn gối-chăn-chưa-được-giác-ngộ của bạn sẽ rất bất mãn vì những quan điểm cố chấp của người đó không được bạn chống đối lại, điều này sẽ làm cho lý trí của người đó trở nên lung lay và mong manh hơn, thậm chí có “nguy cơ” là chúng sẽ cùng sụp đổ, làm đánh mất “cái Tôi” của người đó. Khối khổ đau sâu nặng của quá khứ của người đó luôn đòi hỏi được bạn phản ứng, hồi đáp với nó và nó không nhận được sự phản hồi đó từ bạn. Người đó muốn có một sự tranh chấp, bi kịch và xung khắc với bạn cũng không được bạn đáp ứng. Nhưng hãy coi chừng: có những người rất dửng dưng, thu mình, thiếu nhạy cảm hay không còn cảm nhận được những cảm xúc ở trong họ, họ có thể cố thuyết phục người khác rằng họ đã giác ngộ, hoặc ít ra là họ “không có vấn đề gì” cả và luôn muốn qui kết mọi cái sai cho người bên kia. Đàn ông thường có xu hướng làm như thế hơn là phụ nữ. Có thể họ cho người bạn gái của mình là yếu đuối và vô lý. Nếu bạn có khả năng để cảm nhận được những cảm xúc của mình thì bạn không còn cách xa cơ thể năng lượng sáng chói ở bên trong của bạn là bao. Nhưng nếu bạn thường chỉ sống chủ yếu bằng cái đầu, thiên về trí óc nhiều hơn là tình cảm, thì khoảng cách đó càng lớn hơn, và bạn cần thực tập đưa nhận thức trở về với những cảm xúc của mình trước khi có thể đi vào cơ thể bên trong.
Một người tỉnh thức thì tự nhiên dễ dàng có được lòng trắc ẩn và niềm vui với tất cả mọi người, nếu bạn không có mặt hoàn toàn và cởi mở với tất cả mọi loài thì đó không phải là giác ngộ. Một dấu hiệu khác của một người tỉnh thức là cách người đó cư xử khi có chuyện trục trặc hoặc trong những tình huống khó khăn, thử thách. Nếu “sự giác ngộ” của bạn chỉ là sự tự lừa dối mình và có đầy tính bản ngã, thì cuộc đời sẽ nhanh chóng tạo ra cho bạn một thách thức để bộc lộ rõ những vô minh vẫn còn ở trong bạn, dưới những hình thức như: sợ hãi, dễ nổi giận, thích chống chế, phán xét, trầm cảm, v.v. Nếu bạn đang ở trong một quan hệ luyến ái, nhiều thách thức cho bạn sẽ đến từ phía người kia. Ví dụ, một người phụ nữ có thể bị thách thức bởi một người bạn trai hờ hững, lãnh đạm, một người hầu như luôn chìm vào suy tưởng. Thế giới đối với người đó chỉ quanh quẩn, hạn hẹp ở trong chiếc đầu của mình. Cô ấy có thể bị thách thức bởi người bạn trai không có khả năng để lắng nghe được cô ấy, quan tâm đến cô ấy và cho không gian để cô ấy được là cô ấy, chỉ vì anh ta không thường giữ được sự có mặt của mình. Phụ nữ thường nhạy cảm với sự thiếu vắng tình yêu trong một quan hệ luyến ái hơn là đàn ông, khi đó khối khổ đau sâu nặng của quá khứ ở trong người phụ nữ sẽ bị đánh thức dậy và qua đó cô ta sẽ công kích, trách móc, phê bình, nói xấu, v.v. về người bạn trai của mình. Điều này, ngược lại trở thành một thử thách đối với anh ta. Để tự bảo vệ mình khỏi sự đả kích của khối khổ đau sâu nặng của cô bạn gái, mà anh ta xem là hoàn toàn không xác đáng, anh ta sẽ biện minh, tự vệ, hay phản ứng, qua đó càng củng cố lấy quan điểm của mình. Rốt cuộc, điều này lại có thể kích thích chính nỗi khổ đau sâu kín của quá khứ ở trong anh ta. Khi cả hai đều bị thao túng bởi khối khổ đau sâu nặng của quá khứ, sẽ có lúc họ lún sâu vào tình trạng vô minh sâu đậm, sẽ có sự bạo hành về mặt cảm xúc, hay đả kích nhau một cách tàn nhẫn. Khi cả hai khối khổ đau trong mỗi người đã được nuôi lớn, no đủ qua những lần gây gổ như thế, nó sẽ trở về trạng thái im lìm, thì những xung đột này tạm lắng xuống. Chúng sẽ đợi đến lần sau.
Đây chỉ là một trong vô số màn kịch có thể xảy ra. Người ta đã viết nhiều sách, và sẽ viết thêm nhiều nữa, về những phương cách thể hiện của sự thiếu hiểu biết trong quan hệ luyến ái nam-nữ. Nhưng, như tôi đã nói, một khi bạn đã hiểu rõ bản chất của sự tha hóa, thì bạn không cần phải tìm hiểu về vô số những biểu hiện khác của nó.
Hãy nhìn lại một tí cái màn kịch tôi vừa mô tả. Mỗi một thách thức trong đó đều thực sự ẩn giấu một cơ hội cứu rỗi đã được trá hình. Ở từng giai đoạn của quá trình bộc lộ của sự tha hóa, cơ hội để cho bạn thoát ra khỏi sự vô minh là điều rất dễ xảy ra. Ví dụ, thái độ thù địch của người phụ nữ có thể là dấu hiệu cho người đàn ông biết để thoát ra khỏi tình trạng đồng nhất mình với những suy tư hay cảm xúc tiêu cực ở trong mình, tỉnh thức để đi vào phút giây hiện tại, trở nên có mặt – thay vì càng bị đồng nhất với lý trí, càng đánh mất nhận thức. Thay vì trở thành nỗi đau sâu nặng của quá khứ, người phụ nữ có thể trở nên một người hiểu biết, quan sát một cách yên lặng những cảm giác đau đớn trong chính mình, qua đó mà tiếp xúc được năng lực của phút giây hiện tại và bắt đầu chuyển hóa khổ đau của mình. Điều này sẽ xóa tan những khuynh hướng phản ứng một cách tự động, và bó buộc, muốn phóng chiếu nỗi đau của mình ra bên ngoài. Người phụ nữ có thể học cách bày tỏ cảm nghĩ của mình với người bạn trai. Tất nhiên là không có gì đảm bảo là anh ta sẽ lắng nghe, nhưng điều này sẽ cho người đàn ông một cơ hội tốt để trở nên có mặt và phá vỡ được sự bộc phát của những khuôn mẫu cư xử, và những thói quen cũ của trí năng trong anh ta. Nếu người phụ nữ không nắm được cơ hội đó, thì người đàn ông có thể nắm lấy cơ hội đó bằng cách quan sát những phản ứng về lý trí và tình cảm của mình, xem cách mà mình chống chế, thay vì phản ứng với nỗi đau của người phụ nữ. Rồi anh ta sẽ quan sát xem nỗi đau sâu kín ở trong mình đã bị kích thích như thế nào để từ đó đưa nhận thức sáng tỏ của mình chiếu soi vào những cảm xúc đó ở trong mình. Khi làm như thế, một không gian sáng tỏ và tĩnh lặng của nhận thức thuần túy sẽ xuất hiện, đó chính là trạng thái hiểu biết, là người quan sát trong yên lặng, là chứng nhân có mặt ở trong bạn. Nhận thức này sẽ không chối bỏ khổ đau, ngược lại nhận thức ấy sẽ vượt lên trên khổ đau, tạo điều kiện cho khổ đau được có mặt và đồng thời chuyển hóa niềm đau đó. Nhận thức sáng tỏ đó chấp nhận mọi thứ và chuyển hóa tất cả mọi thứ. Một cánh cửa hẳn là sẽ mở ra cho người phụ nữ, qua đó cô ta có thể dễ dàng tham dự với người đàn ông trong một không gian mới.
Nếu bạn là một người luôn có mặt hay thường có mặt hơn trong một quan hệ luyến ái, thì điều này sẽ là một thử thách lớn cho người bạn gối chăn của mình. Vì người ấy không thể vừa chịu được sự có mặt của bạn trong một thời gian lâu dài mà người đó vẫn cứ hành xử một cách thiếu hiểu biết. Nếu người ấy đã sẵn sàng để thức tỉnh, họ sẽ bước qua cánh cửa mà bạn đã mở cho họ, và cùng tham dự với bạn trong trạng thái có mặt. Còn không thì hai người sẽ như dầu với nước, không thể dung hòa với nhau. Ánh sáng của nhận thức quả là quá đau đớn đối với những ai còn mong ở mãi trong bóng tối.
Vì sao phụ nữ dễ đi đến giác ngộ hơn đàn ông
Những chướng ngại để đi đến giác ngộ của phụ nữ có giống như của đàn ông không?
Vâng, nhưng chỉ khác vài điểm. Nói chung, phụ nữ dễ cảm nhận được những cảm xúc phát sinh ở trong mình và an trú ở trong cơ thể của họ dễ dàng hơn, vì thế tự nhiên họ dễ đi vào trạng thái ung dung tự tại hơn và có khả năng dễ đi đến giác ngộ hơn là đàn ông. Đây là lý do tại sao nhiều nền văn minh cổ chọn những nhân vật hay hình tượng phụ nữ để đại diện hay mô tả về thực tại vô hình tướng và vượt thoát. Người nữ thường được xem như người mẹ khai sinh ra mọi vật, duy trì và nuôi dưỡng chúng suốt thế giới hữu hình. Trong cuốn “Đạo Đức Kinh”, một trong những cuốn sách cổ và thâm thúy nhất, “Đạo” có thể được dịch là Hiện Hữu, được mô tả là “cái hiện tại nguyên thể và vĩnh hằng, là mẹ của vũ trụ”. Tự nhiên, phụ nữ gần với giác ngộ hơn đàn ông vì họ gần như là “hiện thân của” Vô Tướng. Còn gì khác hơn là rốt cuộc, tất cả tạo vật và mọi thứ đều sẽ quay trở về Nguồn. “Mọi thứ rồi sẽ tan trở lại vào trong Đạo, chỉ có Đạo là luôn luôn bền vững”. Vì Nguồn được xem như là thuộc về nữ giới, điều này được biểu hiện như là hai mặt sáng và tối của biểu tượng giống Cái có tính nguyên hình trong tâm lý học và khoa thần thoại học. Vị Nữ thần hay Đức Mẹ có hai khía cạnh: Người tạo ra cuộc sống và lấy đi cuộc sống.
Khi lý trí chế ngự và con người đánh mất thực tại về bản chất thần thánh của mình, họ bắt đầu nghĩ về Thượng Đế như là một nhân vật có nam tính. Xã hội trở thành phụ hệ và phụ nữ bị biến thành những thứ phụ thuộc đối với đàn ông.
Tôi không có ý đề nghị rằng chúng ta nên quay về thời kỳ mẫu hệ trước đây, hay thời kỳ mà nữ giới đại diện cho những gì thiêng liêng. Ngày nay, nhiều người đang dùng từ Đức Mẹ, hay bà để nói về Thượng Đế, Trời Phật. Họ đang cố khôi phục lại sự quân bình giữa nam và nữ đã bị đánh mất từ lâu, và đó là một điều tốt. Nhưng đó chỉ là biểu tượng và cũng chỉ là một khái niệm mà thôi, nó có thể tạm thời có ích, như một tấm bản đồ hay bảng chỉ đường, nhưng khi ta đã chuẩn bị để nhận chân thực tại vượt thoát mọi khái niệm và biểu tượng thì đây lại là một chướng ngại gây cản trở hơn là có tác dụng tốt. Một điều vẫn đúng là tần số năng lượng của lý trí cơ bản vẫn là thuần nam tính. Lý trí cưỡng lại, giành giật, kiểm soát, thao túng, đả kích, thu phục, sở hữu, v.v. Điều này giải thích tại sao, theo kinh Cựu Ước của Đạo Ki-tô, thì Thượng Đế là một nhân vật nam, có quyền uy kiểm soát, một người thường hay nổi giận, và ta nên kính sợ. Đây chỉ là một hình ảnh Thượng Đế được tạo dựng nên do sự phóng chiếu của lý trí của con người.
Để vượt lên trên lý trí và tiếp xúc lại được với thực tại sâu xa của an nhiên tự tại ở bên trong, bạn cần đến những phẩm chất rất khác như: chấp nhận mọi thứ, không xét đoán, một sự cởi mở để cho phép đời sống tự thể hiện thay vì cưỡng lại đời sống, khả năng ôm ấp mọi thứ trong sự bao dung, đầy yêu thương của sự hiểu biết ở trong bạn. Tất cả những phẩm chất này đều liên quan mật thiết đến nguyên lý Âm hơn. Trong khi năng lượng của lý trí thì rất là Dương, chặt chẽ và cứng nhắc, ngược lại với năng lượng của Âm tính. Nữ giới thì mềm mại và uyển chuyển, tuy vậy lại mạnh mẽ hơn. Lý trí điều khiển nền văn minh của chúng ta trong khi an nhiên tự tại chịu trách nhiệm về mọi sự sống trên hành tinh và những thế giới xa hơn trong vũ trụ mà ta chưa biết đến. An nhiên tự tại chính là sự sáng tạo mà sự thể hiện của nó, ta có thể nhìn thấy được qua thế giới vật chất. Mặc dầu phụ nữ có tiềm năng đến với giác ngộ dễ dàng hơn, nam giới cũng có thể tiếp xúc được giác ngộ từ trong bản thân mình.
Hiện giờ, đại đa số nam giới cũng như nữ giới vẫn đang còn bị kềm hãm bởi lý trí: họ cho rằng họ chính là con người hay suy nghĩ và nỗi đau sâu kín ở trong họ. Dĩ nhiên là điều này sẽ cản trở sự giác ngộ và sự nở rộ của hoa trái trong tình yêu. Nói tóm lại, chướng ngại của phía đàn ông là xu hướng thiên về đầu óc, ưa suy nghĩ, trong khi chướng ngại của phụ nữ là nỗi đau sâu kín của quá khứ ở trong họ, mặc dầu trong một vài trường hợp đơn lẻ, điều ngược lại có thể là đúng, cũng có trường hợp hai yếu tố trên đều tạo những khó khăn như nhau trên con đường đi đến giác ngộ.
Hóa giải khối khổ đau cộng nghiệp sâu dày của phụ nữ
Tại sao khối khổ đau sâu dày là trở ngại lớn nhất đối với phụ nữ?
Khối khổ đau sâu dày trong người phụ nữ có khía cạnh tập thể và khía cạnh cá nhân. Về mặt cá nhân, đó là sự tích lũy của những đớn đau tình cảm mà người phụ nữ đã chịu từ những gì họ đã trải qua trong quá khứ. Về mặt tập thể, đó là sự tích lũy của những đớn đau trong tâm thức tập thể của loài người, nhất là phụ nữ, qua đời sống cơ cực hàng ngàn năm qua: do bệnh tật, tra tấn, chiến tranh, giết chóc, sự tàn ác, bất công trong cách cư xử với nhau, v.v. Khối khổ đau sâu dày của cá nhân trong người phụ nữ cũng đều mang tính đặc trưng của khối khổ đau tập thể này. Khối khổ đau của tập thể có nhiều loại khác nhau. Ví dụ, một vài chủng tộc, hay nước nào đó có những dạng xung đột hay bạo động rất cực đoan thì có những khối khổ đau tập thể nặng nề hơn những chủng tộc khác. Bất kỳ người phụ nữ nào có một khối khổ đau mạnh mẽ mà lại không có đủ nhận thức để tránh khỏi nó thì người đó không những bị buộc phải luân hồi, sống đi, sống lại với những khổ đau tình cảm của quá khứ một cách liên tục hay theo từng giai đoạn, mà có khi những phụ nữ này còn dễ trở thành thủ phạm hay nạn nhân của những bạo hành. Điều này tùy thuộc vào khối khổ đau sâu dày ở trong họ chủ yếu là chủ động hay bị động(22) Mặt khác, người phụ nữ cũng có tiềm năng đi đến giác ngộ nhanh hơn. Dĩ nhiên là tiềm năng này không nhất thiết lúc nào cũng được nhận ra, nhưng nếu bạn đang lâm vào một cơn ác mộng thì bạn có động lực mạnh mẽ để đi đến trạng thái tỉnh thức hơn là một người chỉ vướng vào những thăng trầm của một giấc mơ thường.
Ngoài sự chi phối của khối khổ đau sâu dày của mỗi cá nhân, một người phụ nữ còn bị chi phối bởi những gì ta có thể gọi là khối khổ đau tập thể của phụ nữ nói chung – trừ phi cô ta thực sự hoàn toàn tỉnh thức. Khối khổ đau tập thể này bao gồm những nỗi đau tích lũy do người phụ nữ phải cam chịu, phần nào do sự trấn áp của đàn ông, do bị làm nô lệ, bội bạc, bóc lột, hãm hiếp, sinh nở, mất con, v.v. qua hàng ngàn năm. Đối với nhiều phụ nữ, nỗi đau trong cơ thể và trong tình cảm thường xảy ra trước và có khi trùng hợp với chu kỳ kinh nguyệt trong người phụ nữ; đó chính là khối khổ đau sâu dày tập thể của người phụ nữ trỗi dậy khỏi trạng thái nằm im vào thời điểm đó, tuy nhiên khối khổ đau đó vẫn có thể bị kích thích vào những thời điểm khác. Nó ngăn cản dòng chảy tự nhiên của năng lượng sống đi khắp cơ thể, mà kinh nguyệt là một biểu hiện về thể chất ở bên ngoài. Hãy dừng lại một lát để xem làm cách nào để chúng ta có thể biến nó thành một cơ hội để giác ngộ.
Thông thường, một người phụ nữ dễ bị kềm chế bởi khối khổ đau sâu dày của quá khứ ở trong mình khi nó bị đánh thức dậy. Khối khổ đau đó tích lũy một dòng năng lượng cực mạnh đến nỗi nó dễ dàng đưa bạn vào trạng thái nhất thể hóa, khi thiếu hiểu biết cho rằng mình chính là khối khổ đau đó. Lúc đó bạn sẽ bị chiếm lĩnh bởi một trường năng lượng cực mạnh xâm chiếm bạn, xâm nhập vào không gian bên trong bạn và thường xuyên giả vờ khuyến dụ bạn rằng khổ đau đó chính là bạn(23) – tất nhiên là khối khổ sâu dày đó không thể nào là bạn được. Khổ đau ấy thường phát biểu qua bạn, hành động qua bạn, suy nghĩ qua bạn. Khối khổ đau ấy sẽ tạo ra những tình huống tiêu cực trong đời sống của bạn để nó có thể nhận được thêm năng lượng nuôi sống chính nó(24). Khổ đau ấy luôn muốn bạn có thêm những đau khổ mới, dưới bất cứ hình thức nào. Tôi đã nói về quá trình này rồi. Khối khổ đau ấy có thể rất dữ dội và tàn phá. Nhưng nó chỉ là một nỗi đau lớn, một nỗi đau cũ của quá khứ – và nó nhất quyết không phải là bạn.
Số phụ nữ ngày nay đang đạt đến trạng thái tỉnh thức hoàn toàn đã nhiều hơn so với đàn ông, và con số này sẽ gia tăng nhanh hơn trong những năm sắp đến. Sau đó, có thể phía đàn ông cũng bắt kịp, nhưng trong một thời gian tương đối khá dài, sẽ có một khoảng cách lớn giữa số lượng người tỉnh thức phía đàn ông so với phía phụ nữ. Người phụ nữ đang phục hồi lại chức năng hiển nhiên, thiên bẩm của họ. Và vì thế chức năng dễ đạt đến giác ngộ đó đến với người phụ nữ một cách tự nhiên hơn so với đàn ông: người phụ nữ là một nhịp cầu giữa thế giới hình tướng và thế giới Vô Tướng, giữa vật chất và linh hồn. Công việc chính của một người phụ nữ trong thời điểm này là chuyển hóa khối khổ đau sâu dày của quá khứ ở trong mình để nó không còn đứng chắn giữa bạn và những gì chân thật nhất của bạn: Đó là bản chất cao quý của con người bạn. Tất nhiên là bạn cũng còn phải đối mặt với những trở lực khác trong con đường đi đến giác ngộ, đó là cái đầu luôn suy nghĩ miên man ở trong bạn. Nhưng thực tập để cho sự có mặt của mình càng ngày càng mạnh mẽ khi phải đối diện với sự bùng nổ của khối khổ đau của quá khứ cũng giải thoát bạn khỏi phải đồng nhất với trí năng, sai lầm khi cho rằng bạn chỉ là những lo lắng, suy tư tiêu cực ở trong mình.
Điều trước tiên mà bạn cần nhớ là: chừng nào mà bạn còn cho mình chính là những khổ đau ở trong mình, bạn sẽ không thoát ra khỏi những khổ đau đó. Chừng nào mà tư cách của bạn, cảm nhận về chính mình còn dính dáng hay vẫn còn được đầu tư vào những đau buồn trong tình cảm (buồn, giận, thương xót, bi ai,...) ở trong bạn thì lúc đó bạn sẽ không có ý thức khi chống lại hay phá hoại mọi nỗ lực của chính bạn nhằm chữa lành những nỗi đau ở trong mình. Tại sao vậy? Rất đơn giản vì bạn chỉ muốn giữ nguyên vẹn tình trạng băng hoại cũ, và nỗi đau của quá khứ lúc đó đã trở thành một phần rất thiết yếu của nhân cách bạn. Đây là một quá trình chống đối và phá hoại một cách không có ý thức và cách duy nhất để bạn vượt qua được chướng ngại này là bạn ý thức được điều đó và biến quá trình chống đối thiếu ý thức ấy thành một nhận thức sáng tỏ ở trong bạn.
Khi bạn đột nhiên nhận biết rằng bạn đã và đang ôm cứng lấy nỗi đau quá khứ của mình, không chịu buông ra, thì nhận thức đó có thể gây một chấn động lớn ở trong bạn. Nhưng phút giây khi bạn nhận ra được điều này thì sự bám víu đó sẽ được chấm dứt. Giống hệt như một thực thể sống, khối khổ đau sâu kín là một trường năng lượng tạm thời trú ẩn ở không gian bên trong của bạn. Đó là một dòng năng lượng của sự sống đã bị phong tỏa lại, không còn lưu chuyển được nữa. Dĩ nhiên sự hiện hữu của khối khổ đau này là do những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng bây giờ, quá khứ đó vẫn đang tiếp tục sống ở trong bạn, và nếu bạn đồng nhất bạn với khối khổ đau đó tức là bạn đồng nhất bạn với quá khứ. Bạn có tâm thức nạn nhân khi bạn tin một cách sai lầm rằng quá khứ có sức mạnh hơn hiện tại và điều này rất trái với sự thật. Bạn có tâm thức nạn nhân là khi bạn tin rằng: người khác và những gì họ đã gây ra cho bạn trong quá khứ chịu hết trách nhiệm cho tình trạng hiện nay của bạn, chịu hết trách nhiệm cho những cảm giác đau buồn của bạn, hay chịu hết trách nhiệm cho sự bất lực ở trong bạn, khi bạn không thể đạt đến khả năng thật sự của mình(25). Sự thật là năng lực duy nhất mà bạn có thể có được là chỉ ở ngay giây phút này: đó là năng lực của sự hiện diện của bạn. Khi biết được sự thật này, bạn cũng nhận ra rằng “chính mình” chịu trách nhiệm cho không gian bên trong của mình trong giây phút này chứ không phải là một ai khác, và quá khứ không thể thắng được năng lực của phút giây hiện tại.
Vì vậy, đồng nhất mình với khối khổ đau sâu dày ở trong mình sẽ cản ngăn, không cho bạn xử lý khối khổ đau ấy. Một số phụ nữ đã có được đủ nhận thức sáng suốt để chối từ tâm thức nạn nhân trên bình diện cá nhân, nhưng họ vẫn còn bám víu vào tâm thức nạn nhân có tính tập thể qua kiểu suy nghĩ “những tội ác mà đàn ông các anh đã gây ra cho phụ nữ chúng tôi…”. Họ đúng – và đồng thời cũng không đúng. Đúng ở chỗ là một phần lớn khối khổ đau sâu dày tập thể của người phụ nữ là do bạo lực mà đàn ông đ vơ thức gây ra cho phụ nữ trong quá khứ và do sự chính sách áp bức đối với phụ nữ nĩi riêng và nguyên lý Âm trên hành tinh này nĩi chung qua hàng ngàn năm qua. Không đúng ở chỗ là từ sự việc cũ này mà người phụ nữ sẽ cố tạo ra cho mình một nhân cách, hay một tâm thức nạn nhân và qua đó giam hãm chính mình trong tâm thức nạn nhân tập thể. Nếu một người phụ nữ vẫn còn cố bám víu vào nỗi oán giận, thù ghét, hay chỉ trích,… thì chính người ấy đang bám vào khối khổ đau sâu dày của quá khứ ở trong họ. Điều này có thể tạo một nhân cách dễ chịu cho bản thân họ (26), tạo ra một cảm giác đoàn kết với những người phụ nữ khác, nhưng cũng đồng thời tạo ra một gông cùm trói buộc họ với quá khứ và ngăn chặn họ tiếp xúc được một cách đầy đủ với bản chất và năng lực thực sự của họ. Nếu người phụ nữ tự xa lánh với đàn ông thì điều đó sẽ tạo ra một cảm giác cách ly và vì thế càng làm mạnh thêm bản ngã của họ. Và khi bản ngã trong bạn càng mạnh, bạn càng xa cách với bản chất thực của mình.
Vì vậy đừng dùng khối khổ đau sâu dày cũ ở trong mình để tạo ra cho mình một nhân cách về chính mình. Thay vào đó, bạn hãy dùng khối khổ đau cũ đó để giúp bạn đi đến giác ngộ. Chuyển nó thành một nhận thức trong sáng về cuộc đời. Một trong những thời điểm tốt nhất là vào chu kỳ kinh nguyệt. Tôi cho rằng, trong những năm sắp đến sẽ có nhiều phụ nữ đạt đến trạng thái hoàn toàn tỉnh thức trong khi đang đi qua chu kỳ kinh nguyệt hàng thng của họ. Thông thường, đối với nhiều phụ nữ, đó là lúc họ dễ trở nên thiếu hiểu biết, đánh mất nhận thức, vì họ dễ bị chế ngự bởi khối khổ đau sâu dày cũ ở trong họ. Tuy nhiên, khi đạt đến một mức độ nhận thức nào đó, bạn có thể đảo ngược tình trạng này, thay vì trở nên mất nhận thức, bạn lại nhận thức được “nhiều hơn”. Tôi đã nói về qui trình căn bản, nhưng ta hãy quay trở lại một lần nữa, chú ý đặc biệt tới khối khổ đau sâu dày có tính tập thể trong người phụ nữ.
Bài tập 8: Phát Hiện Nỗi Khổ Đau Khi Nỗi Khổ Ấy Vừa Phát Sinh
Khi bạn biết rằng chu kỳ kinh nguyệt của mình sắp đến, trước khi cảm nhận những dấu hiệu đầu tiên của những gì thường được gọi là sự căng thẳng thời kỳ tiền kinh nguyệt, sự trỗi dậy của khối khổ đau sâu dày tập thể, bạn hãy hết sức tỉnh táo và an trú trong thân thể mình càng nhiều càng tốt. Khi những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên xuất hiện, bạn cần phải đủ tỉnh táo để “nắm bắt” lấy những căng thẳng đó thay vì bị nó chi phối. Ví dụ, dấu hiệu đầu tiên có thể là bỗng dưng trong bạn phát sinh một cảm giác rất cáu kỉnh, bực bội,… hay có một ánh chớp của một cơn giận dữ rất mạnh, hay có thể là bạn chỉ cảm thấy một triệu chứng căng thẳng gì đó hoàn toàn thuộc về cơ thể. D đó là bất cứ một dấu hiệu gì, bạn hãy phát hiện v nắm bắt lấy nó ngay, trước khi nó chiếm hữu lấy bạn một cách toàn diện v biểu hiện sự chiếm hữu đó qua những suy nghĩ hay hành vi rất tiu cực của bạn. Để lm được điều này, bạn chỉ cần im lặng thở v hướng ánh sáng của sự chú tâm của bạn vào những căng thẳng, hay những cảm xc đó khi nó vừa xuất hiện. Nếu đó là một cảm xúc, bạn hãy cảm nhận đơn thuần năng lượng mạnh mẽ tích tụ đằng sau cảm xúc đó. Hãy ý thức và chấp nhận rằng đây chỉ là một khối khổ đau sâu dày cũ ở trong mình. Đồng thời bạn hãy là cái biết sáng tỏ đó, tức là, bạn ý thức được sự hiện diện của mình và cảm nhận năng lực của sự có mặt đó. Bất cứ một cảm xúc tiu cực nào mà khi bạn đưa sự có mặt sáng tỏ của mình soi chiếu vào, cảm xúc tiu cực đó cũng sẽ nhanh chóng được lắng dịu xuống và được chuyển hóa. Nếu đó chỉ là một triệu chứng đau nhức hay căng thẳng gì đó trong cơ thể bạn một cách thuần túy thì sự chú tâm của bạn hướng vào chổ đó sẽ không cho phép triệu chứng đó trở thành một suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực. Sau đó bạn cứ tiếp tục tỉnh táo và chờ đợi một dấu hiệu biểu hiện kế tiếp của khối khổ đau sâu dày này. Một khi dấu hiệu kế tiếp xuất hiện, bạn lại nắm bắt nó cũng cùng một cách thực tập như bạn đã làm ở trên.
Sau đó, khi khối khổ đau sâu dày cũ ở trong bạn đã hoàn toàn thức dậy khỏi trạng thái ngủ yên trước đây, bạn có thể sẽ cảm thấy có rất nhiều cảm xúc xáo trộn ở trong lòng trong một khoảng thời gian, có thể đến vài ngày. Dù sự xáo trộn ấy có xảy dưới hình thức gì đi nữa, bạn hãy giữ vững ý thức sáng tỏ ở trong mình. Hãy chú tâm hoàn toàn vào những cảm xúc đó. Hãy quan sát sự xáo trộn ở bên trong bạn một cách yên lặng và trầm tĩnh. Hãy biết rằng những xáo trộn đó đang có ở đó. Nắm lấy cái biết đó và hãy là cái biết đó. Bạn hãy nhớ: đừng để cho khối khổ đau sâu dày cũ này chiếm hữu lấy ý thức và tâm trí của bạn, chi phối những suy nghĩ của bạn. Hãy quan sát những cơn lốc tình cảm đó. Cảm nhận năng lượng của nó một cách trực tiếp, ở bên trong cơ thể của mình. Bạn biết đấy, chú tâm hoàn toàn tức là chấp nhận hoàn toàn.
Qua sự chú tâm được duy trì đó ở trong bạn có nghĩa là qua sự chấp nhận của bạn, bạn sẽ có sự chuyển hóa. Khối khổ đau sâu dày cũ ở trong bạn đã được chuyển hóa thành nhận thức sáng chói, giống như một mảnh gỗ, khi đặt gần ngọn lửa, tự nó sẽ biến thành lửa. Lúc ấy chu kỳ kinh nguyệt của bạn không những trở thành một biểu lộ đầy tươi vui và thỏa mãn của nữ giới của bạn, mà còn là thời điểm thiêng liêng cho sự chuyển hóa khi bạn cho ra đời một tâm thức mới. Bản chất chân thực của bạn sẽ chiếu sáng, cả trong khía cạnh nữ tính của nó như là vị nữ Thượng Đế và cả trong bản chất siêu nhiên của chính bạn, vượt lên trên hai đối cực: nam, nữ.
Nếu một người đàn ông trong một quan hệ luyến ái mà có ý thức sáng tỏ, anh ta có thể giúp người phụ nữ thực hành như tôi đã mô tả ở trên bằng cách nắm giữ tần số hiện diện của anh ấy một cách mạnh mẽ, đặc biệt là vào thời điểm này. Nếu anh ta vẫn tiếp tục giữ được có mặt với ý thức sáng tỏ của mình, bất kỳ khi nào bạn bị đánh mất nhận thức, sai lầm khi đồng nhất bạn với khối khổ đau sâu dày của quá khứ ở trong bạn, điều này sẽ và rất có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của việc thực tập của hai người, lúc đó bạn có thể nhanh chóng trở về với trạng thái có mặt đang hiện diện trong người bạn trai. Điều này có nghĩa là lúc nào mà khối khổ đau sâu dày của bạn tạm thời chi phối bạn, trong thời kỳ kinh nguyệt hay vào những lúc khác, thì người bạn trai của bạn sẽ không nhầm lẫn cách cư xử thiếu sót tạm thời đó của bạn với con người chân thực của bạn. Thậm chí cả khi nỗi đau thể xác cũ của bạn công kích anh ta, anh ta sẽ không phản ứng như thể “cách cư xử thiếu tự chủ đó” của bạn chính là bạn – anh ta trở nên thu mình hay thủ thế với bạn. Anh ta sẽ duy trì không gian của sự có mặt mạnh mẽ và chỉ cần hai người làm được như thế là đủ để có sự chuyển hóa. Ngược lại, vào những lúc khác, khi thấy người bạn trai của bạn đang bị đồng nhất với những suy nghĩ của anh ta, bạn cũng có thể làm giống như vậy để giúp anh ta thu hồi nhận thức ra khỏi lý trí bằng cách hướng sự chú ý của anh ta vào những gì xảy ra ngay bây giờ và ở đây.
Khi thực tập như thế, có một trường năng lượng thường trực, có tần số cao và thuần khiết được tạo ra ở chung quanh bạn. Không còn ảo tưởng, không còn đau đớn, xung đột, không còn gì ngoài chính bạn, và không còn gì không phải là yêu thương có thể tồn tại trong trường năng lượng tích cực này. Điều này tiêu biểu cho sự thành tựu của mục đích thiêng liêng trong quan hệ cá nhân. Nó sẽ trở thành một vũng xoáy của tâm thức hấp dẫn những người khác vào.
Chấm dứt quan hệ với chính mình
Khi người ta đã hoàn toàn tỉnh thức, người đó có còn cần đến một quan hệ không? Một người đàn ông có bị cuốn hút bởi một người đàn bà không? Một người đàn bà có thấy thiếu, chưa toàn vẹn nếu không có một người đàn ông bên cạnh?
Giác ngộ hay không thì bạn vẫn là một người đàn ông hoặc đàn bà, vì vậy trên bình diện hình tướng bạn vẫn chưa hoàn thiện. Bạn chỉ là một nửa của cái hoàn thiện. Sự thiếu hoàn thiện này sẽ được cảm nhận như là sức hút giữa nam và nữ, sự lôi kéo về phía đối cực ở bên kia, dầu trình độ nhận thức của bạn thế nào đi nữa. Nhưng khi bạn ở trong trạng thái kết nối được với nội tâm thì bạn sẽ cảm thấy sức hút này chỉ xảy ra ở trên bề mặt hay ở ngoại vi của đời sống của bạn thôi. Hầu như bất kỳ cái gì xảy đến cho bạn ở trong trạng thái liên hệ mật thiết với nội tại đó cũng đều có vẻ giống như thế. Toàn bộ thế giới chung quanh có vẻ như những gợn sóng trên bề mặt của đại dương bao la, sâu thẳm. Bạn vừa là đại dương và dĩ nhiên cũng là những gợn sóng đó, nhưng là một gợn sóng đã nhận thức được bản chất đích thực của mình là đại dương, và với vẻ bao la, sâu thẳm như thế thì thế giới của những đợt sóng và của những gợn sóng không còn quan trọng đối với bạn nữa.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không còn quan hệ sâu sắc với những người khác hay với người bạn gối chăn của mình. Thật ra, bạn chỉ liên hệ một cách sâu sắc với người khác khi bạn đã ý thức được trạng thái ung dung tự tại của mình. Xuất phát từ Bản Chất Chân Thực của mình, bạn mới có thể tập trung vào quan hệ của bạn với một người khác phái, vượt lên trên lớp vỏ hình tướng ở bên ngoài. An trú trong Bản Chất Chân Thực của bạn, nam với nữ là một. Hình tướng của bạn có thể vẫn còn có những nhu yếu nào đó, nhưng Bản Chất Chân Thực của bạn thì không. Vì Bản Chất đó đã toàn thể và trọn vẹn. Nếu những nhu cầu đó được đáp ứng thì cũng tốt, nhưng cho dù nó có được đáp ứng hay không cũng không ảnh hưởng gì đến trạng thái yên bình sâu xa ở bên trong của bạn. Vì thế, nếu nhu cầu nam nữ của bạn không được đáp ứng thì một người đã giác ngộ hoàn toàn vẫn có thể có cảm giác thiếu hụt, hay chưa trọn vẹn về phương diện bên ngoài đó của mình, nhưng đồng thời người đó lại vừa cảm thấy hoàn toàn, thỏa mãn, và an bình ở bên trong.
Trong con đường đi đến giác ngộ, đối với một người đồng tính, điều này có tác dụng hỗ trợ hay cản trở người đó đạt đến giác ngộ không, hay chẳng có liên quan gì?
Đối với một người đồng tính, khi đến tuổi trưởng thành, sự thiếu chắc chắn về bản năng giới tính ở trong người đó khi nhận ra rằng mình rất “khác” với những người cùng phái có thể buộc người đó cảm thấy cách biệt khỏi những mô thức suy nghĩ và cách hành xử do xã hội định đặt. Điều này tự nhiên sẽ nâng mức độ nhận thức của người đó vượt lên trên nhận thức thông thường của đa số quần chúng còn đang thiếu hiểu biết, những thành viên của số đông đó không chút băn khoăn khi nhận lãnh tất cả những mô thức họ được thừa hưởng từ xã hội. Về khía cạnh này, một người đồng tính có thể có tác dụng tốt. Trong một chừng mực nào đó, người ấy chỉ làm một kẻ bàng quang, làm một người không hài hòa với những người khác, hay bị đa số phản bác vì bất kỳ một lý do gì, sẽ làm cho cuộc sống của người đó có khó khăn hơn, nhưng xét về mặt giác ngộ thì người đó sẽ có lợi thế hơn. Khó khăn đó hầu như buộc người ta phải thoát ra khỏi sự vô minh.
Mặt khác, nếu trên cơ sở đồng tính mà người đó lại tạo cho mình một nhân cách thì người đó đang cố thoát ra khỏi cái bẫy này chỉ để rơi vào một cái bẫy khác. Người đó sẽ đóng vai, chơi trò này, trò nọ dưới sự sai sử từ những hình ảnh của một người đồng tính mà người đó có về chính mình ở trong đầu. Người đó sẽ dần trở nên mất nhận thức. Trở nên thiếu thực tiễn. Bên dưới tấm mặt nạ bản ngã, người đó có thể rất khổ sở. Nếu điều này xảy ra cho người đó, thì đồng tính sẽ trở thành một chướng ngại cản trở người đó đạt đến tỉnh thức. Nhưng người đó luôn có một cơ hội khác. Nỗi bất hạnh sâu sắc nào cũng có thể là tác nhân đưa đến sự thức tỉnh lớn.
Chẳng phải là ta cần có quan hệ tốt với chính mình và yêu chính mình trước khi có quan hệ mỹ mãn với người khác ư?
Nếu bạn không thoải mái với chính mình khi đang ở một mình, bạn sẽ tìm kiếm một quan hệ để che giấu nỗi bất an. Nhưng chắc chắn rằng nỗi bất an đó sẽ biểu hiện ra dưới một hình thức khác trong quan hệ đó, và lúc đó không khéo, bạn có thể qui trách nhiệm cho người bạn gối chăn của mình về nỗi bất an này.
Những gì bạn cần làm là hoàn toàn chấp nhận giây phút này. Lúc đó bạn sẽ có sự thư thái bây giờ và ở đây, và có sự an lành với chính mình.
Nhưng bạn có thực cần phải có một quan hệ với chính mình không? Tại sao bạn không thể là chính bạn? Khi bạn có một quan hệ với chính bản thân mình, bạn tách mình ra làm hai: “bạn” và “bản thân bạn”, tức là có hai phần: chủ thể và khách thể. Sự phân biệt của trí năng này là nguyên nhân gốc rễ của mọi phức tạp không cần thiết, mọi vấn đề và mâu thuẫn trong đời sống của bạn. Khi đạt được giác ngộ, ta chính “là” bản thân ta – “ta” và “bản thân ta” hòa làm một. Bạn không thể phán xét chính mình, không thể thấy tiếc cho bản thân mình, không tự hào về bản thân mình, không yêu chính mình, ghét chính mình, v.v. Sự ngăn cách gây ra bởi nhận-thức-tự-phản-ảnh chính nó đã được chữa lành, lời nguyền đã bị phá bỏ. Chẳng có “bản ngã” nào để phải bảo vệ, che chở, hay nuôi nấng nữa. Khi đã giác ngộ, có một quan hệ ở trong bạn không còn nữa, đó là quan hệ với chính mình. Khi đã dứt bỏ điều đó, tất cả quan hệ khác của bạn sẽ là quan hệ yêu thương.
Chú thích chương 8:
1) Khi tôi có được cái này hay không vướng bận bởi cái kia, thì tôi sẽ được thong dong: Là niềm tin sai lạc rằng hạnh phúc của ta không thể có trong những gì ta đang có trong phút giây hiện tại, mà chỉ có ở tương lai.
2) Đi vào phút Giây Hiện Tại từ chỗ bạn “đang cô đơn vì không có người kết bạn”: trong tình trạng này, bạn đi vào phút giây hiện tại bằng cách tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình. Nếu trong mình đang có những thứ tình cảm khác như thèm khát, thì đây là một cơ hội quý cho bạn nhận diện và chuyển hóa những năng lượng đó ở trong mình.
3) Đi vào phút giây hiện tại từ chỗ bạn “đang ở trong một quan hệ luyến ái”: Nếu bạn đang có những bế tắc trong quan hệ luyến ái của mình, thì đây là cơ hội cho bạn đối diện và chuyển hóa những vấn đề đó.
4) Bạo hành về thể xác và tình cảm: Những bạo hành về thể xác thì rất dễ cho chúng ta nhận ra như sự hành hạ, đánh đập trên thân thể. Nhưng những loại bạo hành khác như về mặt tinh thần, tình cảm,… thì khó nhận ra hơn. Những khi ta dùng lời lẽ nặng nề, hay những mánh lới, thủ đoạn như đe dọa sẽ không đáp ứng chuyện sắc dục, tiền bạc,… cho người kia để uy hiếp người kia thì đó là một sự bạo hành về tinh thần hoặc tình cảm.
5) Thích gây hấn, phê bình, phán xét, đổ lỗi cho người khác, đả kích, giận dữ, báo thù một cách thiếu hiểu biết vì những khổ đau của cha mẹ mình đã gây ra cho mình trong quá khứ, hoặc thịnh nộ và đi đến khuynh hướng bạo hành về thể xác: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta thường mang theo rất nhiều hành trang của quá khứ, trong đó có những hành trang từ cha, mẹ, tổ tiên, ông bà trao truyền cho ta. Hành trang ấy gồm những hạnh phúc, những đức tính tốt, nhưng cũng gồm những khổ đau và những thói quen xấu. Do đó, những hành trang này ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người bạn gối chăn của mình. Những khó khăn trong quan hệ luyến ái này có thế có gốc rễ từ những khổ đau mà cha mẹ ta trao truyền.
6) Để cho sự có mặt sâu sắc của mình tiếp xúc với nỗi cô đơn ở trong mình: Nhiều khi chúng ta đi tìm một quan hệ luyến ái để chạy trốn nỗi cô đơn ở trong mình, không biết rằng khi đã có quan hệ rồi, ta vẫn thấy cô đơn, vì cô đơn là một cảm xúc ở trong mình, chỉ có mình mới có thể giúp cho mình chuyển hóa được nỗi cô đơn ở trong lòng. Khi có một cảm giác cô đơn xuất hiện, ta chỉ cần có mặt sâu sắc với cảm giác cô đơn đó, không tránh né, phê phán,… thì tự khắc cảm giác cô đơn sẽ được xoa dịu và chuyển hóa.
7) Những kiểu suy nghĩ lặp đi lặp lại ở trong đầu mình: Chúng ta để cho tâm mình đi vào những thói quen suy nghĩ lập đi, lập lại. Đó có thể là những hối tiếc về một chuyện gì đã qua, hay âu lo về một điều gì sắp xảy ra, dù biết chư chắc là chuyện ấy sẽ xảy ra. Có khi đó là một ý tưởng phán xét, chê trách về bản thân mình, ví dụ “Tại sao tôi có thể ngu ngốc đến như thế!”.
8) Những vai tuồng, nhân vật mà chúng ta đóng: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta thường không dám sống thật với chính mình, do đó không dám sống thật với mọi người chung quanh. Do đó chúng ta đóng những vai, những nhân vật “người chồng gương mẫu, người vợ hiền” ngay trong quan hệ luyến ái của mình và với mọi người chung quanh. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều được tính toán, dò chừng. Có khi, ta đóng vai một người phụ nữ yếu đuối để được hoàng tử mặc áo choàng đỏ, phi ngựa trắng đến cứu giúp. Hoặc ta đóng vai hiệp sĩ mang áo giáp sáng loáng, làm người kỵ mã anh hng ra tay nghĩa hiệp cứu một người con gái thế cô.
9) Một “cái tôi”: đó chính là những nhân vật, những vai tuồng mà chúng ta đóng: một vị quan tòa khắt khe, một nạn nhân của cuộc đời.
10) Những lối hành xử cưỡng bách: Khi đã lỡ đóng một vai, một nhân vật của một bi kịch mà chúng ta vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn,… chúng ta bị buộc phải cư xử, hành động theo đúng vai trò mà chúng ta chọn lựa cho mình.
11) Nhu yếu phán xét người khác: Sự phán xét vẫn là phê phán, dù nói ra thành lời hay không, và chúng ta rất thích phê phán người khác, không biết rằng khi chúng ta phán xét người khác tức là chúng ta đang phán xét chính mình. Vì trong khi thiếu hiểu biết, ta đang nói rằng “Nếu tôi mà như anh, và tôi mà hành xử như thế là tôi xấu, tôi sai, tôi sẽ khinh chính tôi”. Nhưng trí năng lật ngược, đi phóng chiếu đối tượng bị khinh rẻ kia thành một người ở bên ngoài ta. Do đó ta đi chê trách kẻ khác, không biết rằng sự thực là ta đang chê trách chính ta.
12) Những tấn tuồng: Đó là những bi kịch mà chúng ta tự tạo ra trong quan hệ luyến ái của mình. Có khi là để thưởng thức thú đau thương, cung cấp thức ăn cho khối khổ đau sâu dày cũ ở trong ta.
13) Chứng ngộ về Nhất Thể: Kinh nghiệm hợp nhất với mọi thứ, mọi vật chung quanh mình. Cảm nhận mọi người, mọi vật chung quanh mình thân thiết như tế bào trên cùng một thân thể.
14) Dùng quan hệ luyến ái như một thực tập tâm linh: Trong một quan hệ luyến ái, chúng ta có rất nhiều khó khăn trong cách nói năng, cư xử với nhau... Nhưng chúng ta không muốn đối diện và chuyển hóa những khó khăn, khổ đau này. Thay vào đó, chúng ta muốn đi tìm những đề tài tâm linh bí hiểm, những công án Thiền,… xa rời thực tế và những khổ đau đang có mặt ở trong đời sống vợ chồng của mình. Cho nên, người thông minh là một người biết sử dụng những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quan hệ luyến ái như là một thực tập tâm linh, để nhìn sâu và chuyển hóa những khó khăn và khổ đau đó thành niềm vui và sự an lạc.
15) Đồng nhất mình với lý trí: xem mình là một với những suy tư, lo sợ vẩn vơ ở trong mình.
16) Không muốn lặp lại những tấn tuồng qua những quan hệ luyến ái: Đối với những người đã đi qua nhiều quan hệ vợ chồng, nhiều khi những khó khăn cũ của quá khứ cứ lặp đi lặp lại như một bi kịch cũ đã xảy ra qua trong những quan hệ trước đây.
17) Nghiện ngập những cảm xúc mạnh mẽ gây ra bởi những tấn tuồng cảm xúc và khổ đau: Lắm khi chúng ta nghiện những cảm xúc này như nghiện thú đau thương, như những kẻ vì tê cứng, nên thích nghiện những cảm xúc khổ đau mãnh liệt để có thể cảm thấy được mình vẫn đang còn sống.
18) Phóng đại những khuôn mẫu phản ứng đầy tính lý trí: Đời sống của mỗi con người bao gồm nhiều thói quen như ăn uống, nghỉ ngơi, nói năng, hành xử v.v. Ngay cả suy tư, phản ứng của chúng ta cũng trở thành những thói quen. Trong một quan hệ luyến ái, những thói quen phản ứng trong lời nói, hành động này sẽ được phóng đại lên nhiều lần làm chúng ta vừa muốn biết về chính mình mà lại vừa không muốn biết những khiếm khuyết trong cách ta cư xử, suy tư.
19) Tâm thức mới của nhân loại: Chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp từ tâm thức cũ sang tâm thức mới, từ tâm thức tự ngã, riêng rẽ, cá nhân sang một loại tâm thức cộng đồng, hợp nhất. Một vận hội mới đang mở ra cho những ai đã chán ngán cách sống cũ, muốn nhìn thấy một đổi thay chưa từng có trên địa cầu, thì đây là một cơ hội hiếm có. Con đường đi đến giác ngộ chưa bao giờ được mở rộng như bây giờ. Sẽ có nhiều người cùng đạt đến trạng thái tỉnh thức, loại tỉnh thức tập thể.
20) Học cách bày tỏ những gì mình cảm nhận mà không cần phải trách móc: Cách chúng ta bắt đầu một câu nói rất quan trọng. Điều này quyết định sự truyền thông sẽ được bắt đầu hay sẽ bị tắt nghẽn. Ví dụ khi bạn cảm thấy “không được hiểu, không được lắng nghe”, bạn chỉ có thể nói về mình và những cảm xúc của mình, và bắt đầu câu nói bằng một đại danh từ để chỉ về mình, tùy theo giới tính. Nếu mình là một người phụ nữ thì nói : “Em cảm thấy rất khổ vì không được anh hiểu, và không được anh lắng nghe!”. Cách nói này sẽ giúp cho người đàn ông nghe được điều cần được nói ra mà không cảm thấy đang bị công kích, phê phán. Ngược lại, nếu bạn là người đàn ông thì bạn nên bắt đầu bằng: “Anh cảm thấy rất khổ vì không được em hiểu, và không được em lắng nghe!” m không nên nĩi về phía bên kia và những khiếm khuyết của người đó: “Em không bao giờ chịu hiểu anh, hay chịu lắng nghe anh!”. Cách nói này sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy bị phán xét, đang bị kết tội… sẽ làm tắt nghẽn truyền thông.
21) Khối khổ đau sâu nặng của quá khứ: Là sự tích lũy của khổ đau chồng chất lớp này đến lớp khác thành một khối mà trước giờ chưa bao giờ được ôm ấp, nhận diện và chuyển hóa.
22) Tùy thuộc vào đặc tính của khối khổ đau ở trong người phụ nữ: Nếu khối khổ đau thuộc loại chủ động, có thêm nhiều giận dữ, thì họ sẽ dễ trở thành những người thủ phạm, còn bị động thì họ dễ trở thành những nạn nhân. Nhưng đa số phụ nữ thường mang trong người khối khổ đau có tính thụ động, do đó họ thường trở thành nạn nhân của sự bạo hành. Vì đặc tính thụ động của khối khổ đau ở trong họ, họ thường trở thành nạn nhân một cách thụ động, không biết cách bảo vệ cho mình để khỏi rơi vào những tình huống dễ xảy ra bạo hành. Có sự què quặt nghiêm trọng trong giá trị tự thân và trong cách cư xử của những người phụ nữ mang đặc tính này. Họ có rất nhiều sợ hãi, nhưng rất ít cảm giác giận dữ, và họ thường không tự biết giá trị của chính họ, cho nên chỉ khi nào họ tự nhận thức được tình trạng của chính mình, thì những người phụ nữ mang đặc tính khổ đau thụ động này mới có thể thôi không còn làm nạn nhân nữa.
23) Giả vờ khổ đau đó chính là bạn: Tự ngã và khổ đau ở trong ta hay giả vờ, thì thầm bên tai ta rằng nó chính là ta, nên nếu không có mặt, ta sẽ sai lầm khi nghe theo những dụ hoặc này. Cho nên bạn phải thực tập để có mặt sâu sắc mới không rơi vào những cạm bẫy này.
24) Để nó có thể nhận thêm năng lượng nuôi sống chính nó: Khối khổ đau ở trong ta như là một sinh vật, nó biết cách để lấy thức ăn qua việc tạo ra những bi kịch trong ta để nuôi sống chính nó.
25) …Không thể đạt đến khả năng thực sự của mình: Có nhiều người trong chúng ta vẫn thiếu hiểu biết cho rằng vì tôi sinh ra trong một gia đình như thế, vì cha, mẹ tôi là những người như thế,… nên tôi không thể nào đạt đến khả năng thực sự của mình. Tâm thức nạn nhân này mới thực sự là sự cản trở chính không cho ta đạt được những gì ta mong muốn. Cũng như những người đã đi qua một lần dang dở, họ vẫn muốn tin rằng những đổ vỡ trong chuyện ly dị của họ là nguyên nhân làm cho họ không thể đạt được những gì họ mong muốn.
26) Tạo ra một nhân cách dễ chịu cho bản thân họ: Vì không hiểu mình là ai, chúng ta luôn cố tìm cho mình một nhân cách, ngay cả nhân cách của một nạn nhân. Chúng ta hài lòng và cảm thấy dễ chịu trong tâm thức nạn nhân này đến độ chúng ta ôm cứng lấy nhân cách đó, không chịu buông ra, ngay cả khi có cơ hội để làm lại cuộc đời mình.