Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Chánh niệm - Thực tập thiền quán »» Chương Mười Bốn: Niệm và định »»

Chánh niệm - Thực tập thiền quán
»» Chương Mười Bốn: Niệm và định

Donate

(Lượt xem: 14.886)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Chánh niệm - Thực tập thiền quán - Chương Mười Bốn: Niệm và định

Font chữ:


Thiền quán cũng tương tự như một hành động giữ thăng bằng của tâm. Bạn cố gắng phát triển hai phẩm chất riêng biệt của tâm - niệm và định. Lý tưởng nhất là hai yếu tố này làm việc chung với nhau. Chúng hỗ tương cho nhau. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải phát triển hai yếu tố này song song với nhau và giữ cho chúng được quân bình. Nếu một cái này trội hơn và lấn áp cái kia, tâm ta sẽ mất đi sự thăng bằng và việc thiền tập không thể thực hiện.

Định và niệm là hai chức năng hoàn toàn khác biệt. Mỗi cái giữ một vai trò riêng biệt trong thiền tập, và sự liên hệ giữa chúng với nhau cũng rất là rõ ràng và tế nhị. Định còn được gọi là trạng thái nhất tâm. Nó gồm có sự ép buộc chú tâm vào một điểm cố định. Xin lưu ý đến chữ ép buộc. Định là một hoạt động có tính cách cưỡng ép và bắt buộc. Nó có thể được phát triển bởi sự ép buộc đơn thuần bằng sức mạnh kiên trì của ý chí. Và khi đã được phát triển rồi, nó vẫn duy trì một phần nào tính chất ép buộc đó.

Ngược lại, chính niệm là một chức năng rất khéo léo, nó đưa đến một sự nhạy cảm tinh tế. Định và niệm là hai người bạn đồng sự cùng đi trên con đường thiền tập. Niệm là một người bạn rất tế nhị. Nó chú ý và ghi nhận hết mọi sự việc. Và định mang lại sức mạnh. Nó giúp cho sự chú ý ấy được giữ yên trên một đề mục duy nhất. Niệm chọn đối tượng thiền quán, và ghi nhận khi nào sự chú ý của mình bị xao lãng. Định là kẻ thật sự làm công việc giữ cho sự chú ý được ở yên trên đối tượng ấy. Nếu một trong hai yếu tố này bị yếu, công phu thiền tập của ta sẽ lập tức bị sụp đổ ngay.

Ta có thể định nghĩa: định là một khả năng tập trung tâm ý trên một đối tượng duy nhất và không gián đoạn, một trạng thái nhất tâm. Cũng cần nên nhấn mạnh, chính định là một trạng thái nhất tâm hiền thiện. Có nghĩa là nó không bị ảnh hưởng bởi tham, sân và si. Cũng có những trạng thái nhất tâm bất thiện, nhưng chúng không đưa ta đến giải thoát. Bạn có thể đạt được nhất tâm trong một trạng thái mê đắm dục lạc. Nhưng nó không đưa bạn đi đến đâu cả. Chú tâm không gián đoạn vào một đối tượng thù ghét sẽ không giúp ích gì cho ta. Thật ra, những trạng thái định bất thiện ấy rất là ngắn ngủi, nhất là khi ta dùng chúng để làm hại kẻ khác. Chính định tự nó không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thứ xấu xa ấy.
Định là một trạng thái khi tâm được gom tụ lại, và nhờ đó có được cường độ và sức mạnh. Chúng ta có thể ví nó với một chiếc kính lúp. Những tia nắng chiếu rọi xuống bề mặt của một tờ giấy không làm được gì khác hơn là sưởi ấm nó. Nhưng cũng cùng bấy nhiêu đó tia nắng đó, nếu ta dùng một cái kính lúp để hội tụ chúng lại, chiếu rọi vào một điểm duy nhất, tờ giấy sẽ bốc cháy. Định lực chính là chiếc kính lúp. Nó chế tác ra một sức mạnh đốt nóng cao độ, cần thiết, giúp ta soi chiếu vào những ngõ ngách sâu kín trong tâm. Chính niệm chọn đối tượng cho chiếc kính lúp soi lên, và rồi nó nhìn qua thấu kính ấy để xem những gì đang có mặt.

Ta nên xem định lực như là một công cụ, một phương tiện. Và cũng như mọi công cụ khác, nó có thể được dùng cho mục đích tốt hoặc xấu. Một con dao bén có thể được dùng để chạm trổ những đường nét mỹ thuật, và cũng được dùng để gây thương tích cho kẻ khác. Tất cả đều tùy vào người sử dụng. Định lực cũng vậy. Sử dụng đúng, nó có thể giúp đưa ta đến bến bờ giải thoát. Nhưng nó cũng có thể được dùng để phục vụ cho bản ngã. Nó có thể được sử dụng trong một khuôn khổ của sự thành đạt và tranh đua. Bạn có thể dùng định lực để thống trị kẻ khác. Bạn có thể dùng nó cho một mục tiêu ích kỷ.
Thật ra, vấn đề là định lực tự nó không thể giúp cho ta nhìn thấy chính mình được. Nó không thể làm sáng tỏ được những vấn đề căn bản của ngã chấp và tự tính của khổ đau. Ta có thể dùng nó để đào sâu vào những trạng thái tâm lý sâu kín. Nhưng dù vậy, ta vẫn không hiểu được năng lực của ngã chấp. Chỉ có chính niệm mới có thể làm được việc đó. Nếu như chính niệm không có mặt để nhìn vào thấu kính ấy, để thấy được những gì đã được định lực phơi bày, thì tất cả chỉ là công dã tràng. Chỉ có chính niệm mới hiểu. Chỉ có chính niệm mới làm phát sinh tuệ giác. Định lực vẫn còn bị nhiều giới hạn khác.

Những trạng thái định thâm sâu chỉ có thể đạt được trong những môi trường đặc biệt và thích hợp. Những người tu Phật đã bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng các thiền đường và tu viện. Mục đích chính là tạo nên một khung cảnh, điều kiện yên tĩnh để ta có thể phát huy được khả năng định này. Không có tiếng động ồn ào, không bị gián đoạn. Và cũng quan trọng không kém là tạo cho hành giả một môi trường tình cảm an ổn. Sự phát triển định lực sẽ bị ngăn chận bởi 5 điều chướng ngại, như ta đã trình bày trong chương 12. Đó là: ham muốn dục lạc, ghét bỏ, hôn trầm, kích động và nghi ngờ.

Tu viện là một môi trường mà những tình cảm náo động và phiền toái này sẽ được giới hạn đến mức tối đa. Những người khác phái không sống chung với nhau. Nhờ vậy, dục vọng ít có cơ hội khởi lên. Ta không được phép giữ một tài vật gì, nhờ vậy sẽ tránh được những sự tranh chấp, chiếm hữu, giúp giảm đi cơ hội của sự tham lam và thèm khát. Ta cũng cần nên nhắc đến một chướng ngại khác nữa của định lực. Trong một trạng thái định thâm sâu, ta có thể bị thu hút vào đối tượng thiền định của mình, và quên hết mọi vấn đề nhỏ nhặt khác. Ví dụ như là thân ta, ta là ai, và tất cả những thứ khác quanh mình. Chính ở chỗ này mà tu viện lại là một môi trường rất thích hợp. Ở đây, chúng ta có người khác lo cho mình bằng cách chăm sóc những nhu cầu vật chất như là thức ăn, chỗ ngủ và an ninh của ta. Không có những bảo đảm đó, ta sẽ do dự và không bao giờ dám đi vào những mức định thâm sâu hơn.

Ngược lại, chính niệm không bao giờ có những vấn đề này. Chính niệm không bị phụ thuộc, và cũng không đòi hỏi phải có một hoàn cảnh hoặc môi trường đặc biệt nào hết. Chính niệm chỉ là một chức năng ghi nhận. Vì vậy, nó có thể tự do ghi nhận bất cứ một cái gì khởi lên - tham dục, ghét bỏ, tiếng ồn ào. Chính niệm không hề bị giới hạn bởi bất cứ một điều kiện nào. Nó có thể có mặt trong bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào. Và chính niệm cũng không cần phải có một đối tượng cố định để tập trung. Nó quán sát sự thay đổi. Có nghĩa là nó có vô số những đối tượng khác nhau để chú ý. Nó chỉ theo dõi những gì đi ngang qua tâm ta, và không phân loại. Những sự xao lãng và gián đoạn cũng được ghi nhận cùng với một sự chú tâm như bất cứ một đề mục thiền quán chủ yếu nào khác. Trong trạng thái chính niệm, sự chú ý của ta biến chuyển theo bất cứ sự thay đổi nào có mặt trong tâm. “Thay đổi, thay đổi, thay đổi... Bây giờ là cái này, bây giờ là cái này, và bây giờ là cái này...”

Chúng ta không thể làm phát triển chính niệm bằng sự ép buộc. Nghiến răng, gồng người dùng ý chí cũng sẽ không đem lại cho ta một ích lợi nào. Mà thật ra, nó còn làm trở ngại cho sự tiến bộ của ta nữa. Chính niệm không thể nào được phát huy bằng một sự tranh đấu. Nó chỉ tăng trưởng bằng sự hiểu biết, bằng sự buông bỏ, bằng cách dừng yên lại trong giây phút hiện tại, và giữ cho mình được thoải mái với bất cứ điều gì ta đang trải nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính niệm tự động sẽ xảy ra. Ngược lại thế. Nó đòi hỏi một năng lượng. Nó đòi hỏi một sự tinh tiến. Nhưng sự tinh tiến này không phải là dùng sức mạnh ép buộc. Chính niệm được phát triển bằng một sự cố gắng dịu dàng. Ta nuôi dưỡng chính niệm bằng cách thường xuyên nhẹ nhàng nhắc nhở mình, biết theo dõi và chú ý đến những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại. Kiên trì và từ tốn là bí quyết. Chính niệm đươc nuôi dưỡng bằng sự thường xuyên mang ta trở về trong trạng thái tỉnh thức, một cách dịu dàng, nhẹ nhàng và thật từ tốn.

Ta cũng không thể nào sử dụng chính niệm cho sự ích kỷ được. Chính niệm là một ý thức không có một cái ngã. Trong một trạng thái chính niệm thuần túy không có cái “tôi.” Vì vậy sẽ không có một cái “tôi” nào để mà “cho tôi” hoặc “của tôi” được cả. Trái lại, chính niệm mang đến cho ta một cái nhìn rõ ràng và chân thật về mình. Nó giúp ta có thể bước lùi lại một bước, ra khỏi những ham muốn và ghét bỏ, để có thể thật sự nhìn lại chính mình và nói “À, thì ra tôi thật sự là như vậy!”

Trong trạng thái chính niệm, ta sẽ thật sự thấy được rõ mình là người như thế nào. Ta thấy được thái độ ích kỷ của mình. Ta thấy được những khổ đau của mình. Và ta cũng thấy được mình đã tự tạo nên những khổ đau ấy ra sao. Ta thấy mình đã gây nên đau đớn cho kẻ khác. Ta nhìn xuyên thấu qua những lớp giả tạo mà bình thường ta vẫn dùng để tự lừa dối mình, và nhìn thấy được sự thật! Chính niệm sẽ đưa ta đến tuệ giác.

Chính niệm không bao giờ cố gắng để đạt đến một cái gì hết. Nó chỉ nhìn và theo dõi. Vì vậy, sự ham muốn và sự ghét bỏ không có chỗ đứng. Sự tranh đua và chiến đấu để thành công cũng không có giá trị gì trong quá trình này. Chính niệm không nhắm đến một mục tiêu nào cả. Nó chỉ quán sát những gì đang hiện hữu.

Niệm có một chức năng rộng lớn và to tát hơn định. Niệm bao gồm tất cả. Ngược lại, định có tính cách chọn lọc và phân biệt. Nó chú tâm vào một cái duy nhất và bỏ ra ngoài tất cả những cái khác. Chính niệm thu nhận hết. Nó lùi lại đứng bên ngoài tụ điểm của sự chú tâm, và nhanh nhẹn ghi nhận hết tất cả những sự thay đổi nào khởi lên. Nếu bạn chú tâm vào một tảng đá, định lực sẽ chỉ thấy có mỗi mình tảng đá. Ngược lại, chính niệm sẽ bước ra ngoài tiến trình ấy, nó ý thức được tảng đá, ý thức được định lực tập trung trên tảng đá, ý thức được cường độ của nó, và lập tức ghi nhận bất cứ một sự thay đổi nào của sự chú tâm khi định lực bị xao lãng. Chính niệm sẽ ghi nhận khi có một sự xao lãng xảy ra, và cũng là chính niệm sẽ mang sự chú ý của ta trở về với tảng đá. Niệm lực khó phát triển hơn định lực, vì nó là một chức năng rất rộng lớn và sâu sắc. Định chỉ là một sự tập trung tâm ý, cũng giống như một tia sáng la-ser. Nó có năng lực đốt cháy và đi thẳng vào trong tâm thức ta và soi sáng những gì đang có mặt ở đó. Nhưng có điều nó không hiểu được những gì nó thấy. Chính niệm có thể quán xét cơ chế hình thành của lòng ích kỷ và thấu hiểu những gì nó thấy. Chỉ có chính niệm mới có thể xuyên thủng được tấm màn bí mật của khổ đau và cơ chế bất toại nguyện. Chính niệm có thể khai phóng bạn!

Tuy nhiên, ở đây lại là một tình huống loanh quanh bế tắc. Chính niệm không hề phản ứng lại với những gì nó thấy. Nó chỉ nhìn và hiểu. Chính niệm là tinh hoa của sự nhẫn nại. Vì vậy, những gì ta thấy cần phải được chấp nhận hoàn toàn, thừa nhận và quán sát một cách bình thản. Điều này không dễ, nhưng nó vô cùng cần thiết. Chúng ta si mê, ích kỷ, tham lam và rất khoe khoang. Ta ham mê sắc dục và ưa nói dối. Đó là sự thật. Chính niệm có nghĩa là nhìn thấy những sự thật này và biết nhẫn nại với mình, biết chấp nhận con người thật của mình. Nhưng việc làm đó rất ngược đời. Ta không muốn công nhận nó. Ta muốn chối bỏ nó, hoặc thay đổi nó, hoặc bào chữa cho nó. Nhưng sự chấp nhận lại chính là cốt tủy của chính niệm. Nếu chúng ta muốn được trưởng thành trong chính niệm, ta phải biết chấp nhận những gì mà chính niệm tìm thấy. Nó có thể là sự nhàm chán, bức rức hoặc sợ hãi. Nó có thể là sự yếu đuối, thiếu kém, hoặc lỗi lầm. Là gì đi chăng nữa, thì đó cũng là con người thật của ta. Đó là một hiện thực.

Chính niệm chấp nhận hoàn toàn những gì có mặt. Nếu bạn muốn chính niệm được tăng trưởng thì chấp nhận một cách kiên nhẫn là phương cách duy nhất. Bởi vì chính niệm chỉ có thể được phát triển nhờ vào sự thực tập chính niệm liên tục, nhờ vào sự cố gắng duy trì chính niệm, và những điều đó cũng có nghĩa là kiên nhẫn. Ta không thể ép buộc và cũng không thể thúc ép tiến trình ấy. Nó sẽ tiến triển theo nhịp độ riêng của chính nó.

Trong thiền tập, niệm và định lúc nào cũng đi đôi với nhau. Chính niệm dẫn lối cho định lực. Chính niệm giữ vai trò của một vị giám đốc điều hành. Định lực cung cấp năng lực cho chính niệm, giúp nó có thể xuyên thấu được vào những bình diện sâu kín nhất trong tâm thức. Kết quả của sự hợp tác đó là một tuệ giác và hiểu biết sâu sắc. Hai yếu tố niệm và định cần phải được kết hợp với nhau một cách quân bình. Nhưng cũng cần hơi nhấn mạnh  yếu tố chính niệm một chút, vì chính niệm là trái tim của thiền quán. Những tầng định thâm sâu nhất thật ra cũng không thật sự cần thiết cho sự tu tập giải thoát. Dù vậy, một sự cân bằng bao giờ cũng rất quan trọng. Tỉnh thức, chú ý nhiều quá mà không có sự tĩnh lặng sẽ dẫn đến một trạng thái nhạy cảm cuồng nhiệt quá độ, tương tự như trường hợp lạm dụng chất gây ảo giác (LSD). Quá nhiều sự tập trung, tĩnh lặng mà không có sự tỉnh thức, chú ý, sẽ dẫn đến triệu chứng “ông Phật bằng đá”, khi ta ngồi yên bất động và không biết gì hết, tĩnh lặng như một khối đá! Cả hai trường hợp ấy đều nên tránh.

Giai đoạn mới bắt đầu của sự tu tập thiền quán đặc biệt rất tế nhị. Nếu ta quá chú trọng đến chính niệm trong thời điểm này, nó sẽ làm chậm trễ cho sự phát triển định lực. Khi mới bắt đầu tập ngồi thiền, một trong những điều đầu tiên bạn ghi nhận là tâm ý mình náo động và bận rộn vô cùng. Truyền thống Nam tông gọi hiện tượng đó là “tâm con khỉ”. Trong truyền thống Tây tạng, nó được ví như một dòng thác tư tưởng. Nếu trong thời điểm này, bạn chú trọng đến yếu tố niệm thì sẽ có quá nhiều đối tượng để chú ý, đến nỗi việc định tâm không thể thực hiện được. Đừng nản lòng. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người. Và có một giải pháp rất đơn giản. Trong giai đoạn đầu, hãy dồn hết công phu vào việc đạt đến trạng thái nhất tâm. Hãy kiên nhẫn thực tập, tiếp tục mang tâm mình trở lại với một đối tượng duy nhất, một lần, một lần nữa, rồi thêm lần nữa... Hãy kiên trì thực tập. Những bài thực tập và hướng dẫn cho phương pháp này đã được trình bày trong chương 7 và 8. Sau một vài tháng thực tập, bạn sẽ có được một định lực đáng kể. Và từ đó bạn có thể mang định lực này ứng dụng vào chính niệm. Nhưng bạn nhớ giữ cho quân bình, đừng để định lực nhiều quá sẽ đưa ta đến một trạng thái sững sờ, ngớ ngẩn.

Trong hai yếu tố niệm và định, niệm bao giờ cũng vẫn là quan trọng hơn. Ta cần phải thiết lập chính niệm ngay khi cảm thấy đã có được sự thoải mái. Chính niệm sẽ cung cấp nền tảng cần thiết cho sự phát triển một định lực sâu hơn. Những sai lầm trong sự cân bằng giữa hai yếu tố này sẽ dần dần được tự điều chỉnh qua thời gian. Chính niệm sẽ tự nhiên làm phát sinh chính định. Khi chính niệm càng phát huy, bạn càng ghi nhận được những sự xao lãng một cách nhanh chóng hơn, và bạn càng thoát ra khỏi nó và trở về với đối tượng thiền quán của mình sớm hơn. Kết quả tự nhiên là một định lực mạnh mẽ hơn. Và cũng thế, chính định sẽ hỗ trợ và làm tăng trưởng cho chính niệm. Định lực ta càng mạnh bao nhiêu, ta sẽ càng ít bị lôi cuốn mỗi khi có một sự xao lãng khởi lên. Bạn chỉ đơn giản ghi nhận sự xao lãng ấy, và rồi đem sự chú ý trở về với đề mục thiền quán.

Vì vậy, hai yếu tố niệm và định có khuynh hướng cân bằng và hỗ trợ cho nhau phát triển một cách rất tự nhiên. Ở đây chỉ có một quy luật bạn cần ghi nhớ là: Trong giai đoạn đầu, bạn cần phải chú tâm cố gắng vào việc phát triển định lực trước, cho đến khi nào “tâm con khỉ” của bạn bắt đầu được lắng yên đôi chút. Sau đó, chú trọng vào chính niệm. Khi nào bạn cảm thấy náo động, xôn xao, hãy nhấn mạnh vào yếu tố định. Khi nào bạn cảm thấy ngẩn ngơ, mù mờ, hãy nhấn mạnh vào yếu tố niệm. Nhưng nói chung thì niệm là yếu tố cần nhấn mạnh hơn.

Chính niệm hướng dẫn cho sự phát triển trong thiền tập, vì chính niệm có khả năng ý thức được chính nó. Chính niệm sẽ giúp cho bạn có được một cái nhìn sáng tỏ về sự tu tập của mình. Chính niệm cho bạn thấy được mình đã thực tập như thế nào. Nhưng cũng đừng nên lo lắng về việc ấy quá. Đây không phải là một cuộc đua. Bạn không cần phải tranh tài với bất cứ một ai, và cũng không cần theo một thời biểu nào hết.

Một trong những điều khó hiểu nhất mà chúng ta phải học biết là: Chính niệm không hề phụ thuộc vào bất cứ một cảm thụ hoặc một trạng thái tâm thức nào. Thường thường chúng ta có một số hình ảnh cố định về thiền tập. Thiền tập là một cái gì được thực hành trong những hang động vắng vẻ, bởi những vị tu sĩ đi đứng thật chậm chạp. Nhưng thật ra đó chỉ là những điều kiện để giúp hành giả luyện tập mà thôi. Đó là môi trường giúp ta nuôi dưỡng định lực và phát triển chính niệm. Một khi ta đã biết cách thực tập chính niệm rồi, ta có thể bỏ đi những gò bó của sự tập luyện ấy, và cần nên buông bỏ nó. Bạn không cần phải cử động chậm chạp như một con ốc sên mới gọi là có chính niệm. Bạn cũng không cần phải điềm tĩnh nữa. Bạn có thể có chính niệm trong khi đang cố tìm giải đáp cho một bài toán số tích phân. Bạn có thể có chính niệm giữa một sân đá banh. Bạn cũng vẫn có thể có chính niệm ngay giữa một cơn giận điên cuồng! Những hoạt động tâm lý và vật lý không thể nào làm cản trở được chính niệm. Nếu như bạn thấy tâm mình quá náo động, bạn chỉ cần quán sát tự tính và cường độ của nó. Nó chỉ là một phần của một vở tuồng tạm diễn ra trong tâm ta mà thôi!

    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.87.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...