Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Khi im lắng cất lời »» Chương 9: Cái chết và sự sống bất diệt »»

Khi im lắng cất lời
»» Chương 9: Cái chết và sự sống bất diệt

Donate

(Lượt xem: 12.601)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Khi im lắng cất lời - Chương 9: Cái chết và sự sống bất diệt

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Khi bạn đi ngang qua một khu rừng nguyên sinh, chưa bị ô nhiễm hay xâm phạm bởi con người, bạn không chỉ có cảm nhận rằng đời sống chung quanh rất giàu có và đa dạng. Bạn sẽ đồng thời gặp những thân cây gãy đổ ngả nghiêng và những gốc cây đang mục nát, những chiếc lá bị thối rữa, những xác thú vật chết đang bị phân hoại. Bất kỳ chỗ nào bạn để mắt nhìn, bạn sẽ thấy Cái chết và Sự Sống đan quyện vào nhau.

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, bạn sẽ khám phá được rằng gốc cây đang mục nát và những đám lá thối rữa kia không những đang làm cho sự sống được tiếp diễn mà chính những gì đang mục rữa đó cũng tràn trề sự sống. Có những vi sinh vật đang hoạt động nhộn nhịp. Có những phân tử đang tự phối trí lại. Do đó không thực sự có cái gì chết cả, bất kỳ ở đâu. Mà chỉ là sự biến hình của những sinh thể sống. Chúng ta học được gì từ nhận thức này?

Cái Chết không phải là đối cực của đời sống. Đời sống là một cái gì không có đối cực. Đối cực của cái chết là sự tái sinh. Còn đời sống thì vô tận.

§

Các nhà hiền triết và thi nhân từ xưa đến nay thường nhận biết tính chất hư ảo của đời sống – dù trên bề mặt nó có vẻ rất chắc nịch và có vẻ rất thực, nhưng đời sống rất chóng phôi pha như thể nó có thể tan hoại đi bất kỳ lúc nào.

Đến phút lâm chung, quả thực câu chuyện về cuộc đời bạn có thể như là một giấc mơ đang đến hồi kết thúc. Dù có như là một giấc mơ đi nữa thì cũng có một cái gì đó chân thật. Phải có một cái Tâm – khả năng nhận biết – trong đó giấc mơ được xảy ra; chứ nếu không thì đâu thể có chuyện gì xảy ra.

Cái Tâm ấy do thân thể tạo ra hay chính Tâm đã tạo nên một giấc mơ về một thân thể, giấc mơ về một thân thể của một con người?

Tại sao đa số những người đã có kinh nghiệm chuyện chết đi sống lại không còn sợ hãi khi phải đối diện với cái chết nữa? Chúng ta hãy chiêm nghiệm thêm về điều này.

§

Dĩ nhiên bạn biết là bạn sẽ chết, nhưng điều đó chỉ là một khái niệm ở trong đầu bạn cho đến khi lần đầu bạn đối diện với cái chết đang thực sự đến với chính mình: qua một cơn trọng bệnh hoặc một tai nạn xảy ra cho bạn hoặc cho người thân của bạn, hoặc có một người thân của bạn vừa mất đi, cái chết đi vào cuộc đời bạn khi bạn ý thức được khả năng có thể bị hoại diệt của chính mình.

Đa số, vì sợ hãi, người ta thường tránh né vấn đề sống chết của mình, nhưng nếu bạn không nao núng và dám đối diện với sự thực rằng thân thể bạn rất chóng lụi tàn và có khả năng biến hoại bất kỳ lúc nào, thì bạn sẽ không còn tự đồng hóa mình, dù ít hay nhiều với thân thể và tình cảm của mình, hay với “cái Tôi” giả dối của bạn. Khi bạn nhận ra và chấp nhận tính vô thường của mọi sự, mọi vật, sẽ có một cảm giác an bình phát sinh ở trong bạn.

Nhờ đối diện với cái Chết, tâm thức bạn, không ít thì nhiều, sẽ có tự do để không còn bị đồng hóa với những ý tưởng miên man hay cảm xúc tiêu cực của mình. Đó là lý do tại sao có những truyền thống Phật giáo, các thầy tu thường đến các nghĩa địa hay các nhà quàng để ngồi Thiền bên cạnh những thây người chết.

Trong nhiều nền văn hóa phương Tây, người ta vẫn còn thói quen tránh né những gì liên quan đến cái Chết. Ngay cả những người già ở phương Tây cũng không dám nghĩ hay nói gì về đề tài này, xác chết thường được tẩm liệm rất đẹp hoặc giấu biệt đi. Một nền văn hóa mà chối bỏ sự hiển nhiên của cái chết thì sẽ không tránh khỏi trở nên một cái gì đó cạn cợt và giả dối, vì họ chỉ quan tâm đến bên ngoài của mọi sự, mọi vật. Khi cái Chết đã không còn được chấp nhận, đời sống sẽ mất đi chiều sâu của nó. Khả năng nhận thức được bản chất chân thật của chúng ta, vượt lên trên ngôn từ và hình tướng, một chiều không gian vượt thoát, chiều không gian đó sẽ bị biến mất ra khỏi đời sống của chúng ta vì cái Chết chính là một cánh cửa để đưa bạn đi vào chiều không gian đó.

§

Chúng ta thường không dám đối diện với sự kết thúc hay chung cuộc của một việc gì, vì mỗi sự chung cuộc là một cái chết nhỏ. Cho nên chữ “tạm biệt”, trong nhiều văn hóa khác nhau, thường được nói là “hẹn gặp lại”.

Khi một kinh nghiệm gì của bạn đi đến hồi kết thúc – một buổi tiệc với bạn bè, một kỳ nghỉ mát, con cái của bạn trưởng thành muốn dọn ra ở riêng – bạn như chết đi một phần nào. Một “hình tướng” của kinh nghiệm ấy ở trong tâm thức bạn đang bị phân rã đi. Thông thường điều này sẽ để lại ở trong bạn một cảm giác trống vắng mà đa số chúng ta sẽ tìm cách tránh né để khỏi phải đối diện với cảm giác hụt hẫng ấy.

Khi bạn đã học được cách chấp nhận, và nếu được, chào đón những hồi kết thúc của một việc gì trong đời bạn, bạn sẽ thấy rằng cảm giác trống vắng mà bạn cảm thấy lúc ban đầu sẽ dần dần trở thành một cảm giác rộng thoáng và một niềm an bình sâu lắng ở trong bạn.

Bằng cách thực tập đối diện với cái Chết mỗi ngày, bạn sẽ mở lòng mình ra với sự Sống.

§

Đa số chúng ta thường có cảm nhận về chính mình như là một vật gì quý giá, mà không muốn bị mất đi. Đó là lý do chúng ta rất sợ cái Chết.

Thật không thể tưởng tượng được nỗi sợ hãi đối với một con người khi tự nghĩ rằng “Tôi” có thể biến mất trên cuộc đời này. Nhưng bạn nhầm lẫn “cái Tôi quý báu ấy” với tên gọi, với hình tướng và với những câu chuyện về chính mình( ) mà bạn đã tự thêu dệt nên. Cái Bản Ngã ấy chẳng có chi xa lạ mà chỉ là sự phối hợp tạm thời của nhiều điều kiện và nhân duyên trong một chuỗi của những biểu hiện trên bề mặt của Tâm.

Khi nào mà bạn vẫn còn đồng hóa mình với ngoại cảnh, với hình tướng, bạn sẽ không ý thức được rằng sự cao quý ấy chính là bản chất thường hằng của bạn, chính là cảm nhận sâu thẳm về những gì đang Hiện Hữu, đó cũng chính là Tâm. Đó chính là sự vĩnh cửu, thường còn ở trong bạn – và đó là thứ duy nhất mà bạn không bao giờ có thể đánh mất được.

§

Khi nào có một sự mất mát lớn xảy ra cho bạn – như là mất tài sản, mất nhà, mất đi một quan hệ thân thiết, hay bị mất danh dự, mất việc, hay mất đi khả năng bình thường trong cơ thể bạn – sẽ có một cái gì đó ở trong bạn bị chết đi. Bạn sẽ cảm thấy mất đi cảm nhận về chính mình. Có thể bạn còn cảm thấy một sự hụt hẫng, rằng: “Nếu không còn những thứ này… thì tôi là ai?”.

Một khi bạn vô thức tự đồng hóa mình với một hình tướng nào đó, như là chính mình, bị mất đi hay đã bị biến đổi, điều này là cực kỳ đau đớn cho bạn. Có thể nói rằng điều này sẽ tạo nên một lỗ hổng lớn ở trong bạn, không dễ gì lấp đầy.

Khi điều này xảy ra, bạn không nên chối từ hoặc làm ngơ nỗi đau ấy hay cảm giác buồn khổ mà bạn sẽ cảm thấy. Hãy chấp nhận sự hiện diện của những cảm xúc ấy. Nên chú tâm đến khuynh hướng thêu dệt nên một câu chuyện không có thực của trí năng bạn quanh sự mất mát này, trong đó bạn tự gán cho mình vai trò của một nạn nhân. Sự sợ hãi, giận dữ, ghét bỏ, hay tự thương hại chính mình sẽ là những cảm xúc phát sinh khi bạn tự cho mình chỉ là một nạn nhân. Rồi bạn cũng nên chú tâm đến những gì nằm đằng sau những cảm xúc đó, cũng như những gì nằm đằng sau những câu chuyện được thêu dệt nên của trí năng: Cái lỗ hổng của sự trống vắng ở trong tâm hồn bạn. Nhưng bạn thừa khả năng để đối diện và chấp nhận cảm giác xa lạ của sự trống vắng đó. Khi làm được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng, sự trống vắng đó không đáng sợ như bạn nghĩ. Bạn có thể rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng có một niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng ấy( ).

Khi cái Chết xảy đến, khi một cơ thể sống bị phân hủy, Thượng Đế hay Vô Tướng sẽ được chiếu sáng qua cánh cửa sổ được mở ra bởi sự phân hoại ấy. Do đó, cái Chết là một cái gì linh thiêng nhất trên đời. Đó cũng là lý do bạn có thể đạt được niềm an lạc sâu nhất trên đời chỉ có thể đến với bạn qua sự chiêm nghiệm và chấp nhận cái Chết.

§

Đời sống của mỗi con người thực ngắn ngủi biết bao, đời sống của chúng ta chóng tàn hoại biết bao. Bạn thử hỏi “Có cái gì trong cuộc đời này trường cửu, không bị chi phối bởi luật sinh diệt?”.

Hãy thử chiêm nghiệm điều này: Nếu trên đời chỉ có độc một màu xanh thì cả thế giới và mọi thứ trong đó đều mang màu xanh, và như thế thì màu xanh sẽ không còn được phân biệt. Do đó chúng ta cần phải có một màu gì khác, không phải là màu xanh, để chúng ta phân biệt được đây là màu xanh, nếu không thì màu xanh sẽ không có gì khác biệt, sẽ không hiện hữu.

Tương tự như thế, không phải ta cần phải có một cái gì đó không bị biến đổi và trường cửu để cho tính vô thường của mọi thứ được hiển bày? Nói một cách khác: Nếu mọi thứ, kể cả chính bạn, là vô thường, lúc đó liệu bạn có cách nào để nhận thức được tính vô thường này? Có phải nhờ chính bạn nhận thức được và chứng kiến tính mau tàn hoại của vạn vật, kể cả hình hài của chính bạn, mà bạn nhận ra rằng có một cái gì ở trong bạn không bị chi phối bởi quy luật vô thường?

Khi bạn đang ở độ tuổi hai mươi, bạn nhận thức rằng cơ thể của bạn rất khỏe mạnh và tràn đầy sức sống; sáu mươi năm sau, bạn sẽ nhận ra rằng cơ thể của mình bây giờ đã suy yếu và già nua. Ngay cả những suy nghĩ của bạn trong tuổi già cũng thay đổi so với năm bạn hai mươi tuổi, nhưng riêng phần nhận thức ở trong bạn – cái phần nhận biết rằng cơ thể bạn đang trẻ, hoặc đã già nua không hề bị biến dạng. Phần nhận biết đó chính là sự trường cửu ở trong bạn – chính là Tâm. Đó chính là Sự Sống Duy Nhất vô hình tướng. Bạn có thể đánh mất sự sống này? Không, không bao giờ, vì bạn chính là Sự Sống Duy Nhất đó.

§

Có nhiều người đã trở nên an tịnh một cách sâu sắc và hầu như trở nên sáng suốt trước khi đi vào Cõi Chết, như thể có một cái gì đó soi chiếu qua hình hài đang tàn hoại của họ.

Nhiều khi những người già hay người bệnh nặng bỗng trở nên thanh thoát trong những năm tháng ngắn ngủi cuối cùng của đời họ. Khi họ nhìn bạn, bạn có thể nhận ra như thể có một luồng ánh sáng chiếu xuyên qua đôi mắt họ. Hầu như không còn khổ đau tâm lý nào còn sót lại ở trong họ. Họ đã buông bỏ hết, do đó con người, “cái Tôi” được tạo dựng nên bởi trí năng, đã không còn nữa. Họ đã “biết chết trước khi thực sự đối diện với cái Chết” và tìm ra được niềm an bình sâu lắng ở bên trong; đó là nhận thức về một cái gì bất tử ở trong họ.

§

Mỗi một tai họa luôn ẩn giấu một khả năng của sự một cứu rỗi lớn lao mà chúng ta thường không biết được.

Trước một cú sốc bất ngờ, hay đối diện với thần Chết không thể tránh được, có thể buộc bạn phải hoàn toàn thoát ra khỏi sự đồng hóa mình với hình tướng. Trong những giây phút cuối cùng trước khi bạn đi vào cái Chết, và ngay cả lúc bạn lâm chung, bạn sẽ kinh nghiệm rằng bạn là Tâm thoát ly với những gì thuộc về hình tướng. Và bỗng nhiên bạn không còn sợ sệt, tất cả chỉ còn là nỗi an bình với hiểu biết rằng “mọi chuyện đều suôn sẻ cả” và cái Chết chỉ là sự tàn hoại của những hình tướng ở bên ngoài. Cái Chết lúc đó trở thành một ảo tưởng rất sai lầm – cũng sai lầm như chuyện bạn đã từng nhận lầm mình chỉ là cơ thể của mình( ).

§

Cái Chết không còn là một cái gì bất thường hay là một điều đáng làm cho bạn chán ghét nhất như nền văn minh hiện đại cứ muốn bạn tin, mà cái Chết là một cái gì rất tự nhiên trong đời, không thể tách rời khỏi sự Sống – đối cực rất tự nhiên của nó. Hãy luôn tự nhắc nhở mình mỗi khi bạn ngồi bên giường của một người đang hấp hối.

Quả là một vinh dự và cũng là một điều rất thiêng liêng khi bạn được ngồi bên cạnh một người đang hấp hối như là một chứng nhân và đồng thời cũng như một người bạn đồng hành của người đó.

Khi bạn ngồi với một người đang hấp hối, đừng cố chối bỏ bất kỳ một khía cạnh nào của kinh nghiệm đó cả. Đừng chối bỏ những cảm xúc bạn đang có hay những gì đang xảy ra. Cảm nhận rằng bạn không thể làm gì khác để thay đổi tình trạng đó có thể làm cho bạn cảm thấy bất lực, buồn chán hay trở nên giận dữ. Nhưng bạn hãy thực tập chấp nhận những gì bạn đang cảm thấy ở trong lòng. Rồi đi sâu thêm một bước nữa: chấp nhận rằng bạn không thể làm gì được với tình trạng người kia đang hấp hối, và chấp nhận điều ấy hoàn toàn. Bạn không có sự chủ động về những gì sẽ xảy đến cho người ấy đâu. Hãy chấp nhận một cách sâu sắc tất cả mọi khía cạnh của kinh nghiệm mà bạn không có sự chủ động này, cảm xúc của bạn cũng như cảm giác đau đớn, khó chịu mà người hấp hối đang trải qua. Trạng thái chấp nhận hoàn toàn trong tâm thức bạn và sự yên lắng đi kèm sẽ giúp rất nhiều cho người đang hấp hối và giúp cho người ấy đi qua giai đoạn chuyễn tiếp( ). Nếu cần phải nói một điều gì, thì lời nói sẽ tự nhiên đến từ sự tĩnh lặng ở trong bạn. Nhưng ngôn ngữ lúc đó chỉ là thứ yếu.

Khi có sự tĩnh lặng thì sẽ có điều tất yếu: sự an bình.

§

Chú thích Chương 9

( ) Sẽ chẳng bao giờ có ai khác cả, ngoài chính bạn: Trong mỗi quan hệ, những khó khăn, những vấn đề mà ta nhìn thấy ở người kia thực ra là vấn đề của chính bạn. Họ là những chiếc gương phản chiếu những khiếm khuyết của chính bạn mà bạn hoặc chưa ý thức hoặc đang muốn chối bỏ.

(2) Những câu chuyện mà bạn tự thêu dệt nên: Khi có một biến cố xảy ra, chúng ta thường không nhìn sự việc một cách chính xác, đúng đắn, khách quan. Trái lại, chúng ta có khuynh hướng nhìn sự việc rất lệch lạc và có khuynh hướng xem mình là nạn nhân của biến cố đó. Khi làm một nạn nhân như thế, chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm phần của mình trong biến cố và do đó đánh mất cơ hội để hiểu mình hơn, đánh mất cơ hội nhìn ra và chữa lành những khiếm khuyết cũng như những vết thương lòng được bộc lộ ra trong biến cố đó. Chúng ta thích làm nạn nhân của cuộc đời và thường có rất nhiều mẩu chuyện với tâm thức nạn nhân được chúng ta đem ra chứng minh, kể đi kể lại nhiều lần.

(3) Niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng ấy: Có thể nói rằng chỗ trống vắng ở trong tâm hồn mình là nơi phát ra tiếng gọi, gọi ta trở về với nguồn cội. Do đó, khi trở về với khoảng trống ấy ở trong ta, bạn sẽ cảm nhận được một niềm an bình như một người đã trở về nhà.

(4) Nhận lầm mình chỉ là cơ thể của mình: Theo duy thức học Phật giáo, Thân Kiến là một nhận thức sai lầm khi bạn cho rằng “Tôi chính là cơ thể này của tôi” hay “Cơ thể này là của tôi”. Từ sai lầm khi tự đồng hóa mình với cơ thể như thế, chúng ta sẽ có nhu yếu xem trọng thân thể của mình một cách quá đáng hoặc lo cung phụng, đi tìm lạc thú cho cơ thể qua chuyện dục tình, truy hoan. Hoặc lo sợ, bất an đến khủng hoảng tinh thần khi nghĩ đến bệnh tật, già nua, một chuyện gì đó có thể xảy ra làm tổn thương đến cơ thể của mình. Mặc khác, ta cũng sai lầm khi cho rằng mình chỉ là những cảm xúc vẩn vơ, hay những lo sợ miên man thường phát sinh ở trong đầu.

(5) Giai đoạn chuyển tiếp (của người hấp hối): Theo Tử Thư Tây Tạng, một cuốn sách dạy về những giai đoạn trong 49 ngày mà linh hồn người chết sẽ trải qua khi đi qua cái Chết, thì cái Chết thực ra là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải điểm kết thúc của một đời người. Tình trạng tâm lý của người hấp hối và nghiệp lực của người ấy đã tạo ra lúc sinh tiền có ảnh hưởng rất lớn đến những gì sẽ xảy ra cho người đó khi họ đi qua sự chuyển tiếp này. Nếu người hấp hối lúc sống thường ở trong tâm trạng sợ hãi, buồn phiền, giận dữ,… thì phút lâm chung họ sẽ rất khó chọn một kinh nghiệm tốt đẹp để đi đầu thai sang một kiếp khác. Điều mà người thân có thể làm là giữ cho lòng mình đừng quá bi thương khi người thân hấp hối hay vừa mất, vì khi mình khổ thì người ấy sẽ cảm nhận nỗi khổ của mình với cường độ gấp trăm lần nỗi khổ của mình. Do đó, người hấp hối sẽ rất bất an, bối rối, vì không làm được gì để giúp cho nỗi khổ của người thân; nên họ không sẽ không dễ dàng siêu thoát, hoặc sẽ thiếu sáng suốt để chọn con đường lành khi đi đầu thai. Đó là lý do người ta thường nhờ các thầy đến tụng kinh, cầu siêu hay nhờ các vị linh mục ban phép giúp cho linh hồn người chết cảm thấy nhẹ nhàng, yên ổn.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.160.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...