Chúng ta đã tìm hiểu qua về sự cấu thành của bản ngã, hay nói nôm na là “cái ta” của mỗi người. Từ những kết quả phân tích khách quan, có thể thấy rõ rằng cái gọi là “ta” đó không hề có một thực thể chắc thật và tồn tại độc lập. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta hiện nay vẫn đang sống với một nhận thức không đúng thật về “cái ta”, vẫn luôn cho đó là một thực thể tồn tại độc lập với thế giới chung quanh, và là trung tâm điểm cho mọi hoạt động của ta.
Mặc dù vậy, việc xóa bỏ nhận thức sai lầm này không phải việc dễ dàng, bởi đó là một thói quen đã ăn sâu vào tâm thức ta quá lâu, thậm chí là qua vô số kiếp sống. Ngay cả khi đã nhận ra được tính giả tạo và không chắc thật của “bản ngã”, chúng ta hầu như vẫn không thể hình dung được cuộc sống này sẽ tiếp diễn ra sao nếu như không có cái gọi là “bản ngã” đó. Điều này như đã nói, có nguyên nhân sâu xa từ sự nhận biết không đúng thật về “bản ngã”.
Sự cố chấp vào một bản ngã tồn tại độc lập và chắc thật, tách biệt với thế giới quanh ta là một nhận thức sai lầm, nhưng việc phủ nhận hoàn toàn bản ngã đó cũng là một kiểu sai lầm khác. Sự hiện hữu của “bản ngã” này là có thật. Hơn thế nữa, những hành vi tạo tác là có thật, đang từng ngày từng giờ tạo thành gánh nặng nghiệp lực lôi cuốn ta quay cuồng trong luân hồi. Vì thế, ta không thể phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của một bản ngã trong ý nghĩa này.
Do đó, lựa chọn đúng đắn ở đây là cần có một nhận thức đúng thật về cái gọi là “bản ngã”. Trong khi nhận rõ sự tồn tại và không ngừng tạo nghiệp của “bản ngã” như một thực tế đang diễn ra, ta cũng đồng thời phải nhận biết về bản chất giả hợp, vô thường và luôn phụ thuộc vào các nhân duyên của cái gọi là bản ngã đó. Một nhận thức đúng đắn và toàn diện như vậy sẽ là bước khởi đầu tối cần thiết để giúp ta đảo ngược mọi thói quen, tập quán suy nghĩ và hành động sai lầm vốn có từ xưa nay.
Quan niệm cố chấp sai lầm về bản ngã như một chủ thể có thật và tồn tại độc lập với thế giới chung quanh được giáo lý nhà Phật gọi là chấp ngã. Do chấp ngã mà ta luôn có những hành vi và tư tưởng sai lầm, vì nó làm cho ta bị cuốn hút vào khuynh hướng phải bảo vệ và bồi đắp cho cái bản ngã của riêng ta, phải chống lại tất cả những gì ta nghĩ là có thể gây tổn hại cho bản ngã đó. Hơn thế nữa, khi cái bản ngã đó chịu sự biến dịch tự nhiên của vô thường, phải suy yếu đi hay thậm chí là hư hoại mất khi các nhân duyên hòa hợp tạo thành nó đã biến đổi hoặc không còn nữa... ta cảm thấy đó là chính ta đang suy yếu, đang hư hoại. Và điều đó làm cho ta đau khổ vô cùng.
Như đã nói, quan niệm chấp ngã được hình thành trong mỗi chúng ta từ vô số kiếp sống rất lâu xa về trước, đến nỗi ta luôn có cảm giác như đó là một bản chất sẵn có của mình. Từ lúc sinh ra đời, ngay khi vừa nhận biết về môi trường chung quanh, ta đã tức thời biết phân biệt giữa “ta” và “người khác”, biết phản đối khi những gì “của ta” bị người khác xâm hại, và biết vui mừng thỏa mãn khi “cái ta” được nâng niu, chiều chuộng... Vì thế, có thể nói rằng cội gốc của chấp ngã là rất sâu xa, vững chắc, và việc thay đổi hay xóa bỏ được nó hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng.
Ta có thể hình dung sự khó khăn đó cũng giống như một người chèo con thuyền đi ngược dòng nước xiết, bất cứ lúc nào cũng có thể bị nước cuốn phăng đi nếu như không có sự tỉnh táo và liên tục gắng sức. Nếu nhớ lại những câu chuyện về Quốc sư Ngộ Đạt và thiền sư Pháp Đạt vừa đề cập trong chương trước, ta sẽ thấy rõ được sự chi phối của quan niệm chấp ngã là ghê gớm đến như thế nào!
Quan niệm chấp ngã là nền tảng đầu tiên của đời sống thế tục, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự lưu chuyển của mỗi chúng sinh trong luân hồi. Do chấp ngã mà mỗi người chúng ta luôn muốn tự mình giương lên thật cao ngọn cờ “bản ngã” trong cuộc sống thế gian đầy phong ba bão táp, để rồi phải không ngừng hứng chịu sự xô đẩy về mọi hướng của những cơn gió thế gian. Một cách khái quát và hình tượng, ta có thể dựa theo những tính chất tương đối khác biệt để phân biệt và gọi tên 8 cơn gió mạnh của thế gian đang không ngừng lay động “lá cờ bản ngã” của mỗi chúng ta. Người xưa gọi 8 cơn gió này là bát phong (八風) hay bát thế phong (八世風), có thể nói là đã khái quát được một cách khá đầy đủ về tất cả những ngoại duyên đang thường xuyên tác động đến chúng ta trong cuộc sống.
Cơn gió thứ nhất là lợi phong, nghĩa là những ngoại duyên có lợi cho ta. Nhưng có lợi như thế nào? Chữ lợi (利) mang nghĩa chung là lợi ích, nhưng ở đây được dùng theo quan niệm thế tục, để chỉ tất cả những gì mà ta ưa thích, mong muốn, như tiền bạc, của cải, áo quần, vật chất nói chung... Và vì thế, khi ta có được những thứ ấy tức là có lợi. Chữ lợi ở đây không chỉ đến những lợi ích chân chánh có được khi ta tu tập hay thực hành những điều tốt đẹp.
Cơn “gió lợi” này tác động rất mạnh mẽ và có thể dễ dàng nhận thấy. Ngay khi cảm nhận được sự “có lợi” trong một sự việc nào đó, ta có thể sẽ lập tức thay đổi hành vi, tư tưởng cũng như lời nói của mình sao cho không đánh mất đi sự “có lợi” đó. Điều này khiến ta dễ dàng có những quyết định sai lầm, thiếu sáng suốt. Chẳng hạn, những người đi tìm trầm hương đều biết rõ về mối nguy hiểm khi băng rừng lội suối, nhưng mối lợi to lớn từ việc tìm được trầm hương đã tác động đến họ, khiến họ quên cả sự hiểm nguy mà sẵn sàng dấn thân lên đường. Cơn “gió lợi” đã thổi họ vào những hành trình nguy hiểm, có thể phải mất đi cả sinh mạng.
Ở mức độ gần gũi dễ nhận biết hơn, mỗi chúng ta hẳn đều đã từng gặp rất nhiều trường hợp mà những cơn “gió lợi” đã làm cho người ta đổi trắng thay đen, sẵn sàng quên đi mọi đạo lý nhân nghĩa thường tình, chỉ cốt để không bỏ lỡ mất một mối lợi nào đó trước mắt. Biết bao người bán hàng sẵn sàng nói dối để bán được giá cao, biết bao người cung cấp dịch vụ sẵn sàng làm nhiều việc sai trái để tăng thêm lợi nhuận, và biết bao kẻ trong đời này sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước những bất công chỉ để tự bảo vệ quyền lợi của riêng mình... Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, cơn “gió lợi” đã không ngừng cuốn hút, xô đẩy chúng ta vào những việc không nên làm, khiến ta không ngừng lún sâu vào sai lầm, tội lỗi...
Cơn gió thứ hai là suy phong, nghĩa là những ngoại duyên làm ta hao tổn, mất mát... Chữ suy (衰) có nghĩa là suy yếu, sút giảm đi, hao tổn, mất mát đi những gì ta đang có. Không ai trong chúng ta muốn bị hao tổn, mất mát cả! Vì thế, cơn “gió suy” này thổi vào chúng ta theo chiều ngược lại. Nó không kích thích ta tìm đến cái lợi, nhưng thôi thúc ta phải hành động theo hướng sao cho không bị tổn thất đi những gì đang có. Và hơn thế nữa, vì sự hao tổn, mất mát là điều tất nhiên không sao tránh khỏi trong cuộc sống, nên cơn “gió suy” này luôn thổi vào tâm thức khiến cho ta phải cảm thấy buồn khổ, tiếc nuối những gì đã mất. Nếu như ta thấy vui mừng hả hê khi ngoại duyên mang đến cho ta những mối lợi vật chất, thì ta lại thấy buồn khổ, tiếc nuối khi ngoại duyên lấy mất đi của ta những gì ta đang sở hữu. Cũng giống như “gió lợi”, cơn “gió suy” cũng tác động vào tâm trí ta, khiến ta mất đi sự sáng suốt, bình tĩnh cần phải có và do đó dẫn đến những quyết định hay hành vi sai lầm, mê muội.
Cơn gió thứ ba là hủy phong, nghĩa là những ngoại duyên đi ngược lại sự tự mãn của ta, chẳng hạn như những lời chê bai, chỉ trích, công kích... Chữ hủy (毀) có nghĩa là hủy báng, chê bai, phỉ báng, nói xấu... Cơn “gió hủy” là tất cả những gì xúc phạm đến thanh danh hay giá trị nhân cách của ta, hủy hoại đi những gì mà ta tin là có thể tạo nên hình ảnh tốt đẹp của bản thân ta trong lòng người khác. Khi bị cơn gió này thổi vào, ta thường sẽ tức thời cảm thấy vô cùng khó chịu vì cảm giác bị tổn thương, xúc phạm. Đối với một số người, sự tổn thương này có thể còn nặng nề, khó chịu hơn cả những mất mát, tổn thất về vật chất. Bởi sự mất mát vật chất trong nhiều trường hợp có thể dễ dàng được đền bù, thay thế, nhưng sự tổn thương về danh dự hay uy tín thường được xem như là không thể bù đắp. Và do đó, dưới tác động của cơn “gió hủy”, chúng ta cũng có thể dễ dàng đánh mất đi sự sáng suốt và bị cuốn hút vào những hành vi sai trái.
Cơn gió thứ tư là dự phong, nghĩa là những ngoại duyên gián tiếp thuận theo với lòng tự mãn của ta, chẳng hạn như những lời khen ngợi, đề cao được người khác nói về ta, khiến ta cảm thấy thích thú, thỏa mãn trong lòng khi nghe được. Chữ dự (譽) chỉ chung những lời khen tặng, ca ngợi mà người khác dành cho ta, thường là không trực tiếp nói ra với ta nhưng lại tạo thành cái mà ta thường gọi là danh thơm, tiếng tốt... Cơn “gió dự” thổi ta bay vút lên đỉnh cao của sự tự mãn, khiến ta cảm thấy mình trở thành cao quý, tốt đẹp hơn người, và ta say mê ngây ngất với cảm giác được người khác tôn sùng, ca tụng. Sự say mê ngây ngất này cũng làm ta mất đi sáng suốt trong ứng xử, khiến ta trở nên mê muội và dễ dàng mắc phải sai lầm trong mọi hành vi, quyết định của mình. Để có được những lời khen tặng, đôi khi người ta cũng không ngại dùng đến biết bao thủ đoạn gian dối, lọc lừa, sẵn sàng che giấu hoặc bóp méo sự thật, bất chấp cả lương tri và đạo đức.
Cơn gió thứ năm là xưng phong, là những ngoại duyên trực tiếp thuận theo với lòng tự mãn của ta, chẳng hạn như những lời xưng tụng, ca ngợi mà người khác nói ra trước mặt ta, thường là vượt quá sự thật, chỉ nhằm để vuốt ve, làm ta thỏa mãn. Chữ xưng (稱) ở đây hàm nghĩa là tâng bốc, ca ngợi quá lời. Mặc dù vậy, khi được tâng bốc, chúng ta thường rất ít khi nhận biết điều này. Nguyên nhân là bởi ta đang bị cơn “gió xưng” tác động. Nó làm cho ta ngất ngây với cảm giác được đề cao, được tôn xưng, khiến ta ngỡ rằng mình quả thực rất xứng đáng để được đề cao như vậy. Và chính sự cảm nhận sai lầm đó sẽ nhanh chóng đẩy ta đến chỗ “mục hạ vô nhân”, trở thành một con người cao ngạo, tự mãn đến mức xem thường người khác. Tất nhiên, một khuynh hướng sai lầm như thế chỉ có thể mang đến cho ta những sự suy thoái trầm trọng về đạo đức, phẩm hạnh mà thôi. Vì thế, đây cũng chính là một trong những chướng ngại rất lớn cho sự vươn lên hoàn thiện bản thân.
Cơn gió thứ sáu là cơ phong, là những ngoại duyên gây tổn thương tâm lý một cách bất công cho chúng ta, chẳng hạn như những lời vu khống, công kích hoặc phỉ báng sai sự thật. Chữ cơ (譏) mang nghĩa là quở trách, chê bai, nhưng ở đây hàm ý là những sự chê bai không dựa trên sự thật, dựng chuyện chỉ để nói xấu, vu khống. Khi cơn “gió cơ” này thổi đến chúng ta, ta sẽ rơi vào trạng thái bất an vì sự bực dọc, tức tối.
Tuy nhiên, những điều gọi là “vu khống” ở đây lại thường chỉ là được nhận thức từ phía chúng ta, bởi ta thấy đó là vô lý, là bất công, nhưng trong rất nhiều trường hợp thì người chê bai, chỉ trích ta lại có những chứng cứ mà họ cho là xác thực. Ngay cả khi những chứng cứ ấy chỉ là do sự hiểu lầm thì họ vẫn thật sự tin tưởng vào đó. Vì thế, thay vì hành xử một cách sáng suốt là phân tích để tìm ra nguyên nhân và giải tỏa sự hiểu lầm, chúng ta lại thường chỉ biết nổi giận và trách cứ về sự “vô lý” hay “bất công” của người khác. Đây cũng chính là một trong những tác động của cơn “gió cơ” này: nó làm cho ta mất đi khả năng phán xét và suy nghĩ sáng suốt.
Cơn gió thứ bảy là khổ phong, là những ngoại duyên làm ta khổ sở, không vừa ý. Chữ khổ (苦) tuy có hàm ý là tất cả mọi khổ đau, nhưng ở đây được dùng chủ yếu để chỉ đến những điều bất như ý, bức bách ta vào hoàn cảnh không mong muốn, phải gắng sức chịu đựng, như đói rét, nóng bức, thiếu thốn... Khi bị cơn “gió khổ” này thổi vào, ta cảm thấy thân tâm đều khó chịu, bực dọc, chỉ mong sao cho hoàn cảnh đó sớm qua đi. Cảnh khổ càng kéo dài thì sự khó chịu của ta càng tăng thêm. Vì vậy, cơn “gió khổ” đã tạo ra một thứ ngục tù vô hình giam hãm tinh thần ta, ngăn cách không cho ta tiếp xúc với những điều tốt đẹp của cuộc sống vẫn đang hiện hữu quanh ta.
Cơn gió cuối cùng là lạc phong, là những ngoại duyên làm ta sung sướng, thích thú, vui mừng. Chữ lạc (樂) mang nghĩa khái quát là vui thích, ở đây được dùng để chỉ chung những ngoại duyên khiến ta được hài lòng thích ý, thân tâm đều khoái lạc, chẳng hạn như được ăn ngon, mặc đẹp, tận hưởng các thú vui...
Mới nghe qua thì cơn “gió lạc” này tưởng chừng như phải là điều rất đáng mong cầu, bởi nó chẳng gây hại gì cho ta cả. Nhưng thật ra thì sự vui thích, khoái trá mà ta có được từ ngoại duyên cũng chính là một trong những tác nhân khiến ta ngày càng vướng sâu vào đau khổ. Vì sao vậy? Sự vui thích vốn có được là vì ta đang có chỗ mong cầu, ưa muốn, nên khi được thỏa mãn ta mới có cảm giác vui thích, khoái chí. Nhưng sự mong cầu của ta vốn không hề có giới hạn. Vì thế, một khi nó được thỏa mãn ở mức độ này thì lại lập tức nảy sinh một mức độ khác, và thường là cao hơn cả mức độ trước đó. Như vậy, xét cho cùng thì chính sự thỏa mãn bao giờ cũng nuôi lớn thêm dục vọng, và do đó mà một sự thất vọng dẫn đến khổ đau trong tương lai là điều không thể tránh được.
Tám cơn gió (bát phong) vừa được mô tả như trên có thể nói là bao gồm toàn bộ những điều kiện ngoại duyên tác động đến chúng ta trong cuộc sống. Trong đó có 4 ngọn thổi xuôi (lợi, lạc, xưng, dự) theo ý ta mong muốn và 4 ngọn thổi theo chiều ngược lại (suy, hủy, cơ, khổ), tiếp nối thay nhau mà khiến cho ta phải thường xuyên dao động, quay quắt mãi trong cuộc đời.
Mỗi một ngoại duyên đến với ta thường luôn thuộc về một trong số những cơn gió ấy, hoặc cũng có những trường hợp mà cả hai, ba... cơn gió cùng lúc thổi đến, khiến ta hoàn toàn không còn tự chủ được. Toàn bộ những cảm xúc của chúng ta như buồn, vui, yêu, ghét, giận giữ, lo âu... thảy đều khởi sinh từ những cơn gió ngoại duyên này. Chỉ khi nào ta an nhiên bất động trước những cơn gió ấy thì nội tâm mới có thể an định và sáng suốt được.
Trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta, 8 cơn gió ấy thay nhau liên tục tác động, khiến ta không một giây phút nào có thể chủ động dừng nghỉ thân tâm, nếu như chưa thoát được sự chi phối của chúng.
Giống như một lá cờ được kéo lên cao giữa khoảng không mênh mông, tha hồ cho gió từ bốn phương tám hướng thay nhau thổi đến, khiến cho lá cờ ấy phải luôn luôn lay động, phất phơ về mọi hướng, không một lúc nào có thể đứng yên.
Thân tâm chúng ta cũng liên tục chịu sự lay động của 8 ngọn gió khi “lá cờ bản ngã” được giương lên cao, và càng lên cao thì tất nhiên là càng phải chịu tác động của gió nhiều hơn, mạnh hơn. Mỗi một thời điểm trong cuộc đời ta, nếu không gặp phải những ngoại duyên có lợi thì ắt là tổn hại, không được khen ngợi thì ắt bị chê bai, không gặp điều vui thì ắt có chuyện buồn... Nên hầu như không thể có được một giây phút nào “sóng yên gió lặng” cả. Và từ ví dụ hình tượng này, ta cũng có thể thấy được một điều là: khi bản ngã càng được đề cao thì ta càng phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ hơn từ 8 cơn gió của cuộc đời.
Nhưng suy cho cùng, 8 cơn gió ấy cũng chỉ là những tác động đến từ bên ngoài. Nếu không có cái vật cản cụ thể là sự chấp ngã của ta để chúng thổi vào, thì chắc chắn chúng không thể nào gây tác động. Giống như giữa khoảng không mênh mông kia, nếu không có lá cờ giương cao đón gió thì hẳn ta không thể nhìn thấy tác động của những cơn gió đang thổi qua đồng trống. Cũng vậy, 8 cơn gió đời sở dĩ có thể gây tác động đến ta chính là vì ta luôn ôm giữ quan niệm chấp ngã. Nếu ta có thể nhận ra được sự sai lầm của quan niệm chấp ngã và buông bỏ đi thì chắc chắn những cơn gió ấy sẽ không còn khả năng gây tác động đến ta được nữa.
Mặt khác, những cơn gió thổi không ngừng trong khoảng không kia là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Tám cơn gió mà chúng ta đang nói đến cũng là những hiện tượng tự nhiên xuất hiện trong cuộc đời. Chúng ta cần phải biết cách “sống chung” với chúng chứ không thể nghĩ đến việc tránh né hay mong muốn có một ngày chúng không còn nữa. Một khi hiểu được điều đó và đồng thời gạt bỏ dần đi quan niệm chấp ngã, ta sẽ thấy ngày càng ít bị chi phối hơn bởi tám cơn gió đời, tương tự như khi ta hạ thấp lá cờ giữa đồng trống, nó sẽ ít bị lay động hơn bởi những ngọn gió thổi đến từ tám hướng.
Nói thì dễ, nhưng việc vô hiệu hóa tám cơn gió đời chắc chắn không thể là một việc dễ làm. Bởi như đã nói, việc phá trừ chấp ngã cũng khó khăn như người chèo thuyền ngược dòng nước xiết, không thể xem là việc dễ dàng. Đôi khi ta có thể ngỡ như mình đã hiểu thấu vấn đề và đạt đến sự an nhiên bất động, nhưng rồi một trong những cơn gió kia bỗng bất ngờ thổi đến, khiến ta bị cuốn tung đi theo chiều gió, đánh mất đi mọi công phu tu tập đã có. Vào đời Tống của Trung Hoa, một nhà thơ nổi tiếng là Tô Đông Pha (1037-1101) đã có lần rơi vào tình huống như thế.
Tô Đông Pha am hiểu Phật pháp, thường giao du thân thiết với thiền sư Phật Ấn (佛印) và cùng vị này trao đổi về sở học. Thiền sư Phật Ấn là một cao tăng thời bấy giờ, chẳng những uyên thâm về Phật pháp mà cũng rất giỏi về văn chương. Tô Đông Pha là bậc văn tài cái thế, thường cùng ngài Phật Ấn bàn luận về văn thơ, Phật pháp, đôi bên đều rất tâm đắc. Những tác phẩm của Tô Đông Pha thường không chỉ là văn chương điêu luyện, ngôn từ mỹ lệ, mà ý nghĩa cũng rất sâu sắc, hàm chứa những đạo lý thâm thúy mà ông học được từ Phật pháp. Vì thế, ngoài thiền sư Phật Ấn ra ông cũng ít khi tìm được người tri âm tri kỷ để giải bày hay trao đổi về những thơ văn hàm chứa đạo vị.
Một hôm, Tô Đông Pha ngẫu hứng làm được một bài thơ hay, ý tưởng sâu xa, rất lấy làm đắc ý, nguyên văn như sau:
稽首天中天,
毫光照大千,
八風吹不動,
端坐紫金蓮。
Khể thủ Thiên trung thiên,
Hào quang chiếu đại thiên,
Bát phong xuy bất động,
Đoan tọa tử kim liên.
Tạm dịch:
Đê đầu lễ Thế Tôn,
Hào quang soi khắp chốn,
Tám gió thổi không lay,
Trang nghiêm ngự sen hồng!
Tô Đông Pha làm được bài thơ rồi, hứng chí muốn tìm người để chia sẻ, liền nghĩ ngay đến thiền sư Phật Ấn. Khổ nỗi, ông đang ở Hoàng Châu, bên bờ phía nam của Trường giang, còn chùa Quy Tông mà ngài Phật Ấn đang trụ trì lúc đó lại nằm bên bờ phía bắc của con sông. Vì thế, ông không tiện đến gặp thiền sư, liền chép ngay bài thơ bỏ vào phong bì niêm lại, giao cho một tiểu đồng, dặn phải gấp rút đi thuyền sang bên kia sông trình cho thiền sư Phật Ấn xem, trong lòng đinh ninh thế nào thiền sư cũng sẽ hết lời khen ngợi kiệt tác này.
Mà bài thơ của Tô Đông Pha quả là hay thật, lại hàm ý rất sâu xa! Xem ra khi làm bài thơ này, ông đã thấy biết được rằng hết thảy mọi công phu tu tập chẳng qua chỉ là để vượt thoát sự chi phối của bát phong, tám ngọn gió đời. Vì thế, khi xưng tán đức Phật ông đã chọn không nói đến công hạnh nào khác mà chỉ nêu bật một câu: “Bát phong xuy bất động.” Theo như bài thơ này mà hiểu, thì ông cho rằng bất cứ ai đã thoát khỏi hoàn toàn sự chi phối của tám ngọn gió đời, người ấy xứng đáng được tôn xưng là Phật. Hay nói cách khác, chỉ có đức Phật mới hoàn toàn thoát được sự chi phối của bát phong, có thể an nhiên bất động trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng muốn thoát được sự chi phối của bát phong, như đã nói trên, không có cách nào khác hơn là phải phá trừ hoàn toàn chấp ngã. Trong Thành duy thức luận (quyển 1) có nói: “Phiền não của chúng sinh vô số chủng loại, đều có gốc rễ nơi chấp ngã. Nếu không có chấp ngã, ắt không có phiền não.” Dứt sạch phiền não, đó chính là Phật! Cho nên, cách hiểu của Tô Đông Pha như vậy không phải là không có lý.
Nhưng chấp ngã có nhiều mức độ, từ thô (dễ thấy) đến tế (tinh vi, khó thấy), nên chỗ hiểu của Tô Đông Pha tuy đúng mà chưa đủ, bởi ông chưa có công phu tu tập để thấy được phần vi tế nhất của chấp ngã, do đó mới ngỡ rằng mình đã thông đạt được vấn đề.
Chính vì vậy, bài thơ của ông còn có một hàm ý thứ hai. Ông không chỉ dùng những câu trên để xưng tán đức Phật! Vì bài thơ chia làm hai khổ rõ rệt, nên người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay là khổ thơ đầu (2 câu) ông xưng tán đức Phật, còn khổ thơ sau ông hàm ý muốn bày tỏ chỗ sở đắc của mình trong sự tu tập. Nói cách khác, nhà thơ khi ấy cho rằng mình đã đạt được đến chỗ “bát phong xuy bất động”.
Thiền sư Phật Ấn là người uyên thâm Phật pháp, lại rất giỏi văn chương, nên vừa xem qua đã nhận ra ngay điều đó. Ngài thầm nghĩ, người bạn này tuy đã có chút sở đắc về Phật pháp, nhưng hiện đang bị sự kiêu mạn xô đẩy đi lầm đường lạc hướng, nhất định cần có một tiếng chuông cảnh tỉnh. Nghĩ rồi, ngài không nói lời nào, chỉ lặng lẽ cầm bút phê ngay vào bên dưới bài thơ hai chữ “phóng thí” (放屁) thật lớn. Xong, ngài niêm kỹ lại và giao cho tiểu đồng mang về.
Phóng thí có nghĩa là xả hơi trong người ra về phía dưới, hay trung tiện, mà nói nôm na là đánh rấm. Đọc một bài thơ mà phê vào hai chữ ấy, khác nào như ta nói “văn chương thối”! Đây không phải là chê bai nữa, mà là miệt thị, khinh bỉ.
Tiểu đồng mang thư về trao lại, Tô Đông Pha nôn nóng hỏi: “Thầy đọc thơ có nói gì chăng?” Tiểu đồng thưa: “Không nói gì, chỉ thấy phê vào mấy chữ rồi đưa con cầm về.”
Tô Đông Pha trong lòng hoài nghi, lập tức mở thư, không biết thiền sư nhận xét về bài thơ của mình như thế nào. Ngờ đâu mở ra chỉ thấy hai chữ “phóng thí” thật lớn. Lửa giận bốc lên, khí uất tuôn tràn, trong lòng ông thầm nghĩ: “Có lý nào lại như thế? Đã chẳng khen ngợi thì thôi, bài thơ này có chỗ nào thô thiển đến nỗi phải phê vào hai chữ như thế! Lão tăng này quả thật quá đáng!”
Càng nghĩ càng tức, cho đến lúc không chịu được nữa, ông nhất định phải thân hành đến gặp Phật Ấn để hỏi cho ra lẽ. Thế là ông lập tức đi ra bến sông, lên thuyền vượt Trường giang để đến chùa Quy Tông. Trên đường đi, gió sông lồng lộng mà ông vẫn thấy như đang ngồi trên đống lửa, trong lòng nôn nóng chỉ mong sao cho thuyền đi nhanh đến nơi.
Ngờ đâu, khi ông lên chùa rồi, vừa vào đến nhà khách thì vị tăng tri khách đã lạnh lùng thông báo: “Hôm nay thầy không tiếp khách!” Hóa ra ngài Phật Ấn đã dự liệu trước mọi chuyện, nên dặn thầy tri khách nói với ông như vậy. Lúc này, Tô Đông Pha không còn kiềm được cơn giận, lập tức đứng dậy xông thẳng vào phương trượng, không thèm đếm xỉa gì đến những lời của thầy tri khách.
Vừa đến phương trượng thì ông nhận ra là cửa vào đã khép kín. Ông đùng đùng nổi giận, vung tay lên định đập cửa, bất chợt nhìn thấy phía trên cửa có dán một mảnh giấy lớn ghi hai câu thơ, rõ ràng là nét chữ của ngài Phật Ấn:
八風吹不動,
一屁過江來。
Bát phong xuy bất động,
Nhất thí quá giang lai.
Tạm dịch:
Tám gió dù thổi không động,
Một “cú” vượt sông sang ngay!
Tô Đông Pha vừa đọc qua hai câu thơ ấy, như người bị dội gáo nước lạnh, lập tức bừng tỉnh thốt lên ngay: “Ta hiểu sai rồi!” Liền lặng lẽ quay về không nói thêm gì nữa. Từ đó ông ra công tu tập hành trì, không dám cho rằng mình đã thấu đạt Phật pháp.
Tô Đông Pha về sau có soạn tập Đông Pha thiền hỷ, gồm 9 quyển, trong đó quyển thứ 9 có ghi lại một số đoạn vấn đáp với thiền sư Phật Ấn. Tập sách này được lưu hành rộng rãi trong nhà thiền và được rất nhiều người khen ngợi. Điều này cho thấy sau khi nhận được bài học từ ngài Phật Ấn, ông đã thức tỉnh và biết tu tập đúng hướng nên mới đạt được những kết quả tiến bộ thực sự về Phật pháp.
Bài học mà thiền sư Phật Ấn dành cho Tô Đông Pha cũng là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Trong Phật pháp, sự nghiên cứu học hỏi tuy không phải là vô ích, nhưng nếu không đi đôi với công phu tu tập hành trì thì không thể mang lại kết quả lợi ích thật sự. Tô Đông Pha khi suy xét về tác hại của tám cơn gió đời hẳn đã hiểu được hết sức thấu đáo, nhưng lại chưa có sự thực hành chống chọi với chúng. Vì thế, thiền sư Phật Ấn chỉ cần khơi dậy một cơn gió trong số đó cũng đã đủ để ông phải điêu đứng, khổ não. Đến khi thiền sư đưa ra hai câu thơ “tả thực” giúp ông nhìn lại được chính mình, ông mới biết sự cảm nhận trước đó của mình là hoàn toàn sai lầm. Sự hiểu biết về lý thuyết không thể giúp ta chống lại được tác hại của bát phong! Vì thế, ông mới bắt đầu chú trọng đến thực hành tu tập và không còn tự mãn về sự uyên bác của mình nữa.
Mấy người trong chúng ta có thể được như Tô Đông Pha, biết kịp thời tỉnh ngộ? Chỉ cần có thể được như thế, sự tu tập phá trừ chấp ngã tuy có khó khăn nhưng không phải là chuyện không làm được. Hơn nữa, chỉ cần chúng ta không rơi vào sự tự mãn, biết chuyên cần tu tập thì lợi ích của công phu tu tập sẽ ngày càng tăng thêm, giúp ta có thể chống chọi một cách vững vàng hơn. Cho dù chưa đạt đến mức “bát phong xuy bất động”, nhưng cũng không đến nỗi bị chúng cuốn đi tan tác và đánh mất hoàn toàn sự tự chủ của bản thân mình.
Và như đã nói, sự phá trừ chấp ngã cũng khó khăn như kẻ chèo thuyền ngược dòng nước xiết, chúng ta không thể không liên tục nỗ lực, bởi chỉ cần một chút biếng nhác buông lơi là sẽ lập tức bị cuốn trôi theo dòng nước.
Tuy nhiên, ta cũng có thể mô tả theo một cách khác để vấn đề được hình dung tích cực hơn. Quan niệm chấp ngã của chúng ta giống như một gốc cây đại thụ đã lâu đời, nếu ta tiếp tục nuôi dưỡng, nó sẽ ngày càng cao to hơn nữa. Nhưng nếu ta nhận hiểu được vấn đề, không còn chăm bón tưới tẩm cho nó nữa, lại dùng búa rìu chặt vào từng nhát để đốn hạ, thì cho dù chưa thể đốn ngã nó ngay nhưng trước mắt cũng đã làm cho nó ngưng không còn phát triển, và còn bị ta ngày ngày đẽo gọt cho suy yếu đi, thì chắc chắn rồi cũng sẽ có một ngày nó hoàn toàn bị ta đốn ngã.
Như vậy, ta phải đẽo gọt cây đại thụ chấp ngã như thế nào? Hãy thường xuyên quán chiếu về tính chất giả tạm và vô thường của chính bản thân ta và thế giới quanh ta, cũng như sự giả hợp của năm uẩn tạo thành “cái ta” tạm bợ này. Không có gì là chắc thật, bền lâu! Tất cả đều do các nhân duyên hòa hợp tạo thành, mà bản thân các nhân duyên đó vốn luôn biến đổi, không có gì bền chắc, nên ta không thể tìm thấy bất kỳ điều gì thật sự bền chắc trong thế giới nhân duyên giả hợp đó.
Với sự quán chiếu thường xuyên như thế, ta sẽ bắt đầu tỉnh táo nhận ra được những tác động của quan niệm chấp ngã đối với mỗi một tư tưởng, lời nói và hành vi của ta. Khi nhận biết được như thế, ta sẽ bắt đầu có được sự tự chủ nhiều hơn trước khi quyết định làm bất cứ điều gì, thay vì chỉ hành xử theo một quán tính từ lâu đời, theo khuynh hướng bảo vệ và vun đắp cho một bản ngã vốn là không thật.
Sự quán chiếu thường xuyên về vô thường và vô ngã cũng giúp ta dập tắt hoặc ít ra cũng làm giảm nhẹ đi sự say mê và hứng khởi đối với những đối tượng trần cảnh. Không có sự say mê và hứng khởi đó, ta sẽ không bị lôi cuốn vào sâu hơn trong thế giới của ngũ dục, và do đó cũng không chịu nhiều tác động của bát phong. Khi ta không tham đắm nhiều đối với tiền bạc, của cải, thì những cơn gió lợi, suy không thể xô đẩy, lay chuyển được ta; khi ta biết xem danh vọng thế gian là bọt bèo giả tạm, thì những cơn gió hủy, dự, xưng, cơ đối với ta cũng không còn chiếm được tầm quan trọng; khi ta biết rằng mọi sự việc trong thế gian này đều vô thường, thoạt có thoạt không, thì những cơn gió khổ, lạc đối với ta cũng không có nhiều tác dụng...
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần phải luôn ghi nhớ vẫn là bài học của Tô Đông Pha mà chúng ta vừa nhắc lại ở trên. Mọi sự thuyết lý vẫn chỉ là lý thuyết, và nội lực của chúng ta có được vững vàng hay không luôn tùy thuộc vào sự thực hành tu tập chứ không phải là sự am hiểu lý thuyết suông.