Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Ba mươi ngày thiền quán »» Buổi tối thứ chín »»

Ba mươi ngày thiền quán
»» Buổi tối thứ chín

Donate

(Lượt xem: 5.710)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Ba mươi ngày thiền quán - Buổi tối thứ chín

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm triền cái Bạn hãy tưởng tượng mình đang đứng giữa trận địa, đơn độc chiến đấu với ngàn vạn quân địch. Mặc dù bị bao vây tứ phía nhưng cuối cùng bạn vẫn chiến thắng. Rồi tưởng tượng là bạn chiến đấu những trận như vậy hàng ngàn lần, nhưng cuối cùng bạn vẫn chiến thắng. Đức Phật dạy rằng chiến thắng vạn quân như vậy ngàn lần, vẫn còn dễ hơn là thắng được chính mình. Công việc của chúng ta khởi sự làm ở đây không phải là nhỏ. Hiểu được tâm của mình là điều khó khăn trên đời này. Nhưng việc ấy không phải là không thể làm được. Có những người đi trước ta đã phải đương đầu với hàng vạn quân địch và đã chiến thắng vạn lần, họ có để lại cho chúng ta một số lời khuyên và hướng dẫn vô cùng hữu ích.

Điều trước hết, ta phải biết những kẻ thù của mình là ai. Nếu không thấy được chúng, chúng sẽ trở nên những quyền lực chi phối đáng kể trong ta. Nhận diện được chúng, ta sẽ có thể đối diện với chúng một cách dễ dàng hơn. Trong trận địa tâm ý này, ta phải đối phó với năm kẻ thù có nhiều thế lực, và học cách nhận diện chúng là điều thiết yếu đầu tiên, để ta có thể đi sâu hơn vào sự hiểu biết về chúng.

Đức Phật gọi năm kẻ thù ấy là Ngũ triền cái, tức là năm điều che bít, ngăn chặn không cho trí tuệ phát sinh.

1. Tham dục:

Kẻ thù thứ nhất là tham dục, tức là sự đam mê, ham muốn vào những cảm xúc nơi thân thể và các đối tượng của chúng. Lòng tham dục khiến tâm ta lúc nào cũng hướng ngoại, náo động, mất quân bình, hết đeo đuổi chuyện này lại sang chuyện khác. Bản chất của lòng tham dục là không gì có thể làm thỏa mãn được nó. Sự tìm kiếm sẽ là bất tận và vô vọng. Chúng ta đang vui hưởng một điều gì, rồi nó cũng sẽ sinh và diệt như mọi hiện tượng khác. Khi ấy ta sẽ trở nên bất mãn, và lại đòi hỏi đi tìm thêm những thú vui mới. Chỉ đến khi nào ta chịu chấp nhận đối diện với lòng tham dục, bằng không lúc nào ta cũng sẽ cảm thấy thiếu thốn, luôn luôn muốn đi tìm một niềm vui mới, một sự khuây khỏa nào đó.

Lòng tham dục có nhiều hình thái khác nhau, nó có thể là một hình ảnh đẹp, một âm thanh du dương, những mùi vị ưa thích, một cảm giác êm dịu hay là những ý tưởng say mê. Dính mắc vào những đối tượng này sẽ củng cố thêm lòng tham. Và cũng chính vì lòng tham, tâm dính mắc, níu kéo này mà ta tự trói mình vào bánh xe luân hồi, sinh tử từ thuở nào đến giờ. Cho đến khi nào chiến thắng được lòng tham dục ta mới có thể giải thoát ra khỏi sự trói buộc của tâm dính mắc và lòng sở hữu.

2. Sân hận:

Kẻ thù thứ hai là tâm sân hận. Nói chung thì những tâm giận dữ, thù ghét, bực tức, khó chịu đều có chung một đặc tính là xua đuổi, tiêu diệt đối tượng của nó. Nó tạo ra một trạng thái hỗn loạn và bạo động. Trong văn chương chúng ta thường diễn tả những người đang bị chi phối bởi lòng tham dục và sân hận là những người đang bị lửa nóng thiêu đốt. Khi ta đang có một sự đam mê hay một cơn giận nào, ta thường nói là mình đang “bừng bừng lửa cháy”. Lửa tình hay lửa sân cũng thế. Trong những tình cảnh này, tâm ta đang bị đốt cháy thật sự, sự khổ đau rất to tát.

3. Thụy miên:

Kẻ thù thứ ba là thụy miên. Thụy miên có nghĩa là tâm biếng nhác, uể oải, ham mê ngủ nghỉ. Nói tới những tâm tánh này, tôi nghĩ ngay đến những con ốc sên, lúc nào nó cũng bò một cách lừ lừ, chậm chạp, chẳng có chút năng lực nào cả. Chúng ta phải cố chiến thắng được tâm uể oải và lười biếng này mới mong thành công được. Bằng không thì sẽ chẳng có việc gì được làm xong, chẳng có chuyện gì là rõ ràng cả. Tâm ta lúc nào cũng cảm thấy mờ mịt và nặng nề.

4. Trạo hối:

Tâm chướng ngại thứ tư là trạo hối. Trạo hối có nghĩa là một tâm xao động, buồn rầu, lo nghĩ, hối hận. Một tâm như vậy thì không thể có khả năng tập trung. Nó luôn nhảy từ đối tượng này sang đối tượng khác, lao nhao, không có chút gì là chánh niệm. Tâm trạo hối ngăn chặn sự phát triển của trí tuệ.

5. Nghi hoặc:

Kẻ thù thứ năm là tâm nghi hoặc. Lòng nghi ngờ giáo pháp, nghi ngờ con đường mình đang theo. Có lẽ tâm nghi hoặc là một kẻ thù đáng sợ hơn cả. Trừ khi ta nhận diện được nó, tâm nghi hoặc có thể làm cho trí óc của ta trở nên vô dụng, ngăn chặn không cho ta nhìn sự việc một cách rõ ràng. Ta nghi ngờ về chuyện ta đang làm, về khả năng của chính mình. Từ lúc bạn đến đây, chắc thế nào bạn cũng đã có những ý nghĩ như “Tôi làm gì ở nơi đây? Tại sao tôi tới đây? Phương pháp này khó quá, không thể nào tôi theo được.” Những ý nghĩ ấy là do tâm nghi hoặc sinh ra. Nó là một trở ngại rất lớn trên con đường tu tập.

Năm điều ngăn che hay ngũ triền cái - tham dục, sân hận, thụy miên, trạo hối và nghi hoặc - đều là những tâm hành. Chúng không có ngã, không có một bản chất thật sự, chỉ là một chuỗi nhân duyên hiện hành vô chủ.

Có một ví dụ hình ảnh dùng để diễn tả ảnh hưởng của những chướng ngại này đối với tâm của chúng ta: một hồ nước trong.

Lòng tham dục được ví như những màu sắc sặc sỡ được pha vào nước. Nhìn xuống hồ, chúng ta bị lôi cuốn theo những vẻ đẹp và sự phức tạp của màu sắc mà không còn thấy được đáy hồ.

Tâm sân hận, khó chịu, thù ghét được ví như nước sôi. Nước đang sục sôi thì bao giờ cũng rất xao động. Chúng ta không thể nào nhìn xuyên thấu qua được. Sự náo động của tâm gây ra bởi những phản ứng bạo động của lòng thù ghét, ác cảm là một trở ngại rất lớn cho sự hiểu biết.

Tâm biếng nhác, trì trệ thì giống như mặt hồ đang bị phủ kín bởi một lớp rong rêu rất dày. Ta không thể nào nhìn xuyên qua lớp rong rêu để thấy được đáy hồ. Tâm thụy miên rất là nặng nề.

Tâm trạo hối, bất an được ví như mặt nước xao động, xốn xang bởi những luồng gió mạnh. Khi ta lo nghĩ, buồn rầu, ta sẽ mất đi khả năng tập trung, an tĩnh để phát triển định lực và trí tuệ.

Tâm nghi hoặc thì giống như nước hồ bị vẩn đục vì khuấy bùn lên. Trí tuệ của ta lúc này hoàn toàn bị che khuất vì sự mịt mù, tăm tối của tâm nghi ngờ.

Trên con đường tu tập, có những phương pháp để đối trị với các chướng ngại vừa kể. Phương cách đầu tiên là nhận diện chúng, ý thức được sự có mặt của chúng một cách rõ ràng trong mỗi giây phút. Nếu tham dục nổi lên, ta phải có ý thức ngay sự có mặt của nó. Đối với tâm sân hận, lười biếng, bất an, nghi hoặc cũng vậy, ta phải nhận diện ngay khi chúng vừa khởi lên. Nhận diện, ý thức được sự có mặt của chúng là một phương pháp hay nhất, hiệu quả nhất để đối trị với những chướng ngại trên con đường tu tập thiền quán của mình. Ý thức được sự việc đang xảy ra sẽ dẫn đến chánh niệm. Và chánh niệm có nghĩa là không nắm bắt, không xua đuổi, không nhận đối tượng làm mình.

Ngũ triền cái hay năm chướng ngại này chỉ là những tâm hành không có thực chất và vô thường. Chúng sinh ra rồi diệt mất, đến và đi như mây trên trời. Nếu chúng ta có chánh niệm ngay khi chúng vừa khởi lên và không phản ứng theo sự thúc giục của chúng, những tâm hành này sẽ đi qua mà không gây nên một sự xao động nào đáng kể. Chánh niệm là một phương pháp hiệu quả nhất để đối trị chúng.

Ta cũng có thể dùng một số liều thuốc đặc biệt để chữa trị năm chướng ngại này, nhất là những khi ta đang bị chúng chi phối mà chánh niệm của ta thì còn quá yếu. Khi tâm ta bị lòng tham dục hoành hành, ta hãy quán chiếu về sự vô thường của xác thân này, sự thật là rồi cũng có một ngày thân này sẽ trở thành những thây ma. Thời gian trôi như bóng ngựa qua cửa sổ, chúng ta rồi sẽ bảy mươi, tám mươi hay chín mươi tuổi. Hàn San, một nhà tu mà cũng là một nhà thơ cổ Trung Hoa, nhận thức được những điều ấy như sau:

Một tấm màn làm bằng trân châu,

Treo trước cửa tiền đường.

Bên trong một tiểu thơ yêu kiều, thục nữ,

Dáng nàng đẹp hơn tiên,

trang đài và quý phái.

Gương mặt nàng hồng tươi,

như một trái đào tiên,

Sương mù mùa xuân

phủ ướt gian nhà phía đông.

Gió thu sang, thổi lồng lộng trống gian tây.

Ba mươi năm sau, tất cả sẽ còn gì?

Thục nữ ấy sẽ gầy khô như xác mía.

Những sự quán chiếu như vậy có khả năng làm cho lòng tham dục của ta bớt đi, nhất là khi phải đối diện với sự cấp bách về cái chết của chính mình. Cái chết không phải chỉ xảy đến cho một số người chọn lọc nào đó. Phải cảm thấy được sự gần kề của cái chết thì ta mới biết sự quan trọng, giá trị vô cùng của giờ phút hiện tại.

Có một mối tương quan chặt chẽ giữa lòng tham dục và tánh ham ăn, mê ngủ. Tiết độ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ sẽ làm giảm bớt lòng tham dục và tăng trưởng trí tuệ.

Cũng vậy, cách hay nhất để đối phó với lòng thù ghét, giận dữ là nhận thức được nó, có chánh niệm về nó. Giả sử bạn đang ngồi, bỗng nhiên cảm thấy thù ghét một người nào hay một việc gì đó. Hãy ngồi lại và ghi nhận “giận, giận”. Không cho nó là mình, cũng không tự trách mình sao lại giận. Chỉ cần giản dị quan sát nó. Nó sinh ra rồi sẽ diệt đi. Sự giận dữ chỉ có tác hại khi nào ta nuôi dưỡng nó, đồng hóa với nó “Tôi đang giận và thật đáng để cho tôi giận vì người ấy đã dám đối xử với tôi như vậy...” Ta có một con đường khác, là thay vì bộc lộ sự giận dữ ấy ra một cách mê muội, ta có thể chọn cách quan sát nó một cách cặn kẽ. Ta sẽ thấy rằng nó từ từ mất đi công năng phá hoại.

Một phương cách đặc biệt khác để đối trị với tâm sân hận là niệm từ bi. Niệm từ bi có nghĩa là phóng tỏa những tư tưởng thương yêu, cầu mong sự an lạc, hạnh phúc đến cho tất cả mọi loài, cho những người ta thương và cho đến những người ta ghét. Đem những tư tưởng tốt lành đến cho người ta đang giận, lúc đầu không phải là dễ, nhưng cuối cùng ta cũng sẽ làm được. Dần dần rồi sự giận dữ sẽ tan biến, tâm ta sẽ êm dịu xuống và trở lại quân bình.

Một cách thực tiễn nhất để đối trị tâm sân hận là khi bạn thù ghét một người nào, bạn hãy mua quà biếu họ. Ta không thể nào giữ được tâm giận dữ khi ta đem lòng rộng rãi, cởi mở ra đối xử với người khác. Điều đó có khả năng hóa giải mọi sự căng thẳng, nặng nề giữa hai bên. Đây là một phương pháp khéo léo để dập tắt ngọn lửa sân hận trong tâm ta.

Ta cũng có thể đối trị tâm sân hận qua cánh cửa trí tuệ: quán chiếu luật nhân quả, hiểu được rằng chúng ta là kết quả hành động của chính mình. Bất cứ một ai rồi cuối cùng phải nhận lãnh kết quả tạo nên bởi những hành động tốt hoặc xấu của mình. Nếu có một người nào đó gây cho bạn một sự khó chịu, thay vì giận dữ phản ứng lại, bạn có thể đem tình thương và hiểu biết ra mà đối xử. Bạn hiểu rằng người ấy hành động vì tâm mê muội, và anh ta cuối cùng sẽ nhận lãnh kết quả gây nên bởi những hành động không tốt đó. Ta không cần làm cho người ấy đau khổ thêm nữa, hãy lấy lòng từ bi mà làm nhẹ bớt nghiệp xấu gây nên bởi sự mê muội của anh ta.

Đối với tâm biếng nhác và ham ngủ nghỉ cũng vậy, phương pháp hay nhất vẫn là nhận diện được chúng. Ta hãy quán sát tính chất chậm chạp, lười nhác mỗi khi nó xuất hiện trong tâm. Đi sâu thẳng vào nó. Nếu ta quán sát trong chánh niệm, thường thường thì chỉ trong một thời gian ngắn, ta sẽ thấy những sự buồn ngủ, biếng nhác đều mất đi. Có thể ta đang ngồi niệm thầm trong đầu “buồn ngủ, buồn ngủ”, rồi đột nhiên đầu óc ta trở nên sáng suốt và tỉnh táo một cách bất ngờ. Thường thường, khi ta có ý thức rõ ràng chứ không đồng nhất với sự buồn ngủ, thì nó sẽ đi qua.

Nhưng nếu bạn cố giữ chánh niệm, chú ý mà vẫn cứ gật gù mãi, thì bạn có thể làm những điều sau đây:

Đổi vị thế. Nếu bạn đang ngồi, hãy đứng dậy đi bộ một vòng. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy đi ra ngoài một chút. Không khí tươi mát bên ngoài sẽ làm bạn tỉnh táo trở lại.

Nhìn vào một điểm ánh sáng trong một thời gian ngắn, có thể là ánh đèn, ánh trăng hay ánh sao. Ánh sáng có tác dụng đánh thức bạn dậy.

Rửa mặt bằng nước lạnh. Hay bạn có thể đi bộ lùi lại. Tâm lười biếng và ham ngủ nghỉ cũng vô thường và có thể đối trị được như mọi tâm khác.

Nhưng nếu bạn đã thử mọi cách mà vẫn còn buồn ngủ, thì bạn nên đi ngủ. Điều quan trọng là bạn cố gắng. Đừng để mỗi khi cảm thấy buồn ngủ là bạn lại nghĩ: “Chắc mình mệt rồi! Thôi đi nghỉ một chút cho khỏe!” Như vậy chỉ nuôi dưỡng thêm sự lười biếng của mình mà thôi. Muốn thắng được trở ngại này ta phải biết cứng rắn và nghiêm khắc.

Đối với tâm lo nghĩ và bất an cũng vậy, phải có chánh niệm. Quán chiếu tâm bất an, nhìn kỹ xem nó biến đổi ra sao! Nếu bạn đang ngồi và cảm thấy xao động, lo nghĩ, không thể tập trung được, bạn hãy biến trạng thái xao động ấy thành đối tượng thiền quán. Chỉ ngồi nhìn xem và niệm “bất an, bất an”. Quán sát và nhớ đừng bao giờ đồng nhất với nó. Chẳng có một ai bất an hết; tất cả chỉ là hoạt động của một tâm hành. Nó đến rồi đi. Nếu ta duy trì được chánh niệm, sự lo nghĩ, bất an sẽ không động được tâm ta.

Một phương cách khác là gia tăng định lực, tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất. Đây là một liều thuốc đặc biệt có khả năng đối trị tâm xao động và bất an. Những lúc tâm loạn động, bạn hãy bỏ hết những đối tượng khác, trở về chú ý vào hơi thở của mình. Giữ tâm chú ý vào một đối tượng duy nhất trong một thời gian, khoảng hai mươi phút hay nửa tiếng để gia tăng định lực. Ngồi thẳng lưng, không cử động trong một thời gian cũng là một phương pháp tập trung rất hay.

Trở ngại cuối cùng là tâm nghi ngờ. Trở ngại này vô cùng lớn lao, nếu ta không cẩn thận nó có thể trở thành tường đồng vách sắt chắn ngang con đường tu tập của ta. Có rất nhiều người đã bỏ cuộc vì trở ngại này. Cũng như mọi chướng ngại khác, phương pháp hữu hiệu và thông minh nhất để đối trị với chướng ngại này là quán chiếu nó, nhận diện nó. Khi ta có một sự nghi ngờ trong tâm, hãy ý thức được sự nghi ngờ này một cách trọn vẹn, nhưng đừng để nó đồng hóa. Tâm nghi ngờ không có một thực thể nào hết, không có ngã, không có cái tôi hay của tôi. Nó chỉ là một tư tưởng, một tâm hành. Nếu ta biết quán chiếu nó mà không bị nó đồng hóa, những khi có sự nghi ngờ khởi lên, ta sẽ có khả năng ngồi yên và niệm “nghi ngờ, nghi ngờ”, rồi tự nó sẽ biến mất.

Một phương cách khác để đối trị với tâm nghi ngờ là có kiến thức và có một sự hiểu biết rõ ràng về con đường mà mình đang theo. Chúng ta không nên chấp nhận hay tin tưởng mù quáng về bất cứ một phương pháp nào. Thông hiểu được giáo lý của đức Phật trên bình diện kiến thức cũng có thể giúp cho ta giải quyết những nghi ngờ của mình một cách hữu hiệu. Khi có một sự nghi ngờ nào nổi lên, ta sẽ có thể giải đáp cho nó bằng chính kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình.

Chúng ta thường có một thói quen là hay xua đuổi và đàn áp các tâm xấu mỗi khi chúng khởi lên. Tâm đàn áp, xua đuổi ấy tự nó cũng là một chướng ngại. Mỗi hành động đàn áp là một hành động nuôi dưỡng, làm cho kẻ thù thêm mạnh. Đó không phải là một cách hay. Không phê phán, không phân tách. Khi những tâm chướng ngại khởi lên, chỉ cần giản dị quán chiếu chúng. Chánh niệm có khả năng vô hiệu hóa chúng. Những tâm ấy có thể tiếp tục sinh khởi, nhưng tâm ta không loạn động vì ta không còn phản ứng theo chúng.

Ngày nào tâm ta vẫn còn bị chi phối bởi những chướng ngại vừa kể, ta sẽ khó có thể phát triển được trí tuệ và hiểu biết. Trong những ngày đầu, ta sẽ cảm thấy rất nhiều bất an, nghi ngờ và ham muốn, cho đến khi nào tâm ta tạm yên xuống. Nhưng những trở ngại ban đầu không phải là những trở ngại cuối cùng. Khi ta có khả năng quán chiếu sâu hơn, những chướng ngại ấy sẽ lại phát khởi lên. Nhưng lúc này thì ta đã có nhiều tự tin vào những phương cách đối trị của mình, nhất là khi ta thấy rõ sự sinh diệt của chúng, những tâm chướng ngại này đến rồi sẽ đi. Hiểu được tính chất vô thường của chúng, tâm ta lúc nào cũng sẽ giữ được thăng bằng. Hãy luôn duy trì sự liên tục và tinh tấn về chánh niệm của mình; chỉ có một tâm an tĩnh và mềm dẻo không suy chuyển mới có thể vượt qua được những chướng ngại này.

Hỏi: Tôi phải làm gì những khi cảm thấy bực mình vì đã cố gắng quá sức?

Đáp: Khi bạn cảm thấy căng thẳng hay là bực bội vì cố gắng quá, hãy đi ra ngoài thiên nhiên, nhìn cây cỏ, ngắm trời mây. Thế giới này đẹp và rộng lớn lắm. Đi dạo một chút, thoải mái một chút, nhưng nhớ vẫn giữ chánh niệm và ý thức được việc mình làm. Chỉ cần một thời gian ngắn là không gian chung quanh có thể làm tâm ta dịu êm lại. Đức Phật thường dạy ta nên sống giữa thiên nhiên, vì nó có thể đem lại sự an tĩnh cho tâm hồn.

Hỏi: Đôi khi tôi không thể theo dõi được hơi thở. Tôi phải làm sao?

Đáp: Những khi tâm ta an tĩnh, hơi thở cũng sẽ rất nhẹ nhàng. Nếu bạn không còn ý thức được hơi thở của mình, bạn hãy chú ý đến cảm giác của thân, uy nghi của thân, hay là về chính cái biết của mình, dù bạn không có một đối tượng nào rõ rệt hết. Khi định lực phát triển, sẽ có lúc bạn không còn cảm thấy một cảm giác nào hết. Hãy ý thức được điều ấy. Nó cũng vô thường như mọi hiện tượng khác. Hơi thở sẽ trở lại với bạn.

Hỏi: Còn những khi tôi ý thức được một sự sợ hãi nổi lên và cố gắng đi tìm nguyên nhân của nó thì sao?

Đáp: Bạn có thể làm chuyện đó nếu bạn muốn. Nhưng sự tìm kiếm ấy sẽ là bất tận. Phân tách, tìm hiểu nguyên nhân không phải là một hành động xả bỏ. Sự sợ hãi sẽ còn tiếp tục khởi lên và mỗi lần như vậy ta lại phải đi tìm một nguyên do mới. Với trí tuệ, hiểu biết, ta có thể nhận diện sự sợ hãi và rồi buông bỏ nó. Chúng ta không cần phải tìm hiểu nguyên nhân những khó khăn của mình để làm gì, chúng ta cần phải biết buông bỏ. Thấy được chúng, ý thức được chúng, không nhận chúng là mình và buông bỏ chúng. Chỉ giản dị có thế thôi. Bí quyết là giữ chánh niệm, ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Hỏi: Tôi thường bị mắc kẹt và cho rằng những tâm chướng ngại này là mình. Có phương cách nào để chữa bệnh này không?

Đáp: Những thiền sư Tây Tạng có dùng một hình ảnh mà tôi thấy là rất có ích. Họ ví tâm mình như là bầu trời xanh bao la, không một gợn mây. Mọi hiện tượng của thân và tâm đều xảy ra trong bầu trời trong xanh bao la này. Chúng không phải là bầu trời. Trời xanh không bị ảnh hưởng chút nào vì những việc xảy ra. Mây đến rồi đi, gió đến rồi đi, mưa nắng cũng đến rồi qua đi, nhưng bầu trời bao giờ cũng trong vắt. Hãy xem ta như một bầu trời trong bao la, và để mọi việc tự đến rồi qua đi. Tâm ta lúc nào cũng an tĩnh, thoải mái, quan sát mọi việc xảy ra.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 29 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hai Gốc Cây


Bức Thành Biên Giới


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.0.66 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (1 lượt xem) - ... ...