Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Rộng mở tâm hồn »» Dẫn nhập »»

Rộng mở tâm hồn
»» Dẫn nhập

Donate

(Lượt xem: 10.340)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Rộng Mở Tâm Hồn - Dẫn nhập

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
CENTRAL PARK, NEW YORK CITY,
Ngày 15 tháng 8 năm 1999

Một buổi sáng tốt lành, xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em!

Tôi luôn tin rằng mỗi chúng ta đều sẵn có một bản năng khát khao hạnh phúc và không muốn đau khổ. Tôi cũng tin rằng mục đích chính của cuộc sống là để trải nghiệm hạnh phúc; rằng mỗi chúng ta đều sẵn có tiềm năng như nhau trong việc phát triển sự an bình nội tâm để qua đó đạt được hạnh phúc và niềm vui. Khả năng tiềm tàng này không hề khác biệt giữa người giàu sang với người nghèo khó, giữa người có học vấn cao với người thất học, giữa người da đen với người da trắng, hay giữa người phương Đông với người phương Tây. Về mặt tinh thần và cảm xúc, tất cả chúng ta đều giống như nhau. Về mặt thể chất, chúng ta cũng giống nhau về cơ bản, cho dù một số người có mũi cao hơn hay màu da có thể khác nhau đôi chút... Nhưng những khác biệt đó là nhỏ nhặt, không đáng kể. Sự tương đồng về mặt tinh thần và cảm xúc mới thật sự quan trọng.

Chúng ta đều giống nhau ở những cảm xúc gây khó chịu cũng như những cảm xúc tốt đẹp mang đến cho ta nội lực và sự an định. Theo tôi, điều quan trọng là ta phải nhận thức được khả năng tiềm tàng của mình và nhờ đó khơi dậy lòng tự tin. Đôi khi ta chỉ nghĩ đến những mặt tiêu cực của sự việc và rồi cảm thấy tuyệt vọng. Đó là một cách nhìn sai lầm.

Tôi chẳng có phép mầu nào để ban tặng cho quý vị. Nếu ai đó có quyền phép nhiệm mầu, hẳn tôi sẽ tìm đến nhờ người ấy giúp đỡ. Thật lòng mà nói, tôi luôn hoài nghi những kẻ tự xưng là có quyền năng phi thường. Tuy nhiên, thông qua sự rèn luyện tinh thần, với những nỗ lực không ngừng, chúng ta có thể làm thay đổi cảm xúc hay những khuynh hướng tinh thần của mình. Và điều này có thể tạo ra một sự thay đổi thật sự cho cuộc đời chúng ta.

Khi ta có một khuynh hướng tinh thần tích cực, thì dù sống giữa sự thù nghịch ta cũng không mất đi sự an ổn trong lòng. Ngược lại, với một khuynh hướng tinh thần tiêu cực hơn, bị chi phối bởi những tâm trạng sợ hãi, nghi ngờ, bất lực hoặc căm ghét tự thân, thì dù được sống giữa những người bạn tốt nhất, trong một môi trường thật tốt đẹp và thoải mái, ta cũng không thấy hạnh phúc. Vì vậy, khuynh hướng tinh thần rất quan trọng, nó thật sự làm thay đổi trạng thái hạnh phúc của ta.

Thật sai lầm khi cho rằng những bất ổn của chúng ta có thể giải quyết bằng tiền bạc hay những quyền lợi vật chất. Nếu bạn tin rằng một sự tốt đẹp nào đó có thể đạt được hoàn toàn chỉ nhờ vào một tác nhân bên ngoài thì điều đó là không thực tiễn. Tất nhiên, điều kiện vật chất là quan trọng và hữu ích đối với ta, nhưng khuynh hướng tinh thần bên trong ta cũng quan trọng không kém, nếu không nói là còn quan trọng hơn. Ta nhất thiết phải học cách từ bỏ việc theo đuổi một nếp sống xa hoa, vì điều đó là một chướng ngại cho sự tu tập.

Đôi khi tôi có cảm giác như việc chú trọng quá nhiều đến sự phát triển vật chất và xao lãng các giá trị nội tâm đang được người đời xem là lối sống thời thượng. Vì thế, chúng ta nhất thiết phải phát triển một sự cân bằng tốt đẹp hơn giữa mối quan tâm về vật chất với sự phát triển nội tâm. Tôi nghĩ, điều tự nhiên là con người phải hành xử như những sinh vật có tổ chức xã hội. Những phẩm chất tốt đẹp chính là điều mà tôi gọi là các giá trị nhân bản đích thực. Chúng ta cần nỗ lực để phát triển và duy trì những phẩm chất tốt đẹp như là biết chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta cũng nhất thiết phải tôn trọng những quyền lợi của người khác. Và do đó, ta nhận ra được rằng hạnh phúc và lợi ích tương lai của bản thân ta luôn phụ thuộc vào nhiều thành viên khác trong xã hội.

Tôi đã làm một người tỵ nạn trong suốt bốn mươi năm qua, với bao trách nhiệm nặng nề. Khi tôi nhìn lại, cuộc sống đã qua thật không dễ dàng. Tuy nhiên, chính qua những năm tháng ấy mà tôi đã học được về lòng yêu thương, về sự quan tâm đến người khác. Khuynh hướng tinh thần này đã mang lại cho tôi sức mạnh nội tâm. Một trong những bài cầu nguyện mà tôi rất thích là:

Bao lâu còn đó hư không,
Sinh linh cam chịu trong vòng khổ đau,
Nguyện rằng tôi vẫn còn đây,
Góp phần chia sẻ, giúp người khó khăn,
Bồ-đề tâm nguyện thường hằng!

Cách suy nghĩ như thế tạo ra sức mạnh nội tâm và sự tự tin. Điều đó giúp mang lại mục đích sống cho đời tôi. Dù sự việc có khó khăn hay phức tạp đến đâu, nhưng nếu có được một khuynh hướng tinh thần như vậy thì ta sẽ luôn an ổn trong lòng.

Một lần nữa, tôi phải nhấn mạnh rằng: Chúng ta đều [có khả năng] như nhau! Một số quý vị có thể mang ấn tượng rằng đức Đạt-lai Lạt-ma phải có cái gì đó khác thường. Điều đó hoàn toàn không đúng. Tôi cũng là một con người giống như tất cả quý vị. Chúng ta đều có khả năng tiềm tàng như nhau.

Sự phát triển tinh thần không nhất thiết phải dựa trên tín ngưỡng tôn giáo. Chúng ta hãy nói về những luân lý thế tục chẳng hạn.

Tôi tin rằng tất cả các truyền thống tín ngưỡng lớn đều tương đồng ở điểm là có những phương pháp để giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng vị tha, biết quan tâm đến người khác và phát triển khuynh hướng ứng xử xem trọng mối quan tâm của người khác hơn những vấn đề của riêng mình. Dù ta có thể tìm thấy những khác biệt trong các quan điểm triết học và nghi lễ, nhưng lời kêu gọi cốt yếu nhất của tất cả các tôn giáo đều rất giống nhau. Tất cả đều khuyến khích sự thương yêu, từ ái và tha thứ. Và ngay cả những ai không đặt niềm tin vào tôn giáo cũng vẫn trân trọng các giá trị đạo đức cơ bản của con người.

Vì ngay chính sự tồn tại và hạnh phúc của chúng ta cũng đã là một kết quả đóng góp chung của vô số người khác, nên ta phải phát triển một khuynh hướng thích hợp trong cung cách quan hệ với mọi người. Chúng ta thường có khuynh hướng quên đi thực tế cơ bản này. Ngày nay, trong nền kinh tế hiện đại toàn cầu, ranh giới giữa các quốc gia không còn đáng kể. Không chỉ các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, mà cả các châu lục rộng lớn cũng thế. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều.

Khi xem xét kỹ nhiều vấn đề mà con người hiện nay đang đối mặt, ta có thể thấy rằng chúng đều do chính con người tạo ra. Tôi không nói đến những thiên tai, mà là những trận xung đột, giết chóc, những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa dân tộc và ranh giới quốc gia, tất cả đều do con người gây ra.

Nếu nhìn về trái đất từ trong vũ trụ, ta sẽ không thấy có bất kỳ khác biệt nào ở biên giới các quốc gia. Ta chỉ đơn giản nhìn thấy một hành tinh nhỏ bé, chỉ một mà thôi. Một khi đã vạch ra sự phân chia, ta bắt đầu khởi sinh cảm giác về “ta” và “bọn họ”. Khi cảm giác này phát triển thì việc nhìn thấy đúng thực chất của vấn đề trở nên khó khăn hơn. Ở nhiều nước châu Phi, và gần đây là một số nước Đông Âu, chẳng hạn như Nam Tư cũ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vẫn đang tồn tại.

Trong một ý nghĩa, khái niệm “ta” và “bọn họ” hầu như không còn thích hợp nữa, vì quyền lợi của những người quanh ta cũng chính là của ta. Một cách tất yếu, sự quan tâm đến quyền lợi của những người xung quanh là quan tâm đến tương lai của chính ta. Thực tế hiện nay thật đơn giản. Khi làm tổn hại kẻ thù thì ta cũng phải chịu tổn hại.

Tôi nhận thấy sự phát triển kỹ thuật hiện đại và nền kinh tế toàn cầu cùng với sự gia tăng dân số quá đông đã làm cho thế giới này thay đổi rất lớn lao: nó trở nên nhỏ hẹp hơn trước nhiều. Tuy nhiên, những nhận thức của chúng ta đã không phát triển với cùng mức độ [của sự thay đổi], chúng ta vẫn tiếp tục ôm giữ quan điểm xưa cũ chia tách giữa các quốc gia cũng như ý niệm phân biệt giữa “ta” và “bọn họ”.

Chiến tranh dường như là một phần làm nên lịch sử nhân loại. Khi nhìn lại thực trạng của thế giới trong quá khứ, ta thấy các quốc gia, vùng miền, và thậm chí là các làng xã đều độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trong điều kiện đó, sự sụp đổ của kẻ thù có thể là một sự thành tựu cho ta. Điều này có liên quan đến tình trạng bạo lực và chiến tranh. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta quá phụ thuộc vào nhau đến nỗi khái niệm chiến tranh đã trở nên lỗi thời. Ngày nay, khi đối mặt với những vấn đề rắc rối hay bất đồng, chúng ta phải đạt đến các giải pháp thông qua sự đối thoại. Đối thoại là phương thức thích hợp duy nhất. Sự chiến thắng đơn phương không còn thích hợp nữa. Chúng ta phải làm việc để giải quyết những mâu thuẫn trên tinh thần thỏa thuận và phải luôn nhớ đến quyền lợi của người khác. Chúng ta không thể hủy hoại những người quanh ta! Chúng ta không thể phớt lờ quyền lợi của họ! Làm như vậy tất yếu sẽ gây đau khổ cho chính ta. Vì thế, tôi nghĩ rằng khái niệm bạo lực giờ đây là không thích hợp. Bất bạo động là phương thức thích hợp nhất.

Bất bạo động không có nghĩa là ta giữ thái độ bàng quan trước một vấn đề bất ổn. Ngược lại, việc tận lực tham gia giải quyết là điều quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta nhất thiết phải ứng xử theo cách không chỉ có lợi cho riêng mình. Ta không được phép gây tổn hại đến quyền lợi của người khác. Vì vậy, bất bạo động không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của bạo lực, mà còn đòi hỏi phải có lòng bi mẫn và sự quan tâm. Bất bạo động gần như là sự biểu hiện của lòng bi mẫn. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta nhất thiết phải phát triển một khái niệm bất bạo động như thế ngay từ mức độ trong gia đình cũng như trên các bình diện quốc gia và quốc tế. Mỗi cá nhân đều có khả năng góp phần vào một thực tiễn không bạo lực với lòng bi mẫn như thế.

Chúng ta nên tiến hành việc này như thế nào? Ta có thể bắt đầu từ chính bản thân mình. Chúng ta phải cố gắng phát triển một cách nhìn nhận vấn đề thoáng hơn, phải xem xét các tình huống từ nhiều góc độ khác nhau. Thông thường, khi đối mặt với các vấn đề bất ổn, ta chỉ xem xét từ quan điểm của riêng mình. Đôi khi, chúng ta thậm chí cố tình lờ đi những khía cạnh khác của một tình huống. Điều này thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Vì thế, việc mở rộng cách nhìn nhận [các vấn đề] là điều rất quan trọng.

Ta nhất thiết phải đạt đến nhận thức rằng những người khác cũng là một phần tạo thành xã hội. Ta có thể nghĩ về xã hội như là một cơ thể, với tay chân như là những phần tử cấu thành. Tất nhiên, tay và chân là khác nhau; nhưng nếu có gì đó xảy ra với chân, hẳn là tay phải đưa xuống trợ giúp. Tương tự, khi có điều gì bất ổn ở đâu đó trong phạm vi xã hội, ta nhất thiết phải trợ giúp. Tại sao vậy? Vì đó là một phần của cơ thể chung, là một phần không tách rời của chính chúng ta.

Ta cũng phải quan tâm đến môi trường, vì đây là ngôi nhà chung của chúng ta, một ngôi nhà chung duy nhất! Quả thật ta có nghe các nhà khoa học nói về khả năng định cư trên sao Hỏa hay Mặt trăng. Nếu có một phương cách khả thi và thuận tiện để ta làm được điều đó thì cũng tốt, nhưng dù sao tôi vẫn cho rằng điều đó là rất khó. Chỉ riêng việc hít thở trên những hành tinh đó hẳn đã phải cần đến rất nhiều thiết bị. Tôi nghĩ, hành tinh xanh của chúng ta thật xinh đẹp và đáng yêu. Nếu chúng ta hủy hoại nó, hoặc nếu có một sự hư hoại khủng khiếp nào đó xảy ra chỉ vì sự thờ ơ của chúng ta, ta biết đi về đâu? Vì thế, quan tâm bảo vệ môi trường chính là vì lợi ích của chính chúng ta.

Bản thân sự phát triển một cách nhìn thoáng hơn về thực tiễn và mở rộng nhận thức có thể mang đến sự thay đổi ngay trong gia đình chúng ta. Đôi khi, sự đối nghịch giữa vợ chồng, hay giữa cha mẹ với con cái, lại phát sinh chỉ vì một vấn đề hết sức nhỏ nhặt. Nếu bạn chỉ xét riêng một khía cạnh nào đó của vấn đề, chỉ tập trung hoàn toàn vào tình trạng bất ổn ngay lúc đó, thì sự việc quả đúng là rất đáng gây tranh cãi. Thậm chí có thể đáng để ly hôn chẳng hạn. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn, ta sẽ thấy rằng tuy có điều bất ổn, nhưng đồng thời cũng có một mối quan tâm chung nào đó. Điều đó có thể dẫn bạn đến suy nghĩ rằng: “Đây chỉ là một vấn đề nhỏ nhặt mà ta nhất thiết phải giải quyết bằng đối thoại chứ không phải những biện pháp mạnh.” Như thế, chúng ta có thể phát triển bầu không khí bất bạo động ngay chính trong gia đình mình cũng như trong cộng đồng ta đang sống.

Một vấn đề khác nữa mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Trong một cường quốc như Hoa Kỳ, các nhà lập quốc đã thiết lập những khái niệm về tự do dân chủ, bình đẳng và có cơ hội như nhau cho mọi công dân. Những điều này được quy định bởi Hiến pháp tuyệt vời của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, con số các nhà tỷ phú Mỹ đang ngày một gia tăng, trong khi người nghèo vẫn cứ nghèo, thậm chí trong một số trường hợp lại càng nghèo hơn nữa. Điều này thật là một bất hạnh. Và trên bình diện toàn cầu cũng vậy, ta luôn thấy có những nước giàu mạnh và những nước nghèo khó. Điều này cũng là một bất hạnh. Không chỉ là sự lệch lạc về mặt đạo đức, mà trên thực tế đây còn là nguồn gốc của những bất an và rối rắm mà sớm muộn gì rồi cũng sẽ đến với chính chúng ta.

Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi vẫn thường nghe nói về New York. Tôi đã nghĩ rằng nơi đó hẳn phải giống như thiên đàng, một thành phố xinh đẹp. Năm 1979, tôi đến New York lần đầu tiên. Ban đêm, khi đang chìm sâu trong giấc ngủ bình yên, tôi thường bị đánh thức bởi những âm thanh ghê rợn liên hồi của tiếng còi xe [cấp cứu]! Tôi nhận ra rằng có điều gì không hay đang xảy ra ở đâu đó, hỏa hoạn hay là những chuyện bất ổn khác.

Còn nữa, một trong những người anh đã mất của tôi từng kể cho tôi nghe về những kinh nghiệm sống ở Mỹ. Anh ấy sống trong tầng lớp thấp kém và kể với tôi về những phiền toái, sự sợ hãi, giết chóc, trộm cướp và hãm hiếp mà những người dân [trong tầng lớp ấy] phải chịu đựng. Tôi cho rằng những điều này chính là hệ quả của sự bất bình đẳng về kinh tế trong xã hội. Khó khăn nảy sinh cũng là điều tự nhiên khi chúng ta phải làm việc cực nhọc ngày này sang ngày khác để tồn tại, trong khi có những người khác cũng như ta lại sống một cuộc sống xa hoa mà không phải nỗ lực gì nhiều. Đây là một thực trạng không lành mạnh, dẫn đến kết quả là ngay cả những người giàu có - tỷ phú và triệu phú - vẫn phải sống trong sự bất ổn thường xuyên. Vì thế, tôi cho rằng sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo là một nỗi bất hạnh rất lớn.

Cách đây ít lâu, có một gia đình giàu có ở Bombay đến thăm tôi. Bà cụ nội trong nhà ấy có một khuynh hướng tâm linh mạnh mẽ và đã thỉnh cầu nơi tôi một sự ban phước nào đó. Tôi nói với bà: “Tôi không thể ban phước cho cụ. Tôi không có khả năng đó.” Và tôi bảo bà cụ: “Cụ sinh ra trong một gia đình giàu có, đây là điều rất may mắn, và là kết quả những nghiệp lành của cụ trong quá khứ. Những người giàu là thành phần quan trọng trong xã hội. Những người giàu vận dụng các phương pháp của chủ nghĩa tư bản để tích lũy lợi nhuận ngày càng nhiều hơn. Giờ đây, những người giàu như cụ nên vận dụng các phương pháp của chủ nghĩa xã hội để mang đến cho người nghèo sự giáo dục và chăm sóc y tế.” Chúng ta phải vận dụng các phương pháp năng động của chủ nghĩa tư bản để kiếm tiền và sau đó hãy phân phát đến những người khác một cách hữu ích và có ý nghĩa hơn. Xét từ quan điểm đạo đức cũng như thực tiễn, đây là một phương cách tốt đẹp hơn nhiều để mang lại sự thay đổi trong xã hội.

Ở Ấn Độ hiện vẫn tồn tại một hệ thống phân biệt giai cấp; những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội thường bị xem như “không được tiếp xúc”. Cố tiến sĩ Bhimrao Ambedkar là một người thuộc tầng lớp thấp nhất này. Ông là một luật sư tài ba, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Ấn Độ và là tác giả của bản Hiến pháp Ấn Độ. Trong khoảng thập niên 1950, ông đã trở thành một Phật tử. Hàng trăm ngàn người khác cũng theo gương ông. Mặc dù những người này đã tự mình trở thành Phật tử, nhưng rồi họ vẫn phải tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó. Về mặt kinh tế, họ thật hết sức đáng thương. Tôi thường nói với họ: “Bản thân quý vị phải có sự nỗ lực, phải bắt tay vào việc với sự tự tin để mang đến sự thay đổi. Quý vị không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những người thuộc các giai cấp cao hơn về tình trạng [nghèo khó] của mình.”

Vì vậy, đối với những ai còn nghèo khó, những ai xuất thân từ các hoàn cảnh khó khăn, tôi hết sức khuyến khích quý vị nên làm việc chăm chỉ với sự tự tin để tận dụng các cơ hội đến với mình. Những người giàu có nên quan tâm nhiều hơn đến những người nghèo khó, và những người nghèo phải hết sức nỗ lực với sự tự tin [để vươn lên].

Cách đây vài năm, tôi ghé thăm một gia đình da đen nghèo khó ở Soweto, Nam Phi. Tôi muốn trò chuyện một cách ngẫu nhiên với họ để hỏi han về hoàn cảnh sống, cách mưu sinh cùng những điều đại loại như thế. Thế là tôi bắt đầu nói chuyện với một người tự giới thiệu mình là thầy giáo. Khi nói chuyện, chúng tôi cùng đồng ý với nhau rằng sự phân biệt chủng tộc là rất tồi tệ. Tôi nói, hiện nay người da đen ở Nam Phi đã có được quyền bình đẳng [với người da trắng]. Tôi bảo rằng anh ta đã có được nhiều cơ hội mới và phải biết tận dụng chúng thông qua sự nỗ lực học tập và làm việc chăm chỉ. Tôi cũng bảo anh ta là phải phát triển một sự bình đẳng thật sự. Người thầy giáo đáp lại với giọng rất nhỏ và hết sức buồn bã. Anh ta tin rằng trí óc người da đen châu Phi là thấp kém hơn. Anh ta nói: “Chúng tôi không thể sánh bằng người da trắng.”

Tôi bị sốc và rất buồn [khi nghe như vậy]. Nếu một khuynh hướng suy nghĩ theo kiểu đó vẫn còn tồn tại thì không có cách nào để làm thay đổi xã hội cả. Không thể nào! Và vì vậy tôi đã tranh luận với anh ta. Tôi nói: “Những gì bản thân tôi và dân tộc tôi đã trải qua cũng không quá khác biệt với các anh. Nếu người Tây Tạng chúng tôi có cơ hội, chúng tôi có thể phát triển một cộng đồng rất thành công. Chúng tôi là những người tỵ nạn tạm cư ở Ấn Độ trong suốt bốn mươi năm qua và đã trở thành một cộng đồng người tỵ nạn thành công nhất ở đó.” Tôi bảo anh ta: “Chúng ta đều bình đẳng! Chúng ta có tiềm năng như nhau! Tất cả chúng ta đều là những con người! Sự khác biệt về màu da chỉ là nhỏ nhặt. Do sự phân biệt kỳ thị trước đây nên [người da đen] các anh đã không có được cơ hội, nếu không thì các anh cũng có tiềm năng không khác [người da trắng].”

Cuối cùng, anh ta rơi lệ và nhỏ nhẹ đáp lời tôi: “Bây giờ thì tôi cảm thấy chúng ta đều như nhau. Vì chúng ta đều là những con người nên chúng ta đều có tiềm năng như nhau.”

Tôi cảm thấy nỗi buồn trong tôi vơi đi hẳn. Tôi thấy mình đã góp được một phần nhỏ bé trong việc làm thay đổi cách suy nghĩ của một con người, đã giúp anh ta phát triển sự tự tin, vốn là nền tảng của một tương lai tươi sáng.

Sự tự tin là rất quan trọng. Nhưng làm thế nào để ta đạt được sự tự tin? Trước hết, ta phải luôn nhớ rằng chúng ta bình đẳng với tất cả mọi người và rằng chúng ta có cùng những khả năng như nhau. Nếu ta giữ mãi tâm trạng bi quan, luôn nghĩ rằng mình không thể thành công, thì chúng ta sẽ không thể nào phát triển được. Ý tưởng cho rằng ta không thể cạnh tranh với người khác chính là bước đầu tiên dẫn đến sự thất bại.

Vì vậy, phương thức đúng đắn để phát triển chính là sự cạnh tranh được thực hiện một cách đúng đắn, trung thực, không làm hại người khác và sử dụng các quyền hợp pháp của mình.

Mặc dù sự tự tin trong cuộc sống là quan trọng, nhưng ta cũng phải phân biệt giữa tính chất tiêu cực của sự kiêu căng tự phụ với sự tự hào tích cực hay tự tin. Đây cũng là một phần trong sự rèn luyện tinh thần. Trong quá trình tu tập của bản thân tôi, mỗi khi khởi lên một cảm giác kiêu căng như là: “Ồ, mình có gì đó thật đặc biệt hơn người”, tôi sẽ lập tức tự nhủ: “Quả thật mình là một con người và là một tăng sĩ Phật giáo. Vì vậy, mình có cơ hội rất tốt để tu tập trên con đường tâm linh hướng đến Phật quả.” Và sau đó tôi so sánh chính mình với một con côn trùng nhỏ bé trước mắt tôi và suy nghĩ: “Con vật này rất yếu ớt và không có khả năng suy nghĩ về những vấn đề triết học. Nó cũng không có khả năng phát triển lòng vị tha. Trong khi mình có được cơ hội [tốt đẹp hơn nhiều so với nó] nhưng mình lại hành xử theo cách [kiêu căng] ngốc nghếch này.” Nếu tôi tự phán xét chính mình theo quan điểm này thì [tôi sẽ thấy rằng] con côn trùng kia chắc chắn là trung thực và chân thành hơn tôi.

Thỉnh thoảng, khi tôi gặp một ai đó và cảm thấy mình có phần hơn họ, tôi sẽ cố tìm ra một ưu điểm nào đó của người ấy. Có thể họ có mái tóc đẹp. Và rồi tôi nghĩ, “Giờ đây mình đã cạo sạch tóc trên đầu, vậy xét về điểm này thì anh ta hơn mình nhiều!” Chúng ta luôn có thể tìm được một ưu điểm nào đó ở một người khác mỗi khi thấy rằng ta vượt trội hơn họ. Thói quen tinh thần này giúp ta đối trị sự kiêu căng cao ngạo của mình.

Đôi khi chúng ta rơi vào sự tuyệt vọng, ta nản lòng và nghĩ rằng mình không thể làm được điều gì cả. Trong những hoàn cảnh như thế, ta nên nhớ đến cơ hội và khả năng đạt đến thành công mà ta luôn sẵn có.

Khi nhận ra rằng tâm ý ta là chuyển hóa được, chúng ta có thể thay đổi những khuynh hướng sống của mình bằng cách vận dụng những tiến trình tư duy khác nhau. Nếu ta đang hành xử một cách kiêu căng cao ngạo, ta có thể vận dụng tiến trình tư duy như tôi vừa nói trên. Nếu chúng ta đang đắm chìm trong sự tuyệt vọng hay suy sụp, ta nên tận dụng mọi cơ hội để cải thiện tình trạng của mình. Điều này rất hữu ích.

Cảm xúc của con người rất mạnh mẽ và đôi khi khống chế hẳn chúng ta. Điều này có thể dẫn đến những tai họa. Một thực hành quan trọng khác trong việc rèn luyện tinh thần là tự tách mình ra khỏi những cảm xúc mạnh mẽ trước khi chúng sinh khởi. Ví dụ, khi ta cảm thấy giận dữ hoặc căm ghét, ta có thể nghĩ rằng, “À, giờ đây cơn giận đang mang đến cho ta nhiều năng lượng hơn, làm cho ta kiên quyết hơn và phản ứng nhanh hơn.” Tuy nhiên, khi xét lại thật kỹ, bạn sẽ thấy rằng nguồn năng lượng mang đến bởi những cảm xúc tiêu cực là hoàn toàn mù quáng. Ta nhận thấy rằng, thay vì tạo ra một tiến trình có suy xét thận trọng thì chúng lại chỉ mang đến nhiều hậu quả không may. Tôi không chắc liệu năng lượng tạo ra bởi những cảm xúc tiêu cực có thực sự hữu ích hay không. Thay vì vậy, ta nên phân tích vấn đề thật kỹ lưỡng; sau đó, với sự rõ ràng và khách quan, ta xác định là cần phải có những biện pháp giải quyết vấn đề. Niềm tin chắc chắn vào việc mình có bổn phận, trách nhiệm “phải làm một điều gì đó” có thể mang đến cho bạn một cảm giác mạnh mẽ về mục đích hướng đến. Tôi tin rằng đây mới là nền tảng cho một nguồn năng lượng lành mạnh, hữu ích và hiệu quả hơn.

Nếu có ai đó đối xử bất công với ta, trước tiên ta nhất thiết phải phân tích tình huống đó. Nếu ta thấy có thể chịu đựng được sự bất công đó, và nếu những hệ quả xấu của sự chịu đựng như thế là không quá lớn lao, tôi nghĩ tốt nhất là ta nên chấp nhận. Tuy nhiên, nếu như sau khi phán đoán với sự sáng suốt và khách quan ta đi đến kết luận rằng, việc chấp nhận [sự bất công ấy] sẽ mang đến những hậu quả còn tệ hại hơn nữa, thì chúng ta buộc phải có những biện pháp đối phó thích hợp. Quyết định này cần dựa trên cơ sở nhận thức rõ ràng về tình huống và không phải là kết quả của sự tức giận. Theo tôi thì sự giận dữ và căm ghét thật sự gây tổn hại cho chính ta nhiều hơn là cho kẻ đã làm ta nổi giận.

Giả sử một người hàng xóm không ưa bạn và luôn gây ra những rắc rối cho bạn. Nếu bạn không kiềm chế được và nuôi lòng căm ghét ông ta thì chính bạn sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, rồi bạn buộc phải bắt đầu sử dụng đến thuốc an thần, thuốc ngủ. Sau đó, bạn phải tiếp tục tăng liều dùng của thuốc, và điều đó làm tổn hại cơ thể bạn. Tánh khí của bạn bị ảnh hưởng [xấu đi], và kết quả là bạn bè thân quen ngần ngại không muốn thăm viếng bạn. Tóc bạn sẽ bạc dần và [da bạn] ngày càng nhiều nếp nhăn hơn, và cuối cùng bạn có thể sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Khi ấy, người hàng xóm kia sẽ thật sự vui mừng. Không cần phải tự tay gây ra bất kỳ tổn hại gì về thể chất cho bạn, ông ta vẫn đạt được sự mong muốn của mình!

Nhưng nếu bất chấp những thành kiến lệch lạc của người hàng xóm, bạn vẫn giữ được sự bình thản, vui vẻ và an ổn, sức khỏe của bạn sẽ được duy trì tốt, bạn tiếp tục sống vui tươi và có thêm nhiều bạn bè đến thăm viếng bạn. Cuộc sống của bạn càng thành đạt hơn nữa. Điều này sẽ thật sự làm cho người hàng xóm kia phải lo lắng. Tôi nghĩ, đó là phương thức khôn ngoan để gây hại cho người hàng xóm ấy. Tôi nói điều này không phải chuyện đùa. Về việc này, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Bất chấp một số tình huống rất không may, tôi thường vẫn luôn giữ được sự bình thản với tâm trí an định. Tôi nghĩ điều này là rất hữu ích. Quý vị nhất thiết không được cho rằng khoan dung và nhẫn nhục là những dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi xem chúng là dấu hiệu của sự mạnh mẽ.

Khi đối mặt với một kẻ thù nghịch, một người hay nhóm người muốn làm hại ta, ta có thể xem đó là cơ hội để phát triển đức nhẫn nhục và khoan dung. Ta cần thiết phải có những phẩm tính này, chúng rất hữu ích cho ta. Và cơ hội duy nhất để ta phát triển những phẩm tính này chính là khi ta bị kẻ thù thách thức. Vì thế, xét theo quan điểm này thì kẻ thù nghịch chính là thầy ta, là đạo sư của ta. Bất kể động cơ thúc đẩy của họ là gì, từ cách nhìn nhận như trên của chúng ta thì những kẻ thù nghịch là rất hữu ích, là điều may mắn có được của ta.

Nói chung, những giai đoạn khó khăn trong đời sống luôn cho ta cơ hội tốt nhất để đạt được những kinh nghiệm hữu ích và phát triển nội lực. Thế hệ trẻ ở Hoa Kỳ vốn có được một cuộc sống quá dễ dàng và tiện nghi nên thường thấy khó khăn ngay cả khi phải đối diện với những vấn đề nhỏ nhặt. Họ ngay lập tức lớn tiếng phàn nàn. Sẽ vô cùng hữu ích nếu họ biết nhớ lại những gian khổ mà người Mỹ và châu Âu thuộc thế hệ trước đây đã từng đối mặt, hoặc những khó khăn mà cha ông họ đã phải chịu đựng khi đến định cư trên mảnh đất này.

Tôi thấy có một sai lầm trong xã hội hiện đại là chúng ta thường có khuynh hướng xa lánh những người đã từng phạm tội, chẳng hạn như các tù nhân. Kết quả là [ta làm cho] bản thân những người ấy thường mất đi hy vọng. Họ cũng mất cả ý thức trách nhiệm và tinh thần kỷ luật. Kết quả lại càng bi thảm hơn, khổ đau hơn và bất hạnh hơn cho cả họ và ta. Theo tôi, điều quan trọng đối với chúng ta là phải làm cho những người ấy hiểu được thật rõ ràng rằng: “Các bạn cũng là một phần tạo thành xã hội chúng ta, các bạn cũng có một tương lai. Tuy nhiên, các bạn phải sửa đổi lỗi lầm hoặc những hành vi xấu ác, và đừng bao giờ tái phạm nữa. Các bạn phải sống có trách nhiệm như những công dân tốt.”

Tôi cũng rất buồn khi có một số người bị xã hội bỏ rơi, chẳng hạn như các bệnh nhân AIDS. Khi ta thấy trong xã hội có một thành phần nào đó rơi vào tình huống đặc biệt khổ đau, thì đó là một cơ hội tốt để ta thể hiện sự quan tâm chia sẻ và lòng từ bi. Tuy nhiên, tôi thường nói với mọi người rằng: “Lòng từ bi của tôi chỉ là những lời sáo rỗng. Đức Mẹ Teresa quá cố mới thật sự thể hiện lòng từ bi!”

Đôi khi chúng ta thật vô tâm với những con người đang sống trong bất hạnh. Khi tôi đi xe lửa ở Ấn Độ, tôi nhìn thấy nhiều người nghèo và những người hành khất ở các sân ga. Tôi thấy người ta không đếm xỉa gì đến họ, thậm chí còn bắt nạt họ nữa. Có lúc tôi phải rơi nước mắt. Phải làm điều gì đây? Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên phát triển một thái độ đúng đắn khi gặp những tình huống bất hạnh như thế.

Tôi cũng thấy rằng nhiều tham luyến quá là không tốt. Đôi khi, tôi thấy những người bạn phương Tây xem sự tham luyến như là điều gì đó rất quan trọng, như thể không có nó thì cuộc sống của họ sẽ trở nên vô vị. Tôi nghĩ, ta phải phân biệt rõ giữa sự khao khát tiêu cực hay tham luyến với phẩm chất tích cực của tình yêu thương vốn luôn mong muốn hạnh phúc đến cho người khác. Sự tham luyến là một khuynh hướng thiên lệch. Nó làm cho tâm trí trở nên hẹp hòi khiến ta không thể thấy được thực chất của tình huống một cách rõ ràng, nên cuối cùng sẽ mang đến cho ta những bất ổn không đáng có. Tương tự với những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và căm ghét, sự tham luyến cũng mang tính hủy hoại. Ta nên cố gắng duy trì một thái độ điềm tĩnh hơn. Điều này không có nghĩa là ta không còn cảm xúc và hoàn toàn thờ ơ. [Với sự điềm tĩnh], ta có thể nhận thức phân biệt giữa điều tốt và điều xấu, để rồi sẽ nỗ lực từ bỏ điều xấu và giữ lấy hoặc phát huy điều tốt.

Có một pháp tu trong đạo Phật dạy ta quán tưởng mang đến niềm vui và tác nhân để tạo ra mọi niềm vui cho người khác, nhờ vậy xua tan hết khổ đau của họ. Cho dù điều tất nhiên là ta không thể làm thay đổi tình trạng của người khác, nhưng tôi thực sự cảm nhận được trong một số trường hợp, thông qua sự quan tâm chân thành và lòng thương yêu, thông qua sự chia sẻ của chúng ta trong cảnh ngộ khó khăn của người khác, thái độ ấy của ta có thể giúp giảm nhẹ đi sự khổ đau của người khác, ít nhất cũng là về mặt tinh thần. Tuy nhiên, điểm chính của pháp tu này là làm tăng thêm nội lực và lòng can đảm của chính ta.

Tôi đã chọn lọc [và ghi lại dưới đây] những dòng [cầu nguyện] mà tôi cảm thấy có thể chấp nhận được đối với tín đồ của mọi tôn giáo, hoặc ngay cả với những người không có đức tin. Khi đọc những dòng [cầu nguyện] này, nếu là người đang thực hành tín ngưỡng thì bạn có thể khấn nguyện với đấng thiêng liêng mà bạn tôn thờ. Một tín đồ Thiên chúa giáo có thể nghĩ đến Chúa Giê-su hay Chúa Trời, một tín đồ Hồi giáo có thể khấn nguyện với thánh Allah. Và khi bạn đọc những dòng [cầu nguyện] này, hãy phát nguyện nuôi dưỡng các giá trị tinh thần của mình. Nếu bạn không có tín ngưỡng, bạn có thể suy ngẫm về thực tế cơ bản là tất cả chúng sinh đều mong muốn được hạnh phúc và khát khao vượt qua khổ đau, không khác gì bạn. Nhận ra được điều này rồi, bạn hãy phát nguyện nuôi dưỡng một tấm lòng nhân hậu. Điều quan trọng nhất là ta phải có một trái tim nồng nhiệt. Khi chúng ta vẫn là một phần của xã hội loài người thì điều rất quan trọng là hãy làm một người tử tế và tốt bụng.

Mong sao người nghèo được giàu có,
Những ai yếu đuối buồn phiền đều được an vui.
Mong sao những ai tuyệt vọng tìm thấy niềm hy vọng mới,
Cùng hạnh phúc lâu bền và sự thịnh vượng.
Mong sao những ai sợ hãi sẽ thôi không còn sợ.
Và những ai bị trói buộc sẽ được tự do,
Mong sao người yếu đuối có được sức mạnh,
Và mong sao những tâm hồn ấy đến với nhau trong tình thân hữu.

Bản dịch thơ

Mong sao kẻ nghèo hèn khốn khó,
Sớm tìm ra phương cách thoát nghèo;
Những ai yếu đuối muộn phiền,
Được nguồn sinh lực dồi dào sống vui.

Mong sao kẻ dứt đường hy vọng,
Sớm có nơi nương tựa tinh thần,
Được nguồn hạnh phúc bền lâu,
Sống trong thịnh vượng, mong cầu gì hơn!



    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Phật giáo và Con người


Vua Là Phật, Phật Là Vua

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.29.213 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...