Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Hành trình giác ngộ »» 10. PHÁP THIỀN ĐỊNH NGONDRO - SỰ RÈN LUYỆN CHỦ YẾU CỦA TRUYỀN THỐNG LONGCHEN NYINGTHIG »»

Hành trình giác ngộ
»» 10. PHÁP THIỀN ĐỊNH NGONDRO - SỰ RÈN LUYỆN CHỦ YẾU CỦA TRUYỀN THỐNG LONGCHEN NYINGTHIG

Donate

(Lượt xem: 5.415)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hành trình giác ngộ - 10.  PHÁP THIỀN ĐỊNH NGONDRO - SỰ RÈN LUYỆN CHỦ YẾU CỦA TRUYỀN THỐNG LONGCHEN NYINGTHIG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Longchen Nyingthig có nhiều bản văn bao gồm các vòng giáo lý bên ngoài, bên trong và bí mật. Ngondro, bao gồm thực hành Guru Yoga, thuộc về vòng bên ngoài, có nghĩa là nó sử dụng nhiều thực hành chung và thông thường cho người mới bắt đầu.

Ngondro có nghĩa là "thực hành chuẩn bị" tức đi trước thực hành chính. Mặc dù phần chính của nó là nền tảng của rèn luyện, nhưng nó cũng bao gồm thực hành cao nhất của việc hợp nhất hành giả với Phật tánh qua sự hóa tán vào bản tánh tối thượng. Ngondro bắt đầu với sự rèn luyện về việc chuyển tâm đến Giáo Pháp, nhưng nó kết thúc với sự hợp nhất tâm hành giả với trí tuệ giác ngộ của Đức Phật, Guru Rinpoche. Do đó, tôi phiên dịch Ngondro như "sự thực hành thiết yếu".

Nếu Ngondro được thực hành đúng và tha thiết, nó bao gồm một con đường hoàn toàn đầy đủ dẫn đến mục tiêu cao nhất – giác ngộ. Do vậy, kết quả đến với chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta có thể hiểu, tiêu hóa và thực hành ra sao. Nếu chúng ta có khả năng, Guru Yoga sẽ dẫn dắt chúng ta từ khởi đầu đến nhận biết cao nhất của Đức Phật.

Bản văn Ngondro của Longchen Nyingthig được Ngài Jigme Lingpa phát hiện và Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ nhất (1745 – 1821) biên soạn thành bản Namkhyen Lamzang (rNam mKhyen Lam bZang, Con đường tối ưu của sự toàn giác). Bản văn chúng ta đang sử dụng ở đây là dạng vắn tắt hơn của Namkhyen Lamzang, được Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ tứ (sinh năm 1927) sắp xếp lại vào năm 1973 để phù hợp với cuộc sống bận rộn của những đệ tử người phương Tây.

CẦU NGUYỆN ĐẾN CÁC VỊ THẦY CỦA DÒNG TRUYỀN

Phần cầu nguyện đến đức Phật qua bốn câu kệ về sự chuyển tâm đến Giáo Pháp ở đầu bản văn và hầu hết các bài nguyện hồi hướng ở cuối bản văn không nằm trong bản Ngondro nguyên thủy của Longchen Nyingthig, mà được Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ tứ đưa vào trong lần biên soạn mới.

Trước tiên là bài nguyện và mantra của đức Phật Shkyamuni, vị Phật có thật trong lịch sử, theo sau bằng bài nguyện vajra bảy dòng, bài nguyện mạnh mẽ và phổ biến nhất hướng đến Guru Padmasambhava.

Tiếp theo là bài nguyện đến các vị thầy của dòng truyền khởi đầu với Samantabhadra, Pháp Thân, Vajrasattva; Báo Thân, Garab Dorje; Hóa Thân, và nhiều vị thầy chủ yếu qua đó sự trao truyền Longchen Nyingthig đã đến với chúng ta.

Kế tiếp là bài nguyện đến Ngài Longchen Rabjam, người đã thực hành, giảng dạy và viết sách nơi ẩn cư trong rừng sâu. Ngài sống như một ẩn sĩ khiêm tốn cho dù Ngài là một học giả tinh thông vĩ đại nhất của Tây Tạng, có thể so sánh với sáu bậc đại pháp khí và hai thánh giả siêu phàm của Phật giáo Ấn Độ thời xưa. Mặc dù có nhiều cách liệt kê khác nhau về các bậc Tổ sư của Ấn Độ cổ đại, nhưng theo nhiều người thì hai bậc thánh giả siêu phàm là Ngrjuna (Long Thọ) và Asaṅga (Vô Trước); và sáu bậc đại pháp khí là ryadeva (Thánh Thiên) Vasubhandu (Thế Thân), Guṇaprabha (Đức Quang), Shkyaprabha (Thích Tử Quang), Dignga (Trần-na) và Dharmakỵrti (Pháp Xứng), là những vị sống trong khoảng từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tám.

Theo sau là các bài nguyện đến Ngài Jigme Lingpa và Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ nhất. Jigme Lingpa là một trong những tác giả, bậc thầy và người truyền bá vĩ đại nhất của giáo lý Dzogpa Chenpo thuộc trường phái Nyingma, và Ngài là một trong những người hiển lộ giáo lý Longchen Nyingthig như một Ter Tâm.

Ngài Jigme Lingpa giao phó giáo lý Longchen Nyingthig cho Ngài Dodrupchen đệ nhất và thừa nhận vị này như người trì giữ Giáo Pháp hay đệ tử chính để tiếp nhận và truyền bá giáo lý này. Nói chung, mỗi vị Tertưn đều có một đệ tử chính để giao phó giáo lý. Ngài Dodrupchen là cực kỳ quan trọng đối với chúng ta, không chỉ vì Ngài là vị thầy quan trọng nhất sau Jigme Lingpa trong dòng truyền, mà còn là sự trao truyền đặc biệt đến chúng ta từ Ngài, và tái sanh lần thứ tư của Ngài là vị thầy gốc của chúng ta.

Kế tiếp là bài nguyện đến những vị thầy gốc (rTsa Ba'i Bla Ma). Có nhiều định nghĩa khác nhau về người có phẩm tánh như vị thầy gốc. Trong ý nghĩa cao nhất, "vị thầy gốc" có nghĩa là người thầy đưa chúng ta đến với bản tâm chân thật, hay Phật tánh. Theo quan điểm thông thường của mật tông, vị thầy gốc là vị thầy tâm linh hoặc những vị thầy mà từ Ngài chúng ta nhận được tất cả ba trao truyền: quán đảnh (dBang), trao truyền lời (Lung) và giải thích ý nghĩa (Kbrid). Nhưng nếu chúng ta không ở trình độ đó, thì vị thầy gốc có thể là vị thầy mà chúng ta tiếp nhận được giáo lý tâm linh cao nhất hoặc người mà chúng ta có niềm tin và sự sùng kính mạnh mẽ nhất.

Chúng ta có thể có một, nhiều, hoặc một vị chính và vài vị thầy gốc khác. Tuy nhiên, có một câu chuyện về điều này liên quan đến hai Lama. Một người nhận giáo lý từ mọi vị thầy mà ông ta có thể tìm thấy; còn người kia suốt đời chỉ tiếp nhận giáo lý từ ba vị thầy. Một đệ tử hỏi một vị thầy là cách nào tốt hơn – có nhiều vị thầy hay chỉ có một ít? Vị thầy trả lời rằng, nếu bạn là người mới bắt đầu và có nhiều cảm xúc và một tâm phê phán, tốt hơn chỉ nên có một ít vị thầy, vì dễ duy trì mối quan hệ tốt với một số ít vị thầy mà bạn tin tưởng và chú tâm thực hành giáo lý của họ. Song, nếu bạn có lòng sùng kính mạnh mẽ và nhận thức thanh tịnh thì điều tốt hơn là tiếp nhận giáo lý từ mọi vị thầy mà bạn có thể tìm thấy, vì bạn sẽ không có bất cứ khó khăn nào trong việc sử dụng một số lượng lớn giáo lý hay giữ theo giới luật (samaya), mối quan hệ mật truyền, và do vậy sẽ có thể được lợi ích từ nhiều người mà bạn đến nhận giáo lý.

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, chúng ta nên có lòng tôn kính như một vị thầy đối với bất cứ ai đã ban cho ta giáo lý bốn dòng Pháp, đừng có sự phân loại hay nghĩ rằng: "Đây là vị thầy tốt nhất của tôi" và "Đây là vị thầy tốt thứ hai của tôi..." Tốt hơn là hãy cố gắng kính trọng tất cả như những vị thầy, vì là những hành giả Mật tông, chúng ta phải luôn cố gắng duy trì nhận thức thanh tịnh về hết thảy mọi người và mọi sự vật.

Bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu sự thực hành của mình, trước tiên hãy cầu nguyện và khẩn cầu sự ban phước của những vị thầy dòng truyền để sự thực hành thực tế của chúng ta có thể trở thành nguồn cảm hứng, hùng mạnh và thành công. Đó là lý do tại sao những bài nguyện đến các vị thầy dòng truyền lại được đưa ra vào lúc khởi đầu buổi thực hành.


BỐN THỰC HÀNH CHUẨN BỊ

Những dòng kệ này không có trong thực hành Ngondro nguyên thủy của Longchen Nyingthig, vốn có những bài nguyện dài hơn nhiều. Vì bản nguyên thủy quá dài đối với sự thực hành của chúng ta nên Ngài Rinpoche đã soạn lại những bài nguyện bốn dòng này dựa trên những lời dạy từ kinh điển.

NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA VIỆC CÓ ĐƯỢC MỘT CUỘC SỐNG LÀM NGƯỜI QUÝ BÁU

Chúng ta có thể nghĩ: "Việc thực hành Giáo Pháp để có kinh nghiệm tâm linh và an bình bên trong là điều quan trọng, nhưng tôi sẽ theo đuổi con đường đó trong những kiếp tương lai." Nhưng Đức Phật dạy rằng, không dễ có được cuộc sống làm người quý báu với tự do và khả năng mà chúng ta hiện có, vì cần có nhiều thiện nghiệp, nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh mới có được nó. Do vậy, chúng ta phải thực hành trong chính kiếp sống này, khi ta thật sự có được cuộc sống làm người quý báu. Ngài Shntideva (Tịch Thiên) đã nói:

Thật quá khó để có được một cuộc sống làm người với tự do và các khả năng.
Khi bạn có cơ hội để thỏa mãn mục tiêu của cuộc sống,
Nếu bạn không tận dụng nó,
Làm sao bạn có thể gặp được cơ hội này lần nữa?


SỰ VÔ THƯỜNG

Chúng ta có thể nghĩ: "Điều đó đúng, tôi phải thực hành Giáo Pháp trong đời này vì cuộc sống làm người là quý báu và khó có được. Nhưng trước tiên tôi phải kiếm một ít tiền, đi du lịch, đợi đến khi con tôi trưởng thành... hoặc đợi đến một ngày nào khác vì bất cứ lý do nào đó..."

Về điều này, Đức Phật đã dạy rằng cuộc đời là vô thường. Nó vô thường như những đám mây mùa thu; chúng xuất hiện giữa bầu trời và biến mất ngay sau đó.

Có một truyện ngụ ngôn rất hay của Ngài Gongthang Tempe Drưnme. Có một người đàn ông bị ngã xuống sườn núi. Ở lưng chừng dốc đá thẳng đứng có mọc một bụi cỏ nên người đàn ông có thể bám để không rớt xuống. Ông ta treo trên bụi cỏ với tất cả sức lực, vì nếu buông ông ta sẽ chết. Sau đó, khi bám vào bụi cỏ, có một con chuột trắng đến và gặm một nhúm cỏ. Rồi một con chuột đen đến và ăn một ít cỏ nữa. Dần dần, những con chuột vẫn tiếp tục gặm bụi cỏ mà người đàn ông đang bám – trước tiên là chuột trắng, sau đó là chuột đen, và sau đó lại chuột trắng... – cho đến lúc kết thúc, khi một trong hai con chuột gặm nốt mảng cỏ cuối cùng, người đàn ông tuột khỏi vách đá và rơi xuống chết.

Trong truyện ngụ ngôn này, con chuột trắng biểu hiện cho ngày, chuột đen cho ban đêm. Người đàn ông thực sự đang chết ngay từ lúc đầu và chỉ tạm thời cố bám lại. Ngày đến rồi đi, và đêm cũng trôi qua... Và cuối cùng cái chết xảy đến.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng đang chờ đợi hay cố bám lại cho đến khi cái chết xảy đến, vì đó là số phận cuối cùng của chúng ta. Chúng ta ở đây không phải để sống, mà là để chết. Nhưng dù vậy, chúng ta không thực sự suy nghĩ hay quan tâm về điều đó.

Như một mũi tên bắn đi, tốc độ của cuộc sống di chuyển rất nhanh đến mục tiêu của nó, đó là cái chết. Chúng ta thậm chí không nhận ra sự thật này. Trong khi những việc như nghiệp, tái sanh, và sự chứng ngộ là mơ hồ khó nhận biết vì chúng ta không dễ gì có thể thấy và hiểu được, thì sự chắc chắn xảy đến của cái chết lại là điều ở ngay trước mắt chúng ta, vậy mà ta vẫn choáng váng khi nhận biết nó. Đức Phật đã dạy:

Tam giới là vô thường, giống như những đám mây mùa thu.
Sinh và tử của chúng sanh giống như xem một điệu múa.
Sự mau chóng của kiếp sống con người giống như chớp lóe trong bầu trời.
Nó trôi qua nhanh chóng giống như dòng suối chảy xuống dốc núi.

Nếu xem một điệu vũ, trước hết chúng ta có thể thấy khuôn mặt của những vũ công, kế đến là lưng họ, và sau đó lại là khuôn mặt. Cũng vậy, hôm nay chúng ta chết, ngày mai ta tái sanh, và ngày kế ta lại chết... Cuộc sống chúng ta di chuyển thật nhanh khiến chúng ta không thể trì hoãn dù chỉ một khoảnh khắc vì chúng ta đi thẳng từ sống đến chết mà không nhận ra nó. Nếu chúng ta suy nghĩ đợi đến ngày mai để thực hành thì chúng ta đang tự lừa dối chính mình, vì chúng ta chỉ đang bám vào một sườn núi. Do vậy, chúng ta phải bắt đầu thực hành vào ngay hôm nay, thậm chí không chỉ ngay hôm nay, mà là ngay bây giờ!

KARMA: LUẬT NHÂN QUẢ

Ý nghĩa của karma (nghiệp) đã bị hiểu sai rất nhiều ở phương Tây. Nhiều người phương Tây không am hiểu nghĩ rằng karma là một số dạng lời nguyền hay kết quả của lời nguyền được người phương Đông kinh nghiệm. Nhưng [thật ra] đó là luật nhân quả tương quan. Mỗi một sự kiện trong cuộc sống mỗi người và của toàn thế giới đều phát triển, vận hành và chấm dứt do những nguyên nhân và điều kiện (duyên). Những kinh nghiệm tâm linh và phát triển của chúng ta cũng được hình thành và thúc đẩy bởi nhân quả. Thực sự thì đây chỉ là một sự mô tả về cách thức hình thành của mọi hiện tượng, giống như tiến trình của một bông hoa sinh ra từ hạt giống: trước tiên bạn thấy hạt giống, sau đó là mầm cây, rồi những chồi cây, cho đến cuối cùng thì bông hoa nở rộ. Rồi thì hoa kết hạt và điều này đưa tiến trình quay trở lại từ đầu. Nếu ta có một tâm an bình và rộng mở và là một người hướng thiện, chúng ta sẽ có một cuộc sống hướng thiện với những cảm xúc và kinh nghiệm an bình.

Tin tưởng vào nghiệp quả (karma) là điều quan trọng, vì nếu thực sự tin vào nó, chúng ta sẽ không bao giờ tham gia các việc làm xấu ác mà chúng ta có thể tránh, vì chúng sẽ chỉ nuôi dưỡng những kết quả xấu ác, và chúng ta cũng không muốn trở thành nạn nhân những việc làm của chính mình. Chúng ta tham gia vào những việc xấu ác chỉ vì không tin vào nghiệp quả (karma) – rằng làm điều xấu sẽ dẫn đến kết quả xấu.

Nhất là vào lúc chết, sẽ không có gì đi theo chúng ta. Tiền bạc, quyền lực, bạn bè, và gia đình sẽ không đi cùng ta. Chúng ta sẽ không có cơ hội mang theo ngay cả thân thể mà ta yêu quý nhất. Chỉ có nghiệp quả, những dấu ấn và năng lượng thiện hay bất thiện mà ta đã tạo trong tâm thức sẽ đi theo ta, dẫn dắt và xô đẩy ta qua các giai đoạn của bardo . Những kết quả hay năng lượng của bất kỳ khuynh hướng nghiệp nào trong chúng ta sẽ tạo ra hoặc xuất hiện như những hiện tượng của kiếp sống kế tiếp của ta. Vì thế, mọi kinh nghiệm hưởng thụ và đau khổ đều tùy thuộc vào kết quả những việc làm của chính chúng ta, hay nghiệp của quá khứ. Do vậy, hiểu được nghiệp thật cặn kẽ và sâu sắc là điều cốt lõi để gợi cảm hứng cho tâm chúng ta phát triển thiện nghiệp bằng những việc làm như thực hành Giáo Pháp. Đức Phật dạy:

Khi thời điểm đến, thậm chí một vị vua cũng phải chết,
Tài sản, bạn bè, và thân nhân sẽ chẳng theo ông.
Nhưng dù người ta đi đến bất cứ đâu, trụ ở bất kỳ chỗ nào,
Giống như cái bóng, nghiệp quả sẽ luôn đi theo họ.

ĐẶC TÍNH ĐAU KHỔ CỦA LUÂN HỒI

Con người cũng khó hiểu được ý nghĩa "đau khổ" là gì. Thậm chí có một số người khẳng định họ chưa từng đau khổ, vì họ chưa trải qua bất kỳ sự đau đớn nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, theo Phật giáo thì không có gì trên thế gian này không là đau khổ. Thật ra, sự đau khổ là tương đối. Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình hiện đang hạnh phúc và hoàn toàn không đau khổ, thì cái gọi là hạnh phúc của ta lại là nỗi đau khổ không thể chịu nổi nếu so sánh với trạng thái hạnh phúc cao hơn của Đức Phật. Theo cách nhìn đó thì hạnh phúc của chúng ta không phải là hạnh phúc chân thật.

Có ba loại đau khổ: đau khổ vì đau khổ (khổ khổ, hay đau khổ thông thường), đau khổ vì sự thay đổi (hoại khổ, hay đau khổ gây ra bởi sự thay đổi), và đau khổ bao trùm tất cả (hành khổ, hay đau khổ vì các pháp đều vô thường, do duyên sinh).

Loại đau khổ đầu tiên là những gì chúng ta thường gọi là đau khổ. Đó là kinh nghiệm chúng ta cảm nhận khi có một vấn đề đặc biệt, như bệnh tật, mất tiền, hay cảm thấy đau khổ vì cái chết của một người thân.

Loại đau khổ thứ hai phát sinh từ cái được gọi là kinh nghiệm hạnh phúc, mà sau đó đem lại kết quả bất hạnh vì sự vô thường của hiện tượng luân hồi. Chẳng hạn, dù chúng ta đang tận hưởng việc ăn ngon, sự thích thú có thể thay đổi thành đau khổ khi tiêu hóa. Tương tự, ngày nay chúng ta thích thú kiếm nhiều tiền, nhưng nó có thể gây lo lắng về việc bảo vệ, tồn trữ hay đầu tư. Một số người có thể hôm nay phấn khích với người yêu, nhưng ngày khác có thể đau khổ vì sự chia tay.

Thứ ba, tất cả sự vật giả hợp đều là đối tượng của sự thay đổi và hoại diệt, và tất cả đều được tạo ra bởi nguyên nhân đau khổ – khái niệm nhị nguyên và cảm xúc phiền não. Do đó, không có gì trên thế gian này mà không chứa đầy đau khổ. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn có một thân ánh sáng như đã được mô tả nơi cõi trời. Bạn bay khắp không gian bất cứ khi nào muốn di chuyển hay du hành. Không có bóng tối quanh bạn và không cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, vì thân ánh sáng của bạn tỏa sáng khắp quanh bạn. Không có đau khổ và áp lực của thân thể, vì thân bạn là phi vật chất, vô hình, bất hoại và không thể xúc chạm. Bạn hưởng thụ nó trong nhiều năm. Rồi một ngày nào đó thân bạn đột ngột chuyển thành một thân bằng máu, thịt, và xương được che phủ bằng một túi da với đầy đủ mọi loại dơ bẩn. Bạn không thể di chuyển trừ khi đi bằng hai chân từng bước một. Bạn không thấy bất cứ gì nếu không có ánh sáng từ các nguồn khác. Nếu không cẩn thận quan sát, tránh né và dàn xếp mọi thứ vào mọi lúc, bạn sẽ dễ bị cắt ra từng mảnh, bị đâm thủng, va chạm, bị tán vụn, bị bể thành từng mảnh – không thể chữa lành hay đi lại được – điều này sẽ là một đau khổ không thể chịu nổi.

Mặc dù chúng ta không biết hay không cảm thấy mình đang đau khổ bởi vì đã quen với những gì đang có và không ý thức về bất kỳ hình ảnh nào khác của cuộc sống, mọi hiện tượng thế gian đều bị thấm đẫm đau khổ nếu so sánh với cực lạc thật sự của Phật quả. So sánh với trí tuệ nhất như, rộng mở, và toàn giác của Phật, và thân ánh sáng trí tuệ của Đức Phật tự xuất hiện như thân ánh sáng - thì thật đau khổ khi bị mắc kẹt vào thân này mà chúng ta không hề hay biết hay chấp nhận.

Khi chúng ta bắt đầu đi trên con đường của hành trình tâm linh thì việc hiểu biết hoàn cảnh của chúng ta là điều cốt lõi. Đó là lý do tại sao Đức Phật giảng dạy Phật giáo được đặt căn bản trên Tứ diệu đế, khởi đầu với chân lý về đau khổ. Một số người ngoài đạo Phật cho rằng Phật giáo là bi quan yếm thế. Nhưng quan điểm cho rằng trong cuộc sống này không có gì khác ngoài đau khổ không có nghĩa là con người vốn được định sẵn chỉ toàn đau khổ. Thật ra, tinh túy của Phật giáo là con người vốn thanh tịnh, giác ngộ và toàn thiện, nhưng vì sự chấp ngã cùng với những tư tưởng và cảm xúc phiền não nên bản tánh chân thật và những phẩm tánh của con người bị che ám, và họ rơi vào cơn ác mộng của ảo tưởng, những kinh nghiệm đau khổ. Thật ra, phương thức để đạt đến trạng thái tối hậu của tâm và loại trừ ảo tưởng của đau khổ là sự thực hành tạo ra niềm hoan hỷ, an bình, quan điểm tích cực và thanh thản. Do vậy, Phật giáo thực sự có một quan điểm rất tích cực và thiết thực. Đức Phật đã dạy:

Do vô minh, thèm khát và biến dịch
Trong thế giới của người, trời, và ba cảnh giới thấp,
Năm cõi xoay vòng điên cuồng,
Giống như bánh xe quay vòng của người thợ làm đồ gốm.


Suy nghĩ về sự khó có được cuộc sống làm người quý báu, về sự vô thường, nghiệp quả và sự đau khổ sẽ hướng tâm chúng ta đến Giáo Pháp và tạo sự thúc đẩy hướng đến một mục đích tâm linh. Đó là lý do tại sao các câu kệ này là những chỉ dẫn về việc xoay chuyển tâm ta hướng đến thực hành Giáo Pháp.


BỐN RÈN LUYỆN CỐT LÕI

THỌ QUY Y

Thọ quy y là lập một thệ nguyện. Sau khi thực hành bốn phần đã hướng tâm chúng ta vào thực hành, chúng ta sẵn sàng lập một thệ nguyện với con đường tu tập, rèn luyện tâm linh và hướng đến mục đích là sự giác ngộ. Thọ quy y là đặt nền tảng, khởi đầu của thệ nguyện. Theo truyền thống, việc này khởi đầu với một nghi lễ thọ quy y, nhưng điều quan trọng nhất là phát triển niềm tin và phó thác nơi các đối tượng quy y. Nếu chúng ta có sự thúc đẩy mạnh mẽ đó, tin tưởng vào con đường và mục đích đã được chỉ dạy trong Phật giáo, thệ nguyện thọ quy y sẽ phát sinh trong ta.

Chúng ta phải nghĩ về việc thọ quy y theo ý nghĩa thông thường. Nếu lập một cam kết hay quyết tâm chúng ta sẽ thành công nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nhưng nếu lưỡng lự, nghi ngại hay không chắc chắn về việc tự mình có cam kết hay không, chúng ta sẽ trở nên ngày càng lười nhác và thấy thật khó thành công. Ví dụ, nếu bạn muốn đi bộ đến Charlemont nhưng lại lưỡng lự, bạn có thể đi tới vài bước nhưng sau đó lùi lại vài bước và có thể sẽ không đến được đó cho đến khi nào bạn có một quyết định chắc chắc. Cũng vậy, nếu chúng ta phát triển quyết tâm nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng đoàn, xem đó là sự hỗ trợ và phương tiện cho cuộc sống mình, chúng ta sẽ thành công nhanh chóng hơn nhiều so với trường hợp ta không có quyết tâm.

Trước tiên, chúng ta nên quán tưởng và thấy ở phía trước một cây quy y khổng lồ, đẹp đẽ và phong phú với năm cành tràn đầy toàn bộ không gian. Trong cành trung tâm của cây là Đức Guru Rinpoche với các Bổn tôn, Dakini, và Hộ Pháp. Trên cành phía trước là chư Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên cành bên phải là chư Bồ tát. Trên cành phía sau là Giáo Pháp, được biểu tượng hóa bằng những bộ kinh lưu xuất từ âm thanh của Giáo Pháp. Trên cành bên trái là các vị thánh của Tiểu thừa, tức chư vị Thanh Văn. Trong bầu trời phía trên là tất cả các vị thầy dòng truyền, từ Dharmakya đến các vị thầy gốc của chúng ta.

Trên mặt đất cùng với chúng ta, hãy quán tưởng toàn bộ trái đất tràn đầy mọi người, sinh vật và muôn loại chúng sanh, tất cả đều đối diện với cây quy y. Tất cả đều là một trong tấm lòng sùng kính nồng nhiệt hướng đến sự quy y, những khuôn mặt rạng rỡ hoan hỷ, với đôi mắt mở rộng của sự tập trung, tất cả đều nhìn chăm chú vào cây quy y. Tất cả đều tụng cùng một bài nguyện trong cùng một giọng, tràn đầy toàn bộ không gian với âm thanh thuần tịnh của sự sùng kính và thanh bình vô biên. Sự quán tưởng thọ quy y là tương tự như những gì chúng ta làm trong phát triển tâm Bồ-đề và cúng dường maṇḍala sau này.

Sau đó, trước sự chứng minh và hỗ trợ của cây quy y như đối tượng, chúng ta thọ nguyện quy y bằng việc lặp lại nhiều lần bài kệ bốn dòng.

Tam bảo chân thực, ba Gốc cực lạc,
Thật tánh của kinh mạch, năng lượng và tinh chất;
Maṇḍala của bản chất (tánh Không), bản tánh (trong sáng), và lòng bi (năng lực tỏa khắp) của tâm giác ngộ,
Con thọ quy y cho đến khi đạt được bản chất giác ngộ.

Trong việc rèn luyện nguyện thọ quy y, có nhiều trình độ quy y. Trước tiên, cấp độ bên ngoài là quy y nơi Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta quy y Phật như người dẫn dắt, chỉ dạy và phô bày con đường giác ngộ cho chúng ta; quy y Giáo Pháp như con đường qua đó chúng ta tiến đến Phật quả bằng sự thực hành; và quy y Tăng đoàn như những người bạn đồng hành hỗ trợ ta trên con đường.

Chúng ta quy y nơi Tam Bảo không phải để dựa vào đó làm giảm nhẹ những khó khăn của ta, mà vì ta xem đó như sự hỗ trợ hoặc chìa khóa để phát triển những tư duy và kinh nghiệm tâm linh trong ta, chẳng hạn như sự sùng kính, an bình và nhận thức tích cực. Nếu các kinh nghiệm tâm linh được phát triển trong ta qua sự hỗ trợ của các đối tượng tâm linh, chúng ta sẽ giải thoát khỏi đau khổ và những nguyên nhân của nó, và chắc chắn chúng ta sẽ đạt giác ngộ. Vì thế, Đức Phật dạy rằng: "Ta đã chỉ cho các ngươi con đường đi đến giác ngộ, giờ thì việc đi theo con đường là hoàn toàn tùy thuộc ở chính các ngươi."

Mức độ thứ hai là quy y nơi ba Gốc. Các Ngài là Guru (nguyên lý nam), Ḍkinỵ (nguyên lý nữ), và Bổn tôn Bảo vệ, hay Yidam (nguyên lý hợp nhất) – ba rèn luyện Bổn tôn chính của Mật tông. Bằng việc tự mình hiến dâng đến Guru, nhờ có Ḍkinỵ như sự hỗ trợ, và do dựa vào Bổn tôn Bảo vệ như nguồn năng lực, chúng ta phát triển và viên mãn nhận thức thanh tịnh, đó là nền tảng của thực hành Mật tông. Nhận thức thanh tịnh hay sự chuyển hóa liên quan đến việc thấy mọi sắc tướng như Đức Phật, nghe mọi âm thanh và diễn tả như Giáo Pháp, và nhận ra hoặc kinh nghiệm mọi tư duy như trí tuệ Phật.

Mức độ thứ ba quy y nơi bản tánh của các kinh mạch, năng lượng và tinh chất của thân vajra (kim cương). Đây là sự quy y ở cấp độ bí mật của Mật tông, mà trung tâm ở trên các phẩm tánh vật chất của thân và sử dụng chúng như phương tiện quan trọng để thực hành. Ở đây, chúng ta quy y bằng việc dựa vào các kinh mạch thân thể, nguyên nhân của sự thành tựu thân Phật như Nirmṇakya; tịnh hóa năng lượng, suối nguồn của sự thành tựu Phật ngữ như Sambhogakya và viên mãn tinh túy (bản chất), suối nguồn của sự thành tựu Phật ý như Dharmakya. Đặc biệt trong Anuyoga, như trong thực hành Yumka Dechen Gyalmo, sự nhấn mạnh chính về thân vajra nhiều hơn nhận thức thanh tịnh của hiện tượng bên ngoài của âm thanh và hình tướng.

Mức độ cuối cùng là thọ quy y nơi maṇḍala của tinh chất, bản tánh và lòng bi (hay năng lực) của tâm giác ngộ theo Dzogpa Chenpo. Trong Dzogpa Chenpo, bản tánh nội tại của tâm, tâm Phật, được giải thích là có ba phẩm tánh. Tinh túy của nó là tánh Không (rộng mở), bản tánh nó (hay biểu hiện) là trong sáng không giới hạn, và lòng bi của nó (năng lực) là tỏa khắp (toàn giác). Do vậy, chúng ta quy y trong phẩm tánh ba bậc của tâm giác ngộ của sự quy y và của chính chúng ta.

Thọ quy y không có nghĩa chúng ta nhận các đối tượng này là cấp trên, mà là ta dựa vào các Ngài và nỗ lực để trở thành một với các Ngài. Chúng ta thọ quy y nơi các Ngài cho đến khi đạt được giác ngộ; và khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ trở thành một với các Ngài, với các phẩm tánh Phật, và do vậy không cần dựa vào các Ngài như một đối tượng khác biệt nữa.

Vào lúc cuối chúng ta quán tưởng những chùm ánh sáng lưu xuất từ đối tượng quy y (Tam bảo) và tiếp xúc chúng ta. Chỉ nhờ ánh sáng tiếp xúc, giống như sắt bị nam châm hút, chúng ta hợp nhất và tan hòa vào đối tượng quy y như nước tan vào nước. Sau đó đối tượng quy y tan từ ngoài vào trong, tan vào Guru Rinpoche. Guru Rinpoche cũng tan hòa vào tánh Không. Sau đó thả lỏng trong thiền định, thoát khỏi mọi khái niệm.

PHÁT TRIỂN TÂM BỒ-ĐỀ

Một lần nữa, chúng ta lại quán tưởng cây quy y như trong rèn luyện về thọ quy y. Hãy nhìn vào đối tượng quy y phía trước, với sự giao phó nhất tâm và hoàn toàn sùng kính phát triển tâm giác ngộ (hay tâm Bồ-đề) bằng việc lặp lại các câu kệ sau:

Ho! Bị vô số nhận thức lừa gạt, giống như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước.
Chúng sanh bị lang thang qua hàng loạt chu trình sống.
Để cho họ được thanh thản trong lãnh vực quang minh của sự tự-tỉnh giác,
Con phải phát triển tâm giác ngộ bằng việc suy niệm về tứ vô lượng tâm.

Chúng ta có thể phát triển tâm giác ngộ bằng việc khởi tâm nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ tất cả bà mẹ chúng sanh không có bất kỳ động cơ phân biệt hay ích kỷ nào. Tâm giác ngộ có thể phát triển qua lực cảm hứng của Tứ vô lượng tâm. Đó là lòng từ ái – một khuynh hướng mạnh mẽ mong muốn hạnh phúc cho tất cả chúng sanh (đại từ), lòng bi mẫn – một khuynh hướng mạnh mẽ mong ước rằng sự đau khổ sẽ không xảy đến cho bất cứ chúng sanh nào (đại bi), tùy hỷ với hạnh phúc của người khác (đại hỷ), và bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt bạn bè, kẻ thù, v.v... (đại xả).

(Tâm giác ngộ có nhiều mức độ. Nếu chúng ta có một tâm bi phi thường, mặc dù có thể không cần thiết là tâm giác ngộ như Đức Phật, song nó là một tâm giác ngộ hay một tâm với trí tuệ và trong sáng vĩ đại. Do vậy, trong một ý nghĩa, nếu so sánh với tâm bình thường, chúng ta có thể gọi nó là tâm giác ngộ.)

Trong việc duy trì và phát triển một tâm như vậy, có hai phương diện: tâm khao khát giác ngộ (bồ-đề tâm nguyện) và sự thực hành tâm giác ngộ (bồ-đề tâm hạnh). Tâm khao khát giác ngộ là thái độ nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ tất cả bà mẹ chúng sanh không phân biệt giữa bạn hay thù hoặc mong cầu đền đáp. Nếu ta có được thái độ này thì bất kể những gì ta làm đều sẽ trở thành sự thực hành tâm giác ngộ (bồ-đề tâm hạnh). Tương tự, bất cứ những gì ta làm với một tâm xấu ác đều sẽ gây hại.

Ví dụ, nếu tôi là một người nóng giận, bất cứ những gì tôi nói sẽ gây tổn thương và thô tục. Nếu có một quan điểm xấu, bất kỳ những gì tôi làm sẽ hung dữ và gây hại. Nhưng nếu có một tâm khao khát giác ngộ, ngay cả nếu tôi cư xử có vẻ rất khác lạ, tôi vẫn sẽ lợi ích cho người khác. Cũng giống như khi những bà mẹ hiểu biết trừng phạt con họ; trông có vẻ khắt khe, nhưng thật sự là đang làm lợi ích cho chúng.

Ngài Shantideva nói rằng tâm khao khát giác ngộ giống như sự mong ước và chuẩn bị đi đến một nơi, còn sự thực hành tâm giác ngộ là thực sự đi đến đó. Để rõ ràng cụ thể, về sự thực hành tâm giác ngộ có các rèn luyện chính, được biết là sáu pháp tu tập hoàn thiện (lục ba-la-mật) gồm: bố thí (hay rộng mở), trì giới (hay hành động đạo đức), nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định (hay thể nhập) và trí tuệ (hay sự chứng ngộ). Đồng thời, mỗi một sự tu tập và mỗi hành động thiện vốn đều sẵn có đủ sáu pháp ba-la-mật. Chẳng hạn, tụng niệm một bài nguyện cần có sự phóng khoáng trong việc bỏ ra thời gian, năng lượng và nỗ lực, và do vậy nó là sự thực hành bố thí. Nó cũng yêu cầu sự kỷ luật để ngồi xuống cầu nguyện thay vì lang thang đây đó. Nó yêu cầu sự vượt qua những cám dỗ khác, chẳng hạn như ý thích đi ra ngoài vào một ngày trời đẹp, đi tắm nắng hoặc ngay cả việc bỏ dở nửa chừng vì đau chân. Do đó, việc tụng niệm các bài nguyện đòi hỏi sự chịu đựng, kiên trì, tinh tấn và tính nhẫn nại. Hơn nữa, việc tập trung chú tâm vào tụng niệm cầu nguyện là sự thiền định và sự nhận hiểu ý nghĩa của bài nguyện là trí tuệ.

Như ngài Kunzang Zhalung giải thích, có ba trí tuệ: trí tuệ được tạo ra bởi sự học hỏi, được tạo ra bởi sự suy nghĩ, tìm kiếm, và được tạo ra qua thiền định. Do vậy, bất kể kết quả hay kinh nghiệm nào chúng ta đạt được đều là một dạng của trí tuệ. Nếu chúng ta là những hành giả giỏi, trí tuệ chúng ta đạt được là sự nhận biết của tánh Không (sự rộng mở), hay thật tánh của tâm. Tuy nhiên, trong trường hợp của chúng ta, phải nói rằng bất cứ những gì đạt được qua sự thực hành đều là trí tuệ – thậm chí nếu nó chỉ là kết quả của việc cho người đang đói một chút thức ăn. Một hành động như vậy gồm đủ sáu pháp ba-la-mật. Do đó, trong một ý nghĩa, sáu pháp ba-la-mật bao gồm mọi thực hành của đạo Phật và cùng lúc được bao gồm trong mỗi một hành động nhỏ nhặt của sự thực hành. Sáu pháp ba-la-mật không phải là điều bạn nên làm ở nơi nào khác hay làm một cách riêng biệt. Chúng là một phần của cuộc sống tâm linh hằng ngày và thực hành Ngondro là một ví dụ tuyệt vời.

Chúng ta phải bắt đầu từ việc phát triển tâm giác ngộ. Thật không dễ có được toàn những tư tưởng lợi ích cho tất cả chúng sanh không có sự phân biệt. Chúng ta cần phải khởi đầu từ việc phát triển lòng bi bằng cách suy nghĩ về người nào gần gũi với chúng ta và đang đau khổ. Có thể là một người bạn, một người thân hay một con vật bị bệnh, sắp chết hay bất cứ [đau khổ] nào khác. Suy nghĩ về người đó và phát triển lòng bi bằng cách mong muốn cho người đó hết đau khổ. Phát triển một cảm xúc mạnh mẽ, thậm chí có thể rơi nước mắt. Sau đó mở rộng cảm giác và dần dần hãy để nó bao trùm lên người khác. Trong cõi luân hồi không ai thoát khỏi đau khổ; do vậy, chúng ta phải cố gắng phát triển cảm xúc này hướng đến mọi người. Sau đó, nếu phát triển được một cảm xúc bi mẫn mạnh mẽ thì cuối cùng chúng ta sẽ dễ dàng nhận trách nhiệm phục vụ tất cả những bà mẹ chúng sanh. Nếu chúng ta chịu bắt đầu thì sẽ không khó, ngay cả đối với một con vật hay một người đang chịu đựng đau khổ, chiến tranh hay động đất...

Nói chung, người ta cho rằng thọ quy y là lối vào của Phật giáo, sau đó ta mới có thể nhận mình là Phật tử. Việc phát triển tâm giác ngộ giúp chúng ta bước vào con đường Phật giáo Đại Thừa.

Vào lúc kết thúc [nghi thức thực hành] phát triển tâm giác ngộ, hãy hình dung các đối tượng quy y [Tam bảo], bắt đầu từ bên ngoài dần tan hòa vào bên trong, và tất cả tan hòa vào Đức Guru Rinpoche. Sau đó Guru Rinpoche tan hòa vào chúng ta, và chúng ta tin rằng mình đã nhận được tâm giác ngộ của đối tượng quy y.

SỰ TỊNH HÓA: TỤNG NIỆM VAJRASATTVA

Việc tẩy tịnh nghiệp xấu và cảm xúc phiền não để hồi phục và củng cố giới luật là điều quan trọng, là sự kết nối đến năng lực mật truyền bên trong. Ở đây, sự tụng niệm Vajrasattva được đặt trong rèn luyện chuẩn bị, nhưng tự nó đã là một rèn luyện mật tông rất mạnh mẽ.

Để tạo hiệu quả cho sự tịnh hóa Vajrasattva, điều quan trọng là sử dụng tất cả bốn năng lực (sTobs bZhi) trong sự tẩy tịnh. Bốn năng lực này gồm năng lực hỗ trợ, Đức Vajrasattva là sức mạnh tâm linh để ta dựa vào cho sự tịnh hóa; năng lực hối hận, cảm thấy hối hận mãnh liệt về các việc làm xấu chúng ta đã phạm vào, có thể so sánh như việc dùng phải thuốc độc; năng lực cam kết, một hứa nguyện mạnh mẽ không lặp lại những hành động xấu; và năng lực giải độc, phương pháp thiền định của Phật Vajrasattva là phương tiện của sự tịnh hóa.

Sự quán tưởng là rất quan trọng trong pháp tịnh hóa Vajrasattva. Trong Phật giáo, chúng ta không thờ phụng thần tượng hay hình ảnh và không tin rằng họ có thể thay đổi cuộc sống hoặc nghiệp xấu của ta. Tuy nhiên, chúng ta quán tưởng các đối tượng và đặt các hình tượng để cúng dường. Lý do là mục tiêu chính của Phật giáo là tịnh hóa tâm thức chúng ta và phát triển nhận thức thanh tịnh, lòng bi và sự sùng kính như những khuynh hướng tinh thần. Dựng lên những hình tượng là một phương tiện phát triển những phẩm tánh tinh thần này, vì chỉ cần nhìn vào những hình ảnh bi mẫn, an bình sẽ đem lại an bình và thanh thản cho tâm thức. Chúng là nguồn lực và công cụ để khơi dậy và củng cố các kinh nghiệm tâm linh trong chúng ta. Tương tự, việc cúng dường đến các hình tượng giúp phát sinh và phát triển tư duy đạo đức, như sự rộng lượng. Bên cạnh đó việc quán tưởng và tập trung vào một hình tượng là phương tiện rèn luyện mạnh mẽ nhất trong thiền định và sự tỉnh giác. Khi ta thiếu sự kiểm soát tâm thức, sự quán tưởng có thể chỉ thoạt có thoạt không. Nhưng sự nỗ lực cố gắng quán tưởng và tập trung vào một hình tượng sẽ dần dần làm an định tâm ta và phát sinh định lực. Cùng lúc đó, sự quán tưởng và chú tâm vào khuôn mặt thanh bình, trang nghiêm, và tình thương, bao quanh bởi nhiều dấu hiệu và biểu tượng của các phẩm tánh Phật sẽ gợi cảm hứng tâm chúng ta và gợi lên các kinh nghiệm tâm linh trong ta. Nhưng nếu ta không thể quán tưởng, ta chỉ cần cảm thấy sự hiện diện của Phật Vajrasattva, cầu nguyện đến Ngài và nghĩ rằng ta đang nhận được cam lồ ban phước từ Ngài.

Trước tiên, hãy quán tưởng Phật Vajrasattva trên đầu, mặt quay về cùng hướng với chúng ta. Ngài màu trắng và tỏa sáng, giống như tuyết hay núi pha lê được hàng trăm ngàn tia sáng mặt trời cùng lúc chiếu vào. Ngài trang hoàng đầy đủ với trang phục và trang điểm của Sambhogakya trang nghiêm và đẹp đẽ. Trong tay phải Ngài cầm một chày vajra nơi ngực, biểu tượng của tánh Không và sự tỉnh giác. Trong tay trái Ngài cầm một cái chuông tựa lên hông trái, biểu tượng cho sự hợp nhất của tánh Không và hình tướng. Ngài hợp nhất với vị phối ngẫu vajra, thân tướng nữ của Vajrasattva. Bà màu trắng trong trang phục và trang hoàng của Sambhogakya. Bà cầm một lưỡi dao cong trong tay phải và một sọ người đầy ắp cam lồ trong tay trái. Mặc dù Phật Vajrasattva nam và nữ được quán tưởng trong hai hình dạng, nhưng trong thực tế các Ngài là một. Sự hợp nhất của các Ngài biểu tượng sự nhất như của các phẩm tánh nam và nữ: cực lạc và tánh Không, trong sáng và tánh Không, trí tuệ và phương tiện thiện xảo, lãnh vực tối thượng và giác tánh nội tại, đối tượng và chủ thể.

Trên một dĩa mặt trăng kích cỡ bằng một hạt mù tạt phẳng tại ngực của Phật Vajrasattva, là một chữ HṂ màu trắng được bao quanh bởi mantra 100 âm giống như một chuỗi hạt những chữ màu trắng có nét rất mảnh như thể được viết bằng một sợi tóc. Chúng ta niệm mantra một trăm âm càng nhiều, thì lòng bi của Phật Vajrasattva được cầu khẩn càng nhiều. Kết quả là, từ chuỗi một trăm âm, một dòng cam lồ bất tận nhỏ giọt, như thể sữa đông đặc bị chảy ra bởi lửa. Sau đó cam lồ cực lạc và ánh sáng đi xuống từ điểm hợp nhất của đức Phật Vajrasattva nam và nữ, và đi vào lỗ mở ở đỉnh đầu chúng ta. Cam lồ đầy tràn đầu, cổ, ngực, bụng, và toàn thân.

Khi cam lồ rót xuống, ta cảm thấy những nhiễm ô, cảm xúc và bệnh tật tất cả đều được xóa bỏ, giống như nước rửa sạch chai lọ bẩn. Tất cả tiêu cực của chúng ta đều được tẩy tịnh và rửa sạch trong dạng dơ bẩn, máu, bùn, cặn lắng, v.v.., và những thứ này rơi vào miệng mở rộng của tử thần và những người mắc nợ nghiệp của chúng ta đang chờ dưới đất. Họ đều hài lòng và những món nợ nghiệp của chúng ta đã được trả. Sau đó, khi thân thể chúng ta được tẩy rửa, một dòng cam lồ trắng tràn đầy thân giống như một cái bình đầy sữa. Hãy cảm thấy hoan hỷ, cực lạc và an bình – cam lồ ban phước của Phật Vajrasattva. Sau đó lặp lại quán tưởng này, cảm thấy sự tịnh hóa và tràn đầy ân phước.

Sau đó chúng ta cầu nguyện đến Phật Vajrasattva để tịnh hóa bằng việc sám hối và thừa nhận những vi phạm giới luật quan trọng của thân, khẩu và ý chúng ta – các nhiễm ô gốc và nhánh (hoặc suy tổn gốc và các lỗi phụ) – và khẩn cầu tịnh hóa những vết nhơ và che ám của chúng ta. Hãy suy nghĩ rằng, do nghe lời cầu nguyện của chúng ta, Phật Vajrasattva hài lòng. Ngài mỉm cười nói:, "Tất cả việc làm sai và nhiễm ô của con đã được tẩy sạch." Nhận lấy lời Ngài như năng lực của chân lý, chúng ta tin rằng mọi nhiễm ô, vi phạm giới luật được tẩy tịnh hoàn toàn và chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sau khi ban lời tha thứ, Ngài tan thành ánh sáng, sau đó tan hòa vào chúng ta. Bây giờ chúng ta trở thành Phật Vajrasattva, trong dạng nam và nữ và phẩm tánh của Vajrasattva.

Sau đó, nơi ngực của chúng ta (Vajrasattva), chúng ta quán tưởng mantra OṂ VA JRA SA TTVA HṂ trên một dĩa mặt trăng. Chữ HṂ màu xanh dương ở trung tâm, chữ OṂ màu trắng ở phía trước, chữ VAJRA màu vàng ở bên phải, chữ SA màu đỏ ở phía sau, chữ TTVA màu xanh lục ở bên trái. Từ những chữ này nơi ngực chúng ta, những chùm tia sáng phóng ra và lan tỏa vào toàn thể vũ trụ, chuyển hóa thành cõi tịnh độ của Đức Phật Vajrasattva. Rồi thì tất cả chúng sanh đều trở thành chư Phật và Bồ Tát. Thế gian không còn thô tục, nặng nề và xấu xí, mà là một xứ sở của ánh sáng, hoan hỷ, thanh bình của cõi tịnh độ Phật Vajrasattva.

Sau đó tụng niệm mantra Vajrasattva năm âm càng nhiều lần càng tốt và suy nghĩ lặp lại nhiều lần về sự chuyển hóa của thế gian. Hãy lặp lại mantra nhiều lần

Sau đó ngưng lại và thiền định yên lặng, trong lúc đó bạn tan hòa cõi tịnh độ từ ngoài vào trong. Dần dần, tất cả tan hòa vào chúng ta (Vajrasattva), và kế tiếp chúng ta hòa tan thành năm chữ của mantra tại ngực mình. Sau đó những chữ bên ngoài tan hòa vào chữ HṂ ở giữa. Chữ HṂ tan hòa từ dưới lên trên vào tánh không. Sau đó chúng ta an trú trong trạng thái của rỗng không (rộng mở).

CÚNG DƯỜNG MAṆḌALA

Hãy quán tưởng cây quy y như đối tượng của cúng dường maṇḍala. Kế tiếp quán tưởng toàn bộ vũ trụ theo vũ trụ học của Ấn Độ cổ đại về cúng dường maṇḍala thực tế. Nơi trung tâm là núi Tu-di, được bao quanh bởi bốn châu lục với mặt trời và mặt trăng, tràn đầy sự giàu có của thế gian. Sau đó hãy nhìn thấy thế giới quán tưởng không ở trong dạng vật chất phàm tục, mà là bản tánh cõi tịnh độ của Đức Phật với thanh bình, hoan hỷ, ánh sáng và trí tuệ, và cúng dường nó đến cây quy y với hoan hỷ, rộng mở, và tán thán.

Để tóm tắt, một khi chúng ta đã chuyển tâm hướng đến thực hành bốn rèn luyện chuẩn bị, chúng ta quy y và lập một thệ nguyện, phát triển tâm giác ngộ, tịnh hóa chính mình và sau đó cúng dường maṇḍala vũ trụ đến cây quy y.

Chuyển tâm cũng giống như việc xuất phát từ đường lộ và nhìn vào đền thờ, mong muốn đến đó. Quy y giống như việc đi vào đền thờ. Bây giờ ở đền thờ chúng ta cần đảm nhận công việc nền tảng là phát triển tâm giác ngộ. Nhưng chúng ta cũng cần phải tẩy tịnh đền thờ, đó là cúng dường maṇḍala – sự thực hành bố thí (rộng lượng) và các pháp tu khác trong sáu pháp ba-la-mật, tạo ra hai tích lũy là công đức và trí tuệ.

CHÁNH HÀNH PHÁP: GURU YOGA

Tất cả sự thực hành cho đến thực hành Guru Yoga, sự hợp nhất với Đức Guru Rinpoche, đều là thực hành chuẩn bị thiết yếu, ngoại trừ Vajrasattva, cũng là một rèn luyện mật tông. Guru Yoga là thực hành chính hay thực tế của Ngondrư và có thể đem chúng ta đến sự nhận biết bản tánh nội tại của tâm như đã được dạy trong giáo lý Dzogpa Chenpo và để đạt được Phật quả.

Trong rèn luyện Guru Yoga, khi nói "E MA HO" chúng ta phải thấy rằng toàn thể vũ trụ trở thành rỗng không, lãnh vực tối thượng hoàn toàn rộng mở. Từ không gian đó, giống như sự trong sáng, rỗng không, rộng mở xuất hiện cõi tịnh độ hiện diện tự nhiên của Guru Rinpoche.

Mặc dù các hình tướng của thế gian sẽ không ngưng nghỉ, nhưng khái niệm chấp ngã hay nhận thức chúng như có thật – như các đối tượng tách rời khỏi chúng ta – sẽ giảm nhẹ hay dừng bặt. Lý do chúng ta thực hành nhận thức thanh tịnh là để thay đổi cách nhìn, cách ứng xử và cảm nhận. Những pháp tu tập như quán tưởng mọi sự như một cõi Phật sẽ làm thay đổi cách chúng ta liên hệ với đối tượng và với chính mình. Cũng giống như khi chúng ta tức giận hay thất vọng, tất cả những đối tượng mà ta cảm nhận chỉ làm tăng thêm sự giận dữ hoặc nản lòng, bất kể chúng đẹp đẽ hay quý giá đến đâu; cũng vậy, nếu tâm chúng ta thanh tịnh và nhận biết, đối tượng chúng ta nhận thức sẽ được thấy như một tịnh độ.

Đây là lý do tại sao chúng ta nên thấy toàn thể thế gian như Zangdog Palri (Núi Màu Đồng), cõi tịnh độ của Guru Rinpoche. Chúng ta nên quán tưởng chính mình như Vajrayogini hay Yeshe Tsogyal, vị phối ngẫu vajra của Guru Rinpoche. Bên trên chúng ta là bầu trời, Guru Rinpoche đang ngồi trên một ngai nhật nguyệt trên một hoa sen khổng lồ ngàn cánh đang nở. Ngài trẻ trung, bi mẫn, vui vẻ, đẹp đẽ và trang nghiêm. Nếu tâm chúng ta cần gợi cảm hứng, ta nên quán tưởng Ngài to lớn tràn đầy toàn bộ bầu trời phía trước mình. Nếu tâm bị xao lãng và lộn xộn, tốt nhất nên tập trung quán tưởng Ngài nhỏ bằng kích thước của móng tay. Nếu không, ta có thể quán tưởng Ngài rộng lớn tràn đầy toàn thể không gian trước chúng ta hoặc với kích cỡ cuộc sống.

Khi tâm chúng ta mở ra sùng kính đến Guru Rinpoche, Ngài luôn ở đó để ban phước cho chúng ta. Ngài chưa từng rời đi, vì Ngài là hiện thân của Phật tánh, bản tánh thanh tịnh của chính chúng ta, chính Ngài đã nói:

Thiện nam tín nữ nào tin tưởng nơi Ta,
Ta, Padmasambhava, chưa từng rời đi đâu, mà
Ta đang đứng tại cửa nhà họ.
Không có sinh hay tử trong cuộc sống Ta,
Ngay trước mặt mỗi người đều có một Padmasambhava.

Nếu chúng ta thấy, cảm nhận, hay cư xử theo cách xấu là chúng ta tự tách biệt khỏi Guru Rinpoche, bởi vì chúng ta che giấu thật tánh và cản trở phẩm tánh thực sự của mình tỏa chiếu ra ngoài. Ngài không rời bỏ chúng ta, vì Ngài chính là thật tánh của chúng ta.

Chúng ta quán tưởng chính mình như Vajrayoginỵ để tự thấy được chính mình với nhận thức thanh tịnh, không như một người phàm tục mà như một bậc chứng ngộ. Ngoài ra, vì bà là vị phối ngẫu vajra của Guru Rinpoche, nên đó là một duyên đặc biệt giữa chúng ta và Guru Rinpoche, và sự ban phước sẽ kết quả nhanh chóng. Sự quán tưởng Vajrayoginỵ này là phương tiện thiện xảo đem lại sự hợp nhất của cực lạc và tánh Không. Ngay cả nếu bạn không thể quán tưởng Guru Rinpoche hoặc tự thân bạn như Vajrayoginỵ, thì hãy cảm thấy sự hiện diện của Guru Rinpoche và cảm nhận bạn là Vajrayoginỵ. Điều quan trọng là sự cảm nhận về sự hiện diện, lòng bi và năng lượng của Ngài. Ngài nhìn và lắng nghe chúng ta, tất cả bà mẹ chúng sanh, giống như người mẹ nhìn và lắng nghe các con. Ngài có trí tuệ thấu suốt cùng lúc toàn khắp mọi chi tiết của vũ trụ, có năng lực để tịnh hóa mọi nhiễm ô của chúng ta và năng lực ban mọi thành tựu thông thường và phi thường cùng lúc, nếu chúng ta chuẩn bị rộng mở đón nhận. Do vậy, với lòng sùng kính và niềm tin từ tận đáy lòng chúng ta nhất tâm cầu nguyện, giống như đứa trẻ dựa tất cả vào sự nuôi dưỡng của mẹ. Sau đó chúng ta tiếp nhận ban phước trong dạng cực lạc, ánh sáng ấm áp và tin rằng chúng ta đã nhận được sự ban phước của Guru Rinpoche, mọi bất tịnh trong chúng ta đã được tịnh hóa, và mọi mong ước đều được đáp ứng. Toàn thể vũ trụ tràn đầy năng lượng ban phước an bình, thịnh vượng và giác ngộ. Qua niềm tin rằng năng lực của Guru Rinpoche sẽ đến chúng ta và mọi năng lượng tích cực sẽ gia tăng nhiều lần.

Nhưng nếu tâm ta khép kín thì chẳng ai có thể giúp chúng ta tự giúp mình. Vậy trọng tâm là phải mở rộng tâm và tấm lòng chúng ta trong các kinh nghiệm tâm linh và phát triển niềm tin vào đó. Dĩ nhiên chúng ta phải tin trong cách thích hợp, với mục tiêu đúng đắn, sử dụng một hình thức và hỗ trợ thích hợp. Nếu làm như vậy, thì do năng lượng tích cực, niềm tin, sự giao phó của mình, chúng ta sẽ có thể nhận được sự ban phước và thành tựu. Do vậy, điều quan trọng là nhận thức thanh tịnh và niềm tin nơi Guru Rinpoche, nhìn thấy Ngài như hiện thân của tất cả chư Phật, Bồ Tát, thánh nhân, và các vị hiền triết – như suối nguồn của sự an bình, sức mạnh và lòng bi. Có niềm tin rằng chúng ta đã được tịnh hóa và nhận được ban phước là điều quan trọng. Mọi ban phước tâm linh và thành tựu đều xuất phát từ tâm và thông qua tâm. Nếu tâm chúng ta kháng cự, ngăn chận, hay không chấp nhận và không tin tưởng, thì chúng ta sẽ có được rất ít hoặc không có gì. Thế nên, chúng ta phải cố gắng mở rộng tâm vì lợi ích của chính mình và có niềm tin cũng vì lợi ích của chính mình.

BÀI NGUYỆN VAJRA BẢY DÒNG

Bài nguyện này có nhiều ý nghĩa và đưa ra nhiều trình độ thực hành. Chúng ta tụng niệm bài nguyện này để cầu thỉnh Guru Rinpoche và tất cả Bổn tôn, để khẩn cầu tâm bi mẫn, để nhận được ban phước, để thấy chúng ta bất khả phân với các Ngài và để hợp nhất chính chúng ta với tâm giác ngộ của các Ngài.

BẢY PHƯƠNG DIỆN CỦA SỰ THỰC HÀNH SÙNG KÍNH

Sau khi quán tưởng Đức Guru Rinpoche với tập hội các vị linh thiêng và cầu thỉnh các Ngài với việc tụng niệm Bài Nguyện Vajra Bảy Dòng, giờ đây chúng ta tỏ lòng tôn kính đến Ngài bằng việc đảnh lễ, như thể có những vị khách mời quan trọng, chúng ta sẽ chào đón và đối xử với sự tôn vinh.

Chúng ta có thể tự quán tưởng trong vô số hiện thân – nhiều vô kể như số nguyên tử trong vũ trụ. Chúng ta quán tưởng vô số chư Phật với các cõi tịnh độ của Ngài trên từng nguyên tử của vũ trụ. Chúng ta kính lễ các Ngài bằng việc dùng thân đảnh lễ, dùng lời tôn kính và phát triển ý thức sùng kính.

Thứ hai, chúng ta cúng dường, điều này có hai khía cạnh – bày biện lễ cúng dường thực tế và quán tưởng cúng dường. Nếu bạn bày biện đồ cúng dường thực sự thì rất tốt. Nhưng nếu bạn không làm được thì hãy quán tưởng và nghĩ rằng toàn bộ không gian trước sự nhận thức của bạn – toàn thể vũ trụ – đang tràn đầy vật chất đẹp đẽ, các nguồn hoan hỷ, an bình và trí tuệ, và cúng dường tất cả những thứ ấy lên Guru Rinpoche và các vị khác.

Thứ ba, chúng ta sám hối và tịnh hóa trong Pháp Thân quang minh thanh bình và rộng mở tối thượng mọi che ám của thân, khẩu, và ý tạo ra bởi tâm bị lừa dối, đó là trạng thái tối hậu của tâm và thật tánh của vũ trụ, thoát khỏi mọi khái niệm và bản ngã.

Thứ tư, chúng ta hoan hỷ và tôn vinh bằng việc phát sinh đại hoan hỷ và hoàn toàn hạnh phúc về mọi hạnh phúc, thịnh vượng và giác ngộ của người khác, không có bất kỳ sự lưỡng lự hay ganh tị nào.

Thứ năm, chúng ta khẩn cầu chư Phật và những vị thầy tâm linh chuyển Pháp luân để đáp ứng các nhu cầu của chúng sanh tùy theo khả năng của họ.

Thứ sáu, chúng ta cầu nguyện các bậc linh thánh, chư Phật và hiện thân của các Ngài, hiện tại vẫn trụ lại không nhập Niết-bàn để là suối nguồn lợi ích cho những bà mẹ chúng sanh.

Thứ bảy, chúng ta hồi hướng hay cho đi tất cả công đức đã tích lũy cho tất cả bà mẹ chúng sanh để công đức có thể trở thành nguyên nhân cho hạnh phúc và sự đạt được Phật tánh của họ.

CẦU NGUYỆN SÙNG KÍNH

Các bài nguyện này là để mở rộng tâm thức và tấm lòng của chúng ta trong sự sùng kính nhiệt thành và để cầu khẩn lòng bi của Guru Rinpoche và tất cả các bậc giác ngộ. Các cầu nguyện này rất hùng mạnh, truyền cảm hứng, và rất hay. Trong tiểu sử Ngài Patrul Rinpoche có viết rằng khi Ngài Dodrupchen đệ tam học chung với Ngài, ông thường nghe giọng của Patrul Rinpoche qua vách tường tụng niệm các dòng cầu nguyện này liên tục. Dường như đây là những cầu nguyện và thực hành chính của Ngài. Hãy để tâm chúng ta được truyền cảm hứng bởi những dòng này và sử dụng chúng như một cầu khẩn mạnh mẽ về Guru Rinpoche.

MANTRA CỦA GURU RINPOCHE

Tụng niệm hay hát và lặp lại mantra siddhi (thành tựu) như sự cầu nguyện, tôn kính, như hơi thở, tư duy, và thiền định. Niệm mantra giống như tiếng khóc của đứa bé cần sự quan tâm của người mẹ, Guru Rinpoche. Niệm mantra cầu nguyện như một bài hát của sự tôn vinh và công bố sự hoan hỷ được ở trong sự hiện diện ấm áp của Guru Rinpoche và được hợp nhất tâm linh với Ngài.

Hãy nghĩ rằng do tụng niệm mantra, tâm bi của Guru Rinpoche được gợi cảm hứng, và Ngài gửi những chùm tia sáng nhiều màu khác nhau để đáp lại. Chỉ nhờ tiếp xúc với ánh sáng, chúng ta cảm thấy an bình, nhiệt thành, cực lạc, và rộng mở trong mọi bộ phận cơ thể và trong mọi phương diện của nhận thức. Tất cả những che ám trí tuệ và cảm xúc của chúng ta đều được tẩy tịnh, và chúng ta được tràn đầy những kinh nghiệm giác ngộ của tâm Guru Rinpoche. Ánh sáng tràn đầy toàn thân chúng ta với an bình, cực lạc, ấm áp, và hoan hỷ. Sau đó thân chúng ta chuyển thành thân ánh sáng, sự ban phước của Guru Rinpoche. Toàn bộ thế gian tràn đầy ánh sáng ban phước của an bình, hoan hỷ, yên tĩnh và cực lạc.

Lặp lại nhiều lần sự quán tưởng, phát triển niềm tin, tiếp nhận ban phước trong dạng ánh sáng, sự tịnh hóa của toàn bộ thế gian, và sự đạt được kinh nghiệm giác ngộ nhờ tất cả chúng sanh.

BỐN QUÁN ĐẢNH

Vào phần cuối buổi thực hành, chúng ta tiếp nhận bốn quán đảnh từ Guru Rinpoche trong dạng ánh sáng. Những ánh sáng ban phước này là ban phước thân của Guru Rinpoche cho thân chúng ta, ban phước ngữ cho ngữ chúng ta, ban phước ý cho ý chúng ta (hay tư duy), và ban phước trí tuệ vajra cho nền tảng phổ quát của chúng ta. Ánh sáng ban phước tịnh hóa mọi nhiễm ô và cho chúng ta có khả năng với những phẩm tánh và tâm vajra của Guru Rinpoche.

SỰ HỢP NHẤT

Giai đoạn kết thúc của thực hành Guru Yoga là sự hóa tán hay hợp nhất. Thiền định về sự hóa tán không chỉ là bước quan trọng nhất dẫn đến nhận biết của Dzogpa Chenpo, mà theo Ngài Gyalse Zhenphen Thaye và các vị thầy khác, nó là phương tiện hùng mạnh và nhanh chóng để viên mãn sự nhận biết của Dzogpa Chenpo.

Trước tiên, hãy thấy khuôn mặt nở hoa của Guru Rinpoche với nụ cười tươi và mắt Ngài chuyển động với lòng bi thương yêu. Như một kết quả, một ánh sáng đỏ rực rỡ với sự ấm áp từ Guru Rinpoche đến chúng ta. Chỉ nhờ tiếp xúc ánh sáng ban phước, chúng ta cảm thấy cực lạc trong tâm và thân. Ánh sáng làm chúng ta tan thành một quả cầu ánh sáng đỏ của đại lạc, có kích thước bằng hạt đậu, đó là sự bất khả phân của tâm và năng lượng. Giống như tia lửa, nó bắn lên và hòa nhập vào ngực Guru Rinpoche và chúng ta trở nên bất khả phân với tâm giác ngộ của Ngài, giống như giọt nước hòa vào biển cả.

Sau đó, với sức mạnh của lòng sùng kính và niềm tin, hãy cảm nhận và tin rằng tâm chúng ta trở thành một với tâm của Guru Rinpoche và nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của tâm không có bất kỳ niệm tưởng nào (vô niệm). Ở đây, chúng ta có thể thiền định về Dzogpa Chenpo tùy theo bất cứ hướng dẫn và kinh nghiệm rèn luyện nào chúng ta đã nhận trong quá khứ. Vì thiền định Dzogpa Chenpo phải tùy thuộc một cách nghiêm ngặt vào bản chất và kinh nghiệm riêng của chúng ta, và vì mỗi cá nhân đều khác nhau, nên việc cố gắng giải thích tóm tắt về cách thiền định như thế nào sẽ không ích lợi gì.

Sự sùng kính là rất quan trọng trong rèn luyện này. Nếu có niềm tin rất mạnh, chúng ta sẽ có rất nhiều năng lượng, để khi tự mình hòa tan vào Guru Rinpoche chúng ta có thể có một kinh nghiệm tuyệt diệu, như cảm giác giải thoát, rộng mở, cực lạc và sảng khoái, giống như một người được giải thoát sau khi bị mắc kẹt trong nhà một thời gian dài.

KẾT LUẬN

Thiền định Ngondro bao gồm sự hồi hướng công đức và lập nguyện khao khát. Là những người đi theo con đường Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa, chúng ta khởi đầu thiền định Ngondro với sự phát triển tâm Bồ-đề, tức là ý nguyện tu tập vì lợi ích của tất cả bà mẹ chúng sanh. Bây giờ, chúng ta kết thúc bằng việc hồi hướng hay cúng dường mọi công đức chúng ta đã có được trong quá khứ, công đức chúng ta sẽ tạo ra trong tương lai, và nhất là công đức hiện nay chúng ta tích lũy nhờ giới thiệu thiền định Ngondro cho mỗi một và tất cả bà mẹ chúng sanh. Chúng ta làm như vậy không có bất kỳ sự vị kỷ và mong đợi đền đáp nào.

Cho đi công đức khó kiếm được của chúng ta đến tất cả một cách công bằng với tình thương và sự rộng lượng có ba kết quả chính. Thay vì làm giảm công đức, sự hồi hướng trong thực tế gia tăng công đức lên rất nhiều lần. Sự hồi hướng công đức làm lợi ích cho tất cả chúng sanh nào rộng mở với hiệu quả của nó. Nhờ hồi hướng công đức, chúng ta bảo tồn công đức không bị hủy hoại bởi các lực cảm xúc tiêu cực và việc làm sai trái của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta có thể cúng dường công đức của mình đến chư Phật. Do làm như vậy, công đức sẽ tăng trưởng và điều quan trọng là được bảo vệ không bị hư hoại.

Với sự hồi hướng công đức như hạt giống, chúng ta phải lập nguyện khao khát rằng điều này sẽ đem lại mọi hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả bà mẹ chúng sanh và cho chính chúng ta một cách không ích kỷ. Kết quả của công đức tùy thuộc vào nguyện khao khát chúng ta đã lập. Ngài Dodrupchen đệ tam khai thị: "Đừng khiêm tốn trong việc lập nguyện khao khát." Đại lễ công khai và quan trọng nhất ở Tây Tạng thường là lễ Monlam (nguyện khao khát) ở Lhasa. Trong suốt nghi lễ này, hàng ngàn vị tăng tụng niệm nhiều bài nguyện mong ước khác nhau và thiền định về chúng trong nhiều tuần. Sự hồi hướng và nguyện khao khát hùng mạnh thậm chí chuyển một công đức nhỏ nhất thành một hạt giống của vô số kết quả hạnh phúc, an bình và trí tuệ cho số lớn rất nhiều chúng sanh.


« Sách này có 17 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Phúc trình A/5630


Giai nhân và Hòa thượng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.196.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...