Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 »» 13. NGUYỄN THỊ HÀN (1940 - 2015) 75 tuổi »»

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3
»» 13. NGUYỄN THỊ HÀN (1940 - 2015) 75 tuổi

Donate

(Lượt xem: 1.177)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chuyện Vãng Sanh - Tập 3 - 13. NGUYỄN THỊ HÀN (1940 - 2015) 75 tuổi

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bà Nguyễn Thị Hàn sinh năm 1940, nguyên quán tại Thanh Hóa. Bà chỉ có một ông anh duy nhất. Do chân bị tật ngay thuở nhỏ nên bà không lấy chồng mà chung sống với gia đình người con trai của anh mình, cư ngụ tại 76 Đường Đông Bắc, khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Tính tình bà hiền lành, vui vẻ hài hòa, thật thà chất phác.

Bà rất khéo tay, dường như mọi chuyện bà đều làm được, từ may vá, giặt giũ, cho đến việc phơi y phục trên cao, bà cũng tự chế cây móc treo lên và lấy xuống, ngay cả xe lăn cũng tự thiết kế cho mình sử dụng.

Mặc dù tàn tật nhưng bà tự chăm sóc mình, và hầu như bất cứ việc gì cũng không nhờ vả đến các cháu, từ lúc sống cho tới lúc mất.

Vợ chồng người cháu có bốn đứa con, hai trai hai gái, hằng ngày cả hai vợ chồng đều đi làm, nên bốn đứa nhỏ do một tay bà chăm sóc từng miếng ăn, từng miếng uống, từng giấc ngủ… trải suốt quãng đời ấu thơ, nên chúng hết sức gắn bó thân thiết với bà, thậm chí tình cảm mà chúng đối với bà thân thiết hơn cả mẹ ruột của chúng.

Một hôm cậu Ba (một trong 4 người cháu) đọc quyển sách “Đại nguyện lực thứ 18-19 của Đức Phật A Di Đà do thầy Thiện Thuận giảng giải” thấy hay quá, liền mang đến giới thiệu cho bà và khuyên bà niệm Phật, để khi giã biệt cõi đời mình sẽ sinh về Tây Phương Cực Lạc cùng kiếp vị lai vĩnh viễn lìa khổ hưởng vui. Khi xem xong, thiện căn quá khứ đột nhiên khởi phát, bà liền vui vẻ làm theo không chút do dự dần dà!

Kế đó cậu Ba lại tiếp tục tuyển chọn băng đĩa: “Khuyên người niệm Phật” của cư sĩ Diệu Âm những đoạn dễ hiểu nhất cho bà nghe. Rồi lần lượt thứ tự công khóa hành trì, cách thức phát nguyện, hồi hướng ra sao nhất nhất đều tận tường hướng dẫn cho bà, đồng thời khuyên bà phát tâm chay trường, bà vô cùng hoan hỷ chăm chỉ thực hành. Cậu còn trang trí cho bà một Niệm Phật Đường, tuy không rộng rãi khang trang nhưng tương đối sạch sẽ và yên tĩnh, trong ấy có treo một tấm ảnh Đức Từ Phụ A Di Đà. Kể từ đó bà dứt hết mọi thói quen trước kia, như xem ti vi hoặc đọc sách báo những khi nhàn rỗi, lúc này bà đã 72 tuổi, từ hồi nào tới giờ bà chưa từng biết Phật Pháp là gì, bà chỉ là người chân thật thiện lương mà thôi!

Cậu Ba thường xuyên ghé thăm bà, nhất là mỗi lần đi làm việc về. Điều gì không hiểu bà đều nhờ cậu giải quyết, có lần bà hỏi:

- Mình không đi chùa Phật có rước chăng?

Cậu trả lời:

- Bà xem trong nguyện thứ 18, 19 Đức Phật A Di Đà đâu có nói rằng: ‘không đi chùa Ta không rước’, phải không? Cho nên chí tâm, thành tâm tin ưa niệm danh hiệu Ngài, thì Ngài rước, chả liên quan gì đến việc đi chùa hay không đi chùa. Tuy nhiên, nếu mình có điều kiện đến chùa lễ Phật, nghe pháp được thì rất tốt, rất bổ ích. Vì nó giúp cho mình hiểu rõ Phật Pháp nên lòng tin sẽ sâu hơn, nguyện khẩn thiết hơn, hiệu quả vãng sanh cao hơn!

- Ừ!

Cụ lại hỏi:

- Chân tật như vầy không quỳ lạy được, biết làm sao?

- Không hề chi, quỳ lạy chỉ là hình thức; dùng tâm chí thành cung kính mà niệm Phật mới quan trọng. Bây giờ bà ngồi bà xá cũng được rồi, Phật cũng chứng biết cho mình, chứ không sao đâu!

- Bây giờ chưa có pháp danh…

- Có pháp danh hay không, không quan trọng. Đức Phật Ngài nguyện tiếp dẫn chúng sanh nào đầy đủ tín nguyện hạnh về cõi nước của Ngài. Chúng sanh ở đây chỉ cho tất cả các loài có tình thức, các loài bò bay xuẩn động. Chứ không chỉ dành riêng cho đệ tử Phật, hay chỉ dành riêng cho loài người không thôi. Nhưng mà khi nào đủ duyên con sẽ mời quý thầy hoặc quý cô về đây quy y cho bà! Bà cứ an tâm chuyên lo niệm Phật là được rồi!

Bà tự qui định thời khóa cho mình, rồi tuân thủ theo hết sức nghiêm nhặt, bằng mọi giá duy trì đều đặn thời gian mà mình đặt ra. Bà có thể ngồi niệm Phật một lèo hai đến ba giờ đồng hồ, đây quả là trường hợp vô cùng hiếm có khó được; bởi vì thông thường người niệm Phật thâm niên có được niềm vui của định mới có thể ngồi được lâu như vậy, nếu không thì 30 đến 60 phút cũng đã là ít thấy xảy ra.

Những giờ nghỉ thì bà nghe ‘Khuyên người niệm Phật’ của cư sĩ Diệu Âm, hoặc kinh Vô Lượng Thọ do thầy Trí Thoát tụng, ngoài ra không xen tạp thứ nào khác, đúng như phương hướng: “nhất môn thâm nhập - trường thời huân tu” mà hòa thượng Tịnh Không thường hay tán thán trong những bài pháp thoại của Ngài.

Qua một thời gian, cậu Ba thấy dường như bà đã cố sức quá, nên mới khuyên:

- Niệm Phật thì mình không cần phải ngồi quá nhiều, khi nào thấy mệt thì bà cứ nằm xuống. Nằm niệm chán rồi thì mình cứ ngồi dậy niệm. Mệt thì cứ nghỉ ngơi một chút, chừng thấy khỏe thì niệm trở lại. Hoặc là xen kẽ với nghe pháp, miễn sao thoải mái, thân tâm an lạc thanh tịnh là được!

- Chừng nữa, gần lâm chung cháu phải mời Ban Hộ Niệm đến để trợ niệm cho bà nghen!

- Bà hãy an tâm, cháu sẽ lo chu toàn việc ấy. Quan trọng là ngay bây giờ bà phải niệm Phật cho tốt trước đã.

Như lời khuyên dạy của Cổ Đức:

“Không lo xa cũng lo gần,
Đừng chờ đến việc chần ngần mới lo.
Chẳng trồng thì chẳng trái cho,
Không tu thì Phật không phò hộ đâu.
Nghiệp chi cũng phải đáo đầu,
Lành thì được phước, dữ đâu khỏi nàn.
Dù là tướng tá vua quan,
Khó mong lấy sức thế gian chống trời.
Xưa nay thường kẻ ở đời,
Càng gian ngoan lắm càng dời họa to.
Cho nên cần phải xét đo,
Ngõ hầu tránh tội ác cho đời mình.
Người tu càng phải giữ gìn,
Tránh điều cố ý vô tình phạm sai.
Nếu không xong được bữa nay,
Cũng là cố gắng đến mai cho rồi.
Cát kia dễ lở còn bồi,
Tất nhiên người quyết chí thời sẽ nên.
Việc chi cũng ở chí bền,
Chí bền ấy vốn là nền thành công.
Xin đừng cầu cạnh mênh mông,
Nên hư tự hỏi lấy lòng chắc hơn.
Phàm nhơn hoặc giả Thánh nhơn,
Từ lòng bền dẻo tiến thân của người.
Không nao núng chẳng biếng lười,
Tất là thành tựu như người ước ao.
Núi cao leo mãi hết cao,
Đường xa bước mãi thì nào còn xa.
Phật khuyên tuy khó làm ra.
Cố làm nay chẳng xong là mai xong.
Miễn là người được thành lòng,
Tất là những việc ước mong sẽ thành.
Muốn sao thì phải y hành,
Không hành thì việc khó thành như tâm.
Tuy là đạo pháp cao thâm,
Lòng người cương quyết thì làm được ngay.
Kệ kinh đã có chỉ bày,
Không tu vì quá mê say tuồng đời.
...
Thế trần buông, ắt thảnh thơi,
Tây Phương Cực Lạc là nơi thanh nhàn.
Hãy nhanh chân cất bước sang,
Thoát vòng sinh tử sen vàng phóng quang.
Phật chờ nơi cõi Liên Bang!

******

Lần nọ tình cờ cậu Ba đọc được lời dạy của Tổ sư Ấn Quang về ‘Thập Niệm Ký Số’ như sau:

“Niệm Phật khó quy nhất, phải nhiếp tâm niệm kỹ. Phép nhiếp tâm không gì hơn chí thành, tha thiết, nếu không chí thành mà muốn quy nhất ấy là điều rất khó. Đã chí thành, niệm còn chưa thuần, phải lắng tai nghe. Không luận niệm thầm hay ra tiếng, đều phải niệm khởi từ tâm, tiếng ra từ nơi miệng rồi lại vào tai. Tâm và miệng rành rẽ, tai nghe rõ ràng, nhiếp tâm như thế vọng niệm tự dứt. Nếu làn sóng vọng tưởng dâng trào quá mạnh, nên dùng pháp “Thập niệm ký số”, đem hết tâm lực chuyên vào câu niệm Phật, dù muốn khởi vọng cũng không có xen hở để nổi lên. Pháp này nhiếp tâm rất tuyệt diệu. Tôi nhiều phen dùng thử mới biết là rất hiệu nghiệm. “Thập niệm ký số” là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, không được dùng chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm luôn một mạch mười câu thấy khó thì phân làm hai hơi, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu hoặc còn thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười. Cần để ý: Niệm rõ ràng, nhớ rõ ràng và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng pháp này lâu sẽ được nhất tâm. Chỉ những khi nào làm việc, hoặc khó ký số nên khẩn thiết niệm suông, đợi lúc xong việc lại nhiếp tâm ký số. Như thế thì vọng tưởng không còn tung hoành, bởi tâm chuyên chú an trụ vào danh hiệu Phật.”

Vì nhận thấy hoàn cảnh của bà có thể ứng dụng được, do bà không bị gia duyên bận buộc, và ít tiếp xúc với bên ngoài, nên cậu liền đem giới thiệu cho bà. Ban đầu niệm từ 1 đến 10. Sau đó bà cho biết là không làm được. Cậu bèn y theo lời Ấn Tổ dạy, sụt xuống bậc trung, là niệm từ 1 đến 5, rồi từ 6 đến 10. Sau đó bà cũng lại cho biết rằng mình không làm nổi. Cậu bèn y theo lời Ấn Tổ dạy, sụt xuống bậc hạ, là niệm từ 1 đến 3, rồi từ 4 đến 6, rồi từ 7 đến 10. Thời gian sau thì bà cho biết cách thức ấy thì bà làm được. Kể từ đấy bà chuyên hành theo ‘Thập Niệm Ký Số’ này.

Không bao lâu sau đó, cách bậc hạ bà hành trì nhuần nhuyễn rồi thì bà chuyển lên bậc trung. Khi bậc trung tương đối thuần thục rồi bà niệm được một hơi từ 1 đến 10 luôn. Có lần bà diễn tả, lắm lúc phải niệm đến độ run cả người mới ký số được.

Bà chỉ một bề lo tu, mọi thứ hình như chẳng hề quan tâm. Tới giờ ăn, bà ra, có chi dùng nấy, các cháu nấu món nào ăn món đó, chưa từng đòi hỏi, chê khen. Bà thường nói:

- Thôi kệ, ăn đại cho xong đặng vào niệm Phật!

Đôi lúc ra dùng cơm thấy các cháu đang bàn cãi, lo lắng, bối rối về vấn đề nào đó, bà liền khuyên:

- Mấy đứa cứ niệm Phật đi! Rồi gia đình sẽ bình an, mọi chuyện đều ổn thôi, không có gì hết, đừng lo!

Lâu dần, nhờ niệm Phật tâm được thanh tịnh nên trí tuệ bà khởi phát, mỗi lần ghé thăm sách tấn và đem Phật Pháp giảng giải cho bà nghe, thì cậu Ba phát hiện ra một điều là sự hiểu biết của bà tiến bộ nhanh chóng đến độ không thể ngờ được.

Lần nọ cô cháu dâu cung thỉnh ni sư chùa Long Vân thuộc huyện Long Thành về tư gia làm lễ quy y Tam Bảo cho bà, bà được ni sư đặt pháp danh là Quảng Tân.

Khi có những người quen ghé thăm bà đều khuyên họ niệm Phật, không quên tặng họ quyển kinh Vô Lượng Thọ trước khi ra về, vì vậy cậu Ba thỉnh nhiều bổn kinh để sẵn cho bà làm quà.

******

Vào năm 2014, một hôm người cháu dâu phát hiện vùng ngực của bà có vấn đề nên tức tốc đưa đến bác sĩ để khám. Qua quá trình khám nghiệm bác sĩ chẩn đoán là bà bị ung thư vú đã di căn. Xét thấy bệnh ung thư ở giai đoạn đầu có thể xử lý bằng xạ trị, hóa trị hoặc giải phẫu, còn giai đoạn cuối đã di căn thì chẳng hiệu quả gì bao nhiêu, chỉ tăng đau đớn thêm cho bệnh nhân mà thôi. Vả lại, bà đã 74 tuổi, lứa tuổi cổ lai hy rồi, nên án binh bất động vẫn là tốt nhất! Do đó các cháu bà thống nhất quyết định hộ niệm cho bà vãng sanh, mọi việc vẫn giữ bình thường để cho bà yên tâm niệm Phật.

Vì cậu Ba và người chị là cô Hai Cúc đều là thành viên Ban Hộ Niệm của đạo tràng Phước Ngọc, nên đã mời đạo tràng đến hiệp cùng gia đình cộng tu với bà cứ một hoặc hai tuần một lần, mỗi lần là hai tiếng đồng hồ, bởi thể lực của bà lúc này còn rất khỏe. Bà rất tinh tấn và vô cùng hoan hỷ ngồi suốt buổi khi cộng tu với mọi người.

Cộng tu như thế gần một năm trôi qua, ngực bà bắt đầu sưng to lên, vùng sưng có màu đen. Hỏi bà đau lắm không, bà cho biết chỉ ngưa ngứa, hay hơi nhột nhột chứ không đau. Gia đình đưa bà ra nhà chính, để tiện bề chăm sóc và trang trí hình Phật xung quanh, đạo tràng đến cộng tu liên tục mỗi ngày, trải qua ba tháng sau bà mới qua đời.

Có lần cậu Ba hỏi bà:

- Bà có sợ chết không, thưa bà?

- Chỉ sợ khi chết rồi không được về với Phật thôi, chứ chết thì bà không sợ!

- Bà đừng có sợ, có lo như vậy, vì Đức Phật A Di Đà đã phát nguyện rước những chúng sanh nào muốn về cõi nước của Ngài, ai thành tâm thiết tha niệm danh hiệu Ngài, Ngài sẽ không bỏ sót bất cứ một chúng sanh nào cả. Bà phải tin tưởng như vậy, tin tưởng một cách tuyệt đối, nhất định được về thế giới của Ngài thôi!

Thỉnh thoảng bà hay nói: “Sao lâu quá mà chưa thấy Phật đến rước?”, và nhiều lần khác nữa đại ý đều tương tự như vậy.

Thấy tín tâm của bà chưa được vững vàng, nên cậu Ba phải đến bên cạnh tìm đủ mọi lời khuyến dụ an ủi sách tấn, củng cố tín tâm cho bà mỗi ngày. Bà hỏi:

- Bà niệm Phật như vậy mà không biết Phật có rước bà về Cực Lạc hay không?

Cậu đáp:

- Bà đừng nghĩ như thế! Nếu bà còn nghĩ như thế, có nghĩa là niềm tin của bà chưa sâu, chưa chân thật. Đức Phật A Di Đà không nói dối ai điều gì, Ngài hứa thì Ngài giữ lời. Người quân tử ở thế gian mà còn biết giữ chữ tín, huống hồ gì là Phật. Bây giờ bà thật sự muốn về cõi nước của Ngài, bà đã tha thiết niệm danh hiệu Ngài thì không có lý do gì mà khi lâm chung Ngài không tiếp dẫn. Bà phải tin tưởng một cách tuyệt đối, không nên có tâm nghi ngờ. Từ nay trở đi bà đừng khởi niệm nghi ngờ nữa, đừng suy nghĩ điều gì khác, chỉ chuyên tâm niệm Phật, cái gì đến hãy cứ để cho nó đến. Hơn nữa tuổi già thì ai cũng phải bệnh, mà hễ bệnh tất nhiên thân thể phải có đau đớn. Khi đau đớn thì mình không nên chú ý đến nó, mà càng đau thì càng nhớ Phật, niệm Phật nhiều hơn để vượt qua cơn đau!

Mưa dầm thấm đất, niềm tin tương đối hồi phục dần, bà niệm Phật ngày càng khẩn thiết hơn.

Ngày 27 tháng 11 năm 2014 (trước lúc bà mất 20 ngày) chỗ sưng đau nhức dữ dội, nhưng thời gian chỉ khoảng vài mươi giây rồi hết, đồng thời ra máu thật nhiều, độ chừng nửa lít, chân và tay dần dần phù to lên. Chỗ sưng nơi ngực lớn và dài ra, lại có ba chấm trông giống y như mõm con chó, được thân quyến cho biết thuở xưa chị dâu của bà bệnh nặng trước khi chết thèm ăn thịt chó, nên bà đã giết một con chó đang nuôi trong nhà, có lẽ giờ đây nó theo bà để báo oán.

Từ đó trở đi cơn đau nhặt hơn, nhưng chưa bao giờ nghe bà rên than; càng đau dữ dội càng niệm khẩn thiết hơn, vừa niệm vừa nguyện cầu:

- A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Xin Đức Phật A Di Đà rước con về Cực Lạc, Phật cho con về đi, ở đây khổ lắm rồi,… Phật A Di Đà ơi! Con đau lắm rồi, Ngài cho con về cõi nước của Ngài đi! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Xin Đức Phật A Di Đà rước con về Cực Lạc!...

Có hôm sau khi cộng tu xong, hơn 9 giờ tối mọi người đã ra về, bà mới nói với cậu Ba:

- Bữa nay niệm chỉ có hai ngàn mốt, ít hơn đêm qua. Đêm hôm qua niệm được hai ngàn tư!

Cậu giật mình, hỏi:

- Sao bà biết? Cháu đâu có thấy bà lần chuỗi đâu!

- Thì cứ mười mười… cứ mười mười!

******

Ngày mùng 7 tháng 12 (trước lúc bà mất một tuần), cô Út như thường lệ tới thay băng cho bà, khi vén vết thương ra vừa nhìn thấy, cô thất kinh hồn vía lông tóc dựng đứng liền bỏ chạy đến trước bàn Phật để đảnh lễ, trong khi đảnh lễ thì nghe âm thanh mèo kêu vọng lại bên tai, âm thanh được phát ra từ căn phòng mà trước kia hằng ngày bà ngủ nghỉ nơi ấy.

Số là khi vừa vén vết thương ra để làm vệ sinh, cô không thấy là vết thương như mọi khi, mà cô thấy rõ ràng là mặt con mèo hiện lên trên ngực của bà. Sau đó hỏi ra, bà cho biết thuở xưa bà đã từng giết một con mèo.

Nhờ Ban Hộ Niệm hướng dẫn từ đó mỗi khi ngồi niệm Phật bà thường khấn cầu:

- Tất cả các chúng sanh ơi! Ngày xưa do vì si mê tôi đã lỡ sát hại chư vị, gây khổ đau cho chư vị, bây giờ gặp Phật Pháp nên tôi biết đó là lỗi lầm, sai trái của mình, mong chư vị tha lỗi cho tôi và hãy cùng niệm Phật với tôi, đồng cầu sanh Tây Phương, đồng thành Phật đạo. Bây giờ tất cả chúng ta cùng ngồi niệm Phật nhé!

Những cơn ngặt mình thường xuyên xảy ra, bốn người cháu hay quây quần quanh bên bà để chia sớt phần nào sự khốn đốn khó kham nhẫn, chúng vừa niệm Phật vừa xoa bóp tay chân cho bà. Đôi khi phải ôm từ phía sau nâng bà lên cho dễ thở hơn vì ngực sưng to nằm ngửa rất khó thở. Khi qua cơn mệt, cơn ngặt mình thì âm thanh niệm Phật của bà vẫn vang dội bình thường.

Đêm 16 tháng 12 năm 2015, cũng như thường lệ cộng tu với đại chúng, sức khỏe bà hôm nay thật tốt, bà ngồi suốt buổi. Hơn 9 giờ tối chư vị trong Ban Hộ Niệm kéo nhau ra về, các cháu bèn vây quanh vừa ăn rau câu dừa, vừa nói chuyện với bà. Bà ăn ngon lành, gần hết rau câu trong một trái dừa, nhìn gương mặt của bà cười, toát ra nét nhân từ hiền lành vui tươi, các cháu bà vô cùng kinh ngạc dường như chưa bao giờ được nhìn thấy hình ảnh thế này.

Hôm sau, vào lúc gần 4 giờ sáng cơn đau dữ dội lại xuất hiện, đây là lần thứ ba, bà mặc dù mệt lắm nhưng vẫn niệm Phật theo mọi người, chỗ sưng tuôn máu ra rất nhiều, ướt cả lớp áo tràng bên ngoài, cháu bà kê bọc hứng, chừng được khoảng 1/3 bọc thì đổi bọc khác. Cậu Ba bèn bước lên giường ngồi sau cho bà tựa lưng vào. Trong lúc cậu đang to tiếng niệm Phật, bà nói:

- Niệm nhỏ lại, xa lỗ tai bà ra!

Vì máu bà ra nhiều quá đẫm ướt sang cả y phục của anh nên tâm trí lâm cơn giao động mãnh liệt, chẳng nghe rõ, cậu bèn hỏi bà, bà lập lại:

- Niệm nhỏ lại, xa lỗ tai bà ra!

Rồi bà vẫn niệm Phật liên tục:

- A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Phật ơi, Phật rước con về Tây Phương Cực Lạc đi!

Đến khoảng hơn 5 giờ 30, bà xoay mặt kê miệng sát vào lỗ tai cậu Ba, rồi nói:

- Các cháu ơi, bà về với Phật đây!

Nói xong, đầu bà gục xuống. Âm thanh tuy nhỏ nhưng rõ ràng, nhẹ nhàng, phưởng phất nỗi niềm thư thới bình an vô biên mà người nghe cảm nhận được. Thấy bà ngưng niệm Phật, cậu ngỡ là bà đã thực sự ra đi nên vẫn giữ nguyên tư thế đó độ khoảng 15 phút sau mới đặt bà nằm xuống.

Khi vừa đặt bà nằm xuống, đột nhiên nghe bà cất tiếng niệm Phật liên tục trở lại. Kế đó bà bảo:

- Đỡ bà dậy! Đỡ bà dậy!

Rồi bà nhờ các cháu xoay cho mình trở đầu hướng về bàn Phật, nằm nghiêng về bên phải theo thế kiết tường, rồi kê đầu, chỉnh sửa chân…cuối cùng mọi người mới hỏi:

- Bà nằm như vầy thoải mái chưa?

- Ừ! Được rồi!

Kể từ đó bà không còn nghe trong mình đau đớn gì nữa. Rồi bà tiếp tục cất tiếng niệm Phật thêm 40 phút, mới an lành tỉnh táo trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy đúng 7 giờ 15 phút sáng, ngày 17 tháng 12 năm 2015. Bà hưởng thọ 75 tuổi.

******

Trước khi bà mất 30 phút các đồng tu đã kịp thời đến nơi, nhắc nhở và niệm Phật với bà. Mười phút cuối bà không còn niệm ra tiếng, nhẹ nhàng ra đi, đôi mắt khép kín, miệng ngậm lại trong tư thế nằm kiết tường.

Trợ niệm thêm 30 tiếng đồng hồ sau, thăm thân thì thấy các khớp xương đều mềm nhũn, gương mặt cực kỳ xinh đẹp, hồng hào vui tươi sáng rỡ, môi đỏ như thoa son, đảnh đầu ấm nóng trong khi toàn thân đều lạnh. Khi thay y phục cho bà, một điều hết sức hy hữu đặc biệt lạ lùng là máu không có mùi tanh hôi gì cả!

Nhập mạch xong ba ngày sau tiến hành hỏa táng, nhặt được rất nhiều xá lợi, đa số là màu xanh ngọc bích, lớn bằng hạt đậu, hạt bắp, có một số bám vào các mảnh xương.

Các cháu của bà cũng thường cầu nguyện cho mình thấy điềm gì đó đặng biết chắc chắn rằng bà được sanh về cảnh giới nào để mà họ an tâm. Bảy tuần thất vừa hoàn mãn, cô Cúc nằm mơ thấy bà đi từ cửa vào rồi ngồi xuống giữa nhà. Cô thầm nghĩ hôm nay không biết tại sao mà bà đi được, vì thuở sinh tiền do đôi chân bà tàn tật chưa từng thấy bà đứng đi bao giờ. Cô liền hỏi:

- Bà ơi! Bây giờ bà đang ở đâu?

Bà không trả lời thẳng câu hỏi, mà nói:

- Tây Phương Cực Lạc đẹp lắm cháu ơi!

Vừa nói xong thì bà đứng lên, đi ra ngoài. Cô cũng giật mình tỉnh dậy, lòng cảm thấy như là sự thật rõ ràng chứ chẳng phải là một giấc mơ!

(Thuật theo lời Nguyễn Văn Đồng,
cháu thứ Ba của bà)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 36 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Giải thích Kinh Địa Tạng


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.228.11 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (266 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...