Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Điều trị bệnh tận gốc - Năng lực chữa lành của tâm... »» 2. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG »»

Điều trị bệnh tận gốc - Năng lực chữa lành của tâm...
»» 2. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG

Donate

(Lượt xem: 10.589)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Điều trị bệnh tận gốc - Năng lực chữa lành của tâm... - 2. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG

Font chữ:


Người đọc: Kiều Hạnh

Vì có một số bệnh là nan y, không có thuốc chữa, nên con người ngày nay đang sử dụng rất nhiều những phương pháp chữa bệnh khác nhau, đặc biệt là những phương pháp liên quan đến năng lực của tâm. Việc thoát khỏi ung thư và nhiều căn bệnh khác nhờ thiền định giờ đây cũng phổ biến giống như việc nhờ vào phương pháp điều trị chuẩn mực. Như tôi đã có giải thích, cách tốt nhất để tự chữa bệnh cho mình là thiền định, sử dụng tâm của mình. Như vậy, chúng ta trở thành bác sĩ, nhà tâm lý học và vị thầy dẫn dắt cho chính mình.

Theo như tôi biết, những ai chân thành dốc tâm tu tập thiền định, cuối cùng đều sẽ đạt kết quả; dù không chữa khỏi hẳn thì ít nhất họ cũng kéo dài hơn tuổi thọ. Điều này chứng minh rằng sức khỏe của ta có liên quan đến tâm, liên quan đến các cách suy nghĩ của ta. Sau đây, tôi muốn giới thiệu một số câu chuyện về những người đã tự chữa bệnh thành công bằng thiền định.

Alice



Bản thân tôi được biết người đầu tiên dùng thiền định chữa lành bệnh ung thư là cô Alice, một nhà tư vấn thời trang nổi tiếng. Khi Alice biết mình bị ung thư, cô ta nhờ một người bạn đang tu tập ở Tu viện Vajrapani (Vajrapani Institute) ở bang California nước Mỹ hỏi xin tôi chỉ dạy về tu tập thiền định. Tôi đề nghị cô ta hãy thiền định về Vajrapani, một hiện thân hung nộ của Phật rất có hiệu lực trong việc điều trị ung thư. Một cách vắn tắt, tôi bảo cô ta quán tưởng đức Vajrapani trên đỉnh đầu cô, tỏa ra các tia nước cam lồ để tịnh hóa cho cô. Tôi cũng khuyên cô mua các động vật sắp bị giết rồi đem phóng sinh ở nơi an toàn để chúng có thể sống lâu hơn.

Alice nhận được lời chỉ dạy của tôi về hai pháp thực hành căn bản này khi cô đang ở bệnh viện. Cô ta trình bày với các bác sĩ là cô muốn rời bệnh viện để thực hành hai việc này; họ khuyên cô nên ở lại bệnh viện nhưng cũng nói rằng nếu cô thực sự tin vào hai phép chữa bệnh bằng tâm linh đó thì cô có thể về nhà. Cô liền quyết định rời bệnh viện.

Alice đã phóng sinh rất nhiều động vật mua lại từ các tiệm ăn và các nơi khác nữa, khi chúng sắp bị giết. Tôi đã khuyên cô ta phóng sinh số lượng động vật [ít nhất là] bằng số tuổi của cô, nhưng Alice đã thực sự phóng sinh tới hai hay ba ngàn con vật, chủ yếu là gà, cá và giun đất. Cô ta chăm sóc các con gà được phóng sinh ở một nông trại, thả cá ra ao hồ. Cô ta mua một hay hai ngàn con giun đất và thả ra khu vườn quanh nhà. Giun đất rất dễ mua và rẻ. Phóng sinh giun đất là một ý hay vì khi được thả ra chúng chui thẳng vào đất. Vì không có động vật ăn thịt nào bắt chúng, nên chúng có thể sống lâu hơn. Những con vật khác được phóng sinh ở trong rừng hoặc trên biển, ao hồ... ít có khả năng sống lâu hơn vì có nhiều loài ăn thịt ở đó.

Khi Alice trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe sau một thời gian thực hành những điều nói trên, các bác sĩ đã không tìm thấy dấu hiệu ung thư. Họ rất ngạc nhiên. Đó là trường hợp đầu tiên họ thấy có bệnh nhân ung thư được chữa lành bằng thiền định. Họ muốn viết một cuốn sách về trường hợp này vì đối với họ, sự chữa khỏi bệnh ung thư của Alice là một hiện tượng mới mẻ và rất lạ thường, nhưng cô ta bảo họ là cô sẽ tự mình viết cuốn sách đó.

Sau đó Alice đi Nepal để trực tiếp bày tỏ sự biết ơn tôi; cô ta nói rằng tôi đã cho cô ta một quà tặng, đó là phần đời còn lại của cô ta.

Mặc dù bệnh ung thư đã được chữa khỏi, nhưng tôi tò mò muốn biết xem bệnh có tái phát hay không nên tôi thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm tình trạng sức khỏe của cô ta. Cô ta khỏe mạnh được 5 năm, sau đó khi nhiễm phải một loại bệnh vi rút thì bệnh ung thư tái phát. Cô ta bảo tôi rằng bệnh tái phát có thể vì cuộc sống quá rối loạn, cô ta không còn tự chủ được. Trong một thời gian dài cô ta đã duy trì được giới hạnh trong sự tu tập tâm linh, nhưng vào lúc đó cô ta ngưng việc tu tập, và rồi cuộc sống bị đảo lộn.

Kinh nghiệm của Alice cho thấy rằng điều trị tâm quan trọng hơn điều trị thân. Bệnh ung thư của cô ta tái phát vì cô ta ngưng tu tập, ngưng rèn luyện tâm. Cô ta đã không bảo vệ tâm mình bằng thiền định. Rèn luyện cuộc sống tức là tu luyện tâm. Alice tu tập trở lại, thiền định về Vajrapani, phóng sinh động vật, thọ trì tám giới Đại thừa, thực hành giới nguyện trong một ngày không phạm tám điều bất thiện.

Một thời gian sau, cô ta đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ bảo rằng bệnh ung thư hoàn toàn biến mất. Sau khi hồi phục, Alice đã được phỏng vấn nhiều lần trên truyền hình về kinh nghiệm chữa lành bệnh ung thư bằng thiền định.

Chúng ta có thể chữa lành bệnh qua thiền định; nhưng sau đó nếu chúng ta không bảo vệ được tâm mình thì cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn trở lại, và rồi các vấn đề sẽ tái phát. Nếu chúng ta bỏ mặc cho bản thân mình chạy theo những điều xấu như chỉ biết chăm lo bản thân (vị kỷ), tham lam và các vọng tưởng khác nữa, như vậy tâm không được bảo vệ, và chúng ta tạo ra nguyên nhân để các vấn đề tái diễn.

Alan



Tôi đã gặp nhiều trường hợp khi bệnh nhân không tiếp tục tu tập thiền định thì đời sống bị đảo lộn và tình trạng sức khỏe bị giảm sút nhiều. Ông Alan là một ví dụ. Ông ta đã chết mấy năm về trước vì bệnh AIDS. Khi còn sống ở Tu viện Quán Thế Âm (Chenrizig Institute), một trung tâm thiền tập ở nước Úc, ông đã hành trì rất nghiêm túc cũng như tu tập nhiều phép thiền định khác nhau khi được chỉ dẫn. Tôi nghĩ cũng chẳng có nhiều chọn lựa trong một môi trường như thế – chẳng có việc gì khác để làm.

Alan tham dự các khóa thiền mỗi ngày, chủ yếu tập trung vào thiền định đức Phật Dược Sư và còn tu tập các Bổn tôn khác. Năng lực của các Bổn tôn đó rất mạnh, mật chú của các vị rất linh thiêng, cho nên thiền định về các Bổn tôn rất hiệu nghiệm. Chắc chắn sự tu tập đã tạo được cảm ứng và làm cho tâm ông ta thấy khỏe lên. Sắc diện thể hiện cái tâm, Alan trông người rất tươi sáng, thoải mái vì có được tâm đang khỏe. Khi tâm sung sướng nhờ thiền định và nếp sống theo khuôn khổ tốt thì kết quả này cũng phô bày ra trên gương mặt và thân thể mình. Sau thời gian hoàn tất việc tu tập thiền định, Alan trông như thể không còn bị bệnh và đủ sức làm các việc giúp cho Tu viện.

Lẽ ra Alan nên ở lại Tu viện thêm ít tháng hay ít tuần nữa, nhưng ông ta muốn về thành phố để có thể giúp đỡ những người bị bệnh AIDS. Vấn đề ở chỗ là khi trở về thành phố ông ta không thể tiếp tục tu tập, cuộc sống bị đảo lộn và rồi tình trạng sức khỏe bị sa sút. Ông ta đã quá bận rộn khi ở thành phố, nhưng tôi cho rằng sức khỏe bị sa sút nhiều không phải vì bận rộn mà vì ông ta không tiếp tục tu tập thiền định được. Sau đó ông ta trở lại Tu viện tu tập để cố lấy lại sức khỏe và tìm lại nguồn cảm ứng. Tuy nhiên, mỗi khi sức khỏe được phục hồi, Alan lại trở về thành phố để giúp những người khác, và cái chu kỳ như thế cứ tiếp tục, ông ta đi lui đi tới Tu viện Chenrizig rất nhiều lần.

Dĩ nhiên, việc giúp đỡ người khác là một ý tưởng quí báu. Dù vậy, tôi chưa thấy những người bị bệnh ung thư quan tâm giúp đỡ nhau nhiều như những người bị bệnh AIDS. Sự đau khổ mà tự bản thân phải chịu đựng khiến cho họ thông cảm sâu sắc với những người cũng đang chịu đựng như họ. Nên dù đang đau ốm, họ như có sự thôi thúc tự nhiên muốn đi giúp người đồng cảnh ngộ. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một thái độ đáng quí và có được cách cư xử cao đẹp này là điều đáng ca tụng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là, sức khỏe của họ thường sa sút vì họ không thể duy trì được mức độ cần phải có cho một nếp sống khuôn khổ và tu tập.

Vào lần cuối trước khi chết, Alan có gặp tôi, và tôi thấy ông ta rất yếu, phải có hai người bạn dìu mới bước đi được. Ông ta ngồi trên ghế, lắng nghe tôi giảng trong khoảng hơn một giờ đồng hồ về việc ông ta có thể chuyển hóa suy nghĩ để thấy được rằng việc bị bệnh nan y như thế này là điều tốt và có ý nghĩa chứ không phải điều tệ hại và tuyệt vọng. Tôi nói với ông ta rằng bị bệnh AIDS là việc may mắn cho ông ta, vì nhờ vậy ông ta mới có được một cơ hội vô cùng hy hữu để đưa cuộc đời hướng theo con đường tâm linh, theo con đường dẫn tới giác ngộ. Bệnh nan y đã mở cánh cửa đi tới giác ngộ và sự hạnh phúc trọn vẹn.

Tôi đã nói với ông ta về lợi lạc của việc bị bệnh AIDS. Chẳng hạn như, nhờ bị bệnh AIDS mới có được phương pháp nhanh chóng và mãnh liệt để phát triển tâm từ bi, vì khi bị bệnh bạn mới dễ dàng cảm thấy bi mẫn xót thương những người cùng hoàn cảnh hay những người bị các bệnh nan y khác. Nương vào bệnh tật để phát triển tâm từ bi, như vậy sẽ mang lại sự tịnh hóa nghiệp rất hiệu lực.

Tôi không thể nhớ từng lời mà tôi đã nói với Alan, nhưng chủ yếu là: bệnh tật đã mang ông ta nhanh chóng đến giác ngộ. Tôi muốn ông ta thấy được các khía cạnh tích cực khi mắc phải bệnh AIDS, tôi muốn ông ta thấy được một cơ hội hy hữu mà ông ta đang nắm giữ trong lúc này.

Chúng ta cần chuyển hóa suy nghĩ, vì cách thức suy nghĩ có liên quan mật thiết với việc chữa lành bệnh. Chúng ta phải biết rằng đau ốm là một sự kiện rất cần có, chứ không phải một vấn đề không cần có, không muốn có. Chúng ta phải nhận diện bệnh tật như một sự phô bày hiển lộ đau khổ của tất cả chúng sinh hữu tình. Chúng ta đừng xem bệnh tật là chướng nạn, mà nên sử dụng nó để phát triển từ bi và trí tuệ.

Cũng giống như sử dụng chất độc làm dược phẩm, chúng ta nên sử dụng bệnh tật như con đường dẫn tới hạnh phúc. Thông qua việc chuyển hóa tâm, chúng ta làm cho kinh nghiệm đau ốm trở nên có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác. Bệnh giúp ta phát triển được các phẩm chất quí báu của con người là lòng từ ái, bi mẫn, và chính điều này giúp ta có thể mang hạnh phúc và bình an đến cho từng chúng sinh hữu tình.

Dù gì thì ta cũng đã bị bệnh, ta nên biến nó thành việc có lợi lạc bằng cách sử dụng nó để mang hạnh phúc tạm thời cũng như vĩnh cửu đến cho bản thân và cho mọi chúng sinh hữu tình. Đây là kế sách hay nhất để vượt qua bệnh tật.

Sau khi nghe tôi giảng về việc chuyển hóa tâm theo cách này, Alan cảm thấy như được khỏe hơn. Trước lúc nói chuyện, ông ta ngồi sụm người trên ghế, nhưng khi kết thúc câu chuyện, ông ta đã có thể tự đứng dậy và bước đi mà không cần người giúp. Ông ta rất ngạc nhiên về sự phục hồi sức khỏe bất ngờ như thế. Ông ta quơ tay, nói: “Ồ, xem kìa! Bây giờ tôi có thể tự đứng lên được!”

Alan đã có được sự phục hồi tức thì, nhưng dĩ nhiên, có được trạng thái tâm phấn chấn như thế vào lúc đó là chưa đủ, ông ta phải tiếp tục duy trì tâm luôn luôn trong trạng thái đó thì mới có thể giúp ông ta sống lâu hơn.

Từ câu chuyện này bạn có thể thấy được vì sao thể trạng có liên quan mật thiết với tâm trạng. Điều này đặc biệt chính xác với trường hợp bệnh AIDS. Nếu những người bị bệnh AIDS có được tâm khỏe mạnh, họ có thể sống lâu hơn và cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn, bất chấp là bệnh tật vẫn còn đó.

Lucy



Nhiều năm về trước, Lucy – một sinh viên người Úc – có nói với tôi rằng cô ta bị bệnh ung thư. Tôi đã đề nghị cô ta thực hành nhiều lần phép nyung-n. Đó là một phép thực hành tịnh hóa nghiệp nhờ vào đức Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Phật Đại bi. Mỗi lần nhập thất kéo dài hai ngày. Hành giả thực hành lễ lạy sám hối và nhịn ăn uống. Vào ngày đầu, hành giả chỉ ăn một bữa, nhưng vào ngày thứ hai sẽ không ăn uống gì cả. Việc nhịn ăn uống thực chất không có gì đặc biệt, chỉ là sự hành xác. Tuy nhiên, bạn thực hành việc nhịn ăn uống với một động cơ đặc biệt là lòng bi mẫn, trong đó bạn tự mình nhận lấy trách nhiệm làm sao cho tất cả chúng sinh hữu tình thoát khỏi khổ đau và hưởng được hạnh phúc.

Lucy đã thực hành một số lần nhập thất hành trì pháp nyung-n tại Bồ-đề Đạo tràng, một thánh tích ở Ấn Độ, nơi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo.

Tôi cũng dạy Lucy chú nguyện vào nước uống bằng cách niệm hết ba chuỗi hạt (108 hạt) mật chú Quán Thế Âm bản có độ dài trung bình rồi thổi vào nước. Sau đó Lucy dùng nước đã chú nguyện này để uống nhiều lần trong ngày. Cô ta cũng tiếp tục thực hành phép chú nguyện vào nước uống như vậy ngay cả sau khi rời Ấn Độ trở về Úc.

Sau đó mấy năm, tôi có gặp lại Lucy ở Luân Đôn trong một kỳ giảng, cô ta trông tươi tắn khỏe mạnh. Mới gần đây, tôi đã gặp cô ta ở Úc, cô ta vẫn khỏe mạnh. Mỗi lần gặp tôi, Lucy đều nhắc lại rằng chính nhờ vào việc thực hành trì chú Quán Thế Âm mà cô ta đã chữa lành bệnh ung thư.

Luke



Khi Luke, một sinh viên người Hoa ở Singapore, đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, bác sĩ cho biết anh ta bị bệnh AIDS. Là người rất sùng tín, Luke liền viết thư gửi đến thầy mình là ngài Rato Rinpoche, một vị Lama cao cấp ở Dharamsala, Ấn Độ. Vị này đến nay đã qua đời.

Luke đã có đủ nghiệp lành để nhận được những chỉ dạy thiền định từ thầy mình. Mặc dù vào lúc đó chính ngài Rato Rinpoche cũng đang thị hiện tướng bệnh, nhưng ngài đã ưu ái gửi cho Luke những hướng dẫn pháp thiền định đặc biệt về tâm từ bi, được gọi là pháp “cho và nhận”, tiếng Tây Tạng là tong-len.

Trong pháp thiền định cho và nhận, để rèn luyện tâm bi, chúng ta nhận về mình tất cả khổ đau, kể cả bệnh tật của chúng sinh hữu tình và sử dụng khổ đau đó để phá trừ tâm vị kỷ của ta, vốn là nguồn gốc của mọi khổ đau. Pháp tu tập thiền định này trực tiếp đối trị mong muốn thông thường của ta là “không nhận lãnh bệnh tật của người khác”. Tiếp theo, để rèn luyện tâm từ, chúng ta nguyện dâng hiến thân thể, các vật sở hữu, hạnh phúc và thiện hạnh của mình cho mọi chúng sinh hữu tình khác.

Pháp tu tập thiền định này không phải là bí mật hay hiếm thấy. Đây là một pháp thiền định thông thường có trong giáo pháp của “Con đường tu tập từng bước đưa tới giác ngộ” (tiếng Tạng là Lam rim).

Sau khi nhận được chỉ dạy từ Rato Rinpoche, Luke đã hành trì thiền định chỉ trong bốn ngày. Rồi anh ta đến bệnh viện kiểm tra lại sức khỏe, và các bác sĩ đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của vi-rút HIV. Khi tôi hỏi anh ta đã thiền định trong bao lâu, tôi đã hết sức kinh ngạc khi anh ta trả lời rằng chỉ thiền định trong khoảng ba hay bốn phút mỗi ngày. Tôi tưởng rằng anh ta hẳn đã phải thiền định trong nhiều giờ.

Điểm quan trọng cần phải hiểu là: mấy phút thiền định của anh ta đã cực kỳ mãnh liệt. Trong suốt thời gian thiền định, anh ta không nghĩ gì về bản thân, về bệnh tình của mình, như thể vấn đề của anh ta không hề tồn tại. Anh ta hoàn toàn chỉ nghĩ đến khổ đau của những người khác, đặc biệt là khổ đau của những người mắc bệnh AIDS, và sinh khởi tâm bi mẫn mãnh liệt. Nước mắt trào ra trên gương mặt mỗi lần anh ta thiền định, không phải vì nghĩ đến căn bệnh của mình mà vì quá xót thương những người khác đang bị bệnh AIDS và cả những bệnh khác nữa. Anh ta quan tâm đến những người ấy hơn là chính bản thân mình. Anh ta đã có sự chân thành sùng mộ mãnh liệt và trong suốt các thời thiền định luôn cảm nhận được rằng vị thầy (Rato Rinpoche) đang ở bên cạnh và đang dẫn dắt anh ta.

Chữa lành một bệnh nặng cần thời gian lâu nếu bạn sử dụng loại thuốc yếu với liều nhẹ; nhưng sự phục hồi sẽ nhanh hơn nếu bạn sử dụng thuốc mạnh, cho dù bạn dùng ít thuốc, ít lần trong một ngày. Sự chữa bệnh của Luke đã thành công nhanh chóng nhờ vào năng lực tâm của anh ta, nhờ vào uy lực vô cùng mãnh liệt của tâm từ bi mà anh ta có được cho dù các thời thiền định không kéo dài. Anh ta nhanh chóng khỏi bệnh nhờ làm nảy sinh được tâm bi mẫn rất mãnh liệt giúp tịnh hóa được rất nhiều nghiệp bất thiện cùng với các che chướng mê lầm, vốn là nhân của bệnh AIDS.

Luke đã trở lại bệnh viện nhiều lần để kiểm tra sức khỏe tổng quát, anh ta vẫn khỏe mạnh. Theo chỗ tôi biết được, đây là trường hợp duy nhất áp dụng thiền định chữa lành hoàn toàn bệnh AIDS.

Tôi đã yêu cầu Luke cho tôi một ghi chép chính xác về việc thiền định của anh ta để tôi có bằng chứng nói cho người khác biết về câu chuyện này (Xem thêm ở chương 15, phân đoạn Pháp thiền định cho và nhận, trang 308)

Pháp thiền định Tong-len là tâm điểm của việc chữa lành bệnh. Một khi hiểu được pháp thiền này, ta có thể mang ra áp dụng với mọi vấn đề bất ổn trong cuộc sống và chuyển hóa tất cả thành hạnh phúc. Vấn đề chỉ đơn giản là bạn có thực hành thiền định hay không mà thôi. Trong khi thiền định chúng ta không thể có cảm giác chán nản, vì vấn đề bất ổn của chúng ta đã được chuyển hóa ngay lập tức thành hạnh phúc.

Pháp thiền định đặc biệt này là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất, nhưng lợi lạc quan trọng nhất của nó không phải việc chữa bệnh mà là giúp ta phát triển tâm từ, tâm bi và Bồ-đề tâm, vốn là nhân chính đưa tới giác ngộ. Bồ-đề tâm là tâm nguyện vị tha, khao khát đạt đến giác ngộ để giải thoát cho tất cả chúng sinh hữu tình khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau, dẫn dắt họ đến sự giác ngộ viên mãn. Thực hành thiền Tong-len có thể chữa bệnh và chuyển hóa các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất là nó giúp chúng ta phát triển sự thực chứng Bồ-đề tâm. Những niệm tưởng từ bi và thương yêu của Bồ-đề tâm là phương thuốc hữu hiệu nhất cho cả tâm và thân.

Ông Lee



Ông Lee, một doanh nhân người Hoa ở Singapore, đã thiền định để tự chữa bệnh ung thư dạ dày. Lần đầu tôi gặp ông ta ở một buổi giảng, trong hành lang một phòng thi đấu môn bowling ở Singapore. Hôm đó trông ông ta rất gầy yếu, phải tựa vào bà vợ để bước đi. Bác sĩ bảo ông ta chỉ có thể sống thêm ít tháng nữa. Ở Singapore, Hong Kong và Đài Loan, các bệnh nhân thường đến nghe pháp và ngay sau buổi giảng họ đến gặp và yêu cầu tôi thảo luận về bệnh của họ hay cho họ vài lời khuyên.

Tôi đã khuyên ông Lee thiền định về Tara và đặc biệt trì tụng bài “Hai mươi mốt câu xưng tán hồng danh đức Tara”. Mặc dù là một thương gia bận rộn đi khắp thế giới, nhưng ông Lee đã tận tụy hết mình trong việc cầu nguyện Tara và mau chóng chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư bao tử.

Sau đó ít lâu, khi tham dự khóa thiền định một tháng ở Tu viện Kopan tại Nepal, ông Lee nói với tôi rằng, không chỉ tự chữa lành bệnh ung thư bao tử của mình, ông ta còn chữa lành căn bệnh tim trầm trọng của con trai ông. Trong một giấc mơ, ông nhìn thấy một bánh xe đang quay nơi tim của người con trai, và rồi con trai ông khỏi bệnh...

(... ... ...)

... Với khả năng chữa bệnh như vậy, ông ta trở nên rất bận rộn vì có nhiều người hằng ngày đến chờ ông ta đi làm về để chữa bệnh. Tôi cũng đã yêu cầu ông ta mở lớp dạy chữa bệnh ở trung tâm Phật giáo Amitabha (Amitabha Buddhist Center) thuộc Tổ chức FPMT ở Singapore, sao cho các huynh đệ ở trung tâm đó, dù là người đang khỏe mạnh, có thể cùng nhau cầu nguyện để chữa trị cho những bệnh nhân. Năng lực chữa bệnh sẽ mạnh mẽ hơn khi có một nhóm người cùng nhau trì tụng cầu nguyện.

Điểm quan trọng cần phải hiểu là nguồn năng lực chữa bệnh của ông Lee. Mặc dầu có vẻ như khả năng tự chữa bệnh cho mình và người khác của ông Lee đến từ một đối tượng bên ngoài, đức Tara, nhưng thực ra khả năng đó chủ yếu có được nhờ vào thái độ tích cực của chính bản thân ông ta. Năng lực chữa bệnh của ông ta là kết quả của tâm sùng mộ mãnh liệt đối với đức Tara và đạo đức thanh tịnh của chính bản thân ông ta.

Điểm cốt lõi là tất cả chúng ta ai cũng có tiềm năng chữa bệnh. Bằng việc phát huy năng lực các hành vi hiền thiện của mình, chúng ta có thể chữa lành bệnh ung thư, bệnh AIDS và nhiều bệnh khác cho chính mình và người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là phải loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh, nếu không thì mọi sự ngăn chặn đều chỉ là tạm thời. Ngay cả khi ta chữa lành bệnh cho một người, ta cũng chỉ là tạm thời giải quyết một vấn đề bất ổn trong cuộc sống của họ, và nếu nguyên nhân vẫn còn thì vấn đề đó sẽ quay trở lại.

Nói chung, thiền định có thể chữa bệnh, nhưng nếu chỉ thiền định về Bổn tôn và trì tụng mật chú không thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần thay đổi thái độ sống và hành vi của chúng ta nữa. Nếu chúng ta không giảm dần những hành vi bất thiện gây hại cho bản thân và người khác, thì một khi được khỏi bệnh chúng ta lại tiếp tục tạo ra nguyên nhân bệnh. Điểm thiết yếu nhất là ngừng hẳn việc tạo ra nguyên nhân của bệnh.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 33 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Sen búp dâng đời


Quy Sơn cảnh sách văn


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.29.98 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...