Tiến trình của sự chết tùy thuộc vào thân của ta đang có; vì vậy, bản
văn bắt đầu bằng phần giảng ngắn về sự kiện làm sao con người sinh ra từ
dạ con và sở hữu một thân thể thô gồm thịt, máu v.v...
Ở kiếp đầu tiên [sau khi thế giới đã tạo thành], con người trong thế
giới này có được 7 đặc điểm: sanh ra một cách tự nhiên, mạng sống vô
hạn, có năng khiếu của tất cả các giác quan, tự thân tỏa ánh sáng, mang
đầy đủ các tướng quý lớn và nhỏ [của một vị Phật], sống nhờ hỷ lạc thực
mà không cần ăn thực phẩm thô, và có phép thần thông bay trên trời. Tuy
nhiên, vì bị ô nhiễm bởi định nghiệp [từ các đời trước], do vì tham ái
thức ăn, con người thời đó đi tìm thọ dụng các thực phẩm thô.
Rồi sau khi các thức ăn thô không tiêu hóa được trở thành phân và nước
tiểu, các bộ phận sinh dục nam và nữ bắt đầu thành hình với những lỗ hở
để đào thải chất bài tiết. Hai người có mang định nghiệp của sự giao hợp
nam nữ [từ các đời trước] bắt đầu luyến ái với nhau và từ đó, do ăn nằm
giao hợp với nhau nên một bào thai hữu tình thành hình trong dạ con. Qua
các tiến triển thứ lớp trên, sự sinh sản mới bắt đầu từ dạ con của người
mẹ mà ra.
Thân người sinh ra từ dạ con do 6 phần tử - đất, nước, lửa, gió, kinh
mạch và các giọt khí cấu tạo thành.
Phần tử đất (địa đại) chỉ đến các yếu tố cứng rắn của thân như là xương,
da, móng và tóc.
[11] Phần tử nước (thủy đại) chỉ
đến các thể lỏng trong thân như nước tiểu, mật và máu. Phần tử lửa (hỏa
đại) chỉ đến sức nóng duy trì cơ thể. Phần tử gió (phong đại) chỉ đến
dòng khí lực hay là năng lực giúp thân làm các động tác như nuốt... và
năng lực này cũng là căn cứ của thần thức. Các kinh mạch bao gồm tĩnh
mạch, động mạch, các ống dẫn, các dây thần kinh..., qua hệ thống này
máu, bạch huyết cầu, mật, khí chảy luân lưu... Các giọt khí là các chất
lỏng chính yếu di chuyển trong các kinh mạch.
Hoặc là [theo cách giảng khác], 6 phần tử là xương, tủy, các thể dịch
luân hồi lấy từ cha và thịt, da, máu lấy từ mẹ.
Các thể dịch luân hồi lấy từ cha là nhân chính của cả ba phần tử rút từ
cha. Cũng thế, các thể dịch luân hồi lấy từ mẹ là nhân chính của cả ba
phần tử rút từ mẹ. Cả hai cha và mẹ tác động thành nhân của 6 phần tử.
Bất kỳ ai muốn hành trì pháp môn Trì Chú Du Già Tối Thượng để chắc chắn
đạt quả giác ngộ ngay trong một kiếp ngắn ngủi vào thời mạt pháp này đều
cần phải có một thân người của thế giới này, sinh từ dạ con và gồm 6
phần tử.
Điểm đặc biệt của pháp môn Trì Chú Du Già Tối Thượng, khác biệt với ba
pháp Mật tông thấp hơn kia – Hành Động, Tư Duy và Du già – và cũng khác
với pháp môn tu Hiển giáo kinh điển, là bậc thượng căn có thể nhờ tu tập
Trì Chú Du Già Tối Thượng mà đạt được giác ngộ ngay trong một kiếp.
[12]
Điều này muốn nói là các bậc thượng căn đó hành trì qua 5 đạo lộ – đạo
lộ tích tụ, đạo lộ chuẩn bị, đạo lộ quán tưởng, đạo lộ thiền định và đạo
lộ trí vô học – ngay trong một đời chứ không cần phải hành trì qua vô
lượng kiếp như trong các pháp môn tu tập khác.
Trong các hệ thống tu tập khác, hành giả phải trải qua một thời gian rất
dài để tích tụ công đức, tạo công năng gia tăng sức mạnh trí tuệ trong
tâm thức để thực chứng tánh Không, tiêu trừ các chướng ngại hầu đạt được
quả vị nhất thiết trí.
[13] Tuy nhiên, với Trì Chú
Du Già Tối Thượng, hành giả sử dụng pháp tu đặc biệt làm tăng gia trí
tuệ trong tâm thức qua sự tận dụng các tâm vi tế để thực chứng tánh
Không và để sau đó, nhập vào huyễn thân khởi lên. Các kỹ thuật tu tập
này tùy thuộc trên kinh mạch, khí và các giọt khí luân lưu trong cơ thể.
Thân người của thế giới này chứa 72.000 kinh mạch cùng các kinh mạch bên
phải, bên trái và trung ương.
Thân thô bao gồm tập hợp các yếu tố và các phần tử ngoại vi.
[14]
Thân vi tế bao gồm các kinh mạch, khí và các giọt khí trắng và đỏ. Thân
cực vi tế là khí lực căn cứ của màn tâm thức ánh tịnh quang, cũng như là
căn cứ của khí trụ trong các giọt khí bất hoại tại tim. Về các kinh mạch
của thân vi tế, kinh mạch trung ương đi từ luân xa tim ngược lên đến
đỉnh đầu (phía sau), rồi đi xuống huyệt mi tâm giữa hai chân mày.
[15]
Sau đó, nó đi từ tim xuống điểm chính giữa của đầu dương vật hay đầu âm
đạo. Ở hai bên phải và trái của kinh mạch trung ương là hai đường kinh
mạch hai bên chạy dài, không những ép dọc theo kinh mạch trung ương ở
giữa mà còn làm siết chặt lấy nó và bao vòng quanh kinh mạch trung ương
tại các điểm luân xa – mỗi đường kinh mạch này bao quanh luân xa tim ba
vòng và ít hơn ở các luân xa khác. Vì sự siết chặt này, trong đời sống
thường, các khí không thể di chuyển lên xuống xuyên qua đường kinh mạch
trung ương trừ khi trải qua tiến trình của sự chết.
[16]
Vào lúc chết, tất cả các khí của 72.000 kinh mạch tụ lại vào trong hai
đường kinh mạch phải và trái hai bên. Sau đó, chúng tan rã vào trong
kinh mạch trung ương. Sau cùng, các khí của phần trên và dưới của kinh
mạch trung ương tan rã vào trong khí trợ sinh bất hoại trụ tại tim.
Ở tại tim có luân xa mang 8 cánh hay nan hoa.
[17]
Luân xa này được gọi là “pháp luân xa” bởi vì giọt khí bất hoại, vốn là
cơ sở của khí cực vi tế và của thần thức, cũng là căn gốc của mọi pháp,
trụ tại tim. Ở yết hầu là luân xa thọ hưởng; nó có 16 cánh và gọi như
thế vì cổ họng là nơi thọ hưởng 6 vị – ngọt, chua, đắng, se, cay và mặn.
Tại đỉnh đầu là luân xa đại hỷ lạc, mang 32 cánh và gọi như vậy vì (thể
dịch luân hồi) trắng ‘màn tâm thức giác ngộ’ là căn gốc của hỷ lạc, trụ
tại đỉnh đầu. Tại đan điền là luân xa nội hỏa có 64 cánh và gọi như thế
vì ‘nội hỏa’ (gtum mo) là điểm phát ra đại hỷ lạc trụ tại đan điền. Tại
chỗ kín, tức chỗ xương cùng, là luân xa duy trì hỷ lạc có 32 cánh và gọi
như thế là vì hỷ lạc nội tâm được duy trì chính yếu từ chỗ kín.
Các phần tử trắng và đỏ, hiện hữu dưới dạng hộp [tròn] kín [chứa giọt
khí trắng bên trên cùng, giọt khí đỏ bên dưới], nằm ở trong kinh mạch
trung ương, trụ tại luân xa tim. Ở chính giữa hộp kín này là đồng nhất
thể của khí cực vi tế và của thần thức.
Năm thức của các giác quan - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân – là các tâm thức
thô.
[18] Thần thức khái niệm ý thức là tâm vi tế.
Còn thần thức trụ trong giọt khí bất hoại là tâm cực vi tế.
Khí cực vi tế, là khí trợ sinh bất hoại, là nơi mà tiến trình tan rã
cuối cùng đi vào [trong tiến trình của sự chết].
[Sự chết xảy ra như thế] là vì nếu chỉ cần có một chút khí mỏng manh,
tạo căn cứ của thần thức, còn trụ lại ở bất cứ nơi nào trong thân thể,
sự chết không thể xảy ra, trừ trường hợp của khí cực vi tế này.
Thí dụ điển hình của khí làm căn cứ của thần thức, là trường hợp như con
ngựa chính là căn cứ cho người kỵ mã có chỗ để cưỡi.