Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho nhân loại từ xưa nay hẳn không gì hơn
vấn đề sống chết. Mặc dù luôn bất lực trước sự thách thức phải trả
lời câu hỏi này, nhưng mỗi người trong chúng ta dường như vẫn không
cưỡng lại được sức cuốn hút của nó, vẫn luôn mong muốn một ngày nào
đó sẽ có thể tự mình tìm ra câu trả lời. Bản thân ta là ai? Từ đâu
đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Bằng cách dựa trên sự suy diễn –
và thậm chí là tưởng tượng – để trả lời những câu hỏi rất “hấp dẫn”
này mà trong dòng lịch sử nhân loại đã sản sinh vô số những luận
thuyết hay niềm tin khác nhau nhằm thỏa mãn sự hoang mang thắc mắc
của con người. Luận thuyết tiêu biểu nhất – và có lẽ cũng tồn tại
lâu nhất – là cho rằng con người có một linh hồn bất diệt. Chính
linh hồn đã “đầu thai” để thành con người hiện nay của ta, và sau
khi ta chết, linh hồn đó sẽ tiếp tục “đầu thai” về một nơi khác để
có một đời sống khác. Dựa trên luận thuyết này mà nảy sanh những
niềm tin vào một cõi thiên đàng cho những ai đã sống tốt đẹp, hiền
thiện, và địa ngục dành cho những ai sống đời ác độc, xấu xa.
Những luận thuyết như trên không hề có trong giáo pháp mà đức Phật
đã thuyết giảng, nhưng trong thực tế vẫn có không ít người Phật tử
vì không học hỏi nhiều về giáo pháp nên đôi khi cũng lẫn lộn, lầm
tưởng rằng những luận thuyết như thế là có trong đạo Phật.
Khi đặt câu hỏi “ta từ đâu đến” và “chết đi về đâu”, chúng ta đã mặc
nhiên thừa nhận là có một cái “ta” thường tồn để đến và đi trong
cuộc đời này. Nhưng trí tuệ quán chiếu của đức Phật đã chỉ rõ rằng
không hề có một cái “ta” như thế! Sự tồn tại của chúng sanh thật ra
chỉ là một tập hợp của những yếu tố năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành,
thức và các nhân duyên thích hợp. Khi nói về người cha đã chết của
vua A-xà-thế, đức Phật dạy:
“Vậy cha đó là gì? Chẳng qua là cái tên gọi giả tạo, chúng sanh đối
với năm ấm mà hư vọng cho đó là cha. Trong mười hai nhập, mười tám
giới, cái gì là cha? Nếu sắc là cha thì bốn ấm kia lẽ ra không phải.
Nếu bốn ấm kia là cha, thì sắc lẽ ra không phải. Nếu sắc và không
phải sắc hợp lại là cha thì không có lý. Vì sao vậy? Vì tánh của sắc
và không phải sắc không hợp lại.”
(trang 195, tập IV)
Vì thế, cái “ta” mà chúng sanh lầm tưởng là một thực thể cá biệt đó
thật ra không hề tồn tại. Khi chưa có đủ nhân duyên thích hợp, năm
ấm chưa tụ họp thành một thực thể chung thì không một cái “ta” nào
có thể tìm thấy. Khi có đủ nhân duyên tụ họp, năm ấm cùng hiện hữu
tạo thành cái “ta” của chúng sanh, nhưng năm ấm đó cũng chưa từng
thực sự tồn tại mà chỉ là một dòng liên tục nối tiếp nhau sanh ra và
diệt đi trong từng niệm tưởng. Vì thế, xét cho cùng thì ngay cả năm
ấm tụ họp mà chúng sanh đang nhận biết đó cũng là không thật có.
Khi nhân duyên không còn đủ, năm ấm đều tan rã, vậy cái “ta” đó dựa
vào đâu mà tồn tại? Vì không hề có một cái “ta” hoặc “tự ngã” tồn
tại theo cách như chúng sanh lầm tưởng nên việc đặt câu hỏi “ta từ
đâu đến” và “sau khi chết sẽ đi về đâu” tự nó đã là một điều không
hợp lý. Đức Phật giảng rõ hơn về ý nghĩa này:
“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi nước thì không có con sông; lìa
khỏi năm ấm thì không thể riêng có chúng sanh.
“Thiện nam tử! Cũng như lìa khỏi thùng xe, trục, bánh, nan hoa,
vành... thì không riêng có cái xe. Chúng sanh [và năm ấm] cũng giống
như thế.”
(trang 494, tập V)
Quả thật là ý nghĩa rất tương tự như vậy. Như chiếc xe sau khi hư
hỏng đã bị tháo rã thành từng mảnh vụn vung vãi khắp nơi, nếu có
người đặt câu hỏi “chiếc xe đi về đâu?” liệu có thể xem là hợp lý
chăng?
Tuy vậy, việc nhận thức rõ là không có một cái “ta” hay tự ngã
thường tồn không đồng nghĩa với thuyết đoạn diệt, vốn cho rằng sau
khi chết là dứt mất tất cả, không còn lại gì. Đức Phật dạy:
“Này thiện nam tử! Vì sao gọi là ý nghĩa rất sâu xa? Tuy biết chúng
sanh thật không có tự ngã, nhưng nghiệp quả trong tương lai không hề
dứt mất. Tuy biết rằng năm ấm tan rã trong đời này, nhưng nghiệp
lành nghiệp dữ đều chẳng mất. Tuy có các nghiệp nhưng không có người
tạo tác; tuy có chỗ đến nhưng không có người đi đến; tuy có sự trói
buộc nhưng không có người bị trói buộc; tuy có Niết-bàn nhưng không
có người nhập Niết-bàn. Đó gọi là ý nghĩa rất sâu kín.”
(trang 290, tập IV)
Những ý nghĩa này thật rất sâu xa, tinh tế, không dễ dàng nhận hiểu.
Theo lời Phật dạy như trên thì không hề có sự tồn tại một cái “ta”
cá biệt nào, nhưng mọi hành vi tạo thành nghiệp quả trong tương lai
lại không hề dứt mất! Và vì thế, người ta không khỏi phải nảy sanh
nghi vấn: “Vậy ai là người thọ nhận nghiệp quả trong tương lai?” Hơn
thế nữa còn có một câu hỏi thiết thực hơn: “Ngay trong hiện tại này
nếu năm ấm của chúng sanh vốn không hề thật sự tồn tại mà chỉ là một
dòng sanh diệt tương tục, vậy ai là người tu tập để cầu giải thoát?”
Bồ Tát Sư Tử Hống đã thay mặt thính chúng nêu lên thắc mắc này:
“Bạch Thế Tôn! Năm ấm của chúng sanh vốn là không, không thuộc về ai
cả, vậy ai là người nhận sự giáo hóa, tu tập Chánh đạo?”
(trang 494, tập V)
Đức Phật giải đáp vấn đề này như sau:
“Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có tâm nhớ nghĩ, tâm trí tuệ,
tâm phát khởi, tâm chuyên cần tinh tấn, tâm tin nhận, tâm an định.
Các pháp như vậy tuy nối nhau diệt mất trong từng niệm tưởng, nhưng
vì có sự tương tự, tiếp nối nhau không dứt cho nên gọi là [có người]
tu tập Chánh đạo.”
(trang 494, tập V)
Nhưng xét cho đến cùng thì ngay cả sự “diệt mất trong từng niệm
tưởng” đó cũng không phải là những phân đoạn thời gian thật có sự
tồn tại, mà cũng được hình thành từ những phần sanh diệt nối nhau
không dứt, như lời Bồ Tát Sư Tử Hống thưa hỏi:
“Thế Tôn! Các pháp ấy đều diệt mất trong mỗi một niệm. Sự diệt mất
trong mỗi một niệm ấy cũng tương tự, tiếp nối nhau không dứt, vậy
làm sao tu tập?”
(trang 495, tập V)
Đức Phật giải thích vấn đề này một cách cặn kẽ và chi tiết hơn:
“Thiện nam tử! Như ngọn đèn kia tuy [có sự liên tục] diệt mất trong
mỗi một niệm, nhưng vẫn có ánh sáng phá tan sự tăm tối. Tất cả các
pháp như tâm nhớ nghĩ.v.v... cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Như món ăn của chúng sanh, tuy [có sự liên tục] diệt
mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng giúp cho kẻ đói được no lòng. Ví
như phương thuốc hay, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một
niệm, nhưng cũng có thể làm cho khỏi bệnh. Ánh sáng mặt trời mặt
trăng, tuy [có sự liên tục] diệt mất trong mỗi một niệm, nhưng cũng
có thể làm tăng trưởng cỏ cây rừng rậm.
“Thiện nam tử! Ông có hỏi rằng: Nối nhau diệt mất trong từng niệm,
làm sao [tu tập] tăng trưởng? [Đó là] vì tâm thức không dứt đoạn nên
gọi là tăng trưởng.”
(trang 495, tập V)
Như vậy, thật sự không hề có một bản ngã tồn tại độc lập mà chỉ là
sự tiếp nối không ngừng của một chuỗi sanh diệt liên tục chuyển biến
theo dòng thời gian, và trong đó không có bất cứ một khoảnh khắc nào
là dừng trụ, là không biến đổi. Như một dòng nước đang chảy, tất cả
những điểm chuyển dịch trong đó đều góp phần tạo thành dòng chảy,
nhưng không ai có thể tìm thấy trong đó bất cứ một điểm dừng cố định
nào, dù chỉ là trong khoảnh khắc. Tuy nhiên, chính vì có dòng tâm
thức liên tục không dứt đoạn như thế mà có thể có sự tu tập để sự
chuyển biến luôn đi theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn.
Về dòng tâm thức không dứt đoạn này, đức Đạt-lai Lạt-ma dựa theo
giáo pháp Trung quán tông đã giải thích như sau:
“Đây là đề tài rất khó, nhưng có lẽ ta có thể nói rằng nguyên nhân
chính yếu của thức có thể được hiểu như là dòng tương tục của thức
vi tế, mặc dù ta nên cẩn thận không dừng lại ở chỗ ngụ ý rằng nguyên
nhân vật chất của bất kỳ vật nào cũng hoàn toàn giống hệt như bản
thân vật đó. Nhận thức này không đứng vững được. Chẳng hạn, ta không
thể duy trì quan điểm cho rằng những nguyên nhân chính yếu của các
cảm giác luôn là các cảm giác, vì các thức cảm thụ thuộc về những
cấp độ thô của tâm thức và phụ thuộc vào các giác quan của mỗi
người, trong khi đó dòng tâm thức tương tục nên được hiểu ở cấp độ
thức vi tế.”
[1]
Ở
đây, cấp độ thô của tâm thức là những tâm nhớ nghĩ, tin nhận.v.v...
như đức Phật đã giải thích trong lần thưa hỏi thứ nhất của Bồ Tát Sư
Tử Hống; và cấp độ thức vi tế chính là khi cứu xét đến chỗ “nối nhau
diệt mất trong từng niệm tưởng”, bởi xét đến ý nghĩa này thì mọi
khái niệm về tự ngã tất nhiên phải hoàn toàn sụp đổ, chỉ còn lại
hình dung về một dòng tâm thức tương tục mà trong đoạn văn trích dẫn
trên được cho là “nguyên nhân chính yếu của thức”. Cách giải thích
này rất hợp lý, vì các thức rõ ràng đều được sanh khởi trên chính
nền tảng là dòng tâm thức tương tục này.
Như vậy, hiện tượng mà tất cả chúng sanh cho là “chết đi” hay “sanh
ra” thật ra chỉ có thể tạm xem như là những điểm chuyển hướng trong
dòng tâm thức tương tục theo lời Phật dạy như trên. Những thuyết
giảng của đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, một bậc thầy đương đại tiêu biểu
cho Phật giáo Tây Tạng, được một nhà khoa học phương Tây nhận hiểu
và trình bày lại như sau:
“Phật giáo Tây Tạng xác nhận rằng trong tiến trình của sự chết các
giác quan thông thường và năng lực nhận thức trở nên tiềm tàng. Kết
quả cuối cùng của tiến trình này – khi tất cả năng lực tinh thần
bình thường của chúng ta đã mất đi – không phải là sự đoạn diệt tâm
thức, mà là sự hiển lộ của tâm thức rất vi tế mà từ đó tất cả các
tiến trình tinh thần khởi nguồn. Theo Phật giáo Tây Tạng, sự hiện
diện của tâm thức vi tế này không phụ thuộc vào não bộ, cũng không
đòi hỏi sự mất đi của ý thức. Đúng hơn, kinh nghiệm của loại tâm
thức này là kinh nghiệm của sự nhận biết trực tiếp và nguyên sơ,
được xem như là nền tảng cấu thành của thế giới tự nhiên. Khi sự nối
kết giữa tâm thức vi tế này và thân thể bị cắt đứt, cái chết xảy ra.
Nhưng tâm thức này không biến mất. Ngược lại, từ nơi tâm thức này
tạm thời khởi lên một “thân thể tinh thần” (thân trung ấm), tương tự
như loại thân thể phi vật lý mà người ta có trong giấc mơ. Theo sau
cái chết của một người là một chuỗi kinh nghiệm tương tự như trong
giấc mơ, rồi sau đó “thân thể tinh thần” này cũng “ chết đi”, và
ngay khoảnh khắc tiếp theo đó thì đời sống kế tiếp bắt đầu, chẳng
hạn như trong tử cung của người mẹ tương lai.”
[2]
Như vậy, tuy phần nào đó có thể tạm xem là tương tự, vì có sự tiếp
nối giữa đời sống này và đời sống tiếp theo sau, nhưng hoàn toàn
không có một “linh hồn” hiện hữu và rời khỏi thân xác hiện nay để
“đầu thai” vào một đời sống tiếp theo như nhiều người lầm tưởng.
Quan niệm sai lầm về một linh hồn thường tồn cũng là một kiểu tà
kiến đã từng bị đức Phật bác bỏ, vì nó khiến cho người tu tập không
nhận thức đúng về ý nghĩa của sự tu tập và thường thì đây chính là
một kiểu chuyển hướng quan điểm bám víu tự ngã từ vật thể sang phi
vật thể.
Theo lời Phật dạy, sự tu tập đạo pháp chính là dựa trên nền tảng của
dòng tâm thức tương tục không dứt đoạn, vì tuy cái trước diệt mất
cái sau sanh ra nhưng vẫn thật có một dòng tương tục chuyển biến, ví
như dòng nước tuy không có bất cứ một điểm nào trong đó là tồn tại
độc lập nhưng thật vẫn có dòng chảy và hướng chảy. Sự tu tập đạo
pháp của chúng sanh cũng tương tự như vậy. Đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Ví như phép đếm số, một chẳng đến hai, hai chẳng đến
ba, tuy mỗi một niệm đều nối nhau diệt mất nhưng vẫn [đếm được] đến
số ngàn, số vạn... Chúng sanh tu tập đạo pháp cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Như ngọn đèn, trong mỗi một niệm đều nối nhau diệt
mất. Ngọn lửa trước, khi diệt mất không bảo ngọn lửa sau rằng: Khi
ta diệt thì mày phải sanh ra để xua tan bóng tối. [Nhưng do tánh tự
nhiên của pháp là như vậy nên ánh sáng vẫn tự nhiên nối tiếp nhau mà
xua tan được bóng tối.]
“Thiện nam tử! Ví như con nghé vừa sanh ra liền tìm vú sữa mà bú.
Cái trí khôn biết tìm vú sữa đó thật không do ai dạy bảo. Tuy mỗi
một niệm đều nối nhau diệt mất, nhưng [thật có] trước đói, sau no.
Cho nên phải biết rằng, [việc trước việc sau] chẳng phải tương tự;
nếu là tương tự thì lẽ ra chẳng sanh khác biệt. Chúng sanh tu tập
đạo pháp cũng giống như vậy; ban đầu chưa có sự tăng trưởng, nhưng
nhờ tu lâu mà có thể phá trừ tất cả phiền não!”
(trang 496, tập V)
Đến đây, nếu đọc kỹ kinh văn để nhận biết được về một dòng tâm thức
tương tục không dứt đoạn như lời Phật dạy thì xem như chúng ta đã có
thể nhận hiểu được phần nào về ý nghĩa thật sự của vấn đề sống chết,
nhưng những thắc mắc sâu xa hơn có thể nảy sanh. Nếu sự tồn tại hiện
nay của mỗi chúng sanh chỉ là sự giả hợp của năm ấm và khi năm ấm đó
tan rã cũng hoàn toàn không chuyển dịch đến một đời sống khác để tạo
thành năm ấm mới thì mối tương quan giữa đời sống cũ và đời sống mới
do đâu mà được thiết lập? Còn nếu nói là không có tương quan thì sự
tu tập liệu có ý nghĩa gì? Bồ Tát Sư Tử Hống đã nêu lên thắc mắc này
trong câu hỏi sau đây:
“Thế Tôn! Như Phật có dạy: Người đã chứng quả Tu-đà-hoàn rồi, tuy
sanh vào cõi nước xấu ác cũng vẫn giữ giới, không phạm vào những
việc giết hại, trộm cắp, dâm loạn, nói đâm thọc, uống rượu say. Năm
ấm của vị Tu-đà-hoàn đã diệt mất ở cõi này, không đến nơi cõi nước
xấu ác kia. Việc tu tập đạo pháp cũng thế, không hề đến cõi nước xấu
ác kia. Nếu là tương tự, vì sao chẳng sanh nơi cõi nước thanh tịnh
nhiệm mầu? Nếu năm ấm ở cõi nước xấu ác kia chẳng phải là năm ấm
[trước đây] của vị Tu-đà-hoàn, vì sao [có được khả năng] không tạo
nghiệp ác?”
(trang 497, tập V)
Để
giải tỏa sự thắc mắc này, đức Phật dạy:
“Thiện nam tử! Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh nơi cõi nước xấu ác vẫn không
mất đi danh hiệu Tu-đà-hoàn. Vì năm ấm [trước và sau] không tương tự
nên ta mới dẫn trường hợp con nghé làm ví dụ. Vị Tu-đà-hoàn tuy sanh
vào cõi nước xấu ác, nhưng do có đạo lực nên không tạo các nghiệp
ác.”
(trang 497, tập V)
Như vậy, điều mà người tu tập chắc chắn có được chính là “đạo lực”.
Tuy chưa đạt được giải thoát nên vẫn phải trôi lăn trong dòng sanh
tử luân hồi, như chính vị chứng quả Tu-đà-hoàn kia vẫn phải thọ sanh
về cảnh giới xấu ác, nhưng nhờ có sự chuyên cần tu tập mà cho dù
sanh ra bất cứ nơi đâu cũng có được phần “đạo lực” để nhờ đó sẽ ngăn
ngừa được nghiệp ác và tiếp tục tu tiến. Vì thế, tuy chưa chứng được
các thánh quả nhưng sự tu tập chân chánh theo lời Phật dạy chắc chắn
sẽ luôn giúp ta có được phần vốn liếng quý giá trên con đường hướng
đến sự giải thoát. Đức Phật giải thích rõ hơn về việc này:
“Vị Tu-đà-hoàn cũng vậy, tuy sanh nơi cõi nước xấu ác, không tu tập
đạo pháp, nhưng do đạo lực [từ trước] nên không hề tạo các nghiệp
ác.
“Thiện nam tử! Năm ấm của vị Tu-đà-hoàn thật đã diệt mất ở cõi này;
tuy sanh năm ấm khác, nhưng vẫn không mất đi ấm của Tu-đà-hoàn.
“Thiện nam tử! Như chúng sanh vì muốn được [ăn] quả nên đối với hạt
giống làm đủ mọi điều khó nhọc như bón phân, chăm sóc, tưới nước...
Trong khi chưa được ăn quả, hạt giống đã diệt mất. Nhưng cũng có thể
nói rằng, nhân nơi hạt giống mà có được quả. Năm ấm của vị
Tu-đà-hoàn cũng vậy.”
(trang 498, tập V)
Đến đây chúng ta có thể tạm thâu tóm phần nội dung giảng giải của
đức Phật trong kinh này về dòng sanh tử tương tục của tất cả chúng
sanh trong cõi luân hồi. Mặc dù không có bất cứ một yếu tố vật thể
hay phi vật thể nào để chúng ta bám víu vào đó như một tự ngã tồn
tại độc lập, nhưng dòng tâm thức sanh diệt tiếp nối không dứt đoạn
tự nó đã là một thực thể tồn tại khách quan mà trong đó mọi nghiệp
quả đều không dứt mất.
“Tuy biết chúng sanh thật không có tự ngã, nhưng nghiệp quả trong
tương lai không hề dứt mất.”
(trang 290, tập IV)
“Nghiệp quả trong tương lai không hề dứt mất” nên tất cả mọi cảnh
giới thiên đàng hay địa ngục đều chính là sự biểu hiện của nghiệp
quả ấy, và vì thế không có bất cứ một đấng thần linh ban phước giáng
họa nào có thể quyết định được cảnh giới mà chúng ta sẽ thọ sanh.
Chính nghiệp quả mà chúng ta đã tạo ra mới giữ phần quyết định điều
đó. Ngay cả những người tu tập theo Tịnh độ tông, tuy hết lòng tin
tưởng vào nguyện lực tiếp dẫn của đức Phật A-di-đà, nhưng nếu tự
thân không có sự tu tập tích lũy nghiệp lành, không thường nhiếp tâm
chánh niệm thì biết dựa vào đâu để được vãng sanh?
Và không chỉ là nghiệp quả không hề dứt mất mà mọi nỗ lực tu tập đạo
pháp của chúng ta cũng không hề dứt mất và sẽ luôn góp phần tác động
trong sự chuyển hướng dòng sanh tử tương tục. Cho dù không hề có một
tự ngã tồn tại độc lập, nhưng những khổ đau của kiếp sống luân hồi
là một sự thật mà mỗi chúng ta hiện nay đều cảm nhận rất rõ ràng. Vì
thế, dù muốn hay không ta cũng không thể phủ nhận được sự cần thiết
của việc tu tập đạo pháp để hướng đến giải thoát, và nền tảng của
một sự tu tập chân chánh theo lời Phật dạy chính là phải có được
nhận thức chân thật về dòng sanh tử tương tục mà mỗi chúng ta đang
bị cuốn trôi không ngừng trong đó.