Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
SÁM PHÁP TỪ BI ÐẠO TRÀNG
Từ bi Ðạo Tràng, bốn chữ ấy là danh hiệu của pháp sám hối nầy.
Nhơn vì cảm thấy Ðức Phật Di Lặc, dủ lòng từ bi, thương đời hiện tại và đời vị lai, ứng mộng dạy bảo, đặt tên như thế, đúng như sự thật, không dám đổi thay.
Nay vâng lời dạy bảo của Ðấng Từ Bi ấy là vì muốn hộ trì Tam bảo: làm cho ma quân ẩn hình, khiến người tự cao tự đại và người tăng thượng mạn ([1]) phải tự chiết phục; khiến người chưa trồng căn lành phải trồng căn lành; người đã trồng rồi, thì làm cho căn lành thêm lớn; khiến người hay chấp lấy chỗ sở đắc ([2]) đắm trước tà kiến ([3]), phải phát tâm xả bỏ chấp trước; khiến người ưa tiểu thừa ([4]) không nghi đại thừa ([5]); người ưa đại thừa sanh tâm hoan hỷ tiểu thừa.
Vả lại, pháp sám từ bi nầy lớn hơn tất cả các việc lành khác. Pháp nầy là chỗ quy y của hết thảy chúng sanh; như mặt trời sáng ban ngày; như mặt trăng chiếu ban đêm. Pháp này là tròng con mắt, là đạo sư, là cha mẹ, là anh em, là chơn thiện tri thức của người tu hành, đồng đi đến đạo tràng.
Pháp sám nầy thân thích hơn huyết nhục; đời đời theo nhau, dầu đến chết cũng không rời nhau. Vì thế nên gọi Pháp sám nầy là Từ Bi Ðạo Tràng.
Hôm nay Ðại chúng ẩn thân hay hiện hình trong Ðạo tràng, lập ra Pháp sám nầy đều phát đại tâm, vì có mười hai nhơn duyên lớn.
Những gì là mười hai?
1.- Một là nguyện hóa độ sáu đường ([6]) chúng sanh không có hạn lượng.
2.- Hai là chuyện báo đáp tứ ân không có hạn lượng.
3.- Ba là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến chúng sanh thọ cấm giới của
Phật, không sanh tâm hủy phạm.
4.- Bốn là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, đối với các bậc
tôn trưởng không sanh tâm kiêu mạn.
5.- Năm là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, sanh ra nơi nào
cũng không khởi tâm giận hờn.
6.- Sáu là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh đối với sắc thân
người khác, không khởi tâm ghen ghét.
7.- Bảy là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, đối với các
pháp trong thân, ngoài thân, không sanh tâm keo rít, mến tiếc.
8.- Tám là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, hễ làm được
phước thiện gì, đều không phải vì mình mà làm, chỉ vì những người không có ai ủng
hộ, không có ai giúp đỡ mà làm.
9.- Chín là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh không vì mình
mà tu pháp tứ nhiếp ([7]) mà chỉ vì hết thảy chúng sanh.
10.- Mười là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, thấy người
cô độc tù tội, tật bệnh thì sanh tâm cứu giúp, cho họ an vui.
11.- Mười một là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến người tu hành, thấy có
chúng sanh nào đáng chiết phục thì chiết phục, đáng nhiếp thọ thì nhiếp thọ.
12.- Mười hai là nguyện nhờ thần lực của Pháp sám nầy, khiến các chúng sanh, sanh ra
nơi nào, cũng tự nghĩ nhớ đến sự phát tâm bồ đề hôm nay, làm cho tâm bồ đề tương
tục mãi mãi không bị gián đoạn.
Ngưỡng mong Ðại chúng hoặc phàm hoặc thánh, hoặc ẩn thân hay hiện hình trong Ðạo Tràng nầy, đồng gia tâm phù hộ, đồng gia tâm nhiếp thọ, khiến đệ tử chúng con tên . . . . sám hối được thanh tịnh, thệ nguyện được thành tựu, tâm đồng tâm chư Phật, nguyện đồng nguyện chư Phật. Chúng sanh trong bốn loài ([8]), sáu đường do đó mà được mãn bồ đề nguyện. CHƯƠNG THỨ NHẤT
QUY Y TAM BẢO
Hôm nay Ðại chúng đồng nghiệp trong Ðạo tràng mọi người đều nên sanh tâm giác ngộ; biết đời là vô thường, thân không sống lâu, trẻ mạnh rồi phải già yếu; chớ ỷ hình dung tốt đẹp mà không tự giữ gìn tịnh hạnh.
Vạn vật cũng vô thường thảy đều tiêu diệt. Trên trời dưới đất, không có vật gì tồn tại mãi mãi. Lúc còn trẻ, nhan sắc tốt đẹp, da thịt mịn màng, thơm tho trong sạch. Nhưng thân nầy cũng vô thường. Người sống có hợp có tan. Sanh già bệnh chết không hẹn mà đến, ai sẽ trừ khử khổ ấy cho ta. Tai họa thình lình đưa đến biết đâu mà tránh, không thể thoát được. Sang, hèn, giàu, nghèo, thảy đều nhơn vậy mà chết. Chết rồi thân thể sình chương, thối không chịu nổi. Vậy luyến tiếc thân nầy nào có ích gì. Nếu không lo tu nghiệp lành thù thắng, thì do đâu mà thoát ly sanh tử.
Ðệ tử chúng con tên . . . tự nghĩ rằng: Hình tợ sương mai, mạng như nắng chiều: đời sống mong manh; chưa biết chết lúc nào. Lại thêm nghèo thiếu, không có phước đức đáng xưng; không có trí tuệ sáng suốt, không có hiểu biết như đại nhơn thần thánh; lời nói không tốt đẹp, không trung hòa, nhơn nghĩa, hạnh kiểm tiến thối không có lễ độ, tôn ty. Nếu lầm lập chí như vậy, càng thêm mệt nhọc cho sự tu hành.
Ngưỡng mong Ðại chúng sanh lòng hổ thẹn, sợ hãi. Pháp hội nầy lập có kỳ hạn, nếu không lo sám hối sau luyến tiếc, hối hận cũng không thể được.
Từ nay trở đi nguyện phải nỗ lực, sớm tối chuyên tâm, phụng sự cúng dường càng thêm tinh tấn . Chỉ có việc ấy là khoan khoái, cần làm hơn hết.
Ngưỡng mong Ðại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng, nên phải ân cần, thận trọng, phát tâm dõng mãnh, tâm không buông lung, tâm an trú, tâm quảng đại, tâm thù thắng, tâm đại từ bi, tâm lạc thiện, tâm hoan hỷ, tâm báo ơn, tâm tế độ, tâm giữ gìn hết thảy chúng sanh; tâm cứu hộ hết thảy chúng sanh, tâm đồng tâm Bồ Tát; tâm đồng tâm chư Phật! nhất tâm nhất ý, chí thành đảnh lễ Tam Bảo.
Nguyện xin thay thế quốc vương, đế chúa, thổ địa, nhơn dân, thế cho cha mẹ, sư trưởng thượng, trung, hạ tòa, thiện ác tri thức, chư thiên, chư tiên, hộ thế tứ vương, chủ thiện phạt ác, thủ hộ trì chú, ngũ phương long vương, long thần bát bộ([9]), và hết thảy chúng sanh vô cùng vô tận, trong mười phương, có tâm linh, có thần thức, hoặc ở dưới nước, hoặc ở trên khô, hoặc ở giữa hư không; nguyện thế cho hết thảy chúng sanh ấy mà quy y mười phương tận hư không giới hết thảy chư Phật. (1lạy)
- Quy y mười phương tận hư không giới hết thảy Tôn pháp. (1lạy)
- Quy y mười phương tận hư không giới hết thảy hiền Thánh Tăng. (1lạy)
Ngày nay Ðại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng nên biết vì cớ gì mà phải quy y Tam Bảo.
Vì các Ðức Phật, các vị Bồ tát, có lòng đại từ vô lượng độ thoát thế gian, có lòng đại bi vô lượng, an ủy thế gian, thương hết thảy chúng sanh như con đỏ.
Lòng đại từ đại bi ấy thường không biết mỏi mệt, hằng cầu việc lành lợi ích cho tất cả: thề dập tắt lửa tham sân si cho tất cả, giáo hóa khiến cho tất cả đều được quả vô thượng bồ đề. Nếu chúng sanh không chứng quả bồ đề. Phật thề không thành chánh giác, vì duyên cớ ấy nên đại chúng cần phải quy y Tam Bảo.
Vả lại các đức Phật thương xót chúng sanh quá hơn cha mẹ thương con.
Trong kinh dạy rằng: “Cha mẹ thương con chỉ một đời. Phật thương chúng sanh tâm không cùng tận. Lại nữa cha mẹ thấy con vong ân bội nghĩa, thì sanh lòng giận hờn, tình thương giảm xuống. Phật và Bồ tát thương chúng sanh, lòng không như vậy. Thấy chúng sanh bội nghịch lòng thương của Phật và Bồ tát càng tăng lên mãi.
Các Ngài còn vào trong địa ngục hỏa luân, địa ngục vô gián mà chịu vô lượng khổ, thế cho chúng sanh.
Vì thế nên biết rằng chư Phật và Bồ tát thương xót chúng sanh hơn cha mẹ thương con. Vậy mà chúng sanh vì vô minh ([10]) che lấp trí huệ, phiền não che lấp tâm tánh, đối với Phật và Bồ tát không biết quay đầu lại mà quy y, không biết ngưỡng mộ. Thuyết pháp giáo hóa, chúng sanh cũng không tin, không chịu mà còn thô lỗ, phỉ báng, chưa từng phát tâm niệm ơn chư Phật.
Vì chúng sanh không tin nên đọa vào đường ác: địa ngục, ngã quỷ, súc sanh; khắp trong ba đường ác ấy, chịu vô lượng khổ.
Tội hết được ra, tạm sanh làm người, tai mắt không đủ, thân thể xấu xa, không tu thiền định, không tu trí huệ.
Chúng sanh có những quả báo chướng ngại như vậy là do không có lòng tin.
Ngày nay đại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng biết tội không tin nặng hơn các tội, khiến người tu hành lâu không thấy Phật.
Hôm nay đại chúng tự phải cùng nhau khẳng khái tu hành, chiết ý tỏa tình sanh tâm tăng thượng, khởi lòng hổ thẹn, cúi đầu cầu xin sám hối tội cũ. Nghiệp lụy hết rồi, trong ngoài thanh tịnh, sau mới vận tâm quay về đức tín, phát lòng tin tưởng Tam Bảo. Nếu không khởi tâm như vậy, vận tưởng như vậy, sợ lòng tin phải cách tuyệt, chướng ngại khó thông. Một khi đã mất nẻo xu hướng, thì mờ mịt không biết về đâu! Vậy thì chúng con không thể không tin mà phải đầu thành đảnh lễ quy y Tam Bảo, không dám nghi ngờ.
Ðệ tử chúng con tên . . . nay nhờ sức từ bi của chư Phật, chư đại Bồ tát mới mong hiểu biết, rất lấy làm hổ thẹn. Những tội đã làm nguyện xin trừ diệt. Những tội chưa làm không dám làm nữa.
Từ nay trở đi, cho đến ngày thành Phật, khởi lòng tin kiên cố, không dám thối lui.
Xả thân nầy hoặc sanh vào địa ngục, hoặc sanh vào ngã quỷ, hoặc sanh vào súc sanh, hoặc sanh làm người, hoặc sanh làm trời, ở trong ba cõi, hoặc thọ nam thân, hoặc thọ nữ thân, hoặc thọ phi nam phi nữ thân v.v. . . hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc lên hoặc xuống chịu đủ khổ não, không thể chịu nổi, chúng con xin thề: không vì khổ ấy mà thối mất lòng tin ngày nay.
Thà chịu bao nhiêu khổ lụy trong muôn ngàn ức kiếp, chúng con xin thề: không vì khổ mà thối mất lòng tin hôm nay.
Nguyện xin chư Phật, chư đại Bồ tát, đồng gia tâm cứu hộ, đồng gia tâm nhiếp thọ, khiến đệ tử chúng con tên . . . tín tâm được kiên cố, đồng như tâm của chư Phật, đồng như nguyện của chư Phật, tà ma ngoại đạo không thể phá hoại tín tâm của chúng con.
Chúng con cùng nhau chí tâm, một lòng tha thiết, đầu thành đảnh lễ, quy y mười phương tận hư không giới hết thảy chư Phật.
Quy y mười phương tận hư không giới, hết thảy Tôn Pháp.
Quy y mười phương tận hư không giới hết thảy Hiền Thánh Tăng.
Ngày nay đại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng hãy lắng lòng mà nghe.
Than ôi! Cõi Trời, cõi người đều huyễn hoặc, thế giới là giả dối.
Do vì huyễn hoặc, không chơn thật, nên kết quả cũng không chơn thật. Giả dối mong manh nên biến hóa vô cùng.
Kết quả không chơn, sở dĩ phải chìm đắm mãi trong vòng sanh tử. Biến hóa không cùng, sở dĩ phải trôi lăn hoài trong biển ái khổ đau. Thấy chúng sanh đau khổ như vậy, Phật rất thương xót.
Kinh Bi Hoa dạy rằng: “Các vị Bồ tát thành Phật đều có bổn nguyện”.
Ðức Thích Tôn không hiện thân sống ở đời lâu dài, thọ mạng Ngài ngắn ngủi là vì thương chúng sanh ở cõi nầy, sống yểu uổng trong nháy mắt rồi chết, như biến hóa, chìm mãi trong biển khổ không ra được. Vì thế nên Phật ở cõi nầy cứu chúng sanh tệ ác, phải tạm dùng lời cứng rắn khổ khắc, thiết tha mà dạy bảo.
Ngài ở trong biển khổ, cứu độ chúng sanh, chưa từng khi nào không lưu tâm đến sự hoằng hóa, tế độ, lợi ích cho chúng sanh, bằng cách ứng dụng thiện pháp làm phương tiện.
Sở dĩ kinh Tam muội dạy rằng: “Tâm chư Phật là tâm đại từ bi; chỗ tâm từ bi của Phật soi đến là chỗ chúng sanh đau khổ”.
Phật thấy chúng sanh chịu khổ não như tên bắn vào lòng Phật, như phá tròng mắt Phật. Thấy rồi thương xót, tâm không tạm yên. Cho nên Phật muốn diệt khổ ngay cho chúng sanh được an vui.
Lại nữa, trí huệ của chư Phật là trí huệ bình đẳng, nên Phật hóa độ chúng sanh cũng bình đẳng. Như đức Thích Tôn ai cũng xưng Ngài là Ðấng Bình đẳng. Ngài dõng mãnh, chịu khổ độ thoát chúng sanh, cho nên biết ân đức Bổn sư rất nặng.
Ngài hay ở trong khổ não thuyết pháp, lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Ngày nay chúng sanh không được giải thoát là về trước kia không nghe được âm thanh vi diệu của Phật thuyết pháp; về sau không thấy được Phật niết bàn. Chúng sanh vì nghiệp chướng ngăn che nên xa cách lòng thương của Phật.
Bây giờ chúng con hãy cùng nhau sanh tâm thương tiếc. Vì thương tiếc nên thiện tâm nồng hậu, ở trong đau khổ chúng con nhớ ơn chư Phật , kêu cầu thảm thiết, ảo não khóc lóc, chí thành đảnh lễ, năm vóc sát đất, nguyện vì quốc vương và quyến thuộc của quốc vương, thổ địa nhơn dân, phụ mẫu, sư trưởng, tín thí đàn việt, thiện ác tri thức, chư thiên . . . . chư tiên, thông minh, chánh trực, thiên địa hư không, hộ thế tứ vương, chủ thiện phạt ác, thủ hộ trì chú, ngũ phương long vương, long thần bát bộ, cùng khắp hết thảy chúng sanh vô cùng vô tận trong mười phương mà quy y mười phương tận hư không giới hết thảy chư Phật. (1lạy)
Quy y mười phương tận hư không giới hết thảy Tôn pháp. (1lạy)
Quy y mười phương tận hư không giới hết thảy Hiền Thánh Tăng. (1lạy)
(Toàn thể đều quỳ chắp tay tâm niệm và tiếp tụng) :
Chư Phật đại thánh tôn,
Thấu rõ hết thảy pháp,
Ðạo sư của Trời người
Cho nên nguyện quy y.
- Tôn pháp tánh thường trú,
Thanh tịnh tu đa la ([11])
Hay trừ bệnh thân tâm,
Cho nên nguyện quy y.
- Ðại địa chư Bồ tát ([12])
Vô trước tứ sa môn ([13])
Hay cứu hết thảy khổ
Cho nên nguyện quy y.
- Tam Bảo cứu thế gian
Vì sáu đường chúng sanh,
Con nay xin đảnh lễ,
Quy y thế tất cả.
- Từ bi che hết thảy
Khiến đồng được an vui.
Thương xót cả muôn loài
Chúng con đồng quy y.
(Mọi người đều đảnh lễ sát đất và tự niệm rằng) :
Nguyện xin hết thảy mười phương Tam Bảo đem từ bi lực, bổn thệ nguyện lực, bất tư nghị lực, vô lượng tự tại lực, độ thoát chúng sanh lực, phú hộ chúng sanh lực, an ủy chúng sanh lực. Ðem những năng lực ấy khiến các chúng sanh đều giác ngộ, chúng con tên . . . ngày nay vì các chúng sanh ấy mà quy y Tam bảo.
Chúng con xin nhờ công đức nầy có năng lực khiến các chúng sanh ấy đều được mãn nguyện.
Nếu các chúng sanh ấy hoặc ở trong loài trời, loài tiên thì được hết nghiệp hữu lậu. ([14])
Nếu các chúng sanh ấy ở trong loài a tu la thì khiến họ xả bỏ tánh kiêu mạn.
Nếu các chúng sanh ấy ở trong loài người thì khiến cho hết khổ đau.
Nếu các chúng sanh ấy ở trong các loài địa ngục, ngã quỷ, súc sanh thì khiến cho liền được giải thoát.
Lại nữa, ngày nay người nào nghe được danh hiệu của Tam bảo, và người không nghe được cũng đều nhờ được thần lực của Phật mà được giải thoát, hoàn toàn thành tựu vô thượng bồ đề, đồng với các đại Bồ Tát thành bậc chánh giác. CHƯƠNG THỨ HAI
DỨT NGHI NGỜ
Ngày nay Ðại chúng đồng nghiệp trong Ðạo tràng lắng lòng mà nghe. Luận rằng: nhơn quả ảnh hưởng, lẫn nhau cảm ứng tương sanh ([15]) nhau; đạo lý tự nhiên như vậy không sai lầm. Nhưng về hạnh nghiệp ([16]) của chúng sanh, mỗi người một khác không giống nhau, nên quả báo cũng không giống nhau; hoặc tinh thô, hoặc sang hèn, hoặc thiện hoặc ác sai khác muôn vàn. Ðã có sai khác thì không rõ nguyên nhơn sự sai khác ấy do đâu. Vì không rõ nên sanh ra nghi ngờ, lầm lạc. Hoặc nói người tinh tấn tu hành, giữ giới trong sạch, đáng lẽ được sống lâu, sao lại chết sớm. Người hàng thịt (đồ tể), đáng lẽ chết sớm sao lại sống lâu. Người thanh liêm đáng lẽ được giàu sang, sao lại thấy nghèo thiếu. Người tham lam trộm cướp, đáng lẽ nghèo thiếu khốn khổ, sao lại giàu có phong lưu!
Nghi ngờ sai lầm như vậy ai cũng có nghĩ đến không tránh khỏi. Do vì không rõ việc của mình đã làm từ bao kiếp trước, hột giống của mình đã gieo không thuần, nên ngày nay đem lại kết quả bất nhất như vậy.
Kinh Bát nhã dạy rằng: “Nếu người nào đọc tụng kinh nầy, bị kẻ khác khinh chê, là vì người ấy đời trước có tội nghiệp nặng, đáng đọa vào đường ác. Ngày nay nhờ người khinh chê nên tội nghiệp đời trước được tiệu diệt.
Bởi chúng sanh không hết lòng thâm tín lời Phật dạy, mới có tâm nghi ngờ. Chúng sanh bị vô minh cho hoặc, cho lấp tâm tánh nên luống sanh tâm nghi ngờ điên đảo như vậy.
Chúng sanh lại cũng không tin: còn ở trong ba cõi là khổ, ra khỏi ba cõi là vui. Những người thường say đắm thế gian đều cho đời là vui.
Chúng ta thử hỏi:
Nếu đời thật là vui, cớ sao trong tâm biết vui ấy lại có tâm biết khổ.
Ăn uống quá độ liền sanh tật bệnh: ban sởi, ho hen, khí tức, cổ trướng, đau đớn, khó chịu.
Nói đến y phục, càng thấy khổ nhiều. Lạnh được áo mỏng thì bạc ơn người cho, lòng nghĩ nông nổi.
Nắng được áo kép, lông chiên, khổ não càng nhiều. Nếu y phục là vui, cớ sao lại sanh khổ não.
Nếu cho gia đình quyến thuộc là vui, lẽ ra cùng nhau vui mãi, hoan lạc ca cười không dứt, cớ sao thoặc vậy vô thường, qua đời trong nháy mắt! Vừa có đó liền không đó. Sớm cón tối mất, kêu trời vang đất, can trường đoạn đoạn! Chúng sanh lại cũng không tự biết mình từ đâu đến đây? Chết rồi đi đâu. Người còn khóc kẻ mất, ôm lòng thương xót, tống táng đưa nhau, thẳng đến sơn cùng, chắp tay vĩnh biệt, nhất từ vạn kiếp, đau đớn biết bao? Những điều như vậy, sầu khổ vô lượng, chúng sanh mê chấp cho đó là vui.
Trái lại, gây nhơn vui xuất thế, chúng sanh đều cho việc ấy là khổ.
Thấy người trai giới tương dưa, nuôi thân qua buổi, không mặc lục là, quen bận phấn tảo ([17]) ăn mặc nâu sồng, chúng sanh đều cho các việc ấy là tự ép xác, khốn khổ, không biết làm như thế là gây nhơn giải thoát, gieo giống an vui.
Hoặc thấy người bố thí trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, kinh hành lễ bái, tụng tập chuyên cần, chúng sanh đều cho là khổ; không biết làm như vậy là tu tâm xuất thế, để được an vui.
Thoảng hoặc thấy có người tật bệnh mà chết, liền sanh tâm nghi rằng: người ấy bắt buộc thân tâm nầy làm việc quá độ, trọn ngày không được tạm nghỉ. Sức lực con người không thể nào kham nổi. Nếu người tu hành không siêng năng khó nhọc thì đâu đến nỗi luống mất thân mạng với việc làm vô ích như vậy.
Hoặc có người chấp chặt lý thuyết của mình, tự cho mình là đúng, chứ không biết suy quả tầm nhơn, luống sanh tâm mê chấp, luống làm việc sai lầm.
Nếu may gặp được Thiện tri thức thì có thể hết mê lầm. Nếu không may. gặp phải bạn ác thầy tà thì si mê càng lắm.
Nhơn vì nghi ngờ mê hoặc nên đọa vào ba đường ác, ở trong ấy, ăn năn không kịp.
Hôm nay Ðại chúng đồng nghiệp trong Ðạo tràng nên hiểu rõ.
Phàm nghi ngờ như vậy có vô lượng nhơn duyên.
Vả chăng hột giống nghi ngờ lầm lạc ấy, tu hành thoát ra khỏi ba cõi luân hồi còn chưa hết, huống gì thân phàm phu nầy làm sao trừ ngay cho được. Ðời nầy không lo đoạn trừ, đời sau càng thêm.
Ðại chúng cùng nhau vừa mới tu tập, đường hãy còn dài, tự tu khổ hạnh, nên căn cứ vào lời Phật dạy, đúng pháp mà tu, không nên nghi ngờ, từ chối sự mệt nhọc.
Chư Phật thánh nhơn, sở dĩ ra được khỏi sanh tử, đến bờ giải thoát bên kia, là nhờ công tích thiện, nên được quả giải thoát vô ngại tự tại.
Chúng con ngày nay chưa lìa khỏi sanh tử, nghĩ cũng tự đáng thương; làm sao còn ham muốn ở trong đời ác trược nầy nữa. Nay đây may được tứ đại chưa suy dồi; ngũ phước còn thạnh, tới lui thong thả, động chuyển tự do mà không nỗ lực tu hành, còn đợi gì nữa. Ðời trước đã không thấy đạo; đời nầy cũng luống qua, không chứng ngộ gì, thì đời sau làm sao tế độ chúng sanh.
Xem lại tự tâm, thật cũng đau lòng. Ngày nay đại chúng chỉ nên khuyên nhau nỗ lực xiêng tu, không nên nói rằng, phải có tin tức chứng ngộ gì mới chịu tu tập; vì Phật đạo lâu dài, không thể một mai mà làm xong được. Nếu cứ chờ tin tức, như vậy một mai rồi lại một mai thì biết bao giờ chứng quả.
Nay hoặc có người nhơn tụng kinh, ngồi thiền, siêng tu khổ hạnh, hơi có chút tật bệnh liền nói: Vì tụng tập siêng năng, khổ hạnh quá nhiều nên sanh bệnh hoạn. Người nói như thế là vì họ không tự biết. Nếu họ không làm như vậy thì cũng đã chết sớm mất rồi. Nhờ tu hành có phước đức mới mong sống đến hôm nay.
Vả lại, bốn đại tăng giảm tật bệnh là thường, cho đến già chết còn không thể tránh. Sanh ở thế gian nầy chung cuộc rồi ai cũng tận số. Nếu muốn được đạo, phải y lời Phật dạy mà tu. Trái lời Phật mà đắc đạo thì không có lẽ ấy.
Chúng sanh vì trái lời Phật nên xơay chuyển trong ba đường, chịu đủ thống khổ. Nếu đúng như lời Phật dạy mà tu hành không thôi nghỉ, siêng năng tinh tấn, như cứu lửa cháy đầu, thì đâu đến nỗi một đời luống qua, không có lợi ích gì. Mọi người cùng nhau nhất tâm tha thiết, đầu thành đảnh lễ như Thái sơn đổ, nguyện vì những người sau đây mà đảnh lễ thế cho họ.
Kể từ khi có tâm thức cho đến ngày nay, cha mẹ nhiều đời, bà con nhiều kiếp, Hòa thượng, A xà lê, đồng đàn tôn chứng, thượng trung hạ tòa, tín thí đàn việt, thiện ác tri thức, chư thiên, chư tiên, hộ thế tứ thiên vương chủ thiện, phạt ác, thủ hộ trì chú, ngũ phương long vương, long thần bát bộ khắp đến 10 phương vô cùng vô tận, hết thảy chúng sanh mà quy y Thế gian đại từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Duy Vệ Phật
Nam mô Thi Khí Phật
Nam mô Tùy Diếp Phật
Nam mô Câu lưu Tôn Phật
Nam mô Câu na hàm mâu ni Phật
Nam mô Ca Diếp Phật
Nam mô Thích Ca mâu ni Phật
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo nguyện xin Tam bảo dùng sức Từ bi, đồng gia tâm nhiếp thọ; dùng sức thần thông che chở cứu vớt chúng con; khiến chúng con từ nay trở đi cho đến ngày thành đạo, tứ vô lượng tâm ([18]) lục ba la mật ([19]) thường được hiện tiền, tứ vô ngại trí ([20]), lục thần thông lực ([21]), được như ý tự tại; tu đạo Bồ tát, vào trí huệ Phật, hóa độ mười phương, thành bậc chánh giác.
Ngày nay Ðại chúng đồng nghiệp trong đạo tràng lại khéo nhiếp tâm, suy nghĩ cho kỹ:
Ðã được cùng nhau sanh lòng tin rồi thì nên giữ ý thanh tịnh, lấy điều ấy làm nẻo xu hướng đối với các pháp trong thân ngoài thân chớ cho trở ngại.
Nếu không biết rõ việc làm hay tự mình không thể làm thì lúc thấy người làm việc phước thiện, chỉ nên khuyến khích, chắp tay tán thán công đức của người, không nên sanh tâm trở ngại, khiến người tu hành phải thối chí.
Nếu người không thối chí họ cứ tinh tấn như thường việc người không giảm, chỉ mình bị tổn phước, luống gây thị phi, đối với bản thân nào có ích gì? Nếu đối với việc lành mình không trở ngại thì có thể gọi là hợp đạo, hữu lực đại nhơn. Nếu đời nầy mình hay trở ngại việc phước thiện của người thì đời sau làm sao thông đạt được Phật đạo.
Cứ lý mà suy, tổn hại ấy rất nặng. Trở ngại thiện căn của người, tội ấy rất lớn.
Như kinh hộ khẩu dạy rằng:
“Có một ngã quỷ thân hình xấu ác, thấy phải rùng mình, không ai không sợ. Thân xuất lửa dữ như đám cháy lớn. Trong miệng có sâu dòi rúc ra mãi mãi, máu mủ tanh hôi, đầy cả thân hình, mùi thối bay ra, không ai có thể đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân phần lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, tuông chạy cùng khắp.
Bấy giờ có ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngã quỷ rằng:
“Xưa kia ngươi mắc phải tội gì mà nay chịu khổ như thế?”
Ngã quỷ đáp rằng:
Tôi ngày xưa đã từng làm sa môn, tham đắm sự nuôi sống, xan tham không bỏ, không giữ oai nghi, nói lời thô ác.
Nếu thấy người giữ giới tinh tấn lại liền mắng nhiếc, liếc mắt háy nguýt, ỷ mình giàu mạnh, tưởng sống lâu không chết, tạo ra vô lượng tội ác căn bản. Ngày nay nhớ lại, hối hận cũng không ích gì. Thà cầm dao bén tự cắt lưỡi mình, kiếp nầy sang kiếp khác, cam tâm chịu khổ, không nên nói một lời phỉ báng việc làm của người.
“Nguyện xin ngài trở về đường thế, đem hình trạng xấu ác của tôi răn dạy các thầy Tỳ kheo và các Phật tử, khéo giữ gìn lỗ miệng, chớ buông lời nói ác. Dầu thấy người giữ giới hay không giữ giới cũng nên tuyên dương công đức của người.
Tôi làm quỷ đói đã vài ngàn kiếp, trọn ngày thâu đêm chịu đủ điều đau khổ. Quả báo này hết rồi lại vào địa ngục”.
Bấy giờ Ngã quỉ nói lời ấy rồi, cất tiếng kêu khóc, tự gieo mình xuống đất như núi Thái Sơn sụp đổ.
Ngày nay đại chúng đồng nghiệp trong Ðạo tràng nghe lời kinh dạy như vậy rất đáng sợ hãi.
Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, luống nữa là còn bao nhiêu điều ác khác. Xả thân này thọ thân khác mà chịu khổ điều do nghiệp ác của mình đã làm. Nếu không gây nhơn thì tại làm sao lại có chịu quả. Ðã gây nhơn quyết định phải chịu trả quả. Tội phước không xa, mình làm mình chịu, như bóng theo hình, không thể rời nhau. Do vô minh mà sanh thì cũng do vô minh mà diệt. Ðời này đời sau, bao giờ cũng vậy, chưa từng thấy người tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn giữ gìn tu hành, được phước đức vô lượng.
Ngày nay Ðại chúng đều nên biết hổ thẹn rửa sạch thân tâm, sám hối tội cũ. Tội cũ hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được các đức Phật khen ngợi. Cùng nhau từ nay trở đi, nếu thấy người làm thiện, chớ nói thành hay không thành, lâu hay không lâu. Dầu cho họ chỉ làm lành trong một niệm, một thời, một khắc, một ngày, một tháng, nửa năm, hy một năm cũng đã hơn người không làm.
Sở dĩ kinh Pháp Hoa dạy rằng:”Hoặc có người tâm tán loạn vào trong tháp miếu, xưng một câu Nam mô Phật, người ấy cũng đã thành Phật đạo”. Huống nữa có người phát tâm rộng lớn, siêng làm phước thiện. Nếu chúng ta không tùy hỷ thì thánh nhơn rất thương xót.
Chúng con tên . . . tự nghĩ mình từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay lẽ ra cũng đã có vô lượng ác tâm trở ngại việc lành tốt đẹp của người. Vì sao mà biết? Nếu không như vậy, cớ sao ngày nay việc lành của chúng con phần nhiều hay bị trở ngại. Thiền định không hay tập, trí thức không hay tu. Vừa mới lễ bái liền nói khổ lắm. Vừa cầm đến kinhliền sanh nhàm chán. Trọn ngày chỉ ưa khó nhọc làm các nghiệp ác khiến cho thân này không được giải thoát, như tầm kéo kén, tự ràng, tự buộc, như phù du vào lửa, tự thiêu tự đốt. Những chướng ngại ấy vô lượng vô biên, chướng Bồ đề tâm, chướng Bồ đề nguyện, chướng Bồ đề hạnh, chướng ngại như vậy đều do ác tâm, Phỉ báng việc thiện của người. Nay mới giác ngộ, rất là hổ thẹn, cúi đầu xin sám hối tội ấy.
Nguyện xin xhư Phật chư Ðại Bồ tát, đem lòng từ bi, đồng gia thần lực khiến đệ tử tên . .. những điều sám hối đều được trừ diệt, những điều hối đều được thanh tịnh. Vô lượng chướng ngại , Vô lượng tội nghiệp đều nhờ sám hối này mà được sạch hết.
Mọi người cùng nhau nhất tâm thống thiết năm vóc sát đất, quy y thế gian Ðại Từ bi phụ:
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Thiện Ðức Phật
Nam mô Vô Ưu Ðức Phật
Nam mô Chiên Ðàn Ðức Phật
Nam mô Bảo Thí Phật
Nam mô Vô Lượng Minh Phật
Nam mô Hoa Ðức Phật
Nam mô Tưởng Ðức Phật.
Nam mô Tam Thừa Hạnh Phật
Nam mô Quảng Chúng Ðức Phật
Nam mô Minh Ðức Phật
Nam mô Sư Tử Du Hý Bồ tát
Nam mô Sư Tử Phấn Tấn Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại xin quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam Bảo.
(Cùng nhau quỳ gối chắp tay, tâm niệm và tụng niệm):
Ðệ tử chúng con tên . . . từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, chưa thể đắc đạo, thọ lấy báo thân nầy vì tham bốn món cúng dường chưa từng xả bỏ. Tham sân tật đố, ba độc hừng hẫy sanh ra các ác nghiệp. Thấy người bố thí, trì giới, tự mình không thể làm, không hay tùy hỷ. Thấy người nhẫn nhục tinh tấn, tự mình không thể làm. Không hay tùy hỷ. Thấy người tọa thiền, tu nghiệp trí huệ, tự mình không thể làm, không hay tùy hỷ. Những tội như vậy, vô lượng vô biên ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Lại nữa từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, thấy người làm lành, tu các công đức không hay tùy hỷ, đi đứng nằm ngồi, trong bốn oai nghi ấy không biết hổ thẹn, không nghĩ vô thường, không biết xả thân này phải vào địa ngục.
Ðối với sắc thân người khác, khởi ra điều ác. Chướng ngại người xây dựng và cúng dường Tam bảo, chướng ngại người tu tập hết thảy công đức.
Tội chướng như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Lại nữa, từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay không tin Tam bảo là chỗ quy y, chướng ngại người xuất gia, chướng ngại người trì giới, chướng ngại người bố thí, chướng ngại người nhẫn nhục, chướng ngại người tinh tấn, chướng ngại ngưởi tọa thiền, chướng ngại người tụng kinh, chướng ngại người làm chay, chướng ngại người tạo tượng, chướng ngại người cúng dường, chướng ngại người khổ hạnh, chướng ngại người hành đạo, cho đến mảy may việc thiện của người chúng con cũng chướng ngại. Không tin xuất gia là pháp viễn ly, không tin nhẫn nhục là hạnh An lạc, không biết bình đẳng là đạo Bồ đề, không biết xa lìa vọng tưởng là tâm xuất thế. Vì những tội ấy cho nên ngày nay sanh ra nơi nào cũng gặp nhiều chướng ngại. Tội chướng như vậy, vô lượng vô biên, chỉ có chư Phật, chư Ðại Bồ tát mới thấy hết biết hết.
Như chỗ chư Phật và Bồ tát đã thấy đã biết, tội lượng nhiều ít, ngày nay hổ thẹn , tỏ bày sám hối, tất cả tội nhơn, khổ quả, nguyện xin trừ diệt. Từ nay trở đi cho đến ngày thành đạo tu đạo Bồ tát, không biết nhàm chán. Tài thí, pháp thí không cùng, không tận, trí huệ phương tiện làm gì cũng được. Hết thảy người thấy, người nghe đều được giải thoát.
Chúng con cùng nhau chí tâm, đầu thành đảnh lễ, năm vóc sát đất nguyện xin mười phương hết thảy chư Phật, chư Ðại Bồ tát hết thảy Hiền Thánh, dủ lòng từ bi, đồng gia thần lực, làm cho hết thảy chúng sanh trong sáu đường, nhờ sức sám hối nầy mà đoạn trừ được hết thảy tội khổ, xa lìa được hết thảy duyên điên đảo, không sanh ác tâm, xả nghiệp bốn thú ([22]) phát sanh trí huệ, tu đạo Bồ đề không thôi không nghỉ; hạnh nnguyện chóng viên mãn, mau lên ngôi Thập địa, vào tâm kim cang thành đẳng chánh giác.
CHƯƠNG THỨ BA
SÁM HỐI
Ngày nay Ðại chúng đồng ngiệp trong đạo tràng lắng tai nghe kỹ lời kinh dạy sau đây:
“Còn phàm phu thì gọi là buộc. Ðã chứng quả Thánh thì gọi là giải”.
Buộc tức là kết quả ác của hành động bạo ác của ba nghiệp ác đã gây ra. Giải tức là quả báo lành vô ngại giải thoát của ba nghiệp lành đã gây ra.
Hết thảy Thánh nhơn đều để lòng nơi đạo giải thoát, và nhờ thần thông trí huệ, vô lượng pháp môn, nên Thanh nhơn thấy hết thảy nghiệp báo thiện hay ác của tất cả chúng sanh.
Các Ngài hay dùng một thân hiện ra vô lượng thân, hay dùng một hình hiện ra vô lượng hình; có thể rút ngắn một kiếp làm một ngày; có thể kéo dài một ngày làm một kiếp. Muốn đình thọ mạng thì vĩnh viễn không diệt độ; muốn thị hiện vô thường thì nhập niết bàn; thần thông trí huệ, vào ra tự tại, bay đi tùy ý, ngồi nằm trên không. Ði đứng dưới nước như ở trên khô, không thấy nguy hiểm. Lấy cảnh vắng lặng , viên tịch niết bàn làm chỗ nghỉ ngơi thông đạt vạn pháp, có không điều rõ biết, biện tài thành tựu, trí huệ vô ngại.
Những pháp lành ấy không phải từ trong nghiệp ác mà ra, không phải từ trong tham sân tật đố mà ra; không phải từ trong ngu si tà kiến mà ra; không phải từ trong lười biếng mà ra, không phải từ trong kiêu mạn, tự cao tự đại mà ra. Các pháp lành ấy chỉ trừ trong sự thận trọng không làm ác mà ra; các pháp lành ấy đều do các nghiệp lành mà ra.
Không nơi nào có người tu các nghiệp lành, vâng lời Phật dạy mà mắc phải ác báo, bần cùng xấu xa tàn tật, bệnh hoạn, không được tự do, thấp hèn bị kẻ khác khinh chê, lời nói không ai tin dùng bao giờ.
Nay đem thân tôi để làm chứng (lời tác giả). Nếu có người nào vâng lời Phật dạy, tu các công đức, không ích kỷ hại nhơn mà bị quả báo xấu ác thì thà để tôi bị đọa vào a tỳ địa ngục chịu thống khổ, chớ để cho người làm lành kia chịu quả báo xấu ác thì phi lý.
Ngày nay Ðại chúng đồng nghiệp trong Ðạo tràng muốn bỏ phàm làm Thánh thì nên y lời Phật dạy, như lý mà tu hành. Không nên từ chối một việc khổ nhỏ mà sanh tâm lười biếng nên tự nỗ lực cố gắng sám hối cho tiêu tội lỗi.
Trong kinh Phật dạy: “Tội do nhơn duyên mà sanh thì cũng do nhơn duyên mà diệt”.
Ðang còn thân phàm thì gặp cảnh sanh mê tâm. Vậy ngoài phương pháp sám hối ra, không có phương pháp nào hơn nữa để mong giải thoát.
Ngày nay Ðại chúng phải cùng nhau phát khởi tâm dõng mãnh, phát khởi ý sam hối.
Sức mạnh của pháp sám hối không thể nghĩ bàn. Vì sao mà biết? – Vì vua A xa Thế phạm đại tội ngũ nghịch ([23]), nhưng sau vua biết sanh tâm hổ thẹn, tự trách, tự ăn năn, nên tội nặng thành nhẹ.
Vả lại pháp sám hối nầy khiến người tu hành được an vui. Nếu có người nào tự mình hay định thời khóa, nỗ lực hết lòng, khấu đầu lễ bái, sám hối, quy y cho đến khi hoàn toàn trong sạch mà không cảm được mười phương Phật thì không có lý.
Ác nghiệp và quả báo theo nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, không sai mảy may, cho nên phải hết lòng sợ hãi, cố gắng chịu khổ mà sám hối.
Mọi người đều nên một lòng tha thiết gieo mình xuống đất như núi Thái sơn sụp đổ, tâm niệm miệng nói lời nầy: để cầu thỉnh mười phương chư Phật gia tâm thương xót.
Nguyện xin chư Phật cứu chúng con ra khỏi khổ ách; dủ lòng đại bi che khắp tất cả. Phóng hào quang thanh tịnh, soi khắp mười phương; diệt sạch mê mờ và trừ si ám. Nghĩ đến chúng con và các chúng sanh đang bị đọa đầy, trong địa ngục đau khổ. Xin Phật đến đây, cứu vớt chúng con. Ban bố hạnh phúc cho chúng con được thoát khổ.
Chúng con nhất tâm đầu thành đảnh lễ, Ðấng Ðại từ bi nghe tên liền cứu khổ. Nay chúng con nhất tâm quy y Ðấng Thế gian Ðại Từ Bi Phụ.
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích ca Mâu Ni Phật
Nam mô Kim cang bất hoại Phật
Nam mô Bảo Quang Phật
Nam mô Long Tôn vương Phật
Nam mô Tinh Tấn Quân Phật
Nam mô Tinh Tấn hỷ Phật
Nam mô Bảo Hỏa Phật
Nam mô Bảo Nguyệt Quang Phật
Nam mô Hiện vô Ngu Phật
Nam mô Bảo Nguyệt Phật.
Nam mô Vô Cấu Phật
Nam mô Ly Cấu Phật
Nam mô Sư Tử Phan Bồ tát
Nam mô Sư Tử Tác Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo, nguyện xin Tam bảo quyết định đến đây cứu vớt chúng con, đang bị đọa đày bởi tham sân si, làm đau khổ, nguyện cho chúng con được an vui và được đại Niết bàn; nguyện xin lấy nước đại bi tẩy trừ tội lỗi cho chúng con được thanh tịnh mau chứng quả bồ đề. Bốn loài chúng sanh trong sáu đường, nếu có một chúng sanh nào mắc phải tội lỗi, đều được nhờ Tam bảo mà thanh tịnh; đều được thành tựu quả vô thượng bồ đề, thành bậc chánh giác, hoàn toàn giải thoát.
Ðại chúng cùng nhau một lòng tha thiết, đầu thành đảnh lễ, tâm niệm miệng nói lời nầy:
Ðệ tử chúng con tên . . . từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, bị vô minh che lấp tâm tánh, bị ái nhiễm ràng buộc, nên tinh thần sa vào lưới ngu si, loanh quanh ba cõi, cùng khắp sáu đường, chìm đắm bể khổ, không có ngày ra; không thể biết được nghiệp đời trước của mình, không thể hiểu được nhơn duyên đã qua. Hoặc mình tự phá tính mạng và phá tính mạng của người. Mình tự phá phạm hạnh và phá phạm hạnh của người. Mình tự phá tịnh giới và phá tịnh giới của người.
Tội ác như vậy vô lượng vô biên, ngày nay hổ thẹn sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệt tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ sát đất, cầu xin sám hối, những tội lỗi từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, do thân khẩu ý tạo ra mười ác nghiệp.
Thân sát đạo, dâm, miệng nói láo, nói lời thêu dệt, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, ý tham sân si. Mình tự làm mười điều ác dạy người làm mười điều ác, khen ngợi người làm mười điều ác. Như vậy trong một khoảnh khắc trong một niệm tâm, khởi ra bốn mươi điều ác.
Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí tâm đảnh lễ sat đất, cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay.
Nương nơi sáu căn rồi phát ra sáu thức, chấp lấy sáu trần. Mắt đắm sắc, tai ưa tiếng, mũi trước hương, lưỡi ưa vị, thân ưa trơn láng, mịn màng, ý ưa pháp trần. Sáu căn ấy sanh ra bao nhiêu tội nghiệp, mở cửa cho tám vạn bốn ngàn trần lao. Tội ác như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ, cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay, do thân, khẩu, ý gây ra nhiều nỗi bất bình, như chỉ biết có thân mình, không biết có thân người, chỉ biết có mình khổ, không biết có người khổ, chỉ biết có mình cầu an vui, không biết có người cầu an vui, chỉ biết có mình cầu giải thoát, không biết có người cầu giải thoát. Chỉ biết có gia đình mình, có quyến thuộc mình, không biết có gia đình người, có quyến thuộc người, chỉ biết thân mình hơi ngứa một chút, hơi đau một chút đã chịu không nổi, thế mà khi làm cho thân người khác đau thì sợ họ không đau, ít đau, không thấm thía, chỉ biết sợ khổ một chút nơi đời hiện tại mà không biết sợ khổ vô lượng kiếp nơi đời vị lai. Bởi vì làm ác chết rồi phải đọa vào địa ngục, chịu đủ thống khổ, cho đến không biết sợ khổ vô lượng trong đời ngã quỉ, trong đường súc sanh, trong đường a tu la.
Cõi người và cõi trời cũng có vô lượng thống khổ mà không tự biết, chỉ vì tâm không bình đẳng, có phân bỉ ngã, có niệm oán thân, làm cho oán thù tràn khắp lục đạo.
Những tội như vậy vô lượng vô biên, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay do tâm điên đảo, nên thường xa lìa bạn lành (thiện tri thức) gần gũi bạn ác, trái nghịch bát chánh đạo, tu theo bát tà đạo, phi pháp nói chánh pháp, chánh pháp nói phi pháp, bất thiện nói là thiện, thiện nói là bất thiện, dựng cờ kiêu mạn, giăng buồm ngu si, theo dòng vô minh vào biển sanh tử.
Những tội như vậy vô lượng vô biên ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ trở lại cho đến ngày nay vì tham sân si khởi ra bốn điên đảo ([24]) tạo nên năm tội nghịch làm đủ mười ác, ba độc hừng hẫy, tám khổ càng nhiều, gieo giống địa ngục bát hàn, bát nhiệt; gieo giống 84.000 ngăn cách địa ngục, gieo giống súc sanh, gieo giống ngã quỷ, gieo giống sanh già bệnh chết, ư bi khổ não ở cõi trời cõi người để chịu quả báo đau khổ, không thể kể xiết, không thể chịu được, không thể thấy được, không thể nghe được.
Những tội ác như vậy, vô lượng vô biên, bgày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, vì ba độc tham sân si ở trong ba cõi, trải khắp hai mươi lăm loài ([25]) khởi ra các tội ác, cùng khắp mọi nơi, thuận chiều gió nghiệp mà . . . không tự biết. Hoặc chướng ngại người trì giới, tu định, tu huệ, tu các công đức, tu các thần thông. Những tội chướng như vậy vô lượng vô biên, chướng bồ đề tâm, chướng bồ đề nguyện, chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, vì tâm tham sân si, phát khởi ra sáu thức ([26]), duyên theo sáu trần ([27]), gây tội cho chúng sanh. Hoặc đối với chúng sanh mà khởi tội; hoặc đối với phi chúng sanh mà khởi tội, hoặc đối với người vô lậu ([28]) mà khởi tội, hoặc đối với pháp vô lậu ([29]) mà khởi tội.
Những tội ác như vậy vô lượng vô biên, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Lại nữa, chúng con vì tâm ngu si mà khởi hạnh điên đảo, tin theo thầy tà, thọ lời tà giáo, chấp đoạn ([30]) chấp thường ([31]) trước ngã ([32]), trước kiến ([33]) làm theo si mê, khởi ra vô lượng tội lỗi.
Những nhơn duyên ấy chướng bồ đề tâm, chướng bồ đề nguyện, chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, thân ba nghiệp ác, miệng bốn nghiệp ác, ý ba nghiệp ác, vô thỉ vô minh trú địa phiền não, hằng sa thượng phiền não , chỉ thượng phiền não, quán thượng phiền não, tứ trú địa phiền não, tam độc ([34]), tứ thủ ([35]), ngũ cái ([36]), lục thọ ([37]), thất lậu ([38]), bát cấu ([39]), cửu kiết ([40]), thập sử ([41]). Những phiền não ấy vô lượng vô biên, hay chướng bồ đề tâm, hay chướng bồ đề nguyện, hay chướng bồ đề hạnh, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt. Ðệ từ chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp trở lại cho đến ngày nay, không hay tu tâm từ bi, không hay tu tâm hỷ xả, không hay tu tâm bố thí, không hay tu tâm trì giới, không hay tu tâm nhẫn nhục, không hay tu tâm tinh tấn, không hay tu tâm thiến định, không hay tu tâm trí huệ, không hay tu hết thảy pháp, trợ bồ đề.
Vì thế nên không có phương tiện, không có trí huệ, làm chướng ngại bồ đề tâm, chướng ngại bồ đề nguyện, chướng ngại bồ đề hạnh, ngày nay sám hối, nguyện xin trừ diệt.
Ðệt tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, vì tội nghiệp nên cứ xoay vừng trong ba cõi, trải khắp sáu đường, thọ thân bốn loài, hoặc nam hoặc nữ, hoặc phi nam phi nữ, cùng khắp mọi nơi tạo vô lượng tội. Hoặc làm chúng sanh thân hình to lớn ăn nuốt lẫn nhau; hoặc làm chúng sanh thân hình bé nhỏ ăn nuốt lẫn nhau. Những tội sát hại như vậy vô lượng vô biên hay chướng bồ đề tâm, hay chướng bồ đề nguyện, hay chướng bồ đề hạnh. Ngày nay sám hối nguyện xin trừ diệt.
Ðệ tử chúng con tên . . . lại chí thành đảnh lễ cầu xin sám hối những tội từ khi có tâm thức trở lại cho đến ngày nay, ở trong sáu đường, thọ thân bốn loài. Ở trong bốn loài ấy tạo ra vô lượng vô biên tội ác.
Những tội ác như vậy, chỉ có hết thảy chi Phật chư đại Bồ tát trong mười phương mới thấy hết biết hết. Tội lượng nhiều ít hoặc khinh hoặc trọng như chư Phật và Bồ tát đã thấy đã biết. Ngày nay chí thành, cúi đầu đảnh lễ, hổ thẹn cầu xin sám hối.
Những tội đã làm, nguyện tiêu diệt hết, những tội chưa làm, không dám phạm.
Ngày nay chúng con nguyện xin hết thảy chư Phật trong mười phương dủ lòng đại từ cho đệ tử chúng con tên . . . thành tâm sám hối, nguyện xin đem nước đại bi rửa sạch tội lỗi sai lầm cho chúng con được hoàn toan thanh tịnh, thẳng đến đạo tràng không bị chướng ngại nữa.
Lại nguyện xin hết thảy mười phương chư Phật dùng bất tư nghị lực, bổn thệ nguyện lực, độ thoát chúng sanh lực, phù hộ chúng sanh lực, khiến đệ tử tên . . . ngày nay khởi thệ nguyện, phát tâm bồ đề.
Từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật kiến lập đạo tâm được kiên cố, hoàn toàn không trở lại sa đọa nữa.
Những lời thệ nguyện của chúng con cũng đồng như lời thệ nguyện của chư Phật, chư đại Bồ tát đã thật hành thệ nguyện. Nguyện xin hết thảy mười phương chu Phật, chư đại Bồ tát đồng dủ lòng từ bi, đồng gia tâm nhiếp thọ cho chúng con tên . . . được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện. Hết thảy chúng sanh cũng đều được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện. QUYỂN THỨ NHỨT
--- HẾT ---
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.186.125 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.