Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Phật Thuyết Lập Thế A Tì Đàm Luận [佛說立世阿毘曇論] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.57 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.64 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Như Điển

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM THỨ NHẤT: ĐỊA ĐỘNG

Như Phật Bà-Già-Bà và A-la-hán nói.

Tôi nghe như vầy: Một thời, Phật Thế Tôn ở thành lớn Xá-Vệ, tinh xá Lộc Tử Mẫu của Ưu-bà-di Tì-Xá-Khư, lầu gác Hoa Sen, cùng chúng đại Tì-khưu, tất cả là A-la-hán các lậu đã sạch, đã được lợi mình, sạch các kiết sử hữu, tâm được tự tại, việc làm đã xong, đã bỏ gánh nặng, trí huệ chân chính giải thoát, chỉ trừ A-Nan.

Lúc ấy đại địa chấn động, thời Phú-Lâu-Na Đa-La-Di-Tử ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch vai áo phải, gối phải quỳ trên đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật mà thưa với Phật rằng:

-Thế Tôn! Nhân gì duyên gì mà đại địa chấn động?

Phật bảo Tì-khưu Phú-Lâu-Na:

-Ông nay một tâm lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì ông, phân tích giải thích.

Có hai nhân duyên khiến đại địa động, thế nào là hai? Tì-khưu, địa giới này ở trên thủy giới, thủy giới này ở trên phong giới, phong giới này ở trong hư không.

-Tì-khưu! Có lúc gió lớn thổi động thủy giới, khi thủy giới động liền động địa giới. Vì một nhân duyên này, nên đại địa động.

-Tì-khưu! Lại có chư Thiên thần thông, uy đức lớn, nếu muốn chấn động đại địa liền có thể khiến động. Nếu các Tì-khưu có thần thông lớn và oai đức lớn, quán tướng đất khiến cho nhỏ, tướng của nước khiến cho lớn; muốn khiến cho đất động thì cũng khiến chấn động- gọi là nhân duyên thứ hai nên khiến địa động.

Lúc ấy Thế Tôn muốn nói lại nghĩa này mà nói kệ rằng:

Thủy giới bị gió động,
Địa động do thủy động,
Là một nhân duyên động
Được nói bởi Thật Danh.
Chư thiên và Tì-khưu
Uy thần lớn động được
Hai nhân duyên động này
Điều Phục Kẻ Ác nói.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử: Có gió tên là Tì-Lam-Bà, gió này thường thổi, luôn động không ngừng, lực gió hướng lên cao, có gió thổi xuống, có gió động bên; gió này bình đẳng chuyển vòng trì giữ nhau, rộng mười hai ức ba nghìn bốn trăm năm mươi do-tuần, chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần. Biên giới phía trên của gió này tức là thủy giới; thủy giới này trên, dưới trọn đều bình đẳng dừng nghỉ an trụ, không có đầy tràn; dày bốn ức tám vạn do-tuần, rộng mười hai ức ba nghìn bốn trăm năm mươi do-tuần, chu vi ba mươi sáu ức một vạn ba trăm năm mươi do-tuần.

Như vậy, Phật Thế Tôn nói: Tì-khưu! Có địa ngục lớn tên là Hắc Ám, bên ngoài mỗi một thế giới đều có, đều không che trùm, trong đó, chúng sinh tự giơ tay lên, mắt không thể thấy. Tuy còn có mặt trời, mặt trăng đủ uy thần lớn, có ánh sáng mà không chiếu sắc của họ.

Phật nói: Địa ngục Hắc Ám như thế trụ ở chỗ nào? Bên ngoài núi Thiết Vi của một cặp thế giới gọi là Giới Ngoại- là địa ngục lạnh: Một tên là Át-Phù-Đà, hai tên là Niết-Phù-Đà, ba tên là A-Ba-Ba, bốn tên là A-Tra-Tra, năm tên A-Ngật-Ngật, sáu tên là Ưu-Khổng-Khổng, sáu tên là Trước-Ba-Lũ, bảy tên là Câu-Vật-Đầu, tám tên là Tô-Kiện-Đà-Cố, chín tên là Phân-Đà-Lợi, mười tên là Ba-Đầu-Ma.

Phật bảo Phú-Lâu-Na và các Tì-khưu: Như nước Ma-Già-Đà, đo mười bà-ha-ma, một bà-ha là hai mươi khư-lợi, lượng cây gai như thế tụ lại một chỗ. Giả sử có người, tròn một trăm năm, đến trừ đi một cây gai. Tì-khưu! Tụ cây gai như thế còn dễ hết sạch mà Ta chưa nói cùng tận thọ mạng ở địa ngục Át-Phù-Đà. Tì-khưu! Mười lần địa ngục Át-Phù-Đà là thọ lượng ở địa ngục Niết-Phù-Đà, mười lần ở địa ngục Niết-Phù-Đà là thọ lượng ở địa ngục A-Ba-Ba, cho đến địa ngục Ba-Đầu-Ma cũng lại như vậy.

Tì-khưu! Tì-khưu Cù-Già-Li này đối với Xá-Lợi-Phất , Mục-Kiền-Liên sinh tâm không tin, tâm ác, do tâm này nên rơi vào địa ngục Ba-Đầu-Ma.

Lúc ấy Thế Tôn nói kệ rằng:

Phàm người trong thế gian
Búa từ trong miệng sinh,
Ấy do nói lời ác
Do đó tự chém thân.
Đáng mắng mà tán thán,
Đáng tán thán mà mắng,
Miệng lỗi nên bị suy,
Suy nên không thọ vui.
Nếu tự bỏ mất tài,
Hết vật và tự thân
Người này tội còn nhẹ;
Nếu với Tu-già-đà
Sinh ác, không tâm tin
Tội này nặng hơn kia,
Trăm nghìn Niết-phù-đà,
Án-phù-đà ba ức
Sáu vạn và năm nghìn.
Nếu bài báng thánh nhân
Nói lời ác, tâm ác
Như lượng đọa địa ngục.
Tì-khưu Cù-Già-La
Đọa ngục Ba-đầu-ma,
Vì báng đại Thanh Văn
Xá-Lợi và Mục-Liên.

Ở trong ấy chúng sanh qua lại suy nghĩ giống như ở trong cung(điện)mà bên ngoài bao bọc bằng sắt, chỉ có qua lại. Lượng của thân lớn như át-đa. Nhân chạm xúc gió lạnh, thân ấy nứt phá, ví như thục y, như rừng trúc bị lửa lớn đốt, phát ra âm thanh “tra, tra”. Như thế, chúng sinh bị gió lạnh thấm, xương vỡ bộc phát ra âm thanh “tra tra”, tận xa. Nhân âm thanh này nên biết được nhau.

Có các chúng sinh thọ sinh trong đó, hoặc có lúc lui tới lại gặp sự xúc chạm, nhân vì chạm xúc này nên biết được nhau.

Có những chúng sinh thọ sinh trong đó; lúc bấy giờ chư Phật Thế Tôn xuất hiện nơi đời, lúc ấy ánh sáng lớn vượt quá thần lực lớn của Chư thiên, chiếu khắp trong đó, nhân vì ánh sáng này mới thấy được nhau, họ bèn nghĩ như thế này: “Có các chúng sinh thọ sinh trong đây ”.

Nếu có chúng sinh chết ở trong đó, phần nhiều sinh đến địa ngục Hàn Băng ở bên ngoài thiết luân. Nếu thế giới khác có chúng sinh chết mà đến sinh ở địa ngục Hàn Băng, thì phần nhiều sinh ở bên ngoài thiết luân của thế giới ấy. Khoảng giữa hai thế giới, chỗ hẹp nhất là tám vạn do-tuần, phía dưới không có đáy, phía trên không che; chỗ rộng nhất là mười sáu vạn do-tuần.

Lúc bấy giờ, ngài Tịnh Mạng A-Nan, từ trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch vai áo phải, gối phải quỳ đất, cung kính chắp tay, đảnh lễ chân Phật mà thưa với Phật rằng:

-Thế Tôn! Con từ Thế Tôn nghe lời pháp này, con từ miệng Thế Tôn, nhận giữ nghĩa chân chính này: Quá khứ có Phật tên là Thi-Khí; lúc ấy có đệ tử thần thông lớn thứ nhất, tên là A-Tì-Hống. Tì-khưu này ngồi ở chỗ Phạm Thiên của đệ tứ thiền, dùng ánh sáng một ngón tay chiếu một nghìn thế giới, một âm thanh nói pháp thì một nghìn thế giới đều hiểu nghĩa chân chính.

Thế tôn! Đệ tử của chư Phật, oai thần còn như thế, chư Phật Như Lai thì lượng thế nào?

A-Nan hỏi rồi, thời Phật đáp rằng:

A-Nan! Tì-khưu A-Tì-Hống là địa vị đệ tử, chư Phật Thế Tôn so với chỗ như đây thì không thể suy lường.

Lần thứ hai, Tịnh Mạng A-Nan lại thưa với Phật rằng:

Thế Tôn! Con từ miệng Phật, nghe lời pháp này, con từ Thế Tôn, nhận giữ nghĩa chân chính như vầy: quá khứ có Phật tên là Thi-Khí; lúc ấy có đệ tử thần thông bậc nhất, tên là A-Tì-Hống. Tì-khưu này ngồi ở chỗ Phạm Thiên của đệ tứ thiền, dùng ánh sáng một ngón tay chiếu nghìn thế giới, một âm thanh nói pháp, một nghìn thế giới đều hiểu nghĩa chân chính. Thế Tôn! Đệ tử của chư Phật, oai thần còn thế, chư Phật Như Lai thì lượng lại thế nào?

A-Nan hỏi rồi, thời Phật đáp rằng:

A-Nan! Tì-khưu A-Tì-Hống là địa vị đệ tử, chư Phật Thế Tôn so với chỗ đây thì không thể suy lường.

Cho đến lần thứ ba, cũng đáp như vậy. Lần thứ tư hỏi xong, Phật bảo A-Nan:

Nếu chỗ được một mặt trời, một mặt trăng đi vòng quanh, gọi là một thế giới; từ một đến một nghìn, trong đó có một nghìn mặt trời, một nghìn mặt trăng, một nghìn núi chúa Tu-Di, một nghìn Tứ Đại Thiên Vương, một nghìn Đao-Lợi thiên, một nghìn Dạ-Ma thiên, một nghìn Đâu-Suất thiên, một nghìn Hóa Lạc thiên, một nghìn Tha Hoá Tự Tại thiên, một nghìn Phạm Phụ thiên, một nghìn Phạm Chúng thiên.

Chỗ này, Đại Phạm Vương là chủ một nghìn thế giới, vua thống lĩnh tự tại, không phụ thuộc người khác, biết sự thành tựu của vua, vì được phẩm thượng thượng của Sơ thiền, nên được tự tại. Đại Phạm Thiên Vương trụ ở chỗ này, được gọi là đệ nhất.

A-Nan! Chỗ thống lĩnh của Đại Phạm này có bốn nghìn châu lớn, bốn nghìn cây lớn, bốn nghìn cung rồng lớn, bốn nghìn chỗ ở của vua kim súy điểu, bảy nghìn sông lớn, chín nghìn núi lớn, tám nghìn rừng lớn, tám nghìn địa ngục lớn, một nghìn địa ngục vua Diêm La, hai nghìn biển lớn, mười sáu nghìn vườn địa ngục – gọi là Tiểu Thiên thế giới. Lại gấp hơn một nghìn lần- gọi là Trung thiên thế giới. Lại gấp hơn một nghìn lần- gọi là Đại thiên thế giới.

A-Nan! Nếu Như Lai muốn chiếu, muốn nói thì Đại Thiên thế giới này, ánh sáng chiếu đầy khắp, lời pháp được nói ra, tất cả đều hiểu.

Nếu lại muốn quá Đại thiên thế giới, thì tùy ý của Như Lai, chúng sinh trong đó, không ai chẳng thấy, chẳng nghe sự phóng ánh sáng, nói pháp.

A-Nan! Nếu Như Lai muốn phóng ánh sáng, nói pháp, ngồi ở chỗ Phạm Thiên cõi trời A-Ca-Ni-Tra, hoặc Đại Thiên, hoặc quá Đại Thiên, ánh sáng chiếu đầy khắp; dùng tám phần âm thanh Phạm, nói cú nghĩa pháp, khắp đều được nhận hiểu.

A-Nan! Ánh sáng và âm thanh nói pháp này của Như Lai, không có chúng sinh nào chẳng thấy, chẳng nghe, lúc ấy, chẳng có chúng sinh nào không đủ căn.

A-Nan! Như Lai trên cõi trời A-Ca-Ni-Tra nói âm thanh này, tuyên danh cú này:

Các ngươi nhận Phật giáo
Khởi cung kính, chính cần,
Quán tu trụ ở giữa,
Ra khỏi nạn ba hữu;
Trừ diệt quân Vua Chết
Như voi phá nhà cỏ.
Nếu trong luật Phật pháp
Trụ nơi không phóng dật,
Người này bỏ sinh tử
Cho đến sạch biển khổ.

Lúc ấy, A-Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch vai áo phải, gối phải quỳ đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật mà thưa Phật rằng:

Thế Tôn! Con nay được lợi dưỡng hiếm có, con nay lành được lợi ích hiếm có. Con được Đại Sư đầy đủ thần thông, oai đức rộng lớn.

Lúc ấy, Tịnh Mạng Ưu-Đà-Di ở trong đại chúng, cách Phật không xa, thời Ưu-Đà-Di nói với A-Nan:

- Nếu là Đại Sư của ông thì đủ các thần thông, oai đức, ông thì được gì?

Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tì-khưu Ưu-Đà-Di:

- Ông chớ tác ý ngược với tâm của A-Nan. Nếu Ta trước không thọ ký cho A-Nan đời này được quả A-la-hán, thì nhân tín tâm này, quả báo được sinh ra, sẽ quá ba mươi sáu lần, làm vua trời Tha Hóa Tự Tại, cho đến quá ba mươi sáu lần làm chủ cõi trời Đao-Lợi; huống gì loại Chuyển Luân Thánh Vương, Sát-Lợi Vương thọ chức quán đảnh, cho đến làm vua bốn thiên hạ. Ưu-Đà-Di! Tì-khưu A-Nan, Ta ở quá khứ đã vì thọ ký.

Ta nói, trong cõi Dục, chúng sinh nhiều nhất; sinh trong nước nhiều, sinh trên đất ít. Sinh trên đất thì đường súc sinh nhiều, cõi người lại ít. Trong cõi người thì phá giới là nhiều, trì giới ít. Trong trì giới, phàm phu nhiều, thánh đệ tử ít. Trong thánh đệ tử, hữu học nhiều, vô học ít. Trong vô học, thời giải thoát nhiều, phi thời giải thoát ít. A-la-hán phi thời giải thoát như vậy, thế gian khó được. Ta thọ ký cho A-Nan ưng được như vậy.

Có các ngoại đạo nói như thế này: “Địa giới lớn này hằng đi không ngừng”. Câu này nên đáp rằng: Sự này không đúng. Nếu thật như vậy thì như người ném trước, vật phải rơi ở sau.

Lại, các ngoại đạo nói như thế này: “Địa giới lớn này hằng đi hướng xuống dưới”. Lời này nên đáp rằng: Sự này không đúng, nếu như vậy thì, như ném hướng lên trên, phải không đến đất.

Lại, các ngoại đạo nói như thế này: “Mặt trời, mặt trăng, sao hằng trụ không di chuyển, đại địa tự chuyển, nghi là trời xoay ”. Câu này nên đáp: Sự này không đúng, nếu như vậy thì như bắn không đến nơi.

Lại, các ngoại đạo nói như thế này: “Đại địa hằng trôi nổi, theo gió đến đi”. Nên đáp như vầy: Sự này không đúng; nếu thật như thế thì đại địa đều luôn động, nếu không như thế thì đại địa có tướng nào? Địa trụ bất động.

Nghĩa như vậy, chư Phật Thế Tôn đã nói, tôi nghe như vậy.

PHẨM THỨ HAI: NAM DIÊM-PHÙ-ĐỀ

Phật bảo Tì-khưu: Có cây tên là Diêm-Phù, nhân cây mà lập tên, gọi địa châu này là Diêm-Phù-Đề. Cây này sinh ở biên giới phía Bắc của đất Diêm-Phù-Đề, tại bờ phía Nam của sông Nê-Dân-Đà-La. Gốc rễ của cây này ở chính giữa châu, từ gốc rễ chính giữa, lấy gốc Đông và Nam đều một nghìn do-tuần. Cây này sinh trưởng, đầy đủ hình dung đáng yêu, cành lá chen nhau, lá nhiều che rợp, trụ lâu không rụng trống, tất cả gió, mưa không thể vào lọt.

Tì-khưu! Ví như người thợ trang sức hoa trên tóc, trang điểm hoa trên tóc, và trang nghiêm trên tai, hình tướng của cây ấy đáng yêu như thế. Ở trên như lọng hoa, thứ lớp phủ nhau, cao trăm do-tuần, thân gốc lớn thẳng đều không có gân đốt. Năm mươi do-tuần mới có cành nhánh. Thân cây thẳng tắp, rộng năm do-tuần, vòng thân mười lăm do-tuần. mỗi một cành mọc ngang ra năm mươi do-tuần, trong khoảng tán xòe một trăm do-tuần, chu vi ba trăm do-tuần. Khi quả chín, thơm ngon không gì sánh, như mật ong tinh tế, vị ngọt không cùng. Vị của quả như thế, quả lớn như cái bồn, hạt lớn nhỏ cũng như hạt Diêm-Phù của thế gian.

Phía trên có hình chim giống như hình đại điện. Hình của mi hầu giống như voi lớn sáu mươi năm tuổi. Hai loại chim và thú này thường ăn quả cây.

Quả phía Đông phần nhiều rơi trên đất Diêm-Phù-Đề, phần ít rụng xuống nước. Quả ở cành phía Tây phần nhiều rụng trên đất Diêm-Phù, phần ít rụng xuống nước; quả ở cành phía Nam đều rụng trên đất Diêm-Phù; quả cành phía Bắc đều rụng xuống sông, bị cá ăn.

Gốc cây trọn được phủ bằng cát vàng, khi đang mưa Xuân mà ở dưới không ẩm thấp, mùa Hạ không nóng, mùa Đông không có gió lạnh. Có Càn-thát-bà và thần Dược-xoa nương ở dưới cây.

Sự như thế làm sao biết?

Xưa ở thành Vương-Xá có hai Tì-khưu đủ lực thần thông, cùng làm bằng hữu; từ miệng Phật, nghe tướng của cây Diêm-Phù như thế, hai Tì-khưu này cùng nhau nói rằng: Chúng tôi sẽ đến xem cây Diêm-Phù, mỗi người đều nói: Tôi đi.

Đi đến chỗ cây, thấy quả cây chín, rơi xuống đất, tự vỡ. Một Tì-khưu từ lỗ núm thọc tay cho đến cánh tay mà ngón tay dài nhất còn chưa đến hạt, bèn rút tay ra. Bị quả nhiễm nên tay và cánh tay đều màu đỏ, giống như bị nhiễm bởi nhựa chiên-đàn đỏ quý của thế gian.

Mùi hương của quả ấy có thể nhiễm tâm người. Lúc ấy, mũi của Tì-khưu ngửi mùi hương của quả. Tì-khưu thứ hai hỏi rằng:“ Ông muốn ăn không, Trưởng lão?” – “Tôi không muốn ăn”.

Sự này hiếm có, không thể nghĩ bàn, sự lìa kiết sử dục này là rộng lớn nhất, tại sao thế? Nếu ai chưa lìa dục, ngửi mùi hương như thế liền sinh tâm khí, bèn phát điên cuồng. Có người ngoài chưa lìa dục, nếu ngửi hương này sẽ thối thất khỏi địa vị lìa dục. Hai Tì-khưu này trở lại thành Vương Xá nói sự việc như trên.

Thời có một người tên là Trường Hĩnh, vốn là dòng vua, họ là Câu-lợi-Thị, do quả báo của nghiệp xưa mà được thần thông. Người này có oai thần tướng mạo như vậy, nếu đi trong nước, chân trước chưa chìm, chân sau đã chuyển; nếu đi trên cỏ, cỏ tuy chưa uốn liền chuyển được bước; nếu đi trên lá cây, lá cây chưa trĩu, chân sau đã qua, chỗ giầy dép bước đến chẳng bị khó khăn.

Vị Trường Hĩnh này, nghe được từ Phật, cây Diêm-Phù này như thế, như thế, liền thưa với Phật rằng: Thế Tôn! Con nay nếu đi, đến được cây Diêm-Phù chăng? Đáp rằng: Đến được.

Người này đảnh lễ chân Phật, nhiễu phải ba vòng, mặt hướng chính Bắc, bắt đầu đi. Đi qua các núi: Núi thứ nhất tên Tiểu Hắc, núi thứ hai tên Đại Hắc, núi thứ ba tên là Mao Ngưu, núi thứ tư tên Nhật Quang, thứ năm tên Ngân Sơn, thứ sáu tên Hương Thủy, núi thứ bảy tên Kim Biên.

Người này lên đỉnh núi Kim Biên, quay mặt hướng Bắc, rướn thân xa trông, chỉ thấy đen tối, sợ hãi mà quay về.

Phật hỏi: Ông đến cây Diêm-Phù chăng? Đáp rằng: Không đến. Phật hỏi: Ông thấy được gì? Người ấy đáp rằng: Chỉ thấy đen tối. Phật nói: Sắc đen tối ấy tức là cây Diêm-Phù. Người ấy lại lễ chân Phật, nhiễu phải ba vòng, lại đi về hướng Bắc.

Lại đi qua bảy núi: Thứ nhất tên Châu-La-Ca-La, thứ hai tên Ma-Ha-Ca-La, thứ ba tên Cù Hán, thứ tư tên Thủ-La, thứ năm tên Khể-La, thứ sáu tên Càn-Đà, thứ bảy tên Tu-Bạt-Cơ.

Lại đi qua sáu cõi nước lớn: Nước thứ nhất tên Cưu-Lưu, nước thứ hai tên Cao-Lạp-Bi, nước thứ ba tên Tì-Đề-Ha, nước thứ tư tên Ma-Ha-Tì-Đề-Ha, nước thứ năm tên Tước-Đa-La-Mạn-Đà, nước thứ sáu tên Sa-Cơ-Ma-La-Giả, gọi là sáu cõi nước lớn.

Lại đi qua bảy rừng cây lớn, trong rừng có sông, đi qua bảy sông. Lại đi qua rừng A-Ma-La và rừng Ma-Lê-Lặc cho đến cành phía Nam của cây Diêm-Phù. Từ trên cành phía Nam đi đến cành cây phía Bắc.

Người này cúi xuống thấy tướng nước ở dưới khác với nước thường, cực trong, cực lắng, trong suốt đến đáy, đều không có che chướng.

Người này nhìn rồi, nghĩ như thế này: Thần thông của ta, nay ở chỗ này được thành tựu chăng? Nhân dẫm chân trên nước, tay vịn cành cây; chân ấy đến nước liền chìm như đá. Ở đây thần thông không thành tựu được.

Làm sao như thế? Nước này cực nhẹ, cực vi tế, nếu dùng nước chỗ khác đổ vào nước này thì nước này nổi trên nước kia như tô như dầu.

Người ấy từ cây Diêm-Phù lấy một quả, trở lại thành Vương-Xá dâng lên Thế Tôn.

Phật nhận quả ấy, chia làm nhiều miếng, đưa cho đại chúng. Nhựa của quả nhiễm nơi tay Phật, lúc ấy Phật dùng tay ấy vỗ vào đá núi, đến nay sắc vẫn đỏ như xưa không khác, độ ẩm cũng không khô đi, dấu tay phân minh. Nhân xưa chia quả làm từng mảnh nên do đó mà gọi đá này là Phiến Phiến Nham.

Lúc ấy, Phật dạy Ưu-Lâu-Tần-Loa Ca-Diếp lấy quả Diêm-Phù-Đề này biếu cho Ca-Diếp: “Ông hãy ăn quả này”.

Ngài Ca-Diếp hỏi Phật: “Sa-Môn Đại Cù-Đàm từ đâu được quả này?”

Phật nói với ngài Ca-Diếp: “Cây ấy gọi là Diêm-Phù, quả này từ cây ấy mà được”.

Ngài Ca-Diếp nói: Con không thể ăn quả này. Sa-môn chỉ lấy thức ăn của mình.

Lúc ấy các thiên thần lại dâng quả Diêm-Phù cúng dường lên Phật, hoặc tại Xá-Vệ, hoặc tại thành Vương-Xá, hoặc tại nước Ca-Tì-La-Vệ, Phật nhận được rồi chia cho đại chúng.

Lại, có Tì-khưu khác ở chỗ Diêm-Phù trở lại cõi này, nói rằng, Tì-khưu Ca-Diếp cũng đã từng đến đó và trở lại đây, lần lượt vì các Tì-khưu mà nói. Do nhân duyên này nên sự việc được biết.

PHẨM THỨ BA: SÁU NƯỚC LỚN

Phía ngoài của cây Diêm-Phù có hai rừng cây, hình như bán nguyệt, bao quanh cây này. Rừng trong tên là Ha-Lê-Lặc, ngoài là A-Ma-Lặc. A-Ma-Lặc có quả, khi quả này chín vị cực ngon, không cay chẳng đắng như mật ong tinh khiết. Hình quả lớn như hai cái đấu, hạt thì như tự tính của hạt A-ma-lặc.

Quả Ha-Lê-Lặc, khi quả này chín, vị cực ngon, không cay, không đắng như mật ong tinh tế. Hình quả lớn nhỏ gấp đôi quả trước, hạt cũng như vậy.

Phía Nam của rừng A-Ma-Lặc lại có bảy rừng, bảy sông xen nhau: Rừng gần phía Bắc nhất tên là Am-La, tiếp đến tên Diêm-Phù, thứ ba tên Bà-La, thứ tư tên Đa-La, thứ năm tên Nhân Lâm, thứ sáu tên Thạch Lựu, thứ bảy tên là Kiếp-Tất-Tha. Quả của các rừng như thế, khi chín , không cay, không đắng như mật ong.

Trong rừng Nhân Lâm này, hình quả giống người; như chủng tộc vua hơn người của cõi Diêm-Phù-Đề, họ Câu-Lê, nếu con trai mười sáu tuổi, con gái mười lăm thì trang nghiêm đầy đủ , hình trạng như làm hôn lễ, quả Nhân Lâm này đáng yêu như thế. Núm của quả ấy mang hình như búi tóc trên đầu người, người chưa lìa dục thấy quả này bèn sinh tâm ái. Các ngoại đạo có người lìa dục, nếu thấy quả này thì thối thất thiền định, tâm dục lại sinh. Khi quả này chín, chỉ có chim tranh nhau ăn; phần chim ăn dư rơi xuống đất, như Thi-Đà lâm, cực đáng chán ghét; những người thối thất tâm thiền định thấy tướng ấy rồi, sinh tâm yếm ly sâu xa, lại được định vốn có.

Hai rừng này rộng năm mươi do-tuần, phía Đông và Tây giáp biển. Mỗi một sông rộng năm mươi do-tuần, hai phía Đông, Tây giáp biển. Rừng và sông lần lượt xen nhau. Sông và rừng chiếm bảy trăm do-tuần của đất Diêm-Phù-Đề.

Trong kiếp Tất-Địa kia, phía Nam của rừng có sáu nước lớn: Nước gần phía Nam nhất tên là Cao-Lưu, tiếp đến tên Câu-Lạp-Bà, thứ ba tên Tỳ-Đề-Ha, thứ tư tên Ma-Ha Tỳ-Đề-Ha, thứ năm tên Tước-Đa-La-Mạn-Đà, nước phía cực Bắc tên là Xả-Hỉ-Ma-La-Da.

Trong sáu nước này, người đều trinh lương, giữ mười pháp thiện. Tự không sát sinh, không bảo người khác giết. Cầm thú sắp chết, tự đến chỗ người, đã tự chết rồi, mới dám lấy thịt chúng.

Xứ ấy số mao ngưu (trâu đuôi dài ) nhiều nhất, lông và đuôi chúng dùng lợp phòng nhà. Lúa sinh trên đất không cần cày cấy, lúa này thành gạo không có vỏ trấu. Người nước này mài gạo làm cơm, nhưng khí vị của cơm lúa này ngon ngọt như mật ong tinh tế.

Làm sao biết thế?

Quá khứ lâu xa, có Vua xuất gia, Phu nhân cũng được xuất gia, Quốc sư Bà-la-môn cũng theo xuất gia. Xuất gia rồi, mỗi người lìa nhau, vào núi học đạo.

Phu nhân của Vua này có lúc có thủy nguyệt. Khi sạch thủy nguyệt rồi, đi đến chỗ Vua cùng nhau gặp mặt, liền thưa vua rằng: Tôi nay không có thủy nguyệt. Người xưa tôn trọng con nối dõi.

Vua muốn dứt bỏ, không theo ý của Phi, nhưng suy nghĩ sự quan trọng thì lại sợ không thể, bèn cùng hòa hợp để có con đại phúc đức. Hai người đều cùng tạo thai, rồi vua bỏ đi.

Trải qua thời tiết, sau đó bụng lớn dần. Đến thôn lạc nào, các quận huyện cho đến các châu, ai ai cũng mắng đuổi người nữ này: Không có đạo tâm, xuất gia phá giới. Phi nghe lời ấy, sinh tâm hối hận sâu xa.

Lúc bấy giờ Quốc sư đại Bà-la-môn đã thành Tiên nhân, được năm thần thông, tùy một núi mà y chỉ. Lúc ấy Vương phi nghe Bà-la-môn ở núi đó bèn đến tìm. Đã gặp Sư rồi, Sư hỏi Phi rằng: Thai này ai làm? Đáp: Là của Vua.

Lúc ấy Tiên nhân nhớ ân trước của Vua, bèn ở một chỗ khác mà làm một nhà lá, bảo Vương phi rằng: Ngài ở trong đây, tôi nay sẽ hái rễ cây, hoa quả để cung dưỡng. Vương phi y lời, ở trong đó. Như vậy Tiên nhân như pháp hái hoa quả rễ cây cung dưỡng Vương phi. Phi mang thai đủ tháng, sinh hai con: Một trai, một gái. Đến khi dứt sữa, Tiên nhân mới mời Vương phi ra đi: Ngài nay nên đi xa, tôi sẽ tùy được rễ cây, hoa quả mà nuôi hai trẻ. Phi bỏ hai con, y lời mà đi.

Tiên nhân tùy được rễ cây, hoa quả nuôi dưỡng bọn trẻ. Khi hai trẻ lớn lên một chút, đã đến chỗ có ý thức, Tiên nhân mới lấy quả xanh và chín mà thử hai trẻ. Hai trẻ tự có thể phân biệt, chín thì ăn, xanh bèn bỏ. Tiên nhân nghĩ thế này: Trẻ này đã lớn, tâm đã đến chỗ có ý thức, có thể phân biệt quả xanh, quả chín khác nhau. Ta nay sẽ ở nơi quốc độ nào giàu vui an ổn mà cho trẻ ở. Vì có năm thần thông nên thấy nơi đất lúa này, bèn dùng thần lực mang hai trẻ bay trên không mà đến, để ở đất ấy, dạy trẻ rằng: Cỏ này gọi là lúa. Lúc ấy Tiên nhân tự lấy tay mài để ăn. Giáo hóa đủ loại: Các con từ nay sẽ nương pháp này để làm đồ ăn. Các con ở trong đây, chớ sinh sầu não. Ta sẽ thường lại xem xét.

Hai trẻ theo năm tháng mà hai căn nam, nữ đều thành tựu, bèn làm vợ chồng, con cháu sinh trưởng phân làm sáu nước.

Lúc bấy giờ Vua đã giác đạo, bỏ thân người sinh lên trời, bỏ thân trời lại thọ thân người. Thọ thân người rồi, nương theo vô thượng chính quán được Phật nói, xuất gia học đạo, cho đến đắc được sáu loại thần thông vô ngại. Vì có sáu thần thông nên quán túc mạng của mình, thấy sáu nước lớn, bèn nghĩ thế này: Sáu nước này đều là con cháu của ta.

Vì thương xót người của sáu nước này nên đến đó khất thực. Được cơm rồi trở về, không hỏi các Tì-khưu mà một mình ăn trước. Lúc ấy các Tì-khưu gọi Tì-khưu này mà trách mắng lớn: Ông là trưởng lão mà xan tham, tật đố. Ông là người ác, được cơm gạo, không hỏi các Tì-khưu mà ăn một mình.

Tì-khưu đáp rằng: Tôi nay không phải vì tật đố mà không bố thí các vị. Tại sao vậy? Những thức uống ăn như thế này, người chưa lìa dục ắt chẳng thể ăn được. Lúc ấy, Tì-khưu này qua ba lần rửa bát, lại qua ba lần bỏ đi, mới lấy một phần ít nước rửa cuối cùng, phân ra mà bố thí các Tì-khưu. Diêm-Phù-Đề này không có một vị ngon nào sánh được với vị ngon này.

Lúc ấy Tì-khưu vì các Tì-khưu mà lần lượt nói nhân duyên của vị thức ăn này: Sáu nước kia vốn là con cháu của tôi, nên vì lợi ích cho họ mới đến đó khất thực.

Có các Tì-khưu đến đó khất thực. Đại Mục-Kiền Liên cũng đến đó khất thực.

Phật Thế Tôn vì các Tì-khưu mà nói nhân duyên lần lượt của sáu nước, cho nên biết được sự việc của sáu nước lớn.

PHẨM THỨ TƯ: THẦN DẠ-XOA

Lúc bấy giờ trong Diêm-Phù-Đề có hai dãy núi: Phía Nam sông Hằng gọi là Bà-Đa-Kỳ-Lợi, phía Bắc sông Hằng gọi là Ê-Ma-Phạt-Đa. Trong dãy Bà-Đa-Kỳ-Lợi, núi lớn nhất gọi là Tát-Xà, thứ hai tên là Tần-Ha, thứ ba tên Mạt-Xa, thứ tư tên là Huệ-Xa, thứ năm gọi là Gian-Ha-Kỳ-Lợi, thứ sáu tên là Ba-Lê-Da-Đa. Trong dãy Ê-Ma-Phạt-Đa, núi này lớn nhất: Thứ nhất gọi là Chu-La-Ca-La, thứ hai tên Ma-Ha-Ca-La, thứ ba tên Cù-Ha-Na, thứ tư tên Tu-La-Bà-Ha, thứ năm tên Kê-La, thứ sáu tên Càn-Đà-Ma-Đà, thứ bảy tên Tu-Bàn-Na-Bàn-Sa.

Tất cả thần nếu ở núi phía Nam sông thì đều gọi là thần Bà-Đa-Kỳ-Lợi, nếu ở núi phía Bắc thì đều gọi là thần Ê-Ma-Bạt-Đa. Thần Bà-Đa-Kỳ-Lợi này lãnh đạo tất cả các thần phía Nam sông nên gọi là vua. Thần Ê-Ma-Bạt-Đa này lãnh đạo tất cả các thần phía Bắc sông, nên gọi là vua.

Vì sao biết như vậy?

Có một vua thần tên là Ê-Ma-Bàn ở núi Ê-Ma-Bạy-Đa. Vua thần này là trưởng lão cao nhất, tuổi cao nhất, địa vị cao nhất, bị bệnh nặng khốn khổ, vị thần này sắp lâm chung. Vị ấy có thái tử tên là Ê-Ma-Bạt-Đa, bèn gọi lại dạy con rằng: Cha đã được nghe từ xưa vị trưởng lão cao nhất của thần Dạ-Xoa đã gặp Phật quá khứ, từng gặp Phật Ca-Diếp, nghe nói Phật Thích-Ca Mâu-Ni sẽ ra đời. Như tướng mà ta thấy và nhân duyên mà ta thấy, thì Phật Thích-Ca Mâu-Ni không lâu sẽ xuống. Nếu trong khoảng giữa mà ta bỏ mạng, không kịp gặp Phật, thì con quyết phải đến, khiến được gặp Phật. Nếu con gặp Phật quyết sẽ lợi ích lớn.

Thái tử hỏi rằng: Làm sao khiến con biết Phật ra đời?

Cha đáp con rằng: Trong phòng nhà chưa từng có báu mà nếu xuất hiện thì phải biết lúc đó Như Lai ra đời. Lại có vua thần tên là Bà-Đa-Kỳ-Lợi ở trong cõi nước Ma-Già-Đà, con phải cùng người ấy làm bạn, cùng lập thệ nguyện: Chỗ ở của tôi và ông, nếu thấy có báu kỳ lạ hiếm có xuất hiện thì chớ không báo cho nhau. Khi ấy vua cha dạy thái tử rồi liền bỏ mạng.

Lúc ấy thái tử cúng dường thi hài của cha, nhớ nghĩ tôn trọng lời dạy của cha, nhân đó mới qua sông tìm vua thần Bà-Đa-Kỳ-Lợi. Đến chỗ thần rồi, đối diện nói năng cùng nhau hòa kính, cùng ngồi một chỗ. Thần Ê-Ma-Đạt-Đa núi với vua Bà-Đa-Kỳ-Lợi rằng: Phủ Quân! Cha tôi khi sắp mất, đã nói như trên, nhân thế mà qua đời. Cho nên hôm nay tôi nói với Ngài việc này, nếu trong nhà có báu phi thường xuất hiện thì nhất định cần báo cho nhau. Bà-Đa-Kỳ-Lợi đáp: Như thế, như thế! Như vậy hai người đã lập thệ rồi, mỗi người trở về chỗ ở.

Sau đó, trong nhà của vua Ê-Ma-Bạt-Đa có báu kỳ lạ, hiện ra hoa sen nghìn cánh lớn như bánh xe, vàng ròng làm cánh, các báu làm cọng. Lúc ấy có một thần thấy hoa sen ấy liền chạy đến thưa vua: Vua nay chưa biết rằng báu vật thế gian chưa từng có, nay đã xuất hiện, hoa sen nghìn cánh lớn như bánh xe, vàng ròng làm cánh, các báu làm cọng, đây là vật của trời, nguyện vua đến xem.

Lúc ấy vua thần nghe lời ấy rồi liền đến bên ao. Hoa sen ấy đầy đủ nghìn cánh, lớn như bánh xe, được làm thành bởi các báu, trang nghiêm kỳ đặc. Thấy sự ấy rồi, tâm sinh kinh sợ, lông trên thân đều dựng đứng, tự vào trong ao, cung kính chắp tay, đảnh lễ ba lần, nhiễu quanh ba vòng, suy nghĩ thế này: Ta xưa từng gặp bạn lành dạy ta thế này: “Nơi ở của ông nếu có báu lạ thì sẽ báo cho tôi”. Bèn sai sứ giả báo cho vua thần Bà-Đa-Kỳ-Lợi rằng: Phủ Quân! Trong chỗ ở của tôi, báu hiếm có nay đã xuất hiện, nói đủ các tướng của vật báu, Ngài nay phải đến cùng tôi quan sát.

Lúc ấy Thế Tôn đã xuất hiện nơi đời, chính pháp đã được nói một hướng tịch tĩnh, nay đến Niết-bàn, hướng đến Bồ-đề được dạy bởi Tu-Già-Đà.

Lúc ấy vua Bà-Đa-Kỳ-Lợi nhớ biết việc ấy, suy nghĩ như thế này: Ta xưa từng có bạn lành đến báo ta rằng: Chỗ ở của ông, chư Phật Thế Tôn đắc đạo trong đó, nếu Phật đã xuất hiện, ông nên báo cho tôi. Đó là ý muốn của bạn, ta nên báo.

Vua Bà-Đa-Kỳ-Lợi liền sai sứ đến vì vua mà rằng: Phủ quân, nếu là một hoa sen thì làm lợi ích gì? Nếu một trăm, một nghìn thì cũng lợi ích gì? Trong cõi nước tôi, báu chưa từng có nay đã xuất hiện. Thế nào gọi là báu? Nghĩa là Đa-Đà-A-Già-Độ A-La-Ha Tam-Miệu Tam Phật Đà nay đã xuất hiện. Ông nay nên lại cùng phụng sự báu này.

Ở Ế-Ma-Bạt-Đa, ngày mười lăm tháng chín là lúc Bố-tát. Có năm trăm thần cùng nhau nhiễu quanh, cầm các hoa sen, mặt hướng phía Nam mà đi, bụng để trống mà đi, đến chỗ vua Ba-Đa-Kỳ-Lợi.

Vua ấy lại đem năm trăm chúng thần cùng nhau nhiễu vòng, lại đón vua này ở ven phía Nam sông Hằng, cùng nhau tụ hội.

Đã gặp nhau rồi, vua Ế-Ma-Bạt-Đa nói kệ hỏi vua thần kia rằng:

Nay mười lăm, ngày tịnh
Lúc bốn vua lai tập
Chúng ta thờ Thầy nào,
Ông tin A-La-Ha.

Lúc ấy vua Bà-Đa-Kỳ-Lợi nói kệ đáp rằng:

Lúc này Phật Thế Tôn
Ở thành Ma-Dà-Đà,
Vì diệt tất cả khổ
Nói pháp nhất thiết trí.
Các khổ và nhân khổ,
Khổ diệt chẳng lại sinh,
Tám phần đạo diệt khổ
Không não, hướng Niết-bàn,
Cho nên ông và ta
Sẽ đến thờ người này,
Tất cả không thể sánh
Tin của tôi: La-Ha.

Lúc bấy giờ Ế-Ma-Bạt-Đa nghe kệ này rồi, tâm rất kinh sợ, lông trên thân dựng đứng, hoài nghi chưa tin. Ba lần bàn định: Phủ quân! ông nói rằng Thế Tôn ra đời? Đáp: Phủ quân! Ta nói Phật Bảo ra đời. Lần thứ hai, lần thứ ba, hỏi đáp cũng như thế.

Lúc ấy vua thần núi phía Bắc, suy nghĩ đo lượng bốn pháp: Hành, trụ, oai nghi, cảnh giới của chư Phật, nói kệ hỏi vua thần núi phía Nam rằng:

Tâm Phật nơi chúng sinh
Khéo được an lập chăng?
Yêu, ghét hai tư duy
Đã được diệt sạch chăng?

Lúc ấy vua thần núi phía Nam dùng kệ đáp rằng:

Tâm Phật nơi chúng sinh
Chân thật được an lập,
Yêu, ghét –hai tư duy
Diệt sạch vĩnh vô dư.

Vua thần núi phía Bắc lại nói kệ hỏi rằng:

Phật có vọng ngữ chăng?
Nói, không não người chăng?
Lời không ly gián chăng?
Có nói vô nghĩa chăng?

Vua thần núi phía Nam dùng kệ đáp rằng:

Phật không nói vọng ngữ,
Cũng không khổ nói suông
Không nói lời ly gián,
Nói lời nghĩa như lượng.

Vua thần núi phía Bắc lại nói kệ hỏi rằng:

Phật trộm của người không?
Không hại mạng người chăng?
Xa lìa phóng dật chăng?
Không hại thiền định chăng?

Vua thần núi phía Nam nói kệ đáp rằng:

Phật không trộm của người,
Cho nên hộ mạng người,
Xa lìa các phóng dật,
Không hại thiền định sâu.

Vua thần núi phía Bắc lại nói kệ hỏi rằng:

Phật không mắc ái dục,
Tâm tịnh không trược chăng?
Đã qua dòng vô minh,
Được tịnh pháp nhãn chăng?

Vua thần núi phía Nam đáp:

Không mắc nơi dục trần,
Tâm địa cực thanh tịnh,
Đã qua khỏi vô minh,
Nơi pháp được tịnh nhãn.

Vua thần núi phía Bắc lại hỏi:

Minh của Phật đủ không?
Pháp túc thanh tịnh không?
Bốn dòng đã sạch chăng?
Sinh sau đã sạch chăng?

Vua thần núi phía Nam lại đáp:

Minh của Phật đầy đủ,
Pháp túc tịnh đã lâu,
Đã đoạn dứt bốn dòng,
Cho nên không sinh nữa.

Lúc bấy giờ vua thần núi phía Bắc nghe rồi, tâm sinh hoan hỉ, nói kệ ca ngợi:

Trí giả ý thành tựu
Tất cả sự đã xong,
Với thân, miệng thanh tịnh
Ca ngợi Cụ Minh Túc.

Thần núi phía Nam, tâm và khẩu hoan hỉ, nói kệ ngợi ca rằng:

Tâm Phật tịch, thanh tịnh,
Thân, khẩu hay lợi người ,
Mười phương không ai sánh;
Tùy hỉ tán thán ông.
Trí giả tâm thành tựu
Cùng với nghiệp thân, khẩu ,
Đầy đủ minh, pháp túc.
Tức cùng ông đến xem,
Nay mười lăm Bố-tát
Lúc bốn Vua du hành?
Tâm giải thoát vô trước,
Ta cùng ông lễ bái.

Lúc ấy Thế Tôn ở thành Vương –Xá, ẩn dưới cây Cù-đề. Hai Vua thần này và một nghìn thần nhiễu quanh, đi đến chỗ Phật. Đến chỗ Phật rồi, trệch vai áo phải, gối phải quỳ đất, chắp tay cung kính, đảnh lễ chân Phật, liền ngồi một bên. Lúc đó, vua núi Bắc dùng kệ hỏi rằng:

Có thể nói và làm
Qua dòng, vĩnh vô lậu,
Một mình như sư tử,
Phật không nhiễm thế pháp,
Qua tất cả bờ pháp
Ân cần nên đến hỏi
Chúng sinh sinh nơi nào
Đủ loại nhân hữu xứ,
Chấp trì là vật gì
Sáu nơi chịu khổ não.

Lúc ấy Thế Tôn dùng kệ đáp Vua thần Ê-Ma-Bạt-Đa:

Chúng sinh sinh sáu chỗ
Số số tập lục xứ,
Chấp trì sáu loại pháp
Sáu chỗ thọ khổ não.

Vua thần núi Bắc lại kệ hỏi rằng:

Thủ này gọi thủ gì
Mà khiến chúng sinh khổ,
Nguyện đáp hỏi xuất ly
Làm sao giải thoát khổ?

Lúc ấy Thế Tôn dùng kệ đáp Vua thần Ế-Ma-bạt-Đa:

Thế gian có năm trần,
Ta nói tâm Thứ Sáu
Trong đó lìa dục trước
Giải thoát khổ như vậy.
Chúng sinh được xuất ly,
Đã nói lượng như lý,
Ông nay đã có hỏi,
Cho nên đáp xuất ly.

Lúc ấy thần núi phía Bắc lại nói kệ hỏi Phật:

Ai qua được dòng sử
Ngày đêm không mệt mỏi
Không đáy cũng không vịn
Chỗ sâu ai không chìm?

Lúc ấy Thế Tôn dùng kệ đáp Vua Ê-Ma-Bạt-Đa:

Thường trì giới thanh tịnh,
Tinh tiến không tán tâm,
Tư trạch niệm nội chỉ,
Do trí độ khó độ
Dục tưởng vô hữu dục
Phục diệt sắc trói buộc,
Cầu diệt yêu thích hữu
Người này rốt chẳng chìm.

Lúc ấy hai vua núi Nam, Bắc cùng lúc nói kệ tán thán Phật rằng:

Chúng con nay được gặp
Lành đến nay được rõ
Chúng con thấy Chính Giác
Diễn nói đạo cam lộ.
Gọi chẳng mất, chẳng thấy thật nghĩa,
Thường vui vấn nạn không chỗ chấp,
Cùng tận trí tuệ, trọn giải thoát,
Đi trên đường Thánh, bậc Đại Tiên.
Nghìn chúng Dạ-Xoa khác
Lừng danh có oai thần
Tất cả quy y Phật
Vô Thượng Sư của con.

Ba Dạ-Xoa này ngồi ở ba góc, cho nên đến nay con đường tên là Lăng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn ở dưới gốc cây, cho nên cây này gọi là Cù-Nặc-Đàm-Cù-Đề. Nhân sự việc của hai Dạ-Xoa này cho nên biết hai núi Nam,Bắc.

Hết phẩm Thần Dạ-Xoa.

« Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Đừng bận tâm chuyện vặt


Kinh Bi Hoa


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.81.79.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập