Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ban sơ ngồi đạo trường, Ta nhìn cây, kinh hành, Trong suốt hai mốt ngày, Chỉ suy xét một việc: Trí tuệ ta chứng đắc, Thật vi diệu hơn hết. Chúng sanh căn cơ thấp, Tham đắm, nhiều si mê... Những hạng chúng sanh này, Làm sao có thể độ?
Khi ấy những Phạm vương, Cùng các Thiên Đế thích, Bốn Thiên vương Hộ thế, Cùng Đại Tự tại thiên, Và chúng chư thiên khác, Quyến thuộc trăm ngàn vạn, Cùng chắp tay cung kính, Thỉnh Phật chuyển pháp luân.
Ta liền tự nghĩ rằng: Nếu chỉ khen Phật thừa, Chúng sanh chìm đắm khổ, Không đủ sức tin nhận, Sẽ chống phá, không tin, Đọa sâu ba đường ác. Ta không nên thuyết pháp, Phải sớm nhập Niết-bàn.
Liền nhớ Phật quá khứ, Từng dùng sức phương tiện. Nay ta chứng chánh đạo, Cũng nên thuyết ba thừa.
Khi ta nghĩ như vậy, Mười phương Phật hiện ra, Dùng Phạm âm khuyến khích: “Lành thay! Phật Thích-ca, Đấng Đạo sư bậc nhất, Chứng pháp Vô thượng này, Theo gương tất cả Phật, Mà dùng sức phương tiện. Chư Phật cũng chứng đắc, Pháp vi diệu bậc nhất, Nhưng cũng vì chúng sanh, Phân biệt thuyết ba thừa. Kém trí ưa pháp nhỏ, Không tự tin thành Phật, Nên phải dùng phương tiện, Phân biệt các quả vị. Tuy nói có ba thừa, Chỉ giáo hóa Bồ Tát.”
Xá-lợi-phất nên biết! Ta nghe tiếng chư Phật, Thanh âm rất nhiệm mầu, Liền vui cung kính Phật. Rồi khởi lên ý nghĩ: “Ta gặp đời uế trược, Như lời chư Phật dạy, Ta cũng thuận làm theo.”
Suy nghĩ như vậy rồi, Liền đến Ba-la-nại. Tướng các pháp vắng lặng, Không thể dùng lời nói, Phật dùng sức phương tiện, Giảng cho năm tỳ-kheo. Gọi là chuyển pháp luân, Từ đó có Niết-bàn, Lại có A-la-hán, Có Pháp bảo, Tăng bảo.
Từ vô số kiếp xưa, Ngợi khen pháp Niết-bàn, Dứt hẳn khổ sinh tử, Ta thường thuyết như vậy.
Phần thứ hai từ câu “ban sơ ngồi đạo tràng” trở đi, có 17 khổ rưỡi kệ, nêu việc [đức Phật] mở bày phương tiện để giáo hóa [chúng sanh]. Phần này lại được chia thành hai tổng đoạn.
- Tổng đoạn thứ nhất gồm sáu khổ rưỡi kệ đầu tiên, nêu rõ việc [Phật suy] nghĩ biết rằng nếu dùng Đại thừa không giáo hóa được [chúng sanh].
- Tổng đoạn thứ hai là từ câu “liền nhớ Phật quá khứ” trở đi là ý thứ hai, có 11 khổ kệ, nêu rõ việc [đức Phật] nhớ lại cũng giống như chư Phật đều dùng ba thừa để giáo hóa, thích hợp [với chúng sanh] nên có thể được.
Tổng đoạn thứ nhất nói việc [Phật nghĩ đến] dùng đại thừa giáo hóa lại có thể chia thành ba đoạn.
- Đoạn thứ nhất có một khổ rưỡi kệ, nêu việc [Phật] suy nghĩ có nên dùng Đại thừa giáo hóa hay không.
- Đoạn thứ hai từ câu “chúng sanh căn cơ thấp” trở đi có ba khổ kệ, nói rõ việc chúng sanh [cõi này] không có căn cơ [Đại thừa].
- Đoạn thứ ba từ câu “ta liền tự nghĩ rằng” trở đi có hai khổ kệ, nêu rõ việc [Phật] suy nghĩ từ bỏ không dùng Đại thừa giáo hóa [chúng sanh].
Đoạn thứ nhất, từ câu “ban sơ ngồi đạo tràng”, nếu nói theo lý rốt ráo thì không có, chỉ là giả lập thời gian để giáo hóa chúng sanh. Vì là thời điểm khởi đầu sự giáo hóa nên nói là “ban sơ”.
Giải thích về sự việc thì ban sơ [Phật] ở tại nơi này tu hành chứng đạo cho nên gọi là đạo tràng, ngồi dưới gốc cây này thành tựu Chánh giác cho nên gọi là đạo thọ.
[Kệ nói “ta nhìn cây, kinh hành”, đức Phật] cảm ơn cây [bồ-đề] nên ngồi đó nhìn cây, vì nghĩ đến đức của mặt đất nơi ấy nên đi kinh hành [quanh đó]. [Phật] thành đạo rồi, lúc ấy để đáp ân trạch nên muốn dùng giáo pháp Đại thừa, liền xét nghĩ đến sự thích hợp với chúng sanh.
Giải thích theo quán tâm thì cây là [biểu trưng cho] cây đại thọ 12 nhân duyên. [Phật] quán sâu lý duyên khởi nên tự mình thành tựu giác ngộ, muốn dùng rừng cây pháp vô lậu che mát, làm lợi ích cho chúng sanh, cho nên nói “quán thọ” (xem cây). Nói “kinh hành”, Vì 37 phẩm đạo của Đại thừa là thực hành đạo pháp. [Đức Phật] tự dùng các phẩm đạo ấy mà bước đi trên hết thảy cõi đất, chứng thành Phật đạo, muốn dùng pháp này để giáo hóa cứu độ chúng sanh, nên khởi sự đi [kinh hành nơi này].
Nhưng cây bồ-đề với mặt đất đều chẳng có [sự nhận biết] phân biệt, cần gì phải có việc báo ân? Kinh Vị Tằng Hữu nói rằng: “Chỉ dùng sự lưu thông giáo hóa để truyền bá chánh pháp, gọi là báo ân.”
Kinh Quá Khứ Nhân Quả nói rằng: Sau khi Phật thành đạo, trong tuần lễ đầu tiên suy nghĩ rằng: “Pháp của ta vi diệu, [trong chúng sanh] không ai có khả năng thọ nhận.” Trong tuần lễ thứ hai, [Phật] suy nghĩ biết trong chúng sanh có những bậc thượng căn, có những người trung căn và có những kẻ hạ căn. Trong tuần lễ thứ ba, [Phật] suy xét xem ai là người thích hợp được nghe pháp trước tiên. [Suy xét rồi] liền đến thành Ba-la-nại, vì năm người mà thuyết giảng pháp Tứ đế. [Lần đầu tiên,] ông Kiều-trần-như chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh, [còn bốn người là] Át-bệ, Bạt-đề, Thập Lực Ca-diếp và Ma-ha-nam Câu-lợi vẫn chưa chứng đạo. Đức Phật thuyết giảng pháp Tứ đế một lần nữa, bốn người này liền chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Phật lại thuyết dạy rằng năm ấm là vô thường, khổ, không và vô ngã, cả năm người liền chứng đắc quả A-la-hán.
[Khi ấy], đức Phật là Phật bảo, giáo pháp Tứ đế là Pháp bảo, năm người [vừa chứng quả] cùng với Phật là sáu vị A-la-hán, tức là Tăng bảo.
Tiểu Vân sớ nói rằng: “Trong ba tuần lễ đầu tiên, đức Phật đã thuyết giảng kinh Pháp Hoa.” Trong phần sau kinh văn nói đức Phật Túc Vương Hoa Trí ở trên tòa ngồi bằng bảy báu dưới gốc cây Bồ-đề thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Do vậy biết rằng đức Phật [Thích-ca] ngày nay dưới gốc cây Bồ-đề cũng thuyết kinh Pháp Hoa, nhưng những chúng sanh căn tánh ngu độn không tiếp nhận được, [nên Phật] phải làm theo như chư Phật, tạm khai mở ba thừa để giáo hóa, cho đến về sau ở thành Vương Xá mới thuyết giảng Nhất thừa.
Nếu suy theo ý của bậc trí thì trước tiên [các đức Phật ấy] dưới cội Bồ-đề thuyết giảng trí tuệ Phật, sau đó ở những nơi khác cũng thuyết giảng trí tuệ Phật. Theo đó thì đức Phật Thích-ca ngày nay trước hết thuyết giảng kinh Hoa Nghiêm, sau đó đến kinh Pháp Hoa. Cho nên kinh văn nói: “Ban sơ [những ai] vừa nhìn thấy thân ta, nghe được pháp ta thuyết, liền thể nhập được trí tuệ Như Lai, chỉ trừ những người trước đây đã tu tập, học theo Tiểu thừa, nhưng nay lại cũng khiến cho [những người ấy] được thể nhập trí tuệ của Như Lai.” Như vậy so với nghĩa này cũng giống nhau.
[Về nhân duyên của] năm vị tỳ-kheo. [Thuở xưa, vua Ác Sanh dạo chơi cùng các cung nữ,] những cung nữ ấy [không đi theo vua mà cùng tụ tập lại để] nghe một vị tiên nhân thuyết pháp. Vua Ác Sanh nổi giận [ra lệnh] chặt đứt hai cánh tay và cắt tai, cắt mũi [của vị tiên nhân. Khi ấy tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục nên không hề oán hận. Sau đó, do đại nguyện của ngài nên] máu chảy ra bỗng hóa thành sữa [và thân thể lành lặn lại như trước]. Vua Ác Sanh thuở ấy [nay chính là Kiều-trần-như], còn vị tiên nhân nay chính là Phật. [Thuở ấy khi bị hại, tiên nhân] có lời thệ nguyện [rằng sau này khi thành Phật sẽ khiến cho vua Ác Sanh] được uống nước cam lộ chánh pháp, được là người đầu tiên nghe pháp âm.
Hỏi: Do đâu mà [đức Phật] vì năm người chuyển pháp luân đầu tiên?
Đáp: [Chuyển pháp luân đầu tiên trong loài người là] vì con người thấy được chân lý trước tiên, vì [sau khi Phật thành đạo] thì con người hiện được nhìn thấy, vì con người chứng [được quả vị], vì những việc làm và sự nghiệp của Phật cũng giống như con người giống nhau, vì chư thiên từ trong cõi người mà được nhiều điều tốt đẹp lợi ích, vì trong con người có đủ bốn chúng.
[Hỏi:] Vua Chuyển luân ra đời có âm thanh chấn động đến cõi trời Tha hóa Tự tại, khi ngài Kiều-trần-như chứng đạo, âm thanh chấn động đến cõi Phạm thiên, khi Phật thành đạo, âm thanh chấn động đến cõi trời Thủ-đà-hội. Vì sao [khác biệt] như vậy?
Đáp: Do [ba loại] nghiệp thiện, nghiệp khen ngợi và nghiệp xưng tán cha mẹ thầy tổ [là thuộc về ba bậc] thượng, trung và hạ [khác biệt nhau] cho nên [biểu hiện] như vậy. Nếu như [chư thiên ở] cõi trời Hữu đỉnh mà có nhĩ thức [nghe biết được âm thanh] thì âm thanh của Phật cũng chấn động đến đó. Vua Chuyển luân thực hành [và khuyến khích nhân dân thực hành] mười nghiệp thiện, [những người thực hành] nghiệp thiện được sinh về các cõi trời Dục giới, nên chư thiên các cõi trời Dục giới đều vui mừng được tăng thêm nhiều quyến thuộc. Ngài Kiều-trần-như [chứng quả] dứt lìa lòng dục [trở nên thanh tịnh], cho nên [chấn động] thấu đến cảnh giới của Phạm thiên. Phật là bậc tối thắng cho nên [có âm thanh chấn động đến] cõi trời A-ca-ni-trá. Đại lược là như vậy.
Nếu [giải thích] theo Đại thừa thì khi Phật thành đạo, âm thanh chấn động khắp trăm ức cõi trời A-ca-ni-trá [ở các thế giới], lại cũng chấn động đến các cõi trời A-ca-ni-trá trong khắp mười phương vô lượng vô biên thế giới. Đại lược là như vậy.
[Có bốn nơi là] nơi Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên, nơi cội Bồ-đề [Phật thành đạo], nơi [Phật giáng hạ] khi vừa trở về từ cõi trời Đao Lợi [sau khi thuyết pháp cho thánh mẫu] và nơi [đức Phật] thị hiện đại thần biến [để giáo hóa]. Bốn nơi này thì tất cả chư Phật đều xác định, ngoài ra những nơi khác thì không xác định. Lại nữa, [có người nói] trừ nơi [đức Phật] chuyển pháp luân, còn lại ba nơi khác đều quyết định.
[Lời kệ nói “trong suốt] hai mốt ngày”, các nhà cựu giải nói là [thời gian đức Phật] để suy nghĩ về giáo, lý và hành, hoặc cũng nói là [có ý nghĩa] khuyên răn.
Ngài Dao sư nói, việc [giáo hóa chúng sanh] thật hết sức sâu xa, nên bậc chí thánh [như đức Phật] cũng phải suy xét trước rồi sau mới thực hành. Tuần lễ đầu tiên suy xét về trí tuệ Phật hết sức vi diệu. Tuần lễ thứ hai suy xét về việc căn tánh chúng sanh chẳng giống nhau. Tuần lễ thứ ba suy xét về các pháp môn như thuốc [trị bệnh] có hàng muôn loại, liền nêu kệ để chứng minh:
“Trí tuệ ta chứng đắc, Thật vi diệu hơn hết. Chúng sanh căn cơ thấp... ... Làm sao có thể độ?”
Nay nêu rõ [ý nghĩa] Phật an trụ nơi pháp thân vắng lặng mà thường soi chiếu, thường dùng Phật nhãn để quán sát thấy biết khắp nơi không bỏ sót, lẽ nào phải đợi cho đến khi ngồi nơi đạo tràng [suy ngẫm] qua 21 ngày ấy rồi mới rõ biết việc ấy hay sao?
[Cho nên] nói 21 [ngày] chỉ là [ý nghĩa] biểu trưng, tức là biểu trưng cho [ý nghĩa] đức Phật muốn thuyết pháp ba lần [cho các căn cơ thượng, trung, hạ] nên tạm nói là ba tuần lễ. Tuần đầu suy xét về [lần thứ nhất] thuyết chánh pháp. Tuần thứ hai suy xét về [lần thứ hai] thuyết giảng thí dụ và tuần thứ ba suy xét về [lần thứ ba] thuyết giảng nhân duyên. [Cả ba lần suy xét đều thấy] không [chúng sanh nào có] căn cơ thích hợp, cho nên [dùng Đại thừa] không thể giáo hóa. Do đó, [đức Phật] dừng lại việc thuyết giảng Đại thừa để mở bày phương tiện Tiểu thừa. Đó là giải thích nghiêng về theo Đại thừa Viên giáo.
Nếu giải thích chung theo Đại thừa thì tuần đầu tiên [đức Phật] suy xét muốn thuyết giảng Đại thừa Viên giáo, tuần tiếp theo suy xét muốn thuyết giảng Đại thừa Biệt giáo, tuần thứ ba suy xét muốn thuyết giảng Đại thừa Thông giáo. [Cả ba lần suy xét đều thấy] không [chúng sanh nào có] căn cơ thích hợp, cho nên [dùng Đại thừa] không thể giáo hóa. Do đó nên [đức Phật] dừng lại việc thuyết giảng Đại thừa để thuyết giảng Tam tạng của ba thừa làm phương tiện giáo hóa [chúng sanh].
Giải thích theo quán tâm thì tuần đầu tiên [đức Phật] muốn [thuyết giảng pháp] quán trung đạo, nhưng pháp trung đạo thật vi diệu khó nhận hiểu, [Phật] quán thấy không thể dùng [để giáo hóa chúng sanh căn cơ thấp]. Tuần tiếp theo [Phật] muốn [thuyết giảng] pháp quán các pháp đều là giả tạm không thật, nhưng quán giả thì trí phân biệt khó sanh, cũng không thể dùng [để giáo hóa chúng sanh căn cơ thấp]. Tuần thứ ba, [Phật] muốn [thuyết giảng] pháp quán các pháp đều là không, nhưng pháp quán không khéo léo hóa độ lại cũng không thể [giáo hóa chúng sanh căn cơ thấp]. Sau đó [Phật] mới [mở bày] phương tiện dùng đến pháp quán phân tích chia chẻ của Tiểu thừa.
Đoạn thứ hai từ câu “chúng sanh căn cơ thấp” trở đi có ba khổ kệ, nêu rõ việc [đức Phật quán thấy] chúng sanh không có căn cơ [thích hợp Đại thừa], có thể chia thành ba phần. Phần đầu gồm nửa khổ kệ, nêu rõ việc [chúng sanh] che chướng nặng nề. Phần thứ hai tiếp theo, từ câu “những chúng sanh như thế” trở đi gồm nửa khổ kệ, nêu rõ việc chúng sanh không thể nghe [pháp Đại thừa]. Phần thứ ba từ câu “khi ấy những Phạm vương” trở đi gồm hai khổ kệ, nêu rõ việc tuy các vị Phạm vương... thưa thỉnh thuyết pháp Đại thừa, nhưng đức Phật rõ biết [chúng sanh khi ấy] không có căn cơ thích hợp cho nên không thuyết.
Đoạn thứ ba từ câu “ta liền tự nghĩ rằng” trở đi gồm hai khổ kệ, nêu rõ việc [đức Phật] suy nghĩ muốn thôi không giáo hóa. Đoạn này lại chia làm hai phần. Phần trước gồm một khổ rưỡi kệ nêu rõ việc [chúng sanh] không có căn cơ [thích hợp], nếu gượng ép thuyết pháp [Đại thừa] thì nghe vào ắt phải tổn hại [do không tin nhận được]. Phần sau từ câu “ta không nên thuyết pháp” trở đi gồm nửa khổ kệ nói rõ việc [Phật muốn] thôi không giáo hóa.
Tổng đoạn thứ hai từ câu “Liền nhớ Phật quá khứ” trở đi gồm 11 khổ kệ, tụng lại ý nghĩa trong phần văn trường hàng ở trước, từ nơi một Phật thừa mà [đức Phật] phương tiện thuyết giảng thành ba thừa. Tiểu đoạn này chia ra thành hai phân đoạn. Đoạn thứ nhất gồm 10 khổ kệ nêu rõ việc hóa [độ chúng sanh là] có thể được. Đoạn thứ hai có một khổ kệ giải thích chỗ nghi.
Đoạn thứ nhất có 10 khổ kệ lại chia ra 4 tiểu đoạn. Tiểu đoạn thứ nhất gồm một khổ kệ [từ câu “Liền nhớ Phật quá khứ”], nêu rõ [Phật dự định thuyết giảng] ba thừa là thích hợp. Tiểu đoạn thứ hai từ câu “Khi ta nghĩ như vậy” trở đi gồm sáu khổ rưỡi kệ, nêu rõ việc có căn cơ [để giáo hóa bằng phương tiện]. Tiểu đoạn thứ ba từ câu “Suy nghĩ như vậy rồi” trở đi gồm một khổ rưỡi, nêu rõ việc thi hành phương tiện để giáo hóa. Tiểu đoạn thứ tư từ câu “Gọi là chuyển pháp luân” trở đi có một khổ kệ, nêu rõ [kết quả chúng sanh] thọ nhận và thực hành [giáo pháp].
Tiểu đoạn thứ nhất, lời kệ nói “Liền nhớ [Phật quá khứ]”, nghĩa là nói [Phật suy nghĩ việc] chúng sanh [hiện nay] tuy không có căn cơ đại thừa nhưng cũng không thể vĩnh viễn bỏ mặc, cần phải dùng phương tiện để dẫn dắt cứu độ. [Phật Thích-ca] không phải tự mình hoàn toàn không biết việc phương tiện khai mở ba thừa, mà ở đây là muốn dẫn chứng cho thấy chư Phật [từ thuở xưa] cũng đều như vậy, cho nên nói là “liền nhớ [Phật quá khứ]”.
Tiểu đoạn thứ hai từ câu “Khi ta nghĩ như vậy” gồm sáu khổ rưỡi kệ nêu rõ [trong chúng sanh vẫn] có những căn cơ bậc thấp [có thể hóa độ]. Tiểu đoạn này lại chia làm hai phân đoạn.
§ Phân đoạn thứ nhất gồm bốn khổ rưỡi kệ, nêu rõ việc chư Phật ngợi khen [việc Phật Thích-ca khởi ý muốn dùng phương tiện để giáo hóa].
§ Phân đoạn thứ hai gồm hai khổ kệ, từ câu “Xá-lợi-phất nên biết” trở đi, nêu rõ việc đức Phật Thích-ca tùy thuận [theo như chư Phật quá khứ].
Phần trước đây [nói việc Phật Thích-ca] muốn dùng Đại thừa giáo hóa nhưng [chúng sanh] không có căn cơ thích hợp, cho nên chư Phật không khen ngợi. Nay ở phần này [Phật Thích-ca khởi ý] muốn thuyết giảng Tiểu thừa linh hoạt phù hợp với căn cơ thấp nhỏ [của chúng sanh], như vậy ắt là sớm muộn gì chúng sanh cũng đều được hóa độ, cho nên chư Phật khen ngợi.
§ Phân đoạn thứ nhất nói việc khen ngợi của chư Phật lại chia thành năm ý.
Ý thứ nhất có ba câu, đức Phật Thích-ca trình bày việc chư Phật hiện ra. Việc chư Phật hiện ra là do đức Phật Thích-ca nghĩ nhớ đến chư Phật nên [chư Phật] dùng sức phương tiện hiện ra. [Chư Phật] hiện cũng là do hai ý nghĩa: [Phật Thích-ca] dự định thuyết pháp [Tiểu thừa] và gặp được căn cơ [thích hợp của chúng sanh], cho nên chư Phật hiện.
Ý thứ hai từ câu “Lành thay! Phật Thích-ca” trở đi có một câu và một khổ kệ, nêu ý chính chư Phật khen ngợi đức Phật Thích-ca vì có thể tạm ẩn đi pháp chân thật rốt ráo để thiết lập pháp quyền thừa phương tiện, cho nên [khen ngợi] là lành thay. [Kệ nói “Đấng Đạo sư bậc nhất”], đó là nói Phật vì Nhất thừa mà thiết lập ba thừa, dẫn dắt chúng sanh thể nhập trí tuệ Phật, chính là bậc Đạo sư cao tột nhất. “Chứng pháp Vô thượng này” tức là nói chứng được trí tuệ chân thật vi diệu đệ nhất. [Kệ nói “Theo gương tất cả Phật,] mà dùng sức phương tiện” là nói nghĩa tạm ẩn pháp chân thật rốt ráo mà sử dụng pháp quyền biến phương tiện.
Ý thứ ba từ câu “chư Phật cũng chứng đắc” trở đi, gồm một khổ kệ, nêu rõ việc chư Phật cũng đều tạm ẩn pháp chân thật mà sử dụng pháp quyền biến, [ý nghĩa có thể hiểu được rõ ràng] như trong kinh văn.
Ý thứ tư từ câu “kém trí, ưa pháp nhỏ” gồm một khổ kệ, cùng lúc giải thích hai ý nghĩa. [Thứ nhất là] vì chúng sanh “kém trí”, không đủ khả năng nghe hiểu giáo pháp Đại thừa, cho nên phải tạm ẩn giấu đi pháp chân thật. [Thứ hai là] vì chúng sanh “ưa pháp nhỏ” cho nên phải tạm bày ra pháp quyền thừa phương tiện.
Ý thứ năm là từ câu “tuy nói có ba thừa” gồm nửa khổ kệ, đồng thời tóm kết lại hai ý nghĩa [trên], tuy có thuyết giảng ba thừa nhưng rốt ráo là hiển bày pháp chân thật.
§ Phân đoạn thứ hai từ câu “Xá-lợi-phất nên biết” trở đi gồm hai khổ kệ, nêu rõ việc đức Phật Thích-ca thực hành thuận theo [chư Phật], được nghe tiếng chư Phật khen ngợi liền đáp lại bằng cách niệm “nam-mô”. Nam-mô có nghĩa là cung kính, vâng theo. Phần này lại có hai ý.
Ý thứ nhất một khổ kệ, nói ra lời vâng thuận theo [chư Phật].
Ý thứ hai một khổ kệ nói lên suy nghĩ thuận theo căn cơ chúng sanh [trong đời uế trược].
Tiểu đoạn thứ ba từ câu “Suy nghĩ như vậy rồi” trở đi gồm một khổ rưỡi nêu ý chính là [Phật] thi hành việc thuyết giảng giáo pháp. Từ câu “tướng các pháp vắng lặng, không thể dùng lời nói” tức là như trước đã nói về lẽ trung đạo không có tự tánh là chủng tử Phật tánh. Lẽ thật này không thể suy lường tính đếm, lại cũng không thể dùng lời giảng thuyết, nay dùng phương tiện tạm bày ra ba thừa để thuyết giảng. [Lẽ thật này] lại cũng không sanh không diệt, nhưng dùng phương tiện mà tạm nói là có sanh có diệt. Lại nữa, [ngay cả] lẽ chân thật của Tiểu thừa cũng không nằm ở chỗ chỉ bày thuyết giảng, nhưng [Phật] dùng phương tiện nên bày ra thuyết giảng tứ môn. Trước tiên, vì năm người [nhóm Kiều-trần-như] mà nói pháp vô thường, đó là hữu môn...
Tiểu đoạn thứ tư từ câu “Gọi là chuyển pháp luân” trở đi gồm một khổ kệ, nêu rõ [các giai đoạn] thọ nhận, hành trì, liễu ngộ và thể nhập [tri kiến Phật]. Chuyển pháp giáo hóa từ trong tâm Phật độ nhập vào tâm người khác gọi là chuyển pháp luân. Ngài Kiều-trần-như ban sơ được kiến đế, tức là dứt trừ kiến hoặc, chứng được một phần Diệt đế, cũng tức là đạt được một phần Niết-bàn hữu dư. Tên gọi Niết-bàn bắt đầu có từ lúc đó, [cho nên lời kệ nói: “Từ đó có Niết-bàn.” Do đó thành bậc vô học, liền có danh xưng A-la-hán. Người thuyết giảng giáo pháp ba thừa là Phật, nội dung được thuyết giảng đó là pháp, những vị [tu tập] đạt được kiến đế, thành bậc A-la-hán, gọi chung là Tăng. Tam bảo do đó xuất hiện ở thế gian.
Đoạn thứ hai từ câu “từ vô số kiếp xưa” trở đi gồm một khổ kệ giải thích chỗ nghi.
Chỗ nghi về bậc thầy là cho rằng Phật [Thích-ca] ban đầu chưa thể thấu biết căn cơ, đến khi nhớ lại chư Phật [quá khứ] mới bắt đầu rõ biết căn tánh [chúng sanh].
Nay giải thích rằng, không phải [đức Phật Thích-ca] không tự biết dùng phương tiện, chỉ vì đặc biệt muốn dẫn chứng việc [chư Phật] đồng như nhau nên nhớ nghĩ đến chư Phật, không phải khi nhớ nghĩ đến [chư Phật] rồi mới biết. “Từ vô số kiếp xưa” đã thấy [chúng sanh] ưa thích pháp Tiểu thừa, nên mới vì họ mà xưng tán [Niết-bàn], chỉ bày cho dứt hết mọi nỗi khổ. Cho nên [chúng sanh] khi nghe thuyết dạy Tiểu thừa liền được giải thoát [khổ đau].
Chỗ nghi về đệ tử thì cho rằng, làm sao chúng sanh ngay trong một đời này chỉ mới nghe [thuyết pháp] chưa bao lâu đã chứng được quả A-la-hán?
Nay giải thích rằng, “từ vô số kiếp xưa” [Phật] đã vì chúng sanh mà xưng tán [Niết-bàn], chỉ bày giáo pháp, [nay được nghe pháp] xứng hợp với sự huân tập từ xưa cho nên nhanh chóng chứng đạo.
Các nhà cựu giải cho rằng đoạn kệ này hàm ý chỉ đến phẩm Vô Lượng. Nay nói rõ rằng, nếu luận về mật ý thì cũng có thể là như vậy, nhưng xét theo ý nghĩa hiển lộ rõ ràng thì không đúng. Vì sao muốn nêu nghĩa thọ lượng mà đến ngài Di-lặc còn không rõ biết? Làm sao trong cả phần này chỉ có một đoạn kệ có nghĩa ám chỉ? [Cho nên] nay chỉ lấy nghĩa giải thích những chỗ nghi để phân tích nhận hiểu kinh văn.
KINH VĂN
Xá-lợi-phất nên biết! Ta thấy những Phật tử, Quyết chí cầu Phật đạo, Số nhiều đến vô lượng... Đều khởi tâm cung kính, Cùng đi đến chỗ Phật, Họ từng theo chư Phật, Được nghe pháp phương tiện.
Ta liền suy nghĩ rằng: Bậc Như Lai xuất thế, Chỉ bày trí tuệ Phật, Nay chính lúc thích hợp.
Xá-lợi-phất nên biết! Người căn thấp trí hẹp, Chấp tướng và kiêu mạn, Không thể tin pháp này.
Phật hoan hỷ không ngại, Nay giữa chúng Bồ Tát, Chính thức bỏ phương tiện, Chỉ thuyết đạo Vô thượng.
Bồ Tát nghe pháp này, Đều dứt sạch lưới nghi, Ngàn hai trăm La-hán, Cũng đều sẽ thành Phật.
Tổng đoạn thứ ba từ câu “[Xá-lợi-phất nên biết], ta thấy những Phật tử” trở đi gồm sáu khổ kệ, tụng lại ý nghĩa hiển bày lẽ thật trong văn trường hàng ở phần trước. Phần này có đủ nghĩa tứ nhất.
Đoạn thứ nhất từ câu “Xá-lợi-phất nên biết...” trở đi gồm hai khổ kệ, tụng nghĩa nhân nhất, vì những người thực hành theo ba thừa đều là Phật tử. Phần văn trường hàng ở trước cũng có bao gồm ý này.
Đoạn thứ hai từ câu “Ta liền suy nghĩ rằng” trở đi gồm một khổ kệ, tụng nghĩa lý nhất, vì nói về trí tuệ Phật, tức là tụng lại nghĩa tri kiến Phật Nhất thiết chúng trí trong phần văn trường hàng.
Đoạn thứ ba từ câu “Xá-lợi-phất nên biết, người căn thấp trí hẹp” trở đi là nghĩa thứ ba gồm hai khổ kệ, tụng nghĩa giáo nhất. “Chỉ thuyết đạo Vô thượng tức là giáo nhất.
Đoạn thứ tư từ câu “Bồ Tát nghe pháp này” trở đi là nghĩa thứ tư gồm một khổ kệ, tụng nghĩa hành nhất. “Cũng đều sẽ thành Phật” tức là hành nhất.
Tổng đoạn này lại cũng [có thể] chia thành bốn ý.
Thứ nhất, hai khổ kệ đầu nêu rõ việc khởi phát căn cơ Đại thừa, cũng nói là tìm cầu quả vị.
Thứ hai, hai khổ kệ và một câu nêu rõ ý Phật hoan hỷ, vì chúng sanh được lợi ích từ Đại thừa.
Thứ ba, ba câu với ý chính nêu rõ sự hiển bày lẽ chân thật.
Thứ tư, một khổ kệ nêu nghĩa thọ nhận, hành trì, liễu ngộ và thể nhập [tri kiến Phật].
[Phần này] nêu rõ là do khởi phát căn cơ [Đại thừa] nên mới tìm cầu quả vị; tìm cầu quả vị là do căn cơ Đại thừa khởi phát. Trong việc này có bốn trường hợp.
[Thứ nhất là] tự thân [tuy đã] trừ được che chướng nhưng căn cơ [Đại thừa] chưa khởi phát, như các vị A-la-hán ở các quả vị trong ba thừa, vì ưa thích Tiểu thừa nên tuy trừ được uế trược che chướng nhưng căn cơ Đại thừa còn trì độn, chỗ nhiệm mầu của căn cơ chưa phát khởi.
[Thứ hai là] tự thân có căn cơ Đại thừa khởi phát nhưng che chướng chưa dứt trừ, như những người phàm phu trong pháp hội Pháp Hoa, tuy chưa đoạn trừ được phiền não kết sử nhưng nhờ căn cơ Đại thừa bén nhạy nên có thể khởi phát.
[Thứ ba là] tự thân vừa trừ dứt được che chướng, căn cơ Đại thừa liền khởi phát, như khi [đức Phật] thuyết giảng kinh Vô lượng nghĩa, những vị đã chứng đắc quả vị Nhị thừa liền tức thời ở ngay nơi tòa ngồi mà khởi phát căn cơ Đại thừa.
[Thứ tư là] tự thân có che chướng chưa trừ được nên căn cơ Đại thừa chưa thể khởi phát, là như 5.000 người [đã lui ra khỏi pháp hội Pháp Hoa].
Đoạn thứ nhất, kệ nói “quyết chí cầu Phật đạo” tức là tìm cầu quả vị Đại thừa, chẳng phải cầu quả vị Tiểu thừa. [Kinh văn nói “tìm cầu” là có ba ý nghĩa.
Thứ nhất là ý nghĩa căn cơ Đại thừa có sự chiêu cảm [quả vị Đại thừa], tức là trong sự phát khởi căn cơ suy ra nghĩa tìm cầu [quả vị].
Thứ hai là ý nghĩa kín đáo mong cầu trong lòng, [trong số đó] có người đắc quả, có người chưa đắc quả, tức là ý này.
Thứ ba là ý nghĩa nói ra [ý nguyện] tìm cầu, tức là ba lần thiết tha thưa thỉnh. Trong các giáo pháp trước đây đã từng có việc thỉnh cầu hai lần, chỉ là chưa nói ra, ngày nay [trong hội Pháp Hoa này] mới nói đủ ba lần cầu thỉnh.
Hỏi: Trước đây [những người con ông trưởng giả] thoát ra khỏi nhà rồi thì đòi hỏi cha ban cho ba loại xe, đó là sự đòi hỏi theo căn cơ và tâm tình [của họ]. Kinh văn nói là [đòi hỏi] như trước đây đã hứa. Như vậy là [thí dụ việc] tìm cầu [quả vị] ba [thừa], đâu có liên quan gì đến tìm cầu [quả vị] Nhất thừa?
Đáp: Khi ra khỏi nhà mà không thấy [như lời cha nói] tức là [biết cha] có ý định khác. Tuy nhắc lời trước đây hứa cho ba xe nhưng chỉ là để xin được theo ý khác đó mà thôi, cho nên cũng có thể xem đó là cầu [quả vị] Nhất thừa.
“Đều khởi tâm cung kính, cùng đi đến chỗ Phật.” Có người nói đó là hổ thẹn với Tiểu thừa mà ngưỡng mộ Đại thừa, căn cơ Đại thừa chiêu cảm đến Phật nên nói là “đi đến chỗ Phật”.
Nay nêu rõ không chỉ là căn cơ chiêu cảm đến Phật mà còn là thực sự thân hành đi đến, như trong kinh Vô lượng nghĩa nói “bốn chúng vây quanh [Phật], chắp tay với tâm cung kính, muốn được nghe đạo trọn đủ”.
“Họ từng theo chư Phật, được nghe pháp phương tiện.” Trong số này là những người chỉ vừa nếm vị điều phục [của sự] thọ nhận và hành trì như Bồ Tát tu sáu ba-la-mật của Tạng giáo, Bồ Tát Thông giáo và Biệt giáo, những pháp phương tiện của ba thừa. Do những sự điều phục như vậy đã thuần thục nên khiến cho các che chướng tiêu trừ, căn cơ [Đại thừa] khởi phát mà cầu được [quả vị] Đại thừa.
Đoạn thứ hai, từ câu “Ta liền suy nghĩ rằng” trở đi gồm hai khổ kệ và một câu nêu rõ việc [thính chúng] trừ được che chướng nên Phật hoan hỷ. Đức Phật vì chỉ bày trí tuệ Phật [cho chúng sanh] nên mới ra đời. Trước đây [lúc ban đầu, chúng sanh] che chướng nặng nề, không có căn cơ [thích hợp] nên không thể tức thời thuyết giảng trí tuệ Phật. Thời gian sau đó, tuy che chướng [của chúng sanh] đã trừ nhưng vẫn chưa thể thuyết giảng [Đại thừa]. Đến nay căn cơ Đại thừa [của chúng sanh] khởi phát, chính là lúc để thuyết giảng. Trước đây chúng sanh căn cơ trì độn, trí tuệ nhỏ hẹp, [Phật] sợ [rằng nếu nghe pháp Đại thừa không tin nhận được sẽ] hủy báng pháp, phải bị đọa vào đường ác, cho nên chưa phải lúc để thuyết giảng. Đến nay căn cơ [khởi phát] nhanh nhạy, quyết chí hướng về Đại thừa, được nghe [pháp] ắt sẽ tin hiểu, cho nên nói “Phật hoan hỷ”.
Kệ nói “không ngại” [tức là không lo ngại], không còn lo ngại việc [chúng sanh] bám chấp Tiểu thừa, hủy báng Đại thừa, khởi sinh tội lỗi đọa vào đường ác, cho nên nói là [Phật] không ngại.
Đoạn thứ ba, từ câu “Nay giữa chúng Bồ Tát” trở đi gồm ba câu, ý chính là hiển bày pháp chân thật. [Giáo pháp giảng cho] năm thừa còn uyển chuyển khiếm khuyết, chưa đi thẳng vào lẽ thật; [giáo pháp] Thông giáo và Biệt giáo còn thiên lệch kề cận, chưa phải một đường chân chánh. Đến nay [Phật] xả bỏ hết những pháp uyển chuyển, thiên lệch kia, chỉ thuyết giảng một đạo ngay thẳng chân thật.
Đoạn thứ tư, từ câu “Bồ Tát nghe pháp này” trở đi gồm một khổ kệ, nêu rõ việc [thính chúng] thọ nhận, hành trì, liễu ngộ, thể nhập [tri kiến Phật]. Hàng Bồ Tát Tạng giáo và Thông giáo [trước đây] vừa nghe lược giảng [Đại thừa] thì chỗ bám chấp cũ dao động, khiến chỗ nghi mới khởi sinh, đến nay thì tất cả [những nghi ngờ đó] đều được dứt trừ. Chẳng Không chỉ riêng hàng Bồ Tát, hàng Nhị thừa [Thanh văn, Duyên giác] cũng như thế. Cho nên nói hàng Thanh văn [A-la-hán] “cũng đều sẽ thành Phật”. Các giáo pháp trước đây không nói Nhị thừa [có thể] thành Phật, nay được [Phật] tiến hành thọ ký [cho sẽ thành Phật]. [Cho nên,] việc thọ ký không riêng cho Nhị Thừa, việc dứt trừ lòng nghi không riêng cho Bồ Tát. Hai việc này hỗ tương cho nhau cùng trọn vẹn đầy đủ.
Hỏi: Hàng Bồ Tát nghi những điều gì?
Đáp: Trong [giáo pháp] Tạng giáo nói rằng, [tu tập trải qua] ba a-tăng-kỳ kiếp còn chưa đoạn trừ được mê hoặc, một khi đoạn trừ được liền thể nhập chân thật. [Giáo pháp] Thông giáo nói rằng, hàng Bồ Tát đoạn trừ hết phiền não vẫn còn lại tập khí, [khi nào] tập khí dứt hết liền thành Phật. [Nay] vừa nghe [Phật] lược nói rằng hết thảy những giáo pháp ấy đều là phương tiện, [vậy những chỗ] chân thật với thành Phật [đã nói] trước đây, rốt lại bây giờ là ở nơi đâu?
Lại nữa, ba thừa cùng học theo một đạo, do ý nghĩa gì lại có sự khác biệt?
Nay nghe [thuyết giảng kinh] Pháp Hoa này rồi liền dứt trừ hết những nghi ngờ đó, không sót lại một mảy may nào.
KINH VĂN
Như nghi thức thuyết pháp, Của ba đời chư Phật, Ta nay cũng như vậy, Thuyết pháp không phân biệt.
Chư Phật hiện ở đời, Rất lâu xa khó gặp, Ngay khi đã xuất thế, Thuyết pháp này càng khó.
Vô lượng vô số kiếp, Được nghe pháp này khó, Người đủ sức nghe pháp, Càng khó tìm gặp hơn.
Giống như hoa ưu-đàm, Mọi người đều ưa thích, Giữa hai cõi trời người, Hiếm hoi mới xuất hiện.
Người nghe pháp hoan hỷ, Ngợi khen chỉ một lời, Cũng bằng như cúng dường, Ba đời mười phương Phật. Người như vậy ít gặp, Hiếm hơn hoa ưu-đàm.
Tổng đoạn thứ tư từ câu “Như nghi thức thuyết pháp, của ba đời chư Phật” trở đi, có năm khổ rưỡi kệ, tụng lại ý nghĩa xưng tán chánh pháp thật hy hữu như trong phần văn trường hàng ở trên, còn có ý phụ là dẫn khởi cho thí dụ “không dối gạt” [ở phẩm Thí Dụ]. Tổng đoạn này chia thành hai đoạn.
Đoạn thứ nhất gồm một khổ kệ, tụng lại ý nghĩa về diệu pháp như trong văn trường hàng ở trên. Diệu pháp tức là pháp quyền thật. Như “ba đời chư Phật” là dẫn chứng giống như chư Phật đều đã dùng pháp quyền, pháp quyền tức là nghi thức để dẫn dắt chúng sanh. “Thuyết pháp không phân biệt” là dẫn chứng giống như chư Phật đều hiển bày pháp chân thật. Chân thật ắt là dứt sạch ngôn ngữ, lẽ nào còn có nghi thức. Lại nữa, quyền và thật vốn không có sự phân biệt, chỉ vì những kẻ căn thấp trí nhỏ mà [phải tạm bày ra] phân biệt quyền thật. Nay đến lúc tỏ ngộ và thể nhập thì Nhất thừa với ba thừa không khác, nên biết rằng Phật thuyết ba thừa với Nhất thừa không có phân biệt. Tất cả chư Phật đều như vậy, không chỉ riêng một đức Phật Thích-ca.
Đoạn thứ hai từ câu “Chư Phật hiện ở đời” trở đi gồm bốn khổ rưỡi kệ, tụng lại ý nghĩa “đúng thời mới thuyết pháp này” trong phần văn trường hàng ở trước. Trong văn trường hàng cũng dùng hoa ưu-đàm để [so sánh với việc Phật ra đời ít gặp]. Trong kệ tụng cũng nói hai câu “Chư Phật hiện ở đời, rất lâu xa khó gặp”. Nghĩa là phải rất lâu mới có Phật ra đời. Đây là nói cái khó về người, [rất khó có được người như Phật].
Tiếp đến hai câu “Ngay khi đã xuất thế, thuyết pháp này càng khó” là nêu cái khó về pháp, như khi đức Phật Thích-ca đã ra đời, cũng phải hơn 40 năm mới [có thể] bắt đầu [thuyết pháp] hiển bày chân thật. Đại lược là như thế.
Kế tiếp là hai câu “vô lượng vô số kiếp, được nghe pháp này khó”, nêu cái khó của việc được nghe pháp, như cả một nhóm 5.000 người kia, Phạm âm [thuyết pháp] tràn ngập vào tai mà vẫn rời bỏ chỗ ngồi đi ra [khỏi pháp hội], chẳng phải là việc nghe pháp rất khó đó sao?
Tiếp theo là hai câu “Người đủ sức nghe pháp, càng khó tìm gặp hơn”, nêu cái khó của sự tin nhận [chánh pháp]. Khắp trong chúng hội [khi ấy] chỉ duy nhất có ngài Xá-lợi-phất là nhận hiểu trước. Hàng trung căn và hạ căn tuy có được nghe nhưng chưa hiểu được.
[Câu kệ tiếp theo] nêu hoa ưu-đàm [hiếm có] để làm thí dụ so sánh với bốn cái khó vừa nói trên. [Phần kệ tiếp theo] chỉ nêu người nghe [pháp] hiếm có, nhưng các điều khó còn lại theo đó suy ra có thể hiểu được.
KINH VĂN
Các ông chớ hoài nghi, Phật là vua các pháp, Tuyên cáo cùng đại chúng, Chỉ dùng đạo Nhất thừa, Giáo hóa các Bồ Tát, Không đệ tử Thanh văn.
Xá-lợi-phất, các ông, Thanh văn cùng Bồ Tát, Nên biết diệu pháp này, Bí yếu của chư Phật.
Tổng đoạn thứ năm từ câu “Các ông chớ hoài nghi” trở đi là phần thứ năm, gồm hai khổ rưỡi kệ, tụng lại ý nghĩa “[lời Phật] không hư dối” trong phần văn trường hàng ở trước. Phần này chia làm hai đoạn.
Đoạn thứ nhất một khổ rưỡi kệ, nói đừng sinh tâm nghi ngờ đối với người đáng tin cậy.
Đoạn thứ hai từ câu “Xá-lợi-phất các ông” trở đi gồm một khổ kệ, nói đừng khởi tâm nghi ngờ đối với pháp đáng tin cậy.
[Kệ nói “Phật là] vua các pháp”, vua trong loài người còn chẳng nói hai lời, huống chi Phật là vị Pháp vương, vua của các pháp, lẽ nào lại có thể nói ra lời hư dối. Pháp phương tiện thì có thể quyền biến giả lập, còn pháp chân thật đâu thể hư dối. [Cho nên,] nghe đấng Pháp vương thuyết pháp đừng sanh tâm nghi ngờ.
Các nhà cựu giải cho rằng từ câu “Xá-lợi-phất các ông” trở đi, gồm bảy khổ kệ, không tụng [ý nghĩa] về thôi thúc lòng tin mà chỉ là [tụng lại ý nghĩa] phần nói về Phật Thích-ca [trong văn trường hàng], tức là ý khuyến tín và hoằng truyền kinh điển.
Phần này chia làm hai ý. Ý thứ nhất gồm năm khổ rưỡi kệ, [đức Phật] khuyên nên hoằng truyền kinh điển để làm nhân tố hành trì. Ý thứ hai gồm một khổ rưỡi kệ lược nói về việc thọ ký.
Khổ kệ đầu tiên khuyên [những ai] ngưỡng mộ quả vị mà hành trì nhân [tu tập] thì tất yếu phải hoằng truyền kinh điển [này]. [Kệ nói pháp này là “bí yếu của chư Phật”, vì] hơn 40 năm được ẩn giấu trong tâm Phật, người khác không ai biết nên gọi là “bí”, đạo thẳng tắt Nhất thừa thâu nhiếp muôn pháp môn nên nói là “yếu”.
Từ câu “vì đời ác năm trược” trở đi gồm một khổ kệ, [sau khi] giải thích [về pháp] “bí yếu”, đến đây nêu rõ rằng những người che chướng nặng nề thì rốt cùng không thể hiểu được [pháp Đại thừa này], vì vậy nên đức Như Lai phải [tạm] ẩn giấu, không thể tuyên thuyết không đúng người.
Từ câu “những kẻ xấu đời sau” trở đi gồm hai khổ kệ, nêu rõ cách thức của việc hoằng truyền kinh điển. Khổ kệ thứ nhất nêu rõ, với những kẻ xấu ác thì đừng vì họ mà thuyết giảng [kinh này]. [Khổ kệ] sau đó nói rõ, với người hiền thiện thì nên vì họ mà thuyết giảng.
Từ câu “Xá-lợi-phất nên biết” trở đi, gồm một khổ rưỡi kệ, tóm kết hai ý nghĩa.
Trước tiên một khổ kệ tóm kết nghĩa “bí yếu”, nêu rõ pháp như thế này thì [chư Phật] trước đã phải dùng đến muôn ức phương tiện, sau đó mới [có thể] chỉ bày chỗ chân thật.
Tiếp theo nửa khổ kệ sau tóm kết về cách thức hoằng truyền kinh, [nêu rõ] những người không học tập thì không thể hiểu rõ được kinh này, chính là kết lại ý nghĩa đối với người xấu ác không nên thuyết giảng kinh này. [Từ đó cũng suy ra hàm nghĩa] đối lại là những ai học tập thì sẽ hiểu được kinh này, nên với những người như vậy thì có thể thuyết giảng.
Từ câu “các ông đã rõ biết” trở đi, gồm một khổ rưỡi kệ, lược nói về việc thọ ký. Ba câu trên nêu nghĩa rõ biết, một câu giữa nói ý không nghi hoặc, hai câu dưới cùng nói việc được thọ ký. Đã rõ biết, không còn nghi hoặc, cho nên “phải hết sức vui mừng, biết mình sẽ thành Phật”.
Ý nghĩa thọ ký trong phần này là dẫn khởi cho phần Xá-lợi-phất và các vị khác được thọ ký ở phần sau. Ý nghĩa hoằng truyền kinh điển trong phần này là dẫn khởi cho việc Phật dạy ngài Xá-lợi-phất phải lưu thông [kinh điển] ở phần sau.
Trên đây là trình bày cách giải thích theo các nhà cựu giải.
Nay giảng rõ từ câu “Vì đời ác năm trược” trở xuống là phần thứ sáu, gồm sáu khổ kệ, tụng lại ý nghĩa chọn lọc thính chúng và thúc giục lòng của mọi người. May mắn là trong văn trường hàng đã có phần này, ý nghĩa tương tự lẽ nào không phải là tụng lại.
KINH VĂN
Vì đời ác năm trược, Chỉ tham đắm các dục, Những chúng sanh như vậy, Rốt chẳng cầu Phật đạo.
Những kẻ xấu đời sau, Nghe Phật dạy Nhất thừa, Mê hoặc không tin nhận, Phá pháp, đọa cõi ác.
Người thanh tịnh, tàm quý, Quyết chí cầu Phật đạo, Nên vì những người ấy, Rộng khen đạo Nhất thừa.
Xá-lợi-phất nên biết, Pháp chư Phật như thế, Dùng muôn ức phương tiện, Để thuyết pháp thích hợp, Nếu không học không tu, Thì không thể thấu hiểu.
Các ông đã rõ biết, Phật là thầy thế gian, Việc phương tiện quyền biến, Đừng khởi sinh nghi hoặc. Phải hết sức vui mừng, Biết mình sẽ thành Phật.
Tổng đoạn thứ sáu có thể chia thành hai đoạn. Đoạn thứ nhất gồm ba khổ kệ đầu, tụng về ý nghĩa chọn lọc thính chúng. Đoạn thứ hai gồm ba khổ kệ sau, tụng về ý nghĩa thúc giục lòng tin.
Đoạn thứ nhất từ câu “vì đời ác năm trược” trở đi, một khổ kệ là tụng lại ý nghĩa chọn lọc loại trừ những người không phải đệ tử Phật. Vì sao vậy? Nếu “tham đắm các dục” tức là làm theo nghiệp của ma, nên phải loại trừ những người ấy. Trong văn trường hàng nói [những người] bám chấp Niết-bàn mà còn không phải là đệ tử Phật, [huống chi] ở đây nói [có nghĩa là] bám chấp sanh tử, lại có thể là đệ tử Phật hay sao? Đó là [văn và kệ] cùng hỗ tương, bổ sung ý nghĩa cho nhau [để làm rõ ý nghĩa] loại trừ hết những người không phải đệ tử Phật.
“Rốt chẳng cầu Phật đạo” là tụng lại ý nghĩa trong văn trường hàng loại trừ hàng tăng thượng mạn. Những kẻ tăng thượng mạn là chưa chứng đắc quả vị giải thoát mà tự nói mình đã chứng đắc. Người như vậy cho nên không cầu Phật đạo.
Từ câu “những kẻ xấu đời sau” trở đi một khổ kệ, tụng lại ý nghĩa “sau khi Như Lai diệt độ rồi, người hiểu được ý nghĩa kinh này rất khó gặp được” trong phần văn trường hàng.
Từ câu “người thanh tịnh, tàm quý” trở đi một khổ kệ, tụng lại ý nghĩa “nếu gặp Phật ở cõi khác liền được hiểu rõ” trong phần văn trường hàng.
Đoạn thứ hai gồm ba khổ kệ, tụng lại ý nghĩa thúc giục lòng tin trong phần văn trường hàng. Nếu nói [đệ tử Phật mà] không tin pháp [Nhất thừa] này thì thật hoàn toàn vô lý.
[Trong ý này,] một khổ rưỡi kệ phần trước là thúc giục lòng tin [đối với việc Phật thi hành] pháp quyền, một khổ rưỡi kệ phần sau là thúc giục lòng tin đối với pháp chân thật. [Đối với các pháp] thật và quyền [đều tin chắc] không còn nghi hoặc liền tự rõ biết mình sẽ thành Phật. Đại lược là như thế.
Đến đây Pháp Hoa Văn Cú đã giảng giải hết phẩm Phương Tiện trong kinh Pháp Hoa. Phần nội dung tiếp theo chúng tôi đang thực hiện. Xin quý vị vui lòng ghé lại xem sau một thời gian nữa.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.131.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.