Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
ĐỜI THỨ HAI SAU THIỀN SƯ HOÀI NHƯỢNG
PHÁP TỰ MÃ TỔ 45 NGƯỜI.
1. Thiền sư Tổng Ấn núi Tam Giác, Đàm Châu;
2. Thiền sư Bảo Vân núi Lỗ Tổ, Trì Châu;
3. Thiền sư Thường Hưng chùa Lặc Đàm, Hồng Châu;
4. Thiền sư Trí Tạng Tây Đường, Kiền Châu;
5. Thiền sư Hoài Uẩn chùa Chương Kính, Kinh Triệu;
6. Thiền sư Minh Triết Bách Nham, Định Châu;
7. Thiền sư Đại Nghĩa Nga Hồ, Tín Châu;
8. Thiền sư Tự Tại núi Phục Ngưu;
9. Thiền sư Bảo Tích Bàn Sơn, U Châu;
10. Thiền sư Thái Dục núi Phù Dung, Tì Lăng;
11. Thiền sư Bảo Triệt núi Ma Cốc, Bồ Châu;
12. Thiền sư Tề An Diêm Quan, Hàng Châu;
13. Thiền sư Linh mặc núi Ngũ Duệ, Vụ Châu;
14. Thiền sư Pháp Thường núi Đại Mai, Minh Châu;
15. Thiền sư Duy Khoan Hưng Thiện, Kinh Triệu;
16. Thiền sư Như Hội Hồ Nam;
17. Thiền sư Vô Đẳng Ngạc Châu;
18. Thiền sư Trí Thường chùa Quy Tông, Lô Sơn;
(Mười tám người trên đây được ghi)
19. Thiền sư Thanh Hạ núi Chử Kính, Thiều Châu;
20. Thiền sư Duy Kiến núi Tử Âm;
21. Thiền sư Hồng Tuấn Phong Sơn;
22. Thiền sư Thần Ngoạn Luyện Sơn;
23. Thiền sư Đạo Viên Quật Sơn;
24. Thiền sư Duy Nhiên Ngọc Đài;
25. Thiền sư Đàm Kí Khôi Sơn, Trì Châu;
26. Thiền sư Bảo Tích Tân Tự, Kinh Châu;
27. Thiền sư Pháp Tạng phủ Hà Trung;
28. Thiền sư Lương Tân chùa Từ Bi, Hán Nam;
29. Thiền sư Sùng, phủ Kinh Triệu;
30. Thiền sư Trí Chu Nam Nhạc;
31. Thiền sư Pháp Tuyên Bạch Hổ;
32. Thiền sư Duy Trực Kim Quật;
33. Thiền sư Thường Triệt Bách Nhan, Thai Châu;
34. Thiền sư Huy, chùa Kiền Nguyên;
35. Thiền sư Đạo Nham Tề Châu;
36. Thiền sư Thường Kiên Tương Châu;
37. Thiền sư Bảo Trinh Kinh Nam;
38. Thiền sư Tĩnh Tông Vân Thủy;
39. Thiền sư Linh Thoan chùa Vĩnh Thái, Kinh Châu;
40. Thiền sư Viên Sướng núi Long Nha, Đàm Châu;
41. Thiền sư Đạo Phương Song Lãnh, Hồng Châu;
42. Thiền sư Tu Quảng núi La Phù;
43. Thiền sư Định Khánh Hiện Sơn;
44. Thiền sư Duy Hiến Đỗng Tuyền, Việt Châu;
45. Thiền sư Phổ Mãn Quang Minh.
(27 người trên đây không có cơ duyên ngữ cú, không ghi)
PHÁP TỰ THIỀN SƯ HOÀI NHƯỢNG ĐỜI THỨ HAI
1. THIỀN SƯ TỔNG ẤN NÚI TAM GIÁC, ĐÀM CHÂU.
Tăng hỏi:
- Thế nào là tam bảo?
Sư đáp:
- Lúa, lúa mạch, đậu.
Thưa:
- Học nhân chẳng hội.
Sư nói:
- Đại chúng hân hoan phụng trì.
*
* *
Sư thượng đường, nói:
- Nếu luận bàn việc ấy tức là xem thường lông mày( ) thì sớm đã sai lầm rồi.
Ma Cốc liền hỏi:
- “Xem thường lông mày” thì không hỏi. Thế nào là việc ấy?
Sư đáp:
- Sai lầm rồi!
Ma Cốc bèn lật giường thiền. Sư đánh Ma Cốc.
Ma Cốc lặng thinh (Trường Khánh thay nói “Im lặng như tờ”.)
2. THIỀN SƯ BẢO VÂN NÚI LỖ TỔ, TRÌ CHÂU.
Hỏi:
- Thế nào là thầy của chư Phật?
Sư đáp:
- Trên đầu có cái mũ quí giá thì không phải.
Tăng hỏi:
- Thế nào mới phải?
Sư đáp:
- Trên đầu không có cái mũ quí giá.
*
* *
Động Sơn đến tham kiến, lễ bái xong đứng hầu chốc lát thì bỏ ra, rồi lại trở vào. Sư nói:
- Chỉ thế ấy, chỉ thế ấy. Cho nên như thế.
Động Sơn nói:
- Có nhiều người chẳng thừa nhận.
Sư hỏi:
- Làm sao dùng được cái miệng ông để biện luận?
Động Sơn bèn ở lại hầu Sư mấy tháng.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là nói chẳng nói?
Sư hỏi:
- Cái miệng ông ở đâu?
Tăng đáp:
- Không có miệng.
Sư hỏi:
- Lấy gì ăn cơm?
Tăng không đáp được.
(Động Sơn thay, nói “Y không đói, ăn cơm nào?”)
*
* *
Bình thường, thấy tăng đến Sư liền quay mặt vào vách. Nam Tuyền nghe, nói: Ta bình thường nói với tăng “Hãy hội lấy lúc Phật chưa ra đời”, họ còn chưa được nửa câu một câu. Như thầy kia, tới năm lừa.
(Huyền Giác hỏi “Hay là lời có xướng họa không thể nói?”. Bảo Phước hỏi Trường Khánh “Như tiết văn* của Lỗ Tổ, còn chỗ nào bị Nam Tuyền nói như thế?”. Trường Khánh đáp “Trong muôn người không có một người chịu nhún mình nhượng người”.
La Sơn nói “Trần lão sư (Bảo Vân) lúc đó thấy như thế thì trên lưng đã bị ngũ hỏa** đoạt lấy. Tại sao vậy? Vì y chỉ biết buông mà không biết thâu.”
Huyền Sa nói “Lúc đó tôi thấy như thế thì cũng bị ngũ hỏa đoạt lấy.”
Vân Cư Tích nói “La Sơn, Huyền Sa đều nói như thế, hay là riêng có thứ đạo lý nào khác và nêu ra được, hứa cho Phật pháp của thượng tọa có chỗ đi”.
Huyền Giác nói “Thử nói Huyền Sa bị ngũ hỏa đoạt lấy, đánh y đáng hay chẳng đáng?”)
3. THIỀN SƯ THƯỜNG HƯNG CHÙA LẶC ĐÀM, HỒNG CHÂU.
Tăng hỏi:
- Thế nào là khách đệ tử của Tào Khê?
Sư đáp:
- Yến bay về Nam.
Tăng thưa:
- Học nhân không hội.
Sư nói:
- Dưỡng lông chờ gió thu.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là việc cực tắc(*) trong tông thừa?
Sư đáp:
- Mưa thu cỏ rã rời.
*
* *
Nam Tuyền đích thân đến, thấy Sư ngồi quay mặt vào vách, bèn vỗ lưng Sư. Sư hỏi:
- Ông là ai?
Đáp:
- Phổ Nguyện.
Hỏi:
- Thế nào rồi?
Đáp:
- Cũng bình thường.
Sư nói:
- Sao ông lắm chuyện.
4. THIỀN SƯ TRÍ TẠNG TÂY ĐƯỜNG, KIỀN CHÂU.
Người ở Kiền Hóa, họ Liêu. Tám tuổi theo thầy xuất gia, hăm lăm tuổi thọ giới cụ túc.
Có thầy tướng thấy nghi biểu Sư kỳ đặc, nói với Sư:
- Cốt khí (*) thầy phi phàm, sẽ làm phụ tá đấng pháp vương.
Sư bèn đến hang núi Phật Tích tham lễ Đại Tịch, đồng là nhập thất với thiền sư Hoài Hải Bá Trượng, cả hai đều được ấn ký.
Một hôm Đại Tịch sai Sư đi Trường An, dâng thư lên Quốc sư Huệ Trung. Quốc sư hỏi:
- Thầy ông nói pháp gì?
Sư từ bên đông qua bên tây mà đứng.
Quốc sư hỏi:
- Chỉ cái đó, còn cái nào khác?
Sư lại trở về bên đông mà đứng.
Quốc sư nói:
- Cái đó là của Mã Đại sư, còn nhân giả ra sao?
Sư đáp:
- Cái đó, trình trước với Hòa thượng rồi.
Chẳng bao lâu, Sư lại đi Kính Sơn chuyển đạt thư đến thiền sư Quốc Nhất (Ngữ có trong chương Quốc Nhất). Gặp lúc Liên soái Lộ Từ Cung rước Đại Tịch ở phủ đường, đúng lúc giáo hóa thạnh hành, Sư được Đại Tịch trao cho ca sa ma nạp trở về quận, khiến cho học giả thân cận.
*
* *
Tăng hỏi Mã Tổ:
-Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Hòa thượng chỉ thẳng ý Tây lai (*) cho con.
Tổ nói:
- Hôm nay ta không còn lòng dạ nào để nói, ông đi hỏi Trí Tạng được.
Tăng ấy bèn đến hỏi Sư. Sư hỏi:
- Sao ông không hỏi Hòa thượng?
Tăng nói:
- Hòa thượng dạy tôi đến hỏi thượng tọa.
Sư đưa tay tự xoa đầu, nói:
- Hôm nay tôi đau đầu, ông đi hỏi sư huynh Hải đi.
Tăng ấy lại đi hỏi Hoài Hải (Hòa thượng Bá Trượng).
Hải đáp:
- Đến chỗ đó, tôi vẫn không hội.
Tăng trở lại, thuật với Mã Tổ. Tổ nói:
- Tạng đầu bạc, Hải đầu đen.
*
* *
Một hôm Mã Tổ hỏi Sư:
- Sao ông không xem kinh?
Sư đáp:
- Kinh đâu có khác.
Tổ nói:
- Tuy như thế, về sau vì người ông cũng nên xem.
Sư thưa:
- Trí Tạng bệnh lo tự dưỡng, dám đâu nói vì người.
Tổ nói:
- Ông về già sẽ làm Phật pháp hưng hạnh ở đời.
*
* *
Mã Tổ nhập diệt rồi, vào năm Đường Trinh Nguyên thứ bảy (791 – Đường Đức Tông), chúng thỉnh Sư khai đường. Thượng thư Lý Cao thường hỏi tăng:
- Mã Đại sư có lời dạy gì?
Tăng đáp:
- Đại sư có khi nói tức tâm tức Phật, có khi nói phi tâm phi Phật.
Lý nói:
- Đều lầm, ở bên này.
Lý lại hỏi Sư:
- Mã Đại sư có lời dạy gì?
Sư gọi “Lý Cao”, Cao ứng “dạ”. Sư nói:
- Trống và tù và động.
*
* *
Thiền sư Chế Không nói với Sư: “Mặt trời mọc sớm quá”. Sư đáp: “Đang phải lúc”.
*
* *
Sư trụ Tây Đường. Về sau có một tục sĩ (cư sĩ) hỏi:
- Có thiên đường, địa ngục không?
Sư đáp:
- Có.
Hỏi:
- Có tam bảo Phật pháp tăng không?
Sư đáp:
- Có.
Cư sĩ còn hỏi nhiều câu nữa, Sư đều đáp “Có”. Cư sĩ hỏi:
- Hòa thượng nói như thế, có lầm không?
Sư hỏi:
- Ông đã từng gặp vị tôn túc nào rồi, phải chăng?
Đáp:
- Con đã từng tham vấn Hòa thượng Kính Sơn.
Sư hỏi:
- Kính Sơn nói với ông thế nào?
Đáp:
- Kia nói tất cả đều không.
Sư hỏi:
- Ông có vợ không?
Đáp:
- Có.
Sư hỏi:
- Hòa thượng Kính Sơn có vợ không?
Đáp:
- Không.
Sư nói:
- Hòa thượng Kính Sơn nói không thì được.
Cư sĩ lễ tạ rồi lui.
Năm Nguyên Hòa thứ chín (814 – Đường Hiến Tông), ngay mùng 8 tháng 4 Sư quy tịch. Thọ 80 tuổi, tuổi lạp 55. Vua Đường Hiến Tông ban thụy hiệu là Đại Tuyên Giáo Thiền Sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chứng Chơn. Đến vua Mục Tông lại ban thụy hiệu là Đại Giác Thiền Sư.
Người Đồng An, Tuyền Châu, họ Tạ. Nhận tâm ấn nơi Đại Tịch, ban đầu trụ ở Bách Nham, Định Châu, kế đó ở núi Trung Điều.
Năm đầu niên hiệu Đường Nguyên Hòa (806 – 820, Đường Hiến Tông), vua Hiến Tông ban chiếu mời Sư ở chùa Thượng (chùa Thượng Hoa Nghiêm). Học giả về huyền học đổ xô đến, Sư thượng đường dạy đồ chúng:
- Chí lý thì không lời. Người đương thời không biết mà cưỡng thực tập việc kia, cho là do tài sức làm nên. Đâu biết tự tánh vốn chẳng phải trần cảnh, đó là cái cửa vi diệu đại giải thoát. Mình có tánh giác sáng soi như gương vốn không nhiễm không ngại, ánh sáng như thế chưa từng thôi nghỉ, từ kiếp xa xưa đến nay vốn không biến đổi, giống như vầng mặt trời chiếu khắp gần xa, tuy cùng với sắc tướng mà không hòa hợp với tất cả sắc tướng. Đuốc linh diệu minh chẳng cần rèn luyện, vì không liễu nó nên chấp lấy nơi hình tượng của vật, tợ như ấn con mắt vọng khởi hoa đóm trong hư không, tự luống mệt nhọc uổng qua số kiếp. Nếu hay phản chiếu thì không có người thứ hai mà tất cả việc làm động tác không làm suy giảm thực tướng ấy.
*
* *
Tăng hỏi:
- Tâm pháp cả hai đều mất thì hướng về chỗ nào?
Sư đáp:
- Người ở thành Dĩnh không nhiễm dơ, uổng công gột rửa ( ).
Tăng nói:
- Thỉnh thầy cho lời nói chẳng trả về.
Sư đáp:
- Tức là câu chẳng trả về.
(Người sau nêu hỏi Động Sơn, Động Sơn nói “Đạo thì rất dễ, hiếm gặp tác gia”).
*
* *
Hòa thượng Bá Trượng sai một vị tăng đến thăm dò. Lúc Sư thượng đường, tăng trải tọa cụ lễ bái xong, đứng dậy tháo một chiếc giày vải đưa lên trước mặt Sư, rồi dùng tay áo phủi sạch bụi và lật úp chiếc giày. Sư nói:
- Lão tăng tội lỗi.
*
* *
Có tăng hỏi;
- Tổ sư truyền pháp môn tâm địa, hoặc là tâm chơn như, hoặc tâm vọng tưởng, hoặc tâm chẳng chơn chẳng vọng, hoặc là tâm đứng riêng ngoài giáo tam thừa?
Sư hỏi:
- Ông thấy hư không trước mắt chăng?
Đáp:
- Tin biết hằng tồn tại trước mắt mà người không tự thấy.
Sư nói:
- Ông chớ nhận hình, bóng.
Tăng hỏi:
- Hòa thượng làm sao?
Sư lấy tay vạch hư không ba lần. Tăng hỏi:
- Thế nào mới phải?
Sư nói:
- Về sau ông sẽ hội.
*
* *
Có một vị tăng đến nhiễu Sư ba vòng, rồi chống tích trượng mà đứng. Sư nói:
- Phải, phải!
(Trường Khánh thay nói: “Ở đâu là thân tâm, Phật pháp của Hòa thượng?”)
Tăng ấy lại đến Nam Tuyền, cũng nhiễu Nam Tuyền ba vòng rồi chống tích trượng mà đứng. Nam Tuyền nói:
- Chẳng phải, chẳng phải! Đó là do sức gió thức chuyển, có trước sau thành hoại.
(Trường Khánh thay nói “Hòa thượng thì tâm hạnh nào?”. Vân Cư Tích nói “Chương Kính chưa chắc nói phải, Nam Tuyền chưa chắc nói chẳng phải”. Lại nói “Ông tăng đó lúc đầu chỉ cần cầm gậy đi ra là vừa vặn”).
*
* *
Sư có tiểu sư đi hành cước, trở về. Sư hỏi:
- Ông rời nơi đây mấy năm rồi?
Đáp:
- Rời sự thân cận Hòa thượng sắp tròn tám năm.
Sư hỏi:
- Làm nên cái gì?
Tiểu sư vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Sư hỏi:
- Chỉ là cái này, còn cái nào khác?
Tiểu sư bèn bôi xóa vòng tròn, rồi lễ bái.
*
* *
Tăng hỏi:
- Trong thân ngũ uẩn tứ đại, cái nào là Phật tánh xưa nay?
Sư bèn gọi tên của tăng, tăng ứng dạ. Chốc lát sau Sư nói:
- Ông không có Phật tánh.
Năm Đường Nguyên Hòa thứ 13 (818 - Đường Hiến Tông), ngày 22 tháng chạp Sư thị hiện nhập diệt. Xây tháp thờ ở Bá Thủy. Sắc ban thụy hiệu là Đại Giác Thiền Sư, tháp hiệu Đại Bảo Tướng.
6. THIỀN SƯ MINH TRIẾT BÁCH NHAM, ĐỊNH CHÂU.
Thường gặp Hòa thượng Dược Sơn xem kinh, nhân đó Sư nói với Dược Sơn:
- Hòa thường không nên làm người vượn nhé!
Dược Sơn để kinh xuống, hỏi:
- Mặt trời đến lúc nào rồi?
Sư đáp:
- Đúng ngọ.
Dược Sơn hỏi:
- Còn có văn thái nào nữa?
Sư nói:
- Tôi cái không cũng không còn.
Dược Sơn nói:
- Lão huynh thông minh lắm.
Sư nói:
- Tôi chỉ như thế, Hòa thượng thế nào?
Dược Sơn đáp:
- Què què lết lết, trăm thô ngàn vụng, cứ thế qua ngày.
7. THIỀN SƯ ĐẠI NGHĨA NGA HỒ, TÍN CHÂU.
Người ở Tu Giang Cù Châu, họ Từ.
Lý Cao thường hỏi Sư:
- Đức Đại Bi dùng ngàn tay ngàn mắt để làm gì?
Sư đáp:
- Nay vua dùng ông để làm gì?
Có một vị tăng xin xây tháp. Lý thượng thư hỏi tăng:
- Định liệu cho cái thây ma dưới tháp thì kinh đã không cho rồi, còn làm gì?
Tăng không đáp, lại đến hỏi Sư. Sư nói:
- Ông ấy đắc đại xiển đề.
*
* *
Vua Đường Hiến Tông (806 – 820) từng ban chiếu mời Sư nhập nội, luận nghĩa ở điện Lân Đức.
Có một pháp sư hỏi:
- Thế nào là tứ đế?
Sư hỏi lại:
- Thánh thượng là một đế, tam đế ở đâu?
Lại hỏi:
- Dục giới không có thiền, thiền ở sắc giới, căn cứ vào đâu mà thành lập thiền ở cõi nước nầy?
Sư đáp:
- Pháp sư chỉ biết cõi dục không có thiền mà chẳng biết cõi thiền không có dục.
Pháp sư hỏi:
- Thế nào là thiền?
Sư đưa tay chỉ hư không. Pháp sư không đáp được.
Vua nói:
- Pháp sư giảng biết bao kinh luận, chỉ một chút này còn chẳng biết xử trí ra sao.
Sư lại hỏi các vị thạc đức:
- Đi đứng nằm ngồi rốt lại lấy gì là đạo?
Có vị đáp:
- Cái biết, ấy là đạo.
Sư nói:
- Không thể dùng cái trí (phân biệt) mà hiểu biết, không thể dùng cái thức mà nhận biết. Cái biết quyểnấy sao có thể là đạo được ư?
Có vị đáp:
- Vô phân biệt là đạo.
Sư nói:
- Vô phân biệt sao có thể là đạo được ư? Khéo hay phân biệt các pháp tướng, đối với đệ nhất nghĩa mà không động.
Có vị đáp:
- Tứ thiền bát định là đạo.
Sư nói:
- Thân Phật vô vi, chẳng rơi vào số lượng. Làm sao đạo là tứ thiền bát định được ư?
Chúng đều lặng thinh. Sư lại nêu lời của vua Thuận Tông (805) hỏi thiền sư Thi Lợi: “Chúng sanh cả thế giới làm sao kiến tánh thành Phật được?”. Thi Lợi đáp: “Phật tánh cũng như trăng trong nước, thấy được mà không nắm bắt được”. Nhân đó, Sư nói với vua Hiến Tông.
- Tâm thấy, chẳng phải thấy Phật tánh. Như trăng trong nước làm sao nắm bắt?
Vua lại hỏi:
- Cái gì là Phật tánh?
Sư đáp:
- Chẳng ngoài cái hỏi của bệ hạ.
Vua thầm khế hợp chơn tông, càng thêm kính trọng.
Vào năm Nguyên Hòa thứ 13 (818), ngày mùng 7 tháng giêng Sư quy tịch. Thọ 74 tuổi. Sắc ban thụy hiệu Tuệ Giác Thiền Sư, tháp hiệu là Kiến Tánh.
8. THIỀN SƯ TỰ TẠI NÚI PHỤC NGƯU, Y KHUYẾT.
(Phía nam huyện Lạc Dương, Hà Nam)
Người Ngô Hưng, họ Lý. Ban đầu Sư nương thiền sư Quốc Nhất ở Kính Sơn, thọ giới cụ túc; sau tham kiến Đại Tịch (Mã Tổ) ở Nam Khang, phát minh tâm địa.
Nhân Đại Tịch sai sư đem thư đến Quốc sư Huệ Trung, Quốc sư hỏi:
- Mã Đại sư lấy gì dạy đồ chúng?
Đáp:
- Tức tâm tức Phật.
Quốc sư hỏi:
- Đó là lời nói gì?
Hồi lâu, Quốc sư lại hỏi:
- Ngoài cái đó, còn có lời dạy nào nữa?
Sư đáp:
- Phi tâm phi Phật, hoặc nói “Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật”.
Quốc sư nói:
- Còn chút ít so sánh.
Sư hỏi:
- Mã Đại sư thì như thế, chưa biết ở đây Hòa thượng dạy thế nào?
Quốc sư nói:
Tam điểm như lưu thủy,
Khúc tự ngải hòa liêm.
Dịch:
Ba điểm như nước chảy,
Cong tợ liềm cắt lúa.
*
* *
Về sau Sư ẩn ở núi Phục Ngưu. Một hôm Sư dạy chúng:
- Tức tâm tức Phật, là câu không bệnh cầu bệnh; phi tâm phi Phật , là câu thuốc bệnh đối trị nhau.
Tăng hỏi:
- Thế nào là câu tiêu dao tự tại?
Sư đáp:
- Xưa nay truyền dưới núi Phục Ngưu.
Về sau Sư thị hiện nhập diệt ở chùa Khai Nguyên, Tùy Châu. Thọ 81 tuổi.
9. THIỀN SƯ BẢO TÍCH BÀN SƠN, U CHÂU.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đạo?
Sư đáp:
- Xuất.
Tăng thưa:
- Học nhân chưa lãnh hội ý chỉ.
Sư nói:
- Khứ.
*
* *
Sư thượng đường dạy chúng:
Nếu tâm vô sự thì muôn hình tượng bất sanh. Nơi ý máy huyền dứt tuyệt thì mảy trần sao lập?
Đạo vốn không hình thể, nhân đạo mà lập danh; đạo vốn vô danh, nhân danh mà lập được tên hiệu. Nếu nói tức tâm tức Phật, hiện thời chưa nhập huyền vi; nếu nói phi tâm phi Phật, là chỉ cái cực tắc còn lần theo dấu vết. Nhất lộ hướng thượng mà ngàn thánh chẳng truyền, học giả tìm hình như vượn bắt bóng; trong cái không của đại đạo còn có gì để trước sau? Trường không dứt tuyệt bờ mé cần gì để đo lường? Cái rỗng không đã như thế, lại nói gì về đạo?
Phàm tâm nguyệt cô đơn tròn sáng, bao hàm vạn tượng, ánh sáng chẳng chiếu cảnh mà cảnh cũng chẳng còn, sáng và cảnh cả hai đều mất thì lại là vật gì? Chư thiền đức, ví như ném kiếm lay động hư không, không luận đạt hay không đạt mà ở đây vầng không không vết kiếm và lưỡi kiếm không hao mòn. Tâm tâm nếu hay vô tri như thế thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là người, người với Phật không khác mới là đạo.
Chư thiền đức, nếu là người học đạo thì giống như đất đội hòn núi mà không biết núi trơ trọi và cao lớn, như đá ngậm ngọc mà không biết ngọc không có tì vết. Người như thế, gọi là xuất gia. Cho nên bậc Đạo sư nói “Pháp* vốn không trở ngại tướng, tam tế* cũng lại như vậy”. Người vô vi vô sự hãy còn cái nạn do cái xích bằng vàng,* sở dĩ nguồn linh riêng sáng, đạo tuyệt đối vô sanh. Đại trí không phải sáng, chơn không không dấu vết, chơn như phàm thánh đều là lời trong mộng, Phật cùng niết bàn đều là lời nói tăng thêm.
Chư thiền đức, phải tự xem lại, không ai thay thế mình, tam giới không pháp thì cầu tâm chỗ nào? Tứ đại vốn không thì Phật nương đâu mà trụ? Cái tuyền cơ bất động** vắng lặng vô ngôn, gặp mặt trình nhau, không còn việc chi khác.
Xin trân trọng.
Sư sắp thuận thế (tịch), bảo chúng:
- Có ai vẽ được chơn tướng ta không?
Chúng đều dâng trình hình vẽ chơn tướng Sư. Họ đều bị Sư đánh. Đệ tử Phổ Hóa bước ra, nói:
- Con vẽ được.
Sư hỏi:
- Sao chẳng trình lão tăng?
Phổ Hóa bèn nhào lộn ngược thân, rồi đi ra. Sư nói:
- Gã này về sau ắt sẽ ngông cuồng tiếp người.
Sư đã thình lình thiên hóa. Sắc ban thụy hiệu là Ngưng Tịch Đại Sư, tháp hiệu Chơn Tế.
10. THIỀN SƯ THÁI DỤC NÚI PHÙ DUNG, TÌ LĂNG.
Sư người Kim Lăng, họ Phạm. Năm 12 tuổi đến lễ thiền sư Huệ Trung, đời thứ 6 núi Ngưu Đầu, xin thế phát. Năm 23 tuổi thọ giới cụ túc tại chùa An Quốc, Kinh Triệu. Sau Sư gặp Đại Tịch thầm nhận ý Tổ.
Năm Đường Nguyên Hòa thứ 13 (818 - Đường Hiến Tông), Sư ở núi Phù Dung quận Nghĩa Hưng, Tì Lăng. Một hôm nhân Sư và Bàng Cư sĩ đi độ trai, lúc Cư sĩ nhận phần ăn, Sư nói:
- Sanh tâm nhận cúng dường, từ trước Ngài Tịnh Danh đã quở. Cách đây một đường cơ(*), Cư sĩ có đành lòng không?
Cư sĩ nói:
- Lúc đó Ngài Thiện Hiện (Tu bồ đề) đâu chẳng phải là tác gia?
Sư nói:
- Chẳng quan hệ đến chuyện ông ấy.
Cư sĩ nói:
- Đồ ăn tới bên miệng bị cái ấy đoạt mất.
Sư bèn ăn. Cư sĩ nói:
- Chẳng tiêu hóa nhất cú*.
Cư sĩ lại hỏi Sư:
- Chỗ Mã Đại sư thiết thực vì người, có phân phó cho thầy và tôi không?
Sư đáp:
- Tôi còn chưa thấy Mã Đại sư, làm gì biết chỗ thiết thực vì người của thầy ấy.
Cư sĩ nói:
- Chỉ là cái thấy biết đó thôi, cũng không có chỗ để dò xét.
Sư nói:
- Cư sĩ cũng nói năng về cái nhất không được.
Cư sĩ nói:
- Nói năng về cái nhất*, thầy lại để mất tông. Nếu phải hướng về cái hai cái ba, thầy có mở miệng được không?
Sư đáp:
- Thật dường như mở miệng không được để nói về cái thật.
Cư sĩ vỗ tay rồi đi ra.
Trong năm Bảo Lịch (825 – 827 – Đường Kính Tông), Sư về Tề Vân nhập diệt. Thọ 80 tuổi, tuổi lạp 58. Năm Thái Hòa thứ hai 828 (Đường Văn Tông), truy thụy hiệu Đại Bảo Thiền Sư, tháp tên Lăng Già.
11. THIỀN SƯ BẢO TRIỆT, NÚI MA CỐC, BỒ CHÂU.
Một hôm đang đi bộ với Mã Tổ, Sư hỏi:
- Thế nào là đại niết bàn?
Tổ nói:
- Gấp!
Sư hỏi:
- Gấp cái gì?
Tổ nói:
- Xem nước.
*
* *
Có lần Sư và Đơn Hà đi núi, thấy cá bơi trong nước. Sư đưa tay chỉ cá, Đơn Hà nói:
- Thiên nhiên, thiên nhiên.
Đến hôm sau Sư mới hỏi Đơn Hà.
- Hôm qua ý tứ ông ra sao?
Đơn Hà bèn buông thân, làm ra thế nằm. Sư nói:
- Trời xanh.
Sư cùng Đơn Hà đi đến núi Ma Cốc. Sư nói:
- Tôi vô ở trong đó.
Đơn Hà nói:
- Có ở thì từ đó còn trở lại. Có cái ấy, cũng là không.
Sư nói:
- Xin trân trọng.
*
* *
Có tăng hỏi:
- Con không nghi mười hai phần giáo, thế nào là ý Tổ sư từ Tây đến?
Sư bèn đứng dậy, cầm gậy quay quanh thân một vòng, rồi đứng một chân, hỏi:
- Hội chăng?
Tăng lặng yên, Sư đánh tăng.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư lặng thinh (Tăng ấy lại đến hỏi Thạch Sương “Ý của Sư đó như thế nào?” Thạch Sương nói “Chủ nhân ân cần đưa tay dìu dắt xà lê đang vướng mắc dây dưa”).
*
* *
Đam Nguyên hỏi:
- Quan Âm 12 mặt là phàm là thánh?
Sư đáp:
- Là thánh.
Đam Nguyên bèn tát Sư một cái. Sư nói:
- Biết ông chưa đến cảnh giới ấy.
12. THIỀN SƯ TỀ AN VIỆN HẢI XƯƠNG, TRẤN QUỐC DIÊM QUAN, HÀNG CHÂU.
Người quận Hải Môn, họ Lý. Lúc mới sanh có thần quang chiếu sáng nhà. Lại có vị tăng lạ nói với Sư:
- Người dựng lên cờ vô thắng, khiến cho mặt trời Phật hồi chiếu, đâu chẳng phải là ông ư?
Rồi Sư nương thiền sư Vân Tông tại quận nhà cạo đầu thọ giới cụ túc.
Về sau nghe danh Đại Tịch hành hóa ở núi Cung Công, Sư bèn chấn tích và được đào tạo ở đó. Sư có kỳ tướng, Ngài Đại Tịch trông qua rất thừa nhận là pháp khí lạ lùng, cho Sư nhập thất và thầm dạy chánh pháp.
*
* *
Tăng hỏi;
- Thế nào là bổn thân Phật Lô xá na?
Sư bảo:
- Mang cái tịnh bình đó lại cho ta.
Tăng liền mang cái tịnh bình đến Sư. Sư bảo:
- Mang để lại chỗ cũ.
Tăng ấy đem bình để lại chỗ cũ, xong lại hỏi như trước. Sư nói:
- Cổ Phật đã đi qua lâu rồi.
*
* *
Có tăng giảng kinh đến tham kiến. Sư hỏi:
- Tòa chủ tích chứa sự nghiệp gì?
Đáp:
- Giảng Kinh Hoa Nghiêm.
Sư hỏi:
- Có mấy thứ pháp giới?
Đáp:
- Nói rộng thì trùng trùng vô tận, nói lược có bốn thứ pháp giới.
Sư dựng cây phất tử lên, hỏi:
- Cái này là pháp giới thứ mấy?
Tòa chủ trầm ngâm từ từ suy nghĩ ra câu đáp. Sư nói:
- Nghĩ mà biết, suy mà hiểu là kế sống trong nhà quỷ, cái đèn côi (cô đăng) giữa ban ngày (đang sáng) quả nhiên mất chiếu.
(Bảo Phước nghe, nói “Nếu lễ bái thì ăn gậy của Hòa thượng”. Hòa Sơn thay nói “Con chẳng nhờ tới Hòa thượng, Hòa thượng chớ lấy làm lạ”. Pháp Nhãn thay: Vỗ tay ba cái).
Tăng hỏi Đại Mai:
- Thế nào là ý Tây lai?
Đại Mai đáp:
- Tây lai không có ý.
Sư nghe bèn nói:
- Một cái quan tài hai cái tử thi.
(Huyền Sa nói: “Diêm Quan là tác gia”)
*
* *
Sư gọi thị giả, bảo:
- Đem cái quạt tê ngưu( ) lại đây.
Thị giả thưa:
- Đã hư rồi.
Sư nói:
- Cái quạt hư, trả con tê ngưu lại cho ta.
Thị giả không đáp được.
(Đầu Tử thay, nói “Chẳng từ chối trình con tê ngưu, sợ cái sừng trên đầu không còn nguyên vẹn”. Bảo Phước thay, nói “Vẽ vòng tròn, thêm chữ ngưu ở tâm”. Thạch Sương thay, nói “Nếu trả Hòa thượng thì thành không rồi”. Bảo Phước nói “Hòa thượng tuổi cao đức trọng, không nên đòi hỏi người nhé”).
*
* *
Một hôm Sư bảo chúng:
- Hư không làm trống, núi Tu di làm dùi. Người nào đánh trống được?
Chúng không đáp được.
(Có người thuật với Nam Tuyền, Nam Tuyền nói “Vương Lão sư( ) không thèm đánh cái trống lủng đó”. Pháp Nhãn nói một mình “Vương Lão sư không đánh”).
*
* *
Thiền sư Pháp Không đến, xin hỏi về những nghĩa lý trong kinh. Mỗi thứ đều đáp xong, Sư lại nói:
- Từ lúc thiền sư đến tới giờ, bần đạo đều không làm chủ nhân được.
Pháp không nói:
- Mời Hòa thượng làm chủ nhân lại.
Sư nói:
- Hôm nay tối rồi, hãy về chỗ cũ nghỉ ngơi, ngày mai lại đến.
Pháp Không lui xuống.
Sáng sớm hôm sau Sư sai sa di đi mời thiền sư Pháp Không. Pháp Không đến, Sư nhìn sa di, bảo:
- Bậy, ông sa di này không biết chuyện. Ta bảo mời thiền sư Pháp Không, lại mời cái người giữ nhà đến!
Pháp Không không đáp được.
*
* *
Viện chủ Pháp Hân đến tham kiến.
Sư hỏi:
- Ông là ai?
Đáp:
- Pháp Hân.
Sư nói:
- Tôi không biết ông.
Pháp Hân không đáp được.
Về sau, Sư không bệnh ngồi an nhiên thị tịch. Vua sắc phong thụy hiệu là Ngộ Không Thiền Sư.
13. THIỀN SƯ LINH MẶC NÚI NGŨ DUỆ, VỤ CHÂU.
Người Tì Lăng, họ Tuyên. Ban đầu Sư đến yết kiến Mã Đại sư ở Dự Chương (huyện Nam Xương, Giang Tây), Mã Tổ tiếp nhận và nhân đó cạo tóc xuất gia, thọ giới cụ túc.
Sau Sư đến yết kiến Hòa thượng Hy Thiên ở Thạch Đầu, tự hứa trước “Nếu một lời khế hợp nhau thì ta ở, chẳng hợp liền đi”. Thạch Đầu biết Sư là pháp khí mới rủ lòng khai thị, Sư không lãnh hội ý chỉ, bèn cáo từ đi ra đến cửa. Thạch Đầu gọi:
- Xà lê!
Sư quay đầu nhìn lại, Thạch Đầu bảo:
- Từ lúc sanh ra cho đến già chỉ là người ấy, chớ nên cầu gì khác.
Ngay lời nói đó, Sư đại ngộ bèn đạp gãy trụ trượng. Dừng lại ở đây.
(Động Sơn nói “Vào lúc đó nếu chẳng phải là tiên sư Ngũ Duệ thì rất khó đảm đang. Tuy nhiên, còn trên đường trải nghiệm”.
Trường Khánh nói “Hiểm” (chưa biết, không dễ dàng).
Huyền Giác nói “Còn ở trên đường trải nghiệm cái ấy”. Có tăng hỏi: “Vì y ta tiến được vào trong con đường ba tấc*, sở dĩ (Động Sơn) nói đang trên đường?”. Huyền Giác đáp “Hoặc là tiến vào tự kỷ, hoặc là tiến được vào đường ba tấc. Nếu là tự kỷ thì tại sao thành ba tấc? Nếu là ba tấc thì tại sao ngộ? Hãy nói ý chỉ Động Sơn như thế nào? Chớ nói bừa bãi, hãy cẩn thận xem xét nhé!”).
Năm đầu Đường Trinh Nguyên 785, Sư vào núi Thiên Thai ở đạo tràng Bạch Sa, rồi lại đến ở Ngũ Duệ. Tăng hỏi:
- Vật gì lớn hơn trời đất?
Sư đáp:
- Không ai biết được y.
Tăng hỏi:
- Có thể nào chạm trổ được không?
Sư nói:
- Ông thử ra tay xem.
Tăng hỏi:
- Ở trong cái tông môn này, việc thủy chung như thế nào?
Sư hỏi:
- Ông nói, làm nên cái trước mắt được bao lâu?
Tăng thưa:
- Học nhân chẳng hội.
Sư nói:
- Trong đây ta không có gì để ông hỏi.
Tăng nói:
- Sao lại không có chỗ nào để Hòa thượng tiếp người?
Sư nói:
- Đợi ông cần tiếp ta liền tiếp.
Tăng nói:
- Lại xin Hòa thượng tiếp.
Sư hỏi:
- Ông thiếu thốn cái gì?
Hỏi:
- Làm sao được vô tâm?
Sư đáp:
- Biển nghiêng núi đổ an nhiên tĩnh,
Động đất ngủ yên há biện y.
Năm Nguyên Hòa thứ 13 (818 – Đường Hiến Tông), ngày 23 tháng 3 Sư tắm gội thắp hương, rồi ngồi ngay ngắn, bảo chúng:
Pháp thân viên tịch thị hiện đến đi,
Ngàn thánh đồng nguồn vạn linh quy nhất.
Nay ta bọt tan nào phải bi ai,
Khỏi tự lao thần nên gìn chánh niệm.
Nếu y mệnh này thật đáp ân ta,
Như cố trái lời chẳng đệ tử ta.
Bấy giờ có vị tăng hỏi:
- Hòa thượng đi đến đâu?
Sư đáp:
- Không chỗ đến.
Hỏi:
- Sao con chẳng thấy.
Sư đáp:
- Chẳng phải chỗ mắt thấy.
(Động Sơn nói “Tác gia”).
Nói xong Sư an nhiên thuận hóa.
Thọ 72 tuổi, tuổi lạp 41.
14. THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG NÚI ĐẠI MAI, MINH CHÂU.
Người Tương Dương, họ Trịnh. Tuổi nhỏ theo thầy xuất gia ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu.
Ban đầu, Sư tham kiến Đại Tịch, hỏi:
- Thế nào là Phật?
Đại Tịch đáp:
- Tức tâm là Phật.
Sư liền đại ngộ.
Những năm Đường Trinh Nguyên (785 – 805 – Đường Đức Tông), Sư ở núi Thiên Thai, 70 dặm về phía nam huyện Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang. Vườn mai mới thật là chỗ ẩn xưa.
Khi một vị tăng đang trong hội Diêm Quan (Pháp hội của thiền sư Tề An), vào núi tìm cây làm trụ trượng, lạc đường đến am của Sư. Tăng hỏi:
- Hòa thượng ở núi này được bao lâu rồi?
Sư đáp:
- Chỉ thấy núi non bốn bề xanh lại vàng.
Lại hỏi:
- Đường ra núi, đi theo lối nào?
Sư đáp:
- Xuôi theo dòng nước.
Tăng trở về thuật với Diêm Quan, Diêm Quan nói:
- Lúc ta ở Giang Tây từng thấy một vị tăng, từ đó không biết tin tức. Có lẽ là vị tăng này chăng?
Rồi sai vị tăng ấy đi mời Sư ra. Sư có bài kệ đáp:
Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm,
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm.
Tiều khách ngộ chi do bất cố,
Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm.
Dịch:
Cây khô gãy mục ẩn rừng thâm,
Mấy độ xuân về chẳng đổi tâm.
Tiều khách trông qua còn chẳng ngó,
Dĩnh nhân sao phải khổ đi tầm?
*
* *
Đại Tịch nghe Sư trụ núi, bèn sai một vị tăng đến hỏi:
- Hòa thượng gặp Mã Đại sư được cái gì mà ở núi nầy?
Sư đáp:
- Mã Đại sư nói với tôi “tức tâm là Phật”, tôi bèn đến ở chỗ nầy.
Tăng nói:
- Gần đây Phật pháp Mã Đại sư lại khác.
Sư hỏi:
- Khác làm sao?
Tăng đáp:
- Gần đây lại nói “phi tâm phi Phật” (chẳng phải tâm chẳng phải Phật).
Sư nói:
- Ông già đó làm mê loạn người chưa có ngày xong. Mặc kệ ổng “phi tâm phi Phật”, tôi chỉ biết “tức tâm là Phật”.
Tăng ấy trở về thuật lại với Mã Tổ. Tổ nói:
- Đại chúng! Quả mai đã chín.
(Tăng hỏi Hòa Sơn “Đại Mai nói như thế, ý ra sao?”. Hòa Sơn đáp “Đúng là sư tử con”).
*
* *
Từ đó học giả dần dần tìm đến, đạo phong của Sư càng nổi tiếng. Sư thượng đường dạy chúng:
Tất cả các ông, mỗi người tự xoay tâm lại cho tới gốc, chớ đuổi theo ngọn. Chỉ cần được gốc thì ngọn tự đến, muốn biết gốc thì phải rõ tâm mình vì tâm đó vốn là căn bản (gốc rễ) của tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt; tâm còn chẳng phụ thuộc tất cả pháp thien ác mà hay sanh muôn pháp, vốn tự như như.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư đáp:
- Hoa bồ, tơ liễu, gai tre, dây gai.
*
* *
Giáp Sơn và Định Sơn cùng đi đường và nói thoại với nhau. Định Sơn nói:
- Trong sanh tử, nếu không có Phật thì chẳng phải sanh tử.
Giáp Sơn nói:
- Trong sanh tử, nếu có Phật thì chẳng mê sanh tử.
Hai người lên núi tham lễ Sư. Giáp Sơn liền nêu lên hỏi Sư “Chỗ thấy của hai người, chưa biết chỗ nào thân hơn?”
Sư đáp:
-Một thân, một sơ.
Giáp Sơn hỏi:
- Cái nào thân?
Sư bảo:
- Hãy đi đi, ngày mai đến.
Hôm sau Giáp Sơn lại lên hỏi Sư. Sư nói:
- Người thân thì không hỏi, người hỏi thì không thân.
(Về sau Giáp Sơn trụ trì, tự nói “Lúc đó, ta mất một con mắt”).
*
* *
Một hôm bỗng nhiên Sư nói với đồ chúng:
- (Việc) đến không nên kiềm chế, (việc) qua rồi không nên theo tìm.
Sư an nhàn thư thái, lúc đó nghe tiếng chuột kêu. Sư nói:
- Tức sự vật này không phải sự vật khác, các người phải khéo giữ gìn đó. Nay ta đi vậy.
Nói xong Sư thị hiện nhập diệt. Thọ 88 tuổi, tuổi lạp 69.
*
* *
Bài tán Diên Thọ của Thiền sư Trí Giác:
Sư sơ đắc đạo,
Tức tâm thị Phật.
Tối hậu thị đồ,
Vật phi tha vật.
Cùng vạn pháp nguyên,
Triệt thiên thánh cốt,
Chơn hóa bất di,
Hà phương xuất một?
Dịch:
Sư mới được đạo,
Tức tâm là Phật.
Sau cùng dạy chúng,
Vật chẳng vật khác.
Tột nguồn muôn pháp,
Thấu xương ngàn thánh,
Thật hóa chẳng dời,
Ngại gì còn mất?
15. THIỀN SƯ DUY KHOAN CHÙA HƯNG THIỆN, KINH TRIỆU.
Người ở Tín An, Cù Châu, họ Chúc. Năm 13 tuổi thấy việc sát sinh, Sư đau xót không nỡ nào ăn thịt, rồi cầu xuất gia.
Ban đầu Sư thực tập tỳ ni (luật, oai nghi), tu chỉ quán. Sau tham kiến Đại Tịch được tâm yếu.
Năm Đường Trinh Nguyên thứ sáu 790, Sư bắt đầu đi du hành giáo hóa trong vùng giữa Ngô Việt. Năm 792 Sư đến núi Bà Dương, có thiên thần xin thọ tám giới.
Năm 797 Sư dừng ở chùa Thiếu Lâm, Tung Sơn. Tăng hỏi:
- Thế nào là đạo?
Sư đáp:
- Núi rất đẹp.
Tăng nói:
- Học nhân hỏi đạo, sao thầy nói núi đẹp?
Sư đáp:
- Ông chỉ biết núi đẹp, đâu từng đạt đạo?
*
* *
Tăng hỏi:
- Con chó có Phật tánh không?
Sư đáp:
- Có.
Tăng hỏi:
- Hòa thượng có không?
Sư đáp.
- Ta không có.
Tăng hỏi:
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng Hòa thượng lại không có?
Sư đáp:
- Ta chẳng phải tất cả chúng sanh.
Tăng hỏi:
- Đã chẳng phải chúng sanh thì là Phật chăng?
Sư đáp:
- Chẳng phải Phật.
Tăng hỏi:
- Rốt cuộc là vật gì?
Sư đáp:
- Cũng chẳng phải vật.
Tăng hỏi:
- Có thể thấy, có thể nghĩ được chăng?
Sư đáp:
- Nghĩ đến chẳng tới, bàn đến chẳng được. Cho nên nói không thể nghĩ bàn.
*
* *
Năm Nguyên Hòa thứ tư 809, vua Hiến Tông ban chiếu mời Sư đến cửa khuyết. Bạch Cư Dị thường đến thăm hỏi Sư. Bạch Cư Dị hỏi:
- Đã là thiền sư sao lại thuyết pháp?
Sư đáp:
- Vô thượng bồ đề trùm nơi thân là luật, nói ra miệng là pháp, hành nơi tâm là thiền. Ứng dụng thì có ba, tột cùng chúng chỉ là một. Ví như các sông Trường Giang, Hoàng Hà, sông Hoài, sông Hán tùy chỗ đặt tên, tên tuy không phải một mà tánh nước không hai. Luật tức là pháp, pháp chẳng lìa thiền, sao ở trong “cái một” mà vọng sanh phân biệt?
Lại hỏi:
- Đã không phân biệt làm sao tu tâm?
Sư đáp:
- Tâm vốn không tổn thương, tại sao phải tu sửa? Bất luận dơ hay sạch, tất cả đừng khởi niệm.
Lại hỏi:
- Dơ thì không nên niệm, sạch không niệm được sao?
Sư đáp:
- Như trên con ngươi mắt người, không được dính một vật gì. Mạt vàng tuy quý báu, dính mắt cũng thành bệnh.
Lại hỏi:
- Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu?
Sư đáp:
- Phàm phu thì vô minh, nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh đó gọi là chơn tu. Chơn tu đó, không được chăm chú, không được quên lãng; chăm chú thì gần như chấp trước, quên lãng thì rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu, thế thôi.
*
* *
Tăng hỏi:
- Đạo ở chỗ nào?
Sư đáp:
- Chỉ ở trước mắt.
Hỏi:
- Sao con không thấy?
Sư đáp:
- Vì ông có ngã nên không thấy.
Hỏi:
- Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy không?
Sư đáp:
- Có ông có ta đối đãi qua lại cũng chẳng thấy.
Hỏi:
- Không con không thầy lại thấy không?
Sư đáp:
- Không ông không ta có ai cầu thấy?
*
* *
Năm Nguyên Hòa thứ 12 (817), ngày 30 tháng 2, Sư thượng đường thuyết pháp xong liền tịch. Thọ 63 tuổi, tuổi lạp (hạ) 39. Đem về táng ở Tây Nguyên, Bá Lăng. Sắc ban thụy hiệu Đại Triệt Thiền Sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chơn.
16. THIỀN SƯ NHƯ HỘI ĐÔNG TỰ, HỒ NAM.
Người ở Khúc Giang, huyện Thủy Hưng (tỉnh Quảng Đông).
Lúc đầu yết kiến Kính Sơn, sau tham kiến Đại Tịch. Học đồ đã đông đúc, trong tăng đường giường chõng gãy vẹo, thời nhân gọi là Hội Giường Gãy.
Từ khi Mã Tổ tạ thế, Sư thường lo cho môn đồ lấy câu “Tức tâm tức Phật” bàn luận đọc thuộc lòng nhớ mãi không thôi. Vì thế Sư bảo:
- Phật trụ ở đâu mà nói tức tâm? Tâm như ông thợ vẽ mà nói tức Phật.
Rồi Sư dạy chúng: Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo. Kiếm rơi đã xa rồi, các ông mới khắc dấu trên thuyền.
Người đương thời gọi chùa Đông Tự là Thiền Quật (Căn cứ địa của thiền).
*
* *
Tướng quốc Thôi Công Quần bị đổi ra làm Quán sát sứ Hồ Nam, đến yết kiến Sư, hỏi:
- Thầy nhờ gì mà được?
Sư đáp:
- Thấy tánh được.
Sư mới vừa bệnh mắt. Công Quần ngạo:
- Đã nói thấy tánh, con mắt bệnh biết làm sao đây?
Sư nói:
- Thấy tánh không phải do mắt, con mắt bệnh có hại gì?
Công lễ tạ sám hối.
(Pháp Nhãn nói một mình “(Bệnh) là con mắt của tướng công”).
*
* *
Sư hỏi Nam Tuyền:
- Vừa rồi từ chỗ nào đến?
Đáp:
- Giang Tây.
Sư hỏi:
- Đem được chơn tướng Mã Đại sư đến không?
Tuyền đáp:
- Chỉ đây nầy.
Sư nói:
- Cái ở sau lưng đấy!
Nam Tuyền không đáp.
(Trường Khánh thay nói “Hầu như không gặp nhau”. Bảo Phước nói “Lúc đó Nam Tuyền cơ hồ không đến Hòa thượng”. Vân Cư Tích nói “Hai vị tôn giả hết sức nâng đỡ phía sau lưng. Cũng như Nam Tuyền thôi (không đáp) vì phải nâng đỡ trước mặt và nâng đỡ sau lưng”).
*
* *
Thôi tướng công vào chùa, thấy chim se sẻ phóng uế trên đầu tượng Phật, bèn hỏi Sư:
- Chim se sẻ có Phật tánh không?
Sư đáp:
- Có.
Thôi hỏi:
- Tại sao chúng nó lại phóng uế trên đầu tượng Phật?
Sư hỏi lại:
- Bọn chúng tại sao không phóng uế trên đầu con diều hâu?
*
* *
Ngưỡng Sơn đến tham vấn. Sư nói:
- Đã thấy nhau rồi, đâu cần lại lên đây.
Ngưỡng Sơn nói:
- Thấy nhau như thế, ai cũng đảm đương được chăng?
Sư trở về phương trượng, đóng cửa lại. Ngưỡng Sơn trở về thuật lại với Quy Sơn. Quy Sơn nói:
- Thầy Tịch, đó là tâm hành gì?
Ngưỡng Sơn nói:
- Nếu không như thế, sao biết được ông ấy.
*
* *
Lại có người hỏi Sư:
- Con định thỉnh Hòa thượng khai đường được không?
Sư đáp:
- Đem vật bọc tảng đá, đợi hơ nóng tảng đá mới được.
Người ấy lặng thinh.
(Dược Sơn thay nói “Tảng đá ấm rồi”).
Niên hiệu Đường Trường Khánh, năm quý mão 823, ngày 19 tháng 8, Sư quy tịch. Tuổi thọ 80. Sắc ban thụy hiệu Truyền Minh Đại Sư, tháp hiệu Vĩnh Tế.
17. THIỀN SƯ VÔ ĐẲNG NGẠC CHÂU.
Người ở Úy Thị, họ Lý. Ban đầu xuất gia ở núi Cung Công, Sư tham lễ Mã Đại sư thầm nhận tâm yếu. Sau trụ ở Độ Môn, Tùy Châu.
Đã có lần yết kiến châu mục Vương Thường Thị, Sư thối lui sắp ra cửa. Vương theo sau gọi Sư “Hòa thượng”, Sư quay đầu nhìn, Vương gõ cây cột ba cái, Sư đưa tay vẽ vòng tròn. Rồi mấy lần đưa đẩy Vương mà bỏ đi.
Về sau Sư trụ chùa Đại Tich, Vũ Xương. Một hôm đại chúng tham vấn bữa chiều. Thấy mọi người lên tới pháp đường, Sư trước nói “Không biết” với chúng, rồi bảo chúng:
- Đại chúng, âm thanh vừa rồi đi về đâu?
Một vị tăng đưa ngón tay lên. Sư nói “Trân trọng!”. Sáng hôm sau tăng ấy lên tham vấn, Sư bèn trở mình quay mặt vào vách mà nằm, giả vờ cất tiếng rên rỉ:
- Mấy ngày nay lão tăng không được khỏe. Đại đức có đem theo các vị thuốc nào, cho lão tăng một ít.
Tăng đưa tay vỗ cái tịnh bình, hỏi:
- Cái tịnh bình này từ đâu có được?
Sư nói:
- Cái tịnh bình này của lão tăng, cái của đại đức ở đâu?
Tăng nói:
- Cũng là cái của Hòa thượng, cũng là cái của con.
Năm Đường Thái Hòa thứ tư 830, tháng 10, Sư thị hiện nhập diệt. Thọ 82 tuổi.
18. THIỀN SƯ TRÍ THƯỜNG CHÙA QUY TÔNG, LÔ SƠN.
Sư thượng đường dạy chúng:
Cổ đức từ trước đâu phải là không có tri giải, các vị là bậc cao thượng chẳng giống bọn tầm thường. Người thời nay không thể tự lập thân, tự thành tựu mà luống uổng thời gian.
Các thầy ơi! Chớ lầm dùng tâm. Không ai thay thế các ông được, cũng không có chỗ cho các ông dụng tâm, chớ nên đến người khác mà tìm. Từ trước chỉ là sự hiểu biết nhờ vào người khác nên nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấu suốt, chỉ vì trước mắt có vật.
*
* *
Tăng hỏi:
- Thế nào là huyền chỉ?
Sư đáp:
- Không có người hay hội.
Tăng hỏi:
- Người hướng tới (huyền chỉ) thì thế nào?
Sư đáp:
- Có người hướng tới thì sai.
Tăng hỏi:
- Người không hướng tới thì thế nào?
Sư hỏi:
- Ai cầu huyền chỉ? Sư lại nói:
- Đi ! Không có chỗ cho ông dụng tâm.
Tăng hỏi:
- Há không có cửa phương tiện cho học nhân được vào?
Sư đáp:
- Sức diệu trí của Quan Âm hay cứu khổ thế gian.
Tăng hỏi;
- Thế nào là sức diệu trí của Quan Âm?
Sư gõ cái nắp đỉnh (vạc) ba cái, hỏi:
- Ông nghe chăng?
Tăng đáp:
- Nghe.
Sư hỏi:
- Sao ta chẳng nghe?
Tăng không đáp được. Sư cầm gậy đuổi tăng ấy ra.
*
* *
Sư từng cùng đi với Nam Tuyền, về sau bỗng một hôm từ biệt nhau. Trong lúc nấu nước pha trà, Nam Tuyền hỏi:
- Trước đây cùng sư huynh thương lượng ngữ cú, việc này việc kia đã biết rồi. Từ đây về sau, tình cờ có người hỏi việc rốt ráo thì làm sao?
Sư đáp:
- Cái am cao, một cái giường này là địa đại nhé( ).
Tuyền nói:
- Cái am cao tạm gác qua, hỏi việc rốt ráo thì làm sao?
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.156.91 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.