Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
NÓI RÕ PHẦN THỨ CHÍN CỦA 92 PHÁP ÐƠN ÐỀ.
71. GIỚI: NHẬN CÚNG DƯỜNG QUÁ GIỚI HẠN.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên; bấy giờ cư sĩ Ma Ha Nam thuộc chủng tộc Lê Xa định cung thỉnh chư Tăng về cúng dường thuốc. Nhóm sáu Tỉ kheo hay tin Ma Ha Nam định cung thỉnh chư Tăng về cúng dường thuốc [385c] nên muốn chọc phá để làm não lọan họ. Thế rồi, sáng sớm, nhóm sáu Tỉ kheo khoác y, vào xóm làng, đến thẳng gia đình đó, vái chào họ, rồi hỏi rằng:
- Tôi nghe nhà đàn việt định mời chư Tăng về nhà cúng dường thuốc, có thật thế chăng?
- Có thật như vậy. Nhưng tôn giả có cần thứ gì không?
- Cần thuốc.
- Thế thì cần loại thuốc gì?
- Cần chừng ấy sữa đông, chừng ấy dầu, chừng ấy mật, chừng ấy đường phèn, chừng ấy rễ thuốc, lá thuốc, hoa thuốc, trái thuốc v.v...
- Ngay hôm nay chưa đủ, đợi kiếm đủ con sẽ cúng dường.
- Ông phải chuẩn bị thuốc đầy đủ rồi mới mời chư Tăng chứ, cúng thuốc cho một Tỉ kheo cũng như cung cấp cho một con voi lớn. Nay tôi chỉ xin thuốc cho một người mà còn không đủ huống chi nhiều người. Ông chỉ cầu mong được tiếng khen, chứ không thật tâm cúng dường.
- Thưa tôn giả, dù cho kho của nhà vua cũng chưa đủ chừng ấy thuốc huống gì nhà con, khi nào tìm đủ con sẽ đem cúng.
- Cúng dường hay không cúng mặc ý ông.
Nói xong, nhóm sáu Tỉ kheo liền bỏ đi. Người đàn việt sau đó tìm đủ các món thuốc, liền đến bạch rằng: "Các thứ thuốc mà trước đây các thầy xin, nay con đã tìm đủ, các thầy hãy đến lấy". Các Tỉ kheo nghe xong, liền cười, nói rằng:
- Trước đây tôi chỉ nói chơi thôi chứ thực ra tôi không cần thuốc.
- Vì sao các thầy lại thử con như vậy? Những vật sở hữu trong nhà con, đối với Phật và các Tỉ kheo, con không tiếc thứ gì cả.
- Ông đàn việt nổi giận sao?
- Quả thật là nổi giận.
- Nếu ông tức giận thì tôi xin tạ lỗi.
- Con không nhận sự tạ lỗi, thầy hãy đến Phật mà sám hối.
Tỉ kheo liền đến Phật sám hối. Ðức Phật hỏi: "Vì cớ gì mà sám hối?". Họ bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn.
Phật khiển trách: "Này kẻ ngu si, gia đình Ma Ha Nam thuộc chủng tộc Ly xa, đối với Phật và các Tỉ kheo, họ không hề tiếc rẻ bất cứ một vật quí báu nào, vì sao lại quấy nhiễu ông ta? Từ nay về sau, Ta cho phép khi thí chủ mời riêng bốn tháng thì được nhận, ngoại trừ họ mời lại và mời lâu dài". Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- Nếu thí chủ mời cúng dường riêng bốn tháng thì Tỉ kheo được nhận, nhưng nếu nhận hơn bốn tháng thì phạm tội Ba dạ đề. Trừ trường hợp họ mời lại, mời lâu dài, và mời tùy ý."
Giải thích:
Bốn tháng: Hoặc bốn tháng mùa Hạ, bốn tháng mùa Ðông hay bốn tháng mùa Xuân.
Mời riêng: Mời đích danh cá nhân mình.
Hơn: Hơn bốn tháng.
Trừ trường hợp mời lại: Ðức Thế Tôn nói không có tội (nếu mình vẫn tiếp tục nhận cúng dường).
Mời (cúng dường) lâu dài: (Ðàn việt) mời cúng dường suốt đời.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu đàn việt nói với Tỉ kheo: "Xin tôn giả nhận sự cúng dường của con trong bốn tháng Hạ", mà Tỉ kheo nhận họ cúng dường cho đến quá ngày 16 tháng 8, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu như họ mời vào mùa Ðông, mùa Xuân thì cũng như vậy.
Ðàn việt mời các Tỉ kheo không [386a] nhất định, hoặc bốn tháng, một tháng, nửa tháng; nếu thời gian mời đã hết thì không được thọ nhận tiếp.
Nếu đàn việt nói: "Tôn giả thường ở đây thì con sẽ cúng dường thực phẩm lâu dài", mà Tỉ kheo rời khỏi nơi đó một đêm thì không được nhận thức ăn trở lại. Nhưng nếu đàn việt nói: "Vì sao tôn giả không đến nữa?", thì phải đáp: "Trước đây ông nói rằng nếu tôi ở thường xuyên tại đây thì ông cúng dường thực phẩm, nhưng tôi đã rời khỏi đây một đêm, nên không đến nữa".
Khi ấy, nếu đàn việt nói: "Rời khỏi hay không rời khỏi (không thành vấn đề), từ nay trở đi xin tôn giả cứ đến", thì được phép tiếp tục nhận cúng dường, không có tội.
Nếu đàn việt nói: "Xin tôn giả nhận sự cúng dường của con cho đến khi hết kho thóc này", thì khi nhận xong, Tỉ kheo phải thường thường hỏi người giữ kho xem kho thóc đã hết chưa. Nếu họ bảo rằng đã hết, thì không được nhận cúng dường tiếp nữa. Nhưng nếu đàn việt hỏi: "Vì sao tôn giả không đến nữa?", thì hãy đáp: "Trước kia tôi chỉ nhận mời ăn hết kho thóc này, nay kho thóc đã hết, nên tôi không đến nữa".
Bấy giờ, nếu đàn việt nói: "Tôi không chỉ nói một kho mà còn có nhiều kho khác, vậy từ nay về sau xin tôn giả cứ đến", thì tiếp tục nhận cúng dường nữa, không có tội.
Nếu đàn việt mời cúng dường sữa đông, mía thì cũng như vậy.
Nếu đàn việt nói: "Xin tôn giả nhận con mời cúng dường cho đến hết sữa của con bò cái này, thì sau khi nhận, phải thỉnh thoảng hỏi xem sữa con bò cái ấy đã hết chưa, nếu họ bảo đã hết thì không được nhận cúng dường tiếp. Nếu họ hỏi: "Vì sao tôn giả không đến nữa?", thì hãy đáp: "Trước đây tôi chỉ nhận mời cúng dường cho đến hết sữa của con bò cái này. Nay sữa nó đã hết, nên không đến nữa".
Bấy giờ, nếu đàn việt nói: "Tôi không phải chỉ có một con bò mà còn những con bò khác nữa, vậy, từ nay trở đi tôn giả cứ đến", thì tiếp tục nhận cúng dường không có tội.
Nếu đàn việt nói: "Xin tôn giả nhận sự cúng dường của con cho tới khi nào chàng rể của con còn ở tại đây", thì Tỉ kheo nên nhận. Nhưng khi chàng rể ra đi thì không được nhận cúng dường tiếp. Nếu đàn việt hỏi: "Vì sao tôn giả không đến nữa?"thì hãy đáp: "Trước kia tôi chỉ nhận sự cúng dường trong bao lâu chàng rể còn ở tại đây, nay anh ta đã đi, nên tôi không tới nữa".
Bấy giờ, nếu họ nói: "Xin thầy nhận sự cúng dường của con trở lại", thì khi ấy, nhận tiếp sự cúng dường, không có tội.
Nếu đàn việt nói: "Xin tôn giả nhận bữa cơm trước giờ ăn của con", thì không được đòi bữa ăn sau. Nếu họ mời bữa ăn sau thì không được đòi bữa ăn trước. Nếu họ mời dùng nước uống phi thời thì không được đòi thuốc và các thứ khác. Nếu họ xin cúng dường dầu thoa chân thì không được đòi nước uống phi thời. Nếu họ xin cúng dường thuốc thì nên đòi thuốc.
Nếu họ nói: "Con xin cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men suốt đời cho tôn giả", thì bấy giờ được tùy ý đòi những thứ ấy, không có tội. Thế nên nói (như trên). 72. GIỚI: CHỐNG CỰ LẠI SỰ KHUYÊN HỌC.
Khi Phật an trú tại nước Câu Diệm Di, nói rộng như trên, bấy giờ, các Tỉ kheo nói với Xiển Ðà:
- Trưởng lão phải học, đừng phạm năm thiên tội.
- Nay tôi không nghe lời các ông. Nếu tôi thấy những Trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu sâu sắc, thì tôi sẽ chất vấn họ; nếu họ có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ chấp hành.
Các Tỉ kheo bèn đem [386b] sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ kheo Xiển Ðà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi các việc trên:
- Ông có nói như thế thật không?
- Bạch Thế Tôn, có thật như vậy.
- Ðó là việc xấu. Ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện khen ngợi đức tùy thuận, chê trách sự trái nghịch hay sao? Vì sao ông lại bướng bỉnh tự thị? Ðó là điều phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại nước Câu diệm di phải tập họp lại tất cả, vì mười điều lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo nào được các Tỉ kheo khuyên bảo phải học, đừng phạm năm thiên tội mà đáp rằng: "Nay tôi không nghe lời các ông. Nếu thấy có những trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu sắc, thì tôi sẽ hỏi họ, nếu họ có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ chấp hành", thì phạm tội Ba dạ đề. Vì Tỉ kheo muốn được lợi ích trong chánh pháp thì phải học và phải hỏi han các Tỉ kheo khác".
Giải thích:
Năm thiên tội: 1/ Tội Ba la di; 2/ Tăng già bà thi sa; 3/ Ba dạ đề; 4/ Ba la đề đề xá ni; 5/ Việt tì ni.
Ðừng phạm: Khuyên bảo học mười hai việc sau đây: 1/ Bài tựa của giới kinh; 2/ Bốn Ba la di; 3/ Mười ba Tăng già bà thi sa; 4/ Hai pháp Bất định; 5/ Ba mươi Ni tát kỳ ba dạ đề; 6/ Chín mươi hai Ba dạ đề; 7/ Bốn Ba la đề đề xá ni; 8/ Chúng học pháp; 9/ Bảy pháp Diệt tránh; 10/ Pháp tùy thuận; (ở đây chỉ kể có mười thứ) phải học chớ có phạm. Nếu khi được người khác khuyên như thế mà đáp rằng: "Tôi không nghe lời ông. Nếu tôi thấy có trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu sắc, thì tôi sẽ hỏi han, nếu vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ chấp hành", thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu khi có người khác khuyên: "Trưởng lão, trong năm thiên tội Ba la di, tăng già bà thi sa, Ba dạ đề, Ba la đề đề xá ni, Việt tì ni, Trưởng lão phải học, chớ có phạm", mà đáp: "Tôi không nghe lời ông. Nếu tôi thấy có trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu rộng thì tôi sẽ hỏi han vị ấy, và khi vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ tuân hành", thì phạm tội Ba dạ đề.
Hoặc khi có người khuyên nên học bốn chúng (thiên) tội, ba chúng tội, hai chúng tội, một chúng tội, bốn Ba la di, chớ có phạm, mà đáp: "Tôi không nghe lời ông. Nếu tôi thấy có trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu rộng, thì tôi sẽ hỏi han vị ấy, và khi vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ chấp hành", thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu có người khuyên: "Trưởng lão, trong sáu pháp "tác xả"là yết ma chiết phục, yết ma không nói chuyện, yết ma khu xuất, [386c] yết ma phát hỉ, yết ma cử tội, yết ma biệt trú, trưởng lão nên học, chớ có phạm", mà đáp: "Tôi không nghe lời ông. Nếu tôi thấy có trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu rộng, thì tôi sẽ hỏi han vị ấy, và khi vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ tuân hành", thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu có người khuyên: "Trưởng lão, trong sáu pháp tác xả yết ma, Tăng đã làm pháp yết ma Chiết phục (đối với trưởng lão), vậy trưởng lão nên tỏ ra phục tùng, mềm mỏng, bỏ tính bướng bỉnh (cho đến pháp yết ma biệt trú cũng như vậy), trưởng lão phải học, chớ có phạm", mà đáp: "Tôi không nghe lời ông. Nếu tôi thấy có trưởng lão nào các căn tịch tịnh, nghe nhiều, giữ giới, hiểu biết sâu rộng thì tôi sẽ hỏi vị ấy, và khi vị ấy có chỉ bảo điều gì thì tôi sẽ tuân hành", thì phạm Ba dạ đề.
Nếu có người khuyên: "Trưởng lão, phải học, hiền thiện, giữ giới, đọc tụng kinh pháp thì sẽ được đạo quả Tu đà hoàn, tư đà hàm, A na hàm, A la hán", thì không được đáp theo lối thông thường rằng: "Tôi sẽ học", mà nên đáp: "Tôi vì lẽ đó nên mới xuất gia". Thế nên nói (như trên). 73. GIỚI: UỐNG CÁC THỨ RƯỢU.
Khi Phật an trú tại nước Câu Diệm Di, nói rộng như trên. Bấy giờ, tại Câu Diệm Di có con rồng dữ tên Am Bà La có thể làm cho trời hạn không mưa, khiến lúa thóc thất thu, nhân dân đói khổ, chịu đủ thứ tai ương. Lúc ấy, tôn giả Thiện Lai bèn đến đó hàng phục con rồng dữ, như trong Kinh Thiện Lai Tỉ kheo đã nói rõ. Khi đã hàng phục được con rồng dữ thì đất nước trở lại phong thịnh, nhân dân cảm ân đức của thầy nên muốn báo đáp. Bấy giờ, có năm trăm nhà hào phú vì Tỉ kheo Thiện Lai mà thiết lập chỗ cúng dường thường xuyên, treo cờ xí, đặt giường ghế, mời chư Tăng cúng dường, và mời riêng Tỉ kheo Thiện Lai về nhà cúng dường các thứ mỹ thực. Lúc ấy có một nhà sau khi cúng dường thức ăn bèn đem rượu có màu sắc như nước lã ra cúng dường Thiện Lai. Nhân khát nước nên thầy uống thứ rượu đó, rồi trở về tịnh xá. Bấy giờ, nhằm ngày đại hội, Thế Tôn đang thuyết pháp, thì Thiện Lai bị hơi men chếch choáng, hôn mê, nằm dang chân sóng xoải trên đất, trước mặt Thế Tôn. Phật biết nhưng vẫn hỏi các Tỉ kheo:
- Tỉ kheo nào mà nằm dang chân trước mặt Như Lai như thế?
- Bạch Thế Tôn, vì Tỉ kheo Thiện Lai uống quá nhiều rượu nên bị say nằm như thế đó.
- Tỉ kheo Thiện Lai này trước đây có bao giờ ngủ ban ngày không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Tỉ kheo Thiện Lai khi chưa say rượu có bao giờ nằm xoải chân trước mặt Phật không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Khi uống nhiều rượu mà muốn đừng say có được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Giả sử Tỉ kheo Thiện Lai không uống rượu thì khi nghe pháp vi diệu, bất tử [387a] có muốn bị mất lợi ích, không chịu nghe pháp không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Tỉ kheo Thiện Lai này vốn từng hàng phục rồng dữ, nay có thể hàng phục nổi con ểnh ương không?
- Thưa không thể hàng phục, bạch Thế Tôn.
- Giá mà rồng Am bà la nghe được chuyện này ắt sẽ không vui. Từ nay về sau Ta không cho phép Tỉ kheo uống rượu.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Na Di Sí uống rượu đường phèn quá nhiều rồi trở về tịnh xá, thì gặp lúc đại hội, Thế Tôn đang thuyết pháp, nhưng vì bị hơi men chếch choáng nên Na Di Sí hôn mê bất tỉnh, nằm dang chân sóng xoải trước Thế Tôn. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:
- Tỉ kheo nào mà nằm xoải chân trước Như Lai như vậy?
- Bạch Thế Tôn, đó là Tỉ kheo Na Di Sí, vì uống quá nhiều rượu đường phèn nên nằm say khước như thế đó.
- Tỉ kheo Na Di Sí trước đây có bao giờ nằm ngủ ban ngày không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Tỉ kheo Na Di Sí trước khi say rượu có từng nằm xoải chân trước Phật không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Nếu uống nhiều rượu mà muốn cho không say có được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Nếu Tỉ kheo Na Di Sí không uống rượu thì khi nghe thuyết pháp vi diệu, bất tử, có thể để mất cơ hội lợi ích mà không chịu nghe pháp không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Từ nay về sau, Ta không cho phép các Tỉ kheo uống rượu đường phèn.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ kheo uống rượu đường phèn thì phạm tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Rượu: Gồm có mười loại, là: Hòa, điềm, thành, động, tạc, tí, hoàng, tiết, điến, thanh.
1. Hòa: Dùng cơm tấm, bún nát trộn với nước rồi đựng vào trong thạp, thì dù một giọt nhỏ như đầu ngọn cỏ hay đầu sợi tóc cũng không được thấm vào miệng, huống gì dùng ly để uống. Nếu uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là hòa.
2. Ðiềm: Gây rượu vừa biến thành vị ngọt rồi uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là điềm.
3. Thành: Khi chất rượu đã thành khí vị mà uống, thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là thành.
4. Ðộng: Khi hơi nồng của rượu đã biến hoại mà uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là động.
5. Tạc: Vị rượu đã biến hoại trở thành chua mà đem uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là tạc.
6. Tí: Ðem tấm lụa trắng giặt sạch rồi ngâm vào trong rượu, thỉnh thoảng lấy ra phơi nắng, rồi ngâm trở lại, dành khi đi đến những nơi hoang dã, đem vắt lấy nước mà uống, thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là tí.
7. Hoàng: Rượu thành màu vàng trong chưa biến thành xanh, đem uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là hoàng.
8. Tiết: Bã rượu. (trong nguyên bản không giải thích).
9. Ðiến: Cặn đục [387b] dưới đáy thùng rượu, nếu uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là Ðiến.
10. Thanh: Rượu ở trên mặt thùng có màu trong xanh như dầu, thì dù một giọt nhỏ như đầu ngọn cỏ hay đầu sợi tóc cũng không được thấm vào miệng, huống gì dùng ly để uống. Nếu uống thì phạm tội Ba dạ đề. Ðó gọi là thanh.
Rượu đường phèn: Gồm có mười loại, là: Hòa, điềm, thành, động, tạc, tí, hoàng, tiết, điến, thanh.
Hòa: Ðường phèn trộn với nước của mầm cây rồi đem ngâm trong thùng thì dù chỉ một giọt nhỏ như đầu cộng cỏ hay đầu sợi tóc cũng không được thấm vào miệng, huống gì dùng ly để uống. Nếu uống thì phạm Ba dạ đề.
Còn chín loại sau như trên đã nói.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
* Ngoài ra còn có các loại: Miến mạch nhân sâm, mễ phạn sâm, mạch phạn sâm, mộc mạch sâm, xiểu sâm.
1. Miến mạch nhân sâm: Bột lúa mạch trộn với nước mầm cây đem ngâm vào trong thùng, loại này dù một giọt nhỏ như cộng cỏ hay đầu sợi tóc cũng không được thấm vào miệng, huống gì dùng ly để uống. Nếu uống thì phạm tội Ba dạ đề.
2. Mễ phạn sâm: Gạo trộn với nước mầm cây đem ngâm vào trong thùng, nếu uống loại này thì phạm tội Ba dạ đề.
3. Mạch phạn sâm: Dùng gai lúa mạch trộn với nước mầm cây ngâm vào trong hũ mà uống, thì phạm tội Ba dạ đề.
4. Mộc mạch sâm: Dùng cây lúa mạch trộn với nước mầm cây đem ngâm vào trong hũ rồi uống thì phạm tội Ba dạ đề.
5. Xiểu sâm: Gạo lúa mạch đem rang rồi ngâm vào trong hũ cho lên men, thì dù một giọt nhỏ như đầu ngọn cỏ hay đầu sợi tóc cũng không được thấm vào miệng, huống gì dùng ly để uống. Nếu uống thì phạm tội Ba dạ đề.
Sau bữa ăn, uống nước Xiểu sâm thì không có tội. Nếu ăn men rượu thì phạm tội Việt tì ni. Nếu dùng men rượu trộn với cơm mà ăn thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu ăn đường phèn rồi uống nước thì không có tội. Nếu ăn bã rượu thì phạm tội Việt tì ni. Nếu hợp ba loại (trên) mà uống thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu uống rượu ngũ cốc, rượu đường phèn thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu uống rượu nho thì phạm tội Việt tì ni. Nếu uống nước tu lâu, nan đề hay ăn xác của nó đều phạm tội Việt tì ni. Nếu ăn quả Khư la, Ca tỉ đa, tỉ la bà, Câu đà la thì phạm tội Việt tì ni, vì chúng làm cho người ăn bị say.
Trừ mười bốn loại nước trái cây ép như nước ép trái am bà la cho đến nước ép trái da bà, được phép lọc cho trong rồi uống. Nhưng nếu chúng biến thành màu rượu, vị rượu, mùi rượu thì tất cả đều không được phép uống. Vì uống nước trái cây lên men làm cho người uống bị say, do đó không được phép uống. Ngoại trừ uống rượu mía đắng, rượu nho đắng và nước ép trái cây. Thế nên nói (như trên). 74. GIỚI: KHINH THƯỜNG NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật an trú tại nước Câu Diệm Di, nói rộng như trên. Bấy giờ Tăng đang hòa hợp định làm yết ma, thì Xiển Ðà không đến. Tăng bèn sai sứ giả tới gọi Tỉ kheo Xiển Ðà rằng Tăng đang hòa hợp định làm yết ma, trưởng lão hãy đến, nhưng Xiển Ðà không chịu đến.
Các Tỉ kheo liền bàn nhau: "Xiển Ðà rất ương bướng, nếu gọi đến chắc là ông không đến, trái lại, nếu bảo đừng đến có khi ông lại đến", bàn xong, bèn sai sứ giả đến bảo: "Trưởng lão đừng đến".
Thế là Xiển Ðà nói: "Thôi, Thôi đi, [387c] tất cả các thầy đều đến bảo tôi đừng đến".
Nói xong, Xiển Ðà liền đến, vào giữa chúng Tăng. Các Tỉ kheo bảo Xiển Ðà ngồi, nhưng thầy không ngồi. Các Tỉ kheo lại nói:
- Trưởng lão đừng ngồi.
Xiển Ðà liền nói: "Các thầy đều ngồi cả vì sao bảo tôi đừng ngồi", bèn ngồi xuống.
Các Tỉ kheo lại nói: "Trưởng lão, thầy nên bàn về vấn đề này".
- Tôi không nói.
- Trưởng lão đừng nói.
- Các thầy đều nói, tại sao bảo tôi đừng nói?
Rồi thầy nói mãi không ngừng làm trở ngại những người khác. Các Tỉ kheo lại bảo: "Trưởng lão nên đi ra ngoài một lát"; nhưng thầy không chịu đi.
Các Tỉ kheo lại nói: "Trưởng lão chớ có đi", thì thầy bèn bỏ đi. Do thế, Tăng không hòa hợp, ai nấy đều đứng dậy bỏ đi, khiến Tăng không làm yết ma được. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Tỉ kheo Xiển Ðà đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn hỏi lại các việc trên:
- Ông có những việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó là việc ác. Này Xiển Ðà, ông không từng nghe Ta dùng vô lượng nhưng tiện ca ngợi hạnh tùy thuận, ăn nói nhỏ nhẹ, chê trách tính ương bướng hay sao? Vì sao ông lại tỏ ra ương bướng tự thị? Ðó là việc phi pháp, phi luật chẳng phải điều ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Câu diệm di phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo khinh thường người khác thì phạm tội Ba dạ đề".
Giải thích:
Khinh thường người khác: Gồm có tám trường hợp: bảo đến mà không đến; bảo đừng đến lại đến; bảo ngồi mà không ngồi; bảo đừng ngồi lại ngồi; bảo nói mà không nói; bảo đừng nói lại nói; bảo đi mà không đi; bảo đừng đi lại đi, thì phạm tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo Tăng tập họp định làm các pháp yết ma như yết ma Chiết phục, không nói, tẫn xuất, phát hỉ, cử tội, biệt trú, thì tất cả đều phải đến. Nếu coi thường người khác không thèm đến thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu Tỉ kheo đang vá y, xông bát, hoặc vì lý do đau ốm không đến được, nên gởi dục, thì không có tội.
Nếu bảo đừng đến, mà coi thường cứ đến, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu trong tăng có việc, cần gặp, xin Tăng, Tăng cho phép, thì đến không có tội.
Nếu có người bảo: "Trưởng lão hãy ngồi", nhưng khinh thường không ngồi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu chỗ ngồi có máu mủ, xin Tăng cho phép, rồi không ngồi, thì không có tội.
Nếu có người bảo: "Trưởng lão chớ ngồi", mà khinh thường người ấy, cứ ngồi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu vì già yếu bệnh hoạn, đứng lâu mỏi mệt, xin phép Tăng, Tăng cho phép, rồi ngồi, thì không có tội.
Nếu có người bảo: "Trưởng lão hãy nói", mà khinh thường người ấy không nói, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu vì tài hèn, lời nói vụng về, khiến người ta không kính phục, giả sử có nói thì pháp yết ma cũng không thành tựu, Tăng cũng không hòa hợp, bèn xin Tăng, Tăng cho phép, rồi không nói, thì không có tội.
Nếu có người bảo đừng nói, mà khinh thường người ấy, cứ nói, [388a] thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu suy nghĩ: "Giả sử ta không nói thì việc yết ma không thành, Tăng không hòa hợp, việc này ta phải nói", rồi xin Tăng, Tăng cho phép nói, thì không có tội.
Nếu có người bảo đi mà khinh thường người ấy, không đi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu suy nghĩ: "Nếu ta ra đi thì việc yết ma ở đây không thành, sự việc không giải quyết được", bèn xin tăng, được tăng cho phép, rồi không đi, thì không có tội.
Nếu có người bảo đừng đi mà khinh thường người ấy nên cứ đi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu suy nghĩ: "Nếu ta không đi thì yết ma không thành, sự việc không giải quyết được", bèn xin phép Tăng, được Tăng cho phép, rồi ra đi thì không có tội.
Nếu Tăng bảo đến mà không đến, bảo đừng đến lại đến, bảo ngồi mà không ngồi, bảo đừng ngồi lại ngồi, bảo nói mà không nói, bảo đừng nói lại cứ nói, bảo đi mà không đi, bảo đừng đi lại cứ đi, thì mỗi sự vi phạm, phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu trong nhóm nhiều người hoặc trong phạm vi thầy trò, bảo đến mà không đến, cho đến bảo đi mà không đi, thì mỗi sự vi phạm, phạm một tội Việt tì ni.
Nếu Hòa thượng, thầy giáo thọ bảo đến mà không đến, cho đến bảo đi mà không đi, thì cứ mỗi sự vi phạm, phạm một tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên). 75. GIỚI: NGHE LÉN SỰ TRANH CÃI.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên; bấy giờ, các Tỉ kheo xung đột nhau, cùng sống chung một chỗ mà bất hòa. Lúc ấy, nhóm sáu Tỉ kheo đứng ở chỗ khuất lén nghe những người này nói, rồi đem nói với những người kia, nghe những người kia nói rồi đem nói với những người này, khiến cho hai bên xích mích nhau, nên cùng sống chung một trú xứ mà bất hòa. Họ cãi nhau nào là đúng pháp, phi pháp, đúng luật, phi luật, cho đến việc ấy nên làm yết ma, việc ấy không nên làm yết ma. Các Tỉ kheo liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi nhóm sáu Tỉ kheo đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi về sự việc trên:
- Các ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó là việc ác, phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu khi các Tỉ kheo tranh tụng nhau mà một Tỉ kheo đứng im lặng lắng nghe, với suy nghĩ: "Họ có nói điều gì thì ta phải ghi nhớ"(chỉ vì mục đích đó chứ không có gì khác), thì phạm tội Ba dạ đề".
Giải thích:
Tranh tụng: Như nói: Việc đó đúng pháp, phi pháp, đúng luật, phi luật, cho đến việc đó nên làm yết ma, việc đó không nên làm yết ma.
Ðứng nghe: Hoặc đứng cách bức tường, cách hàng rào, đứng ngoài cửa, cách bức màn, cách tảng đá, cách đám cỏ v.v... lắng nghe với suy nghĩ: "Họ có nói điều gì thì ta phải ghi nhớ"(chỉ vì mục đích mách lẻo chứ không có gì khác), thì phạm tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
[388b] Khi hai Tỉ kheo đang nói chuyện riêng ở trong phòng mà một Tỉ kheo khác muốn đi vào thì phải khảy ngón tay, dậm chân có tiếng động, nếu người trong phòng bỗng dưng im lặng, thì nên trở lui. Nếu người trong phòng vẫn nói không ngừng thì đi vào không có tội.
Khi một Tỉ kheo đang ngồi trong phòng mà có hai Tỉ kheo vừa nói chuyện riêng vừa từ ngoài đi vào thì vị Tỉ kheo ngồi trong phòng không được im lặng mà phải khảy ngón tay, dậm chân cho có tiếng động. Nếu hai người kia im lặng thì tự mình phải đi ra khỏi phòng.
Nếu Tỉ kheo đấu tranh với những Tỉ kheo khác gây nên thù hận, bèn nói rằng: "Người này đã mắng chửi ta, ta phải giết kẻ ác này, rồi bỏ đi, thì vị Tỉ kheo nghe được điều này, phải đến nói với người kia: "Trưởng lão nên khéo léo đề phòng. Tôi nghe có những lời tiếng không hay, hoặc có những Tỉ kheo khách đến tại giảng đường, phòng sưởi, phòng ngồi thiền, hoặc thầy quản chúng, thầy tri sự sẽ đến thăm đó."
Khi khách Tỉ kheo nghe khách Tỉ kheo nói như sau: "Trưởng lão, chúng ta hãy lấy trộm đồ trong kho nọ, vật trong tháp kia, thức ăn trong nhà bếp của Tăng, y bát của Tỉ kheo đó", thì phải im lặng trở về lại giữa chúng Tăng thông báo cho mọi người biết rằng: "Này các đại đức, đồ trong kho nọ, vật nơi tháp kia, thức ăn trong nhà bếp đó, y bát của Tỉ kheo ấy cần phải phòng bị, vì tôi nghe có kẻ muốn lấy cắp".
Nếu Tỉ kheo có nhiều đệ tử thì buổi tối nên đi thăm dò các phòng xem họ có sinh họat đúng pháp không. Nếu nghe họ bàn luận về các câu chuyện như chuyện thế tục, chuyện của vua chúa, chuyện trộm cướp v.v.., thì không nên vào phòng ngay lúc ấy quở trách họ mà phải đợi khi họ đến phòng mình rồi mới dạy bảo như sau: "Các ông vì lòng tin xuất gia, ăn đồ do thí chủ cúng dường, phải ngồi thiền, tụng kinh, vì sao lại bàn luận những chuyện thế tục phi pháp như vậy? Ðó chẳng phải là những việc tùy thuận tốt lành của người xuất gia".
Nếu nghe họ bàn luận kinh điển, đối đáp nghĩa lý, thì không nên vào phòng khen ngợi ngay lúc ấy mà phải đợi họ đến phòng mình rồi mới khen ngợi rằng: "Các ông có thể luận bàn Kinh điển, giảng giải Phật pháp, như đức Thế Tôn dạy: Khi Tỉ kheo hội họp thì nên làm hai việc, một là im lặng như hiền thánh, hai là giảng luận Phật pháp".
Khi các Tỉ kheo đi vào xóm làng vừa đi vừa nói chuyện, thì vị Tỉ kheo đi sau đến nơi, không được im lặng mà phải đằng hắng, dậm chân cho có tiếng, nếu những người đi trước cứ tiếp tục nói, thì mình đi tới không có tội.
Khi vị Tỉ kheo đang đi trước mà có các Tỉ kheo đi sau, vừa đi vừa nói chuyện đến nơi, thì Tỉ kheo đi trước không được im lặng, mà phải đằng hắng, dậm chân cho có tiếng động (để những người đi sau biết). Khi Tỉ kheo đi nhiễu tháp, hoặc sau bữa ăn đi vào trong rừng ngồi thiền thì cũng làm như vậy. Thế nên nói (như trên). 76. GIỚI: LẴNG LẶNG BỎ CUỘC HỌP MÀ ÐI.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma cử tội đệ tử đồng hành và đệ tử y chỉ của Ưu Ba Nan Ðà. [388c] Ưu Ba Nan Ðà nghe chúng Tăng định làm yết ma cử tội đệ tử mình, liền đứng dậy bỏ đi. Sau đó, các Tỉ kheo thấy có chỗ ngồi bỏ trống, liền điểm danh xem ai đến, ai không đến, thì mới hay chỗ trống đó là của Ưu Ba Nan Ðà. Do vậy, Tăng sinh bất hòa, ai nấy đều đứng dậy bỏ đi, không thể làm yết ma. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi thầy đến, Phật liền hỏi vấn đề vừa rồi:
- Ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Ðó là việc ác. Vì sao trong lúc Tăng định giải quyết sự việc, ông im lặng đứng dậy bỏ đi mà không thưa với các Tỉ kheo? Ðó là việc phi pháp, phi luật, trái lời ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tâïp họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tăng định giải quyết sự việc, mà Tỉ kheo im lặng đứng dậy bỏ đi, không bạch với các Tỉ kheo, thì phạm tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Tăng định giải quyết sự việc: Có hai trường hợp: Một là thuyết pháp, tụng luật; hai là làm yết ma chiết phục, cho đến yết ma biệt trú.
Im lặng đứng dậy bỏ đi: Ðứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, ra đi.
Không bạch: Nếu bạch không đúng lúc để vào xóm làng thì không được gọi là bạch. Hoặc bạch để đến tịnh xá của Ni giáo giới, cũng không được gọi là bạch. Hoặc bạch để rời chỗ ngồi ăn cũng không được gọi là bạch.
Khi Tăng tập họp thuyết pháp, tụng luật, thì nên bạch rằng: "Con xin rời giảng đường, ra đi". Tăng đáp: "Ðược". Nếu Tăng tập họp để làm yết ma chiết phục, cho đến yết ma biệt trú, thì phải vừa bạch vừa gởi dục với Tỉ kheo. Nếu ở giữa chúng Tăng, không bạch mà đi, thì phạm tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Khi Tăng tập họp định làm yết ma chiết phục, cho đến yết ma biệt trú mà Tỉ kheo muốn ra đi, thì phải bạch và gởi dục rồi mới đi; nếu không bạch mà chỉ gởi dục thì phạm tội Ba dạ đề; nếu bạch mà không gởi dục thì phạm tội Việt tì ni; nếu không bạch, không gởi dục, thì phạm một tội Ba dạ đề, một tội Việt tì ni; nếu vừa bạch vừa gởi dục thì không có tội. Nếu chỉ đi đại tiểu tiện trong chốc lát, rồi trở vào không bỏ dở việc của Tăng, thì không có tội. Nếu suy nghĩ: "Có thể ta trở lại trễ", thì nên bạch và gởi dục (rồi mới đi).
Nếu Tăng đang thuyết pháp, tụng luật, thì phải bạch rồi mới đi. Nếu không bạch mà đi, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu Tỉ kheo đang nghe nhiều Tỉ kheo tụng kinh thì phải bạch rồi mới đi. Nếu không bạch mà đi thì phạm tội Việt tì ni. Nếu người tụng kinh ngừng tụng mà nói sang việc khác, thì ra đi không có tội.
Nếu Tỉ kheo nghe Tỉ kheo khác đang đọc kinh, thì nên bạch rồi mới đi. Nếu không bạch mà đi, thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu Tỉ kheo nghe Tỉ kheo khác đang tụng kinh thì phải bạch [389a] rồi mới đi. Nếu không bạch mà đi thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên). 77. GIỚI: VÀO LÀNG MÀ KHÔNG BÁO NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, các Tỉ kheo ở nơi hoang vắng (a luyện nhã) phi thời đi vào xóm làng, bị người đời chê trách rằng: "Vì sao Sa môn Thích tử ở nơi hoang vắng mà đi vào xóm làng lúc phi thời, muốn tìm thứ gì vậy?".
Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn, Phật liền bảo gọi Tỉ kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn hỏi lại sự việc kể trên:
- Ông có làm việc đó thật không?
- Có thật như vậy bạch Thế Tôn.
- Vì sao ông ở nơi hoang vắng mà lại đi vào xóm làng lúc phi thời, đến nỗi bị người đời chê trách? Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ kheo ở nơi hoang vắng đi vào xóm làng lúc phi thời mà không thưa với Tỉ kheo khác.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có hai Tỉ kheo sống tại nơi hoang vắng. Một Tỉ kheo đang tô phòng thì bị rắn cắn, liền nói với bạn: "Trưởng lão, tôi bị rắn cắn".
Người ấy đáp: "Ðợi tôi mặc y Tăng già lê rồi sẽ đi đến gọi y sĩ Kỳ vực". Nhưng trong lúc thầy lấy y thì người kia bị tắt tiếng, và khi lấy y xong thầy thưa: "Thưa Trưởng lão, tôi đi vào xóm làng lúc phi thời đây".
Lúc ấy, vị Tỉ kheo kia không thể đáp được, thầy phải thưa đến ba lần rằng: "Thưa Trưởng lão, tôi vào xóm làng lúc phi thời". Thế nhưng, người kia vẫn không nói được. Thầy bèn suy nghĩ: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ kheo ở nơi hoang vắng đi vào xóm làng lúc phi thời mà không thưa với Tỉ kheo khác. Ta đành phải chờ xem hạnh nghiệp của Thầy ấy như thế nào thôi". Thế là vị Tỉ kheo kia liền mệnh chung. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi vị Tỉ kheo ấy đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi rõ sự tình vừa rồi:
- Ông có xử sự như vậy thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
Phật liền nói với các Tỉ kheo: "Ông ấy nếu dùng từ tâm gọi tên bốn đại Long vương thì không đến nỗi phải chết. Bốn đại Long vương đó là: Trì Quốc Long Vương,Y La Quốc Long Vương, Thiện tử Long Vương và Hắc Bạch Long vương. Nên nói rằng: "Ta có lòng từ đối với chúng sanh không có chân.Ta có lòng từ đối với chúng sanh hai chân. Ta có lòng từ đối với chúng sanh bốn chân. Ta có lòng từ đối với chúng sanh nhiều chân. Chớ có làm hại những chúng sanh hai chân của ta. Chớ có làm hại những chúng sanh bốn chân của Ta. Chớ có làm hại những chúng sanh nhiều chân của Ta. Chớ có làm hại các chúng sanh của Ta. Mong được sự vô lậu, dùng thiện tâm của các bậc hiền thánh mà nhìn nhau, chớ có sinh ra ác ý". Giá như vị Tỉ kheo kia gọi tên của bốn đại Long vương thì đã không bị chết. Từ nay về sau, Ta cho phép lúc gấp rút (không cần theo qui định)".
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, [389b] vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo sống tại a luyện nhã, đi vào xóm làng lúc phi thời, không bạch với Tỉ kheo khác - ngoại trừ trường hợp dặc biệt - thì phạm tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Sống tại a luyện nhã: Tại những nơi cách xa thành ấp xóm làng năm trăm cung, mỗi cung dài năm khuỷu tay, không có dân chúng cư trú, thì gọi là a huyện nhã.
Phi thời: Sau khi ăn xong, dù thời gian còn sớm cũng vẫn là phi thời.
Xóm làng: Thôn xóm có bờ tường ngăn cách nhau hoặc là ở lẫn lộn (không cáh biệt nhau).
Bạch: Nếu bạch xin rời nhà ăn, thì không gọi là bạch. Hoặc bạch xin đến tịnh xá của Ni để giáo giới, thì không gọi là bạch. Hoặc bạch xin rời khỏi nơi thuyết pháp, thì không gọi là bạch. Cần phải bạch như sau: "Thưa Trưởng lão, tôi vào thôn xóm lúc phi thời". Người kia nên đáp: "Vâng".
Tỉ kheo: Chỉ cho những Tỉ kheo có mặt trong cường giới, chứ không phải là những đồ chúng đang hiện diện.
Ngoại trừ trường hợp đặc biệt: Nếu Tỉ kheo bị các chứng bệnh hoặc bị rắn cắn cần phải đi gọi thầy thuốc, thì Thế Tôn bảo là không có tội (khi ra đi không bạch).
Nếu hai Tỉ kheo sống tại a luyện nhã, muốn cùng đi, thì phải bạch lẫn nhau, rồi mới đi. Nếu một người đi trước, thì người sau khi muốn đi phải bạch với Tỉ kheo khác; nếu không có Tỉ kheo khác, thì nên thầm nghĩ: "Khi đến giữa đường, ra khỏi cửa, đến xóm làng, hay tại tinh xá của Ni, mà gặp Tỉ kheo thì ta sẽ bạch. Bạch xong, ta sẽ vào xóm làng lúc phi thời."
Nếu Tỉ kheo đang đi trên đường từ xóm làng này sang xóm làng khác mà thấy ở ven đường có tháp hoặc chỗ thờ chư thiên, thì phải thuận đường đi thẳng qua: Nếu con đường ở dưới tháp miếu ấy xoay về bên trái mà mình đi vòng theo chiều bên phải thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu có hỏa hoạn, ác thú đến hay bị người rượt đuổi, thì đi qua không có tội.
Nếu Tỉ kheo đi đường xa, gặp trời tối, muốn vào xóm làng ngủ nghỉ thì không được mang vác túi xách cồng kềnh đi vào. Nếu bên ngoài làng có nước thì nên dừng nghỉ ở trong rừng, trước hết sai hai Tỉ kheo tắm rửa sạch sẽ, khoác y Tăng già lê, buộc lại chặc chẽ, bạch lẫn nhau, rồi khiến họ vào thôn xóm xin chỗ ngủ tạm. Nếu xin được chỗ ngủ thì phải xin đàn việt cung cấp những thứ cần thiết, rồi trở ra khỏi xóm làng, nói với các Tỉ kheo rằng: "Ðã xin được chỗ ngủ".
Bấy giờ, các Tỉ kheo nên rửa tay chân sạch sẽ, nếu cần uống thức uống phi thời thì nên uống ngay khi ấy, đừng để vào xóm làng mới uống mà bị người ta chê trách là Sa môn ăn đêm. Ðoạn, phân công mang vác các túi xách, mặc y tăng già lê, buộc lại chặc chẽ, cầm tích trượng, mang giày dép, bạch hỏi nhau rồi mới vào xóm làng. Khi đã đến chỗ dừng nghỉ, mà muốn đi ra khỏi xóm làng lấy củi, cỏ, nước, thì nên theo con đường cũ mà ra, không có tội. Nếu muốn đi con đường khác thì phải bạch, [389c] nếu không bạch mà đi, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu muốn đi tìm dầu xoa chân, nước uống phi thời, đi khuyến hóa thức ăn sáng hôm sau, thì phải bạch rồi mới đi. Nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Nhưng nếu trong xóm làng có tăng già lam, trên đường có nhà cửa liên tiếp nhau, thì đi (mà không bạch) không có tội. Nếu đi con đường khác thì phải bạch, nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Thế nên nói:
"Chưa đủ, đi với cướp,
Ðào đất, bốn tháng mời.
Chưa học và uống rượu.
Khinh người, đứng rình nghe.
Bỏ đi, phi thời vào.
Bạt cừ thứ tám xong". 78. GIỚI: ÐI PHI THỜI, KHÔNG BÁO NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ưu Ba Nan Ðà sáng sớm thức dậy, khoác y đi vào xóm làng, tới nhà đàn việt, nói với Ưu bà di: "Những kẻ phàm phu khi mệnh chung phần nhiều bị đọa vào đường ác, bà nên nghe tôi thuyết pháp".
Lúc ấy, Ưu bà di đang sắp đặt việc nhà, bận bịu nhiều việc không rảnh để nghe thuyết pháp, nên cự nự với Tỉ kheo: "Thôi đi! Thầy đừng lo về những người phàm phu khi chết bị rơi vào đường ác mà hãy lo phần thầy, đừng lo việc của người khác". Sau khi ăn xong, thầy bèn sai đệ tử chuẩn bị y bát rồi trở lại nhà ấy, nói như trước: "Này Ưu bà di, kẻ phàm phu khi chết sẽ rơi vào đường ác; bà nên nghe tôi thuyết pháp".
Khi ấy, Ưu bà di vừa lo cho chồng con ăn xong, đang dùng cơm, không rảnh để nghe pháp, nên cự nự với Tỉ kheo: "Thôi đi! Ðừng lo về những người phàm phu sau khi chết rơi vào đường ác mà hãy tự lo việc của thầy, chớ lo việc của người khác". Các Tỉ kheo nghe được, bèn đem việc đó bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại sự việc kể trên:
- Ông có làm như vậy thật chăng?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn
- Này Tỉ kheo, vậy thì sau khi ăn xong, ông đi làm việc gì?
- Có nhiều việc lắm, bạch Thế Tôn. Con muốn làm thầy thuốc để trị liệu các chứng bệnh.
- Vì sao trước bữa ăn, sau bữa ăn, ông không bạch với những Tỉ kheo cùng ăn với mình mà đi đến nhà dân? Từ nay về sau, Ta không cho phép Tỉ kheo trước bữa ăn, sau bữa ăn không bạch với Tỉ kheo cùng ăn với mình mà đi đến nhà dân.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Phật bảo A Nan: "Ông báo tin cho các Tỉ kheo biết rằng an cư xong, các đàn việt sẽ cúng dường y an cư". A Nan liền thông báo với các Tỉ kheo.
Các Tỉ kheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỉ kheo trước hay sau bữa ăn không bạch với Tỉ kheo cùng ăn với mình mà đi đến nhà dân. Tôi cùng các vị đồng phạm hạnh cùng ăn, cùng sống bên nhau, vì tôn kính nhau nên không dám thường bạch". [390a] A Nan bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: "Từ nay về sau, Ta cho phép trong lúc sắm y (khỏi bạch)". Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi, cũng phải nghe lại:
-- "Nếu Tỉ kheo cùng ăn một chỗ mà trước khi ăn, sau khi ăn không bạch với Tỉ kheo khác, đi đến nhà người khác - ngoại trừ trường hợp đặc biệt - thì phạm tội Ba dạ đề. Trừ trường hợp đặc biệt tức là khi sắm y, đó gọi là trường hợp đặc biệt".
Giải thích:
Cùng ăn: Hoặc dùng bốn thăng gạo nấu cơm, hoặc tám thăng gạo rang, hoặc một đấu hai thăng cơm lúa mạch, hoặc nửa bát, một bát cá thịt. Ðó gọi là cùng ăn.
Trước khi ăn: Lúc chưa ăn.
Sau khi ăn: Khi ăn xong, dù trời còn sớm vẫn gọi là sau khi ăn.
Ði đến nhà người khác: như nhà của Sát lợi, nhà Bà la môn, nhà Tì xá, nhà Thủ đà la.
Bạch: Nếu bạch vào xóm làng lúc phi thời, bạch đến tinh xá Tỉ kheo ni, bạch rời chỗ thuyết pháp, thì không được gọi là bạch. Mà phải bạch rằng: "Xin trưởng lão nhớ cho, con là mỗ gấp rời chỗ cùng ăn, đi đến nhà khác". Người kia đáp: "Vâng".
Ngoại trừ trường hợp đặc biệt: tức lúc mà Thế Tôn bảo là không có tội.
Trường hợp đặc biệt: Thời gian sắm y. Thời gian này, nếu không thọ y Ca thi na thì một tháng, nếu có thọ y Ca thi na, thì năm tháng. Trong thời gian của y này được miễn trừ năm việc: 1/ Ðược ăn biệt chúng; 2/ Ðược ăn nhiều chỗ; 3/ Rời trú xứ không cần bạch với người khác; 4/ Ðược cất y dư lâu ngày; 5/ Ðược rời y ngủ chỗ khác mà không có tội.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo rời chỗ cùng ăn với người khác để đi đến nhà khác thì phải bạch rồi mới đi, nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu ăn ở chỗ khác mà có năm thức ăn chính và năm thức ăn phụ thì phạm hai tội Ba dạ đề. Nhưng nếu gặp hai trường hợp bố thí bữa ăn, thời gian sắm y, thì không bạch với người cùng ăn, đi ăn chỗ khác không có tội.
Nếu trú xứ của Tỉ kheo không nấu ăn, mà có người mời ăn, thì nơi đây được gọi là cùng ăn (đồng thực). Nếu từ đây muốn đi đến chỗ khác, thì phải bạch rồi đi, nếu không bạch mà đi, thì như trên đã nói.
Nếu Tỉ kheo đã nhận trong xóm làng mời, thì nơi đó được gọi là cùng ăn. Nếu ở tại đây thấy thời gian còn sớm muốn đi một lát rồi trở lại thì phải bạch rồi đi; nếu không bạch mà đi thì như trên đã nói.
Nếu trong xóm làng có đàn việt mời tăng thọ trai, rồi một Tỉ kheo đi ngang qua nhà ấy, đàn việt bèn mời: "Thưa tôn giả, hôm nay nhà con cúng dường trai phạn cho chúng tăng, xin mời tôn giả ở lại thọ trai luôn". Nếu Tỉ kheo này nhận lời mời tức là cùng ăn. Nếu thấy thì giờ còn sớm, muốn đi nơi khác thì phải bạch rồi mới đi; nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Ngoài ra như trên đã nói.
Nếu đàn việt mời chúng Tăng thọ trai rồi Tỉ kheo khất thực đi ngang qua nhà ấy, đàn việt liền mời: "Hôm nay con mời chúng tăng thọ trai, xin tôn giả nhận con mời luôn thể". Nếu Tỉ kheo nhận [390b] lời mời, thì nơi đây tức là chỗ cùng ăn. Nếu bỗng chốc, Tỉ kheo suy nghĩ: "Tâm bố thí của đàn việt này rất trọng hậu, ta không thể tiêu hóa nổi bữa bố thí này, chi bằng ta đi khất thực chỗ khác để tạm nuôi thân", rồi bỏ đi, thì phải bạch; nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Ngoài ra, như trên đã nói.
Nếu hai Tỉ kheo ai cũng có chỗ để ăn, cùng đi trên đường tới xóm làng rồi bàn nhau: "Hôm nay, chúng ta hãy ăn trước tại một nhà, rồi sau đó.. cùng ăn bữa ăn sau tại nhà khác", thì một Tỉ kheo nên bạch rồi mới đi, nếu không bạch mà đi thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu đến nhà ăn trước mà có cả năm thức ăn chính và năm thức ăn phụ, thì phạm hai tội Ba dạ đề. Nếu rời người cùng ăn, ăn chỗ này chỗ khác mà nhằm lúc có bố thí thức ăn hay thời gian của y, thì cả hai trường hợp ấy đều không có tội. Người thứ hai cũng vậy.
Nếu Tỉ kheo đi khất thực tại một nhà được một thăng, hai thăng, cho đến một hộc, thì nhận lấy không có tội. Nếu một nhà mà được bốn thăng gạo tẻ, hoặc tám thăng gạo rang, một, hai thăng gạo lúa mạch, hoặc nửa bát, một bát cá thịt, thì không được đi xin thêm chỗ khác nữa. Ở đây, thế nào là phạm, thế nào là không phạm? Nghĩa là tất cả các thứ cháo-trừ cháo cá thịt-và cháo ấy khi múc ra khỏi nồi, viết trên mặt không thành chữ (tức cháo lỏng); tất cả bánh; tất cả gạo rang; tất cả trái cây (đều không được kể là) ăn biệt chúng, hay ăn rồi ăn lại, ăn no rồi ăn nữa. Thế nên nói (như trên). 79. GIỚI: VÀO VƯƠNG CUNG QUÁ SỚM.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Ở đây, thuật lại trường hợp phu nhân Mạt lợi mà kinh Trung A hàm đã đề cập có liên quan đến việc các trưởng lão Tỉ kheo theo thứ tự vào cung giáo giới. Bấy giờ, tôn giả Ưu đà di theo thứ tự vào cung giáo giới thì gặp lúc phu nhân Mạt lợi mặc y phục mỏng manh, trơn láng, trang sức vàng bạc ngọc báu trên y phục, đang ngồi giữa hậu cung. Khi Ưu đà di vào cung, phu nhân trông thấy sinh tâm cung kính, bỗng đứng bật dậy, Vì được trang điểm bằng vàng bạc ngọc báu nặng và trơn nên y phục tuột xuống đất, khiến phu nhân hổ thẹn đứng trân người ra. Các thị nữ bèn lây thân đứng che phu nhân. Ưu đà di thấy thế liền bỏ đi ra, về lại tinh xá nói với các Tỉ kheo: "Này các trưởng lão, lâu nay Vua Ba Tư Nặc che giấu bảo vật, hôm nay tôi đã thấy được".
- Thầy thấy thứ gì vậy?
- Thấy phu nhân Mạt lợi.
- Này trưởng lão, thầy là người xuất gia, nếu đi vào xóm làng thì phải xem như đi vào nơi hoang vắng, không nên tham luyến thanh sắc, khi thấy thì phải coi như không thấy, nghe thì phải coi như không nghe (mới được).
- Tôi đã thấy thực, mà có thể nói là không thấy sao?
Các Tỉ kheo bèn đem nhân duyên ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau Ta không cho phép Tỉ kheo vào trong cung vua.
Do các Tỉ kheo không vào trong cung nên các phu nhân khác [390c] buộc tội phu nhân Mạt lợi:
- Ngươi đã làm cho các Tỉ kheo không vào cung nữa, khiến chúng ta không được nghe pháp và đảnh lễ chư Tăng.
- Vì sao lại oán tôi? Các vị hãy tự đi cầu xin đại vương (về việc đó).
Các phu nhân liền đến thưa với vua: "Thưa đại vương, vì cớ gì mà các Tỉ kheo không vào cung giáo giới nữa?".
Khi Vua Ba Tư Nặc nghe những lời ấy, liền thân hành đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên, rồi bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn, vì sao các Tỉ kheo không vào cung giáo giới nữa?
- Vì trong đó có những điều tội lỗi, Như Lai đã thấy nên không cho họ vào nữa.
- Bạch Thế Tôn, trong đó có những tội lỗi gì con có thể nghe được không?
- Này đại vương, Tỉ kheo không được vào vương cung vì nơi đó có mười tội lỗi như trong kinh Trung A hàm đã nói.
- Bạch Thế Tôn, vì Phật thấy những tội lỗi nên cấm Tỉ kheo vào vương cung; khi con chưa phát sinh lòng tin, thì chính tay phải của con, con còn không tin, huống gì các Tỉ kheo? Nay Phật đã chế giới thì phải tùy thuận.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu bảo vật của phu nhân vua Sát lợi đã làm lễ quán đỉnh chưa cất mà Tỉ kheo bước vào khỏi cửa vương cung thì phạm tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Vua: Gồm có các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Ưu già la vương, Xả già da vương, Bà na vương v.v...
Nếu vì vua ấy không thuộc dòng dõi Sát lợi (thì Tỉ kheo) vào vương cung không có tội.
Nếu vì vua ấy thuộc dòng dõi Sát lợi mà không được làm lễ quán đỉnh, (thì Tỉ kheo) vào (vương cung) không có tội.
Nếu vì vua ấy thuộc dòng dõi Sát lợi đã làm lễ quán đỉnh mà không có lãnh thổ, thì Tỉ kheo vào vương cung không có tội.
Nếu vì vua ấy thuộc dòng dõi Sát lợi, đã làm lễ quán đỉnh, có đất nước thì Tỉ kheo không được vào vương cung.
Vào cung: Vào nội cung.
Phu nhân của vua chưa cất bảo vật: phu nhân của vua chưa cởi những châu báu trang sức đem cất. Trong trường hợp này, nếu Tỉ kheo bước vào khỏi cửa vương cung, thì phạm tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu nhà vua mới làm cung điện, có lòng tin, hoan hỉ, mời Tỉ kheo như sau: "Thưa tôn giả, xin tôn giả hãy vì tôi mà sử dụng trước cung điện này", thì Tỉ kheo nên đáp: "Ðức Thế Tôn chế giới không cho chúng tôi vào vương cung". Nếu nhà vua nói tiếp: "Tôn giả có cách nào giúp khai thông vấn đề này không?", thì nên đáp: "Chỉ khi nào phu nhân của vua cởi châu báu trong người ra, thì tôi mới vào vương cung được". Và khi phu nhân đã cởi hết châu báu ra rồi, thì Tỉ kheo được vào. Nhưng khi vào rồi, nếu phu nhân của vua lại tuần tự mang các bảo vật vào, thì Tỉ kheo không được bỏ ra đi, mà cứ ngồi yên, khi ấy không có tội. Nếu như trong khoảng thời gian ấy Tỉ kheo đi ra ngoài đại tiểu tiện, [391a] thì không được vào trở lại. Nếu vào lại thì phạm tội Ba dạ đề.
Nếu tại những nơi vua thường du ngoạn ngắm cảnh như ao hồ rừng núi, có lập ra hành cung, mà phu nhân của vua đã cởi hết châu báu đeo trong mình, đồng thời nơi đây có bảy lớp cửa, thì Tỉ kheo vào cửa thứ nhất, thứ nhì, thứ ba cho đến cửa thứ sáu không có tội. Nhưng nếu bước một chân vào cửa thứ bảy thì phạm tội Việt tì ni; nếu bước cả hai chân vào khỏi cửa thứ bảy, thì phạm tội Ba dạ đề. Nếu vua đã đi du ngoạn, khi phu nhân đã cởi hết bảo vật trong mình, hành cung trống không, mọi người vào xem, thì Tỉ kheo vào không có tội. Hoặc giả, vua có lòng tin, quí mến Tỉ kheo, dùng tay dắt Tỉ kheo vào, thì vào không có tội. Thế nên nói (như trên). 80. GIỚI: DÙNG XƯƠNG, SỪNG LÀM ỐNG ÐỰNG KIM.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên; trong thành này có người thợ làm ngà voi tên là Pháp Dự. Bấy giờ, có một Tỉ kheo đến nhà ấy, nói: "Này đàn việt, hãy làm giúp tôi một ống đựng kim". Người thợ này bèn làm cho thầy một ống đựng kim không lớn, không nhỏ, màu sắc tươi nhuận, thầy liền cầm về phòng. Các Tỉ kheo trông thấy thế, liền hỏi: "Trưởng lão, thầy được ống đựng kim ở đâu mà không lớn, không nhỏ, màu sắc tươi nhuận như vậy?". Thầy đáp: "Ông thợ làm ngà voi tên là Pháp Dự làm cho tôi đó". Các Tỉ kheo nghe thế bèn đến đó xin. Người thợ ngà voi thầm nghĩ: "Các Tỉ kheo đều cần đến ống đựng kim, hơn nữa chúng Tăng là ruộng phước tốt đẹp, vậy ta nên mời chúng Tăng đến nhà cúng dường ống đựng kim". Nghĩ thế, ông bèn đi đến tinh xá Kỳ Hoàn, cúi đầu đảnh lễ chân chư tăng, bạch rằng: "Con là Pháp Dự, xin mời chư Tăng đến nhà con cúng dường ống đựng kim". Các Tỉ kheo nghe vậy, ai nấy đều đến lấy, có người lấy một cái, có người lấy hai, ba, thậm chí lấy mười cái, do thế, ngà voi hết sạch. Ðàn việt liền nói: "Ngà đã hết, giờ chỉ còn xương, vị nào cần thì con sẽ làm". Các Tỉ kheo đáp: "Chúng tôi đều cần". Nhưng rồi xương cũng hết, nên người thợ thưa: "Xương cũng hết cả, giờ chỉ còn sừng, thầy nào cần, con sẽ làm". Các Tỉ kheo đáp: "Chúng tôi đều cần". Nhưng vì những người đến đòi quá đông, người thợ không lấy gì để cung cấp nổi.
Bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Phất đến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát vào thành Xá Vệ khất thực, tuần tự đi đến nhà ấy. Bà vợ của Pháp Dự vốn có tín tâm, hoan hỉ, hơn nữa đã từng quen biết Xá Lợi Phất, nên đem thức ăn ra cúng dường, đồng thời cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng ngay trước mặt. Xá Lợi Phất liền hỏi: "Này chị em, gia cảnh thế nào? Cơ nghiệp có gia tăng không?"
- Trong nhà cũng tàm tạm, nhưng cơ nghiệp không gia tăng.
- Vì sao vậy?
- Thưa tôn giả, ông chồng con mời các Tỉ kheo về nhà cúng dường ống đựng kim, các Tỉ kheo hoặc lấy một cái, hoặc lấy hai, ba, thậm chí lấy đến mười cái, nên ngà hết sạch; rồi lấy xương, xương hết, lại lấy sừng. Nhưng vì có quá nhiều người đến đòi nên không lấy gì để cung ứng. Thưa tôn giả, mọi sinh họat trong gia đình con như việc ăn của con cái, cung cấp sưu thế cho quan trên đều dựa vào cái nghề này. Vì tôn giả là người mà con rất kính trọng nên mới dám bộc bạch như vậy. Cũng vì thế mà chồng con [391b] khi ở nhà thì nói là không ở nhà, đang thức thì bảo là ngủ v.v...
Bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Phất bèn tùy thuận thuyết pháp, làm cho bà hoan hỷ, rồi trở về tinh xá, đem sự tình ấy bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi các Tỉ kheo đến. Khi các thầy đến rồi, Phật liền hỏi lại đày đủ các việc kể trên:
- Các ông có việc như thế thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ nay về sau, ta không cho phép dùng ngà voi, xương, sừng làm ống đựng kim.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo dùng răng, xương, sừng làm ống đựng kim, thì phạm tội Ba dạ đề".
Giải thích:
Răng: Như các loại răng voi, răng cá, răng ma già la, răng heo v.v...
Xương: Như các loại xương voi, xương ngựa, xương bò, xương lạc đà, xương rồng...
Sừng: Như các loại sừng bò, sừng trâu, sừng tê giác, sừng nai, sừng dê v.v...
Làm: Hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm thì phải phá bỏ rồi sám hối tội Ba dạ đề; nếu không phá bỏ mà sám hối thì phạm tọâi Việt tì ni.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Khi đức Thế Tôn chế giới không cho dùng răng, xương, sừng làm ống đựng kim, thì các Tỉ kheo bèn dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ngọc báu để làm. Vì vậy Phật dạy: "Ta không cho phép dùng vàng, bạc, châu báu làm ống đựng kim mà nên dùng đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiết, tinh đồng, đồng trắng, tre, gỗ, lụa Khâm bà la, lông chim, cho đến dùng cái đai của túi đựng bát để làm". Thế nên nói (như trên). 81. GIỚI: LÀM CHÂN GIƯỜNG CAO QUÁ CỠ.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ vào các ngày trai trong tháng như ngày mồng tám, mười bốn, rằm, nhân dân trong thành rời khỏi thành đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Lúc ấy, hoàng tử của Vua Ba Tư Nặc cũng đến đảnh lễ. Sau đó, ông đi đến chỗ Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi bạch rằng: "Tôi muốn đi tham quan xin chỉ cho tôi xem các chỗ". Các thầy đáp: "Rất tốt", rồi dẫn hoàng tử lên gác, nói: "Hãy xem những cây cột, kèo, đòn dông, xà, trính với những nét chạm trổ và các hình vẽ tinh xảo". Lần lượt đi đến chỗ ở của Nan Ðà, hoàng tử thấy trên sàn nhà màu xanh đặt một chiếc giường cao lớn, trên giường trải một cái nệm dày, êm ái, hai đầu giường để những cái gối. Thấy thế, liền hỏi:
- Thưa tôn giả, giường nệm này của ai vậy?
- Của tôi đấy.
- Những thứ này quá sang trọng, không thích hợp cho Tỉ kheo.
- Nếu không thích hợp với tôi thì ai nên dùng nó?
- Vua hay hoàng tử sử dụng chúng mới thích hợp.
- Tôi không phải hoàng tử sao? Nếu đức Thế Tôn không xuất gia thì Ngài xứng đáng làm Chuyển luân thánh vương, thống trị bốn phương thiên hạ, tất cả các ngươi sẽ là con dân của chúng ta. [391c] Nhưng Thế Tôn không thích làm như thế mà xuất gia, thành Phật, làm đấng Pháp vương. Ta là con của đấng Pháp vương, giả sử trang sức những thứ sang trọng hơn nữa cũng vẫn thích hợp, huống gì những vật thô sơ như vậy.
Vương tử nghe rồi, hổ thẹn im lặng. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi các thầy tới rồi, Phật liền hỏi lại sự việc kể trên:
- Các ông có những việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì sao các ông trang bị giường nệm lộng lẫy để cho người đời đàm tiếu? Từ nay về sau, ta không cho phép làm giường quá mức độ.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Sau khi Thế Tôn chế giới không cho làm giường cao quá mức quy định, các Tỉ kheo liền theo quy định cắt bớt chân giường nhưng lại kê thêm dưới chân. Bấy giờ nhằm các ngày chay trong tháng như mồng tám, mười bốn, rằm, dân chúng trong thành ra ngoài thành đi đến đảnh lễ Thế Tôn. Vương tử của Vua Ba Tư Nặc cũng tới đảnh lễ. Rồi ông đi đến chỗ Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà, nói: "Xin tôn giả hãy chỉ cho tôi xem các nơi". Cuối cùng, ông đến phòng Nan Ðà, thấy chân giường bị cắt, liền hỏi:
- Vì sao mà cắt cái chân giường này?
- Cắt bớt cho đúng theo sự quy định của Thế Tôn.
- Nếu Thế Tôn bảo cắt bớt đầu mà lại kê thêm dưới chân thì có khác gì nhau?
Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau làm chân giường phải đúng theo mức quy định, Ta không cho phép kê thêm dưới chân".
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo làm chân giường thì phải làm đúng mức quy định, nghĩa là chiều cao tám ngón tay, ngoại trừ chỗ tra vào thành giường; nếu làm quá mức quy định thì phải cắt bỏ bớt, rồi sám hối tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Tỉ kheo: Như trên đã nói.
Loại giường ngồi, giường nằm: gồm tất cả có mười bốn loại, như đã nói ở trước. Nếu làm quá mức qui định thì phạm tội.
Làm: Hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm.
Tu già đà: Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Tám ngón tay: Tám ngón tay của Phật.
Quá: Quá mức quy định.
Trừ chỗ tra vào thành giường: Từ chỗ lỗ trống trở xuống, (nếu thừa) thì cắt bớt, rồi sám hối tội Ba dạ đề. Nếu không cắt bớt mà sám hối, thì phạm tội Việt tì ni.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình làm giường rồi ngồi suốt ngày trên đó thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu đứng dậy rồi ngồi lại thì mỗi lần ngồi phạm một tội Ba dạ đề.
Nếu ngồi trên giường người khác thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu kê thêm chân giường cũng phải kê đúng kích thước đã quy định và vững chắc.
Nếu mình là Tỉ kheo khách đi đến trú xứ nào mà được phân phối giường theo thứ tự, nhưng giường cao quá mức quy định thì nên bảo thầy tri sự cho mượn cái cưa. Nếu hỏi mượn để làm gì, thì đáp: "[392a] Cái giường này cao quá mức độ, tôi muốn cưa bớt chân cho đúng pháp". Nếu thầy tri sự nói: "Ðừng cưa bớt, đàn việt thấy sẽ không vui", và mình cũng không ở đó lâu thì nên đào đất chôn chân giường xuống cho bằng mức quy định. Nếu mình còn ở lại lâu, thì nên dùng ống bằng gỗ bọc lại đoạn chân giường bị chôn dưới đất, đừng để nó bị hư hoại.
Nếu Tỉ kheo vào xóm làng đến nhà đàn việt ngồi, mà ngồi cái giường cao, thì không được ngồi để thòng đôi chân. Nếu đó là gia đình quen biết cũ thì nên bảo họ đưa cái ghế nhỏ để gác chân. Nếu đó không phải là nhà quen biết cũ thì nên bảo họ đưa viên gạch hay cục gỗ dùng để gác chân mà ngồi. Nhưng nếu ngồi trên giường cao ở nhà phước thiện thì không có tội. Thế nên nói (như trên). 82. GIỚI: DỒN BÔNG LÀM NỆM.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhằm các ngày chay trong tháng như ngày mồng tám, mười bốn, rằm, dân chúng trong thành đi đến thăm viếng đảnh lễ Thế Tôn. Vương tử Vua Ba Tư Nặc cũng đến đảnh lễ. Rồi ông đến chỗ Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà, nói: "Xin trưởng lão hãy chỉ cho tôi xem các nơi". Các thầy nói: "Tốt lắm", rồi liền dẫn Vương tử lên trên gác, chỉ nói: "Này Vương tử, hãy xem những cây cột, kèo, đòn dông, xà nhà, trính với những nét chạm trổ và các hình vẽ tinh xảo kia kìa"; đoạn, dẫn về phòng mình. Thấy trên nền phòng màu xanh có đặt một chiếc giường đẹp, trên giường trải một tấm nệm bông, hai đầu giường để những cái gối, rồi trải tấm ra trắng lên trên; thấy thế, Vương tử liền hỏi:
- Ðồ đạc này của ai vậy?
- Của tôi đó.
- Những thứ này quá đẹp đẽ, lộng lẫy, không phù hợp với tôn giả.
- Nếu không phù hợp với tôi thì ai nên sử dụng chúng?
- Vua, vương tử và đại thần dùng chúng mới thích hợp.
- Tôi không phải Vương tử sao? Nếu Thế Tôn không xuất gia thì Ngài xứng đáng làm Chuyển luân Thánh vương, làm vua bốn phương thiên hạ, tất cả bọn ngươi sẽ là con dân của chúng ta; nhưng Thế Tôn không thích làm vua mà Ngài đã xuất gia, thành Phật làm đấng Pháp luân vương. Ta là vương tử của Pháp luân vương, giả sử trang bị hơn thế nữa cũng vẫn thích hợp, huống gì dùng những vật thô sơ như vậy.
Vương tử nghe xong, hổ thẹn không nói lời nào. Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Ðà, Ưu Ba Nan Ðà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền hỏi đày đủ các việc kể trên:
- Các ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Vì sao các ông dùng bông làm nệm khiến cho người đời đàm tiếu? Từ nay về sau, Ta không cho phép dùng bông làm nệm.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo dùng bông làm nệm, để ngồi hay nằm thì phải moi bỏ, rồi sám hối tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Bông: Gồm các loại như bông a già, bông bà già, [392b] bông Cưu tra xà, bông giác, bông cỏ, bông ca thi, bông hoa và các loại khác. Ðó gọi là bông. Phải moi bông trong nệm ra hết rồi sám hối tội Ba dạ đề. Khi moi bông ra, phải đập giũ làm cho hết; nếu không hết, thì nhúng nước cho ướt tay, chà lên làm cho sạch, rồi sám hối tội Ba dạ đề.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình làm, rồi trọn ngày ngồi trên đó, thì phạm một tội Ba dạ đề. Nếu đứng dậy rồi ngồi trở lại, thì mỗi lần ngồi phạm một tội Ba dạ đề. Nếu ngồi trên bông của người khác, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu nhồi bông làm gối dùng gối đầu, kê chân thì phạm tội Việt tì ni. Nhưng vì bệnh mà gối đầu, kê chân, thì không có tội. Nếu dùng da nhồi bông làm gối thì phạm hai tội Việt tì ni. Vì cả da và bông.
Nếu Tỉ kheo vào xóm làng, rồi bị gió thổi bông bay dính trên y, mà túm y lại ngồi, thì phạm tội Việt tì ni; phải giũ sạch rồi mới ngồi.
Nếu xe chở bông hay có người gánh, mang bông đi rồi bông bị gió thổi bay dính lên y của Tỉ kheo mà Tỉ kheo túm lại ngồi, thì phạm tội Việt tì ni; phải giũ hết bông, rồi mới ngồi.
Nếu chỗ đất có phủ bông cỏ thì Tỉ kheo không được ngồi. Nếu Tỉ kheo đi ngang qua ruộng có bông giác, khiến bông dính trên y, thì không được ngồi, phải giũ hết rồi mới ngồi. Nếu trải bông cỏ, bông hoa rồi ngồi lên trên, thì phạm tội Việt tì ni. Nếu dồn đống bông cỏ, bông hoa rồi ngồi lên trên cũng phạm tội Việt tì ni. Nếu trồng ruộng bông, cũng phạm tội Việt tì ni. Nếu vì luật sư, pháp sư mà trải tòa sư tử, rải hoa, mà hoa dính trên tòa thì không được ngồi, phải phủi hết hoa, rồi mới ngồi, thì không có tội. Thế nên nói (như trên). 83. GIỚI: LÀM TỌA CỤ QUÁ QUY ÐỊNH.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Vì năm điều lợi ích nên Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ năm hôm đi tuần hành phòng các Tỉ kheo một lần, Ngài thấy giường nệm ngọa cụ của các Tỉ kheo có những vết nhớp dơ bẩn bỏ ngổn ngang khắp nơi giống như hoa mạn đà la đang phơi giữa nắng gắt, Phật liền hỏi các Tỉkheo:
- Giường nệm ngọa cụ của ai mà dơ nhớp bẩn thỉu thế này?
- Bạch Thế Tôn, đó là ngọa cụ của các Tỉ kheo vì không dùng vật gì che đậy nên bị dơ nhớp như vậy.
- Từ nay về sau, Ta cho phép làm tọa cụ.
Lại nữa, khi Phật cho phép làm tọa cụ rồi, các Tỉ kheo bèn may tọa cụ nhiều lớp. Vì năm việc lợi ích nên đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ năm hôm đi tuần hành phòng các Tỉ kheo một lần, Ngài thấy những vải vóc, tọa cụ dơ bẩn bỏ ngổn ngang khắp nơi, giống như hoa mạn đà la đem phơi ngoài nắng gắt, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:
- Những tọa cụ của ai để nguyên tua vải mà may, cáu bẩn dơ dáy thế này?
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn cho phép làm tọa cụ, [392c] Nên các Tỉ kheo bèn để nguyên tua vải mà may như vậy.
- Vì sao các ông lại để nguyên tua vải mà may tọa cụ? Từ nay về sau phải làm cho đúng mức, chiều dài hai gang tay tu già đà, chiều rộng một gang tay rưỡi.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ nhiều Tỉ kheo đang ở tại giảng đường, bàn bạc như sau: "Này Trưởng lão, Thế Tôn chế tọa cụ lớn nhỏ, nếu trải chỗ ngồi thì hai đầu gối không có, nếu đắp trên hai đầu gối, thì chỗ ngồi lại không có". Các Tỉ kheo bèn đem nhân duyên ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền hỏi các Tỉ kheo:
- Vị Thượng tọa trong chúng Tăng là ai?
- Xá Lợi Phất, bạch Thế Tôn.
Phật liền nói với Xá Lợi Phất: "Nhiều vị phạm hạnh bàn về việc đó, vì sao ông ngồi im lặng mà nghe? Nay Ta phạt ông phải đứng phơi nắng".
Xá Lợi Phất nhận sự trừng phạt, đứng phơi nắng ngoài trời. Các Tỉ kheo liền đến trước Thế Tôn sám hối và bạch rằng: "Bạch Thế Tôn, tôn giả Xá Lợi Phất thân thể mảnh mai yếu đuối, xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm cho thầy, chớ để thầy mất vui".
Phật nói: "Chẳng những ngày nay tâm ông ấy không thể lay chuyển mà trong thời quá khứ cũng đã từng như vậy, như trong kinh Xà Bản Sinh đã nói rõ. Con rắn lúc ấy là Xá Lợi Phất, tâm nó rất kiên cố không hề lay chuyển".
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đi tuần hành qua phòng các Tỉ kheo một lần, thấy tấm nệm của Tăng ở giữa mới tốt, nhưng hai bên dơ bẩn, Phật biết mà vẫn hỏi:
- Này Tỉ kheo, ngọa cụ này của ai mà ở giữa thì mới tốt nhưng hai bên dơ bẩn thế này?
- Bạch Thế Tôn, vì Thế Tôn chế tọa cụ nhỏ che không đủ, nên chỗ được che thì sạch, còn chỗ không che thì dơ.
- Từ nay về sau, Ta cho phép làm tọa cụ hai lớp, nhưng không được làm một cách tùy tiện, mà nên dùng loại vải cũ nhỏ may thành hai lớp. Nếu dùng vải Khâm bà la thì một lớp, còn vải Kiếp bối thì làm hai lớp.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả A Na Luật vắt tọa cụ trên vai, đến đảnh lễ dưới chân Thế Tôn. Phật biết mà vẫn hỏi: - Vật gì trên vai ông vậy?
Bạch Thế Tôn, đó là tọa cụ nhỏ. Song cái tọa cụ này nhỏ quá, xin Thế Tôn cho phép tăng thêm lên.
- [393a]Tăng thêm chừng bao nhiêu là vừa đủ?
- Bạch Thế Tôn, chừng một gang tay.
- Ta cho phép tăng thêm một gang tay.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo làm tọa cụ thì phải làm đúng kích thước chiều dài hai gang tay Tu già đà, chiều rộng một gang tay rưỡi, lại tăng thêm (mỗi chiều) một gang tay nữa. Nếu làm quá mức quy định thì phải cắt bỏ bớt, rồi sám hối tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Làm: Hoặc tự mình làm, hoặc sai người khác làm.
Tọa cụ: Ðức Thế Tôn cho phép làm với mức độ chiều dài hai gang tay Tu già đà, chiều rộng một gang tay rưỡi.
Chiều dài: tức chiều dọc.
Chiều rộng: tức chiều ngang.
Tu già đà: Ðức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
Gang tay: Gang tay của đức Như Lai dài hai thước bốn tấc (?)
Thêm một gang tay: Gấp hai, ba lớp (miếng) vải rồi kết nối thêm vào tọa cụ. Nếu quá mức qui định thì cắt bớt rồi sám hối tội Ba dạ đề. Nếu không cắt bớt mà sám hối, thì phạm tội Việt tì ni.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình làm, hoặc sai người khác làm chiều dài đúng cỡ, chiều rộng quá cỡ, thì khi làm xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni.
Nếu tự mình làm hoặc sai người khác làm chiều rộng đúng cỡ, chiều dài quá cỡ, hay ở giữa đúng cỡ, ở ngoài rìa quá cỡ, hay ở ngoài rìa đúng cỡ, ở giữa quá cỡ, thì khi làm xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni.
Khi gấp lại, xếp lại, rấm nước rồi đem phơi khô mà vẫn còn dài lớn quá cỡ, thì phạm tội Ba dạ đề; nếu sử dụng thì phạm tội Việt tì ni. Khi làm phải làm đúng cỡ, không được làm quá cỡ.
Tọa cụ là loại vật dụng bằng vải vóc dùng để ngồi, nên không được làm ba y, không được tịnh thí, hay dùng để lót củi, cỏ hoặc lau chùi, mà chỉ được dùng để trải ngồi.
Nếu đi đường thì được xếp lại để trên túi y, hay vắt trên vai rồi mang đi. Thế nên nói (như trên). 84. GIỚI: MAY Y CHE GHẺ QUÁ KÍCH THƯỚC.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Vì năm sự lợi ích nên Thế Tôn cứ năm hôm đi tuần tra phòng ở của các Tỉ kheo một lần, thấy y bị dính đày máu mủ của ghẻ lở đang phơi nắng, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ kheo:
- Y của ai mà dơ bẩn thế này?
- Bạch Thế Tôn, vì các Tỉ kheo bị bệnh ghẻ lở nên y phục dơ bẩn như thế.
- Từ nay về sau, Ta cho phép các Tỉ kheo được may y che ghẻ.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, Thế Tôn cho phép may y che ghẻ, các Tỉ kheo không cắt các tua ở lề tấm vải mà may nguyên như vậy. Vì năm sự lợi ích nên cứ năm hôm Thế Tôn đi tuần tra phòng ở của các Tỉ kheo một lần; Ngài thấy những chiếc y che ghẻ được may với những tua vải, dính đày máu mủ đang phơi ngoài nắng. Tuy biết [393b] nhưng Phật vẫn hỏi các Tỉ kheo.
- Y của ai mà may cả những tua vải, dơ bẩn như thế này?
- Bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn cho phép may y che ghẻ, các Tỉ kheo may nguyên cả những tua vải, nên bị dính máu mủ dơ như thế đó.
- Vì sao các ông để nguyên cả tua vải may y che ghẻ? Từ nay về sau may y che ghẻ phải đúng với kích thước.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo may y che ghẻ thì phải may đúng theo kích thước, chiều dài bốn gang tay Tu già đà, chiều rộng hai gang tay rưỡi. Nếu may quá kích thước thì phải cắt bỏ, rồi sám hối tội Ba dạ đề."
Giải thích:
Y che ghẻ: Thế Tôn cho phép may với kích thước dài rộng theo gang tay của Tu già đà, như trên đã nói. Nếu quá kích thước thì cắt bỏ, rồi sám hối tội Ba dạ đề. Nếu không cắt bỏ mà sám hối thì phạm tội Việt tì ni.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình may hoặc sai người khác may mà chiều dài đúng kích thước, chiều rộng quá kích thước, hoặc chiều rộng đúng kích thước, chiều dài quá kích thước, hoặc ở giữa đúng kích thước, ngoài lề quá kích thước, hoặc ngoài lề đúng kích thước, ở giữa quá kích thước, thì khi may xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni.
Khi xếp lại đo, gấp lại đo, thấm nước đo, rồi đem phơi khô mà còn dài rộng quá cỡ, thì làm xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni. Cho nên cần phải làm đúng theo kích thước.
Loại y che ghẻ và y tùy thân không được dùng làm ba y, không được tịnh thí, không được dùng để gói củi, cỏ, hay lau chùi. Khi muốn vào xóm làng thì mặc y che ghẻ trước mặc y tăng già lê sau, rồi buộc chặt lại. Khi trở về, thì cởi y tăng già lê đập giũ, xếp lại, cất vào chỗ cũ, còn y che ghẻ thì đừng cởi, nếu cởi vảy ghẻ sẽ lột ra chảy máu, cần ngâm mình dưới nước, nhưng không được ngâm mình ở chỗ Tăng chúng thường tắm, mà nên ngâm ở chỗ vắng vẻ. Sau khi y đã thấm nước thì cởi ra giặt cho sạch. Lúc tắm xong, nên dùng nó lau mình. Cách sử dụng hằng ngày cũng đều như vậy. Ðến khi ghẻ lành thì được dùng nó làm ba y và tịnh thí, ngoại trừ việc dùng tiếp tục. Thế nên nói (như trên). 85. GIỚI: MAY ÁO TẮM MƯA QUÁ KÍCH THƯỚC.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trong ba mươi việc, nhất là vấn đề liên quan đến Tì xá Khư Lộc mẫu bố thí y tắm mưa cho các Tỉ kheo trong vòng mười hai do diên.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Sau khi Thế Tôn cho phép may y tắm mưa, các Tỉ kheo không cắt bỏ các tua vải, cứ để nguyên như thế mà may. Vì năm việc lợi ích nên cứ năm hôm Thế Tôn đi tuần hành qua phòng các Tỉ kheo một lần, thấy những tua vải của y tắm mưa bị dơ bẩn được đem phơi nắng, tuy biết nhưng Phật vẫn hỏi:
- Y phục của ai mà để nguyên cả tua vải may dơ bẩn như thế?
- [393c] Bạch Thế Tôn, sau khi Phật cho phép may y tắm mưa, các Tỉ kheo để nguyên cả tua vải may nên trông nhơ bẩn như thế.
- Vì sao các ông lại để nguyên cả tua vải may y tắm mưa? Từ nay về sau phải may đúng kích thước, chiều dài sáu gang tay Tu già đà, chiều rộng hai gang tay rưỡi.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Nếu Tỉ kheo may y tắm mưa phải may đúng kích thước, chiều dài sáu gang tay Tu già đà, chiều rộng hai gang tay rưỡi. Nếu quá kích thước thì phải cắt bỏ, rồi sám hối tội Ba dạ đề".
Giải thích:
Y tắm mưa: Ðức Thế Tôn quy định kích cỡ, chiều dài sáu gang tay Phật, chiều rộng hai gang tay rưỡi. Chiều dài, chiều rộng của gang tay Phật như trên đã nói. Nếu quá kích cỡ thì phải cắt bỏ rồi sám hối tội Ba dạ đề. Nếu không cắt bỏ mà sám hối thì phạm tội Việt tì ni.
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình may hoặc sai người khác may mà chiều dài đúng kích thước, chiều rộng quá kích thước, hoặc chiều rộng đúng kích thước, chiều dài quá kích thước, hoặc ở giữa đúng kích thước mà ở ngoài biên quá kích thước, hoặc ở ngoài biên đúng kích thước, ở giữa quá kích thước, thì khi may xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni.
Nếu tự mình làm hay sai người khác làm như gấp lại, xếp lại, thấm nước rồi đem phơi khô, mà làm xong còn dài rộng quá cỡ, thì phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng thì phạm tội Việt tì ni.
Vị Tỉ kheo nào thành tựu năm đức tính thì Tăng nên mời chia y tắm mưa. Năm đức tính đó là: 1/ Không thiên vị; 2/ Không giận dữ; 3/ Không sợ hãi; 4/ Không ngu si; 5/ Biết ai được chia, ai không được chia.
Thầy yết ma nên tác bạch như sau:
"Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ kheo mỗ giáp thành tựu năm đức tính, nếu thời gian thích hợp đối với tăng, tăng hãy mời Tỉ kheo mỗ giáp chia y tắm mưa. Ðây là lời tác bạch.
"Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ kheo mỗ giáp thành tựu năm đức tính, nay Tăng mời Tỉ kheo mỗ giáp chia y tắm mưa. Các đại đức nào bằng lòng Tỉ kheo mỗ giáp chia y tắm mưa thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Tăng đã bằng lòng mời Tỉ kheo mỗ giáp chia y tắm mưa, nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này là như vậy".
Sau khi làm yết ma xong nên xứơng ở giữa Tăng: "Thưa các đại đức, các vật được chia ở đây sai khác không đồng nhau, cỡ chừng bốn ngón, tám ngón tay thì theo lý không được kể đến". Nếu không xướng như vậy thì phạm tội Việt tì ni.
Từ ngày mồng một tháng tư trở đi, hễ được y tắm mưa, thì lần lượt chia từ thượng tọa trở xuống. Khi đã có rồi thì không được tắm khỏa thân, cũng không được mặc y tắm mưa thường xuyên mà nên mặc những y cụ khác. Nếu ở chỗ vắng hoặc chỗ nước sâu thì tắm khỏa thân không có tội.
[394a] Không được mặc y tắm mưa làm các việc trong chúng Tăng như dọn quá đường, lau nhà, hốt tro trắng, hốt bùn, lợp nhà, khai thông rãnh nước, đào giếng, mà nên mặc những cái y cũ khác làm các việc ấy.
Y tắm mưa này không được dùng làm ba y; không được dùng tịnh thí; không được dùng vào những việc như đi lấy củi, cỏ, hay lau chùi; không được mặc vào trong những ao nước, vũng nước để tắm. Ðược mặc khi có mưa lớn, nhưng mưa nhỏ thì không được mặc. Nếu cơn mưa lớn bỗng dưng hết, mà cáu bẩn chưa sạch, thì được mặc vào trong ao, trong vũng nước để tắm.
Nếu Tỉ kheo bị bệnh thổ tả rồi uống thuốc, hay lể đầu chảy máu, hoặc lúc thọ trai ở chỗ trống, thì được dùng y này làm màn để che.
Y tắm mưa này được sử dụng từ nửa tháng tư đến rằm tháng tám. Khi mãn hạn nên xướng giữa Tăng rằng: "Thưa các đại đức, hôm nay Tăng xả y tắm mưa". Xướng ba lần như vậy. Khi đã xả rồi, được dùng làm ba y, hoặc tịnh thí, hoặc dùng vào các việc khác. Thế nên nói (như trên). 86. GIỚI: MAY Y QUÁ CỠ Y PHẬT.
Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ kheo mặc y để nguyên các tua vải. Các ngoại đạo cũng mặc y để nguyên các tua vải. Khi ấy Ưu bà tắc muốn đảnh lễ Tỉ kheo, lại đảnh lễ nhầm ngoại đạo, đến khi nghe lời chúc nguyện khác lạ, mới biết không phải là Tỉ kheo, nên thấy mắc cỡ. Trái lại, đệ tử của ngoại đạo muốn đảnh lễ ngoại đạo, lại đảnh lễ nhầm Tỉ kheo; hai bên có những nhầm lẫn như vậy. Các Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy: "Từ nay về sau, y của Tỉ kheo phải cắt bỏ những cái tua để tác tịnh và nhuộm để tác tịnh".
Các ngoại đạo vì muốn cho mình khác với Tỉ kheo nên dùng son, đá đỏ nhuộm y, cầm gậy có ba nấc và chiếc bình nhỏ.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, các Tỉ kheo ở nơi hoang dã khi được y Câu xá da, muốn mặc, bèn dùng màu để nhuộm, như ba loại màu dùng để nhuộm y mà ở trên đã nói.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Tì xá ly, Tỉ kheo được y Khâm bà la cũng như trên đã nói.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, tôn giả Tôn đà la Nan Ðà vốn là con trai di mẫu của Phật, có ba mươi tướng. Sau bữa ăn, thầy từ thành Xá Vệ đi ra, có A Nan đi theo sau, như: trong việc ba màu y ở trên đã nói.
Lại nữa, khi Phật ở tại thành Xá Vệ, lúc ấy, tôn giả A la quân trà may y của mình theo kích thước y của Phật, rồi mặc đi vào thành Xá Vệ. Vị Tỉ kheo này thân lùn mà y dài, nên kéo lê y trên đất mà đi, do vậy, bị người đời đàm tiếu rằng: "Sa môn Thích tử kéo lê y mà đi". Lại có người mỉa mai: "Ông không biết sao? Y của Sa môn Cù đàm không phải do chính cha mẹ mình may, mà là nhặt của người ta vứt, nên mới như vậy."
Các Tỉ kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn. [394b] Phật liền bảo gọi A la quân trà đến. Khi thầy đến rồi, Phật bèn hỏi lại sự việc trên:
- Ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ nay về sau, nên tùy theo kích cỡ của thân mình mà may y.
Ðoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
--"Khi Tỉ-kheo may y thì phải căn cứ kích cỡ y của Như Lai để may, nếu may quá kích cỡ phải cắt bỏ, rồi sám hối tội Ba dạ đề. Cỡ y của Như Lai chiều dài chín gang tay Tu già đà, chiều rộng sáu gang tay. Ðó gọi là cỡ y của Như Lai".
Giải thích:
(Một số vấn đề đã giải thích ở trên).
Ba dạ đề: Như trên đã nói.
Nếu tự mình may hay sai người khác may mà dài đúng cỡ, rộng quá cỡ, thì khi may xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni.
Nếu tự mình may hay sai người khác may mà chiều rộng đúng cỡ, chiều dài quá cỡ hoặc ở giữa đúng cỡ, ngoài biên quá cỡ, hoặc ngoài biên đúng cỡ, ở giữa quá cỡ, hoặc gấp lại, xếp lại, thấm nước rồi đem phơi khô mà còn dài rộng, thì làm xong phạm tội Ba dạ đề; khi sử dụng phạm tội Việt tì ni. Khi may nên may giảm kích thước, không được may quá kích thước, và phải tùy theo kích cỡ của thân mà may.
Y Tăng già lê có ba loại: Thượng, trung, và hạ. Loại thượng: dài năm khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay. Loại trung: dài năm khuỷu tay, một tay không duỗi ra; rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra. Loại hạ: dài bốn khuỷu tay rưỡi, rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra. Khi đắp y dùng hai ngón tay căng ra mà đắp.
Y Uất đa la tăng có ba loại: thượng, trung và hạ. Loại thượng: dài năm khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay. Loại trung: dài năm khuỷu tay, một tay không duỗi ra; rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra. Loại hạ: dài bốn khuỷu tay rưỡi, rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra.
Y An đa hội cũng có ba loại: thượng, trung, và hạ. Loại thượng: dài năm khuỷu tay, rộng ba khuỷu tay. Loại trung: dài năm khuỷu tay, một tay không duỗi ra, rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra. Loại hạ: dài bốn khuỷu tay rưỡi, rộng ba khuỷu tay, một tay không duỗi ra.
Cuối cùng cho đến loại Phú tam mạn đà la, quần v.v... Thế nên nói (như trên). LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển hai mươi.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.12.194 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.