Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Duy thức, không cảnh giới,
Bởi không trần, vọng thấy.
Như người bệnh đau mắt,
Thấy lông hay mặt trăng.
Nếu chỉ tâm, không trần,
Lìa ngoại cảnh vọng thấy,
Xứ, thời, định, bất định,
Người và các tạo tác.
Nào xứ, thời các việc,
Sắc v.v…không ngoại cảnh.
Người chiêm bao, ngạ quỷ,
Do nghiệp, hư vọng thấy.
Như mơ thấy đàn bà,
Động thân xuất bất tịnh.
Các chúa ngục trong ngục,
Bị chúng ép đủ thứ.
Súc sinh, sinh cõi trời,
Địa ngục không như vậy.
Bởi ở trên cõi trời,
Không chịu khổ súc sinh.
Nếu do nghiệp chúng sinh,
Tứ đại biến đổi thế.
Cớ sao không do nghiệp,
Tâm chuyển biến như vậy ?
Nghiệp huân nơi pháp khác,
Quả làm sao khác chỗ.
Thiện ác huân nơi tâm,
Cớ sao lìa tâm nói ?
Nói nào sắc, các nhập,
Là giáo hóa chúng sinh.
Do người trước thụ pháp,
Nói rằng có hóa sinh.
Do bản tâm trí kia,
Thức vọng chấp ngoại cảnh.
Vì vậy Như Lai nói,
Có trong ngoài các nhập.
Quán hư vọng không thật,
Như vậy nhập ngã không.
Quán nơi các pháp khác,
Nhập các pháp vô ngã.
Kia một không thể thấy,
Nhiều cũng không thể thấy.
Hòa hợp không thể thấy,
Nên không có trần pháp.
Sáu trần đồng thời hợp,
Trần thì có sáu tướng.
Nếu sáu là một chỗ,
Các đại là một trần.
Nếu vi trần không hợp,
Chúng hợp thành cái gì ?
Nói vi trần không tướng,
Thành được thì có tướng.
Có pháp, phương sở khác,
Kia không được nói một.
Ảnh chướng chẳng phải đại,
Hai kia chẳng phải chúng.
Nếu một không thứ tự,
Lấy, bỏ cũng không đồng.
Sai biệt rất nhiều nơi,
Vi tế cũng phải thấy.
Hiện thấy như chiêm bao,
Thấy, bị thấy không cùng.
Khi thấy không phân biệt,
Sao nói là hiện thấy ?
Trước nói hư vọng thấy,
Là do hư vọng nhớ.
Thấy chiêm bao hư vọng,
Chưa thức thì không biết.
Thường cùng nhân tăng thượng,
Kia đây tâm duyên hợp.
Vô minh che nơi tâm,
Nên mộng, tỉnh, quả khác.
Chết y nơi tâm khác,
Mà cũng y tự tâm.
Y nhiều thứ nhân duyên,
Phá mất tự tâm thức.
Kinh nói Đàn-noa-ca,
Ca-lăng và Ma-đăng.
Vì tiên giận, nên không,
Cho nên tâm nghiệp nặng.
Các pháp tâm là gốc,
Các pháp tâm hơn cả.
Lìa tâm, không các pháp,
Chỉ tâm, thân, miệng : tên.
Tha tâm biết nơi cảnh,
Chẳng bằng thật hiểu biết.
Bởi phi tạp thức, cảnh,
Chỉ Phật biết như thật.
Làm Luận Duy Thức này,
Chẳng tự ta suy nghĩ.
Cảnh giới Phật nhiệm mầu,
Phúc đức thí quần sinh.
Hỏi : Bài kệ đầu tiên này nói nghĩa gì ?
Đáp : Phàm làm luận đều có ba nghĩa. Những gì là ba ? Một là lập nghĩa, hai là dẫn chứng, ba là thí dụ. Lập nghĩa, nghĩa là như kệ nói “Duy thức, không cảnh giới”. Dẫn chứng là như kệ nói “Bởi không trần, vọng thấy”.Thí dụ là như kệ nói “Như người bệnh đau mắt, Thấy lông hay mặt trăng” v.v… Lại còn có nghĩa như trong kinh Đại thừa nói tam giới duy tâm. Chỉ là tâm, nghĩa là chỉ có nội tâm, không có các cảnh giới bên ngoài như sắc, hương v.v… Điều này làm sao biết ? Như Kinh Thập Địa nói ba cõi là hư vọng chỉ do một tâm tạo ra. Tâm, ý với thức và liễu biệt, bốn pháp nghĩa một mà khác tên. Đây là y vào tâm tương ưng mà nói, không phải nói theo tâm bất tương ưng. Tâm có hai thứ. Những gì là hai ? Một là tâm tương ưng. Hai là tâm bất tương ưng. Tâm tương ưng nghĩa là tất cả phiền não kết sử thụ tưởng hành thức v.v…tương ưng cùng với các tâm. Vì vậy nói tâm, ý với thức và liễu biệt nghĩa một mà tên khác là vậy. Tâm bất tương ưng nghĩa là đệ nhất nghĩa đế, là tự tính thanh tịnh tâm, thường trụ không biến đổi, cho nên nói ba cõi là hư vọng, chỉ do một tâm tạo ra. Cho nên kệ nói “Duy thức, không cảnh giới”. Đã nói rõ chỗ lập nghĩa rồi, tiếp nói về dẫn chứng.
Hỏi : Lấy gì để nghiệm biết sắc v.v…các cảnh giới bên ngoài là không có, chỉ có nội tâm có thể thấy các cảnh giới trước mắt ?
Đáp : Kệ nói “Bởi không trần, vọng thấy”. Không có trần cảnh, do hư vọng mà thấy thôi, là nói rõ rốt ráo không có cảnh giới như sắc v.v…, chỉ có nội tâm vọng sinh phân biệt mà thấy các cảnh giới bên ngoài như sắc v.v… Đã nói rõ về dẫn chứng. Tiếp đến nói rõ về thí dụ.
Hỏi : Nói không có cảnh giới bên ngoài là chỉ nói suông hay có gì làm thí dụ ?
Đáp : Kệ nói “Như người bệnh đau mắt,thấy lông hay mặt trăng”. Đây là nghĩa như thế nào ? Ví như người do nhiệt trong người mà bị đau mắt rồi thấy trong hư không có những tia sáng đôm đốm hay thấy một mặt trăng thành hai, hay ảo giác như thành Càn-thát-bà … Các pháp như vậy đều không có thật, chỉ là hư vọng thấy mà có thụ dụng săc hương vị v.v…Các cảnh bên ngoài đều như vậy. Từ vô thủy đến nay, nội tâm điên đảo mê lầm, vọng thấy có công dụng, thật không có ngoại cảnh như sắc v.v…
Hỏi : Kệ nói :
Nếu chỉ tâm, không trần,
Lìa ngoại cảnh vọng thấy,
Xứ, thời, định, bất định,
Người và các tạo tác.
Kệ này nói có nghĩa gì ? Nếu lìa các cảnh bên ngoài như sắc v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa làm sao ? Ở chỗ có sắc thì mắt thấy sắc, những chỗ khác không có sắc thì không thấy sắc. Lại có câu hỏi nếu không có ngoại cảnh như sắc v.v…, hư vọng thấy là nghĩa thế nào ? Nghĩa là ở chỗ kia thấy, nếu khi có sắc thì mắt thấy sắc, khi không có sắc thì không thấy sắc. Lại có câu hỏi : Nếu không có ngoại cảnh như sắc v.v… mà hư vọng thấy, thì phải lúc nào cũng thấy, và nếu không như vậy thì phải lúc nào cũng không thấy. Vì vậy mà kệ nói “Nếu chỉ tâm, không trần, lìa ngoại cảnh vọng thấy, xứ, thời, định, bất định”. Lại có câu hỏi : Nếu không có ngoại cảnh như sắc v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa thế nào ? Cùng một lúc nhiều người họp lại ở một chỗ, nếu chỗ có sắc thì cùng thấy sắc, nếu chỗ không có sắc thì đều không thấy. Lại có câu hỏi : Nếu không có ngoại cảnh như sắc v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa như thế nào ? Như người đau mắt trông thấy hoa đốm, thấy hai mặt trời mặt trăng. Người mắt bình thường thì không thấy như thế. Lại có câu hỏi : Nếu bình đẳng không có ngoại cảnh như sắc, hương, vị v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa thế nào ? Người đau mắt thấy hoa đốm, hai mặt trời mặt trăng v.v… nhưng đều vô dụng. Người mắt bình thường những thứ trông thấy đều hữu dụng. Lại có câu hỏi : Nếu bình đẳng không có ngoại cảnh như sắc, hương, vị v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa thế nào ? Những gì thấy chiêm bao như ăn uống, đói no, dao gậy, thuốc độc, những thứ ấy đều vô dụng. Lúc tỉnh thấy ăn uống, đói no, dao gậy, thuốc độc, những thứ ấy đều hữu dụng. Lại có câu hỏi : Nếu bình đẳng không có ngoại cảnh như sắc, hương, vị v.v… mà hư vọng thấy là nghĩa thế nào ? Thành Càn-thát-bà thật sự không có thành, không có công dụng của một thành trì. Còn các thành khác là thật có thành, có công dụng của một thành trì. Vì nghĩa ấy cho nên các ngoại cảnh như sắc, hương, vị đều là có thật, không giống như chuyện đau mắt, chiêm bao, thành Càn-tát-bà v.v… Do đó nơi chốn, thời gian, con người, các tác nghiệp của con người đều là thật có không giống như chiêm bao. Vì vậy mà kệ nói “Xứ, thời, định, bất định, người và các tạo tác.”
Đáp : Kệ nói :
Nào xứ, thời các việc,
Sắc v.v…không ngoại cảnh.
Người chiêm bao, ngạ quỷ,
Do nghiệp, hư vọng thấy.
Kệ này có nghĩa gì ? Ông hỏi vì nghĩa gì ư ? Ở nơi có sắc thì mắt thấy sắc, những nơi khác không sắc thì không thấy sắc, không phải nghĩa như vậy. Bởi vì sao ? Bởi vì trong chiêm bao kia là chỗ không có sắc thì thấy có sắc, còn chỗ có sắc thì không thấy sắc. Ông lại hỏi vì nghĩa gì ư ? Tức là chỗ thấy kia, lúc có sắc thì mắt thấy sắc, nếu lúc không có sắc thì không thấy sắc, nói vậy là ông dùng nghĩa gì ? Ở trong chiêm bao kia, một nơi thấy có xóm làng thành phố đàn ông đàn bà, hoặc ở chỗ kia thì không thấy làng xóm thành phố đàn ông đàn bà, hoặc lúc thấy, lúc không thấy chứ không phải lúc nào cũng thấy. Lại như ông nói rằng nếu không có ngoại cảnh như sắc v.v… mà do hư vọng thấy như vậy phải lúc nào cũng thấy, còn nếu không phải vậy thì lúc nào cũng không thấy. Lý luận đó không phải nghĩa như vậy. Bởi vì sao ? Bởi vì có nơi có lúc không có ngoại cảnh như sắc, hương v.v…, cũng có cùng nơi, cùng lúc, cùng thấy, cũng có cùng nơi, cùng lúc không thấy. Cho nên kệ nói :
Người chiêm bao, ngạ quỷ,
Do nghiệp, hư vọng thấy.
Đây là nói nghĩa gì ? Bởi ông đã nói nếu không ngoại cảnh như sắc v… tại sao có lúc có nơi thấy và không thấy, nghĩa này bất thành, đó là lời nói hư vọng. Bởi vì sao ? Bởi lìa ngoại cảnh như sắc v.v…lúc, nơi, sự việc thảy đều thành. Lại như ông nói dùng nghĩa gì mà nhiều người tập họp cùng một lúc cùng một nơi, ở nơi có sắc thì cùng thấy sắc, ở chỗ không thì đều không thấy. Lại như ông nói người đau mắt vọng thấy hoa đốm, mặt trời mặt trăng v.v…, người mắt bình thường thì không vọng thấy, nghĩa này không phải như vậy. Bởi vì sao ? Như ngạ quỷ v.v… lìa các ngoại cảnh như sắc, hương v.v…, nơi chốn, lúc, người v.v…tất cả đều thành. Nghĩa này như thế nào ? Như ngạ quỷ v.v…hoặc một trăm đồng nghiệp, hoặc một ngàn dồng nghiệp, cùng thấy dòng sông đều là máu mủ, hoặc thấy là tiểu tiện, đại tiện, hoặc thấy sắt chảy, nước chảy, mà hai bên bờ thì nhiều người cầm dao gậy bảo vệ không cho uống. Như thế là lìa ngoại cảnh như sắc, thanh, hương v.v… mà hư vọng thấy. Vì vậy kệ nói :
Người chiêm bao, ngạ quỷ,
Do nghiệp, hư vọng thấy.
Lại như ông nói là vì nghĩa gì ? Người đau mắt thấy mặt trời, mặt trăng, hoa đốm v.v… đều vô dụng. Người mắt bình thường đều hữu dụng. Trong chiêm bao thấy ăn uống, đói no, dao gậy, thuốc độc, những thứ ấy đều vô dụng. Khi thức thấy ăn uống, đói no, dao gậy, thuốc độc, những thứ ấy đều hữu dụng. Ông lại nói là nghĩa gì ? Thành Càn-thát-bà thật không có thành và không có công dụng. Còn các thành khác thật có và có công dụng. Nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Kệ có nói :
Như mơ thấy đàn bà,
Động thân xuất bất tịnh.
Các chúa ngục trong ngục,
Bị chúng ép đủ thứ.
Kệ này nói nghĩa gì ? Như người chiêm bao thấy giao hợp với người nữ rồi xuất bất tịnh. Chúng sinh như vậy, từ vô thủy đến nay thụ dụng một cách hư vọng các ngoại cảnh như sắc hương vị v.v… đều như vậy, thật không có mà thành. Dùng các thứ thí dụ như vậy. Lìa các ngoại cảnh như sắc hương v.v…có nơi chốn, thời gian, con người, các tác nghiệp thành bốn thứ. Lại còn thêm một thí dụ nữa là lìa các ngoại cảnh như sắc hường v.v…thành bốn thứ, đều hư vọng không thật. Vì vậy kệ nói :
Các chúa ngục trong ngục,
Bị chúng ép đủ thứ.
Đó là nghĩa gì ? Bốn việc kia lìa các ngoại cảnh như sắc hương v.v… tất cả đều thành. Đều thành như thế nào ? Như trong địa ngục không có chúa ngục nhưng chúng sinh trong địa ngục do tội nghiệp của mình mà thấy chúa ngục. Chúa ngục và các khổ hình phạt kia là khởi tâm thấy đây là địa ngục, đây là nơi địa ngục, là lúc đang ở trong địa ngục, đây là ban đêm, đây là ban ngày, đây là lúc trước, đây là lúc sau, kia là chúa ngục, ta là tội nhân. Vì nghiệp ác nên thấy chó, thấy quạ, hoặc thấy chó sắt, hoặc thấy hai con dê, hoặc thấy hai quả núi từ hai bên đến ép thân tội nhân. Hoặc thấy cây kiếm, tội nhân ở trên thì mũi kiếm từ trên chỉa xuống, tội nhân ở dưới thì mũi kiếm từ dưới đâm lên, khắp cả bốn bề. Vì sao vậy ? Vì nghiệp đồng nên đồng ở một chỗ, đồng thấy đồng chịu quả báo. Nếu nghiệp không đồng thì không cùng ở một chỗ không cùng thấy không cùng chịu khổ. Vì nghĩa đó nên ông nói nơi chốn, thời gian, định bất định, con người và các tác sự phải có ngoại cảnh như sắc hương, nơi chốn, thời gian, con người và các tác nghiệp đều là thật, điều đó cũng hư vọng. Vỉ nghĩa đó, nơi chốn, thời gian, người, các tác nghiệp v.v… bốn việc, chỉ dùng một thứ địa ngục làm thí dụ đều thành hư vọng. Nên biết như vậy.
Đáp : Chẳng phải là chúng sinh.
Hỏi : Lấy nghĩa gì mà nói chẳng phải chúng sinh ?
Đáp : Vì không tương ưng. Đó là nghĩa gì ? Có năm nghĩa. Chúa ngục và quạ, chó kia chẳng phải chúng sinh. Những gì là năm ? 1. Như các chúng sinh có tội chịu các khổ trong địa ngục, nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh thì cũng phải chịu các khổ như vậy. Nhưng các chúa ngục kia hoàn toàn không chịu các khổ hình phạt, vì nghĩa đó chúng chẳng phải chúng sinh. 2. Nếu các chúa ngục v.v… là chúng sinh thì sẽ sát hại nhau, không phân biệt được đây là tội nhân đây là chúa ngục. Nhưng thật chúng không sát hại nhau và có thể phân biệt được đây là tội nhân đây là chúa ngục. Vì nghĩa đó, chúng chẳng phải chúng sinh. 3. Các chúa ngục v.v…nếu là chúng sinh thì hình thể sức lực sẽ sát hại nhau, không riêng tội nhân sợ, nhưng thật thì tội hân sợ mà chúa ngục v.v… không sợ. Vì nghĩa đó , chúng không phải chúng sinh. 4. Đất ở nơi địa ngục kia thường là sắt nóng. Chúa ngục v.v…nếu là chúng sinh thì cũng không chịu nổi làm sao có thể hại được tội nhân, nhưng thật thì chúng có thể hại tội nhân. Vì nghĩa đó, chúng không phải chúng sinh. 5. Chúa ngục v… nếu là chúng sinh thì chẳng phải tội nhân phải không sinh trong địa ngục, nhưng thật sự thì sinh trong địa ngục. Vì nghĩa đó, chúng chẳng phải chúng sinh là nghĩa làm sao ? Các chúng sinh chịu khổ trong địa ngục kia là tạo các ác nghiệp ngũ nghịch tội nên sinh trong đó. Chúa ngục v.v… không tạo ác nghiệp sao lại sinh trong đó ? Do 5 nghĩa này nên gọi là bất tương ưng.
Hỏi : Nếu các chúa ngục kia chẳng phải chúng sinh, không tạo tội nghiệp thì không sinh nơi kia thì tại sao trên cõi trời có các súc sinh ? Đây là nghĩa thế nào ? Nếu như trên cõi trời có các loài chim, các súc sinh sinh nơi đó thì sao ở địa ngục không như vậy ? Súc sinh, ngạ quỷ, các thứ sinh lẫn lộn khiến kia làm chúa.
Đáp : Kệ nói :
Súc sinh, sinh cõi trời,
Địa ngục không như vậy.
Bởi ở trên cõi trời,
Không chịu khổ súc sinh.
Kệ này nghĩa như thế nào ? Các loại súc sinh sinh trên cõi trời là chúng ở trong khí thế gian trên cõi trời kia có một thiểu phần nghiệp. Cho nên thụ quả báo vui trong khí thế gian ấy, mà các chúa ngục cùng các loài quạ, chó không thụ các khổ là nghĩa như vậy. Trong các địa ngục kia , trừ chúng sinh có tội, không thật có chúa ngục cùng các loài quạ, chó.
Hỏi : Nếu như vậy thì chúng sinh ở địa ngục do tội nghiệp nên ngoài tứ đại có nhiều chuyển biến. Hình sắc swca lực v.v…kẻ hơn là chúa và quạ, chó v.v… Thế nào là tứ đại chuyển biến ? Nơi đó tứ đại nhiều thứ chuyển biến. Động tay chân và miệng nói, khiến tội nhân sinh khiếp sợ. Như có hai con dê từ hai bên đến cùng sát hại chúng sinh trong địa ngục, thấy các quả núi hoặc đến hoặc đi sát hại chúng sinh, thấy rừng cây sắt, rừng gai v.v…khi tội nhân leo lên thì cây đâm xuống, khi tội nhân leo xuống thì cây đâm lên. Vì nghĩa đó nên không thể nói chỉ có nội tâm không có ngoại cảnh.
Đáp : Kệ nói :
Nếu do nghiệp chúng sinh,
Tứ đại biến đổi thế..
Cớ sao không do nghiệp,
Tâm chuyển biến như vậy ?
Kệ này nói lên nghĩa gì ? Ông đã nói do nghiệp của tội nhân, ngoài tứ đại v.v…chuyển biến như vậy mà tâm hư vọng phân biệt nói ngoài tứ đại v.v… chuyển biến như vậy ?
Lại kệ nói :
Nghiệp huân nơi pháp khác,
Quả làm sao khác chỗ.
Thiện ác huân nơi tâm,
Cớ sao lìa tâm nói ?
Hỏi : Như ông đã nói. Sao chẳng nói do sức tội nghiệp cúa các chúng sinh kia nên tự tâm thức chuyển biến như vậy mà tâm hư vọng phân biệt nói ngoài tứ đại v.v… chuyển biến như vậy. Đó là nghĩa gì ? Bởi có A-hàm chứng nghiệm nên biết. Nói A-hàm là nói ngôn giáo do Như Lai nói ra. Đây là nghĩa gì ? Nếu chỉ có tâm thức hư vọng phân biệt thấy ngoại cảnh, không từ ngoại cảnh như sắc v.v… sinh nhãn thức v.v… thì vì nghĩa gì trong kinh, Như Lai nói 12 thứ nhập như nhãn, sắc v.v… Bởi Như Lai nói 12 nhập nên biết rõ phải có ngoại cảnh như sắc, hương, vị v.v…
Đáp : Kệ nói :
Nói nào sắc, các nhập,
Là giáo hóa chúng sinh.
Do trước người thụ pháp,
Nói rằng có hóa sinh.
Kệ này có nghĩa thế nào ? Như ông đã nói do có A-hàm chứng nghiệm nên biết ngoại cảnh như sắc, hương, vị v.v… 12 nhập đều thật có. Nếu như vậy thì nghĩa các kinh khác không phải như vậy. Bởi vì sao, vì trong các kinh khác Như Lai do tâm nghiệp kia nối tiếp nhau không đoạn không dứt, vì lẽ đó nói có chúng sinh hóa sinh. Lại trong các kinh khác nói không ngã, không chúng sinh, không thọ giả, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà có các pháp sinh. Cho nên kệ nói “Do người trước thụ pháp nói có hóa sinh”. Như vây Như Lai nói sắc v.v… các nhập là để người trước được thụ pháp. Bởi người trước chưa rõ thể của nhân duyên các pháp là không, chứ chẳng phải thật có các ngoại cảnh như sắc hương vị v.v… Cho nên kệ nói “Sắc v.v… các nhập là để giáo hóa chúng sinh”.
Hỏi : Nếu thật chẳng có sắc v.v… các nhập, vì nghĩa gì trong kinh Như Lai nói như vậy ?
Đáp : Kệ nói
Do bản tâm trí kia,
Thức vọng chấp ngoại cảnh.
Vì vậy Như Lai nói,
Có trong ngoài các nhập.
Kệ này nói nghĩa gì ? Chỉ là nội tâm hư vọng phân biệt thấy có sắc v.v…các ngoại cảnh. Đây là do chủng tử tâm ý thức v.v… chuyển biến từ vô thủy, hư vọng thấy các ngoại cảnh sắc hương vị kia, cho nên Như Lai do nơi hai pháp hư vọng kia mà nói như vậy. Hai pháp là gỉ ? Một là chủng tử bản thức. Hai là ngoại cảnh hư vọng. Y nơi hai pháp này, Như Lai nói có các nhập như nhãn, sắc v.v… Như vậy lần lượt cho đến thân, xúc do tâm hư vọng dựa vào các chuyển biến của chủng tử tâm ý thức từ vô thủy đến nay, hư vọng thấy các ngoại cảnh sắc, hương, vị v.v…. Do đó Như Lai y nơi hai pháp hư vọng này mà nói như vậy. Hai pháp là gì ? Một là chủng tử bản thức. hai là ngoại cảnh hư vọng. Y nơi hai pháp này Như Lai nói có thân, xúc v.v… các nhập lần lượt như vậy. Cho nên kệ nói do bản tâm trí thức kia vọng chấp ngoại cảnh. Cho nên Như Lai nói có nội ngoại các nhập.
Hỏi : Nếu nói như nghĩa này có những lợi ích công đức gì ?
Đáp : Kệ nói
Quán hư vọng không thật,
Như vậy nhập ngã không.
Quán nơi các pháp khác,
Nhập các pháp vô ngã.
Kệ này nói nghĩa thế nào ? Nghĩa là để Thanh văn hiểu biết do nơi sáu căn, sáu trần, sinh sáu thức. Nhãn thức thấy sắc cho đến thân thức cảm xúc, không có một pháp nào là thật. Nói cho đến không có một pháp nào là thật, là để khiến các chúng sinh có thể hóa độ được, quán sát như vậy nhập nhân không ngã không. Vì vậy kệ nói “Quán hư vọng không thật, như vậy nhập ngã không. Quán nơi các pháp khác, nhập các pháp vô ngã” . Nửa câu kệ dưới là nói nghĩa gì ? Nói quán nơi các pháp khác nghĩa là Bồ-tát quán sát chỉ có nội thức thì làm sao quán sát ? Nghĩa là Bồ-tát quán sát chỉ có nội thức không có ngoại lục trần. Do hư vọng thấy có nội ngoại căn trần mà thật chẳng có một ngoại trần nào có thể thấy như sắc v.v…cho đến thật chẳng có một xúc nào có thể cảm thấy. Quán sát như vậy thì có thể nhập vào thể không của các pháp nhân duyên.
Hỏi : Nếu tất cả các pháp rốt ráo là không, sao trước nay nói chỉ có thức ? Nếu vậy thức kia cũng phải là không, cớ sao nói chỉ có nội thức ?
Đáp : Tôi không nói rằng tất cả các pháp đều rốt ráo không. Như vậy là nhập vào các pháp vô ngã.
Hỏi : Nếu vậy sao nói nhập vào pháp vô ngã ?
Đáp : Vì để ngăn chận pháp hư vọng. Ngăn chận pháp hư vọng là bởi các ngoại đạo, tất cả phàm phu hư vọng phân biệt thật có sắc v.v..tất cả pháp thể, để ngăn chận các hư vọng phân biệt kia nên nói sắc v.v… tất cả các pháp rốt ráo là không vô, chứ không phải tất cả vô ngôn xứ đều là không vô. Nói vô ngôn xứ là chư Phật Như Lai hành xứ. Như vậy là duy chỉ có chân thức không có thức nào khác, không thể phân biệt quán sát nhập vào thức không như vậy. Như vậy là y vào thức nói nhập vào tất cả các pháp vô ngã, chứ không phải một mực hủy báng chân thức ngã bảo rằng không có Phật tính thật thức.
Hỏi : Như ông thường nói chỉ có nội thức không có ngoại cảnh. Nếu vậy nội thức là có thể chấp thủ hay không thể chấp thủ. Nếu có thể chấp thủ thì đồng với các ngoại cảnh sắc hương v.v… Nếu không thể chấp thủ tức là không có pháp, sao nói là chỉ có nội thức không có ngoại cảnh ?
Đáp : Như Lai dùng phương tiện khiến chúng sinh dần dần được nhập vào ngã không và pháp không nên nói có nội thức, nhưng thật chẳng có nội thức có thể thủ đắc. Nếu không như vậy thì không thể nói ngã không pháp không. Vì nghĩa đó nên hư vọng phân biệt tâm này biết tâm kia, tâm kia biết tâm này.
Hỏi : Lại có câu hỏi làm sao biết chư Phật Như Lai y nơi nghĩa này nên nói có sắc v.v… tất cả các nhập mà chẳng phải thật có sắc v.v… các nhập ? Lại vì thức v.v…có thể thủ ngoại cảnh, vì nghĩa đó nên không thể nói không có sắc nhập ?
Đáp : Kệ nói
Kia một không thể thấy,
Nhiều cũng không thể thấy.
Hòa hợp không thể thấy,
Nên không có trần pháp.
Kệ này nói nghĩa như thế nào ? Ông thường nói sắc v.v… các nhập đều là thật hữu. Bởi vì sao, vì thức có thể thủ ngoại cảnh. Nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Có ba nghĩa nên không có sắc nhập v.v… Những gì là ba? Một là thật có một vi trần, như các ngoại đạo Vệ-thế sư v.v…hư vọng phân biệt. Lìa đầu, mắt các thân phần ra thật có thần ngã. Vi trần cũng vậy, lìa sắc hương v.v… thật có chăng ? Hai là thật có nhiều vi trần khác nhau có thể thấy chăng ? Ba là nhiều vi trần hòa hợp có thể thấy chăng ? Đây là nghĩa thế nào ? Nếu thật có một vi trần kia thì không thể thấy. Như các ngoại đạo Vệ-thế sư hư vọng phân biệt cho rằng lìa đầu mắt các thân phần ra có một thần ngã không thể thấy được. Vi trần cũng vậy, lìa sắc hương v.v… không thể thấy được. Vì vậy cho nên không có một trần có thể thấy. Cho nên kệ nói “ Kia một không thể thấy”. Nếu thật có nhiều vi trần khác nhau thì mỗi một vi trần phải được thấy rõ, nhưng không thể thấy. Vì nghĩa đó nhiều vi trần khác nhau cũng không thể thấy. Cho nên kệ nói “Nhiều cũng không thể thấy”. Nếu nhiều vi trần hòa hợp có thể thấy thì đây cũng không phải như vậy. Bởi vì sao ? Vì một vi trần thật không có vật làm sao hòa hợp ? Cho nên không thành. Vì vậy kệ nói “Hòa hợp không thể thấy”.
Hỏi : Tại sao khôngt thành ?
Đáp : Kệ nói
Sáu trần đồng thời hợp,
Thì trần có sáu tướng.
Nếu sáu là một chỗ,
Các đại là một trần.
Kệ này nói nghĩa thế nào ? Nếu các vi trần từ sáu phương đến sáu trần hòa hợp. Nếu vậy trần có sáu phương. Nếu có sáu phương thì có sáu tướng. Lại nếu vi trần có sáu nơi thì không dung nạp các trần khác. Cho nên kệ nói “Sáu trần đồng thời hợp, thì trần có sáu tướng”. Nếu sáu trần là một chỗ thì chỗ của một vi trần có sáu vi trần. Nếu như vậy sáu vi trần là một chỗ. Một chỗ thì không thể thấy sáu vi trần. Bởi vì sao ? Vì vi trần này vi trần kia không khác nhau. Nếu như vậy tất cả các vật thô hiển như núi sông các thứ cũng không thể thấy. Cho nên kệ nói “Nếu sáu là một chỗ, các đại là một trần”. Một trần là không có vật như trước thường đáp. Một , nhiều hòa hợp không thể thấy cho nên sư Tì-bà-sa nước Kế Tân hỏi rằng : Ngã không có lỗi như vậy. Bởi vì sao ? Bởi vì ngã, vi trần không có tướng 6 phương, vì lìa sắc hương vị xúc mà cùng thô vật hòa hợp thành tứ đại v.v… tất cả thô vật.
Đáp : Kệ nói
Nếu vi trần không hợp,
Chúng hợp thành cái gì ?
Nói vi trần không tướng,
Thành được thì có tướng.
Kệ này nói nghĩa như thế nào ? Là vi trần hòa hợp thành tứ đại hay là lìa vi trần mà thành tứ đại riêng? Đây là nghĩa thế nào ? Nếu cho rằng vi trần thành tứ đại thì không thể nói rằng vi trần không có tướng không thể hòa hợp nhau. Nếu nói lìa vi trần thành tứ đại, vậy cái tứ đại là tứ đại của ai ? Nếu như vậy thì không thể nói vi trần không có 6 tướng. Cho nên kệ nói “Nếu vi trần không hợp, chúng hợp thành cái gì ?” Đây là nghĩa thế nào ? Nếu các vi trần kia không hòa hợp nhau thành tứ đại thì không thể nói trần không có sáu tướng cùng với thô vật hợp thành tứ đại. Ông nói cùng với thô vật hợp thành tứ đại là chỉ có nói chứ không có sự thật, cho nên vi trần không thành một vật. Nếu vi trần kia không thành một vật thì nói thành tứ đại các vật kia đều là hư vọng. Vì vậy kệ nói “Nói vi trần không tướng,thành được thì có tướng”. Kệ lại nói :
Có pháp, phương sở khác,
Kia không được nói một.
Ảnh chướng chẳng phải đại,
Hai kia chẳng phải chúng.
Kệ này nói nghĩa như thế nào ? Ông thường nói vi trần hòa hợp, nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Kệ nói “Có pháp phương sở khác, kia không được nói một” . Có pháp thì phương sở khác nghĩa là nơi có vi trân ở phương Đông khác với nơi có vi trần ở phương Tây. Nơi có vi trần ở phương Tây khác với nơi có vi trần ở phương Đông. Cho đến phương trên phương dưới nơi có vi trần đều như vậy. Nếu thể của vi trần khác biệt nhau như vậy thì làm sao nói là một ? Cho nên kệ nói “Có pháp, phương sở khác, kia không thể nói một”. Ảnh chướng nếu chẳng phải đại là nghĩa thế nào ? Nếu mỗi mỗi vi trần không có phương xứ thì vì nghĩa gì mặt trời mọc phương Đông có bóng ở phương Tây, ở phương Tây thì có bóng ở phương Đông ? Nếu vi trần không có tướng Đông phương Tây phương thì vì nghĩa gì mặt trời chỉ chiếu một tướng không chiếu nhiều tướng khác ? Vì vậy vi trần không thành các đại. Cho nên kệ nói “Ảnh chướng chẳng phải đại, hai kia chẳng phải chúng” Kia là cái gì, vì sao hai ? Một là nơi ánh sáng chiếu. Hai là nơi che ánh sáng. Đây là nói nghĩa như thế nào ? Nếu vi trần kia không che trần này thì không thể nói trần có phương sở. Bởi vì sao ? Bởi vi trần không phương sở phân chia mười phương sai biệt. Vì vi trần phương Đông kia đến không thể che vi trần ở phương Tây. Vi trần phương Tây cũng không thể che vi trần ở phương Đông. Nếu vi trần kia đây không che lẫn nhau thì tất cả vi trần tụ tại một chỗ. Nếu tụ tại một chỗ tức không có chỗ. Do nghĩa đó nên tất cả tứ đại đều là vi trần. Đều là vi trần thì không thể thấy, như trước thường nói.
Hỏi : Vì sao không nói tứ đại ảnh chướng, lại nói vi trần có ảnh chướng ?
Đáp : Tôi hỏi lại ông là lìa vi trần có riêng tứ đại , hay chỉ nói tứ đại có ảnh chướng ?
Hỏi : Người hỏi giải thích là không lìa vi trần mà có ảnh chướng.
Đáp : Không lìa vi trần có tứ đại, tức là chẳng phải tứ đại mà có ảnh chướng. Vậy sao không nói vi trần tự nó có ảnh chướng, chẳng phải tứ đại có ảnh chướng ?
Hỏi : Là vi trần có ảnh chướng hay tứ đại có ảnh chướng ? Vả lại đã đặt như vậy thì không cần phân biệt, mà tướng của sắc nhập v.v…không thể khiến là không.
Đáp : Tôi lại hỏi ông lấy những pháp nào là các tướng nhập ?
Hỏi : Người hỏi giải thích các cảnh của nhãn là xanh vàng đỏ trắng, các pháp như vậy là các tướng nhập.
Đáp : Ý tôi chính vì suy nghĩ điều này muốn lợi ích chúng sinh. Bởi vì sao ? Nhãn nhập nội, các cảnh xanh vàng v.v… là một vật hay nhiều vật ? Nếu như nhiều vật thì như đã nói không thể thấy. Nhưng nếu là một vật cũng không thể thủ. Kệ nói :
Nếu một không thứ tự,
Lấy, bỏ cũng không đồng.
Sai biệt quá nhiều nơi,
Vi tế cũng phải thấy.
Kệ này có nghĩa như thế nào ? Nếu thuần một vật màu xanh không xen các màu vàng v.v… Nếu người phân biệt cảnh giới của mắt đi trên đất không thể nói là đi có thứ tự. Cho nên kệ nói “Nếu một không thứ tự”. Câu này nói nghĩa như thế nào ? Nếu thuần một màu xanh tức là một vật. Khi cất một chân tức đi khắp cả nơi màu xanh. Bởi không đi khắp nên không phải một. “Lấy, bỏ cũng không đồng” , câu này nói nghĩa như thế nào ? Nếu thuần một vật màu xanh thì khi chân bước đi tại sao chỉ đúng nơi chân bước và đang bước còn chỗ chân chưa bước tới là chỗ trống không ? Vì nghĩa gì không một lúc bước mà có chỗ đến có chỗ không đến ? Lại nữa nếu là một vật thì không thể nói chân bước chỗ này không bước chỗ kia. Cho nên kệ nói “Lấy bỏ cúng không đồng”. ”Sai biệt rất nhiều nơi” , câu này nói nghĩa như thế nào ? Nếu thuần một đoạn màu xanh là một vật thì vì nghĩa gì có nhiều sai biệt ? Voi, ngựa, xe cộ không cùng một chỗ. Nếu là một thì chỗ voi trắng ở cũng là chỗ ngựa ở. Nếu vậy không nên có chỗ ở của voi ngựa khác nhau. Lại nữa nếu là một thì vì nghĩa gì chỗ voi đến thì ngựa v.v… không đến ? Lại nữa giữa voi ngựa sao lại có khoảng không. Vì vậy kệ nói “Sai biệt rất nhiều chỗ”. “Vi tế cũng phải thấy” câu này là nghĩa thế nào ? Nếu kia xanh v.v… là một vật thì trong nước kia các vật màu xanh có màu xanh các trùng lớn nhỏ v.v… vì nghĩa gì chỉ thấy trùng lớn không thấy trùng nhỏ ? Vì vậy kệ nói “Lớn nhỏ cũng phải thấy”.
Hỏi : Vì nghĩa gì ý thức tư duy cái màu xanh vàng kia ?
Đáp : Như ông thường nói hư vọng phân biệt các tướng nhập như các cảnh màu xanh v.v… là thật có, cho nên tôi quán vi trần sai biệt, mà vi trần kia không thành một vật. Không thành một cho nên sắc v.v… các cảnh giới mắt không chấp thủ. Cho nên thành ngã chỉ có nội thức không có cảnh giới bên ngoài.
Hỏi : Dựa vào tin mà nói là có. Tin có 4 thứ : 1.hiện thấy, 2.so sánh biết, 3.thí dụ, 4.A-hàm. Trong các thứ tin hiện thấy mà tin là hơn cả. Nếu không có ngoại cảnh có màu sắc sao người đời nói tôi hiện thấy vật màu xanh này ?
Đáp : Kệ nói
Hiện thấy như chiêm bao,
Thấy, bị thấy không cùng.
Khi thấy không phân biệt,
Sao nói là hiện thấy ?
Kệ này nói nghĩa như thế nào ? Trước tôi đã nói thấy chiêm bao là hư vọng. Phàm phu phiền não, những gì thấy trong chiêm bao đều như vậy. Cho nên kệ nói “Hiện thấy như chiêm bao”. “Thấy, bị thấy không cùng”, câu này là nghĩa thế nào ? Như hiện thấy sắc mà không biết nghĩa của sắc. Nghĩa này như thế nào ? Như người kia khi hiện thấy màu xanh v.v… nghĩ rằng ta tuy hiện thấy các màu xanh vàng v.v…khi ấy không thấy nghĩa của màu xanh v.v… Bởi vì sao ? Vì sau đó ý thức phân biệt mới biết. Khi ý thức phân biệt không có nhãn thức v.v… vì nhãn thức v.v… trước đó đã diệt làm sao nói rằng tôi hiện thấy màu xanh màu vàng kia v.v… Trong Phật pháp không có nghĩa như vậy. Bởi vì sao ? Bởi tất cả pháp mỗi niệm mỗi niệm không dừng trụ, cho nên khi thấy sắc không có ý thức đó và cảnh giới đó. Khi ý thức khởi thì không có nhãn thức và cảnh giới đó. Vì nghĩa đó, không thể nói rằng trong bốn thứ tin, cái tin hiện thấy là hơn cả. Vì vậy kệ nói “Thấy, bị thấy không cùng”. Khi thấy không phân biệt nên làm sao nói là hiện thấy được.
Hỏi : Nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Bởi vì những ngoại cảnh trông thấy trước hết là nhãn thức thấy, sau thì ý thức suy nghĩ hiểu biết. Cho nên ắt có sắc hương vị v.v… các ngoại cảnh. Vì nghĩa đó, không thể nói là không có ngoại cảnh kia. Bởi vì sao ? Vì thấy các ngoại cảnh xanh v.v…nên nói là hiện thấy cảnh giới xanh v.v…
Đáp : Nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Ông đã nói trước nhãn thức thấy, sau ý thức nhớ nghĩ biết. Nghĩa này không thành. Bởi vì sao ? Tôi đã nói trước rằng tự tâm thức bên trong hư vọng phân biệt có cảnh giới bên ngoài chứ không có các cảnh giới bên ngoài như sắc v.v… Đã nói nhãn thức hư vọng phân biệt như nói tất cả những thứ thấy trong chiêm bao. Dựa theo thời gian trước hư vọng phân biệt ngoại cảnh như sắc v.v…thời gian sau ý thức tư duy ức niệm. Đây là do nghĩa gì ? Dựa theo thời gian trước hư vọng phân biệt ngoại cảnh như sắc v.v…. hư vọng nhãn thức khởi tâm tương ưng, hư vọng ý thức hư vọng phân biệt tư duy như vậy, nên ta phân biệt biết ngoại cảnh màu xanh v.v…, không thể nói mắt thấy cảnh giới, ý thức phân biệt. Vì nghĩa đó nhãn thức thấy sắc, thời gian sau nghĩ nhớ. Nghĩa này không thành.
Hỏi : Như chiêm bao thấy sắc hư vọng nhớ nghĩ. Khi thức cũng vậy cũng hư vọng phân biệt. Nếu vậy thì người đời thấy chiêm bao đều biết là hư vọng. Những gì thấy khi thức đều không hư vọng. Như vậy những gì thấy khi thức như sắc v.v… không đồng như những gì hư vọng thấy trong chiêm bao.
Đáp : Kệ nói
Trước nói hư vọng thấy,
Là do hư vọng nhớ.
Thấy chiêm bao hư vọng,
Chưa thức thì không biết.
Kệ này nghĩa như thế nào ? Ông đã nói như chiêm bao thấy sắc, đều là hư vọng. Những gì thấy khi thức đều không phải như vậy. Sự so sánh này nghĩa không tương ưng nhau. Bởi vì sao ? Bởi những gì thấy chiêm bao, khi chưa thức đều cho là thật. Cho đến khi thức dậy mới biết là hư vọng. Cho nên kệ nói “Thấy chiêm bao hư vọng, chưa thức thì không biết”. Như vậy những phàm phu trong thế gian từ vô thủy đến nay hư vọng điên đảo phân biệt huân tập trong giấc ngủ chiêm bao của vô minh, trong cái không thật, hư vọng phân biệt thấy ngoại cảnh cho là thật. Khi tỉnh giấc chiêm bao mới biết các cảnh giới kia đều là hư vọng. Đây là vì nghĩa gì ? Là để được cái thật trí, xuất thế đối trị, không có phân biệt, biết như thật rằng tất cả ngoại pháp thế gian như sắc v.v… đều là hư vọng. Y nơi thật trí thanh tịnh xuất thế gian kia sẽ được cái thắng trí thế gian và xuất thế gian hiện tiền. Hiểu biết như thật, thấy tất cả cảnh giới đều hư vọng, nghĩa đó với thấy chiêm bao không khác nhau.
Hỏi : Nếu chỉ tự tâm chuyển biến như thế, hư vọng phân biệt thấy cảnh giới bên ngoài kia không thật là có nghĩa gì ? Gặp thiện tri thức nghe nói thiện pháp. Gặp ác tri thức nghe nói ác pháp. Nếu không có tất cả cảnh giới bên ngoài thì làm sao họ nói ? Nếu không nói thì làm sao nghe ? Nếu không nghe thì thành thứ gì ?
Đáp : Kệ nói
Thường cùng nhân tăng thượng,
Kia đây tâm duyên hợp.
Vô minh che nơi tâm,
Nên mộng, tỉnh, quả khác.
Kệ này nghĩa thế nào ? Tất cả chúng sinh hư vọng phân biệt, tư duy nghĩ nhớ người kia nói mình nghe. Y nơi người kia nói là ý thức. Ở nơi cái nghe của người nghe này là ý thức. Khởi tâm như vậy thì người kia nói mình nghe nhưng thật không có cảnh giới kia trước mặt. Cho nên kệ nói “Thường cùng nhân tăng thượng, kia đây tâm duyên hợp”.
Hỏi : Nếu như trong chiêm bao là tâm thức hư vọng không có cảnh giới thật thì khi thức cũng vậy là nghĩa thế nào ? Trong chiêm bao, trong khi thức làm các pháp thiện ác, yêu cùng không yêu, quả báo không giống nhau ?
Đáp : Kệ nói “Vô minh che nơi tâm, nên mộng tỉnh quả khác”, câu này nghĩa gì tôi trước đã nói. Chỉ có nội tâm không có ngoại cảnh. Vì tâm lúc chiêm bao và lúc thức không giống nhau nên không dựa vào cảnh giới bên ngoài mà thành tựu thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp.
Hỏi : Nếu ba cõi kia chỉ là nội tâm, không có thân, khẩu, ngoại cảnh thì vì nghĩa gì những đồ tễ, thợ săn giết hại heo dê bò ngựa v.v…, nếu chúng chẳng phải là đồ tễ thợ săn giết hại heo dê bò ngựa v.v… thì vì sao các đồ tễ thợ săn v.v…bị tội sát sinh ? Vì vậy cho nên phải có ngoại cảnh sắc hương thân khẩu v.v…
Đáp : Kệ nói
Chết y nơi tâm khác,
Mà cũng y tự tâm.
Y nhiều thứ nhân duyên,
Phá mất tự tâm thức.
Kệ này nghĩa thế nào ? Như có người do quỷ Tì-xá-xà mà mất bản tâm, hoặc do tự tâm mà mất tự tâm, hoặc nghĩ nhớ chuyện yêu hay không yêu mà mất tự tâm, hoặc chiêm bao thấy quỷ ám mà mất tự tâm, hoặc có thánh nhân thần thông chuyển biến làm mất tự tâm. Như trong kinh nói Tì-kheo Đại Ca-chiên-diên làm cho vua Bà-la-na thấy ác mộng v.v… Lại như trong luật nói có một Tì-kheo ban đêm dẫm vỏ dưa nói giết con ểnh ương, chết vào trong ác đạo. Cho nên kệ nói “Y nhiều thứ nhân duyên, phá mất tự tâm thức” là như vậy. “Chết y nơi tâm khác,mà cũng y tự tâm.” , điều này làm sao biết ? Vì do sân tâm của người tiên giận một A-tu-la vương tên Tì-ma-chất-đa-la nên giết các chúng sinh. Vị này do tha tâm, tha chúng sinh tâm, hư vọng phân biệt mà mạng căn tạ diệt. Vì thân mạng kia tương tục đoạn tuyệt, nên biết như thế. Lại kệ nói
Kinh nói Đàn-noa-ca,
Ca-lăng, và Ma-đăng.
Người tiên sân, nên không,
Cho nên tâm nghiệp nặng.
Kệ này nghĩa thế nào ? Nếu có người chết mà không do tâm người khác, cũng không do tâm mình, như vậy là nghĩa thế nào ? Như Lai muốn thành tâm nghiệp là nặng cho nên trong kinh hỏi trưởng giả Ưu-ba-li rằng : Trưởng giả ! ông đã từng nghe vì nhân duyên gì ở nước Đàn-noa-ca, nước Ca-lăng-ca, nước Ma-đăng-già nơi đồng trống hoang vắng không có chúng sinh và cây cỏ phải không ? Trưởng giả Ưu-ba-li bạch Phật rằng : Cù-đàm ! Xưa tôi từng nghe do sân tâm người tiên đã sát hại vô lượng chúng sinh như vậy. Do đó biết rằng chỉ có ý nghiệp. Nếu không như vậy cớ sao Như Lai nói trong các kinh như thế ? Vì vậy kệ nói “Kinh nói Đàn-noa-ca,Ca-lăng và Ma-đăng.Vì tiên giận, nên không,”.
Hỏi : Do sân tâm người tiên, do người tiên quỷ sát hại chúng sinh 3 nước, chẳng phải do sân tâm người tiên mà chết.
Đáp : Như Lai hỏi người theo học Ni-kiền tử đã lâu rằng trong kinh ngoại đạo của ông thì trong 3 nghiệp nghiệp nào nặng ? Người học Ni-kiền tử đã lâu trả lời Như Lai rằng thân nghiệp nặng. Phật bảo Ni-kiền tử : Chúng sinh trong các thành kia nhiều hay ít ? Người học ngoại đạo đã lâu đáp : Nhiều vô lượng vô biên không thể tính hết. Phật nói : Ni-kiền tử ! Nếu có người ác muốn giết hại các chúng sịnh này thì mấy ngày có thể giết ? Ni-kiền tử nói : Không thể giết được trong một hai năm. Phật bảo người học Ni-kiền tử đã lâu rằng : Chúng sinh trong ba nước Ma-đăng-già v.v… ông đã từng nghe chết như thế nào chăng ? Là thân nghiệp sát hay ý nghiệp sát ? Ni-kiền tử nói : Cù-đàm ! Xưa tôi từng nghe rằng sân tâm người tiên dùng ý nghiệp giết số chúng sinh kia. Phật nói : Ni-kiền tử ! Như vậy sao nói thân nghiệp là nặng ? Ni-kiền tử nói : Đúng rồi ! Đúng rồi ! Tôi không rõ nghĩa lý nghe lầm mà nói. Vì nghĩa này chứng minh nghĩa của tôi là đúng. Ba cõi duy tâm, không có thân khẩu nghiệp là nghĩa thế nào ? Như người đời nói giặc đốt núi rừng xóm làng nhà cửa không nói lửa đốt, nghĩa này cũng giống như vậy. Chỉ do tâm mới thành nghiệp thiện ác. Vì nghĩa đó, kệ trong kinh nói :
Các pháp tâm là gốc,
Các pháp tâm hơn cả.
Lìa tâm, không các pháp,
Chỉ tâm, thân, miệng : tên.
“Chỉ tâm, thân, miệng : tên” nghĩa là chỉ do tâm thức, không có nghiệp thân nghiệp miệng. Nói thân khẩu nghiệp là chỉ có tên gọi thôi, thật sự là ý nghiệp, thân khẩu là nói cái tên.
Hỏi : Nếu chỉ có tâm không có ngoại cảnh, nghĩa này không phải vậy. Bởi vì sao ? Nói tha tâm trí là quán sát tâm người khác, tâm chúng sinh khác, như vậy là ngoại cảnh, sao nói là không ngoại cảnh? Đây lại một câu vấn nạn nữa. Nói tha tâm trí là tâm thật biết hay không thật biết ? Nếu không biết làm sao nói biết nơi tâm người khác ? Nểu thật biết thì sao nói không có ngoại cảnh ?
Đáp : Kệ nói
Tha tâm biết nơi cảnh,
Chẳng bằng thật hiểu biết.
Vì phi tạp thức, cảnh,
Chỉ Phật biết như thật.
Kệ này có nghĩa như thế nào ? Tha tâm trí, chẳng bằng biết như thật. Bởi vì sao ? Vì do nội tâm hư vọng phân biệt cho rằng tha tâm không thể hiểu biết. Bởi vì sao ? Vì tự tâm ý, ý thức tạp loạn. Vì vậy kệ nói “ Tha tâm biết nơi cảnh, chẳng bằng thật hiểu biết. Vì phi tạp thức cảnh, chỉ Phật biết như thật”.
Hỏi : Tất cả thánh nhân không thể biết tâm chúng sinh khác hay có biết ?
Đáp : Kệ nói
Làm Luận Duy Thức này,
Chẳng tự ta suy nghĩ.
Cảnh giới Phật nhiệm mầu,
Phúc đức thí quần sinh.
Kệ này có nghĩa thế nào ? Đây là cảnh giới rất sâu của chư Phật, chẳng phải chúng ta suy nghĩ biết được. Bởi vì sao ? Vì đó chẳng phải cảnh giới tư duy của tâm ý ý thức. Nếu vậy là cảnh giới của ai ? Kệ nói “ Cảnh giới nhiệm mầu của chư Phật”. Nghĩa này thế nào ? Chỉ chư Phật Như Lai dùng nhất thiết chủng trí biết được như thật tất cả cảnh sở tri. DUY THỨC LUẬN
( Hết )
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.168.40 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.