Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 89
Giải Thích: Phẩm Ðàm-Vô-Kiệt Thứ 89
KINH: Bấy giờ Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Này thiện nam tử, chư Phật không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, vì sao? Vì các pháp như như bất động; các pháp như tức là Phật. Này thiện nam tử, pháp vô sinh không đến không đi; pháp vô sinh tức là Phật. Pháp vô diệt không đến không đi; pháp vô diệt tức là Phật. Phát thật tế không đến không đi; pháp thật tế tức là Phật. Không, không đến không đi; không tức là Phật. Này thiện nam tử, không nhiễm không đến, không đi; không nhiễm tức là Phật. Tịch diệt không đến, không đi; tịch diệt tức là Phật. Tính hư không không đến, không đi; tính hư không tức là Phật. Này thiện nam tử, lìa các pháp ấy lại không có Phật. Chư Phật như, các pháp như là một như, không có phân biệt. Này thiện nam tử, như ấy thường một, không hai, không ba, ra ngoài pháp số, không có sở hữu. Thí như ánh trăng vào lúc cuối xuân và khi giữa ban ngày nóng bức, có người thấy ánh nắng lung linh. bèn chạy theo tìm, mong có được nước, ý ông nghĩ sao, nước ấy từ ao, từ núi hay từ suối đến? Nay nó đi về đâu? Hoặc vào biển đông, biển tây, biển nam hay biển bắc?
Tát-đà-ba-luân thưa: Thưa đại sư, giữa ánh nắng còn không có nước, làm sao có chỗ đến, chỗ đi?
Ðàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Này thiện nam tử, người ngu vô trí vì nóng khát bức bách, thấy ánh nắng lung linh, không có nước mà tưởng là nước. Này thiện nam tử, có người phân biệt chư Phật có đến có đi, nên biết người ấy đều là kẻ ngu, vì sao? Vì chư Phật không thể thấy bằng sắc thân; mà pháp của chư Phật không đến không đi. Chỗ chư Phật đến, chỗ chư Phật đi cũng như vậy; thí như vị thầy huyễn thuật, huyễn làm ra các đồ vật hoặc voi, hoặc ngựa, hoặc trâu dê, hoặc trai gái; các đồ vật như vậy, ý ông nghĩ sao? Việc huyễn ấy từ chỗ nào đến và đến chỗ nào?
Tát-đà-ba-luân đáp: Thưa đại sư, việc huyễn còn không thật, làm sao có chỗ đến, chỗ đi?
Này thiện nam tử, người phân biệt Phật có đến có đi cũng như vậy. Thí như trong mộng thấy voi ngựa, trâu, dê, trai gái, ý ông nghĩ sao, các vật trông thấy trong mộng ấy có chỗ đến, chỗ đi chăng?
Tát-đà-ba-luân thưa: Thưa đại sư, các vật thấy trong mộng là hư dối, làm sao có đến có đi?
Này thiện nam tử, người phân biệt Phật có đến có đi cũng như vậy. Phật nói các pháp như mộng, nếu có chúng sinh không biết nghĩa của pháp ấy, dùng danh từ sắc thân mà đắm trước Phật, người ấy phân biệt chư Phật có đến có đi, vì không biết thật tướng các pháp nên đều là ở trong số kẻ ngu vô trí. Người ấy thường thường qua lại trong năm đường sinh tử, xa lìa Bát-nhã ba-la-mật, xa lìa Phật pháp. Này thiện nam tử, Phật nói các pháp như huyễn, như mộng. Nếu có chúng sinh biết như thật thời người ấy không phân biệt các pháp hoặc đến hoặc đi hoặc sinh hoặc diệt; nếu không phân biệt các pháp hoặc đến hoặc đi hoặc sinh hoặc diệt thời có thể biết thật tướng các pháp của Phật nói. Người ấy hành Bát-nhã ba-la-mật gần Vô thượng chánh đẳng chánh giác, gọi là chơn Phật tử, không hư dối, khi thọ dụng của tín thí, người ấy đáng hưởng thọ cúng dường, làm ruộng phước cho thế gian. Thí như các châu báu trong biển nước lớn, không từ phương đông đến, không từ phương nam, tây, bắc, bốn góc trên dưới đến, mà do căn lành của chúng sinh nên biển sinh các thứ châu báu ấy. Châu báu ấy cũng chẳng phải không có nhân duyên sinh, châu báu ấy đều từ nhân duyên hòa hợp sinh. Châu báu ấy nếu diệt cũng không đi đến mười phương; do duyên hợp nên có, duyên tan rã nên diệt. Này thiện nam tử, thân chư Phật cũng như vậy, từ nhân duyên bản nghiệp mà có quả báo sinh; sinh không từ mười phương đến, diệt cũng không đi đến mười phương; chỉ các duyên hợp nên có, các duyên li tán nên diệt. Thí như tiếng đàn Không hầu, khi đi ra không có chỗ đến, khi diệt không có chỗ đi, đủ nhân duyên hòa hợp thời có, như có bầu, có cổ, có da, có dây, có trụ, có nút vặn và có người lấy tay gẩy. Ðủ các duyên hòa hợp như vậy thời có tiếng. Tiếng ấy không từ bầu ra, không từ cổ ra, không từ da ra, không từ dây ra, không từ trục ra, cũng không từ tay người ra, đủ các nhân duyên hòa hợp nên có tiếng. Khi nhân duyên xa lìa thời không có chỗ đi. Này thiện nam tử, thân chư Phật cũng như vậy, từ vô lượng công đức sinh ra, không từ một nhân, một duyên hay một công đức sinh; cũng chẳng phải không có nhân duyên mà có, đủ các duyên hòa hợp nên có. Thân chư Phật không chỉ từ một việc thành, đến không từ đâu đến, đi không đến đâu. Này thiện nam tử, nên như vậy biết tướng đi tướng đến của chư Phật, cũng nên biết hết thảy pháp không có tướng đến đi. Nếu người biết chư Phật và các pháp không đến không đi, không sinh không diệt thời chắc chắn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng có thể hành Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện.
Bấy giờ trời Ðế-thích lấy hoa Mạn-đà-la trời cho Tát-đà-ba-luân, nói rằng: Này thiện nam tử, dùng hoa này cúng dường Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt, ta sẽ thủ hộ cúng dường ngài, vì sức nhân duyên của ngài mà ngày nay làm lợi ích trăm ngàn vạn ức chúng sinh khiến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này thiện nam tử, người lành như vậy rất là khó gặp, vì lợi ích chúng sinh nên trải qua vô lượng vô số kiếp chịu siêng khổ.
Tát-đà-ba-luân nhận hoa Mạn-đà-la của trời Ðế-thích đem rải trên Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt, thưa rằng: Thưa đại sư, con từ nay thân này thuộc về đại sư, cung cấp cúng dường. Thưa như vậy rồi chấp tay đứng trước đại sư. Khi ấy người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái cũng thưa Tát-đà-ba-luân rằng: Thân chúng tôi từ nay cũng thuộc về đại sư. Nhờ nhân duyên thiện căn này mà chúng tôi sẽ được pháp như vậy, cũng như đại sư đã được. Cùng với đại sư đời đời cúng dường chư Phật, đời đời thường cúng Phật. Khi ấy Tát-đà-ba-luân nói với người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái rằng: Nếu các chị đem tâm thành kính thuộc về ta thời ta sẽ thọ nhận. Các người con gái nói: Chúng tôi đem tâm thành kính thuộc về thầy, theo thầy dạy bảo. Khi ấy Tát-đà-ba-luân và 500 cô gái đem theo vật báu trang nghiêm đồ cúng dường thượng diệu và 500 cỗ xe bảy báu dâng lên Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt và thưa rằng: Thưa đại sư, chúng con đem 500 người con gái này và 500 cỗ xe phụng cấp đại sư, tùy đại sư sử dụng.
Bấy giờ trời Ðế-thích khen ngợi Tát-đà-ba-luân rằng: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Bồ-tát nên bỏ hết thảy của cải như vậy. Bố thí như vậy, mau được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cúng dường người thuyết pháp như vậy chắc chắn được nghe Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện. Chư Phật quá khứ khi xưa hành đạo Bồ-tát cũng bố thí như vậy mà được nghe Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bấy giờ, Ðàm-vô-kiệt muốn khiến cho thiện căn Tát-đà-ba-luân đầy đủ, nên thọ nhận 500 cỗ xe, người con gái trưởng giả và 500 người hầu gái; thọ nhận rồi cho trở lại Tát-đà-ba-luân.
Khi ấy Ðàm-vô-kiệt thuyết pháp đến hết ngày, rồi đứng dậy đi vào cung. Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: Ta vì pháp mà đi đến, không nên ngồi nằm, nên dùng hai việc hoặc đi hoặc đứng để hầu hạ pháp sư. Từ trong cung đi ra thuyết pháp. Bầy giờ Ðàm-vô-kiệt trong bảy năm nhất tâm vào vô lượng vô số tam-muội của Bồ-tát, hành Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện. Tát-đà-ba-luân bảy năm kinh hành, đứng mãi không nằm, không ngồi, không ngủ nghỉ, không có dục, sân hận bức não, tâm không đắm vị, chỉ nghĩ tới Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt lúc nào sẽ từ tam-muội dậy, đi ra thuyết pháp. Tát-đà-ba-luân qua bảy năm nghĩ rằng: Ta sẽ vì Ðàm-vô-kiệt mà trải pháp tòa. Ðàm-vô-kiệt sẽ ngồi trên tòa thuyết pháp, ta sẽ quét dọn đất cho sạch sẽ, rải các thứ hoa để trang nghiêm chỗ ấy, vì Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt sẽ thuyết Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện.
Khi ấy, Tát-đà-ba-luân cùng với người con gái của vị trưởng giả và 500 người hầu gái vì Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt mà trải giường bảy báu. Năm trăm người con gái cởi áo trên để trải trên tòa, nghĩ rằng: Ðàm-vô-kiệt sẽ ngồi trên tòa này nói Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện. Tát-đà-ba-luân trải tòa rồi tìm nước, chùi đất mà không được, vì cớ sao? Vì ác ma ngăn che làm cho nước không hiện. Ma nghĩ rằng: Tát-đà-ba-luân tìm nước không được thời đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác sẽ sinh tâm yếu luốt, tâm đổi khác, thời căn lành không tăng trưởng, trí tuệ không soi sáng, đối với Nhất thiết trí bị chướng ngại.
Bấy giờ Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: Ta sẽ tự cắt thân mình lấy máu rửa đất, khiến đất không có bụi, làm nhớp đại sư, ta đâu dùng thân này, thân này chắc chắn sẽ hư hoại. Ta từ vô thỉ sinh tử đến nay mà chưa từng vì pháp. Liền lấy dao bén tự cắt thân ra máu, rửa đất. Tát-đà-ba-luân và con gái trưởng giả cùng 500 hầu gái đều không có tâm đổi khác. Ác ma cũng không thể làm gì được. Khi ấy trời Ðế-thích nghĩ rằng: Chưa từng có! Tát-đà-ba-luân mến mộ pháp đến như vậy, dùng dao tự rạch mình ra máu để rửa đất. Tát-đà-ba-luân và các người nữ tâm không chuyển động, ác ma Ba tuần không thể phá hoại căn lành của họ. Tâm kia kiên cố, phát thề nguyện đại trang nghiêm không tiếc thân mạng, vì tâm sâu xa muốn cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, sẽ độ hết thảy chúng sinh thoát khỏi vô lượng khổ sinh tử. Trời Ðế-thích khen ngợi Tát-đà-ba-luân: Lành thay, lành thay, thiện nam tử! Sức tinh tấn của Ngài rất lớn, kiên cố khó lay động, không thể nghĩ nghì. Ông ái mộ pháp cầu pháp rất là vô thượng. Này thiện nam tử, chư Phật quá khứ cũng như vậy, vì tâm ái mộ pháp sâu xa, tiếc pháp, quý trọng pháp mà chứa nhóm các công đức, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: Ta nên vì Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt mà trải pháp tòa, rưới quét đất sạch sẽ xong sẽ đi đến chỗ nào tìm được hoa danh tiếng làm trang nghiêm chỗ đất này? Nếu Ðàm-vô-kiệt khi ngồi trên pháp tòa thuyết pháp ta cũng sẽ trải hoa cúng dường. Trời Ðế-thích biết tâm của Tát-đà-ba-luân nghĩ gì, liền lấy ba ngàn đấu hoa Mạn-đà-la trời đem cho Tát-đà-ba-luân. Tát-đà-ba-luân nhận hoa xong, lấy một nữa rải trên đất, để lại một nữa chờ Ðàm-vô-kiệt khi ngồi trên pháp tòa thuyết pháp sẽ cúng dường.
Bấy giờ Ðàm-vô-kiệt qua bảy năm rồi từ các tam-muội dậy, vì chúng nói Bát-nhã ba-la-mật, có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng cung kính vây quanh, đi đến ngồi trên pháp tòa. Tát-đà-ba-luân khi thấy Ðàm-vô-kiệt thời tâm rất vui vẻ; thí như Tỳ-kheo khi vào thiền thứ ba.
LUẬN: Tát-đà-ba-luân tuy biết các pháp không, không có tướng đến, đi mà chưa thể vào sâu, nên cũng không hiểu các pháp môn. Vì đối với thân Phật quá cung kính, thâm trọng nên không thể quán không; như sóng trên biển lớn, sức nó tuy lớn song đến bên núi Tu-di thời ngưng lại, không có tác dụng. Tát-đà-ba-luân cũng như vậy, tuy có tâm và trí lực lớn mà đến chỗ Phật thời cũng vô dụng. Thế nên Ðàm-vô-kiệt vì Tát-đà-ba-luân nói cho biết chư Phật không từ đâu đến, đi không đến đâu. Trong kinh này Ðàm-vô-kiệt tự nói nhân duyên: Các pháp như như bất động; các pháp như tức là Phật.
Hỏi: Thế nào là các pháp như?
Ðáp: Thật tướng các pháp là tính không, không có sở đắc; các pháp môn không v.v...
Hỏi: Ðại Bát-nhã là pháp bậc nhất ở trong sáu Ba-la-mật của Phật pháp Ðại thừa, nếu không có Phật thời không có người nói Bát-nhã. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, mười lực, bốn điều không sợ, sắc pháp, vô sắc pháp và năm uẩn tịnh diệu hòa hợp nên gọi là Phật; như năm ngón tay hòa hợp gọi là bàn tay, không được nói không có bàn tay? Danh từ đã khác thời hình tướng cũng khác, sức dùng cũng khác, không được nói không có bàn tay; thế nên nói có Phật?
Ðáp: Không phải vậy. Trong Phật pháp có hai đế là thế đế và đệ nhất nghĩa đế. Theo thế đế nên nói Phật thuyết Bát-nhã ba-la-mật; theo đệ nhất nhĩa đế nên nói Phật không; không đến không đi. Như ông nói: Do năm uẩn thanh tịnh hòa hợp nên gọi là Phật, vì hòa hợp nên có, ấy tức là không có; như trong kinh này Phật tự nói nhân duyên: Năm uẩn chẳng phải Phật, lìa năm uẩn cũng không có Phật; năm uẩn không ở trong Phật, Phật không ở trong năm uẩn; Phật chẳng phải do năm uẩn có, vì sao? Vì năm uẩn là năm, Phật là một, một không thể làm năm, năm không thể làm một. Lại năm uẩn không có tự tính nên hư dối không thật. Phật tự nói: Ðối với hết thảy pháp không cuống dối, Ta là bậc nhất. Thế nên năm uẩn chẳng tức là Phật. Lại nữa, nếu năm uẩn tức là Phật thời ai có năm uẩn, lẽ đáng đều là Phật?
Hỏi: Vì nghi nạn ấy nên tôi trước nói, năm uẩn thanh tịnh bậc nhất và 32 tướng gọi là Phật?
Ðáp: Ba mươi hai tướng v.v... khi làm Bồ-tát cũng có, cớ gì không gọi là Phật?
Hỏi: Bấy giờ tuy có thân tướng tốt đẹp trang nghiêm, mà không có trí Nhất thiết chủng. Nếu có trí Nhất thiết chủng ở trong thân sắc tốt đẹp bậc nhất ấy tức gọi là Phật?
Ðáp: Trí Nhất thiết chủng ở trong Bát-nhã nói là tướng tịch diệt, không có hí luận. Nếu được pháp ấy là không có sở đắc, vì không có sở đắc nên gọi là Phật. Phật tức là không. Có nhân duyên như vậy nên năm uẩn không được tức là Phật. Lìa năm uẩn cũng không có Phật, vì sao? Vì lìa năm uẩn lại không có pháp gì khác có thể nói được, như lìa năm ngón tay lại không có bàn tay có thể nói được.
Hỏi: Cớ gì không có bàn tay? Hình sắc cũng khác, sức dùng cũng khác, nếu chỉ là ngón tay thời không thể khác? Nhân năm ngón tay hòa hợp nên có bàn tay, bàn tay ấy tuy vô thường, sinh diệt, song không được nói là không có.
Ðáp: Bàn tay ấy nếu nhất định có thời trừ năm ngón tay ra lý đáng có bàn tay có thể trông thấy được, mà không cần nhân nơi năm ngón tay? Có các nhân duyên như vậy, lìa năm ngón tay lại không có bàn tay; Phật cũng như vậy, lìa năm uẩn thời không có Phật. Phật không ở trong năm uẩn, năm uẩn không ở trong Phật, vì sao? Vì sự khác biệt không thể có được. Nếu năm uẩn khác với Phật thời lẽ đáng Phật ở trong năm uẩn, nhưng việc ấy không đúng. Phật cũng chẳng có năm uẩn, vì sao? Vì lìa năm uẩn không có Phật; lìa Phật cũng không có năm uẩn. Thí như Tỳ-kheo có ba y và bình bát, nên có thể nói được là có, nhưng Phật với năm uẩn không được riêng khác, thế nên không được nói Phật có năm uẩn. Nơi năm uẩn như vậy tìm Phật không thể có được, nên biết không có Phật. Phật không có nên không đến không đi.
Hỏi: Nếu không có Phật tức là tà kiến, làm sao Bồ-tát phát tâm cầu làm Phật?
Ðáp: Trong đây nói không có Phật là để phá cái vọng tưởng chấp trước Phật, chứ không nói cái vọng tưởng chấp thủ không có Phật. Nếu có Phật còn không để cho chấp thủ, huống nữa là tà kiến chấp thủ không có Phật?
Lại, Phật thường tịch diệt, không có tướng hí luận, nếu người ta phân biệt, hí luận tướng thường tịch diệt thời người ấy rơi vào tà kiến. Lìa hai bên có và không ấy, ở vào trung đạo, tức là thật tướng các pháp, thật tướng các pháp tức là Phật, vì sao? Vì được thật tướng các pháp gọi là được thành Phật!
* Lại nữa, sắc pháp v.v... như tướng, tức là Phật; sắc pháp v.v... tính không là như tướng. Chư Phật như tướng cũng là tính không, thế nên không đến không đi, không sinh không diệt. Pháp tính, thật tế không, vô nhiễm, tịch diệt, hư không tính cũng như vậy, không đến không đi. Như, cho đến tính hư không như, Phật như, là một như, không hai, không ba sai khác, trong kinh này tự nói nhân duyên, vì cớ gì? Vì ra khỏi pháp số, không có sở hữu. Như v.v... là thật pháp, trong đó không có ức tưởng phân biệt, vì chấp thủ tướng nên có danh tự, trong danh tự có số. Trong kinh đây tự nói nhân duyên: Không chẳng phải thật, vì không có sở hữu.
Hỏi: Nếu pháp ấy không có, thời làm sao có thể thấy, có thể nghe, có khổ, có vui, có trói, có mở, phân biệt sai khác?
Ðáp: Trong đây Ðàm-vô-kiệt dùng mỗi mỗi phân biệt thí dụ nói: Như ánh trăng cuối xuân và thấy ánh nắng, cho đến người ấy không phân biệt các pháp hoặc đến hoặc đi. Trong ánh nắng tuy không có nước thật sự mà cũng có thể dối gạt mắt người nên sinh ra khổ vui. Các pháp cũng như vậy, tuy không, không có sở hữu, cũng có thể làm cho người ta khổ vui, lo mừng; mộng huyễn cũng như vậy.
* Lại nữa, Phật có hai thân: Một là sắc thân, hai là pháp thân. Pháp thân là chơn thật, sắc thân vì theo nghĩa thế đế nên nói có Phật. Tướng pháp thân, trên kia dùng mỗi mỗi nhân duyên nói là thật tướng các pháp. Thật tướng các pháp cũng không đến không đi, thế nên nói chư Phật không từ đâu đến và không đi đến đâu. Nếu người có được tướng pháp thân chư Phật ấy gọi là gần Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chưa được Nhất thiết trí nên gọi là gần, vì tương tợ. Bát-nhã ba-la-mật gọi là thật tướng các pháp, nếu hành được như vậy ấy là chơn Phật tử hành Bát-nhã ba-la-mật.
Chơn Phật tử là, vì được thật tướng các pháp gọi là Phật, và vì được thật tướng các pháp sai khác nên có Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi Phật, Bồ-tát lớn sai khác. Tu-đà-hoàn cho đến Bồ-tát lớn, ấy là chơn Phật tử.
Không luống dối ăn của tín thí là, bố thí cho súc sinh, tuy được quả báo gấp trăm lần mà phước ấy có hạn lượng cùng tận, không thể độ chúng sinh khỏi sinh tử nên gọi là luống dối ăn của tín thí. Tu-đà-hoàn cho đến Phật, các bậc hiền thánh nhận sự bố thí của người, quả báo của phước ấy cho đến khi chứng Niết-bàn không có hạn lượng cùng tận, nên nói không luống dối ăn của tín thí. Người ấy đáng được lãnh thọ sự cúng dường của chúng sinh. Như Tu-đà-hoàn xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu; Tư-đà-hàm xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu cho đến Tu-đà-hoàn; A-na-hàm xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu và Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm; A-la-hán xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm; Bích-chi Phật xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu và Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán. Bồ-tát gần thành Phật xứng đáng lãnh thọ sự cúng dường của người phàm phu và Thanh văn, Bích-chi Phật.
Vì thế gian làm ruộng phước là, như gieo giống vào ruộng tốt, thu hoạch chắc chắn nhiều. Ruộng phước của người trì giới, thiền định, trí tuệ, chúng sinh gieo giống phước vào được quả vô lượng.
Ở trên nói, chư Phật không đến, không đi. Tát-đà-ba-luân và các thính giả ý cho rằng, chư Phật còn không có, các pháp lẽ đáng cũng đều diệt, thời rơi vào đoạn diệt! Thế nên nay nói nhân duyên thí dụ. Ðàm-vô-kiệt mở bày cho Tát-đà-ba-luân rằng: Như chỗ ông chấp trước, ý cho rằng cái thật có là không có, vì độ chúng sinh nên từ nhân duyên hòa hợp có hình tượng hiện ra. Muốn chứng minh để làm rõ việc ấy nên nói thí dụ: Như châu báu sinh ra trong biển, nó không từ mười phương đến, khi diệt không đi đến đâu, cũng chẳng phải không có nhân duyên mà sinh. Chánh do nhân duyên phước đức của chúng sinh trong bốn châu thiên hạ nên trong biển lớn sinh châu báu ấy. Nếu khi kiếp tận thời nó không có chỗ đi; thí như đèn tắt lửa không đi đến đâu. Thân Phật cũng như vậy, từ khi mới phát tâm gieo trồng căn lành, đều là nhân duyên của tướng tốt thân Phật. Thân Phật cũng chẳng tự tại, vì đều thuộc nhân duyên nghiệp quả báo sinh. Nhân duyên ấy tuy trú lâu song tính nó là pháp hữu vi nên chắc chắn trở về với vô thường tan hoại, thời không có thân; thí như người giỏi bắn mà ngước mặt bắn lên hư không, mũi tên đi xa mà chắc chắn sẽ rơi xuống đất. Thân Phật cũng như vậy, tuy tướng tốt chói sáng mà do phước đức thành tựu, danh xưng vô lượng nên độ người vô lượng, cũng quy về tiêu diệt.
Hỏi: Nếu do nhân duyên phước đức của chúng sinh nên trong biển lớn sinh ra châu báu, cớ gì không sinh ra gần chỗ chúng sinh mà lại sinh ra ở giữa biển lớn, là nơi khó kiếm được?
Ðáp: Trong biển cũng có chúng sinh, như rồng và A-tu-la v.v... sử dụng châu báu ấy.
* Lại nữa, nếu châu báu sinh trong đời xấu ác của loài người thời kẻ tham lam che giấu, không cho người có được. Nếu ở vào đời tốt đẹp, châu báu tự sinh trong cõi người, không có ai tham tiếc, như thời kỳ đức Phật Di-lặc, châu báu xem như ngói gạch. Vì người giải đãi, lười biếng tiếc thân, cố mong tìm vui, nên châu báu ở trong biển không thể tìm được. Nếu người có tâm lớn, không tiếc thân mạng, siêng năng tìm kiếm thời dễ được. Nước trong biển lớn ví dụ cho cõi nước trong mười phương sáu nẽo, các châu báu tức là chư Phật. Như châu báu vì chúng sinh nên phát sinh, nhưng người giải đãi, biếng nhác thời không thể có được. Chư Phật cũng như vậy, tuy vì chúng sinh mà ra đời, song những người vì giải đãi, tiểu tâm, tiếc thân, chấp đắm ngã nên cũng không được độ, vì sao? Vì các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sinh.
Chúng sinh có hai nhân duyên được độ: Một là bên trong có chánh kiến; hai là bên ngoài gặp được người khéo thuyết pháp. Chư Phật tuy khéo thuyết pháp mà chúng sinh bên trong chánh kiến không đầy đủ nên Phật không thể độ hết. Như châu báu tuy vì chúng sinh mà xuất hiện, song vẫn có chúng sinh nghèo cùng; chư Phật cũng như vậy, tuy vì chúng sinh xuất hiện, song chúng sinh bên trong chánh kiến ít nên cũng không được độ. Lại ví dụ như đàn Không hầu, có thùng, có cổ, có da, có dây, có trục, có người lấy tay gẩy, đủ các duyên như vậy hòa hợp thời có tiếng. Tiếng ấy cũng không ở trong các duyên, mà lìa các duyên cũng không có tiếng. Do nhân duyên hòa hợp nên có tiếng có thể nghe. Thân Phật cũng như vậy, do các nhân duyên sáu Ba-la-mật và sức phương tiện hòa hợp nên có. Thân Phật không ở trong sáu Ba-la-mật và sức phương tiện, cũng không lìa sáu Ba-la-mật và sức phương tiện. Như tiếng không do một nhân duyên, cũng chẳng phải không có nhân duyên. Thân Phật cũng như vậy, không từ không có nhân duyên, cũng không từ chút ít nhân duyên, mà phải đầy đủ các nhân duyên pháp lành nên sinh thân Phật. Như tượng trong gương đủ nhân duyên hòa hợp nên có, nhân duyên ly tán nên không; thân Phật cũng như vậy, có đủ nhân duyên nên xuất hiện, nhân duyên ly tán nên diệt. Này thiện nam tử, nên như vậy quán tướng đi, đến của chư Phật. Hết thảy pháp tướng cũng nên biết như vậy. Ðàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Ông có thể biết tướng các pháp không đến không đi thời chắc chắn được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không thoái chuyển, cũng có thể hành Bát-nhã ba-la-mật và sức phương tiện, vì sao? Vì hết thảy pháp không có chướng ngại.
Hỏi: Trời Ðế-thích vì sao hóa làm hoa Mạn-đà-la đem cho Tát-đà-ba-luân?
Ðáp: Trời Ðế-thích vì ưa vui Phật đạo nên thường cung kính các Bồ-tát.
* Lại nữa, trời Ðế-thích muốn nhiếp thủ chúng sinh vào trong Phật đạo nên hiện thân vua trời đem hoa cho Tát-đà-ba-luân. Tát-đà-ba-luân nhất tâm cầu Phật đạo nên chư thiên đến cúng dường, chúng sinh trông thấy đều cũng phát tâm. Trời Ðế-thích vì dẫn đường cho chúng sinh nên cúng dường Tát-đà-ba-luân. Có người nói: Trời Ðế-thích rất ái kính Tát-đà-ba-luân, mà cách cao nhất là đi đến thử, thử rồi làm cho thân thể người ấy trở lại bình phục, nay lại lấy hoa đem cho. Sức của trời Ðế-thích có thể cho hoa mọi người, vì chúng sinh không có phước thời người đáng cho hoa cũng liền biến hoại. Tát-đà-ba-luân đã thành tựu phước đức nên được hoa chắc chắn không biến mất; vì thế nên đem cho. Nếu các Bồ-tát khi cúng dường thầy không cúng hết thời nên thủ hộ người cúng dường.
Trước đã nói nhân duyên rằng cắt thịt ra máu là cốt thử vì làm thân thích lâu ngày nên thủ hộ.
* Lại nữa, trời Ðế-thích, như ở trong kinh này tự nói nhân duyên: Vì sức nhân duyên của ông nên làm lợi ích cho trăm ngàn vạn ức chúng sinh. Tát-đà-ba-luân nhận lấy hoa, theo ý nguyện mà cúng dường Ðàm-vô-kiệt. Tát-đà-ba-luân lúc đầu nghe danh thầy, sau mắt thấy, tai nghe pháp thời dứt hết nghi, nên đem thân cúng dường. Người con gái của vị trưởng giả cũng bắt chước Tát-đà-ba-luân, đem thân thí cho Tát-đà-ba-luân.
Hỏi: Tát-đà-ba-luân đem thân cúng dường Ðàm-vô-kiệt vì ruộng phước Ðàm-vô-kiệt lớn, cớ gì người con gái không đem thân cúng dường Ðàm-vô-kiệt mà lại đem cho Tát-đà-ba-luân?
Ðáp: Trí người con gái ngắn ngủi mà tâm ái trước nhiều, nên không đem cúng dường bổn sư mà đem cho người khác. Lại, vì thân người nữ tội uế, tâm tuy trong sạch mà bên ngoài có chỗ chê bai.
Hỏi: Người con gái trưởng giả lúc đầu rời bỏ cha mẹ rồi làm quyến thuộc của Tát-đà-ba-luân, nay cớ gì lại đem thân bố thí?
Ðáp: Lúc đầu rời bỏ cha mẹ cùng Tát-đà-ba-luân đi đến chỗ Ðàm-vô-kiệt, vì pháp nên cúng dường, cũng không tự đem thân mình bố thí. Cha mẹ cũng không đem bố thí cho Tát-đà-ba-luân. Nay thấy Tát-đà-ba-luân hỏi lý nghĩa sâu sa, Ðàm-vô-kiệt giải nói, trời Ðế-thích hoan hỉ cúng dường, thế nên người con gái của vị trưởng giả pháp tâm hoan hỉ, đem thân cúng dường vì tâm tự tại. Lại, hết thảy thân người nữ không có chỗ hệ thuộc thời mang tiếng xấu. Thân thể người nữ khi nhỏ thời theo cha mẹ, khi trẻ thời theo chồng, khi già thời theo con. Người con gái của vị trưởng giả ấy tuy cùng một đường đi đến mà không được phép lâu ngày không có sở thuộc, thế nên tự đem mình bố thí, nguyện rằng: Như những điều thầy chứng được, chúng ta cũng sẽ chứng được.
Bấy giờ Tát-đà-ba-luân muốn đem người con gái ấy cúng dường Ðàm-vô-kiệt, nhưng còn sợ người nữ ấy hiềm hận nên nói: Các chị thật đem thành tâm cúng dường thời tôi sẽ nhận các chị.
Thành tâm là không tự mình dụng tâm, mà tùy người khác phân xử, như vật vô tâm. Các người nữ đáp rằng thật do thành tâm. Tức thời Tát-đà-ba-luân đem người con gái của vị trưởng giả và các người hầu gái cùng 500 cỗ xe dâng lên Ðàm-vô-kiệt. Ðàm-vô-kiệt muốn trừ cái nghi thường tình của thế gian cho rằng người kia dối gạt trưởng giả, nên đem các người con gái đến mà bố thí tất cả, rõ ràng đã không đắm trước.
* Lại nữa, Tát-đà-ba-luân nhờ tiếng nói giữa hư không, nên nghe rồi hiểu được, hoan hỉ, như điều yêu quý của người đời, cả vật bên trong, bên ngoài đều đem cúng dường, vì muốn đi vào sâu cửa bố thí Ba-la-mật. Trời Ðế-thích biết Tát-đà-ba-luân chưa sạch hết các phiền não tham ái mà có thể thí xả hết vật trong ngoài, không còn sót lại gì, nên khen ngợi rằng lành thay và đem việc Phật quá khứ làm thí dụ. Vì làm được việc khó làm nên được quả báo khó được, đó là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Hỏi: Nếu Ðàm-vô-kiệt muốn làm cho căn lành bố thí của Tát-đà-ba-luân đầy đủ nên lãnh thọ cúng dường, cớ gì trở lại đem cho Tát-đà-ba-luân?
Ðáp: Ðàm-vô-kiệt có đại trí phương tiện làm cho Tát-đà-ba-luân được phước đức lớn, không bị mất, ấy là sự lãnh thọ cao thượng. Tát-đà-ba-luân rất thành tâm bố thí, dứt các tham trước, không mong được trả lại nên đầy đủ phước đức. Ðàm-vô-kiệt suy nghĩ : Tát-đà-ba-luân từ xa đi đến mà đối với năm dục tâm không nhiễm trước; và người trước đây đã biết cúng dường tức là người thiện, thế nên đem cho trở lại.
Lại, nghe các người nữ trước đem thân dâng cho Tát-đà-ba-luân là người chứ không phải tài vật, vì muốn toại bổn ý.
* Lại nữa, các người nữ đời đời làm đệ tử Tát-đà-ba-luân; có các nhân duyên như vậy nên đem cho trở lại Tát-đà-ba-luân.
Hỏi: Các Bồ-tát lớn thuyết pháp không nên mệt nhọc, cớ sao còn vào cung?
Ðáp: Vì theo pháp của người đời. Lại, chúng sinh trong thành Chúng Hương không thường cầu đạo, có khi nhàm chán, ưa hưởng thọ năm dục. Chư thiên vì thường hưởng thọ năm dục nên ngăn ngại, phế bỏ việc cầu đạo. Có cõi nước của Bồ-tát ở thường siêng tinh tấn, không hưởng thọ năm dục, còn bản nguyện của chúng sinh trong thành Chúng Hương hưởng thọ lẫn lộn. Bồ-tát theo chí nguyện của họ, vì muốn dẫn dắt họ nên sinh vào nước ấy. Thế nên, vì chúng sinh nghe Phát mệt mỏi mà Bồ-tát đứng dậy đi vào trong cung.
Lại, người chưa đắc đạo thời pháp tuy vi diệu mà thường nghe cũng dễ sinh tâm mỏi mệt nhàm chán; trong chúng này có những người như vậy.
Lại, Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt ở trong nước này hưởng thọ giàu vui, theo Pháp của người đời, khi mặt trời lặn nên nghỉ ngơi.
Khi ấy Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: Ta vì Pháp nên đi đến, không nên ngồi, nằm.
Hỏi: Vì Pháp, cớ gì không nên ngồi nằm?
Ðáp: Không có Pháp nhất định ấy. Người ấy rất ước muốn, rất tinh tấn. Vì cung kính Pháp nên tự nghĩ rằng: Ta nếu nằm ngồi thời là biếng nhác. Khi mới đầu cầu Pháp, ta còn không tiếc thân mạng, huống nữa mệt mỏi, nên không ngồi, nằm. Ước muốn tinh tấn lớn ngược lại với việc ngồi, nằm.
Lại, ngồi nằm thời không gắng sức; đi và đứng thời gắng sức siêng năng, nên thường dùng hai oai nghi ấy để chờ thầy khi đi ra.
Hỏi: Tát-đà-ba-luân trước đã biết bảy năm thầy không đi ra chăng?
Ðáp: Lúc mới đến không biết.
Lại, Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt cũng thường bảy năm không đi ra. Vì nhân duyên nên tự thề bảy năm vào định. Tát-đà-ba-luân tự thề rằng: Thầy chưa đi ra thời ta không bao giờ ngồi.
Lại, theo pháp thế gian thời người lớn còn không tự trái với mình, huống nữa vì đạo Pháp!
Lại, lúc mới cầu Pháp còn không tiếc thân mạng, huống gì nay đứng bảy năm thời đâu đủ là khó!
Hỏi: Thân người mềm yếu, làm sao có thể bảy năm không ngồi, không nằm?
Ðáp: Người lúc ấy mạng sống rất lâu, tuy bảy năm mà như nay bảy ngày. Lại, thân người trong đời tốt đẹp có sức phước đức lớn, tuy đứng luôn bảy năm mà không cho là khó. Như Hiếp Tỳ-kheo năm 60 tuổi mới xuất gia mà tự cam kết thề rằng: Lưng ta không dính chiếu, phải được hết mọi việc đáng được của hàng Thanh văn cho đến được thành A-la-hán đủ sáu thần thông, tạo bộ kinh luận nghị trong bốn A-hàm, đến nay còn lưu hành rộng rãi trong đời. Vị Tỳ-kheo ấy ở đời xấu ác mà còn được như vậy, huống nữa là Tát-đà-ba-luân sinh ở đời tốt đẹp! Lại, sức của thân tuy yếu mà sức của tâm mạnh, nên có thể làm thành công việc.
* Lại nữa, người nhất tâm cầu Phật đạo được mười phương Phật hộ niệm rằng: Các đại Bồ-tát và chư thiên cầu Phật đạo sẽ làm tăng ích khí lực cho người ấy, bao quanh thủ hộ, nên tuy trụ đứng bảy năm mà không mỏi mệt.
Hỏi: Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt vào tam-muội, vì cớ gì cho đến bảy năm?
Ðáp: Như trước đã đáp: Người sinh trong đời tốt đẹp sống rất lâu, tuy bảy năm mà không cho là lâu.
Lại, Ðàm-vô-kiệt có cung điện, thể nữ vi diệu, đủ năm dục giống như trời. Tát-đà-ba-luân mới phát tâm nên tâm chưa nhu nhuyến, nghi Ðàm-vô-kiệt tuy thuyết pháp không, tán thán ly dục mà tâm mình chưa thể xả bỏ. Bảy năm vào tam muội ấy vì muốn trừ nghi cho chúng sinh nên sinh tâm quý kính. Nghe Ðàm-vô-kiệt bảy năm vào tam-muội, tâm và miệng khế hợp nhau, nói được, làm được thời người ta tín thọ lời kia, có thể dễ được độ. Thí như mụt nhọt chưa chín muồi thời thầy thuốc không phá được, chỉ dùng thuốc bôi, làm cho chín muồi thời dễ phá.
* Lại nữa, vì muốn tâm hưởng thọ phát sinh cái vui chơn thật, nên vào vô lượng tam-muội. Lại, thuyết pháp có hai: Một là miệng thuyết pháp; hai là thân hiện pháp. Nay muốn lấy thân hiện pháp nên vào vô lượng tam-muội, khiến chúng sinh biết nhiếp tâm vào tuệ mà được trí như thật.
Bồ-tát tam-muội là như đã nói trong nghĩa Bồ-tát trước kia.
Hành Bát-nhã và sức phương tiện là như đã nói trong phẩm Phương tiện trước kia.
Tát-đà-ba-luân trong bảy năm mà ba thứ ác giác quán không sinh, không nhiễm đắm vào ý vị. Người ấy tuy chưa phá phiền não mà vì nhóm các pháp lành nên chế phục các phiền não không cho phát sinh, chỉ phát sinh một niệm: Lúc nào Ðàm-vô-kiệt sẽ đi ra, ta sẽ theo nghe Bát-nhã.
Qua bảy năm rồi, nghi rằng: Ta sẻ trải tòa cho Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt và quét rửa làm cho trang nghiêm.
Hỏi: Tát-đà-ba-luân làm thế nào biết được qua bảy năm rồi Ðàm-vô-kiệt sẽ đi ra?
Ðáp: Có người nói: Trước từng bảy năm triển chuyển nghe biết. Có người nói: Ðàm-vô-kiệt khi mới vào tam-muội, tự nói rằng: Hạn trong bảy năm. Như đức Phật Thích-ca-văn-ni bảo A-nan: Ta muốn vào thiền định một tháng, hai tháng. A-nan bảo lại với bốn chúng. Tát-đà-ba-luân rất mến mộ Phật pháp, kính trọng Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt nên cúng dường, trang nghiêm chỗ thuyết pháp. Hàng Bồ-tát xuất gia chỉ trang nghiêm tâm mình để đi đến pháp sư thọ pháp; hàng Bồ-tát tại gia thời trang nghiêm chỗ thuyết pháp, cúng dường hoa hương.
* Lại nữa, Tát-đà-ba-luân trang nghiêm như vậy là muốn để Ðàm-vô-kiệt biết dấu hiệu mình ái mộ Pháp, ham muốn Pháp, thâm tâm tin vui, nên hiện ra việc ấy; thế nên sinh tâm, cùng với 500 người con gái, thay nhau rưới quét, tự đem vàng bạc, châu báu trải lên trên tòa. Tát-đà-ba-luân tuy tự mình có chăn, nệm đẹp đẽ, song vì tâm ái mộ Pháp thiết tha nên lấy áo trên thân mình đang mặt trải trên tòa, tìm nước rưới đất, bị ma che lấp nên không thể tìm được. Trong kinh này tự nói nhân duyên: Ma nghĩ rằng, nếu Tát-đà-ba-luân tìm nước không được thời tâm kia sẽ mềm yếu, chí nguyện không đầy đủ. Lại để cho tự khinh khi thân mình rằng, vì ta phước đức mỏng nên muốn cúng dướng Pháp mà tìm nước không có được. Do sự tự khinh nên ưu sầu che lấp tâm.
Phước đức không tăng trưởng, trí tuệ không chiếu sáng là, vì các phiền não ưu sầu che tâm nên phước đức trí tuệ không thể chiếu sáng. Thí như mặt trới bị chướng ngại nên ánh sáng không rõ ràng. Ma biết tâm người đó lớn, không thể làm trở ngại, chỉ làm trở ngại chút ít, làm cho người ấy đình trệ.
Bấy giờ Tát-đà-ba-luân tự cắt thân mình ra máu để rưới đất, muốn làm cho sạch bụi. Máu thịt người tuy hôi, song vì chí tâm tìm nước không được, ý không phân biệt thơm thối, tốt xấu mà vì muốn sạch bụi nên không tiếc thân mạng.
Lại, Tát-đà-ba-luân tâm sâu xa ưa đắm Bát-nhã ba-la-mật nên không yêu tiếc gì. Có người nói: Có nhiều trời, rồng, quỷ, thần thường đi theo Tát-đà-ba-luân thủ hộ giúp đỡ, thế nên máu chảy ra biến thành nước thơm. Như tiên nhân Sằn-đề lúc bị cắt xẻ, máu biến thành sửa. Lại, vì thành tựu vô lượng phước đức nên theo nguyện được thành.
Hỏi: Nếu phước đức thành tựu, theo nguyện liền được thành thời ma không thể che giấu nước?
Ðáp: Bồ-tát ấy mới phát tâm, có thể thành nguyện nhỏ mà chưa thể trừ ma. Trong kinh này, Tát-đà-ba-luân tự nói nhân duyên chảy máu rằng: Ta từ vô thỉ sinh tử lại đây, nhiều lần tan thân mà chưa từng vì Pháp.
Hỏi: Nếu Tát-đà-ba-luân yêu mến Pháp, cắt thân ra máu, nếu thân kia chết đi thời còn ai nghe Pháp?
Ðáp: Việc ấy đã đáp như trong đoạn rạch xương, lấy tủy. Lại, trong đây được chư thiên và đại Bồ-tát thủ hộ nên làm cho người kia không chết. Lại, ác ma biết tâm người kia không thể phá hoại thời nước trở lại chảy ra.
Tát-đà-ba-luân v.v... đều không có tâm khác là như người lúc đầu thực tập tâm từ, muốn vì chúng sinh và vì Bát-nhã ba-la-mật nên không tiếc thân mạng. Nhưng đến khi có được dao bén cắt thân thời sợ đau đớn, sinh tâm hối hận, ấy gọi là tâm khác. Bồ-tát ấy có sức tin lớn nên muốn được quả báo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên không kể cái khổ ấy. Lại, vì tâm bi sâu xa, ái niệm chúng sinh, tuy chịu các khổ não mà không cho là khó. Thí như mẹ hiền thương con, tuy vì con chịu khổ nhọc, bất tịnh mà không cho là nhớp. Lại thấy thật tướng các pháp rốt ráo không, nên biết thân này chỉ là hòa hợp, hư dối. Vì phá cái hư dối ấy nên khi cắt xẻ thân, không làm chướng ngại Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Ma không được phá hoại dễ dàng là, như người có mụt thời chịu chất độc. Bồ-tát nếu có mụt tham dục ưu sầu, thời ma được dễ dàng phá hoại. Vì lấy máu chảy rưới đất mà tâm không ưu sầu nên ma không được dễ dàng phá hoại. Như tâm Tát-đà-ba-luân, tâm 500 người con gái cũng như vậy, kính trọng Tát-đà-ba-luân nên thấy người cắt thân lẽ đáng có ưu não, song vì người ấy được thỏa nguyện nên không lấy làm buồn.
Bấy giờ trời Ðế-thích thấy việc đó rồi tán thán chưa từng có. Người ấy chưa được vô sinh nhẫn, các phiền não chưa dứt mà vì cúng dường Pháp nên không tiếc thân mạng, như người đã lìa dục, khi bị cắt xẻ thân mạng như cắt cây cỏ. Tâm ban đầu đã vậy thời tâm sau càng mạnh hơn.
* Lại nữa, chưa từng có là trong đây trời Ðế-thích tự nói nhân duyên rằng: Tát-đà-ba-luân ái mộ Pháp đến như vậy, lấy dao tự cắt mình. Tâm trời Ðế-thích hoan hỉ rồi, khen rằng lành thay. Khen người kia vì ái mộ Pháp, vui Pháp, tâm siêng tinh tấn nên đem việc Phật quá khứ làm ví dụ, nói rằng: Chẳng phải chỉ ngày nay khổ nhọc, mà chư Phật quá khứ khi cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng khổ nhọc như vậy. Tát-đà-ba-luân nghe trời Ðế-thích an ủi tâm mình rồi, như lửa được mỡ thời càng thêm rực cháy, nghĩ rằng: Ta đã trải tòa, quét đất, sẽ ở chỗ nào ta tìm được danh hoa để trang nghiêm chỗ thuyết pháp?
Hỏi: Khi không thấy nước, cớ sao không nghĩ rằng sẽ ở đâu tìm được nước để rưới đất?
Ðáp: Tát-đà-ba-luân trước biết chỗ có nước mà tức khắc lại đều không có, nên biết bị ma làm trở ngại. Thế nên, tự mình lấy thân gồm bốn phần đại, cắt lấy huyết là phần thủy đại để rưới đất. Phần thủy đại trong thân tuy nhiều mà máu là thứ mạng sống, nên cắt lấy rưới đất. Tự mình không có hoa, nên khi Ðàm-vô-kiệt đi ra sắp đến, không thể đi tìm nơi xa, lại cần dùng nhiều để rải khắp trên đất. Thế nên sinh ý nghĩ muốn có được. Trời Ðế-thích biết ý nghĩ của người kia, liền lấy thứ hoa đẹp nhất trong hoa trời Mạn-đà-la đầy, gồm ba ngàn đấu đem cho, đủ để rải khắp. Sở dĩ trời Ðế-thích không lấy hoa người đem cho là vì muốn làm cho phát tâm hy hữu. Tát-đà-ba-luân nhận hoa xong chia làm hai phần: Phần tốt giữ lại để khi thuyết pháp đem rải, còn phần khác thời rải trên đất. Theo pháp thông thường của nước ấy, lấy hoa rải trên đất để đi trên đó, thế là cúng dường.
Bấy giờ Bồ-tát Ðàm-vô-kiệt như điều đã ước trước kia, đủ bảy năm xong từ tam-muội dậy, cùng với vô lượng trăm ngàn chúng cung kính vây quanh, đi thẳng đến Pháp tòa, vì chúng nói Bát-nhã.
Hỏi: Nếu các Bồ-tát vào tam-muội vi diệu thời ai làm cho khởi dậy?
Ðáp: Hành giả lúc mới vào tự hẹn thời hạn, sau đó mới vào định. Khi thời hạn đến, tâm kia tự nhiên từ tam-muội dậy. Vì bi tâm nên sinh giác quán. Có một Tỳ-kheo khi vào Diệt thọ tưởng định, tự mình hẹn thời hạn rằng, khi nghe tiếng kiền chùy sẽ khởi định. Khi đã vào định xong, lúc ấy phòng Tăng bị lửa cháy. Các Tỳ-kheo hoảng sợ, không đánh kiền chùy mà bỏ đi. Bấy giờ qua mười hai năm rồi, đàn-việt lại họp chúng Tăng, muốn dựng lại căn phòng mới đánh kiền chùy. Khi nghe tiếng kiền chùy thời Tỳ-kheo từ định khởi dậy, lúc ấy thân liền tan rã mà chết. Những người đắc đạo về sau nói lại việc như vậy.
* Lại nữa, có người nói: Thân đại Bồ-tát là thân do pháp tính sinh. Như chư Phật thường vào tam-muội, không có tâm thô tán loạn, vì sức thần thông nên có thể thuyết pháp và bay đi độ thoát chúng sinh. Vì theo pháp thế tục nên có tướng vào định, ra định. Thế nên, tuy vào tam-muội vi diệu mà có thể ra trở lại, vì có tâm đại bi dẫn dắt; thí như chú thuật khiến cho rồng bay ra.
Ðại chúng vây quanh là nội quyến thuộc cung kính rải hoa, đốt hương, theo sau mà đi ra, vì họ mà nói Bát-nhã ba-la-mật.
Nói Bát-nhã ba-la-mật là nhân theo danh từ, ngôn ngữ thế đế, muốn mở bày tướng bất động của đệ nhất nghĩa đế cho chúng sinh. Tát-đà-ba-luân thấy Ðàm-vô-kiệt liền được tâm hoan hỉ, thanh tịnh, hỷ lạc chạy khắp mình, như Tỳ-kheo khi vào thiền thứ ba, vì sao? Vì chúng sinh nhiều tham muốn, tuy chẳng phải tịnh diệu mà khi được còn hỷ lạc huống nữa là người đã được trông thấy thân trang nghiêm có công đức chơn thật!
Tát-đà-ba-luân từ thân Phật giữa hư không nghe nói Ðàm-vô-kiệt liền sinh ước muốn lớn, được các tam-muội. Thấy chư Phật mười phương, lại nghe mười phương chư Phật nói nhân duyên đời trước: Chỉ có Ðàm-vô-kiệt có thể độ cho ông. Nghe như vậy rồi tâm người ấy tăng ích, khát ngưỡng muốn trông thấy, nên giữa đường muốn bán thân để cúng dường. Nay ở trong thành Chúng Hương, bảy năm không ngồi không nằm là vì muốn trông thấy Ðàm-vô-kiệt; tâm khát ngưỡng như vậy mà dục lạc đến lâu thời như người bị nóng khát bức bách, dù gặp được nước đục, nóng vẫn còn hoan hỉ, huống nữa là gặp nước ngon, trong, mát? Ðã vì lòng khát ngưỡng lâu ngày; lại, công đức của Ðàm-vô-kiệt lớn, thế nên khi gặp được vui mừng.
Hỏi: Vui có bốn thứ, cớ gì đây chỉ nói cái vui ở thiền thứ ba mà không nói đến cái vui định của các bậc trên và cái vui giải thoát?
Ðáp: Vì chúng sinh cõi dục đối với ba thọ phần nhiều ham cái cảm thọ vui, nghe cái vui Niết-bàn không có sở hữu, thời tâm không vui mừng. Vì bốn thiền dứt khổ, lạc thọ, nên tâm cũng không vui; cái vui trong thiền thứ ba là cái vui cùng cực.
Lại, có người nói: Tát-đà-ba-luân mới phát tâm, chưa vào được định thâm tế, vi diệu, nên thấy Ðàm-vô-kiệt liền phát sinh hoan hỉ, như vào thiền thứ ba. Tát-đà-ba-luân tự biết mình có hoan hỉ lớn, nên tức thời bỏ hỷ, được pháp tính thanh tịnh, sự an lạc chạy khắp mình, thế nên đem cái vui ở thiền thứ ba để ví dụ.
(Hết cuốn 99 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.7.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.