Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
KINH: Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bồ tát dùng tâm lúc đầu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay dùng tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Bạch đức Thế tôn, tâm lúc đầu không đi đến tâm lúc sau, tâm lúc sau không ở nơi tâm lúc đầu. Như vậy, mỗi tâm tâm số pháp không cùng lúc làm sao thiện căn tăng trưởng? nếu thiện căn không tăng trưởng làm sao sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Phật bảo Tu bồ đề: Ta sẽ nói thí dụ cho ông rõ, người trí nghe được thí dụ thời đối với nghĩa dễ hiểu. Này Tu bồ đề, thí như thắp đèn, dùng ngọn lửa lúc đầu đốt tim đèn hay dùng ngọn lủa lúc sau đốt tim đèn? Tu bồ đề thưa: Chẳng phải ngọn lửa lúc đầu đốt cháy tim đèn, cũng chẳng phải lìa ngọn lửa lúc đầu; chẳng phải ngọn lửa lúc sau đốt tim đèn, cũng chẳng phải lìa ngọn lửa lúc sau.
Này Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Tim đèn cháy chăng?
Bạch đức Thế Tôn, tim đèn thật cháy.
Phật bảo Tu bồ đề: Bồ tát cũng như vậy, chẳng dùng tâm lúc đầu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng lìa tâm lúc đầu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chẳng dùng tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng lìa tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu bồ đề! Trong đây Bồ tát từ khi mới phát tâm tu Bát nhã ba la mật đến khi đầy đủ mười địa thời được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, những gì là mười địa mà Bồ tát đầy đủ rồi mới được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Phật dạy: Bồ tát đầy đủ Càn huệ địa, Tánh địa, Bát nhân địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ tác địa, Bích chi phật địa, Bồ tát địa, Phật địa. Ðầy đủ mười địa ấy là được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu bồ đề, Bồ tát học mười địa ấy xong, chẳng phải tâm lúc đầu đưọc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng phải lìa tâm lúc đầu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; chẳng phải tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chẳng phải lìa tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, pháp nhân duyên ấy rất sâu, chẳng phải tâm lúc đầu, chẳng phải lìa tâm lúc đầu; chẳng phải tâm lúc sau, chẳng phải lìa tâm lúc sau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo Tu bồ đề: Ý ông nghĩ sao? Nếu tâm diệt rồi, tâm ấy có sanh lại chăng? - Thưa không. Bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Tâm sanh là tướng diệt chăng? - Là tướng diệt, bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Cũng trụ như vậy chăng? - Cũng trụ như vậy, như "như" mà trụ.
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? - Nếu tâm ấy như "như" mà trụ sẽ là thực tế chăng? - Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề ý ông nghĩ sao? "Như" ấy rất sâu chăng? - Rất sâu, rất sâu, bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Chỉ "như" là tâm chăng? - Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Lìa "như" là tâm chăng? - Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? "Như' thấy "như" chăng? - Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Nếu Bồ tát tu hành được như vậy là tu hành Bát nhã ba la mật thậm thâm chăng? Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ tát tu hành được như vậy là tu hành Bát nhã ba la mật thậm thâm.
Tu bồ đề ý ông nghĩ sao? Bồ tát tu hành như vậy là ở chỗ nào tu hành? - Tu bồ đề thưa: nếu Bồ tát tu hành được như vậy là không có chỗ tu hành. Vì sao? Vì nếu Bồ tát tu hành Bát nhã ba la mật an trú trong các pháp "như", thời không khởi niệm như vậy, không có chỗ khởi niệm, không có người khởi niệm.
Phật bảo Tu bồ đề: Nếu Bồ tát tu hành như vậy là ở chỗ nào tu hành? - Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, Bồ tát tu hành như vậy là ở trong đệ nhất nghĩa tu hành, vì hai tướng không thể có được.
Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Ðó là tướng hư hoại của Bồ tát chăng? - Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Phật bảo Tu bồ đề: Sao gọi là tướng chẳng hư hoại? - Tu bồ đề thưa: Bồ tát tu Bát nhã ba la mật không nghĩ rằng ta sẽ phá hoại tướng các pháp. Bạch đức Thế Tôn, Bồ tát tu Bát nhã ba la mật chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, bốn trí vô ngại, đại từ đại bi, mười tám pháp không chung của Phật, thời không được Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Bạch đức Thế Tôn, Bồ tát do sức phương tiện nên đối với các pháp không chấp thủ tướng, cũng không phá hoại tướng nó, vì sao? Vì Bồ tát biết hết thảy pháp tự tướng không. Bồ tát an trú trong tự tướng không ấy vì chúng sanh nên vào ba tam muội, dùng ba tam muội để thành tựu tuệ giác cho chúng sanh.
Bạch đức thế Tôn! Làm sao Bồ tát vào ba tam muội mà thành tựu tuệ giác cho chúng sanh.
Phật dạy: Bồ tát an trú ba tam muội ấy thấy chúng sanh ở trong pháp tác khởi tu hành. Bồ tát dùng sức phương tiện dạy khiến được pháp không tác khởi; thấy chúng sanh ở trong ngã tướng tu hành, Bồ tát dùng sức phương tiện dạy khiến tu hành 'không"; thấy chúng sanh ở trong hết thảy tướng tu hành, Bồ tát dùng sức phương tiện dạy khiến tu hành vô tướng. Như vậy, Tu bồ đề, Bồ tát tu Bát nhã ba la mật, vào ba tam muội, dùng ba tam muội để thành tựu tuệ giác cho chúng sanh.
LUẬN: Tu bồ đề hỏi Phật: Dùng tâm ban đầu được Vô thượng đạo hay dùng tâm sau được.
Hỏi: Cớ gì Tu bồ đề nạn hỏi việc ấy?
Ðáp: Ở đoạn trên kia Tu bồ đề nghe nói các pháp chẳng thêm, chẳng bớt, tâm sanh nghi: Nếu các pháp chẳng thêm, chẳng bớt thời làm sao được Vô thượng đạo.
* Lại nữa, nếu do như thật tu hành đúng đắn được vô thượng đạo, thời chỉ có Phật được như vậy, còn Bồ tát chưa dứt hết phiền não, vô minh, làm sao có thể như thật tu hành đúng đắn?
* Lại nữa, ở trong đây Tu bồ đề tự nói lý do gạn hỏi, đó là tâm lúc đầu không đến tâm lúc sau, tâm lúc sau không ở nơi tâm lúc đầu, làm sao tăng trưởng được thiện căn để được vô thượng đạo? Vì nhân duyên như vậy nên hỏi rằng, dùng tâm lúc đầu được hay tâm lúc sau được? Phật lấy pháp nhân duyên sâu xa trả lời rằng: Không dùng tâm lúc đầu được, cũng không lìa tâm lúc đầu được, vì cớ sao? Nếu chỉ dùng tâm lúc đầu được, không dùng tâm lúc sau được ấy thời Bồ tát mới phát tâm, lẽ đáng liền là Phật. Nếu không có tâm lúc đầu làm sao có tâm thứ hai, thứ ba? Tâm thứ hai thứ ba lấy tâm lúc đầu làm nhân duyên căn bản. Cũng không chỉ có tâm lúc sau, cũng không lìa tâm lúc sau nghĩa là tâm lúc sau cũng không lìa tâm lúc đầu, nếu không có tâm lúc đầu thời không có tâm lúc sau. Tâm lúc đâu tập hợp vô lượng công đức, đến tâm lúc sau thời đầy đủ, vì đầy đủ nên có thể dứt hết phiền não và tập khí, được vô thượng đạo.
Ở trong đây, Tu bồ đề tự nói nhân duyên gạn hỏi: Tâm tâm số pháp lúc đầu và lúc sau không hiện có cùng lúc, không hiện có cùng lúc thời tâm quá khứ đã diệt, không hòa họp được, nếu không hòa hợp thời thiện căn không nhóm, thiện căn không nhóm, thời làm sao thành vô thượng đạo?
Phật lấy thí dụ hiện tiền để đáp: nhu tim đèn chẳng phải riêng ngọn lửa lúc đầu đốt cháy, cũng chẳng phải lìa ngọn lửa lúc đầu; chẳng phải riêng ngọn lửa lúc sau đốt cháy, cũng chẳng lìa ngọn lửa lúc sau mà đốt cháy tim đèn. Phật nói với Tu bồ đề: mắt ông thấy tim đèn đốt cháy, chẳng phải ngọn lửa lúc đầu, chẳng phải ngọn lửa lúc sau mà tim đèn đốt cháy, ta dùng mắt Phật thấy Bồ tát được vô thượng đạo chẳng do tâm lúc đầu được, cũng chẳng lìa tâm lúc đầu; chẳng do tâm lúc sau được, cũng chẳng lìa tâm lúc sau mà được vô thượng đạo. Ðèn thí dụ cho Bồ tát đạo, tim đèn thí dụ cho phiền não vô minh, ngọn lửa thí dụ cho trí tuệ tương ưng Sơ địa cho đến trí tuệ tương ưng với Kim cang tam muội, đốt cháy tim đèn vô minh phiền não. Cũng chẳng phải ngọn lửa trí tuệ của tâm lúc đầu, cũng chảng phải ngọn lửa trí tuệ của tâm lúc sau mà tim đèn vô minh phiền não bị đốt cháy hết, được thành vô thượng đạo. Trong đây Phật lại giải thích nhân duyên được thành vô thượng đạo, là Bồ tát từ khi mới phát tâm trở đi, tu Bát nhã ba la mật đầy đủ Sơ địa đến Thập địa, mười địa ấy đều hỗ trợ thành vô thượng đạo.
Mười Ðịa:
1.Càn huệ địa có hai: 1. là Thanh văn. 2. Là Bồ tát. hàng Thanh văn chỉ vì cầu Niết bàn nên siêng năng tinh tấn, trì giới thanh tịnh, kham chịu tu hành hoặc quán Phật tam muội, hoặc quán bất tịnh, hoặc tu từ bi, hoặc quán vô thường v.v... phân biệt nhóm các pháp thiện, bỏ pháp bất thiện, tuy có trí tuệ mà không được nước thiền định thời không thể đắc đạo nên gọi là Càn huệ địa. Còn Bồ tát thời từ khi mới phát tâm cho đến khi chưa được thuận nhẫn là Càn huệ địa.
2.Tánh địa là hàng Thanh văn tu từ noãn pháp cho đến thế gian đệ nhất pháp; còn hàng Bồ tát được thuận nhẫn, ưa đắm thật tướng các pháp, không sanh tà kiến, được nưóc thiền định.
3. Bát nhơn địa là tu từ khổ pháp nhẫn cho đến đạo tỷ nhẫn (hoặc gọi đạo loại nhẫn - ND); mười lăm tâm ấy đối với hàng Bồ tát là vô sanh pháp nhẫn, vào Bồ tát vị.
4. Kiến địa là được thánh quả ban đầu, là quả Tu đà hoàn, còn đối với Bồ tát là địa vị chảng thoái chuyển.
5. Bạt địa hoặc là Tu đà hoàn, hoặc là Tư đà hàm, đoạn được sáu phần phiền não trong chín phần não tư hoặc của cõi Dục; còn đối với Bồ tát là đã vượt quá địa vị chẳng thoái chuyển cho đến chưa thành Phật, dứt các phiền não và các tập khí khác.
6. Ly dục địa là lìa các phiền não tham dục của cõi Dục, ấy gọi là A na hàm; còn đối với Bồ tát, vì lìa nhân duyên của năm dục, nên được năm thần thông.
7. Dĩ tác địa la hàng Thanh văn được tận trí, vô sanh trí, được A la hán; còn đối với Bồ tát là thành tựu Phật địa.
8. Bích chi Phật địa là đời trước gieo trồng nhân duyên về Bích chi Phật đạo, đời này được chút ít nhân duyên xuất gia cũng quán lý nhân duyên sâu xa mà thành đạo gọi là Bích chi Phật.
9. Bồ tát địa là từ Càn huệ địa trở đi cho đến ly dục địa. Lại nữa, Bồ tát địa là từ Hoan hỷ địa cho tới Pháp vân địa. Có người nói từ khi mới phát tâm trở đi cho đến Kim cang tam muội là Bồ tát địa.
10. Phật địa là đối với các Phật pháp như trí Nhất thiết chủng v.v... Bồ tát ở trong tự địa (là ở trong địa vị của chính mình -N.D) được đầy đủ; đối với mỗi mỗi địa quán đầy đủ, hai việc ấy đủ nên gọi là đầy đủ.
Hỏi: Cớ sao không nói Bồ tát tương tự Bích chi phật địa?
Ðáp: Các địa khác không nói danh tự, chỉ Bích chi Phật địa nói danh tự là Bích chi Phật.
* Lại nữa, Bồ tát hay phân biệt biết chúng sanh có thể dùng nhân duyên Bích chi Phật để được độ, nên Bồ tát dùng trí tuệ thực hành việc Bích chi Phật. Như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Bồ tát Văn thù thi lị trải 72 ức lần làm Bích chi Phật. Bồ tát cũng như vậy. Ðầy đủ chín địa, tu tập Phật pháp tuy chưa đầy đủ mười trí lực, bốn điều không sợ, tuy chưa đầy đủ, do tu tập gần Phật nên gọi là đầy đủ. Vì vậy, nói mười địa đầy đủ nên được vô thượng đạo.
Các pháp ấy đều do nhân duyên hòa hợp, nên chẳng phải tâm lúc đầu, cũng chẳng lìa tâm lúc đầu; chẳng phải tâm lúc sau, cũng chẳng lìa tâm lúc sau mà được vô thượng đạo. Tu bồ đề tôn trọng pháp ấy nên tán thán rằng: Bạch đức Thế Tôn, pháp nhân duyên ấy rất sâu nghĩa là tâm quá khứ không diệt, không trụ mà có thể tăng trưởng được thành vô thượng đạo. Việc ấy rất sâu xa hy hữu, khó có thể tin hiểu, tâm ấy là trụ hay là diệt ư?
Phật hỏi ngược lại Tu bồ đề: Ý ông nghĩ sao? Kinh nói: "Nếu tâm diệt rồi có sanh lại chăng?" là các pháp tuy rốt ráo không, chẳng sanh, chẳng diệt; nhưng vì chúng sanh dùng sáu căn thấy pháp có sanh có diệt nên Phật hỏi tâm diệt rồi có sanh lại chăng? Tu bồ đề thưa: Thưa không, bạch đức Thế Tôn. Vì sao? Vì tâm diệt rồi làm sao sanh trở lại. Nếu tâm diệt rồi sanh trở lại thời rơi vào chấp thường. Kinh nói: "Nếu tâm sanh là tướng diệt chăng?" Là ở trên hỏi tâm quá khứ xong, nay hỏi tướng của tâm hiện tại sẽ diệt chăng? Thế nên đáp là tướng diệt, vì sao? Vì sanh diệt là tướng đối đãi, có sanh ắt có diệt, nên trước không mà nay có, có rồi lại hoàn không.
Kinh nói: "Tướng tâm diệt là diệt chăng?" Là hoặc tướng tâm diệt là diệt ư hay còn có diệt ư? Ðáp: Thưa không, bạch đức Thế Tôn, vì sao? Vì nếu tướng tâm diệt tức là diệt thời một tâm có hai lúc: Lúc sanh và lúc diệt. Nói vô thường là nói tâm tồn tại không quá một niệm, như trong kinh A tỳ đàm nói: Có pháp sanh, có pháp chẳng sanh; có pháp sắp sanh, có pháp không sắp sanh; có pháp diệt, có pháp không diệt; có pháp sắp diệt, có pháp không sắp diệt. Pháp sanh hiện tại ở trong một tâm có hai: 1. Là sanh. 2. Là sắp diệt. Sanh chẳng phải tướng sắp diệt, tướng sắp diệt chẳng phải sanh; việc ấy không đúng, cho nên Tu bồ đề đáp, không. Kinh nói: "Sẽ trụ như vậy chăng?". Là nếu tướng diệt chẳng phải tức là diệt, thời có lẽ thường trụ chăng? Nếu thường trụ tức tướng không diệt.
Phật gạn qua gạn lại như vậy, Tu bồ đề lý cùng nên nghĩ rằng: Ta nếu nói tướng diệt tức là diệt, thời một tâm rơi vào trong hai lúc; nếu nói chẳng diệt thì sự thật là tướng diệt làm sao nói rằng chẳng diệt. Vì hai lẽ trên đều có lỗi nên Tu bồ đề tự đem trí tuệ đã được chứng đắc mà đáp; Bạch đức Thế Tôn, trụ như vậy, như "như" trụ.
Kinh nói: "Nếu tâm ấy như "như" trụ, thời sẽ là thực tế chăng?". Là nếu nói tâm tương đồng với "như" mà trụ, thì "như" tức là thực tế. Nếu như vậy tâm có thể tức là thực tế chăng? - Tu bồ đề thưa: Thưa không, bạch đức Thế Tôn! Vì sao? Vì Tu bồ đề đã lâu tôn trọng thực tể, nhưng tâm là pháp hư dối, sức trí tuệ của hàng Tiểu thừa ít, không thể quán tâm tức là thật tế, thế nên Tu bồ đề đáp không.
Hỏi: Nếu Tu bồ đề đã nói tâm như "như", cớ sao tâm không được là thực tế?
Ðáp: "Như" là thật tướng hết thảy pháp, thật tướng của tâm cũng là "như". Ý Tu bồ đề muốn nói những điều do sáu căn của phàm phu thấy được, hư dối, điên đảo cho nên có lỗi, nay nói tâm tướng "như' như thật không có lỗi, nên nói như như mà trụ. Lại thật tế tức là Niết bàn, nên không thể tức thời lấy tâm làm Niết bàn, cho nên đáp không.
* Lại nữa, vì thật tế không có tướng nên không được nói tâm tức là thật tế. Kinh nói "Như" ấy thậm thâm chăng?" là vì Tu bồ đề nói tâm như "như" mà trụ, lại nói tâm không được là thật tế, nên Phật hỏi "như" ấy thậm thâm chăng? Tu bồ đề không thể biết khắp nên đáp thậm thâm.
Kinh nói: "Phật hỏi: Chỉ như là tâm chăng?" - Tu bồ đề đáp: Thưa không, bạch đức Thế Tôn! vì sao? Vì "như" là một tướng, chẳng phải hai tướng. Tâm do nhân duyên ức tưởng phân biệt sanh nên là hai tướng: "Như" không có biết gì còn tâm có biết; lại "như" rốt ráo thanh tịnh nên không có biết, còn tâm có điều giác tri. Lìa "như", tâm cũng như vậy, vì sao? Vì hết thảy pháp đều có "như", làm sao lìa "như" mà có tâm được.
Phật hỏi Tu bồ đề: "Như" có thể thấy "như" chăng?
Ðáp: Trong "như" không có phân biệt là biết có thể biết, Bồ tát không an trú "như", pháp tánh, thật tế mà tu ngay Bồ tát đạo thâm sâu.
Phật hỏi Tu bồ đề: Nếu tu như vậy có thể tu Bát nhã ba la mật thậm thâm chăng? - Tu bồ đề tự quán xét hàng Tiểu thừa cạn mỏng, pháp Ðại thừa sâu xa nên đáp rằng: Tu như vậy là tu Bát nhã ba la mật thậm thâm.
Bấy giờ, có Bồ tát chưa được vô sanh pháp nhẫn nghe pháp ấy thời tâm cống cao, tự cho mình ra khỏi Tiểu thừa, sâu vào Ðại thừa. Phật muốn phá tâm cống cao ấy nên hỏi Tu bồ đề: Bồ tát tu như vậy là ở chỗ nào tu? Tu bồ đề thưa: Tu như vậy là không có chỗ tu, vì sao? Vì Bồ tát an trụ trong "như" không có phân biệt. Bồ tát nghe nói không có chỗ tu, thời hoặc bị rơi vào chấp đoạn diệt, nên Phật lại hỏi Tu bồ đề: Bồ tát tu Bát nhã là ở chỗ nao tu? Tu bồ đề thưa: Ở trong đệ nhất nghĩa tu. Tướng đệ nhất nghĩa là không có hai tướng.
Phật hỏi Tu bồ đề: Ý ông nghĩ sao? Nếu Bồ tát không ức niệm, tu đệ nhất nghĩa, sự tu ấy có thủ tướng chăng? - Tu bồ đề thưa: Thưa không. Bạch đức Thế Tôn!, Vì sao? Vì hết thảy pháp rốt ráo không, không có ức niệm tức là không tướng tu hành.
Phật hỏi Tu bồ đề: Bồ tát ấy phá hoại tướng mà được vô tướng chăng? Tu bồ đề thưa: Thưa không, vì tướng từ trước lại đây không có, chỉ trừ điên đảo nên không phá hoại tướng các pháp.
Phật hỏi Tu bồ đề: Nếu không phá hoại tướng các pháp làm sao tu hạnh vô tướng? Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế tôn, Bồ tát không nghĩ rằng ta sẽ phá tướng nên tu hành Bát nhã. Bồ tát chưa đầy đủ mưới trí lực của Phật v.v..., do sức phương tiện nên không khởi tâm thấy có tướng, không khởi tâm thấy vô tướng, vì sao? Vì nếu chấp thủ tướng thời tướng ấy đều là hư dối vọng ngữ, có các sai lầm; nếu phá hoại tướng thì rơi vào chấp đoạn diệt, cũng mắc nhiều sai lầm. Thế nên không chấp thủ tướng có, không chấp thủ tướng không. Thủ tướng tức là hữu pháp, không thủ tướng tức là vô pháp; do lực phương tiện xa lìa hai bên có không ấy, thực hành trung đạo.
Trong đây Phật tự nói nhân duyên là vì biết hết thảy pháp tự tánh không, nên không chấp có, không chấp không. Tự tướng không thời phá hết thảy pháp tướng, cũng tự phá tướng nó. Bồ tát an trú trong tự tướng không, khởi lên ba tam muội, làm lợi ích chúng sanh. Chúng sanh mỗi mỗi ước thọ thân ở trong sáu đường: Có người không nhiếp phục tâm, không thể tu phước, buông lung theo ý tạo nghiệp, hoặc đọa địa ngục, khi sắp chết gió lạnh bức thiết, thời mong muốn được lửa, bèn rơi vào ba đường ác, địa ngục, ngạ qủy, súc sanh; nếu được làm người thời bần cùng hạ tiện. Có người nhiếp phục tâm, bẻ gãy lòng xan tham, tu hạnh bố thí, trì giới, người ấy được sinh vào chỗ giàu vui trong cõi người, cõi trời dục giới. Có người lìa cõi dục, trừ năm triền cái, nhơn có năm căn tín, tấn, v.v... được năm thiền chi, thời sinh vào cõi sắc. Có người bỏ sắc tướng, diệt tướng đối đãi, không nghĩ đến tạp tướng, nên vào vô biên hư không xứ định v.v... Các việc làm như vậy đều là ước nguyện tà vạy. Vì sao? Vì lâu ngày đều sẽ bị phá hoại, đọa lạc. Thí như lấy dây buộc chim bay, dây hết, chim phải trở lại. Bồ tát do vô tác tam muội, dứt các nguyện ấy cho chúng sanh.
Lại, thân này đều không, chỉ có gân, xương, năm tạng, máu chảy, da bọc, đầy dẫy nhơ nhớp, gió theo tâm lay động, tâm ấy sanh diệt không ngừng, như huyễn, như hóa, không có thật tướng nhất định. Chúng sanh thấy tướng đi lại, nói năng nên cho là có người, có ta, có của ta, khởi tâm điên đảo; chỉ vì ức tưởng phân biệt nên có sự sai lầm ấy. Bồ tát dùng Không tam muội dứt tâm chấp ta, của ta cho chúng sinh, khiến an trú trong "không".
Lại, chúng sinh thủ lấy tướng nam nữ, sắc thanh, hương vị, tốt xấu, dài ngắn; vì thủ tướng nên sinh các phiền não, chịu các ưu khổ; Bồ tát dùng Vô tướng tam muội dứt các tướng cho chúng sanh, khiến an trú trong Vô tướng.
Hỏi: Nếu giáo hóa cho chúng sanh khiến chứng được "Không" là đủ, thì cần gì đến Vô tướng, Vô tác tam muội?
Ðáp: Căn cơ chúng sinh có lợi độn. Người lợi căn nghe nói"Không" liền ngộ Vô tướng, Vô tác; người độn căn nghe nói "Không" phá các pháp, liền chấp thủ tướng "Không"; thế nên tiếp nói Vô tướng; nếu người tuy biết Không, Vô tướng, nhưng trí tuệ ấy lại muốn tác nghiệp thọ thân; nhưng biết thân ấy pháp hữu vi có các hoạn nạn, thế nên không nên tác nghiệp thọ thân. Như Kinh nói: Ngoài thân Bồ tát, các thân khác không thể có được cái vui trong giây lát huống gì lâu dài; thế nên nói Vô tác. Vì nhân duyên ấy nên cần nói đầy đủ ba tam muội để giáo hóa chúng sinh. GIẢI THÍCH: PHẨM MỘNG HÀNH THỨ 58
KINH: Bấy giờ Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Nếu Bồ tát ở trong mộng mà vào ba tam muội Không, Vô tướng, Vô tác thời có thể có ích đối với Bát nhã ba la mật chăng?
Tu bồ đáp; nếu Bồ tát ban ngày vào ba tam muội có ích ích đối với Bát nhã ba la mật, nên ban đêm ỏ trong mộng cũng sẽ có ích, vì sao? Vì ban ngày, ban đêm ở trong mộng không có khác nhau. nếu Bồ tát ban ngày tu Bát nhã ba la mật có ích, Bồ tát ấy ở trong mộng tu Bát nhã ba la mật cũng nên có ích.
Xá lợi phất hỏi: Bồ tát nếu ở trong mộng tạo nghiệp, nghiệp ấy có tích tụ thành không? Như Phật dạy: hết thảy pháp như mộng nên không tích tụ thành. Vì sao? Vì trong mộng không có pháp tích tụ thành, nếu khi thức nhớ tưởng phân biệt lại, nên tích tụ thành.
Tu bồ đề hỏi: Nếu người ở trong mộng sát sinh, khi thức rồi nhớ nghĩ, phân biệt, thủ lấy tướng sát sinh, ta giết như vậy khoái ư? Việc ấy thế nào?
Xá lợi phất đáp: Không có nhân duyên thời nghiệp không sinh, không có nhân duyên thời tư duy không sinh; có nhân duyên thời nghiệp sinh, có nhân duyên thời tư duy sinh.
Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Không có nhân duyên nghiệp không sinh, không có nhân duyên tư duy không sinh; có nhân duyên nghiệp sinh, có nhân duyên tư duy sinh. Ðối với pháp thấy, nghe, hay, biết có tâm sinh, chẳng từ trong pháp không thấy, không nghe, hay biết tâm sinh; tâm ấy có sạch có nhơ. Vì thế nên có nhân duyên nghiệp sinh, chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh; có nhân duyên tư duy sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
Xá lợi phất hỏi: Như Phật dạy hết thảy các nghiệp, các tư duy xa lìa tự tướng, làm sao nói có nhân duyên nên nghiệp sinh, không có nhân duyên nghiệp không sinh; có nhân duyên nên tư duy sinh, không có nhân duyên tư duy không sinh?
Tu bồ đề đáp: Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên nghiệp sinh, chẳng từ không có nhân duyên nghiệp sinh. Vì chấp thủ tướng nên có nhân duyên tư duy sinh, chẳng từ không có nhân duyên tư duy sinh.
Xá lợi phất hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ; đem phước đức thiện căn ấy hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là thật hồi hướng chăng?
Tu bồ đề đáp: Bồ tát Di lặc đang ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, nên hỏi Di lặc, Di lặc sẽ đáp.
Xá lợi phất hỏi Bồ tát Di lặc rằng: Tu bồ đề nói Bồ tát Di lặc hiện ở trước mặt được Phật thọ ký chẳng thối chuyển sẽ làm Phật, Di lặc sẽ đáp.
Di lặc Bồ tát nói với Xá lợi phất: Sẽ lấy danh Di lặc đáp chăng? hoặc lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức đáp chăng? hoặc lấy sắc không đáp chăng? hoặc lấy thọ, tưởng, hành, thức không đáp chăng? Sắc không thể đáp; thọ, tưởng, hành thức không thể đáp. Sắc không không thể đáp; thọ, tưởng, hành, thức không không thể đáp. Ta không thấy pháp ấy có thể đáp, không thấy người hay đáp; ta không thấy người được thọ ký, cũng không thấy pháp có thể thọ ký, cũng không thấy nơi thọ ký, hết thảy pháp ấy đều không hai, không khác.
Xá lợi phất nói với Di lặc Bồ tát: Như lời nhân giả nói, như thế là được pháp tác chứng chăng?
Di lặc đáp: Như lời tôi vừa nói, như thế chẳng chứng.
Bấy giờ Xá lợi phất suy nghĩ: Bồ tát Di lặc trí tuệ rất sâu; lâu ngày tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, tu trí tuệ, vì theo nghĩa vô sở đắc nên có thể nói như vậy.
Bấy giờ Phật bảo Xá lợi phất: Ý ông nghĩ sao? Ông dùng pháp ấy được A la hán, có thấy pháp ấy chăng? - Xá lợi phất thưa: Không thấy.
Này Xá lợi phất! Bồ tát tu Bát nhã ba la mật cũng như vậy, không nghĩ rằng tu pháp ấy sẽ được thọ ký; tu pháp ấy sẽ được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát tu Bát nhã ba la mật không nghi ta hoặc được hoặc chẳng được, mà tự biết thực được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Hỏi: Xá lợi phất vì cớ gì đem việc trong mộng gạn hỏi Bồ tát về tam muội?
Ðáp: Vì việc trong mộng hư dối như cuồng như điên, chẳng phải thất thật, còn ba tam muội là pháp thật. Lại, các chỗ khác nói ở trong mộng cũng có ba thứ: thiện, bất thiện và vô ký. Nếy Bồ tát lấy thiện tâm tu ba tam muội thời được phước đức. Nhưng mộng là việc cuồng si không thể ở trong đó tu thật pháp được quả báo; nếu có thật pháp thời không gọi là mộng. Vì thế nên hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng tu ba tam muội có tăng trưởng Bát nhã ba la mật và phước đức, nhóm các thiện căn gần Phật đạo chăng?
Ý Tu bồ đề là, nếu nói tăng trưởng thời mộng là hư dối, còn Bát nhã là thật pháp, làm sao tăng trưởng được? Nếu nói không có tăng trưởng thời trong mộng có thiện, làm sao không tăng trưởng? Không được đáp rằng, có tăng trưởng, không tăng trưởng? Thế nên Tu bồ đề xa lìa câu nạn vấn về hai bên ấy, nên đem thực tướng các pháp để đáp: Còn phá hành nghiệp tạo trong ban ngày huống gì tạo trong mộng rằng: Bồ tát nếu trong ban ngày tu Bát nhã ba la mật có ích, thời trong ban đêm tu cũng có ích. Nhưng vì trong ban ngày tu còn không có ích, huống gì tu trong mộng! Vì sao? Vì trong Bát nhã ba la mật không phân biệt có tướng ngày đêm.
Xá lợi phất nghe Tu bồ đề nói đã biết Bát nhã không thêm, không bớt, không còn gạn hỏi gì nữa. Nay lại nhân việc khác hỏi việc trong mộng: Này Tu bồ đề, nếu trong mộng tạo nghiệp, nghiệp ấy có tích tụ thành, nghiệp ấy thật có tích tụ thời nghiệp ấy có thành quả báo chăng? Nghiệp ấy nếu có thật, thời Phật thường nói hết thảy pháp không, như mộng, không thể tích tụ thành được, vì sao? Vì tâm mộng, vi tế, yếu ớt, không thể tích tụ thành nghiệp. Trong ban ngày tâm vi tế, yếu ớt còn không thể tích tụ thành, huống gì trong mộng! Nếu khi thức phân biệt trong mộng đã sinh tâm thiện, bất thiện là đã có thể tích tụ thành.
Tu bồ đề hỏi: Như người trong mộng giết người, khi thức dậy phân biệt rằng ta giết, thế là khoái chăng? Nghiệp ấy thế nào, có tích tụ thành chăng?
Xá lợi phất đáp: Hết thảy nghiệp trong ngày hoặc đêm đều từ nhân duyên sinh, không có nhân duyên thời không sinh.
Tu bồ đề chấp nhận lời ấy: Như vậy, nghiệp có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh,tu duy có nhân duyên thời sinh, không có nhân duyên thời không sinh. Nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp; Tư duy chỉ là ý nghiệp. Tư là nghiệp thật, còn thân, khẩu nghiệp vì do Tư nên gọi là nghiệp. Ba nghiệp ấy nhân nơi bốn thứ là, hoặc thấy hoặc nghe, hoặc hiểu hoặc biết, nhân bốn thứ ấy tâm sinh, tâm ấy theo nhân duyên sinh hoặc tịnh hoặc bất tịnh; tội nghiệp là bất tịnh, phước duyên là tịnh. Thế nên, nếu ở trong mộng thấy gì đều nhân việc thấy, nghe, hay, biết trước đó. Trong mộng tạo thiện, ác, vì sự ngủ nghỉ che tâm, không được tự tại, không có thế lực nên không thể tích tụ thành quả báo. Nếu nghiệp ấy khi thức dậy đem tâm thiện ác hòa hợp nên có thể giúp thành quả báo. Ý Tu bồ đề là, trong mộng tạo nghiệp thật có tích tụ thành, vì sao? Vì có nhân duyên nên mới sanh khởi, nên tâm trong ban ngày với tâm trong mộng không khác nhau, vì cớ sao? Vì đều nhân nơi bốn thứ thấy nghe hay biết làm sinh khởi.
Xá lợi phất lấy Không tánh để gạn Tu bồ đề: Như Phật nói hết thảy các nghiệp xa lìa tự tướng, ông làm sao nói chắc các nghiệp nhân duyên sinh, không có nhân duyên không sinh?
Tu bồ đề đáp: Các pháp tuy "không", xa lìa tự tướng, nhưng phàm phu chấp thủ tướng, có nhân duyên nên nghiệp sinh; nếu không chấp thủ tướng, không có nhân duyên thời nghiệp không sinh. Thế nên biết, hết thảy nghiệp đều từ nhân duyên chấp thủ tướng nên có, trong ban ngày và trong mộng không khác nhau.
Xá lợi phất lại hỏi: Nếu Bồ tát ở trong mộng tu sáu Ba la mật rồi hồi hướng Vô thượng đạo là thật hồi hướng chăng? Nếu trong mộng và trong ban ngày không khác nhau, thời ở trong mộng hồi hướng sẽ phải là thật? Lại, nếu trong ban ngày có tâm chấp trưóc thủ tướng, thời không gọi là hồi hướng, huống gì khi ngủ nghỉ che tâm? Tu bồ đề cho hai vấn nạn ấy sau xa, khó đáp, nên nói với Xá lợi phất nên hỏi Di lặc.
Hỏi: Cớ gì chỉ nói Không mà chẳng đáp?
Ðáp: Hai đệ tử ấy vì lợi ích cho Bồ tát, nên phân biệt thức với mộng, hoặc đồng, hoặc khác. Vì Phật thường nói hết thảy pháp như mộng, vậy nếu trong ban ngày hành đạo thời trong mộng cũng có thể hành đạo. Di lặc thấy hai người đều có chỗ chấp, không thể thông suốt nên Di lặc không đáp.
Lại có người nói Di lặc lấy Không để đáp. Xá lợi phất hỏi Di lặc: Như "Không" được nói. lấy đó làm chứng đắc chăng? Ý Xá lợi phất là nếu lấy "không" làm chứng đắc tức muốn sinh nạn vấn, sao làm chứng đắc được? Nếu không chứng đắc, như vậy tự ông chẳng được, chẳng biết làm sao nói được. Ý Di lặc là : Ông lấy Niết bàn làm chứng đắc, ta cho Niết bàn cũng không, vì vô sở đắc nên chẳng chứng đắc.
Có người nói: Vì Di lặc chưa đầy đủ Phật pháp nên nói không làm chứng đắc. Pháp của Bồ tát là nên biết không, vô tướng, vô tác, chẳng nên chứng đắc.
Bấy giờ Xá lợi phất nghĩ rằng: Bồ tát Di lặc có trí rất sâu, nói được như vậy, biết được tướng Niết bàn mà không thủ chứng, ấy gọi là rất sâu. Trong đây Xá lợi phất tự nói nhân duyên: Vì Di lặc lâu ngày tu sáu Ba la mật nên có trí rất sâu. Ý Xá lợi phất là, Di lặc kế tiếp sẽ làm Phật, nên có thể đáp mà không đáp. Vì vậy Phật trở lại hỏi Xá lợi phất: Ý ông nghĩ sao? Ông thấy dùng pháp ấy được A la hán chăng? Xá lợi phất thưa: Không thấy, vì sao? Vì pháp ấy không, vô tướng, vô tác thời làm sao thấy được? Nếu thấy được tức là có tướng, mắt thịt, mắt trời phân biệt thủ tướng nên không thể thấy; mắt tuệ không có phân biệt thủ tướng nên cũng chẳng thấy, vì vậy đáp chẳng thấy.
Phật dạy: Bồ tát cũng như vậy, khi được vô sanh nhẫn, không nói rằng ta nhờ thấy pháp ấy mà được thọ ký sẽ được Vô thượng đạo. Tuy không khởi lên cái thấy ấy cũng chẳng sinh nghi: Ta chẳng được Vô thượng đạo. Như ông tuy chẳng thấy pháp cũng chẳng nghi ta thành A la hán hay chẳng thành A la hán.
KINH: Phật bảo Tu bồ đề: Có Bồ tát khi tu Thí ba la mật, gặp người đói rét, lạnh lẽo, áo chăn rách rưới, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu bố thí cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có những việc như vậy; trái lại áo chăn, ăn uống, dụng cụ nuôi sống sẽ như cõi trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ ma, trời Ðâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Thí ba la mật, có thể đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Khi tu Giới ba la mật, thấy chúng sanh sát sinh cho đến tà kiến, nhiều bệnh, chết yểu, nhan sắc chẳng đẹp, không có uy đức, nghèo thiếu tài vật, sinh vào nhà hạ tiện, hình thù què quặt, xấu xí; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Giới ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Giới ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát khi tu Nhẫn ba mật, thấy chúng sanh giận dữ, mắng nhiếc lẫn nhau, dùng dao, gậy, ngói, đá tàn hại, cướp đoạt mạng sống của nhau, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Nhẫn ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại xem nhau như cha mẹ, như anh em, như chị em, như thiện tri thức, đều hành từ bi. này Tu bồ đề, tu như vậy có thể đầy đủ Nhẫn ba la mật, gần đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nũa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu tTấn ba la mật, thấy chúng sinh biếng nhác, không siêng tinh tấn, xa bỏ ba thừa Thanh văn, Bích chi Phật, Phật thừa; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Tấn ba la mật cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy, trái lại hết thảy chúng sinh đều siêng tu tinh tấn, đối với ba thừa đều đưọc độ thoát. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Tấn ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa,Tu bồ đề! Bồ tát khi tu Thiền ba la mật, thấy chúng sinh bị năm triền cái che lấp, đó là tham dục, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi làm mất sơ thiền cho tới đệ tứ thiền; mất từ, bi, hỷ, xả; mất hư không xứ, thức xứ, vô sở hữu xứ, phi phi tưởng xứ; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Thiền ba la mật cũng như khi ta được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Thiền ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu Bát nhã ba la mật, thấy chúng sinh ngu si, mất chánh kiến thuộc thế gian và xuất thế gian, hoặc nói không có nghiệp, không có nhân duyên của nghiệp, hoặc nói ngã là thường, hoặc nói ngã là đoạn diệt; hoặc nói không có gì; Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu Bát nhã ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta được thành phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có các việc như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ Bát nhã ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh ở vào ba nhóm: một là nhóm chánh định; hai là nhóm tà định; ba là nhóm bất định, Bồ tát nên nguyện rằng: tùy theo thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta được thành Phật, khiến chúng sinh ở cõi nước ta không có nhóm tà định cho đến không có tên ấy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể dây đủ sáu Ba la mật, cho đến gần trí nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh ở trong địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta cho đến không có cái tên ba đường ác. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy cõi nước thuần là đất không có vàng bặc, châu báu, Bồ tát nên nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến trong cõi nước ta lấy cát vàng rải đất. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát jgi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có điều luyến đắm, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có điều luyến đắm. Này Tu bồ đề, Bồ tát khi tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy các hạng chúng sinh Sát đế lợi, Bà la môn, Tỳ xá, Thủ đà la, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịng cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh ở trong cõi nước ta không có tên gọi về bốn giai cấp đó. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy, có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có kém, vừa, hơn; sinh vào nhà kém, vừa, hơn, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nưóc ta không có điều hơn kém như vậy. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có sắc tướng mỗi mỗi sai biệt, trái lại hết thảy chúng sinh đều đoan chính, tinh khiết, thành tựu sắc đẹp. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật thấy chúng sinh có sáu đường sai biệt, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi sáu đường là địa ngục, ngạ qủy, súc sinh, thần, trời, người, trái lại hết thảy chúng sinh đều đồng một nghiệp, tu bốn niệm xứ cho đến tám phần Thánh đạo. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, chóng đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có bốn loại sinh: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có ba loại sinh, trái lại đều bình đẳng một loại hóa sinh. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có năm thần thông, nên phát nguyện rằng: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến chúng sinh trong cõi nước ta, hết thảy đều được năm thần thông cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có hoạn nạn về đại tiện, tiểu tiện, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều lấy việc vui pháp làm thức ăn, không có hoạn nạn về đại tiện, tiểu tiện, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có ánh sáng, nên phát nguyện: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều có ánh sáng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy có sự tính đếm ngày, tháng, năm, thời tiết, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến trong cõi nước ta không có tên gọi về ngày, tháng, năm cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh thọ mạng ngắn ngủi, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta kiếp số, thọ mạng vô lượng, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh không có tướng tốt, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta đều thành tựu 32 tướng cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh xa lìa các thiện căn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta thành tựu các thiện căn, dùng phưóc đức ấy có thể cúng dường chư Phật cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có ba độc, bốn bệnh, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có bốn bệnh: rét, sốt, bệnh gió, ba loại tạp bệnh và ba bệnh độc, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh theo tam thừa, nên phát nguyện rằng: Kiu ta thành Phật khiến chúng sinh trong cõi nước ta không có tên gọi Nhị thừa, chỉ toàn Ðại thừa cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, thấy chúng sinh có tăng thượng mạn, nên phát nguyện rằng: Khi ta thành Phật khiến chúng inh trong cõi nước ta không có tên gọi tăng thượng mạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật cần phải phát nguyện: Nếu ta có ánh sáng, sống lâu có hạn lượng, tăng chúng có giới hạn, thời sẽ phát nguyện rằng: Ta tu sáu Ba la mật làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến ta có ánh sáng, sống lâu không hạn lượng, tăng chúng không giới hạn, cho đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, nên phát nguyện rằng: Nếu cõi nước ta có hạn lượng thời sẽ phát nguyện: Tùy theo bấy nhiêu thời gian ta tu sáu Ba la mật, làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh; cũng như khi ta thành Phật, khiến cõi nước ta như Hằng hà sa cõi Phật. Này Tu bồ đề, Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
* Lại nữa, Tu bồ đề! Bồ tát khi tu sáu Ba la mật, nên nghĩ rằng: Tuy trong đường dài sinh tử, chúng sinh có nhiều căn tính, bấy giờ ta nên nhớ nghĩ chơn chính như vầy: Biên giới sinh tử như hư không; biên giới căn tính của chúng sinh cũng như hư không, trong đó thật tế không có sinh tử qua lại, cũng không có người giải thoát. Bồ tát tu như vậy có thể đầy đủ sáu Ba la mật, đến gần trí Nhất thiết chủng.
LUẬN: Hỏi: Vì thứ lớp gì mà nói Bồ tát thấy chúng sinh đói khát lạnh lẽo ...?
Ðáp: Bồ tát vượt quá Thanh văn, Bích chi Phật, được thọ ký vô sinh pháp nhẫn, không còn có việc gì khác, chỉ có một việc là làm nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Nay nói nhân duyên nghiêm tịnh cõi Phật là khi thấy tướng cõi nước bất tịnh, thời nguyện cõi nước ta không có các việc như vậy, nên thứ lớp nói việc ấy. Bồ tát khi tu Thí Ba la mật, nếu thấy chúng sinh đói khát, áo chăn rách rưới liền nghĩ rằng: Ta chưa thành tựu phước đức và trí tuệ nên không thể cấp đủ sự cần dùng cho chúng sinh; nếu ta chỉ tu tâm từ bi thời đối với chúng sinh không có lợi ích, lúc bấy giờ ta sẽ tu hành mạnh mẽ ba thứ phước đức, trụ trong ba thứ phước đức ấy có thể làm cho chúng sinh bần cùng được sung túc, đó là phước đức được làm Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm Thiên vương, hoặc làm Thánh nhân có thần thông, thời có thể dẫn dắt chúng sinh, phá lòng xan tham của họ, khiến tu bố thí, nên sau khi thành Phật, trong cõi nước không có kẻ nghèo cùng, trái lại tâm muốn gì đều có được, như các vật có được của cõi trời thứ sáu ở cõi Dục. Như vậy, Bồ tát lúc bấy giờ chứa nhóm công đức bố thí, nên quả báo được sung mãn hết thảy, vì cớ sao? Vì hết thảy pháp hữu vi đều thuộc nhân duyên sinh; nhân duyên tu thiện đầy đủ nên có thể tùy ý được quả báo.
* Lại nữa, chúng sinh vì nhân duyên phá việc trì giới nên thọ mạng ngắn, nhiều bệnh, không có uy đức. Bồ tát nguyện rằng: Ta tự đầy đủ trì giới, cũng dạy chúng sinh trì giới. Các nguyện nhỏ nhặt khác cũng như vậy cứ theo nghĩa phân biệt. Nghĩa của lời nguyện tối hậu chẳng rõ ràng nên nay lược nói: Bồ tát khởi nguyện như trên, sinh tâm mỏi mệt nhàm chán nghĩ rằng: Theo Phật đạo phải tu hành công đức trải vô lượng, vô biên, vô số kiếp rồi sau này mới được. Nhưng số năm của một kiếp không thể đếm được, nên Phật dùng thí dụ chỉ dạy, huống gì vô lượng vô biên vô số kiếp sống chết, chịu các khổ não. Chúng sinh cũng vô lượng vô biên, không thể dùng thí dụ, toán số biết được; chỉ chúng sinh số như vi trần trong ba ngàn đại thiên thế giới còn khó độ, huống gì là chúng sinh số như vi trần trong mười phương vô lượng thế giới mà có thể độ được. Vì việc ấy nên tâm sinh thối chuyển; ấy gọi là nhớ nghĩ tà. Thế nên Phật dạy: Bồ tát phải chánh ức niệm rằng, đường sinh tử tuy dài, nhưng việc ấy đều không, như hư không, như thấy trong mộng, chẳng phải thật dài, không nên sinh tâm nhàm chán. Lại, đời vị lai là cảnh sở duyên của một niệm, cũng chẳng phải dài.
* Lại nữa, Bồ tát có vô lượng lực phước đức và trí tuệ, nên có thể vượt qua vô lượng kiếp. Do các nhân duyên như vậy, không nên sinh tâm nhàm chán. Trong đây, Phật nói nhân duyên lớn, đó là sinh tử như hư không, chúng sinh cũng như hư không, chúng sinh tuy nhiều nhưng cũng không nhất định thật có chúng sinh, như chúng sinh vô biên, vô lượng, trí tuệ Phật cũng vô biên vô lượng nên Phật độ sinh cũng chẳng khó; thế nên Bồ tát không nên sinh tâm mệt mỏi, nhàm chán. GIẢI THÍCH: PHẨM HÀ THIỆN THỨ 59
(Kinh Ma Ha Bát Nhã ghi phẩm: Hằng già đề bà)
Kinh Ðại Bát Nhã phần 2 ghi: Phẩm Căn Già Thiên Thứ 57)
KINH: Bấy giờ có một người nữ tên Hằng già đề bà ngồi ở giữa hội chúng. Ngưòi nữ ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, trạch áo vai bên hữu, gối bên hữu qùy sát đất, chấp tay bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, con sẽ tu sáu Ba la mật, sẽ làm tất cả hạnh thủ đắc cõi Phật thanh tịnh như trong Bát nhã ba la mật nói. Khi ấy người nữ lấy hoa vàng bạc và hoa sinh dưới nước, trên khô, các dụng cụ trang nghiêm để cúng dường; dệt chỉ vàng thành tấm thảm vải căng lên trên Phật. Căng lên xong, ở giữa hư không phía trên Phật, hóa thành đài báu, có bốn cây trụ nghiêm trang đẹp đẽ. Người nữ đó liền đem công đức ấy chia cho chúng sanh, cũng hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, đức Thế Tôn biết thâm tâm của người nữ ấy, tức thời mỉm cười. Như pháp của chư Phật, các thứ ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng... đều từ trong miệng Phật phát ra, chiếu khắp mười phương vô lượng vô biên cõi Phật, rồi trở lại nhiễu quanh Phật ba vòng và vào trên đỉng đầu của Phật.
Khi ấy A nan từ chỗ ngồi đứng dậy, gối bên phải qùy sát đất, chấp tay bạch Phật rằng: Thế Tôn có nhân duyên gì mà mỉm cười? Vì pháp của chư Phật chẳng vì không có nhân duyên mà cười.
Phật bảo A nan: Ðó là vì cô Hằng gia đề bà trong vô số kiếp vị lai sẽ thành Phật, kiếp gọi là Tinh tú, Phật tên là Kim hoa. Này A nan, người nữ ấy khi bỏ thân nữ, thọ thân nam, sẽ sinh vào cõi nước A tỳ la vệ của Phật A súc, ở đó tịnh tu phạm hạnh. Này A nan, Bồ tát ở cõi nước kia cũng có hiệu Kim hoa, Bồ tát Kim hoa ấy sau khi mệnh chung ở nước kia lại sinh đến cõi Phật ở phương khác. Từ một cõi Phật đến một cõi Phật, không rời chư Phật; ví như Chuyển luân Thánh vương từ một nhà đến một nhà, từ sinh đến chết, chân không đạp đất. Này A nan, Bồ tát Kim hoa cũng như vậy, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chưa từng không thấy Phật.
Khi ấy A nan nghĩ rằng: Bồ tát Kim hoa sau khi làm Phật, các hội Bồ tát sẽ như Phật hội?
Phật biết ý A nan nghĩ, bảo A nan rằng: Như vậy, như vậy! Lúc Phật Kim hoa hội các Bồ tát sẽ như Phật hội, tăng chúng của Phật Kim hoa vô lượng vô biên, không thể đếm , không thể đếm bao nhiêu trăm, ngàn, vạn, ức, na do tha. Này A nan, lúc Bồ tát Kim hoa làm Phật, cõi nước kia không có các điều xấu ác như trên đã nói.
A nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, người nữ ấy từ chỗ nào trồng gốc đức, gieo căn lành?
Phật bảo: Người nữ ấy từ chỗ Phật Nhiên Ðăng gieo căn lành, mới bắt đầu phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đem công đức ấy hồi hướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng lấy hoa vàng rải lên trên Phật Nhiên Ðăng cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. này A nan, như ta lúc bấy giờ lấy năm cành hoa rải lên trên Phật Nhiên Ðăng cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giá, Phật Nhiên Ðăng biết ta thành tựu thiện căn, thọ ký cho ta thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người nữ nghe ta được thọ ký, phát tâm rằng: Ðương lai tôi cũng như Bồ tát được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này A nan, nên biết người nữ ấy bắt đầu phát tâm ở chỗ Phật Nhiên Ðăng.
A nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, người nữ ấy lâu đời tập tu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Phật dạy: Như vậy, như vầy! Người nữ ấy lâu đời tập tu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
LUẬN: Hỏi: Như vầy, cả đại chúng đều nghe nói tu hạnh làm nghiêm tịnh cõi nước, cớ gì chỉ một người nữ phát nguyện thủ đắc cõi nước thanh tịnh?
Ðáp: Có nhiều người thủ đắc cõi nước thanh tịnh nhưng không nói ra. Tính người nữ khinh suất, háo thắng, vì tập khí nhiều đời nên không nói ra.
* Lại nữa, có người nói người nữ có được phần đắc đạo, các người khác không có. Phật pháp không vậy, tùy theo duyện nghiệp của chúng sinh; thí như thuốc hay trị lành các bệnh, không chọn sang hèn. Tuy có người nữ trí cạn mà có nghiệp duyên đời trước nên được thọ ký, sinh tâm muốn nói, nên Phật cho phép nói.
* Lại nữa, nếu Phật im lặng thọ ký cho thời người khác sinh nghi: Vì nhân duyên gì Phật chỉ thọ ký cho người nữ ấy? Thế nên nhân lời người nữ nói mà Phật thọ ký cho.
Hỏi: Cớ gì tên là Hằng già đề bà?
Ðáp: Tất cả đều có tên gọi để mà biết, cần gì tìm hiểu nó.
Có người nói người nữ ấy do cha mẹ cúng dường thần Hằng già nên đặt tên Hằng già đề bà. Hằng già là tên sông; Ðề bà nghĩa Trời. Người nữ ấy có nhân duyên phước đức sinh vào nhà giàu, nghe giảng Phật pháp, tin vui, nên dùng hoa báu, vàng bạc, chỉ vàng dệt thành áo thượng hạ và đồ anh lạc trang nghiêm nơi thân mình dùng để cúng dường Phật. Phật đáp lại bằng cách thọ ký cho và vì xem thấy sở hành đời trưóc của người nữ ấy nên mỉm cười. Vì nhân duyên nhỏ mà phát khởi đại sự nên Phật mỉm cười.
Hỏi: Phước đức người nữ ấy phải lâu lắm mới chuyển đổi thân nữ, cớ gì vừa ở nơi cõi Phật A súc liền chuyển đổi thân nữ?
Ðáp: Năm món dục lạc của thế gian khó dứt, chính người nữa đắm say năm dục lạc rất nhiều, nên tuy đời đời tu phước đức mà không thể được thân nam tử. Nay được thọ ký, các phiền não chẻ mỏng, nên ở nơi nước Phật A súc liền được thân nam. Có người nói: Người nữ này trước vì bị nhiều người khinh là nữ, nên phát nguyện thọ thân nữ được thọ ký. Có các nhân duyên như vậy, không chuyển đổi thân nữ mà vẫn được thọ ký.
* Lại nữa, Kinh nói: thân người nữ có năm chướng ngại, chứ không nói không được thọ ký, thế nên không nên gạn hỏi.
A nan nghe nói người nữ ấy trong vô lượng kiếp từ một cõi Phật đi đến một cõi Phật, rộng tu công đức, tương lai sẽ được cõi Phật thanh tịnh. Bồ tát ở trong cõi ấy đều có 32 tướng, 80 vẻ đẹp, ánh sáng vô lượng, thế nên A nan tán thán cho là việc chưa từng có, có thể được cõi nước thanh tịnh như vậy, giống như hội Phật. Phật chấp nhận lời ấy. A nan nghi người nữ ấy hiếm có: Nghe pháp ít mà được quả báo lớn. Thế nên A nan hỏi người nữ ấy từ chỗ nào trồng căn đức? Phật bảo: Lúc đức Phật Ðịnh Quang thọ ký cho ta, người nữ ấy cầm hoa vàng rải lên Phật và phát nguyện: người này (Bồ tát Thích ca Văn - ND) sau khi thành Phật cũng sẽ thọ ký cho ta như vậy. Từ các thiện căn ấy.
(Hết cuốn 75 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.17.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.