Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 15 »»

Đại Trí Độ Luận [大智度論] »» Bản Việt dịch quyển số 15

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.68 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luận Đại Trí Độ

Kinh này có 100 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
Việt dịch: Thích Thiện Siêu

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

GIẢI THÍCH: SẰN-ÐỀ BA-LA-MẬT PHÁP NHẪN
Sao gọi là pháp nhẫn?
Nhẫn đối với chúng sanh cung kính cúng dường và đối với các người phiền não, dâm dục; ấy gọi là Sanh nhẫn. Nhẫn đối với pháp cung kính cúng dường và pháp phiền não, dâm dục; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Pháp nhẫn là trong không đắm sáu căn, ngoài không thọ sáu trần. Ðối với hai thứ đó không khởi tâm phân biệt, vì sao? Vì tướng trong như ngoài, tướng ngoài như trong, cả hai tướng đều không thể có được (bất khả đắc), vì là nhất tướng, vì là nhân duyên hợp, vì là nó thật không, vì là hết thảy pháp tướng thường thanh tịnh, vì là như tánh tướng pháp chơn tế, vì là bất nhị thập, tuy không hai cũng không một. Quán các pháp như vậy, tâm tin chắc không lay chuyển, ấy gọi là nhẫn. Như trong kinh Tỳ-ma-la-cật nói: ”Bồ-tát Pháp-Trụ nói: Sanh và diệt là hai, bất sanh bất diệt là nhập pháp môn bất nhị. Cho đến Văn-thù-thi-lỵ nói: “Không nghe, không thấy, tất cả tâm duyệt, không thuyết, không nói là nhập pháp môn bất nhị. Tỳ-ma-la-cật thì im lặng không nói. Các Bồ-tát tán thán: “Lành thay! Lành thay! Ấy thật là nhập pháp môn bất nhị”.
Lại nữa, hết thảy pháp có hai: 1- Chúng sanh, 2- Các pháp. Bồ-tát nhẫn đối với chúng sanh, như trước đã nói. Nay nói nhẫn đối với pháp. Pháp có hai là: Tâm pháp và phi tâm pháp. Trong phi tâm pháp có nội có ngoại. Ngoại có rét, nóng, gió, mưa v.v... Nội có đói, khát, già, bệnh, chết, v.v... Các thứ như vậy gọi là phi tâm pháp. Trong tâm pháp có hai: 1-Sân nhuế, ưu sầu, nghi, v.v... 2- Dâm dục, kiêu mạn, v.v... Hai thứ đó gọi là tâm pháp. Bồ-tát đối với hai pháp đó, an nhẫn không lay động, ấy gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi: Ðối với chúng sanh hoặc làm họ sân hận, làm não hại mạng họ thì mắc tội, nếu thương xót họ thì được phước. Còn đối với lạnh, nóng, gió, mưa ... không có làm tăng hay tổn gì ai, vì sao mà phải nhẫn?
Ðáp: Tuy không tăng hay tổn, song tự mình sanh não loạn ưu khổ thì sẽ làm hại Bồ-tát đạo, vì vậy nên phải nhẫn.
Lại nữa, không phải chỉ sát hại bức não chúng sanh nên mắc tội, mà vì ác tâm làm nhân duyên nên mắc tội. Vì sao? Vì tuy giết chúng sanh mà tâm vô ký, là không mắc tội, thường nghĩ tới chúng sanh, tuy không cho gì mà rất được phước. Lạnh, nóng, gió, mưa... tuy không làm tăng tổn, nhưng vì ác ý cho nên mắc tội. Do vậy, nên phải nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát tự biết do nhân duyên của tội đời trước nên sanh vào chỗ khổ này. Ấy là do ta làm, ta nên tự chịu. Suy nghĩ như vậy, cho nên hay nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Quốc độ có hai thứ: Có thứ tịnh, có thứ không tịnh. Bồ-tát nếu sanh vào trong Quốc độ không tịnh, chịu cay đắng, đói rét các khổ, thì tự phát lời nguyện thanh tịnh rằng: “Khi ta thành Phật, trong Quốc độ không có các thứ khổ ấy...”. Như vậy, quốc độ đây tuy không tịnh, nhưng mà có lợi cho ta.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Tám pháp của thế gian, Hiền Thánh còn không thể tránh được, huống gì là ta?” Do vậy, phải nên nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Biết thân người đây không bền, không mạnh, bị già bệnh chết đuổi theo. Tuy lại còn có thân trời thanh tịnh, không già không bệnh, nhưng lại đắm mê thú vui cõi trời thì cũng giống như người say, không thể tu hành phứơc đức Thánh đạo, xuất gia lìa dục. Vì vậy nên đối nhân thân này tự gắng nhẫn nhục tu phứơc, lợi ích chúng sanh”.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta thọ xác thân tứ đại ngũ uẩn này, tất phải chịu phần thống khổ. Không ai có thọ thân mà không khổ. Giàu sang, nghèo hèn, xuất gia, tại gia, ngu trí, sáng tối, không ai khỏi khổ được, vì sao? Vì người giàu sang thường hay sợ hãi, thủ hộ tài vật; giống như dê béo, phải sớm đến máy đồ tể; như Quạ tha miếng thịt, cả bầy Quạ đuổi theo. Người nghèo hèn thì có cái khổ đói rét; người xuất gia, đời nay tuy khổ mà đời sau hưởng phước đắc đạo. Người tại gia, đời nay tuy vui, mà đời sau chịu khổ. Người ngu lúc đầu cầu cái vui đời này, nhưng khi vô thường đối mặt đến, sau lại phải chịu khổ. Người trí lúc đầu suy nghĩ về cái khổ vô thường, sau lại được thọ vui. Như vậy, người đã có thọ thân, chẳng ai không khổ”. Cho nên Bồ-tát phải nên thực hành nhẫn nhục.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Hết thảy thế gian đều khổ, làm sao ta ở trong đó mà lại cầu vui được?”
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta ở trong vô lượng kiếp, thường chịu các khổ, mà không có lợi ích gì, chưa từng vì pháp, ngày nay vì chúng sanh, mà cầu Phật đạo, tuy có chịu khổ này, song sẽ được lợi lớn”. Thế nên đối với các khổ trong, ngoài, đều nên nhẫn chịu.
Lại nữa, Bồ-tát đại tâm thề nguyện rằng: “Nếu gặp cái khổ ở Vô gián địa ngục mà ta còn phải nhẫn, huống chi cái khổ nhỏ mà không thể nhẫn sao? Nếu khổ nhỏ không nhẫn được làm sao nhẫn được khổ lớn? Như vậy nhẫn được các pháp bên ngoài, gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi: Làm sao nhẫn được tâm pháp bên trong?
Ðáp: Bồ-tát suy nghĩ: “Ta tuy chưa đắc đạo, các kiết sử chưa dứt, nếu không nhẫn thì chẳng khác gì phàm phu, chẳng phải là Bồ-tát”. Lại tự suy nghĩ: “Nếu ta đắc đạo, các kiết sử chưa dứt hết, thời không còn có pháp chi để nhẫn”.
Lại nữa, đói khát, lạnh nóng là ma quân bên ngoài; kiết sử, phiền não là Ma tặc bên trong. Hãy phá hai tên quân đó để thành Phật đạo. Nếu không như vậy thời Phật đạo không thành. Như nói trong khi Phật tu khổ hạnh sáu năm, Ma vương đến nói” “Quý nhân giòng Sát-lợi, trong ngàn phần sanh của ngươi chỉ còn có một phần sống! Mau mau đứng dậy trở về trong nước, bố thí tu phước, thì có thể được cái vui ở cõi người cõi trời, đời này và đời sau. Ðạo không thể nào đắc, ngươi chỉ luống công cần khổ. Nếu ngươi không chịu nghe lời dịu ngọt, cố thủ sự u mê không đứng dậy, thì ta đem đoàn đại quân đến đánh phá ngươi”. Bồ-tát nói: Ta nay còn phá cả đội quân sức mạnh bên trong của ngươi, huống là đội quân bên ngoài?” Ma nói: “ Những gì là đội quân bên trong của ta?” Bồ-tát đáp:
“Dục là quân đầu của ngươi,
Ưu sầu là quân thứ hai,
Ðói khát là quân thứ ba,
Khát ái là quân thứ tư,
Ngủ nghỉ là quân thứ năm,
Sợ hãi là quân thứ sáu,
Nghi hối là quân thứ bảy,
Sân nhuế là quân thứ tám,
Lợi dưỡng, hư danh chín,
Tự cao, kiêu mạn mười,
Các tên quân như vậy,
Chán ghét người xuất gia,
Ta dùng sức thiền, trí,
Phá quân ấy của ngươi,
Ðược thành Phật đạo rồi,
Ðộ thoát hết mọi người”.
Bồ-tát tuy chư athể các thứ quân ấy, nhưng mặc áo giáp nhẫn nhục, cầm gươm trí tuệ, cầm cái thuẩn thiền định, chặn các mũi tên phiền não, ấy gọi là nội nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát nên tu nhẫn đối với các phiền não, không nên dứt kiết sử, vì sao? Vì nếu dứt kiết sử, thì bị mất mát rất nhiều, bị rơi vào con đường A-la-hán, không khác gì người mà các căn bại liệt. Cho nên ngăn đỡ kiết sử mà không dứt. Do tu nhẫn nhục, không theo kiết sử.
Hỏi: Làm sao kiết sử chưa đứt mà không theo nó được?
Ðáp: Nhờ Chánh tư duy nên tuy có phiền não mà không theo nó.
Lại nữa, nhờ tư duy quán sát tướng không, vô thường, nên tuy có năm dục tốt đẹp, mà không sanh các kiết sử; ví như Quốc vương có một đại thần, tự che dấu tội, không người nào biết. Vua bảo: “Ngươi hãy chọn lấy một con dê béo mà không có mỡ đem lại đây, nếu không được sẽ bắt tội ngươi”. Vị đại thần có trí, cột một con dê lớn, khéo nuôi bằng cỏ, lúa, song mỗi ngày cho ba con chó sói đến khủng bố, dê tuy được nuôi béo mà không mỡ. Khi dắt đến cho vua, vua sai người giết, quả là béo mà không mỡ. Vua hỏi: “Làm sao được như vậy?” Ðại thần đáp lại việc trên. Bồ-tát cũng như vậy, vì do thấy chó sói vô thường, khổ, không, nên làm cho mỡ các kiết sử phải tiêu, mà thịt các công đức thì béo.
Lại nữa, Bồ-tát do vô lượng phước báo công đức, nên tâm được nhu nhuyến, các kiết sử mỏng, dễ tu nhẫn nhục. Ví như sư tử chúa rống ở giữa rừng, có người trông thấy, cúi đầu cầu xin, thời nó thả cho đi, nhưng cọp beo là vật nhỏ, thì không thể thả như vậy, vì sao? Vì sư tử chúa là loài thú quý, có trí phân biệt , còn cọp beo là loài trùng hèn, không biết phân biệt. Lại như quân bại trận, gặp được đại tướng thời sống, gặp phải tiểu binh thời chết.
Lại nữa, Bồ-tát công đức trí tuệ lực quán sự sân nhuế có các điều xấu ác, quán sự nhẫn nhục có các thứ công đức, cho nên hay nhẫn các kiết sử.
Lại nữa, tâm Bồ-tát có trí lực, hay dứt kiết sử, vì chúng sanh nên trụ lâu tại thế gian. Biết kiết sử là giặc, cho nên nhẫn mà không theo. Bồ-tát trói giặc kiết sử ấy lại, không cho phóng túng, mà lo tu công đức. Ví như có giặc, vì có nhân duyên nên không giết, chỉ nhốt kỹ một nơi mà tự tu tập sự nghiệp.
Lại nữa, Bồ-tát nhờ thật biết tướng các pháp, nên không cho các kiết sử là xấu, không cho các công đức là tốt, cho nên đối với kiết sử không sân, đối với công đức không ái. Do trí lực ấy nên hay tu nhẫn nhục, như kệ nói:
“Bồ-tát đoạn trừ các bất thiện,
Cho đến vi tế, dứt không còn,
Phước đại công đức không có lượng,
Sự nghiệp tạo tác đều thành tựu.
Bồ-tát nhờ sức đại trí tuệ,
Nên các kiết sử không não hại.
Cho nên biết được các pháp tướng.
Sanh tử Niết-bàn một không hai.”
Do các nhân duyên như vậy, tuy chưa đắc đạo, mà có thể nhẫn đối với các pháp phiền não; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát đối với hết thảy pháp, biết là một tướng không hai. Hết thảy pháp đều là pháp có tướng khả thức, cho nên nói một. Nhãn thức thức sắc cho đến ý thức thức pháp, ấy là pháp có tướng khả thức, cho nên nói một.
Lại nữa, hết thảy pháp có tướng khả tri, cho nên nói một. Khổ pháp trí, khổ tỷ trí (khổ loại trí), biết Khổ đế. Tập pháp trí, tập tỷ trí, biết Tập đế. Diệt pháp trí, diệt tỷ trí, biết Diệt đế. Ðạo pháp trí, đạo tỷ trí, biết Ðạo đế. Và thế trí thiện cũng biết được Khổ, Tập, Diệt, Ðạo và hư không, chẳng phải là trí duyên Diệt đế. Ấy là pháp có tướng khả tri cho nên nói một.
Lại nữa, hết thảy pháp có tướng khả duyên, cho nên nói một. Nhãn thức và pháp tương ưng với nhãn thức duyên sắc, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức cũng như vậy. Ý thức và pháp tương ưng với ý thức cũng duyên nhãn, cũng duyên sắc, cũng duyên nhãn thức, cho đến duyên ý, duyên pháp, duyên ý thức. Hết thảy pháp có tướng khả duyên, cho nên nói một.
Lại nữa, hết thảy pháp đều là một, một lại có một gọi là hai, ba lần gọi là ba. Như vậy cho đến ngàn, vạn cũng đều là một mà giả gọi là ngàn, vạn.
Lại nữa, hết thảy pháp có tướng, cho nên nói một. Do một tướng gọi là một. Hết thảy vật gọi là pháp. Hết thảy vật gọi là pháp, tướng của pháp gọi là một. Do vô lượng nhất môn như vậy, nên phá tướng khác, không đắm tướng một, ấy gọi là pháp nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp là hai. Thế nào là hai? Hai là tướng trong và tướng ngoài. Vì có tướng trong ngoài, nên tướng trong chẳng phải ngoài, tướng ngoài chẳng phải trong.
Lại nữa, hết thảy pháp hữu tướng, vô tướng cho nên là hai. Không, bất không; thường, phi thường; ngã, phi ngã; sắc, phi sắc; thấy được, không thấy được; có đối ngại, không đối ngại; hữu lậu, vô lậu; hữu vi, vô vi; tâm pháp, phi tâm pháp; tâm số pháp, phi tâm số pháp; pháp tương ưng với tâm, pháp không tương ưng với tâm. Do vô lượng nhị môn như vậy, nên phá tướng một, không đắm tướng hai; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp là ba. Thượng, trung, hạ; thiện, bất thiện, vô ký; có, không, chẳng phải có chẳng phải không; kiến đế đoạn, tư duy đoạn, không đoạn; học, vô học, phi học phi vô học; quả báo, có quả báo, chẳng phải quả báo chẳng phải có quả báo. Do vô lượng tam môn như vậy, nên phá tướng một, không đắm tuớng khác; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát tuy chưa được vô lậu đạo, kiết sử chưa dứt, mà có thể tin Thánh pháp vô lậu, và ba pháp ấn: Một là pháp ấn: hết thảy pháp hữu vi sanh đều vô thường. Hai là pháp ấn: hết thảy pháp vô ngã. Ba là pháp ấn: Niết-bàn chơn thật. Bậc Hiền Thánh đắc đạo, tự được tự biết. Bồ-tát tuy chưa đắc đạo, mà có thể tin và thọ; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, đối với mười bốn pháp nạn vấn không đáp. Có thường hay không thường, v.v... quán sát không ngăn ngại, không mất trung đạo, hay nhẫn được pháp ấy; gọi là Pháp nhẫn. Như có một Tỳ-kheo đối với mười bốn pháp nạn vấn ấy, tư duy quán sát, không thể thông đạt được nên tâm không nhẫn được, mới ôm y bát đi đến chỗ Phật, bạch Phật rằng: “Phật có thể giải mười bốn nạn vấn này cho con, khiến cho con được hiểu rõ, thì con sẽ làm đệ tử, nếu không thể hiểu rõ, thì con sẽ đi tìm đạo khác”. Phật dạy: ”Người ngu! Ông có từng ước hẹn với Ta, nếu Ta đáp mười bốn nạn vấn thì ông làm đệ tử Ta chăng?” Tỳ-kheo nói: “Bạch Thế Tôn, không!” Phật nói: ”Ông là người ngu, sao nay lại nói nếu không đáp cho con, con sẽ không làm đệ tử? Ta vì người già, bệnh, chết mà thuyết pháp tế độ cho họ. Mười bốn nạn vấn ấy là pháp đấu tranh, không ích chi đến Chánh pháp, chỉ là hý luận, hỏi để làm chi? Nếu đáp cho ông, tâm ông không rõ, đến chết vẫn không hiểu, vẫn không thoát được sanh, già, bệnh, chết. Ví như có người, thân bị tên độc, bà con mời thầy thuốc để rút mũi tên, người ấy bèn nói: “Chưa được rút mũi tên, trước tiên phải nói cho tôi biết họ, tên, thân lý, cha mẹ, tuổi tác người bắn; tôi lại muốn biết mũi tên xuất từ núi nào, cây gì, lông gì, bịt nhọn mũi tên là người nào, làm bằng sắt gì, lại muốn biết chiếc cung làm bằng cây ở núi nào, sừng con chi, rồi lại muốn biết cây thuốc sanh ở chỗ nào, tên chủng loại gì? Những việc như vậy tôi cần biết rõ tất cả, sau tôi mới cho người rút mũi tên và xức thuốc”. Phật hỏi Tỳ-kheo: “Người kia có thể cho biết hết mọi việc ấy, sau mới cho rút mũi tên ư?” Tỳ-kheo thưa: “Không thể biết được. Nếu chờ cho biết hết, thời đã chết mất rồi!” Phật nói: ”Ông cũng như vậy, bị mũi tên tà kiến, bôi thứ thuốc độc ái, đã thấm vào tâm ông, trước vì mũi tên ấy nên làm đệ tử Ta, nhưng nay lại không muốn nhổ mũi tên, chỉ muốn tìm biết hết thế gian là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v... tìm biết chưa được thì đã mất tuệ mạng, chết như súc sanh, tự rơi vào tối tăm!” Tỳ-kheo hổ thẹn, biết sâu lời Phật, liền chứng được đạo quả A-la-hán.
Lại nữa, Bồ-tát muốn làm người Nhất thiết trí, nên suy tìm hết thảy pháp, biết thật tướng của nó, đối trong mười bốn nạn vấn không trệ, không ngại, biết nó là bệnh nặng của tâm, nên thoát ra được, nhẫn được; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Phật pháp thậm thâm, thanh tịnh vi diệu, diễn bày vô lượng các thứ pháp môn, mà có thể nhất tâm tín thọ, không nghi, không hối; ấy gọi là Pháp nhẫn. Như Phật đã dạy: “Các pháp tuy không, cũng không đoạn, cũng không diệt. Các pháp nhân duyên tương tục sanh cũng chẳng phải thường. Các pháp tuy vô ngã, mà cũng không mất tội phước. Chỉ trong khoảnh khắc một niệm của tâm mà các pháp, các căn, các tuệ nơi thân chuyển diệt không ngừng, chẳng kịp đến niệm sau, cứ đổi mới sanh diệt, cũng không mất nghiệp nhân duyên của vô lượng đời. Tuy trong năm uẩn, mười tám giới, mười hai nhập đều không, vô ngã, mà chúng sanh vẫn luân chuyển trong năm đường chịu sanh tử. Ðối với các pháp thậm thâm vi diệu như vậy, tuy chưa đắc Phật đạo, mà có thể tin thọ, không nghi, không hối; ấy là Pháp nhẫn.
Lại nữa, A-la-hán, Bích-chi Phật vì sợ sanh tử xấu ác mà cầu vào Niết-bàn, còn Bồ-tát tuy chưa được thành Phật, mà muốn cầu Nhất thiết trí, và thương xót chúng sanh muốn phân biệt rõ ràng thật tướng các pháp. Nhẫn được việc này, gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi: Làm sao quán được thật tướng các pháp?
Ðáp: Quán các pháp không có tỳ vết, lỗ hổng, không thể phá, không thể hoại, ấy là thật tướng.
Hỏi: Tất cả lời nói, đều có thể đáp, có thể phá, có thể hoại; tại sao lại nói không thể phá hoại, ấy là thật tướng?
Ðáp: Vì các pháp không thể phá, nên trong Phật pháp tất cả đường ngôn ngữ đều vượt qua, chỗ tâm đi qua đều dứt bặt, thường bất sanh bất diệt, như tướng Niết-bàn, vì sao? Vì nếu các pháp tướng là thật có, thời lúc sau chẳng nên không có, nếu các pháp trước có mà nay không, tức là đoạn diệt.
Lại nữa, các pháp chẳng phải là thường, vì sao? Vì nếu thường tức không có tội, không có phước, không có sát thương, cũng không có thí cho mạng sống, cũng không có lợi ích tu hành, cũng không triền phược, không giải thoát, thế gian là Niết-bàn. Do nhân duyên như vậy, các pháp chẳng phải thường. Nếu các pháp là vô thường thời là đoạn diệt, cũng không có tội, không có phước, cũng không thêm bớt, các nghiệp nhân duyên quả báo đều mất. Do nhân duyên như vậy, các pháp chẳng phải vô thường.
Hỏi: Ông nói trong Phật pháp thường cũng chẳng thật, vô thường cũng chẳng thật, sự ấy không đúng, vì sao? Vì trong Phật pháp thường cũng thật, vô thường cũng thật. Thường là thường duyên diệt đế, phi thường thường duyên diệt đế, chẳng thường thường duyên diệt đế, hư không, không sanh, không trụ, không diệt, ấy là tướng thường. Tướng vô thường là, năm uẩn sanh, trụ, diệt là tướng vô thường, vì sao ông nói thường và vô thường đều chẳng thật?
Ðáp: Thánh nhân có hai lối nói: 1- Nói phương tiện. 2- Nói thẳng. Nói phương tiện là vì người, vì nhân duyên. Vì người là vì chúng sanh mà nói là thường, là vô thường, như trong đoạn “Ðối trị Tất Ðàn” đã nói: “Nếu nói vô thường là vì muốn cứu chúng sanh khỏi đắm say trong cái vui ba cõi. Phật suy nghĩ nên lấy pháp gì để khiến chúng sanh được xa lìa dục, cho nên mới nói các pháp là vô thường”, như kệ nói:
“Nếu quán pháp vô sanh,
Ðối pháp sanh được lìa,
Nếu quán pháp vô vi,
Ðối hữu vi được lìa.”
Thế nào là sanh? Sanh là nhân duyên hòa hợp, vô thường, không tự tại, thuộc nhân duyên, có tướng già, bệnh, chết, tướng hư dối, tướng phá hoại; ấy gọi là sanh. Sanh là pháp hữu vi. Như trong Ðối trị Tất Ðàn nói: “Thường và vô thường đều chẳng phải là tướng thật, vì cả hai đều sai lầm”. Nếu nói các pháp chẳng phải hữu thường, chẳng phải vô thường, ấy là lối lý luận ngu si, vì cớ sao? Vì nếu chẳng phải có thời phá không, nếu chẳng phải không thời phá có, nếu phá cả hai sự ấy, thì còn có pháp gì nữa để nói?
Hỏi: Trong Phật pháp thường nói không tướng, chẳng có chẳng không. Không để trừ có, không không để ngăn không, ấy là chẳng có, chẳng không; sao lại cho là lý luận ngu si?
Ðáp: Thật tướng chẳng phải có, chẳng phải không, theo trong Phật pháp nói là không lãnh thọ, không chấp trước. Còn chẳng phải có, chẳng phải không của ông nói là có lãnh thọ, có chấp trước, nên cho là lý luận ngu si. Nếu nói: “Chẳng phải có, chẳng phải không” thế là có thể nói, có thể phá, là chỗ tâm sanh khởi, là chỗ đấu tránh. Phật pháp thời không như vậy. Tuy theo nhân duyên mà nói: “chẳng phải có, chẳng phải không “ Nhưng không sanh tâm chấp trước, không sanh tâm chấp trước nên không thể hoại, không thể phá. Các pháp hoặc hữu biên, hoặc vô biên, hoặc vừa hữu biên vừa vô biên, hoặc chẳng phải hữu biên vô biên, hoặc còn có đi sau khi chết, hoặc không còn có đi sau khi chết, hoặc vừa có đi vừa không đi sau khi chết, hoặc chẳng phải có đi chẳng phải không đi sau khi chết, thân xác là phần hồn, hoặc thân xác khác phần hồn khác, cũng như vậy, đều chẳng thật. Quán các pháp theo như trong sáu mươi hai kiến chấp cũng đều chẳng thật, khước trừ hết thảy những điều như vậy, tin Phật pháp là tướng thanh tịnh bất hoại, tâm không hối hận, không lay chuyển; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, hữu vô nhị biên, quán các pháp khi sanh, khi trụ, thời là tướng hữu kiến. Quán các pháp khi già, khi hoại thời là tướng vô kiến. Chúng sanh trong ba cõi phần nhiều đắm trước vào hai kiến đó. Cả hai thứ pháp ấy hư dối không thật. Hữu tướng thời chẳng phải vô, vì sao? Vì nay không trước có là rơi vào đoạn diệt, nếu đoạn diệt thời là không đúng.
Lại nữa, hết thảy các pháp, do danh tự hoà hợp, nên mới gọi đó là có. Do vậy, pháp do danh tự hoà hợp sanh là pháp chẳng thể có được (bất khả đắc).
Hỏi: Pháp do danh tự hoà hợp sanh, tuy chẳng thể có được, song vẫn có danh tự hoà hợp?
Ðáp: Nếu không có pháp, thì danh tự hoà hợp vì cái gì? Thế ấy là không danh tự.
Lại nữa, nếu các pháp thật có, thời không phải cần do tâm thức biết nên mới có, thế thời chẳng phải có. Như tướng cứng của đất, do thân căn, thân thức biết nên mới có. Nếu không có thân căn, thân thức biết thời không có tướng cứng.
Hỏi: Thân căn, thân thức, hoặc biết, hoặc không biết, thì đất vẫn thường là tướng cứng?
Ðáp: Ðó là do trước đã tự biết có tướng ấy, hoặc do người khác nói mà biết là có tướng cứng. Nếu trước không tự biết, không nghe người nói, thời không có tướng cứng.
Lại nữa, đất thường là tướng cứng, thời không nên bỏ tướng đó, như sữa đặc, sáp ong, nhựa cây, gặp khí nóng tan ra thời bỏ tướng cứng mà trở thành tướng ướt; vàng, bạc, đồng, v.v... sắt cũng như vậy. Như nước là tướng lỏng ướt gặp khí lạnh thời chuyển thành tướng đặc cứng. Như vậy, các thứ đều là xả bỏ tướng.
Lại nữa, các luận nghị sư có thể khiến có thành không, khiến không thành có. Các bậc Hiền Thánh, người tọa thiền, có thể khiến đất thành nước, nước thành đất. Như vậy, các pháp đều có thể chuyển đổi; như nói trong mười pháp nhất thiết nhập hoặc gọi mười biến xứ.
Lại nữa, hữu kiến (chấp có) ấy phát sanh vì có tham dục, sân nhuế, ngu si, kiết phược, đấu tránh cho nên chỗ nào sanh tham dục, sân nhuế v.v... ấy là không phải Phật pháp, vì sao? Vì tướng của Phật pháp là lành, là trong sạch. Do thế nên chẳng phải thật.
Lại nữa, hết thảy pháp có hai thứ: Sắc pháp và vô sắc pháp. Sắc pháp thời phân tích cho đến cực vi, tan mất không còn gì, như đã nói trong chương Ðàn Ba-la-mật đoạn phá bác về bố thí. Vô sắc pháp thì ngũ thức không biết được, khi ý thức sanh, trụ, diệt, quán sát biết tâm có phần đoạn, có phần đoạn nên vô thường, vô thường nên không, không nên chẳng phải có, trong khoảng gảy móng tay có đến sáu mươi thì (niệm, thời gian rất ngắn) trong mỗi thì, tâm có sanh diệt, do tương tục sanh, nên biết ấy là tâm tham, ấy là tâm sân, ấy là tâm si, ấy là tâm tín, ấy là tâm thanh tịnh, trí tuệ, thiền định. Hành giả quán tâm sanh rồi diệt như dòng nước, như ngọn đèn; ấy là cửa ngõ đi vào không trí, vì sao? Vì nếu tâm một thời sanh, còn trong các thời khác diệt, thì tâm ấy nên là thường, vì sao? Vì trong thời gian tâm sanh rất ngắn ấy không có diệt. Nếu trong một thời ấy đã không có diệt, thời phải nên trước sau đều không diệt.
Lại nữa, Phật nói pháp hữu vi đều có ba tướng, nếu trong thời gian rất ngắn, chỉ sanh mà không diệt, thì đó không phải là pháp hữu vi. Nếu trong thời gian rất ngắn tâm có sanh, trụ, diệt, thời vì sao chỉ trước sanh mà sau diệt, chứ không trước diệt mà sau sanh?
Lại nữa, nếu trước có tâm, sau có sanh thời tâm không cần đợi sanh, vì sao? Vì trước đã có tâm vậy. Nếu trước đã có sanh, thời sanh không còn sanh làm gì nữa. Lại sanh và diệt tánh trái nhau, khi sanh thời không thể có diệt, khi diệt thời không thể có sanh. Do lẽ đó, nhất thời cũng không thể có được. Thế tức là vô sanh, nếu vô sanh thời vô trụ, vô diệt; nếu không sanh, trụ, diệt thời không tâm số pháp; không tâm số pháp, thời không có các tâm bất tương ưng hành, sắc pháp, vô sắc pháp đã không thời vô vi pháp cũng không, vì cớ sao? Vì nhân hữu vi nên có vô vi, nếu không có hữu vi thời không có vô vi.
Lại nữa, thấy pháp có tạo tác là vô thường, nên biết pháp không tạo tác là thường. Nếu như vậy, nay thấy pháp tạo tác phải là có pháp, thì pháp không tạo tác phải là không pháp. Vì thế nên pháp “Thường” là không thể có được (bất khả đắc).
Lại nữa, ngoại đạo và đệ tử Phật, nói pháp “Thường” có chỗ đồng nhau, có chỗ khác nhau. Chỗ đồng là như nói hư không, Niết-bàn; chỗ khác là ngoại đạo nói có ngã, thời, phương, vi trần, minh sơ. Có đệ tử Phật nói, chẳng phải thường xuyên diệt đế. Lại nói pháp nhân duyên là thường; pháp do nhân duyên sanh là vô thường. Trong Ðại thừa nói pháp thường như nói pháp tánh, như như, chơn tế; như vậy gọi là pháp thường. Còn như hư không, Niết-bàn thì như trong chương Tán thán Bồ-tát trước kia đã nói. Thần, thời, phương, vi trần, cũng như trước đã nói. Do vậy không nên nói các pháp là có.
Nếu các pháp không, có hai thứ: 1- Thường không. 2- Ðoạn diệt nên không, hoặc trước có nay không, hoặc nay có sau không, ấy là đoạn diệt. Nếu vậy thời không có nhân duyên, không nhân duyên thì trong một vật xuất sanh hết thảy vật, mà cũng có thể trong một vật không xuất sanh gì hết. Ðời sau cũng như vậy. Nếu dứt mất nhân duyên tội phước thời không thể có sự giàu nghèo, sang hèn khác nhau và bị đọa vào trong ác đạo, súc sanh.
Nếu nói thường không, thời không có Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Nếu không có Tứ đế, thời không có Pháp bảo, thời không có Tám đạo quả Hiền Thánh. Nếu không Pháp bảo, Tăng bảo, thời không có Phật bảo. Nếu như vậy thời phá hoại Tam Bảo. Lại nữa, nếu hết thảy pháp thật không, thời không có tội phước, không có cha mẹ, cũng không có lễ nghĩa phép tắc thế gian, cũng không có thiện ác. Vậy thời thiện ác đồng môn, thị phi nhất quán, hết thảy mọi vật đều không, như thấy trong mộng. Nếu nói thật không, thì có lỗi như vậy, lời nói ấy ai mà tin được!
Nếu cho rằng vì điên đảo nên thấy có, vậy sao đang khi thấy một người lại không thấy thành hai, ba, là vì nó thật không mà điên đảo thấy.
Nếu không rơi vào hai kiến có, không ấy, thời biết được trung đạo thật tướng. Làm sao biết thật?
Ðúng như điều được biết, được nói của hằng hà sa chư Phật Bồ-tát quá khứ; điều được biết, được nói của hằng hà sa chư Phật Bồ-tát vị lai; điều được biết, được nói của hằng hà sa chư Phật Bồ-tát hiện tại, mà sanh lòng tin lớn lao không nghi không hối, có sức tin lớn lao nên hay trì hay thọ; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, do sức thiền định nên tâm nhu nhuyến, thanh tịnh, và khi nghe đến thật tướng các pháp, tâm liền càng ứng hợp, tin chặt vào sâu, không nghi không hối. Vì cớ sao? Nghi và hối là pháp hệ thuộc Dục giới, vì nó thô ác nên không dính vào trong tâm nhu nhuyến; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, do trí tuệ lực nên khi quán hết thảy các pháp mà không có một pháp khả đắc. Nhẫn được, thọ được pháp ấy là không nghi, không hối; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, Bồ-tát suy nghĩ rằng: “Hàng phàm phu vì cái độc vô minh nên đối hết thảy các pháp chuyển thành tướng khác, phi thường tưởng thành thường, khổ tưởng thành vui, vô ngã tưởng thành có ngã; không mà cho là có thật, phi hữu là hữu, hữu là phi hữu”. Như vậy trong chủng chủng pháp chuyển thành ra tướng khác. Ðược trí tuệ Thánh hiền phá cái độc vô minh, biết rõ thật tướng các pháp, được có trí tuệ biết vô thường, khổ, không, vô ngã, vứt bỏ không chấp trước. Nhẫn được pháp ấy gọi là Pháp nhẫn.
Lại nữa, quán hết thảy các pháp từ trước đến nay thường không, đời nay cũng không, tin được, thọ được Pháp ấy gọi là Pháp nhẫn.
Hỏi: Nếu quán hết thảy các pháp từ trước đến nay thường không, đời nay cũng không, thế là ác tà kiến, sao lại nói là Pháp nhẫn?
Ðáp: Nếu quán các pháp rốt ráo không, tâm thủ trước không ấy, thời đó là ác tà kiến. Nếu quán không mà không thủ trước, không sanh tà kiến, thời đó là Pháp nhẫn, như kệ nói:
“Các pháp tánh thường không,
Tâm chẳng thủ trước không.
Nhẫn được pháp như vậy,
Là sơ tướng Phật đạo”.
Như vậy các cửa nhập vào trí huệ, quán thật tướng các pháp, tâm không thối chuyển, không hối hận, không tùy theo các giác quán, cũng không lo buồn, được tự lợi lợi tha; ấy gọi là Pháp nhẫn.
Pháp nhẫn ấy có ba thứ hành tướng thanh tịnh là: Không thấy pháp nhẫn nhục, Không thấy thân mình, không thấy người nhục mạ; không hý luận các pháp, khi ấy gọi là pháp nhẫn thanh tịnh. Vì lẽ đó, nói Bồ-tát khi trụ trong Bát-nhã Ba-la-mật, có thể được nhẫn nhục Ba-la-mật, vì không lay động, không thối chuyển.
Sao gọi là không lay động, không thối chuyển? Nghĩa là không sanh sân giận, không xuất lời ác, thân không gây ác, tâm không nghi hoặc. Bồ-tát biết thật tướng Bát-nhãBa-la-mật, không xuất lời ác, thân không gây ác, tâm không nghi hoặc. Nếu người đến mắng, hoặc làm đau đớn, giết hại, hết thảy đều nhẫn. Do vậy, nên nói tâm trụ trong Bát-nhãBa-la-mật, thời có thể đầy đủ nhẫn nhục Ba-la-mật.
CHƯƠNG 25
GIẢI THÍCH: TỲ-LÊ-GIA BA-LA-MẬT

KINH: Thân tâm tinh tấn không giải đãi, nên có thể đầy đủ Tỳ-lê-gia (tinh tấn) Ba-la-mật.
LUẬN: Hỏi: Tinh tấn là gốc hết thảy các thiện pháp, đáng phải ở đầu hết, nay cớ sao nó lại ở vào hàng thứ tư?
Ðáp: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục ở thế gian thường có; như cái đạo nghĩa giữa khách và chủ theo lẽ phải cung cấp cho nhau, đến như súc sanh cũng biết cách bố thí đó. Hoặc có người vì lý do này, lý do khác, cho nên bố thí; hoặc vì đời này, hoặc vì đời sau, hoặc vì đạo cho nên bố thí mà không cần tinh tấn. Còn như trì giới là vì thấy người làm ác, bị phép vua trị tội nên sợ hãi mà không dám làm quấy. Hoặc sẵn có tánh thiện, nên không làm điều ác. Hoặc có người nghe nói đời này làm ác, đời sau chịu tội mà sợ hãi, cho nên trì giới. Hoặc có người nghe nói, do trì giới mà xa lìa được cảnh khổ, sanh, già, bệnh, chết, nên trong tâm sanh, miệng nói: “Ta từ ngày nay không còn sát sanh”. Như vậy, đó là giới, đâu cần có tinh tấn Ba-la-mật mới làm được ư?
Như trong phép nhẫn nhục, hoặc bị mắng, bị đánh, bị giết mà hoặc vì sợ nên không đáp trả, hoặc vì sức kém, vì sợ tội lỗi, hoặc vì tu theo pháp thiện nhân, hoặc vì cầu đạo cho nên giữ yên lặng không đáp trả, đều là không cần phải có tinh tấn Ba-la-mật mới nhẫn được.
Nay muốn được biết thật tướng các pháp, phải thực hành Bát-nhã Ba-la-mật và nên tu hành thiền định. Thiền định là cánh cửa trí tuệ chơn thật, trong ấy phải siêng tu tinh tấn, nhất tâm hành thiền.
Lại nữa, bố thí, trì giới, nhẫn nhục là phước đức lớn, được an ổn khoái lạc, có danh dự tốt, muốn gì được nấy. Ðã biết được mùi vị của phước lợi ấy, nay muốn tinh tấn để tiếp tục có được thiền định, trí tuệ thắng diệu, thời ví như đào giếng, đã thấy bùn ướt, càng thêm tinh tấn, hy vọng chắc chắn có nước, lại cũng như dùi lửa, đã thấy được khói, gắng sức gấp bội, chắc chắn thấy được lửa.
Muốn thành Phật đạo, phàm có hai môn: 1- Phước đức, 2- Trí tuệ. Tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, là môn phước đức. Ðại Bát-nhã Ba-la-mật biết thật tướng hết thảy các pháp là môn trí tuệ. Bồ-tát nhập vào phước đức môn thì trừ hết thảy tội, sở nguyện đều thỏa mãn. Nếu không được thỏa mãn, là vì tội cấu ngăn che. Bồ-tát nhập vào trí tuệ môn thời không chán ngán sanh tử, không ưa vui Niết-bàn, vì hai việc là một. Nay muốn xuất sanh Ðại Bát-nhã Ba-la-mật thì phải nhân nơi thiền định môn, và muốn có thiền định môn cần phải nhờ đến sức đại tinh tấn, vì cớ sao? Vì ở Dục giới loạn tâm, không thể thấy được thật tướng của các pháp; ví như đèn ở giữa gió, ánh sáng không thể chiếu rõ vật, nhưng đèn ở trong nhà kín, ánh sáng chắc chắn chiếu rõ được.
Thiền định, trí tuệ ấy, không thể lấy phước đức mà cầu được, cũng không phải quán chiếu sơ sài mà được, mà phải thậm thâm tinh cần gấp rút bám chặt không giải đãi, mới thành tựu được. Như Phật từng nói dù cho huyết, thịt, mỡ, tủy kiệt hết, chỉ còn lại da, xương, gân cũng không bỏ tinh tấn, thời như vậy mới được được thiền định, trí tuệ. Ðược hai việc này thời mọi việc đều thành. Do vậy nên tinh tấn đứng vào thứ tư, làm căn bản cho thiền định, trí tuệ chơn thật. Trong ba thứ đầu tuy đều có tinh tấn, nhưng vì ít cho nên không nói.
Hỏi: Có người nói: “Chỉ thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục là được đại phước đức, khi được đại phước đức thời sở nguyện đều thành tựu, thiền định, trí tuệ tự nhiên đến, vậy cần gì phải có tinh tấn Ba-la-mật?
Ðáp: Phật đạo sâu xa khó được, tuy có sức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, song cần phải có tinh tấn mới được thiền định sâu xa, trí tuệ chân thật và vô lượng Phật pháp. Nếu không thực hành tinh tấn thời không sanh thiền định, khi thiền định không sanh thời cõi Phạm-thiên-vương cũng không thể sanh đến được huống gì muốn cầu được Phật đạo ư?”
Lại nữa, có người như Dân Ðại cư sĩ v.v... muốn được vô lượng phước báu, thời đều được như ý. Như vua Ðảnh Sanh làm vua cả bốn châu thiên hạ, trời mưa xuống bảy báu và các vật cần dùng, lại còn được trời Ðế-thích chia chỗ cho ngồi. Tuy có phước aáy nhưng không thể đắc đạo. Như Tỳ-kheo La-tần-châu tuy chứng được đạo quả A-la-hán, nhưng khi đi khất thực đến bảy ngày mà không có được vật gì, đành phải mang bình bát không trở về, sau dùng lửa thiền định tự thiêu thân mà vào Niết-bàn. Do đó, nên biết chẳng phải chỉ có sức phước đức mà đắc đạo được. Muốn thành Phật đạo, cần phải đại tinh tấn.
Hỏi: Bồ-tát xem tinh tấn có lợi ích gì mà siêng tu, không giải đãi?
Ðáp: Hết thảy đạo đức lợi ích đời này đời sau đều do tinh tấn mà có được.
Lại nữa, nếu người muốn tự độ thân, còn phải cần kíp tinh tấn, huống chi Bồ-tát thệ nguyện muốn độ tất cả chúng sanh. Như trong bài kệ tán thán tinh tấn nói:
“Người mà không tiếc thân,
Tâm trí tuệ quyết định,
Tinh tấn đúng như pháp.
Việc mong cầu không khó.
Như nông phu siêng làm,
Thu hoạch chắc đầy đủ,
Cũng như đi đường xa,
Siêng đi chắc mau đến.
Nếu được sanh cõi Trời,
Và được vui Niết-bàn,
Lý do được như vậy,
Ðều do sức tinh tấn..
Chẳng trời, chẳng vô nhân,
Tự làm nên tự được,
Ðâu phải người trí tuệ,
Mà không tự gắng sức?
Lửa ba cõi cháy bùng,
Ví như ngọn lửa lớn.
Người có trí quyết đoán,
Mới được thoát ra khỏi!
Do vậy nên Phật bảo
A-nan! Phải tinh tấn!
Như vậy không giải đãi,
Ði thẳng đến Phâït đạo.
Mạnh mẽ mà siêng làm.
Ðào đất thông được suối,
Tinh tấn cũng như vậy,
Không gì không cầu được.
Như hành được đạo pháp,
Tinh tấn không giải đãi,
Chắc được vô lượng quả,
Báo ấy trọn không mất”.
Lại nữa, pháp tinh tấn là căn bản của mọi điều thiện, có thể xuất sanh hết thảy các thiện đạo, cho đến được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống gì là lợi nhỏ! Tất cả đều từ tinh tấn, không phóng dật mà phát sanh.
Lại nữa, tinh tấn có thể làm phát động phước đức đời trước, như mưa thấm hạt giống, làm cho mọc mầm, đây cũng như vậy. Tuy có phước đức nhân duyên đời trước, nếu không có tinh tấn thời không phát sanh được, cho nên đến cái lợi đời này còn không có được, huống chi được Phật đạo?
Lại nữa, các đại Bồ-tát cứu vớt chúng sanh, phải chịu đủ thứ khổ, cho đến khổ trong địa ngục A-tỳ, tâm cũng không giải đãi; ấy là tinh tấn.
Lại nữa, hết thảy mọi sự, nếu không tinh tấn thời không thành được. Ví như thuốc xổ, lấy vị bả đậu làm chủ, nếu bỏ bả đậu thời không đủ để xổ. Như vậy Bốn niệm xứ (ý chỉ), Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chánh đạo, chắc chắn phải cần có tinh tấn; nếu không có tinh tấn thời mọi việc không thành. Như giới chỉ có trong Tám chánh đạo, các chỗ khác không có; tín chỉ chỉ có trong Năm căn, Năm lực, các chỗ khác không có; còn tinh tấn thời không chỗ nào không có. Tinh tấn tuy có khắp trong các pháp mà vẫn riêng tự có mặt sai khác; ví như vô minh sử tuy có khắp trong hết thảy các kiết sử, mà vẫn riêng có bất cọng vô minh.
Hỏi: Bồ-tát muốn được hết thảy Phật pháp, muốn độ hết thảy chúng sanh, muốn diệt hết thảy phiền não, đều được như ý; sao còn phải tăng thêm tinh tấn mới có thể được thành Phật; như đốm lửa nhỏ không thể đốt rừng lớn, phải có thế lửa tăng thêm mới có thể đốt tất cả?
Ðáp: Bồ-tát từ khi sơ phát tâm, thệ nguyện sẽ độ hết thảy chúng sanh, làm cho họ được hoan lạc, thường vì hết thảy, không tự tiếc thân, nếu tiếc thân thì không thể thành tựu các thieän pháp. Do vậy phải tăng thêm tinh tấn.
Lại nữa, Bồ-tát dùng đủ lý do qưở trách tâm giải đãi, khiến mê say tinh tấn. Ðám mây đen giải đãi che lấp ánh sáng trí tuệ, nuốt mất các công đức, tăng trưởng điều bất thiện. Người giải đãi lúc đầu tuy được vui nhỏ mà về sau thời bị khổ lớn. Ví như đồ ăn có độc, lúc đầu tuy thơm ngon, mà lâu thời chết người. Tâm giải đãi đốt cháy các công đức, ví như lửa lớn đốt cháy hết rừng cây hoang dã. Người giải đãi bị mất hết các công đức; ví như bị giặc cướp, không còn lại chút gì, như kệ nói:
“Ðáng được mà chẳng được,
Ðã được rồi lại mất,
Ðã tự khinh thân mình,
Mọi người cũng không kính.
Thường ở chỗ rất tối,
Không có các uy đức.
Pháp trí tuệ tôn quý,
Việc ấy mất vĩnh viễn.
Nghe các pháp diệu đạo,
Không thể giúp ích thân,
Các tội lỗi như thế,
Ðều do tâm giải đãi,
Tuy nghe pháp tăng ích,
Chẳng thể được tới trên,
Các tội lỗi như thế,
Ðều do tâm giải đãi,
Sanh nghiệp không tu lý,
Không được vào đạo pháp,
Các tội lỗi như thế,
Ðều do tâm giải đãi.
Bậc thượng trí bỏ xa,
Trung nhân thường lại gần,
Hạ ngu vì đó chìm,
Như heo ưa ở chuồng,
Nếu làm người ở đời,
Ba việc đều phế mất,
Dục lạc và tài vật,
Phước đức cũng mất luôn.
Nếu làm người xuất gia,
Thời không được hai việc,
Sanh Thiên và Niết-bàn,
Danh dự mất cả hai.
Những phế mất như vậy
Muốn biết lý do nó,
Trong hết thảy các giặc,
Không qua giặc giải đãi.
Vì có các tội ấy,
Không nên nuôi tâm nhác,
Hai Tỳ-kheo Mã, Tĩnh,
Giải đãi sa ác đạo,
Tuy thấy Phật nghe Pháp,
Cũng chẳng thoát khỏi được”.
Quán các tội lỗi của giải đãi như vậy, mà tinh tấn được tăng trưởng.
Lại nữa, quán sát sự lợi ích của tinh tấn, thời biết cái lợi của đời này đời sau, Phật đạo hay Niết-bàn mà có được, là đều do tinh tấn.
Lại nữa, Bồ-tát biết hết thảy các pháp đều là không, không có gì, nhưng không chứng Niết-bàn, chỉ vì thương xót chúng sanh, chứa nhóm các điều thiện, ấy là sức tinh tấn Ba-la-mật.
Lại nữa, Bồ-tát chỉ là một người đơn độc không có bằng hữu, chỉ do sức phước đức tinh tấn mà phá được Ma quân và giặc kiết sử, được thành Phật đạo. Ðã được Phật đạo, đối với hết thảy các pháp thấy rõ là nhất tướng vô tướng, nó thật đều là không, song Bồ-tát vì chúng sanh mà thuyết các danh tự về các pháp, dùng các phương tiện khéo léo độ thoát chúng sanh khỏi khổ sanh, già, bệnh, chết. Khi sắp diệt độ đem pháp thân (giáo pháp) trao cho Bồ-tát Di-lặc, Ðại Ca-Diếp, A-nan v.v... vậy sau vào Kim-cang tam-muội, tự làm nát thân cốt ra như hạt cải để độ chúng sanh mà không rời bỏ sức tinh tấn.
Lại nữa, như A-nan vì các Tỳ-kheo nói về Bảy giác ý, cho đến tinh tấn giác ý, Phật hỏi A-nan: “Thầy nói tinh tấn giác ý ư?” A-nan thưa: “Con nói tinh tấn giác ý”. Như vậy ba lần hỏi ba lần đáp, Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy bảo A-nan: “Thầy ưa thích tu hành tinh tấn thì không việc gì không được, được đến Phật đạo, trọn đời không hư dối”.
Do các nhân duyên như vậy, quán xét sự lợi ích của tinh tấn mà được tăng trưởng lợi ích. Và sự tinh tấn như vậy, có khi Phật nói là dục, có khi nói là tinh tấn, có khi nói là không phóng dật. Ví như người muốn đi xa, khi bắt đầu muốn đi, thế gọi là dục; cất bước không ngừng, thế gọi là tinh tấn; tự khuyến khích cố gắng, không để cho việc làm ngăn trở; thế gọi là không phóng dật. Do vậy biết dục sanh ra tinh tấn, tinh tấn sanh ra không phóng dật, không phóng dật nên có thể sanh ra các pháp, cho đến khi chứng thành Phật đạo.
Lại nữa, Bồ-tát nếu muốn thoát khỏi sanh, già, bệnh chết, muốn độ thoát chúng sanh, thì thường phải tinh tấn, nhất tâm không phóng dật, cũng như người bưng bát dầu đầy đi vào giữa đại chúng, nhờ hiện tiền nhất tâm không phóng dật, nên được sanh lợi lớn. Lại như tầng gác nghiêng, đường hiểm, dây treo, ven núi rủ xuống, tại các chỗ hiểm ác đó, nhờ nhất tâm không phóng dật, nên thân được an ổn, đời này được sanh lợi lớn. Cầu đạo mà tinh tấn cũng như vậy, nếu nhất tâm không phóng dật, thì sở nguyện đều được thành tựu.
Lại nữa, ví như dòng nước có thể làm vỡ đá lớn, tâm không phóng dật cũng như vậy, chuyên tu khéo léo, thường hành không bỏ, thời có thể phá các núi kiết sử phiền não.
Lại nữa, Bồ-tát có ba thứ suy nghĩ: Nếu ta không làm thời không được quả báo; nếu ta không tự làm thời không từ người khác đưa đến; nếu ta làm thì cuối cùng không mất. Suy nghĩ như vậy rồi, nên quyết tâm tinh tấn vì Phật đạo mà chuyên tu, chứ không phóng dật. Như một tiểu Tỳ-kheo tu hạnh A-lan-nhã, một mình ở trong rừng tọa Thiền mà sanh giải đãi, trong rừng có vị thần vốn là đệ tử Phật nhập vào trong xương của một tử thi, nói bài kệ:
“Tiểu Tỳ-kheo trong rừng,
Vì sao sanh giải đãi,
Ngày đến nếu không sợ,
Ðêm lại đến như vầy”.
Tỳ-kheo ấy sợ hãi ngồi dậy, trong tâm tự suy nghĩ , để đến nửa đêm lại ngủ, vị thần ấy lại đến hiện ra mười đầu, trong miệng tuôn lửa, răng vút như kiếm, mắt đỏ như lửa, ngoái lại nói và đi theo nắm vị Tỳ-kheo giải đãi ấy, nói: “Ở chỗ này không nên giải đãi, sao lại làm vậy?”
Bấy giờ vị Tỳ-kheo quá sợ, liền khởi tâm suy nghĩ đến việc đó, rồi chuyên tâm niệm pháp, chứng được đạo quả A-la-hán. Ấy gọi sức tự cường tinh tấn, không phóng dật, có thể được đạo quả.
Lại nữa, sự tinh tấn ấy không tự tiếc thân mà tiếc quả báo. Trong bốn oai nghi của thân là ngồi, nằm, đi, ở, thường siêng tinh tấn, thà tự mất thân không bỏ đạo nghiệp. Ví như bị lửa cháy, không dùng bình nước để cứu, cốt làm sao để dập tắt lửa, chứ không tiếc cái bình. Như vị thầy Tiên nhân dạy đệ tử bài kệ rằng:
“Tâm quyết định vui vẻ,
Như được quả báo lớn,
Như khi được toại nguyện,
Mới biết tối diệu này”.
Do các nhân duyên như vậy, quán xét cái lợi của tinh tấn mà có thể làm cho sự tinh tấn tăng thêm.
Lại nữa, Bồ-tát tu các khổ hạnh, nếu có người đến xin đầu, mắt, tủy, não, thời có thể cho hết, rồi tự nghĩ: “Ta có sức nhẫn nhục, tinh tấn, trí huệ, phương tiện, thế nhưng khi chịu sự cắt đầu mắt ấy mà vẫn còn thấy đau đớn, huống gì chúng sanh ngu si, lẫn thẫn trong ba đường ác. Ta nên vì các chúng sanh ấy, siêng tu tinh tấn để sớm thành Phật đạo, cứu vớt chúng sanh.
(Hết cuốn 15 theo bản Hán)

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 100 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.238.221 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập