Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
CHƯƠNG 9
GIẢI THÍCH:MA HA TÁT ĐỎA
KINH: Ma-ha Tát-đỏa (Maha sattva)
LUẬN: Hỏi: Sao gọi là Ma-ha Tát-Đỏa?
Đáp: Ma-ha là đại, Tát-Đỏa là chúng sanh. Hoặc gọi là dũng tâm, vì tâm người này làm được việc lớn, vì tâm đại dũng mãnh không thối không lui, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Lại nữa, là người đứng đầu bậc nhất trong nhiều chúng sanh, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Lại nữa, ở giữa nhiều chúng sanh, khỏi tâm đại từ đại bi , thành lập Đại thừa, thực hành đại đạo, được ở chỗ tối đại, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Lại nữa, thành tựu các tướng của bậc đại nhân, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Tướng Ma-ha Tát-Đỏa như trong bài kệ tán Phật nói:
"Duy một mình Phật là đệ nhất,
Là cha mẹ ba cõi, là Nhất thiết trí,
Ở trong tất cả, không ai bằng,
Cúi lạy Thế Tôn, đấng hy hữu,
Phàm nhân thi ân vì lợi mình,
Đem của bố thí cầu quả báo,
Phật Đại nhân từ không việc ấy,
Lợi cả người oán, thân, thương, ghét".
Lại nữa, vì có thể thuyết pháp phá trừ các phiền não đại tà kiến, đại ái mạn, đại ngã tâm cho mình và hết thảy chúng sanh, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Lại nữa, chúng sanh mênh mông như biển cả, không đầu, không giữa, không cuối, dù có vị toán sư minh trí, trải qua vô lượng năm tính toán cũng không thể tính hết. Như Phật dạy Vô-tận-ý Bồ-tát rằng: "Ví như tất cả thế giới trong mười phương, cho đến biên tế của hư không, hợp lại thành một dòng nước, khiến cho vô số vô lượng chúng sanh chung nhau cầm một sợi tóc lấy một giọt nước đem đi. Lại có vô ương vô số chúng sanh cũng chung nhau cầm một sợi tóc lấy một giọt nước đem đi. Cứ như vậy làm cho dòng nước kia hết sạch không còn, thì số chúng sanh vẫn không tính hết. Với số chúng sanh vô biên, vô lượng, không thể đếm, không thể tư nghì ấy, mà hay cứu vớt hết, làm cho xa lìa khổ não, đặt vào trong chỗ thật vui vô vi an ổn; vì có đại tâm muốn độ nhiều chúng sanh ấy, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Như trong kinh Bất Khả Tư Nghì, Ưu-bà-di Âu-xá-na nói với Bồ-tát Tu-đạt-na rằng: "Các hàng Bồ-tát Ma-ha-tát, không vì độ một người mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng không phải vì hai, ba, cho đến mười người; cũng không phải vì trăm, ngàn, vạn, mười vạn, trăm vạn, một ức, mười trăm ngàn vạn cho đến ức ức; cũng không phải vì A-do-tha ức chúng sanh mà phát tâm. Không phải vì Na-do-tha, không phải vì A-già-đà chúng sanh. Cũng không phải chỉ vì Tần-ba-la, Ca-ca-la, A-ca-la, Bệ-bà-la, Ma-bà-la, Ba-đà, Đa-bà, Tỳ-bà-ha, Bố-ma, Niệm-ma, A-bà-ca, Ma-già-bà, Tỳ-la-già, Tăng-già-ma, Tỳ-tát-la, Vị-diêm-bà, Tỳ-xà-ca, Ty-lô-ha-tỳ-bạt-đế, Tỳ-ca-đa, Đâu-la, A-bà-la-na, Tha-bà-la, Tỳ-bà-na-bà, Miệu-tã, Độn-na-gia-tã, Hê-ba-la, Tỳ-bà-la, Tát-giá-đa, A-bạt-xà-đài, Tỳ-thi-đà, Nê-bà-la, Hê-lê-phù-đà, Ba-ma-đà-dạ, Tỷ-sơ-bà, A-lê-phù-đà, A-lê-tát-tã, Hê-vân-ca, Độ-ư-đa, A-lâu-na, Ma-lâu-đà, Xoa-dạ, Ô-la-đa, Mạt-thù-dạ-ma, Ta-ma-đà, Tỳ-ma-đà, Ba-ma-đà, A-mãn-đà-la, Bà-mãn-đa-la, Thi-bà-la-đa, Hê-la, Vi-la, Đề-la, Chi-la, Sí-la, Thi-la, Tư-la, Ba-la, Di-la, Bà-la-la, Mê-lâu, Sí-lô, Ma-đổ-la, Tam-mâu-la, A-bà-dạ, Kiến-ma-la, Ma-ma-la, A-đạt-đa, Hê-lâu, Tỳ-lâu-bà, Ca-la-bạt, A-bà-bạt, Tỳ-bà-bạt, Bà-bà, A-la-bà, Ta-bà-bà-la, Mê-la-phù-la, Ma-giá-la, Đà-ma-la, Bà-ma-đà, Ni-già-ma, A-bạt-đa, Nê-đề-xá, A-xoá-dạ, Tam-phù-đà, Bà-ma-ma, A-bà-đà, Âu-bà-la, Ba-đầu-ma, Tăng-khư, Già-đề, Âu-ba-già-na, A-tăng-kỳ, A-tăng-kỳ A-tăng-kỳ, Vô lượng, Vô lượng vô lượng, Vô biên, Vô biên vô biên, Vô đẳng, Vô đẳng vô đẳng, Vô số, Vô số vô số, Bất khả kế, Bất khả kế bất khả kế, Bất khả tư nghì, Bất khả tư nghì bất khả tư nghì, Bất khả thuyết, Bất khả thuyết bất khả thuyết. Cũng không phải vì số chúng sanh nhiều như vi trần của một quốc độ mà phát tâm.
Cũng không phải vì hai, ba, đến mười trăm ngàn vạn ức ngàn vạn ức A-do-tha, Na-do-tha, cho đến vì số chúng sanh nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết quốc độ mà phát tâm.
Không phải vì số chúng sanh nhiều như vi trần của một cõi Diêm-phù-đề mà phát tâm.
Không phải vì số chúng sanh nhiều như vi trần của cõi Câu-đà-ni, Uất-đát-la-việt, Phất-bà-đề mà phát tâm.
Không phải vì số chúng sanh nhiều như vi trần của Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì số chúng của hai, ba, đến mười trăm ngàn vạn ức ngàn vạn ức A-do-tha cho đến Bất khả thuyết bất khả thuyết tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì cúng dường cung cấp cho một đức Phật mà phát tâm, cho đến không phải vì cúng dường cung cấp cho Bất khả thuyết bất khả thuyết các đức Phật mà phát tâm.
Không phải vì cúng dường cung cấp cho các đức Phật số nhiều như vi trần của một quốc độ mà phát tâm, cho đến không phải vì cúng dường cung cấp cho các đức Phật số nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải làm thanh tịnh một Phật độ mà phát tâm, cho đến không phải vì làm thanh tịnh Phật độ nhiều như số vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì thọ trì pháp của một đức Phật mà phát tâm, cho đến không phải vì thọ trì pháp của các đức Phật số nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì làm cho Phật chủng của trong một tam thiên đại thiên thế giới không bị dứt mà phát tâm, cho đến không phải vì làm cho Phật chủng của trong Tam thiên đại thiên thế giới số nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới không bị dứt mà phát tâm.
Không phải vì phân biệt biết đại nguyện của một đức Phật mà phát tâm, cho đến không phải vì phân biệt biết đại nguyện của các đức Phật nhiều như số vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì trang nghiêm một Phật độ mà phát tâm, cho đến không phải vì trang nghiêm Phật độ nhiều như số vi trần của bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì phân biệt biết chúng hội đệ tử của một đức Phật mà phát tâm, cho đến không phải vì phân biệt biết chúng hội đệ tử của các đức Phật số nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì giữ gìn Pháp luân của một đức Phật mà phát tâm, cho đến không phải vì giữ gìn Pháp luân của các đức Phật số nhiều như vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Không phải vì biết các tâm của một người.
Không phải vì biết các căn của một người.
Không phải vì biết các kiếp thứ lớp tương tục của trong một Tam thiên đại thiên thế giới.
Không phải vì phân biệt dứt các phiền não của một người mà phát tâm, cho đến không phải vì phân biệt dứt các phiền não của nhiều người như số vi trần của Bất khả thuyết bất khả thuyết Tam thiên đại thiên thế giới mà phát tâm.
Các Bồ-tát Ma-ha-tát ấy nguyện rằng: "Giáo hóa hết thảy mười phương chúng sanh, cúng dường cung cấp hết thảy mười phương chư Phật. Nguyện làm cho hết thảy mười phương Phật độ được thanh tịnh, tâm kiên cố thọ trì hết thảy pháp của mười phương chư Phật, phân biệt biết hết thảy các Phật độ, biết chúng đệ tử của hết thảy chư Phật, phân biệt các tâm của hết thảy chúng sanh, biết đoạn các phiền não cho hết thảy chúng sanh, biết hết các căn của hết thảy chúng sanh". Vì các nguyện ấy, các Bồ-tát phát tâm cầu trú trong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như vậy v.v… lấy mười môn làm đầu, cho đến trăm, ngàn, vạn, ức A-tăng-kỳ môn, đó là môn đạo pháp. Bồ-tát phải biết, phải vào. Thật đạo của các Bồ-tát lược nói như vậy. Hết thảy các pháp đều vào, đều biết, vì trí tuệ mà biết vậy, vì hết thảy Phật độ ở trong Bồ-tát đạo mà trang nghiêm vậy.
Âu-xá-na (Asà) nói: "Thiện nam tử! Tôi nguyện như vầy: Từ khi có thế giới đến nay, hết thảy chúng sanh đều thanh tịnh, hết thảy phiền não đều đoạn trừ". Tu-đạt-na nói: "Ấy là giải thoát gì?" Âu-xá-na đáp: "Ấy là vô ưu an ổn tràng. Tôi chỉ biết được một môn giải thoát ấy, không biết các Bồ-tát có đại tâm như biển cả, hết thảy các Phật pháp đều hay trì thọ. Tâm các Bồ-tát bất động như núi Tu-di. Các Bồ-tát như vị Dược vương, hay trừ hết thảy các phiền não. Các Bồ-tát như mặt trời, hay trừ hết thảy tối tăm. Các Bồ-tát như đất, hay hàm chứa tất cả chúng sanh. Các Bồ-tát như gió, hay lợi ích tất cả chúng sanh. Các Bồ-tát như lửa, hay đốt tất cả phiền não của ngoại đạo. Các Bồ-tát như mây, hay mưa xuống nước pháp. Các Bồ-tát như mặt trăng, phước đức sáng suốt soi khắp tất cả. Các Bồ-tát như Thích-đề-hoàn-nhơn, thủ hộ hết thảy chúng sanh. Ấy là đạo pháp của Bồ-tát sâu xa, tôi làm sao biết hết được". Do vì các Bồ-tát phát nguyện lớn, muốn được sự lớn, muốn đến chỗ lớn, nên gọi là Ma-ha Tát-Đỏa.
Lại nữa, tướng Ma-ha Tát-Đỏa trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật ấy, Phật tự nói tướng như vậy như vậy, là tướng Ma-ha Tát-Đỏa. Các đệ tử Xa-lợi-phất, Phú-lâu-na v.v… mỗi vị đều nói. Phẩm kia, ở trong đây có nói rộng. Chương 10
GIẢI THÍCH: "BỔ-TÁT CÔNG ĐỨC"
KINH: Đều được Đà-la-ni và các Tam muội, thực hành Không, Vô tướng, Vô tác, đã được Đẳng, Nhẫn
LUẬN: Hỏi: Vì sao lấy ba việc ấy mà lần lượt tán thán Bồ-tát Ma-ha-tát?
Đáp: Vì muốn nêu thật công đức của các Bồ-tát, đáng tán thán thì tán thán, đáng tin thì tin; vì chúng sanh không thể tin được pháp thanh tịnh sâu xa, nên lấy ba việc ấy tán thán Bồ-tát.
Lại nữa, trước mới nói danh tự Bồ-tát Ma-ha-tát. Nay nói vì được Đà-la-ni, Tam muội và các công đức Nhẫn v.v… nên gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát.
Hỏi: Đã biết nghĩa thứ lớp, vậy sao gọi là Đà-la-ni? Thế nào là Đà-la-ni?
Đáp: Đà-la-ni, Hán văn là "Năng trì" hoặc "Năng già". Năng trì là nhóm các thiện pháp, giữ gìn không tán không mất. Vì như đồ hoàn hảo đựng nước, nước không thấm chảy, Năng già là tâm ác bất thiện căn sanh, hay ngăn làm cho không sanh. Nếu muốn làm tội ác, giữ không cho làm, ấy gọi là Đà-la-ni. Đà-la-ni ấy hoặc tương ưng với tâm hoặc không tương ưng với tâm, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, vô sắc, vô đối, không thấy, một trì, một nhập, một ấm nhiếp (pháp trì, pháp nhập, hành ấm), chín trí trì (trừ tận trí), một thức thức (một ý thức). Trong pháp A-tỳ-đàm giảng nghĩa của Đà-la-ni.
Lại nữa, vị Bồ-tát được Đà-la-ni, thì đối với hết thảy pháp đã được nghe, do niệm lực giữ gìn không mất.
Lại nữa, pháp Đà-la-ni ấy thường đuổi theo Bồ-tát như bệnh sốt rét cách nhật. Pháp Đà-la-ni ấy không rời Bồ-tát như bị quỉ bám. Pháp Đà-la-ni ấy thường thuận theo Bồ-tát như luật nghi thiện bất thiện. Pháp Đà-la-ni ấy giữ gìn Bồ-tát khơng để rơi xuống hố Nhị-địa, như cha lành thương con, con sắp rơi xuống hố, giữ lại không để rơi.
Lại nữa, Bồ-tát nhờ được lực Đà-la-ni mà hết thảy Ma vương, Ma dân, Ma nhân không thể làm lay động, không thể phá, không thể hơn, như núi Tu-di, miệng người phàm thổi không thể lay động.
Hỏi: Pháp Đà-la-ni ấy có mấy thứ?
Đáp: Pháp Đà-la-ni ấy rất nhiều. Có Văn trì Đà-la-ni. Người được Đà-la-ni này, hết thảy các pháp ngữ ngôn, tai đã được nghe, đều không quên mất. Lại có Phân biệt trí Đà-la-ni. Người được Đà-la-ni này, phân biệt hết các chúng sanh, các pháp lớn, nhỏ, tốt, xấu như kệ nói:
"Các voi, ngựa, vàng
Cây, đá, y phục,
Nam nữ và nước,
Các thứ bất đồng.
Các vật tên một,
Quý tiện khác nhau,
Được Tổng trì này,
Phân biệt được hết".
Lại có Nhập âm thanh Đà-la-ni. Vị Bồ tát được Đà-la-ni này, nghe hết ngữ ngôn âm thanh, không mừng không giận. Nếu hết thảy chúng sanh trải qua kiếp số như cát sông Hằng, dùng lời ác mắng nhiếc, tâm Bồ-tát cũng không ghét hận.
Hỏi: Bồ-tát chưa sạch các lậu, làm sao có thể nhẫn được các điều ác đó trải qua kiếp số như cát sông Hằng?
Đáp: Đã nói trước kia rằng được lực Đà-la-ni này nên có thể như thế. Lại nữa, vị Bồ-tát tuy chưa sạch hết lậu, song đại trí lợi căn, có thể tư duy trừ khử tâm sân hận, suy nghĩ rằng: "Nếu nhĩ căn không đến bên tiếng, thì tiếng ác dính vào đâu? Lại như tiếng mắng, nghe liền bay qua, nếu không phân biệt, thì ai sẽ giận? Phàm phu vì tâm trước tự ngã, phân biệt phải trái mới sanh sân hận.
Lại nữa, nếu người biết được rằng ngữ ngôn vừa sanh liền diệt, trước sau không cùng thời, thời sẽ không sân hận. Cũng biết các pháp, bên trong vô chủ, ai mắng, ai sân? Hoặc có người nghe tiếng lạ của địa phương khác, đây bảo là tốt, kia bảo là xấu, tốt xấu không nhất định, nên tuy mắng vẫn không sân. Hoặc có người biết tiếng nói là vô định, thời không giận không mừng. Như người thân ái mà mắng, tuy mắng không giận, không thân ái mà nói lời dữ nghe thì sanh giận. Cũng như khi đi gặp gió mưa thì vào nhà hoặc cầm dù, khi đi gặp đất có gai thì mang giày dép, lạnh quá thì đốt lửa, lúc nóng thì tìm nước. Những hoạn nạn như thế chỉ đi tìm cách ngăn che chứ không sân hận. Đối các việc hung ác mắng chửi cũng như vậy, chỉ dùng từ bi ngăn dứt các ác đó chứ không sanh tâm giận.
Lại nữa, Bồ-tát biết các pháp là bất sanh, bất diệt, tánh nó đều không, nếu gặp người sân hận mắng nhiếc, hoặc đánh, hoặc giết, đều như mộng, như biến hóa, thì còn ai giận, ai mắng?
Lại nữa, nếu có người như chúng sanh trong hằng hà sa kiếp, tán thán, cúng dường y, thực, ngọa cụ, y dược, hoa hương, anh lạc, tâm của vị Bồ-tát đắc nhẫn vẫn không lay động, không mừng không đắm.
Hỏi: Đã biết các nhân duyên khiến các Bồ-tát không sân hận, nhưng chưa biết tại sao khi thật sự tán thán công đức mà vẫn không vui mừng?
Đáp: Biết các thứ cúng dường cung kính đều là vô thường, nay vì có nhân duyên nên đến tán thán cúng dường, sau lại có nhân duyên khác thì lại sân hận, hoặc đánh hoặc giết; vì thế nên được tán thán mà không mừng.
Lại nữa, do vì ta có công đức trí tuệ nên đến tán thán cúng dường, đó là tán thán công đức chứ đâu phải tán thán ta; ta vì sao mà mừng?
Lại nữa, người ấy vì cầu quả báo nên ở nơi ta tạo nhân duyên cúng dường ta để làm công đức, cũng như người vì gieo lúa mà tưới tẩm sửa sang, đất cũng không mừng.
Lại nữa, nếu người cúng dường ta, ta nếu vui mừng thọ nhận, thì phước ta mỏng đi mà phước người kia cũng ít cho nên không mừng.
Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp như mộng, như tiếng vang vậy có ai khen, ai mừng? Ta chưa được thoát khỏi ba cõi, các lậu chưa dứt sạch, chưa được Phật đạo, tại sao được tán thán mà mừng? Nếu đáng mừng thì chỉ có một mình Phật, vì sao? Vì đã đầy đủ hết thảy công đúc.
Thế nên Bồ-tát khi được tán thán, cúng dường, cung cấp, tâm không sanh mừng. Các tướng như thế gọi là Nhập âm thanh Đà-la-ni.
Lại có Danh tịch diệt Đà-la-ni, Vô biên triền Đà-la-ni, Tùy địa quán Đà-la-ni, Oai đức Đà-la-ni, Hoa nghiêm Đà-la-ni, Tịnh âm Đà-la-ni, Hư không tạng Đà-la-ni, Hải tạng Đà-la-ni, Phân biệt chư pháp địa Đà-la-ni, Minh chư pháp nghĩa Đà-la-ni.
Lược nói năm trăm Đà-la-ni môn như vậy. Nếu nói rộng thời có vô lượng. Do vậy nên nói các Bồ tát đều được Đà-la-ni.
Các Tam muội là ba Tam muội: Không, Vô tác, Vô tướng.
Có người nói: "Quán năm uẩn vô ngã, vô ngã sở; ấy gọi là Không. Trú ở Không tam muội ấy, không vì đời sau mà khởi ba độc, ấy gọi là Vô tác. Duyên pháp lìa mười tướng là năm trần, nam, nữ, sanh, trụ, diệt; ấy gọi là Vô tướng". Có người nói: "Trú trong tam muội ấy, thì biết được thật tướng của tất cả pháp là tất cả không, ấy gọi là Không tam muội. Biết Không ấy rồi không làm. Thế nào là không làm? Là không xem các pháp hoặc không hoặc bất không, hoặc có hoặc không v.v… như bài kệ Phật thuyết trong kinh Pháp Cú:
"Thấy có thời sợ hãi,
Thấy không cũng sợ hãi,
Cho nên không trước có
Và cũng không trước không".
Ấy gọi là Vô tác tam muội.
Thế nào là Vô tướng tam muội? Hết thảy pháp không có tướng, hết thảy pháp không thọ, không trước, ấy gọi là Vô tướng tam muội, như kệ nói:
"Ngôn ngữ đã lặng,
Tâm hành cũng diệt,
Bất sinh bất diệt,
Như tướng niết-bàn".
Lại nữa, mười tám Không, ấy gọi là Không tam muội. Trong các thứ hữu (sanh hữu, bản hữu, tử hữu, trung hữu, nghiệp hữu) tâm không cầu, ấy gọi là Vô tác tam muội. Hết thảy các pháp tướng phá hoại, không nhớ nghĩ, ấy gọi là Vô tướng tam muội.
Hỏi: Có nhiều thứ pháp Thiền định, sao chỉ nói riêng ba Tam muội này?
Đáp: Vì ở trong ba Tam muội ấy mà tư duy là gần với Niết-bàn, khiến tâm người không cao không hạ, bình đẳng bất động, các định khác không được như vậy; vì thế nói riêng ba Tam muội. Trong các định khác hoặc tâm ái nhiều, hoặc mạn nhiều, hoặc kiến nhiều, còn trong ba Tam muội ấy có nghĩa thật lợi bậc nhất, là cửa ngõ được Niết-bàn; vì thế trong các pháp Thiền định lấy ba pháp định ấy làm ba cửa giải thoát, cũng gọi là ba Tam muội. Ba Tam muội ấy thật là Tam muội, các định khác cũng được gọi là định.
Lại nữa, trừ Bốn thiền căn bản, từ Vị đáo địa trở lên cho đến Hữu đỉnh gọi là Định, cũng gọi là Tam muội, chẳng phải là Thiền. Bốn thiền cũng gọi là Định, cũng gọi là Thiền, cũng gọi là Tam muội. Các định khác cũng gọi là Định, cũng gọi là Tam muội. Như các pháp định: Bốn Vô lượng tâm, bốn Biện tài, sáu Thần thông, tám Bội xả, tám Thắng xứ, chín thứ Đệ định, mười Nhất thiết xứ v.v…
Lại có người nói: "Hết thảy pháp Tam muội có ba mươi hai thứ, có người nói sáu mươi lăm thứ, có người nói năm trăm thứ. Vì pháp Đại thừa rất lớn nên có vô lượng Tam muội, là: Tam muội Biến pháp tánh trang nghiêm, Tam muội năng chiếu tất cả pháp trong ba đời, Tam muội Không phân biệt biết quán cùng để pháp tánh, Tam muội Vào Phật pháp không đáy, Tam muội Như hư không chiếu vô để vô biên, Tam muội Quán hạnh lực của Như lai, Tam muội Phật vô úy trang nghiêm lực tần thân, Tam muội Xoay chứa muôn pháp tánh, Tam muội Mặt trăng chóng biến khắp hết thảy thế giới không ngăn ngại, Tam muội Pháp vân quang trang nghiêm cùng khắp… Bồ-tát được vô lượng tam muội như thế.
Lại nữa, trong phẩm Ma-ha Diễn của Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, lược nói thì có một trăm lẻ tám Tam muội. Đầu tiên gọi là Tam muội Thủ lăng nghiêm, cho đến Tam muội Hư không không trước không nhiễm. Rộng nói thì có vô lượng Tam muội. Vì vậy nên nói các Bồ-tát được các Tam muội, thực hành Không, Vô tướng, Vô tác.
Hỏi: Trước nói Bồ-tát được các tam muội, cớ sao nay lại nói thực hành Không, Vô tướng, Vô tác?
Đáp: Trước nói tên tam muội, chưa nói tướng tam muội, nay muốn nói tướng cho nên nói thực hành Không, Vô tác, Vô tướng. Nếu có người thực hành Không, Vô tướng, Vô tác; ấy gọi là được Thật tướng tam muội, như kệ nói:
"Nếu giữ giới thanh tịnh,
Gọi thật là Tỳ-kheo,
Nếu có thể quán Không,
Gọi là Thật tam muội.
Nếu có thể tinh tấn,
Gọi là người hành đạo.
Nếu có được Niết-bàn,
Ấy gọi là thật vui".
KINH: "Đã được Đẳng, Nhẫn"
Hỏi: Thế nào là Đẳng? Thế nào là Nhẫn?
Đáp: Có hai thứ Đẳng là Chúng sanh đẳng, Pháp đẳng. Nhẫn cũng có hai thứ là Chúng sanh nhẫn, Pháp nhẫn. Thứ nào là Chúng sanh đẳng? Đối với tất cả chúng sanh, tâm bình đẳng, niệm bình đẳng, ái bình đẳng, lợi bình đẳng, ấy gọi là Chúng sanh đẳng.
Hỏi: Từ bi lực đối với hết thảy chúng sanh nên niệm bình đẳng, không nên quán bình đẳng, vì sao? Vì Bồ-tát hành thật đạo, không điên đảo, đúng như pháp tướng. Vì sao mà đối với người thiện, người bất thiện, người lớn, người nhỏ và súc sanh, mà lại xem một mực bình đẳng? Trong người bất thiện, thật có tướng bất thiện; trong người thiện, thật có tướng thiện? Người lớn, người nhỏ, người và súc sanh cũng như vậy. Như tướng trâu ở nơi trâu, tướng ngựa ở nơi ngựa, tướng trâu không ở trong tướng ngựa, tướng ngựa không ở trong tướng trâu, vì ngựa không làm trâu. Chúng sanh mỗi mỗi có tướng riêng, làm sao một mực quán xem là bình đẳng mà không rơi vào điên đảo?
Đáp: Nếu tướng thiện, tướng bất thiện là có thật, thì Bồ-tát phải rơi vào điên đảo, vì sao? Vì phá hoại pháp tướng, nhưng vì các pháp chẳng phải thật tướng thiện, chẳng phải thật tướng bất thiện, chẳng phải tướng nhiều, chẳng phải tướng ít, chẳng phải người, chẳng phải súc sanh, chẳng phải một, chẳng phải khác; vì lẽ ấy, ông vấn nạn không đúng, như kệ thuyết về các pháp tướng:
"Bất sanh bất diệt.
Bất đoạn bất thường,
Bất nhất bất dị,
Bất khứ bất lai.
Pháp nhân duyên sanh,
Dứt các hý luận,
Phật thuyết như vậy,
Tôi kính lễ Ngài".
Lại nữa, đối với hết thảy chúng sanh, không trước các thứ tướng, tướng chúng sanh, tướng không, một mực bình đẳng không khác. Quán như vậy, ấy gọi là Chúng sanh đẳng. Nếu người ở trong đó tâm bình đẳng không ngăn ngại, thẳng vào không lui,
ấy gọi là đẳng, nhẫn. Bồ-tát được đẳng, nhẫn thời đối với hết thảy chúng sanh, không giận, không não hại, như mẹ lành thương con, như kệ nói:
"Quán âm thanh như tiếng vang,
Thân hành như bóng trong gương,
Người quán được như thế,
Làm sao mà không nhẫn?".
Ấy gọi là Chúng sanh đẳng, nhẫn.
Thế nào gọi là Pháp đẳng, nhẫn? Pháp thiện, pháp bất thiện, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v… với các pháp như vậy mà vào bất nhị pháp môn, vào thật pháp tướng môn. Vào như vậy rồi, ở trong đó, khi thâm nhập thật tướng các pháp, thì tâm nhẫn mà trực nhập, không tránh, không ngại, ấy gọi là Pháp đẳng, nhẫn, như kệ nói:
"Chư pháp bất sanh bất diệt,
Phi bất sanh bất diệt.
Cũng bất sanh diệt phi bất sanh diệt,
Cũng phi bất sanh diệt phi phi bất sanh diệt".
Đã được giải thoát (lìa khỏi tà kiến gọi là giải thoát), không, phi không (không thủ nơi không nên gọi là phi không) v.v… thảy đều xả bỏ, diệt các hý luận, đường ngôn ngữ dứt, thâm nhập Phật pháp, tâm thông suốt không ngại, bất động bất thối, gọi là Vô sanh nhẫn. Đó là cửa ban đầu hỗ trợ Phật pháp, vì vậy nói "Đã được đẳng, nhẫn".
KINH: Được vô ngại Đà-la-ni.
LUẬN: Hỏi: Trước đã nói các Bồ-tát được Đà-la-ni. Nay vì sao lại nói được Vô ngại Đà-la-ni?
Đáp: Vì Vô ngại Đà-la-ni là tối đại. Như trong tất cả tam muội, tam muội vương tam muội là tối đại; như vua trong loài người, như Vô ngại giải thoát trong các giải thoát. Như vậy trong tất cả Đà-la-ni, Vô ngại Đà-la-ni là lớn, cho nên trùng thuyết.
Lại nữa, trước nói các Bồ-tát đã được Đà-la-ni, không biết ấy là Đà-la-ni gì? Có tiểu Đà-la-ni như của Chuyển luân Thánh vương, tiên nhân v.v… có được. Có Văn trì Đà-la-ni, Phân biệt chúng sanh Đà-la-ni, Quy mạng cứu hộ bất xả Đà-la-ni … Các tiểu Đà-la-ni như vậy, các người khác cũng có được. Còn Vô ngại Đà-la-ni ấy, hàng ngoại đạo, Thanh-văn, Bích-chi Phật, tân học Bồ-tát đều không có được. Chỉ các Bồ-tát đủ vô lượng phước đức, trí tuệ, đại lực là có Đà-la-ni ấy, cho nên nói riêng.
Lại nữa, hàng Bồ-tát ấy, tự lợi đã đầy đủ, chỉ muốn lợi tha, thuyết pháp giáo hóa vô tận, tất lấy Vô ngại Đà-la-ni làm căn bản; vì thế, các Bồ-tát thường thực hành Vô ngại Đà-la-ni.
KINH: Đều được ngũ thông.
LUẬN: Như ý, Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, tự biết túc mạng.
- Thế nào là Như ý thông (Riddhi)? Như ý thông có ba thứ là: Năng đáo, Chuyển biến và Thánh như ý. Năng đáo có bốn thứ: 1- Thân năng phi hành như chim, không ngại. 2- Dời xa lại gần, không đi qua mà đến. 3- Lặn ở đây hiện ở kia. 4- Trong một khoảnh khắc có thể đến được. Chuyển biến là lớn biến làm nhỏ, nhỏ biến làm lớn; một biến thành nhiều, nhiều biến thành một, có thể chuyển biến mọi vật. Hàng ngoại đạo chuyển biến không lâu quá bảy ngày, chư Phật và đệ tử chuyển biến tự tại, không có lâu mau. Thánh như ý là đối với vật bất khả ái bất tịnh của sáu trần bên ngoài, có thể quán làm cho nó tịnh, vật khả ái thanh tịnh, có thể quán làm cho nó bất tịnh. Thánh như ý ấy, chỉ có Phật mới có được. Như ý thông ấy, từ trong bốn Như ý túc mà ra. Như ý túc thông v.v… ấy, vì duyên theo sắc, thứ lớp phát sanh, nên không thể có được trong cùng một lúc.
- Thế nào là Thiên nhãn thông? Với mắt được sắc thanh tịnh tứ đại của Sắc giới tạo nên, ấy gọi là Thiên nhãn thấy được chúng sanh và các vật trong lục đạo ở cả tự địa và hạ địa; các sắc hoặc gần hoặc xa, hoặc thô hoặc tế, đều có thể soi thấy. Thiên nhãn ấy có hai thứ: 1- Do quả báo mà được. 2- Do tu mà được. Trong ngũ thông ấy, Thiên nhãn thông do tu mà được, không phải do quả báo được, vì cớ sao? Vì thường nhớ nghĩ các thứ quang minh mà được. Có người nói: Các hàng Bồ-tát ấy vì được lực vô sanh pháp nhẫn nên không thuộc trong sáu đạo, nhưng chỉ vì giáo hoá chúng sanh mà dùng Pháp thân hiện ra trong mười phương ba cõi; còn các Bồ-tát chưa chứng Pháp thân thì Thiên nhãn do tu đắc hoặc do báo đắc.
Hỏi: Công đức của các Bồ-tát ấy hơn A-la-hán, Bích-chi Phật; vậy cớ sao lại tán thán Thiên nhãn là thứ công đức nhỏ mà phàm phu cũng có chứ không tán thán Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn của các Bồ-tát?
Đáp: Có ba loại Thiên: 1- Giả hiệu thiên, 2- Sanh thiên, 3- Thanh tịnh thiên. Chuyển luân Thánh vương, các đại vương khác v.v…; ấy là Giả hiệu thiên. Tứ trời Tứ thiên vương, cho đến trời Hữu đĩnh; ấy là Sanh thiên. Chư Phật và pháp thân Bồ-tát, Bích-chi Phật, A-la-hán; ấy là Thanh tịnh thiên. Thanh tịnh thiên ấy, tu được Thân nhãn, ấy gọi là Thiên nhãn thông. Thiên nhãn thanh tịnh của pháp thân Bồ-tát, hết thảy ly dục, ngũ thông hàng phàm phu không thể có được, Thanh-văn và Bích-chi Phật cũng không có được, vì cớ sao? Vì tiểu A-la-hán, tiểu dụng tâm thì thấy được một ngàn thế giới, đại dụng tâm thì thấy được hai ngàn thế giới. Đại A-la-hán tiểu dụng tâm thì thấy hai ngàn thế giới, đại dụng tâm thì thấy ba ngàn Đại thiên thế giới, Bích-chi Phật cũng vậy, ấy gọi là Thiên nhãn thông.
- Thế nào là Thiên nhĩ thông? Với tai được sắc thanh tịnh tứ đại của cõi Sắc tạo nên, nghe được hết thảy tiếng, tiếng trời, tiếng người, tiếng của ba ác đạo. Thế nào là được Thiên nhĩ thông do tu đắc? Vì thường ức niệm các thứ tiếng, ấy gọi là Thiên nhĩ thông.
- Thế nào là biết Túc mạng thông? Thường ức niệm việc của mình trải qua ngày, tháng, năm đến lúc ở trong thai, cho đến trong đời quá khứ, một đời, mười đời, trăm đời, ngàn vạn ức đời, cho đến bậc đại A-la-hán, Bích-chi Phật biết tám đại vạn kiếp, các đại Bồ-tát và Phật biết vô lượng kiếp, ấy gọi là Thần thông biết Túc mạng.
- Thế nào là Thần thông biết Tha tâm? Biết Tha tâm hoặc có ô cấu, hoặc không ô cấu, khi tự quán tâm sanh, trụ, diệt, thường ức niệm cho nên được Tha tâm thông.
Lại nữa, quán tướng mừng, tướng giận, tướng sợ, tướng hãi của người khác. Thấy tướng ấy rồi, vậy sau biết tâm. Ấy là cửa ban đầu của Tha tâm trí.
Ấy là lược nói ngũ Thông.
KINH: Nói ra ắt tín thọ.
LUẬN: Trời, Người, Rồng, A-tu-la v.v… và tất cả đại nhân, đều tín thọ lời kia, ấy là quả báo của bất ỷ ngữ. Các người bị quả báo ỷ ngữ, tuy có nói thực mà mọi người đều không tín thọ, như kệ nói:
"Bị đoạ trong ngạ quỷ,
Lửa cháy từ miệng ra,
Bốn hướng phát tiếng lớn,
Là báo của lỗi miệng.
Tuy có nhiều hiểu biết,
Thuyết pháp giữa đại chúng,
Vì nghiệp không thành tín,
Nên không ai tín thọ.
Nếu muốn rộng đa văn,
Được mọi người tín thọ,
Cho nên hãy chí thành,
Không nên nói thêu dệt."
KINH: Không còn biếng nhác.
LUẬN: Biếng nhác phá hỏng tài lợi, phúc lợi của người tại gia, phá hỏng cái vui sanh Thiên và vui Niết-bàn của người xuất gia. Tại gia xuất gia thanh danh đều diệt. Lỗi bốn giặc lớn không gì hơn biếng nhác, như kệ nói:
"Biếng nhác mấy thiện tâm,
Sĩ ám phá trí minh,
Diệu nguyện đều bị diệt,
Nghiệp lớn cũng đã mất".
Vì vậy nên nói "Không còn biếng nhác"
KINH: Đã bỏ lợi dưỡng và tiếng tăm.
LUẬN: Sự lợi dưỡng ấy như giặc, phá hoại gốc rễ công đức. Ví như trời mưa đá làm tổn hại ngũ cốc. Lợi dưỡng tiếng tăm cũng như thế, phá hoại lúa công đức, không tăng trưởng được. Như Phật nói ví dụ: Thí như sợi giây bằng lông trói buộc người làm cho đứt da gãy xương, người tham lợi dưỡng làm đứt mất gốc rễ công đức cũng lại như thế, như kệ nói:
"Được vào rừng Chiên-đàn,
Mà chỉ nhặt lấy lá,
Đã vào núi bảy báu,
Mà lại lấy thủy tinh.
Có người vào Phật pháp,
Không cầu vui Niết-bàn,
Lại cầu lợi cúng dường,
Hạng ấy là tự dối.
Thế nên đệ tử Phật,
Muốn được vị cam lồ,
Hãy vứt bỏ tạp độc,
Cần cầu vui Niết-bàn.
Ví như mưa đá dữ,
Làm hư hại ngũ cốc,
Nếu đắm lợi cúng dường,
Phá tàm quý, đầu đà (Dhùta).
Đời này mất thiện căn,
Đời sau đọa địa ngục,
Như Đề-bà-đạt-đa,
Vì lợi dưỡng tự đọa".
Vì thế nên nói "Đã bỏ lợi dưỡng và tiếng tăm".
KINH: Thuyết pháp mà không mong cầu.
LUẬN: Tâm đại từ thương xót, vì chúng thuyết pháp, không vì cơm áo tiếng tăm, thế lực mà thuyết, mà vì đại từ bi, vì tâm thanh tịnh, vì được Vô sanh pháp nhẫn, như kệ nói:
"Đa văn, biện tuệ, nói năng hay,
Thuyết pháp êm đẹp chuyển lòng người.
Tự không như pháp, hạnh bất chánh,
Thí như mây sấm mà không mưa.
Bác học, đa văn có trí tuệ,
Ngọng miệng vụng lời không khéo léo,
Không thể hiển bày tạng Pháp bảo,
Ví như không sấm mà mưa nhỏ.
Không rộng học vấn, không trí tuệ,
Không thuyết pháp được, không hành tốt,
Pháp sư tệ ấy, không tàm quý,
Ví như mây ít, không sấm mưa.
Đa văn, quảng trí, nói năng hay,
Khéo nói các pháp chuyển lòng người,
Hành pháp, tâm chánh không sợ sệt,
Như mây sấm lớn đổ mưa to
Đại tướng của pháp cầm gương pháp,
Chiếu sáng Phật pháp, kho trí tuệ,
Trì tụng giảng rộng, rung linh pháp,
Như thuyền giữa biển độ hết thảy.
Cũng như Ong chúa nhóm các vị,
Thuyết như lời Phật, theo ý Phật,
Giúp Phật sáng pháp, độ chúng sanh,
Pháp sư như thế thật khó gặp".
KINH: Qua đến bờ thậm thâm Pháp nhẫn.
LUẬN: Thế nào là Pháp thậm thâm? Mười hai nhân duyên, ấy là Pháp thậm thâm. Như Phật bảo A-nan: "Pháp mười hai nhân duyên ấy rất sâu, khó hiểu, khó biết".
Lại nữa, lìa hẳn sáu mươi hai lưới tà kiến do nương đời quá khứ, vị lai phát sanh, ấy là Pháp thậm thâm. Như Phật bảo Tỳ-kheo: "Kẻ phàm phu vô văn, nếu muốn tán thán Phật, điều họ tán thán rất ít, đó là hoặc tán thán về giới thanh tịnh, hoặc tán thán sự xa lìa các dục. Nếu tán thán được Pháp thậm thâm khó hiểu khó biết ấy mới thật là tán thán Phật". Điều này trong kinh Phạm Võng có nói rộng.
Lại nữa, ba môn giải thoát, ấy gọi là Pháp thậm thâm. Như trong Kinh Phật thuyết Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, hàng chư thiên tán thán rằng: "Thế Tôn! Pháp ấy thậm thâm!". Phật nói: " Pháp thậm thâm chính Không là nghĩa ấy. Vô tác, Vô tướng là nghĩa ấy".
Lại nữa, hiểu rõ tướng hết thảy pháp là chân thật, không thể phá, không thể động; ấy là Pháp thậm thâm.
Lại nữa, trừ tâm tưởng trí lực bên trong, mà chỉ định tâm trú ở trong thật tướng thanh tịnh của các pháp. Cũng như khi khí nóng hưng thịnh, chẳng phải màu vàng mà thấy màu vàng, đó là do tâm tưởng trí lực, đối với các pháp thấy thay đổi, ấy là pháp nông cạn. Ví như người có mắt thanh tịnh, khi không có khí nóng thì đúng như thực thấy màu vàng là màu vàng. Cũng vậy, trừ tâm tưởng trí lực ở bên trong, được tuệ nhãn thanh tịnh thấy thật tướng của các pháp. Cũng như thủy tinh thật, để vào nơi vật có màu vàng thì tùy theo đó mà thành màu vàng; màu xanh, đỏ, trắng đều tùy theo mà biến đổi. Tâm cũng như thế, hạng phàm phu do tâm tưởng trí lực bên trong mà thấy các pháp với dị tướng. Quán thật tướng của các pháp là phi không, phi bất không, bất hữu, phi bất hữu. Trong pháp ấy thâm nhập không lay chuyển, không ngăn ngại; ấy gọi là "Qua đến bờ thậm thâm pháp nhẫn". "Qua đến" nghĩa là được thậm thâm pháp. Được đầy đủ, không ngăn ngại, được qua bờ bên kia, ấy gọi là qua đến bờ (độ).
KINH: Được sức vô úy.
LUẬN: Các Bồ-tát thành tựu Bốn lực vô sở úy.
Hỏi: Như Bồ-tát việc phải làm chưa làm xong, chưa được Nhất thiết trí, vì sao nói là "Được bốn vô sở úy"?
Đáp: Vô sở úy có hai thứ: Bồ-tát vô sở úy và Phật vô sở úy. Các Bồ-tát ấy tuy chưa được Phật vô sở úy nhưng được Bồ-tát vô sở úy, cho nên gọi là "Được Vô sở úy".
Hỏi: Những gì là bốn Vô sở úy của Bồ-tát?
Đáp: 1- Do giữ gìn được tất cả pháp đã được nghe, do được các Đà-la-ni, do thường ức niệm không quên, nên ở trong chúng thuyết pháp mà không sợ sệt. 2- Do biết nhân duyên ý dục giải thoát của hết thảy chúng sanh, lợi căn độn căn, rồi tùy theo chỗ thích hợp mà thuyết pháp, nên Bồ-tát ở giữa đại chúng thuyết mà không sợ sệt. 3- Không thấy có ai từ phương Đông, Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên dưới đến nạn vấn làm cho ta không thể đúng như pháp mà giải đáp; vì không thấy một chút ít tướng như vậy, nên ở giữa đại chúng thuyết pháp mà không sợ sệt. 4- Hết thảy chúng sanh lắng nghe lãnh thọ hay vấn nạn, tùy ý đúng như pháp mà giải đáp, khéo đoạn trừ mối nghi cho hết thảy chúng sanh, nên Bồ-tát ở giữa đại chúng thuyết pháp mà không sợ sệt.
KINH: Vượt qua các Ma sự.
LUẬN: Ma có bốn thứ: 1- Phiền não ma, 2- Ấm ma, 3- Tử ma, 4- Tha-hóa-tự-tại-thiên-tử ma. Các Bồ-tát ấy do được Bồ-tát đạo nên phá Phiền não ma. Do được pháp tánh thân nên phá Ấm ma. Do được đạo, được pháp tánh thân nên phá Tử ma. Do thường nhất tâm, do tâm không dính một nơi nào, do vào bất động tam muội, nên phá Tha-hóa-tự-tại-thiên-tử ma; vì thế nên nói: "Vượt qua các Ma sự".
Lại nữa, trong phẩm Giác Ma của kinh Bát-nhã ấy, Phật tự nói đến Ma nghiệp, Ma sự. Ma nghiệp, Ma sự ấy đều đã vượt qua, nên gọi là "Đã vượt qua Ma sự".
Lại nữa, trừ thật tướng của các pháp, tất cả pháp tàn dư đều là Ma. Như các phiền não, kiết sử, dục, phược, thủ, triền, ấm, giới, nhập, Ma vương, Ma dân, Ma nhân, những điều như vậy đều gọi là Ma.
Hỏi: Chỗ nào bói các kiết sử, dục, phược v.v… đều gọi là Ma?
Đáp: Trong kinh Tạp tạng, Phật nói kệ với Ma vương rằng:
"Dục là đạo quân đầu của ngươi,
Ưu sầu là đạo quân thứ hai,
Đói khát là đạo quân thứ ba,
Ái là đạo quân thứ tư.
Đạo quân thứ năm là ham ngủ,
Sợ hãi là đạo quân thứ sáu,
Nghi là đạo quân thứ bảy,
Ngậm độc là đạo quân thứ tám,
Đạo quân thứ chín là lợi dưỡng
Và đắm trước tiếng tăm hư vọng,
Đạo quân thứ mười là tự cao,
Khinh mạn với người khác.
Đám quân của ngươi như vậy,
Mọi người ở trong thế gian
Và hết thảy hàng chư thiên,
Không một ai phá nổi.
Ta dùng mũi tên trí tuệ,
Lúc tu định trí tuệ,
Dẹp phá ma quân ngươi,
Như bình đất chìm nước.
Nhất tâm tu trí tuệ,
Để cứu độ hết thảy,
Đệ tử ta tinh tấn,
Thường niệm tu trí tuệ.
Tùy thuận hành đúng pháp,
Chắc được đến Niết-bàn,
Dẫu ngươi không muốn buông,
Ta vẫn đến chỗ ngươi không đến.
Ma vương nghe thế rồi,
Ưu sầu mà bỏ đi.
Bộ đảng Ma ái ấy,
Cũng mất không hiện nữa.
Ấy gọi là Ma kiết sử".
Hỏi: Năm uẩn, Mười tám giới, Mười hai xứ, chỗ nào nói là Ma?
Đáp: Khi ở trong núi Mạc-câu-la, Phật dạy đệ tử La-đà: "Sắc uẩn là Ma. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là Ma".
Lại nữa, nếu muốn làm thân có sắc trong vị lai, ấy là chỗ động; nếu muốn làm thân không sắc ấy cũng là chỗ động; nếu muốn làm thân có tưởng, không tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng, ấy là tất cả chỗ động. Động là bị Ma trói buộc, không động thời không bị trói buộc, từ chỗ ác được giải thoát. Trong đây nói uẩn, giới, nhập là Ma, còn Tự-tại-thiên-tử Ma, Ma dân, Ma nhân, tức là Ma thời không cần phải nói.
Hỏi: Sao gọi là Ma?
Đáp: Đoạt mất tuệ mạng, phá hoại đạo pháp công đức thiện căn; ấy gọi là Ma. Bọn người ngoại đạo cũng nói rằng, đó là chúa dục, cũng là mũi tên họa, cũng gọi là năm mũi tên (ngũ dục), phá hỏng các việc thiện. Trong Phật pháp gọi là Ma-la. Nghiệp ấy, sự ấy, gọi là Ma sự. Ma sự của những gì? Như trong phẩm Giác Ma nói rõ.
Lại nữa, nhân duyên của kiết sử làm cho loài người xoay chuyển trong thế gian thọ khổ vui, cũng là nhân duyên của Ma vương lực. Ma ấy là oán thù của chư Phật, là giặc của Thánh nhân, phá hoại hết thảy sự nghiệp của những người ngược dòng sanh tử, không còn thích Niết-bàn, ấy gọi là Ma.
Ma ấy có ba việc: 1- Nói phô, cười cợt, ca múa, nhìn bậy v.v…, những việc như vậy đều từ tham ái sanh. 2- Trói buộc, đánh đập, tra khảo, châm chích, cắt chặt v.v…, những việc như vậy đều từ sân sanh. 3- Lấy lửa đốt thân, chịu rét, nhổ tóc, chịu đói, nhảy vào lửa, nhảy vào vực thẳm, nhảy từ chót cao v.v…., những việc như vậy đều từ ngu si sanh.
Lại những việc tội lỗi to lớn, bất tịnh, nhiễm trước thế gian, đều là Ma sự. Ganh ghét điều lợi ích, không cần biết Niết-bàn và Niết-bàn đạo cũng là Ma sự. Chìm trong biển khổ lớn, không tự giác tri, vô lượng những điều như thế đều là Ma sự. Đã vứt bỏ các thứ đó, ấy là "vượt qua các Ma sự".
KINH: Hết thảy nghiệp chướng đều được giải thoát.
LUẬN: Hết thảy ác nghiệp được giải thoát, ấy gọi là nghiệp chướng được giải thoát.
Hỏi: Có ba thứ chướng, là phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng; tại sao bỏ qua hai chướng mà chỉ nói đến nghiệp chướng?
Đáp: Trong ba chướng, nghiệp lực lớn hơn cả. Chứa nhóm các nghiệp cho đến trong trăm ngàn vạn kiếp không mất, không cháy, không hoại, khi cùng hiệp với quả báo mà cũng không mất. Các nghiệp ấy tồn tại lâu dài cho đến khi hòa hợp cùng quả báo. Như hạt giống lúa cổ ở dưới đất khi gặp thời tiết thuận lợi thì mọc, không mất không hoại. Chư Phật là bậc Nhất thiết trí, tôn trọng bậc nhất như núi chúa Tu-di, còn không thể chuyển đổi các nghiệp, huống là người phàm như kệ nói:
"Xe sanh tử chở người,
Các phiền não kết nghiệp,
Có sức lớn tự tại xoay chuyển,
Không ai cấm ngăn được.
Tự tạo nghiệp đời trước,
Chuyển làm đủ các hình.
Nghiệp lực là rất lớn,
Thế gian không gì sánh,
Nghiệp đời trước tự tại,
Dắt người chịu quả báo,
Do nghiệp lực luân chuyển,
Quay trong biển sanh tử.
Nước biển cả khô sạch,
Đất núi Tu-di tiêu,
Nghiệp nhân duyên đời trước,
Không cháy cũng không mất.
Các nghiệp tích tập từ lâu
Chạy theo kẻ tạo nghiệp,
Cũng ví như chủ nợ,
Chạy đuổi không rời con nợ.
Quả báo của các nghiệp,
Không ai lay chuyển được,
Cũng không chỗ trốn tránh,
Cũng không thể van xin (mà khỏi).
Nghiệp theo đuổi không rời,
Chúng sanh trong ba cõi,
Như kha-lê-la-bạt,
Nghiệp ấy, Phật đã nói.
Như gió qua chỗ trống,
Như nước không chảy ngược,
Hư không không thọ hại,
Không nghiệp cũng như thế.
Lực các nghiệp vô lượng,
Không theo kẻ không tạo,
Khi quả báo đến thời,
Không mất cũng không tiêu.
Từ đất bay lên trời,
Từ trời vào núi tuyết,
Từ núi Tuyết vào biển,
Không chỗ nào tránh được.
Thường mãi đuổi theo ta,
Không lúc nào rời nhau,
Cho đến lúc thọ báo,
Như sao hiện theo trăng"
Vì vậy nên nói "Hết thảy các nghiệp chướng đều được giải thoát".
KINH: Khéo nói Pháp nhân duyên.
LUẬN: Pháp Mười hai nhân duyên sanh với đủ thứ pháp môn mà khéo léo giảng thuyết phiền não, nghiệp và sự (khổ). Thứ lớp triển chuyển tương tục mà sanh; ấy gọi là Mười hai nhân duyên. Trong ấy, Vô minh, Ái, Thủ ba thứ, gọi là Phiền não; Hành và Hữu hai thứ, gọi là Nghiệp; bảy thứ còn lại gọi là Sự. Trong Mười hai nhân duyên ấy, hai thứ đầu thuộc đời quá khứ, hai thứ cuối cùng thuộc đời vị lai, tám thứ giữa thuộc đời hiện tại. Ấy là lược nói ba việc: Phiền não, nghiệp, khổ. Ba sự ấy triển chuyển làm nhân duyên cho nhau, ấy là phiền não làm nhân duyên cho nghiệp, nghiệp làm nhân duyên cho khổ, khổ lại làm nhân duyên cho khổ. Khổ làm nhân duyên cho phiền não, phiền não làm nhân duyên cho nghiệp, nghiệp làm nhân duyên cho khổ, khổ lại làm nhân duyên cho khổ, ấy gọi là triển chuyển làm nhân duyên cho nhau.
Tất cả phiền não thuộc đời quá khứ gọi là Vô minh. Từ Vô minh sanh nghiệp, có thể tạo thành quả cho một thế giới nên gọi là Hành. Do từ Hành sanh tâm cấu nhiễm, nhân của thân đầu tiên, như Trâu nghé biết mẹ. Vì tự tướng thức gọi là Thức. Thức ấy cùng sanh với bốn uẩn vô sắc và sắc của nó trú ở; ấy gọi là Danh sắc. Từ trong Danh sắc sanh ra Sáu trần (căn) là mắt, tai v.v…; ấy gọi là Lục nhập. Căn, trần, thức hòa nhập gọi là Xúc. Từ Xúc sanh Thọ. Trong Thọ có tâm đắm trước gọi là Khát ái. Do nhân duyên Khát ái nên tìm cầu, ấy gọi là Thủ. Từ Thủ nên có nghiệp làm nhân cho đời sau, ấy gọi là Hữu. Từ hữu trở lại chịu ngũ ấm (uẩn) trong đời sau, ấy gọi là Sanh. Từ sanh cho đến khi ngũ chúng (uẩn) chín mùi rồi hoại diệt, ấy gọi là Lão tử. Lão tử sanh buồn thương khóc lóc, đủ các thứ sầu não và các khổ tập họp.
Nếu nhất tâm quán thật tướng thanh tịnh của các pháp, thời Vô minh hết, Vô minh hết nên Hành hết, cho đến các thứ khổ tập họp đều hết. Đối với tướng của Mười hai nhân duyên ấy, năng dùng phương tiện, không dính mắc tà kiến mà vì người diễn nói, ấy gọi là khéo léo (thiện xảo).
Lại nữa, trong sự quán Mười hai nhân duyên ấy, đoạn hết pháp ái, tâm không dính mắc, biết rõ thật tướng; ấy gọi là khéo léo. Như phẩm Bất Khả Tận (Akạyaparirarta) trong Bát-nhã Ba-la-mật, Phật nói với Tu-bồ-đề: "Si" như hư không không thể cùng tận; "hành" như hư không không thể cùng tận; cho đến "các khổ hòa tập" như hư không không thể cùng tận. Bồ-tát nên hiểu như vậy. Hiểu như vậy là xả bỏ nguồn mê ngu si, mà được vô sở nhập. Quán Mười hai nhân duyên khởi ấy, thời là ngồi ở đạo tràng, chứng được Tát-bà-nhã ( tức Nhất thiết trí).
KINH: Từ A-tăng-kỳ kiếp trở lại phát thệ nguyện lớn.
LUẬN: Nghĩa chữ A-tăng-kỳ đã nói rõ trong chương giải thích Bồ-tát nghĩa. Nghĩa chữ Kiếp, Phật thí dụ rằng: "Như núi đá bốn mươi dặm, có một người sống rất lâu, cứ một trăm năm cầm một chiếc áo mỏng mịn đến phất một lần cho đến khi núi đá hết mà một kiếp vẫn chưa hết. Lại, trong thành lớn bốn mươi dặm, chứa đầy hạt cải, không san bằng được. Có một người sống rất lâu, cứ một trăm năm đến lấy một hạt cải, hạt cải hết mà một kiếp vẫn chưa hết.
Bồ-tát trải qua vô số kiếp như vậy, phát chánh đại nguyện, độ thoát chúng sanh. Nguyện là lời thề ước của đại tâm, phải độ hết thảy chúng sanh, dứt hết các kiết sử, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; ấy gọi là Nguyện.
KINH: Nhan sắc hòa vui, thường hỏi han trước, lời nói không thô.
LUẬN: Vì đã nhổ gốc sân nhuế, trừ bỏ tật đố, thường tu đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, đã dứt bốn thứ tà ngữ, nên được nhan sắc hòa vui, như kệ nói:
"Nếu gặp người xin đạo,
Lấy bốn điều tiếp đãi:
Vừa thấy, mắt nhìn ưa,
Nghinh đón, kính hỏi thăm.
Cúng dường sàn tọa tốt,
Thí đủ điều cần muốn.
Tâm bố thí như vậy,
Phật đạo như trên tay.
Nếu trừ được bốn tà,
Miệng lời độc nói dối,
Hai lưỡi, dữ, thêu dệt,
Được quả báo lớn đẹp.
Kẻ nhu hòa cầu đạo,
Muốn độ các chúng sanh,
Trừ bốn khẩu nghiệp tà,
Ví như Ngựa có cương".
KINH: Ở giữa đại chúng không hề sợ hãi.
LUẬN: Vì đức lớn, công đức trí tuệ chắc thật, được Tối thượng biện Đà-la-ni, nên ở giữa đại chúng không có sợ hãi, như kệ nói:
"Trong tâm trí đức mỏng,
Ngoài khéo dùng lời đẹp,
Ví như tre bộng ruột,
Chỉ có tướng bề ngoài.
Trong tâm trí đức dày,
Ngoài khéo nói lời Pháp,
Ví như diệu Kim-cương,
Trong ngoài đầy đủ sức".
Lại nữa, vì thành tựu pháp vô úy, đoan chánh thuộc quý tộc, có sức lớn, trì giới, thiền định, trí tuệ, nói năng luận nghị đều thành tựu, nên không sợ hãi; vì vậy nên giữa đại chúng không có sợ hãi, như kệ nói:
"Thiểu đức, không trí tuệ,
Không nên ngồi tòa cao.
Như Sói thấy Sư tử,
Núp hang không dám ra.
Đại trí không sợ gì,
Đáng ngồi tòa Sư tử.
Ví như Sư tử rống,
Muôn thú đều sợ hãi".
Nhóm đủ vô lượng vô biên trí tuệ phước đức lực nên không sợ hãi, như kệ nói:
"Nếu người dứt các ác,
Cho đến không tội nhỏ,
Bậc đại đức như thế,
Không nguyện gì chẳng đủ.
Bậc Đại trí tuệ ấy,
Trong thế gian không não,
Cho nên người như vậy,
Sanh tử tức Niết-bàn".
Lại nữa, vì là hàng độc nhất được Vô sở úy của Bồ-tát, như trong kinh Tỳ-na-bà Ma vương nói: "Bồ-tát độc nhất được bốn vô sở úy", như trên đã nói.
KINH: Vô số ức kiếp thuyết pháp khéo léo vượt ra.
LUẬN: Tự thân khéo léo tu các thiện căn không phóng dật v.v…, ấy là các Bồ-tát chẳng phải một đời, hai đời, ba đời cho đến vô lượng A-tăng-kỳ kiếp tập họp công đức trí tuệ, như kệ nói:
"Vì chúng sanh nên phát đại tâm,
Nếu có người bất kính kiêu mạn,
Tội ấy rất lớn khôngthể nói,
Huống gì còn gia thêm điều ác".
Lại nữa, Bồ-tát ấy trong vô số vô lượng kiếp tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, ở trong sanh, diệt, trói, mở tự biết rõ thật tướng các pháp. Có ba thứ hiểu: Hiểu do nghe, hiểu do nghĩa, hiểu do đắc đạo. Trong nhiều cách giảng thuyết pháp môn, không chỗ nào ngăn ngại, đều được trí tuệ Ba-la-mật về phương tiện thuyết pháp. Lời các Bồ-tát ấy thuyết đều như Thánh nhân nói đều nên tín thọ, như kệ nói:
"Có tuệ, không đa văn,
Thì không biết thật tướng,
Như trong chỗ tối tăm,
Có mắt, không thấy gì.
Đa văn, không trí tuệ,
Cũng không biết thật tướng,
Như trong chỗ sáng suốt,
Có đèn mà không mắt.
Đa văn, trí tuệ bén,
Lời người ấy đáng tin,
Không đa văn, không trí.
Là Trâu trong lốt Người".
Hỏi: Nên nói vô số ức kiếp khéo thuyết pháp, sao lại còn nói vượt ra?
Đáp: Ở giữa người vô trí và đệ tử, thuyết pháp dễ, nếu đối với người đa văn lợi trí giỏi luận nghị thì thuyết pháp khó. Khi đó, nếu là Pháp sư tiểu trí thì phải rút lui, nếu là bậc Đại học đa văn, thì ở trong vấn nạn sẽ mạnh dạn vui vẻ, ở giữa hết thảy chúng có đại oai đức. Như trong kinh Thiên Hội (Deva-samàjasutra) thuyết kệ rằng:
"Mặt, mắt, răng sáng ngời,
Chiếu khắp cả đại hội,
Cướp ánh sáng chư thiên,
Tất cả đều không hiện".
Vì vậy nên gọi là "Vô số ức kiếp trong sự khéo thuyết pháp có thể vượt ra được".
(Hết cuốn 5 theo bản Hán)
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.37.219 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.