Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM THẦN BIẾN ( tiếp theo)
Bấy giờ tôn giả A-Nan lại suy nghĩ như vầy :" Tôn giả Tu Bồ Ðề khéo tu hạnh không tranh cải. Ðối với ất cả pháp đã đạt đến tốt ráo, có đại oai đức, đầy đủ thần thông. Có thể sự biến hóa bất tư nghị này do ngài làm ra chăng ? Nay ta nên hỏi thử xem. "
Khi tôn giả A-Nan nghĩ như vậy xong, mới thưa ton giả Tu Bồ Ðề :
- Thưa Ðại đức ! Tôi đích thân nghe đức Phật nói như vậy :" Trong các đại đệ tử Thanh văn của ta, người hiểu nghĩa Không đệ nhất chính là Tu Bồ Ðề ", vậy việc trang nghiêm bất tư nghị này há không phải do đại đức làm ra chăng ?
Tôn giả Tu Bồ Ðề trả lời tôn giả A-Nan rằng :
- Này tôn giả A-Nan ! Ðức Thế tôn tuy nói tôi tu nghĩa Không, vô tránh ( không tranh cải) bậc nhất. Nhưng sự thần biến này không phải sức của tôi có thể làm được. Vì sao vậy ? Tôi nhớ một thời tôi nhập Tam muội, như sự rộng lớn của thế giới ba lần ngàn này, tôi đặt lên đầu một sợi lông, xoay vần qua lại như bánh xe của người thợ làm đồ gốm. Ngay lúc ấy không có một chúng sanh nào có tâm kinh sợ, cũng không hay biết chỗ ở của chính mình.
Này tôn giả A-Nan ! tôi nhớ thuở xưa ở trước đức Như Lai, muốn rống lên tiếng Sư tử, nên bạch rằng :
- Bạch Thế tôn ! Như sự rộng lớn của thế giới ba lần ngàn này, như vậy con có thể dùng miệng thổi một hơi nhỏ khiến cho nó đều bị tan mất. Lại khiến cho các chúng sanh ở trong đó không kinh không sợ, không có ý tưởng qua lại.
Tôn giả A-Nan, ngay lúc đó tôi ở trước đức Thế tôn đã từng thị hiện sự thần thông như vậy. Này tôn giả A-Nan, tôi nhớ một thời lại ở trước đức Phật rống lên tiếng Sư tử, bạch rằng :
- Bạch Thế tôn, nay con có thể lấy thế giới ba lần ngàn như thế có tất cả chúng sanh ở trong đó, đều đặt trên một ngón chân, đưa lên đến trời Hữu Ðảnh. Sau đó đưa họ trở về chỗ cũ, khiến cho các chúng sanh ấy hoàn toàn vắng lặng không có tiếng động, không bị bức bách nhau, không có ý tưởng đến và về.
- Này tôn giả A-Nan, tôi nhớ một thời an tọa trong Tam muội, tôi thấy hiện ở phía trước, về phương Ðông có sáu vạn các đức Phật. Cũng như vậy phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương phụ, trên và dưới, vô lượng vô biên trăm ngàn thế giới, mỗi phương đều có sáu vạn các đức Phật thế tôn, trước đây tôi chưa từng thấy, nay đều thấy biết tất cả.
Này tôn giả A-Nan, ngay lúc đó tôi ở cõi Diêm Phù Ðề, nhờ định tâm này lại phát ra thần lực, đi đến bên trời Ðế Thích, trên đảnh núi Tu-Di, cầm một chén hương bột chiên đàn, đến trong vô lượng các thế giới cúng dường các đức Như Lai Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ấy. Các loài chúng sanh ở các thế giới kia thảy đều rõ ràng thấy tôi đứng trong cõi diêm Phù Ðề này cúng dường, thừa sự các đức Thế tôn ấy. Họ biết tôi là đại đệ tử Thanh văn của đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác ở cõi Ta Bà này. Ðối với trong cửa Không, Vô tránh Tam muội, tôi là bậc nhất.
Này tôn giả A-Nan, nay hoặc trời, hoặc người, hoặc Phạm, hoặc ma, hoặc Sa môn, Bà la môn... ở trong chúng này đối với điều tôi nói mà có lòng nghi, vị ấy có thể đến hỏi đức Thế tôn là thầy của tôi. Hiện nay ngài đang ở trong tịch tịnh, tự chứng biết.
Bấy giờ nhờ thần lực của Phật, ở trong không trung phát một âm thanh lớn bảo tôn giả A-Nan rằng :
- Này A-Nan ! Ðúng như vậy ! Ðúng như vậy ! Như Thượng tọa Tu Bồ Ðề vừa rồi rống lên tiếng Sư tử, ngươi nên thọ trì như vậy.
Khi ấy các thiên, nhân, Phạm, ma, Sa môn, Bà La môn ... thấy, nghe việc ấy xong, lông trong người đều dựng đứng, phát tâm hy hữu, được điều chưa từng có, nói như vầy :
- Thật là hy hữu ! Thật là điều chưa từng thấy việc lớn như vậy. Cho đến các đệ tử của đức Thế tôn, còn có thần thông thù thắng vi diệu, đại oai đức lực, huống gì cảnh giới thần thông Tam muội của chư Phật mà có thể suy lường, có thể tuyên thuyết được sao.
Bấy giờ tôn giả Tu Bồ Ðề thấy trời, người, Phạm, ma, sa môn,Bà la môn của các thế gian sanh tâm hy hữu rồi, để nói rõ lại nghĩa này, ngài nói kệ tụng :
- Tôi ở thiền định, giải thoát môn
Tam muội vô tránh thuộc bậc nhất
Xưa tôi từng ở chỗ Thế tôn
Hiện sức thần thông, không biên tế
Tôi chuyển ba ngàn thế giới địa
Tất cả dồn vào lỗ chân lông
Như bánh xe thợ gốm xoay tròn
Chúng sanh an nhiên không hay biết
Xưa tôi ở trước đức Như Lai
Phân tán các núi và đại địa
Nhưng chúng sanh ấy không tổn diệt
Nhờ trụ của thần thông như vậy
Tôi lấy cõi này và chúng sanh
Ðể lòng tay, đưa lên Hữu Ðảnh
Ðến khi đưa xuống, chúng không biết
Tất cả đều nhờ thần thông này
Tôi từng nhập định quán phương Ðông
Thấy có sáu vạn các Thế tôn
Phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy
Sáu vạn Như Lai không hề thiếu
Lại bốn phương phụ và trên dưới
Chư Phật cũng đủ sáu mươi ngàn
Thân tướng sắc vàng đều như nhau
Tôi lấy hương trời tung rải khắp
Khiến các chúng sanh đều thấy biết
Ðều nói : Ta có Tu Bồ Ðề
Cũng khiến Thế tôn Mâu Ni này
Trong thiền Thanh văn là bậc nhất
Nay tôi rống lên tiếng Sư tử
Nếu ai có nghi xin hỏi Phật
Phật phát tiếng lớn mới bảo rằng :
Ðúng vậy, A-Nan nên thọ trì
Tôi diệt chúng sanh và ngã tâm
Cho đến tưởng Phật không còn sót
Hạnh không, vô tránh không ai bằng
Tôi thật trụ Tam ma đề này. 4/- PHẨM BỒ TÁT NIỆM PHẬT TAM MUỘI
SỰ THẦN THÔNG CỦA BỒ TÁT DI LẶC
Bấy giờ Bồ tát Di Lặc nghĩ như vầy :" Nay các chúng đệ tử đại Thanh văn của đức Thế tôn có đại oai đức, đầy đủ thần thông, ai cũng tự trình bày tiến rống Sư tử của mình. Nay ta cũng nên đối với trời, người, Phạm, ma, Sa môn, Bà la môn, trước các đại chúng này của tất cả thế gian, hiện một chút thần thông của Bồ tát ".
Khi Bồ tát Di Lặc nghĩ như vậy rồi liền nói với tôn giả A-Nan :
- Tôi nhớ thuở xưa, có lần vào lúc sáng sớm, mặc y, ôm bát đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân đức Phật, bạch rằng :
- Bạch Thế tôn ! Nay con muốn vào thành Vương Xá này như pháp mà khất thực.
Thưa như vậy xong, tôi liền ra đi.
Này tôn giả A-Nan, hôm đó tôi lại nghĩ như vầy :" Nay nhà nào thí đồ ăn cho ta trước tiên, ta cần phải làm cho người ấy an trụ nơi A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề trước tiên, sau đó mới nhận các món ăn của người ấy.
Này tôn giả A-Nan, khi nghĩ như vậy rồi, tôi liền vào đại thành thứ lớp khất thực. Ði đến một nhà đại tánh Bà la môn, đứng im lặng trước cửa.
Này tôn giả A-Nan ! Vị đại tánh Bà la môn ấy biết tôi đi khất thực, thấy tôi đứng im lặng, liền thưa rằng :
- Lành thay, A Dật Ða, thánh giả A Dật Ða ! hôm nay vì cớ gì mà hạ cố đến đây ? Ngài cần gì ? mong Ngài thọ nhận đồ ăn của con.
Này tôn giả A-Nan, tôi liền bảo Bà la môn ấy
- Này Ðại Bà la môn, nay nếu ngươi có thể gieo căn lành nơi A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, sau đó ta mới thọ nhận đồ dâng cúng của ngươi.
Khi ấy Bà la môn liền thưa với tôi :
- Nhân giả, nếu ngài có thể đem đồ ăn này phân cúng khắp mười phương hằng hà sa tất cả Như Lai Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, sau đó con sẽ phát tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, hết lòng siêng tu các hạnh Bồ tát. Vì sao vậy ? Vì con trước đây cũng ở chỗ các đức Như Lai trồng tất cả các căn lành.
Này tôn giả A-Nan, lúc ấy tôi lại nói với Bà la môn ấy :
- Này Ðại Bà la môn, nay ngươi đã có thể kiến lập chí nguyện như vậy, ta sẽ thọ thức ăn, phân bố cúng dường hằng hà sa đức Như Lai, A La ha Tam miệu Tam Phật đà, không còn nghi gì nữa.
Bấy giờ Bà la môn lại thưa với tôi :
- Thưa thánh giả A Dật Ða ! Ngài chỉ thọ nhận món ăn của con phân chia phụng hiếu hằng hà sa đức Như Lai, con liền phát lời thệ nguyện cũng làm như lời thệ nguyện.
Này tôn giả A-Nan, tôi lại nói với Bà la môn ấy:
- Này Ðại Bà la môn, nay ngươi có thể phát ra lời thề chắc thật như thế, hành động như lời thề ấy. Ta nhận thức ăn của ngươi, phân chia cúng dường cho hằng hà sa đức Như Lai.
Này tôn giả A-Nan, Bà la môn ấy cúng dường cho tôi đến lần thứ ba. Tôi cũng từ mẫn khuyên ông ta phát tâm như thế.
Này tôn giả A-Nan, lúc ấy tôi cùng Bà la môn cùng nhau trao đổi qua lại như vậy xong, sau đó tôi bảo Bà la môn:
- Này Ðại Bà la môn, như lời ngươi nói, mau đem đồ ẩm thực đến đây để ta sẽ vì ngươi phân bố cúng dường hằng sa đức Thế tôn.
Này tôn giả A-Nan, lúc ấy Bà la môn nghe tôi nói như vậy liền trao thức ăn cho tôi, tôi liền thọ nhận, ở trước mặt ông, như thời gian khảy móng tay, tôi phân bố cúng dường cho hằng sa đức Như Lai.
Này tôn giả A-Nan, ngay khi tôi phân bố thức ăn của ông ta để cúng dường cho hằng sa đức Như Lai rồi, sau đó tôi trở lại nhà Bà la môn ấy.
Này tôn giả A-Nan, khi Bà la môn ấy thấy thần thông vô ngại như vậy của tôi, tâm sanh kinh sợ, lông trong người dựng đứng. Sau đó vui mừng nhảy nhót thật lâu, liền mang các thứ ẩm thực thượng diệu dâng cúng cho tôi, mong tôi được no đủ. Khi tôi thọ nhận rồi, tự ý thọ thực. Bà la môn kia sau đó mới đem tất cả châu báu, tất cả các thứ hương, tất cả các thứ hoa, tất cả vòng hoa, tất cả thứ thượng diệu, đầy đủ các ngọc anh lạc... đi theo tôi, đến chỗ đức Thế tôn cung kính cấp tay, đảnh lể dưới chân đức Phật, liền ở trước đức Phật phát tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề. Lại phát lời nguyện rằng :
- Nếu có chúng sanh nào nghe tôi dâng cúng một bát cơm thiện căn này, liền trụ nơi địa vị bất thối chuyển. Bạch Thế tôn, nếu lời nguyện của con mà chắc chắn thành tựu A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề thì nhờ thiện căn này khiến cho con đời vị lai lúc thành Bồ đề cũng có các chúng Thanh văn vô lượng vô biên như vậy, đều là bậc thanh tịnh đại A-la hán như nay không khác. Nếu lời thệ nguyện của con mà chân thật không hư dối thì nhờ nhân duyên ấy khiến cho tất cả đại địa vị của thế giới ba lần ngàn này sáu thứ chấn động.
Khi đại Bà la môn ấy phát nguyện này, nhờ thần lực của đức Phật, tức thì ngay lúc đó tất cả đại địa của thế giới ba lần ngàn này sáu thứ chấn động.
Này tôn giả A-Nan, nay hoặc có trời, hoặc có người ở trong chúng này, nếu đối với điều tôi nói mà sanh tâm nghi ngờ, chờ lúc đức Thế tôn xuất định hãy đến thưa hỏi.
Này tôn giả A-Nan, nay tôi chưa thành A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề mà đã có đủ đại oai đức lực như vậy, đối với tất cả thần thông đã đạt đến cứu cánh.
Này tôn giả A-Nan, tôi nhớ thuở xưa vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp có đức Phật Thế tôn hiệu là Nhiên Ðăng Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Lúc đó tôi ở trước đức Phật Nhiên Ðăng đạt được Niêm Phật Tam muội của tất cả Bồ tát. Khi đạt được Tam muội rồi, tất cả chư Phật ở các phương hiện ra thuyết pháp. Các đức Phật Thế tôn ấy thường hiện ở trước tôi.
Lại nữa, khi tôi được Tam muội này rồi, liền đối với trong vô lượng vô biên kiếp, dùng thần thông này giáo hóa vô lượng vô biên chúng sanh, khiến cho tất cả đều an trụ trong A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, giống như đại Bà la môn trong thành Vương Xá hiện nay.
Này tôn giả A-Nan, tôi lại nhớ thuở xưa ở chỗ đức Như Lai Liên Hoa Thượng, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, dùng một thần thông giáo hóa thành thục ba vạn ức trăm ngàn chúng sanh, đều khiến cho an trụ trong A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.
Này tôn giả A-Nan, tôi lại từng ở chỗ Phật Thế tôn tối thượng bất thối chuyển hạnh, được một tam muội tên là Phổ Minh. Khi được Tam muội ấy, tôi giáo hóa thành thục sáu vạn tám ngàn chư thiên của dục giới, đều khiến cho phát tâm A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề.
Này tôn giả A-Nan, nên biết Bồ tát ma ha tát, tất cả đều có bất khả tư nghị đại thần thông lực đệ nhất rốt ráo như vậy.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Di Lặc vì làm rõ lại nghĩa này nên nói bài tụng:
- Sáng sớm tôi từng mang y bát
Thưa hỏi Thích Sư dạy minh hạnh
Lúc ấy đảnh lễ, chào Như Lai
" Thế tôn, nay con đi khất thực "
Ðại sư bảo tôi như thế này:
" Ngươi đi, nhớ nghĩ lợi chúng sanh
Ta Niết- bàn rồi, ngươi thành Phật
Trồng các công đức đều tròn đầy ".
A-Nan, lúc ấy tôi nghĩ rằng:
Chưa biết nay nên xin đâu trước
Ðối với nhà nào thọ thực trước
Ta nên dạy họ trụ Bồ đề.
Lúc đi khất thực tôi ngang qua
Liền gặp đại tánh Bà la môn
Với tâm cung kính, khen " Thiện lai "
Hy hữu xa đến, A-Dật-Ða
Nay con tự hối ngài đến muộn
Mong ngài ngồi xuống nhận thức ăn
Diệu pháp Ðại sĩ khó nghĩ lường
Nay con dâng cúng món ăn ngon.
Lúc ấy tôi nói Bà la môn:
Ngươi hãy phát tâm Bố đề trước
Lợi ích trời, người, đại chúng thảy
Sau đó ta mới nhận thức ăn
Bà la môn ấy lại nói tôi:
" Này A Dật Ða, nếu bây giờ
Vì tôi cúng dường vô số Phật
Như thế, tôi phát tâm Bồ đề ".
Tôi lại hứa với Bà La môn:
" Ngươi đối Bồ đề chớ thối lui
Ta đem cơm ngươi dâng chư Phật
Khiến thân ngươi được đại quả báo ".
Bà la môn ấy lại thề rằng:
" Xin vì con, cúng các Như Lai
Chư Phật thắng tôn nếu thọ nhận
Con hành Bồ đề không còn nghi ".
Bà la môn ấy tin ta nói
Phát tâm chí thành cúng dường ta
Ta đem vật cúng dâng chư Phật
Khiến Bà la môn thấy phút chốc
Ông đã thấy đại thần thông của ta
Hoặc sợ, hoặc mừng thêm đồ ngon
Cúng dường ta rồi đến chỗ Phật
Lại phát tâm Vô thượng Bồ đề
Khi Bà la môn phát tâm xong
Lại thề rộng lớn khó nghĩ bàn
Nếu có Bồ tát nào nghe được
Ðối với thế giới mau thành Phật
Xưa tôi ở trước Phật Nhiên Ðăng
Ðạt được Tam muội thắng vi diệu
Gọi là Bồ tát niệm chư Phật
Thường dùng nhạc hay khó so lường
Xưa tôi ở chỗ Phật Nhiên Ðăng
Khi được thắng niệm Tam muội này
Tôi liền được thấy Phật mười phương
Nhờ oai đức Phật nên thấy được
Nếu ai trụ trong Tam muội này
Hay hiện vô biên các thần biến
Các việc làm trăm tăng kỳ kiếp
Ðều làm lợi ích cho chúng sanh
Tôi ở chỗ Phật Liên Hoa Thượng
Nhờ được Tam muội, hiện thần thông
Ðầy đủ bảy vạn các chúng sanh
Ðều do tôi ở đạo Bồ đề
Tôi ở trước Như Lai tối thượng
Siêng năng tinh cần tu phạm hạnh
Ðã được Tam muội sanh thật tốt
Hay thí sự vui khó kể lường
Tôi ở chỗ Phật tối thượng hạnh
Ðược một tam muội tên Phổ Minh
Khi Phật Nguyệt Thượng trụ thiền cao
Trước Phật Ca Diếp được định sâu
A-Nan, đại thần thông như vậy
Ðều là thuở xưa tôi thành tựu
Dùng sức thần thông tự tại này
Tôi đã tu, thấy các Như lai
Nếu ai muốn thấy các Thế tôn
Muốn chuyển Diệu pháp luân vô thượng
Muốn cứu chúng sanh khỏi biển khổ
Người ấy nên học diệu định này.
Bấy giờ ở trong chúng, Phạm, ma, Sa môn, Bà la môn, trời, người, A tu la, tất cả thế gian được nghe tiếng rống Sư tử của Bồ tát ma ha tát Di Lặc, thảy đều hết sức hoan hỷ, sanh tâm kỳ đặc, khen là chưa từng có. 5/- PHẨM BỒ TÁT NIỆM PHẬT TAM MUỘI
TÁN THÁN ÂM THANH VI DIỆU BIỆN TÀI THÙ THẮNG CỦA PHẬT
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến thấy các đại chúng trời, người, Phạm, ma, Sa môn, Bà la môn, các loài rồng, dạ xoa, Càn thát bà, A tu la... được điều chưa từng có, sanh tâm kỳ đặc, hoặc có lúc kinh sợ, lông trong người dựng đứng, vì thấy việc này nên nhất tâm an tường, từ Tam muội đứng dậy, liền bảo tôn giả A-Nan:
- Này Ðại đức! Lành thay! Lành thay! Chư Phật Thế tôn hết sức hy hữu, rất là hy hữu. Vì sao như vậy? Vì các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, cho đến hay có lòng đại từ đại bi, đầy đủ vô lượng các công đức...
Này tôn giả A-Nan, các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác có thể thực chứng A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, các ngài giác ngộ tất cả pháp không sanh, thấy tất cả pháp không thể nắm bắt được, sau đó đối với thành Ba lạ nại, trong rừng Lộc Uyển, chỗ ở của tiên xưa, ba lần chuyện mười hai hành vô thượng diệu pháp luân, nhưng pháp luận này, từ đầu tôi chưa hề thấy, tất cả thế gian hoặc Phạm, hoặc ma, hoặc thiên, hoặc nhân, hoặc Sa môn, Bà la môn mà có thể như pháp chuyển như vậy. Những gì gọi là Tam chuyển pháp luân? Sao gọi là Thập nhị hành?
Ðó là: đây là khổ, đây là tập, đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đạo. Cho đến: khổ này đã biết, tập này đã đoạn, diệt này đã chứng, đạo này đã tu. Ðó là ba lần chuyển. Ba lần chuyển như vậy gọi là Thập nhị hành. Lại đây là Tám thánh đạo phần; trong đó có vô lượng văn tự, vô lượng danh cú, vô lượng ngôn ngữ âm thanh, vô lượng nghĩa thú, vô lượng giải thích, song nói nghĩa này nhằm mục đích để khai thị, để luận nghị, để phân biệt, để hiển thị nghĩa sâu kín, để dễ biết, để được đầy đủ.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến lại bảo tôn giả A-Nan:
- Này tôn giả A-Nan, vì vậy tôi nói : " Chư Phật Thế tôn hết sức hy hữu. Các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, có lòng từ bi rộng lớn, đầy đủ công đức. Các đức Phật Thế tôn đã chứng được A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề rồi, nên sau đó vì các chúng Thanh văn... đối với trong sự vô giáo pháp, mới dùng giáo thuyết, trong pháp vô ngôn mới dùng ngôn thuyết, trong pháp vô tướng mới dùng tướng thuyết, trong sự vô chứng đắc, giáo lệnh chứng đắc. Tuy không có ngôn ngữ để nói, tướng mạo để được, mà các bậc trí giả đều đã giác ngộ, các bậc hiền thiện cũng được chứng tri. Các A la hán đều được giải thoát đối với sanh tử từ vô thủy.
Lại nữa, này tôn giả A-Nan, thí như có người ôm một bó cỏ bảo rằng:" Mốn chận đứng dòng nước lớn của sông Hằng ", ý tôn giả thế nào? Người ấy có làm được chăng?
Tôn giả A-Nan đáp:
- Thưa đại sĩ, không được. Vì sao? Vì điều người ấy làm không đúng với sự đời, nói chi đến chuyện được hay không!
Bồ tát Bất Không Kiến nói:
- Ðúng vậy, này tôn giả A-Nan! Ðức Như lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác vì các Thanh văn nên đối với pháp vô ngôn lại dùng ngôn thuyết, đối với trong sự vô danh tướng thì dùng danh tướng để nói, việc ấy cũng như vậy.
Lại nữa, này tôn giả A-Nan, thí như có người vốn không có miệng lưỡi, muốn dùng một tiếng nói vang khắp các thế gian, ai cũng đều nghe biết. Ý tôn giả thế nào? Người ấy có làm được chăng?
Tôn giả A-Nan đáp:
- Thưa đại sĩ, không được. Vì sao vậy? Vì việc người ấy làm ngược với thế gian, nói chi đến chuyện được hay không.
Bồ tát Bất Không Kiến nói:
- Ðúng như vậy, tôn giả A-Nan, đức Như Lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác vì các Thanh văn, trong cái không ngôn thuyết, Ngài lại dùng ngôn thuyết. Với pháp không danh tướng Ngài dùng danh tướng để thuyết, việc ấy cũng như vậy.
Lại nữa, này tôn giả A-Nan, thí như có người tay cầm cây bút đẹp, muốn viết lên hư không, mong thành văn tự. Ý tôn giả thế nào? Người ấy có làm được không?
Tôn giả A-Nan đáp:
- Thưa đại sĩ, không được. Vì việc người ấy làm ngược với thế gian. Sao lại hỏi được hay không?
Bồ tát Bất Không Kiến nói:
- Ðúng như vậy, tôn giả A-Nan, đức Như Lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, vì các Thanh văn nên trong pháp vô ngôn, ngài lại dùng ngôn thuyết, với pháp không danh tướng ngài dùng danh tướng để thuyết. Việc ấy cũng như vậy.
Lại nữa, này tôn giả A-Nan, thí như có người vốn không có tay chân từ lúc sanh ra, muốn chú thuật, kỷ năng, mà nói to rằng:" Tôi có thể gánh núi Tu-Di Sơn Vương ". Ý tôn giả thế nào? Người ấy có thể làm được chăng?
Tôn giả A-Nan đáp:
- Thưa đại sĩ! không được. Ðiều người ấy nói ngược với thế gian. Sao lại hỏi được chăng?
Bồ tát Bất Không Kiến nói:
- Ðúng như vậy, tôn giả A-Nan. Ðức Như Lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác vì các Thanh văn nên trong pháp vô ngôn, ngài lại dùng ngôn thuyết, với pháp không danh tướng, ngài lại dùng danh tướng để thuyết. Nghĩa ấy cũng như thế.
Lại nữa, này tôn giả A-Nan, cũng như có người đến bên biển lớn, hoặc cầm một tấm ván, hoặc mang một chiếc thuyền con, hoặc muốn thân lội qua, hoặc muốn thân được nổi nên kẻ ấy rộng bày phương tiện, nói như vầy:" Tôi qua biển cả, lên bờ bên kia ". Ý tôn giả thế nào? Người đó có làm được chăng?
Tôn giả A-Nan đáp:
- Thưa đại sĩ, không được. Vì tất cả thế gian vốn không có việc này. Sao lại nói được hay không?
Bồ tát Bất Không Kiến nói:
- Ðúng như vậy, A-Nan! Ðức Như Lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, vì các Thanh văn nên đối trong pháp vô ngôn lại dùng lời nói để tuyên thuyết. Với pháp vô danh tướng lại dùng danh tướng để thuyết. Nghĩa ấy cũng vậy.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến để làm rõ lại nghĩa này, nói bài kệ tụng:
- Chư Phật đại từ khó nghĩ lường
Thường đem lòng thương soi tất cả
Vô lượng ức na-da-tha kiếp
Chánh giác, pháp môn sâu như vậy
Bổn tánh các pháp vốn không sanh
Nhân duyên tập hội không đến, đi
Vô thượng Thiên sư tuy khéo nói
Nhưng tự tánh nó thường tịch diệt
Chánh pháp chư Phật khó so lường
Thế tôn từ ái nên diễn thuyết
Hay mở pháp khó thấy như vậy
Lợi ích thế gian các trời, người
Pháp bất khả thuyết khó được nghe
Thập lục dũng mãnh hay rộng thuyết
Hiển thị đạo thanh lương tối thượng
An ổn thế gian chúng trời người
Thế tôn khéo nói pháp vô tướng
Không thầy tự nhiên mà giác tri
Phá hoại tất cả các ngoại đạo
Phàm ngu chẳng biết sự thật này
Biển trí chư Phật khó trắc lường
Tuyên nói pháp giới cũng vô tận
Tất cả Thanh văn đều đã chứng
Khai thị chuyển biến bất tư nghị
Như lời người đem cỏ bít sông Hằng
Tôn giả, tôi cho chẳng làm được
Chánh giác chuyển xe Vô sanh kia
Tôi cho việc ấy mới khó hơn.
Nếu người tay cầm bút năm màu
Vô số màu sắc họa hư không
Trong không ngôn ngữ đặt ngôn ngữ
Tôi cho điều ấy khó hơn kia.
Nếu người không tay cũng không chân
Mong cõng Tu-Di qua biển cả
Trong pháp vô tướng chuyển sự tướng
Tôi cho việc ấy khó hơn kia.
Nếu người không lưỡi cũng không miệng
Một tiếng vang khắp cõi hằng sa
Trong pháp không chứng, khiến có chứng
Tôi cho việc ấy khó hơn kia.
Bấy giờ tôn giả Bất Không Kiến Bồ tát ma ha tát bảo tôn giả A-Nan:
- Này tôn giả, các đức Phật Như Lai, bậc Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, rất là hy hữu, hay đối với vô lượng A tăng kỳ kiếp, biết rõ, thông đạt tất cả các pháp rốt ráo đến bờ bên kia, hiệu là Phật Thế tôn. Nhưng các đức Như Lai, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, tùy thuận các căn sai biệt của chúng sanh, tùy sự ưa thích, âm thanh vi diệu tự nhiên xuất hiện, tuyên thuyết cùng khắp, các thứ cú môn; đó là: nếu chúng sanh thích làm Bố thí, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán bố thí ba la mật. Kẻ ấy cũng nghĩ là đức Thế tôn vì tôi tuyên thuyết pháp thí. Nếu có chúng sanh ưa thích tu cấm giới, đức Như Lai sẽ vì họ tán dương Thi ba la mật (trì giới ba-la-mật). Kẻ ấy lại sanh ý nghĩ: " Ðức Thế tôn đã vì ta tuyên thuyết giới pháp ". Nếu có chúng sanh ưa thích hành nhẫn nhục đức Như Lai sẽ vì họ tán dương Sằn-đề (nhẫn nhục) ba la mật. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì ta tuyên thuyết pháp nhẫn nhục. Nếu có chúng sanh ưa thích hành tinh tấn, đức Như Lai sẽ vì họ tán dương Tỳ lê đa (tinh tấn) ba la mật.Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì họ tuyên thuyết pháp tinh tấn. Nếu có chúng sanh ưa thích tập thiền định, đức Như Lai sẽ vì họ tán dương thiền ba la mật. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết pháp thiền. Nếu có chúng sanh ưa thích cầu trí tuệ, đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi, nói về Bát-nhã ba la mật. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết trí tuệ. Nếu có chúng sanh ưa thích cầu giải thoát, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán sự giải thoát. Kẻ ấy cũng nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết sự giải thoát. Nếu có chúng sanh ưa thích tu giải thoát tri kiến, đức Như Lai sẻ vì họ tán thán sự giải thoát tri kiến. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết sự giải thoát tri kiến. Nếu có chúng sanh ưa thích sanh lên cõi trời, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán pháp sanh lên cõi trời. Kẻ ấy cũng có ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết pháp sanh thiên. Nếu có chúng sanh ưa thích tu pháp vô thường, đức Như Lai sẽ vì kẻ ấy tán thuyết pháp vô thường. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết pháp vô thường. Hoặc có các chúng sanh thích tu về khổ hạnh, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán nói về các khổ hạnh. Họ cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết pháp khổ hạnh. Hoặc có các chúng sanh thích tu về vô ngã, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán nói về vô ngã. Kẻ ấy cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết về pháp vô ngã. Hoặc có các chúng sanh thích tu về sự không tịch, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán nói về pháp không tịch. Họ cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì họ tuyên thuyết về pháp không tịch. Hoặc có các chúng sanh thích tu pháp bất tịnh, đức Như Lai sẽ vì họ tán thán nói về pháp bất tịnh. Họ cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình tuyên thuyết pháp bất tịnh. Hoặc có các chúng sanh ưa thích sanh lên cõi trời, đức Như Lai sẽ vì họ nói về pháp sanh lên cõi trời. Họ cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì mình nói pháp sanh lên cõi trời.
Này tôn giả, cho đến có các chúng sanh thích các thứ pháp, đức Như Lai sẽ vì họ nói các thứ pháp. Họ cũng sanh ý nghĩ là đức Thế tôn đã vì họ nói các thứ pháp.
Bấy giờ Bồ tát Bất Không Kiến muốn nêu rõ lại nghĩa này nên nói bài kệ:
- Chư Phật Thế tôn đủ viên âm
Tùy loại chúng sanh tự nhiên nói
Vì ý họ thích nên muốn nghe
Như Lai tùy thuận nên nói ra
Hoặc có chúng sanh thích bố thí
Như Lai vì họ khen đàn độ
Hoặc có chúng sanh thích trì giới
Như Lai vì họ khen Thi-la
Hoặc có chúng sanh thích nhẫn nhục
Như Lai vì họ khen Sằn-đề
Hoặc có chúng sanh thích tinh tấn
Như Lai tán thán Tỳ-lê-da
Hoặc có chúng sanh thích Tam muội
Như Lai vì họ khen thiền định
Hoặc có chúng sanh thích trí tuệ
Như Lai vì họ khen Bát-nhã
Hoặc có chúng sanh thích giải thoát
Như Lai vì họ khen giải thoát
Hoặc có chúng sanh tu vô thường
Liền nói họ nghe pháp vô thường
Nếu họ muốn nghe khổ bất tịnh
Liền khiến họ nghe khổ bất tịnh
Hoặc họ thích nghe không, vô ngã
Tiếng bất tư nghị khen không tịch
Nếu họ thích nghe Duyên-giác thừa
Diệu Âm Thế tôn nói Duyên giác
Nếu họ thích nghe các Phật thừa
Ðấng Lưỡng túc khen Bồ đề đạo
Cho đến họ thích sanh thiên cung
Tiếng Ngài chỉ rõ việc sanh thiên
Diệu âm như vậy khó nghĩ nghì
Tùy loại chúng sanh đều ứng hiện
Chúng sanh đã nghe âm thanh tịnh
Ai mà không chứng đạo Bồ đề.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến lại bảo tôn giả A-Nan:
- Này tôn giả A-Nan! Chư Phật Thế tôn thù đặc, hy hữu, Ứng cúng, Ðẳng chánh giác, hay có thiện căn rực sáng như vậy, Vì sao? Vì chư Phật Thế tôn từ xa xưa đến nay hay cúng dường vô lượng, vô biên hằng hà sa số các đức Như Lai.
Lại nữa, các Ngài thường hành các việc bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn. Ðó là xả bỏ thân mạng, đầu, mắt, tủy não... việc khó làm, Ngài làm được, các thứ khổ hạnh, điều phục thân tâm, sau đó mới chứng A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề (vô thượng chánh đẳng chánh giác). Khi chứng Bồ đề rồi liền có đầy đủ vô lượng biện tài, thuyết pháp cho người khác. Những biện tài gì? Ðó là: biện tài bất tư nghị, biện tài vô thượng, biện tài vô thắng, biện tài vô thủ trước, biện tài diệu giải thoát, biện tài vô chướng ngại, biện tài khéo hòa hợp, biện tài tương ưng, biện tài xí thạnh, biện tài vô hữu vấn, biện tài dự biết, biện tài tạo ra tướng, biện tài không tạo ra tướng, biện tài tịnh im lặng, biện tài không khiếp nhược, biện tài trừ sân hận, biện tài các thứ văn tự trang nghiêm, biện tài các thứ từ cú trang nghiêm, biện tài nghĩa cú trang nghiêm, biện tài câu văn sâu sắc trang nghiêm, biện tài hiển hiện thâm nghĩa, biện tài đối với điều sâu xa chỉ cho thấy cạn cợt dễ hiểu, biện tài vô biên thí dụ, biện tài nhanh chóng, biện tài khéo giải quyết nghi, biện tài thành tựu không bờ mé, biện tài hay hỏi, biện tài hỏi lược, đáp rộng, biện tài lợi ích, biện tài không hủy báng, biện tài khéo suy lường, biện tài không bế tắt, biện tài không hổ thẹn, biện tài đầy đủ, thành tự sự xa lìa hủy báng, biện tài đầy đủ thành tựu sự khen ngợi của người trí, biện tài đầy đủ tâm vô úy, biện tài đầy đủ sự không thấp kém, biện tài đầy đủ sự không sai lầm câu văn, biện tài đầy đủ sự không quên, biện tài đầy đủ sự không mất, biện tài đầy đủ sự tùy tâm thuyết pháp, biện tài đầy đủ sự biết người khác chí tâm thuyết pháp, biện tài đầy đủ sự khai mở, sự không uế trược, biện tài hay nói âm cú, đầy đủ sự trang nghiêm, biện tài đầy đủ sự hay nói về quá khứ, biện tài đầy đủ năng thuyết về vị lai, biện tài đầy đủ năng thuyết về hiện tại, biện tài thánh giả đầy đủ, biện tài đầy đủ sự biết diệu trí vô sanh, biện tài đầy đủ hay khiến tất cả chúng sanh hoan hỷ.
Bấy giờ Bồ tát ma ha tát Bất Không Kiến nói lại nghĩa này nên nói bài kệ:
-Cúng dường bậc tối thắng
Vô số vô biên lượng
Hay chứng đạo vô thượng
Ðại đạo sư thế gian
Tộng tập các thiện căn
Ðược sự khó nghĩ bàn
Vô chướng, lại vô ngại
Vô lượng cũng vô biên
Hòa hợp nghĩa giải thoát
Bậc tôn thắng vô thượng
Khéo nói đứt lưới nghi
Tùy hỏi mà giải thích
Các thứ giáo bí mật
Và dùng các thí dụ
Ðầy đủ biện trang nghiêm
Tiếng hay khó so lường
Thanh tịnh đều tương ứng
Quyết rõ pháp an trụ
Không nghĩ, không thể hoại
Cũng không tâm sợ hãi
Tiếng hay cùng với trí
Không kinh, không hủy tổn
Không lầm câu trang nghiêm
An lạc không quên mất
Không lầm các phương hướng
Ðược tâm sạch không cặn
Quá khứ cùng đương lai
Hiện tại vô quái ngại
Phàm thánh chuyển bình đẳng
Biện tài tự mình có
Xa gần cùng lúc nghe
Khi tiếng Phật nói ra
Nước biển có thể lường
Giọt nước có thể đếm
Chư Phật đại danh xưng
Biện tài khó lường được
Hư không có thể tận
Tu Di dễ cân lường
Thiên nhân sư vô thượng
Biện tài sâu khó lường KINH ÐẠI TẬP PHƯƠNG ÐẲNG, BỒ TÁT NIỆM PHẬT TAM MUỘI
Hết quyển Bốn.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.10.75 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.