Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Trường Thọ Vương Kinh [長壽王經] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Trường Thọ Vương Kinh [長壽王經]

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.16 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.19 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trường Thọ Vương

Việt dịch: Như Chơn - Như Vân

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, đức Phật tại Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên[1] tại thành Xá-vệ[2]. Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Thuở xưa, có vị bồ-tát tên là Trường Thọ làm vua một nước lớn, ông chỉ có một thái tử tên là Trường Sinh. Vua cai trị đất nước bằng chính pháp, không dùng cực hình đối với nhân dân. Trong nước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Khi ấy, vua nước lân cận cai trị nhân dân bằng chính sách bạo ngược, không tu chính pháp, khiến cho đời sống người dân nghèo cùng khốn khổ.
Một hôm, vua bảo quan cận thần:
- Ta nghe nước của vua Trường Thọ cách đây không xa, giàu có sung túc, nhân dân an lạc không có chiến tranh. Ta muốn khởi binh đánh chiếm có được chăng?
Quan cận thần tâu:
- Hay lắm!
Thế là vị vua kia liền kéo quân đến đánh nước của vua Trường Thọ.
Lúc ấy, quan dân nơi biên giới kéo nhau về tâu vua:
- Vua tham lam kia đã khởi binh đến muốn đánh chiếm nước ta, xin đại vương hãy phòng bị!
Vua Trường Thọ liền triệu tập quần thần đến bảo:
- Vua nước lân cận kéo quân đến xâm chiếm nước ta chỉ vì lòng tham lúa thóc, châu báu và nhân dân! Nếu khởi binh chống lại ắt sẽ làm tổn hại đến nhân dân. Tranh giành nước mà giết hại dân thì ta không làm!
Quần thần tâu:
- Chúng thần đều thông thạo chiến thuật, nhất định sẽ giành thắng lợi, không để cho quân ta bị kẻ thù đánh bại.
Vua nói:
- Nếu quân ta chiến thắng thì quân họ sẽ có người chết, mà họ và dân ta đều quí tiếc sinh mạng của mình. Lợi mình mà hại người là điều mà bậc hiền giả không nên làm.
Quần thần không chịu nghe theo, bèn giữ vua ở lại trong cung, rồi cùng nhau khởi binh chống lại.
Vua Trường Thọ gọi thái tử đến bảo:
- Vị vua kia vì tham bờ cõi nước ta, nên kéo quân đến xâm chiếm, nay các quần thần vì ta mà muốn chống lại. Nếu hai nước đánh nhau thì nhất định sẽ có thương vong, vậy ta muốn cùng con nhường ngôi rồi ra đi!
Thái tử đáp:
- Thưa vâng!
Thế là, cả hai cha con cùng nhau vượt thành ra đi, ẩn cư trong rừng núi.
Bấy giờ, vị vua tham lam kia kéo quân vào chiếm lấy ngôi vua, rồi truyền lệnh trong nước, nếu ai bắt được vua Trường Thọ sẽ được thưởng một nghìn cân vàng và rất nhiều tiền.
Một hôm, mặt trời vừa mọc, vua Trường Thọ ngồi ở gốc cây bên đường, từ xa có một vị bà-la-môn đi đến, cũng ngồi nghĩ dưới gốc cây. Ông ta hỏi vua:
- Ngài là người nước nào, sao lại ngồi ở đây?
Vua đáp:
- Tôi là người nước này, tình cờ đến đây dạo chơi !
Vua hỏi lại bà-la-môn:
- Hiền giả từ đâu đến và định đi về đâu ?
Bà-la-môn đáp:
- Tôi là Đạo sĩ nghèo từ nước xa xôi đến, nghe vua Trường Thọ nước này ưa thích bố thí, cứu giúp những kẻ khốn cùng ở khắp mọi nơi, vì thế nên tôi cố đến đây xin một ít để nuôi sống thân mạng, không biết ý vua thế nào? Ngài là người nước này xin cho biết, ngày nay vua còn bố thí không?
Vua im lặng suy nghĩ: “Ông cần ta giúp đỡ mà từ xa lặn lội đến đây, gặp lúc ta bị mất nước không còn gì cho, uổng một chuyến đi thật là đáng thương!”
Nghĩ xong, vua rơi lệ bảo bà-la-môn:
- Ta chính là vua Trường Thọ, có vua nước khác kéo quân đến xâm lược, ta đã bỏ nước lưu vong đến ẩn cư nơi này. Nay nghe hiền giả từ xa đến đây, gặp lúc ta đang nghèo khốn không có gì để cho, biết làm sao?
Thế là hai người nhìn nhau nghẹn ngào rơi lệ.
Vua nói:
- Ta nghe vua mới sẽ ban thưởng cho ai bắt được ta, vậy ngươi nên lấy đầu ta mang về, ắt sẽ được trọng thưởng!
Bà-la-môn nói:
- Tôi từ xa nghe tiếng đại vương bố thí cho những người ở khắp nơi đến xin và chỉ mong được chút ít để nuôi sống tấm thân thừa này, nhưng vì phước mỏng nên gặp lúc vua mất nước. Nay đại vương bảo cắt lấy đầu ngài thì quả thật tôi không dám vâng theo!
Vua nói:
- Ông từ xa xôi đến đây là muốn được của cải để nuôi sống thân mạng, lại gặp lúc ta khốn khó không có gì đáng cho. Vả lại, người sống trên đời ai cũng phải chết, ta và ông cũng vậy, nên muốn đem thân này cho ông, sao lại từ chối? Bây giờ ông không chịu lấy đầu ta, sau này có người khác đến xin thì ta cũng cho họ, chi bằng hãy lấy sớm đi!
Bà-la-môn nói:
- Tôi không nỡ giết đại vương, nếu ngài có lòng từ rộng lớn, hẳn đem thân mạng ra bố thí cho người, thì nên ung dung cùng nhau trở về!
Vua liền đi theo bà-la-môn đến trước cổng thành, bảo người trói lại đem đến nộp cho vua mới. Vua mới liền ban thưởng vàng bạc và bảo bà-la-môn trở về.
Bấy giờ, vị vua tham lam kia sai người đem vua Trường Thọ thiêu giữa ngả tư đường.
Các quần thần cũ của vua Trường Thọ tâu:
- Đây là vị vua trước kia của chúng thần, nay bị xử tội chết, xin cho phép chúng thần được thiết lễ mọn để tiển đưa.
Vị vua mới liền đồng ý.
Thế là, các quần thần sắp bày thức ăn, nghẹn ngào tiễn đưa vua Trường Thọ. Nhân dân trong nước thấy việc ấy đều nói:
- Vua chết thật oan uổng. Khắp cả thôn quê cho đến thành thị thảy đều thương tiếc!
Bấy giờ, thái tử Trường Sinh xuống núi, nghe người ta nói cha mình đã bị vua tham lam bắt được, bèn giả vờ gánh củi ra chợ bán. Đứng giữa đám đông, thái tử thấy cha sắp bị hành hình, trong lòng rất đau xót. Người cha nhìn thấy Trường Sinh đến thì sợ con mình sẽ oán hận báo thù, ông liền ngước lên trời than:
- Phàm là người con chí hiếu, giả sử cha mình có bị người khác giết chết cũng không được oán hận báo thù. Như vậy cha có chết đi cũng được vui lòng, không còn gì hối tiếc. Nếu trái lời cha mà rắp tâm báo thù thì cha có chết cũng không yên.
Trường Sinh không nỡ nhìn thấy cha mình chết, liền trở về núi. Vua Trường Thọ ngay lúc ấy liền bị hành hình.
Ít lâu sau, Trường Sinh suy nghĩ: “Cha ta có lòng nhân nghĩa bền chắc, đến chết cũng không lay chuyển, mà vị vua tham này vô cớ, không phân biệt tốt xấu, giết chết cha ta một cách oan uổng. Tuy cha ta có lòng nhân từ thuần hậu đến nỗi bị giết chết cũng không oán hận, nhưng ta không thể nhịn được, nếu ta không giết chết tên vua tham lam này thì không sống trên đời.”
Nghĩ xong, thái tử liền xuống núi làm thuê khắp nơi trong nước.
Bấy giờ, người làm vườn của quan lớn ra chợ thuê người và gặp thái tử, ông ta liền thuê về trồng rau, vườn rau Trường Sinh trồng rất xanh tốt.
Một hôm, vị quan lớn ra vườn thấy đám rau xanh tốt liền hỏi người giữ vườn. Người giữ vườn nói:
- Trước kia tôi thuê được một người về trồng đám rau này, nên tốt như thế.
Vị quan lớn liền cho gọi Trường Sinh đến hỏi:
- Ngươi làm thức ăn được không?
Trường Sinh đáp:
- Dạ được!
Thế là Trường Sinh được cho qua làm thức ăn. Những món ăn thái tử nấu đều rất ngon. Nhân đó vị quan lớn mời vua đến thưởng thức.
Dùng xong, vua hỏi:
- Ai làm thức ăn này?
Đại thần đáp:
- Trước kia thần thuê được một người về làm thức ăn này.
Vua liền cho Trường Sinh vào cung làm đầu bếp.
Hôm sau, vua hỏi Trường Sinh:
- Khanh có rành binh pháp không?
Trường Sinh đáp:
- Quả thật thần có biết!
Nhân đó vua đến bên cạnh Trường Sinh bảo:
- Ta có mối oan gia là con của vua Trường Thọ, nên thường lo sợ sẽ bị báo thù. Nay nhờ ngươi giúp ta chu toàn việc ấy!
Trường Sinh đáp:
- Xin vâng, thần sẽ dốc sức báo đáp đại vương!
Sau đó vua lại hỏi Trường Sinh:
- Ngươi có thích săn bắn không?
Trường Sinh đáp:
- Thần cũng thích đôi chút!
Vua liền cho người chuẩn bị xe giá rồi cùng Trường Sinh vào rừng săn bắn.
Vừa vào tới khu rừng thì thấy có một con thú chạy ngang qua, cả hai liền đuổi theo, đuổi mãi cho tới tận rừng sâu thì bị lạc đường, lẩn quẩn suốt ba ngày mà không tìm được lối ra. Vua bèn xuống ngựa, cởi kiếm đưa cho Trường Sinh và nói:
- Ta rất mệt, ngươi hãy ngồi xuống cho ta gối đầu lên vế nghỉ một lát!
Trường Sinh đáp:
- Vâng!
Vua liền nằm xuống.
Trường Sinh nghĩ: “Từ trước đến nay, ta tìm đủ mọi cách để giết chết tên vua tham lam này, nay cơ hội đến rồi.”
Nghĩ xong, thái tử liền rút gươm ra định giết vua, nhưng chợt nghĩ: “Cha ta lúc sắp chết đã ân cần căn dặn đừng báo thù, sao bây giờ lại theo ý ngu của mình làm trái lời dạy của cha hiền?” Thái tử liền thu gươm lại không giết.
Lúc ấy, vua thức dậy hỏi Trường Sinh:
- Ta vừa nằm mơ thấy con vua Trường Thọ đến muốn giết ta, ta rất kinh hãi. Vì sao vậy?
Trường Sinh đáp:
- Trong núi này có một con quỷ rất mạnh, thấy đại vương ở đây nên đến khủng bố, thần sẽ bảo vệ, đại vương cứ yên tâm, không có gì phải lo sợ!
Vua lại nằm xuống ngủ tiếp.
Trường Sinh lại rút gươm ra định giết vua, nhưng cũng nhớ đến lời cha dạy nên thôi.
Vua thức giấc bảo Trường Sinh:
- Ta nằm mơ lại thấy con vua Trường Thọ đến định giết ta, ta rất sợ hãi. Vì sao vậy?
Trường Sinh đáp:
- Đó là do thần núi này làm, xin đại vương chớ sợ hãi!
Vua lại ngủ tiếp.
Trường Sinh một lần nữa rút gươm ra định giết vua, nhưng cũng nhớ đến lời cha dặn nên dừng lại, ném thanh gươm xuống đất không muốn giết vua nữa.
Vua giật mình thức giấc nói với Trường Sinh:
- Ta mơ thấy con vua Trường Thọ đến nói đã tha tội, không giết ta nữa.
Lúc ấy, Trường Sinh nói:
- Ta chính là thái tử Trường Sinh con của vua Trường Thọ, thật ta muốn giết chết đại vương để báo thù, nhưng nhớ lại lúc cha ta sắp chết ân cần dặn dò, không muốn ta báo thù, mà ta ngu si định trái lời cha dạy. Nhớ lại tất cả lời dặn dò ân cần tha thiết ấy, nên ta không dám làm trái. Giờ đây ta đã ném gươm xuống đất là thuận theo lời cha dạy. Tuy nhiên, vẫn lo sợ sau này ta còn mê mờ, mất đi lí trí sẽ làm trái lời dạy của người cha đã khuất. Vậy xin đại vương hãy trừng phạt ta, để sớm dứt trừ tâm ác, không cho phát sinh nữa!
Vua hối hận nói:
- Ta làm việc bạo ngược, không phân biệt thiện ác, cha con là bậc hiền giả có lòng nhân từ thuần hậu vững chắc, đến chết cũng không lay chuyển. Ta thật là kẻ tham lam độc ác không chịu tỉnh ngộ, nay mạng sống nằm trong tay ngươi, mà ngươi vẫn giữ lòng nhân, chỉ nhớ lời cha dạy không xuống tay. Quả thật ta rất cảm kích sự thuần hậu này. Bây giờ ta muốn về cung, vậy phải đi lối nào?
Trường Sinh đáp:
- Thần biết con đường lúc trước đã dẫn đến đây, nhưng vì báo thù cho cha mà cố tình dẫn đại vương lạc lối.
Nói xong, thái tử đưa vua ra khỏi khu rừng, vừa tới bìa rừng thì thấy quần thần đứng chờ khắp nơi. Vua liền cho nghĩ lại, bày biện thức ăn uống và hỏi quần thần:
- Các khanh có biết thái tử Trường Sinh con vua Trường Thọ không?
Trong đó có người không biết thì nói không biết, có người biết, nhưng vì trước kia từng thọ ơn của thái tử Trường Sinh, sợ vua giết thái tử nên cũng nói là không biết.
Lúc ấy, vua chỉ vào Trường Sinh nói:
- Đây chính là thái tử Trường Sinh.
Vua nói tiếp:
- Từ nay về sau, ta sẽ trở về nước cũ, trả lại nước này cho thái tử và xin nhận ngươi làm em. Sau này nếu có nước nào xâm chiếm ta sẽ đến cứu giúp. Nói xong, vua dẫn quan binh trở về nước cũ và hàng năm đều tặng lễ vật quí hiếm.
Đức Phật bảo các tì-kheo:
- Vua Trường Thọ lúc bấy giờ chính là Ta, còn thái tử Trường Sinh là A-nan[3], vị vua tham lam kia chính là Điều-đạt[4]. Điều-đạt đời đời có oán thù với Ta, tuy Ta đối đãi rất tốt, nhưng ông ta vẫn cố tình hại Ta. A-nan vốn không có ý ác với ông ta, nên khi gặp nhau liền có tâm hòa giải. Bồ-tát cần khổ cầu đạo như thế, đến khi bị giặc làm hại cũng không oán thù, nên được thành Phật, làm bậc tôn quí trong ba cõi.
Sau khi nghe Đức Phật nói xong, các tì-kheo đều vui mừng đảnh lễ.
Phật là người lái đò
Là cầu pháp qua sông
Xe chuyên chở đạo lớn
Độ tất cả trời người
Cũng là tự cởi trói
Đến bờ được thành tiên[5]
Đều khiến các đệ tử
Giải thoát đến niết-bàn
Cung kính đấng Pháp vương
Tâm chính sức đạo vững
Cao tột gọi là Phật
Danh cao như Tuyết sơn[6]
Như hoa sạch không nghi
Được vui như gần hương
Muôn thân nhìn không chán
Ánh sáng thật linh diệu
Giác ngộ bát chánh đạo[7]
Không lìa, không nhiễm trước
Đoạn ái, phá lưới dục
Tự nhiên không nhờ thầy
Ta làm, không thầy giúp
Chí tột, không bạn bè
Góp dần đến thành Phật
Từ đây thông đạo thánh
Chí đạo không qua lại
Sâu xa chân vi diệu
Không tử cũng không sinh
Nơi ấy là nê-hoàn
Thầy ta trời trong trời
Tôn quí trong ba cõi
Tướng hảo, thân trượng sáu
Thần thông dạo hư không
Hoa xông trừ ngũ ấm
Đoạn dứt mười hai căn[8]
Không tham ngôi trời người
Tịnh tâm mở pháp môn
Phật là pháp vô thượng
Đạo ngăn sạch các hành[9]
Tam bảo ở đời sau
Bặt dứt các dục tình
Lìa khổ vượt vô vi[10]
Thường vui vẻ an ổn
Nguyện thường được gặp Phật
Bình đẳng độ chúng sinh
Hạnh nguyện xưa của Phật
Siêng năng đến trăm kiếp
Tứ đẳng[11] hành bố thí
Mười phương nhận ơn sâu
Trì giới sạch không nhơ
Từ hòa cứu chúng sinh
Dùng huệ vào thiền định
Từ bi nói các kinh
Được bậc trí kính ngưỡng
Các thánh đều tôn sùng
Thích, Phạm[12] nhận làm thầy
Biết Phật là tôn quí
Khó gặp không ai bằng
Tối thượng không ai hơn
Công đức truyền rộng khắp
Đáng cúi đầu kính lễ
Nghe ta ca thập lực[13]
Diệt cái[14] được thiền định
Ánh sáng thấu thất thiên[15]
Hương đức vượt chiên-đàn[16]
Thượng đế, thần đều đến
Kính mong thấy tôn dung
Thích, Phạm đều cung kính
Cúi đầu muốn nghe kinh
Cho nên Phật độ đời
Phước thí cho tất cả
Giáo, giới hạnh nói ra
Mỗi mỗi được rõ ràng
Cũng truyền pháp khắp nơi
Đệ tử vui lãnh thọ
Khiến trời người quỉ rồng
Đều cúi đầu kính lễ.


Chú thích:
[1] Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên 祇樹給孤獨園 (S: Jetavana-anāthapiṇḍasyārāma): thánh địa của Phật giáo ở phía nam thành Xá-vệ, nước Kiều-tất-la thuộc miền Trung Ấn Độ. Khu vườn này và những kiến trúc trong đó do trưởng giả Tu-đạt và thái tử Kì-đà hiến cúng cho Đức Phật và giáo đoàn của Ngài làm nơi tu tập.
[2] Thành Xá-vệ (Xá-vệ thành 舍衛 城; S: Śrāvastī): một vương quốc cổ ở Trung Ấn Độ. Vì quốc thành này xuất hiện nhiều danh nhân, sản xuất nhiều vật tốt, nên gọi là Văn Vật quốc. Xá-vệ vốn là tên thành đô của nước Bắc Kiều-tát-la, để phân biệt với nước Nam Kiều-tát-la, nên láy tên thành gọi thay tên nước.
[3] A-nan 阿難 (S: Ānanda): đệ tử đa văn bậc nhất và là em chú bác của Đức Phật.
[4] Điều-đạt 調達 (Cg: Đề-ba-đạt-đa; S: Devadatta): vị tì-kheo phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối nghịch với Phật.
[5] Tiên 仙 (S: ṛṣi): người trụ nơi núi rừng tu luyện mong cầu giữ gìn mạng sống được lâu dài.
[6] Tuyết sơn 雪山 (S: Himàlaya, himavat, himavàn): rặng núi vắt ngang vùng tây Bắc Ấn Độ.
[7] Bát chính đạo 八正道 (S: āryāṣṭāṅgika-mārga): tám thứ chính đạo cầu niết-bàn. Đây là pháp môn thực tiễn, tiêu biểu nhất trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Phật giáo, tức là tám phương pháp hoặc tám đường tắt chính xác hướng thẳng đến niết-bàn giải thoát, bao gồm: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định.
[8] Căn (căn môn 根 門), gồm sáu căn: mắt, tay, mũi, lưỡi, thân, ý, là cửa ngõ tuôn ra các thứ phiền não và đón vào các thứ vọng trần như: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
[9] Các hành 諸行: tất cả pháp hữu vi. Hành 行 (S: Saṃskāra): biểu thị cho pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành.
[10] Vô vi 無為 (S: Asaṃskṛta): pháp không có tạo tác, lìa sinh diệt biến hóa và tuyệt đối thường trụ, vốn là tên khác của niết-bàn.
[11] Tứ đẳng tâm 四等心: tức tứ vô lượng tâm : từ, bi. hỉ, xả, là bốn tinh thần phải có của Phật, bồ-tát giúp vô lượng chúng sinh lìa khổ được vui.
[12] Thích Phạm 釋梵: Đế Thích và Phạm vương: hai vị thiên vương đã quy y Phật Thích-ca Mâu-ni, thủ hộ Phật pháp.
[13] Thập lực 十力 (S: Daśa balāni): mười trí lực của Như lai, đó là: xứ phi xứ trí lực, nghiệp dị thục trí lực, tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực, căn thượng hạ trí lực, chủng chủng thắng giải trí lực, chủng chủng giới trí lực, biến thú hành trí lực, túc trụ tùy niệm trí lực, sinh tử trí lực, lậu tận trí lực.
[14] Cái 蓋 (S: āvaraṇa): phiền não ngăn che thiện tâm, gồm năm thứ: tham dục, sân khuế, Hôn trầm, thùy miên, trạo cử ố tác và nghi.
[15] Thất thiên 七天: tức Phạm thiên.
[16] Chiên-đàn 旃檀 (S: Candana): một loại cây có mùi thơm, cao khoảng 8m, thường xanh tươi,lá nhọn, dài độ 5cm mọc cân đối, hoa có ô, trái tròn to cỡ bằng cái kén tằm, khi chín màu đen có nhiều nước, hạt cứng gỗ thơm, rễ được nghiền ra làm bột đàn hương hoặc chế dầu thơm. Sách bản Thảo Cương Mục gọi cây này là Bạch đàn, Đàn hương.

« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hai Gốc Cây


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Kinh Bi Hoa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.168.78 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập