Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 39 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 39

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.41 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.51 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 |
Việt dịch: Thích Thanh Từ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

XXXXIII. PHẨM THIÊN TỬ MÃ HUYẾT (2)
Khi ấy, Tệ ma Ba-tuần sân giận bừng bừng, liền bảo đại tướng Sư Tử rằng:
- "Mau tập họp bốn bộ chúng, đi đánh dẹp Sa-môn. Và phải quan sát ông ấy có thế lực gì mà dám chiến đấu với ta?".
Khi ấy, Ta lại suy nghĩ: "Giao chiến với người thường còn không thể im lặng huống gì với người hào quý của cõi dục. Cũng nên tranh đua với y ít nhiều".
Này Tỳ-kheo! Lúc ấy Ta mặc giáp nhân từ, tay cầm cung chánh định, tên trí tuệ, đợi binh chúng kia. Khi đó tệ ma, đại tướng và binh chúng có đến mười tám ức, mặt mày mỗi mỗi khác nhau, vượn, khỉ, sư tử đến chỗ Ta. Binh chúng La-sát hoặc một thân có ngàn đầu; hoặc mấy mươi thân chung một đầu; hoặc hai vai ba cổ, ngay tim có miệng; hoặc một tay, hoặc hai tay, hoặc bốn tay; hoặc hai tay vác đầu, miệng ngậm thây rắn; hoặc trên đầu bốc lửa, miệng phun lửa; hoặc hai tay banh miệng muốn ngoạm đằng trước; hoặc phanh bụng đi tới, tay cầm đao kiếm, mang vác mâu giáo; hoặc cầm chày cối; hoặc vác túi gánh đá, vách cây lớn; hoặc hai chân ở trên, đầu ở dưới; hoặc cỡi voi, sư tử, hồ lang, độc trùng; hoặc đi bộ đến, hoặc bay trên không.
Khi ấy, tệ ma đem bao nhiêu binh chủng ấy vây quanh cội đạo thọ. Ma Ba-tuần đứng bên trái Ta, nói với Ta:
- "Sa-môn đứng lên mau".
Tỳ-kheo! Khi ấy, Ta im lặng không trả lời. Như thế đến ba phen, Ma bèn nói với Ta:
- "Sa-môn sợ ta chăng?".
Ta bảo:
- "Nay Ta nhiếp tâm không chút kinh sợ".
Ma Ba-tuần nói:
- "Sa-môn! Có thấy bốn bộ binh chúng của ta chăng? Còn Ông một thân, không có khí giới gậy gộc, binh đao, đầu trọc, thân trơ, chỉ mặc ba y, lại nói: "Ta không sợ".
Bấy giờ, Ta hướng về Ba-tuần, nói kệ:
Giáp nhân, cung chánh định,
Tay cầm tên trí tuệ
Phước nghiệp là binh chúng
Nay sẽ hại quân ngươi.
Ma Ba-tuần lại nói với Ta:
- "Ta có nhiều việc ích lợi cho Sa-môn, nếu không nghe lời ta, bấy giờ sẽ đốt Ông ra tro, tiêu diệt thân hình. Lại, Sa-môn dung mạo đoan chánh, tuổi trẻ tươi đẹp, xuất phát từ dòng Xá-lợi, Chuyển Luân vương. Mau rời khỏi chỗ này, tập theo ngũ dục. Ta sẽ đem đến cho Ông, để Ông làm Chuyển luân Thánh vương"
Ta trả lời Ba-tuần:
- "Những lời Ngươi nói, đều là vô thường biến đổi không dừng lâu, cũng phải xả ly, chẳng phải điều Ta ưa thích".
Ma-tuần lại nói với Ta:
-"Sa-môn! Hôm nay muốn điều gì? Chí nguyện việc gì? "
Ta đáp:
- "Ðiều Ta nguyện là nơi không lo sợ, an ổn tịnh tịch trong thành Niết-bàn, dẫn dắt các chúng sanh trôi nổi trong sanh tử, chìm đắm khổ não được đến con đường chánh".
-"Nếu như Sa-môn không mau mau đứng lên khỏi tòa, ta sẽ nắm chân Ông ném xuống biển".
Ta đáp Ba-tuần rằng:
- Ta tự quan sát trong cõi trời, Người, dù cho Ma hay Thiên ma, Nhơn, Phi nhơn và cả ba binh chúng của Ngươi, không thể khiến Ta động một mảy may lông.
Ma bảo:
- "Sa-môn! Ngaỳ nay muốn chiến đấu với Ta chăng?"
Ta đáp:
- "Muốn cùng giao chiến".
Ma hỏi:
- "Ông ghét điều gì?"
Ta đáp:
- "Những điều kiêu mạn, như tăng thượng mạn, tự mạn, tà mạn, mạn trung mạn".
Ma nói với Ta:
- "Ông dùng nghĩa gì để diệt các mạn đó?"
Ta đáp:
- "Ba-tuần nên biết! Có nhân Từ tam-muội, Bi tam-muội, Hỷ tam-muội, Hộ tam-muôi, Không tam-muội, Vô nguyện tam-muội, Vô tướng tam-muội. Do Từ tam-muội được Bi tam-muội, do Bi tam-muội được Hỷ tam-muội, do Hỷ tam-muội được Hộ (Xả) tam-muội, do Không tam-muội được Vô nguyện tam-muội, do Vô nguyện tam-muội được Vô tướng tam-muội. Do sức của tam-muội này chiến đấu với ngươi. Hành tận ắt khổ tận, khổ tận ắt kết tận, kết tận ắt đế Niết-bàn".
Ma nói:
- Sa-môn! Có thể dùng pháp diệt pháp chăng?"
Ta đáp:
- "Có thể dùng pháp diệt pháp".
Ma hỏi Ta:
- "Thế nào là dùng pháp diệt pháp?"
Khi ấy Ta bảo:
- "Dùng chánh kiến diệt tà kiến, dùng tà kiến diệt chánh kiến. Chánh tư duy diệt tà tư duy, tà tư duy diệt chánh tư duy. Chánh ngữ diệt tà ngữ, tà ngữ diệt chánh ngữ. Chánh nghiệp diệt tà nghiệp, tà nghiệp diệt chánh nghiệp. Chánh mạn diệt tà mạn, tà mạn diệt chánh mạn. Chánh phương tiện diệt tà phương tiện, tà phương tiện diệt chánh phương tiện. Chánh niệm diệt tà niệm. tà niệm diệt chánh niệm. Chánh định diệt tà định, tà định diệt chánh định".
Ma nói:
- "Sa-môn! Hôm nay tuy có những lời như vậy. Ở chỗ này khó khắc phục. Ông mau đứng dậy, đừng để ta nắm chân ném ra biển".
Ta lại bảo Ba-tuần:
- "Ngươi tạo phước chỉ một phen, nay được làm Ma vương cõi dục. Xưa kia Ta tạo công đức không thể tính kể. Lời của Ngươi hôm nay mới thật khó làm".
Ba-tuần đáp:
-"Phước đã làm chỉ Ông chứng biết. Ông tự xưng tạo vô số phước, ai có thể chứng tri cho Ông?"
- Tỳ-kheo! Lúc ấy Ta duỗi tay mặt, chỉ xuống đất, bảo với Ba-tuần: "Công đức Ta đã tạo địa thần chứng biết".
Ta đang nói lời này, địa thần từ đất vọt lên, chắp tay bạch:
- "Bạch Thế Tôn! Con đang chứng biết".
Ðịa thần nói xong, Ba-tuần lo buồn khổ não, liền lui không hiện.
Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, pháp còn phải diệt huống hồ là phi pháp. Ðã từ lâu, Ta vì các Thầy nói kinh Nhất Giác Dụ, không ghi lại văn tự, huống giải thích ý nghĩa. Vì sao? Pháp này sâu xa huyền diệu, các bậc Thanh văn, Bích chi Phật tu pháp này được công đức lớn, được cam lồ, đến chỗ vô vi.
Thế nào tên là Dụ Nương Thuyền? Nghĩa là y nơi mạn diệt mạn, mạn đã diệt tận, lại không còn những niệm tưởng não loạn. Cũng như da con chồn được thuộc kỹ, lấy tay cuộn lại, không nghe tiếng sột soạt, không có chỗ cứng cộm, đây cũng như thế, Như Tỳ-kheo chấm dứt kiêu mạn, không có tăng giảm. Cho nên Ta bảo các Thầy rằng: "giả sử bị giặc giam cầm, chớ khởi tâm ác, nên đem lòng từ ban khắp nơi, cũng như da kia rất mềm mại, bèn được chỗ vô vi lâu dài".
Như thế, Tỳ-kheo! Nên khởi niệm như thế.
Ngay khi thuyết pháp này, có ba ngàn Thiên tử ngay tại chỗ ngồi các trần cấu sạch hết, được phép nhãn tịnh. Còn sáu mươi Tỳ-kheo khác, lậu tận ý giải, được phép nhãn tịnh.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại nước Ma-kiệt, bên bờ sông Hằng cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Cũng như người chăn bò nước Ma-kiệt ngu si, kém trí tuệ, muốn đưa bò từ bờ sông Hằng bên này sang bờ bên kia. Người ấy không xem xét bờ bên này, bờ bên kia, chỗ cạn chỗ sâu, liền đuổi bò xuống nước. Trước tiên người ấy đưa sang những con bò ốm yếu, bò con còn nhỏ, chúng ở giữa dòng nước, rất là gầy yếu, không thể qua tới bờ bên kia. Kế đó, người ấy đưa sang những con bò trung bình, không mập không ốm, cũng không qua được bờ, ở giữa dòng nước chịu khổ não, Kế đến, người ấy đưa sang những con bò rất mạnh, cũng ở giữa dòng nước bị khốn ách.
Nay, các Tỳ-kheo trong chúng của Ta cũng lại như thế. Tâm ý ám độn không có trí sáng suốt, không phân biệt được con đường sanh tử, không phân biệt được câu, thuyền của ma; ý muốn qua dòng sanh tử mà không tập tu theo pháp cấm giới thì liền bị Ba-tuần chiếm phần tiện lợi; theo con đường tà tìm cầu Niết-bàn, mong được diệt độ, trọn không đạt kết quả; tự tạo tội nghiệp, lại làm người khác chìm trong tội.
Cũng như người chăn bò nước Ma-kiệt thông trí tuệ, nhiều trí muốn đưa bò từ bờ này sang bờ kia. Trước hết, người ấy xem xét chỗ cạn sâu, đưa những con bò rất mạnh sang bờ bên kia trước; kế đến đưa những con bò trung bình không mập không ốm, cũng được sang đến bờ kia; kế đến đưa những con bò rất yếu cũng được sang không khác những con trước. Bò con đi theo sau, mà đến bờ an ổn.
Này các Ty-kheo, Như Lai cũng lại như thế, khéo quán sát đời này đời sau, quán sát biển sanh tử, con đường của Ma. Tự đem Bát chánh đạo để vượt qua nạn sanh tử, lại dùng đạo này để độ người chưa được độ.
Cũng như con bò dẫn đầu, một con đi đúng đường, những con kia thảy đều theo. Ðệ tử của Ta cũng như vậy , dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, trong pháp hiện lại tự thân chứng ngộ, mà tự du hóa, vượt qua cảnh giới Ma đến chỗ vô vi.
Cũng như những con bò có sức mạnh lội qua sông Hằng sang bờ bên kia. Hàng Thanh văn của Ta cũng lại như thế, đoạn đứt năm hạ phần kết sử thành A-na-hàm, ngay đời này nhập Niết-bàn không trở lại cõi này, vượt qua cảnh giới Ma đến chỗ vô vi.
Như những con bò trung bình không mập, không ốm qua được sông Hằng không gặp khó khăn. Ðệ tử của Ta cũng lại như thế, đoạn dứt ba kết sử, dâm, nộ, si mỏng nhẹ thành Tư-đà-hàm, trở lại cõi này một lần, dứt sạch mé khổ, dứt cảnh giới Ma đến chỗ vô vi.
Như những con bò yếu đưa các bò con qua được sông Hằng. Ðệ tử của Ta cũng lại như thế, đoạn dứt ba kết sử thành Tu-đà-hoàn đến chỗ được độ, vượt qua cảnh giới Ma, vượt qua nạn sanh tử.
Như bò con theo mẹ được qua sông. Ðệ tử của Ta cũng lại như vậy giữ lòng tin, vâng theo chánh pháp, cắt đứt sự trói buộc của Ma, đến chỗ vô vi.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Chỗ được của Ma vương
Không tột mé sanh tử,
Như Lai cứu cánh
Thế gian hiện tuệ sáng
Chỗ giác liễu của Phật
Phạm chí không hiểu rõ
Còn kẹt bên sanh tử
Gồm độ người chưa độ
Nay năm hạng người này
Ngoài ra không thể tính
Muốn vượt nạn sanh tử
Tận sức oai thần Phật.
Cho nên, này Tỳ-kheo, nên chuyên nhất tâm kia, không có hạnh phóng dật, cũng nên tìm phương tiện thành tựu Tám đạo phẩm Hiền Thánh. Nương đạo Hiền Thánh rồi liền có thể tự vượt qua biển sanh tử. Vì sao? Cũng như người ngu chăn bò kia là hàng ngoại đạo Phạm Chí, tự chìm trong dòng sanh tử, lại làm người khác chìm đắm trong tội.
Nước sông Hằng tức là biển sanh tử. Người trí tuệ chăn bò là Như Lai, do Tám đạo phẩm vượt qua nạn sanh tử. Cho nên các Tỳ-kheo nên tìm cách thành tựu bát Thánh đạo. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở thành La-duyệt, trong vười xoài của Kỳ-bà-già, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử câu hội, đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, lục không thanh triệt, chỉ trừ một mình Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, vua A-xà-thế nhằm ngày rằm tháng bảy, vào lúc thọ tuế, nửa đêm trăng sáng xuất hiện, vua bảo phu nhơn Nguyệt Quang:
- Nay là ngày rằm, trăng tròn rất trong sáng, nên làm gì?
Phu nhơn thưa:
- Nay ngày rằm là ngày thuyết giới, nên tổ chức ca hát đàn nhạc, tự vui với ngũ dục.
Vua nghe lời nầy rồi, không hài lòng. Vua lại hỏi Thái tử Ưu-đà -da:
- Ðêm nay trăng sáng nên làm gì?
Thái tử Ưu-đà-da tâu:
- Ðêm nay thật trong sáng, nên tập họp bốn bộ binh chúng, các nước ngoại bang nào không hàng phục, nên kéo sang chinh phạt.
Khi ấy, vua A-xà-thế nghe lời này cũng không vừa ý, lại hỏi thái tử Vô Uý:
- Như đêm nay rất trong sáng, nên làm gì?
Thái tữ Vô Úy thưa:
- Nay có Phạm Chí Bất lan Ca-diếp biết rành các toán số, gồm thông thiên văn địa lý, mọi người đều tôn trọng kính ngưỡng, có thể đến đấy hỏi về chỗ nghi này. Phạm Chí ấy sẽ vì phụ vương, noí lý rất nhiệm mầu, trọn không trở ngại.
Khi vua nghe lời nầy cũng không vừa ý. Lại hỏi đại thần Tu-ni-ma:
- Như đêm nay rất trong sáng cần phải làm gì?
Tu-ni-ma tâu vua:
- Như đêm nay rất trong sáng, có thầy A-di-chuyên cũng ở gần đây, thầy hiểu biết rộng. Cúi xin đại vương đến hỏi điều nghi.
Vua nghe lời nầy cũng không vừa ý, lại hỏi Bà-la-môn Bà-sa:
- Như đêm nay trong sáng, nên làm gì?
Bà-la-môn-Bà-sa thưa:
- Như đêm nay trăng rằm rất sáng, có thầy Cù-da-lâu ở gần đây, cúi xin đại vương đến hỏi điều này.
Vua nhe lời này cũng không hợp ý, bèn hỏi Phạm chí Ma-dặc:
- Như đêm nay trăng rất sáng, nên làm gì?
Phạm chí thưa:
- Ðại vương nên biết, thầy Bỉ-hưu-ca-diên ở gần đây, cúi xin đại vương đến hỏi ý thầy.
Vua nghe lời nầy cũng không hợp ý, lại hỏi Ðại tướng Sách-ma:
- Như đêm nay trăng sáng, ta nên làm gì?
Sách-ma tâu:
- Thầy Tiên-tất Lư-trì ở gần đây, biết rành các toán thuật, có thể đến đó hỏi ý kiến.
Vua nghe lời này cũng không hợp ý, lại hỏi đại thần Tối Thắng:
- Như nay, đêm rằm rất trong sáng, nên làm gì?
Tối Thắng thưa:
- Nay có thầy Ni-kiền Tử đọc nhiều các kinh sách, bậc tối thương trong các thầy, cúi xin đại vương đến hỏi nghĩa này.
Vua nghe lời nầy cũng không hợp ý, lại nghĩ như vầy: "Những người này đều ngu muội, không phân biệt chơn ngụy, không có phương tiện".
Bấy giờ, Vương tử Kỳ-bà-già đứng hầu bên trái nhà vua. Vua quay nhìn Kỳ-bà-già hỏi:
- Như đêm nay rất trong sáng, nên làm gì?
Kỳ-bà-già bèn đến trước quỳ tâu vua:
- Hôm nay đức Như Lai ở gần đây, đang ngụ trong vườn của thần, cùng với một ngàn hai trăn năm mươi đệ tử, cúi xin đại vương đến hỏi nghĩa này. Bởi vì đức Như Lai là bậc sáng suốt, không có gì không thông suốt, biết việc trong ba đời, thảy đều thấu rõ, tự Ngài sẽ nói việc này với Ðại vương những điều nghi ngờ của Ðại vương sẽ sáng tỏ, tự nhận ra.
Khi ấy, vua A-xà-thế nghe lời Kỳ-bà-già nói xong, vui mừng hớn hở thiện tâm phát sanh, liền khen Kỳ-bà-già rằng:
- Lành thay, lành thay! Vương tử nói lời ấy rất đáng ưa. Vì sao? Nay thân tâm ta rất nóng bức, vì vô cớ giết phụ vương. Lâu nay ta thường suy nghĩ: "Có ai hiểu được tâm ý ta?". Nay những điều khanh vừa nói, chính là trúng ý ta. Rất lạ, rất kỳ! Nghe đến tên Như Lai, ta đột nhiên đại ngộ.
Khi đó vua hướng về Kỳ-bà-già nói kệ:
Ðêm nay rất trong sáng
Tâm ý không được ngộ
Các Ông mỗi người nói
Nên đến hỏi nghĩa ai
Bất lan, A-di-chuyên
Ðệ tử Ni-kiền Phạm
Không nương những thầy ấy
Không thể tế độ ta
Ðêm nay rất trong sáng
Trăng tròn không tỳ vết
Nay hỏi Kỳ-bà-già
Nên đến hỏi nghĩa ai?
Khi ấy, Kỳ-bà-già lại dùng kệ đáp vua:
Nghe âm thanh nhu nhuyến,
Ðược thấu tất cả Ma-kiệt
Xin đúng thời đến Phật
Chỗ vĩnh viễn không sợ
Vua lại dùng kệ nói:
Việc làm xưa của Ta
Với Phật không lợi ích
Hại Phật tử của Ngài,
Tên là Tần-ba-sa
Nay rất là hổ thẹn
Không dám gặp Thế tôn,
Vì sao nay Ông bảo
Khiến ta đến gặp Ngài.
Kỳ-bà-già lại dùng kệ đáp nhà vua:
Chư Phật không bỉ thử
Các kết đã trừ hết
Tâm bình đẳng không hai
Ðấy là nghĩa Phật pháp
Nếu dùng hương chiên-đàn
Ðể thoa tay bên mặt
Cầm dao chặt tay trái
Tâm không khởi tăng giảm
Như thương con La-vân
Một hơi thở không hai
Tâm ấy đối Đề-bà
Oán, thân không có khác
Cúi xin Ðại vương đi
Ðến gặp đức Như Lai
Sẽ đứt mối nghi ngờ
Không có gì trở ngại.
Khi ấy, vua A-xà-thế bảo vương tử Kỳ-bà-già:
- Ông mau trang nghiêm năm trăm voi đực, năm trăm voi cái, đốt năm trăm cây đèn.
Kỳ-bà-già thưa:
- Thưa vâng, Ðại vương
Vương tử Kỳ-bà-già lập tức trang nghiêm một ngàn con voi và đốt năm trăm cây đèn, đến tâu với vua:
- Xa giá đã xong, Ðại vương biết đúng thời.
Bấy giờ, vua A-xà-thế đem các quần thần đến vườn xoài, giữa đường, nhà vua bỗng ôm lòng kinh sợ, lông áo đều dựng đứng, vua quay nhìn Kỳ-bà-già, và nói:
- Nay ta không bị Ông gạt chăng? Ông không đưa ta đến chỗ oan gia chứ?
Kỳ-bà-già tâu:
- Thật không có chuyện ấy. Cúi xin Ðại vương đi tới chút nữa, Như Lai cách đây không xa.
Nhà vua ý cũng còn kinh sợ, lại bảo Kỳ-bà-già:
- Chẳng lẽ ta bị người gạt? Ðã nghe nói Như Lai có đem theo một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử, mà nay không nghe tiếng động gì?
Kỳ-bà-già thưa:
- Ðệ tử của Phật thường nhập định, không có loạn tưởng. Ðại vương hãy đi thêm chút nữa.
Khi ấy, vua A-xà-thế liền xuống xe, đi bộ vào cửa, đến trước giảng đường đứng im lặng quan sát Thánh chúng, rồi quay lại hỏi Kỳ-bà-già:
- Ðức Như Lai hiện giờ ở chỗ nào?
Bấy giờ tất cả Thánh chúng đều nhập Hoa quang tam-muội, chiếu sáng cả giảng đường không chỗ nào không khắp. Kỳ-bà-già, đưa tay mặt chỉ về Đức Phật nói:
- Ðây là Như Lai ngồi tại chính giữa, như mặt trời vẹt mây.
Vua A-xà-thế bảo Kỳ-bà-già
- Thật kỳ lạ! Thật đặc biệt! Nay Thánh chúng này tâm định như thế, lại do nhân duyên gì có ánh sáng này?
Kỳ-bà-già tâu:
- Do sức tam-muội phóng lên ánh sáng
Vua lại bảo:
Như nay ta quan sát Thánh chúng rất là yên lặng, mong cho thái tử Ưu-đà-da của ta cũng được yên lặng vô vi như thế.
Vua A-xà-thế chắp tay, tự xưng nói:
- Cúi xin Thế Tôn cho con được gặp.
Ðức Phật bảo:
- Ðại vương hãy đến đây.
Vua nghe tiếng của Như Lai, lòng rất vui mừng. Ðức Phật thấy nhà vua bèn gọi vương hiệu. Khi đó, vua A-xà-thế liền đến chỗ Phật, năm vóc gieo sát đất, đưa hai tay chạm chân Phật và tự nói:
- Cúi xin Thế Tôn rũ lòng từ mẫn nhận sự hối quá của con. Phụ vương vô tội mà đem giết hại. Cúi xin nhận lòng ăn năn, sau không tái phạm, tự sửa đổi lỗi trước, sửa tâm về sau.
Ðức Phật bảo:
- Nay chính phải thời, đúng lúc cải hối, đừng để mất cơ hội. Người đời có lỗi tự mình sửa đổi, đó gọi là thượng nhơn. Ở trong pháp Ta rất là quảng đại, đúng thời sám hối.
Khi ấy, nhà vua lễ chân Phật xong, lui ngồi một bên. Vua bạch Phật:
Con có một việc muốn hỏi, Thế Tôn cho phép mới dám hỏi.
Phật bảo:
- Có nghi nan, hợp thời cứ hỏi.
Vua bạch Phật:
- Ðời này tạo phước, được thọ báo hiện đời chăng?
Phật bảo nhả vua:
- Từ xưa đến nay, Ðại vương từng đem điều này hỏi người nào chăng?
Vua bạch Phật:
- Xưa con từng đem điều này hỏi những người khác. Con cũng từng hỏi thầy Bất-lan Ca-diếp: "Thế nào, thưa thầy Bất-lan Ca-diếp, đời này làm phước được thọ báo hiện đời chăng?". Bất lan Ca-diếp đáp rằng: "Không phước, không bố thí, không có quả báo thiện ác đời này đời sau,. Ðời không có những người thành tựu quả A-la-hán". Ðang khi con hỏi về sự thọ nhận quả báo, thầy ấy trả lời không. Ví như có người hỏi dưa, đem mận đáp, nay thầy Ca-diếp này cũng như vậy. Khi ấy, con suy nghĩ: "Thầy Phạm chí nầy không giải được nghĩa của bậc hào tộc dòng vua chúa hỏi. Người nầy tìm cách dẫn giải chuyện khác để trả lời". Thưa Thế Tôn, con muốn chặt đầu thầy ấy, liền không chấp nhận lời nói ấy mà bỏ đi.
Khi ấy, con lại đến chỗ Phạm chí A-di-chuyên mà hỏi nghĩa này, A-di-chuyên đáp:"Nếu ở bờ sông bên trái giết hại chúng sanh, tạo tội vô lượng, cũng không có tội, cũng không có quả ác". Thế Tôn! Lúc ấy con lại nghĩ: "Ta hỏi về nghĩa thọ báo hiện đời, người này đem chuyện sát hại trả lời ta, cũng người hỏi lê dùng nghĩa mận đáp". Con liền bỏ đi.
Con lại đến chỗ Phạm chí Cù-da-lâu hỏi nghĩa này. Ông ấy đáp: "Ở bờ sông bên mặt làm các công đức không thể tính kể, trong đó cũng không có quả báo lành". Bấy giờ, con lại nghĩ: "Nay điều ta hỏi rốt cuộc không trả lời về lý ấy". Con lại bỏ đi.
Con lại đến chỗ Phạm chí Bỉ-hưu Ca-diên hỏi về nghĩa này. Ông ấy đáp: "Chỉ có một người ra đời, một người sanh tử, một người qua lại chịu khổ vui ấy". Khi ấy, con lại nghĩ: "Nay ta hỏi về quả báo hiện đời, mà đem chuyện sanh tử đến đáp". Con lại bỏ đi.
Con đến chỗ thầy Phạm chí Tiên-tỷ Lư-trì hỏi nghĩa này. Ông ấy đáp: "Ðời quá khứ đã diệt không tái sanh lại. Tương lai chưa đến cũng lại không có, hiện tại chẳng dừng trụ, dừng trụ tức biến đổi". Khi ấy, con lại nghĩ: "Nay ta hỏi về quả báo hiện đời, mà đem chuyện ba đời để đáp, đây không phải chánh lý". Con liền bỏ đi.
Con đến chỗ Phạm chí Ni-kiền Tử hỏi nghĩa này: "Thế nào, Ni-kiền Tử, đời này làm phước có được quả báo hiện đời chăng?" Ông ấy đáp: "Không nhân duyên chúng sanh trói buộc, cũng không nhân, cũng không duyên chúng sanh thanh tịnh. Khi ấy con lại nghĩ: "Những Phạm chí này là ngu si, không phân biệt chơn ngụy, như người mù không mắt, không trả lời được nghĩa ta đã hỏi, như đùa cợt với dòng dõi vua Chuyển luân". Con liền bỏ đi.
- Thế Tôn! Nay con xin hỏi về nghĩa ấy: Ðời này tạo phước, hiện đời có thọ báo chăng? Cúi xin Thế Tôn giảng rộng nghĩa nầy.
Bấy giờ, Đức Phật bảo:
- Ðại vương! Nay Ta hỏi nghĩa Ðại vương, tùy theo chỗ ưu thích mà trả lời. Ðại vương có đem sách vở, rượu ngon, nhà cửa và quan chức để ban thưởng cho kẻ tôi tớ hầu cận chăng?
Vua bạch Phật:
- Thưa có.
Phật bảo:
- Nếu như người tôi tớ ấy làm việc nhọc nhằn qua thời gian lâu, lại có ban thưởng cho họ chăng?
Vua bạch Phật:
- Tùy theo công lao, ban cấp cho đồ vật dùng, không để có sự oán trách.
Phật bảo nhà vua:
- Do phương tiện này mà biết rằng đời này làm phước được thọ báo hiện tại. Thế nào Ðại vương, người đó ở địa vị cao, lại chu đáo với dân, lễ độ, có ban thưởng chăng?
Vua thưa:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Cho ăn chung món ngon với con, không để cho oán giận.
Phật bảo nhà vua:
- Do phương tiện này nên biết xưa kia xuất thân rất thấp, dần dần có nhiều công lao, đồng hưởng thú vui với vua; do điều này nên hiện đời làm phước, được thọ báo hiện đời.
Phật bảo nhà vua:
- Người có công lao ấy, trải qua nhiều năm đến tâu với vua rằng: "Hạ thần đã lập công lao, bệ hạ biết rõ". Người ấy muốn xin Ðại vương được toại nguyện, Ðaị vương có cho phép chăng?
Vua bạch Phật:
- Tùy theo sở nguyện của người ấy, không trái.
Phật bảo:
- Người có công lao ấy muốn được từ tạ Ðại vương, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, tu hành thanh tịnh, vua có cho phép không?
Vua bạch Phật:
- Thưa vâng, cho phép.
Phật bảo vua:
- Giả sử nhà vua thấy người ấy cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo ở bên cạnh Ta, nhà vua sẽ làm gì?
Vua bạch Phật:
- Con sẽ giúp đỡ, cúng dường, tùy thời lễ bái.
Phật bảo:
- Do phương tiện này nên biết, hiện đời làm phước thọ hiện báo. Giả sử người có công lao ấy trì giới trọn vẹn, không trái phạm, nhà vua sẽ làm gì?
Vua bạch Phật:
- Suốt đời cung cấp y phục, mền nệm, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh không để thiếu thốn.
Phật bảo nhà vua:
- Do phương tiện này nên biết thân hiện đời làm phước được thọ báo hiện tại. Giả sử người ấy đã làm Sa-môn, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự thân chứng đạo và tự du hóa, sanh tử đã tận, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã xong, không còn thọ thân sau, biết một cách như thật. Vua sẽ làm gì?
Vua bạch Phật:
- Con sẽ suốt đời phụng sự cúng dường y phục, mền nệm, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, không để thiếu.
Phật bảo:
- Do phương tiện này nên biết đời này làm phước được thọ hiện báo. Giả sử người ấy hết tuổi thọ, nơi cảnh giới Vô dư Niết bàn mà diệt độ. Vua sẽ làm gì?
Vua bạch Phật:
- Sẽ xây tháp lớn ở ngã tư đường, dùng hương hoa cúng dường, treo tràng phan bảo cái, phụng sự kính lễ. Vì sao? Người ấy là thân Trời không phải thân Người.
Phật bảo nhà vua:
- Do phương tiện này nên biết đời này làm phước được thọ hiện báo.
Vua bạch Phật:
- Nay con do những ví dụ ấy được hiểu rõ. Hôm nay Thế Tôn nói lại nghĩa ấy. Từ nay về sau con xin tin thọ nghĩa ấy. Cúi xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử, tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo, Tăng. Nay con lại sám hối đã như kẻ ngu si, phụ vương không có lỗi mà đem sát hại. Nay đem thân mạng tự quy . Cúi xin Thế Tôn trừ tội lỗi ấy, diễn nói diệu pháp, được an ổn lâu dài. Như con tự biết đã làm tội báo, không có căn lành.
Phật bảo nhà vua:
- Trên đời có hai hạng người không tội, khi mệnh chung được sanh lên trời như trong khoảng duỗi cánh tay. Thế nào là hai? Một là người không tạo gốc mà tu thiện; hai là người tạo tội mà cải hối việc đã làm. Ðó là hai hạng người khi chết sanh lên trời không trở ngại.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Người làm hạnh rất ác,
Hối lỗi chuyển sang nhẹ
Luôn hối không lười nghỉ
Gốc tội đã nhổ sạch.
Cho nên, này Ðại vương, nên dùng pháp trị dân, chớ dùng phi pháp trị hóa, khi thân hoại mang chung sẽ được sanh lên cõi lành. Người ấy đã mạng chung mà danh tiếng đồn khắp mọi nơi, lan cả bốn phương. Người đời sau ca tụng rằng: "Xưa kia có vị vua dùng Chánh pháp trị hóa, không có cong vạy". Mọi người đều truyền tụng xưng tán nơi vị vua ấy sanh ra. Nhà vua sẽ tăng tuổi thọ, không chết yểu. Cho nên, này Ðại vương, nên phát tâm hoan hỷ hướng về ngôi báu Phật, Pháp, Thánh chúng. Như thế, Ðại vương, nên học điều này!
Bấy giờ, vua A-xà-thế liền từ chỗ ngồi đứng dạy, cúi đầu lễ chân Phật, cáo từ lui ra. Vua đi không xa, Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nay vua A-xà-thế, nếu không giết phụ vương, sẽ được chứng sơ quả của bậc Sa-môn, đứng vào hàng bốn đôi tám bậc. Cũng được Tám đạo phẩm Hiền Thánh, trừ bỏ tám ái, vượt qua tám nạn. Tuy vậy, ngày nay cũng được hạnh phúc lớn, được lòng tin vô căn. Thế nên Tỳ-kheo, người làm tội, nên tìm phương tiện thành tựu lòng tin vô căn. Trong hàng đệ tử Ưu-bà-tắc của Ta, người được lòng tin vô căn là A-xà-thế vậy.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại Xá vệ, rừng Kỳ đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở đời có tám việc, chúng sanh xoay chuyển theo đó. Thế nào là tám? Một là lợi, hai là suy, ba là hủy, bốn là dự, năm là xưng, sáu là cơ, bảy là khổ, tám là lạc.
Như thế, này Tỳ-kheo, tám việc này tùy theo đời xoay chuyển. Này các Tỳ-kheo, nên tìm phương tiện trừ tám việc này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Như Lai xuất hiện ở thế gian, lại nơi thế giới này thành Phật đạo, song không đắm trước nơi tám việc của thế gian, mà còn điều phục nó. Cũng như hoa sen phát sanh từ bùn, rất là tươi đẹp thanh khiết không dính nước đục, là vật được chư Thiên yêu kính, thấy rồi tâm vui thích; Như Lai cũng lại như thế, do bào thai sanh ra, trong ấy trưởng dưỡng được thành thân Phật. Cũng như ngọc lưu ly, trân bảo tịnh thủy, không bị bụi trần làm nhiễm; Như Lai cũng lại như thế, cũng sanh nơi thế gian không bị tám việc của thế gian làm nhiễm trước.
Cho nên, các Tỳ-kheo nên siêng năng tấn tu hành tám pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này.
Bấy giờ, các Tỳ- kheo nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có tám hạng người lưu chuyển trong sanh tử mà không trụ sanh tử. Thế nào là tám? Hạng người hướng về Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn, hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc A-la-hán.
Các Tỳ kheo! Ðó là tám hạng người lưu chuyển trong sanh tử mà không trụ sanh tử.
Cho nên, các Tỳ-kheo nên tìm phương tiện vượt qua nạn sanh tử, chớ trụ trong sanh tử. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng lời làm.
Mã huyết, trai, Nan-đà
Ðề-bà-đạt, thuyền bè
Chăn bò, tín vô căn
Thế pháp, thiện tám người.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Pháp bảo Đàn kinh


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Về mái chùa xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.211.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập