Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
XXXXIII. PHẨM THIÊN TỬ MÃ HUYẾT HỎI BÁT CHÁNH (1)
1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Thiên tử Mã huyết vào lúc không người, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân, lui ngồi một bên.
Bấy giờ, Thiên tử bạch Phật:
- Vừa rồi con khởi ý niệm này: "Ði bộ trên đất này có thể đến tận cùng thế giới này chăng?" Nay con hỏi Thế Tôn, có thể đi cùng thế giới chăng?
Phật bảo:
- Nay Ông do nghĩa lý gì mà hỏi điều này?
Thiêu tử bạch Phật:
- Trước kia, một hôm con đến chỗ Phạm thiên Bà-già. Khi ấy, Phạm thiên từ xa thấy con đến, nói với con rằng: "Khéo đến đây, Thiên tử Mã huyết! Chỗ này là cảnh giới vô vi, không sanh, không già, không bệnh, không chết, không kết cuộc, không khởi đầu, cũng không buồn lo khổ não".
Lúc âý con lại khởi nghĩ rằng: "Ðây là đạo Niết-bàn ư? Vì sao? Trong Niết-bàn không có sanh, già, bệnh, chết, buồn lo khổ não. Ðây là bờ mé tột cùng của thế giới ư. Nếu là bờ mé tột cùng của thế giới, thế là thế gian có thể đi suốt hết ư?"
Thế Tôn bảo:
- Nay thần túc của Ông thuộc loại nào?
Thiên tử bạch Phật:
- Cũng như lực sĩ giỏi bắn cung, tên bay không trở ngại. Hiện nay thần túc của con, đức ấy như thế không bị ngăn ngại.
Thế Tôn bảo:
- Nay Ta hỏi Ông, tùy chỗ ưa thích trả lời. Như có bốn thanh niên giỏi bắn cung, bốn người hướng về bốn phía bắn. Giả sử có người đến, muốn bắt hết mũi tên của bốn phía, không cho rơi xuống đất. Thế nào, Thiên tử ? Người này có rất nhanh nhẹn chăng mới có thể khiến tên không rơi xuống đất?
Thiên tử nên biết! Trên cung điện Nhật Nguyệt có vị Thiên tử đi bước nhanh đi lại, tới dừng vượt hơn sức nhanh của người kia. Song cung điện Nhật Nguyệt đi nhanh như vậy, so với sức nhanh của người kia cùng sức nhanh của Thiên tử cung Nhật Nguyệt, không bằng sức nhanh của Trời Ba mươi ba. Tính sức nhanh của Trời Ba mươi ba không bằng sức nhanh của Trời Ðiện ma. Thần túc của chư Thiên như thế, mỗi mỗi không kịp nhau. Giả sử nay Ông có thần túc như chư Thiên kia, từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến trăm kiếp, còn không thể cùng tận thế giới. Vì sao? Phương vực của cõi đất không thể tính kể.
Thiên tử nên biết! Thời quá khứ lâu xa, Ta từng làm Tiên nhơn tên Mã Huyết, cùng tên với Ông. Ta đã chấm dứt dục ái, bay trong hư không không ngăn ngại. Bấy giờ thần túc của Ta khác hơn người, trong khoảng khảy móng tay có thể bắt mũi tên của bốn phía không để rơi xuống. Khi ấy, Ta do có thần túc bèn khởi ý nghĩ nầy: "Nay Ta có thể dùng thần túc này để đi cùng tận bở mé của cõi đất chăng? Ta liền đi khắp thế giới mà không thể cùng tận phương vức ấy. Sau khi mạng chung. Ta tấn đức tu nghiệp, thành Phật đạo, ngồi dưới cội cây, đoan tọa tư duy về những việc làm đã qua. Vốn là Tiên nhơn, ta dùng thần đức này còn không cùng tận phương vức kia, phải dùng thần lực nào mới rốt ráo bờ mé ấy?
Ta lại nghĩ thế này: "Cần phải nương Tám đạo phẩm của Hiền Thánh, sau đó mới cùng tận bờ mé sanh tử". Thế nào gọi là nương Tám đạo phẩm của Hiền Thánh? Ðó là chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Này Thiên tử! Nên biết tên tám đạo phẩm của Hiền Thánh này mới cùng tận được bờ mé thế giới. Hằng sa chư Phật quá khứ cùng tận được thế giới, đã tận dụng Tám đạo phẩm của Hiền Thánh này mà tột cùng thế giới.
Giả sử vị lai các Đức Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời thì chư vị cùng sẽ dùng Tám đạo phẩm của Hiền Thánh này mà được tận cùng bờ mé.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Phàm phu khởi ý niệm
Trong đó khởi mê hoặc
Không phân biệt pháp chánh
Lưu chuyển trong năm đường
Tám phẩm của Hiền Thánh
Dùng đây làm thuyền bè
Chỗ hành của chư Phật
Mà tột mé thế giới
Giả sử Phật đương lai
Như Phật Di-lặc thảy
Cũng dùng Tám đạo chủng
Ðược tận thế giới này
Cho nên người có trí
Tu đạo Hiền Thánh này,
Ngày đêm tập làm theo
Liền đến chỗ vô vi.
Lúc ấy, Thiên tử Mã Huyết nghe Phật nói Tám đạo phẩm của Hiền Thánh, liền ngay chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ, Thiên tử liền cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh Phật ba vòng rồi lui ra. Lúc ấy, Thiên tử kia cũng ngày đó đem các thứ hoa đẹp rải trên Như Lai, liền nói kệ:
Lưu chuyển sanh tử lâu,
Muốn đi hết thế giới
Tám đạo phẩm Hiền Thánh
Không biết cũng không thấy
Nay Ta cho thấy đế
Lại nghe Tám đạo phẩm
Liền được tận bờ mé
Chỗ chư Phật đã đến.
Bấy giờ, Đức Phật chấp nhận lời của Thiên tử ấy. Thiên tử thấy Phật đã chấp nhận, liền lễ chân Phật lui ra.
Bấy giờ, Thiên tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói về pháp Bát quan trai Hiền Thánh, các Thầy khéo suy nghĩ ghi nhớ, tùy hỷ vâng làm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào gọi là pháp Bát quan trai? Một là không sát sanh. Hai là không trộm cắp. Ba là không tà dâm. Bốn là không vọng ngữ. Năm là không uống rượu. Sáu là không ăn phi thời. Bảy là không nằm giường cao rộng. Tám là xa lìa hát xướng, hương hoa thoa thân.
Này Tỳ-kheo! Ðó là pháp Bát quan trai Hiền Thánh.
Khi ấy, Ưu-ba-ly bạch Phật:
- Làm thế nào tu hành pháp Bát quan trai?
Ðức Phật bảo:
- Ở đây này Ưu-ba-ly! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn vào các ngày mùng tám, mười bốn, rằm, đến chỗ các Sa-môn, hoặc Tỳ-kheo trưởng lão, tự xưng tên, từ sáng đến chiều, như A-la-hán, giữ tâm không thay đổi, không lay động, không dùng dao gậy với quần sanh, lòng từ khắp tất cả. "Nay ta thọ trai pháp, không phạm một điều, không khởi tâm sát, tập theo lời dạy của bậc chân nhân, không trộm, không dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không ăn phi thời, không nằm giường cao rộng, không tập hát xướng đánh đàn, hoa hương xoa thân".
Nếu người có trí tuệ, nên nói như thế; nếu người không trí tuệ, nên dạy họ như thế.
Lại, Tỳ-kheo kia nên chỉ dạy cặn kẽ, đừng để mất, cũng chớ vượt thứ lớp. Lại nên dạy họ phát thệ nguyện.
Ưu-ba-ly bạch Phật:
- Nên phát nguyện thế nào?
Phật bảo:
- Người kia phát nguyện rằng: "Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không rơi vào chỗ bát nạn, không ở biên địa, không rơi chỗ hung ác, không theo ác tri thức; thờ phụng cha mẹ, chuyên chánh không tập tà kiến, sanh vào trung tâm của quốc gia, nghe pháp lành này, phân biệt suy nghĩ, thành tựu từng pháp; đem công đức giữ gìn trai pháp này, nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sanh; đem công đức này bố thí người ấy, khiến thành đạo Vô thượng Chánh chơn; đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa khiến không thối chuyển nửa chừng".
Lại nữa, pháp Bát quan trai này được dùng để học Phật đạo, Bích-chi Phật đạo, A-la-hán đạo. Người học Chánh Pháp trên thế giới cũng tập nghĩa này. Giả sử đời vị lai, khi Đức Phật Di-lặc xuất hiện, bậc Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác, ai gặp hội của Ngài khiến đúng thời được độ.
Thời Đức Phật Di-lặc ra đời, Thanh văn có ba hội. Hội thứ nhất có chín mươi sáu ức chúng Tỳ-kheo, hội thứ hai có chín mươi bốn ức chúng Tỳ-kheo, hội thứ ba có chín mươi hai ức chúng Tỳ-kheo, đều là bậc A-la-hán các lậu đã hết. Vua nước ấy và bậc thầy giáo thọ của quốc gia cũng sẽ dạy những lời như thế, không thể thiếu sót.
Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật:
- Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia, tuy giữ pháp Bát quan trai, trong ấy không phát thệ nguyện, có được công đức lớn chăng?
Ðức Phật bảo:
- Tuy được phước, phước ấy không đủ. Vì sao? Nay Ta sẽ nói.
Thời quá khứ có vua tên Bảo Nhạc, dùng pháp trị dân không cong vạy, thống lãnh cảnh giới Diêm-phù-đề này. Bấy giờ có Đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai, Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian. Nhà vua có người con gái tên là Mâu-ni, dung mạo rất đặc biệt thù thắng, sắc mặt như hoa đào, đều do đời trước cúng dường chư Phật mà được như vậy.
Bấy giờ, Đức Phật kia cũng có ba hội Thanh văn. Hội ban đầu có một ức sáu vạn tám ngàn chúng. Hội thứ hai có một ức sáu vạn chúng. Hội thứ ba có một ức ba vạn chúng. Ðều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết. Lúc ấy, Đức Phật kia vì các đệ tử thuyết pháp như thế này:
- "Các Tỳ-kheo! Nên nhớ tọa Thiền, chớ giải đãi, lại cần tìm phương tiện tụng tập kinh giới".
Vị thị giả của Đức Phật tên Mãn Nguện, đa văn đệ nhất, như Tỳ-kheo A-nan của Ta ngày nay đa văn hơn hết. Khi ấy, Tỳ-kheo Mãn Nguyện, bạch Đức Phật Bảo Tạng:
- "Có các Tỳ-kheo các căn chậm chạp, u tối, cũng không tinh tấn đối với pháp Thiền định, cũng không tụng tập. Hôm nay Thế Tôn sẽ xếp những người như thế vào nhóm nào ?"
Ðức Phật Bảo Tạng dạy:
- "Nếu như có Tỳ-kheo các căn ám độn, không kham thực hành pháp Thiền, nên tu về ba pháp nghiệp của bậc Thượng nhân. Thế nào là ba? Là tọa Thiền, tụng kinh, siêng năng giúp đỡ việc chúng".
Như thế, Đức Phật kia vì các đệ tử nói pháp vi diệu như thế. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo trưỏng lão cũng không kham tu hành pháp Thiền. Tỳ-kheo kia bèn nghĩ rằng: "Nay ta tuổi già yếu, không thể tu pháp Thiền, nay ta nên tìm cách làm theo pháp siêng năng giúp đỡ". Khi ấy, Tỳ-kheo trưởng lão kia đi vào thành Dã Mã, xin dầu thắp đèn về cúng dường Đức Phật Bảo Tạng, khiến cho ánh sáng không dứt. Công chúa Mâu-ni thấy Tỳ-kheo trưởng lão này đi xin trên các đường phố, liền hỏi:
- "Thầy Tỳ-kheo! Hôm nay Thầy cần gì?"
Tỳ-kheo đáp:
- "Công chúa nên biết ! Tôi tuổi đã già, không kham tu hành pháp Thiền, nên đi xin các loại dầu để cúng dường Phật, tiếp tục ánh sáng của bậc Tôn quý.
Khi ấy, công chúa nghe danh hiệu Phật, vui mừng phấn khởi không thể dừng, liền thưa với Tỳ-kheo trưởng lão:
- Tỳ-kheo ! Nay Thầy đừng đi xin các nơi khác, tôi sẽ tự cung cấp các loại dầu đèn, thảy đều bố thí đủ hết.
Tỳ-kheo trưởng lão nhận sự bố thí của công chúa, mỗi sáng đến lấy dầu cúng dường Đức Phật Bảo Tạng. Thầy nguyện đem công đức phước nghiệp này, hồi hướng về đạo Vô thượng Chánh chơn. Miệng tự nói rằng: "Tuổi đã già lại căn tánh chậm, không có trí tuệ thực hành được pháp Thiền, đem công đức này, nơi sanh ra không rơi vào đường ác, khiến đời tương lai được gặp đấng Thế Tôn như Đức Phật Bảo Tạng hiện nay không khác. Cũng được gặp Thánh chúng như Thánh chúng hiện nay không khác, nói pháp cũng như hiện nay không khác".
Khi ấy, Đức Phật Bảo Tạng biết ý niệm trong tâm thầy Tỳ-kheo kia, liền mỉm cười, trong miệng phát ra hào quang năm sắc mà bảo rằng:
- "Này Tỳ-kheo ! Qua vô số kiếp đời vị lai, Thầy sẽ làm Phật hiệu Ðăng Quang Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác."
Khi ấy, Tỳ-kheo trưởng lão vui mừng hớn hở không thể tự kềm, thâm tâm vững chắc, ý không thối chuyện, nhan sắc đặc biệt không giống ngày thường. Công chúa Mâu-ni thấy Tỳ-kheo ấy dung mạo đặc biệt hơn ngày thường, liền hỏi:
- "Tỳ kheo ! Hôm nay sắc diện rất là thù diệu, không giống ngày thường, có điều đắc ý? "
Tỳ-kheo đáp:
- "Công chúa nên biết, vừa rồi Như Lai dùng cam lồ rưới lên đảnh tôi."
Công chúa Mâu-ni hỏi:
- "Như Lai dùng cam lồ rưới trên đảnh thế nào?"
Tỳ-kheo đáp:
- "Tôi được đức Như Lai Bảo Tạng thọ ký, nói rằng qua tương lai vô số a-tăng-kỳ kiếp, tôi sẽ làm Phật, hiệu là Ðăng Quang Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác. Thâm Tâm tôi vững chắc, ý không thối chuyển. Như thế, Công chúa, vì tôi được Như Lai thọ ký"
Công chúa hỏi:
- "Ðức Phật không thọ ký cho tôi ư?"
Tỳ-kheo trưởng lão đáp:
- "Tôi cũng không biết có thọ ký cho Công chúa chăng? "
Công chúa nghe thầy Tỳ-kheo nói rồi, liền cỡi xe vũ bảo, đến chỗ Đức Phật Bảo Tạng, cúi đầu lễ chân Phật lui ngồi một bên. Công chúa bạch Phật:
- "Nay con là đàn việt thí chủ, thường cung cấp các thứ dầu cần dùng. Mà nay Thế Tôn thọ ký cho thầy Tỳ-kheo, riêng không thọ ký cho con".
Ðức Phật Bảo Tạng đáp:
- Phát tâm cầu nguyện, phước ấy khó lường, huống gì dùng tài vật bố thí".
Công chúa Mâu-ni thưa:
- "Nếu Như Lai không thọ ký cho con, con sẽ tự đoạn mạng sống của mình".
Ðức Phật Bảo Tạng đáp:
- "Làm thân người nữ, cầu làm Chuyển Luân Thánh vương không được, cầu làm Ðế Thích cũng không được, cầu làm Phạm thiên vương cũng không được, cầu làm Ma vương cũng không được, cầu làm Phật cũng không được".
Công chúa thưa:
- "Nhất định con không thể thành đạo Vô thượng được ư? "
Phật Bảo Tạng đáp:
- "Ðược, Công chúa Mâu-ni được thành đạo Vô thượng Chánh chơn. Song công chúa nên biết, về tương lai qua vô số a-tăng-kỳ-kiếp có Phật ra đời, đó là thiện tri thức của Cô, Đức Phật kia sẽ thọ ký cho Cô"
Khi ấy, công chúa Bạch Phật: - "Người nhận thanh tịnh, còn thí chủ uế trược chăng? "
Phật Bảo Tạng đáp:
- "Những gì Ta nói hôm nay, là tâm ý thanh tịnh, phát nguyện vững chắc".
Công chúa nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh Phật ba vòng rồi lui ra.
Ưu-ba-ly nên biết ! Qua vô số a-tăng-kỳ-kiếp, Phật Ðăng Quang xuất hiện ở đời tại nước lớn tên là Bát-đầu-ma, cùng với chúng Ðại Tỳ-kheo mười sáu vạn tám ngàn người câu hội. Quốc vương và nhân dân nước ấy đều đến kính thờ Phật. Khi ấy, nước kia có vua tên Ðề-bà-diên-na, dùng pháp trị hóa, thống lãnh cõi Diêm phù-đề. Nhà vua thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo đến để cúng dường trai phạn.
Bấy giờ, Đức Phật Ðăng Quang sáng sớm đắp y mang bát, dẫn chúng Tỳ-kheo vào thành. Khi ấy, có một Phạm chí tên Di-lặc, gương mặt đoan chánh, riêng vượt hơn mọi người, như là Phạm Thiên, thông suốt các kinh tạng thảy đều quán triệt, các sách vở, chú thuật, thảy đều rành rẽ, thiên văn, địa lý thảy đều biết rõ. Phạm chí kia xa thấy Phật Ðăng Quang đi đến, dung mạo đặc biệt thù thắng, phi thường hơn đời, các căn vắng lặng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân; thấy rồi liền phát khởi lòng hoan hỷ, sanh lòng lành nghĩ rằng; "Các sách vở ghi chép việc Như Lai xuất hiện rất là khó gặp, đúng thời mới xuất hiện như hoa Ưu-bát đúng thời mới xuất hiện, nay ta nên đến thử".
Khi ấy, Phạm chí tay cầm năm cành hoa, đến chỗ Thế Tôn, lại khởi nghĩ thế này: "Ai có đủ ba mươi hai tướng tốt gọi là thành Phật". Ông liền đem năm cành hoa tung lên mình Phật, và mong thấy được ba mươi hai tướng tốt. Song ông chỉ thấy ba mươi tướng, mà không thấy thêm hai tướng nữa, liền khởi hồ nghi: "Nay quan sát Thế Tôn, không thấy được tướng lưỡi rộng dài và tướng mã âm tàng".
Ông liền nói kệ:
Nghe có ba hai tướng
Tướng mạo của Ðại nhơn
Nay không thấy hai tướng
Tướng hảo có đủ chăng?
Có tướng mã âm tàng
Trinh khiết không dâm chăng?
Có tướng lưỡi rộng dài
Chấm tai, trùm mặt chăng?
Vì tôi hiện tướng ấy,
Ðể dứt các hồ nghi,
Mã âm và tướng lưỡi
Xin nguyện muốn thấy đó.
Khi ấy, Đức Phật Ðăng Quang liền nhập chánh định khiến Phạm chí thấy được hai tướng ấy. Ðức Phật Ðăng Quang liền bày tướng lưỡi rộng dài, liếm trùm cả mặt, phóng ánh sáng lớn, trở lại từ đảnh chui vào. Phạm chí thấy Đức Phật có đầy đủ ba mươi hai tướng, thấy rồi vui mừng hớn hở không thể tự kềm, rồi nói thế này:
- Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho con, ngày nay dùng năm cành hoa dâng lên Như Lai, và đem thân này cúng dường bậc Tôn Thánh.
Khi phát thệ này, năm cành hoa ở trên không trung hóa thành đài báu, rất thù diệu, có bốn trụ bốn cửa. Phạm chí thấy đài báu, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, phát lời nguyện: "Xin cho con đời sau được làm Phật như Đức Phật Ðăng Quang, đệ tử đồ chúng thảy đều như thế".
Khi ấy, Đức Phật Ðăng Quang biết ý nghĩ trong tâm Phạm chí liền mỉm cười. Pháp thường của chư Phật, khi thọ ký thì Phật mỉm cười, trong miệng phát ra hào quang năm sắc chiếu khắp tam thiên đại thế giới, mặt trời mặt trăng không còn ánh sáng, ánh sáng ấy lại từ đảnh mà vào. Nếu khi thọ ký thành Phật thì ánh sáng từ đảnh vào. Nếu khi thọ ký thành Bích-chi Phật, ánh sáng từ miệng phát ra lại trở vào lỗ tai. Nếu thọ ký thành Thanh văn, thì ánh sáng trở vào vai. Nếu thọ ký sanh lên Trời, lúc ấy ánh sáng trở vào cánh tay. Nếu thọ ký sanh loài Người, ánh sáng trở vào hai bên hông. Nếu thọ ký sanh ngạ quỷ, thời ánh sáng trở vào nách. Nếu thọ ký sanh súc sanh, ánh sáng trở vào đầu gối. Nếu thọ ký sanh địa ngục, ánh sáng đi vào gót chân.
Khi ấy, Phạm chí thấy ánh sáng trở vào đỉnh đầu, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, liền trải tóc dưới đất và nói lời này: "Nếu Đức Phật không thọ ký cho tôi, thì ngay chỗ này tôi sẽ tự hủy hoại các căn". Khi ấy Đức Phật Ðăng Quang biết ý nghĩ trong tâm Phạm chí, liền bảo:
- "Ông mau đứng lên. Ðời vị lai sau, sẽ được thành Phật hiệu Thích Ca Văn Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác".
Phạm chí nghe Phật thọ ký rồi, tâm rất vui mừng không thể tự kềm, lập tức ngay nơi ấy được biến hiện tam-muội, bay lên hư không cách mặt đất bảy nhẫn, chắp tay hướng về Đức Phật Ðăng Quang.
Này Ưu-ba-ly ! Thầy chớ lấy làm lạ. Thầy Tỳ-kheo trưởng lão vào thời Đức Phật Bảo Tạng, đâu phải người nào lạ, chính là Đức Phật Ðăng Quang. Còn công chúa Mâu-ni lúc ấy, chính là Ta hiện nay. Lúc ấy Đức Phật Đăng Quang đặt danh hiệu Ta là Thích-ca Văn. Nay Ta do nhân duyên ấy, nên nói pháp Bát-quan trai này, nên phát thệ nguyện, không thệ nguyện không kết quả. Vì sao? Nếu lúc ấy, công chúa phát nguyện như thế, liền ngay nơi kiếp ấy thành tựu sở nguyện, rốt cuộc không thành Phật đạo. Phước thệ nguyện không thể xưng kể, được đến chỗ cam lồ, chỗ diệt tận. Như thế, Ưu-ba-ly, nên học như thế.
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở nước Ma-kiệt, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội, đi dần đến bờ sông.
Bấy giờ, Thế Tôn thấy giữa dòng nước có một khúc gỗ lớn trôi trên mặt nước. Ngài bèn ngồi lại dưới một cội cây bên bờ sông. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy có thấy khúc gỗ bị nước cuốn kia không?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Thưa có thấy.
Phật bảo:
- Ví như khúc gỗ kia, không mắc kẹt bờ bên này hay bên kia, cũng không chìm giữa dòng hay trôi tấp trên bờ, không bị người vớt lên, lại chẳng bị phi nhơn vớt lên, lại không bị nước cuốn xoáy, cũng không bị mục nát. Nó sẽ dần dần trôi đến biển cả. Vì sao? Biển là cội nguồn của các sông.
Tỳ-kheo các Thầy cũng lại như thế. Nếu như các hầy không mắc kẹt ở bờ bên này hay bờ bên kia, không chìm giữa dòng, lại không nằm trên bờ, không bị người hay phi nhân nắm giữ, cũng không bị nước cuốn xoáy, cũng không mục nát, các Thầy sẽ dần dần đến Niết-bàn. Vì sao? Niết-bàn có chánh kiến, chánh chí (tư duy), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, là nguồn cội của Niết-bàn.
Bấy giờ, có người chăn bò tên Nan-đà đang chống gậy đứng xa nghe nói như thế, người ấy bèn đi dần dần đến chỗ Phật. Bấy giờ, người chăn bò bạch Phật:
- Nay con cũng không mắc kẹt bờ bên này hay bờ bên kia, không chìm giữa dòng hay tấp vào bờ, không bị người nắm bắt, không bị phi nhơn nắm bắt, không bị nước cuốn xoáy, cũng không mục nát, dần dần sẽ đến Niết-bàn. Cúi xin Thế Tôn cho phép con ngay tại con đường này, được làm Sa-môn.
Phật bảo:
- Ông đem bò về cho chủ rồi, sau mới được làm Sa-môn.
Người chăn bò Nan-đà thưa:
- Lũ bò này nhớ con của chúng, tự sẽ trở về nhà, cúi xin Thế Tôn cho phép tại đây.
Phật bảo:
- Những con bò này tuy tự trở về nhà, cũng cần Ông đi theo để giao lại chủ.
Khi ấy, người chăn bò nghe lời dạy đem giao bò xong, trở lại chỗ Phật, bạch Phật:
- Nay con đã giao bò xong, cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.
Khi ấy, Thế Tôn liền cho làm Sa-môn, thọ giới cụ túc.
Có một Tỳ-kheo khác bạch Phật:
- Thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là kẹt trên bờ? Thế nào là không bị người nắm bắt? Thế nào là không bị nước cuốn xoáy? Thế nào là không mục nát?
Phật dạy Tỳ-kheo:
- Bờ bên này là thân mình, bờ bên kia là thân diệt hoại. Chìm giữa dòng là dục ái. Tấp trên bờ là ngũ dục. Bị người nắm bắt là: như có người hào tộc phát thệ nguyện rằng: "Nguyện đem công đức phước báu này để được làm vua, hay làm đại thần". Bị phi nhơn nắm bắt là: như có Tỳ-kheo thệ nguyện như vầy: "Sanh trong cõi Tứ thiên vương mà hành Phạm hạnh. Nay ta đem công đức này để sanh cõi Trời". Ðây gọi là bị phi nhơn nắm bắt. Bị nước cuốn xoáy là những điều tà nghi. Mục nát là tà kiến, tà chí (tư duy), tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Ðó là mục nát vậy.
Lúc ấy Tỳ-kheo Nan-đà ở chỗ vắng thanh tịnh, tự tu chuyên cần mà theo đó người dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân trở lại. Tỳ-kheo Nan-đà liền tại chỗ ngồi thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại nước Ma-kiệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với đại chúng năm trăm người câu hội.
Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa, do có thần túc, được thái tử A-xà-thế mỗi ngày đem năm trăm nồi cơm cúng dường. Chúng Tỳ-kheo nghe chuyện Ðề-bà-đạt-đa do có thần túc mà được vua A-xà-thế cúng dường, cùng nhau đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy, nhiều Tỳ-kheo bạch Phật:
- Ðề-bà-đạt-đa oai thần rất lớn, nay được vua A-xà-thế cúng dường, mỗi ngày đem cho năm trăm nồi cơm.
Bấy giờ, Đức Phật nghe lời ấy rồi, bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy chớ khởi ý niệm ấy về sự tham lợi dưỡng của Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa. Kẻ ngu kia do lợi dưỡng này, sẽ tự diệt mất. Vì sao? Ở đây, Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa sở dĩ xuất gia, không đạt kết quả của sở nguyện. Tỳ-kheo nên biết! Ví như có người ra khỏi làng xóm, tay cầm búa bén đến chỗ cây to, trước đó ý mong chặt được cây to. Kịp khi đến nơi, chỉ lấy cành lá trở về nhà.
Nay Tỳ-kheo này cũng vậy, tham trước lợi dưỡng. Do lợi dưỡng này, đối với người khác thì tự khen mình, chê bai việc làm của các Tỳ-kheo khác, ắt không đạt kết quả sở nguyện. Thấy ấy do lợi dưỡng này nên không cần tìm cách khởi tâm dũng mãnh. Như người kia muốn tìm lõi cây không được, bị người trí ruồng bỏ.
Nếu như có Tỳ-kheo được lợi dưỡng rồi, không tự khoe khoang, cũng không chê bai người khác. Hoặc có khi lại đối với người khác tự xưng ta là người trì giới, kia là kẻ phạm giới, Tỳ-kheo ấy không đạt kết quả của sở nguyện. Như người bỏ gốc đem cành lá về nhà, người trí thấy rồi, nói "Người này tuy đem cành cây về nhà, song không biết gốc". Trong đây Tỳ-kheo cũng như vậy. Do được lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, và tu Phạm hạnh, ưa tu chánh định. Tỳ-kheo ấy do chánh định này, tâm đối với người khác tự khoe: "nay ta được định, người khác không định". Pháp đáng làm của Tỳ-kheo ấy cũng không được kết quả.
Cũng như có người tìm lõi cây, đến bên cây to, xem xét thân cây, bỏ các nhánh lá, chỉ lấy gốc đem về. Người trí thấy rồi liền nói thế này: "Người này được riêng phần gốc". Nay Tỳ-kheo này cũng lại như thế, hưng khởi lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, cũng không tự khoe khoang, lại chẳng chê bai người khác, tu hành chánh định, cũng lại như thế mà dần dần tu trí tuệ. Trong pháp này, trí tuệ là bậc nhất. Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa ở trong pháp này đã chẳng được trí tuệ, lại cũng không đủ giới luật.
Có một Tỳ-kheo bạch Phật:
- Thầy Ðề-bà-đạt-đa ấy vì sao không hiểu pháp giới luật? Thầy ấy có thần túc, thành tựu các hạnh, có trí tuệ này, vì sao không hiểu pháp giới luật? Có trí tuệ ắt có chánh định, có chánh định ắt có giới luật.
Phật dạy:
- Pháp giới luật là chuyện thường của thế tục. Thành tựu chánh định cũng là chuyện thường thế tục. Thần túc phi hành cũng là chuyện thường thế tục. Thành tựu trí tuệ, đó mới là nghĩa đệ nhất.
Khi ấy, Thế Tôn bèn nói kệ:
Do Thiền được thần túc,
Không rốt ráo tối thượng,
Không được mé vô vi,
Lại rơi trong ngũ dục.
Trí tuệ là tối thượng,
Không lo, không nghĩ ngợi.
Rốt ráo được đẳng kiến.
Ðoạn dứt chốn sanh tử.
Tỳ-kheo nên biết! Do phương tiện này mà biết Ðề-bà-đạt-đa không hiểu pháp giới luật, cũng không hiểu hạnh trí tuệ, chánh định. Tỳ-kheo các Thầy chớ giống Ðề-bà-đạt-đa tham trước lợi dưỡng. Người tham lợi dưỡng là rơi vào chỗ ác, không đến đường lành. Nếu tham trước lợi dưỡng thì sẽ tập theo tà kiến, lìa chánh kiến, tập tà tư duy lìa chánh tư duy. Tập tà ngữ lìa chánh ngữ, tập tà nghiệp lìa chánh nghiệp, tập tà mạng lìa chánh mạng, tập tà phương tiện lìa chánh phương tiện, tập tà niệm lìa chánh niệm, tập tà định lìa chánh định.
Thế nên Tỳ-kheo! Chớ khởi tâm lợi dưỡng, chế phục khiến đừng khởi. Ðã khởi tâm lợi dưỡng, nên tìm phương tiện diệt trừ. Như thế, này các Tỳ-kheo nên học điều này!
Khi Phật nói pháp vi diệu này có sáu mươi Tỳ-kheo xả bỏ pháp phục, tập hạnh cư sĩ; lại có sáu mươi Tỳ-kheo khác được lậu tận ý giải, sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói thí dụ thuyền bè. Các Thầy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm.
Các Tỳ-kheo thưa:
- Xin vâng! Bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy.
Phật bảo:
- Thế nào gọi là thí dụ thuyền bè? Nếu các Thầy đi đường bị giặc bắt giữ, nên nhiếp tâm ý, đừng khởi niệm ác. Nên khởi tâm hộ niệm trùm khắp mọi nơi, vô lượng vô hạnh không thể tính kể. Giữ gìn tâm như đất, cũng như đất này, nhận vật sạch, cũng nhận vật dơ, phần tiểu dơ uế xấu xa thảy đều nhận hết. Song đất chẳng khởi tâm tăng giảm, không nói rằng: "Ðây là xấu, đây là tốt". Nay việc làm của các Thầy nên cũng như thế. Giả sử bị giặc bắt giữ giam cầm, chớ sanh ác niệm, khởi tâm tăng giảm, như đất, nước, lửa, gió, xấu cũng nhận, tốt cũng nhận, đều không có tâm tăng giảm.
Khởi tâm từ, bi, hỷ, hộ (xả) đối với tất cả chúng sanh. Vì sao? Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì pháp ác mà tập quen. Như có người gặp chỗ tai nạn sợ sệt, muốn qua khỏi chỗ tai nạn đến chỗ an ổn; tùy ý chạy tìm nơi an ổn. Người ấy thấy con sông lớn rất sâu rộng, cũng không có thuyền hay cầu để có thể sang bờ bên kia. Song chỗ đứng bên này rất đáng sợ, bờ bên kia không có. Bấy giờ người kia suy nghĩ tính kế: "Sông này rất sâu lại rộng, nay ta có thể thu thập cây cối, cỏ lá kết lại làm bè qua sông, nhờ bè này để chèo từ bờ này sang bờ kia". Bấy giờ, người ấy liền thu góp cành cây, cỏ lá kết bè mà chèo từ bờ này sang bờ kia. Người ấy đã sang bờ kia liền khởi nghĩ: "Cái bè này rất nhiều lợi ích cho ta, do bè này được qua chỗ ách nạn, từ chỗ sợ hãi đến chỗ không nạn. Nay ta không bỏ bè này, đi đâu cũng mang theo".
Thế nào, các Tỳ-kheo! Người kia đến nơi rồi có thể vác chiếc bè theo chăng? Hay không nên vác theo?
Các Tỳ-kheo thưa:
- Bạch Thế Tôn không nên. Nguyện vọng của người ấy đã được kết quả, còn dùng bè vác theo làm gì!
Phật bảo Tỳ-kheo:
- Pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Phật:
- Thế nào là pháp thiện còn phải bỏ, huống gì phi pháp? Chúng con há không do pháp mà học đạo ư?
Phật bảo:
- Y nơi kiêu mạn diệt kiêu mạn, mạn mạn, tăng thượng mạn, tự mạn, tà kiến mạn, mạn trung mạn, tăng thượng mạn. Dùng không mạn diệt mạn mạn, vô mạn; dùng chánh mạn diệt tà mạn, tăng thượng mạn, diệt sạch bốn mạn.
Xưa kia, khi Ta chưa thành Phật đạo, ngồi dưới cội cây bèn nghĩ như vầy: "Trong cõi dục giới, ai là người hào quý nhất Ta sẽ hàng phục. Trong cõi dục giới này, chư Thiên và loài Người thảy đều hàng phục". Lúc ấy, Ta lại nghĩ thế này: "Nghe nói có tệ ma Ba-tuần, nay Ta sẽ chiến đấu với Ma ấy, do hàng phục ma Ba-tuần, tất cả chư Thiên hào quý kiêu mạn đều sẽ bị hàng phục".
Khi ấy, Ta ngồi nơi tòa mỉm cười, khiến cho cảnh giới ma Ba-tuần thảy đều chấn động. Trong hư không nghe có tiếng nói kệ:
Bỏ pháp vua chơn tịnh,
Xuất gia học cam lồ,
Nếu người phát nguyện rộng,
Không ba đường ác này.
Nay ta họp binh chúng,
Ðến thăm Sa-môn kia,
Nếu không theo ý ta,
Nắm chân ném ra biển.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.14.104 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.